Kỹ thuật trồng dưa hấu tháp bầu

Tháp bầu là ghép trên gốc cây bầu, cho hiệu quả cao. Việc sử dụng biện pháp kỹ thuật ghép trên gốc của một số họ bầu, bí… nói chung, sẽ phòng ngừa được bệnh chết héo do nấm Fusarium gây ra một cách hữu hiệu. Với cách làm cũng đơn giản, bà con có thể tự sản xuất giống dưa hấu tháp bầu.

GHÉP DƯA HẤU LÊN GỐC BẦU

Từ nhiều năm nay, cứ gần đến Tết, ông Nguyễn Văn Long, quê ở Tiền Giang lại lên An Ngãi, huyện Long Điền thuê đất trồng dưa hấu bán Tết. Khác với nhiều người, ông Long chỉ thuê đất cố định một chỗ để trồng dưa. Theo nhiều người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề trồng dưa, cách làm này rất dễ bị thất bại do dưa bị bệnh. Nhưng thật bất ngờ, những năm dưa hấu bị thất mùa do bị chạy dây (bệnh héo dây) thì ruộng dưa của ông Long vẫn xanh tốt, không một dây dưa nào bị bệnh, thậm chí cho năng suất rất cao, bình quân mỗi năm ông thu hoạch từ 40 – 45 tấn dưa/ha, sau khi trừ chi phí, ông thu lãi trên 100 triệu đồng. Bí quyết của ông Long là dùng giống dưa hấu ghép lên gốc bầu, trước khi xuống giống ông đã cùng vài người khác thuê hẳn một nhân công từ Long An lên chuyên ghép ngọn dưa vào gốc bầu. Theo nhiều người trồng dưa hấu, đa phần các hộ trồng dưa lại là những người đi thuê đất nên tâm lý chung là ít đầu tư, khi đất bị nhiễm bệnh họ chỉ cần bỏ đất và đi thuê đất nơi khác là tránh được bệnh này. Ngoài ra họ cũng ít chọn phương pháp ghép vì sợ tốn công và tăng chi phí.

Chị Trần Thị Đèo (Thạnh Phú, Bến Tre) đang ghép cây dưa hấu trên gốc cây bầu

Theo tính toán của ông Long, chi phí ươm bầu và ghép ngọn dưa đến khi đem trồng tốn khoảng 1.500 đồng/cây con giống, chi phí này cao hơn cách làm bình thường không ghép khoảng 900 đồng/cây. Nếu tính ra trên 1 ha chi phí tăng thêm từ 7,2 – 8 triệu đồng, nhưng chắc ăn vì dưa hấu kháng hoàn toàn bệnh chạy dây, năng suất ruộng dưa cao hơn trước đây từ 6 – 7 tấn/ha do gốc bầu mạnh, hấp thu nhiều dinh dưỡng hơn. “Điều quan trọng là trồng theo cách này, người trồng dưa hoàn toàn yên tâm với bệnh chạy dây do nấm Fusarium hoành hành như hiện nay. Nhờ vậy, bảo tồn được đồng vốn, luôn có lãi hơn so với cách trồng dưa hấu không ghép” – ông Long khẳng định.

Kỹ thuật ghép: Dùng lưỡi dao lam sắc cắt bỏ ngọn cây bầu phía trên 2 lá mầm khoảng 2mm, đồng thời cắt xiên lấy ngọn dưa hấu cách 2 lá mầm khoảng một cm về phía dưới. Dùng một chiếc ghim tre vót hơi dẹp nhọn xiên chéo sát bên lá mầm cây bầu khoảng 4 – 5mm rồi cắm ngọn cây dưa vào đó. Chú ý đường kính cây ghim tre chỉ lớn vừa bằng thân cây dưa hấu khi để vào để chúng tiếp hợp tốt thì tỷ lệ ghép sống mới cao, đồng thời khi đặt ngọn dưa hấu vào ghép phải chọn sao cho hai lá mầm của ngọn dưa hấu nằm chéo hình chữ thập với hai lá mầm gốc bầu. Sau đó, các bầu cây đã ghép được đặt trong trại che kín gió 2 – 3 ngày. Hàng ngày, tưới nhẹ, giữ đủ ẩm cho ngọn dưa hấu không bị héo. Khi cây dưa hấu đã liền sẹo, vén mái che kín dần dần lên để đưa cây ra thích nghi với ánh sáng và nắng cho đến khi có 2 – 3 lá thật thì đem ra ruộng trồng. Thời gian từ ngâm ủ hạt cho tới khi bầu dưa hấu đạt tiêu chuẩn trồng khoảng 18 – 20 ngày. Chỉ nên ghép vào lúc trời mát, không mưa, và cứ ghép 5 – 10 cây thì nhúng dao lam, ghim tre vào dung dịch Benlat 1% để khử trùng, tránh nhiễm khuẩn từ cây này sang cây khác trong khi ghép. Với kỹ thuật ghép này, mỗi ngày có thể ghép được khoảng 2.000 – 2.500 cây dưa hấu giống.

DỄ LÀM, HIỆU QUẢ CAO

Theo hướng dẫn của các cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư: Cách ghép dưa lên gốc bầu rất đơn giản, người trồng dưa chỉ cần tham gia một lớp tập huấn ngắn hạn là có thể ghép được. Điều quan trọng là phải chịu khó thực hành để quen tay và mạnh dạn đầu tư. Nếu bà con tự ghép chi phí này sẽ thấp hơn nhiều.

Mô hình trồng dưa hấu tháp bầu

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, dưa hấu là cây trồng rất nhạy cảm với dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh: héo dây, thối rễ…, dẫn đến thất thoát lớn và mất thu nhập. Dưa trồng trên những chân đất đã có mầm bệnh nếu cứ tiếp tục trồng mầm bệnh tích lũy trong đất ngày càng cao, tỷ lệ dưa bị thiệt hại do bệnh tăng lên đến 60 – 70%. Vì vậy, muốn dưa hấu đạt được kết quả cao cần chú ý chọn giống kháng bệnh, chọn thời điểm xuống giống thích hợp, nắm vững quy trình chăm sóc, đặc biệt phải ghép trên gốc bầu để kháng bệnh héo dây chứ không cần phải thay đổi đất như cách suy nghĩ của nhiều người. Ngoài ra, thị trường dưa hấu hiện nay rất chú trọng đến sản phẩm sạch, do vậy cũng phải tổ chức sản xuất theo quy trình GAP… để sản phẩm sản xuất ra đáp ứng nhu cầu thị trường, cũng như đạt chất lượng và an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Nguồn : Internet, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Kỹ thuật trồng dưa hấu vụ Tết

Dưa hấu là loại trái cây thường dùng quanh năm và cũng là loại quả không thể thiếu trong mâm ngũ quả chưng tết theo phong tục của ông bà ngày xưa, với mong muốn năm mới luôn có những điều tốt đẹp, may mắn đến với gia đình. Vì vậy, ngoài chất lượng thơm ngon, người tiêu dùng còn quan tâm đến vẻ đẹp bên ngoài của dưa. Để có trái dưa hấu to tròn, ngon và đẹp, thu hoạch đúng dịp Tết, nông dân cần chú ý đến nhiều yếu tố trong kỹ thuật canh tác dưa hấu.

Dưa hấu là loại màu ngắn ngày dễ trồng, có thể trồng quanh năm; Tuy nhiên với điều kiện tự nhiên ở Đồng bằng sông Cửu Long, dưa hấu có thể trồng từ cuối mùa mưa cho đến hết mùa nắng (khoảng tháng 10 – tháng 4 âm lịch), chia làm 3 vụ là vụ dưa sớm, dưa Tết và dưa lạc hậu, trong đó dưa tết là vụ chính trong năm thường được trồng từ giữa tháng 10 âm lịch, thu hoạch trước Tết nguyên đán vài ngày. ÔngTrương Minh Chiến, ở Ấp Béc Tôn, xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú cho biết: “Thường khoảng rằm tháng 10 âl là tiến hành xuống giống vụ dưa tết, đến khảng 25 tết cắt bán, vụ dưa tết đa số người trồng thường chọn trái tròn cao, xanh bóng”.

Chăm sóc dưa hấu vụ Tết

Ngoài đạt năng suất, trồng dưa hấu tết cần nhất là mẫu mã đẹp, trái to tròn đều, dòn ngọt. Để đạt được điều này việc chọn giống là rất quan trọng ; Theo kinh nghiệm của nông dân thì trồng vụ tết nên chọn các giống như dưa hấu An Tiêm có sức sinh trưởng mạnh, dễ ra hoa, đậu trái, năng suất cao và phẩm chất tốt, trọng lượng trái 3 – 6 kg, năng suất 25 – 45 tấn/ha, hiện nay đã có các giống An Tiêm 94, An Tiêm 95, An Tiêm 98, An Tiêm 100; Hay như giống Tiểu Hắc Long vỏ đen, hạt lép, chất lượng ngon, ngọt, chưng lâu không bị úng, mỗi trái nặng từ 3 – 8kg nên được người trồng và người tiêu dùng ưa chuộng; Giống Hồng Cúc vỏ vàng thích hợp để người trồng sáng tạo nhiều hình dạng đẹp mắt, phục vụ thị hiếu người tiêu dùng.

Về mật độ trồng, do dưa hấu là loại thân thảo, thân chính dài từ 1 – 6 m, nên khoảng cách giữa các liếp trồng từ 5 – 6m, bề rộng liếp từ 1 – 1,1 m, mật độ giữa cây với cây phải thưa để tiện lợi cho dây dưa bò và các công đoạn sửa dây tuyển trái sau này, liếp trồng cao 30 – 40m, đảm bảo thoát nước tốt vì dưa hấu chịu úng rất kém. Về chế độ chăm sóc sau khi gieo hạt, kỹ sư Thạch Lai – Trung tâm khuyến nông tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo: “Từng giai đoạn cây dưa hấu cần lượng nước khác nhau, từ giai đoạn xuống giống đến khi ra hoa, từ khi gieo hạt đến 20 – 25 ngày sau nên tưới nước thật đều, đối với những ruộng khôngcó màng phủ thì ngày tưới 2 lần. Giai đoạn dưa mang trái thì tăng lượng nước lên và tùy vào điều kiện từng vùng. Về phân bón, nếu có màng phủ nên bón phân lót liếp, ví dụ chúng ta sử dụng 100kg phân tổng hợp NPK, thì bón lót trước 50kg, còn lại thì bón thúc cho trái phát triển”.

Sửa dây là một kỹ thuật cần thiết trong việc trồng dưa hấu, bà con cần điểu chỉnh cho các dây bò song song nhau theo thứ tự thẳng góc với hàng trồng, không để dây quấn chồng lên nhau, gây khó khăn trong việc tuyển trái và ảnh hưởng khả năng quang hợp của cây, tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển.

Hằng năm Sóc Trăng trồng khoảng 400 ha dưa hấu, tập trung nhiều ở các xã Phú Tân, Phú Tâm huyện Châu Thành, xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú và xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên;  Một số nơi trong tỉnh, bà con còn áp dụng thành công mô hình trồng dưa hấu dưới ruộng thay cho làm lúa vụ 3 do chủ động được nguồn nước.

Thu hoạch dưa hấu

Hiện tại các rẫy dưa đang kỳ cho trái, đây là thời gian bà con bắt đầu công đoạn tuyển trái, để cho trái dưa to, tròn đều thì mỗi dây chỉ để lại một trái trên dây chính. Việc tuyển trái sẽ được tiến hành khoảng 40 – 45 ngày sau khi gieo hạt. Đây là công đoạn quan trọng, quyết định đến chất lượng mẫu mã của trái dưa hấu tết. Kỹ sư Thạch Lai – Trung tâm khuyến nông tỉnh Sóc Trăng cho biết thêm: “Ở giai đoạn khi trái bằng trái chanh hoặc lớn hơn, khoảng 30 – 35 ngày sau khi trồng, đây là giai đoạn quyết định để tuyển trái. Cách chọn là khi dưa hâu chấm nụ, bà con nên để lại 2 trái/dây, khi trái bằng trái chanh thì tuyển lại lấy 1 trái/dây, tránh trường hợp mình để trái lớn quá mình tuyển thì làm yếu dây dưa. Chọn trái xong cần chỉnh sửa cho trái nằm ngay ngắn, lót bên dưới trái bằng rơm hoặc lá chuối, giai đoạn trái khoảng 2 – 3 kg mình sửa thêm lần nữa, thì sẽ có được trái dưa hấu như ý”.

Theo các nhà khoa học khuyến cáo dưa hấu được thu hoạch khi có độ chín 80-90%, tức là khoảng 60-70 ngày sau khi trồng, tuỳ điều kiện vận chuyển đến thị trường tiêu thụ xa hay gần. Cần ngưng nước 4-5 ngày trước khi thu hoạch giúp dưa ngon ngọt, để được lâu và ít bị bể khi vận chuyển. Việc ngưng tưới phân và phun thuốc 10 ngày trước khi thu hoạch nhằm bảo đảm phẩm chất dưa sạch cho người tiêu dùng.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Trồng thanh long sạch đón đầu thị trường đẳng cấp

Bình Thuận xác định đây là hướng đi tất yếu và bền vững để nâng cao chất lượng và giá trị thanh long của địa phương.

Hiện nay, để tránh lệ thuộc vào thị trường truyền thống, nhiều nông dân ở tỉnh Bình Thuận đã mạnh dạn đầu tư trồng thanh long theo tiêu chuẩn an toàn GlobalGAP (Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu). Ngành nông nghiệp Bình Thuận xác định đây là hướng đi tất yếu để nâng cao chất lượng và giá trị của loại nông sản lợi thế này của địa phương.

Gia đình ông Nguyễn Quốc Nguyên Vũ ở xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam gắn bó với nghề trồng thanh long từ hơn 20 năm qua. Nhận thấy giá cả thanh long canh tác theo lối truyền thống lên xuống thất thường, 3 năm trước, ông Vũ đã quyết định chuyển hướng qua sản xuất thanh long sạch.

Thanh long Bình Thuận đã trở thành thương hiệu

Trang trại thanh long sạch Phúc An của ông Vũ hiện có 25 ha đã cho thu hoạch xuất đi các nước New Zealand, Hàn Quốc và Cananada… Ông Vũ vừa xúc tiến trồng thêm 20 ha, nâng tổng diện tích thanh long trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP của trang trại lên 45 ha.

“Người trồng nên chủ động làm cho thanh long đạt chất lượng cao hơn, từ đó nâng giá thành sản phẩm lên bằng cách sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP hoặc theo hướng hữu cơ. Sản phẩm trồng theo tiêu chuẩn sẽ không phụ thuộc nhiều vào thị trường truyền thống”, ông Vũ cho biết.

Quy trình sản xuất GlobalGAP đòi hỏi kỹ thuật cao và có sự quản lý nghiêm ngặt, từ khâu chăm sóc đến khâu thu hoạch và đóng gói xuất khẩu. Theo quy trình này, vườn canh tác GlobalGAP hoàn toàn khác với vườn bình thường. Diện tích đất trong vườn phân ra thành từng khu, từng lô theo thứ tự có đánh số cụ thể để dễ dàng chăm sóc và quản lý cũng như truy nguyên nguồn gốc khi có sự cố dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hoặc mầm bệnh xảy ra.

Tại trang trại Sơn Trà, huyện Hàm Thuận Nam, với diện tích hơn 20 ha, các nhân công chăm sóc vườn theo một kế hoạch bài bản. Các công đoạn làm vườn như bón phân, cắt cành, tưới nước… đều được người phụ trách kỹ thuật ghi chép cẩn thận theo từng khu vực và quy trình chặt chẽ.

Anh Nguyễn Hữu Phương, quản lý kỹ thuật tại Trang trại Sơn Trà cho biết, thanh long sạch trồng và chăm sóc khó hơn, trong khi các thị trường khó tính luôn đòi hỏi yêu cầu chất lượng từ khâu sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, chế biến, vận chuyển. Tuy nhiên khi đáp ứng được các yêu cầu này, sản phẩm thanh long sẽ có giá cao hơn.

Hiện nay, ngoài 2 trang trại lớn có tiếng là Hoàng Hậu và Rau quả Bình Thuận, hơn 10 trang trại khác ở tỉnh Bình Thuận cũng đang đẩy mạnh sản xuất thanh long sạch cho hiệu quả kinh tế cao, đáng kể đến như Gia Thành, Phúc An, Sơn Trà… Hầu hết sản lượng làm ra đều được xuất qua các thị trường khó tính như Đức, Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ… với giá ổn định xấp xỉ trên dưới 30.000 đồng/kg.

Theo Sở NN&PTNT Bình Thuận, toàn tỉnh hiện có 220 ha thanh long trồng theo tiêu chuẩn. Ngành nông nghiệp địa phương định hướng, từ nay đến năm 2020 phải tập trung sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn an toàn để mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

Ngành nông nghiệp Bình Thuận đang khuyến khích nông dân sản xuất thanh long theo hướng an toàn

Mới đây, Chính phủ Australia cũng vừa chấp nhận cho phép nhập khẩu sản phẩm thanh long Việt Nam. Điều này đã mở ra thêm cơ hội cho người trồng thanh long sạch.

Kỹ sư Phạm Hữu Thủ, Chánh Văn phòng Sở NN&PTNT Bình Thuận cho biết, để xuất thanh long vào thị trường Australia phải cần có nguồn gốc xuất xứ rất rõ ràng, đặc biệt là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, công tác kiểm dịch, kiểm soát côn trùng. “Sở đang tiếp tục vận động bà con nông dân trồng thanh long trên địa bàn tỉnh thực hiện sản xuất theo quy trình GAP và GlobalGAP”, Kỹ sư Phạm Hữu Thủ thông tin.

Toàn tỉnh Bình Thuận hiện có khoảng 27.000 ha thanh long, sản lượng khoảng nửa triệu tấn/năm, nhưng chủ yếu xuất khẩu qua Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch.

Nhìn vào bức tranh chung, diện tích sản xuất thanh long theo hướng an toàn GlobalGAP còn ít so với tiềm năng hiện có. Nhưng đứng trước xu thế hội nhập, đây là hướng đi vững chắc. Những nông dân tiên phong thay đổi tập quán, mạnh dạn đầu tư canh tác theo hướng nông nghiệp an toàn, đang mở ra hướng đi mới cho loại nông sản lợi thế này của tỉnh Bình Thuận.

 

 

Nguồn: đã kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Để cây cao su phát triển hiệu quả, bền vững

Sau thiệt hại do hai cơn bão liên tiếp xảy ra vào tháng 7 và tháng 10 năm 2017, người trồng cao su trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đang rất băn khoăn về hướng phát triển loại cây này trong những năm tới. Tìm giải pháp để làm sao vẫn phát triển cây cao su trên vùng đất vốn không có nhiều thuận lợi với đặc thù của loại cây này, trong điều kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt và diễn biến khó lường như hiện nay chính là vấn đề cần được các cấp, ngành quan tâm.

Sau bão số 10, vợ chồng chị Lê Thị Xuân, ở đội 1 thôn Nam Cường, xã Vĩnh Nam, huyện Vĩnh Linh cặm cụi thu dọn vườn cây bị bão quật ngã. Hơn 7 sào với khoảng 190 cây cao su của gia đình chưa kịp khai thác, giờ chỉ còn lại một phần nhỏ may mắn chống chịu qua bão, còn phần lớn cây bị gãy đổ, vợ chồng chị Xuân chặt lấy củi, tận dụng chút nào hay chút đó. “Bão số 4 gia đình tôi cũng bị ảnh hưởng nhưng không nhiều như cơn bão số 10 này. Đa phần những cây bị gãy đều đến thời kỳ khai thác, coi như thất thu. Trồng cao su giống như “đánh bạc với trời” vậy, may mắn thuận lợi thì có khi thu tiền triệu mỗi ngày, bằng không thì cũng dễ tay trắng như chơi”, chị Xuân ngậm ngùi nói.

Tỉnh Quảng Trị hiện có hơn 19.945 ha cao su, tăng 570 ha so với cùng thời điểm năm 2016. Sản lượng thu hoạch mủ cao su 6 tháng đầu năm ước đạt 4.617 tấn, là loại cây chủ lực đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Theo thống kê ban đầu do cơn bão số 10, toàn tỉnh có hơn 2.900 ha cao su bị ảnh hưởng, trong đó huyện Vĩnh Linh là địa phương thiệt hại nặng nhất với hơn 1.900 ha. Có khoảng 981 ha thiệt hại nặng trên 70%, hầu hết tập trung vào các xã vùng Đông Vĩnh Linh như Vĩnh Hiền, Vĩnh Hòa, Vĩnh Kim, Vĩnh Trung, Vĩnh Thạch…

Hàng ngàn héc ta cao su trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại do bão số 10 gây ra

Huyện Gio Linh cũng là địa phương bị thiệt hại nặng nề với hơn 800 ha cao su bị ảnh hưởng, trong đó có xã như Trung Sơn có đến hơn 600 ha bị thiệt hại. Có nhiều nơi mật độ cây bị tàn phá rất dày, lại đang ở thời kỳ kiến thiết cơ bản nên thiệt hại về giá trị kinh tế là rất lớn. Nhiều hộ dân gần như mất trắng vườn cây khi phần lớn cây cao su bị gió bão đánh gãy ngang gốc, không thể phục hồi.

Theo ông Trần Thanh Hiền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để kịp thời khắc phục thiệt hại, sớm ổn định sản xuất, nhất là đối với người trồng cao su ở các địa phương trong tỉnh, ngành nông nghiệp đã kịp thời tham mưu đề xuất các biện pháp xử lý thích hợp. Riêng đối với diện tích cao su vùng Đông Vĩnh Linh, nhất là các địa phương vùng ven biển có vườn cao su bị thiệt hại trên 70% thì khuyến cáo người dân cần thanh lý, chuyển đổi sang cây trồng khác phù hợp như hồ tiêu, trồng cỏ nuôi bò hoặc các loại cây trồng khác có hiệu quả thích ứng với điều kiện khí hậu khắc nghiệt.

Đối với những vườn cây cao su chưa đến thời kỳ cạo mủ, những cây bị gãy toác thân từ trên xuống hoặc đổ rạp xuống đất thì cần phải cưa bỏ để trồng lại cây mới, không dựng lên phục hồi nữa, vì làm vậy vừa tốn công, tốn tiền mà cây lại cho mủ quá ít, chất lượng kém. Đối với những cây bị gãy ngang thân, cần cưa vát theo góc nghiêng 30 độ ngay chỗ gãy cưa hết phần thân bị gãy xước, sau đó dùng mỡ vaseline bôi vào vết cắt để phục hồi. Đối với vườn cao su kinh doanh bị ảnh hưởng sau bão thì khuyến cáo tạm ngừng khai thác, tập trung chăm sóc và xử lý chờ cây phát triển ổn định trở lại mới khai thác.

Trồng cây cao su ở vùng đất thường xuyên chịu gió bão như Quảng Trị thì đòi hỏi các ngành chức năng phải tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng trong việc định hướng cho người dân các khâu từ chọn giống, kỹ thuật trồng, thời điểm khai thác phù hợp để hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra. Theo các nhà khoa học khuyến cáo, cần lựa chọn các giống rễ sâu, tán thấp, thân to, nên sử dụng các cây giống ươm trong bầu, có khả năng chịu được gió, rút ngắn được thời gian khai thác như GT1, PB 255, PB 260, RRIM 600… Ngoài việc mở rộng diện tích trồng thì cần quan tâm đến việc trồng các loài cây thân gỗ như cây keo có khả năng chống chịu gió làm vành đai chắn bão. Trên thực tế, đối với các vườn cao su tiểu điền hiện nay trong toàn tỉnh, hầu như người dân chưa quan tâm đến vấn đề này.

Ngoài ra, khi kiến thiết vườn cây cao su, người dân cần tránh trồng mật độ quá dày theo truyền thống (bình quân 500 – 550 cây/ha), bởi như vậy sẽ tạo nên sức cản gió lớn khiến cây nhanh chóng gãy đổ khi gặp bão. Ngoài ra, người trồng cao su cần tuân thủ việc cạo mủ theo đúng quy trình kỹ thuật, cạo hai ngày, nghỉ một ngày, không nên khai thác theo kiểu tận thu. Đối với vườn cao su đang giai đoạn kiến thiết cơ bản thì tăng cường bón phân để cây chắc rễ, chống chịu được với gió bão. Hiệu quả kinh tế mà cây cao su mang lại cho người trồng cao su trong tỉnh những năm qua đã được chứng minh.

Trong đề án tái cơ cấu các ngành kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017 – 2020, tỉnh đặt ra mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu tăng diện tích trồng cao su lên 21.000 – 22.000 ha, sản lượng khai thác đạt từ 20.000 – 25.000 tấn. Để tiếp tục phát triển hiệu quả cây cao su tại địa phương, các cấp, ngành chức năng cần có những giải pháp mang tính lâu dài, cần điều chỉnh lại quy hoạch để xác định chỗ nào nên trồng, chỗ nào cần loại bỏ, hướng dẫn người trồng cao su nghiêm túc thực hiện cơ cấu giống và quy trình kỹ thuật áp dụng cho khu vực duyên hải miền Trung đã được Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam khuyến cáo, ban hành… nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại khi có thiên tai xảy ra.

Nguồn : Internet, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Bình Thuận: Mô hình trồng nấm bào ngư ở Hàm Hiệp

Chúng tôi có dịp đến thăm cơ sở trồng nấm bào ngư thí điểm của gia đình ông Trần Văn Nhanh tại thôn Đại Lộc, xã Hàm Hiệp, Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận mới thấy hiệu quả của mô hình này. Trại trồng nấm bào ngư của ông chỉ khoảng 54 m2, làm bằng khung sắt, mái lợp xốp nhựa để giảm bớt độ nóng. Trong trại có 6.000 bịch phôi nấm được xếp lớp chồng lên nhau, cao khoảng 2,5 m, tạo thành 5 dãy song song. Trong đó có 2 dãy bịch phôi nấm đã hình thành quả thể ló ra ngoài phát triển rất nhanh, chỉ vài ngày nữa là cho thu hoạch.

Nấm bào ngư

Dẫn chúng tôi đi xem trại trồng nấm bào ngư, ông Trần Văn Nhanh cho biết: Vào tháng 6/2017, Trạm Khuyến nông huyện Hàm Thuận Bắc phối hợp Công ty TNHH Nông trại Quốc An (huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh) và UBND xã Hàm Hiệp triển khai thí điểm mô hình trồng nấm bào ngư cho 5 hộ dân tại thôn Đại Lộc, với tổng kinh phí 150 triệu đồng, bình quân mỗi hộ 30 triệu đồng. Đó là các hộ: Trần Văn Nhanh, Nguyễn Văn Bông, Nguyễn Xuân Hiệp, Nguyễn Văn Xu, Nguyễn Văn Khánh. Riêng gia đình ông đã đầu tư 21 triệu đồng làm trại trồng nấm bào ngư bằng khung sắt, kệ sắt, được Công ty Quốc An hỗ trợ 6.000 bịch phôi nấm bào ngư, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc theo đúng quy trình và sẽ đứng ra thu mua sản phẩm. Ông bắt đầu thực hiện trồng nấm bào ngư từ ngày 10/7/2017, đến nay đã thu hoạch 50% bịch phôi nấm được 130 kg nấm bào ngư, với giá bán 35.000 đồng/kg, thu được 4,55 triệu đồng. Sản phẩm nấm bào ngư của ông còn ít nên chỉ bán cho bà con trong xã và các chợ ở Phan Thiết. Khi nào các hộ dân sản xuất sản lượng nhiều Công ty Quốc An sẽ ra thu mua.

Trại nấm bào ngư của gia đình ông Trần Văn Nhanh tại thôn Đại Lộc, xã Hàm Hiệp.

Theo ông Nhanh, quy trình trồng, chăm sóc nấm bào ngư cũng đơn giản, sau khi nhận 6.000 bịch phôi nấm của công ty, ông xếp thành lớp trên các kệ sắt, cách mặt đất khoảng 25 – 30 cm và phun thuốc khử trùng lên bịch phôi nấm. Hàng ngày giữ nhiệt độ trong trại từ 25 – 32oC, khi nhiệt độ vượt quá 32oC cần phun nước tưới nền trại để giảm nhiệt độ và đảm bảo vệ sinh môi trường trong trại thông thoáng, không che chắn xung quanh. Thường xuyên kiểm tra phôi nấm để loại bỏ các bịch không đạt yêu cầu. Khi các bịch phôi nấm chuyển sang màu trắng hoàn toàn thì tháo nút bông trong nắp bịch ra để 1- 2 ngày không tưới nước rồi đậy nắp bịch phôi nấm lại. Sau 10 ngày tưới thật nhiều nước lên bịch phôi nấm, nền trại và tháo nắp ra, các bịch phôi nấm bắt đầu hình thành quả thể. Khoảng 4- 5 ngày sau, các quả thể trong bịch phôi nấm bào ngư đã ló ra phát triển rất nhanh, mủ nấm mỏng lại, căng rộng ra, mép hơi quằn xuống, tai nấm có đường kính 4 – 6 cm thì bắt đầu thu hoạch. Sau khi thu hoạch tiếp tục làm vệ sinh, phun nước vôi loãng vào miệng cổ các bịch phôi nấm, khoảng 1- 2 ngày đậy nắp bịch lại và tiến hành phun nước thật nhiều lên phôi nấm bào ngư, nền trại. Khoảng 7- 8 ngày tháo nắp ra, các phôi nấm sẽ hình thành quả thể ló ra ngoài phát triển thành nấm bào ngư có mủ nấm mỏng lại, căng rộng ra cho thu hoạch tiếp lần hai.

Để nhân rộng mô hình trồng nấm bào ngư, UBND xã Hàm Hiệp đã lập kế hoạch, tờ trình UBND huyện Hàm Thuận Bắc xem xét, phê duyệt, hỗ trợ triển khai mô hình trồng nấm bào ngư thêm 13 hộ dân tại 4 thôn Đại Lộc, Xuân Điền, Phú Nhang, Phú Điền, với tổng diện tích 620 m2, bằng nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới khoảng 349,93 triệu đồng.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Những lợi ích của giun (trùn) đất

Mỗi ngày một con giun đất có thể tạo ra lượng phân bằng trọng lượng nó

  • GIUN ĐẤT có thể tạo ra thêm nhiều phân bón hơn những phương pháp khác. Phân giun có giá trị dinh dưỡng cao gấp 5 lần về ni tơ, gấp 7 lần Lân, gấp 3 lần Mg, gấp 2 lần Cacbon, 1,5 lần Calcium, 11 lần Kali.
  • Việc phát hiện ra lợi ích của GIUN ĐẤT đã có từ rất lâu trong lịch sử. Người Hy Lạp cổ đại đã từng nhắc đến vai trò của GIUN ĐẤT trong việc cải tạo đất đai. Nhà triết học Aristole so sánh giun như là” bộ máy tiêu hóa của trái đất”.
  •  Người Ai Cập cổ đại đó là nữ hoàng Cleopatra cũng đã nhận ra vai trò của GIUN ĐẤT và được tôn thờ như một vị thần. Người nào mang GIUN ĐẤT ra khỏi Ai Cập có thể bị xử tử. Người nông dân Ai Cập cổ đại thậm chí còn không dám đụng vào giun vì sợ vì thần đất trừng phạt. Năm 1949 một nghiên cứu cho rằng mức độ màu mỡ của sông Nin có được là nhờ một phần rất lớn của GIUN ĐẤT.
  • Charle Darwin ( 1809-1882) đã nghiên cứu hơn 40 năm về GIUN ĐẤT để viết lên quyển sách nổi tiếng “Sự hình thành mùn thông qua quá trình hoạt động GIUN ĐẤT”. Darwin nói rằng “ Không có sự nghi ngờ nào nữa rằng nhiều loại động vật có vai trò trong lịch sử trái đất là những loài sinh vật có tổ chức rất đơn giản”.

Vậy bạn có biết GIUN ĐẤT có những vai trò nào nữa không ?

Giun đất

  • Giun giúp đất trồng trở nên thông thoáng, những đường di chuyển của chúng giúp cho nước ngấm sâu vào trong đất, tránh xói mòn. Nó cũng giúp đất trở nên mềm mại hơn, rễ cây dễ thâm nhập sâu hơn.
  •  GIUN ĐẤT cân bằng độ pH trong đất, phân của chúng giúp tăng độ kiềm trong đất.
  • Giun thường có khuynh hướng đào sâu vào nền đất rồi đùn phân lên phía mặt trên
  •  Giun giúp giải quyết vấn đề rác thải hữu cơ, so với những phương pháp khác giun giúp phân hủy nhanh gấp 4 lần.
  • Mật độ giun trong đất cao cũng tạo môi trường thuận lợi cho các vi sinh vật có lợi giúp hạn chế tuyến trùng và nấm gây hại trong đất

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Diệt ruồi đục quả bằng chế phẩm từ men bia

Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Quốc tế Úc (ACIAR) vừa chuyển giao cho Việt Nam công nghệ phòng trừ ruồi hại quả mới – chế phẩm protein từ phế thải men bia, tiêu diệt hiệu quả ruồi hại quả ở giai đoạn trưởng thành.

Ruồi hại quả (Oriental fruit fly) có tên khoa học là Bactrocera dorsalis (Hendel), thuộc họ Trypetidae, bộ hai cánh (Diptera).to hơn ruồi nhà, có màu vàng, cánh trong và mang đặc tính sinh học khá đặc biệt.

Để đẻ trứng, ruồi cái buộc phải tìm nguồn protein trong tự nhiên. Thời kỳ quả gần chín, ruồi tập trung nhiều dưới các tán lá, đậu trên mặt quả, dùng ống đẻ trứng chích sâu vào trong thịt quả, đẻ trứng.

Khi trứng nở, sâu non (giòi) hại thịt quả, ăn thịt quả. Đồng thời những lỗ ruồi châm cũng khiến vi khuẩn xâm nhập khiến quả rụng nhanh hơn.

Công dụng lớn nhất của hỗn hợp bả protein, theo TS Khánh, là nhờ mùi vị của protein rất hấp dẫn đối với ruồi hại quả. Vì vậy, để diệt ruồi hại quả, chỉ cần diệt trên một loại cây.

TS Khánh còn khuyến cáo nên tiến hành trên diện rộng, với sự đồng loạt của cả vùng, cả thôn, cả bản thì mới mong mang lại hiệu quả cao.

Bả protein tránh để rớt vào quả, mặc dù phun trước một tháng, với nồng độ thuốc trừ sâu thấp song cũng vẫn là điều đáng lưu tâm.

Để mua bả Ento-pro, có thể liên lạc với Viện Bảo vệ Thực vật-Phòng Côn trùng (Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội). Theo thống kê của Viện Bảo vệ Thực vật, chỉ tính riêng miền Bắc, có tới 18 loại quả, rau ăn quả bị hại. Thậm chí, nhiều nơi, 100% cây ăn quả bị ruồi hại.

Để diệt sâu trong quả, các biện pháp trước đây thường dùng chất hóa học (lân) với nồng độ cao, đủ khả năng thẩm thấu vào bên trong quả. Nhưng với cách này, một dư lượng chất hoá học độc hại lớn để lại trong quả. Hơn nữa, sử dụng biện pháp hóa học gì cũng không đem lại hiệu quả.

Vừa qua, Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Quốc tế Úc (ACIAR) chuyển giao cho Việt Nam công nghệ phòng trừ ruồi hại quả mới – chế phẩm protein từ phế thải men bia, tiêu diệt hiệu quả ruồi hại quả ở giai đoạn trưởng thành.
Chỉ với 20 lít hỗn hợp bả Ento-pro (gồm 100 ml bả protein+0,1g thuốc trừ sâu+900ml nước) là có thể sử dụng cho một hécta.

“Với biện pháp phun điểm lên lá cây, mỗi cây xịt một điểm, tính trung bình, để bảo vệ một hécta cây ăn quả, chỉ hết khoảng 700 nghìn đồng”, TS Khánh nói.

Cũng trong chương trình hợp tác, phía Úc giúp Việt Nam xây dựng một xưởng sản xuất bả protein tại Nhà máy bia Foster Tiền Giang. Tuy nhiên, xưởng sản xuất quá nhỏ, thành phẩm làm ra không đủ để đáp ứng nhu cầu của cả nước.

Do vậy phía Úc giúp và chuyển giao công nghệ cho xây dựng một xưởng sản xuất lớn hơn tại Nhà máy bia An Thịnh (Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh), nhằm cung cấp bả protein cho các tỉnh phía Bắc và miền Trung với giá rẻ hơn rất nhiều so với nhập khẩu.

Giá thành của những sản phẩm này cũng hợp lý, đối với bình nhỏ 100ml, có giá 13.650 đồng; bình 480ml, giá 50.400đồng. Như vậy, để phun cho khoảng 1.000m2 chỉ cần 4-5 bình, tương ứng với số tiền là trên 200.000 đồng.

Đặc biệt, để phun cho một hécta cây ăn quả bằng thuốc hóa học, thông thường cũng phải mất 4-6 ngày. Áp dụng bả protein, một người chỉ cần ba tiếng là có thể phun cho một hécta.

(theo AGRIVIET, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam)

 

Nấm xanh diệt rầy nâu

Ông Hồ Đắc Thọ, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV TT-Huế cho biết, Chi cục vừa xây dựng thành công mô hình sử dụng nấm xanh để phòng trừ rầy nâu hại lúa đạt hiệu quả cao, mở ra triển vọng phát triển nền nông nghiệp sạch, bền vững… Trong lúc nhiều diện tích lúa trên địa bàn TT- Huế trong thời gian qua bị sâu bệnh, rầy nâu gây hại, thì những chân ruộng ở HTXNN Phú Đa I, huyện Phú Vang do sử dụng nấm xanh để phòng trừ rầy nâu nên cả ruộng lúa óng vàng, trĩu hạt, hứa hẹn một vụ mùa cho năng suất cao.

Trong quá trình chăm sóc cây lúa, người nông dân ở đây cũng không còn nỗi lo như trước vì chịu tác động của thuốc BVTV làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Đầu vụ HT vừa qua, Chi cục BVTV TT- Huế đã xây dựng mô hình sử dụng nấm xanh để phòng trừ rầy nâu hại lúa trên diện tích 2 ha ở các xã, thị trấn như: Phú Đa (huyện Phú Vang), xã Thủy Lương (thị xã Hương Thủy), xã Hương Phong (thị xã Hương Trà)và xã Quảng Vinh (huyện Quảng Điền).

Nguyên liệu SX nấm xanh là nguồn nấm cấp I. Trước kia, nguyên liệu phải mua từ ĐH Cần Thơ. Hiện nay, Chi cục BVTV TT- Huế là đơn vị đầu tiên ở khu vực miền Trung đã chủ động SX được nguồn nấm cấp I. Cách làm nấm xanh khá đơn giản. Trước hết, lấy gạo hoặc tấm để ngâm ủ trong nước trong thời gian từ 30 – 40 phút, sau đó vớt ra để ráo và chia vào các túi ni lông, bình quân nửa kg/túi, rồi dùng các nút bông gòn bao bọc các miệng túi để tránh nước vào và tiến hành hấp khử trùng. Nguồn giống cấp I được nuôi cấy trong gạo và tấm từ 7- 14 ngày.

Thực tế, kết quả sử dụng nấm xanh cho thấy nấm phát triển tốt, ký sinh gây hại rầy nâu đạt hiệu quả cao. Theo ước tính ban đầu,việc sử dụng nấm xanh phòng trừ rầy nâu đã tiết kiệm công sức lao động, giảm chi phí phun thuốc từ 700.000 – 900.000 đồng/ha so với dùng thuốc hoá học ở vụ HT này.

ông Nguyễn Duy Bờ, hộ nông dân ở HTXNN Phú Đa I,được chọn làm điểm mô hình này cho biết: “Qua triển khai trên diện tích lúa vụ HT, tôi nhận thấy mô hình nấm xanh mang lại hiệu quả rõ rệt. Nhìn chung đồng ruộng không có rầy đe dọa, cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Vì vậy, đề nghị các ngành chức năng địa phương cần nhân rộng mô hình này bởi, ngoài giảm chi phí SX cho bà con nông dân thì còn giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do sử dụng thuốc BVTV”.

ông Hồ Đắc Thọ đánh giá: “Qua theo dõi thực tế trên đồng ruộng, hiệu quả của nấm xanh trừ rầy đạt tương đối khá cao, từ 70 – 75%. Trước đây, bà con thường sử dụng thuốc hóa học để phun trừ rầy, nhưng phun rất nhiều lần, vừa tốn kém trong chi phí, vừa ảnh hưởng đến sức khỏe con người cũng như môi trường sinh thái, tuy nhiên rầy vẫn bộc phát ở thời điểm cuối vụ rất lớn.

Qua 2 mô hình sử dụng nấm xanh trừ rầy đối chứng với nông dân làm theo tập quán địa phương ở 4 điểm trên địa bàn toàn tỉnh thì mô hình rất khả quan và mang lại hiệu quả cao”.

ông Thọ cho biết thêm, việc sử dụng nấm xanh để phòng trừ rầy nâu hại lúa là một giải pháp tốt, hạn chế ô nhiễm môi trường, bảo tồn thiên địch có ít trên đồng ruộng, góp phần tạo ra sản phẩm lúa sạch.

Trong những vụ mùa tiếp theo sẽ đề nghị Sở NN-PTNT tỉnh TT- Huế cùng các ngành chức năng trong tỉnh tạo điều kiện để Chi cục chuyển giao kỹ thuật SX nấm xanh và ứng dụng sản phẩm nấm xanh vào SX để quản lý rầy nâu hại lúa.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Thêm silic vào đất để tăng cường khả năng phòng vệ thực vật

Để giúp các loài thực vật chống lại sâu bệnh tốt hơn, các nhà nghiên cứu đang trang bị đá cho chúng.

Biểu hiện của lá cây thiếu Silic

Nhà khoa học Ivan Hiltpold từ Đại học Delaware và các nhà nghiên cứu từ Viện Môi trường Hawkesbury từ Đại học Tây Sydney đang tiến hành kiểm tra việc thêm silic vào đất có trồng cây để giúp tăng cường khả năng chống lại những kẻ thù tiềm tàng.

Nghiên cứu đăng trên tạp chí Soil Biology và Biochemistry. Nền tảng của dự án là tiếp cận tác động của nấm arbuscular mycorrhizal đối với chất lượng dinh dưỡng của cây và sâu hại rễ, bổ sung thêm mía và côn trùng ăn rễ, chủ yếu là giòi mía – giòi của bọ cánh cứng trên cây mía.

Silic là nguyên tố dồi dào đứng thứ hai trên thế giới sau oxy trong lớp vỏ Trái đất, nhưng do silic ở dưới dạng đá hoặc khoáng nên không sẵn có cho thực vật sử dụng.

Bằng cách bổ sung cho đất Silic đioxyt, một dạng silic mà thực vật có thể dễ dàng hấp thu, các nhà nghiên cứu đã giúp thực vật xây dựng các phân tử nhỏ bé gọi là phytolith, hay “đá thực vật” để chống lại côn trùng ăn cỏ và có thể là các loài gặm nhấm.

Trong thí nghiệm với hai giống mía trồng trong nhà kính, côn trùng ăn rễ, chủ yếu là giòi mía, ký sinh trên cây. Chức năng miễn dịch của côn trùng được đánh giá bằng cách đo phản ứng miễn dịch của chúng đối với tuyến trùng giun gây bệnh – những sinh vật nhỏ giết côn trùng trong đất – trong khi sự phát triển côn trùng và tiêu thụ rễ được đánh giá trong một thử nghiệm cho ăn.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, ở mức hàm lượng silic cao hơn sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng của côn trùng và tốc độ ăn rễ tới 71%. Do silicon không ảnh hưởng đến gia súc chăn thả, các nhà khoa học cho biết sẽ không ảnh hưởng đến con người.

Việc lựa chọn sử dụng silic để tăng cường khả năng phòng vệ tự nhiên của cây trồng chống lại giòi mía bởi sự thân thiện với môi trường và tiết kiệm về mặt kinh tế đối với người trồng do không phải phun thuốc nhiều để bảo vệ cây trồng.

Kết quả năng xuất khi thử hiện ứng dụng

M.H – Mard, theo EurekAlert, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Thu siêu lợi nhuận từ trồng chanh dây

Nhiều năm nay, hàng ngàn bà con nông dân một số tỉnh như Lâm Đồng, Gia Lai, Đăk Nông… trồng chanh dây cho thu nhập “siêu lợi nhuận”

Chanh dây mang lại hiệu quả kinh tế cao

Tại Lâm Đồng nói chung các tỉnh như Gia Lai, Đăk Nông nói riêng, cây chanh dây được bà con nông dân hồ hởi trồng chủ yếu là loại giống nhập khẩu từ Đài Loan. Giống này nếu chăm sóc tốt cho năng suất bình quân 70 – 100 tấn/ha/năm, với giá cả thị trường từ 15.000 – 17.000 đ/kg, sau khi trừ chi phí thì người trồng chanh dây thu được lãi thuần từ 500 – 700 triệu đ/ha/năm, chu kỳ canh tác hiệu quả nhất không quá 2 năm.

Với việc trồng chanh dây đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, kiểm soát được sâu bệnh hại và chu kỳ từ khi trồng đến khai thác xong không vượt quá 2 năm, sẽ cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với một số loại cây trồng khác, nhất là với những địa phương cần chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Để đưa cây chanh dây trở thành cây trồng chủ lực và đảm bảo nguồn nguyên liệu sạch, chất lượng cao phục phụ chế biến xuất khẩu đi thị trường châu Âu, hơn 5 năm trở lại đây Cty CP Nông Nghiệp Đông Phương – TP.HCM đã ký hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm với bà con nông dân nhằm chuyển giao giống, kỹ thuật giúp bà con nông dân canh tác loại giống chanh dây nhập khẩu từ Đài Loan đạt hiệu quả kinh tế cao.

Tại Đắk Nông, công ty liên kết bao tiêu khoảng gần 100 ha chanh dây tím nhập khẩu từ Đài Loan, được phân bố ở các huyện Đắk R’lấp, Krông Nô, Đắk Glong, Chư Jút, thị xã Gia Nghĩa…

Chi chi phí đầu tư cho một ha chanh dây khoảng 70 – 100triệu đồng gồm tiền mua giống, kẽm gai, trụ… để làm giàn và công chăm sóc cũng khá đơn giản chỉ cần chăm chỉ thăm nom, nếu thấy xuất hiện sâu bệnh thì xử lý kịp thời để phòng trừ và sau trồng 5-7 tháng là bắt đầu cho thu hoạch với năng suất bình quân khoảng 70 – 100 tấn một ha. Có hộ chăm sóc tốt còn đạt năng suất lên tới gần 130 tấn/ha.

Khuyến cáo với bà con nông dân: Rủi ro tiềm ẩn!!

Chia sẻ kinh nghiệm của Ths.Trần Văn An –Giám đốc Trung Tâm Khảo Nghiệm giống chanh dây thuộc CTY Phương cho rằng “Hiện nay, trồng chanh dây đang hấp dẫn nhiều hộ nông dân ở Đắk Nông, Gia lai, Lâm Đồng,  do hiệu quả kinh tế rất cao . Tuy nhiên, chúng tôi khuyến cáo bà con nông dân có ý định trồng chanh dây hoặc đang trồng cần phải lưu ý những vấn đề như “chọn đúng giống, phát hiện sâu bệnh kịp thời , thị trường tiêu thụ và chế biến”.

Bài học làm kinh nghiệm:

“Vào năm 2010 nhiều người trồng chanh dây ở các địa phương đã chạy đôn, chạy đáo mua các loại thuốc về phun trên cây, lá, xịt xuống gốc nhưng dịch bệnh vẫn không hết. Vì vậy, nhiều vườn chanh dây đang xanh tốt thì bị nhiễm bệnh lá chuyển sang màu vàng rồi rụng dần cả lá lẫn trái và chết toàn bộ, nhất là những vùng trước đây đã trồng chanh dây nhưng xử lý đất chưa kỹ, gây thiệt hại kinh tế nặng nề cho người trồng chanh dây. Nhiều hộ dân đã thiệt hại nặng nề, có hộ đã phá sản vì cây chanh dây.

Nguyên nhân chủ yếu do việc trồng ồ ạt. Nhiều đơn vị, hộ dân tự ý cấy ghép, nhân giống không thông qua đơn vị kiếm soát, bán giống để kiếm lời trước mắt. Bà con nông dân ham rẻ mua phải những cây bị bệnh mà không biết. Diện tích trồng chanh dây tự phát và vượt quá mức kiểm soát, giống cây trồng không bảo đảm chất lượng … Hơn nữa đa số các hộ dân tự phát trồng đều không qua lớp tập huấn kĩ thuật nào, chỉ là dân “tay ngang” thấy người khác trồng có hiệu quả thì làm theo, vườn chanh dây không mắc bệnh cũng sẽ chậm phát triển, năng suất khó đạt như mong muốn”.

Trước thực trạng chanh dây đang được bà con nông dân trồng trở lại. Tránh tình trạng chặt trồng, trồng chặt đã là điệp khúc khi đề cập đến một số cây trồng khác, hay hạn chế dịch sâu, bệnh hại.

Vì vậy, bà con nông dân cũng cần tìm hiểu cặn kẻ trước khi đầu tư , đặc biệt: Chọn giống và nguồn gốc giống là rất cần thiết, phải thường xuyên hiễm tra và phát hiện kịp thời sâu hại , bệnh hại để xử lý kịp thời,

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam