Kỹ thuật hạn chế vải ra lộc đông

Để cây vải thiều cho quả ổn định, trước tiên cần phải có chế độ chăm sóc thật chu đáo như tỉa cành, bón phân, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh.

Vải thiều

Tuy đã chăm sóc cho cây sinh trưởng tốt, nhưng để cây đậu quả thì phải trải qua 2 “cửa ải”:

Thứ nhất : Vào tháng 11, 12 hằng năm, là thời kỳ hình thành đọt hoa, yêu cầu nghiêm ngặt là cần thời tiết khô và lạnh. Ở những cây cành ra lộc đông thì sẽ không có hoa hoặc ra ít hoa.

Thứ hai: Ở giai đoạn ra hoa, khoảng tháng 2, tháng 3 khi nở hoa, đậu quả cần có thời tiết khô ráo và mát mẻ. Nếu nhiệt độ quá lạnh hoặc có mưa phùn thì sẽ làm chết hạt phấn, không đậu được quả hoặc đậu tỷ lệ thấp.

Tuy nhiên, người trồng vải có thể dùng biện pháp cơ giới để hạn chế lộc đông. Đây là kỹ thuật cơ bản của nhà vườn để hạn chế năng suất bấp bênh và hiện tượng ra quả cách năm trên cây vải.

Để cây vải chính vụ có thể phát hoa đúng thời điểm, có chùm hoa lớn sau này cho năng suất cao thì đợt lộc cuối cùng phải nhú trước ngày 31/10. Ở giai đoạn từ đầu tháng 11 đến cuối tháng 12, đối với những cây vải khỏe, có bộ lá dày biểu hiện sức sinh trưởng tốt, đã nhú đợt lộc cuối cùng trong năm trong tháng 10, khi đó không được tưới ẩm cho vườn vải.

Ngoài ra cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật để hạn chế ra lộc đông: Trên các cành cấp 2, cấp 3 dùng dao sắc khoanh đường xoắn từ 1 đến 3 vòng tròn/cành (tùy sức sinh trưởng của cây), vòng nọ cách vòng kia 1,5 – 2cm, vết khoanh vừa chạm đến gỗ. Khi khoanh không được nghiêng dao làm lật vỏ cây. Chỉ khoanh ở những cây đang sung sức, sinh trưởng tốt, có khả năng ra lộc đông, không khoanh ở những cây cằn cỗi. Khoanh ở những cây khi lá đã thành thục, lá đã chuyển sang màu xanh sẫm.

Bớt lại 10 – 15% số cành không khoanh để có đủ nhựa luyện nuôi bộ rễ. Đồng thời với việc khoanh vỏ, tiến hành dùng cuốc vỡ lật đất thành một vòng tròn xung quanh tán cây, chiều rộng 40 – 50cm, sâu 25 – 30cm và để phơi ải. Việc làm này vừa làm đứt rễ tơ đang hoạt động mạnh, vừa làm cho đất chóng khô, hạn chế hút nước và hạn chế ra lộc đông.

Áp dụng biện pháp trên mà cây vẫn ra lộc đông thì có thể dùng thuốc trừ cỏ Ronstar 25EC pha với nồng độ 10cc thuốc/1 bình 10 lít phun để diệt trừ lộc. Cần phun sớm khi lộc mới dài từ 5 – 7cm thì mới có hiệu quả.

Đến khoảng tháng 2 năm sau tiến hành bón phân thúc hoa. Lượng bón 0,15kg đạm urê + 1–2kg Supe lân + 0,1–0,2kg Kali clorua cho 10m2 diện tích bóng tán. Bón vào rãnh quanh bóng tán đã cuốc lật từ đầu mùa đông. Mỗi loại phân thả thành 3 – 5 điểm. Sau đó tiến hành bơm xả nước xả trực tiếp vào cho tan phân và ngấm xuống phần rễ đang hoạt động bên dưới. Khi vườn vải thiều đã phát triển chùm hoa tương đối hoàn chỉnh cần kịp thời diệt trừ sâu tơ, sâu xanh sớm bằng các loại thuốc như Padan 95SP, Sherpa 25EC, Dipterex…

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Chặt cả đồi vải thiều rồi trồng 10.000 cây bưởi xen cam

Ngoài 60 tuổi ông Đỗ Văn Lậm, thôn Bãi Đình, xã An Dương, huyện Tân Yên (Bắc Giang) vẫn ham thiết làm giàu. Ông mạnh dạn chặt bỏ cả đồi vải thiều kém hiệu quả để trồng bưởi xen cam và hiệu quả kinh tế cao bất ngờ.

Tỷ phú Đỗ Văn Lậm chăm sóc những cây cam, bưởi – Hai giống cây đem về tiền tỷ cho gia đình ông

Khu đồi bưởi xen cam xanh thắm, trù phú của gia đình ông Lậm trước đây vốn là đồi vải thiều cằn cỗi. Ông Lậm tâm sự, trước kia, ông vốn làm nghề thợ mộc, sau chuyển sang trồng vải thiều nhưng do chưa có nhiều kinh nghiệm, sức cạnh tranh còn yếu so với vải nơi khác nên sau mấy mùa, ông đành “bấm bụng” chặt hạ đồi vải sau bao năm bỏ công chăm sóc.

Trong một lần thăm nhà người bạn, ông Lậm được giới thiệu về mô hình trồng cây cam, bưởi. Nhận thấy mô hình mới có hiệu quả kinh tế cao, thổ nhưỡng tại đây giống với đất tại vườn nhà nên ông đã quyết tâm học hỏi kỹ thuật canh tác.

Sau khi tích lũy được chút vốn kinh nghiệm nhất định, ông Lậm đầu tư 300 triệu đồng mua 3.000 cây cam Vinh và bưởi Diễn giống về trồng. Những cây cam Vinh, bưởi Diễn sớm phủ xanh diện tích 3ha đồi của ông Lậm.

Từ năm 2011 đến nay, đồi cam Vinh xen bưởi Diễn của ông Lậm cho nhiều vụ bội thu. “Mỗi cân cam, bưởi bán tại vườn có giá từ 25-30 nghìn đồng/kg. Mỗi vụ thu hoạch tôi lãi hàng trăm triệu đồng. Do chất lượng quả tốt, nhiều thương buôn đến đặt mua từ khi quả còn xanh. Nhiều thương lái còn đến đặt cọc tiền trước để giữ vườn…”, ông phấn khởi nói.

Chọn được giống cam, bưởi phù hợp thổ nhưỡng ông Lậm đã thành công viên mãn. Tuổi ngoài 60, lão nông trở thành tỷ phú tiếng tăm trong vùng

Được biết, năm 2016, ông Lậm thu về hơn 20 tấn cam, bưởi. Doanh thu toàn đồi đạt trên 500 triệu đồng. Làm giàu bằng mô hình canh tác mới ông Lậm còn tạo việc làm thường xuyên và thời vụ cho 15 lao động địa phương.

Lão nông tâm sự, hiện tại vẫn đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng bưởi xen cam. Khu vườn hiện nay đã đạt trên 15ha với 3.000 cây bưởi, 10.000 cây cam. Ngoài lợi nhuận từ mô hình trồng cam xen bưởi, ông Lậm còn nhân bán giống bưởi, cam giống thu về 1 khoản không nhỏ. Với giá bán cây giống từ 120-150 nghìn đồng/ cây cam, bưởi giống, mỗi năm ông Lậm “ăn ra” hơn 100 triệu đồng.

Chia sẻ về con đường thành công ông Lậm bảo, ông phải đầu tư thời gian thường xuyên đến Hưng Yên, Lục Ngạn (Bắc Giang) để học hỏi kỹ thuật. Ông Lậm lưu ý, trồng giống cây gì cần chú ý cẩn trọng xem cây đó có phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu địa phương hay không. Nếu giống cây không thích hợp sẽ cho năng suất, chất lượng kém…

Theo danviet.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Nông dân Bắc Giang trúng đậm vụ vải nhờ áp dụng khoa học

Được lựa chọn thí điểm áp dụng khoa học giúp vải chín sớm, anh Nguyễn Thanh Lâm vui mừng thắng lớn 300 triệu vụ này.

Người nông dân vui mừng khi trúng đậm vụ vải

Bước vào vườn vải chín sớm rộng 2,5 ha của anh Nguyễn Thanh Lâm (xã Liên Sơn, huyện Tân Yên, Bắc Giang), nhiều thương lái tỏ ra ngạc nhiên khi vải nhà anh quả to đều và đẹp hơn những vườn gần đó. Bóc một quả vải ăn thử, họ càng ngạc nhiên hơn vì quả vải ngọt thơm không thua kém vải chính vụ. Anh Lâm cho biết tất cả nhờ được áp dụng khoa học kỹ thuật.

Tháng 6/2016, Viện Địa lý – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đến đặt vấn đề với một số hộ dân trồng vải ở Bắc Giang, trong đó có gia đình anh Lâm, về việc thực hiện đề tài nghiên cứu thực trạng và biện pháp kỹ thuật tổng hợp duy trì, nâng cao độ phì đất, góp phần tăng năng suất và ổn định chất lượng vải thiều.

“Tôi đã khá lo lắng khi được chọn làm thí điểm đề tài của các nhà khoa học vì trước đó bà con ở huyện Tân Yên chúng tôi chỉ chăm sóc cây vải theo phương thức truyền thống hay quy trình VietGAP. Bây giờ, họ chỉ lấy mẫu đất về phân tích để xem thừa, thiếu chất dinh dưỡng nào khiến tôi lo sợ sẽ mất trắng cả vụ vải”, anh Lâm nói.

Tuy nhiên, sự lo lắng của anh Lâm được xua tan dần khi các nhà khoa học thường xuyên trực tiếp đến vườn vải kiểm tra. “Khi vải bắt đầu nhú hoa, các anh ấy đã cho tôi phân bón lá, phân bón gốc và hướng dẫn chi tiết quy trình bón phân. Các anh còn dặn phải ghi chép đầy đủ ngày, giờ chăm sóc vào một cuốn sổ và báo cáo lại qua điện thoại”, anh Lâm nói và cho biết đã hoàn toàn tin tưởng khi tỷ lệ đậu hoa và quả cao hơn mọi năm từ 20 đến 30%.

Đến ngày thu hoạch, chủ vườn vải “mừng ra mặt” khi sản lượng đạt hơn 10 tấn/ha, tăng gấp rưỡi so với trung bình hàng năm và gấp 3 lần năm ngoái. Giá trị quả vải cũng tăng đáng kể. Giá bán tại gốc đầu mùa là từ 30 đến 35 nghìn/kg. “Tôi đã có ý định phá vải để trồng bưởi hoặc cam canh sau vụ này. Nhưng với sản lượng như vậy, tôi quyết định sẽ tiếp tục chăm cây vải”, anh Lâm chia sẻ.

Có diện tích chỉ khoảng 7.000 m2 với 350 gốc vải chín sớm, anh Ngô Văn Cường (xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên) vui mừng khi vụ năm nay, anh thu về khoảng 300 triệu đồng. “Quả vải đều, đẹp hơn mọi năm và không bị sâu cuống, chất lượng hơn hẳn vải được chăm sóc theo cách truyền thống. Tôi bán khoảng 30 nghìn/kg tại vườn, cao hơn giá thị trường từ 5 đến 7 nghìn”, anh Cường thông tin.

Theo chủ vườn này, quy trình chăm sóc cây vải do Viện Địa lý hướng dẫn không vất vả hơn so với chăm sóc truyền thống nhưng hiệu quả hơn hẳn. “Nhiều hộ xung quanh cứ hỏi có bí quyết gì để quả vải đẹp vậy. Họ còn trách tôi vì sao không chia sẻ cách làm cho họ”, anh Cường cười nói và hy vọng các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục mở rộng đề tài để không chỉ gia đình anh mà cả huyện được hỗ trợ về khoa học kỹ thuật.

Theo kết quả báo cáo của chủ nhiệm đề tài, các mô hình thực nghiệm vải chín sớm Phúc Hòa có hơn 2.300 hoa/chùm, số quả trung bình đạt hơn 7 quả/chùm, tăng so với các hộ dân không thực hiện mô hình 31,8%. Về hình thức, quả vải to và đỏ hơn. Về chất lượng, vải ngọt và không bị sâu cuống. Năng suất tăng từ 15 đến 20%, sản lượng rơi vào khoảng 15-17 tấn/ha.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang cho biết đề tài do Viện Địa lý làm thí điểm là đề tài nghiên cứu khoa học đầu tiên liên quan đến nghiên cứu đất và biện pháp canh tác vải mà các nhà khoa học trực tiếp tham gia.

“Ban đầu, người dân cũng chưa tin lắm, vẫn còn khó khăn trong quá trình chọn hộ nhưng khi chọn được rồi, họ tuân thủ rất đúng sự hướng dẫn của các nhà khoa học nên kết quả rất tốt. Theo báo cáo của người dân, sản lượng trung bình tăng 20%, thậm chí có vườn tăng 30%”, ông Kiên nói.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Chính sách trong ngành trồng vải của Úc

Ngành trồng vải của Úc đã phát triển từ một ngành non trẻ vào giữa năm 70 của thế kỷ trước cho đến nay đã có hơn 300 người trồng vải trên diện tích hơn 800 ha, với khoảng 4.000 cây vải, sản xuất khoảng 2.000-3.000 tấn vải, trị giá khoảng 10-15 triệu AUD mỗi năm. Sản lượng dự báo vẫn ở mức tương tự trong vòng 5 năm tới.

Vải thiều

Trong thời gian cuối những năm 1990 ước tính có tới 30-35% sản lượng vải của Úc được xuất khẩu, tức là khoảng 700 đến 1.000 tấn/năm. Kim ngạch xuất khẩu đã giảm mạnh kể từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001 và hạn chế kiểm dịch đã được đặt ra cho trái cây nhập khẩu vào Trung Quốc. Hiện nay, theo ước tính của Hiệp hội những người trồng vải của Úc, kim ngạch xuất khẩu đã giảm xuống chỉ còn 500-600 tấn mỗi năm. Nếu vải có thể thâm nhập lại thị trường Trung Quốc thì có thể đạt được mục tiêu mở rộng thị trường của ngành vải Úc.

Tuy là một ngành nhỏ với sản lượng và kim ngạch xuất khẩu không đáng kể so với các ngành hoa quả khác nhưng ngành trồng vải của Úc vẫn hoạt động khá bài bản.

Chính phủ Úc đánh thuế đối với các hoạt động trồng, sản xuất và xuất khẩu vải, cụ thể như sau:

  • Vải tươi: 8 cent/kg
  • Chế biến vải: 1 cent/kg
  • Xuất khẩu vải: 8 cent/kg

Các khoản thuế này sẽ được dùng để tài trợ cho mục đích nghiên cứu và phát triển, tiếp thị, kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, các chương trình an toàn sinh học, và các chương trình hỗ trợ khẩn cấp cho ngành.

Chọn giống là một trong những ưu tiên tài trợ của Chính phủ Úc. Hiện nay, có 8 giống vải đang được trồng tại Úc có hạt nhỏ, có thể bán giá cao và giống vải thu hoạch sớm của Bắc Queensland.

Một số giống mới đang tiếp tục được chọn thông qua Chương trình chọn giống do ngân sách Chính phủ và ngành vải tài trợ, cộng thêm việc nhập khẩu giống cây tốt từ nước ngoài trong đó có giống vải không hạt. Các giống mới ở trong nước đang được Hiệp hội những người trồng vải (ALGA) trồng thử, do Tổ chức Nghiên cứu khoa học và công nghiệp liên bang (CSIRO) cung cấp hạt giống.

Tiếp thị trong nước và thúc đẩy xuất khẩu cũng là một trong những mục tiêu ưu tiên của ngành.

Vải được phân phối phần lớn tại thị trường trong nước thông qua hai nhóm tiếp thị. Nhóm thứ nhất có tên là United Lychee Marketing Authority – ULMA, có thương hiệu vải là “Sun Lychee” Đây là một liên minh những người trồng vải ở tất cả các vùng, số lượng thành viên và mức độ ảnh hưởng của nhóm này đang ngày càng tăng lên. Nhóm thứ hai có tên là Top Crop, hoạt động ở vùng phía Bắc Queensland.

Toàn bộ vải xuất khẩu của Úc được tiêu thụ bằng tên gọi là “quả vải tươi” do vận chuyển bằng đường hàng không, bằng thùng giữ lạnh. Vải của Úc có lợi thế hơn so với các sản phẩm của nước khác do mùa thu hoạch kéo dài và không trùng với mùa thu hoạch của các nước trồng vải lớn trên thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam… Vải của Úc có năng suất cao và được đánh giá là cao cấp do chất lượng sạch, không sử dụng hoá học trong trồng trọt và bảo quản.

Dù là một ngành nhỏ nhưng Úc có Hiệp hội những người trồng vải hoạt động khá hiệu quả. Hiệp hội đã xây dựng Chiến lược đầu tư và Chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu trái vải của Úc, trong đó mục tiêu đặt ra đến năm 2017, Úc sẽ xuất khẩu 50% tổng sản lượng.

Hiệp hội cũng tiến hành nhiều hoạt động nghiên cứu về thị trường như thói quen tiêu dùng, đối tượng tiêu dùng, khuynh hướng tiêu dùng và tiêu thụ trái vải để từ đó xây dựng chiến dịch quảng bá, tiếp thị cũng như cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm. Ví dụ, Hiệp hội này đang nghiên cứu để đưa vào áp dụng một hộp đựng vải có nắp nhựa mới. Hộp này được dùng để hạn chế tình trạng mất nước và giữ cho vỏ có màu đỏ lâu hơn. Hiệp hội cũng đang có một Chiến dịch quảng bá tiếp thị khẩu hiệu được đưa ra là “Live it up with Lychees”.

Qua đây có thể thấy, mặc dù đây là một ngành nhỏ, sản lượng xuất khẩu không đáng kể nhưng Chính phủ vẫn quản lý và khuyến khích phát triển một cách hợp lý nhằm đưa ra thị trường một sản phẩm với chất lượng hoàn hảo và mỗi sản phẩm xuất khẩu của Úc đều đảm bảo được chất lượng và thương hiệu, từ đó các sản phẩm nông nghiệp của Úc thường được bán giá cao trên thị trường nước ngoài.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Đắk Lắk : Trồng vải thiều trên đất kém dinh dưỡng đem lại hiệu quả kinh tế cao

Nhiều hộ gia đình ở Đắk Lắk đã trồng thành công cây vải trên vùng đất kém dinh dưỡng, đem lại hướng đi mới trong phát triển kinh tế.

Trồng vải trên đất kém dinh dưỡng nhưng người dân Đắk Lắk vẫn thu về lợi nhuận kinh tế cao

Những năm qua, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích đất canh tác kém hiểu quả sang đầu tư vào trồng vải thiều. Nhiều nông hộ đã trồng thành công cây vải thiều trên vùng đất kém dinh dưỡng, đem lại hướng đi mới trong phát triển kinh tế.

Ea Kar hiện là huyện có diện tích trồng vải thiều nhiều nhất tỉnh, đặc biệt, cây vải thiều ở đây chủ yếu được trồng trên các vùng đất bạc màu, kém dinh dưỡng, nhưng lại cho năng suất cao và ổn định.

Anh Đỗ Công Hải, thôn 2, xã Ea Sar, huyện Ea Kar cho biết, gia đình anh hiện có 1 ha vải thiều, sản lượng ước tính gần 20 tấn, được thương lái mua tại vườn với giá 50.000 đồng/kg. Trừ chi phí sản xuất, nhân công gia đình anh thu lãi hàng trăm triệu đồng.

Anh Hải cho biết thêm, cây vải không kén đất, có thể trồng trên đất khô cằn và cho sản lượng cao, điều quan trọng là phải nắm được kỹ thuật canh tác, điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm và quá trình sinh trưởng của cây cho phù hợp với đặc thù khí hậu vùng Tây Nguyên.

Nếu nắm được kỹ thuật chăm sóc và điều khiển được thời gian ra hoa, đậu quả thì đảm bảo năng suất và giá thành ổn định, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Cũng trồng vải thiều trên đất bạc màu, ông Đinh Văn Đá, thôn 2, xã Ea Sô, huyện Ea Kar chia sẻ, trước đây, gia đình ông chủ yếu trồng điều nhưng do năng suất thấp, giá thành không ổn định, năm 2012, ông chuyển đổi 2 ha đất sang trồng cây vải thiều.

Năm nay, ông có 1 ha vải thu hoạch, sản lượng đạt khoảng 10 tấn, trừ chi phí sản xuất ông thu khoảng 450 triệu đồng. “Nếu áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc và điều chỉnh được quá trình sinh trưởng của cây thì chắc chắn vải thiều sẽ đem lại nguồn lợi kinh tế cao, không thua kém gì các cây công nghiệp khác” ông Đá khẳng định.

Ông Trần Văn Âm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Sar, huyện Ea Kar cho biết, trên địa bàn xã đã có nhiều hộ chuyển đổi một phần diện tích đất kém dinh dưỡng để trồng vải thiều, bước đầu cây vải đã đem lại thu nhập khá cao cho người nông dân.

Hiện xã Ea Sar đã trồng thử nghiệm 16 mô hình vải thiều với 1.600 cây đã ra hoa, nếu cây phát triển tốt, cho năng suất ổn định thì địa phương xác định cây vải là một trong những cây có thể làm giàu cho người nông dân trên địa bàn xã.

Theo Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk, cây vải ở Đắk Lắk có ưu thế chín và thu hoạch vào tháng 4 – 5 hàng năm, sớm hơn vải của miền Bắc một tháng nên giá thành cao.

Tuy nhiên, ở Đắk Lắk có nhiều vùng sinh thái khác nhau, khí hậu không ổn định, hơn nữa cây vải đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc tỉ mỉ, khó điều khiển thời điểm ra hoa, đậu quả, vì vậy, Chi Cục cũng khuyến cáo người dân nên thận trọng khi mở rộng diện tích và chuyển đổi cây trồng.

Hiện toàn tỉnh Đắk Lắk có 297 ha vải thiều, tập chung chủ yếu ở các huyện Ea Kar Krông Năng, M’ Đrăk, thị xã Buôn Hồ…

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Thương lái Trung Quốc giàu to nhờ vải thiều Việt Nam mọc từ thân

Thương lái Trung Quốc mua giống vải thiêu mọc từ thân tại vườn với giá 35.000 đồng/kg nhưng về nước lại hét giá 350.000-400.000 đồng/kg.

Vải thiều có cơm dày và thơm

Bội thu từ vải thiều mọc từ thân

Là một trong số ít người đầu tiên có vườn vải thiều mọc từ thân, ông Trần Văn Hành thôn Chão Cũ (Giáp Sơn, Lục Ngạn, Bắc Giang) cho biết cách đây 3 năm, trong quá trình chăm sóc, ông phát hiện một số cây có mầm mọc từ thân đã ra hoa, trổ quả thành từng chùm.

Sau quá trình sinh trưởng, phát triển, nhận thấy quả vải ra từ thân cây, mọng to, mã đẹp, năng suất cao hơn hẳn quả ra từ đầu ngọn cây, ông đã duy trì những cây này, áp dụng phương pháp trồng cho những vụ tiếp đó.

Từ một vài cây thử nghiệm, đến nay, gia đình ông có 2,5 ha. So với phương pháp cũ, cách trồng này mới giúp tăng 20% sản lượng. “Bình quân mỗi năm gia đình thu hoạch khoảng 30 tấn, giá bán chưa bao giờ dưới 25.000 đồng một kg”, ông nói. Đây là mã hàng được hầu hết các thương lái Trung Quốc săn tìm, thu mua bởi đáp ứng yêu cầu của thị trường này.

Vụ này, gia đình ông Hành đã hái bán được 20 tấn, số còn lại cũng đã được các thương lái đặt cọc để thu mua trong một vài ngày tới. Năm nay được giá, nên vải quả mọc từ thân dao động từ 25.000-30.000 đồng một kg. Dự kiến cả vụ ông có thể thu 600-700 triệu đồng.

Cũng như gia đình ông Hành, vụ vải thiều năm nay, gia đình anh Phan Văn Bảo, thôn Cầu Đền, xã Thanh Hải (Lục Ngạn) áp dụng phương pháp cho quả vải ra trên thân, cành cây.

Quả vải ra trên thân, cành cây

Anh Bảo cho biết: “Hai năm trước, tôi được Hội Nông dân xã cử sang xã Giáp Sơn tham quan thực tế và tập huấn kỹ thuật khoanh vỏ cho vải ra quả trên cành, thân. Vụ đó tôi làm thử nghiệm vài cây, sau thấy năng suất hơn hẳn những cây cho ra quả theo cách thông thường nên năm nay tôi áp dụng phương pháp này cho cả vườn vải 2 ha. Cây nào cũng sai quả, mã đẹp hơn, ít bị sâu bệnh. Năng suất ước đạt 12 tấn, tăng 5 tấn so với vụ trước. Hiện nay, không riêng gia đình tôi, nhiều hộ khác trong thôn cũng làm theo”.

Cũng áp dụng phương pháp trên trong chăm sóc vườn vải thiều, anh Trần Văn Út, thôn Chão Cũ, xã Giáp Sơn cho biết, cây vải cần được tỉa thưa tán, tạo độ thông thoáng để kích thích ra một lớp lộc non từ thân, cành cùng một lúc. Người làm vườn có thể chủ động điều tiết số lượng mầm hoa bằng cách tỉa bớt những mầm đã có ở thân, để lại những mầm chính. Vào giữa tháng 12 dương lịch, bà con dùng lưỡi cưa khoanh một vòng tròn quanh phần vỏ cây nhằm hạn chế sự vận chuyển chất dinh dưỡng đi nuôi các cành phụ và ngọn.

Áp dụng cách làm này, vải thiều cho quả to, đều, mã đẹp, năng suất cao, chất lượng tốt, dễ thu hoạch, không bị gió va đập và lá che kín, giảm tỷ lệ dập và thối quả.

“Những năm trước, mỗi vụ vải tôi phải thuê 6-10 nhân công ăn ngủ tại nhà để thu hoạch, chi phí mất khoảng 10 triệu đồng. Từ khi áp dụng phương pháp mới, tôi không phải thuê người làm, chi phí thuốc bảo vệ thực vật giảm, năng suất tăng từ 12-15%. Đặc biệt, quả vải mọc từ thân thường to hơn so với quả trên ngọn, dễ bán, giá cao hơn thị trường từ 5-10 nghìn đồng/kg. Vụ này, 1 ha vải nhà tôi ước thu hoạch được 16 tấn quả, tôi vừa bán gần một tấn với giá 25 nghìn đồng/kg, cao hơn giá vải thường 5 nghìn đồng/kg”- Anh Út chia sẻ.

Ngoài xã Thanh Hải, Giáp Sơn, hiện nay nhiều nông dân tại các xã: Nghĩa Hồ, Qúy Sơn, Hồng Giang, Tân Mộc, Phượng Sơn… cũng áp dụng phương pháp cho vải thiều ra hoa đậu quả trên thân, cành. Kỹ thuật này giúp vải thiều Lục Ngạn ngày càng nâng cao giá trị.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Giá vải thiều Bắc Giang sẽ đắt đỏ do thời tiết khắc nghiệt

Với việc từ đầu năm đến nay, thời tiết tại Bắc Giang nói riêng và tại miền Bắc nói chung luôn ở mức nhiệt độ cao so với trung bình hàng năm. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc ra hoa của cây vải. Vậy nên, theo nhiều người nông dân trồng vải tại đây, năm nay vải Bắc Giang sẽ mất mùa và giá có thể đẩy lên cao. Thị phần dành cho trong nước sẽ hạn chế và ưu tiên cho thị phần xuất khẩu. Cùng với đó, nhiều nông dân trồng vải tại Bắc Giang đang tính đến phương án chuyển đổi cây trồng thay thế.

Vải thiều Bắc Giang

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang năm 2016 đạt sản lượng vải thiều khoảng 91.508 tấn, giá bán bình quân đạt 22.000 đồng/kg quả tươi, tổng giá trị sản xuất vải thiều đạt 2.013 tỷ đồng. Vụ vải năm 2016, vải thiều Lục Ngạn đã được tiêu thụ nội địa khoảng 43.400 tấn và xuất khẩu khoảng 48.108 tấn sang các nước Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Australia, Anh, Malaysia….

Tuy nhiên, năm nay, do tình hình thời tiết thất thường với nhiệt độ trung bình hàng năm tăng cao, cây vải Bắc Giang không ra hoa đều như mọi năm. Theo nhiều người nông dân tại Bắc Giang, so với những năm trước tỉ lệ ra hoa chỉ đạt khoảng 30%. Như vậy, so với sản lượng năm trước, năm nay thị trường sẽ thiếu hụt khoảng 70 – 80% sản lượng vải Bắc Giang. Vì là vải mất mùa, cùng với việc sẽ ưu tiên cho xuất khẩu nên thị phần trong nước giá vải có thể tăng cao.

Cô Nguyễn Thị Toan (Lục Ngạn – Bắc Giang) dự báo , giá vải năm nay sẽ tăng cao. Có thể tăng gấp đôi, gấp ba những năm trước. Cùng với đó, thị trường trong nước sẽ khan hiếm và vải nguyên liệu để chế biến các sản phẩm công nghiệp khác như vải sấy khô, mứt vải, nguyên liệu làm bánh kẹo cũng sẽ hạn chế.

“Thời tiết từ đầu năm đến nay ấm liên tục khiến cho cây vải không ra hoa. Sản lương vải giảm mạn. Do đó, giá vải sẽ tăng cao kỉ lục. Nếu những năm trước khoảng 15.000 đồng – 25.000 đồng/kg thì năm nay, vải Bắc Giang sẽ có mức giá trung bình khi vào mùa khoảng 35.000 – 50.000 đồng và có thể sẽ đắt hơn do thị trường khan hiếm. Và đương nhiên, vải đặc sản sẽ dành cho xuất là chính vì sản lượng không nhiều”, cô Toan nói.

Với hơn 1 Hecta trồng vải, gia đình anh Phúc Hòa An (Lục Ngạn – Bắc Giang) cũng ước tính, sản lượng năm nay sẽ giảm hơn 70% so với những năm trước. Nhiều cây vải không ra hoa, thậm chí thời điểm này, vải đã đậu quả. Tuy nhiên, nhìn cả đồi vải vẫn xanh mướt một màu lá.

“Mọi năm, tầm này vải bắt đầu có cùi non. Tuy nhiên năm nay vẫn chỉ thấy lá và chồi, lộc vươn lên, đây chính là tình tạng “ngủ đông” của vải. Nếu những loại cây khác thường thích hợp với thời tiết ấm, nóng thì riêng cây vải lại ngược lại. Trời lạnh thì sẽ cho ra hoa, còn nóng và âm u sẽ bị thui chột và chỉ ra lộc. Thế nên, năm nay, vải mất mùa. Giá vải sẽ đẩy lên cao vì không có nhiều để bán, đồng nghĩa với việc năm nay người nông dân cũng sẽ bị lỗ vốn”, anh Hòa An cho biết.

Thời tiết khan hiếm khiến cho vải thiều trở nên đắt đỏ

Theo anh Hòa An, chỉ cần khoảng thời gian sau Tết thời tiết có chừng 20 ngày rét đậm dưới 15 độ C thì cây vải sẽ phân hóa mầm hoa và không dẫn đến tính trạng cả đồi vải chỉ toàn lá như hện nay. Tuy nhiên, năm nay gần như không có mùa Đông nên thời gian ra hoa cũng không xuất hiện và nhiều người nông dân như anh An tại Bắc Giang đang tính đến phương án chuyển đổi giống cây trồng khác.

“Một năm chỉ trông chờ vào một vụ vải. Thời tiết thì liên tục dự báo nóng dần lên. Vậy nguy cơ cây vải sẽ tuyệt chủng là rất lớn. Công chăm sóc, phân bón đổ cả vào 1 hecta vải, giờ thì thu hoạch không được như mong đợi. Nên có thể, chúng tôi sẽ chuyển đổi mô hình trồng cây khác. Bám lấy cây vải e rằng không có tương lai”, anh An buồn bã nói thêm.

Ông Lê Bá Thành, Phó chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết: Sau khi thu hoạch vụ vải năm 2016, bà con chăm sóc vải rất tốt. Tuy nhiên, trong tháng 11, 12/2016 và tháng 1/2017, nhiệt độ cao hơn trung bình các năm từ 1- 3 độ C nên đến nay 70% diện tích vải trên địa bàn không ra hoa mà chỉ ra lá. Đây là lần đầu tiên tình trạng vải mất mùa do không ra hoa xảy đến với bà con nông dân.

Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang thì năm nay, gần 10.000 ha vải của tỉnh này thay vì ra hoa đã ra lá. Ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của bà con nông dân dân. Hiện tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang cũng đang tìm biện pháp tháo gỡ những khó khăn giúp bà con nông dân trong việc vải mất mùa.

Tuy nhiên, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang cũng khuyến cáo bà con nên bình tĩnh, không nên vội chuyển đổi cây trồng trước khi có tư vấn của Sở.

Hiện tại, tại thị trường Hà Nội , vải đầu mùa tại Hải Dương (dân gian hay gọi là vải Tu Hú) đã bày bán với mức giá dao động từ 40.000 – 60.000 đồng/kg. Tuy nhiên, đây là loại vải có vị chua và không dày cùi như vải đặc sản Bắc Giang.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Ước tính bán 100.000 tấn vải thiều sang Thái Lan, Canada

Bên cạnh việc duy trì xuất khẩu sang các thị trường truyền thống như: Trung Quốc, Mỹ, EU…, năm nay vải thiều Bắc Giang sẽ được xuất sang các thị trường mới như: Trung Đông, Thái Lan, Canada.

Vải thiều 

Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2017 do UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức ngày 27.5.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Giang, năm 2017, sản lượng vải thiều của tỉnh ước tính sẽ đạt khoảng 100.000 tấn, bằng 70% so với năm trước. Trong đó, sản lượng vải thiều VietGap đạt khoảng 40.000 tấn, vải GlobalGap đạt 1.600 tấn. Thời gian thu hoạch vải thiều năm nay dự kiến từ 20.5 đến 15.7.

Do thời tiết nắng nóng kéo dài, rét đến muộn kèm theo rét đậm, rét hại dẫn đến xáo trộn về sinh trưởng của cây vải thiều, khiến vải thiều ra hoa muộn, tỷ lệ ra hoa và đậu quả giảm khoảng 40% so với năm 2016.

“Mặc dù sản lượng giảm nhưng thông qua áp dụng các biện pháp kỹ thuật, chất lượng vải thiều năm nay được đánh giá cao hơn, mẫu mã đẹp hơn so với các năm trước”, UBND tỉnh Bắc Giang cho biết.

Tỉnh Bắc Giang cũng cho biết năm nay sẽ tập trung phát triển cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Hiện vải thiều Bắc Giang đã được kết nối tiêu thụ trong các hệ thống bán lẻ lớn tại Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh lân cận.

Đối với thị trường xuất khẩu, ngoài việc duy trì các thị trường truyền thống như: Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, tỉnh Bắc Giang sẽ mở rộng thị trường sang các nước Trung Đông, Thái Lan và Canada.

Để mở rộng sang các thị trường mới, việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được xem là yếu tố quan trọng. Ông Đinh Văn Hưng – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Xuất nhập khẩu Hùng Thảo cho biết để hoạt động thu mua, tiêu thụ các mặt hàng nông sản thị trường trong nước và nước ngoài được thuận lợi, các Bộ, ngành và tỉnh Bắc Giang cần đẩy mạnh công tác quảng bá giới thiệu các mặt hàng nông sản, đặc biệt với trái vải.

Nâng cấp, cải tạo hệ thống đường giao thông, đặc biệt quốc lộ 31 và đường đến trung tâm các xã huyện Lục Ngạn để đảm bảo lưu thông hàng hóa thuận lợi. Đồng thời tạo điều kiện thủ tục đăng ký tạm trú cho thương nhân nước ngoài thuận tiện. Tạo điều kiện về thuế, thông quan tại các cửa khẩu được thực hiện nhanh chóng.

Ông Vũ Đào – Giám đốc Công ty TNHH Phong Sơn Tiệm cho rằng vấn đề đặt ra chính là khâu sơ chế, đóng gói và bảo quản trái vải như thế nào. Hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn phải tự “mày mò”, thậm chí từ khâu trồng trọt, chăm sóc, thu hái đến sơ chế, đóng gói bảo quản để xuất khẩu.

“Doanh nghiệp xuất khẩu chỉ mong muốn có một nhà sản xuất cung ứng được thành phẩm trái vải thiều tươi, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi bất cứ thị trường nào. Vì vậy để làm được điều này, tỉnh Bắc Giang cần tiến tới 100% diện tích trồng vải theo các tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, đề ra các giải pháp sát thực để trực tiếp hỗ trợ cho công nghệ sơ chế, bảo quản trái vải thiều sau thu hoạch”, ông Vũ Đào chia sẻ.

Rút ngắn thời gian xuất khẩu nhằm bảo vệ chất lượng cho vải thiều

Về phía cơ quan hải quan, ông Hoàng Khánh Hòa – Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn cho rằng các doanh nghiệp, thương nhân nên thay đổi phương thức kinh doanh từ kinh doanh chợ bằng phương thức kinh doanh ngoại thương. Mua bán với đối tác có uy tín, đúng quy trình ngay từ khâu thu hoạch, đóng gói, tránh vướng mắc trong quá trình làm thủ tục xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam và nhập khẩu của thương nhân Trung Quốc. Các thương nhân, doanh nghiệp cần thường xuyên phối hợp cung cấp thông tin cho cơ quan hải quan và các cơ quan chức năng để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ kịp thời.

Ngoài ra, các doanh nghiệp, thương nhân cần nắm bắt kịp thời thông tin hàng hóa tại cửa khẩu hàng ngày, tình hình thông quan hàng hóa để tránh ách tắc, dồn ứ hàng hóa ở cửa khẩu, ảnh hưởng đến chất lượng vải xuất khẩu, tăng chi phí kinh doanh, lãi suất thấp.

Chia sẻ về việc thu mua vải thiều tỉnh Bắc Giang, ông Thang Thành Vỹ – Chủ tịch Hiệp hội xuất nhập khẩu hoa quả Thị Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) cho rằng phía Việt Nam nên sớm nghiên cứu phương pháp bảo quản vải thiều, đặc biệt đối với các nguyên liệu bảo quản như nước đá, thùng xốp, bên cạnh đó là thực hiện nhanh, gọn hơn các thủ tục thông quan nhằm rút ngắn thời gian đưa quả vải thiều sang Trung Quốc.

“Vì khi sang đến Trung Quốc, chúng tôi còn phải vận chuyển vải đến rất nhiều nơi xa xôi như Bắc Kinh, Thượng Hải”, ông Thang cho hay.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Kỷ lục 10 năm: Vải thiều Bắc Giang mất mùa, giá tăng mạnh

Sản lượng vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang năm nay ước đạt 100.000 tấn, bằng 70% sản lượng năm 2016. Trong đó, tại thủ phủ vải thiều Lục Ngạn, sản lượng giảm một nửa, thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Vải mất mùa, nhiều vườn vải sản lượng giảm tới 50%

Dân thiệt hàng trăm triệu đồng

Theo báo cáo của tỉnh Bắc Giang, cuối năm 2016, đầu năm 2017, do có những biến động lớn về khí hậu, thời tiết thay đổi, nắng nóng kéo dài, rét đến muộn kèm theo rét đậm, rét hại kéo dài dẫn đến xáo trộn về sinh trưởng và phát triển của cây vải thiều ; kéo theo đó, vải thiều năm nay ra hoa muộn, tỷ lệ ra hoa và đậu quả giảm 40% so với năm 2016.

Sản lượng vải thiều ước đạt 100.000 tấn, bằng 70% so với năm 2016. Trong đó, diện tích vải thiều sớm sản lượng khoảng 26.000 tấn, vải thiều chính vụ đạt khoảng 74.000 tấn.

Đáng chú ý, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn – thủ phủ vải thiều của Bắc Giang, thừa nhận, năm 2017, do ảnh hưởng của thời tiết nên sản lượng vải thiều Lục Ngạn giảm hơn so với năm 2016, ước đạt 40.000-50.000 tấn, trong khi hàng năm, với diện tích hơn 16.000 ha, sản lượng hàng năm trước đạt 100.000 tấn/năm.

Ông Bình cho biết, vụ vải năm 2017 dù có sản lượng thấp nhất trong vòng 10 năm gần đây, song vải thiều Lục Ngạn vẫn có số lượng lớn, đủ cung cấp ra thị trường. Đặc biệt là chất lượng, mẫu mã quả vải được nâng cao do có sự quan tâm, đầu tư chăm sóc, giám sát quy trình chặt sẽ hơn.

Thực tế, theo ghi nhận của PV.VietNamNet tại thủ phủ vải thiều huyện Lục Ngạn, một số vườn vải chỉ có lá không có quả. Vườn nào trồng vải thiều chính vụ mới đang vào cùi, quả còn xanh, trong khi đó, vải chín sớm quả ăn vẫn còn chua và khoảng một tuần nữa mới bắt đầu thu hoạch.

Đứng trước vườn vải của gia đình mình, anh Phùng Trần Hoan ở thôn Kép 1, xã Hồng Giang (Lục Ngạn), chỉ tay: “Vườn vải năm nay toàn lá, có quả đâu, mất mùa nên gần như mất trắng hết”.

Theo anh Hoàn, năm trước, sản lượng vải nhà anh đạt 6 tấn, nhưng năm nay mùa đông không lạnh, không có mưa nên vải thiểu ở xã Hồng Giang không thể ra hoa đậu quả.

“Với sản lượng vải năm nay tại vườn chỉ đạt 5-6 tạ, gia đình dự tính thiệt hại cả 100 triệu đồng bởi tiền vải thu được không thể bù được tiền công, tiền phân bón”, anh chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Hiền, một hộ dân trồng vải thiều tịa xã Tân Mộc (Lục Ngạn) cho biết, năm nay, hầu hết các vườn vải trong vùng đều chịu cảnh mất mùa do thời tiết diễn biến thất thường khiến tỷ lệ cây vải ra hoa và đậu quả thấp, đặc biệt, vải chính vụ tỷ lệ mất mùa cao, sản lượng ước giảm 50% so với năm ngoái.

“Trong xã này cũng thế, duy nhất chỉ có các vườn vải trong thôn của ông là vẫn giữa được sản lượng như vụ vải trước”. Tuy nhiên, theo ông Hiền, tuy vải mất mùa nhưng lại được giá. Cụ thể, với loại vải chín sớm, giá bán tại vườn đang dao động từ 25.000-35.000 đồng/kg, cao hơn 10.000 đồng/kg so với năm ngoái.

Còn với vải chính vụ, bây giờ mới bắt đầu vào cùi, song chất lượng vải được đánh giá là tốt, mẫu mã đẹp hơn những năm trước rất nhiều. Song, vải sẽ cho thu hoạch muộn hơn năm trước tầm nửa tháng, tức phải vào thời điểm giữa tháng 6 mới có vải chính vụ.

Trung Quốc: Thị trường xuất khẩu chính

Tại Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2017 vừa mới được tổ chức, ông Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Giang, cho biết, vải thiều của tỉnh này sẽ tiêu thụ tại hai thị trường chính là nội địa và xuất khẩu.

Trong nước, Bắc Giang xác định Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh lân cận là thị trường quan trọng. Vải thiều Lục Ngạn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap đã được kết nối tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị lớn như Metro, Co.opmart, BigC, Happro. Ngoài ra còn có các chợ đầu mối hoa quả ở Hà Nội, TP.HCM. Ngoài ra, mở rộng, phát triển thêm thị trường mới ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

Còn với thị trường xuất khẩu, Trung Quốc vẫn được xác định là thị trường truyền thống với thị phần sản phẩm vải thiều tươi là chủ yếu. Bên cạnh đó, tập trung nâng cao sản lượng vải thiều xuất khẩu sang các thị trường khác như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Malaysia.

Trung Quốc chính là nơi xuất khẩu vải chính

“Năm nay sẽ mở rộng thêm thị trường sang các nước Trung Đông, Dubai, Thái Lan, Canada,… ”, ông Thái nói và cho biết thêm, dự kiến tổng sản lượng tiêu thụ vải thiều trong nước chiếm 50%, 50% còn lại sẽ xuất khẩu.

Theo thông tin từ tỉnh Bắc Giang, đoàn Trung Quốc gồm 77 người, trong đó có khoảng 65 doanh nghiệp Trung Quốc đã sang thăm vùng vải Bắc Giang để chuẩn bị cho công tác thu mua vải thiều xuất sang thị trường này.

Đại diện các địa phương có đường biên giới với Trung Quốc như Lạng Sơn, Lào Cai đều khẳng định sẽ tạo điều kiện thuận lợi hết sức cho vải thiều Bắc Giang sang Trung Quốc, như thời gian thông quan không quá 20 phút/xe, giúp vải được xuất sang Trung Quốc nhanh chóng, tránh tình trạng ách tắc.

Năm nay, các lực lượng chức năng tại Hà Khẩu đã đồng thuận cho phép xe tải cỡ lớn của Việt Nam được vận chuyển thẳng qua cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành, giúp giảm chi phí bốc xếp hàng hóa và cước phí vận tải, đại diện Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Lào Cai cho hay.

Song, ông Đinh Văn Hưng, Giám đốc một doanh nghiệp chuyên thu mua xuất khẩu vải thiều, cho rằng, cần nâng cấp, cải tạo hệ thống đường giao thông, đặc biệt quốc lộ 31 và đường đến trung tâm các xã huyện Lục Ngạn để đảm bảo lưu thông hàng hóa thuận lợi. Đồng thời, tạo điều kiện thủ tục đăng ký tạm trú cho thương nhân nước ngoài thuận tiện.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Kỹ thuật trồng vải thiều

Vải là cây có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao, tuy nhiên vải rất khó bảo quản tươi nên khi thu hoạch xong cần xuất bán, tiêu thụ ngay. Có 3 giống vải thiều là: Vải thiều Thanh Hà, Vải thiều Phú Hộ và vải Xuân Đỉnh.

Vải thiều

I. Các giống vải thiều

1. Vải thiều Thanh Hà: Quả gần tròn, vỏ quả đỏ vàng, quả nhỏ, trọng lượng 15-20gr/ quả, hạt lép, tỷ lệ cùi/quả 74%, ráo nước, ngọt thanh, thơm, hơi có vị chua, chín vào tháng 6, tính ổn định cao.

2. Vải thiều Phú Hộ: có 2 dạng quả, quả đít nhọn, hạt lép và quả đít bằng hạt to. Vỏ quả đỏ thắm, quả to, trọng lượng quả 30gr/quả, tỷ lệ cùi/quả 70%, ráo nước, chín sớm hơn vải Thanh Hà 5-7 ngày.

3. Vải Xuân Đỉnh: Đặc điểm gần giống vải Thanh Hà, quả to hơn, vỏ quả màu đỏ thắm, chất lượng ngon.

II- kỹ thuật trồng và chăm sóc

1. Chọn đất: Cây vải không kén đất, yêu cầu quan trọng nhất của đất trồng vải là phải thoát nước, tầng đất dày, tuy nhiên đối vỏi trồng bằng cành chiết, bộ phận rễ phát triển kém, đưa lên đồi phải giữ ẩm tốt và giữ cho cây khỏi lay gốc để đảm bảo tỷ lệ sống sau trồng cao.

– Đối với đất đồi, trồng vải phải chọn nơi có độ dốc thấp dưới 250C, nhất thiết phải trồng theo đường đồng mức và phải có băng cây chống xói mòn.

2. Thời vụ trồng:

– Vụ Xuân: trồng tháng 3-4

– Vụ Thu trồng tháng 8-9.

3. Mật độ trồng: 400 cây/ha, khoảng cách trồng 6m x 4m.

4. Đào hố trồng:

– Đất bằng, thấp, đào hố rộng 70-80 cm, sâu 70 cm; đất đồi đào hố rộng 70-80 cm, sâu 80-100 cm, lớp đất mặt để một bên.

5. Bón phân lót: Trước khi trồng 1 tháng, trộn 20-30 kg phân chuồng, 0,7 kg phân lân + cỏ + rác + phân xanh lấp kín đến miệng hố rồi lấp đất mặt cho bằng miệng hố.

6. Trồng cây: Khi trồng bới một lỗ nhỏ giữa hố định sẵn, sâu 15-20 cm, đặt cây rồi lấp đất kín bầu, lấy tay ấn chặt ( Chú ý không dùng chân dẫm lên mặt bầu). Trồng xong đóng cọc, buộc cây vào cọc chống gió làm lay gốc-trồng xong tưới nước cho cây.

7. Chăm sóc:

a. Tưới nước: sau trồng phải thường xuyên tưới nước giữ ẩm cho cây chóng bén rễ.

b. Bón phân: Ba năm đầu dùng nước phân pha loãng để tưới. Từ năm thứ 4 trở đi hàng năm bón cho mỗi cây 40-50 kg phân chuồng + 1,5 kg đạm urê + 2kg lân + 0,7 kg kali, chia làm 3 đợt để bón.

Đợt 1: Tháng 10-11, bón 100% phân chuồng + 40% lượng đạm + 40% lượng lân.

Đợt 2: Tháng 12-1, bón thúc lúc phân hóa mầm hoa, bón 40% lượng đạm+ 30% lượng lân + 40% lượng kali.

Đợt 3: Tháng 3-4, bón hết số phân cần bón trong năm.

c. Đốn tỉa, tạo hình:

– Ngay khi cây ở vườn ươm, tạo cho cây có một thân chính và 3 cành hướng về 3 phía.

– Hàng năm cắt bỏ cành tăm, cành vượt, cành sâu bệnh. Loại bớt cành vụ đông, chăm sóc, bảo vệ cành vụ thu và vụ xuân.

– Khi cây ra quả bói ( ra lứa hoa, quả đầu tiên) cần cắt bỏ cho cây khoẻ.

d. Phòng trừ sâu bệnh:

– Bọ xít: Phát triển mạnh vào tháng 3-4 làm rụng quả, dùng Drotox, Bi 58 nồng độ 0,1-0,7 %, Dipterex nồng độ 1% phun trừ bọ xít non, hoặc chọn ngày tối trời rung cây, bọ xít rụng xuống bắt và diệt.

– Sâu đục cành: sâu trưởng thành là loại xén tóc đẻ trứng lên cành, sâu non đục vào thân cành làm cành bị gẫy, khô. Dùng gai mây hoặc dây thép chọc vào lỗ trực tiếp diệt sâu. Dùng thuốc padan 15 SP, nồng độ 30-40gr/ 10 lít nước nhỏ vào lỗ sâu đục.

– Nhện 4 chân: Miệng chích hút ở dưới mặt lá, xuất hiện những lông nhung màu đỏ, ngắt lá bị hại đem đốt hoặc dùng thuốc hoá học ortors nồng độ phun 0,05-0,1 %, Bi 58 nồng độ phun 0,1%.

III. Bảo quản, chế biến

– Để quả vào túi Pôlyetylen thủng, để ở nhiệt độ 70C có thể giữ được 5 tuần, nhìn chung bảo quản quả tươi đối với vải là rất khó.

– Hiện nay, người ta chế biến vải xấy khô, vải nước đường… đều có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.