Sinh sản nhân tạo thành công giống Cá Bông Lau

Quy trình sản xuất giống cá bông lau nhân tạo vừa được Thạc sỹ Huỳnh Hữu Ngãi, Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt Nam Bộ (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 2) nghiên cứu thành công và triển khai nhân rộng cho cán bộ kỹ thuật và nông dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Đây là yêu cầu cấp thiết nhằm góp phần khôi phục đàn cá tự nhiên, bảo tồn nguồn gen quý hiếm, chủ động nguồn giống cho người nuôi thương phẩm và tạo ra hiệu quả kinh tế cho người sản xuất giống.

Vuốt trứng cá bông lau cái (ảnh chụp ở làng bè Châu Đốc, tỉnh An Giang)

Chọn cá bố mẹ

Cá bố mẹ được chọn ngoài tự nhiên từ các xuồng câu, chọn những cá thể khỏe mạnh, ít xây sát, giữ các cá trong bể có sục khí liên tục từ 3-4 ngày cho cá khỏe hoàn toàn rồi vận chuyển đi nuôi thuần dưỡng. Cá được nuôi chung với một số loài cá háu ăn như cá chép, mè vinh với mật độ từ 5-10 kg/m3. Dùng thức ăn viên với hàm lượng đạm từ 28-30%, khẩu phần ăn hàng ngày từ 2-3%.

Sau đó tiến hành nuôi vỗ thành thục cá bố mẹ trong bè đặt trên sông nước chảy. Bè nuôi vỗ cá bông lau bố mẹ có kích thướt 8x4x3 mét = 96m3, bè được đặt nổi và neo trên sông cố định, nơi có dòng chảy thẳng và liên tục. Nơi đặt bè không ảnh hưởng đến giao thông trên sông, nước sông nơi đặt bè không bị phèn, mặn, xa các cống nước thải và thuận lợi trong giao thông, vận chuyển thức ăn.

Cá bố mẹ chọn nuôi vỗ phải là những cá thể khỏe mạnh, ngoại hình cân đối, không bị dị hình, khối lượng từ 2,5 kg trở lên. Mật độ nuôi vỗ cá bố mẹ là 5 kg/m3 bè. Đánh số thứ tự cho cá bố mẹ bằng que nhọn đầu đánh số lên đầu của cá (dùng số thường đánh cho cá cái, số la mã đánh cho cá đực). Mùa vụ nuôi vỗ cá bố mẹ bắt đầu từ tháng 12 năm trước kéo dài đến giữa tháng 11 năm sau. Thời gian cá thành thục và bước vào sinh sản từ tháng 8, mùa cá đẻ kéo dài đến đầu tháng 11.

Thức ăn cho cá bố mẹ có thể sử dụng thức ăn hỗn hợp tự chế biến hoặc thức ăn công nghiệp. Đối với thức ăn tự chế do thức ăn chìm nên mỗi ngày cho ăn 2 lần, còn thức ăn viên dạng nổi thì mỗi ngày chỉ cho ăn 1 lần vào buổi tối vì tập tính của cá bông lau rất nhát. Hàng ngày dựa vào nhu cầu ăn của cá để điều chỉnh tăng giảm lượng thức ăn cho hợp lý, không cho ăn quá nhiều hoặc thiếu.

Thường xuyên kiểm tra bè, sửa chữa những phần bị hư hỏng, gỡ bỏ rác bám quanh bè. Khi nước chảy yếu nên dùng máy bơm quạt nước để tăng thêm oxy hòa tan. Thường xuyên quan sát và phát hiện những biểu hiện không bình thường của cá để kịp thời xử lý.

Gieo tinh nhân tạo

Ở cá bông lau nhìn bên ngoài rất khó phân biệt đực cái. Khi đến mùa sinh sản mới có sự biểu hiện ra bên ngoài, cụ thể cá đực có lỗ sinh dục dạng hơi tròn lồi ra, còn cá cái lỗ sinh dục hơi lõm vào hơn so với cá đực.

Chọn cá đực là những cá thể khỏe mạnh, vuốt ở mặt bụng gần lỗ sinh dục có tinh màu trắng sửa chảy ra. Chọn cá cái là những cá thể có bụng to, dùng que thu trứng quan sát tế bào trứng khi thấy hạt trứng to, tương đối đồng đều, dễ tách rời nhau, đo kích thướt tế bào trứng phải đạt trung bình từ 1,3 mm trở lên, không có trứng non. Những năm qua do cá đực thành thục chưa tốt nên tỷ lệ đực cái nên chọn là 2:1 hoặc 3:1.

Cho cá đẻ trong bể xi măng có thể tích 3x5x1 mét =15 m3, mực nước sâu 0,8-1mét chứa từ 6-10 con cá bố mẹ có khối lượng trung bình 3,5 kg/con. Tuy nhiên, nếu có điều kiện thì thiết kế lót bạt dạng tròn, tạo nước chảy thành dòng liên tục thì cá sẽ khỏe hơn. Hay có thể cho cá đẻ trong bè khoảng 3x5x2 mét = 30 mét, ngăn làm đôi để chứa đực cái riêng, mỗi ngăn chỉ chứa tối đa 5 con cá.

Cá bông lau không đẻ tự nhiên trong bè do đó phải tiêm kích dục tố để kích thích cho cá rụng trứng. Sử dụng kích dục tố HCG kích thích cá sinh sản nhân tạo như cá tra, basa. Sử dụng phép tiêm nhiều lần cho cá cái để kích thích tế bào trứng hấp thu được chất kích thích làm tăng kích thướt đường kính trứng đến mức tối đa vì đây là loài cá của sông Mêkông có đường di cư dài nên chúng cần được tiêm nhiều lần dẫn với thời gian dài để cho tế bào trứng được chín đồng đều hơn.

Trong 3 – 5 liều dẫn đầu tiên sử dụng kích dục tố HCG ở mức bằng nhau 500UI/kg, khoảng cách giữa các lần tiêm là 24 giờ. Khi trứng đã đạt mức tối đa thì tiêm liều sơ bộ với liều lượng từ 1.000 – 1.500 UI/kg, khoảng cách từ liều dẫn đến liều sơ bộ cũng 24 giờ. Cuối cùng là liều quyết định với mức sử dụng 5.000 UI, khoảng cách từ liều sơ bộ đến liều quyết định từ 8 – 10 giờ. Liều tiêm cho cá đực từ 2.000 – 3.000 UI/kg cùng thời gian tiêm liều quyết định của cá cái. Thời gian hiệu ứng kích thích tố từ lúc tiêm liều quyết định đến khi rụng trứng từ 9-12 giờ.

Kiểm tra cá, dùng khăn sạch lau khô toàn thân nhất là vùng bụng cá, dùng tay vuốt từ phía sau đầu cá chạy dọc theo 2 lườn bụng đến điểm cuối là lỗ sinh dục thì thấy trứng chảy thành dòng từ lỗ sinh dục cá cái. Ở cá đực, tinh cũng nhú ra từ lỗ sinh dục có màu trắng sữa. Trước khi thấy có dấu hiệu rụng trứng thì tiến hành thu tinh cá đực trước, tinh được giữ trong nước muối sinh lý với nồng độ là 0,9%. Dùng xyranh hút 2 ml nước muối sinh lý sau đó hút 0,5 ml tinh bảo quản ở nhiệt độ thấp để kéo dài thời gian sống của tinh trùng.

Sau đó sẽ tiến hành vuốt trứng, bằng phương pháp thụ tinh khô, dùng lông gà quậy đều trứng và sẹ (tinh dịch), trong lúc quậy đều hỗn hợp trứng và sẹ cho thêm nước sạch vào từ từ và tạo điều kiện cho tinh trùng hoạt động, tăng xác suất thụ tinh cho trứng. Điều cần lưu ý là cá bông lau là loài cá rất yếu do đó quá trình kiểm tra sự thành thục cũng như chọn lựa cá bố mẹ cho sinh sản thì thao tác phải nhanh, nhẹ nhàng. Chỉ được phép đưa cá cho vào băng ca kiểm tra và tiêm kích dục tố ngay dưới nước. Đối với cá cái thời gian hiệu ứng kích thích tố là 12 giờ tính từ khi tiêm liều quyết định.

Việc xác định thời gian hiệu ứng nhằm theo dõi chính xác thời điểm rụng trứng để tiến hành sinh sản nhân tạo vuốt khô được kịp thời. Trứng cá bông lau thuộc loại trứng dính nên sau khi cá đẻ trứng được khử dính bằng dung dịch Tanin, sau đó được rửa lại bằng nước sạch và đem ấp trong bình Weiss sau 24-25 giờ thì trứng nở ở nhiệt độ 28-300C. Trứng cá bông lau ấp ở nhiệt độ thường 27,2-300C thường thời gan nở kéo dài từ 26-30 giờ, đạt tỷ lệ thu tinh 26-73,3%, tỷ lệ nở 57-90,1%.

Ương nuôi thành cá giống

Cá bột bông lau sau khi nở 24 giờ thì sẽ hết noãn hoàng và bắt đầu ăn thức ăn bên ngoài chủ yếu là động vật phù du. Ương cá bông lau chia thành 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1, sau khi nở 24 giờ, cá bột được ương trong bể composite, mỗi bể thể tích là 1m3, mật độ từ 300 con/m3. Thay nước trong quá trình ương mỗi ngày một lần, mỗi lần từ 20-30% lượng nước trong bể. Trong 10 ngày đầu cho ăn Moina hoặc Moina kết hợp với Naulius Artemia. Từ ngày thứ 11 đến ngày thứ 20 cho ăn Moina kết hợp với thức ăn dạng bột mịn 40% đạm. Từ ngày thứ 21 đến ngày thứ 30 cho ăn thức ăn mảnh 40% đạm. Sau 30 ngày tuổi cá nặng 0,21-0,7 g và dài 28-45mm. Tỷ lệ sống của cá giống sau 30 ngày tuổi đạt từ 30,8-90,8%.

Giai đoạn 2, giai đoạn này có thể ương cá bột trong bể composite thể tích 1 m3 với nhiều mật độ khác nhau như: 50, 100 hay 200 con/m3. Dùng một loại thức ăn viên có hàm lượng đạm 40%, sau 60 ngày tuổi cá đạt trọng lượng từ 3,2-3,5 gam/con, tương đương với chiều dài là 72,2 – 73,3 mm, tỷ lệ sống từ 10,9-98%.

Nguồn: Tiengiang.GOV được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nuôi Cá Bông Lau trong ao, hầm: Mô hình mới

Lâu nay, cá bông lau chỉ được bà con nông dân nuôi trong lồng bè, chứ ít ai nghĩ nuôi trong ao, hầm lại có thể cho hiệu quả kinh tế cao. Tận dụng những ao, hầm nuôi cá tra bỏ trống, người dân 2 xã Hòa Lạc và Phú Bình (Phú Tân – An Giang) chuyển sang nuôi cá bông lau, bước đầu cho kết quả khả quan.

Cho cá bông lau ăn.

Sau nhiều năm đeo bám nghề nuôi cá tra, anh Nguyễn Văn Tài ở xã Phú Bình thua lỗ nặng. Năm 2008, anh mạnh dạn vay vốn ngân hàng, thả nuôi 40.000 con cá bông lau trên diện tích 2.000m2 từng nuôi cá tra trước đây. Sau 6 tháng chăm sóc, đàn cá đạt trọng lượng trên 35 tấn, với giá bình quân 32.000 đồng/kg, trừ chi phí, anh còn lời 200 triệu đồng. Thấy nuôi cá bông lau trong hầm hiệu quả, năm nay, anh Tài đầu tư thả nuôi trên 50.000 con. Anh hồ hởi: “Nhờ nuôi cá bông lau mà nhà tôi đã trả dứt nợ! Năm nay, tôi thả hơn 50.000 con giống, khoảng 2 tháng nữa là có thể xuất bán. Nếu vẫn giữ giá 35.000 đồng/kg như hiện nay, chắc chắn tôi sẽ bỏ túi trên 240 triệu đồng”.

Ông Võ Văn Sàn, ấp Bình Phú I, xã Phú Bình cũng chuyển sang nuôi cá bông lau sau khi trầy trật với con cá tra. ông cho biết, nuôi cá bông lau trong ao, hầm rất dễ, ít tốn công sức và kiểm soát được một số dịch bệnh thông thường như: bọ đeo mang, ghẻ, đường ruột… Bên cạnh đó, nguồn thức ăn cũng dễ tìm, mùa nước nổi cho ăn cá linh, cá chốt; mùa khô cho ăn cá biển. Hiện ông Sàn đang thả nuôi 35.000 con, đàn cá đạt trọng lượng gần 1kg/con, dự tính lời khoảng 182 triệu đồng.

Thấy ông Sàn đầu tư nuôi cá bông lau hiệu quả, anh La Văn Xê, ở xã Hòa Lạc cũng học hỏi làm theo. Anh Xê thả nuôi 250.000 con cá bông lau trong 5 hầm, diện tích 5.000 m2, trong đó 4 hầm anh nuôi cá thịt, hầm còn lại anh tự ương cá giống. “Cá bông lau nuôi hầm dễ hơn so với cá tra. Cá tra phải chạy, xả nước liên tục nên rất tốn chi phí và gây ô nhiễm môi trường. Vốn đầu tư tương đối nhẹ và đầu ra cũng rất dễ”, anh Xê khẳng định.

Có thể nói, nghề nuôi cá bông lau trong ao, hầm là một nghề mới, nhiều triển vọng. Tuy nhiên, hiện nay đầu ra của con cá bông lau chưa thật ổn định. Vì vậy, người nuôi cần tính toán kỹ trước khi ồ ạt mở rộng diện tích, tránh tình trạng cung vượt cầu, rồi dẫm vào “vết xe đổ” như cá tra.

Nguồn: Khoa học nhà nông được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nuôi Cá Bông Lau giống tự nhiên

Anh Nguyễn Tâm Đăng (32 tuổi, ở xã Phú Tân, H.Tân Phú Đông, Tiền Giang) là người đầu tiên thành công trong việc nuôi cá bông lau bằng nguồn giống tự nhiên với quy mô lớn.

Anh Đăng chỉ đặc điểm nhận dạng cá tra bần

Duyên nợ với cá bông lau

Anh Đăng sinh ra và lớn lên tại vùng đất ven biển Tiền Giang – nơi có nhiều loài cá da trơn đặc trưng của vùng ĐBSCL. Vậy mà năm 2007, anh phải bỏ ra hơn 800.000 đồng mua con cá bông lau nặng 7 kg đãi bạn bè. Anh Đăng nói rằng chính việc này đã làm anh suy nghĩ tại sao loài cá có giá trị kinh tế cao như vậy mà chưa ai đầu tư nuôi, trong khi nguồn con giống đã có sẵn ngoài tự nhiên. Suy nghĩ đó đã thôi thúc anh bỏ ngang chuyện học ngành cơ khí (Trường ĐH Bách khoa TP.HCM), về quê lao vào nghiên cứu con giống, xây dựng mô hình nuôi cá bông lau.

Qua tìm hiểu nhiều tài liệu, anh được biết các loài cá da trơn như cá bông lau, cá dứa, cá tra bần… có giá cao, nhiều người ưa chuộng nhưng ngày càng hiếm ngoài tự nhiên. Đến nay, các công trình nghiên cứu cũng như mô hình lai tạo con giống, thuần dưỡng các loại cá này chưa nhiều. Anh Đăng kể do hiểu biết còn hạn chế nên trong lần mua cá giống đầu tiên, anh bị lừa mua nhầm giống khác. Thất bại nhưng không nản, cứ tới mùa anh lần theo ghe đánh bắt ngoài cửa sông để tìm mua nguồn cá giống tự nhiên. Tuy nhiên, dù anh đã làm mọi cách nhưng cá đưa lên khỏi sông chưa bao lâu thì bị chết hàng loạt. Số còn lại anh đem về, chăm sóc với chế độ đặc biệt trong ao đất vẫn không sống được. “Trải qua nhiều lần thất bại, tôi đã tích lũy thêm kinh nghiệm nuôi cá giống, nhờ đó tỷ lệ cá chết mới giảm dần”, anh Đăng chia sẻ.

Thuần dưỡng thành công

Đến vụ nuôi năm 2010 – 2011, anh Đăng đã thuần dưỡng khoảng 100.000 con giống cá bông lau, cá dứa, cá tra bần. Sau khi chọn ra nguồn giống khỏe, anh thuê luôn 10 ha đất ở xã Phú Tân thả nuôi thử nghiệm khoảng 23.000 con giống. Thạc sĩ Huỳnh Hữu Ngãi, cán bộ nghiên cứu thuộc Trung tâm quốc gia giống thủy sản nước ngọt Nam bộ (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2), cho biết: “Để đảm bảo khả năng sống và phát triển, ngay cả đàn cá bông lau bố mẹ và cá hậu bị của trung tâm cũng phải được thuần dưỡng trong bè nuôi ở khu vực nước sạch có dòng chảy”. Vậy mà với kỹ thuật của mình, sau khoảng 12 tháng nuôi bằng thức ăn công nghiệp, đàn cá nuôi thử nghiệm trong ao nước tĩnh của anh Đăng đã đạt trọng lượng 1 – 1,2 kg/con. Kết thúc vụ nuôi này, anh thu hoạch được khoảng 20 tấn cá thương phẩm. Đầu vụ nuôi 2012 – 2013, anh Đăng tiếp tục thả nuôi hơn 31.000 con giống cũng từ nguồn khai thác tự nhiên, hiện cá đạt trọng lượng bình quân 1 kg/con. Anh cũng đang chuẩn bị khoảng 500.000 con giống cá da trơn cho vụ nuôi 2013 – 2014 để đủ cung ứng cho các đơn đặt hàng.

Thu hoạch cá da trơn giống tự nhiên

Với kinh nghiệm có được trong thời gian qua, anh Đăng chia sẻ cách nhận diện các loại cá da trơn quý hiếm: “Cá bông lau và cá dứa hầu như không thể phân biệt được ở giai đoạn cá giống. Nhìn chung, 2 loại cá này có sống lưng ánh lên màu xanh nhạt, đuôi vàng, viền đuôi hơi tím; trong khi đó, lưng, vây và đuôi cá tra bần đều màu vàng…”. Từ các đặc điểm trên, anh Đăng phân tích: “Cá tra bần chiếm khoảng 10% nguồn cá giống đánh bắt từ tự nhiên. Loại này dễ thuần dưỡng hơn cá bông lau, cá dứa. Do vậy, trong ao nuôi hoàn toàn có thể lẫn lộn cả 3 loại cá trên”.

Dù đem con giống ở sông về nuôi trong ao nhưng anh Đăng muốn các loại cá này có chất lượng thịt gần giống với cá lớn lên trong tự nhiên. “Để đạt được điều đó, mô hình nuôi tối thiểu phải là bán thiên nhiên trên diện tích rộng, nguồn nước cần thay đổi thường xuyên và quan trọng nhất là trong quá trình nuôi không được sử dụng thuốc, chất hóa học”, anh Đăng nói.

Nguồn: Thanhnien.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Sóc Trăng: Triển vọng từ nuôi Cá Bông Lau

Trước nhu cầu tiêu thụ của thị trường ngày một tăng, trong khi nguồn đánh bắt tự nhiên giảm mạnh, nhiều nông dân ở xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung đã nuôi cá bông lau thương phẩm và cho thành công, với mức lợi nhuận không hề thua kém một số đối tượng thủy sản nào.

Nghề nuôi cá bông lau ở Cù Lao Dung

Cái lợi lớn nhất của nghề nuôi cá bông lau ở Cù Lao Dung chính là nguồn nước và con giống. Con giống khai thác tại chỗ, nuôi bằng nguồn nước tại chính nơi sinh sống, nên chẳng những phát triển tốt, mà chất lượng thịt cá cũng thơm ngon không thua kém ngoài tự nhiên. Nhắc đến nghề ương và kinh doanh cá bông lau giống ở Cù Lao Dung thì anh Nguyễn Văn Kiệt (ấp Vàm Hồ, xã An Thạnh Nam) được xem là một trong những người tiên phong. Anh Kiệt cho biết, năm 2011, khi dịch bệnh EMS làm tôm chết hàng loạt, cũng là lúc có nhiều thương lái đến thu mua cá bông lau giống về nuôi, nên anh nảy ra ý nghĩ làm dịch vụ ương dưỡng cá giống để xuất bán. Anh Kiệt kể: “Cá con đánh bắt được thường cỡ khoảng 300 – 350 con/kg, phải ương thêm 2 – 2,5 tháng cho cá lên cỡ 70 con/kg mới đạt kích cỡ giống nuôi. Từ ương giống, đến nay tôi chuyển sang nuôi thương phẩm và cũng rất thành công”.

Không chỉ có người nuôi lâu năm như anh Kiệt mới thành công lớn, mà người mới nuôi như anh Trương Văn Vũ (xã An Thạnh 3), cũng vừa trúng ao cá bông lau được nuôi từ ao lắng nuôi tôm, với sản lượng 1,5 tấn, sau 1 năm thả nuôi. Anh Vũ phấn khởi nói: “Năm rồi, thấy mọi người nuôi cá bông lau bán được giá cao, tôi thả hơn 1.500 con giống nuôi thử, ai dè đến nay (khoảng 1 năm) cũng thu hoạch được khoảng 1,5 tấn, trọng lượng trung bình 1,2 kg/con. Sở dĩ, thời gian nuôi kéo dài đến 1 năm là do tôi nuôi bằng nguồn phụ phẩm tự nhiên sẵn có, chứ một số người nuôi bằng thức ăn công nghiệp chỉ có 8 tháng là cá đạt trọng lượng 1,2 – 1,5 kg/con rồi”.

Do nghề nuôi cá bông lau thành công và cho hiệu quả cao, nên giá cá giống cũng tăng lên. Hiện, giá cá giống cỡ 70 con/kg được bán với giá khoảng 10.000 – 12.000 đồng/con, còn cá nhỏ cỡ 300 – 350 con/kg do ngư dân đẩy te về bán lại cho cơ sở ương dưỡng có giá khoảng 5.000 – 6.000 đồng/con. Việc khai thác cá bông lau con làm giống nuôi giúp nghề khai thác ven bờ bằng công cụ thô sơ có thêm thu nhập, nhưng nếu không có sự quản lý tốt sẽ dẫn đến nguy cơ cạn kiệt loài thủy sản có giá trị này.

Ông Hồ Thanh Kiệt, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cù Lao Dung cho biết, hiện huyện đang tiến hành điều tra về diện tích, hiệu quả, phạm vi vùng nuôi cá bông lau để có những khuyến cáo, hỗ trợ kỹ thuật, nhằm giúp người nuôi đạt năng suất, kích cỡ và giảm thiểu rủi ro trong tiêu thụ.

Nguồn: Thủy sản Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Thu tiền tỷ mỗi năm nhờ nuôi Cá Bông Lau trong ao

Nhận thấy nguồn lợi nhuận từ cá bông lau, anh Nguyễn Tâm Đăng (ở Tân Phú Đông, Tiền Giang) bỏ đại học để nuôi loại cá này trong ao, thu lãi hàng tỷ đồng một mùa thu hoạch.

Anh Đăng ở xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông là người đầu tiên thành công nuôi dưỡng cá bông lau từ nguồn giống tự nhiên với quy mô lớn nhất ĐBSCL. Đây là loài cá có giá trị cao gấp 4-5 lần cá tra.

Bỏ đại học, nuôi cá

Nhớ hồi khởi nghiệp nuôi cá bông lau, anh Đăng kể, đầu năm 2007 anh có mấy người bạn thân ở phương xa đến chơi. Nghe tiếng cá bông lau đặc sản vùng này, ai cũng thèm ăn. Anh ra chợ may mắn mua được con cá bông lau vừa đánh bắt dưới sông lên nặng hơn 7 kg, bán 120.000 đồng/kg. Về nhà nấu lẩu, bạn bè khen ngon hết ý.

Anh Đăng bên ao nuôi cá bông lau.

Từ chuyện con cá bông lau có giá trị thương phẩm cao hơn cá tra, anh nảy ra ý tưởng nuôi loài cá này vì chưa ai đầu tư nuôi, trong khi nguồn giống có sẵn ngoài tự nhiên.

Suy nghĩ đó thôi thúc khiến anh bỏ học ngành cơ khí Trường ĐH Bách khoa TP.HCM về quê tìm tài liệu đọc nghiên cứu con giống, xây dựng mô hình nuôi cá bông lau. Từ một học viên cơ khí, đùng một cái anh chuyển hẳn sang nuôi thủy sản quả là điều quá khó. Nhưng với quyết tâm, cộng với tính chịu học hỏi qua sách báo nên trong thời gian ngắn anh có được vốn kiến thức về nuôi các loài cá da trơn như cá bông lau, cá dứa, cá tra bần…

Năm 2009, anh Đăng thuê 5ha mặt nước của những hộ nuôi tôm bị thất bại ở xã Phú Tân để mua cá giống bông lau về nuôi. Mặc cho “sự đời” bàn tán lời ra tiếng vào, anh mượn vốn từ người thân trong gia đình 400 triệu đồng mua 25.000 con giống của một DN ở huyện Cần Giờ (TP.HCM) về thả nuôi. Kết quả cá hao hụt quá cao, anh thất bại. Nhiều người trong xóm cho rằng, anh “điên” vì hồi nào tới giờ loài cá bông lau chưa có ai nuôi sống được mà dám thả nuôi.

Anh Đăng tâm sự: “Năm đầu thả nuôi, vì hiểu biết còn hạn chế nên lần đầu mua cá giống, tôi bị lừa mua nhầm giống cá, nên nuôi không đạt. Thất bại nhưng không nản, tới mùa sau tôi dò hỏi theo ghe đánh bắt cá ngoài cửa sông với mong muốn tìm nguồn cá giống bông lau tự nhiên. Dù đã làm mọi cách nhưng cá đưa lên khỏi sông chưa bao lâu thì chết hàng loạt. Số còn lại tôi đem về, chăm sóc với chế độ “đặc biệt” trong ao đất. Vậy mà vẫn không sống được!”.

Sau hai lần thất bại, anh Đăng không chịu thua cuộc, vẫn kiên trì tìm tòi học hỏi. Anh xin tham dự các cuộc hội thảo chuyên đề về cách nuôi loài cá da trơn ở trong và ngoài tỉnh để nắm bắt thêm kiến thức. “Bí quyết” anh đã hiểu ra, vì loại cá da trơn có nhớt, khi thay đổi môi trường đột ngột chúng sẽ chết, nên cần xử lý nước và cho cá thích nghi dần.

Anh Đăng chia sẻ, mùa sinh sản cá giống bông lau xuất hiện nhiều vào tháng 11 năm trước đến sang tháng 3 năm sau. Vào mùa này, những loài cá da trơn được ngư dân đánh bắt rất nhiều; loại bằng ngón tay cái hoặc con lớn hơn bán với giá rất rẻ, chỉ vài chục ngàn đồng một kg. Cái khó là làm sao con giống ngoài tự nhiên bắt được, giữ cho nó sống và nuôi dưỡng thành cá thương phẩm bằng những nguồn thức ăn hiện có trên thị trường.

Có hiểu biết để nhận diện chính xác cá bông lau và tích lũy vốn kinh nghiệm nuôi cá sau bao phen thất bại, anh quyết tâm thử một lần nữa, bỏ ra số tiền khá lớn thu mua cá con của các ngư dân đánh bắt trong thiên nhiên.

Trong lần nuôi này, anh thành công, tỷ lệ cá chết giảm đáng kể. Và từ đó anh bắt đầu tìm thị trường bán cá bông lau giống, cá tra bần cho các DN ở An Giang và Đồng Tháp. Lấy ngắn nuôi dài, nhiều năm anh xoay vòng vốn bán cá giống và đầu tư cho vùng chuyên nuôi cá bông lau.

Đi tiên phong

Năm 2010, anh Đăng thuê gần 10ha đất ở huyện Tân Phú Đông thả nuôi thử nghiệm khoảng 23.000 con giống cá bông lau. Sau nhiều lần thay đổi thức ăn viên cho cá, anh đã thành công trong việc thuần dưỡng, nhân nuôi trong ao đất có nguồn nước tĩnh theo hình thức bán hoang dã. Sau 12 tháng nuôi anh thu hoạch được khoảng 20 tấn cá thương phẩm.

Trên đà thắng lợi, anh Đăng tiếp tục thả nuôi hơn 31.000 con giống cũng từ nguồn cá giống khai thác tự nhiên. Hiện nay cá nuôi đạt trọng lượng bình quân từ 900 gr đến 1 kg/con. Ao nuôi có thể đem về doanh thu cả trăm triệu đồng cho anh. Ngoài ra anh cũng chuẩn bị khoảng 500.000 con giống để đủ cung ứng theo các đơn đặt hàng trong năm nay.

Với kinh nghiệm tích lũy được, anh Đăng cho biết: “Cá bông lau và cá dứa khó có thể phân biệt được nhau ở giai đoạn cá giống, tuy nhiên cách nhận dạng chung là hai loài cá này có sống lưng ánh lên màu xanh nhạt, đuôi vàng, viền đuôi hơi tím; trong khi đó cá tra bần có lưng, vây, đuôi đều màu vàng”.

Từ các đặc điểm trên, anh phân tích: “Cá tra bần chiếm khoảng 10% nguồn cá giống đánh bắt từ tự nhiên. Loại này dễ thuần dưỡng hơn cá bông lau, cá dứa”.

Mô hình nuôi của anh chỉ phải lo 50% nguồn thức ăn, phần còn lại cá tự tìm rong rêu hay cỏ cây để ăn, nên cá đạt tỷ lệ sống 90%. Hiện tại trong khu vực ao nuôi anh cho trồng cỏ xung quanh, vừa tạo bóng mát vừa làm nguồn thức ăn thiên nhiên cho cá. Mật độ thả nuôi để cá có tỷ lệ sống cao, bình quân thả 2 con/m3 nước.

Anh lý giải, vì đây là loại cá sống ngoài thiên nhiên thích nơi dòng chảy nước sâu nên cần oxy, khi đem vào ao nuôi trong môi trường nước tĩnh phải thả thưa, cá mới đủ oxy phát triển tốt. Cá nuôi trong vòng 12-15 tháng đạt trọng lượng 1-1,1 kg/con, còn nuôi theo hình thức công nghiệp chủ động nguồn thức ăn hoàn toàn trong vòng 10-11 tháng cá đạt trọng lượng từ 1,2-1,5 kg/con.

Anh cho biết thêm, kế hoạch anh sẽ thu hoạch lượng cá bông lau trong ao vào đầu tháng 5 tới đây, dự kiến khoảng 25 tấn cá thương phẩm bán với giá từ 120.000-130.000 đồng/kg, còn vào tháng 6 đến tháng 12 cá bông lau có giá từ 160.000-180.000 đồng/kg. Có thể nói vụ cá bông lau năm nay hy vọng sẽ mang lại lợi nhuận cao cho anh. Nếu bán hết chỉ với giá bình quân 120.000 đồng/kg, số tiền thu về đã là vài tỷ.

Để loại cá này có chất lượng thịt gần giống cá trong tự nhiên, thịt trắng, thơm và ít mỡ, mô hình nuôi tối thiểu, theo anh Đăng là bán thiên nhiên trên diện tích rộng. Nguồn nước cần thay đổi thường xuyên và quan trọng nhất là trong quá trình nuôi không được sử dụng thuốc và chất hóa học.

Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.