Mô hình trồng sả trắng xuất khẩu ở Mỹ An (An Giang)

Sau nhiều năm đê bao khép kín, đất sản xuất của xã Mỹ An (huyện Chợ Mới – An Giang) bắt đầu có dấu hiệu bạc màu. Trong lúc chờ địa phương tìm hướng giải quyết, người dân đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng với mô hình trồng sả, vừa cho thu nhập khá, vừa tốn ít công chăm sóc trên diện tích đất bạc màu.

Ông Trần Văn Tuồn, một trong những nông dân đầu tiên ở địa phương, vừa thu hoạch 5,5 công đất trồng sả cho biết: “Tui vừa bán 5 công rưỡi sả, sản lượng 3 tấn/công với giá bao tiêu 4.500 đồng/kg theo đúng hợp đồng bao tiêu với Công ty Sông Ngân (Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh, P.V). Trừ hết chi phí, vụ sả vừa qua gia đình thu về khoảng 90 triệu đồng”. Đây là vụ đầu tiên, bà con ở xã Mỹ An chuyển đổi trồng cây sả trắng xuất khẩu.

Nhận thấy hiệu quả của việc chuyển đổi cây trồng gia đình ông Tuồn (thành viên Câu lạc bộ Bắp nù xanh) đã mạnh dạn đăng ký trở thành điểm sản xuất mẫu cho bà con trong xã làm theo. Anh Nguyễn Thanh Bình, Chủ nhiệm Câu lạc bộ cho biết thêm: “Trước đây, chúng tôi đã nhiều lần xuống các xã lân cận như Hội An, Hòa Bình, Hòa An gom sả về bán lại cho phía Công ty Sông Ngân nên phần nào thấy được hiệu quả của cây sả. Bên cạnh đó, thấy được mô hình chuyển đổi từ các loại rau màu khác sang cây sả của ông Tuồn đạt hiệu quả, nên lãnh đạo câu lạc bộ bàn nhau thuê vài công đất trồng thí điểm. Đến nay diện tích trồng phát triển rất tốt. Dự kiến, qua Tết Nguyên đán sẽ thu hoạch với giá bao tiêu ngay từ đầu vụ là 6.000 đồng/kg”. Dẫn chúng tôi đi thăm diện tích đất thuê trồng sả thử nghiệm tại khu vực thị trấn Mỹ Luông (Chợ Mới). Hai công sả chuẩn bị thu hoạch phát triển rất tốt. Bụi to, cây khỏe. Anh Bình cho hay: “Cây sả được lợi thế phát triển tốt ngay trên diện tích đất bạc màu. Hầu như đất cả vùng này bắt đầu có dấu hiệu cằn cỗi trở lại do đã nhiều năm đê bao chưa xả lũ. Do vậy, trồng những loại cây khác tốn nhiều chi phí phân thuốc, nhất là nước tưới mà hiệu quả bấp bênh. Với cây sả này, đầu ra ổn định do đã có hợp đồng bao tiêu ký kết đàng hoàng mà những chi phí chăm sóc, bệnh (chủ yếu bệnh rệp sáp, P.V) rất ít xảy ra”. Về tiêu chuẩn cây sả, theo bà con ở đây, sả đúng chuẩn đạt cao 5 tấc (từ củ đến thân), độ mập củ đạt từ 2 đến 3 phân trở lên.

Còn tại gia đình ông Lê Phước Thạnh (ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ An) có 5 công sả đang phát triển rất tốt cho biết: “Trồng sả trắng ngoài cái lợi về phát triển tốt trên đất bạc màu, không cần lên liếp còn có cái lợi khác là trồng xen những loại cây khác, nhất là cây đậu. Do sả là cây sinh trưởng dài ngày, trung bình khoảng từ 5 đến 6 tháng mới cho thu hoạch, nên trồng xen cây đậu 2,5 tháng rất thích hợp”. Trên diện tích 5 công sả, gia đình ông Thạnh trồng xen cây đậu xanh. Hiện cây đậu xanh vừa mới thu hoạch với lợi nhuận gần 5 triệu đồng/công đậu mà cây sả vẫn phát triển khá. Tết này gia đình ông có thêm trên 20 triệu đồng ăn Tết từ diện tích trồng sả bao tiêu.

Anh Trần Thanh Bình chủ nhiệm Câu lạc bộ Bắp nù xanh giới thiệu ruộng sả trồng thử nghiệm.

Anh Võ Ngọc Phi, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ An (Chợ Mới) đánh giá: “Việc bà con chuyển đổi sang mô hình trồng sả ở địa phương thời gian gần đây cho thấy tín hiệu vui. Do đặc điểm thổ nhưỡng và điều kiện canh tác hiện nay đang gặp khó nên việc bà con chủ động chuyển đôi giống cây trồng và nhất là tự tìm đơn vị đối tác bao tiêu sản phẩm là cách làm ăn mới, theo đúng xu thế phát triển. Góc độ địa phương, chúng tôi hoan nghênh và tạo điều kiện về mặt chủ trương và chứng thực cho các hợp đồng giữa công ty và bà con”. Còn phía Công ty Sông Ngân, ông Nguyễn Hùng Sinh, đại diện công ty tại An Giang nói: “Trước đây chúng tôi đã có quan hệ làm ăn với bà con với việc liên kết bao tiêu cây bắp nù (giống bắp truyền thống địa phương, P.V) nên việc chuyển sang bao tiêu cây sả trắng cũng rất dễ. Một điểm khác là thổ nhưỡng ở khu vực này giúp cây sả có độ tinh đầu rất tốt, cây khỏe, đẹp nên rất dễ tiêu thụ. Mặt khác, hiện phía đối tác xuất khẩu rất cần mặt hàng sả trắng nên chúng tôi mạnh dạn thu gom và liên kết trồng, bao tiêu đầu ra theo đúng giá thị trường thời điểm thu hoạch. Nếu có điều kiện, chúng tôi dự tính mở rộng với hợp đồng bao tiêu đầy đủ lên vài chục thậm chí khoảng 100 héc-ta diện tích trồng sả trắng”.

Tuy mô hình trồng sả trắng ở Mỹ An chỉ mới dừng ở giai đoạn thử nghiệm, bước đầu thành công đã mở ra hướng đi đúng và phù hợp với tình hình sản xuất nông nghiệp ở địa phương.

Nguồn: Việt Linh được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Mô hình trồng Sả lấy tinh dầu tại huyện Ea Súp

Những năm gần đây, một số hộ dân tại xã Ya Tờ Mốt huyện Ea Súp đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng sả lấy tinh dầu trên diện tích đất cằn cỗi, khó canh tác các giống cây trồng khác, từ đó mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, góp phần làm đổi thay đời sống của người dân nơi đây.

Điển hình trong việc trồng sả lấy tinh dầu là tấm gương của 2 chị Hà Thị Khăm thôn 11 và Vy Thị Mai thôn 12, những người phụ nữ dân tộc thái dám nghĩ dám làm.

Gia đình chị Hà Thị Khăm thôn 11 xã Ya Tờ Mốt huyện Ea Súp

Theo chân chị Dương Thị Ngọc CT hội phụ nữ xã đến thăm gia đình chị Vy Thị Mai tại thôn 12, tiếp chúng tôi trong căn nhà cũ bên cạnh căn nhà đang xây mới, tươi cười chị cho biết để xây được căn nhà mới bên cạnh một phần là từ thành công của việc trồng sả lấy tinh dầu. Chị cho biết thêm cơ duyên để đến với việc trồng sả lấy tinh dầu là do một lần xem trên truyền hình có chương trình làm giàu từ trồng sả lấy tinh dầu tại Tuyên Quang, với suy nghĩ dám nghĩ dám làm để thành công chị mò mẫm tìm hiểu biết được tại xã Ea Tir huyện Ea Hleo cũng có mô hình trồng sả mang lại hiệu quả cao về kinh tế. Giữa năm 2015, chị cất công sang huyện Ea Hleo học hỏi kinh nghiệm rồi trở về mua đầu tư 15 triệu tiền giống trồng sả trên 5 sào đất của nhà, chị nói thêm sả rất dễ trồng, dễ chăm sóc, không kén đất, ít sâu bệnh, hợp với khí hậu thổ nhưỡng của huyện Ea Súp. Đến khoảng tháng 8 năm 2016 chị gom góp tiền cùng chị Hà Thị Khăm mua lò nấu tinh dầu sả về xây dựng sau nhà hết 150 triệu đồng, sau đó 2 tháng sau chị cho nấu nồi hấp sả lấy tinh dầu đầu tiên thu được 8 mẻ, mỗi mẻ cho thu từ 8 đến 10 lít tinh dầu. Theo giá thị trường mỗi lít chị bán từ 250 đến 300 ngàn đồng được các đầu mối tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM đến thu mua tại nhà và bán cho người dân địa phương cũng như trên địa bàn huyện.

Quy trình Chiết xuất lấy tinh dầu sả 

Được chị Mai ra dẫn ra sau nhà thăm khu đất nơi đặt lò nấu tinh dầu sả của gia đình, tại đây chúng tôi được gặp chị Hà Thị Khăm đang cùng người thân trong gia đình vác những bó sả vào nấu để lấy tinh dầu, chị Khăm tươi cười cho biết gia đình đang đưa những bó sả cuối cùng vào nồi hấp, chị chia sẻ thêm cho chúng tôi biết nồi hấp tinh dầu sả này có thể chứa từ 7 đến 1 tấn lá sả, thời gian nấu một nồi từ 6 đến 8 tiếng. Đồng thời, mỗi năm sả cho cắt lá được từ 6 đến 8 lần, cứ 45 ngày lại đi cắt một lần để về hấp lấy tinh dầu, hiên tại diện tích trồng sả của 2 chị rơi vào khoảng hơn 8ha. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí sản xuất, tính bình quân mô hình trồng sả lấy tinh dầu của 2 gia đình cho thu lợi nhuận từ 200 đến 300 triệu đồng mỗi năm. Nhìn từ thành công của mô hình trồng sả lấy tinh dầu của 2 chị Vi Thị Mai và Hà Thị Khăm, chị Dương Thị Ngọc CT hội Phụ nữ xã Ya Tờ Mốt cho biết; phía Ban chấp hành hội phụ nữ xã đã có những phương án nhằm nhân rộng mô hình của gia đình hai chị, vận động chị em hội viên của các chi hội trong xã chuyển đổi một phần cơ cấu cây trồng của gia đình sang trồng sả để phát triển kinh tế gia đình, góp phần nâng cao thu nhập từng bước thay đổi diện mạo nông thôn của địa phương.

Với việc trồng sả lấy tinh dầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, có thể thấy đây là mô hình mang lại nhiều triển vọng cho bà con nông dân trên địa bàn xã Ya Tờ Mốt nói riêng và toàn huyện nói chung. Vì vậy, trong thời gian tới hi vọng các cấp chính quyền cùng người dân sẽ có những chủ trương, chính sách hỗ trợ nhằm nhân rộng mô hình trồng sả lấy tinh dầu ra toàn huyện, góp phần nâng cao đời sống nhân dân thúc, đẩy kinh tê – xã hội của huyện nhà ngày càng phát triển.

Nguồn: Easup.daklak.gov.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sả

Cây sả được trồng trong nhiều gia đình, nhất là ở phía Nam nước ta, dùng làm gia vị và làm thuốc. Trong cây sả có chứa tinh dầu cho mùi thơm nồng ấm, dễ chịu.

Cây Sả thường dùng chế biến các món thịt chó, làm nước chấm. Luộc ốc cho thêm tí sả sẽ thơm ngon. Sả củ băm nhỏ xào với mắm tôm hoặc nước mắm thành món ăn mặn với cơm, nhất là những ngày là lạnh.

1. Đặc tính thực vật của cây sả

Cây sả là cây thân thảo. Cây cao khoảng 1,0 – 1,5m, sống lâu năm, mọc thành bụi, phân nhánh nhiều. Thân rễ ( gọi là củ) màu trắng hoặc hơi tía, có nhiều đốt ngắn. Các bẹ ôm chặt nhau rất chắc. Lá hẹp, dài giống lá lúa, mép lá hơi nhăn, đầu lá thường uốn cong xuống. Rễ phát triển khỏe và nhiều, ăn sâu trong đất tới 25 – 30cm.

Cụm hoa nhiều bông nhỏ khô cây sả có cuống.

Cây sả đẻ chồi từ nách lá tạo thành bụi như bụi lúa, các cây xung quanh là cây non, còn ở giữa bụi là các cây già. Nhờ thân rễ và chùm rễ phát triển nên cây sả có khả năng chịu hạn rất tốt, trong suốt mùa khô dài 4-5 tháng không tưới nước bụi sả vẫn sống.

2. Cách trồng cây sả

– Làm đất:

Cây sả trồng được trên nhiều loại đất, chỉ cần không bị ngập nước, tuy vậy trên đất tơi xốp nhiều mùn cây phát triển tốt hơn. Nếu trồng ít một vài khóm để dùng trong gia đình thì chỉ cần đào từng hố bón phân lót rồi trồng. Nếu trồng để bán thì đất cần cày bừa kỹ, lên luống cao 20 -25cm, rộng 1,0 – 1,5m để trồng.

– Cách trồng:

Sả trồng bằng nhánh, mỗi hố trồng 1 -2 nhánh non, có đủ phần gốc và rễ, bóc bỏ bẹ lá già, cắt các lá còn lại để dài khoảng 20cm, cắt bớt rễ già. Đặt nhánh sả hơi nghiêng, lấp đất kín gốc rồi dùng tay nén chặt và tưới nước đủ ẩm.

Nếu trồng diện tích rộng thì trên luống rạch 2 hàng dọc luống cách nhau 0,8 – 1,0m. Rải phân xuống rãnh rạch, lấp ít đất rồi trồng. Sau trồng nếu tưới đủ ẩm thì khoảng 10 -15 ngày nhánh sả ra rễ, đâm lá non, bắt đầu chăm sóc và trồng dặm nhánh chết.

– Bón phân:

Phân bón lót cho 1ha từ 15 – 20 tấn phân hữu cơ hoai mục + 200 – 300kg phân lân. Rải phân lót xuống rãnh trồng.

Sau khi trồng 20 -25 ngày, cây bắt đầu sinh trưởng mạnh thì bón phân thúc nhẹ khoảng 100 – 150kg phân đạm cho 1ha, kết hợp xới đất vun gốc nhẹ. Một tháng sau bón thúc lần 2 với lượng phân như trên và vun gốc tiếp.

– Chăm sóc:

Trường hợp đất quá khô cần tưới nước . Thường xuyên nhổ cỏ.

Cây sả ít bị bệnh. Thường thấy là bệnh héo vàng làm thối rễ, chết cây. Dùng các thuốc gốc đồng và Bonomyl phun đẫm vào gốc có thể hạn chế bệnh. Nhổ bỏ các cây bệnh nặng tập trung tiêu hủy. Cá biệt có bệnh cháy lá do nấm, phun các thuốc Viben-C, Carbenzim, Dithan –M.

3. Thu hoạch

Nếu trồng cây sả dùng để ăn thì 3 – 4 tháng có thể tỉa các nhánh to rồi vun gốc cho cây tiếp tục ra nhánh mới. Nếu trồng để chiết lấy dầu thì sau trồng 10 -12 tháng khi cây sả đã già, lượng dầu cao thu hoạch là tốt nhất. Cắt cả lá và bẹ, chừa lại 8 – 10 cm cách mặt đất. Sau đó tưới nước, bón phân cây sẽ tiếp tục đâm chồi. Sau 5 -6 tháng sẽ thu hoạch tiếp, như vậy quanh năm sẽ có nguyên liệu để chưng cất dầu.

Mô hình trồng sả trên cát hứa hẹn mang lại thu nhập cao

Mô hình trồng sả trên cát hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập cho người dân đồng thời mở ra hướng mới trong sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu.

Từ sau sự cố ô nhiễm môi trường biển vào năm 2016 ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sản xuất của người dân các xã vùng biển trong tỉnh, việc chuyển đổi sinh kế cho người dân được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm. Mới đây, Công ty Cổ phần Tổng Công ty thương mại Quảng Trị (Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị) đã triển khai dự án trồng sả xuất khẩu, trước mắt thí điểm tại một số xã vùng cát ven biển thuộc ba huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và Triệu Phong. Mô hình trồng sả trên cát hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập cho người dân đồng thời mở ra hướng mới trong sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu.

Cây sả thích nghi và phát triển tốt trên vùng đất cát ven biển

Cây sả vốn là một loại cây dược liệu quen thuộc được người dân trồng nhiều, thích hợp với mọi loại đất vì dễ sinh trưởng và phát triển. Tuy nhiên, đối với người dân các xã như Vĩnh Thái ( Vĩnh Linh), Trung Giang, xã Gio Sơn (Gio Linh), Triệu An (Triệu Phong), đây là lần đầu tiên người dân được hướng dẫn triển khai trồng sả trên đất cát với diện tích tương đối lớn. Từ ý tưởng giúp người dân chuyển đổi sinh kế sau sự cố ô nhiễm môi trường biển, mới đây Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị đã triển khai 4 mô hình trồng sả trên cát ở các xã nói trên, mỗi mô hình 1 ha. Theo đó, mỗi héc ta sả được công ty hỗ trợ toàn bộ giống và 7 tấn phân bón, hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc để cây sả đạt hiệu quả tốt nhất.

Người dân chỉ đầu tư công trồng, chăm sóc theo đúng kỹ thuật được hướng dẫn và thu hoạch. Ông Dương Minh Quý, ở thôn Thủy Bạn, xã Trung Giang, huyện Gio Linh chia sẻ: “Người dân trong thôn chủ yếu làm nghề biển, gặp rất nhiều khó khăn sau sự cố ô nhiễm môi trường biển vừa qua. Với đặc thù đất cát ở địa phương thì việc trồng các loại cây hoa màu cho năng suất cao cũng rất hạn chế. Nay được hỗ trợ trồng cây sả, người dân rất phấn khởi, cố gắng tích cực chăm sóc thật tốt để cho hiệu quả như yêu cầu”. Cây sả hiện được người dân triển khai trồng trên các vùng đất cát trước đây trồng các loại hoa màu khác kém hiệu quả. Với nhiều ưu điểm như là giống cây ngắn ngày, năng suất cao, dễ trồng, chịu được hạn hán và điều kiện khí hậu khắc nghiệt, nên thời gian qua, dù gặp mưa rét kéo dài nhưng hầu hết diện tích sả trên cát vẫn phát triển tốt.

Qua quá trình trực tiếp theo dõi, chị Nguyễn Thị Hồng, cán bộ khuyến nông xã Vĩnh Thái, Vĩnh Linh cho biết thời điểm trước Tết Nguyên đán có mưa nhiều gây ngập úng nên cây sả có phát triển chậm, tuy nhiên từ sau tết đến nay, thời tiết tạnh ráo, người dân tích cực chăm sóc nên cây đã thích nghi và phát triển tốt, tỏ ra thích hợp với vùng đất cát ở địa phương. Đặc biệt, so với các loại cây hoa màu khác, cây sả sinh trưởng và phát triển tốt ngay cả trên vùng đất cát nhiễm mặn ven biển. Ưu điểm này của cây sả khiến người dân vùng cát tự tin phát triển loại cây trồng mới trên những diện tích đất bị nhiễm mặn tưởng chừng không thể canh tác được bất cứ loại cây trồng nào.

Ngoài ra, đầu ra của cây sả cũng thuận lợi bởi vừa là cây màu thực phẩm vừa là cây dược liệu. Các hộ dân tham gia trồng sả cho dự án của Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị được đơn vị cam kết bao tiêu thu mua sản phẩm sau khi thu hoạch. Ông Hồ Xuân Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tổng Công ty thương mại Quảng Trị cho biết: “Theo ước tính của chúng tôi, mỗi héc ta đất cát người dân trồng được 2 vụ, mỗi vụ bình quân thu được 10 tấn thành phẩm, mỗi năm một héc ta cho 20 tấn thành phẩm. Công ty sẽ thu mua với giá khoảng 3 triệu một tấn, như vậy với 20 tấn sả trên một héc ta, người dân sẽ thu về được 60 triệu đồng, chưa kể các phụ phẩm như lá sả có thể bán cho những người có nhu cầu mua về sản xuất tinh dầu sả. Hiện chúng tôi đã ký hợp đồng với một đơn vị đối tác nước ngoài để xuất khẩu, như vậy người dân yên tâm về đầu ra sản phẩm. Về lâu dài, mô hình này thành công sẽ được chúng tôi nhân rộng ra 16 xã vùng biển bãi ngang của các huyện, hi vọng góp phần giải quyết việc làm ,nâng cao thu nhập cho người dân vùng biển”.

Với những điều kiện thuận lợi như hiện nay, chỉ trong một thời gian ngắn nữa, người dân có thể thu hoạch sản phẩm và có nguồn thu nhập tương đối khá từ trồng sả. Phía Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị cũng thường xuyên cử cán bộ cùng với cán bộ phụ trách nông nghiệp tại các địa phương triển khai dự án kiểm tra, theo dõi tiến độ sinh trưởng và phát triển của cây sả để kịp thời xử lý các vấn đề nảy sinh. Mô hình này thành công sẽ góp phần quan trọng thay đổi tập quán sản xuất, nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác cho người dân vùng ven biển.

Nguồn: Báo Quảng Trị được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Trồng xen sả dưới tán cây cao su – hướng đi mới hiệu quả cho nông dân quảng trị

Trồng xen sả dưới tán cây cao su – hướng đi mới hiệu quả cho nông dân Quảng Trị

Gio Sơn là một xã miền núi thuộc huyện Gio linh tỉnh Quảng Trị, nổi tiếng với các nông trường cao su bạc ngàn. Trong những năm gần đây việc nông trường giao cao su cho người dân quản lí, khai thác, vệ sinh đã tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế từ mô hình trồng sen sả dưới tán cao su còn nhỏ.

Sả là loại cây trồng rất phổ biến ở thế giới, có thể trồng quanh nhà với quy mô hộ gia đình hay trồng lớn theo quy mô nông trường. Hiện nay trên thế giới có 9 giống sả, nhưng ở Việt Nam phổ biến nhất là 2 giống sả chanh và sả Java. Hiện ở vùng Gio Sơn, người dân phát triển trồng chủ yếu là cây sả chanh( sả tím) – sả tím là loại cây không kén đất, nhưng với đất đỏ ở vùng Gio Sơn thì rất thuận lợi để cây sả phát triển. Khi xen canh với cây cao su, nông dân có thể tận dụng công chăm sóc cao su để làm sạch đất cho sả. Sả với thời gian sinh trưởng ngắn, chỉ tầm 3-4 tháng cho 1 vụ thu hoạch, tiềm năng kinh tế cao khi được dùng cho cả thực phẩm lẫn nấu tinh dầu phục vụ cho dược phẩm,…giá sả cũng khá ổn định, giao động từ 6000- 8000đồng /1kg sả thương phẩm và 7000-9000 đồng/1kg cho sả giống. với 1ha cao su, khi xen canh với cao su có thể thu hoạch được từ 7 – 8 tấn sả thương phẩm, mang lại thu nhập 50-70 triệu đồng 1 năm. Hiệu quả kinh tế lớn hơn rất nhiều so với trồng các loại cây trồng khác.

cây sả được trồng xen canh

Việc chăm sóc sả cũng không quá khó khăn vì sả cũng khá ít bệnh, chủ yếu là bệnh gỉ sắt do nấm , hay rệp, thối gốc,… những bệnh này dễ dàng xử lí , phòng ngừa được.

Bên cạnh đó, 1 số người dân trong vùng mở rộng thêm diện tích cũng như học thêm cách nấu tinh dầu sả để tận dụng lá sả trong quá trình thu hoạch, nâng cao giá trị kinh tế, đa dạng hóa sản phẩm và tạo được thị trường ổn định hơn cho bà con nông dân.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam