Quá nhiều rào cản phát triển nông nghiệp hữu cơ

Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp hữu cơ (NNHC). Tuy nhiên, hiện ở nhiều nơi nguồn đất, nước đã bị nhiễm các hóa chất bảo vệ thực vật, dư lượng phân bón hóa học. Cùng với đó, việc thay đổi tập quán sản xuất của nông dân vẫn là rào cản lớn nhất để phát triển NNHC…

 

Bài 1: Khó thay đổi nhận thức, giải pháp canh tác

 

Theo quy định của Tổng cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng, một sản phẩm hữu cơ phải đảm bảo được nguyên tắc 5 không: Không hóa chất bảo vệ thực vật, không phân hóa học, không chất kích thích tăng trưởng, không sản phẩm đột biến gen và không sử dụng thuốc diệt cỏ.

Hiện Việt Nam mới có 40 tỉnh, thành có diện tích trồng trọt hữu cơ (chiếm 0,7% tổng diện tích đất trồng trọt cả nước). Số tỉnh có chăn nuôi hữu cơ là 24, và chỉ 4 tỉnh có nuôi trồng thủy sản hữu cơ.

 

Quá nhiều rào cản

Vườn rau hữu cơ tại quận Bình Tân (TP.HCM)

 

Dự thảo đề án phát triển NNHC giai đoạn 2020 – 2030 của Bộ NNPTNT đặt mục tiêu đưa Việt Nam vào top 15 nước có nền NNHC phát triển nhất thế giới, với diện tích sản xuất hữu cơ chiếm 7 – 10% diện tích sản xuất nông nghiệp cả nước.

Theo PGS-TS Nguyễn Xuân Hồng – nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), Việt Nam có rất nhiều điều kiện để phát triển NNHC như khí hậu, độ ẩm ướt, gió mùa… tác động các chất hữu cơ chuyển hóa tốt thành khoáng chất cung cấp cho cây trồng. Rồi phân xanh, phân hữu cơ khá phong phú… Không phải ngẫu nhiên Liên đoàn các phong trào NNHC quốc tế (IFOAM) đã công nhận Việt Nam có sản xuất NNHC.

Tuy nhiên, IFOAM cũng cho rằng, Việt Nam “chưa có quy định pháp luật về NNHC” nên dẫn tới những khó khăn, thách thức đối với con đường phát triển NNHC (hiện mới có Nghị định về NNHC số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018).

Ông Nguyễn Văn Chữ – Giám đốc Công ty Nam Thành, một đơn vị liên kết với các trang trại sản xuất, chế biến thịt lợn, gà đảm bảo tiêu chuẩn hữu cơ tại Hà Nội, thừa nhận, để chứng nhận các nguyên liệu như đậu tương, ngô được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ không hề đơn giản khi mẫu đất, nước phải đảm bảo không tồn dư hóa chất.

Ông Trần Hoàng Ý – Giám đốc Công ty Xuất khẩu điều Việt Hàn (có nhà máy ở Bình Dương và Bình Phước) cho rằng, diện tích nhỏ lẻ làm NNHC rất khó khăn, ngay đầu tiên đã gặp vấn đề nhiễm chéo từ những diện tích không làm hữu cơ khác.

Bắt đầu làm nông nghiệp hữu cơ từ năm 2013, bà Phạm Phương Thảo – Giám đốc điều hành chuỗi bán lẻ thực phẩm hữu cơ Organica cho biết, các vườn rau hữu cơ của Việt Nam thường có diện tích nhỏ, khoảng 2 – 3ha, với khoảng 10 loại rau luân canh, một phần do diện tích đất sạch không nhiều.

Ngoài yếu tố đất, nước thì các yếu tố đầu vào khác như giống, phân bón hữu cơ cũng là một khó khăn với các nhà sản xuất hữu cơ. Ông Nguyễn Ngọc Luân – Giám đốc HTX nông nghiệp Lâm San (Đồng Nai) lý giải, để sản xuất NNHC thì phải có nguồn giống, phân bón, bảo vệ thực vật hữu cơ, nhưng HTX của ông thường không có đủ phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất do việc nhập khẩu phân hữu cơ thủ tục khá phức tạp, mất nhiều thời gian.

 

Nông dân chưa mặn mà

Theo ông Nguyễn Ngọc Luân, muốn phát triển NNHC cần quan tâm đến người nông dân, lực lượng sản xuất chính: “NNHC không phải mạnh ở doanh nghiệp mà là ở nông dân, đặc biệt khi quy mô sản xuất hữu cơ còn nhỏ lẻ”. Ông Luân cho rằng ý thức làm hữu cơ của người nông dân là một vấn đề cần được tuyên truyền. Ở các nước, người nông dân làm hữu cơ vì chính sức khỏe của họ, còn hầu hết nông dân mình chưa quan tâm đến điều này.

Còn bà Phạm Phương Thảo thì cho rằng, để nông dân gắn bó với sản xuất hữu cơ, cần đảm bảo cho họ 2 vấn đề: Giải pháp canh tác và thị trường đầu ra.

Sau 6 năm tham gia làm hữu cơ, những khó khăn về nguồn nguyên liệu đầu vào của bà Thảo đã được giảm đáng kể, tuy nhiên vấn đề nhân lực vẫn là một trăn trở lớn. “Nếu mình không bán được hàng cho họ thì dù có chứng nhận hữu cơ, nhiều nông dân vẫn sẵn sàng bỏ để quay về sản xuất truyền thống như trước” – bà Thảo nhận xét.

Bà Thảo có một đối tác nông dân ở Đà Lạt, gia đình dành phần lớn diện tích canh tác để trồng hoa. Mấy năm gần đây, người chồng cảm thấy sức khỏe có vấn đề, mỗi lần đi xịt thuốc trừ sâu cho hoa đều thấy ghê sợ, nên bà Thảo đã gợi ý họ chuyển qua trồng rau hữu cơ để khỏe mạnh hơn.

Mặc dù đã được bà Thảo hỗ trợ tài chính để yên tâm trồng trọt nhưng sau một thời gian, cặp vợ chồng lại tỏ ý băn khoăn. Họ thấy trồng hữu cơ vất vả, tốn công bắt sâu, nhổ cỏ, phải thuê thêm nhân công mà lợi nhuận không bằng trồng hoa nên lại muốn chuyển về trồng hoa.

Thực tế, theo thống kê của Bộ NNPTNN, chi phí cho sản xuất hữu cơ thường cao hơn sản xuất thông thường khoảng 130% trong khi sản lượng chỉ bằng 80-90% (có bảng so sánh kèm theo). Ngoài ra, việc nhận thức chưa đúng về hữu cơ của nhiều người sản kinh doanh cũng là một khó khăn cho phát triển ngành này.

Trong một hội nghị về xúc tiến nông sản hữu cơ do Bộ NNPTNT tổ chức tại TP.HCM hồi tháng 9/2019, nhiều người tham dự vẫn nhầm lẫn giữa sản xuất hữu cơ với sản xuất thực phẩm an toàn công nghệ cao, cho rằng làm hữu cơ không cần đất và nước. Bà Thảo cũng kể rằng nhiều lần mình nhận được các đề nghị hợp tác từ những nông dân sản xuất, nhưng tìm hiểu thì thấy họ không có giấy chứng nhận hữu cơ mà chỉ là những chứng nhận sản phẩm an toàn.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Na Hoàng Hậu đậu quả ngọt ở Đông Trường Sơn

Na Hoàng Hậu từ lúc xuống giống cho đến khi ra quả chỉ 2 năm, là loại cây dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, ít đòi hỏi nước…

 

Huyện Kông Chro nằm ở phía Đông của tỉnh Gia Lai, theo tiếng địa phương có nghĩa là khu vực nhiều núi. Đây là nơi khí hậu khắc nghiệt, khô khan, nguồn nước khan hiếm nên người dân chủ yếu canh tác các loại cây nông nghiệp ngắn ngày như mía, mỳ, bắp lai, dưa hấu, ớt… Gần đây, Kông Chro liên tục gặp đại hạn cũng như sâu bệnh hại trên các loại cây truyền thống.

 

Chuyển đổi để thích ứng thực tiễn

Huyện Kông Chro dù là nơi có con sông Ba chảy qua, song nhiều năm trở lại đây, nơi này chịu cảnh khan hiếm nước do hậu quả của các thủy điện ở phía thượng nguồn gây ra. Chính vì vậy, cấp ủy và chính quyền chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm khắc phục và ứng phó với tình hình thời tiết. Một trong những nơi đi đầu là xã Yang Trung, nông dân mạnh dạn đưa nhiều cây trồng mới hiệu quả cao như na Hoàng Hậu, xoài, nhãn muộn, gấc, dừa xiêm lùn, chanh dây… vào canh tác.

Hiệu quả kinh tế từ cây na Hoàng Hậu là mô hình điểm để địa phương nghèo này mạnh dạn chuyển đổi cây trồng.

 

Hơn 3 năm nay, kể từ khi cây na Hoàng Hậu bén rễ vùng đất này, nó đã từng bước khẳng định ưu thế vượt trội, mang lại thu nhập ổn định cho nông dân. Đến vườn trái cây của gia đình ông Vũ Văn Nhất ở thôn 9, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những quả na Hoàng Hậu to vật, cây nào cũng lúc lỉu trái.

Ông Nhất sở hữu gần 8ha đất trồng các loại cây như na Hoàng Hậu, nhãn muộn, xoài, dừa xiêm lùn, mía và đậu đỗ… Riêng na Hoàng Hậu có 600 cây, trong đó 300 cây đã cho thu hoạch trái 2 năm. Theo ông Nhất, phần đất trồng na Hoàng Hậu trước đây được luân phiên trồng mía, mì và đậu đỗ các loại nhưng hiệu quả sản xuất không cao do thiếu nước, sâu bệnh hại và giá cả bấp bênh.

Năm 2016, nhận thấy na Hoàng Hậu đang được trồng nhiều, thu nhập ổn định nên ông Nhất đã mạnh dạn cải tạo lại vườn, mang giống cây có tên gọi vương giả này về trồng thử nghiệm. Gia đình ông đã phải lặn lội vượt cả ngàn cây số vào tận tỉnh Bến Tre để tham quan, học hỏi kinh nghiệm cũng như mua cây giống. Nhờ được chăm sóc bài bản, đúng cách nên năm thứ hai, vườn na của ông Nhất đã cho quả ngọt.

“Na Hoàng Hậu từ lúc xuống giống cho đến khi ra quả chỉ 2 năm, là loại cây dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, ít đòi hỏi nước nên phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng. Trái na Hoàng Hậu chín có mùi thơm, vỏ màu vàng, da căng, mẫu mã đẹp, trọng lượng gấp 3 – 5 lần so với na thông thường (trái nhỏ nhất đạt 300gr, lớn nhất là 1,5kg). Na Hoàng Hậu được bạn hàng đánh giá ngon không kém sản phẩm cùng loại đang được bày bán trên thị trường”, ông Nhất phấn khởi cho hay.

Gia đình ông Nhất thu hoạch na bán cho thương lái.

 

Cũng trồng na Hoàng Hậu, hàng xóm của ông Nhất là hộ chị Vũ Thị Đào cho hay, gia đình có hơn 2ha đất trồng nhãn, gấc, chanh dây và na Hoàng Hậu. “Trước đây, riêng nhãn, gấc, chanh dây đã đem lại thu nhập mỗi năm hơn 220 triệu đồng, song các loại cây này rất nặng công chăm sóc. Hai năm nay, gia đình đã cải tạo lại vườn để trồng 0,5ha na Hoàng Hậu. Tôi thấy việc đa dạng cây trồng, mùa nào thức ấy sẽ mang lại nguồn thu nhập thường xuyên, ổn định. Bởi nếu bỏ nhiều trứng vào cùng một rổ thì dễ rủi ro khi bị dội chợ”, chị Đào tính toán.

 

Nâng cao thu nhập bằng cây ăn quả trái vụ

Sau 3 năm na Hoàng Hậu bén rễ vùng đất này, nông dân cho rằng loại cây này chính là một hướng đầu tư có tương lai. Nhược điểm của nó là na chính vụ thường rơi vào tháng khoảng 5 – 6, đợt 2 thu hoạch vào áp Tết Nguyên đán. Lúc này, na rất nhiều trên thị trường nên giá không cao.

Chính vì vậy, ông Nhất đã mày mò tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật xử lý na ra hoa trái vụ để cây cho thu hoạch vào thời điểm tháng 10. Theo ông, biện pháp chính là cắt tỉa cành cho cây luôn được trẻ hóa, thường xuyên đâm chồi mới và bung hoa. Khi nụ hoa hé màu trắng thì ông thụ phấn nhân tạo. Sau khi đậu quả, ông còn vài lần loại bỏ quả lép, méo mó để cây tập trung dinh dưỡng nuôi những trái đạt chuẩn.

Trung bình na trái vụ có giá 47.000 đồng/kg, được thương lái đến cắt tại vườn, cao hơn nhiều so với chính vụ (từ 25.000 – 37.000 đồng/kg).

 

“Tháng 10 năm nay, 300 cây na nhà tôi đã bắt đầu cho thu hoạch trái vụ. Trung bình na trái vụ có giá 47.000 đồng/kg, được thương lái đến cắt tại vườn, cao hơn nhiều so với chính vụ (từ 25.000 – 37.000 đồng/kg). Đợt quả này, 300 cây nhà tôi cắt được trên 2 tấn quả, thu nhập 95 triệu đồng, gần bằng hai đợt chính vụ năm ngoái (100 triệu đồng), trong khi vẫn còn 1 đợt thu nữa. Chính vì vậy, các vụ sản xuất tiếp theo, tôi sẽ tiếp tục xử lý cho cây ra quả trái vụ”, ông Nhất chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Quang Quốc, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kông Chro, huyện có khoảng 624ha cây ăn quả, riêng xã Yang Trung có hơn 91ha. Tại thôn 9, có hơn 72ha cây ăn quả, trong đó na Hoàng Hậu hơn 30ha. Thời gian qua, hạn hán nặng nề, dịch bệnh cây trồng hoành hành, huyện đã vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Từ đó, đã xuất hiện nhiều mô hình mới, đáng kể nhất là mô hình trồng na Hoàng Hậu của ông Nhất.

Mô hình này được đánh giá rất cao, đã mở ra hướng đi mới để người dân chuyển đổi diện tích vườn tạp, vườn cây trồng kém hiệu quả cho phù hợp với điều kiện địa phương. “Thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình làm kinh tế hiệu quả, góp phần tăng thu nhập cho nông dân, giúp cải thiện một số tiêu chí trong việc xây dựng nông thôn mới”, ông Quốc cho hay.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Nam Trung Bộ khẩn trương bảo vệ lồng bè nuôi trồng thủy sản

Trong khi cơn bão đang hình thành trên biển Đông, những hộ nuôi trồng thủy sản lồng bè ở các tỉnh Nam Trung Bộ đang cấp tập triển khai các giải pháp bảo vệ tài sản…

 

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện nay trên vùng biển phía Đông đảo Pa-La-Oan (Philippines) có 1 vùng áp thấp đang hoạt động. Vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 10,0 – 11,0 độ vĩ Bắc; 120,0 – 121,0 độ kinh Đông, cách phía Bắc đảo Pa-La-Oan (Philippines) khoảng 100km về phía Đông.

Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15 – 20km/h, đi vào biển Đông và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Trong 24 – 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển rất nhanh về hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20 – 25km và có khả năng mạnh lên thành bão. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.

Chủ nuôi tôm hùm lồng trên vịnh Xuân Đài ở TX Sông Cầu (Phú Yên) đang giằng chống, gia cố lồng bè đối phó với bão.

 

Trước dự báo trên, ngành chức năng ở “thủ phủ” tôm hùm Sông Cầu (Phú Yên) đang cấp tốc triển khai phương án bảo vệ lồng bè nuôi trồng thủy sản trên địa bàn. Theo ông Nguyễn Thái Hải Anh, Phó phòng Kinh tế TX Sông Cầu, hiện chủ nuôi của hơn 70.000 lồng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn đã giằng chống kỹ lưỡng lồng bè của mình để tránh thiệt hại khi bão xảy ra.

“Đặc biệt, UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành mệnh lệnh khi có thông báo của ngành chức năng, tất cả những người đang có mặt trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản phải lập tức di dời vào đất liền, nếu ai bất tuân mệnh lệnh sẽ bị ngành chức năng cưỡng chế đưa vào bờ, để tránh thiệt hại về người”, ông Nguyễn Thái Hải Anh nói.

Lồng bè nuôi cá ở khu vực Hải Minh, phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn, Bình Định) đã được giằng chống, gia cố chắc chắn.

 

Ở Bình Định, công tác bảo đảm an toàn cho người nuôi và các lồng bè nuôi trồng thủy sản trên địa bàn cũng đã được triển khai quyết liệt. Theo ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, hiện trong khu vực Hải Minh thuộc phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn) đang có 107 hộ nuôi các loại cá chẽm, cá bớp, cá điêu hồng, cá mú, cá hồng Mỹ… với trên 1.266 lồng nuôi, 188 bè nuôi. Còn ở xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) cũng đang có 61 hộ chuyên nuôi tôm hùm thương phẩm đã thả nuôi niên vụ 2019 – 2020 với 70.000 con tôm giống trên 34 bè nuôi.

Trước dự báo cơn bão đang hình thành trên biển Đông, những hộ nuôi trồng thủy sản ở Bình Định hiện đã giằng chống, gia cố tất cả các lồng bè để đối phó với bão. Đồng thời ngành chức năng tỉnh này cũng đã khuyến cáo chủ các hộ nuôi phải di dời vào bờ an toàn khi có bão đến.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam

Từng ao nuôi Cá Tra được mã hóa như thế nào?

Xuất khẩu cá tra chính ngạch sang thị trường Trung Quốc đặt ra các điều kiện mới, trong đó có việc cấp mã số để có thể truy xuất nguồn gốc. Hiệp hội cá tra Việt Nam (VINAPA) cho biết, trong 2 năm qua ở ĐBSCL hoàn tất cấp mã số ao nuôi cá tra.

 

Theo người nuôi cá tra và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản ở ĐBSCL, việc mã hóa ao nuôi cá tra là điều kiện bắt buộc cần có trước khi ký hợp đồng liên kết sản xuất.

Thu hoạch cá tra từ vùng nuôi được kiểm soát tốt.

 

Điều kiện cần

Đến tháng 8/2019, theo số liệu Tổng cục Thủy sản, việc tiến hành xác định cấp mã số ao nuôi cá tra tại ở các tỉnh ĐBSCL đạt hơn 5.200/5.400 ha ao nuôi.

Ông Trần Thanh Phong, Phó Tổng thư ký Hiệp hội cá tra Việt Nam (VINAPA) cho biết, đến nay Chi cục Thủy sản các tỉnh, thành phố trong vùng hoàn tất cấp mã số ao nuôi cá.

Hoạt động nghề nuôi cá tra bắt đầu SX theo kế hoạch. Vào đầu mỗi vụ nuôi được cập nhật, kiểm soát chặt chẽ từng ao nuôi về tiến độ thả giống cho đến cuối vụ số ao nuôi cá sắp thu hoạch. Mỗi tháng nhu cầu số lượng con giống, sản lượng cá sắp thu hoạch được thống kê và điều tiết nhịp độ SX cung cầu theo thị trường để có dự báo tốt hơn. Đặc biệt qua truy xuất nguồn gốc cá tra được nuôi trong môi trường có kiểm soát tốt càng tạo thêm niềm tin và uy tín với khách hàng.

Ông Trần Văn Hai nuôi cá tra ở Cù lao Tân Lộc và ao cá 1 ha đã cấp mã số ao nuôi.

 

Theo chuỗi giá trị SX, khâu đầu tiên là con giống. Ông Nguyễn Ngọc Hải, chủ cơ sở SX giống thủy sản, chuyên ương dưỡng cá tra giống cá giống tại quận Ô Môn, TP Cần Thơ, cho biết: Điều kiện trước nhất là cơ sở SX phải có giấy phép kinh doanh và vùng ao nuôi đạt điều kiện tiểu chuẩn, được Chi cục Thủy sản địa phương cấp mã số ao. Quá trình kiểm tra nếu SX đạt tiêu chuẩn chất lượng sẽ cấp giấy chứng nhận.

Đối với các cơ sở ương dưỡng giống nhập cá bột, nguồn gốc từ cơ sở nào cũng phải có giấy chứng nhận. Hồ sơ ghi nhận từng đợt SX cá giống sẽ được các hộ nuôi cá hay DN thu mua cá giống SX cá tra thương phẩm sau này căn cứ vào đó để biết rõ sản phẩm đạt chất lượng hoặc truy nguyên nếu phát hiện sự cố xảy ra ở khâu nào.

 

Cung cách làm ăn mới

Nhiều năm qua cá tra là một trong những mặt hàng thủy sản chủ lực quốc gia. Ở ĐBSCL ngành hàng cá tra hình thành chuỗi giá trị sản xuất từ vùng nuôi đến nhà máy chế biến, đảm bảo sản phẩm an toàn vệ sinh thưc phẩm tới bàn ăn. Mối liên kết SX định hình cung cách làm ăn mới. Hiện có hàng ngàn hộ nuôi cá tra theo hợp đồng liên kết với nhà máy chế biến.

Cá tra Việt Nam đã xuất khẩu hiện diện trên thị trường 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó các thị trường chủ lực như Mỹ, EU và Trung Quốc – Hồng Kông mới nổi lên, tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây. Đặc biệt Trung Quốc đang áp dụng truy xuất nguồn gốc các mặt hàng thủy sản, trong đó có cá tra.

Theo các hộ nuôi cá tra thương phẩm hợp đồng liên kết với công ty Sao Mai-IDI kèm theo yêu cầu bắt buộc SX theo tiêu chuẩn VietGAP: Ao nuôi cá phải nằm trong quy hoạch vùng nuôi thủy sản và đã cấp mã số. Nếu không đáp ứng các điều kiện trên, phía công ty sẽ không ký hợp đồng.

Ông Út Anh, chủ hộ nuôi cá tra ở Cù lao Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, nói: “Tôi có 5 ao nuôi cá ký kết hợp đồng liên kết với công ty Sao Mai-IDI.

Mỗi ao nuôi cá phải áp dụng theo đúng quy trình kỹ thuật, từ loại thức ăn đến cách dùng thuốc phòng ngừa bệnh cá phải đúng theo hướng dẫn của công ty.

Hơn một năm qua cán bộ thủy sản địa phương đến khảo sát và cấp mã số gắn thẻ cho mỗi ao với tên chủ hộ nuôi cá. Tôi cho đây là điều kiện tốt để hướng tới làm ăn bài bản hơn, không chỉ đáp ứng yêu cầu từ phía công ty mà bảo vệ quyền lợi cho cho người nuôi cá.

Qua mã số định vị và công nghệ số là phương thức kiểm soát từng ao nuôi, cốt yếu bảo vệ uy tín sản phẩm và danh tiếng cá tra trên thị trường xuất khẩu thế giới”.

Thu hoạch cá tra

 

Ông Trần Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ, cho biết: Từ năm 2018 Chi cục bắt đầu tiến hành khảo sát, kiểm tra cấp mã số ao nuôi cá tra và đến nay đã hoàn tất gần 600 ha ao nuôi cá tra trên địa bàn thành phố.

Đa số các hộ nuôi về thủy sản có hiểu biết luật, chấp hành quy định quản lý nhà nước và đáp ứng các quy định, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở nuôi cá tra trong ao – điều kiện bảo đảm vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường và ATTP.

Khi đã chuẩn hóa vùng nuôi sẽ kiểm soát, quản lý và theo dõi tình hình dịch bệnh ở vùng nuôi tốt hơn. Các DN chế biết thủy sản xuất khẩu ở ĐBSCL cũng thừa nhận: Trên thực tế việc cấp mã số, chuẩn hóa vùng nuôi không khó thực hiện để đáp ứng theo yêu cầu và hiện đã có nhiều DN đáp ứng đủ điều kiện XK cá tra chính ngạch vào TQ.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Sốt giống lúa OM18

Tuy mới chuẩn bị bước vào đầu vụ ĐX 2019-2020 nhưng giống lúa OM18 đang dấy lên cơn sốt chưa từng có, làm thay đổi hoàn toàn cơ cấu giống của Viện Lúa ĐBSCL cung ra thị trường so với những năm qua.

 

Giống lúa OM 18.

 

Thông tin trên được Trung tâm Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và Sản xuất nông nghiệp (Viện Lúa ĐBSCL) cho biết. Hiện nay, Viện lúa chỉ đáp ứng giống cấp siêu nguyên chủng và giống nguyên chủng cho các đơn vị sản xuất giống. Trong khi đó giống cấp xác nhận hầu như không đủ bán trước nhu cầu đang tăng cao.

Trên thực tế, giống lúa OM18 đã được chuyển giao từ hơn 4-5 năm qua. Nông dân huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau sau khi thực hiện các mô hình trình diễn ban đầu nhận thấy giống thích nghi, chống chịu hạn, mặn tốt.

Hơn nữa, nhờ đặc tính kháng rầu nâu và bệnh đạo ôn khá tốt, năng suất cao, nhất là chất lượng hạt gạo trắng trong, cơm thơm nhẹ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và tiêu dùng gạo nội địa nên OM18 được thương lái đặt cọc mua từ đầu vụ. Từ đó, nông dân chuyển sang chọn canh tác giống lúa OM18 càng nhiều, diện tích tăng nhanh, lấn át giống lúa OM5451 trên địa bàn các tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu…

Lúa gạo OM 18

 

Giống lúa OM18 có nguồn gốc từ tổ hợp lai OM8017/OM5166 được lai tạo bởi Bộ môn Công nghệ sinh học, Viện Lúa ĐBSCL. OM18 là giống lúa ngắn ngày, có thời gian sinh trưởng 95-100 ngày (lúa sạ), 100-105 ngày (lúa cấy), chiều cao cây 100-110 cm, cứng cây: độ 1, đẻ nhánh khỏe. Năng suất vụ ĐX 7-8 tấn/ha, vụ HT 5-6 tấn/ha. Phẩm chất gạo: Tỷ lệ gạo lức 78-79%, gạo trắng 67-68%; gạo nguyên 40-45%. Chiều dài hạt gạo 7,0-7,1 mm. Hạt gạo thon dài, cơm mềm và ngọt. Tính chống chịu: Kháng đạo ôn (cấp 2), hơi nhiễm rầy nâu (cấp 5), chống chịu mặn 3-4‰

Giống canh tác được các vụ trong năm, thích hợp cho các vùng sinh thái ở ĐBSCL và vùng nhiễm mặn.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

 

Nuôi ốc hương thu tiền tỷ trên xứ gió Lào, cát trắng

Sau mấy năm nuôi tôm thất bát, anh Phạm Văn Nghĩa (xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) chuyển qua nuôi ốc hương sạch cho hiệu quả kinh tế cao.

 

Sau nhiều năm bôn ba làm ăn ở khắp nơi, anh Nghĩa đã quyết định trở về quê hương lập nghiệp. Năm 2009, anh đã mạnh dạn đấu thầu 8 nghìn m2 đất của địa phương ở vùng ven biển để đầu tư nuôi tôm.

Nuôi tôm trên cát như “đánh bạc với trời”, vụ được, vụ mất. Vòng quay vay nợ, trả nợ làm cho vợ chồng anh Nghĩa tái mặt mà cũng chắng tích cóp được mấy đồng vốn. Đến năm 2017, nhận thấy nghề nuôi tôm khó khăn, anh Nghĩa đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích sang nuôi ốc hương.

Trang trại nuôi ốc hương của anh Nghĩa.

 

“Cũng là cái duyên”- anh Nghĩa mở đầu câu chuyện. Chuyện là khi đang bí về việc nên theo đuổi nghề tôm như đánh bạc hay không thì anh Nghĩa kết bạn được với thanh niên trẻ Nguyễn Bình Dương.

Dương là người đã từng có kinh nghiệm nuôi ốc hương cho các ông chủ ở các tỉnh phía Nam. Thấy vùng đất có tiềm năng nên Dương động viên anh Nghĩa chuyển nghề.

“Theo lý thuyết, ốc hương thả nuôi từ tháng 1 thì đến tháng 10 là cho thu hoạch. Tuy nhiên, vào tháng thứ 9 là thu hoạch được. Việc thu hoạch được lựa chọn những con ốc to (loại 70-80 con/kg) để bán. Loại bé hơn được nuôi tiếp. Khi bạn hàng hoặc thương lái có nhu cầu là mình bán”- anh Nghĩa cho biết.

Những ngày đầu thử nghiệm, với loại vật nuôi mới lạ, vợ chồng anh Nghĩa không khỏi lo lắng và gặp nhiều khó khăn. Ngoài những kinh nghiệm được Dương truyền lại, anh Nghĩa đã chịu khó tìm tòi, tham khảo kiến thức nuôi ốc hương qua các phương tiện thông tin đại chúng. Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông – khuyến ngư Quảng Bình cũng đã tích cực hỗ trợ mô hình.

Nhờ đó, anh đã áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trong các khâu xử lý ao hồ, gây tạo màu tảo, bảo đảm độ pH, thức ăn, nhiệt độ, môi trường nước…

Giống nuôi được lấy từ các cơ sở chất lượng cao ở Khánh Hòa, Bình Thuận. Từ lúc thả cho đến ốc hương trong vòng 3 tháng, thức ăn phải chọn các loại tôm tươi, sạch và bóc vỏ.

Sau nuôi được 3 tháng ngoài tôm tươi, còn phải bổ sung thêm các loại cá biển tươi. “Nếu sử dụng thức ăn như tôm, cá không tươi thì ốc sẽ sinh bệnh ngay”- anh Nghĩa cho hay.

Kiểm tra sinh trưởng của ốc.

 

Buổi sáng, khi chúng tôi đến trang trại, đã thấy anh Nghĩa xuất bán cho bạn hàng hơn 2 tạ ốc hương. “Giá mỗi kg là 350 ngàn đồng. Đó là giá trung bình thấp. Khi giá lên, có thể bán được từ 450-500 ngàn đồng/kg”- anh Nghĩa bộc bạch.

Hiện anh Nghĩa có 4 hồ nuôi. Mỗi hồ có diện tích 1.500m2. Qua 2 vụ, ốc hương sinh trưởng và phát triển tốt, cho thu nhập cao. Năm trước, sản lượng đạt 15 tấn, từ ốc hương cho lãi 1,5 tỷ đồng. “Năm nay, sản lượng và giá cả có ổn hơn nên số lãi chắc cũng có nhích lên chút”- anh Nghĩa cho biết thêm.

Ốc hương là loài dễ nuôi, ít dịch bệnh, chi phí mua giống khá lớn nhưng lại cho giá trị kinh tế cao, đầu ra sản phẩm ổn định. Tuy nhiên, bạn hàng của anh Nghĩa mới chỉ trong nước, phục vụ cho nhu cầu của các nhà hàng hướng đến khách hàng cao cấp.

Hiện nay, trang trại của anh Nghĩa tạo việc làm quanh năm cho 10 lao động. Hầu như mọi lao động đều được ăn, nghỉ tại chỗ và có thu nhập 10 triệu đồng/tháng.

Anh Phạm Đình Dương, cán bộ kỹ thuật chia sẻ: “Trước đây, tôi phải bôn ba vào các tỉnh phía Nam làm thuê để kiếm sống với nghề nuôi trồng thủy hải sản. Nhưng từ khi được cộng tác với anh Nghĩa làm ở đây, tôi vừa làm ở gần nhà, giúp đỡ phần nào cho gia đình, vừa có đồng lương ổn định. Ngoài ra còn có tiền thưởng nên anh em ai cũng phấn khởi và có trách nhiệm, gắn bó với công việc”.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – khuyến ngư tỉnh Quảng Bình: “Đây là dự án nuôi ốc hương đầu tiên của tỉnh được trung tâm hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, một phần con giống và thức ăn. Mô hình thành công sẽ là điểm nhấn mở rộng cho những vùng ven biển có điều kiện tốt”.

Chia sẻ những khó khăn trong quá trình nuôi ốc hương, anh Nghĩa cho hay, thời tiết là vấn đề đáng quan tâm. Ốc hương thích nghi với tiết thu dịu mát. Nhưng ở Quảng Bình nắng mưa thất thường. Lúc thì quá nóng và kéo dài, khi thì quá lạnh đột ngột.

“Vậy nên cần điều tiết nước cho phù hợp. Điều này cần phải có kinh nghiệm chứ không phải ai cũng làm được”- anh Nghĩa nói.

Đưa chúng tôi xem hồ nuôi ốc hương thương phẩm rồi anh Nghĩa chỉ tay về phía vùng đất sát bên. Định hướng tới là anh sẽ mở rộng thêm 4 hồ nữa để tăng sản lượng và thu nhập.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyết bởi Farmtech Vietnam

Nuôi Tôm thâm canh hai giai đoạn công nghệ Biofloc

Với mục đích nhân rộng và hoàn thiện quy trình nuôi tôm có hiệu quả, năm 2019, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đã triển khai mô hình nuôi tôm thâm canh hai giai đoạn công nghệ Biofloc.

 

Kích cỡ tôm tại thời điểm nghiệm thu.

 

Mô hình được Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị triển khai ở 2 điểm, là xã Hải Khê, huyện Hải Lăng và xã Triệu An, huyện Triệu Phong, gồm 3 hộ tham gia nuôi, với diện tích từ 2.500- 3.500 m2/hộ. Mô hình triển khai với phần kinh phí hỗ trợ con giống tôm thẻ chân trắng là 50%; thức ăn công nghiệp là 50%; phần còn lại hộ tham gia mô hình đóng góp.

Quá trình chăm sóc quản lý bao gồm 2 giai đoạn ương và nuôi. Giai đoạn ương sử dụng quy trình theo công nghệ Biofloc ít thay nước.

Trong quá trình ương, tôm giống được ương ở ao ương nhỏ với hệ thống sục khí đáy đầy đủ để duy trì mật độ Biofloc ổn định đã góp phần cung cấp đủ lượng oxy hỗ trợ sức khỏe tôm, mặt khác mật độ Biofloc phù hợp cũng tạo ra môi trường nuôi ổn định, giảm stress cho tôm nuôi, tỷ lệ sống cao đạt 95%. Kết quả nuôi cho thấy trong giai đoạn ương tôm trong 30 ngày đầu chi phí giảm hơn so với các năm trước nuôi 1 giai đoạn, ước tính chi phí giảm khoảng 15- 20%.

Sau thời gian gần 1 tháng tiến hành san xuống ao nuôi thông qua ống xả đáy của ao ương. Việc san tôm thông qua ống xả trực tiếp, không gây xây xát ảnh hưởng sức khỏe tôm nên tôm đạt tỷ lệ sống cao.

Về tốc độ sinh trưởng, phát triển thì tôm ương giai đoạn 1 phát triển tốt, sau 30 ngày nuôi trước khi san đạt kích cỡ 950 con/kg. Hiện nay sau 2 tháng nuôi tại ao thương phẩm tôm đạt kích cỡ 57- 60 con/kg, đáp ứng yêu cầu của mô hình.

So sánh với quy trình nuôi tôm 1 giai đoạn thả tôm trực tiếp xuống ao nuôi thì quy trình 2 giai đoạn tôm sinh trưởng và phát triển tốt không thấy xuất hiện hội chứng tôm chết sớm. Kích cỡ con giống lớn, sạch và đẹp. Đặc biệt trong quá trình ương nếu xảy ra sự cố thì mức độ thiệt hại thấp hơn nhiều so với nuôi 1 giai đoạn.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Hơn 10.000 cây cam được cấp “chứng minh thư điện tử”

Trong khi con người vẫn chỉ sử dụng chứng minh thư thông thường khá bất tiện cho việc truy cứu dữ liệu thì nhiều loại cây, con đã được cấp “chứng minh thư điện tử”, chỉ cần giơ điện thoại có kết nối mạng ra là thấy rõ cả phả hệ, tông tích…

 

Hơn 10.000 gốc cam Xuân Canh được gắn mã truy xuất nguồn gốc.

 

Khó có thể nhập nhèm

Khi tiết trời Hà Nội bắt đầu chuyển sang thu cũng là lúc những hộ dân tại xã Xuân Canh (huyện Đông Anh, Hà Nội) tất bật với những quả cam chín mọng. Những đặc điểm thuận lợi về thời tiết, thổ nhưỡng và sự cần cù của người dân địa phương đã tạo nên thương hiệu Cam Xuân Canh nức tiếng gần xa.

Toàn xã hiện có tới 23 ha chuyên trồng cam với khoảng 20.000 gốc cam đang được chăm sóc trong đó có hơn 10.000 cây đã cho quả và có thể thu hoạch vào tháng 10 năm nay.

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Xuân Nhạ – Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Canh cho biết: “Dự kiến sản lượng cam Xuân Canh năm nay sẽ đạt khoảng 250 tấn, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Thành công này sẽ mang lại cho mỗi hộ dân thu nhập bình quân lên tới 500 triệu đồng”

Cam Xuân Canh có hương thơm nhẹ, vị ngọt đậm đà và mẫu mã đẹp nên mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Đặc biệt, tại Xuân Canh, phân bón hóa học và các chất bảo vệ thực vật được hạn chế tối đa trong hoạt động canh tác, thay vào đó người dân chuyển dần sang sử dụng sản phẩm phân bón hữu cơ vi sinh.

Sự thay đổi trên, một mặt đảm bảo năng suất cây trồng và các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, mặt khác giúp bảo vệ môi trường và sức khỏe của người bà con nông dân trong quá trình làm vườn. Vì vậy, thương hiệu cam Xuân Canh được người tiêu dùng đặc biệt tin tưởng và lựa chọn.

Tuy nhiên, bên cạnh các sản phẩm cam địa phương chất lượng cao, thị trường nông sản Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện những loại cam không rõ xuất xứ với giá dao động từ 15.000 – 70.000 đồng/kg. Trên thực tế, không phải ai cũng biết cách nhận diện chính xác đâu là cam ngon và sạch.

Vì vậy, chính quyền huyện Đông Anh đã phối hợp với Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển (IDE) triển khai thực hiện gắn mã QR truy xuất nguồn gốc lên sản phẩm cam của Xuân Canh. Đây là một bước đi quan trọng trong việc phát triển và bảo vệ thương hiệu cam Xuân Canh.

Hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc nông sản được huyện Đông Anh triển khai bắt đầu từ đầu năm 2019 và được áp dụng trên mô hình cam Xuân Canh từ tháng 7/2019. Hiện nay trên toàn xã có khoảng 20.000 gốc cam, trong đó có hơn 10.000 cây đã ra quả và được gắn mã vạch.

Theo ông Hoàng Văn Nhạ, Chủ tịch Hội Nông dân Xã Xuân Canh, sau khi đăng ký gắn mã truy xuất nguồn gốc cho nông sản, các chủ vườn sẽ được cấp tài khoản quản trị để cập nhật thông tin về nông sản.

Trên cơ sở đó, người tiêu dùng có thể theo dõi toàn bộ quá trình của cam Xuân Canh, từ khi cây mới ra hoa cho tới khi được đóng hộp xuất ra thị trường, thậm chí cả việc cây sử dụng phân bón gì và bón ngày bao nhiêu cũng được hiển thị tại đây.

Toàn bộ thông tin trên đều được công khai, minh bạch, không ai có thể thay đổi được. Hệ thống cũng sẽ tự định vị vị trí nơi sản xuất để đảm bảo thương hiệu của cam Xuân Xanh không bị làm giả.

Sau khi dán mã truy nguồn gốc, cam Xuân Canh bán ra thị trường với giá buôn khoảng 25.000 đồng/kg và từ 40.000 – 50.000 đối với bán lẻ. Thị trường tiêu thụ chủ yếu ở thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận. Các thông tin về nông sản cũng được cập nhật trên Hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thành phố Hà Nội tại địa chỉ https://hn.check.net.vn/.

Sản phẩm cam Xuân Canh được cập nhật trên trang chủ của Hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thành phố Hà Nội.

 

Theo bà Phạm Thị Lý, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương (Đông Anh), Giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển (IDE), so với phương pháp truy xuất nguồn gốc truyền thống là ghi chép bằng tay và lưu trữ bằng giấy tờ sổ sách, việc truy xuất nguồn gốc bằng mã QR tiện lợi và đầy đủ thông tin hơn rất nhiều.

Sắp tới, Hợp tác xã và chính quyền địa phương sẽ tiếp tục triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc qua mã QR trên các mặt hàng nông sản khác như quất cảnh, cà chua, khoai tây, khoai lang…

 

Giấc mơ xuất ngoại

Từ bao đời nay, xuất xứ của sản phẩm vẫn luôn được người tiêu dùng đặc biệt quan tâm, nhất là trong thời buổi thật giả lẫn lộn vấn đề này lại càng quan trọng. Hiện nay trên thị trường, chỉ nói riêng cam đã có tới cả chục loại khác nhau, gồm cả cam của các địa phương lẫn cam nhập khẩu từ nước ngoài. Điều này khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang, vì vậy việc minh bạch thông tin xuất xứ là cơ sở quan trọng để người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu.

Về phía doanh nghiệp và bà con nông dân, việc hướng tới sản xuất nông sản gắn với truy xuất nguồn gốc là giải pháp hữu hiệu để quản lý tình trạng từng cây cam và tiến độ phân phối của cam trên thị trường. Sự tin tưởng của người tiêu dùng cũng là yếu tố quan trọng giúp nâng cao uy tín của thương hiệu cam Xuân Canh.

Việc gắn mã truy xuất nguồn gốc còn là bước đi quan trọng giúp tăng tính cạnh tranh của cam Xuân Canh trên trường quốc tế. Thực tế cho thấy, thị trường các nước trong khu vực yêu cầu rất khắt khe về nguồn gốc xuất xứ của nông sản và các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.

Cụ thể, từ đầu năm 2019, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã yêu cầu bắt buộc truy xuất nguồn gốc với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, đối với các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore thì yêu cầu còn cao hơn nữa.

Trên thực tế, công nghệ truy xuất nguồn gốc đã được áp dụng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới nhưng còn khá mới ở Việt Nam. Vì vậy khi triển khai cũng gặp phải không ít khó khăn. Cụ thể, việc thực hiện các thao tác truy xuất nguồn gốc trên các thiết bị điện tử còn khá mới mẻ và khó khăn đối với người dân ở các vùng nông thôn, kinh tế chưa phát triển.

Bên cạnh đó, trang chủ của Hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thành phố Hà Nội vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện nên chưa có tính năng song ngữ, đây là một hạn chế đối với nông sản Việt khi xuất sang thị trường nước ngoài.

Nhìn chung, dù mới triển khai nhưng hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản đã mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp cũng như người nông dân và người tiêu dùng. Những thành công từ mô hình cam Xuân Canh là cơ sở tiền đề và bài học kinh nghiệm để các HTX khác trên cả nước áp dụng và phát triển cho nông sản của địa phương.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Mít ruột đỏ thu tiền tỷ

Với hương vị thơm ngon, lạ miệng, càng để lâu càng ngọt và mềm, giống mít ruột đỏ Indonesia được nhiều người ưa chuộng, mặc dù giá cao gấp đôi, gấp 3 so với các loại mít thường.

 

Cây Mít giống tại vườn ươm của HTX.

 

Người mang loài mít đặc biệt này về trồng là ông Nguyễn Viết Vị, Giám đốc HTX Phước Thiện, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước.

Nói về cơ duyên với cây mít ruột đỏ, ông Vị cho biết, năm 2015, trong chuyến đi công tác tại Indonesia, ông tình cờ được giới thiệu và dùng thử mít ruột đỏ. Những múi mít có cùi dày, ăn dai, vị ngọt thanh, nên ông tò mò tìm hiểu.

Ông thấy giống mít này dễ trồng, năng suất cao, sinh trưởng trong điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng khá giống với bên mình. Điều khiến ông thích nhất là múi mít có màu đỏ bắt mắt và hương vị rất đặc biệt, có pha lẫn hương dầu chuối… Sau khi tìm hiểu kỹ, ông quyết định mua 100 cây giống về trồng thử.

Sau 2 năm trồng, cây đã cho lứa trái đầu tiên. Ngay lập tức những trái mít ruột đỏ đã được người tiêu dùng hào hứng đón nhận vì hương vị thơm ngon, có bao nhiêu thương lái đặt hàng hết bấy nhiêu, dù giá lên tới 60 ngàn đồng/kg.

Xác định đây là cây trồng tiềm năng, HTX đã triển khai trồng đại trà 20ha chuyên canh mít ruột đỏ. “Giống mít này có khả năng thích nghi với điều kiện khí hậu nước ta khá tốt. Cây có khả năng chịu hạn cao, phát triển trên mọi loại đất ở Bình Phước. Vì trồng theo chuẩn VietGAP, chỉ dùng phân vi sinh, nên chi phí đầu tư rất thấp, bình quân mỗi gốc mít chỉ tốn 50 ngàn 1 năm.

Cây trưởng thành có thể cho 15-30 trái, mỗi trái nặng khoảng 10kg. Nếu chăm sóc đúng kỹ thuật, trái có thể nặng tới 14-15kg. 1ha đất trồng khoảng 270 cây, giá mít đang duy trì ổn định từ 40 – 60 ngàn đồng/kg, HTX thu cả chục tỷ đồng/năm sau khi trừ chi phí”, ông Vị cho biết.

Anh Lưu Anh Trung, thành viên HTX Phước Thiện chia sẻ, gia đình anh có 2ha đất chuyên canh cây tiêu. Thời hoàng kim của cây tiêu mỗi năm anh thu nhập cả tỷ đồng. Nhưng mấy năm nay, thời tiết thất thường, sâu bệnh phát triển mạnh, giá tiêu xuống thấp, trong khi chi phí đầu tư tăng cao… nên lỗ nặng.

 

Anh Lưu Anh Trung bên vườn Mít ruột đỏ 2 tuổi của gia đình.

 

“Khi HTX vận động tham gia dự án liên kết trồng mít, tôi hơi do dự vì vốn liếng không có. Nhờ sự hỗ trợ của HTX, năm 2017, tôi chuyển toàn bộ vườn tiêu sang trồng mít ruột đỏ. Hiện 600 gốc mít mới ra trái đợt đầu, mỗi ngày cũng kiếm được gần 1 triệu đồng”, anh Trung hồ hởi nói.

Ông Nguyễn Viết Vị cho biết: Mục tiêu của HTX là liên kết nông hộ, sản xuất tập trung theo quy trình VietGAP, cho ra sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, ổn định đầu ra. Ngoài ra, liên kết sản xuất cũng góp phần giảm phí đầu tư, tăng thu nhập.

“Nhằm giúp bà con nông dân có những cây giống tốt, HTX đã xây dựng vườn ươm từ những cây giống đầu dòng. Trung bình mỗi tháng HTX cung cấp hàng ngàn cây giống chất lượng với giá 40 ngàn đồng/cây, rẻ hơn ngoài thị trường từ 5-10 ngàn đồng, chỉ thu trước 50%, còn lại chờ thu hoạch mới thu hết. Bên cạnh đó, HTX cũng cam kết thu mua mít thương phẩm cho bà con trong tỉnh, nhưng phải trồng đúng theo quy trình sạch”, ông Vị nói.

Nói về đầu ra của sản phẩm, ông Vị cho biết, ngoài thương lái đến mua tận vườn, HTX cũng ký kết hợp đồng cung cấp sản phẩm với các siêu thị như Coop Mart, Big C… Ngoài ra, HTX còn thường xuyên tham gia các hội chợ kết nối cung – cầu, xúc tiến đầu tư. Nhờ vậy, mít ruột đỏ không chỉ đến tay người tiêu dùng trong nước mà được nhiều nước trên thế giới ưa chuộng nhập hàng như Trung Quốc, Ấn Độ…

Hiện tại, ngoài 18 thành viên, HTX Phước Thiện còn liên kết với hơn chục hộ trên địa bàn tỉnh trồng mít ruột đỏ, trung bình mỗi hộ có từ 2 – 10ha, đều thu nhập ổn định từ 200 triệu đồng/năm trở lên.

Ngoài cây mít ruột đỏ, HTX Phước Thiện còn trồng các loại cây ăn quả khác như mít lá bàng, ổi ruột đỏ, chuối tím, vú sữa hoàng kim và xây dựng trang trại chăn nuôi gà, heo quy mô lớn để tăng thu nhập cho xã viên.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Kinh nghiệm nuôi Tôm sạch ở Sóc Trăng

Vùng ven biển Vĩnh Châu, Sóc Trăng từ đầu tháng 10/2019 đến nay mưa ngớt dần, nhiều khả năng hạn sẽ tới sớm. Dự báo trồng trọt sẽ thiếu nước tưới, nuôi tôm đối mặt với dịch bệnh.

 

Ao nuôi Tôm của trại Tân Nam (Vĩnh Châu, Sóc Trăng)

 

Hiện một số địa phương ở Sóc Trăng phát hiện tôm bị bệnh vi bào tử trùng (EHP), bệnh nặng hơn là phân trắng khiến bà con chưa dám thả tôm giống vụ 2.

Vừa qua, một công ty sản xuất tôm giống có thương hiệu lớn đã tổ chức hội thảo về vấn đề bệnh do vi bào tử trùng và phân trắng trên tôm. Tại đây, các nhà khoa học của công ty này cho biết, hiện tại vùng nuôi tôm tập trung của Ấn Độ, dịch bệnh trên đang bùng phát và gây thiệt hại nặng. Vùng nuôi này cũng sử dụng một kênh vừa cấp vừa thoát tương tự như vùng nuôi tôm Mỹ Thanh của Sóc Trăng, nên dịch bệnh lây lan rất nhanh.

Cũng theo các chuyên gia nuôi tôm của công ty trên, đối với 2 bệnh này hiện chưa có thuốc trị, giải pháp tốt nhất là ngăn ngừa từ xa bằng cách sản xuất “4 sạch”.

Trước hết là sạch về con giống. Con giống trước khi xuất bán được kiểm tra 10 loại dịch bệnh, khi nào tất cả đều âm tính, mới cho xuất bán ra thị trường. Nếu kiểm tra không đạt sẽ hủy bỏ toàn bộ. Thực tế cho thấy, các trang trại lớn nuôi tôm khi nhận con giống của công ty về kiểm lại đều không phát hiện bệnh. Nhưng đối với con giống một số công ty khác khi kiểm dịch, thỉnh thoảng vẫn có dương tính với một số loại bệnh.

 

Nước sạch là yếu tố rất quan trọng trong nuôi tôm.

 

Vấn đề thứ hai là nước sạch. Để có nước sạch, quy trình xử lý rất quan trọng, bởi cần làm cho môi trường nước không còn chỗ cho vi khuẩn gây hại bám, bám víu (không có giá thể), nhất là chất rắn lơ lửng vì vi bào tử trùng rất khó diệt.

Do đó, cần làm cho tất cả chất rắn lơ lửng lắng xuống đáy, sau đó bơm lấy nước trong tầng trên cũng hạn chế được vi bào tử trùng. Hoặc có giải pháp hạ pH đến ngưỡng phù hợp (khoảng 6) nhằm phá hủy lớp bảo vệ của vi bào tử trùng, sau đó có giải pháp nâng pH lên lại cho phù hợp với con tôm.

Tôm sạch và nước sạch là 2 yếu tố cơ bản quyết định đến thành công của vụ nuôi tôm. Nhưng để phòng ngừa 2 bệnh trên, cần phải sạch thêm các dụng cụ, trang thiết bị, con người, phương tiện phục vụ ao nuôi (khử trùng kỹ trước khi sử dụng). Thậm chí ngay cả ao lót bạt, sau vài năm nuôi cũng cần dỡ lên, bón thêm vôi vào phần đất đáy ao sau đó mới lót bạt trở lại.

Theo các nhà khoa học chuyên ngành thủy sản, nuôi tôm, nếu không có giá thể chỉ sau khoảng 15 phút là vi bào tử trùng sẽ chết. Nhưng trong điều kiện thực tế, giá thể của vi bào tử trùng rất đa dạng, chứ không chỉ có trong chất rắn lơ lửng hay thức ăn dư thừa, phân tôm…Do đó việc khử trùng toàn bộ một cách kỹ lưỡng là rất cần thiết để ngăn ngừa dịch bệnh vào ao nuôi.

Nuôi tôm trúng vụ.

 

Kinh nghiệm từ mô hình nuôi ao nổi cũng là cách phòng bệnh tốt vì đáy ao nuôi luôn sạch, vừa tiết kiệm được năng lượng, tăng oxy hòa tan. Tuy vậy có điều khi thu hoạch tốn công dọn dẹp hệ thống oxy rất nhiều.

Từ mô hình nuôi tôm giống “4 sạch”, trại nuôi tôm Tân Nam ở Vĩnh Châu của Công ty Sao Ta thả nuôi vụ chính (vụ 1 năm 2019) mật độ 250 con/m2.

Kết thúc vụ 1 thu hoạch khá tốt, tỷ lệ tôm đạt đầu con trên 90%, trong khi trung bình chỉ cần đạt 70% là xem như trúng vụ. Thành công của Tân Nam ở các vụ nuôi vừa qua, nuôi đạt theo tiêu chuẩn ASC và BAP là do sử dụng quy trình nuôi riêng và đặc biệt là luôn thả nuôi đúng thời vụ theo thực tế thời tiết của vùng.

Trong vụ 2 Tân Nam đã thả nuôi dứt điểm với 200 ao, nhưng mật độ thả giảm xuống còn 200 con/m2. Đến nay những ao thả đầu tiên đến nay đã qua hơn 2 tháng. Nhờ thời tiết dứt mưa nên tình hình chung nuôi tôm khá thuận lợi.

Hơn nữa kinh nghiệm nuôi tôm của Tân Nam cho thấy việc sử dụng vi sinh tự nghiên cứu để chiếm chỗ đáy ao nuôi, hạn chế vi khuẩn có hại. Trong khi đa số người nuôi tôm rất sợ nắng nóng dễ phát sinh vi khuẩn vibrio para, nhưng với trại Tân Nam nắng là tốt.

Trước đây, mỗi ngày trại chỉ sản xuất 2.000 lít vi sinh, năm nay tăng lên đến 4.000 lít/ngày. Đây là một trong điểm tạo nên thành công của trại nuôi và là mơi có một không hai về tự chủ nguồn vi sinh có hiệu quả.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam