Hoa lay ơn – Hoa Tết đẹp trưng bày mang lại may mắn cho gia chủ

Hoa lay ơn được biết đến với tên khoa học là Gladiolus Communis, là loài hoa ưa chuộng nhiều nhất ở hầu hết tất cả mọi nơi, đặc biệt là mỗi dịp Tết đến xuân về. Hoa lay ơn hiện nay có rất nhiều màu sắc và loài khác nhau, theo thống kê thì có tận 250 loài khác nhau.

Hoa lay ơn với các màu sắc khác nhau

Hoa lay ơn vốn là cây thân thảo được phát triển thân giả từ các lá bẹ, và hình dáng lá như lưỡi kiếm. Có phến hình chữ thập và mỗi bông hoa thì thường có 5 cái dài mỏng, hiện nay số cánh hoa lên từ 6 đến 7 cánh do có nhiều loại hoa khác nhau, có nhiều màu sắc rực rỡ, dáng hoa yêu kiều, lại tươi rất lâu, kéo dài liên tục từ 10-20 ngày, vì thế vào dịp Tết ai cũng cố gắng mua một bó để cắm bình tô điểm ngôi nhà dịp tết đến xuân về. Có thể nói hoa lay ơn là một trong những loại hoa Tết thường được sử dụng nhiều ở Việt Nam.

Với nhu cầu của người dùng ngày càng lớn thì hoa lay ơn được dùng nhiều hơn trước đó và các giống hoa cũng đa dạng hơn.

Ý nghĩa cây hoa lay ơn ngày tết

Ý Nghĩa về mặt Phong thủy

Cây hoa lay ơn còn được gọi là lan kiếm trong phong thủy có tác dụng trừ tà, xua đuổi điềm xấu, mang đến may mắn, điềm lành cho gia chủ.

Hoa lay ơn còn mang lại ý nghĩa về mặt phong thủy rất lớn

Ý nghĩa khác

Hoa lay ơn mang ý nghĩa lời hẹn hò cho ngày mai hoặc một cuộc gặp gỡ vui vẻ.

Hoa lay ơn bắt nguồn từ truyền thuyết về hai chiến binh dũng cảm, vùng lên chống lại kẻ thù, thà chịu chết chứ nhất quyết không giết nhau. Cuối cùng hai chàng trai không hẹn mà được hội ngội trong lòng đất mẹ yêu thương. Hai chiếc kiếm biến thành bông hoa rực rỡ, hình dáng dài như chiếc kiếm nên lay ơn có tên gọi lan kiếm. Vì vậy hoa lay ơn là món quà dành tặng người trong mộng với ngụ ý luôn mong muốn được gặp người mình yêu. Khi đó người nhận sẽ tìm cách hẹn gặp người tặng hoa, nếu nhận hoa mà không hồi âm, không biết ý người tặng thì đã phụ tấm lòng người đang khao khát đợi chờ.

Mỗi màu sắc mang một ý nghĩa khác nhau

Mỗi màu hoa lại ẩn chứa một ý nghĩa, sắc thái tình cảm khác nhau. Màu hoa lay ơn đỏ thể hiện tình yêu say đắm; thể hiện tình yêu, tình bạn cao cả là đóa dơn trắng; đóa hồng phớt thể hiện sự ngưỡng mộ; Lòng biết ơn là màu hồng thẫm; lời xin lỗi: đóa dơn vàng; thông điệp anh mãi yêu em với màu tía; Em yêu anh thật lòng là đóa hoa xanh; thể hiện tình yêu nồng cháy là đóa hoa màu cam.

Đặc điểm nổi bật cây hoa lay ơn

Cây hoa lay ơn được biết đến với tên gọi hoa dơn, kiếm lan, tên khoa học là Gladiolus, có nguồn gốc Châu Phi, Châu Âu.

Lay ơn thuộc loại cây thân thảo, thân dài như cây kiếm nhỏ,sống lâu năm, chiều cao khoảng 0,7 – 1,5m.

Thân cây hình tròn, không nhánh, lớp vỏ màu nâu bao xung quanh, có thớ sợi.

Lá màu xanh bóng, cứng, lá nhỏ hình lưỡi kiếm, có khoảng 1-9 lá xếp thành 2 dãy so le nhau, gân sọc viền ngoài. Hoa lay ơn hình dáng đẹp,có nhiều màu sắc từ trắng, tím, đỏ, hồng, vàng, cam.. hoa hình phễu, gắn nhị ở đáy, mọc thành chuỗi về một phía. Mỗi bông hoa có 5 cánh dài mỏng manh xếp đối chồng lên nhau như chiếc váy xinh xắn đầy kiểu cách.

Lay ơn được lai ghép rất nhiều nên màu sắc ngày càng phong phú. Màu sắc hoa khác nhau cũng cho độ bền khác nhau. Màu vàng tím cho hoa bền nhất. Quả nang hình bầu dục thuôn dài hoặc hình cầu, bên trong chứa nhiều hạt màu nâu, nứt theo chiều dọc. Hạt có màu đen, bị nhăn là hạt hỏng, hạt tốt là hạt có lớp vỏ bọc mịn. Cây lay ơn có củ rất đặc biệt: củ lớn đường kính 3,5 – 4cm, dưới củ lớn có 4 – 5 củ nhỏ đường kính khoảng 1,5 – 2,5 cm và 10 – 30 củ nhỏ hơn đường kính 0,8 – 1cm. Các củ đều có thể nhân giống được.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Trồng rau sạch quanh năm không cần đất và ánh sáng mặt trời

Chẳng bao lâu nữa, ngành nông nghiệp trên thế giới sẽ đón chào một cuộc cách mạng mới, đó là phương thức canh tác không cần đất và ánh sáng mặt trời, thậm chí tiêu tốn rất ít nước.

Theo nhiều nghiên cứu, quá trình canh tác tiêu tốn đến 70% tổng lượng nước ngọt trong nông nghiệp, và chỉ có thể tái tạo được một nửa trong số đó sau khi sử dụng. Bên cạnh đó, ngành này cũng đòi hỏi phải tốn rất nhiều đất và có đủ ánh nắng mặt trời.

Để giải quyết bài toán trên, startup AeroFarm đã đưa ra giải pháp ưu việt hơn, đó là canh tác không cần có đất hay ánh nắng mặt trời, và chỉ cần rất ít nước. Thú vị hơn, tất cả đều được thực hiện trong nhà, thường là một nhà kho cũ, nghĩa là trên lý thuyết mọi địa điểm đều có thể canh tác, bất kể trong điều kiện khí hậu thế nào.

AeroFar được lập ra bởi Ed Harwood, một giáo sư ở Trường Nông nghiệp thuộc Đại học Cornell. Vào năm 2003, Harwood tạo ra một hệ thống mới để trồng cây trong một loại vải mà ông nghĩ ra.

Không cần có đất bên dưới tấm vải và rễ cây được phun các chất dinh dưỡng. Lúc đó, startup này chỉ bán hệ thống trồng cây và không tạo ra nhiều doanh thu cho lắm.

Tới năm 2011, David Rosenberg – chủ công ty xi măng chống nước Hycrete, và Marc Oshima – một doanh nhân kỳ cựu trong ngành thực phẩm và ngân hàng, đã chú ý đến sự thiếu hiệu quả trong phương thức canh tác truyền thống và cảm thấy có cơ hội thay đổi.

Họ bắt đầu nghiên cứu về các phương thức mới và tìm ra AeroFarm. Họ đầu tư vào startup này và đề nghị thay đổi mô hình kinh doanh: Tối ưu hóa quy trình và tự bán sản phẩm.

Hiện nay mỗi trang trại của công ty đều gồm những khay treo thẳng đứng trên đó trồng cà rốt, dưa chuột, khoai tây và sản phẩm cao cấp chính là rau trộn salad.

Nhờ trồng ngay tại chỗ quanh năm, công ty này hy vọng sẽ đủ khả năng cung cấp sản phẩm tươi với giá thấp hơn, nhờ việc vận chuyển được giảm thiểu tối đa.

AeroFarms đã thu thập hàng trăm ngàn điểm dữ liệu ở mỗi cơ sở của mình, nhờ thế dễ dàng thay đổi hệ thống chiếu sáng bằng đèn LED để kiểm soát mùi vị, kết cấu, màu sắc và chất dinh dưỡng. Đồng thời, dữ liệu này cũng giúp công ty điều chỉnh các biến số như: nhiệt độ và độ ẩm để tối ưu hóa sản lượng.

Kết quả là AeroFarms đã thu về hiệu quả đáng kinh ngạc: Phương thức canh tác này hiệu quả hơn 130 lần so với một trang trại bình thường, xét về sản lượng cây trồng. Một trang trại của AeroFarm cũng sử dụng ít hơn 95% nước, 40% phân bón so với phương thức canh tác truyền thống, và không sử dụng thuốc trừ sâu.

“Hầu hết các trang trại đều không có giám đốc công nghệ”, Oshima cho biết. “Còn chúng tôi có hẳn một trung tâm R&D, các nhà khoa học về cây trồng, các nhà vi trùng học, kỹ sư cơ khí và kỹ sư điện. Chúng tôi đã bỏ ra rất nhiều công sức và thời gian để có được thành quả như ngày nay”.

Tuy nhiên, kể cả đã rất sáng tạo và đổi mới, AeroFarm vẫn chưa phải là một giải pháp khả thi để thay thế các trang trại trên toàn thế giới. Một vấn đề mà canh tác trong nhà gặp phải là lượng điện năng tiêu thụ lớn và họ nói đang tích cực giải quyết vấn đề này.

Startup này sau đó đã thuê Roger Buelow, cựu giám đốc công nghệ của công ty đèn LED Energy Focus, để giúp tối ưu hóa hệ thống chiếu sáng. “Điều đó cho phép chúng tôi tiết kiệm năng lượng hơn bất kỳ cơ sở sản xuất nào khác”, Oshima cho biết.

Một thử thách nữa mà AeroFarms phải đối mặt là mở rộng đội ngũ chuyên gia khi điều hành các trang trại. Dickson Despommier, một nhà vi trùng học tại Đại học Columbia, nói rằng điều hành một trang trại đòi hỏi kiến thức bao quát về nông nghiệp và quy trình, mà ở AeroFarms chủ yếu phụ thuộc vào Harwood.

“Một số người cho rằng chỉ cần đọc sách và tìm ra cách làm thế nào”, Despommier cho biết, “Nhưng làm nông nghiệp không đơn giản như vậy”.

Mức độ tiếp thu kiến thức và kỹ năng có thể tạo ra những rào cản cho các công ty trong ngành này. Theo Despommier, vấn đề lớn nhất là tìm được người đủ khả năng, “Những người chúng tôi cần rất khó tìm. Ai đang đào tạo họ? Câu trả lời là rất ít nơi làm việc đó”.

Ở AeroFarms, vấn đề này càng lớn hơn khi Harwood là người đầu tiên nghĩ ra hệ thống trồng cây thông minh này. “Không ai có kinh nghiệp trực tiếp về vấn đề này”, Oshima cho biết. Bởi mỗi khi tìm được người tin tưởng, startup lại phải đào tạo họ và dạy họ về hơn 100 quy trình vận hành tốt nhất của mình.

Nguồn: GenK được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật trồng hoa mào gà đơn giản tại nhà

Hoa mào gà tên khoa học là Celosia argentea var. Cristata Voss, Celosia argentea var. plumosa thuộc họ dền – Amaranthaceae. Mào gà còn có tên mồng gà, kê công hoa, kê quan hoa, kê cốt tử hoa…Cây sống dai, cao 30 – 45cm hay hơn, có thân thẳng đứng và phân nhánh. Lá hình bầu dục, màu xanh xám pha đỏ. Cụm hoa xòe ra ở ngọn thành hình quạt, trông giống như mào con gà trống.

Vẻ đẹp của hoa mào gà

Hình dáng của hoa mào gà cũng khá lạ mắt, các hoa thật tạo thành một phần hình trụ ở phía dưới các mào đỏ. Hoa có nhiều màu như đỏ, vàng, cam hay hồng, thường gặp là màu ngọn lửa, còn có các màu khác như tím, vàng da cam, trắng, vàng đỏ. Có những dạng cây có cụm hoa rất lớn, xoắn lại thành hình cầu đỏ thắm. Lại có dạng có cụm hoa mảnh, kéo dài, màu đỏ và vàng xen nhau.

Cây trồng chủ yếu để lấy hoa vào mùa hè, nhưng có thể trồng quanh năm. Thường sử dụng để trồng trong chậu, trồng ở các vườn hoa và cắt hoa cắm lọ. Cũng chính vì hoa mào gà có màu sắc đẹp, hình thái lạ mắt nên được nhiều gia đình ưa chuộng trồng xung quanh nhà. Tuy nhiên, dù kỹ thuật trồng rất đơn giản nhưng không phải ai cũng biết. Dưới đây là cách trồng và chăm sóc hoa mào gà đơn giản nhất cho bà con tham khảo.

Hoa mào gà đỏ

1. Mùa trồng và nhiệt độ thích hợp

Mào gà là loại cây dễ trồng. Cây hoa mào gà được trồng nơi đình chùa, loại nhỏ trồng vào chậu. Hoa mào gà nguyên sản ở Ấn Độ. Chúng ưa nóng, không chịu rét, sinh trưởng trong môi trường không khí khô, đủ ánh sáng, đất cát, nhiều mùn. Có 2 nhóm giống mào gà chính: màu đỏ và màu vàng

Hoa mào gà đỏ và hoa mào gà vàng

2. Kỹ thuật gieo trồng

Chọn giống: Thông thường khi trồng hoa mào gà chúng ta sẽ ươm hạt. Hạt hoa mào gà có màu tím, dễ tìm thấy tại các cửa hàng bán hạt giống hoa để lựa chọn cho mình cây hoa mào gà với màu sắc ưng ý nhất.

Chuẩn bị đất: Hoa mào gà thích hợp với các loại đất thịt nhẹ, tơi xốp, nhiều mùi và có độ pH 6 – 6.5.

Gieo trồng: Nhiệt độ thích hợp để gieo hạt là 20 – 250C. Trước đó, bạn tưới nước và bón phân cho đất, sau đó gieo hạt lên lớp đất mỏng rồi dùng rơm hoặc cỏ phủ lên để che nắng. Sau 3 – 5 ngày hạt sẽ nảy mầm, trong thời gian này không nên tưới nhiều nước vì sẽ làm trôi hạt, nếu đất khô bạn dùng bình phun sương để xịt.

Chuyển cây ra trồng: Sau khi cây được 5 – 6cm thì bạn nên chuyển cây ra trồng hoặc chuyển xuống đất trồng tùy vào mục đích sử dụng. Đất trồng cây con là đất thịt pha cát kết hợp với xơ dừa, tro hoặc trấu.

Muốn có hoa to, phải tỉa bớt tất cả các mầm non mọc ở nách lá và các hoa phụ. Hạt màu đen tím. Màu hoa cũng rất nhiều loại, thường gặp là màu ngọn lửa, còn có các màu khác như tím, vàng da cam, trắng, vàng đỏ.

3. Chăm sóc

Mào gà là loài hoa rất “dễ tính” khi không kén đất trồng, không mất nhiều công chăm sóc những vẫn cho hoa nhiều mùa, bền lâu, rực rỡ. Có thể dễ dàng nhìn thấy mào gà ở các chậu, bồn hoa làm cảnh trong nhà, trong khuôn viên công sở, bệnh viện, trường học,…

Mỗi ngày tưới nước cho cây từ 1-2 lần vào sáng sớm và chiều mát, tùy vào điều kiện thời tiết. Khi cây bén rễ hồi xanh, tiến hành bón phân vi sinh hoặc trùn quế pha loãng, lọc lấy nước tưới cho cây. Khi cây được 35 ngày tuổi thì nên bấm ngọn, tạo điều kiện cho cây chồi nách phát triển, hoa sau này sẽ đẹp và to. Mào gà lửa là loại hoa có bộ rễ ăn ngang nên chỉ vun xới lúc cây còn nhỏ, bước vào giai đoạn trưởng thành thì không nên vun.

Cần tiến hành tỉa bớt các nụ ở nách lá khi cây có nhiều nụ nhỏ, nên tỉa bớt các nụ ở nách lá, chỉ giữ lại 1 nụ ở cành chính để tập trung dinh dưỡng cho bông hoa to. Sau khoảng 60-65 ngày, hoa mào gà lửa sẽ nở hoa. Cũng cần đặc biệt chú ý đó là cần đặt chậu hoa ở nơi có nhiều ánh sáng để cây quang hợp và cho hoa rực rỡ.

4. Phòng trừ sâu bệnh

Sâu xanh: Cắn lá, ăn nụ hoa. Sử dụng các loại thuốc như Sherpa, Fenbis…

Tuyến trùng: Tuyến trùng sau khi xâm nhập vào rễ cây, làm cho mô tế bào phình to lên thành các khối u. Để phòng trừ cần nhổ bỏ cây bệnh đem tiêu hủy, phun thuốc trừ tuyến trùng như Mocap.

Hoa mào gà cũng rất nhiều sâu bệnh nên đòi hỏi người trồng cũng phải bỏ công chăm sóc mới cho ra hoa quanh năm.

Bệnh đốm nâu: Đốm bệnh hình tròn, mọc rải rác, không liền nhau. Bệnh nặng làm cho lá héo hoặc thủng lá. Do đó cần hái lá bị bệnh khi bệnh mới xuất hiện, bón phân hữu cơ, tránh đọng nước, để nơi có nắng và gió. Hoặc phun Topsin 0.2%. Benlat 0.2%.

Bệnh đốm than: Gây hại trên lá. Ban đầu là các chấm nhỏ màu vàng khô hoặc màu nâu, về sau thành đốm tròn. Bệnh nặng có thể gây hại 1/3 diện tích lá, mép có viền màu nâu sẫm, trên đốm có các chấm đen nhỏ. Vì vậy cần nhặt và tiêu hủy các lá bệnh hoặc có thể phun các loại thuốc như Benlat 0.2%.

Bệnh đốm vân vàng: Bệnh thường phát sinh ở ngọn lá, mép lá mới đầu hình thành các chấm nhỏ màu nâu nhạt, rồi lan rộng thành đốm có vân vòng đồng tâm, mép lồi lên có viền màu nâu sẫm, giữ màu trắng vàng, hai lá có bột dạng mốc nâu. Người trồng và chăm sóc nên hái lá tiêu hủy khi bệnh mới xuất hiện, phân bố cây hoa thoáng, nhận nhiều ánh sáng, hoặc phun thuốc như Benlat 0.2% hoặc Bordeaux 0.5%.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Nông nghiệp hữu cơ có khác nông nghiệp sạch?

Nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp sạch về bản chất đều giống nhau là sản phẩm sạch, an toàn và truy nguyên được nguồn gốc nhưng khác nhau cơ bản về phương thức và điều kiện canh tác…

Một nông trại trồng rau hữu cơ ở Lâm Đồng

Nông nghiệp hữu cơ: SX theo kiểu tự nhiên, truyền thống lâu đời của con người mà tạo ra sản phẩm. Theo quy định của IFOAM (tổ chức bảo vệ quốc tế về nông nghiệp hữu cơ), khi sản phẩm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ thì giống trồng do con người chọn lọc, bảo quản mà có, không phải là giống chuyển gen; đất trồng không sử dụng bất cứ loại phân hóa học, không dùng thuốc diệt cỏ, diệt sâu bệnh thuộc dạng hóa học và sử dụng nước sạch.

Nếu đất trước đó sử dụng các loại phân hóa học, thuốc BVTV thì phải cách ly khoảng 3 năm mới được sử dụng. Sản phẩm khi thu hoạch, vận chuyển, chế biến bảo quản phải được sử dụng công cụ và bao bì, đồ chứa đựng cũng sạch, khôn sử dụng các chất bảo quản cấm.

Nếu đối chiếu lại lịch sử canh tác của nông dân Việt Nam thì mấy ngàn năm qua, nông dân đã sử dụng các vật liệu, giống tự nhiên, không có hóa học, nên cũng được gọi là nông nghiệp hữu cơ. Tuy vậy cũng có khi chưa phải lúc nào cũng được gọi là nông nghiệp sạch.

Nông nghiệp sạch: Vẫn cho phép sử dụng tất cả các loại giống, kể cả giống chuyển gen, cho phép sử dụng phân hoá học, thuốc trừ sâu, trừ cỏ bằng hóa học. Tuy nhiên khi kiểm tra sản phẩm thì sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn sạch. Người ta quy định sản phẩm sạch theo một hệ thống kết hợp kinh nghiệm và số liệu chứng minh mức độ tồn dư của chất nào đó trong từng sản phẩm mà con người sử dụng liên tục cũng không đủ sức gây độc hại đến cơ thể con người hay gia súc. Trong hoạt động SX cũng không gây ra ô nhiễm môi trường. Vượt ngưỡng quy định đó là thuộc loại sản phẩm không sạch. Dựa vào tiêu chuẩn quy định của từng nước, từng khu vực hay quy định chung của thế giới để đánh giá.

Như vậy người SX muốn sản phẩm của mình được tiêu thụ trong nước và thế giới thì phải bảo đảm được yêu cầu của họ. Người SX phải biết điều chỉnh số lượng phân bón, thuốc trừ sâu cho cây trồng, chọn nguồn nước đảm bảo dùng tưới cho đồng ruộng để đạt được tiêu chuẩn của từng loại khách hàng. Để thực hiện được tiêu chuẩn nông nghiệp sạch theo quy định này trên thế giới hiện nay đều dựa vào tiêu chuẩn của GAP, có thể VietGAP, Asean GAP hay GlobalGAP.

Tuy nhiên khi SX, người trồng phải theo dõi thông tin của khách hàng để điều chỉnh cho phù hợp. Ví dụ, người Nhật mua hạt tiêu của Việt Nam trước đây chỉ yêu cầu dư lượng Metalaxy trong hạt tiêu dưới ngưỡng 0,1ppm là được, nay người ta có yêu cầu cao hơn là phải đạt mức 0,05 ppm mới được. Biết được yêu cầu của khách hàng thì người SX hoặc không sử dụng loại thuốc này hoặc hạn chế tối đa sử dụng cũng như thời gian cách ly. Phân bón hóa học cũng vậy.

Muốn đạt chuẩn các chất dinh dưỡng không vượt mức cho phép thì phải giảm thiểu tối đa số lượng sử dụng, nhất là loại phân đạm. Thực tế SX sạch theo tiêu chuẩn GAP cũng không phải đơn giản. Ví dụ GlobalGAP gồm có 12 nội dung chính trong đó có 68 chỉ tiêu người SX phải tuân thủ. Các vật liệu và điều kiện SX phải có lý lịch rõ ràng. Sản phẩm cũng phải được kiểm tra, chứng minh bằng số liệu phân tích và cũng phải được một đơn vị có năng lực, có chức năng chứng nhận, khi cần có thể truy nguyên được nguồn gốc xuất xứ.

Vậy trong SX, nông dân nên làm theo nông nghiệp hữu cơ hay theo tiêu chuẩn GAP? Về hướng SX nông nghiệp hữu cơ, Bộ NN-PTNT vẫn khuyến khích, hiện đã có một số trang trại và HTX hay tổ hợp tác đang SX theo hướng này, và có những kết quả đáng khích lệ. Khách hàng nghe nói sản phẩm hữu cơ thường an tâm hơn dù giá cả còn cao. Tuy nhiên ta chưa có hệ thống kiểm tra đánh giá nghiêm ngặt nên không ít cửa hàng thu mua sản phẩm thường rồi cho vào bao bì cũng gọi là sản phẩm hữu cơ, trắng đen còn lẫn lộn.

Nông nghiệp sạch đạt tiêu chuẩn VietGAP hay GlobalGAP ở Việt Nam đã có nhiều mô hình nhỏ có, mô hình cánh đồng lớn có, bà con đã làm quen, chỉ cần có tổ chức và giải quyết đầu ra ổn định thì khả năng mở rộng nhanh chóng và mạnh mẽ.

Vả lại SX sạch theo GAP vẫn cho phép sử dụng phân bón hóa học là nhân tố quan trọng làm tăng năng suất dễ hơn để có sản lượng nhiều hơn, đáp ứng được nhu cầu dân số ngày một tăng cao mà diện tích canh tác ngày một thu hẹp.

Vì vậy, SX theo hướng tăng cường phân bón hữu cơ, giảm thiểu lượng đạm và quản lý sâu bệnh theo hướng hữu cơ sinh học sẽ là bước đi chủ yếu…

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Chưng cất rượu từ trái thanh long ruột đỏ

Việc nghiên cứu thành công quy trình sản xuất rượu chưng cất từ trái thanh long đã góp phần giải quyết lượng thanh long hàng dạt, từ đó nâng cao giá trị kinh tế của trái thanh long Bình Thuận.

Riêng đối với nguyên liệu là trái thanh long, chủ yếu được sử dụng để sản xuất rượu vang trái cây (tức là rượu chưa qua chưng cất). Hiện nay, trên thị trường cũng chưa thấy xuất hiện sản phẩm rượu chưng cất từ thanh long, chỉ có một số sản phẩm rượu vang thanh long như của Công ty TNHH công nghệ thực phẩm Nhật Hồng, Công ty TNHH MTV Sản xuất rượu vang thanh long, HTX thanh long Hàm Đức…

Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu thanh long tại Bình Thuận, đặc biệt là hàng không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu tương đối nhiều lại ít có giá trị trên thị trường. Vì vậy, thời gian qua Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Tiến bộ KH&CN Bình Thuận (Trung tâm) đã nghiên cứu sản xuất rượu chưng cất từ nguyên liệu trái thanh long. Qua nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm, Trung tâm đã cho ra các dòng sản phẩm rượu thanh long, rượu thanh long – linh chi và rượu thanh long – tỏi đen với chất lượng cao, mang hương vị đặc trưng và thuần khiết.

Tháng 5/2017, sản phẩm rượu được chưng cất từ trái thanh long mang nhãn CISTI BÌNH THUẬN sẽ được bày bán tại cửa hàng của Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ KH&CN Bình Thuận – C1 Võ Văn Kiệt, Phan Thiết, Bình Thuận.

Các dòng sản phẩm rượu thanh long gồm: rượu thanh long nguyên chất, rượu thanh long – linh chi, rượu thanh long – tỏi đen.

Thanh long được ủ với men rượu có bổ sung đường và nếp với tỷ lệ nhất định và cho lên men ở điều kiện nhiệt độ phòng trong vòng 2 tuần. Sau khi lên men 2 tuần, rượu thanh long được lọc ra và đem đi chưng cất. Sau khi chưng cất, cho sản phẩm rượu thanh long không màu, mùi thơm nhẹ, đặc trưng, có độ rượu 29,5%.

Việc nghiên cứu thành công quy trình sản xuất rượu chưng cất từ trái thanh long đã góp phần giải quyết lượng thanh long hàng dạt, từ đó nâng cao giá trị kinh tế của trái thanh long, góp phần đa dạng hóa sản phẩm từ trái thanh long, nâng cao giá trị sử dụng của trái thanh long, giúp nông dân giảm phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu trái tươi như hiện nay.

Đặc biệt, đây là sản phẩm rượu chưng cất từ thanh long đặc trưng của mảnh đất Bình Thuận, thủ phủ thanh long, có thể được dùng làm sản phẩm quà biếu phục vụ du lịch Bình Thuận.

Cách làm rượu thanh long ruột đỏ tại nhà:

Nguyên liệu:

  • Thanh long đỏ 600g.
  • đường phèn 250g.
  • rượu 600g.
  • Bình ngâm rượu: bình  thủy tinh hoặc bình sành

Cách làm:

  • Thanh long rửa sạch, để khô ráo, sau đó gọt vỏ, thái thành miếng nhỏ. Cho vào lọ thủy tinh, cứ một lớp thanh long lại thêm một lớp đường phèn.
  • Đổ rượu vào ngâm, sau đó bịt kín lắp bình.
  • Đặt bình rượu vào chỗ mát, 3 tháng sau có thể dùng.
    Sau khi thanh long đã thành rượu, sẽ nghe mùi thơm dịu nhẹ, đem lược bỏ xác, đổ rượu vô chai đậy kỹ để dùng.
  • Ngon hơn khi để trong tủ lạnh và uống hằng ngày.

Chú ý:

  • Những người bị tiểu đường hạn chế dùng rượu thanh long
  • Phụ nữ mang thai và trẻ nhoe tuyệt đối không dùng rượu thanh long
  • Không lạm dụng rượu thanh long. Tốt nhất  50ml/ 1 ngày

Đây là thức uống tốt cho tim mạch.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

11 loại hoa mai tuyệt đẹp tại Việt Nam

Từ lâu, hoa mai chơi Tết đã trở thành thú tao nhã của người dân Việt Nam. Dưới đây xin gửi đến bà con cùng nhìn ngắm 12 loài hoa mai tuyệt đẹp này.

1. Hoa chi mai

Là loài mai quý hiếm, thích hợp ở những nơi có mùa đông giá lạnh, nhất chi mai chậm lớn, gốc xù xì, nụ màu đỏ, khi nở chuyển sang màu trắng. Nhất chi mai được đánh giá đẹp vào hàng bậc nhất trong “thập đại danh hoa”.

Hoa chi mai

Nguồn: Internet

2. Hoàng mai

Hoàng mai (hay mai vàng) phân bổ nhiều nhất tại những khu rừng thuộc dãy Trường Sơn và các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng. Mai vàng có từ 5 đến 9 cánh, chỉ nở một lần trong năm vào cuối tháng 12 âm lịch.

Hoàng mai 

3. Mai tứ quý

Mai tứ quý là loài cây đặc biệt nhất về sự chuyển sắc màu của đài hoa và hạt sau khi hoa tàn. Hoa nở lần đầu có 5 cánh màu vàng, các cánh hoa rơi rụng rồi năm đài hoa đổi thành màu đỏ, úp lại ôm lấy nhụy.

Mai tứ quý

4. Mai núi

Là một loài mai rừng nhưng mai núi có khoảng 12 đến 18 cánh. Mai thường mọc trên núi đá khô khốc, sống chủ yếu bằng hơi sương và nước mưa. Mai núi thường xuất hiện nhiều tại các vùng núi thuộc Tây Nguyên.

 Mai núi 

5. Mai động

Loài mai thường mọc ở những vùng cát trắng, gần biển được gọi là mai động. Mai động có thân suôn thẳng, tròn, hoa trổ chi chít. Chúng phân bố rải rác ở các tỉnh miền Trung từ Quảng Bình, Quảng Trị trở vào miền nam, cho tới tận Đồng Nai và Tây Ninh.

Mai động

6. Mai giảo

Là loại mai nhân tạo có nhiều cánh được ghép lại từ nhiều loại mai khác nhau trên cùng một cây mai.

Mai giảo

7. Mai Cà Ná

Là loài mai đặc trưng mọc tại vùng biển Cà Ná, Ninh Thuận, mai Cà Ná có thân nhỏ, cánh giòn, lá hình bầu dục.

Mai Cà Ná

8. Mai hương

Mai hương, mai thơm hay mai ngự là tên của loài mai vàng 5 cánh có mùi thơm đặc trưng. Nó xuất hiện nhiều ở Huế, Bến Tre.

Mai hương

9. Mai chùm thân gửi

Loài mai sống nhờ trên thân cây khác được gọi là mai chùm gửi. Thân cây gồ ghề, xù xì. Hoa trổ dày thành từng chùm đặc nghẹt.

Mai chùm thân gửi

10. Mai chiếu thủy

Mai chiếu thủy là mai có lá hình trái xoan, thuôn, hình dải. Hoa màu trắng, mùi thơm, có 5 cánh.

 Mai chiếu thủy

11. Mai mơ

Mai mơ cao từ 6 – 9 mét, lá rộng tròn. Hoa nở vào đầu xuân, có 5 cánh với hai sắc: trắng và hồng. Đài hoa màu đỏ tía hoặc xanh sẫm.

Mai mơ

Theo nguồn baomoi.com được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.

Trồng và chăm sóc cây cảnh trong chậu đúng cách

Cây cảnh làm cho không gian sống thêm phần sinh động, đầy màu sắc. Việc chọn một cây phù hợp để đặt trong góc phòng, trên bàn hay bệ cửa sổ là hết sức cần thiết. Để trang trí và làm đẹp cho ngôi nhà, cần biết kỹ thuật trồng cây cảnh trong chậu đúng cách để cây sống và khỏe mạnh nhất.

1. Chuẩn bị đất và trồng cây

Làm ướt đất và trộn đều trước khi trồng. Có thể tự pha trộn đất trồng với rơm, cỏ khô, phân bón, cho tất cả vào một thùng gỗ hoặc xe cút kít rồi trộn đều. Nếu mua túi đất hữu cơ bán sẵn ngoài cửa hàng, chỉ cần thêm nước vào và trộn đều ngay trong túi trước khi đổ vào chậu.

Chuẩn bị đất trồng cây trong chậu

Bố trí vị trí cây trong chậu theo sở thích của mình, hãy cho đất vào xung quanh và vỗ nhẹ cho đất kín các kẽ hở trong chậu.

Lưu ý: Không nên cho đất vào đầy chậu, vì như vậy khi tưới, cây sẽ không hấp thụ được mà còn làm nước chảy tràn ra ngoài gây lãng phí.

Ví dụ: Cỡ chậu 6-13 cm cần có khoảng cách từ mặt đất trồng lên mép thành chậu là 1 cm. Cỡ chậu 14-19 cm cần khoảng cách là 2 cm. Cỡ chậu 20-23 m cần khoảng cách là 2,5 cm. Cỡ chậu 25-30 cm cần khoảng cách là 3,5 cm.

Cây cảnh bày trí trong nhà thì lượng nước tưới không nên quá nhiều, khi nào thấy đất trồng khô thì tưới nước là được.

Ngoài ra, có thể dùng bình phun nước để phun cho cây, mùa hè có thể phun ngày hai lần, mùa đông thì ngày một lần để tăng cường độ ẩm, làm sạch lá, có lợi cho quá trình quang hợp của cây, làm cây xanh tốt.

2. Bón phân

Bón phân cho cây là công việc vô cùng quan trọng nhằm thúc đẩy quá trình phát triển của cây. Nếu bón nhiều phân quá thì cây sẽ phát triển nhanh làm mất dáng thế, gọi là phá thế. Nhưng nếu bón ít quá, cây sẽ thiếu dưỡng chất làm chết cành…

Vì vậy, cách tốt nhất là khoảng nửa tháng bón phân cho cây một lần, tỉ lệ bón 5% phân tổng hợp cho cây. Ngoài ra, dùng nước vo gạo để tưới cây cũng có tác dụng rất tốt cho sự phát triển của cây.

3. Phòng bệnh cho cây

Cây cảnh bày trí trong nhà không được dùng thuốc trừ sâu, có thể dùng thuốc diệt muỗi để trừ sâu. Đối với cây mắc bệnh phấn trắng thì có thể dùng khăn và cồn lau sạch, nếu mức độ bệnh nghiêm trọng thì cần phải để cây ra ngoài rồi trị bệnh cho cây.

Khi phát hiện cây có hiện tượng vàng úa, khô héo, rụng lá… thì phải kịp thời có những biện pháp chăm sóc giúp cây hồi phục lại sức sống. Không nên cho ánh sáng mặt trời trực tiếp chiếu xạ vào cây để tránh làm cho sức nóng của ánh nắng gây ảnh hưởng bất lợi đến cây cối hoặc có thể làm cho cây chết do bị mất nước. Nơi chăm sóc cây phải là nơi mát mẻ, không khí trong lành và nên tránh gió mạnh.

Tưới nước đầy đủ cho cây

Trong thời gian đầu nuôi dưỡng cây thì không nên tác động vào đất trồng bởi vì lúc này các tổ chức và chức năng của cây ở trạng thái tĩnh, nếu động thổ thì sẽ làm cho hệ rễ cây bị tổn thương. Vào thời gian này chỉ nên cắt bỏ các lá vàng úa, khô héo, tưới nước đầy đủ, đồng thời có thể hòa đạm vào nước với nồng độ thấp để tưới cho cây, mỗi tuần một lần, sau mỗi tháng thì sẽ tăng dần lượng, sau khoảng 2 -3 tháng thì sẽ tăng nồng độ.

Trên đây là một số kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây cảnh, chúc bà con trồng và chăm sóc đúng cách để có được cây cảnh ưng ý nhất làm đẹp cho căn nhà.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

8 cây cảnh của Việt Nam đáng giá triệu đô

1. Mâm xôi con gà

“Mâm xôi con gà” là cây sanh cổ thụ hơn 150 năm tuổi, có xuất xứ từ thôn Ngô Sài, xã Sài Sơn, Quốc Oai, thuộc Hà Tây cũ của dòng họ Phạm. Năm 1996, họa sĩ Đặng Xuân Cường (Cường họa sĩ), một nghệ nhân nổi tiếng ở đất Hà thành đã phát hiện, tìm mua và trực tiếp tạo dáng cho cây này. Qua nhiều tay của các đại gia chơi cây, hiện “Mâm xôi con gà” thuộc sở hữu của ông Nguyễn Nam Thành (Thành “vàng”) Việt Trì, Phú Thọ.

Tác phẩm mâm xôi con gà

Tháng 4/2012, siêu cây triệu đô của đại gia đất Việt Trì đã được lên trang bìa của tạp chí về nghệ thuật chơi cây cảnh, bonsai – BCI của Mỹ. Trong một triển lãm sinh vật cảnh, Mâm xôi con gà được định giá 6 triệu USD tương đương với 120 tỷ đồng.

2. Chiến thắng Bạch Đằng

Những cây tùng trong bộ tác phẩm “Chiến thắng Bạch Đằng” của doanh nghiệp Gia Phạm (Hải Phòng) trồng trên thân cây gỗ sáo đen được định giá hơn 70 tỷ đồng bởi sự mới lạ và sáng tạo.

Tác phẩm hiến thắng Bạch Đằng

Nguồn: Internet

3. Ông bụt

“Ông bụt” là cây tùng có tuổi đời hơn 500 năm, thuộc sở hữu của Phạm Văn Toàn (Toàn đôla) ở Việt Trì, Phú Thọ. Cây còn được gọi là “đại cổ tùng”, liệt vào hàng có một không hai trong làng sinh vật cảnh Việt Nam. Cây được định giá 1,2 triệu USD.

Tác phẩm ông bụt

4. Trực quân tử

Cây sanh đại thụ thế Trực quân tử của anh Phạm Hải Anh thôn Vị Khê, xã Điền Xá, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Đây là cây trải qua hơn 4 đời và được định giá khoảng 25 tỷ đồng. Theo chủ nhân của cây sanh đại thụ này, 25 tỷ là giá mà khách mua cây từng trả cho gia đình anh. Tuy nhiên, anh chưa hề có ý định bán nó.

5. Dáng làng

“Dáng làng” là cây sanh có tuổi đời 200 năm, cây thuộc sở hữu của đại gia Toàn đôla. Cây sanh này được anh mua trong Huế  với giá 3 tỷ đồng từ mấy năm trước. Đến nay, đã có người trả giá 22 tỷ đồng nhưng anh chưa bán.

Tác phẩm dáng làng

6. Quần long phượng vũ

Cây Sanh “Quần Long Phượng Vũ” của công ty xây dựng Cường Thịnh Thi (Ninh Bình) có tuổi thọ trên 100 năm, được cho là “độc nhất vô nhị” có giá là 1 triệu USD.

7. Tam đa

Cây sanh Tam đa của ông Nguyễn Công Khanh ở thôn Vị Khê, xã Điền Xá, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Là cây sanh có gốc cổ thụ được định giá hơn 20 tỷ đồng.

8. Phu thê

Cây sanh có dáng Phu thê này thuộc sở hữu của ông Nguyễn Gia Hiền (Triều Khúc, Hà Nội). Tính đến giai đoạn hiện tại, cây sanh đã có tuổi đời hơn 100 năm.

Trong Festival cây cảnh nghệ thuật tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh năm 2006, đây là cây cảnh duy nhất đạt giải Vàng. Và cũng trong Festival, một đại gia khét tiếng ở Sài Thành dám bỏ ra 400.000 USD (gần 6 tỷ Việt Nam đồng) để mua cây sanh này nhưng ông không bán.

Tác phẩm phu thê

Ngoài ra, còn rất nhiều những siêu cây khác như Lão Mai được định giá 19 tỷ đồng, cây sanh Dáng Long của hội sinh vật cảnh Hải Dương giá 7 tỷ, Tác phẩm “Long cuốn Thủy” của hội sinh vật cảnh Bắc Ninh có giá khoảng 1,4 tỷ hay cây đa búp đỏ của ông Châu ở làng Triều Khúc, Hà Nội…

Theo news.zing.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.

Những loài cây mang tài lộc nhất định phải có trong vườn nhà

Người ta vẫn thường trồng những loài cây đem lại nhiều điều may mắn cho gia chủ và giúp chủ nhân làm ăn phát đạt.

Dưới đây là những loài cây rất tốt được các chuyên gia phong thuỷ khuyên trồng trong vườn nhà.

1. Cây tre biểu tượng cho phú quý, no đủ

Cây tre là loại cây cảnh được nhiều người lựa chọn khi dùng để trang trí ở trước cửa nhà. Phong thủy cho rằng, đây là cây đem lại nhiều điều may mắn nhất cho gia chủ và giúp chủ nhân làm ăn phát đạt. Cây tre cũng là một biểu tượng của loại cây phú quý, đem lại sự no đủ. Ngoài ra, cũng có thể trồng cây tre ở xung quanh hàng rào hay khu vực trước hiên nhà hoặc trong khu vườn.

Cây tre trồng tại vườn nhà

2. Cây cau mang may mắn cho gia chủ

Cau là loài cây có thân thẳng, thanh mảnh nên không ngăn nắng sớm, cũng như luồng ánh sáng cần thiết vào ngôi nhà. Bên cạnh đó, cau cũng không cản gió mát lành vào nhà. Không chỉ vậy, cau còn ít rụng lá không làm hỏng cảnh quan phía trước nhà. Điều quan trọng hơn, cây cau còn được trồng trước nhà với mong muốn tăng nguồn năng lượng dương, giảm năng lượng âm ảnh hưởng đến ngôi nhà. Từ đó mang đến may mắn cho gia chủ. Có lẽ vì hàng loạt những tác động tốt mà từ xưa đã có câu ‘trước cau sau chuối’.

Cây cau được trồng trong nhà

3. Cây bạch quả che chở cho ngôi nhà khỏi những điềm xấu

Cây bạch quả – còn có tên gọi khác là cây ngân hạnh, cây rẻ quạt – không chỉ có tác dụng trong y học truyền thống mà nó còn có thể xua đuổi ma quỷ. Cây bạch quả có thể sống đến hàng nghìn năm và vì hoa của nó chỉ nở vào ban đêm nên con người rất hiếm khi nhìn thấy.

Cây bạch quả

Do đó, nhiều người vẫn xem cây bạch quả như một sức mạnh huyền bí che chở cho ngôi nhà khỏi những điềm xấu, không may mắn. Người xưa thường dùng nó để chế tạo ấn, phù trấn trạch ngăn ngừa ma quỷ.

4. Cây hồ lô mang an lành, tốt đẹp cho gia chủ

Phong thuỷ cho rằng, cây hồ lô là loại cây có thể trừ tà. Vì cây có nhiều trái, nhiều hạt nên được gọi là “đa tử đa phúc”. Con người thường làm giàn trồng hồ lô quanh nhà để mọi sự được an lành, tốt đẹp.

Cây hồ lô

5. Hoa sen biểu tượng cho cuộc sống hạnh phúc, bình an

Sen là loài hoa trồng dưới nước nổi tiếng trong truyền thống Việt Nam, được trồng trong sân nhà tại bể nước, hồ nuôi cá. Hoa sen trồng trong bùn đen nhưng không hề vấy mùi bùn, vì thế được coi là pháp bảo quan trọng của nhà Phật. Hoa sen còn ngụ ý một cuộc sống hạnh phúc, bình an cho gia đình.

Sen được trồng trong nhà

Nguồn: Internet

6. Dừa cảnh mang đến điềm lành

Cây dừa cảnh sẽ mang đến điềm lành cho gia chủ. Không chỉ vậy, dừa cảnh còn giúp công việc làm ăn của chủ nhà được thuận buồm xuôi gió, phát lộc, phát tài.

Cây dừa cảnh

7. Cây hoa hồng mang bình an cho gia chủ

Hoa hồng có nhiều chủng loại, màu sắc hoa phong phú. Đây là loài hoa được trồng phổ biến trong các kiến trúc sân vườn, thường được trồng trong các bồn hoa có núi đá, ở góc vườn hay những nơi có diện tích nhỏ hẹp. Do hoa nở suốt bốn mùa nên được dân gian coi là loài hoa cát lành may mắn, mang ý nghĩa “bốn mùa bình an”.

Cây hoa hồng

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

 

Phòng, chữa bệnh hiệu quả cho cá nuôi với 7 loại thảo mộc

Biến động của thời tiết như rét đậm, rét hại, xâm nhập mặn đã làm sức đề kháng của cá nuôi bị suy giảm, tạo điều kiện cho mầm bệnh xâm nhập, gây ra các bệnh. Để phòng bệnh theo hướng an toàn, việc sử dụng những loại thảo mộc sẵn có trong tự nhiên sẽ giúp xử lý môi trường ao nuôi, phòng ngừa dịch bệnh, giúp cá phát triển tốt.

1. Lá xoan – trị bệnh trùng mỏ neo, trùng bánh xe


Đặc tính của cây xoan có vị đắng, cá được cọ xát thì những con trùng mỏ neo, trùng bánh xe không bám vào vây và da.

Cách phòng bệnh: Định kỳ 15 ngày ngâm lá xoan trong ao một lần với liều lượng 10 kg cành lá/100 m2 ao; hoặc 20 – 25kg lá xoan/lồng 8m3; có thể bón lót xuống ao với liều 0,3 kg/m3 trước khi thả cá vào ao ương 3 ngày.

Trị bệnh: Lấy cành lá xoan non bó thành lại đem ngâm trong ao nuôi cá đang có trùng mỏ neo, trùng bánh xe gây bệnh; cũng có thể ngâm trong bè hoặc vèo nuôi cá ở phía đầu nguồn nước với lượng 1,5 – 2,0 kg lá xoan/150 – 200 m2 ao đến khi thấy lá xoan bị mục thì vớt cành ra khỏi ao.

2. Lá đu đủ tía (lá thầu dầu) – trị bệnh loét mang, đốm đỏ ở cá

Lá đu đủ tía (cây thầu dầu),có vị đắng chứa hoạt chất Ricin, dùng để chữa bệnh loét mang, đốm đỏ ở cá.

Cách phòng bệnh: Định kỳ 15 ngày ngâm lá đu đủ tía trong ao một lần với liều lượng 15 kg cành lá đu đủ tía/1000 m2 ao.

Trị bệnh: Lấy lá đu đủ tía bó thành bó ngâm xuống ao với lượng 2,5 – 3 kg lá/150 – 200 m2 ao. Đối với lồng nuôi cá ngâm 15 – 20 kg lá/8 – 10 m3 lồng.

3. Cây rau sam – trị bệnh viêm ruột do virus ở cá trắm cỏ

Cây rau sam có chứa beltalan ankaloit dùng chữa bệnh viêm ruột do vi khuẩn cho cá trắm cỏ.

Cách phòng bệnh: Định kỳ 10 ngày cho cá ăn một lần với liều lượng 1 kg rau sam/100 kg cá.

Trị bệnh: Lấy rau sam đem rửa sạch rồi thả vào khung cho cá ăn một lần/ngày, liên tục trong 5 – 7 ngày, với 1,5 – 3 kg rau/100 kg cá. Đối với cá giống, cần băm nhỏ rau rắc đều trên mặt ao, chú ý để cá thật đói rồi mới cho ăn.

4. Cây răng cưa (chó đẻ) – trị bệnh hoại tử ở cá trê


Cây chó đẻ răng cưa, là kháng sinh đối với vi khuẩn gây bệnh hoại tử ở cá trê, vòng kháng khuẩn 11 – 20 mm.

Cách sử dụng: Dùng 5 kg cây tươi, giã lấy nước rồi trộn vào 100 kg thức ăn để trị bệnh cho cá.

5. Cây nghể – trị bệnh viêm ruột, loét mang cho cá trắm cỏ, rô phi

Là loài cỏ mọc hoang dại ở nơi ẩm thấp (thường thấy ở các đầm lầy) sống quanh năm, thân cây có nhiều nhánh, lá hình lưỡi mác, có hoa đỏ mọc thành bông ở đầu cành hay kẽ lá. Cây có vị cay nóng, hắc.

Cách trị bệnh: Lấy thân cây và lá băm nhỏ, nấu kỹ lấy nước, sau đó trộn với thức ăn cho cá ăn, với liều lượng 3kg thân lá nghể tươi/100kg cá giống, cho cá ăn liên tục từ 3 – 6 ngày. Cũng có thể dùng lá nghể khô xay thành bột trộn với thức ăn cho cá, 1-2kg nghể khô/100kg cá giống.

6. Cây sòi – trị bệnh thối rữa mang và trắng đầu ở cá


Cây sòi còn có tên khác là ô thụ quả, ô du, thác tử thụ. Cây sòi có nhựa, có khả năng diệt khuẩn. Dùng lá sòi để trị bệnh thoái rửa mang, tráng đầu ở cá. Lấy cành bó thành bó nhỏ cho xuống ao.

Trị bệnh: Cần bón xuống ao với nồng độ 6,0 ppm (6,0 gram cành lá sòi phơi khô/m3 nước) Thường dùng 1 kg cành lá sòi khô (hoặc 4 kg tươi) ngâm vào 20 kg vôi sống 2% trong một đêm, sau đó đun sôi 10 phút, pH trên 12 rồi bón xuống nước.

7. Cây cỏ sữa lá nhỏ – trị bệnh viêm ruột, bệnh thối rữa mang của cá do vi khuẩn

Cây cỏ sữa lá nhỏ có phổ kháng khuẩn rộng, có tác dụng ngưng máu, trung hoà độc tố. Dùng toàn thân cây để trị bệnh viêm ruột, thoái hoá mang cá do vi khuẩn gây ra.

Trị bệnh: Dùng 50 gram cây cỏ sữa khô hoặc 200 gram cây được giã thành bột + 20 gram muối cho 10 kg trọng lượng cá ăn trong 1 ngày, ăn liên tục trong 3 ngày.

Theo báo Nghệ An, được tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.