Ủ chua ngọn và lá mía để nuôi bò thịt

Bà con các vùng trồng mía nguyên liệu cho các nhà máy chế biến đường đã  tận dụng ngọn, lá mía sau khi thu hoạch để ủ chua làm thức ăn nuôi bò thịt mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.

Sau khi thu hoạch mía, lá mía và ngọn được sử dụng để ủ chua làm thức ăn cho bò

Kinh nghiệm này xuất phát từ đề tài “Nghiên cứu biện pháp ủ chua ngọn lá mía làm thức ăn chăn nuôi bò thịt” của các nhà khoa học Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội do TS. Đặng Vũ Bình làm chủ nhiệm.

Theo TS. Bình thì ngọn, lá mía dùng cho chăn nuôi bò thịt có giá trị dinh dưỡng tương đối cao, có thể thay thế được nguồn thức ăn xanh. Với phương pháp ủ chua, nông dân có thể tận dụng được từ 60 đến 80% ngọn lá mía tại các vùng nguyên liệu mía đường làm thức ăn dự trữ cho những tháng thiếu cỏ để chăn nuôi bò thịt rất tốt.

Ông Nguyễn Công Nhân ở xã Xuân Châu, huyện Thọ Xuân là người đầu tiên được Sở NN-PTNT Thanh Hóa và nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội giúp đỡ xây dựng mô hình theo phương pháp này phấn khởi cho hay: “Phương pháp này dễ làm, tận dụng nguyên liệu sẵn có, các phụ gia cũng dễ tìm, dễ kiếm, rẻ tiền”. Nhiều hộ chăn nuôi bò thịt ở Xuân Châu đã bắt đầu làm theo. Cách làm như sau:

– Ngọn lá mía sau khi thu hoạch được băm nhỏ với kích thước 1-3cm rồi trộn đều với urê (2%), rỉ mật (2-4%) hoặc bột sắn, bột ngô, cám gạo… (tỷ lệ 4-6%). Nếu là rỉ mật thì có thể dùng vòi phun hoặc pha trong bình ô doa để tưới đều vào đống lá và ngọn đã băm nhỏ; nếu là bột mì, bột ngô hoặc cám gạo thì dùng tay trộn đều trước khi đem ủ trong các silo.

Lá mía sau khi thái nhỏ

– Silo là những ống tròn rỗng có đường kính khoảng 1,2-1,4m, cao 1,3-1,4m được làm bằng nhiều loại vật liệu khác nhau như bê tông, gỗ, tôn sắt… và có thể chồng lên nhau để có chiều cao theo ý muốn. Trong trường hợp không có các silo thì có thể đào hố đất, xây bể xi măng hoặc dùng các bao nilon chắc chắn để nén ủ cũng được. Dùng nilon để lót đáy và xung quanh silo trước khi cho hỗn hợp ngọn, lá mía và chất phụ gia gây lên men vào ủ. Cứ sau 1 lớp ngọn, lá mía dày 10-15cm lại dùng đầm hoặc chân để nén chặt xuống cho đến khi đầy silo. Sau cùng dùng nilon đậy kín rồi lấp 1 lớp đất dày 20-30cm (nện chặt) lên trên. Dùng bao đựng cát hoặc đất xếp 1 lớp lên trên, làm giàn mái che mưa nắng.

– Sau từ 30-45 ngày có thể lấy ra cho bò ăn dần. Nếu không có nhu cầu cho ăn ngay thì có thể bảo quản dự trữ được từ 5-7 tháng. Sản phẩm đảm bảo chất lượng là có mùi thơm dễ chịu, màu hanh vàng, trâu bò rất thích ăn. Có thể cho ăn với khối lượng 6-8kg/con/ngày cùng với các loại thức ăn tinh khác.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Công nghệ sản xuất mạ khay

Sản xuất mạ khay gắn liền với việc sử dụng máy cấy. Đây là công nghệ mới trong khâu gieo cấy, nhằm thúc đẩy sản xuất lúa theo hướng tiên tiến, hiện đại, nâng cao hiệu quả sản xuất của người lao động, góp phần thúc đẩy cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa. Chúng tôi xin giới thiệu với bà con quy trình công nghệ sản xuất mạ khay.

1. Chuẩn bị lúa giống

 a) Chọn hạt giống: Lựa chọn hạt giống giống khỏe mạnh và đầy đặn.

b) Loại bỏ các ngạnh ở đầu và đuôi:

Loại bỏ ngạnh lúa nhằm đảm bảo gieo giống được đều đặn và thống nhất. Khi loại bỏ các ngạnh lúa, chú ý không loại bỏ các vỏ trấu của hạt lúa. Bởi, nếu mất vỏ trấu, hạt lúa sẽ bị khô và rất dễ bị bể (vỡ). Những hạt giống bị bể không thể sử dụng được.

 c) Tuyển chọn bằng nước muối:

– Mục đích: Để chọn được những hạt giống khỏe mạnh.
– Cách làm: Hòa tan muối trong nước, với tỷ trọng tiêu chuẩn là 1.08 (tỷ lệ 1,5 kg muối và 10 lít nước). Với tỷ trọng 1.08, tỷ lệ nảy mầm giữa các hạt giống sẽ luôn ổn định.
– Cách nhận biết tỷ trọng 1.08
– Sử dụng trứng gà
– Sử dụng tỷ trọng kế

Chú ý

– Sau khi tuyển chọn 1 hoặc 2 lần tỷ lệ 1.08 sẽ thay đổi.
– Cần điều chỉnh cho nước có tỷ trọng 1.08
– Sau khi tuyển chọn được những hạt giống tốt chúng ta cần rửa lại bằng nước sạch, để loại bỏ muối ra khỏi hạt giống. Vì nếu còn lẫn muối, muối sẽ làm cho hạt giống phát triển kém.

2. Tẩy độc hạt giống

 – Sau khi tuyển chọn được những hạt giống tốt chúng ta cần tẩy độc hạt giống tiêu diệt các mầm bệnh
– Tẩy độc giúp cho hạt giống đề kháng được các bệnh: Đạo ôn, rầy nâu…
– Tẩy độc bằng các loại nông dược chuyên dùng tại địa phương.
– Có những nông dược dạng bột (JIVON-miền tây) hay dạng dùng chung khi ngâm như acid…

3. Ngâm giống

– Quá trình ngâm giống thúc đẩy hạt nảy mầm một cách đồng nhất
– Hạt giống cần độ ẩm khoảng 25% để nảy mầm
– Khi ngâm bảo đảm dùng nước sạch và tỷ lệ khoảng 1kg giống: 3.5 lít nước.
– Nên thay nước 1 ngày một lần để cung cấp đủ oxy, vì nếu không đủ OXY sẽ làm cho hạt chậm phát triển.
– Số ngày cần thiết để hạt giống nảy mầm là tích hợp đủ tổng nhiệt độ 100 độ C
Cụ thể: Nhiệt độ nước trung bình hàng ngày (độ C) X số ngày = tổng nhiệt độ nảy mầm (1000c)
Ở 25 độ C x 4 ngày = 100 độ C
Ở 30 độ C x 3,5 ngày = 105 độ C
Ở 35 độ C x 3 ngày = 105 độ C
– Chiều dài tiêu chuẩn của mầm từ 0.5 – 1.0mm
– Nếu mầm và rễ quá dài khi gieo sẽ gặp khó khăn
– Nếu mầm không phát triển đủ, quá trình tăng trưởng sẽ không đều
– Trước khi gieo hạt giống cần được làm ráo nước.
– Nếu bị ướt sẽ làm cho việc gieo giống không chính xác.
– Nên phơi hạt nơi có bóng râm.

4. Cho đất vào khay

– Đất tốt nhất là đất bùn từ ruộng hoặc đất lấy từ núi
– Nên dùng lưới sàng có lỗ 6-8mm
– Cho đất vào khay và dùng thanh làm phẳng để làm phẳng bề mặt
– Chiều dày của đất 20cm
– Không đè mạnh khi cho đất vào khay. Vì nếu đè mạnh sẽ làm cho mầm phát triển không tốt.
– Chú ý các góc khi cho đất vào khay. Nếu các góc không bằng có thể làm cho việc gieo không đều

 5. Đường ray gieo

– Chuẩn bị đường ray cho bánh xe của máy gieo

6. Tưới nước

– Cần tưới nước cho lớp đất trước khi gieo.
– Cung cấp khoảng 1-1,5lít nước.
– Đảm bảo cho đất được làm ướt đều đến bên dưới.

7. Gieo mạ

– Để cây giống khỏe mạnh cần gieo chính xác và đồng nhất.
– Khối lượng giống: 200g mỗi khay.

8. Phủ đất

– Sau khi gieo chúng ta cần phủ một lớp mỏng trên bề mặt.
– Đất không cần chứa phân bón
– Không tưới nước sau khi phủ đất

9. Kết thúc gieo

– Sau khi gieo và phủ đất. Chúng ta cần xếp chồng, giúp cung cấp đủ nhiệt độ cho hạt giống nảy mầm.
– Quá trình này kết thúc khi mầm được 0.5cm.

10. Chăm sóc sau khi gieo

Sau khi hạt nảy mầm được 0.5cm cần được đưa ra chăm sóc ở vườn ươm. Vườn ươm cần có bề mặt bằng phẳng

– Cần đảm bảo nhiệt độ cho mạ non phát triển (đối với miền Bắc)
– Nếu nhiệt độ quá thấp (dưới 150c) sẽ làm cho cây mạ sinh trưởng không tốt.
– Đảm bảo cung cấp đủ nước cho cây mạ.
– Lượng nước tối thiểu: 1lít mỗi khay.
– Cây mạ tốt để cấy có khoảng 3 lá.
– Cây mạ tốt để cấy phải đạt chiều cao khoảng 10 đến 20cm.
– Mạ cần có độ dày rễ từ 2,7 đến 3cm.

Việc áp dụng công nghệ sản xuất mạ khay, máy cấy, giúp mật độ cây lúa đạt sự đồng đều hơn, khoảng cách hàng cố định 30cm; khoảng cách cây có thể điều chỉnh từ 12-21cm. Chính vì vậy khi tạo độ đồng đều trong quần thể ruộng lúa; phát huy được hiệu ứng hàng biên sẽ tăng năng suất và chất lượng hạt lúa; ruộng thông thoáng, giảm sâu bệnh.

Hiện nay, tại các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ, công nghệ sản xuất mạ khay, sử dụng máy cấy đã áp dụng ở một số tỉnh như: Thanh Hóa, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng.

Nguồn:  Khuyennongvn.gov.vn được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Những hiện tượng bất thường trên rễ lúa và biện pháp khắc phục

Trong quá trình trồng lúa, người nông dân cần theo dõi liên tục sự phát triển bộ rễ của lúa để phát hiện những hiện tượng bất thường và tìm cách khắc phục kịp thời tránh thiệt hại nghiêm trọng.

1. Thế nào là rễ lúa khỏe mạnh, bình thường

Rễ lúa khỏe mạnh, bình thường lúc mới mọc có màu trắng sữa, hơi cứng, chưa có lông hút. Khi rễ trưởng thành trở nên mềm mại, suông dài, có màu xám nâu, nhưng chóp rễ vẫn có màu trắng sữa và có lông hút, chứng tỏ rễ đang sinh trưởng mạnh.

2. Hiện tượng rễ lúa có màu vàng, nâu

Rễ lúa có màu vàng hay nâu là do chất sắt bám bên ngoài rễ lúa (sắt bị oxy hóa bởi rễ tiết ra oxy). Đây là hiện tượng phổ biến ở rễ lúa trồng trên đất ngập nước có độ thấm rút kém ở đồng bằng sông Cửu Long. Chính hiện tượng này giúp lúa chống lại sự ngộ độc sắt ở đất ngập nước (yếm khí) hay ở đất có pH thấp (như đất phèn). Mặc dù rễ lúa bị vàng, nâu nhưng vẫn sinh trưởng khỏe mạnh bình thường, tuy nhiên khả năng hấp thụ dưỡng chất có phần nào bị giảm đi. Ở đất phèn nặng, chất sắt hòa tan rất nhiều, vượt quá khả năng oxy hóa của rễ làm lúa bị ngộ độc sắt, lúc đó có màu nâu đỏ.

Để làm giảm hiện tượng này cần phải cày sâu, phơi ải, đánh rãnh thoát nước sau khi làm đất và rút nước thường xuyên giữa vụ (nhất là ở giai đoạn 2-3 tuần sau khi cho đất ngập nước), bón vôi để nâng pH nước ruộng trên 5,5.

3. Hiện tượng rễ lúa bị đen

Rễ lúa bị đen là do chất sắt kết hợp với chất lưu huỳnh bám trên rễ. Rễ lúa bị đen mất khả năng oxy hóa nên dễ bị ngộ độc sắt (Fe2+), hấp thụ dinh dưỡng kém mất cân đối nên dễ nhiễm bệnh như bệnh đốm nâu. Hiện tượng này thường xảy ra ở đất trũng thấp, ngập nước, nhiều sét, ít thấm rút và có cày vùi nhiều rơm rạ. Tình trạng trở nên trầm trọng gây chết rễ khi đất có phèn nặng.

Không nên để cho rễ lúa bị đen, chết rồi mới trị, mà cần có biện pháp phòng tránh như sau:

a. Sau khi thu hoạch lúa nên cày ải, để rơm rạ được phân hủy ít nhất 1 tháng, và chỉ sạ lúa sau khi cho đất ngập từ 2 đến 3 tuần.

b. Trong trường hợp không cày ải được vì phải gieo sạ lại ngay sau khi thu hoạch, cần phải cắt gốc rạ và di chuyển hết rơm rạ ra khỏi ruộng trước khi làm đất. Nếu không được thì phải chủ động rút nước ở thời điểm 15 và 30 ngày sau khi sạ, rút khô kiệt đến khi mặt ruộng răn nứt (ít nhất 5 ngày, mực thủy cấp cách mặt đất 10-15 cm), bón phân vôi (khoảng 30 kg đá vôi nung/công 1.000 m2), vô nước lại và bón phân lân và kali để tăng khả năng chống chịu của cây lúa.

4. Hiện tượng rễ lúa có bướu

Khi rễ lúa bị ngắn lại, chóp rễ phù to có nhiều dạng khác nhau kích thước từ 1-3 mm (gọi là bướu) là do tuyến trùng gây ra. Tuyến trùng tấn công mạnh trong giai đoạn đầu của cây lúa, ở những ruộng bị thiếu nước do không giữ được nước hay do khô hạn.

Để phòng ngừa nên cho đất ngập nước để diệt tuyến trùng lưu tồn trong đất trước khi gieo sạ. Khi phát hiện có bướu rễ phải cho đất ngập nước để khống chế sự phát triển của tuyến trùng. Có thể rải Diazan 10 H với liều lượng khoảng 20 kg/ha để diệt tuyến trùng.

5. Hiện tượng rễ lúa chết

Ở giai đoạn trước tượng đòng, sản phẩm quang hợp của lá lúa tập trung vào việc nuôi rễ nên bộ rễ phát triển mạnh và đạt mức tối đa khi cây lúa bắt đầu tượng khối sơ khởi (lúc bón phân đón đòng). Ở giai đoạn có đòng (lúc bông lúa còn non, chưa trổ) thì một phần sản phẩm quang hợp của lá lúa được sử dụng để nuôi đòng cho nên sự phát triển của rễ vào giai đoạn này bị chậm lại. Khi lúa bắt đầu trổ, hầu như sản phẩm quang hợp của những lá trên của bộ lá đòng được sử dụng để nuôi hạt, chỉ những lá già ở bên dưới nuôi rễ mà thôi. Do đó, rễ bắt đầu chết dần sau khi lúa trổ là việc bình thường, muốn duy trì sự sống của rễ ở giai đoạn này phải cung cấp đủ dinh dưỡng cho lúa ở giai đoạn làm đòng và giữ cho lá không bị bệnh và côn trùng gây hại.

Nguồn: Agpps.com.vn được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Chế biến thân lá ngô dùng làm thức ăn cho trâu bò

Thân lá ngô khi còn xanh có thể cho trâu bò ăn ngay, song thường khi thu hoạch thì ta có một lượng nhiều nên trâu bò không thể tiêu thụ hết trong một thời gian ngắn.


Chúng tôi xin giới thiệu phương pháp ủ chua yếm khí thân lá ngô với bạn đọc. Thân lá ngô sau khi thu hoạch bắp loại chưa già, lá ngô còn xanh. Thân lá ngô (TLN) lúc này có vật chất khô (VCK) khoảng 25-27%, protein thô (CP) khoảng 9%, vật chất hữu cơ (OM) khoảng 92-94%. Thân lá ngô thu về chặt nhỏ (4-5 cm), chúng được chia ra để ủ theo mấy cách sau:
– TN0: Thân cây ngô đã chặt nhỏ không cho thêm rỉ mật và urê.
– TN1: Thân lá ngô đã chặt nhỏ + 5% rỉ mật.
– TN2: Thân lá ngô đã chặt nhỏ + 2,5% rỉ mật + 0,5% urê.
Ở TN1 và TN2 hỗn hợp TLN, rỉ mật và urê được trộn đều. Tiếp theo từng hỗn hợp của TN1, TN2 và TN0 được cho vào các bao nylon riêng (có thể sử dụng bao với kích cỡ khác nhau, tùy thuộc vào lượng TLN mà ta cần ủ), lèn thật chặt (nếu bao lớn thì cho từng lớp một để dễ nén chặt) cho đến khi gần đầy bao thì thôi, cố gắng lùa hết không khí ra, cuối cùng dùng dây buộc kín và chặt miệng túi. Chú ý khi cho TLN vào túi và lèn tránh không làm bao bị rách. Để bao TLN ủ nơi dâm mát.
Qua kiểm tra để xác định chất lượng khối ủ thông qua các chỉ tiêu pH, hàm lượng VCK, CP và OM tại 0, 7, 14, 21 ngày ủ và thu được kết quả: pH từ 4,9-5,1 (0 ngày) giảm còn 3,54-4,30 (21 ngày), pH như thế này là rất tốt cho tiếp tục bảo quản. VCK gần như giữ nguyên: từ 24,6-26,4% (0 ngày) đạt 25,6-26,2% ở 21 ngày. OM cũng gần như giữ nguyên: từ 93,3-94,0% (0 ngày) đạt 92,1-93,7% ở 21 ngày. Protein thô cũng gần như được giữ nguyên: từ 8,7-12,6% (0 ngày) đạt 8,5-12,0% ở 21 ngày. Đặc biệt, nhờ có bổ sung urê mà CP ở khối ủ TN2 cao hơn hẳn TN0 và TN1, 12,0-12,6% so với 8,5-9,0%. Rõ ràng, quá trình ủ chua yếm khí không làm giảm chất lượng TLN, mà còn bảo quản được lâu dài hơn và nếu có bổ sung 0,5% urê thì cải thiện chất lượng rõ rệt.
Kiểm tra khối ủ TLN ở 21 ngày ủ bằng các chỉ tiêu cảm quan chúng tôi thấy: TN0 có màu sẫm, thơm và chua nhẹ, nhưng bị nhiễm một ít nấm mốc; TN1 có màu vàng, thơm và chua nhẹ, không bị nhiễm nấm mốc; TN2 màu vàng sáng, thơm và chua nhẹ, không bị nhiễm nấm mốc. Về cảm quan khối ủ TN2 tốt nhất, TN0 kém nhất và bị nhiễm nấm mốc nên không bảo quản được lâu.
Kiểm tra đánh giá khả năng tiêu hóa vật chất của các khối TLN ủ tại dạ cỏ của bò đã thu được kết quả: Từ sau khi ăn vào 8 giờ đến 96 giờ, tỷ lệ tiêu hóa VCK, OM và CP trong TLN ủ của TN0, TN1 và TN2 đều tăng dần. Tiêu hóa VCK từ 31,4-44,6% ở thời điểm 8 giờ tăng lên 72,4-76,5% ở 96 giờ, tốt nhất là khối ủ TN1. Tiêu hóa OM từ 30,2-44,4% ở 8 giờ tăng lên 73,6-76,8% ở 96 giờ, tốt nhất là khối ủ TN1. Tiêu hóa CP từ 44,2-67,7% ở 8 giờ tăng lên 86,2-91,9% ở 96 giờ, tốt nhất là khối ủ TN2.


Thân lá ngô còn tươi xanh sau khi thu hoạch bắp, ủ yếm khí có thể bảo quản được trong thời gian khá lâu (21 ngày hoặc dài hơn) vẫn không bị hư hỏng, vẫn sử dụng làm thức ăn cho trâu bò tốt. Nếu có điều kiện nên trộn thêm 2,5 hoặc 5% rỉ mật và 0,5% urê thì chất lượng của thân lá ngô ủ sẽ được cải thiện. Ủ thân lá ngô yếm khí điều quan trọng nhất là phải nến nén chặt, buộc kỹ để bảo đảm điều kiện yếm khí. Mỗi lần lấy TLN ủ ra cho trâu bò ăn, chỉ lấy lượng vừa đủ cho bữa ăn đó, rồi lại phải nén chặt khối ủ và buộc kỹ miệng túi để giữ cho khối ủ yếm khí.

Nguồn : báo Nghệ An, tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Bệnh lem lép hạt lúa

Bệnh lem lép ở cây lúa do nhiều nguyên nhân đồng loạt gây nên làm thiệt hại nghiêm trọng tới người nông dân. Bệnh đang có xu hướng lan rộng về diện tích lẫn mức độ tác hại, mùa vụ nào chân ruộng nào cũng có bệnh, chưa có giống lúa nào chống chịu được bệnh.

Thế nào là lem lép hạt lúa

Lem lép hạt lúa là tên gọi để chỉ chung hiện tượng hạt lúa có vỏ trấu sậm màu biến đổi từ màu nâu đến đen; từ đen lốm đốm đến đen toàn bộ vỏ trấu; bao gồm cả trên hạt lúa có gạo và hạt lúa lép không có gạo ở giai đoạn cây lúa còn trên đồng ruộng trước khi thu hoạch.

Bệnh lem lép hạt do nhiều mầm bệnh tấn công lên hạt. Gồm mầm bệnh của đạo ôn (Pyricularia oryzae), bệnh đốm vằn (Rhizoctonia solani), bệnh thối thân (Sclerotium spp.), bệnh lúa von (Fusarium spp.), bệnh đốm nâu (Helminthosporium oryzae, Cercospora oryzae), nấm Alternaria spp., Curvularia spp., và vi khuẩn gây cháy bìa lá (Xanthomonas spp.), sọc lá (Pseudomonas spp.)…

1 Mối tương quan giữa dịch bệnh với cây trồng

Bệnh xảy ra trên cây trồng có liên quan đến các yếu tố môi trường chung quanh như thời tiết, đất nước, tình trạng sức khoẻ cây trồng và sự xuất hiện của mầm bệnh.

  • Bệnh đạo ôn lúa: Khi thời tiết có sương mù, ẩm độ cao, nhiệt độ thấp vào ban đêm, gieo trồng giống lúa mẩn cảm với bệnh, bón phân thừa đạm sẽ thích hợp cho mầm bệnh đạo ôn gây hại.
  • Bệnh khô vằn: Thời tiết mưa bảo, ẩm độ cao, ít nắng, gieo sạ mật độ dầy, bón phân thừa đạm sẽ thích hợp cho bệnh khô vằn phát triển.
  • Bệnh đốm nâu: Tình trạng đất xì phèn, rễ lúa bị nhiễm phèn, cây lúa thiếu phân và sinh trưởng kém sẽ tạo điều kiện cho bệnh đốm nâu phát triển.

Trong điều kiện thời tiết mưa gió, bệnh lem hạt trên lúa thường phát triển mạnh. Khi cây lúa đang trổ, bông lúa đang phơi màu, nếu gặp mưa bão, sẽ gây ra tình trạng lép hạt lúa. Bên cạnh, với điều kiện ẩm độ cao, mưa gió nhiều, nấm bệnh sẽ phát triển và phát tán mạnh, cũng như việc phun thuốc phòng trị gặp nhiều khó khăn khi thời tiết mưa bão, do đó hạt lúa dễ dẫn đến tình trạng bị lem hạt.

2 Điều kiện hạn chế tác hại của bệnh

Nhằm hạn chế sự gây hại của bệnh, biện pháp canh tác của bà con nông dân rất quan trọng, biện pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật là cuối cùng. Biện pháp canh tác như vệ sinh đồng ruộng, chọn giống sạch bệnh, không sạ dầy, bón phân cân đối không thừa đạm, bón theo bảng so màu lá lúa thì sẽ góp phần hạn chế bệnh phát triển và lây lan. Đối với chân ruộng bị nhiễm phèn, mặt ruộng cần được xẻ rảnh kết hợp với bơm nước và tháo nước để xổ phèn, bên cạnh ruộng được bón lót vôi hoặc phân lân để hạ phèn, sau đó sử dụng phân Calcium nitrat trộn chung với đợt bón phân lần 2 và lần 3 để rãi thì sẽ hạn chế được tình trạng đất xì phèn và lúa bị ngộ độc phèn.

Để giúp cây lúa có khả năng trổ nhanh và đồng loạt, cần tránh bón phân thừa đạm ở giai đoạn rước đòng, bón theo bảng so màu lá lúa và nên phun phân bón qua lá KNO3 (Multi-K) vào giai đoạn trước khi trổ 5 – 7 ngày

3 Phòng trị bệnh ở giai đoạn lúa đẻ nhánh tích cực và làm đòng:

Bệnh lem lép hạt do nhiều mầm bệnh tấn công lên hạt. Gồm mầm bệnh của đạo ôn (Pyricularia oryzae), bệnh đốm vằn (Rhizoctonia solani), bệnh thối thân (Sclerotium spp.), bệnh lúa von (Fusarium spp.), bệnh đốm nâu (Helminthosporium oryzae, Cercospora oryzae), nấm Alternaria spp., Curvularia spp., và vi khuẩn gây cháy bìa lá (Xanthomonas spp.), sọc lá (Pseudomonas spp.)

Cây lúa ở giai đoạn làm đòng thường xuất hiện nhiều mầm bệnh gây hại kể trên, sau đó những mầm bệnh này sẽ tiếp tục lây lan từ lá và bẹ lên cổ bông và hạt lúa gây lem lép hạt. Vì vậy, cần theo dõi khống chế mầm bệnh gây hại ở giai đoạn lúa đẻ nhánh tích cực đến làm đòng. Nếu ở giai đoạn này, không phòng trị tốt những mầm bệnh trên và để cho chúng phát triển mạnh và gây hại nặng, sau đó cho dù sử dụng những loại thuốc phòng trị bệnh lem lép hạt đắt tiền phun vào giai đoạn trước trổ và sau trổ thì hiệu quả mang lại cũng rất thấp.

Sử dụng thuốc BVTV

Khi sử dụng thuốc BVTV cần sử dụng theo phương pháp 4 đúng, cần có 1 bộ thuốc để phòng trị bệnh và sử dụng luân phiên

Sử dụng thuốc Kisaigon 10H dạng hạt trộn với phân bón đợt 2 và đợt 3 để rải. Thuốc hấp thu qua rễ và lưu dẫn vào cây lúa, giúp bảo vệ toàn bộ cây lúa, tiêu diệt mầm bệnh cả bộ phận bên trên và bên dưới của cây lúa, gồm các loại mầm bệnh đạo ôn, khô vằn, đốm nâu, thối thân.

+ Sử dụng Lúa vàng 20WP để phòng trị bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông

+ Sử dụng Pysaigon 50WP để phòng trị bệnh đạo ôn lá, đạo ôn bông, vàng lá chín sớm

+ Sử dụng thuốc Saizole 5SC vào giai đoạn lúa 35 đến 70 ngày đề phòng trị bệnh khô vằn, đốm nâu, lúa von

4 Phòng trị bệnh ở giai đoạn lúa trổ

  • Sử dụng thuốc trừ nấm phổ rộng, nội hấp nhanh
  • Giai đoạn trước khi lúa trổ 5 – 7 ngày, sử dụng thuốc Hạt vàng 250SC pha với Dipomate 80WP và Multi-K
  • Giai đoạn lúa trổ đều, sử dụng thuốc Hạt vàng 250SC
  • Với điều kiện áp dụng biện pháp canh tác và sử dụng thuốc trừ bệnh hợp lý, việc quản lý bệnh trên cây lúa sẽ đạt được kết quả cao và mang lại hiệu quả kinh tế.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Các biện pháp kỹ thuật cho mô hình lúa – cá

1. Chuẩn bị ruộng nuôi

Trong qui trình nuôi cá thì chuẩn bị ruộng nuôi là khâu quan trọng ảnh hưởng quyết định đến năng suất cá nuôi.

– Nếu nuôi cá – lúa luân canh thì sau khi thu hoạch lúa, có thể bón thêm phân ure để tạo chét lúa hay dọn sạch rơm rạ, cỏ trên ruộng lúa; sên vét lớp bùn đáy ở mương bao, chỉ để lại lớp bùn 20-30 cm. Cho nước vào ngập ruộng ngâm vài ngày rồi xả bỏ. Những ruộng có hệ thống mương bao mới đào thì cần lấy nước vào ngâm vài lần để rửa phèn.

Chuẩn bị ruộng nuôi cá – lúa

– Bón vôi: sử dụng vôi nung (CaO) 10 – 15 Kg/100m². Bón vôi sau khi đáy mương bao đã được tát cạn, vôi được rải khắp mương và bờ ruộng. Bón vôi ngoài việc diệt tạp, tiêu độc đáy mương nó còn tạo điều kiện pH cao thích hợp trong việc tạo thức ăn tự nhiên ban đầu có ích cho cá nuôi giai đoạn nhỏ.

– Phơi mặt ruộng và đáy mương bao khoảng 2 – 3 ngày, tránh phơi quá lâu mặt ruộng bị nứt nẻ làm xì phèn.

– Cấp nước vào ruộng nuôi phải qua lưới lọc (lưới cước a = 0,3 mm) để ngăn chặn địch hại và tép cá tạp vào làm giảm sản lượng nuôi và cạnh tranh thức ăn. Khi mực nước trong mương bao đạt 1,2 m thì có thể bón phân vô cơ DAP từ 100 – 150 g/100 m2 để gây màu nước hoặc phân hữu cơ 7-10 kg/100m2. Lợi ích của việc bón phân là để hạn chế tảo đáy phát triển, tảo sẽ hấp thu các sản phẩm Nitơ và Phospho trong nước hạn chế nguồn gây ô nhiễm và ổn định nhiệt độ, pH.

2. Chọn đối tượng

a. Chọn giống lúa

Mô hình lúa – cá kết hợp là mô hình tận dụng triệt để nguồn thức ăn tự nhiên trên ruộng lúa và hạn chế tối đa việc sử dụng hoá chất trên đồng ruộng do đó cần phải chọn giống lúa có thể kháng sâu bệnh tốt như: MTL – 141, MTL – 149, MTL – 159, IR60820-81-2-1, IR64 … Tốt nhất nên chọn phương pháp sạ hàng.

Chọn lúa giống có chất lượng tốt

b. Chọn loài cá nuôi

Mặc dù phần lớn các loài cá nước ngọt đều có thể nuôi chọn nuôi trong ruộng. Tuy nhiên khi chọn loài cá thả nuôi cần lưu ý:

– Đối tượng nuôi phải có khả năng thích nghi, phát triển tốt và ăn các loại thức ăn tự nhiên có sẵn trong ruộng.

– Khả năng đầu tư thức ăn, phân bón của người nuôi.

– Đảm bảo số lượng giống thả.

– Điều quan trọng là thị hiếu của người nuôi và nhu cầu thị trường.

Các đối tượng phổ biến hiện nay được nuôi trong ruộng lúa là: mè vinh, chép, rô phi, sặc rằn, rô đồng,…

Cá rô phi được nuôi trong ruộng lúa

Mật độ thả nuôi tuỳ thuộc vào độ màu mỡ của nước và lượng thức ăn cung cấp. Nếu ruộng nuôi có đầu tư thức ăn thì mật độ thả từ 2 – 5 con/m2.

Chất lượng con giống rất quan trọng, do đó phải chọn cá khỏe, có kích cỡ tương đối đồng đều, màu sắc sáng, bơi lội nhanh nhẹn. Cỡ cá từ 200 – 400 con/kg.

3. Thời gian sạ lúa và thả cá

a. Sạ lúa

Vụ Hè – Thu: bắt đầu từ khoảng giữa tháng 2 đến giữa tháng 6, sau khi kết thúc vụ Đông – Xuân

Vụ Đông – Xuân: bắt đầu sau khi nước rút và thu hoạch cá, tháng 11 đến tháng 3

b. Thả cá

– Nên thả cá sớm hơn sau khi sạ lúa vài ngày (vào khoảng giữa cuối tháng 2)

– Thả cá sớm có lợi: cá dữ ít nên tỷ lệ sống rất cao

– Thời gian nuôi dài, cá lúc thu hoạch lớn lúc đầu cá giống được thả ở ao trữ và mương bao (chưa cho lên mương ruộng)

– Sau khoảng 40 – 50 ngày thì dâng nước lên cho cá vào ruộng, lúc này lúa đã lớn.

4. Vận chuyển và thả cá

Nên vận chuyển cá lúc trời mát để tránh gây tổn thương cho cá. Nên thả cá lúc sáng sớm hay chiều mát. Trước khi thả cá cần ngâm bao trong nước ao từ 20 – 30 phút để cân bằng nhiệt độ bên trong bao và bên ngoài môi trường nước. Khi nhiệt độ bên trong và bên ngoài bao tương đối cân bằng thì mở miệng bao cho nước bên ngoài vào trong bao, sau đó hạ từ từ cho cá bơi ra ngoài.

5. Quản lý cá nuôi

a. Thức ăn

Một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công trong nuôi thủy sản là thức ăn. Để cá có thể phát triển tốt cá cần được bổ sung thức ăn đảm bảo chất lượng dinh dưỡng và số lượng cho ăn.

– Thức ăn tươi: bao gồm cá, tép, cua, ốc, hến,… các phế phẩm từ nhà máy chế biến thủy sản. Thức ăn tươi rất dễ làm chất lượng nước xấu đi nhanh chóng, hệ số tiêu tốn thức ăn cao.

– Thức ăn viên (công nghiệp), thức ăn chế biến: các thành phần dinh dưỡng đã được phối chế phù hợp với từng giai đoạn tăng trưởng của đối tượng nuôi. Qui trình công nghệ sản xuất thức ăn hiện đại đảm bảo chất lượng thức ăn, thời gian bảo quản lâu, hệ số thức ăn thấp, ít ảnh hưởng đến chất lượng nước trong hệ thống nuôi.

Trong quá trình nuôi nên kết hợp thức ăn viên và thức ăn tinh.

Một số công thức thức ăn được phối trộn như sau

Công thức 1: Cám 70% + Bột cá 25% + Bột gòn 5%

Công thức 2: Cám 70% + Ốc ruột xay nhỏ 25% + Bột gòn 5%

b. Cách cho ăn

– Trong thời gian đầu cá còn nhỏ khả năng bắt mồi kém, yêu cầu thức ăn có chất lượng dinh dưỡng cao, do đó nên sử dụng thức ăn viên nổi (hàm lượng đạm từ 25 – 30%). Cho ăn 3 – 4 lần/ngày.

– Khi cá lớn (30 – 50g/con) nên cho ăn bổ sung thức ăn tinh như tấm nấu chín phối trộn với bột cá hoặc ốc, cua xay nhỏ.

– Lượng cho thay đổi theo tháng nuôi: Hai tháng đầu 10% trọng lượng cá, tháng thứ 3 – 4 cho ăn 7%, tháng 5 – 6 cho ăn 5% và những tháng sau cho ăn 3% (tuy nhiên lượng cho ăn phải được điều chỉnh theo mức độ ăn mồi của cá).

– Để điều chỉnh lượng cho ăn phù hợp cần lưu ý một số yếu tố như:

+ Theo dõi mức độ ăn mồi của cá, nếu sau 30 phút cá ăn hết là đạt yêu cầu. Trường hợp cá ăn hết nhanh trong thời gian ngắn thì phải tăng thêm lượng thức ăn.

+ Khi nước ao bị dơ hay có mùi nên giảm lượng cho ăn.

Thời kỳ sử dụng nông dược trên ruộng. Lúc này cá ở dưới mương 10 – 15 ngày, cho cá ăn bằng cách rãi điều trên mặt hoặc cho ăn vào sàn tập trung ở nhiều nơi trong mương.

6. Chăm sóc quản lý lúa

Sau khi lúa sạ 3 – 5 ngày tiến hành cho nước vào ruộng, sau đó điều chỉnh mực nước theo tốc độ phát triển của cây lúa, nhằm mục đích tạo điều kiện cho cây lúa tăng trưởng tốt, đồng thời ngăn chặn và hạn chế cỏ dại phát triển.

a. Bón phân

– Công việc bón phân cần được xem xét kỷ nhằm tránh thiếu hoặc quá dư không tốt cho cây lúa và tạo kiện cho sâu bệnh phát triển.

Có thể chia làm ba đợt bón phân như sau:

– Đợt 1: Từ 10 – 15 ngày sau khi sạ lúa, bón phân Urea liều lượng 45 – 55 kg/ ha.

– Đợt 2: Từ 25 – 30 ngày sau khi sạ lúa bón phân

+ Urea liều lượng: 65 – 70 kg/ha

+ DAP liều lượng: 45 – 55 kg/ha

– Đợt 3: Từ 40 – 45 ngày sau khi sạ lúa, bón phân

+ Urea liều lượng: 45 – 55 kg/ha

+ NPK liều lượng: 45 – 55 kg/ha

Ngoài sử dụng phân bón nông dân còn xịt các loại thuốc khác để ngừa bệnh, giúp chắc hạt với các loại thuốc như: Regent, Topsin, Alvil…

Đối với thuốc trừ sâu thì áp dụng phương pháp phòng trừ sâu bệnh tổng hợp IPM, hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu.

b. Điều tiết nước trên ruộng

– Tuần đầu mới thả cá cũng trùng với thời gian sạ lúa hoặc cấy lúa. Lúc này cần phải giữ cá ở mương, sau khi sạ lúa được 40 – 50 ngày (với ruộng cấy lúa thì 20 ngày) thì dâng nước để cá lên ruộng kiếm mồi. Trong suốt thời gian chăm sóc lúa và nuôi cá nên duy trì mức nước tối đa (thường từ 10 – 15cm)

– Khi sử dụng nông dược hoặc bón phân hoá học, phải rút nước cho cá xuống kênh chờ 5 – 7 ngày thuốc hết độc thì cấp nước trở lại cho cá lên ruộng.

– Sau khi thu hoạch lúa hè – thu, cấp nước lên ruộng đến mức tối đa cho cá mau lớn.

– Khi sử dụng thuốc nông dược cần lưu ý các loại thuốc không được sử dụng như: Furazon, Fastac, Thiodan, Decis, Sherpa …

7. Quản lý chất lượng nước

a. Thay nước

Thay nước khi chất lượng nước xấu đi, nước có mùi hôi,… cá nổi đầu vào sáng sớm, chỉ nên thay nước khoảng 20 – 30% để tránh tình trạng cá bị sốc. Việc thay nước sẽ tăng thêm oxy, giảm các chất độc trong hệ thống nuôi, kích thích cá hoạt động và bắt mồi. Lưu ý khi thay nước phải xác định được nguồn nước cấp có đảm bảo yêu cầu hay không để tránh tình trạng làm xấu đi hoặc ô nhiễm chất lượng nước trong ruộng nuôi.

Vào đầu mùa mưa, mùa lũ thường xuyên kiểm tra đăng, cống,… dọn cỏ quanh bờ bao tránh để nước dâng cao ngập cỏ gây phân huỷ làm thiếu oxy.

b. Nông dược

Trong quá trình nuôi lưu ý việc sử dụng nông dược trong canh tác lúa cũng như hoa màu của các nông hộ kế cận để hạn chế đến mức thấp nhất khả năng nhiễm sang ruộng nuôi cá.

c. Nhiệt độ

Để nhiệt độ trên mặt ruộng không biến động lớn, mực nước thấp nhất phải đạt được là 40 cm.

d. Oxy

Trong ruộng nuôi lượng oxy hoà tan trong nước có sự biến động giữa ngày và đêm, thấp nhất vào lúc sáng sớm và cao nhất lúc 3 giờ chiều. Để đảm bảo hàm lượng oxy cao trong ruộng nuôi lưu ý thời điểm cải tạo ruộng nuôi phải dọn sạch rơm rạ trên mặt ruộng để hạn chế phân hũy hữu cơ khi cấp nước vào. Biện pháp để tăng cường và ổn định oxy ở mức cao là thay nước khi nước có màu quá xanh hay xám.

e. pH

pH trong hệ thống nuôi biến động theo sự phát triển của tảo. pH tăng khi tảo quang hợp và phát triển mạnh. Những cơn mưa đầu mùa, nhất là đối với những hệ thống nuôi mới xây dựng, sẽ rửa phèn từ bờ xuống hệ thống nuôi làm pH giảm. Ngoài ra sự phân huỷ mùn bả hữu cơ ở đáy ao cũng làm cho pH ở tầng này thấp. Dùng vôi CaO 7 – 10 kg/100m2 rải quanh bờ trước những cơn mưa lớn. Nếu pH nước xuống dưới 7 thì dùng vôi nông nghiệp CaCO3 hoặc Dolomite (đá vôi đen – CaMg(CO3)2) bón với lượng 2 – 3 kg/100m2.

f. Địch hại

Bao gồm cá tạp, cá dữ, cua, rắn, ếch, chim,… tấn công trực tiếp đến cá hay gián tiếp cạnh tranh thức ăn. Để hạn chế các đối tượng này bờ bao cần có lưới chắn và nước trước khi vào hệ thống nuôi phải qua lọc.

8. Thu hoạch

Sau 5 – 7 tháng nuôi, bơm nước hạ dần mức nước ruộng để cá tập trung xuống mương bao, sau đó dùng lưới kéo, số còn lại tát cạn và thu hoạch bằng tay.

Năng suất cá nuôi từ 0,5 – 2 tấn/ha. Năng suất cá nuôi dao động tùy thuộc vào đối tượng thả nuôi và mức độ đầu tư thức ăn.

Nguồn tomvang.com được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.

Các mô hình nuôi cá và phòng bệnh cho cá nuôi trên ruộng

A. Các mô hình nuôi cá trong ruộng

1. Nuôi xen canh (nuôi kết hợp)

Ưu điểm:

– Tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích ruộng lúa.

– Tận dụng mặt nước và thức ăn tự nhiên có sẵn trên ruộng.

– Cá ăn côn trùng, rong tảo, đồng thời thải phân làm lợi cho lúa.

– Sử dụng phân bón cho lúa sẽ làm gia tăng thức ăn tự nhiên của cá.

Cá được nuôi xen canh trong ruộg lúa

Hạn chế:

– Mật độ thả thấp. Năng suất cá nuôi thấp, từ 200 – 400 kg/ha.

– Các giống lúa canh tác hiện nay phần lớn dễ nhiễm sâu rầy, do đó sử dụng nông dược trong canh tác lúa là điều khó tránh.

– Mức nước trên mặt ruộng đối với canh tác lúa khoảng 10 – 20 cm, với mức nước này sẽ gây ra biến động lớn về một số yếu tố môi trường. Hơn nữa khi lá lúa ngập nước phân hủy sẽ làm tiêu hao oxy trong nước ảnh hưởng xấu đến cá nuôi.

2. Nuôi luân canh (một vụ lúa – một vụ cá hoặc hai vụ lúa – một vụ cá)

Ưu điểm:

– Lợi nhuận từ nuôi cá cao hơn canh tác lúa.

– Tăng độ phì nhiêu của đất do thức ăn, phân của cá tích lũy ở mặt ruộng.

– Giảm chi phí cho chuẩn bị ruộng và phân bón cho vụ Đông – Xuân.

Hạn chế:

– Chi phí đầu tư ban đầu lớn cho công trình, đê bao và lưới chắn.

– Vốn đầu tư cao về con giống cũng như thức ăn, chăm sóc, bảo vệ.

– Yêu cầu người nuôi phải hiểu biết đối tượng nuôi và quy trình kỹ thuật ứng dụng.

B. Một số lưu ý phòng bệnh cho cá nuôi trong ruộng

1. Nguyên nhân cá bị bệnh

Cá mắc bệnh là kết quả tương tác giữa ba nhân tố: Môi trường – Tác nhân gây bệnh – Ký chủ (bản thân cá) – Kỹ thuật nuôi.

– Yếu tố môi trường: sự biến động lớn về nhiệt độ, pH, và hàm lượng oxy thấp sẽ gây sốc hoặc làm cho cá suy yếu.

– Tác nhân gây bệnh: bao gồm bệnh truyền nhiễm (virus, vi khuẩn, nấm), bệnh ký sinh trùng (nguyên sinh động vật, giun sán, giáp xác…), và các sinh vật gây nguy hiểm cho cá (côn trùng nước, cá dữ, rắn, ếch, chim,…) làm tổn thương đến cá tạo điều kiện cho bệnh ký sinh hay bệnh truyền nhiễm phát triển.

– Yếu tố ký chủ: sức đề kháng của cá đối với bệnh.

– Kỹ thuật nuôi: Vận chuyển, đánh bắt làm tổn thương cá – Quản lý chăm sóc không tốt, mật độ thả nuôi quá cao.

2. Phòng bệnh cho cá

– Cải tạo ruộng nuôi: nhằm hạn chế mầm bệnh phát triển và tạo môi trường thuận lợi cho cá phát triển.

– Chọn giống tốt và xử lý cá: không nên thả cá mật độ quá dầy, tốt nhất thả 1-2 con/m2. Cỡ cá thả từ 250 – 300 con/kg; cá khoẻ, không dị hình, không bị xây sát. Cá khi mới mang về tắm trong nước muối, pha 15 g muối trong 1 lít nước, ngâm cá trong 15 phút (lưu ý không được để cá thiếu oxy trong khi đang ngâm cá).

– Chuẩn bị tốt vào thời điểm giao mùa hay mùa mưa bão: vào thời điểm giao mùa khả năng chống bệnh của cá yếu, các mầm bệnh dễ phát triển, cá dễ bị nhiễm bệnh. Bón vôi quanh bờ vào đầu mùa mưa, dọn cỏ quanh bờ.

– Thay nước: khi thay nước cần lưu ý phải đảm bảo nguồn nước tốt, chỉ thay nước khi cần thiết để tránh làm sốc cá; mỗi lần thay chỉ nên thay khoảng 20 – 30% tổng lượng nước trong ruộng nuôi.

– Chăm sóc cá tốt để tăng sức đề kháng bệnh: cho cá ăn đầy đủ về số lượng thức ăn cũng như thành phần dinh dưỡng phải đảm bảo. Vào những ngày thời tiết xấu nên giảm lượng cho ăn và tăng cường thức ăn giàu dinh dưỡng.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Một số vấn đề cần lưu ý khi canh tác lúa trên đất nuôi tôm

Thời vụ:
Bố trí mùa vụ thích hợp giúp cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, đạt năng suất cao.
Đối với lúa cấy: gieo mạ vào đầu đến nửa tháng 8, cấy vào cuối tháng 9. Đối với lúa sạ: sạ từ tháng 8 đến giữa tháng 9.
Chuẩn bị đất:
Cần tận dụng mọi nguồn nước ngọt (nước mưa, nước kênh mương…) để rửa mặn nhiều lần (5 – 7 lần) trong thời gian từ 20 – 30 ngày. Trước khi xổ nước rửa mặn cần bừa trục và ngâm đất 7 – 10 ngày để giúp rửa mặn tầng đất được sâu hơn. Khi nồng độ mặn còn 1 – 2%o thì xuống giống.


Cơ cấu giống lúa:
Chọn giống lúa có khả năng chịu mặn, kháng sâu bệnh, năng suất ổn định để canh tác.
Lượng giống sạ, cấy:
– Gieo mạ 40 – 50kg giống/1.000m2 (cấy cho 1ha).
– Gieo sạ 100 – 120kg lúa giống cho 10.000m2 (lúa cao sản).
– 40 – 60kg lúa giống, sạ cho 10.000m2 (lúa mùa Một bụi đỏ).
Lượng phân bón cho 1 công tầm cấy đối với lúa cấy: 10 – 20kg phân con cò cải tạo đất (hoặc 25 – 30kg phân lân). 5 – 7kg phân urê + 6 – 10kg phân NPK (20-20-15).
– Cách bón:
Lần 1: Bón 10 – 20kg phân con cò cải tạo đất (hoặc 25 – 30kg phân lân) trước khi bừa trục lần cuối. Lần 2: Bón sau khi cấy 5 – 7 ngày 1/2 lượng urê + 2/3 phân NPK. Lần 3: Bón sau khi cấy 30 – 35 ngày 1/2 lượng urê + 1/3 NPK.
Lượng phân bón cho 1 công tầm cấy đối với lúa sạ: Bón 10 – 20kg phân con cò cải tạo đất (hoặc 30 – 35kg phân lân). 6 – 10kg phân urê + 10 – 13kg phân NPK (20-20-15).
– Cách bón:
Lần 1: Bón 10 – 20kg phân con cò cải tạo đất (hoặc 30 – 35kg phân lân) trước khi bừa trục lần cuối. Lần 2: Sau khi sạ 5 – 7 ngày bón 1/2 lượng urê. Lần 3: Sau khi sạ 20 – 25 ngày bón 1/2 lượng urê + 1/2 NPK. Lần 4: Sau khi sạ 40 – 45 ngày bón 1/2 lượng NPK.


Chú ý:
– Luôn giữ mực nước ruộng 1 – 2 tấc trong suốt quá trình sinh trưởng phát triển của cây lúa.
– Phòng trừ cỏ dại.
– Áp dụng triệt để các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) cho lúa.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Cơ sở và thiết kế mô hình sản xuất kết hợp lúa – cá

Mô hình sản xuất kết hợp lúa – cá là một hướng đi nhằm phát triển nông nghiệp bền vững, giảm ô nhiễm môi trường, duy trì môi trường sinh thái tự nhiên, tạo ra sản phẩm cá và lúa sạch cung cấp cho thị trường. Đặc biệt, mô hình đã giúp bà con nông dân vùng trũng, vùng lũ trong tỉnh chuyển dịch sản xuất, nâng cao thu nhập.

A. Cơ sở của sự kết hợp

Trên thế giới nghề nuôi thủy sản, đặc biệt là mô hình nuôi kết hợp lúa – cá ở môi trường nước ngọt ngày càng được đầu tư nghiên cứu, phát triển, thể hiện ở nhiều nước vùng Đông Nam Châu Á như: China, Việt Nam, Thailand, Indonesia, Malaysia, Bangladesh, India, Philippines, Korea và Cambodia…

1. Tăng thêm thu nhập góp phần cải thiện đời sống nông dân

Ở ĐBSCL có hàng triệu ha ruộng cấy lúa có thể nuôi cá kết hợp được. Trên thực tế số ruộng có thả cá nuôi rất ít. Phần lớn các ruộng nông dân chỉ lợi dụng vào theo cá tự nhiên sau mỗi mùa thu hoạch. Nếu mỗi người đều phải hiểu biết về lợi ích kinh tế và kỹ thuật thì tôm cá nuôi ở ruộng sẽ tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.

2. Nuôi cá có kết hợp cấy lúa, năng suất lúa sẽ cao hơn so với ruộng không nuôi cá

Khi nuôi cá ở ruộng lúa, cá sục bùn tìm mồi ở đáy ruộng diệt cỏ dại, côn trùng, sâu bệnh hại lúa, đồng thời phân cá thải ra làm đất giàu dinh dưỡng. Vì vậy năng suất lúa sẽ tăng.

Nuôi hết hợp lúa – cá

3. Khả năng tiêu diệt sâu rầy của cá

Ở ruộng nuôi cá kết hợp với cấy lúa, người ta rất hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu, nên giảm được công lao động và hạ giá thành sản phẩm.

4. Tăng thêm thức ăn cho cá

Trồng lúa có trục xạ đất, bón phân làm tăng thêm thức ăn cho cá, đồng thời lúa rụng cũng làm thức ăn tốt cho cá. Vì vậy cá nuôi ở ruộng chủ yếu dựa và thức ăn tự nhiên, nên ít đầu tư thức ăn.

5. Mối tương quan của mô hình

– Hạn chế côn trùng hại lúa, cỏ dại, ốc, các bệnh về lúa do cá tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có trên đồng ruộng

– Giảm việc sử dụng phân bón thuốc trừ sâu độc hại cho con người và môi trường.

– Tiết kiệm được lượng giống, phân bón….

– Tận dụng được thời gian nhàn rổi của bà con nông dân trong vụ lúa và thời gian nước lũ dâng lên.

B. Thiết kế mô hình lúa – cá

1. Chọn vị trí xây dựng

Khi chọn địa điểm để nuôi cá cần lưu ý một số yếu tố sau:

– Nguồn nước: vấn đề quan trọng hàng đầu trong nuôi cá là phải đảm bảo nguồn nước tốt và cấp tiêu chủ động. Một điều cần lưu ý khi chọn điểm nuôi cá là phải biết được sự biến động của nguồn nước theo mùa và theo năm, đặc điểm khí tượng thuỷ văn của vùng để có thể dự đoán và ngăn chặn thất thoát cá nuôi trong mùa lũ hoặc mùa mưa bão.

– Chọn đất có cơ cấu chất đất phải giữ được nước và ít bị nhiễm phèn.

– Lịch thời vụ sản xuất nông nghiệp của vùng để biết được mức độ ô nhiễm hiện tại và tiềm tàng do sử dụng nông dược. Những nơi sử dụng nhiều nông dược nhất là thuốc trừ sâu có tính lưu dẫn cao và thời gian phân hủy kéo dài sẽ làm ảnh hưởng đến cá nuôi. Khu vực nuôi cá nếu tiếp giáp với khu sản xuất màu sẽ có nguy cơ bị nhiễm độc nông dược do phun xịt hay khi cấp nước vào khu nuôi cá.

– Tiện đi lại và chăm sóc quản lý.

2. Thiết kế ruộng nuôi

Diện tích ruộng khoảng 0,3 – 2 ha tùy theo điều kiện cụ thể

Có thể thiết kế theo nhiều dạng như: dạng mương chữ L, dạng mương trung tâm, dạng mương xương cá …

Trong mô hình này để tiện lợi và đạt hiệu quả cao nên chọn dạng mương bao và ao trữ.

a. Bờ bao quanh

Bờ bao quanh được đắp với diện tích như sau:

– Chiều rộng mặt bờ 1- 2 m

– Chiều rộng chân bờ 2 – 4 m

– Chiều cao bờ phải cao hơn mực nước cao nhất trong năm 20 cm

Tác dụng của bờ bao quanh:

– Giữ không cho cá ra ngoài

– Giữ nước không bị rò rĩ

– Để sử dụng hiệu quả diện tích đất sản xuất, bờ bao có thể trồng dưa, khổ qua, bí, mướp, ớt để tăng thu nhập

– Có thể đi lại trên bờ để chăm sóc, quản lí ruộng.

b. Mương bao quanh

Mương bao quanh được thiết kế mương xung quanh như sau:

– Đào cách bờ 0,5 m để tránh đất đá xoáy lở từ bờ xuống mương

– Chiều rộng mương: Bề rộng mặt 3 m; Bề rộng đáy là 2,5 m

– Chiều sâu mương bao là 1,2 m

– Mương dốc dần về phía cống

Mương bao có tác dụng:

– Giữ được lượng nước quanh năm, để chứa cá khi làm đất cấy lúa cho các vụ sản xuất kế tiếp

– Giữ và duy trì sự hoạt động của cá, khi sử dụng thuốc trừ sâu để trị bệnh cho lúa

– Nuôi giữ và dồn cá khi thu hoạch

– Lấy nước để tước hoa màu quanh bờ

c. Cống

Mỗi ruộng cần có một cống, cống có thể bằng xi măng, ống sành hay gỗ tuỳ điều kiện gia đình, tốt nhất nên dùng cống xi măng

Tác dụng của cống

– Chủ động điều tiết ruộng nước cấp và thoát nước cho ruộng.

– Tháo nước cho ruộng lúa xạ, cấy lúa khi sử dụng thuốc trừ sâu, khi thu hoạch.

d. Mặt trảng

Là phần mặt ruộng còn lại dùng để trồng lúa. Để thuận lợi cho việc canh tác lúa điều chỉnh mức nước trên ruộng, mặt ruộng cần bằng phẳng

e. Ao chứa

Được thiết kế ở đầu ruộng, gần nha.

Có tác dụng giữ cá lúc lúa nhỏ và trữ cá lại chờ cá lớn hoặc chờ giá cao để bán

Line Callout 2 (Accent Bar): Mương

Mặt cắt ngang ruộng lúa nuôi cá kết hợp

f. Lịch thời vụ mô hình cá – lúa

Chú ý xem lịch thời vụ cho mô hình sản xuất Lúa – cá kết hợp của các trung tâm khuyến nông.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Tự kiểm tra chất lượng hạt lúa giống

Khi mua thóc giống, người nông dân cần chú ý đến chỉ tiêu chất lượng hạt giống, mua ở những cửa hàng vật tư lớn, có uy tín nhiều năm.

Giống của các công ty giống Trung ương hoặc các tỉnh, hợp tác xã… có tên tuổi rõ ràng, có hoá đơn bảo hành chất lượng. Bao bì chứa hạt giống có ghi tên giống, phẩm cấp giống (nguyên chủng hay xác nhận), khối lượng giống, ngày sản xuất, thời hạn sử dụng rõ ràng. Chú ý kiểm tra chất lượng hạt giống trước khi gieo những giống thóc bà con tự chọn lọc và bảo quản vụ trước sử dụng cho vụ sau.

Để tránh lãng phí lượng giống khi gặp phải loại thóc giống chất lượng kém và chắc chắn có được giống tốt khi gieo trồng bà con cần tự kiểm tra chất lượng giống bằng 2 chỉ tiêu cơ bản là tỷ lệ nảy mầm và sức nảy mầm hạt giống.

Kiểm tra tỷ lệ nảy mầm của hạt giống bằng 2 cách:

Phương pháp tờ giấy: Dùng 4-5 tờ giấy bản, giấy đánh máy, giấy phô tô màu trắng chưa sử dụng loại A4 (kích thước 25x30cm); 1 túi nilon màu trắng khổ 30x60cm; 1 giây chun nhỏ. Trộn đều lượng thóc giống định thử, bốc ngẫu nhiên lấy 100 hạt thử cho 5-10kg thóc giống. Nhúng ướt từng tờ giấy, trải nhanh ra mặt bàn rộng, xếp thóc giống thành 4-5 hàng theo chiều dọc tờ giấy, mỗi hàng 5-4 hạt, mỗi hạt cách nhau 1,5-2cm. Gập 4 mép tờ giấy, gấp tờ giấy chứa thóc giống theo hình chữ nhật rộng 5-7cm, dài 20-25cm. Cho tờ giấy chứa thóc vào túi nilon để đứng theo chiều dọc túi, dùng giây chun buộc chặt đầu túi nilon. Treo tờ giấy nilon vào nơi ấm nhiệt độ 25-35oC.

Phương pháp bát cát: Lấy cát vàng hay cát đen rửa sạch đất (rửa nước thấy trong). Phơi mỏng cát dưới nắng to để khử mầm bệnh. Lượng thóc giống định thử tỷ lệ nảy mầm cũng chuẩn bị như trên. Ngâm thóc giống đến no nước (ngâm nước vụ xuân 72 giờ giống thuần, 48 giờ giống lai; vụ mùa 60 giờ giống thuần, 36 giờ giống lai). Trộn nước cho cát đủ ẩm (nắm cát thành nắm không chảy nước, để nắm cát cẩn thận trên mặt phẳng vẫn còn nguyên dạng là được). Cho cát vào bát ấn nhẹ, gạt bằng miệng. Gieo hạt đã no nước vào bát cát ấn nhẹ cho cát kín hạt. Đặt bát cát vào trong túi nilon buộc chặt miệng, treo nơi ấm.

Xác định tỷ lệ nảy mầm, tỷ lệ nảy mầm là khả năng nảy mầm tối đa của lô hạt giống: Vụ xuân sau 8-9 ngày, vụ mùa sau 6-7 ngày sau khi gieo.

Tỷ lệ nảy mầm (%) = (Số hạt nảy mầm bình thường : Tổng số hạt gieo) x 100. Đối với thóc giống tỷ lệ nảy mầm từ 80% trở lên là giống đạt yêu cầu.

Hạt nảy mầm bình thường là hạt có ít nhất 1 mầm, 1 rễ; mầm mọc thẳng khoẻ mạnh, ít nhất dài bằng hạt thóc, rễ dài ít nhất bằng hai hạt thóc.

Xác định sức nảy mầm: Sức nảy mầm là khả năng nảy mầm đồng đều cho cây mầm bình thường trong một khoảng thời gian ấn định theo thời vụ. Lô hạt giống có sức nảy mầm càng cao thì hạt giống nảy mầm càng nhanh, đồng đều tức là sức nảy mầm tốt và ngược lại. Lô hạt giống có sức nảy mầm cao (tốt) khi gieo ra ruộng sẽ mọc nhanh, đồng đều, cho cây mạ to khoẻ là cơ sở cho việc áp dụng các biện pháp thâm canh. Vụ xuân 6 ngày; vụ mùa 4 ngày sau gieo thì xác định sức nảy mầm.

Sức nảy mầm (SNM) = (Số cây mầm bình thường : Tổng số hạt gieo) x 100.

Lô hạt giống tốt có sức nảy mầm gần bằng tỷ lệ nảy mầm.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.