Mật ong bạc hà trên cao nguyên đá

Vừa tới khu nuôi ong của anh Giàng Nai Cơ ở thôn Cá Ha, xã Lũng Táo, huyện Đồng Văn, Hà Giang, chúng tôi đã được chào đón nồng nhiệt bởi những tiếng vo vo của hàng ngàn con ong cùng mùi thơm phảng phất của hoa bạc hà làm quên hết mệt nhọc khi leo dốc đá.

Mật ong bạc hà trên cao nguyên đá tại Hà Giang

Nhà anh Giàng Nai Cơ đang nuôi 101 nhà ong, mỗi nhà có 4 – 5 cầu. Khi hoa bạc hà nở rộ từ tháng 11 – 12 hàng năm thì cứ 10 ngày anh quay mật 1 lần, mỗi lần quay được khoảng 0,5 lít mật. Mỗi mùa hoa bạc hà nở anh quay được khoảng 3 lần, tổng cộng mỗi nhà ong thu được 1,5 lít. Với giá bán khoảng 700.000 đ/lít thì mỗi mùa hoa bạc hà anh thu được khoảng 1 triệu đồng/nhà ong. Với 100 nhà ong anh có doanh thu hàng năm là 100 triệu đồng.

Các khoản chi phí bao gồm duy trì và giữ ong trong những tháng còn lại không có hoa bạc hà là 20 triệu đồng. Anh cho biết là các hoa khác trên vùng núi đá này rất ít, không đủ cho ong làm mật. Chi phí chuyển ong, nhân công, mua nhà ong và ong giống là 30 triệu đồng. Mỗi nhà có giá khoảng 1,1 triệu đồng và nuôi được 2 – 3 năm. Nhà ong được làm bằng gỗ, kích cỡ khoảng 42cm dài, 30cm rộng và cao khoảng 30cm. Như vậy hàng năm trừ các khoản chi phí thì có lãi khoảng 50 triệu đồng, đây là khoản thu nhập khá cao với bà con vùng núi cao.

Ong được nuôi theo đúng quy trình để có được chất lượng tốt

Anh Giàng Nai Cơ cho biết, ong nội ở nơi đây rất khỏe và ít bệnh tật, một số bệnh thỉnh thoảng xảy ra là thối ấu trùng tuổi nhỏ và bệnh ấu trùng túi. Do vậy cũng cần phải chăm sóc tốt, phòng bệnh bằng các loại thuốc có thể phun trực tiếp vào cầu ong hay trộn vào nước đường mía cho ong ăn. Duy trì đàn ong bằng thức ăn đường kính, phấn hoa, nước theo đúng quy trình.

Từ lâu, mật ong bạc hà cao nguyên đá Đồng Văn đã được nhiều người biết đến bởi những dược tính đặc biệt của nó, đó là khả năng bồi bổ sức khỏe, chữa các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa, đau dạ dày, làm đẹp da. Chính cây hoa bạc hà là nguồn cung cấp nguyên liệu chính cho con ong trên địa bàn và quyết định nên thương hiệu sản phẩm mật ong bạc hà.

Mật ong bạc hà có rất nhiều công dụng bổ ích cho con người

Tuy nhiên theo cán bộ Trạm Khuyến nông Đồng Văn thì cây bạc hà rất khó mở rộng do mọc tự nhiên, phân bố hẹp chỉ có ở khu vực núi đá trong thời gian từ tháng 11 – 12 và mọc xen ở các khu vực canh tác ngô 1 vụ. Cây bạc hà phụ thuộc lớn vào khí hậu. Mặt khác thời gian khai thác mật thường có rét đậm rét hại ảnh hưởng lớn đến phát triển đàn ong.

Theo bà Đào Thu Thủy, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Giang thì Sở NN-PTNT tỉnh đã ban hành nhiều chính sách nhằm phát triển đàn ong nội, đặc biệt là quyết định số 300/QĐ- UBND của UBND tỉnh Hà Giang về phê duyệt “Báo cáo phân tích và kế hoạch đầu tư chiến lược chuỗi giá trị mật ong giai đoạn 2017-2020” cũng như việc hoàn thiện quy hoạch vùng phát triển nguyên liệu bạc hà.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Huế thiệt hại 81 tấn cá, tổn thất hơn 8 tỷ đồng

Ngày 28/11, thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Lộc, tỉnh TT- Huế cho biết, đã có hơn 1.000 lồng nuôi cá của 500 hộ dân ở khu vực đầm phá Cầu Hai thuộc 2 xã Vinh Hiền và Lộc Bình (Phú Lộc) bị chết hàng loạt.

Theo đó, trong nhiều ngày qua, cá nuôi lồng của các hộ dân trong khu vực đầm phá Cầu Hai thuộc 2 xã Vinh Hiền và Lộc Bình của Phú Lộc (TT- Huế) đang chuẩn bị đến thời kỳ thu hoạch thì bị chết hàng loạt.

Thống kê ban đầu của cơ quan chức năng, xã Vinh Hiền là địa phương chịu thiệt nặng nhất với số lượng trên 81 tấn ở 1.300 lồng nuôi của 360 hộ, tổn thất khoảng hơn 8 tỷ đồng. Còn xã Lộc Bình cũng bị chết gần 30 tấn cá nuôi của 152 hộ nuôi.

Được biết, cá nuôi chết lần này ở 2 xã nói trên là các giống cá đặc sản có giá trị kinh tế cao như: cá vẩu, cá mú… trong lượng khoảng 1kg và có thời gian nuôi 8- 9 tháng.

Theo những người nuôi nơi đây thì, sau khi cá chết người nuôi đã tiến hành vớt cá chết bán tháo cho thương lái với giá rất thấp từ 40 đến 60 nghìn đồng/kg đối với cá chưa chết hẳn, 100 đến 200 nghìn đồng/kg với cá thu hoạch gấp. Trong khi đó, giá bán trên thị trường lúc bình thường khoảng 240 nghìn đồng/kg.

Cá chết hàng loạt gây tổn thất lớn cho ngư dân Huế

Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Lộc thì “ Do mưa lũ kéo dài, nước lợ vùng đầm Cầu Hai ngọt hóa suốt tháng qua, lại đậm đặc phù sa, khiến cá nuôi chết hàng loạt. Đây là đợt nuôi trái vụ, nuôi vượt lũ để bán Tết”.

Cơ quan chức năng cũng khuyến cáo, việc đầm phá bị ngọt hóa nên cá vùng này có thể tiếp tục bị chết, cho nên ngư dân cần khẩn trương thu hoạch, tiêu thụ để bảo đảm thu hồi một phần vốn đầu tư.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Xuất khẩu nông lâm thủy sản lập kỷ lục mới

Theo số liệu thống kê, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 11/2017 ước đạt gần 3 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 11 tháng đầu năm 2017 đạt 33,14 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2016. Như vậy, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đã vượt qua con số 32,1 tỷ USD của cả năm ngoái, để thiết lập kỷ lục mới, và đang hướng đến mốc 35-36 tỷ USD trong năm nay.

Tính trong 11 tháng, giá trị xuất khẩu nông sản tăng 16%; thủy sản tăng 18,3%; lâm sản tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2016. Giá trị nhập khẩu (nhập khẩu) nông, lâm, thủy sản và vật tư nông nghiệp trong 11 tháng qua là đạt 25,21 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2016. Như vậy, tính đến thời điểm này, ngành nông nghiệp đã xuất siêu 8 tỷ USD.

Nhiều nông sản xuất khẩu tăng trưởng mạnh

Đối với lúa gạo, kết quả xuất khẩu tháng 11/2017 ước đạt 389 nghìn tấn, đem về 192 triệu USD. Lũy kế 11 tháng, đã xuất khẩu 5,49 triệu tấn và 2,48 tỷ USD, tăng 23,4% về lượng và tăng 24,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam với 39,8% thị phần; tăng 35% về lượng và tăng 33,9% về giá trị. Xuất khẩu gạo càng về cuối năm càng thuận lợi, nhu cầu tăng mạnh khiến nguồn cung trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu.

Theo hệ thống cung cấp giá tại địa phương, giá lúa loại thường tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long phổ biến tăng 200 đ/kg trong tháng 11 lên mức 5.600 đ/kg; lúa Jasmine tăng 500 đ/kg lên 6.900 đ/kg. Hiện nguồn cung lúa gạo chỉ trông chờ vào diện tích lúa thu – đông còn lại của những tỉnh gieo sạ trễ.

Ngành hàng rau quả tiếp tục thiết lập kỷ lục mới về kim ngạch xuất khẩu. Giá trị xuất khẩu rau quả tháng 11 ước đạt 292 triệu USD, đưa giá trị 11 tháng lên 3,16 tỷ USD, tăng 43,2% so với cùng kỳ năm 2016.

Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của hàng rau quả Việt Nam trong năm nay với thị phần lần lượt là 75,6%, 3,6%, 2,9%, và 2,6%. Giá trị xuất khẩu rau quả còn tăng mạnh ở các thị trường: Nhật Bản tăng 67,6%; Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống Nhất tăng 56,9%, và Trung Quốc tăng 52,7%.

Ước tính khối lượng cao su xuất khẩu tháng 11/2017 đạt 143 nghìn tấn, đem về 210 triệu USD; lũy kế 11 tháng đạt 1,21 triệu tấn và 2,01 tỷ USD, tăng 8,2% về lượng và tăng 38,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá cao su xuất khẩu đạt 1.680,4 USD/tấn, tăng 32,6% so với năm 2016.

Trung Quốc, Malaysia và Ấn Độ là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt 63,1%, 5,7% và 4,0%. Trong nước, giá thu mủ cao su dạng nước đã tiếp tục tăng sau nhiều tháng không biến động, từ mức 12.500 đ/kg lên 13.200 đ/kg.

Ở ngành hàng điều, tháng 11, xuất khẩu đạt 32 nghìn tấn và 310 triệu USD, đưa xuất khẩu 11 tháng lên 323 nghìn tấn và 3,2 tỷ USD, tăng 1% về lượng và tăng 23,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Giá hạt điều xuất khẩu bình quân tăng 22,4% so với năm ngoái.

Hoa Kỳ, Hà Lan và Trung Quốc vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam chiếm thị phần lần lượt là 35,8%, 15,9% và 12,3% tổng giá trị xuất khẩu hạt điều…

Thủy sản, lâm sản lập kỷ lục mới

Giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 11/2017 ước đạt 728 triệu USD, đưa kết quả 11 tháng ước đạt 7,57 tỷ USD – cao nhất từ trước tới nay, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2016.

Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 58,2% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.

Các thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh là: Trung Quốc tăng 67,9%, Hà Lan tăng 47,5%, Anh tăng 35%, Hàn Quốc tăng 29,5%, Nhật Bản tăng 22,2%, và Canada tăng 22,7%.

Giá cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng qua tiếp tục duy trì ở mức cao và có xu hướng tăng lên ở một số vùng, dao động ở mức 26.000-28.500 đ/kg tùy theo chất lượng cá, kích cỡ và phương thức thanh toán, có vùng giá cá lên tới 29.000-30.000 đ/kg như Đồng Tháp, Vĩnh Long vì khan hiếm nguyên liệu.

Tính từ đầu tháng 11/2017, giá tôm sú và tôm thẻ chân trắng liên tục có sự biến động theo kích cỡ tôm, nhưng nhìn chung vẫn còn ở mức cao so cùng kỳ những năm trước.

Ước giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 11 đạt 655 triệu USD, đưa kết quả 11 đạt kim ngạch 6,87 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2016. Hoa Kỳ, Trung Quốc, và Nhật Bản là 3 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam với thị phần lần lượt là 42,7%, 14,1%, và 13,7%. Các thị trường có giá trị xuất khẩu gỗ tăng mạnh là Hoa Kỳ (tăng 18,8%), Hàn Quốc (tăng 14,2%) và Canada (tăng 13,4%).

Nhìn chung toàn cảnh xuất khẩu ngành nông lâm ngư nghiệp, chỉ có 3 ngành hàng giảm kim ngạch xuất khẩu, đó là cà phê, tiêu, sắn. Xuất khẩu cà phê tháng 11 ước đạt 83 nghìn tấn với giá trị đạt 185 triệu USD; lũy kế 11 tháng đạt 1,27 triệu tấn và 2,89 tỷ USD, giảm 22,5% về lượng và giảm 3,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Giá cà phê xuất khẩu bình quân đạt 2.289,9 USD/tấn, tăng 26,1% so với cùng kỳ năm 2016. Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam với thị phần lần lượt là 14,3% và 12,8%.

Ngành hàng tiêu đang trong giai đoạn đi xuống về giá trị xuất khẩu, tháng 11 ước đạt 10 nghìn tấn, với giá trị đạt 46 triệu USD; đưa xuất khẩu tiêu 11 tháng lên 203 nghìn tấn và 1,06 tỷ USD; tăng 20,1% về lượng nhưng giảm 21,7% về giá trị.

Giá tiêu xuất khẩu bình quân năm nay giảm 34,6% so với năm trước. Ba thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ, Ấn Độ, và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất với thị phần lần lượt là 19,4%, 6,8%, và 5,8%.

Nguồn: vneconomy.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Lai tạo giống chuối kháng bệnh Panama

Các nhà nghiên cứu của Đại học Công nghệ Queensland đã phát triển và trồng giống chuối Cavendish cải tiến kháng lại loài nấm gây bệnh nhiệt đới TR4, còn gọi là bệnh héo rũ Panama ở cây chuối.

Trong một thử nghiệm đầu tiên được thực hiện trên đất bị nhiễm mầm bệnh TR4, giống chuối Cavendish chuyển đổi bằng một gen lấy từ chuối tự nhiên vẫn hoàn toàn không có mầm bệnh TR4. Các kết quả vừa được đăng tải trong tạp chí Nature Communications.

Những điểm chính của nghiên cứu:

  • Giống chuối Cavendish Grand Nain đã được cải biến với gien RGA2 lấy từ các phân loài chuối tự nhiên của Đông Nam Á là Musa acuminata ssp malaccensis kháng mầm bệnh TR4.
  • Giống chuối Cavendish cải tiến (RGA2-3) vẫn không mang mầm bệnh TR4 trong ba năm thử nghiệm.
  • Ba giống chuối khác được biến đổi với RGA2 cho thấy sức đề kháng mạnh, với 20% hoặc ít hơn các cây có biểu hiện bệnh trong ba năm.
  • Ngược lại, 67% -100% các giống chuối khác sau ba năm cây sẽ chết hoặc bị nhiễm TR4, bao gồm một biến thể Giant Cavendish 218 được tạo ra thông qua nuôi cấy mô ở Đài Loan và cho thấy có khả năng chịu được TR4.

Cuộc thử nghiệm thực địa kéo dài từ năm 2012 đến năm 2015 do Giáo sư James Dale, Trung tâm trồng cây nhiệt đới và các sản phẩm sinh học của Đại học Công nghệ Queensland chủ trì thực hiện. Nghiên cứu đã được thực hiện trên một trang trại chuối thương mại bên ngoài Humpty Doo thuộc miền bắc Úc trước đây bị ảnh hưởng bởi TR4. Đất trồng cũng bị tái nhiễm nặng nề với dịch bệnh do thử nghiệm.

Giáo sư Dale cho biết kết quả là một bước đi quan trọng để bảo vệ ngành chuối xuất khẩu toàn cầu trị giá 12 tỷ USD, vốn đang bị đe doạ nghiêm trọng bởi bệnh TR4. Ông nói: “Những kết quả này rất thú vị vì nó có nghĩa là chúng ta có một giải pháp có thể được sử dụng để kiểm soát căn bệnh này”.

TR4 có thể tồn tại trong đất trong hơn 40 năm và không có biện pháp kiểm soát hóa học hiệu quả. Căn bệnh này là một vấn đề rất lớn, nó đã tàn phá các đồi trồng chuối Cavendish ở nhiều nơi trên thế giới và nó đang lan rộng khắp Châu Á. Đó là một mối đe dọa rất lớn đối với sản xuất chuối thương mại trên toàn thế giới

Các nhà nghiên cứu đã bắt đầu thử nghiệm trên đồng ruộng ở miền bắc nước Úc, phát triển 4 dòng chuối RGA2 cho thấy sự đề kháng với mầm bệnh cũng như những dòng mới được cải tiến của giống chuối biến đổi gien Cavendish Grand Nain và Williams.

Giáo sư Dale nói: “Mục tiêu là chọn dòng Grand Nain tốt nhất và dòng Williams tốt nhất để đưa vào sản xuất thương mại. Trong khi ở Úc, chúng tôi chủ yếu trồng giống chuối Williams, ở những nơi khác trên thế giới, giống chuối Grand Nain rất phổ biến”.

Giáo sư Dale cho biết mối tương quan giữa hoạt động của gien RGA2 và sức đề kháng TR4 đã giúp mở ra những nghiên cứu mới.

Nguồn: Mard.gov.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu

Tỉnh An Giang đang tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu bền vững dựa trên thế mạnh về lúa và cá tra, đồng thời phát triển ngành du lịch xanh…

An Giang đang tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu

Ông Thiều Vĩnh An, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh An Giang cho biết, ước tính tổng diện tích trồng lúa năm 2017 của tỉnh đạt gần 649.200ha, giảm gần 20.000ha, trong đó các  vụ ĐX, HT và TĐ đều giảm diện tích. Đồng thời diện tích hoa màu gieo trồng được hơn 60.000ha, tăng nhẹ so cùng kỳ. Ông Trần Anh Thư, GĐ Sở NN-PTNT An Giang cho biết, diện tích gieo trồng cây lúa giảm do chuyển dịch sang cây trồng và nuôi thủy sản khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Tổng sản lượng lúa cả năm đạt xấp xỉ 4 triệu tấn, giảm gần 40.000 tấn, nhưng giá trị SX tăng, ước tính giá trị SX nông nghiệp bình quân đạt mức 160 triệu đồng/ha.

Nông nghiệp An Giang đang hướng tới SX bền vững. Ngoài kế hoạch SX lúa hàng năm để đảm bảo kế hoạch lương thực, xu hướng chuyển dịch sang các cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao đang được nông dân áp dụng.

Tỉnh chú trọng SX lúa gạo an toàn, nâng cao chất lượng, tăng diện tích lúa nếp để đáp ứng nhu cầu thị trường. Năm 2017, riêng sản lượng lúa nếp đã đạt gần 1,1 triệu tấn, tăng 271.500 tấn so năm trước. Tuy nhiên để đảm bảo SX bền vững, tỉnh đã quy hoạch vùng SX lúa nếp tại huyện Phú Tân, và thường xuyên kiểm soát các địa phương “xé rào” SX do sức hút của thị trường.

Trong SX cây lúa hàng năm, xu hướng hình thành chuỗi liên kết SX từ khâu cung cấp giống chất lượng cao đến khâu thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm, chế biến xay xát và xuất khẩu đang được nhiều nông dân lựa chọn. Theo thống kê mỗi năm trên địa bàn tỉnh có  trên 35.400ha đất SX 2 vụ thực hiện chuỗi liên kết SX mang lại hiệu quả cao cho nông dân.

Ngành nông nghiệp An Giang đang tổ chức thực hiện liên kết với Tập đoàn Lộc Trời để xây dựng thương hiệu lúa gạo của tỉnh, nhằm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sản phẩm lúa gạo ra thị trường ngoài nước.  Trong nhiều năm qua tại tỉnh An Giang, Tập đoàn Lộc Trời đã xây dựng và vận hành hai nhà máy chế biến xay xát gạo với công suất là 200.000 tấn/năm/nhà máy.

Các nhà máy gắn liền với vùng nguyên liệu tại xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành và xã Vọng Đông, huyện Thoại Sơn cùng các địa phương khác gần nhà máy với phương thức: Tập đoàn Lộc Trời liên kết SX với hộ nông dân để cung cấp sản phẩm cho nhà máy. Tập đoàn cung cấp cho nông dân giống lúa tốt để áp dụng quy trình SX an toàn cho sản phẩm gạo sạch…

Trong các năm qua, nông nghiệp An Giang đánh dấu bước chuyển biến từ chuyển dịch diện tích trồng lúa sang trồng cây ăn trái, mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Năm 2017 tổng diện tích cây ăn trái trên 15.800ha, tăng 19,2% (tương đương tăng 2.552ha so cùng kỳ), trong đó diện tích cây ăn trái tăng chủ yếu trên địa bàn huyện Chợ Mới. Diện tích cây ăn trái đã cho thu hoạch sản phẩm trên 11.700ha.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Bí thư Huyện ủy Chợ Mới cho rằng, việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang hình thành vùng cây ăn trái kết hợp với du lịch sinh thái là hướng đi đúng của huyện. Chợ Mới đang hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế bền vững bằng hình thành các HTX  trồng xoài đạt tiêu chuẩn VietGAP, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tưới nhỏ giọt. Hiện toàn huyện đã hình thành các vùng trồng xoài tập trung, với các giống chất lượng cao như xoài Đài Loan, xoài Cát Hòa Lộc. Kế hoạch nâng diện tích xoài đạt tiêu chuẩn VietGAP đến năm 2018 là 500ha.

Tri Tôn là huyện miền núi có đông bà con dân tộc Khmer sinh sống, với điều kiện đất đai khí hậu có 6 tháng mùa mưa và 6 tháng là mùa nắng nóng. Kinh tế của huyện trước đây chỉ trông chờ vào trồng lúa, nuôi bò với quy mô nhỏ lẻ, bấp bênh. Năm 2017 đánh dấu bước chuyển tích cực của huyện, khi có nhiều DN đầu tư chăn nuôi gia súc với quy mô lớn bằng công nghệ tiên tiến. Đây cũng là điều kiện thuận lợi cho huyện Tri Tôn trong phát triển nền kinh tế bền vững, thân thiện với môi trường, mang lại lợi ích tích cực cho bà con.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Tỉnh Khánh Hòa: Thông báo sâu bệnh số 47 từ ngày 16/11 đến ngày 22/11/2017

Thời tiết tỉnh Khánh Hòa trong tuần qua do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới nên có mưa vừa đến mưa to trên toàn tỉnh. Cây lúa và các cây trồng khác sinh trưởng và phát triển bình thường.

Bệnh đạo ôn trên lúa

I .Cây trồng và giai đoạn sinh trưởng:

– Cây lúa:

Vụ Mùa: Đã thực hiện được 9.011 ha (chủ yếu ở Ninh Hòa, Vạn Ninh), lúa giai đoạn đẻ nhánh – chín, đã thu hoạch 800 ha, năng suất ước đạt 47 tạ/ha. Cơ cấu giống gồm ML48, ML202,TH6 ….

+ Trà 1: Gieo từ ngày 25/7/2017 đến ngày 31/8/2017, diện tích 2.500 ha, lúa giai đoạn đỏ đuôi – chín. Đã thu hoạch 800 ha.

+ Trà 2: Gieo từ ngày 10/9/2017 đến ngày 10/10/2017, diện tích 6.511 ha, lúa giai đoạn đẻ nhánh – trổ.

II. Nhận xét tình hình sinh vật gây hại trong 7 ngày qua:

1. Cây lúa: Trong tuần qua có những đối tượng gây hại cây lúa như sau:

+ Bệnh đạo ôn lá: Gây hại 13,5 ha ở Vạn Ninh, Cam Lâm, TLB 5-10%. Đã được phòng trừ. Tăng 8,5 ha so với cùng kỳ năm trước.

+ Ốc bươu vàng: Gây hại 03 ha, mật độ 3-5 con/m2 ở Vạn Ninh. Đã được phòng trừ. Giảm 06 ha so với cùng kỳ năm trước.

+ Sâu cuốn lá nhỏ: Gây hại 03 ha, lúa giai đoạn đẻ nhánh – làm đòng ở Cam Lâm, mật độ 25-50 con/m2. Đã được phòng trừ. Giảm 21 ha so với cùng kỳ năm trước.

+ Sâu đục thân hai chấm: Gây hại 6 ha, lúa giai đoạn đẻ nhánh ở Vạn Ninh, TLH phổ biến 3 -5%. Đã được phòng trừ. Tăng 29 ha so với cùng kỳ năm trước.

+ Bệnh bạc lá: Gây hại 02 ha lúa giai đoạn đẻ nhánh – làm đòng ở Cam Lâm, TLB 10-20%, đã được phòng trừ. Tăng 02 so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, Chuột gây hại 25 ha lúa giai đoạn đẻ nhánh – làm đòng, TLH 1-3%. Sâu đục thân hai chấm gây hại trên trà lúa đẻ nhánh, đứng cái, làm đòng, trổ với diện tích 13 ha, TLH 1- 5%, sâu tuổi 2, tuổi 3. Sâu cuốn lá nhỏ: gây hại rải rác trên các trà lúa đẻ nhánh, diện tích 14 ha, mật độ: 5-10con/m2, T3- T4.

2. Cây trồng khác:

Cây rau, đậu: Trên cây rau, đậu đang hồi phục sau bão và một số diện tích rau, đậu đang trồng mới. Bệnh thán thư gây hại rải rác nhiều giai đoạn trên cây dưa leo, ớt, khổ qua, hành, ở Diên Khánh, Ninh Hòa, Nha Trang diện tích 04 ha, TLB 3-5%. Sâu xanh, bọ nhảy gây hại rải rác trên cây rau cải, mồng tơi với diện tích 05 ha ở Nha Trang, Diên Khánh, Cam Ranh với TLH 10-15% cây.

Cây xoài: Ở Cam Lâm, bọ trĩ gây hại giai đoạn ra hoa – đậu trái với diện tích 11 ha, mật độ 5-20 con/cành. Bệnh thán thư gây hại ở nhiều giai đoạn, TLB 5-10%, diện tích 48 ha.

III. Đề nghị các biện pháp xử lý hoặc các chủ trương cần triển khai thực hiện ở địa phương:

Hiện nay chuẩn bị gieo sạ vụ Đông xuân, vậy đề nghị các trạm hướng dẫn bà con nông dân tiến hành vệ sinh đồng ruộng, làm đất, chuẩn bị giống để xuống giống theo đúng lịch thời vụ, chú ý thu lượm ốc bươu vàng, phòng trừ bọ trĩ trên trà lúa mới gieo. Theo dõi tình hình sâu bệnh trên lúa vụ mùa để có biện pháp phòng trừ kịp thời không ảnh hưởng đến năng suất.

Trạm Trồng trọt và BVTV Ninh Hòa có diện tích mía bị bệnh trắng lá mía cần chú ý theo dõi phát sinh phát triển bệnh và khuyến cáo hướng dẫn bà con nông dân cách phòng trừ nhằm hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại.

Trạm Trồng trọt và BVTV Khánh Sơn và Khánh Vĩnh thường xuyên kiểm tra theo dõi vườn cây chú ý bệnh sâu đục vỏ, xì mủ, nấm hồng, khô cành, chết cây….Đặc biệt là sâu đục thân, sâu tiện vỏ khi thấy có biểu hiện sự có mặt của sâu lập tức có biện pháp tiêu diệt như bắt thủ công, xông hơi, sử dụng thuốc lưu dẫn…Ngoài ra, cần tập trung hướng dẫn bà con bón phân cân đối hợp lý, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào các khâu chăm sóc nhằm tạo điều kiện tốt cho cây phát triển ở vụ sau.

Nguồn: Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn Khánh Hòa.

Hà Giang xây dựng chuỗi giá trị cam sành

Cam sành là cây ăn quả có giá trị kinh tế cao và là đặc sản của Hà Giang. Cây cam sành được trồng tập trung tại 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên.

Cam sành là cây ăn quả có giá trị kinh tế cao ở Hà Giang

Trong niên vụ cam 2017 – 2018, tổng diện diện tích cam sành của Hà Giang đạt khoảng 8.850ha, trong đó có trên 4.500ha cho thu hoạch, tổng sản lượng ước đạt 48.000 tấn.

Để nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm cam sành góp phần thúc đẩy tiềm năng đối với cây ăn quả đặc sản của địa phương; thu hút đầu tư từ các nguồn lực, tạo mối liên kết thị trường, góp phần tăng thu nhập và ổn định cho người SX, UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các ngành chức năng và 3 huyện trồng cam thực hiện các chương trình, dự án nhằm không ngừng nâng cao giá trị sản phẩm.

Điển hình là chương trình “Cải tạo và phục hồi cây cam sành theo tiêu chuẩn VietGAP”, chương trình “Mở rộng và nâng cao chất lượng của sản phẩm cam sành”… Cho tới thời điểm hiện nay, toàn tỉnh đã có gần 3.000ha cam sành đạt tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó, hàng năm vào đầu vụ thu hoạch, UBND tỉnh đều phối hợp với các huyện tổ chức Hội thi sản phẩm cam sành. Hiện sản phẩm cam sành Hà Giang đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý.

Cam sành trồng theo chuẩn VietGap 

Xác định cam sành là một trong những cây trồng chủ lực (gồm cam, chè và cây dược liệu), HĐND tỉnh Hà Giang đã ban hành Nghị quyết số 209/2015/NQ-HĐND về các chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân phát triển cây trồng và vật nuôi chủ lực, trong đó có cây cam sành.

Theo đó, các tổ chức, cá nhân sẽ được hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay để thâm canh cam sành theo tiêu chuẩn VietGAP. Mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất tối đa là 50 triệu đồng/ha; riêng đối với vườn cam có xây dựng đường giao thông, hệ thống tưới, mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất tối đa là 80 triệu đồng/ha, thời gian hỗ trợ 24 tháng.

Các tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở bảo quản, chế biến cam sành sẽ được hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay, mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất tối đa là 500 triệu đồng/dự án, thời gian hỗ trợ 36 tháng.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Thanh Hóa: Tỉnh cấm, nông dân cứ chặt cây cao su vì để thì… đói

Mặc dù cao su từng được coi là cây “vàng trắng” và đang ở thời kỳ thu hoạch, nhưng giá mủ cao su xuống thấp nhiều năm nay khiến người dân Thanh Hóa phải ồ ạt chặt bỏ loại cây để chuyển đổi sang cây trồng khác.

Đua nhau chặt bỏ… “gánh nợ”

Cách đây hơn 20 năm, cây cao su được nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá quy hoạch vùng trồng và xem là cây chủ lực để thúc đẩy kinh tế, giúp người trồng đổi đời.

Người dân xã Quảng Phú ồ ạt chặt bỏ cây cao su để chuyển sang trồng dứa. Ảnh: Bùi Oanh

Toàn tỉnh Thanh Hóa có gần 20.000ha diện tích cây cao su, trong đó có hơn 6.400ha cao su đang cho thu hoạch. Các huyện có diện tích cây cao su lớn như Như Xuân, Ngọc Lặc, Thạch Thành, Cẩm Thủy… Trong năm 2015, tỉnh này đề ra kế hoạch trồng mới 800ha cao su, nhưng chỉ trồng được 1ha vì người dân không còn mặn mà với loại cây này.

Năm 1997, khi chính quyền xã Quảng Phú (huyện Thọ Xuân) thông báo dự án trồng cao su trên đất 327 (Quyết định 327 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ngày 15.9.1992 về một số chủ trương, chính sách sử dụng đất trống, đồi núi trọc, rừng, bãi bồi ven biển và mặt nước), đã nhận được sự ủng hộ của hàng trăm hộ dân. Hơn 144ha đất của 202 hộ nhanh chóng được người dân, chính quyền địa phương triển khai trồng cao su, theo hợp đồng có thời hạn 50 năm. Theo hợp đồng, lợi nhuận người dân thu được sẽ nộp sản cho ngân sách xã 30%.

Sau hơn 10 năm cây cao su cho thu hoạch mủ, vài năm đầu giá mủ cao, người dân có lãi nhưng chỉ được vài năm sau đó giá xuống thấp dần, thấp đến nỗi người dân bỏ mặc cây cao su, rồi tiếp đó là việc ồ ạt chặt bỏ loại cây từng được xem như“vàng trắng”.

Gia đình chị T (ngụ tại xã Quảng Phú) vừa chặt bỏ đi 6.500m2 đồi cao su trong sự cay đắng. Chị T cho biết: “Mất 20 năm công sức chăm sóc cao su mới cho thu hoạch được vài năm, dù không muốn chặt bỏ nhưng cũng phải chặt thôi, càng để càng lỗ đau. Từ năm 2012 đến nay, giá cao su xuống rất thấp, mỗi ngày vợ chồng tôi đi lấy mủ cũng chỉ thu được từ 100.000 – 150.000 đồng/ngày, không đủ bù chi phí. Nhiều năm nay gia đình tôi đã không đến lấy mủ cao su ở vườn trồng của mình nữa. Nhưng kinh tế gia đình phụ thuộc vào 13 sào đất, nếu cứ để cao su như vậy thì không biết lấy gì mà sống. Vẫn biết chính quyền ra lệnh cấm không cho chặt bỏ cao su, nhưng đành phải liều thôi”.

Nhìn 14 sào cao su hơn 5 năm nay không thu được nổi 1 đồng nào, bà Đỗ Thị Sáu (60 tuổi, ngụ tại thôn 6, xã Quảng Phú) nói trong xót xa: “Giá mủ hiện tại chỉ còn 8.000 – 9.000/kg mủ tươi, quần quật làm cả ngày trời cũng không thu nổi 100.000 đồng thì chúng tôi biết lấy gì mà ăn. Đã nhiều lần chúng tôi lên xã cầu cứu, xin chuyển đổi sang cây trồng khác nhưng không được. Xã bảo ở trên họ không cho chuyển đổi, thời hạn hợp đồng chưa hết nhưng cứ kéo dài tình trạng này thì dân chỉ có chết đói”.

Không chờ được sự đồng ý của chính quyền, nhiều hộ dân tại xã Quảng Phú đã tự ý chặt bỏ cây cao su để chuyển sang trồng dứa và các loại cây trồng khác. Chính quyền địa phương có nhắc nhở, tuyên truyền nhưng tình trạng trên vẫn diễn ra.

Khó giữ diện tích cao su?

Những gốc cây cao su hơn 20 năm tuổi bị đốn hạ không thương tiếc.

Tình trạng người dân đổ xô đi chặt bỏ cây cao su đang kỳ thu hoạch diễn ra ở nhiều huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa như huyện Thọ Xuân, Như Xuân, Ngọc Lặc, Yên Định… Chính quyền các địa phương rơi vào tình trạng khó xử khi trên thì ra lệnh giữ nguyên diện tích cao su, còn đa phần người dân thì kiến nghị chặt bỏ cao su để chuyển đổi cây trồng khác nhằm nuôi sống gia đình.

Trao đổi với NTNN, ông Phạm Văn Quyết – Chủ tịch UBND xã Quảng Phú cho biết, trước đây, toàn xã có hơn 144ha cao su, nhưng khoảng 3 năm trở lại đây người dân đã tự ý chặt bỏ khoảng 30ha và khoảng 30ha khác do đổ gãy. Hiện nay toàn xã chỉ còn khoảng 80ha. Theo hợp đồng trông cao su người dân sẽ nộp sản 30% lợi nhuận thu được cho ngân sách xã, nhưng do tình trạng cao su không có lời nên nhiều năm nay xã chỉ thu 100.000 đồng/sào.

“Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền người dân giữ diện tích cây cao su vì hợp đồng chưa hết, nếu chặt bỏ là vi phạm. Tuy nhiên, cũng khó cho người dân khi cao su không đem lại lợi nhuận, nếu họ không chuyển đổi sang cây trồng khác thì sẽ không có nguồn thu. Xã đang cho cán bộ rà soát lại diện tích cao su còn lại, đồng thời sẽ gửi văn bản đến các cấp đề nghị được chuyển đổi sang cây trồng khác như cây dứa, cam, chứ cứ tình trạng này sẽ khó giữ được cao su” – ông Quyết nói.

Ông Lê Thọ Cường – Trưởng phòng NNPTNT huyện Thọ Xuân cho biết: “Trên địa bàn huyện hiện có gần 1.000ha cây cao su nhưng hiệu quả cây cao su những năm gần đây là rất thấp. Nhiều xã và ngay cả huyện cũng từng có đề nghị với tỉnh được phép chuyển đổi diện tích trồng cây cao su sang cây trồng khác nhưng không được đồng ý. Theo tinh thần của tỉnh thì hiện tại chúng tôi chỉ đạo các xã phải bảo vệ, giữ diện tích cây cao su, người dân không được phép chặt bỏ, chuyển sang cây trồng khác” – ông Cường nói.

Nguồn: Danviet.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nuôi tôm “nước sạch”

Ứng dụng mô hình nuôi tôm bằng nguồn nước từ nuôi cá diêu hồng là mô hình mới đầu tiên và duy nhất trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế được hộ ông Nguyễn Phước ở xã Phú Thuận (Phú Vang) triển khai.

Ao hồ nuôi tôm của ông Phước

Ba ao hồ nuôi tôm trên cát ven biển của ông Phước được rào chắn bằng lưới thép, bao phủ xung quanh bằng dương liễu, hạn chế tối đa người và động vật ra vào. Tất cả các quy trình nuôi tôm đều khép kín. Từ khi áp dụng mô hình nuôi tôm nói trên, nhiều vụ liên tiếp ông Phước thu lãi trên dưới 1,5 tỷ đồng.

Ông Phước nuôi trên cát từ hơn 10 năm qua, nhưng chỉ một vài vụ đầu có lãi, nhiều vụ sau liên tục xảy ra dịch bệnh, thua lỗ.

Một lần đọc trên báo, thấy mô hình nuôi tôm “nước sạch” của Philippines ít xảy ra dịch bệnh, hiệu quả kinh tế cao, ông Phước tìm tòi, tra cứu trên mạng về kỹ thuật nuôi tôm mới này.

“Mô hình cơ bản không khác mấy so với nuôi tôm trên cát thông thường, quy trình kỹ thuật nuôi cũng đơn giản, lại hạn chế tối đa chi phí đầu tư”, ông Phước nói.
Thay vì lấy nước từ biển và nguồn nước ngọt trực tiếp đưa vào nuôi thì mô hình mới này phải qua bể lắng. Điều khác là bể lắng này trước khi đưa nước vào ao hồ để nuôi phải thả nuôi cá diêu hồng trong thời gian một tháng (cá diêu hồng được xem là “máy lọc sinh học”, ăn tất cả các tạp chất, côn trùng, làm sạch môi trường nước) mới đưa vào ao nuôi và thả tôm giống.

Sau khi thu hoạch tôm, kết thúc vụ nuôi thì nước trong ao hồ lại được chuyển sang bể lắng (đang nuôi cá diêu hồng), sau đó đưa vào nuôi vụ tiếp theo. Việc tận dụng nguồn nước vụ trước không chỉ giảm chi phí đầu tư (khoảng 30 triệu đồng/vụ) mà còn không thải ra ngoài, gây ô nhiễm môi trường.

Nói về hiệu quả mô hình, ông Phước cho biết: “Tui chỉ nuôi 3 hồ tôm. Năng suất bình quân mỗi hồ thường đạt từ 8-10 tấn. Trừ thời điểm xảy ra sự cố môi trường biển, còn lại hầu như vụ nào cũng có lãi. Vụ lãi cao khoảng 500 triệu đồng/hồ, còn vụ thấp cũng vài trăm triệu đồng. Mỗi năm có thể nuôi 2-3 vụ, nhưng vụ sau tết thường là vụ chính, từ tháng 9 trở đi cũng thích hợp cho nuôi tôm chân trắng, còn vụ hè chỉ nuôi phụ, mật độ thả thấp. Ngoài ra tui còn thu lãi từ cá diêu hồng, mỗi năm vài trăm triệu đồng”.

Ông Phước thừa nhận, trong quá trình nuôi có sử dụng kháng sinh nhưng rất hạn chế, chỉ khi cần thiết, như tôm có dấu hiệu bị dịch. Ngoài ra còn sử dụng thêm chế phẩm sinh học để tăng sức đề kháng cho tôm. Thức ăn hoàn toàn công nghiệp, mua từ các công ty có thương hiệu, uy tín.

Ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận đánh giá cao mô hình nuôi trồng thủy sản của ông Phước. Chính quyền địa phương đang vận động người dân địa phương học tập mô hình của ông Phước để ứng dụng, nhân rộng trên địa bàn.

TS. Mạc Như Bình, Khoa Thủy sản-Trường đại học Nông lâm Huế đánh giá cao mô hình nuôi tôm mới của ông Phước. Khoa đã cử giảng viên, sinh viên nghiên cứu mô hình và xác định hiệu quả của mô hình. Đây là quy trình nuôi mới thích hợp với điều kiện nuôi tôm trên cát không chỉ ở Phú Thuận. Mô hình vừa bền vững, ít dịch bệnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao và giảm thiểu ô nhiễm môi trường vùng nuôi. Các cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu mô hình của ông Phước để nhân rộng nhằm mang lại hiệu quả nuôi tôm trên cát trên địa bàn tỉnh.

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, mô hình nuôi tôm chân trắng của ông Nguyễn Phước theo công nghệ của Philippine. Đây là mô hình đã được nhiều nước trên thế giới ứng dụng hiệu quả. Tại Thừa Thiên Huế, đây là mô hình mới, lần đầu tiên được ứng dụng chỉ trong vài năm gần đây và đã khẳng định hiệu quả. Sắp đến, ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương tiếp tục nghiên cứu, phổ biến kiến thức, khuyến khích người dân nhân rộng mô hình trên địa bàn tỉnh…

Theo ông Nguyễn Phước, mỗi ao hồ nuôi thông thường có diện tích 2.000-3.000m2/hồ, mật độ thả nuôi khoảng 300 con tôm chân trắng/m2. Mỗi ao nuôi tôm phải có 3-4 dàn quạt nổi và 1 dàn quạt đáy để tạo Oxy. Mỗi ao lắng nuôi cá hồng có một ao lắng từ 500-1.000m2, mật độ thả nuôi 50 con cá/m2.

Nguồn: Vietlinh.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Độc nhất mô hình nuôi lợn ăn tảo xoắn, nghe nhạc sô-panh

Đàn lợn trong trại ngoài được nghe nhạc cổ điển, ăn tảo xoắn còn được hưởng những chế độ đặc biệt ưu đãi khác như điều kiện chuồng trại, tắm rửa nghỉ ngơi, vỗ về săn sóc để sao cho chúng có cuộc sống thoải mái và hạnh phúc nhất có thể.

Những con lợn biết… cười

“Trong sinh hoạt, những gì tôi được hưởng thì đám lợn cũng xứng đáng được hưởng theo”. Đó chính là tâm sự của người đấu tranh cho quyền lợi của con lợn nhằm hướng cho chúng đến một cuộc sống thoải mái, hạnh phúc hơn…

Nuôi lợn để… diệt ốc bươu vàng

Mấy hôm rồi anh Nguyễn Hồng Sơn – Trưởng phòng Chăn nuôi thủy sản (Trung tâm Khuyến nông Hà Nội) thấy toàn thân đau nhức quá nên mới tìm đến một trung tâm vật lý trị liệu có tiếng ở Thủ đô để chữa chạy. Vừa bước qua cánh cửa thì một bản nhạc không lời của Chopin (Sô-panh) cất lên réo rắt làm cho anh chợt bật cười.

Trước vẻ mặt ngơ ngác của mấy cô nhân viên, anh liền vội giải thích kẻo họ hiểu nhầm: “Tôi thấy mình được đối xử giống hệt như lũ lợn ở trang trại của anh bạn các cô ạ! Chúng cũng được thường xuyên nghe nhạc cổ điển để chống stress và uống tảo biển hàng ngày để bảo vệ sức khỏe…”.

Anh Quang đang cho lợn ăn

Anh bạn có trang trại lợn đặc biệt ấy là Nguyễn Thanh Quang ở xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội. Vốn xuất thân từ dân cơ khí, hoàn toàn ngoại đạo về nông nghiệp nên anh chỉ bật ra ý tưởng nuôi lợn trong một dịp tình cờ trò chuyện với người bạn vong niên là GS Nguyễn Lân Dũng. Ông Dũng khi đó kể cho anh nghe nỗi trăn trở về chuyện con ốc bươu vàng một thời từng được lầm lỡ tuyên truyền, lầm lỡ đưa vào chăn nuôi để rồi sau đó gây đại họa cho những cánh đồng.

Chúng tàn phá đủ loại cây trồng đặc biệt là lúa nhưng rất khó diệt trừ. Ốc vàng tràn lan đến nỗi giờ ở nhiều vùng quê, người dân thay vì ví von “nhiều như lợn con” bằng ví von “nhiều như ốc bươu vàng”. “Chỉ còn mỗi cách là thử dùng ốc bươu vàng để chế biến thức ăn cho lợn thì may ra mới có thể ngăn cản được tốc độ lây lan của chúng”.

Ý tưởng nảy ra trong đầu anh Quang. Ngay lập tức 4 chuyên gia về chăn nuôi, chuồng trại, thức ăn gia súc được ông Dũng vời về giúp. Họ “quần nhau” đúng 1 ngày thì anh vác 700 triệu đồng đi lập trại nuôi thử nghiệm 100 con lợn với thức ăn là ốc bươu vàng.

Thường thì thức ăn của lợn phần thô gồm có ngô, cám gạo, phần tinh có bột cá, bột huyết nhưng nay anh Quang thay phần tinh ấy bằng đạm của động vật ngoại lai: ốc bươu vàng. Đang từ chỗ phải mất công đổ bỏ, ốc bươu vàng kìn kìn được chở về để bán cho trại của anh với giá 5.000 đồng/kg.

Ốc sau khi đập dập được đem vào lò bánh mì sấy rồi nghiền nhỏ ra thành bột để phối trộn với cám, ngô làm thức ăn cho lợn. Lứa đầu tiên thất bại gần như hoàn toàn. Lợn phát triển rất chậm đã đành mà lông còn xù lên như nhím, bì dầy cứng tựa áo giáp khiến cho cánh thợ ba toa phải kêu giời, kêu đất: “Lợn của bác da chẳng kém gì lợn rừng, chỉ cắm thêm hai cái lông nữa là xong, khó thịt quá”. Cũng còn một chút an ủi là thịt của chúng khá ngon và thơm.

Lại phải nghiên cứu để thay đổi công thức thức ăn bằng cách tăng tỷ lệ ruột ốc, loại bớt vỏ, bổ sung thêm giun quế để khắc phục tình trạng thừa can xi mà lại thiếu đạm. Như người dò đá bên dưới để vượt sông, anh Quang chia bầy lợn ra thành 5 đàn nhỏ với 5 khẩu phần ăn khác nhau rồi theo dõi sự sinh trưởng cũng như chất lượng thịt. Hễ đàn nào kém là loại bỏ.

Lợn nuôi kiểu này sau 6 tháng mới xuất chuồng được thay vì chỉ 4 tháng theo kiểu nuôi công nghiệp nhưng chất lượng thịt thơm ngon và an toàn hơn hẳn nên giá bán thịt hơi bao giờ cũng hơn khoảng 15.000 – 20.000 đồng/kg.

Những con lợn hạnh phúc

Tuy là dân cơ khí nhưng anh Quang lại rất mê âm nhạc cổ điển mà nhất là Chopin. Âm nhạc xoa dịu đi những ồn ào, vất vả, mưu toan của cuộc sống hiện đại. Người đã có tác dụng, lợn chắc cũng thế. Vậy là anh thử nghiệm cho chúng nghe nhạc cổ điển hàng ngày và quả thực cũng thấy chúng cũng ngoan hơn, bớt cục tính hơn.

Tình cờ một lần anh đi tham quan cơ sở sản xuất tảo xoắn – một sản phẩm đặc biệt với hàm lượng protein từ 56 – 77%, hàm lượng vitamin, khoáng chất cao và có tới khoảng 20 loại axit amin các loại. Bởi thế tảo xoắn là loại thực phẩm chức năng có công dụng chống lão hóa, tăng cường hệ miễn dịch rất tốt cho con người và có giá bán rất đắt. Hàng sản xuất trong nước 1 vỉ 10 viên cũng 150.000 đồng hay bán theo kg cũng là tiền triệu.

Tò mò quá nên anh Quang liền mua mấy vỉ để dùng thử. Chỉ trong vài tháng uống là anh có thể cảm nhận được cơ thể thay đổi rõ rệt, bệnh tật vặt vãnh liền bị thoái lui nên mới quyết định mua luôn để về bồi bổ cho… lợn.

Anh Quang giới thiệu về cách cho lợn ăn tảo xoắn

Cứ mỗi ngày người uống 2 viên thì lợn uống 1 viên. Lúc đầu thử nghiệm cho lợn ăn tảo biển trong suốt quá trình nuôi 6 tháng liền nhưng giá thành đội lên thành 10 triệu/con, khó bán nên sau đó mới rút ngắn xuống chỉ ăn trong khoảng 2 tháng đầu tiên.

Cho ăn bình thường lợn 6 tháng xuất chuồng, cho ăn tảo biển vẫn 6 tháng xuất chuồng một lần, chất lượng thịt cũng ít có sự thay đổi đáng kể tuy nhiên khả năng đề kháng của chúng lại gia tăng đáng kể. Lợn con vừa rời vú mẹ thường hay ốm yếu nhưng kể từ khi được uống tảo biển thì không phải sử dụng đến thuốc kháng sinh nữa.

Nói về chuyện kháng sinh, có lần một công nhân trong trại có đàn lợn đã thau tháu 50 – 60 kg/con nhưng vì điều kiện không thể nuôi thêm được mới nằn nì anh Quang mua giúp. Nuôi thêm 3 tháng nữa theo mô hình thức ăn sạch, không dùng thuốc kháng sinh nhưng đến khi xuất chuồng xét nghiệm thịt vẫn dính dư lượng, làm cho anh cạch đến tận giờ, chỉ dám nhập lợn giống 7 – 8kg về nuôi đến khi xuất bán.

Đàn lợn trong trại ngoài được nghe nhạc cổ điển, ăn tảo xoắn còn được hưởng những chế độ đặc biệt ưu đãi khác như điều kiện chuồng trại, tắm rửa nghỉ ngơi, vỗ về săn sóc để sao cho chúng có cuộc sống thoải mái và hạnh phúc nhất có thể.

Nếu nuôi lợn kiểu công nghiệp 1,3 con/m2 thì ở trại 2 m2/con để có không gian cho chúng vận động, chạy nhảy được thoải mái. Vận động chán chê, mồ hôi mồ kê đầm đìa rồi chúng sẽ được tắm ngày 2 – 3 lần đối với mùa hè, mùa thu, mùa xuân còn riêng mùa đông thì ít hơn vì lạnh.

Năng vận động nên những con lợn có thân hình rất đẹp

Lợn là loài tham ăn nhưng khá nóng tính nhất là khi thấy đối thủ lạ trong chuồng sẽ chiến đấu đến khi phân thắng bại mới thôi. Bởi thế mà khi ghép chuồng với lợn lạ anh Quang thường chọn thời điểm buổi tối, vừa thả vào cái là đổ thức ăn xuống máng ngay để chúng sao lãng đối thủ. Con nào còn có ý vừa ăn vừa hăm he dọa nạt sẽ được quẳng cho một chiếc bao tải – thứ đồ chơi mà lũ lợn rất ưa thích được hũi hũi mõm vào, được lăn lê bò toài cọ xát.

Dù thường xuyên nghịch ngợm nhảy qua chuồng để dạo chơi bên ngoài nhưng chúng cũng không bị đánh mắng mà còn được chủ xoa đầu, vuốt cổ để làm dịu đi sự căng thẳng.

Ăn thức ăn chất lượng, tắm táp suốt ngày nên vào giữa chuồng lợn mà nhiều khi còn ngỡ ngàng vì quá sạch sẽ, quá ít mùi hôi. Hiện ngoài trại của mình anh Quang còn liên kết với trại của anh Đàm Ngọc Doanh gần đó chăn nuôi tổng cộng 700 con lợn để cung cấp hàng cho hệ thống các chuỗi cửa hàng, siêu thị lớn tại Hà Nội…

Ở nơi những con lợn được nuôi theo hướng hạnh phúc, sống sướng như con người ấy anh Quang bảo rằng nhiều lúc chẳng muốn về nội thành nữa bởi: “Không khí trong lành, đồ ăn sạch sẽ, làm việc với nông dân thật thà chất phác nên đầu óc rất thoải mái, tối về ngủ ngon hệt như… lợn vậy”.

Nguồn: Nongnghiep.vn được tổng hợp bởi Farmtech VietNam.