Làm giàu ở nông thôn: Trang trại tổng hợp, nuôi con, trồng cây gì cũng lãi khá

Hơn 2 năm triển khai mô hình trồng cây ăn quả, kết hợp với chăn nuôi gia đình anh Ngô Tùng Lam (thôn Tân Lâm, xã Ninh Thượng, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) bước đầu đã đạt được những thành công nhất định. Mô hình này đang được địa phương khuyến khích nhân rộng.

Bỏ nghề chăn vịt… chuyển sang làm trang trại

Trên 22 năm gắn bó với nghề nuôi vịt, anh Ngô Tùng Lam nhận thấy nghề này rất vất vả phải chạy đồng khắp nơi. Cứ nghe thông tin cánh đồng nào có gặt lúa là anh tìm đến để hỏi cho đàn vịt trú chân, mỗi khi đến mùa hạn là anh lại càng lo lắng hơn vì không có nước cho đàn vịt ăn, vịt tắm. Khắc nghiệt hơn giá cả trứng bán ra bấp bênh, chính vì đó mà nhiều năm lam lũ với đàn vịt gia đình anh cũng chẳng “đút túi” được đồng nào. Thời gian này anh muốn từ bỏ nghề nuôi vịt để tìm sang một nghề khác có thu nhập ổn định hơn.

Anh Lam phát triển kinh tế từ mô hình tổng hợp

Trong một lần tình cờ, anh Lam xem trên tivi thấy giới thiệu nhiều mô hình trang trại vừa hay, lại có hiệu quả. Kể từ đây anh nắm bắt thông tin và tìm đến các nơi như Diên Khánh, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh để học tập. Sau khi bán đi đàn vịt anh quyết định chuyển sang trồng xoài, vườn xoài đang phát triển tốt thì gặp những đợt hạn hán kéo dài làm cho vườn xoài chết gần hết. Phá bỏ vườn xoài, anh tiếp tục nghiên cứu đầu tư trồng cây mít, bưởi, chuối và đu đủ.

Năm đầu tiên cho mang lại doanh thu 100 triệu đồng

Dẫn chúng tôi đi quanh khu vực trồng cây ăn quả và kết hợp với chăn nuôi lợn rừng lai, gà, bồ câu, anh Ngô Tùng Lam cho biết, trang trại của anh năm vừa rồi mang lại doanh thu 100 triệu đồng, nguồn vốn này giúp anh có thêm nghị lực để phát triển và nhân rộng mô hình.

Với 2ha diện tích của mình, anh đã trồng 200 gốc mít, 200 gốc chuối mốc, 400 gốc đu đủ và trên 250 gốc bưởi da xanh. Anh Lam khoe, đu đủ là loại cây đang cho thu nhập cao nhất, vụ vừa rồi đu đủ chăm sóc bài bản nên cho ra từ 50 – 60 quả/cây, mỗi quả nặng từ 1- 2,5kg.

Cây mít cho ra trĩu quả

Cứ 7- 10 ngày cho thu hoạch một đợt, năng suất đạt 1 tạ/lần, giá bán dao động từ 7.000 – 10.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm bán 15.000 đồng/kg. Chỉ tay vào vườn mít anh cho hay, mít mới vừa cho thu hoạch vụ đầu tiên nhưng năng suất rất cao  đạt 4 tấn, giá bán tại vườn 10.000 – 15.000 đồng/kg. Còn riêng vườn bưởi anh dự định khoảng 2 năm nữa sẽ cho thu hoạch.

Tại phiên chợ nông sản Ninh Hòa 2017 vừa rồi, anh đã xuất bán trên 6 tạ đu đủ và chuối mốc. Những sản phẩm nông sản của anh được thị trường ưa chuộng và tiêu thụ mạnh.

Ngoài phát triển cây ăn quả, anh nuôi trên 35 con lợn rừng lai, cách đây khoảng 1,5 tháng anh xuất bán 1 đợt 20 con, giá bán thịt bình quân 100.000 đồng/kg, thu nhập trên 16 triệu đồng.

Tận dụng không gian trong vườn anh tiếp tục thả nuôi 40 con bồ câu lai, hơn 50 con gà để tăng thêm thu nhập. Theo anh, chỉ vài năm nữa  trang trại sẽ cho thu nhập tăng thêm gấp 3- 4 lần so với hiện tại.

Vườn cây của anh đã đào ao dự trữ nước tưới cho mùa hạn nên không còn lo lắng về nước tưới nữa. Thành công nhưng không giữ bí quyết cho riêng mình, mà anh sẵn sàng chia sẽ kinh nghiệm quý báu đã tích lũy được cho bà con sản xuất trong thôn để phát triển kinh tế.

Ông Trương Thanh Hòa – Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Ninh Hòa cho biết, mô hình của hộ anh Lam có rất nhiều triển vọng, sản phẩm được các thương lái bao tiêu ngay tại chỗ nên đầu ra rất yên tâm. Cá nhân anh Lam rất chịu khó làm ăn, tích cực công tác hội và đặc biệt chịu khó học hỏi về kỹ thuật làm cây ăn quả và chăn nuôi. Hội đang khuyến khích các hội viên, nông dân tham gia tìm hiểu học tập mô hình vườn đồi này.

Nguồn: Danviet được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam

Triển khai mô hình trồng măng Tây ở Ninh Hòa

Hiện nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Khánh Hòa đang triển khai hỗ trợ mô hình trồng măng Tây ở Ninh Hòa. Hy vọng với sự chuẩn bị kỹ càng, cây trồng có giá trị kinh tế cao này sẽ đâm chồi nảy lộc và thêm chọn lựa về cây trồng cho nông dân Khánh Hòa.

Cây măng tây

Cây trồng có thu nhập khá

Người ta gọi là măng Tây do có nguồn gốc từ phương Tây nhằm để phân biệt với “măng ta” như: măng tre, măng nứa… Măng Tây là một loại cây trồng lâu năm để thu hoạch chồi non, loại rau có giá trị dinh dưỡng cao và mang dược tính nên được thị trường trong và ngoài nước rất chuộng. Cây măng Tây du nhập vào Việt Nam từ gần 60 năm trước. Hiện nay đã trở thành cây trồng khá phổ biến ở nhiều địa phương trên cả nước, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ nông dân.

Theo tính toán, cứ sau khoảng 4 tháng trồng là măng Tây đã cho thu hoạch đều đặn mỗi ngày, thời gian thu hoạch thường từ 8 đến 10 tháng mỗi năm và kéo dài trong 8 – 10 năm mỗi đợt xuống giống. Mỗi sào măng Tây (1.000m2) ở độ trưởng thành cho thu hoạch trung bình 10kg măng/ngày. Với giá bán bình quân là 50 nghìn đồng/kg, mỗi ngày sau khi trừ các chi phí, nông dân có thể bỏ túi tới 300 nghìn đồng. Đó là một mức thu nhập cao so với nhiều loại cây trồng khác.

Tuy nhiên, măng Tây với đặc tính sinh trưởng theo kiểu thay thế, cây măng con khỏe mạnh liên tục được sử dụng để thay thế cây măng mẹ nên công tác chăm sóc, cắt tỉa, chọn cây thay thế được thực hiện một cách thường xuyên, đòi hỏi mức độ tỉ mỉ, dày công của người trồng. Ngoài ra, măng Tây thích hợp với địa hình cao ráo, đặc biệt là ở những bãi bồi phù sa, thường là ven sông, suối; tuy nhiên, đây lại là những nơi dễ bị ngập úng vào mùa mưa nên không dễ tìm kiếm được các khu vực đáp ứng đồng thời được các đòi hỏi này. Ngoài ra, giá giống cây măng Tây khá cao. Hiện nay, mỗi gốc giống được bán với giá 10 nghìn đồng, mỗi hạt giống là 6 nghìn đồng. Mỗi héc-ta măng Tây, nông dân phải bỏ ra số vốn hàng trăm triệu đồng về giống, phân bón. Đặc biệt, măng Tây thường già đi một cách nhanh chóng và giảm hẳn giá trị, thậm chí là trở thành phế phẩm nếu không tuân thủ tốt các đòi hỏi về bảo quản sau thu hoạch.

Mô hình măng Tây từng được trồng tại Khánh Hòa

Trông chờ từ mô hình điểm

Theo ông Đào Đình Cương – Trưởng phòng Khuyến nông Trung tâm Khuyến nông tỉnh, thực hiện kế hoạch năm 2017, trung tâm tiến hành hỗ trợ cho 1 mô hình trồng măng Tây trên diện tích 4.500m2 của hộ ông Phan Đình Thành tại xã Ninh Thân, thị xã Ninh Hòa. Trong đó, nguồn kinh phí ngân sách nhà nước cấp cho hoạt động khuyến nông sẽ hỗ trợ 70% chi phí giống và 30% chi phí vật tư phân bón, với số tiền hỗ trợ khoảng 80 triệu đồng. Nông dân bỏ ra khoảng 60 triệu đồng để trồng khoảng 10 nghìn gốc măng Tây trên diện tích đó. Theo ông Nguyễn Tiến – Trưởng trạm Khuyến nông thị xã Ninh Hòa, hiện nay, người dân đã hoàn tất việc chuẩn bị đất, dự kiến trong tháng 8 sẽ tiến hành xuống giống.

Được biết, cây măng Tây đã được trồng thử nghiệm tại Khánh Hòa vào các năm 2012, 2013 và 2014, nhưng chưa mang lại thành công như mong đợi. Nguyên nhân chính được cơ quan chuyên môn rút ra là do kinh nghiệm, kiến thức chăm sóc loại cây này của nông dân chưa thực sự đầy đủ.

Ông Đào Đình Cương cho biết, trong ít ngày tới, công tác tập huấn kỹ thuật trồng măng Tây sẽ được Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức tại Ninh Hòa. Và với tính chất của một mô hình điểm, hoạt động hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch cũng sẽ được thực hiện xuyên suốt quá trình thử nghiệm. Trung tâm coi đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, thường xuyên trong quá trình triển khai mô hình. Đồng thời, ngoài 4.500m2 kể trên, trong thời gian tới, diện tích trồng măng Tây sẽ tiếp tục được khuyến khích mở rộng nhằm đáp ứng đủ số lượng thu hoạch mỗi ngày theo yêu cầu của các đơn vị thu mua. “Tại tỉnh Ninh Thuận, phong trào chuyển đổi sang trồng măng Tây đang phát triển và mang lại hiệu quả rõ rệt cho người nông dân. Măng Tây đạt chất lượng và số lượng đang được nhiều doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội tổ chức thu mua để xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Khánh Hòa cũng đã tiếp cận được với các doanh nghiệp này nên người nông dân không lo về đầu ra”, ông Cương khẳng định.

Hy vọng mô hình này sẽ mang lại thành công, mở ra hướng đi mới cho cây trồng ở khu vực lân cận và xa hơn là triển khai diện rộng ở những khu vực thích hợp trên toàn tỉnh.

 

 

Nguồn: đã kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật ươm trồng cây chùm ngây

Cây chùm ngây được trồng và sử dụng phổ biến ở gần 90 nước. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) đều đề cao cây chùm ngây. Một số nguồn nghiên cứu cho biết, chùm ngây chứa hơn 90 chất dinh dưỡng tổng hợp, bao gồm 7 loại vitamin, 6 loại khoáng chất, 18 loại acid amin, 46 chất chống ôxi hóa, liều lượng lớn các chất chống viêm nhiễm, các chất kháng sinh, kháng độc tố, các chất giúp ngăn ngừa và điều trị ung thư, u xơ tiền liệt tuyến, giúp ổn định huyết áp, hạ cholesterol, bảo vệ gan.
Chùm ngây thuộc loại đại mộc, cây có thể trồng trong chậu cảnh hoặc ngoài vườn và có thể cao đến 10m. Lá kép, hoa trắng mọc thành chùm, quả dài giống quả cây hoa phượng,hạt màu đen. Cây sinh trưởng tốt ở nhiều điều kiện khí hậu và trổ hoa vào các tháng 1 – 2. Các bộ phận của cây như lá, quả là nguồn thực phẩm tốt, đặc biệt củ cây là một loại dược liệu quý.
Cây ưa sáng mọc nhanh, giai đoạn đầu ưa bóng nên có thể trồng xen, khi cây lớn điều chỉnh ánh sáng, tái sinh chồi mạnh với những nơi độ ẩm cao, đất xốp, tầng mùn dày, tái sinh hạt yếu. Cây có thể trồng quanh năm, đối với trồng hạt và trồng cây con có bầu 6 tuần tuổi, thời vụ tốt nhất là từ tháng 5 đến tháng 8.

Vườn cây chùm ngây

Đây là loại cây chịu hạn tốt và rất dễ trồng, tỷ lệ cây sống đạt trên 90%. Cây trồng được 2 tháng là có thể thu hoạch lá, một cây có độ tuổi từ 6 tháng đến 1 năm cho thu hoạch 0,5kg đến 1kg lá. Sản lượng lá tươi trung bình một năm từ 800 – 1.000kg/sào (360m2), nếu tính trên diện tích 1ha, cây chùm ngây sẽ cho sản lượng trung bình một năm từ 22 – 27 tấn.

Ươm giống từ hạt:

Cách 1: Ngâm hạt trong nước ấm 24 giờ, Hạt sau khi ngâm , vớt ra trộn với cát, ủ trong bao tải, hoặc rơm rạ mỗi ngày tưới một lần, 3 – 6 ngày sau hạt nẩy mầm, đem hạt ươm vào bao nhựa hoặc chậu nhựa chứa đất tơi xốp có khoét lỗ rút nước, tưới nước vừa đủ ẩm , tránh sũng nước, 3 – 5 ngày cây sẽ nhú lên, chờ từ 6 – 8 tuần cây khỏe, đem ra trồng.
Cách 2: Đầu tiên, pha nước: 2 sôi + 3 lạnh (nước ấm), ngâm hạt Chùm ngây trong 24 giờ. (Kích thích cho hạt chùm ngây qua thời kỳ nghỉ & nẩy mầm.) Lấy khăn bọc hạt Chùm ngây lại & để trong tối. – (Phải để trong tối. Vì ánh sáng khuyếch tán có lợi cho cây xanh, nhưng cưỡng bức quá trình nẩy mầm. Đặc biệt là thành phần quang phổ màu xanh trong phổ ánh sáng trắng.) Mỗi ngày, nhúng bọc Chùm ngây vào nước mưa, trở qua trở lại. Sau đó, vẩy nhẹ để đừng ứ nước bên trong. – Làm cẩn thận vì có thể làm hư mầm non bên trong!(Bổ sung nước cũng như tránh ẩm mốc cho hạt.) Vài ngày sau, hạt nẩy mầm. Đem ươm vào chậu hoặc bao ny lon có đất tơi xốp, lưu ý là cả chậu hoặc bao nylon đều cần khoét lổ để thoát nước.
Cách 3: dùng bao nylon hoặc chậu nhựa có lỗ thoát nước, đường kính khoảng 15cm-20cm và sâu chừng 25-30cm, đổ đất xốp vào, sau đó đặt hạt sâu khoảng 25 mi-li-met dưới lớp đất xốp, phủ và nén đất nhè nhẹ, tưới nước cầm chừng không để khô qúa hoặc ướt qúa. Sau chừng ba ngày hạt sẽ nẩy mầm, và cây sẽ ló ra khỏi mặt đất sau chừng 1 tuần, tiếp tục giữ ẩm không để qúa khô, và tuyệt đối không để sũng nước.

Cây chùm ngây

Trồng cây chùm ngây:

Cây ươm trồng trong chậu hoặc bao nylon được 6 – 8 tuần lễ, đã đâm rễ và cây đã cứng cáp. Đào lỗ rộng gấp đôi và sâu gấp đôi chậu nhựa, mỗi lỗ đào cách nhau từ 1,5m – 2m. Cắt đáy, rạch hai bên,nếu được xé toạc lấy chậu và bao ra khỏi lỗ, lưu ý không để phạm vào rễ cái. Đổ một lớp đất xốp trước khi đặt chậu hoặc bao nylon xuống, cuối cùng là phủ, nén lớp đất xốp chung quanh và mặt trên, giữ ẩm 2 – 3 tuần cây sẽ sống khoẻ, đến lúc đó không cần phải thường xuyên tưới nước nữa. Nhiều nơi để chỉ thu hoạch lá và hoa người ta ươm trồng ngay trên luống đất xốp bằng cách ươm hạt sâu 25mm và cách nhau 40cm như trồng ớt trồng cà.

Trồng làm rau xanh:

Nếu là mục đích trồng làm rau xanh thì mật độ trồng 1m x 1,5m (cây cách cây 1m, hàng cách hàng 1,5m). Khi cây cao khoảng trên 01m thì cắt đọt, cây sẽ ra nhiều nhánh và tiếp tục cắt nhánh thì cây lại ra theo cấp số nhân, sẽ thu hoạch được lượng rau nhiều.
Thời vụ trồng: Thông thường đầu mùa mưa từ tháng 6-8 hằng năm là kết thúc. Không nên trồng quá muộn, mùa khô đến cây sẽ bị chết nhiều.
Xử lý thực bì: Phát dọn sạch thực bì để hạn chế sâu bệnh hại và thuận lợi cho đào hố. Hố trồng cây: Đào hố theo quy cách 30 x 30 x 30cm. Đào trước 30 ngày, cho phân vào hố trung bình 2-3 kg phân hữu cơ hoai và lấp hố.
Trồng cây: Dùng cuốc xới đều dưới hố, xé túi bầu đặt cây ngay trung tâm hố, cây phải thẳng đứng, lấp hố ép đất xung quanh. Lấp theo hình nón úp đề cây không bị úng nước về mùa mưa sẽ bị chết nhiều.

Trồng làm dược liệu

Nếu mục đích trồng làm dược liệu là chính thì nên trồng theo mật độ 3mx3m (hàng cách hàng 3m, cây cách cây 3m). Trồng theo nanh sấu, các nội dung khác thực hiện như trên. Hố trồng cây: Đào hố theo quy cách 40 x 40 x 40cm đào trước 30 ngày, cho phân vào hố trung bình 3 – 4 kg phân hữu cơ hoai và lấp hố.

Chăm sóc và thu hoạch

Giai đoạn đầu, không để gia súc, gia cầm vào khu vực trồng cây vì cây đang non, mềm dễ bị gãy và dậm đạp hư cây. Hằng năm có kế hoạch làm cỏ, xới vun gốc và bón phân vi sinh, hữu cơ cho cây.
Thu hoạch lá: Cây 3 tháng tuổi đã bắt đầu cho thu hoạch, cây cao 60cm bắt đầu cắt ngọn và mỗi tháng tiến hành tỉa cành thúc đẩy cây đâm chồi, chăm sóc bón phân, sau 6 tháng tuổi, cây cao khoảng 2 mét, là thời gian bắt đầu thu hoạch chính, trung bình cây đã có thể cho 600g lá tươi /cây /tháng. Thời gian thu hoạch lá 3 – 5 năm từ khi trồng.
Thu củ và quả: Cây 5 năm tuổi sẽ có thể thu hoạch củ, mỗi cây cho từ 3 – 10kg củ lớn với giá trị cao làm dược liệu. Quả già có thể phơi khô làm giống hoặc lấy hạt rang ăn như lạc cũng rất tốt.

Chăm sóc cây chùm ngây

Kỹ thuật thu hái hạt giống

Cây trồng trên 18 tháng bắt đầu ra hoa kết quả, độ tháng 02 hằng năm thì thu hái trái để làm giống. Nên lấy giống từ những lâm phần hoặc cây mẹ trên 06 tuổi trở lên. Cần lưu ý trong thu hái, chọn trái đã già, to, tròn đều, màu vỏ chuyển từ màu xanh sang màu thẩm mốc, không lấy những trái đã nứt, hoặc có sâu đục hoặc bị bệnh nấm, không bẻ cả cành mà nên có dụng cụ thu hái để chọn những trái đạt yêu cầu và giữ lại những trái chưa đạt để thu tiếp.
Sau khi thu hái về phải rải đều ra trên tấm bạt, phơi ngoài nắng nhẹ, khi thấy trái đã có hiện tượng nứt thì đưa phơi trong bóng mát. Không phơi trực tiếp ngoài nắng vì hạt có dầu nên sẽ giảm tỷ lệ nẩy mầm, sau khi hạt đã bung ra hết khỏi trái thì sàng loại bỏ các tạp chất và thu hạt để đưa vô dụng cụ bảo quản

Bảo quản hạt giống:

Là loại hạt có dầu nên công tác bảo quản đòi hỏi phải thực hiện tốt thì chất lượng giống mới đảm bảo. Sau khi loại bỏ các tạp chất và các hạt chất lượng xấu như hạt lép, hạt nhỏ, hạt bị sâu đục…Xong cho vào túi PE hàn kín để bảo quản lạnh ở nhiệt độ trung bình 100C. Chỉ sử dụng trong năm thì tỷ lệ nẩy mầm cao trên 75% nếu để sang năm sau tỷ lệ nẩy mầm chỉ còn 20-30%.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Kỹ thuật trồng cây Chanh Đỏ

Chanh đỏ là giống cây chanh có quả vỏ đỏ ruột vàng. Giống cây chanh đỏ bắt mắt này còn có tên gọi là Red Lime hay Blood Lime được ưa chuộng bởi cây dễ thích nghi và cho năng suất cao hơn giống thường. Đây là giống cây được lai giữa chanh ngón tay đỏ ( có tên là red finger lime) có nguồn gốc từ Úc và một loại quýt lai. Quả chanh đỏ được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng tìm mua bởi nó có bề ngoài rất bắt mắt và hương vị thơm ngon. Quả chanh có ruột màu vàng đỏ, vỏ đỏ, quả nhỏ và dài hơn so với các giống chanh thường. Chanh có vị ngọt, mùi thơm như mùi quýt, thích hợp dùng làm thành phần của các loại mứt, rượu và các đồ uống khác. Cây giống chanh đỏ: cao 40 – 50 cm, đường kính thân: 1,5cm. Thời gian ra hoa và đậu quả: 10 – 12 tháng sau khi trồng.

Tiêu Chuẩn Chọn Giống:

Cây ghép mắt chiều cao mắt ghép từ 50-70 cm, chiều cao gốc ghép 20 cm. đường kính bầu 15 cm. Cây giống khỏe mạnh không sâu bệnh
Cây chanh đỏ

Thời Vụ và Mật Độ Trồng:

Thời vụ trồng tốt nhất là vào mùa mưa để cây phát triển tốt và đỡ công tưới ban đầu – Miền Bắc trồng vào 2 vụ chính vụ xuân và vụ thu. – Miền Trung và miền Nam có thể trồng vào mùa xuân, cuối mùa khô, đầu mùa mưa. Khi trồng thuần chanh thì cây cách cây là 2,5 x2,5m, khi trồng xen canh với các cây rau màu thường là 3,5m x 3-4m. Như vậy khi trồng thuần thì mật độ là 1.600 cây/ha. Trồng xen mật độ là 900 cây/ha. Nếu vùng đất thấp phải có đê bao khép kín, có hệ thống thủy lợi tưới tiêu hoàn chỉnh, đắp mô cao 0,5-0,6m, rộng 0,8-1m. Nếu vùng đất cao mặt đất bằng phẳng đắp mô cao 0,3-0,8m, rộng 0,8-1m.

Làm Đất Và Đào Hố Trồng:

Chanh có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau, nhưng tốt nhất là đất thịt tơi xốp và nhiều mùn. Độ pH thích hợp từ 5 – 8, chanh không chịu úng nước và mặn do đó cần đào kênh hoặc lên luống cao để thoát nước. Hố được đào trước trồng 1-2 tháng, Kích thước hố trồng 0,6 x 0,6 x 0,6m với vùng đất thấp hố đào sâu 30-40cm, đất đồi đào sâu 60-80cm.

Phân Bón Lót:

Bón lót phân chuống vào hố trước : Phân chuồng hoai mục: 20-30 kg; phân lân 0,5 kg; kali 0,1kg; vôi bột 1 – 1,5 kg.Trộn đều lượng phân với đất, dùng cuốc phá thành hố sau đó rải vôi lên mặt hố và lấp đất mỏng. Tiếp đó bơm nước vào đầy hố, khoảng 10-15 ngày sau là trồng được.

Kỹ Thuật Trồng Cây Chanh Đỏ:

Hố phải đào trước khi trồng khoảng 1 tháng, Trộn đều toàn bộ lượng phân ở trên với lớp đất trên mặt, sau đó cho xuống đáy hố, tiếp theo lấp đất thành ụ cao so với mặt hố 15 – 20 cm. Vét một hố nhỏ đặt bầu rồi lấp đất cho chặt. Sau đó cắm cọc chéo chữ X vào cây và buộc để tránh làm lay gốc làm chết cây chết cây. Sau đó dùng mùn rác, cỏ khô phủ kín gốc rồi tưới đẫm nước cho cây tối thiểu 1lần/1ngày đến khi cây hồi phục sinh trưởng. Sau đó tuỳ điều kiện sinh trưởng và thời tiết để tưới (đặc biệt chú ý trong 30 ngày đầu tiên sau trồng).
Cây chanh đỏ

 Kỹ Thuật Chăm Sóc Cây Chanh Đỏ:

Kỹ thuật chăm sóc định kỳ:
Tưới nước: cần cung cấp đủ nước cho cây nhất là trong mùa khô, khi trái đang lớn và lúc quả sắp chín. Phòng trừ cỏ dại: Phủ gốc bằng cỏ, rác, cây phân xanh… để hạn chế cỏ dại; xới phá váng sau mỗi trận mưa to. Làm cỏ vụ xuân tháng 1-2 và vụ thu tháng 8-9, xới sạch toàn bộ diện tích một lần/vụ; một năm xới gốc 2-3 lần.
Kỹ thuật Cắt tỉa, tạo hình:
Hạn chế cành vượt, loại bỏ những cành già cỗi sâu bệnh, giúp cây thông tháng, có dáng đẹp, tăng khả năng quang hợp và cây phát triển cân đối đủ sức mang trái. Vào thời kỳ bón thúc cho cây nên cho thêm đất mới vào tán cây dầy 2-3cm cùng kết hợp việc bán phân hữu cơ hoai hay phân hóa học.
Kỹ thuật Bón phân Cho Cây Chanh Đỏ:
Bón phân thúc: Thay đổi tùy theo tính chất đất, năng suất…
Bón 20-30 kg phân chuồng + 1- 2 kg tro/hốc/ năm (bón 1-2 lần/năm). Riêng phân hóa học được sử dụng bình quân như sau (cho mỗi cây):
Năm thứ nhất: 0,5-1,0kg sulfat đạm (nếu dùng urê bón 0,25-0,5kg) + 0,3-0,5kg NPK (16-16-8)
Năm thứ hai: 1,0-2,0kg sulfat đạm (nếu dùng urê bón 0,5-1,0kg) + 0,3-0,5kg NPK (16-16-8).
Năm thứ ba trở đi: 2,0-2,4kg sulfat đạm (nếu dùng urê bón 1,0-1,2kg) + 0,5kg NPK (16-16-8) + 1 kg vôi. Do thu quả rải rác nên chia phân ra bón từ 4 – 5 lần/ năm.

Phòng Trừ Sâu Bệnh Cho Cây Chanh Đỏ:

Sâu vẽ bùa: Gây hại thường xuy ên vào giai đo ạn ra lá non, dùng thu ốc có tính nội hấp như: Sevin 80WP, Padan 95SP, Cymbush, Lannate …

Rầy chổng cánh: Là đ ối tượng trung gian truyền bệnh vàng lá Greening, sử dụng thu ốc Applaud MIPC 25%, BTN, Admire 50ND, Bassan 50ND, Trebon 10ND …

Rầy mềm: Chích hút nhựa trên chồi non hay mặt dưới lá non sử dụng thuốc: Bassan 50ND, Supracide 40EC, Polytrin 40EC, Trebon 10ND…

Nhện đỏ : Ấu trùng và thành trùng đều gây hại s ử dụng thuốc: Confidor, Kelthane, Danitol…

Bệnh loét, ghẻ: B ệnh gây hại nặng v ào mùa mưa, sử dụng thuốc gốc đồng để phòng trị như: Copper Zin, Copper B, Zineb 80 BHN, Kasuran, Bordeux…

Bệnh thối gốc – chảy nhựa: Bệnh gây hại nhiều ở thân rễ, sử d ụng thuốc để phòng trị như: Captan 75 BHN, aliett 80 BHN, Copper Zine…

Bệnh vàng lá gân xanh : Để hạn chế bệnh nên trồng xen ổi với mật độ 2 hàng cam 1 hàng ổi.

Chanh đỏ

Thu Hoạch và Bảo Quản:

Cây Chanh từ khi ra hoa đến thu hoạch khoảng 3 -4 tháng, tùy theo giống, tuổi cây, tình trạng sinh trưởng…,nên thu hoạch vào lúc tr ời mát, không nên thu quả sau cơn mưa hoặc có sương mù nhiều vì quả dễ bị ẩm thối khi tồn trữ. Sau khi thu hoạch để chanh ở khu vực thoáng mát, cách mặt sàn 10-15cm. Có thể dùng các loại hóa chất bảo quản để chanh được tươi lâu.
Nguồn: đã kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Làm giàu từ củ ấu

Trước đây, hằng năm, nông dân ở các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, Hậu Giang đã tận dụng diện tích mặt nước dâng cao trong mùa nước nổi để trồng ấu kiếm thêm thu nhập lúc nông nhàn. Đa số nông dân trồng ấu có chung nhận xét: dễ trồng, ít vốn, nhẹ công chăm sóc, ít sâu bệnh.

Trong quá trình trồng, chỉ cần bón phân và phun thuốc dưỡng cây, ngừa sâu ăn lá và phòng bệnh cháy lá là đủ… Việc trồng ấu bắt đầu từ giữa tháng 6 âm lịch đến cuối tháng 11 âm lịch – lúc nông dân rảnh rang việc đồng áng.

Theo nhiều nông dân, cây ấu phù hợp với vùng nhiều nước nhưng để cây phát triển và có củ trong mùa nắng nóng thì ít nơi trồng được, chưa kể ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên khó ổn định năng suất.

Củ ấu

Tuy nhiên, hiện nay, tại huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long củ ấu được bà con trồng đại trà tại xã Tân Hạnh nhờ họ biết cách trữ nước trong ruộng trũng và ươm giữ giống. Đến nay, toàn xã đã xây dựng được mô hình trồng ấu 3 vụ một năm, với tổng diện tích khoảng 50ha.

Ông Lê Văn Hết (53 tuổi, ngụ ấp Tân Thuận, xã Tân Hạnh), vui vẻ tiết lộ: “Trước đây, sau mỗi lần thu hoạch lúa hè thu, tôi mới xới trục đất rồi lấy nước vào ruộng để cấy ấu giống. Nhưng hiện nay, tôi luôn giữ nước trong ruộng rồi cấy ấu ở mặt nước cao từ 2–3 tấc cho ấu mau bén đất. Khi ấu vừa lớn, tôi xả nước vào sâu bao nhiêu thì dây ấu lên cao bấy nhiêu… Vụ nào ít gặp nắng hạn, thời gian thu hoạch ấu sẽ kéo dài nên coi như vụ đó trúng mùa”.

Bình quân, một công ấu (1.000m2) cho từ 800 kg đến một tấn củ. Nếu trúng có thể lên đến hơn một tấn, thất thì cũng được 600 kg.

Nhờ 4 công ruộng luôn trữ hơn nửa mét nước, bà Nguyễn Thị Hoa (56 tuổi, ngụ ấp Tân Hóa, xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ) đã trồng trúng mùa và bán hơn 5 tấn củ ấu với giá 7.000 đồng một kg, thu nhập gần 35 triệu đồng mỗi vụ. Sau khi trừ tất cả các khoản chi phí đầu tư và công chăm sóc, gia đình bà còn lời hơn 25 triệu đồng.

Bà Hoa còn cho biết thêm ấu có lợi nhuận cao hơn lúa và hoa màu khác. Bà Hoa dẫn chứng, gia đình bà từng trồng một ha lúa với kinh phí đầu tư hơn 13 triệu đồng nhưng bán chỉ được khoảng 24 triệu đồng. Trong khi đó, vốn trồng ấu khoảng 2 triệu đồng, năng suất gần 10 tấn, doanh thu có thể lên tới hơn 50 triệu đồng. Đây là cây trồng có hiệu quả cao, lợi nhuận gấp 3 cây lúa.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Chính (ngụ ấp Tân Thuận, xã Tân Hạnh) tỏ ra phấn khởi vì thị trường tiêu thụ củ ấu mạnh. Bà Chính cho biết: “Lúc trước, nhà tôi trồng lúa nhưng sau này, thấy ấu có giá trị kinh tế cao, vốn đầu tư ít nên tôi mua giống về trồng. Vào mỗi mùa thu hoạch, thương lái đến tận bờ ruộng để thu mua với giá từ 6.000 – 7.000 đồng một kg. Mỗi vụ thu hoạch được 3 lần, hàng bán rất chạy nên nông dân an tâm”.

Ông Lê Thanh Bình, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hạnh, cho biết ngoài tiêu thụ trong nước, ở Vĩnh Long đã có nhà máy chế biến củ ấu để xuất khẩu. “Thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, chính quyền địa phương khuyến khích nông dân trong xã tham gia mô hình trồng ấu quanh năm ở những vùng trũng vì hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, xã cũng khuyên người dân trồng cây ấu theo quy hoạch của địa phương, trồng xen canh với các loại hoa màu khác, không nên trồng ấu ồ ạt, tránh tồn ứ”, ông Bình khuyến cáo.

Thu hoạch ấu

Cây củ ấu sống dưới nước, mọc ở các ao, đầm. Hoa màu trắng, mọc đơn độc hay ở nách lá. Trong củ chứa một hạt, trong hạt có nhiều bột trắng ăn được. Củ ấu có 2 giống là ấu gai và ấu trụi: ấu gai quả có 2 sừng nhọn như gai, năng suất thấp; ấu trụi quả có 2 sừng tù, năng suất cao. Cây ấu trồng để lấy củ làm thức ăn cho người hay cho gia súc, lấy lá làm thức ăn xanh.

Trong củ ấu có nhiều gluxit, đường glucô, protein. Trong 100g thịt củ ấu có 24g đường, 9mg canxi, 49mg phot pho, 0,7mg sắt, các vitamin A, B1, C, D và men có tác dụng hạn chế ung thư gan, ung thư dạ dày.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Đa Mi (Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận): Trồng mắc ca liệu có phù hợp?

Xung quanh cây mắc ca

Cây mắc ca (Macadamia) du nhập vào Việt Nam từ năm 1992, từ đó đến nay có rất nhiều ý kiến ủng hộ, cũng như nghi ngờ hiệu quả về giống cây này. Ban chỉ đạo Tây Nguyên, Ban Kinh tế Trung ương và tỉnh Lâm Đồng cũng đã phối hợp tổ chức hội thảo “Chiến lược phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên”, và đặt niềm tin là mắc ca sẽ là cây làm giàu của nông dân Tây Nguyên và Tây Bắc, 2 vùng đất thích hợp. Theo đó, mắc ca trồng từ hạt sau 7 – 8 năm sẽ cho ra trái. Hạt có giá trị dinh dưỡng cao, sử dụng làm nguyên liệu đầu vào để sản xuất nhiều sản phẩm dinh dưỡng, có lợi cho sức khỏe, giá trị kinh tế cao. Chẳng hạn như dầu ăn, sản phẩm chăm sóc da và tóc… Có thể trồng mắc ca xen với cà phê, chè, làm cây che bóng, chắn gió, hoặc trồng tập trung thành rừng công nghiệp. Ý kiến nghi ngờ thì chỉ ra rằng: nhiều nơi trồng mắc ca không có trái, năng suất thấp, như vậy có nên đặt vấn đề phát triển trên diện rộng?…

Cây mắc ca ra trái mùa đầu.

Đây là lý do để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đắn đo trong phê duyệt diện tích mắc ca đến năm 2020 của cả nước. Diện tích được phê duyệt là 10.000 ha, thay vì 200.000 ha như dự kiến trước đây. Tuy vậy, mới đây trong một bài báo đăng trên Lao Động, ông Trần Vinh – Phó viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, không ngại ngần tái khẳng định: Mắc ca là cây có giá trị kinh tế cao. Nếu đầu tư đúng cách, chăm bón đúng kỹ thuật và tìm được đầu ra, giá trị kinh tế mang lại không kém cây cà phê và hồ tiêu. 1 ha cây mắc ca có thể cho 3 -4 tấn hạt thô, trong khi đó, mỗi kg hạt thô có thể bán từ 3 – 4 USD. Còn vì sao một vài nơi, nông dân trồng mắc ca không hiệu quả là do mấy vấn đề sau: Mắc ca là cây á nhiệt đới, yêu cầu độ ẩm cao, tầng đất dày, trồng không đúng đất, cây sẽ không phát triển tốt; giống trồng không tốt, không được chọn lọc, là giống trôi nổi; chăm sóc không đúng kỹ thuật…

Cũng theo ông Trần Vinh, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên có hơn 20 giống mắc ca, trong đó H2, OC và 508 là những giống rất triển vọng, cho năng suất cao. Viện trồng thử nghiệm cây mắc ca xen với một số loài cây công nghiệp có giá trị như cà phê vối, cà phê, chè, ca cao. Kết quả bước đầu cho thấy mắc ca sinh trưởng tốt, sau 4 – 5 năm cho năng suất khoảng 10 kg hạt/cây, thậm chí có cây đạt 15 kg/năm.

Bài báo trên Lao Động còn đề cập đến vấn đề: có 8 tỉnh thích hợp để trồng cây mắc ca, đó là: Đắc Nông, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Sơn La, Lai Châu và Điện Biên.

Đa Mi có thích hợp?

Trở lại với xã Đa Mi của huyện Hàm Thuận Bắc. Đây là địa phương duy nhất trong tỉnh trồng mắc ca. Lý luận của người dân ở đây rất đơn giản: Đa Mi nằm gần Bảo Lộc (Lâm Đồng), là bậc thềm của Nam Tây Nguyên. Trên đó trồng được thì Đa Mi cũng trồng được.

Mắc ca được trồng thành công ở Lâm Đồng

Theo anh Ngô Xuân Vân, Bí thư Đảng ủy Đa Mi: Người dân bắt đầu trồng xen mắc ca với sầu riêng, cà phê từ 4 năm trước. Cây cao nhất là 4m, thấp là 1,5 – 2m. Giống được mua ở các cơ sở bán giống trên thị trường, với giá 40 – 45 ngàn đồng/cây. Tổng diện tích mắc ca toàn xã ước khoảng 5 ha, nhiều nhất là ở thôn La Dày… Đã có một công ty chuyên về cung ứng giống mở hội thảo trồng mắc ca tại La Dày và nhiều nông dân tỏ ra hưởng ứng. Những nông dân trồng đầu tiên hy vọng mắc ca sẽ cho năng suất khá khi vào năm thứ 7 (đang là năm thứ 4). Vấn đề đặt ra, theo thông báo của đại diện Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, Đa Mi rộng ra là Bình Thuận không nằm trong 8 tỉnh có chất đất phù hợp, tầng đất dày để trồng mắc ca. Vậy có nên tiếp tục phát triển mắc ca ở Đa Mi cho dù rất gần Lâm Đồng? Cơ quan nào chịu trách nhiệm khẳng định điều đó? Rất cần một sự nghiên cứu về chất đất, giúp nông dân, thay vì để nông dân trồng tự phát.

Nguồn : Internet, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Người trồng bưởi da xanh đầu tiên trên cao nguyên, thu hơn 1 tỷ đồng/năm

Là người tiên phong trong lĩnh vực trồng cây ăn quả, năm 2012 vợ chồng ông Nguyễn Văn Nhàn và bà Nguyễn Thị Thái Hà, ở tổ dân phố 8, thị trấn Quảng Phú, huyện Cư Mgar, Đắk Lắk mạnh dạn phá bỏ hơn 1 ha cà phê để trồng 700 gốc bưởi da xanh nổi tiếng ở miền Tây.

Vườn bưởi nhà ông Nhàn, bà Hà cho trái quanh năm.

Ba năm sau, vườn bưởi bắt đầu cho quả ngọt không kém xứ miệt vườn, mỗi năm thu nhập hơn tỷ đồng/ha.

Vợ chồng ông Nhàn, bà Hà vốn làm nghề buôn bán nông sản nhưng rất đam mê nông nghiệp. Bao nhiêu lời lãi trong kinh doanh, ông bà đều dồn vào mua đất. Cả những vùng đất xấu, ông cũng không ngại đầu tư thời gian, công sức cải tạo, biến đất cằn cỗi trở nên màu mỡ. Sau nhiều năm kiên trì tích góp, đến nay gia đình ông Nhàn đã sở hữu 20ha đất, đủ để ông thỏa sức thực hiện mơ ước làm “nông dân chính hiệu”.

Năm 1990, khi có đất trong tay, gia đình ông, bà cũng như nhiều nông dân khác trong vùng chọn cây cà phê để khởi nghiệp. Một thời gian sau, thấy người dân đua nhau mở rộng diện tích cà phê nên chuyển hướng sang trồng hồ tiêu. Nhờ siêng năng, chịu khó chăm sóc, vườn cà phê 10 ha và 3 ha tiêu phát triển tươi tốt quanh năm cho thu nhập ổn định vài trăm triệu đồng/vụ. Tuy nhiên điều đó vẫn chưa làm ông, bà thỏa lòng bởi số tiền đầu tư cho hai loại cây công nghiệp này tương đối lớn, trong khi giá cả liên tục biến động nên quyết định chọn cây ăn quả làm hướng đi riêng.

Năm 2007, nhà ông, bà trồng thêm 2 ha sầu riêng và xen thêm hàng trăm cây vào vườn cà phê. Thời điểm đó, sầu riêng còn khan hiếm, bán được giá cao cho thu nhập bình quân 200 triệu đồng/ha. Ông bà tiếp tục lấn sân sang trồng bơ và mít Thái (mít “siêu sớm”) vừa để đa dạng cây trồng vừa so sánh hiệu quả kinh tế giữa các các cây trồng với nhau.

Liên tiếp gặt hái nhiều thành công trong lĩnh vực cây ăn quả, năm 2012, ông Nhàn mạnh dạn thử sức với cây bưởi – loại quả biểu tượng cho sự may mắn, tài lộc đang có sức hút trên thị trường. Ông khăn gói xuống miền Tây – thủ phủ bưởi da xanh có tiếng từ xưa để mua 700 gốc về trồng thử nghiệm.

Thấy ông chặt bỏ cà phê để trồng loại cây vốn chỉ ưa tiết trời dịu mát, ôn hòa ở miền Tây Nam bộ, nhiều người nóng mặt can ngăn. Nhưng bằng kinh nghiệm và ý chí của người con đất võ Bình Định, gia đình ông Nhàn – bà Hà quyết tâm làm cho bằng được mới thôi. Đầu tiên, là cải tạo đất cho tơi xốp, trồng một lớp cỏ dại dưới gốc bưởi tránh xói mòn, lắp hệ thống tưới tiết kiệm cung cấp nước quanh năm… để đảm bảo mọi điều kiện tốt nhất cho cây bưởi sinh trưởng, phát triển tốt. Với cách làm khoa học trên, ba năm sau vườn bưởi bắt đầu ra hoa, đậu quả. Vỏ bưởi màu xanh, ruột hồng, không hạt, ăn rất ngon, ngọt không thua kém bưởi trồng ở miền Tây.

Cây bưởi ra trái quanh năm, trung bình mỗi cây cho 100 quả, mỗi quả nặng từ 1,2 – 3kg, giá bán tại vườn 40 nghìn đồng/kg, có thời điểm lên đến 70 nghìn đồng/kg. Dù giá cao nhưng vườn bưởi luôn trong tình trạng “cháy hàng”, vì trên địa bàn hiện nay chỉ mình nhà bà trồng. Năm 2015, vườn bưởi 1 ha cho thu nhập 1, 2 tỉ đồng, trong khi tổng doanh thu 8 ha các loại cây gồm bơ, sầu riêng, mít Thái chỉ được 3 tỉ đồng. Như vậy hiện nay, bưởi da xanh đang là loại quả siêu lợi nhuận nhất trong các loại cây ăn trái được trồng trên vùng đất cao nguyên.

Bà Hà cho biết: Để cây bưởi ra hoa, đậu quả trên vùng đất có khí hậu nắng – mưa thất thường không hề đơn giản. Người trồng phải tính toán rất kỹ từ khâu trồng, bón phân, tưới nước, ánh sáng,… đến việc che chắn gió cho cây vì đất bazan rất mềm, những lúc mưa bão rất dễ làm bật gốc cây. Hiện gia đình bà đang nghiên cứu nhân giống cây bằng phương pháp ghép cho rễ cọc bám sâu phù hợp với đất Tây Nguyên. Đồng thời đầu năm 2017 ông đã trồng 1.000 cây bưởi bởi trên thị trường hiện đang rất chuộng loại cây này.

Một quả bưởi nặng từ 1,2 – 3kg.

Nguồn : Internet, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Dâu tây trên xơ dừa thu bạc tỷ

Tự thử nghiệm và nhân rộng thành công kỹ thuật trồng dâu tây New Zealand trên giá thể thuần xơ dừa, nông dân Nguyễn Thanh Trúc ở Phường 11, Đà Lạt đang thu lãi bạc tỷ mỗi năm trên diện tích đất chưa đến một hecta.

Trồng dâu tây trên xơ dừa

Lãi ban đầu 2,5 tỷ đồng/9.000 m²/năm

Kết thúc tháng 7/2017, vườn dâu tây của nông dân Nguyễn Thanh Trúc (sinh năm 1975, ngụ tại Phường 11, Đà Lạt) thu hoạch hơn 1 tấn/5.000 m². Vườn dâu tây này tọa lạc ở thôn Lộc Quý, xã Xuân Thọ, Đà Lạt, cách Quốc lộ 20 chỉ hơn nửa cây số nên người tham quan dễ dàng tìm đến nơi. Mới 9 giờ sáng mỗi ngày, vườn dâu đã thu hoạch và đóng gói hơn 30kg trái, chuyển đi tiêu thụ theo đơn hàng ở 3 miền Bắc, Trung, Nam. Trúc cho biết: “Đây là vườn dâu tây thứ 3 của hộ gia đình chúng tôi chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP. Trước đó, năm 2013 và 2014, chúng tôi đã trồng 2 vườn dâu tây ở Phường 10 và Phường 11, Đà Lạt, mỗi vườn có diện tích 2.000 m², cũng đang vào thời kỳ kinh doanh, tổng sản lượng trung bình 12 tấn/năm. Cả 3 vườn dâu tây đều sản xuất trong nhà kính công nghệ cao và đều đạt tiêu chuẩn VietGAP…”.

Trúc “thuyết minh” thêm: Đà Lạt vào thời điểm giữa mùa mưa từ tháng 7 đến tháng 10, vườn dâu của Trúc đạt sản lượng bằng khoảng 60-70% những tháng đầu mùa mưa và những tháng mùa khô còn lại trong năm. Nguyên nhân mùa mưa dài ngày thường xuất hiện sâu bệnh nhiều, chênh lệch biên độ nhiệt độ ngày và đêm khá lớn, dẫn đến dâu tây ra hoa đậu trái ít hơn mùa khô với thời tiết thuận lợi. Tuy nhiên, nếu thống kê trong một năm vừa qua, 3 vườn dâu tây diện tích 9.000 m² của nông dân Nguyễn Thanh Trúc đạt tổng sản lượng 25 tấn, một con số phấn đấu của những vườn dâu tây công nghệ cao ở Đà Lạt. Với giá bán cố định 200.000 đồng/kg, chủ vườn Nguyễn Thanh Trúc đạt doanh thu 5 tỷ đồng. Trừ 50% tất cả mọi chi phí, còn lại thực lãi 2,5 tỷ đồng.

Khách hàng mua dâu tây của Nguyễn Thanh Trúc gồm: khách du lịch tham quan, hái dâu thưởng thức và mua tại chỗ; các chợ đầu mối và các cửa hàng rau sạch ở 3 miền Bắc, Trung, Nam. Dâu tây của Trúc thu hái và đóng gói chuyển đến khách mua ngay trong ngày bằng phương tiện đường bộ và đường hàng không. Nhờ lợi thế chất lượng đặc trưng, dâu tây New Zealand của Nguyễn Thanh Trúc đến thời điểm cuối tháng 7/2017 vẫn không cung cấp đầy đủ theo nhu cầu sản lượng đặt hàng.

Mới giải quyết 60% yêu cầu kỹ thuật

Khám phá một vòng vườn dâu tây 5.000 m² ở Lộc Quý, Xuân Thọ, Đà Lạt với quy trình khác biệt. Nguyên khu vườn này với chất đất thịt pha trộn phần lớn chất cát cao lanh, trồng cà phê phát triển èo uột, nông dân Nguyễn Thanh Trúc đã bỏ ra gần 1 tỷ đồng mua về và đầu tư hơn 1 tỷ đồng nữa mới chuyển đổi sang trồng dâu tây New Zealand từ tháng 2/2017. Toàn bộ diện tích 5.000 m² được thiết kế hoàn chỉnh, đưa vào canh tác dâu tây gồm: nhà kính khung sắt, trong đó khép kín hệ thống tưới nước, bón phân nhỏ giọt; nguồn nước sạch được bơm lên từ 3 chiếc giếng ngầm; hệ thống máng chứa giá thể thuần xơ dừa treo lên cách mặt đất 1,3-1,5 m, trên đó trồng dâu tây với mật độ 8.000 cây/1.000 m²; những chiếc quạt gió và máy đo nhiệt độ trong nhà kính…

Tương tự, 2 khu vườn dâu tây với tổng diện tích 4.000 m² ở Phường 10 và Phường 11, Đà Lạt nêu trên, đã được chủ nhân Nguyễn Thanh Trúc mạnh dạn đầu tư khép kín quy trình sản xuất với nguồn vốn cũng gần cả tỷ đồng. Và tính chung trên tổng diện tích 9.000 m² dù đang đạt lợi nhuận 2,5 tỷ đồng/năm, nhưng anh Nguyễn Thanh Trúc vẫn chia sẻ rằng chỉ mới giải quyết 60% yêu cầu kỹ thuật. Còn lại 40% quy trình cung cấp dinh dưỡng chưa đáp ứng khả năng hấp thu hiệu quả nhất của cây. Đánh giá này dựa trên kết quả tự nghiên cứu, đối chiếu từ nhật ký sản xuất tương ứng với năng suất và chất lượng dâu tây New Zealand thu hoạch trong nhiều năm liên tục của chủ vườn Nguyễn Thanh Trúc.

Dâu tây New Zealand trồng trên giá thể thuần xơ dừa của chủ nhân Nguyễn Thanh Trúc ở Đà Lạt thu lãi 2,5 tỷ đồng/9.000 m²/năm.

Mục tiêu từ nay đến cuối năm 2017, Nguyễn Thanh Trúc sẽ bổ sung 40% yêu cầu kỹ thuật còn lại trên 9.000 m² vườn dâu tây Đà Lạt của mình. Giải pháp cụ thể là điều chỉnh liều lượng nước tưới, phân bón phù hợp với từng thời điểm, từng thời gian vận hành, nhằm chăm sóc tốt nhất trong mọi giai đoạn sinh trưởng, đơm hoa kết trái của cây dâu tây. Bởi theo Trúc, khi cây dâu tây nuôi sống bằng chất lượng dinh dưỡng tối ưu nhất thì sẽ nâng cao khả năng đề kháng các loại bệnh hại phát sinh, đồng thời tăng lên sản lượng thu hoạch vượt trội hàng năm.

Thiết nghĩ, ngành nông nghiệp và tổ chức hội nông dân các cấp ở Đà Lạt nên đưa 3 vườn dâu tây trồng thuần xơ dừa của nông dân Nguyễn Thanh Trúc vào chương trình tổ chức tham quan, trao đổi, thậm chí hội thảo đầu bờ để hoàn thiện và nhân rộng nhiều hơn nữa mô hình dâu tây quy mô hộ gia đình nông dân ở địa phương.

 

 

Nguồn: đã kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Độc đáo vườn cà chua trái cây

Không cần phải đi Đà Lạt, du khách, người tiêu dùng vẫn có thể tham quan, thưởng thức những trái cà chua bi trái cây, cà chua Sôcôla… Đặc biệt là giống cà chua đen, cà chua vàng được trồng theo công nghệ cao của nông dân Hồ Tấn Phong (phường Châu Phú B, TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang).

Nhiều giống mới, tốt cho sức khỏe

Trong nhà kính rộng hơn 1.000m2, chú Phong chia ra làm 2 phần, một bên trồng các giống cà chua trái cây, một bên trồng dưa lê, dưa lưới. Bước vào khu vực trồng cà chua, tôi “mê mẩn” trước những trái cà chua đủ màu sắc: Xanh, đỏ, tím, vàng, đen… bé xíu treo trên cây. Thấy tôi chụp hình những trái cà chua căng mọng, chú Phong cho biết: “Ai vô đây cũng khoái chụp hình hết. Nền xanh lá cây, lại thêm mấy trái cà chua nhỏ nhỏ, đủ màu sắc! Cô ăn thử trái cà chua vàng này và cho biết cảm nhận nhé!”. “Ngọt, giòn, thơm thơm, không hạt… ngon và lạ!”- tôi quay sang nói với chú Phong. “Đây là cà chua vàng Kim Ngọc, giống mới! Khách vào đây ăn thử xong cũng đòi mua loại này vì nó ngon, ngọt, thơm… nên gọi là cà chua trái cây. Mới trồng thử không nhiều nên cung không đủ cầu”.

Nông dân Hồ Tấn Phong chăm sóc vườn cà chua trái cây

à chua vàng, tuy trái nhỏ nhưng chứa nhiều hợp chất có lợi cho sức khỏe, làm giảm nguy cơ lão hóa cao, màu đẹp và có vị ngọt dịu. Chỉ tay vào những trái cà chua đen bóng, chú Phong nói: “Nó là loại “hot” và đắt tiền nhất thời gian qua, vì chứa nhóm hợp chất có khả năng chống ô-xy hóa mạnh, có khả năng ngừa hàng loạt bệnh (ung thư, tiểu đường và béo phì) và giúp tăng sinh lực. Những lúc hút hàng ở Đà Lạt, họ bán 100.000 đồng/kg nhưng vẫn không đủ để cung cấp. Cà chua đen có vỏ màu đen, ruột đỏ. Đây là giống cà chua khó trồng, nhiều nông dân ở Đà Lạt cũng trồng thử”. Cà chua đen, cà chua vàng chứa nhiều hợp chất có lợi cho sức khỏe và có khả năng làm giảm nguy cơ lão hóa. Được tham quan, dùng thử các loại cà chua tại vườn, anh Lê Cao Trị (du khách đến từ huyện Tịnh Biên) chia sẻ: “Những trái cà chua mới hái nên ngọt và giòn, ngon. Mỗi loại có mùi vị khác nhau, cà chua sôcôla có màu đen nhạt, tím, hơi chua; cà đen trái to hơn cà chua sôcôla nhưng màu đen đậm, có vị ngọt, cơm dầy; cà chua cherry trái màu đỏ, nước nhiều, vị ngọt nhẹ…”.

Sản xuất ứng dụng công nghệ cao

Nông dân Hồ Tấn Phong cho biết: “Với diện tích 500m2, tôi trồng 1.500 gốc cà chua các loại, như: Cà chua bi đỏ Thúy Hồng, cà chua cherry, cà chua vàng Kim Ngọc, cà chua sôcôla, cà chua đen… Cà chua được trồng theo công nghệ cao, đảm bảo an toàn nên có thể hái và ăn tại vườn”. Cà chua được trồng trên luống cao và cố định bằng sào để cây không bị gãy, đổ vì đang đến độ thu hoạch, trái sai trĩu cành. Mặc dù nhiệt độ nóng hơn so với ở Đà Lạt nhưng do áp dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại nên cà chua sinh trưởng tốt, không cần dùng đến chất kích thích tăng trưởng hay thuốc bảo vệ thực vật.

Cà chua vàng trái nhỏ, ngọt dịu, giòn, thơm

Cũng như cà chua đỏ thường, các loại cà chua này trồng 3 tháng thì bắt đầu cho ra quả và thu hoạch (kéo dài 3 – 4 tháng), trung bình mỗi gốc từ 3-5kg trái chín. Với 1.500 gốc sẽ thu hoạch được 5-6 tấn, giá bán 50.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được trên 50 triệu đồng/vụ. Vì mô hình trồng bán thủy canh nên nhu cầu nước cung cấp cho cây rất cao, cây càng lớn hút nước càng nhiều. Hiện cà chua đang trong giai đoạn thu hoạch nên phải tưới nước từ 6-7 lần/ngày. “Trong quá trình sản xuất, nhờ có hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel nên tiết kiệm được nước tưới, nhân công… Ngoài ra, việc sản xuất trong nhà lưới giúp hạn chế rất nhiều sâu bệnh và không phun xịt các loại thuốc bảo vệ thực vật nên an toàn cho người tiêu dùng”- nông dân Hồ Tấn Phong thông tin.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân phường Châu Phú B (TP. Châu Đốc) Huỳnh Mộc Khải: Mô hình này hiện đang có thương hiệu trên thị trường vì hiệu quả mang lại rất cao. Từ khâu gieo hạt giống, chăm sóc, thu hoạch… được kiểm soát kỹ nên sản phẩm đạt chất lượng và tiêu chuẩn an toàn. Mặt khác, đây là mô hình được UBND TP. Châu Đốc, Sở Khoa học và Công nghệ chọn làm điểm kết hợp tham quan du lịch sinh thái. Qua thời gian thực hiện rất thành công, lượng khách đến bình quân từ 5-10 lượt người/ngày, những ngày nghỉ cuối tuần, lễ, Tết… lên đến 40-50 lượt khách/ngày. Hiện chú Phong đang đầu tư, mở rộng thêm 1.300m2 nhà kính để trồng thêm một số giống cây mới. Song, để nông dân an tâm sản xuất, tỉnh và địa phương quan tâm hơn nữa đến công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về sử dụng thực phẩm sạch, an toàn. Tiếp tục hỗ trợ về giống, kỹ thuật để sản phẩm chất lượng hơn. Đồng thời, hỗ trợ nông dân đăng ký Vietgap…”.

 

 

Nguồn: đã kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Nông dân tìm cách “sống chung” với bệnh trắng lá mía

Trước tình hình bệnh trắng lá mía lây lan nhanh trên đồng ruộng nhưng chưa có giải pháp chữa trị hữu hiệu, chính quyền huyện Ia Pa (Gia Lai) đang chỉ đạo ngành chuyên môn vào cuộc, phối hợp với Nhà máy Đường Ayun Pa và người dân tìm biện pháp “sống chung” với loại bệnh này.

Bệnh trắng lá mía bùng phát mạnh

Huyện Ia Pa là địa phương có diện tích trồng mía lớn nhất khu vực Đông Nam tỉnh. Toàn huyện hiện có gần 7.000 ha mía, trong đó có 3.300 ha mía trồng mới và hơn 3.600 ha mía lưu gốc. Theo báo cáo của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật huyện Ia Pa thì hiện nay gần như chân ruộng nào cũng có mía bị trắng lá.

Bệnh trắng lá mía

Tại xã Chư Răng-nơi có diện tích mía bị trắng lá lớn nhất huyện Ia Pa, nhiều hộ trồng mía đang lâm vào cảnh khốn đốn khi bỏ ra số tiền đầu tư khá lớn nhưng chưa thu hồi lại được vốn, nay lại tốn thêm công, tiền của để thuê máy, công cày, cuốc bỏ… Bà Tình (một người dân xã Chư Răng) cho biết: “Ruộng mía của tôi trồng theo kỹ thuật hàng đôi, ở chu kỳ năm thứ hai, là thời điểm đạt năng suất cao nhất thì bị nhiễm bệnh trắng lá. Bệnh bùng phát quá nhanh, trong vòng 1 tháng chưa kịp xử lý cuốc bỏ gốc nhiễm bệnh theo khuyến cáo của ngành chuyên môn vì diện tích quá lớn thì bệnh đã lan ra cả 16 ha. Chúng tôi buộc phải cày phá bỏ toàn bộ ruộng mía, thiệt hại lên đến cả tỷ đồng”.

Tương tự, anh Trần Công Sơn (thôn Bình Trung, xã Chư Răng) có 19 ha mía mới thu năm đầu chưa đủ bù đắp cho số tiền đầu tư (hơn 500 triệu đồng, trung bình khoảng 30 triệu đồng/ha) nay càng khó thu hồi khi diện tích nhiễm bệnh trắng lá ngày càng tăng. Tính đến nay, gia đình anh đã có hơn 5 ha mía bị nhiễm bệnh trên 40% buộc phải cày bỏ. “Lúc đầu, ruộng mía của gia đình tôi chỉ bị nhiễm ít thôi, tỷ lệ rất thấp. Tôi đã thuê công cuốc bỏ nhằm ngăn chặn sự lây lan nhưng chỉ sau 1-2 cơn mưa đầu mùa (khoảng giữa tháng 5) thì thấy ruộng mía trắng xóa. Tốc độ nhiễm bệnh rất nhanh khiến tôi không kịp trở tay”-anh Sơn cho biết.

Tìm cách “sống chung”

Trước tốc độ bùng phát của bệnh trắng lá mía, UBND tỉnh đã chỉ đạo ráo riết các ngành, địa phương triển khai các biện pháp phòng bệnh. Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với UBND huyện Ia Pa, Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai tổ chức nhiều cuộc họp tìm biện pháp tháo gỡ tình hình. Huyện Ia Pa và Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai cũng đã tổ chức nhiều hội thảo, mời các chuyên gia vào cuộc để tìm nguyên nhân, giải pháp đối phó với bệnh trắng lá mía.

“Sống chung” với bệnh trắng lá mía

Huyện Ia Pa hiện có 435,4 ha mía nhiễm bệnh trắng lá dưới 30% phải cuốc bỏ những gốc cây bị bệnh đem tiêu hủy và 79,9 ha mía gốc bị nhiễm nặng trên 30% phải cày phá bỏ tiêu hủy hoàn toàn, diện tích nhiễm bệnh còn lại đang được tập trung xử lý. Tuy nhiên, đến nay, nguồn bệnh trắng lá mía vẫn tồn tại tiềm tàng trong tàn dư thực vật, hom giống ở hầu hết các xã trồng mía. Tất cả các giống mía đang trồng trên đồng ruộng đều bị nhiễm bệnh trắng lá đã tạo môi trường cho bệnh lây lan khó kiểm soát. Sở Nông nghiệp và PTNT cũng chỉ ra tồn tại là hiện các địa phương và Nhà máy Đường Ayun Pa chưa kiểm soát được nguồn giống mía của nhân dân sử dụng dẫn đến bệnh lây lan từ nguồn hom giống trước khi đem ra trồng là khó tránh khỏi. Bên cạnh đó, chưa có hệ thống sản xuất, nhân giống mía sạch bệnh 3 cấp: cơ bản, kiểm định và thương phẩm. Ngay cả trang trại mía giống của Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai đặt tại xã Pờ Tó cũng bị bệnh trắng lá hoành hành nhiều hơn ruộng của dân.

Bà Nguyễn Thị Hường-Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật huyện Ia Pa, cho hay, thời tiết nắng hạn kéo dài trong những năm gần đây, nhất là thời điểm có cơn mưa đầu mùa gây khí hậu nóng ẩm là điều kiện để vi rút Phytoplasma gây bệnh trắng lá mía bùng phát, kết hợp lúc này cây mía đang thời kỳ đẻ nhánh rất mẫn cảm với mầm bệnh. Theo bà Hường, biện pháp phòng trừ bệnh hiện tại vẫn là khuyến cáo người dân cuốc bỏ những gốc mía bị bệnh để đưa ra khỏi ruộng tiêu hủy đối với diện tích có tỷ lệ gốc bị nhiễm dưới 30% và cày bỏ tiêu hủy hoàn toàn ruộng mía với diện tích bị nhiễm trên 30%, sau đó trồng luân canh cây họ đậu 1 năm rồi mới trồng mía trở lại. Khi làm đất phải thực hiện cày trục, cày sâu, thâm canh cây mía áp dụng quy trình trồng mía có tưới nước; sử dụng nguồn mía giống sạch bệnh. Đối với diện tích đất cát pha sét thì nên chuyển đổi cây trồng khác chứ không nên trồng mía…

Vì chưa có thuốc đặc trị nên huyện Ia Pa nói chung và cả vùng nguyên liệu mía Đông Nam tỉnh đang phải “sống chung” với bệnh trắng lá mía. Theo đó, một trong những giải pháp đang được Trạm Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật huyện Ia Pa triển khai là mô hình quản lý tổng hợp bệnh trắng lá mía với diện tích 1 ha cho 2 hộ dân là Nguyễn Viết Xuân và Đỗ Văn Cường ở thôn 2, xã Chư Răng. Sau 3 tháng trồng giống mía K95-84, đến nay, mía đang sinh trưởng và phát triển tốt, chưa phát hiện mầm bệnh trắng lá gây hại. “Trên cơ sở mô hình này, Trạm đang xây dựng kế hoạch cho năm sau nhân rộng lên 10 ha trên địa bàn huyện”-bà Hường nói.

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa, bệnh trắng lá mía phát sinh gây hại cục bộ đầu tiên ở huyện trong niên vụ 2013-2014 với diện tích nhiễm 131,7 ha. Sang niên vụ 2014-2015, bệnh bùng phát mạnh với tổng diện tích nhiễm 1.079,7 ha (chiếm gần 17% diện tích mía toàn huyện). Niên vụ 2015-2016, tổng diện tích nhiễm bệnh trắng lá mía là 981,7 ha. Vụ mía 2017-2018, tổng diện tích nhiễm bệnh trắng lá 712,4 ha. Huyện Ia Pa đang là địa phương chiếm phần lớn diện tích mía bị bệnh trắng lá trong toàn tỉnh (thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT tính đến 15-8, toàn tỉnh có 836,4 ha mía nhiễm bệnh trắng lá). Hầu hết các giống mía người dân đang trồng đều bị nhiễm bệnh trắng lá.

Nguồn : Internet, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam