Trồng mận trong nhà lưới, một giải pháp, năm lợi ích

Mận là một loại trái cây rất tốt cho sức khoẻ vì có nhiều loại vitamin, khoáng chất, hàm lượng đường thấp. Cây mận được trồng rải rác khắp nơi trên địa bàn huyện Lai Vung, nhưng tập trung nhiều ở xã Phong Hoà với diện tích trên 70 ha, đây là nơi xuất phát giống mận Hồng đào đá rất ngon ngọt không thua gì mận An Phước bây giờ.

Quả mận chứa rất nhiều dinh dưỡng

Về kỹ thuật trồng mận cũng khá đơn giản, cây có thể cho trái quanh năm, tuy nhiên gặp điều kiện thời tiết bất lợi, trái mận có thể bị nhiều loại sâu bệnh làm giảm chất lượng trái, hoặc bị rụng trái không thu hoạch được, đó là sâu đục trái, ruồi đục trái, bệnh thán thư, bệnh thối trái… Nếu phòng trừ bằng biện pháp hoá học sẽ ảnh hưởng đến việc lưu tồn hoá chất, thuốc bảo vệ thực vật trên trái, vì thời gian ra hoa đến thu hoạch chỉ bốn tháng, hoá chất không kịp phân huỷ. Nếu áp dụng biện pháp bao trái thì tốn rất nhiều công lao động vì trái mận từng chùm nên rất khó áp dụng kỹ thuật tuyển trái để bao trái.

Từ những bức xúc và trăn trở làm thế nào để giải quyết vấn đề trên đây,  ông Nguyễn Văn Nguyên, một nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở ấp Tân Quới, xã Phong Hoà, qua việc tìm hiểu trên báo đài từ việc trồng hoa màu trong nhà lưới ở tỉnh Lâm Đồng, anh Nguyên nảy sinh sáng kiến dùng lưới cước bao phủ toàn bộ khu vực vườn của anh trên diện tích 8.000 m2. Với kinh phí đầu tư khoảng 5 triệu đồng/1.000 m2, thời gian sử dụng lưới khoảng 3 năm, nhưng sau thời gian kinh doanh khai thác vườn mận một năm, anh đã thu hồi toàn bộ vốn đầu tư, vì đã thu hồi vốn từ các nguồn thu sau đây:

Thứ nhất là tiết kiệm chi phí phun thuốc trừ sâu, để phòng ngừa sâu đục trái, ruồi đục trái và bệnh thán thư ở hai vụ thu hoạch chính, số tiền tiết kiệm được trên 50% chi phí đầu tư mua lưới cước

Thứ hai, mận không bị sâu hại nên không bị rụng làm thiệt hại năng suất nhất là trong mùa nghịch, nên thu được số tiền bán mận mùa nghịch khá lớn

Thứ ba, trồng mận trong nhà lưới không phun thuốc trừ sâu, nên các thương lái rất an tâm thu mua mận với giá cao hơn 50% so với mận thông thường, đặt biệt gần đây Cty Eco thuộc tập đoàn Ving Group ký hợp đồng thu mua với giá cao và ổn định nên nhà vườn rất an tâm sản suất không còn lo cảnh được mùa rớt giá như trước đây

Thứ tư, trồng mận trong nhà lưới cho màu sắc trái mận đẹp hơn, vị ngọt hơn so với mận bao trái; Lợi ích thứ năm là nhà vườn phải liên kết thông qua việc thành lập các tổ ngành nghề (cụ thể là tổ trồng mận trong nhà lưới) để ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với nhà phân phối. Hội Nông dân có điều kiện tập hợp hội viên, đổi mới phương thức hoạt động của Hội thông qua các tổ hội theo các loại hình kinh tế.

Trồng mận trong nhà lưới là một giải pháp đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho nhà vườn

Như vậy, việc trồng mận trong nhà lưới là một giải pháp đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho nhà vườn. Được sự tư vấn và giúp đỡ của Hội Nông dân xã Phong Hoà đã thành lập tổ liên kết trồng mận trong nhà lưới với 16 thành viên, diện tích 9 ha. Rồi đây với vai trò là tổ trưởng tổ hợp tác, anh Nguyễn Văn Nguyên sẽ phân bố lịch thời vụ xử lý ra hoa cho từng tổ viên, hướng dẫn họ thực hiện đúng quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm, để sản phẩm xuất ra đạt yêu cầu về thời gian, số lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, cung cấp cho nhà phân phối. Đây là loại hình sản xuất mới, có thể thích hợp với nhiều loại hình cây ăn trái khác nhau cần phải được nhân rộng.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Người trồng mận Sơn La lo lắng vì giá xuống thấp

Giá mận thời điểm này đột ngột giảm thấp so với đầu vụ thu hoạch khiến các hộ trồng mận tại Sơn La vô cùng lo lắng.

Quả mận hậu

Cây mận hậu trong vài năm gần đây đã trở thành cây mang lại nguồn thu nhập lớn cho nhiều hộ dân tại Sơn La. Tuy nhiên, thời điểm này, giá mận đang xuống thấp, giảm 1/2 so với thời điểm đầu vụ, khiến người trồng mận ở Sơn La đang rất lo lắng.

Khu vườn rộng gần 4 ha của gia đình ông Tòng Văn Hoàn, bản Bóng Phiêng, xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La trồng xen mận hậu và cà phê, mỗi năm cho thu hoạch hàng trăm triệu đồng.

Vào đầu vụ thu hoạch, mận được bán với giá 25.000 – 30.000 đồng/kg, gia đình ông rất phấn khởi. Tuy nhiên, hiện nay giá mận đột ngột xuống thấp, chỉ còn từ 10.000 – 15.000 đồng/kg, khiến ông và các hộ trồng mận trong bản rất lo lắng.

“Giá mận vài năm trở lại đây luôn ổn định, thời điểm này năm ngoài giá bán vẫn duy trì 24.000 – 25.000 đồng/kg, nhưng năm nay lại đột xuất xuống giá vào đầu mùa, rất có thể do tư thương ép giá”, anh Hoàn cho biết.

Xã Chiềng Cọ hiện có khoảng 900 ha mận trồng xen cà phê và hơn 10 ha mận chuyên canh. Những năm gần đây, cây mận đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cây cà phê do chi phí thấp, lại không tốn nhiều công chăm sóc.

Nhưng năm nào cũng vậy, cứ vào mùa thu hoạch thì giá cả và đầu ra luôn là điều khiến người dân lo lắng nhất. Việc tiêu thụ mận trong cả vùng đều do tư thương thu mua, nên họ có thể nâng giá lên, hoặc hạ giá xuống bất cứ lúc nào.

Ông Quàng Văn Lẻ, Chủ tịch UBND xã Chiềng Cọ, Thành phố Sơn La cho biết: Những năm gần đây, việc trồng mận trên địa bàn xã Chiềng Cọ phát triển rất mạnh, tiêu thụ ổ định với giá cả hợp lý.

“Tuy nhiên, nhiều khi giá bán mận còn do tư thương quyết định nên rất mong các cơ quan nhà nước duy trì ổn định đầu ra và giá thu mua mận cho người nông dân”, ông Lẻ đề xuất.

Thời gian để thu hoạch mận chỉ khoảng 1 tháng

Hiện toàn tỉnh Sơn La có hơn 4.000 ha mận với sản lượng thu hoạch ước đạt hơn 40.000 tấn/năm. Tuy nhiên, đầu ra của mận hầu hết vẫn là tiêu thụ mận tươi, các sản phẩm chế biến từ mận chưa có nhiều; việc xây dựng thương hiệu và chuỗi tiêu thụ cho cây mận chưa đảm bảo, chủ yếu đều do các tư thương đứng ra tiêu thụ nên giá cả thường xuyên biến động. Bên cạnh đó, thời gian thu hoạch mận chỉ khoảng 1 tháng, nên sức mua của thị trường chưa đáp ứng được.

Ông Hà Quyết Nghị, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sơn La cho biết, trong quá trình sản xuất, sản phẩm mận vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu khắt khe của thị trường về nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo được chuỗi liên kết tiêu thụ bền vững…nên việc tiêu thụ mận vẫn mang tính tự phát.

Không chỉ đối với quả mận, nhiều loại nông sản khác như cà phê, nhãn, xoài… ở Sơn La vẫn chưa hình thành được cầu nối tiêu thụ và bình ổn giá cho người nông dân. Tiêu thụ hàng hóa nông sản hiện vẫn đang là bài toán khó của ngành nông nghiệp tỉnh Sơn La.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Áp dụng công nghệ mới trong quy trình trồng mận An Phước

Mận An Phước trong nhiều năm qua đã trở thành một trong những loại cây trồng chủ lực của người dân xã Xuân Hòa (Kế Sách). Những năm trái mận An Phước có giá đã giúp cho hàng trăm hộ dân ổn định đời sống. Tuy nhiên, để cây cho trái đạt năng suất cao đòi hỏi người trồng phải tốn nhiều công chăm sóc, bởi đây là loại trái dễ bị sâu bệnh tấn công nếu xử lý kỹ thuật cũng như phòng trị không đúng cách xem như vụ mùa sẽ thất thu.

Anh Lê Đức Chỉnh (ấp Hòa Lợi, xã Xuân Hòa, Kế Sách) giới thiệu khu vườn mận bọc trái

Sâu hại là “kẻ thù” chính làm ảnh hưởng đến chất lượng, cũng như sản lượng trái mận. Nhờ học hỏi kinh nghiệm từ nhà vườn các tỉnh bạn, người trồng mận An Phước ở xã Xuân Hòa đã áp dụng quy trình sản xuất sạch bằng cách bao trái và trùm lưới lên cây. Ghé thăm vườn mận An Phước hơn 6 năm tuổi của anh Lê Đức Chỉnh, ấp Hòa Lợi, xã Xuân Hòa đúng lúc mận đang thu hoạch trái. Có gần 20 lao động đang luôn tay hái trái. Toàn bộ khu vườn mận trái sai trĩu cành, những trái mận đạt độ lớn đồng đều, nằm gọn trong những chiếc bọc sạch bóng.

Đưa tay hái chùm mận đang độ chín mọng, anh Chỉnh tâm tình: “Trước khi chuyển đổi 10 công đất sang trồng mận, tôi trồng xoài, cam, bưởi nhưng giá bán không như ý muốn. Thấy mận An Phước “hot”, tôi đốn bỏ toàn bộ vườn cây có múi để trồng mận. Hơn 2 năm trồng, cây bắt đầu cho trái và năng suất tốt nhất khi cây 3,5 năm tuổi. Dù cây mận có giá tương đối ổn định nhưng vấn đề nan giải đối với người trồng là ruồi vàng, sâu đục trái ảnh hưởng đến năng suất trái vào mùa nghịch, nên phải vất vả bảo quản vườn mận cũng như can thiệp bằng thuốc bảo vệ thực vật, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người làm vườn”.

Qua bao ngày suy nghĩ, anh Chỉnh quyết định lên đường hỏi kinh nghiệm cách bọc trái của nhà vườn ở Tiền Giang (thủ phủ trái mận An Phước) để giữ vững sản lượng. “Đây là vụ mùa thứ 2 tôi áp dụng bọc trái cho mận và thấy rõ hiệu quả khi áp dụng quy trình trên; về trọng lượng trái tăng gấp đôi so với không bao, hạn chế gần 100% ruồi, sâu đục trái, giảm chi phí đầu tư hơn 80%. Điều đặc biệt là giá bán cao hơn từ 10.000 đồng – 20.000 đồng/kg so mận không bao, giúp tăng lợi nhuận trên cùng diện tích” – anh Chỉnh phấn khởi cho biết thêm.

Theo tính toán của anh Chỉnh, nếu chi phí canh tác cây mận theo truyền thống tốn tầm 16 triệu đồng/công từ đầu tư tới thu hoạch, còn mận bọc trái tầm 5 triệu đồng/công. Giá bán mận bên ngoài 14.000 đồng/kg, cùng thời điểm hiện tại thì trái mận được bọc bán 45.000 đồng/kg và được các cơ sở thu mua tới tận vườn hái trái đóng thùng, có thời điểm giá lên đến 55.000 đồng/kg; năng suất trái 6 tấn/1 công, tương đương 60 tấn/năm/10 công. Trừ hết các khoản chi phí lợi nhuận tầm 450 triệu đồng. Với hiệu quả nêu trên, dự kiến tới đây anh Chỉnh sẽ duy trì việc bọc trái mận cũng như tìm kiếm thêm các doanh nghiệp thu mua trái nhằm tạo sự cạnh tranh giữa các đơn vị để nâng giá thành trái mận. Qua đây, anh Chỉnh cũng thấy rõ việc áp dụng kỹ thuật bọc trái trên mận trước tiên giúp bản thân không bị ảnh hưởng bởi thuốc bảo vệ thực vật, người dùng cũng có được trái mận sạch để ăn không phải lo lắng.

Nếu như anh Lê Đức Chỉnh chọn cách thức bọc mận thì cách đó hơn 6 cây số, anh Mai Hoàng Hải, ấp Hòa Quới, xã Xuân Hòa sử dụng quy trình canh tác cây mận bằng cách trùm lưới toàn bộ diện tích vườn. Trao đổi với chúng tôi, anh Hải thông tin: “Trong 2 mùa vụ rồi, vườn mận chẳng thu hoạch trái được bao nhiêu; hầu như toàn bộ chi phí đổ vào vườn tới lúc hái trái chỉ “phá huề”, có năm bị lỗ, chẳng hạn như năm rồi, mận bị ruồi vàng đục trái rụng gần hết. Trong dịp tình cờ, tôi đến chơi nhà người bạn ở tỉnh Đồng Tháp, thấy vườn mận trái sai trĩu cành, mỗi trái đều to hơn mận tôi trồng dù cùng chung một giống và điều lạ là vườn được trùm kín bằng lưới dày. Qua cuộc trò chuyện thân tình, người bạn hướng dẫn cách hạn chế sâu bệnh cho cây mận trước tiên phải áp dụng kỹ thuật trùm luôn cây và bằng chứng cho thấy là bạn tôi áp dụng nhiều năm rồi năng suất trái tăng gấp đôi”.

Những quả mận căng mọng nước khi được chăm sóc đúng cách

Về lại vườn nhà, anh Hải liền liên hệ với cơ sở chuyên cung cấp lưới đặt may luôn phần diện tích lưới bao phủ toàn bộ diện tích 4 công vườn mận hết 27 triệu đồng. Dù ứng dụng kỹ thuật mới nhưng kể từ lúc mận ra hoa, kết trái bên trong nhà lưới không hề có bất cứ con ruồi, con sâu nào tấn công trái, nên chi phí đầu tư giảm hơn 70% và dự kiến năng suất vụ mận mùa này đạt khoảng 5,5 tấn/1 công, giá bán được cơ sở thu mua bao tiêu là 40.000 đồng/kg. Vì vậy trong vụ thu hoạch mận 2017, chắc chắn anh Hải sẽ thắng lớn khi ước tính thu nhập trên 200 triệu đồng từ cây mận An Phước.

Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa Phan Hải Hoàng Tâm cho biết: “Diện tích mận An Phước trên địa bàn xã là 350ha; trong đó tập trung đều tại các ấp và có khoảng 15ha người dân áp dụng quy trình canh tác mận mới bằng cách bọc trái và trùm cả cây. Đây là kỹ thuật mới, hạn chế gần như 100% ruồi vàng đục trái cũng như giảm thấp nhất chi phí đầu tư. Đồng thời, đầu ra trái mận được cơ sở bao tiêu với giá cao. Tuy nhiên, việc áp dụng kỹ thuật bọc trái tốn khá nhiều công, người dân muốn áp dụng biện pháp trên để bán được giá trước tiên cần phải liên kết được với cơ sở thu mua mới triển khai thực hiện nhằm đảm bảo lợi nhuận. Tới đây, xã sẽ thành lập HTX mận sản xuất theo quy trình VietGAP để đưa trái mận vào các siêu thị lớn”.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Kỹ thuật chiết cành cây mận

Mận là một trong các loại quả được ưa chuộng rộng rãi, có giá trị kinh tế khá. Mấy năm gần đây, diện tích trồng mận ở nước ta tăng nhanh, nhất là ở các tỉnh miền núi. Nếu được trồng chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật trồng cây mận sẽ cho hoa trái theo ý muốn, bán được giá cao nên có thể xem là cây xóa đói giảm nghèo cho một số bà con nông dân. Vậy để nhân giống cây mận ta phải làm như thế nào?

Quả mận

Cây mận được nhân giống bằng hạt, ghép, chiết cành và bằng chồi rễ. Trồng bằng hạt để tạo bộ rễ thực sinh có sức chịu hạn cao. Chọn giống ở những cây sinh trưởng khoẻ, nhiều quả với chất lượng cao thơm ngọt, được ưa thích và hàng năm cho năng suất cao ổn định. Khi quả đúng độ chín thì thu hái và để cho thịt quả rữa nát, thu lấy hạt rửa sạch, hong khô nơi râm mát. Có thể đem gieo ngay hoặc bảo quản trong cát sạch ẩm để gieo vào vụ xuân năm sau. Nhân giống bằng phương pháp chiết cành cây mận sẽ đem lại đặc tính giống cây mẹ.
Dưới đây, Nghề nông muốn chia sẻ đến mọi người kỹ thuật chiết cành cây mận để nhà nông có thể áp dụng kĩ năng chiết vào cây trồng của chính mình.

1. Đặc tính của cây mận

Cây mận ưa thích khí hậu mát và lạnh. Tuỳ thuộc vào cách nhân giống và chăm sóc, sau khi trồng 3 – 4 năm cây mận đã bắt đầu cho thu quả và từ 8 – 10 năm tuổi, mỗi cây có thể cho 60 – 70kg quả, nếu chăm sóc tốt thì tố đa có thể đạt tới 200kg. Tuổi thọ của cây mận, nếu không có biến động bất thường, có thể kéo dài tới 25 – 30 năm.

Cây mận là cây thân gỗ, phân cành thấp và nhiều, tán xoè rộng 2 – 2,5m. Rễ mận ăn không sâu mà tập trung ở tầng đất từ 20 — 40cm và lan rộng hơn đường chiếu của tán cây, có khi gấp đôi. Đặc điểm của rễ mận là có sức nảy chồi rất mạnh, cho nên thường thấy các mầm bất định mọc từ rễ xung quanh gốc, tạo thành các cây mận con. Lợi dụng đặc điểm này, người ta bấm rễ tạo cây con để trồng mới. Cây ra lộc mỗi năm 2-3 đợt vào vụ xuận, vụ hè và vụ thu. Lá mận rụng về mùa đông làm cho cây bị trơ cành. Chồi lá phát sinh ở ngọn cành và từ nách lá mọc cả chồi lá và chồi hoa. Cây mận ra hoa trong tháng 2-3 dương lịch và quả phát triển tói tháng 4-5 thì chín. Hoa mận thuộc loại tự thụ phấn, khó đậu quả. Vì vậy, người ta thường trồng xen các giống mận khác nhau trong một vườn đồng thời chăn thả ong để tăng cường khả năng thụ phấn cho hoa.

2. Thời vụ

Trồng mận vào tháng 2-4 trước khi nảy lộc xuân và tháng 11-12 sau khi rụng lá. Khi trồng bới ở giữa hố, đặt bầu vào nén chặt xung quanh, tưới đẫm nước, dùng cỏ rác khô tủ xung quanh gốc cây.
Mận nên chiết vào tháng 7 — 8 hoặc tháng 2- 3.

3. Tiến hành chiết cành cây mận

Chọn cây giống tốt cho năng suất cao ổn định, có phẩm chất tốt, chăm sóc đầy đủ, chọn các cành ở bìa tán, cấp 3 – 4, đường kính gốc cành 0,8cm; dài 50 — 60cm, có 6— 8 tháng tuổi, không sâu bệnh.

Chọn ngày khô mát, dùng dao sắc cắt khoanh vỏ, cạo sạch tượng tầng, tiến hành bó bầu ngay.

Trước khi bó bầu nên bôi dung dịch -NAA hoặc IMA pha thật loãng 0,2 – 0,4%, dùng bông nhúng vào dung dịch rồi bôi vào vết cắt khoanh vỏ để mận ra rễ.

Nguyên liệu bầu: đất vườn, đất bùn ao phơi khô, đập vụn trộn vỏi mùn cưa, trấu bổi, rơm rạ băm nhỏ, rễ bèo tây…

Cứ 2/3 đất trộn với 1/3 các vật liệu nói trên, cho nước đủ ẩm (70%).

Bầu chiết có trọng lượng 150— 300g, đường kính chỗ phình to 6 – 8cm, bầu dài lơ – 12cm. Bọc bầu chiết nilông trong mờ để có thể nhìn thấy rễ phát triển.

Sau 1,5 – 2 tháng, nếu thấy có nhiều rễ thì có thể cắt cành đem giâm ở vườn ươm, chăm sóc 2-3 tháng cho cây phát triển rồi đem trồng.

Bấm rễ lấy chồi: Cách này cũng dễ thực hiện, nhưng từ một cây giống chỉ lấy được một số ít chồi. Dùng dao cắt đứt một số rễ to (bằng chiếc đũa), cách gốc 60 – 80cm, bật đầu rễ đã cắt rời lên khỏi mặt đất.

Sau vài tuần, chồi sẽ nẩy và mọc thành cây còn, lúc này cần bón phân và lấp đất để mầm để mọc tự do thành cây con.

Khi mầm cao 20 – 25cm thì bứng kèm theo 1 đoạn rễ của cây mẹ và giâm vào sọt tre, đường kính 15 – 18cm, chèn chặt đất màu vào sọt và đặt sọt vào nơi có giàn che, chăm sóc, tưới nước đủ ẩm hàng ngày, mỗi tuần tưới một lần nước phân pha loãng. Cây cao 80 – 90cm thì đem trồng.

4. Chú ý khi chiết cành cây mận

Cũng như khi cắt cành để cắm phải chọn cành để chiết trên cơ sở đã chọn cây mẹ. Không chiết cành trên những cây già đã ra hoa quả nhiều lần. Tốt nhất là chiết trên những cây non đương còn tơ. Chiết những cành ở phần trên của tán cây chọn cành xiên ở chỗ có nhiều ánh sáng cành thô lá mọc dày lóng ngắn. Không chiết cành ở đỉnh ngọn hoặc những cành vượt mọc ở trên thân chính hoặc ở phía chân các cành lớn vì khó ra rễ do nhiều nước lóng dài đường bột tích lũy ít. Kích thước cành tùy loài cây đường kính từ 1 cm đến 3 cm tuổi cành từ 1 – 3 năm.
Nên bỏ thói quen chiết cho mình trồng thì chọn những cành quá to vừa lãng phí gỗ ghép vừa suy kiệt cây mẹ còn chiết để bán thì tận dụng cả những cành nhỏ ở phía dưới thậm chí ở trong tán cây dù có ra rễ cành sẽ vô giá trị mọc xấu còi cọc.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Mận sạch “ngủ mùng” tiết kiệm 50% chi phí thuốc bảo vệ thực vật

Ven quốc lộ 1A, trên tuyến cầu vượt về TP Cần Thơ có mô hình trồng mận (doi) trong màng lưới. Đó là vườn mận xanh đường của ông Nguyễn Văn Quyên ở khóm Đông Bình, phường Đông Phước, TX Bình Minh (Vĩnh Long).

Quả mận (doi)

Ông Quyên cho biết ý tưởng này được ông học tập từ mô hình trồng cây ăn trái bao trong màng lưới của nông dân ở huyện Bình Tân (Vĩnh Long) cách đây 8 năm. Sau khi tham quan thấy hiệu quả ông mạnh dạn đầu tư hơn 40 triệu đồng mua màng lưới để về bao phủ vườn mận của mình.

Theo ông Quyên: “Khi bao phủ vườn mận bằng màng lưới mùng sẽ tiết kiệm được hơn 50% chi phí thuốc BVTV, số lần phun xịt cũng giãn cách ra rất nhiều, phòng trừ hiệu quả nhiều loại sâu bệnh, trong đó có bệnh ruồi vàng gây dòi và thối trái mận”.

Ông Quyên loại bỏ bớt nụ để trái to hơn khi thu hoạch

Ruồi vàng thường tấn công trái mận từ khi mới trổ bông đến khi chín, trong khi phương pháp thông thường bà con thường lấy túi ni lông bao trái thì hiệu quả không cao. Với cách làm mới, ông Quyên dùng lưới mùng bao phủ vườn mận quanh năm, kể cả khi thu hoạch xong. Dùng màng lưới mùa thuận có thể không cần dùng túi ni lông để bao trái, tiết kiệm nhiều chi phí nhân công.

Còn mùa nghịch ông Quyên cho rằng nên bao trái, bởi có màng lưới che chắn trái sẽ to hơn, đẹp hơn và tất nhiên giá bán cao hơn nhiều.

Việc dùng màng lưới bao phủ, theo ông Quyên, cây mận vẫn quang hợp tốt và phát triển bình thường như khi trồng tảng nắng. Trái mận vẫn ngon ngọt và to đẹp. Chi phí cho màng lưới diện tích 7 công mận, ông Quyên nói đầu tư hơn 40 triệu nhưng thời hạn sử dụng lên đến 4 năm. Tính ra tiền sử dụng cho mỗi công chỉ hơn 1,4 triệu đồng/năm. Chi phí này thua xa so với mướn nhận công bao trái mỗi vụ chứ đừng nói một năm. Tuy nhiên nhiều bà con xung quanh thấy ông Quyên trồng rất đạt nhưng không dám đầu tư màng bao phủ vì “ngán tiền” đầu tư mua lưới.

Vườn mận được bao phủ bởi mùng vườn ông Quyên

Ông Quyên chia sẻ: “Trước đây tôi trồng bông huệ cũng thu nhập khá, nhưng sau đó cây bị bệnh nên chuyển sang trồng mận xanh đường đến bây giờ. Giống mận này dễ trồng lắm, mùa thuận cây tự ra trái, còn mùa nghịch thì mình phải xử lý mới được. Vụ nghịch cây cho năng suất kém hơn nhưng bù lại giá bán cao hơn”.

Hiện 7.000m2 mận xanh đường được bao phủ trong màng lưới của ông Quyên thu hoạch đều đặn 3 vụ mỗi năm, giá bán dao động từ 6.000 – 15.000 đồng/kg tùy mùa. Bình quân vườn mận 20 năm tuổi cho năng suất từ 50 – 60 tấn/năm, sau khi trừ chi phí ông bỏ túi trên 300 triệu đồng/năm.

“Việc canh tác theo phương pháp dùng màng lưới bao phủ trong trái cây giúp tiết kiệm thuốc BVTV, đảm bảo an toàn về dư lượng thuốc BVTV, tăng cường tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế”, ông Quyên tâm sự.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Trồng mận hậu thu nhập nửa tỷ đồng mỗi năm

Gia đình anh Tráng A Nắng là người dân tộc Mông ở tiểu khu Pa Khen, thị trấn nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, Sơn La nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hoá nên có thu nhập 400 – 500 triệu đồng/năm.

Vườn mận nhà a Nắng

Từ năm 2007 gia đình Tráng A Nắng đã chuyển đổi hầu hết diện tích trồng cây dong riềng hiệu quả kinh tế thấp, sang trồng mận hậu và ngô lai. Nhờ vậy, đến nay nhà Tráng A Nắng đã có 2ha mận hậu đang kỳ khai thác quả và hơn 1ha ngô. Diện tích dong riềng chỉ còn 0,4ha.

Riêng cây mận hậu, mùa thu hoạch quả năm nay, vợ chồng Tráng A Nắng đã thu hái được 30 tấn quả, bán được 450 triệu đồng, trừ mọi chi phí đầu tư còn lãi gần 350 triệu đồng. Trên diện tích 1,2ha ngô, năm 2016 gia đình Tráng A Nắng thu được 15 tấn ngô hạt khô (tương đương năng suất khoảng 13 tấn/ha/vụ), sau bán ngô trả tiền cho các khoản mua giống, phân bón, thuê mướn lao động, vẫn để lại nhà được trên 6 tấn ngô hạt.

Tráng A Nắng cho biết, hiện tại giá ngô chỉ có 3.000 đồng/kg, nhưng anh vẫn duy trì trồng hơn 1ha, vì ngô là cây lương thực của người và dùng trong chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà. Mặt khác, tới đây có thể giá thịt lợn tăng, giá ngô cũng sẽ tăng.

Sở dĩ Tráng A Nắng vẫn còn giữ lại 0,4ha dong riềng, vì vạt đất đó chưa cây nào thay thế cây dong giềng, mà cho thu nhập cao hơn, nếu chuyển hết sang trồng cây mận hậu, e rằng quả mận nhiều quá, cung vượt cầu, giá sẽ thấp, ít lãi.

Chia sẻ về cách trồng mận hậu đạt thu nhập cao của mình, Tráng A Nắng cho hay, anh đã mua giống cây ghép mắt mận trên gốc đào, trồng cây giống trên các khoảng đất trống dưới chân núi đá. Vị trí trồng có tầng đất dày chừng 0,5m, đất có khả năng giữ ẩm tốt, không bị đọng nước cục bộ sau mưa. Phải đào hố trước khi trồng cây 30 ngày. Kích thước hố rộng 40cm, sâu 40cm. Trộn đều phân bò hoặc phân trâu với 0,2kg lân supe và 0,1kg kali clorua, đổ đầy hố rồi phủ đất kín phân.

Sang tháng 11 âm lịch mới khơi hốc giữa hố, rạch bỏ nilon bao bầu, đặt trồng cây giống, kết hợp cắm cọc, buộc níu giữ cho cây thẳng và tủ gốc giữ ẩm bằng cỏ khô. Bón phân cho gốc mận 3 lần (sau khi trời dừng mưa): Ngay sau kết thúc thu hoạch quả, khi cây sắp ra hoa và thời kỳ quả mận bằng hạt ngô. Mỗi gốc bón 0,9 – 1,3kg NPK Đầu trâu 13-13-13+TE tùy theo cây tốt, xấu. Cách bón, đào rãnh và rải phân quanh theo hình chiếu tán cây, rồi lấp đất kín phân.

Cắt tỉa tạo tán cây dạng hình phễu ngay cuối năm thứ nhất. Sau đó cắt tỉa thường xuyên. Thời kỳ sau thu hoạch quả hàng năm cắt tỉa nhiều hơn. Cắt bỏ các cành khô, cành tăm, cành khuất tán và cành bị sâu bệnh…

Những cành mận trĩu quả đang chờ ngày thu hoạch

Tráng A Nắng đã không dùng thuốc trừ cỏ cho vườn mận, mỗi khi lớp cỏ trong vườn cao 15 – 20cm anh lại thuê người mang máy đến cắt cỏ tới sát mặt đất.

Để tiêu thụ hết số mận chín trong vườn, ở thời kỳ đầu vụ và cuối vụ, lượng quả ít, Tráng A Nắng thường đem đến bán tại các điểm du lịch trong huyện, nên được giá cao. Khi mận chín rộ, quả thu hoạch nhiều, anh mang cân bán cho các thương lái tại các điểm thu mua trong bản.

Bằng cách làm này, vườn mận hậu nhà Tráng A Nắng luôn đều quả, quả to tím sẫm đẹp, ăn ngọt, bán được giá cao hơn mọi người.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Nông dân làm giàu: Trồng mận quả xanh lét, ăn ngọt như đường, lãi 300 triệu/năm

Mấy năm nay, ông Nguyễn Văn Quyên, 50 tuổi, ngụ khóm Đông Bình, phường Đông Thuận, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long ăn nên làm ra bởi giống mận xanh đường. Vườn mận nhà ông Quyên đeo từng chùm quả xanh lét, nhưng ăn giòn, ngọt như đường. Chỉ với 7 công trồng mận xanh đường, ông Quyên lãi 300 triệu đồng/năm…

Ông Nguyễn Văn Quyên giới thiệu về vườn mận xanh đường đang mang lại thu nhập rất tốt cho gia đình

Phải khá vất vả chúng tôi mới “chui tọt” được vào khu vườn mận xanh đường rộng 7.000 mét vuông (7 công đất) đã cho trái hàng chục năm qua được bao phủ rất kín đáo bằng những tấm lưới bên trên như một chiếc mùng khổng lồ. Chủ nhân khu vườn “ độc” và “ lạ” ấy là nông dân sản xuất giỏi tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Quyên.

Ông kể về cơ duyên đến với loại trái cây này : “Trong một dịp tình cờ phát hiện loại mận xanh đường tại địa phương 20 năm trước, tôi đã mang về trồng thử nghiệm tại vườn nhà. Kết quả thật bất ngờ, mận xanh đường có chất lượng ngon, ngọt, màu sắc xanh tự nhiên; sản lượng rất cao và có thể cho trái quanh năm. Trông trái mận xanh lét vậy chớ ăn giòn và ngọt như đường. Vậy nên dân địa phương gọi là mận xanh đường đó anh…”.

Sau nhiều năm trồng giống mận xanh đường, ông Nguyễn Văn Quyên mới nghiệm ra rằng, năng suất, sản lượng của giống mận này so với các giống mận khác; giá bán mận quả cũng cao hơn từ 10-15%. Điều đặc biệt, thương lái rất khoái thu mua mận xanh đường nhà ông Quyên. Chính vì điều này, ông Quyên đã phá bỏ 7 công đất trồng hoa huệ trắng để chuyển sang trồng giống mận xanh đường. Mỗi năm ông Quyên thu hoạch 3 vụ mận xanh đường với sản lượng từ 55-60 tấn trái, trừ hết các khoản chi phí chăm bón, ông Quyên lãi hơn 300 triệu đồng.

Mận xanh

Ông Quyên chia xẻ kinh nghiệm trồng giống mận xanh đường: “Nếu chăm sóc đúng kỹ thuật thì bình quân 1 cây mận xanh đường sẽ cho từ 120-130 ký trái mỗi vụ (một năm thu hoạch 3 vụ); mỗi ký có từ 10-12 trái tùy theo mùa thuận hay nghịch. Mùa thuận từ tháng 10 năm nay đến tháng 4 âm lịch năm sau; thời gian còn lại là mùa nghịch. Về sản lượng thì mùa nghịch mận xanh đường kém hơn khoảng 30 % so với mùa thuận nhưng bù lại giá bán cao hơn rất nhiều. Điều đặc biệt, với loại mận xanh đường bón rất ít phấn. Chỉ dùng phân NPK với số lượng rất ít và sau khi bao trái thì không bón bất kỳ loại phân nào khác nữa…”.

Tiếng lành đồn xa, thấy vườn mận xanh đường của gia đình ông Quyên không chỉ đẹp mà còn cho lợi nhuận khá, hàng trăm hộ dân trong vùng đã đến thăm quan, học tập kinh nghiệm, kỹ thuật, kỹ năng chăm sóc giống mận này từ ông Quyên. Từ vài công đất “làm theo” ban đầu, đến nay diện tích trồng mận xanh đường ở phường Đông Thuận đã vượt qua con số 50 ha.

Ông Trần Văn Hải, ngụ khóm Đông Bình, phường Đông Thuận vui vẻ kể : “Từ khi chuyển 5 công đất từ trồng nhãn tiêu da bò sang trồng giống mận xanh đường, mức lợi nhuận tăng rất nhiều lại tránh được cảnh trúng mùa rớt giá, trúng giá thất mùa. Với giá bán từ 15-17.000 đồng/ký mận xanh đường, bình quân mỗi công đất tui có lời từ 30-35 triệu đồng mỗi năm. Nhờ mận xanh đường mà tui mới cất cái nhà 800 triệu đồng, mua sắm đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, công cụ sản xuất…”.

Mặc dù là giống mận mới, nhưng những năm gần đây, người trồng cũng đã phát hiện nhiều sâu rầy, dịch bệnh tấn công mận xanh đường. Để đối phó với sâu rầy ăn hoa, trái mận xanh đường, ông Quyên đã nghĩ ra cách bảo vệ  bằng phương thức bao trái bằng bao ni lông và đã mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên cách làm này đòi hỏi nhiều nhân công thực hiện khâu bao từng trái mận. Với giá thuê bao trái hiện nay là 120.000 đồng/ người/ ngày, ông Quyên vẫn phải thuê.

Ông Quyên bao từng trái mận xanh đường để chống sâu, bọ đục trái, làm cho trái mận có mã đẹp, hút hàng

“Tiền thuê nhân công bao trái mận xanh đường làm đội chi phí sản xuất lên, nhưng tóm lại người trồng vẫn có lời khá, trái mận được bao cũng đẹp mã, hút hàng, người địa phương lại có công việc để làm, có thêm thu nhập…”, ông Nguyễn Văn Quyên bày tỏ. Ông Nguyễn Chí Thuận, Chủ tịch Hội Nông dân phường Đông Thuận phấn khởi nói: “Mô hình trồng giống mận xanh đường của ông Quyên rất thành công tại địa phương và được các ngành tỉnh Vĩnh Long nêu điển hình, phổ biến cho những hộ dân có điều kiện cùng trồng….”.

Mới đây, ông Nguyễn Văn Quyên lại tiếp tục thử nghiệm cách làm mới “ Trồng mận xanh đường trong mùng lưới” kết hợp với việc bao từng trái bước đầu cho kết quả rất khả quan. Ông Quyên dùng lưới mùng bao phủ vườn mận quanh năm từ ngọn đến gốc. Lưới nầy được bao trên các đọt mận mà không phải dùng bất kỳ cây chống đỡ nào. Rồi ông Quyên lại nghĩ ra cách trồng xen canh mận xanh đường với nhãn Ido, cam xoàn, bưởi da xanh. “Xen giữa các gốc mận, tui trồng 100 cây nhãn Ido, 400 cây cam xoàn và 400 cây bưởi da xanh. Nhãn thì cho trái rồi, còn cam xoàn và bưởi da xanh sang năm 2019 sẽ cho trái…”.

Lại một lần nữa, cách trồng xen mận xanh đường với 1 số cây ăn trái khác của ông Quyên đã và đang được nhiều người dân ở khóm Đông Bình hưởng ứng, làm theo…Ông Nguyễn Văn Quyên chia xẻ kinh nghiệm : “Dùng mùng lưới bao phủ giúp bảo vệ cây mận tốt hơn, giảm cường độ nắng. Trái mận xanh đường vẫn dòn, ngon ngọt và to đẹp…”.

Theo danviet.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Đặc điểm sinh học cây mận

Mận là một trong các loại quả được ưa chuộng rộng rãi, có giá trị kinh tế khá. Mấy năm gần đây, diện tích trồng mận ở nước ta tăng nhanh, nhất là ở các tỉnh miền núi.

Quả mận căng mọng đầy hấp dẫn

Cây mận ưa thích khí hậu mát và lạnh. Những giống mận ngon như mận Hậu, mận Tam hoa là những giống có giá trị hàng hoá của nước ta, được trồng tập trung ở những vùng núi cao của các tỉnh Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn… Tuy nhiên ở vùng trung du và đồng bằng Bắc bộ cũng trồng một số giống mận, song phần nhiều là các giống kém phẩm chất, ít được ưa chuộng như mận đắng, mận chua, mận thép…

Đối với giống mận ngon, trong một kg thịt quả có: 39g Gluxit; 6g Protit; 13 Axit; 280mg Canxi; 200mg p, 1mg Caroten và 30mg Vitamin C, đồng thời còn có các Vitamin B1, B2 và PP. Quả mận dùng để ăn tươi hoặc chế biến thành rượu, nước ngọt hoặc sấy khô; mận khô để được lâu và có tác dụng giải khát, kích thích thần kinh…

Tuỳ thuộc vào cách nhân giống và chăm sóc, sau khi trồng 3 – 4 năm cây mận đã bắt đầu cho thu quả và từ 8 – 10 năm tuổi, mỗi cây có thể cho 60 – 70kg quả, nếu chăm sóc tốt thì tố đa có thể đạt tới 200kg. Tuổi thọ của cây mận, nếu không có biến động bất thường, có thể kéo dài tới 25 – 30 năm. Mặc dù các khâu chế biến, tiêu thụ đối với cây ăn quả – trong đó có cây mận – chưa coi là cây xoá đói giảm nghèo nhưng cũng đã giúp cho nhiều gia đình nông dân tăng thu nhập một cách đáng kể. Ngoài ra, trồng mận còn góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc, cải thiện môi sinh, tăng độ che phủ và giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục vạn lao động ở vùng trung du và miền núi.

Đặc điểm thực vật học Gây mận là cây thân gỗ, phân cành thấp và nhiều, tán xoè rộng 2 – 2,5m. Rễ mận ăn không sâu mà tập trung ở tầng đất từ 20 – 40cm và lan rộng hơn đường chiếu của tán cây, có khi gấp đôi. Đặc điểm của rễ mận là có sức nảy chồi rất mạnh, cho nên thường thấy các mầm bất định mọc từ rễ xung quanh gốc, tạo thành các cây mận con. Lợi dụng đặc điểm này, người ta bấm rễ tạo cây con để trồng mới. Cây ra lộc mỗi năm 2 – 3 đợt vào vụ xuân, vụ hè và vụ thu. Lá mận rụng về mùa đông làm cho cây bị trơ cành.

Chồi lá phát sinh ở ngọn cành và từ nách lá mọc cả chồi lá và chồi hoa.Cây mận ra hoa trong tháng 2 – 3 dương lịch và quả phát triển tới tháng 4 – 5 thì chín. Hoa mận thuộc loại tự thụ phấn, khó đậu quả. Vì vậy, người ta thường trồng xen các giống mận khác nhau trong một vườn đồng thời chăn thả ong để tăng cường khả năng thụ phấn cho hoa.

Sau khi thu hái quả thì chồi ngọn của cành quả năm trước vươn dài thành cành quả mới và kéo dài liên tục trong 4 – 5 năm liền.

Cây mận sinh trưởng phù hợp ở nhiệt độ bình quân hàng năm là 22 – 24°C. Nếu nhiệt độ tuyệt đối cao hơn 35°C thì ảnh hưởng xấu đến sự sinh trưởng, và phát triển của mận. Ở nhiệt độ 0ºC, cây mận vẫn chịu đựng được. Do bộ dễ của mận ăn nông, cho nên độ ẩm trong đất và không khí phải cao mới đáp ứng được yêu cầu của cây mận. Lượng mưa thích hợp cho cây mận là 1.600 — 1.700 mm/năm.

Cây mận sinh trưởng phù hợp ở nhiệt độ bình quân hàng năm là 22 – 24°C

Tuy nhiên ở Sapa có lượng mưa hàng năm tới 2.800mm, cây mận vẫn cho nhiều quả. Đối với ánh sáng thì cây mận yêu cầu vừa phải, tức là ở nơi có độ cạo so với mặt biển tới 2.000m vẫn trồng được mận. Khi cây mận nở hoa và nuôi cỏ non thì cần có ánh nắng vừa phải. Có thể trồng mận ở nhiều loại đất của miền núi với yêu cầu đất phải có độ sâu trên dưới lm, tơi xốp và giữ ẩm nhưng dễ tiêu thoát nước khi mưa to liên tục.

Các loại đất như dốc tụ, đất rừng mới khai hoang, phù sa cổ, đất bồi ven sông, suối, đất Feralit đỏ vàng đều phù hợp cho việc trồng mận. Độ pH từ 5,5 – 6,5 thích hợp cho cây mận. Đất có độ mùn từ 2,5% trở lên là điều kiện tốt để cây mận cho nhiều quả. Cây mận cần nơi khuất gió, cho nên những vùng có gió mạnh phải trồng các đai rừng phòng hộ

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

4.000ha mận hậu Sơn La quả to nhờ kỹ thuật tỉa cành

Những cây mận hậu cổ thụ trước kia nay chỉ cao ngang đầu người, tỉa bớt cành để chất dinh dưỡng tập trung nuôi quả.

Mận hậu ngọt giòn là đặc sản nổi tiếng của cao nguyên Mộc Châu

Sơn La hiện có 4.000ha mận, tập trung chủ yếu ở cao nguyên Mộc Châu, tổng sản lượng đạt hơn 40.000 tấn mỗi năm. Mận hậu Sơn La nổi tiếng to ngon, đỏ mọng, ngọt giòn nhờ khí hậu và thổ nhưỡng ưu đãi. Ngoài ra, nông dân còn sử dụng kỹ thuật chăm bón và tỉa cành khoa học để tăng kích thước quả.

Để giúp mận hậu phát triển tốt, người trồng bón lót phân NPK và phân hữu cơ quanh gốc cây, vừa giúp cây cân bằng dinh dưỡng, vừa làm đất tơi xốp. Đến tháng 10, cây được bón vôi để phòng trừ sâu bệnh. Tháng 11 thì bắt đầu tỉa cành để lá quang hợp tốt hơn, chất dinh dưỡng trong cây tập trung nuôi quả.

Nhờ áp dụng kỹ thuật trồng và cắt tỉa nên tán cây mận hậu ngày nay xum xuê, thân cây chỉ vừa tầm của người hái. Khi mận ra quả, nông dân sẽ tiếp tục tỉa cành và trái. Công đoạn cuối cùng này giúp quả đạt kích cỡ lớn, hình thức đẹp.

Cuối tháng 3 năm sau, quả mận phát triển to hơn đầu ngón tay, vỏ xanh bao phủ lớp phấn mỏng, vị chua rôn rốt. Đến tháng 5-6, mận bắt đầu chín rộ, cả cao nguyên Mộc Châu bước vào giai đoạn thu hoạch. Khắp các sườn đồi hay trên vách đá cao nguyên, đâu đâu cũng bắt gặp trái mận hậu sai trĩu cành.

Mận hậu chín có màu đỏ tím, quả tròn đều, căng mọng. Sau khi thu hái, mận được tập kết và theo chân các thương lái về xuôi. Loại trái cây này giàu vitamin C, B2, B1… có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, kích thích tiêu hóa, lại có hương vị thơm ngon nên được thị trường ưa thích. Ngoài ăn trực tiếp, có thể làm món dầm chua ngọt, mứt, nước ép…

Thu hoạch mận

Tại tổ hợp tác sản xuất và tiêu dùng mận an toàn Mộc Châu (tiểu khu Pa Khen 1, thị trấn nông trường Mộc Châu), mận hậu được trồng theo quy trình VietGAP và quản lý theo chuỗi từ công đoạn trồng cho tới chăm sóc, thu hái, đóng thùng… Sản phẩm được dám tem điện tử thông minh để người tiêu dùng dễ dàng nhận diện.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mận cho năng suất cao nhất

Mận là cây ăn trái được ưa thích vào mùa hè và được trồng nhiều ở nước ta. Vì vậy, mọi người cần nắm vững kỹ thuật trồng cây mận để cho năng suất cao nhất, thu được nhiều lợi nhuận.

Trồng mận đúng cách không những cho năng suất mà còn cho cả về chất lượng quả

Mận là giống cây ăn trái được trồng nhiều nơi trên thế giới. Hoa, lá có mùi hương thơm dễ chịu. Nếu được trồng chăm sóc đúng qui trình kỹ thuật trồng cây mận sẽ cho hoa trái theo ý muốn, bán được giá cao nên có thể xem là cây xóa đói giảm nghèo cho một số bà con nông dân.

Mật độ, khoảng cách

Khoảng cách trồng 5m hoặc 5 x 4m (400-500 cây/ha). Đất xấu trồng mau, đất tốt trồng thưa hơn. Ghép lên gốc đào, cây mọc khỏe tán to, cũng trồng thưa hơn khi ghép lên gốc mận.

Bổ hốc, đánh cây

Bổ hốc theo kỹ thuật thông thường và nên bổ sớm cho đất ải. Mận cũng như hồng là một cây rụng lá nên thời gian trồng thuận tiện nhất là tháng 12, 1 khi cây nghỉ Đông. Thời kỳ này có thể trồng rễ trần nghĩa là đánh cây lên, rũ hết đất.

Nếu có đất bùn ao tốt nhúng vào rễ bùn sau đó bó từng bó 10, 20 cây sau vài ngày trồng vẫn có thể sống 100%. Muốn trồng sống vào bất cứ thời gian nào trong năm nên ương cây trong bầu bọc polyetylen, 6 – 10kg đất, ghép khi cây còn ở bầu, bóc vỏ bỏ polyetylen khi trồng.

Cách trồng

Móc một hốc nhỏ ở giữa vị trí trồng. Rọc đáy túi đựng bầu. Đặt cây vào vị trí, và rọc một đường từ trên xuống để lấy túi đựng bầu ra. Lấp đất giữ chặt cây. Cắm cọc cố định cây (cột cây bằng dây nilon).

Kỹ thuật chăm sóc

Giữ ẩm: Sử dụng các vật liệu dễ tìm như rơm rạ, cỏ khô … đậy phủ xung quanh gốc để giữ ẩm. Tưới tiêu: Cung cấp nước cho cây thường xuyên nhất là ở thời kỳ mới trồng, và khô hạn kéo dài. Cây chuẩn bị ra hoa, cần giữ cho gốc cây khô ráo. Thời kỳ mang trái, cây rất cần nước để nuôi trái.

Cần phải bón phân, tưới nước, tỉa cành đúng thời điểm

Bón phân

Cần tham khảo thêm tài liệu và kinh nghiệm bón phân trong điều kiện canh tác thực tế. Phân hữu cơ: Hàng năm nên bón cho cây 5 – 10kg.

Phân hóa học: Năm thứ nhất: Bón cho cây khoảng 500 gram phân NPK 16-16-8. Chia ra 4 – 5 lần bón trong năm.

Năm thứ hai: Bón gấp đôi lượng phân năm thứ nhất, chia ra 3 – 4 lần bón. Thời kỳ cho hoa trái: Bón 1,5 – 3kg phân NPK 20-20-15, chia ra làm nhiều lần bón. Thu hoạch xong có thể bón tiếp cho cây 0,5 – 1 kg phân NPK 20-20-15 cho cây nhanh chóng phục hồi.

Trừ sâu bệnh

Trên núi cao, với điều kiện khí hậu thích hợp, nhất là về nhiệt, cây mận mọc khỏe, không có sâu bệnh đáng kể. Ở đây trồng giống mận chua, chống sâu sâu bệnh cũng khỏe, nên ít khi người ta bắt sâu phun thuốc. Nếu chăm bón tốt và nếu lại trồng những giống mận ngon quả to, sâu bệnh vẫn nguy hiểm.

Thu hoạch

Mùa mận chín là tháng 5 – 6 ở đồng bằng, 7 – 8 ở miền núi. Xác định độ chín căn cứ vào màu sắc quả. Vị trí chuyển màu trước tiên là vết lõm ở đuôi quả nơi xa cuống nhất. Màu xanh nhạt dần chuyển sang vàng nhạt rồi vàng sẫm, đỏ hoặc tía tùy giống.

Những quả mận căng mọng đầy sức hấp dẫn

Hái xanh hai chín căn cứ vào mục đích sử dụng. Nếu để ăn tươi thì người ta hái sớm, nhiều ít tùy theo nơi sử dụng xa hay gần nơi sản xuất vì quả càng chín càng nhũn khó vận chuyển, và càng phải mang đi xa càng phải hái sớm khi mận còn hơi xanh.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.