Làm cho táo tăng năng suất gấp đôi

Nếu có dịp ra Bình Thuận, Ninh Thuận thì bà con mình dễ dàng bắt gặp những vườn táo tươi tốt. Bây giờ ở ngoài đó, người ta trồng nhiều táo lắm! Có nơi còn coi cây táo là cứu tinh, là nguồn thu nhập chính của gia đình…

Cây táo ta là loại cây quen thuộc của dân mình. Suốt từ Bắc vào Nam, chỗ nào cũng trồng được táo. Táo dễ trồng, dễ sống, mau cho quả và lại cho năng suất cao. Táo là loại quả ngon, có vị chua ngọt, giàu vitamin, được dùng để ăn tươi, ăn khô, làm rượu, làm mứt, làm nước giải khát… Nó còn được coi là một vị thuốc tăng sức khỏe cho con người. Người già, người trẻ đều thích ăn táo. Vì vậy, táo là một mặt hàng bán rất chạy. Ít khi thấy táo bị ế. Đặc biệt vào dịp tết, khi người ta ăn quá nhiều các thức ăn giàu đạm và uống quá nhiều rượu, lúc đó họ lại nghĩ tới đĩa táo. Táo không phải là loại quả sang trọng nhưng lại là loại quả rất phổ biến và tiện dùng.

Có rất nhiều giống táo, cả giống trong nước và giống nhập ngoại. Nhưng hiện nay, phổ biến vẫn là các giống táo của Đài Loan và Thái Lan. Giống táo rất sẵn, cơ sở làm giống nào cũng có. Táo được nhân giống bằng phương pháp ghép. Ghép chúng cũng dễ nên giá cây giống không cao.

Táo không kén đất, đất nào cũng trồng được. Chỉ lưu ý, tránh trồng chúng ở nơi bị ứ nước. Mặt khác, nó là cây có tiềm năng cho năng suất rất cao, do đó, nên trồng ở những nơi đất tốt, tơi xốp, đủ nước và có nhiều chất mùn. Ta phải đào hố và bón lót trước khi trồng. Nên bón nhiều phân chuồng. Táo bén rễ rất nhanh. Nếu đủ phân, chúng lớn lên rất mau. Rễ táo có thể ăn sâu tới hơn 1m và lan rộng gấp 5 – 6 lần đường kính tán lá của nó. Vì vậy, thân chúng rất chắc. Có nơi còn dùng táo làm cây chắn gió.

Táo trồng đầu năm thì cuối năm đã có quả. Muốn cây phát triển tốt thì số quả lứa đầu ta bỏ đi hoặc bỏ bớt đi để tập trung dinh dưỡng cho cây phát triển. Từ năm thứ hai trở đi, táo cho năng suất rất cao nếu như chúng ta cung cấp cho nó đủ phân và nước. Ở phía Bắc, táo thường ra hoa từ tháng 8 – 9. Nó ra rộ vào tháng 10. Quả được thu vào tháng 12 trở đi. Còn ở phía Nam, ta thấy táo ra hoa quanh năm. Sau khi thu hết quả và ta tiến hành đốn cành thì chỉ 1 – 2 tháng nữa là nó lại ra hoa. Tuy nhiên, táo thường tập trung ra hoa vào hai thời điểm từ tháng 2 – 3 và tháng 9 – 10.

Xin lưu ý, 2/3 lượng phân cần bón ta tập trung bón khi cây vừa thu hoạch kết quả; còn 1/3 sẽ bón vào lúc cây bắt đầu ra hoa. Phải đào rãnh quanh gốc để bỏ phân, sau đó lấp lại. Ở một số nơi, bà con vét bùn ao lên và phơi khô. Sau đó, tán nhỏ chúng ra và bón cho gốc táo. Hiệu quả cũng rất tốt.

Muốn táo cho năng suất cao, còn có một biện pháp rất hay là khoanh vỏ: ta chọn thời điểm hoa táo ra rộ, dò từ trên ngọn xuống, tới chỗ nào cành cho hoa ít hoặc không ra hoa thì ta tiến hành khoanh vỏ. Ta khoanh 1 lớp vỏ rộng khoảng 2cm quanh thân. Lưu ý, không để sót 1 sợi xơ nào. Như vậy là ta đã cắt đường vận chuyển nhựa luyện từ trên lá xuống phần gốc, lúc này, chất dinh dưỡng dồn cả vào các cành mang hoa, ta dễ dàng nhận thấy bằng mắt thường số quả trên cây nhiều hơn và quả cũng lớn hơn. Vì rằng, chất dinh dưỡng đã làm cho cuống hoa chậm hóa bền, nên nó lâu rụng. Ong, bướm có dịp thụ tinh tiếp cho hoa nên số hoa đậu sẽ cao hơn. Mặt khác, do tiếp nhận nhiều dưỡng chất nên quả sẽ to hơn, thậm chí, nó to gấp rưỡi quả ở cành không được khoanh vỏ. Vì vậy, năng suất của cây táo sẽ tăng lên gấp rưỡi hoặc gấp đôi. Lúc này, điều cần lưu ý nhất là ta phải chống cho cành. Vì quả quá nhiều và to hơn nên cành rất dễ gãy. Gãy là mất ăn!

Sau khi thu hoạch, ta tiến hành đốn cây. Lưu ý, điểm đốn phải nằm ở phía dưới của nơi ta đã khoanh vỏ. Làm đúng như vậy, bà con sẽ có được những vụ táo bội thu.

Nguồn: Tổng hợp, duyệt bởi Farmtech Vietnam

Kỹ thuật trồng Táo trong nhà lưới

Người trồng táo thường lo ngại nạn ruồi vàng, khó phòng trừ và làm giảm năng suất. Tuy nhiên nếu áp dụng kỹ thuật làm nhà lưới sẽ đem lại hiệu quả cao.

Nhà lưới ngăn được ruồi vàng hại táo

Vừa qua, tại xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội, Viện Nghiên cứu Rau quả đã phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội đánh giá mô hình trồng thâm canh giống 11 Táo 05.

Đây là giống táo rất sai quả và quả to nên dễ bị gẫy cành. Ngoài ra, trong một số năm gần đây trên cây táo nói chung, giống 11 Táo 05 nói riêng thường bị ruồi vàng gây hại nặng. Đây là đối tượng dịch hại nguy hiểm, rất khó phòng trừ hiệu quả, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới năng suất, sản lượng và thu nhập của người chuyên canh táo.

Trước những thực tế nói trên, các nhà khoa học Viện Nghiên cứu Rau quả đã nghiên cứu xây dựng mô hình làm nhà lưới ngăn côn trùng và giàn đỡ cành quả cho cây táo.

Mô hình thử nghiệm trình diễn trên 300 cây giống 11 Táo 05 (diện tích 5.000m2), bao phủ toàn phần bằng lưới ngăn côn trùng từ khi vườn cây bắt đầu có quả non đến kết thúc thu hoạch. Giàn đỡ cành quả được tận dụng từ các dây điện thoại phế liệu, căng cố định vào các cọc nhà lưới và thân cây.

Kết quả điều tra theo dõi cho thấy, 100% số cây táo trong vườn có nhà lưới bao phủ và giàn đỡ cành quả, không bị ruồi vàng và nhiều đổi tượng côn trùng khác gây hại. Cây táo không bị gẫy cành. Nhà vườn đã thu hái lứa quả sớm. Giá bán 50.000 đồng/kg. Dự kiến năng suất cả vụ sẽ đạt trên 18 – 20 tấn/ha. Chất lượng không thay đổi so với quả táo trên cây giống tác giả.

Chị Ngô Thị Loan là nông dân trực tiếp thực hiện mô hình (do Viện Nghiên cứu Rau quả chuyển giao) cho biết: Năm 2016 nhiều gia đình trồng táo ở đây đã bị mất trắng do ruồi vàng gây hại. Gia đình chị trồng giống 11 Táo 05 đỡ bị ruồi vàng hơn, nhưng cũng mất 30% sản lượng. Năm nay có nhà lưới, có giàn đỡ cành cây, không sơ sẩy mất quả nào, chắc chắn gia đình chị sẽ được thu 400 – 450 triệu đồng, trừ mọi chi phí đầu tư còn “bỏ ống” được 350 triệu đồng/300 gốc táo.

Chị Loan còn nói vui nhưng rất thật với chúng tôi: “Giống táo này đều quả lắm, chỉ 8 – 10 quả/kg, chất lượng thì thôi rồi! Đưa đầu lưỡi chạm vào da thịt quả là vị ngọt mát đã lan xuống tận chân răng, nên giống 11 Táo 05 ra chợ bao giờ cũng được khách mua hết trước, giá bán cao gấp 2 – 3 lần các loại táo khác”.

Mang những điều ghi nhận được chia sẻ với các chuyên gia nông học chúng tôi mới biết, trong nghiên cứu khoa học để tạo ra được một giống cây trồng mới, đồng thời có được 2 yếu tố năng suất, chất lượng cao là rất khó! Riêng giống 11 Táo 05 đã hội tụ được cả 2 tiêu chí này, có thể coi là giống quý hiếm.

PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả chia sẻ, để thâm canh giống 11 Táo 05 đạt hiệu quả cao, ngoài áp dụng quy trình kỹ thuật chung cho cây táo, nhà vườn nên làm nhà lưới cố định quanh năm để ngăn côn trùng, vì khấu hao nhà lưới mỗi năm chỉ khoảng 1.000.000 đồng/sào (360m2). Cũng có thể chỉ cần bao phủ vườn cây từ khi nhú quả non đến kết thúc thu hoạch. Mái lưới cần cao hơn ngọn cây 0,5 – 1m để thuận tiện cho chăm sóc và thu hoạch. Trồng xen các cây họ đậu từ sau khi đốn táo đến khi cây tái sinh giao tán, giúp tăng thu nhập và bồi dục đất.

Lưới giúp ngăn chặn sâu hại táo, cho quả có chất lượng tốt

Táo là loại quả ăn tươi trực tiếp, phải rất hạn chế sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật. Nên phòng các bệnh sương mai, phấn trắng, bằng định kỳ phun chế phẩm nano bạc đồng plus, kết hợp với phân bón lá giàu kali, magie, kẽm…

Ngoài làm nhà lưới chống côn trùng cho cây táo, nhà nông cũng nên trồng cam, bưởi, ổi, rau màu các loại trong nhà lưới để phòng ngừa sâu các loại.

“Thành công của mô hình trồng thâm canh giống 11 Táo 05 đã mở thêm cơ hội cho các nhà nông địa phương, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng năng suất, chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng”, Th.S Nguyễn Thị Diệu Thúy, Phó Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NN&PTNT Hà Nội.

Nguồn: trangtraiviet.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Kỹ thuật trồng Táo ghép

Táo có thể trồng từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, riêng các tỉnh phía nam có thể trồng quanh năm, song tốt nhất là trồng vào mùa mưa.

Táo ghép

1. Thời vụ

Táo có thể trồng từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Táo ít đòi hỏi về điều kiện đất đai so với các cây trồng khác, nhưng tốt nhất là đất phù sa, giữ ẩm và thoát nước tốt.

2. Khoảng cách

Táo yêu cầu ánh sáng trực xạ, không trồng dưới tán cây khác, trồng với khoảng cách 4 x 5m, cứ 2-3 hàng táo nên đào rãnh để tưới và tiêu nước. Đào hố rộng 70 – 80cm, sâu 60 – 70cm, bón 30 – 40 kg phân chuồng mục, 1 – 2 kg phân lân/hốc đảo đều với đất bột.

3. Chăm sóc

Giai đoạn đầu sau trồng phải giữ ẩm đều, kịp thời loại bỏ chồi dại. Táo cần bón 400- 500kg urê + 200kg kali + 500kg supe lân cho 1ha/năm. Chia làm 3 lần bón:

– Lần 1: sau trồng 1 tháng và ngay sau khi đốn táo ta xới xung quanh gốc, bón 10-20kg phân chuồng + 1/3 lượng phân hoá học.

– Lần 2: trước khi cây ra hoa rộ, bón 1/3 lượng phân hoá học.

– Lần 3: sau khi cây đậu quả xong, bón hết số phân còn lại.

Chú ý: Nếu bị hạn phải tưới nước để quả lớn nhanh không bị rụng. Nếu cây bị cằn (sinh trưởng phát triển kém) ta phải bón bổ sung thêm phân.

4. Phòng trừ sâu bệnh

– Táo thường bị bọ xít xanh, rệp dính, sâu gặm đục quả phá hại, phun phòng trừ bằng Wofatox 0,1- 0,15% hoặc Bi58 0,1%.

– Phun Bayleton 0,1%, Boocđô 1% để phòng và chống bệnh phấn trắng, sương mai.

5. Đốn táo

Sau khi thu hoạch, vào cuối tháng 2 đầu tháng 3 ở các tỉnh phía Bắc; phía Nam đốn 2 lần/năm (lần 1 vào tháng 2-3, lần 2 vào tháng 9-10). Cách đốn, táo 1 tuổi cắt cành ghép chính 20-25cm kết hợp với tạo tán; táo 2 tuổi đốn thấp 40cm để lại 3 cành chính thế chân kiềng; táo 3 tuổi trở lên đốn đuổi cách vết đốn năm trước 15-20cm.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Trồng và chăm sóc Táo ta đúng kỹ thuật

1. Nguồn gốc

Táo là cây ăn quả lâu đời, thích hợp với điều kiện nhiệt đới nước ta, táo dễ trồng, sinh trưởng phát triển nhanh, sau trồng 1 năm bắt đầu cho thu hoạch. Hiện nay, táo được trồng phổ biến là các giống táo địa phương: táo Thiện Phiến, táo Gia Lộc (chua), Táo xử lý đột biến như: táo 12 (ngọt), táo 32, táo Đào Tiên, đại táo 15 và giống ngoại nhập như: táo Đào Vàng, Lê Lai, Đào muộn, X12…

Táo ta được trồng đúng cách cho quả sai nặng trĩu

2. Những đặc tính chủ yếu của giống táo

Táo là cây dễ trồng, thích hợp cho mọi loại đất. Năng suất cao và ổn định, không có sâu bệnh nguy hiểm. Nếu đốn cây sớm sang năm sẽ cho quả sớm.

3. Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây táo

3.1. Thời vụ và khoảng cách trồng

Thời vụ trồng chủ yếu là mùa xuân tháng 2-4 , nếu cây giống ghép sớm có thể trồng từ tháng 11. Sang xuân nếu gặp thời tiết thuận lợi cây sinh trưởng nhanh. Cuối năm cây sẽ cho nhiều quả. Khoảng cách trồng thông thường là 3 – 4 m một cây.

3.2. Cách đào hố trồng, phân bón lót

Kích thước hố trồng 40x40x40 cm . Bón lót mỗi hố 15-20 kg phân chuồng ủ cho hoai mục + 0,5kg super lân + 0,3kg kali + 0,2 kg vôi bột. Các loại phân được trộn đều với đất, cho xuống hố, vun ụ lồi lên so với mặt đất 20cm ( không trồng cây trực tiếp với phân )

Nếu không có phân chuồng thì có thể sử dụng phân lân vi sinh với lượng 5 – 7kg/hố

3.3. Cách trồng

Vét 1 hố nhỏ ở giữa ụ, đặt bầu cây ngang với mặt ụ, vun đất nén chặt xung quanh bầu. Phủ rơm rạ rắc xung quanh gốc một lớp dày 2-3cm. Tưới ngay sau trồng mỗi cây 2-3 gáo nước.

3.4. Chăm sóc và bón phân

Trong tuần đầu, mỗi ngày tưới cho cây 1 lần vào buổi sáng hoặc chiều muộn, mỗi lần một thùng nước. Sau đó thì cách 2,3 ngày tưới 1 lần cho tới hết tháng. Khi cây phát triển thì sẽ tưới thưa hơn, đảm bảo đất luôn ẩm.

Có thể nói cây táo rất cần nước ở cái giai đoạn sinh trưởng, nhất là lúc đang phát triển. Nếu gặp hạn, không đủ nước, quả sẽ nhỏ, vỏ dày , ăn chát, quả kém phẩm chất.

Hàng năm cần bón phân cho cây sau thu hoạch và đốn cây, nhằm hồi phục sức lực cho cây vụ xuân tới, với lượng phân bón 1 cây như sau: Phân chuồng từ 30-50kg, lân 5- 8 kg,  kali 3 đến 5kg, đạm ure 0,5-1kg.

3.5. Phòng trừ sâu bệnh

* Bệnh hại

– Bệnh thối rễ, nứt thân: Thường gặp ở các vùng đất ẩm ướt, nấm xâm nhập vào làm hư hại rễ cọc, sau đó phá huỷ toàn bộ rễ làm cây chết. Cây bị bệnh có tán lá xơ xác, lá đổi sang mầu xanh nhạt rồi rụng, cành chết dần từ ngọn xuống thân chính. Cách phòng trừ là cần tránh ẩm ướt quá mức ở vùng rễ, phát hiện sớm các vết nứt dọc và thâm đen trong mạch gỗ.

– Bệnh khô cành: Do loại nấm Colletotrichum cloeosporiodes xâm nhập vào cành làm cành khô chết. Trên quả già, nấm xâm nhập qua vết thương làm quả bị nhũn. Ngoài ra, bệnh còn do nắng chiếu rọi trực tiếp trong thời gian dài.

– Bệnh trên quả già : Nấm bệnh xâm nhập khi quả đang phát triển tạo ra các điểm đen nhỏ trên vỏ quả, hình dấu cộng trên vỏ quả, các điểm đen này nứt và tách ra, làm giảm mẫu mã và giá bán. Cách phòng trừ cần tạo vườn thông thoáng, dọn sạch tàn dư, sau khi đậu trái nên phun thuốc phòng ngừa nấm.

* Sâu hại

– Côn trùng hại rễ: Gồm các đối tượng thường thấy như mối, sùng, dế, kiến, đặc biệt là rệp sáp, tập trung ở tầng đất từ 0 – 50cm cách mặt đất, cây bị bệnh có lá vàng nhạt, cây suy yếu dễ chết.

– Bọ xít: Chích hút nhựa đọt non, lá non làm héo và chùm đọt, đặc biệt là trái non tạo ra các chấm đen trên vỏ quả, làm rụng nhiều quả, là cửa ngõ xâm nhập của nhiều loại nấm bệnh, làm giảm rõ rệt năng suất và chất lượng quả.

– Mọt đục thân cành: Xuất hiện từ giữa mùa mưa khá rộ vào đầu đến giữa mùa khô, lổ đục tuy nhỏ và đường đục ngắn nhưng làm giảm quá trình sinh trưởng, phát triển của cây và cành dễ gãy.

Sâu cắm lá, sâu cuốn lá, nhện đỏ, sâu đục quả. Trong tháng 6 tháng 7 có xén tóc đẻ trứng vào thân cây. Để phòng trừ thì bà con dùng thuốc sau:

– Trừ nhóm sâu chích hút dùng các thuốc: Sherpa (0,1%), Trebon (0,1-0,2%), Depterx(0,2%), Dantiol(0,1-0,2%), Monitor(0,1-0,2%), Bi 58, Basudin.

– Trừ nhóm sâu ăn lá thì dùng một trong các thuôc sau: Azodrin 50 DD (0,2%), Score(0,05%), Alieett(0,3%), Mancozeb(0,25%).

– Đối với kiến, mối, bọ cánh cứng hại rễ, hại gốc thì sử dụng thuốc: Basudin, Lidanfor, Sevidol để trị. Dùng một trong các loại thuốc trên, trộn đều 1 thuốc – 10 cát rồi rắc xung quanh gốc và hố.

3.6. Đốn Táo

Căn cứ đặc điểm của từng giống táo và mục đích sản xuất mà có các cách đốn táo khác nhau. Cành quả của táo mọc trên cành cây mẹ ra trong vụ xuân cùng năm, bởi vậy đốn cành sao cho nhiều cành ra trong vụ xuân, cành khỏe, để có sản lượng cao. Có 2 cách đốn cây táo như sau:

– Đốn phớt: Làm thường xuyên hàng năm sau vụ thu hoạch nhằm cho sản lượng quả cao và ổn định.

– Đốn đau: Mục đích tạo tán đối với cây còn nhỏ 1-3 năm tuổi và đối với những cây đã lớn, cắt hết các loại cành chỉ để lại một đoạn gốc của 3 cành lớn ra trong năm trước để tạo tán cho năng suất cao.

4. Thu hoạch

Táo được thu hoạch sau 2-3 tháng từ khi ra hoa, khi quả to, căng mọng vỏ và sáng màu. Thu hoạch táo thủ công và tránh làm dập nát trong quá trình vận chuyển.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Kỹ thuật trồng táo tây tại nhà cho ra trái quanh năm

Kỹ thuật trồng cây táo tây tại nhà cho quả sai trĩu cành không phải đơn giản bởi đây là cây trồng khá khó tính đối với thời tiết tại Việt Nam.

Táo tây

Táo là một loại quả ngon, bổ dưỡng, đặc biệt có tác dụng giảm cân hiệu quả nên được nhiều bà nội trợ rất thích. Nhưng thay vì ra chợ mua thì tại sao bạn không tự tay trồng loại quả này tại nhà. Dù không phải đơn giản trong kỹ thuật trồng cây và chăm sóc nhưng nếu bạn áp dụng đúng quy trình thì chắc chắn bạn sẽ sở hữu những cây táo tây sai trĩu cành, quả lại vô cùng thơm ngon.

Thời vụ

Táo tây có thể trồng quanh năm nhưng tốt nhất nên trồng vào mùa Thu và mùa Xuân ở miền Bắc hoặc cũng có thể trồng vào đầu mùa mưa ở miền Nam.

Đất trồng

Một yếu tố khá thuận lợi cho kỹ thuật trồng cây táo tây tại nhà đó là có thể sử dụng nhiều loại đất khác nhau từ đất sét trung bình đến đất cát nhưng thích hợp nhất trên đất thịt pha cát, giàu dinh dưỡng. Bạn cũng Có thể dùng đất sạch tại các vựa kiểng, hoa kiểng.

Chọn chậu

Chọn chậu có thể loại chậu có dáng cao, hay chậu miệng to là thích hợp nhất. Khi đánh cây từ vườn vào chậu, cần cắt tỉa bớt lá, đặt cây vào chậu sau đó lấp đất. chỉ lấp đến trên cổ rễ 1cm để tránh khi tưới cây bị trôi ra ngoài.

Kỹ thuật trồng cây táo tại nhà

Bước đầu tiên trong kỹ thuật trồng cây táo tây, trước hết bạn cần đào lỗ đặt bầu sao cho thân cây ngay thẳng ở giữa hố, mặt trên của bầu thấp hơn miệng hố 1-2cm. Bóc vỏ bầu, chú ý không được làm vỡ bầu hay bầu bị biến dạng. Đặt cây xuống hố ngay thẳng rồi mới lấp đất, lấp phần đất tơi xốp xuống trước, rồi lấp đất kín xung quanh bầu , dận đất xung quang bầu vừa tới, vun thêm đất mặt vào quanh gốc trên cổ rễ 2-3cm.

Bón lót phân chuồng hoai, phân hữu cơ sinh học HVP 401 B, vi lượng HVP Organic, vôi bột và super lân. Đào hố và bón phân lót trước khi trồng 15-20 ngày. Kỹ thuật trồng cây táo tây cũng có thể áp dụng bằng phương pháp gieo hạt hoặc ghép cành.

Chăm sóc

Kỹ thuật chăm sóc cây táo luôn phải chú ý tới khâu tưới nước vì đây là loài cây ưa ẩm, nhất là khi quả đang phát triển, nếu không đủ nước quả sẽ nhỏ và chát. Để có năng suất cao, quả ngon thì trồng táo phải biết đốn và tỉa cành.

Táo muốn sai quả cần có quá trình chăm sóc đúng kỹ thuật

Đầu tiên bạn cần cắt các cành đã cho quả chỉ để lại 1 đoạn 20-30cm. Trên đầu cành này sẽ cho nhiều cành nhỏ, có thể tỉa bớt chỉ để vài cành phân bố đều trên tán cây. Bạn cũng có thể tạo tán từ khi cây còn nhỏ trên một năm tuổi đến khi lớn. Cắt cụt hết các loại cành, chỉ để lại một đoạn gốc của vài cành lớn đã ra trong năm trước, cây sẽ cho nhiều cành mới trẻ hơn, cho năng suất và chất lượng quả tốt hơn.

Bệnh hại cây

Cây táo và quả táo dễ bị nhiễm một số loại nấm, vi khuẩn và các vấn đề sâu bệnh, và có thể điều chỉnh bằng một số hóa chất hữu cơ và vô cơ. Tuy nhiên trong quá trình xử lý bạn đặc biệt cẩn thận khi sử dụng các loại hóa chất hay thuốc bảo vệ thực vật có hại tới sức khỏe.

Nhân giống

Táo có thể nhân giống bằng hạt, cắm hom, chồi rễ, triết cành và ghép. Phổ biến hiện nay là phương pháp ghép mắt và ghép áp. Nên dùng táo chua làm gốc ghép. Mắt ghép lấy ở cành bánh tẻ, vỏ còn màu đỏ. Nếu ghép áp thì dùng gốc ghép ương trong bầu, cắt cụt ngọn cách gốc khoảng 20-30 cm vót thành hình nêm rồi luồn vào một lát cắt xiên trên cành ghép cho vừa khít, dùng dây quấn chặt lại, sau khoảng 15-20 ngày thì liền vỏ. Sau khi ghép 2-3 tháng là có thể cắt đi trồng.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.