Mỗi ha tiêu mất 1 tỉ đồng sau bão số 12

Ngoài hàng trăm ngôi nhà bị sập, tốc mái, đường sá hư hỏng, cơn bão số 12 còn gây thiệt hại rất lớn về sản xuất nông nghiệp cho nông dân ở Gia Lai. Với những người trồng các loại “cây vàng” như cà phê, hồ tiêu thì cơn bão đã  “thổi” bay toàn bộ gia sản mà họ tích cóp hàng chục năm trời mới có được.

Mỗi ha tiêu mất 1 tỷ đồng 

Tiếp xúc với PV Dân Việt chiều 5.11, anh Nguyễn Đức Hùng (thôn 1, xã Hải Yang, huyện Đắk Đoa) thảng thốt nói: “Hết sạch rồi anh ơi!”. Chỉ trong vài giờ cơn bão số 12 càn quét, vườn tiêu 1.200 trụ (tương đương 1,2ha) của gia đình anh đã bị xô ngã gần hết, chỉ còn sót lại khoảng 100 trụ. Chỉ những trụ tiêu xanh tốt, trĩu quả nằm rạp dưới đất, anh Hùng nói như khóc: “Vợ chồng tôi thế chấp toàn bộ tài sản, vay ngân hàng đầu tư hết vào đây, chăm bẵm suốt 3 năm ai nhìn thấy cũng khen. Vậy mà bây giờ còn lại không được một phần mười”.

Hàng nghìn trụ tiêu ở Gia Lai đã gãy đổ do bão

Theo tính toán của anh Hùng, từ khi trồng đến năm thứ ba, 1.200 trụ tiêu đã “ngốn” hết 500 triệu đồng, năm nay cho thu bói khoảng gần 500 triệu (6 – 7 tấn). Như vậy bão số 12 đã “thổi” bay 1 tỷ đồng của gia đình anh, chưa kể tiền lãi ngân hàng.

Quan sát vườn tiêu của anh Hùng, chúng tôi thấy tất cả các trụ tiêu đều được giằng dây thép chống ngã, nhưng đây cũng là một nguyên nhân khiến cả vườn đổ rạp, bởi trụ này ngã sẽ lôi thêm trụ khác. Sau khi ngã, phần lớn cây tiêu đều bị đứt gốc, phơi rễ lên mặt đất.

Cách vườn tiêu anh của Hùng không xa, anh Vũ Văn Sáng đang ngẩn ngơ với 1.500 trụ tiêu xơ xác.  “Tôi đầu tư làm trụ bằng bê tông kiên cố, nên chỉ có 200 trụ bị ngã. Nhưng khổ nỗi tiêu trồng bằng trụ bê tông, nếu đổ ngã thì coi như mất trắng, không thể phục hồi lại được”, anh Sáng cho biết.

Nói về cơn bão số 12, anh Phạm Hồng Vỹ (trú thôn 1, xã Hải Yang) vẫn chưa hết bàng hoàng: “Chưa bao giờ tôi thấy một cơn bão khủng khiếp như vậy, dường như tất cả các loại cây trồng ở Tây Nguyên đều không chịu đựng nổi với sức gió của nó. Chả trách người ta đặt tên là bão Con Voi”. 

Người trồng cà phê cũng liêu xiêu 

Đến chiều 5.11, các huyện trọng điểm trồng hồ tiêu ở Gia Lai vẫn chưa thống kê hết thiệt hại. Nhưng báo cáo sơ bộ đã có gần 30.000 trụ tiêu bị ngả đổ hoàn toàn, trong đó huyện Chư Pưh gần 18.000 trụ, huyện Đắk Đoa 5.475trụ, huyện Mang Yang 6.000 trụ.

Người dân tìm cách dựng lại các trụ tiêu đã ngã nhằm vớt vát lại phần nào khi mùa thu hoạch sắp tới.

Không chỉ hồ tiêu, người trồng cà phê ở Gia Lai cũng đang khóc ròng vì quả rụng xanh mặt đất, cây bị lay gốc đứt rễ, trong khi thời điểm thu hoạch đã cận kề. Đặc biệt, tại xã Đăk Ta Ley, huyện Mang Yang có đến 40% diện tích cà phê bị rụng quả và lay gốc. Vụ cà phê năm nay coi như trắng tay, hàng trăm nông dân ở xã này đang “vắt óc” nhưng chưa nghĩ được cách trả nợ cho các đại lý phân bón, xăng dầu mà họ mua chịu từ đầu năm.

Theo báo cáo chiều 5.11 của Sở NN&PTNT Gia Lai, do ảnh hưởng của bão số 12, huyện Phú Thiện có 286 ngôi nhà bị ngập, 162 con trâu bò bị và gần 1.000 gia cầm bị chết, nhiều km quốc lộ 25 (nối Gia Lai với Phú Yên) và kênh mương thủy lợi bị hư hỏng. Huyện Krông Pa có 38 ngôi nhà sập và tốc mái,  hơn 600 ha cây trồng bị ngập và nhiều bò, dê, lợn bị nước cuốn trôi…

Nguồn: Dân việt được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Làng hoa miền trung “mất tết” vì lũ

Được mệnh danh là vựa hoa xuân của miền Trung, nhưng hiện tại, người dân các làng hoa tết Quảng Ngãi khóc nức nở khi bao nhiêu công sức đã bị nước lũ cuốn đi.

Chiều 6-11, khi chúng tôi vào vùng rốn lũ dọc sông Vệ, người dân những làng hoa tết Nghĩa Mỹ, Nghĩa Hiệp, TT Sông Vệ (huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) khóc ròng vì cơn lũ dữ đã cướp đi hơn 200.000 chậu hoa tết.

Tại các làng hoa, nước lũ đã nhấn chìm toàn bộ những diện tích trồng hoa. Người dân cho biết nước lũ về quá nhanh, trở tay không kịp nên chẳng cứu được chậu hoa nào, chỉ lo tháo chạy.

Ông Huỳnh Bảy (thôn Mỹ Hòa, xã Nghĩa Mỹ) trồng 1.000 chậu hoa cúc Tết. Thời điểm cây sắp cho nụ thì lũ lớn đột ngột, càn qua vườn hoa khiến cây ngập đầy bùn.

Cũng như bao hộ dân trồng hoa khác, ông Bảy không kịp cứu một chậu hoa nào. Chưa kể công sức bỏ ra, ông Bảy đã thiệt hại 60 triệu đồng.

“Chậu hoa bị cuốn trôi một phần, một phần bị bể, số khác đầy bùn, nhìn xót lắm mà không biết làm gì được. Nước lên nhanh quá không ai dám ra vườn hết”, ông Bảy trầm tư.

Theo kinh nghiệm của người dân thì hoa ngập trong lũ coi như hỏng hoàn toàn. Sau lũ dù có cứu cách nào thì hoa cũng sẽ rụng lá và chết dần.

Ông Phạm Dư, nước mắt ngắn dài, cố dội nước rửa bùn trên những chậu hoa còn “ngóc đầu” bảo: “Coi như cả làng tết này đói chắc. Ai mà ngờ lũ về nhanh vậy.”

Ông Trần Thiên Thanh, trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Tư Nghĩa, cho biết: “Lũ trên sông Vệ ngang với đỉnh lũ lịch sử năm 2013 và lên quá nhanh, chỉ trong một đêm đã cô lập các vựa hoa. Người dân đành bất lực. Huyện cũng đã có văn bản gửi tỉnh Quảng Ngãi báo cáo sơ bộ tình hình và mong tỉnh có phương án hỗ trợ người dân trồng hoa.”

“Tính đến thời điểm hiện tại, toàn huyện có khoảng trên 200.000 chậu hoa các loại bị hư hại do lũ. Người trồng hoa đang nỗ lực cứu vườn hoa của mình. Dù biết tỷ lệ sống rất thấp nhưng họ vẫn nuôi hi vọng. Còn nước thì còn tát”, ông Thanh nói.

Không phải năm nay vựa hoa xuân của miền Trung mới xảy ra lũ tàn phá, nhưng những năm trước, người dân còn cứu được ít diện tích. Năm nay thì không cứu được bất kỳ chậu hoa nào. Họ ngậm ngùi khóc hoa…

Nhiều cây hoa chìm hoàn toàn trong nước

Lũ vừa giảm xuống người dân đã lo “tắm rửa” cho hoa dù biết không cứu được là bao

Cố gắng cứu những chậu hoa còn ngoi đầu lên trước lũ

Nguồn: Báo tuổi trẻ được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Mắc màn cho cam – hiệu quả bất ngờ

Vợ chồng anh Đặng Văn Thắng ở xóm 26/3, Tổng đội Thanh niên xung phong 2, xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương (Nghệ An) đã mắc màn cho cam – một phương pháp bảo vệ cây trồng mới, đem lại hiệu quả bất ngờ trong sản xuất.

Những hàng cam dài được phủ màn tuyn trắng như “cây tuyết” từ ngọn đến gốc

Anh Thắng cho biết, nhà anh có 8ha vườn đồi, trồng nhiều loại cây, trong đó, cam và quýt khoảng 1.000 gốc. Năm nay, những hàng cam Xã Đoài trồng từ năm 2012 đã cho quả bói, nên từ tháng 5 hai vợ chồng đã bàn bạc tìm cách đối phó với nạn sâu bọ, nhất là loại “bướm ma mắt đỏ”, “đốt đâu rụng đó”. Ở địa phương, những người trồng cam đã dùng nhiều phương cách để bảo vệ cây nhưng vẫn không đem lại hiệu quả như mong muốn. Nhiều diện tích cam của các hộ lân cận bị sâu bọ chích rụng hàng tạ quả, khiến vợ chồng anh càng lo lắng hơn.

Sau nhiều đêm suy nghĩ, tính toán, anh Thắng đã nảy ra ý tưởng sẽ bảo vệ cam bằng 1 cái lồng. Lúc đầu anh nghĩ sẽ bọc những cây cam bằng lưới thép, nhưng làm lưới thép chi phí khá cao, lại không bền với mưa nắng, sau anh liên tưởng đến cách chống muỗi khi ngủ của người và nghĩ đến việc mua màn về mắc cho cam. Hai vợ chồng thống nhất và quyết định đi chợ Vinh mua màn. Lúc đem màn về, cả nhà hí hoáy đi ướm từng hàng cam để may. Anh Thắng nói vui: “Người thì đang nằm màn rách, cây lại được giăng màn mới toanh. Dễ mà bị thiên hạ cười lắm”.

Cây cam được mắc màn xung quanh

Số màn này được phủ lên cây cam khi quả cam đã gần chín, đã tỏa mùi thơm. Đây là lúc nhiều loại côn trùng tụ tập về vườn cam để hút chích. Việc phủ màn lên cam, lúc đầu đã gây nên sự chú ý đặc biệt của những người trồng cam trong xã. Ai cũng thấy lạ lẫm vì từ xưa tới nay, người dân địa phương chỉ bảo vệ cam bằng cách bắt sâu thủ công, phun thuốc sâu, thắp bóng điện, bọc quả cam bằng túi ni lông… chứ chưa ai mắc màn cho cam cả.

Lần đầu tiên, làm chuyện “quái dị”, vợ chồng anh Thắng không dám “bọc màn” cho toàn bộ số cam trong vườn, mà chỉ làm thí điểm một phần diện tích. 5 cuộn màn mua về, chỉ bọc 100 gốc cam, số còn lại đang cất trong nhà. Anh Thắng cho biết, chi phí ban đầu để mắc màn cho cam khoảng 150 – 200 nghìn đồng/cây. Sau khi làm xong, cả nhà hồi hộp theo dõi sự phát triển của những cây cam “bọc màn”.

Rất mừng là những hàng cam này vẫn xanh tốt bình thường. Các loại sâu bướm phá hoại thường gặp không thể chui vào trong cam để chích quả được. Sau 3 tháng, lứa cam “đội màn” đầu tiên với mùa quả bói đã cho thu hoạch hơn 1 tấn quả. “Chất lượng cam rất tốt. Màu quả đẹp, vẫn thơm ngon như những cây cam khác”, anh Thắng chia sẻ.

Chất lượng cam rất tốt khi được mắc màn

Chị Phan Thị Lai – vợ anh Thắng cho biết, khi thu hoạch cam cứ việc giơ màn lên, chui vào hái quả. Cam hái hết đến đâu thì cuốn màn đến đó. Số màn này sẽ được thu dọn, giặt sạch, cất cho mùa cam năm sau. Dự định một lần mua màn sẽ dùng được 3 – 4 năm. Như vậy tính ra chi phí mắc màn cho mỗi gốc cam cũng chỉ 50 – 70 nghìn đồng.

Hiện cam trên vườn đã thu hoạch gần xong, anh Thắng quả quyết: “Đến giờ, tôi dám khẳng định hiệu quả của việc phủ màn cho cam là thành công ngoài mong đợi. Cam phủ màn, số quả từ lúc mắc màn tồn tại cho đến lúc thu hoạch gần 100%. Quả cam không bị cháy xém hay bị sâu chích. Người trồng không phải mệt mỏi vì chuyện bắt sâu cả đêm, hay lọc cọc mang bình phun thuốc vừa mệt, vừa độc. Ngoài ra, cam phủ màn là cam sạch “chính hiệu” được người tiêu dùng ưa chuộng. Người mua đăng ký khá nhiều nhưng nhà tôi không có cam để bán”.

Theo nongnghiep.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.

Trồng sen bán lá cho thu nhập cao

Bà Nguyễn Thị Kiên ở ấp Phú Thọ C, xã Phú Thọ (Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) đã chuyển 10.000m² đất ruộng làm lúa kém hiệu quả sang trồng giống sen Đài Loan bán gương. Tuy nhiên, bán gương sen thu lợi nhuận thấp nên bà chuyển sang trồng sen bán lá tươi cho Công ty CP Tứ Quý Đồng Tháp để chế biến trà lá sen và có thu nhập khá.

Sau hơn 70 ngày chăm sóc, bước đầu bà Kiên đã thu cắt được trên 500kg lá sen tươi, bán 5.000 đồng/kg, thu nhập hơn 2,5 triệu đồng. Trừ tất cả chi phí đầu tư và công chăm sóc, bà Kiên còn lãi gần 2 triệu và đang tiếp tục thu cắt lá sen tươi bán cho Công ty Tứ Quý.

Hái lá sen bán cho các cơ sở làm trà

Bà Kiên cho biết: “Lấy lá thì dễ còn lấy gương thì khó lắm, mắc xịt thuốc đủ thứ hết trơn. Còn lấy lá thì không hao tốn nhiều mà thu hoạch ngon hơn trồng sen lấy gương”.

Đúng như chia sẻ của bà Kiên, trồng sen lấy lá ít chi phí hơn. Sau khoảng 2 tháng trồng là có thể hái lá và thu hoạch liên tục trong 3 – 4 tháng. Nếu chăm sóc tốt thì có thể cho thu hoạch cả lá và gương.

Lá sen được thu hoạch để bán

Anh Lê Văn Thuận ở ấp Thống Nhất, xã Phú Thọ trồng 23.000m² sen Thái, nhờ chăm sóc tốt anh vừa thu hoạch cả gương và lá nên có nguồn thu nhập tăng thêm rất đáng kể. Sau khi bán được được hơn 1 tấn sen tươi với giá 5.000 đồng/kg, trừ tất cả chi phí đầu tư và công chăm sóc, anh Thuận thu lãi gần 3 triệu đồng.

Trồng sen lấy lá bán – nghề có thu nhập cao

Hiện nông dân huyện Tam Nông đã trồng trên dưới 100ha sen bán gương, ngó và hạt. Trong đó, xã Phú Thọ là địa phương có diện tích trồng sen cao nhất huyện, với gần 50ha. Từ tháng 11/2016 đến nay, đã có khoảng 10ha trồng sen lấy lá tươi.

Theo ông Đỗ Công Bình, Giám đốc Công ty Cổ phần Tứ Quý Đồng Tháp, trung bình mỗi ngày, Cty thu mua từ 400 – 600kg lá sen tươi chế biến trà lá sen. Khoảng 13kg lá sen tươi, sau khi xắt sợi, sấy khô, xay nhuyễn sẽ cho ra một kg trà sen thành phẩm.

Lá sen khô

Để có vùng trồng sen lấy lá tươi nguyên liệu sản xuất ổn định, Công ty đã liên kết bao tiêu lâu dài sản phẩm của bà con. Từ 10ha trồng sen lấy lá được thu mua ổn định với giá 5.000đ/kg, tới đây Công ty sẽ mở rộng liên kết tiêu thụ lá sen tươi lên khoảng 30ha.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Khánh Hòa: Xót xa nhìn vườn chuối đổ như ngả rạ, nông dân mất tết

Đó là những lời than vãn, nghe rất xót xa của các hộ trồng chuối tại xã Suối Cát, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa).

Sau cơn bão số 12, PV Dân Việt đã đến khu vực xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, một vùng chuyên trồng chuối và được xem lớn nhất khu vực tỉnh Khánh Hòa. Toàn bộ những vườn chuối hiện đều bị bật gốc và ngã đổ, các cây chuối ngã tính không xuể. Đi đến nhà nào, người dân cũng đều lắc đầu than vãn mất trắng hết rồi chú ơi, chẳng còn gì nữa cả…

Ông Nguyễn Xuân Anh đang chặt các buồng chuối để vứt bỏ

Một buồng chuối bị bùn đất vùi lấp

Đang loay hoay bên vườn chuối 5 sào, ông Nguyễn Xuân Anh (xã Suối Cát, Cam Lâm) cho biết: “Vườn chuối 520gốc này là chuối cấy mô tôi trồng được hơn 1 năm, sau khi chăm sóc đã có trên 80% gốc chuối có buồng. Ông đang mừng thầm vì dự kiến bán vào thời điểm Tết này, mỗi buồng nhẩm tính giá từ 0,8 – 1 triệu đồng. Ai ngờ, cơn bão 12 đi qua đã cuốn sạch, chuối đã bị gãy nữa thân rất nhiều nằm la liệt trong vườn, chỉ còn cách chặt vứt bỏ”.

Ông nói, đau xót hơn là vườn diện tích 2ha chuối và xoài nằm trên đồi, bão qua đã cướp mất. Cả hai ngày nay ông không lên vườn này vì cảm thấy chán nản, bao nhiêu vốn liếng công sức giờ đã trở thành con số không. Gia đình ông thiệt hại ước tính khoảng gần 200 triệu đồng.

Chuối gãy nằm la liệt, tính không xuể

Nằm sát bên cạnh, bà Lê Thị Mai cho hay, gia đình có 3 sào chuối, mỗi năm thu nhập trên 50 triệu đồng. Nhờ nguồn này mà có tiền nuôi con cái ăn học và trang trải trong gia đình. Cơn bão tràn vào đã làm cho vườn chuối hư hết, giờ gia đình không biết lấy nguồn nào để sống…

Bão số 12 đi qua đã làm cho nhiều diện tích chuối của người dân xã Suối Cát thiệt hại nặng

Theo đại diện địa phương cho biết, chuối là một trong những cây chủ lực, bà con có thu nhập chủ yếu từ trồng các giống chuối cau, chuối mốc, chuối mùi hương, với diện tích khoảng 1.000ha chuối. Cơn bão 12 đổ bộ làm cho nhiều hộ bị mất trắng, nhiều hộ lâm vào cảnh lao đao.

Nguồn: Dân Việt được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Phòng trừ sâu bệnh hại cho cây mía

Phòng trừ cỏ dại:

– Cần tiến hành làm cỏ sớm, Đặc biệt là ở giai đoạn mía <4 tháng tuổi, phải đảm bảo ruộng mía luôn sạch cỏ dại.

– Biện pháp thủ công: Có thể dùng cuốc, bằng tay, trâu bò cày xới giữa hàng để diệt cỏ.

– Biện pháp hóa học:

+ Ngay sau khi trồng: nếu đất có nhiều cỏ có thể phùn trong các loại thuốc tiền này mầm như : Mizin 80WW (3-6 kg/ha). Dual gold 906EC90,5-0,6 l/ha) tiến hành phun phủ cả ruộng , trong phạm vi từ 2-5 ngày sau khi trồng. Chú ý đất phải đủ ẩm khi phun.

+ Giai đoạn 30-40 ngày sau trồng có thể sử dụng các loại thuốc diệt cỏ được khuyến cáo để phun giữa các hàng mía(tránh phun vào ngọn và lá mía).

+ Giai đoạn 2-4 tháng sau trồng. Nếu xuất hiện cỏ nhiều do làm cỏ không kip hoặc do trước đó khồng trừ cỏ , có thể sử dụng thuốc trừ có tiếp xúc.

Phòng trừ một số sâu bệnh hại:

– Sâu đục thân:

+ Dùng thuốc Basudin 10G hoặc Diaphos 10H với liều dùng từ 20-30 kg/ha rải vào rãnh mía trước khi đặt hom hoặc rải vào sát gốc mía trước khi vun.

+ Cắt bỏ cây mầm bị sâu và làm sạch cỏ.

– Rệp bông trắng:

+ Làm sạch cỏ, bóc và cắt lá già cho ruộng mía thông thoáng

+ Khi thấy rệp xuất hiện cần tổ chức diệt trừ dứt điểm để không lấy lan bằng thuốc Trebon 10EC pha với nộng độ 0,1-0,15 % mỗi ha sử dụng từ 1 -1,5 lít thuốc. phun ướt đẫm đều khắp mặt lá, phun thật kỹ, tập trung những nơi có ổ rệp.

– Bệnh than:

+ Kịp thời nhổ bỏ và tiêu hủy khi mía bị bệnh

+ Ruộng mía bị bệnh nặng không nên để lưu gốc và phải luôn canh cây họ đậu từ 1-2 năm.

– Bệnh chồi cỏ, trắng lá:

+ Tổ chức, sử dụng hom giống sạch bệnh.

Các loại bệnh liên quan đến dinh dưỡng:

– Đạm:

Đạm là nguyên tố rất cần thiết cho quá trình quang hợp(N là thành phần quan trọng của phân tử diệp lục- Mỗi phân tử diệp lục có chưa tới 4 nguyên tử đạm).

Khác với các nguyên tố khác, việc thừa N ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sinh trưởng, phát triển và hình thành năng suất của cây mía, cây sinh trưởng quá mạnh, thân lá tăng trưởng nhanh mà mô cơ giới kém hình thành nên cây rất yếu và gây hiện tượng lốp đổ, giảm năng suất , chữ đường nghiêm trọng.

+ Thiếu đạm:

Thiếu đạm làm cho cây sinh trưởng rất kém ,lóng ngắn, thân thấp, diệp lục không được hình thành ,đẻ nhánh kém, giảm sút hoạt động quang hợp và tích lũy, giảm năng suất nghiêm trọng. Triệu chứng thiếu hụt điển hình nhất lá lá mía hóa vàng, đặc biệt là ở các lá vàng gần gốc cây.Khi thiếu N nghiêm trọng thì các lá này bị vàng úa và rụng. Các lá non thể hiện triệu chứng muộn hơn do có thể huy động N từ các lá giá. Như vậy triệu chứng thiếu đạm ở lá mía có thể nhận biết bằng việc quan sát mía thấy hiện tượng có lá xanh nhạt ở phía trên và vàng ở phía dưới(N là nguyên tố linh động).

– Lân:

Lân có tác dụng thúc đẩy mía sinh trưởng và phát triển rễ sớm, có vai trò trong sự quang hợp, hộ hấp và các tiến trình khác của cây.
Biểu hiện của cây mía thiếu lân đó là bộ rễ phát triển kém, thân mảnh, lá hẹp ngắn hơn bình thường, chuyển từ mầu xanh đậm sang huyết dụ, mía chín chậm..

Lân cũng như đạm là nguyên tố linh động nên nó biểu hiện từ các lá già sau đó mới chuyển sang các lá non.

– Kali:

Kali có tác dụng điều chỉnh các đặc tính lý hóa của keo nguyên sinh và ảnh hưởng đến tốc đô và chiều hướng của các quá trình xảy ra trong tế bào, Kali điều chỉnh sự đóng mở khí khổng, Kali điều chỉnh dòng vận chuyển các chất hữu cơ trong mạch libe, Kali điều chỉnh tốc độ tích lũy về các chất đồng hóa trong mạch dây đặc biệt là điều chỉnh các chất hữu cơ tích lũy về các cơ quan kinh tế nên có ý nghĩa quan trong trong tăng năng suất kinh tế. Vì vậy, bón kali sẽ làm tăng chữ đường, tăng sinh khối của cây mía.

Ngoài ra Kali còn làm tăng tính chống chịu của mía với các điều kiện ngoại cách bất thuận như tính chống chịu, tính chịu hạn, nóng…

Thiếu Kali cây mía có biểu hiện lá ngắn, hẹp, xuất hiện các chấm đỏ, lá bị khô rồi héo do mất sức trương, triệu chứng quan sát được trước tiên lá xuất hiện đốm vàng hoặc viền quanh mép lá bị mất mầu dần chuyển sang khô, thân ốm mềm, hệ thống rễ phát triển kém.

– Can xi:

Canxi tham gia vào hình thành nên thành tế bào, màng tế bào can xi kết hợp với axit pecinic tao nên pectat canxi có mặt ở lớp giữa của thành gắn chặt các tế bào với nhau thành 1 khối.

Canxi có ý nghĩa quan trọng trong việc trung hòa độ chua và đối kháng với nhiều ion khác trong cây , loại trừ độ độc tinh khiết của các cation có mặt trong chất nguyên sinh như H+, Na+, Al 3+…

Trong đất canxi có tác dụng trung hòa độ chua của đất thuận lợi cho sự sinh trưởng của rễ và hoạt động của vi sinh vật.

Triệu chứng thiếu Canxi của mía: lá già có những đốm mầu vàng, có thể chết sớm. lá non uốn cong hình móc câu, đầu lá vàng , rìa lá bị héo khô, thân ốm, rễ phát triển chậm.

– Silic:

Mía có khả năng hấp thu silic rất cao, silic giúp tăng hiệu quả quá trình quang hợp , tăng khả năng chống hạn, chống úng cho mía.

Thiếu Silic lá có những đốm trắng tròn hoặc bầu dục, lá già cỗi sớm, mía đẻ nhánh kém.

Thiếu silic mía thường dễ đổ và nhiễm các bệnh nấm.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Cấp 1.000 tỷ đồng khắc phục hậu quả bão, lụt

Tại hội nghị trực tuyến với một số tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên chiều 6-11, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cấp 1.000 tỷ đồng để khắc phục hậu quả do bão số 12 gây ra. Đồng thời, những tỉnh bị thiệt hại nặng như: Khánh Hòa, Phú Yên… sẽ được hỗ trợ ít nhất 500 tấn gạo và thuốc men để phục vụ công tác ứng cứu.

Chiều 6-11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp trực tuyến với một số tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên về công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 12. Dự họp tại điểm cầu Khánh Hòa có các ông: Lê Thanh Quang – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Tấn Tuân – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Đức Vinh – Chủ tịch UBND tỉnh, cùng đại diện các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, bão số 12 đã gây ra thiệt hại nặng nề với 46 người chết, 15 người bị thương. Hơn 1.350 nhà bị sập đổ và 114.860 nhà bị tốc mái, hư hỏng. Đến nay, đã có hơn 1.280 tàu cá bị chìm, hư hỏng; khoảng 5.300ha lúa, 14.850ha rau màu bị ngập, thiệt hại. Khánh Hòa là tỉnh bị thiệt hại nặng nhất.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đề nghị Thủ tướng hỗ trợ thêm lực lượng để các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên khôi phục mạng lưới điện và viễn thông một cách sớm nhất; Chính phủ sớm có chính sách hỗ trợ người dân ở những tỉnh bị thiệt hại nặng.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Lê Đức Vinh cho biết, đến thời điểm này tỉnh Khánh Hòa có 27 người chết. Ngoài ra, còn có 133 người bị thương và 5 người mất tích. Về nhà ở, toàn tỉnh có 993 nhà sập hoàn toàn, 97.851 nhà tốc mái, trong đó tập trung chủ yếu ở TP. Nha Trang, thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh. Về chăn nuôi, có nhiều chuồng trại bị sập, tốc mái, dẫn đến bị cuốn trôi và chết khoảng 241.000 con gia cầm, 400 con heo và 130 con bò. Toàn tỉnh có khoảng 25.311ha cây trồng bị thiệt hại, trong đó có hơn 3.800ha lúa, 1.317ha rau màu, 2.300ha cây hàng năm, hơn 2.600ha cây ăn quả. Về thủy sản, có hơn 1.200ha đìa tôm, cá bị vỡ, 24.320 lồng nuôi thủy sản bị cuốn trôi, hơn 1.000 tàu thuyền bị đánh chìm. Bên cạnh đó, bão còn làm 28,6km bờ sông bị sạt lở, 12km kênh mương bị đứt gãy, sạt lở khoảng 42km đường giao thông bê tông. Về công nghiệp, có 720 trụ điện bị gãy, hàng trăm kilômet dây truyền tải bị đứt, 50 trạm biến thế bị hư hỏng. Ngoài ra, còn có 79 cơ sở y tế bị tốc mái, hư hỏng trang thiết bị, hàng nghìn cây xanh bị gãy.

Ông Lê Đức Vinh kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo hỗ trợ khẩn cấp cho Khánh Hòa 25.000 tấn gạo; 200.000 viên sát khuẩn Aquatasbs, 5.000kg Cloramin B để khử khuẩn, làm sạch nước; 30.000 lít chất sát trùng để khử trùng tiêu độc ở môi trường chăn nuôi, khu vực buôn bán gia súc, gia cầm; 50.000 lít hóa chất Chlorine để xử lý mầm bệnh và phòng bệnh các vùng nuôi trồng thủy sản; 15.000 liều vắc xin tai xanh. Về kinh phí, tỉnh đề nghị Trung ương hỗ trợ 1.155 tỷ đồng, trong đó 400 tỷ để sửa chữa các công trình y tế, trường học, trụ sở cơ quan, các công trình hạ tầng kỹ thuật; 500 tỷ đồng để khắc phục các công trình giao thông, thủy lợi, công trình sạt lở bảo vệ bờ…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ, gửi lời chia buồn đến các gia đình có người bị nạn, đồng thời biểu dương các cấp, các địa phương trong việc ứng cứu bão lụt. Thủ tướng yêu cầu chính quyền các cấp tiếp tục chỉ đạo đồng bộ công tác khắc phục hậu quả của bão để nhân dân không bị đói, không bị màn trời chiếu đất, không bị dịch bệnh. Đảm bảo giao thông đi lại ở các quốc lộ, tỉnh lộ và lượng thuốc men cần thiết. Các địa phương cần giải quyết tốt chế độ cho người dân, không để người dân thiếu ăn và dịch bệnh xảy ra. Tại cuộc họp, Thủ tướng đã quyết định hỗ trợ 1.000 tỷ đồng cho các tỉnh bị thiệt hại do bão số 12; đồng thời hỗ trợ một lượng gạo cần thiết cho các tỉnh, trong đó những tỉnh bị thiệt hại nặng như Khánh Hòa, Phú Yên ít nhất 500 tấn, các tỉnh bị thiệt hại nhẹ hơn 200 tấn.

Nguồn: Baokhanhhoa.com.vn được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Khánh Sơn: Thiệt hại hơn 1.000ha cây trồng

Do không nằm trong tâm bão, huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) không có thiệt hại về người, nhưng cơn bão số 12 đã gây hư hại hơn 1.000ha cây trồng tại các xã, thị trấn; hàng trăm căn nhà hư hỏng, đổ sập.

Nhặt nhạnh những thứ còn sót lại trong căn nhà đã bị tốc mái, hư hỏng nặng do cơn bão số 12, anh Cao Hoàng Quốc (thôn Suối Đá, xã Ba Cụm Bắc) không khỏi lo lắng cho cuộc sống của cả gia đình 4 nhân khẩu trong những ngày sắp tới. Anh Quốc thuộc hộ nghèo, bản thân bị thương tật do lao động, không thể làm được việc nặng nên việc khôi phục lại căn nhà nằm ngoài khả năng của gia đình. Hiện tại, gia đình anh Quốc đang phải ở nhờ nhà hàng xóm. “Ngoài không còn nhà để ở, toàn bộ diện tích keo, chuối của tôi bị bão làm hư hại nặng nên gia đình đang rất khó khăn, mong nhận được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành”, anh Quốc bộc bạch.

Đứng thất thần trước vườn sầu riêng bị đổ rạp, bật tung gốc, ông Lê Đăng Thung (thôn Dốc Gạo, thị trấn Tô Hạp) không thể tin được những cây sầu riêng đã giúp gia đình ông thoát nghèo, vươn lên làm giàu trong mười mấy năm qua, nay chỉ sau một buổi sáng đã bị thiệt hại hoàn toàn. Trong cơn bão số 12 vừa qua, gia đình ông có gần 200 cây sầu riêng đang trong thời kỳ cho trái bị đổ gãy, trong đó có 150 cây từ 15 năm tuổi trở lên. Không thể khôi phục được, gia đình ông đành chặt bỏ. “Gia đình tôi gây dựng cơ ngơi trong suốt 20 năm qua. Vậy mà chỉ qua 2 giờ mưa bão, cả vườn sầu riêng đã đổ gãy hết, thiệt hại lên đến vài tỷ đồng”, ông Thung nói.

Thống kê sơ bộ, đến ngày 6-11, huyện Khánh Sơn đã có 139 căn nhà bị tốc mái, 17 căn bị đổ sập, tập trung ở các xã như: Ba Cụm Bắc, Sơn Bình, thị trấn Tô Hạp… Bên cạnh đó, trên tuyến Tỉnh lộ 9, các tuyến đường liên xã, liên thôn cũng đã có nhiều cây cối bị đổ, ngã, gây cản trở giao thông. Về sản xuất, toàn huyện có khoảng 1.081ha cây trồng bị thiệt hại, trong đó nhiều nhất là diện tích rừng sản xuất (hơn 470ha), chuối hơn 300ha, 129ha sầu riêng… Tổn thất nặng nề nhất là những hộ trồng sầu riêng, bởi phần lớn diện tích bị đổ gãy là những cây từ 7 đến 8 năm đến hơn 15 năm, đang trong thời kỳ cho thu nhập cao.

“Ngay sau khi cơn bão đi qua, chúng tôi cũng đã huy động lực lượng giúp người dân khắc phục hậu quả. Đến nay, những hộ có nhà và bếp bị hư hỏng nhẹ đã được khắc phục. Các tuyến đường giao thông có cây bị đổ gãy đã được dọn dẹp. Nguồn nước sinh hoạt đã cung cấp đầy đủ cho người dân. Tuy nhiên, một số hộ có nhà bị hư hỏng nặng đang rất cần sự hỗ trợ của cấp trên”, ông Lê Ánh Sáng – Chủ tịch UBND xã Thành Sơn cho biết.

Công việc khắc phục hậu quả sau bão tại các xã, thị trấn hiện tại gặp không ít khó khăn. Hầu hết những gia đình bị thiệt hại về nhà cửa đều thuộc diện hộ nghèo nên khó có khả năng tự khắc phục, một số hộ có nguy cơ thiếu đói. Ông Đinh Ngọc Bình – Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết, sáng 6-11, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện đã tổ chức họp bàn và triển khai các biện pháp hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả cơn bão số 12. Huyện chỉ đạo các xã không để hộ nào bị thiếu lương thực, nước uống, thống kê cụ thể những hộ bị thiệt hại về nhà cửa để xem xét hỗ trợ. Trước mắt, huyện sẽ đối ứng ngân sách để hỗ trợ những gia đình có nhà bị sập tối đa 20 triệu đồng/nhà, nhà bị tốc mái tối đa 6 triệu đồng/nhà.

Nguồn: Baokhanhhoa.com.vn được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Kinh nghiệm trồng cây mía đường – Phần 2

Chăm sóc:

Đối với mía tơ:

Trồng dặm:

– Khoảng 15-25 ngày sau khi trồng, hoặc thu hoạch vụ trước cây mía sẽ có 1-2 lá thật và nếu thấy mất khoảng > 0,8m thì phải trồng dặm (nên trồng dặm vào buổi chiều hoặc khi thời tiết râm mát).

– Kỹ thuật dặm: Đào rãnh sâu ngang với đáy rãnh lúc trồng, đặt cây dặm và lấp kín gốc, khi dặm đất phải đủ ẩm, cây đem dặm phải cắt bớt lá để hạn chế thoát hơi nước, lèn chặt gốc cây dặm. Nếu có điều kiện cần tưới ngay sau khi dặm.

Bón phân cho mía:

Mía là cây cao sản, mỗi hecta một năm có thể cho ta từ 150 đến 200 tấn, cá biệt còn có thể lên đến 260 tấn( Ở ĐBSCL có nhiều clb 200 tấn). Thời gian sinh trưởng của mía dài từ 10 đến 15 tháng, nên yêu cầu các chất dinh dưỡng cao hơn các cây trồng khác.

Thông thường để tạo ra 100 tấn mía cây nguyên liệu (không kể đọt, lá…), cây cần một lượng dinh dưỡng khoảng 120 kg N, 70 kg P2O5, 200 kg K2O.

Tỷ lệ của các yếu tố dinh dưỡng cũng khác nhau theo các thời kỳ sinh trưởng:

– Thời kỳ mầm non (từ 1 đến 5 lá thật) mía yêu cầu nhiều nhất là đạm rồi mới đến kali và lân;

– Thời kỳ đẻ nhánh và đầu thời kỳ vươn cao, mía yêu cầu nhiều nhất là kali rồi mới đến lân, sau cùng là đạm;

– Thời kỳ mía chín (tích lũy đường) nhu cầu của mía theo thứ tự N-P-K.

Để giúp người dân trong các vùng nguyên liệu mía, sử dụng phân bón đúng cách và hiệu quả bảo đảm tăng năng suất, tăng chữ đường và tăng hiệu quả kinh tế cho người trồng mía. Công ty cổ phần Công Nông nghiệp Tiến Nông khuyến cáo đồng bộ gói giải pháp kỹ thuật chắm sóc và bón phân cho mía bằng bộ sản phẩm dinh dưỡng Tiến Nông chuyên dùng cho cây mía: Cải tạo đất bằng “Chất điều hòa pH đất” và bộ dinh dưỡng NPKSi chuyên dùng cho cây mía “Mía 1 – Nuôi chồi khỏe, đẻ nhánh tập trung, Mía 2 – Vươn lóng mạnh, tăng năng suất, tăng chữ đường”. Với bộ sản phẩm Mía 1, Mía 2 đây là những loại phân bón NPKSi tổng hợp không chỉ chứa đầy đủ và cân đối hàm lượng dinh dưỡng N-P-K cho nhu cầu cây mía mà còn có chứa các chất trung và vi lượng thích hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của cây, thúc đẩy quá trình hình thành đường trên cây mía : Si, Ca, Mg, S, Zn, Cu, Bo…

Trước khi trồng mía bà con nên cải tạo đất bằng sản phẩm Chất điều hòa pH đất Tiến Nông (Đối với những vùng đất có pH ≤ 6) nhằm khử chua, hạ phèn, giải độc và nâng cao độ phì của đất, đồng thời cung cấp các nguyên tố trung vi lượng thiết yếu cho cây, giúp tăng cường phát triển bộ rễ và tăng khả năng chịu hạn và hấp thụ dinh dưỡng cho cây.

Bón lót:

– Phân hữu cơ: 10-20 tấn (phân chuồng , phân rác, bã bùn, tro…)
– Chất điều hòa pH (với vùng đất có pH ≤ 6).

Lượng bón: chất điều hòa pH đất (căn cứ vào trị số pH đất).

– Nếu pH < 4 lượng dùng 1.500 kg – 2.000 kg/ha.
– Nếu pH từ 4 – 5 lượng dùng 1000 kg – 1500 kg/ha.
– Nếu pH từ 5 – 6 lượng dùng 500 kg – 1000 kg/ha.

+ Sản phẩm Mía 1 (NPKSi. 16-10-14+2,5 SiO2+ TE) – Chuyên lót “ Mục tiêu giúp cây mía nuôi chồi khỏe, đẻ nhánh tập trung”

Lượng bón: (căn cứ vào từng vùng đất và mức đầu tư của bà con): 600 kg -1000kg /ha

Bón thúc:

+ Sản phẩm Mía 2 (NPKSi. 18-2-22+1,5 SiO2+ TE) – Chuyên thúc “ Mục tiêu giúp cây mía vươn lóng mạnh, tăng năng suât, tăng chữ đường”

Lượng bón: 400 – 800 kg/ha

(Đối với đất nghèo dinh dưỡng, đất hấp thu dinh dưỡng kém như đất xám bạc màu, đất phèn cần bón ở mức cao để đạt hiệu quả tốt nhất)

Cách bón:

– Chất điều hòa pH:

Bón đều trên mặt ruộng trước lần bừa cuối , trước bón phân NPK, đặt hom từ 7 -10 ngày.

– Phân bón NPK:

+ Bón lót: Mía 1 – (Chuyên lót) bón vào rãnh mía đã rạch, lấp một lớp đất mỏng khoảng 2 – 3cm, sau đó mới đặt hom mía và lấp đất.

+ Bón thúc: Ngay khi kết thúc giai đoạn đẻ nhánh, cày rạch hai bên hàng cánh gốc khoảng 10 cm, sâu 15 cm, sau đó dải hạt dinh dưỡng Mía 2 – Chuyên thúc, lấp đất.

Lưu ý: trước khi bón phải dọn sạch cỏ dại , đất phải đủ độ ẩm, phân được rải đều theo dọc hàng mía. Sau khi bón phân phải xới xáo vùi lấp phân để hạn chế bốc hơi, rửa trôi.

Đối với Mía lưu gốc:

Chọn ruộng để gốc và phương pháp thu hoạch:

Chỉ lưu gốc những ruộng mía có năng suất cao, ít sâu bệnh, tỉ lệ mất dưới 20%.

Sau khi thu hoạch xong phải tiến hành vệ sinh đồng ruộng ngay. Dùng cuốc , dao để bạt sát đất những gốc cao, loại bỏ cây mầm, cây bị sâu bệnh.

Thu hoạch khi đất khô cần che phủ ruộng mía lưu gốc bằng nguồn ngọn, lá mía, gom ngọn lá mía xung quanh ruộng vào trong ruộng để tao khoảng cách phòng chống cháy.

Bón phân:

– Lượng phân bón giống như đối với trồng mía tơ.

Cách bón:

– Chất điều hòa pH:

+ Sau thu hoạch, bón rải đều trên bề mặt các rãnh Mía trước khibón phân NPK ít nhất 7 ngày.
+ Trường hợp nếu để lại được lá từ vụ trước cho đất thì rải đều pH đất lên mặt lá sẽ giúp lá mía phân hủy xenluloza nhanh hơn, thuận tiện cho việc chăm sóc sau này.

– Phân bón NPK:

+ Bón lót: Sau thu hoạch ,tiến hành dọn vệ sinh đồng ruộng, cày phá váng hai bên luống mía cách gốc 10cm, sâu 15 cm để làm đứt bớt bộ rễ già, tạo sự ức chế sinh trưởng giúp cây Mía nảy mầm nhanh hơn, sau đó tiến hành bón sản phẩm Mía 1 – Chuyên lót, vào hai bên luống mía, lấp đất.
+ Bón thúc: Ngay khi kết thúc giai đoạn đẻ nhánh,(khoảng 40-60 ngày sau bón phân lần 1) cày rạch hai bên hàng cánh gốc khoảng 10 cm, sâu 15 cm, sau đó dải hạt dinh dưỡng Mía 2 – Chuyên thúc, lấp đất.

Tưới tiêu nước:

– Chỉ tiến hành tưới nước bổ sung cho mía vào giai đoạn khô hạn kéo dài. Đặc biệt là giai đoạn mọc mầm, đẻ nhánh và bắt đầu vươn lóng.

Phương pháp tưới: Tùy điều kiện, có thể áp dụng các phương pháp tươi nước cho mía phổ biến như tưới thấm, tưới nhỏ giọt, tưới phun, tưới tràn…

Lượng nước tưới: 40-50mm/lần tưới, tương đương 400-500 m3 /ha/lần tưới

Tưới 1-2 lần/tháng

Tiêu nước: Mía cần nhiều nước nhưng chịu úng rất kém đặc biệt thời kì cây con và vươn lóng. Để tránh bị úng , ruộng trồng mía phải bằng phẳng, thiết kế hệ thống tưới tiêu ngay sau khi trồng, xung quanh ruộng cần có rãnh, mương đầu nối với hệ thống thoát nước tránh bị đọng sau khi mưa to.

Chăm sóc mía thủ công hoặc bằng cơ giới:

Nơi có diện tích lớn, tập trung, ruộng bằng phẳng ,có điều kiện cơ giới có thể xới để đất tơi xốp, thoáng khí, giúp cây mía sinh trưởng tốt.

Lần 1 khi mía kết thúc mọc mầm(sau trồng hoặc sau thu hoạch vụ trước 30-40 ngày).

Lần 2: Khi mía kết thúc đẻ nhánh(sau trồng hoặc sau thu hoạch 60-80 ngày).

Chỉ dùng máy xới khi đất đủ ẩm, xưới giữa 2 hàng mía cách gốc mía khoảng 20 cm.

Thu hoạch:

Xác định mía chín để thu hoạch

Theo cảm quan khi mía chín: lá mía sít lại ,ngả mầu hơi vàng nhạt, các đốt phần trên ngọn ngắn lại.

Dùng máy kiểm tra : lấy ngẫu nhiên khi CCS lớn hơn 9% hoặc brix gốc – brix ngọn<1 là có thể thu hoạch.

Mía gốc thu hoạch trước , mía tơ thu hoạch sau.

Chặt và vận chuyển mía

– Phải chặt sát gốc, không dập gốc, chặt ngọn ló mặt trăng, róc sạch rễ lá

Vận chuyển sau khi thu hoạch không quá 24 tiếng , mía chưa được đưa vào nhà máy cần phải được che phủ để giảm tối đa thất thoát đường.

+ Theo nghiên cứu thu hoạch mía cao gốc từ 4-7 cm thì hệ quả là mất trung bình 7,6 tấn mía/ha , chữ đường giảm đi 0,2-0,3 CCS

+ Việc chặt sát gốc đối với mía lưu gốc cũng sẽ giúp mía tái sinh vụ mới tốt hơn, cây mía khỏe, vững chắc do bộ rễ ăn sâu trong dất. Ngược lại mía chặt quá cao ngoài việc lãng phí, mất chữ đường như nói trên thì mía tái sinh ở vụ mới sẽ kém hơn, dễ bị đổ ngã do mía được mọc từ mắt mầm trên mặt đất
+ Thời gian phơi bãi tồn trữ, sau thu hoạch kéo dài sau 24h, 48h, 72h, 96h sẽ mất đi tương ứng 4,5%, 6,3%, 10,6%, 14,3% về khối lượng.

+ Sau 1,3,5 ngày tồn trữ không có che phủ , chữ đường sẽ giảm tương ứng 0,15; 0,59; và 2,26 CCS.

+ Tỷ lệ mía non, chưa chín khi thu hoạch cao thì năng suất, chữ đường thấp, hiệu quả kinh tế thấp, tỷ lệ thụ hồi và hiệu quả chế biến đường thấp. (Theo Viện nghiên cứu mía đường).

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Kinh nghiệm trồng cây mía đường – Phần 1

Trồng cây mía đường nếu thiếu ánh sáng, cây sẽ kém phát triển, và cho lượng đường thấp. Cách trồng cây mía đường hiệu quả nhất là phải đảm bảo cây được nhận nắng hơn 2.000 giờ.

Chuẩn bị đất trồng mía:

Chọn đất:

Cây mía không yêu cầu chọn đất khắt khe, nhưng để có điều kiện thâm canh đạt năng suất cao, yêu cầu đất có độ dốc < 10°. Tầng canh tác sâu, tơi xốp, giàu dinh dưỡng, pH trung tính và thoát nước tốt.

Làm đất:

– Đất bãi và đất ruộng: Cày sâu 30-35 cm và bừa từ 2 đến 3 lần, rạch hàng 1 lần sâu từ 25-30 cm.

+ Để đạt năng suất cao, chất lượng tốt bà con nên áp dụng theo quy trình cày ba chảo (1-2) lần + (1-2) lần bừa + (2-3) lần cày 7 chảo. Độ sâu phải đạt trên 30 cm (sử dụng các loại máy công suất lớn). Hướng cày lần sau phải vuông góc với hướng lần trước để tránh bị lõi (chú ý để lần cày sau cùng trùng với hướng cày rạch hàng). Vùng đất thấp nhiều phèn chú ý không rạch hàng sâu đến lớp đất phèn và chủ động làm kênh mương thoát nội đồng.

– Đất đồi: Thiết kế hàng mía theo đường đồng mức (nơi có điều kiện áp dụng cây không lật với độ sâu từ 40-50 cm) nên làm đất trước khi trồng 40-60 ngày để cho đất có thời gian phơi ải, diệt nguồn sâu bệnh.

– Đất trũng đồng bằng sông cửu Long phải lên liếp rộng 6,0 – 20,0m, cao 25 -35 cm. Rãnh trồng mía sâu 20-25 cm, đáy rãnh phủ lớp đất xốp dày 5-10 cm.

– Đất bị nhiễm phèn thì liếp rộng 4,5-5,0m, cao 25cm -35cm. Đấy rãnh phủ lớp đất xốp dày 5-10 cm.

– Có thể áp dụng công nghệ cày sâu không lất (độ sâu > 35cm): Với các ưu điểm cày rất sâu, không lật đất giúp giữ ẩm tốt cho đất. Bừa quay trục đứng (làm tơi đất ở độ sâu 10-15cm) giúp đất đạt độ tơi cao, ít lượt giúp giảm độ nén đất. Tuy nhiên chỉ nên áp dụng khi đất không có gốc cây, ít đá, độ ẩm đất phải phù hợp, không áp dụng với nền đất chai, cứng hoặc độ ẩm cao.

Lưu ý: Cần thiết kế hệ thống tưới tiêu nước để kịp thời thoát nước mùa mưa và tưới bố sung khi gặp khô hạn.

Chuẩn bị giống:

Giống mía:

Bộ giống mía đang được sử dụng nhiều ở các vùng như sau:

– Vùng núi phía bắc: Roc 22, Roc 10, Roc 16, VĐ 93-15,My 55-14

– Vùng Bắc Trung Bộ: VĐ 55, VĐ 93-159, Roc 22, My 55-14

– Tây Nguyên: VĐ 93-159, LK 92-11, K84-200, K95-156

– Duyên Hải Nam Trung Bộ: VN 84 K83-29, Suphanburi 7, LK 84-200. K88-92

– Tây Nam Bộ: K88-92, K95-84, Roc 16, VN 84-4137, K84-200

– Đông Nam Bộ: K95-84,K88-92,LK 92-11, Suphanburi 7…

– Đồng bằng Sông cửu long: K88-92, K95-84 (Số liệu được dẫn theo báo cáo của các công ty mía đường tại hội nghị “Định hướng nghiên cứu và phát triển bên vững ở Việt Nam”)

Tùy điều kiện đất đai từng vùng và nhu cầu vùng nguyên liệu cụ thể của từng nhà máy để bố trí tỷ lệ các nhóm giống chín sớm, chính trung bình và muộn cho phù hợp.

Chuẩn bị mía giống:

Hom mía giống phải lấy từ các ruộng đảm bảo các yếu tố sau:

+ Tuổi mía tốt nhất: 6-8 tháng tuổi.

+ Loại mía : Mía tơ hoặc mía gốc 1 là tốt nhất

+ Độ thuần : trên 98%

+ Độ khỏe: Mía sinh trưởng tốt, không bị vống lốp, căn cỗi, dưới 10% cây bị chồi nách, dưới 10% cây đỗ ngã. Chỉ lấy giống ở những ruộng không bị bệnh than, thối đỏ, không có triệu trứng các bệnh virus, vi khuẩn và nấm bệnh…

Hom mía giống phải đạt các yêu cầu sau:

+ Có từ 2-3 mắt mầm

+ Không nhiễm sâu bệnh

Trong trường hợp nắng hạn hom mía nên lấy từ giữa thân lên ngọn và khi trồng cần xử lý hom bằng cách ngâm qua nước vôi hoặc ngâm vào nước lã. Nếu không có điều kiện ngâm thì có thể phun nước trước khi trồng 24h để hom mía phát triển tốt nhất.

Thu hoạch , vận chuyển và bảo quản hom mía giống:

– Thu hoạch mía giống: Dùng dao sắc chặt nguyên cây, giữ nguyên bẹ lá trên thân mía, bó thành bó dưới 15kg và buộc lại thật chặt

– Vận chuyển và bảo quản mía giống: Mía giống cần được vận chuyển nhanh đến nơi trồng, tránh làm lẫn giống, bốc xếp giống nhẹ nhàng, hom giống phải được che mát và bảo đảm thông thoáng.

– Kỹ thuật cắt hom: Nên ra hom ngay sau khi chặt cây giống và trồng càng sớm càng tốt.

– Không nên để hom giống quá 7 ngày kể từ sau khi chặt. Lột bỏ bẹ lá sau đó dùng dao sắc để cắt hom giống, không làm dập nứt thân và mầm. Chỉ ngâm và ủ hom giống trong trường hợp: Giống có đặc tính moc mầm chậm và kém hoặc muốn tranh thủ mùa vu. (Nếu có điều kiên nên xử lý hom giống trước khi trồng bằng cách ngâm trong nước không quá 24 giờ, sau đó xử lý bằng nước nóng 52% trong 30 phút, sau khi ngâm ủ nên trồng ngay).

Cách trồng mía:

Thời vụ:

– Trung du miền núi phía bắc: 1/1 -30/4 (phụ 1/9-30/11)

– Bắc Trung Bộ: 1/1-30/04 (phụ 1/10-15/12)

– Duyên Hải Nam trung Bộ: 1/1-1/3 (phụ 1/6-30/8)

– Tây Nguyên : 1/10-30/11 ( phụ 1/5 – 30/6)

– Đông Nam Bộ 15/10-3012 (phụ 15/4-15/6)

– Tây Nam Bộ 1/4-30/6 (phụ 15/11-30/1)

Mật độ và cách trồng:

Mật độ: Tùy điều kiện đất đai, loại giống để bố trí mật độ, lượng hom giống cần từ 35.000 – 40.000 hom/ha (mỗi hom có 3-5 mắt) tương đương 8-10 tấn

Khoảng cách hàng: Tuy việc canh tác thủ công hay bằng mày để bố trí khoảng cách hàng đơn từ 0,8-1,2 m (canh tác thủ công) hoặc hàng kép 1.2-1,8m x 0,6-0,4m (canh tác bằng máy).

Cách trồng:

Đặt hom theo rãnh hàng đơn cách nhau 1m hoặc hàng kép (1,4m) phủ kín đất từ 3-5 cm (trồng không chính vụ) hoặc 7-10 cm (trồng chính vụ). Đất khô cần nén chặt cho hom tiếp xúc với đất. Trong vụ trồng chính nếu có điều kiện nên tưới ẩm sau khi trồng và sử dụng màng phủ nông nghiệp giữ ẩm và hạn chế cỏ dại cho mía.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam