Quá nhiều rào cản phát triển nông nghiệp hữu cơ

Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp hữu cơ (NNHC). Tuy nhiên, hiện ở nhiều nơi nguồn đất, nước đã bị nhiễm các hóa chất bảo vệ thực vật, dư lượng phân bón hóa học. Cùng với đó, việc thay đổi tập quán sản xuất của nông dân vẫn là rào cản lớn nhất để phát triển NNHC…

 

Bài 1: Khó thay đổi nhận thức, giải pháp canh tác

 

Theo quy định của Tổng cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng, một sản phẩm hữu cơ phải đảm bảo được nguyên tắc 5 không: Không hóa chất bảo vệ thực vật, không phân hóa học, không chất kích thích tăng trưởng, không sản phẩm đột biến gen và không sử dụng thuốc diệt cỏ.

Hiện Việt Nam mới có 40 tỉnh, thành có diện tích trồng trọt hữu cơ (chiếm 0,7% tổng diện tích đất trồng trọt cả nước). Số tỉnh có chăn nuôi hữu cơ là 24, và chỉ 4 tỉnh có nuôi trồng thủy sản hữu cơ.

 

Quá nhiều rào cản

Vườn rau hữu cơ tại quận Bình Tân (TP.HCM)

 

Dự thảo đề án phát triển NNHC giai đoạn 2020 – 2030 của Bộ NNPTNT đặt mục tiêu đưa Việt Nam vào top 15 nước có nền NNHC phát triển nhất thế giới, với diện tích sản xuất hữu cơ chiếm 7 – 10% diện tích sản xuất nông nghiệp cả nước.

Theo PGS-TS Nguyễn Xuân Hồng – nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), Việt Nam có rất nhiều điều kiện để phát triển NNHC như khí hậu, độ ẩm ướt, gió mùa… tác động các chất hữu cơ chuyển hóa tốt thành khoáng chất cung cấp cho cây trồng. Rồi phân xanh, phân hữu cơ khá phong phú… Không phải ngẫu nhiên Liên đoàn các phong trào NNHC quốc tế (IFOAM) đã công nhận Việt Nam có sản xuất NNHC.

Tuy nhiên, IFOAM cũng cho rằng, Việt Nam “chưa có quy định pháp luật về NNHC” nên dẫn tới những khó khăn, thách thức đối với con đường phát triển NNHC (hiện mới có Nghị định về NNHC số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018).

Ông Nguyễn Văn Chữ – Giám đốc Công ty Nam Thành, một đơn vị liên kết với các trang trại sản xuất, chế biến thịt lợn, gà đảm bảo tiêu chuẩn hữu cơ tại Hà Nội, thừa nhận, để chứng nhận các nguyên liệu như đậu tương, ngô được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ không hề đơn giản khi mẫu đất, nước phải đảm bảo không tồn dư hóa chất.

Ông Trần Hoàng Ý – Giám đốc Công ty Xuất khẩu điều Việt Hàn (có nhà máy ở Bình Dương và Bình Phước) cho rằng, diện tích nhỏ lẻ làm NNHC rất khó khăn, ngay đầu tiên đã gặp vấn đề nhiễm chéo từ những diện tích không làm hữu cơ khác.

Bắt đầu làm nông nghiệp hữu cơ từ năm 2013, bà Phạm Phương Thảo – Giám đốc điều hành chuỗi bán lẻ thực phẩm hữu cơ Organica cho biết, các vườn rau hữu cơ của Việt Nam thường có diện tích nhỏ, khoảng 2 – 3ha, với khoảng 10 loại rau luân canh, một phần do diện tích đất sạch không nhiều.

Ngoài yếu tố đất, nước thì các yếu tố đầu vào khác như giống, phân bón hữu cơ cũng là một khó khăn với các nhà sản xuất hữu cơ. Ông Nguyễn Ngọc Luân – Giám đốc HTX nông nghiệp Lâm San (Đồng Nai) lý giải, để sản xuất NNHC thì phải có nguồn giống, phân bón, bảo vệ thực vật hữu cơ, nhưng HTX của ông thường không có đủ phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất do việc nhập khẩu phân hữu cơ thủ tục khá phức tạp, mất nhiều thời gian.

 

Nông dân chưa mặn mà

Theo ông Nguyễn Ngọc Luân, muốn phát triển NNHC cần quan tâm đến người nông dân, lực lượng sản xuất chính: “NNHC không phải mạnh ở doanh nghiệp mà là ở nông dân, đặc biệt khi quy mô sản xuất hữu cơ còn nhỏ lẻ”. Ông Luân cho rằng ý thức làm hữu cơ của người nông dân là một vấn đề cần được tuyên truyền. Ở các nước, người nông dân làm hữu cơ vì chính sức khỏe của họ, còn hầu hết nông dân mình chưa quan tâm đến điều này.

Còn bà Phạm Phương Thảo thì cho rằng, để nông dân gắn bó với sản xuất hữu cơ, cần đảm bảo cho họ 2 vấn đề: Giải pháp canh tác và thị trường đầu ra.

Sau 6 năm tham gia làm hữu cơ, những khó khăn về nguồn nguyên liệu đầu vào của bà Thảo đã được giảm đáng kể, tuy nhiên vấn đề nhân lực vẫn là một trăn trở lớn. “Nếu mình không bán được hàng cho họ thì dù có chứng nhận hữu cơ, nhiều nông dân vẫn sẵn sàng bỏ để quay về sản xuất truyền thống như trước” – bà Thảo nhận xét.

Bà Thảo có một đối tác nông dân ở Đà Lạt, gia đình dành phần lớn diện tích canh tác để trồng hoa. Mấy năm gần đây, người chồng cảm thấy sức khỏe có vấn đề, mỗi lần đi xịt thuốc trừ sâu cho hoa đều thấy ghê sợ, nên bà Thảo đã gợi ý họ chuyển qua trồng rau hữu cơ để khỏe mạnh hơn.

Mặc dù đã được bà Thảo hỗ trợ tài chính để yên tâm trồng trọt nhưng sau một thời gian, cặp vợ chồng lại tỏ ý băn khoăn. Họ thấy trồng hữu cơ vất vả, tốn công bắt sâu, nhổ cỏ, phải thuê thêm nhân công mà lợi nhuận không bằng trồng hoa nên lại muốn chuyển về trồng hoa.

Thực tế, theo thống kê của Bộ NNPTNN, chi phí cho sản xuất hữu cơ thường cao hơn sản xuất thông thường khoảng 130% trong khi sản lượng chỉ bằng 80-90% (có bảng so sánh kèm theo). Ngoài ra, việc nhận thức chưa đúng về hữu cơ của nhiều người sản kinh doanh cũng là một khó khăn cho phát triển ngành này.

Trong một hội nghị về xúc tiến nông sản hữu cơ do Bộ NNPTNT tổ chức tại TP.HCM hồi tháng 9/2019, nhiều người tham dự vẫn nhầm lẫn giữa sản xuất hữu cơ với sản xuất thực phẩm an toàn công nghệ cao, cho rằng làm hữu cơ không cần đất và nước. Bà Thảo cũng kể rằng nhiều lần mình nhận được các đề nghị hợp tác từ những nông dân sản xuất, nhưng tìm hiểu thì thấy họ không có giấy chứng nhận hữu cơ mà chỉ là những chứng nhận sản phẩm an toàn.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Doveco sẽ thu mua hàng trăm ngàn tấn rau quả mỗi năm ở Tây Nguyên

Trung tâm chế biến rau quả Doveco Gia Lai đi vào hoạt động không chỉ thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển mà còn đưa Tây Nguyên trở thành một trong những trung tâm chế biến rau quả chất lượng cao của cả nước

Khánh thành trung tâm chế biến rau quả Doveco tại Huyện Mang Yang, Gia Lai

 

Chế biến hơn 500 tấn rau quả mỗi ngày

 

Sau hơn một năm xây dựng, Trung tâm chế biến rau quả Doveco Gia Lai của Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) chính thức đi vào hoạt động tại huyện Mang Yang, Gia Lai.

Doveco Gia Lai với tổ hợp nhà máy chế biến rau quả hiện đại công suất 52.000 tấn sản phẩm/năm. Có 3 dây chuyền sản xuất tự động hóa gồm: Dây chuyền sản xuất nước quả cô đặc và nước quả tự nhiên, công suất 20.000 tấn sản phẩm/năm; dây chuyền sản xuất rau quả đông lạnh, công suất 22.000 tấn sản phẩm/năm; dây chuyền sản xuất rau quả đồ hộp, công suất 10.000 tấn sản phẩm/năm.

Từ tháng 4/2019 đến nay, Doveco đã đưa vào vận hành, chạy thử với những lô hàng đầu tiên sản xuất ra đã được xuất khẩu sang thị trường các nước Châu Âu, Israel, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc…

Với các tổ hợp sản xuất này, mỗi năm, nhà máy sẽ thu mua hàng trăm ngàn tấn rau quả các loại để chế biến và xuất tươi nhiều dòng sản phẩm rau củ quả như: chuối, dứa, thanh long, chanh dây, bơ, xoài, sầu riêng, rau chân vịt, đậu tương rau, bắp ngọt, khoai lang Nhật, bí Nhật của người dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung.

Ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao cho biết, khi nhà máy đi vào hoạt động, chúng tôi kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ đạt khoảng 100 triệu USD/năm, tổng doanh thu hàng năm có thể đạt 2.000 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hàng năm từ 100 đến 150 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Doveco có điều kiện giới thiệu sản phẩm rau quả đặc sản của Tây nguyên như chanh dây, bơ, chuối, sầu riêng… ra thị trường thế giới.

Theo ông Khuê, với quy mô chế biến 500 tấn nguyên liệu mỗi ngày, Doveco sẽ góp phần tạo đầu ra ổn định cho rau quả nông sản khu vực Tây Nguyên, nâng cao giá trị gia tăng, giá trị sản xuất và nâng cao đời sống của người dân tỉnh Gia Lai và khu vực Tây Nguyên.

Trong khi đó, ông Võ Ngọc Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, Doveco Gia Lai đi vào hoạt động sẽ góp phần giải quyết trên 500 lao động ở địa phương và hàng chục ngàn nông dân tham gia sản xuất, cung ứng các sản phẩm nông sản.

Ông Thành cũng kỳ vọng, Doveco sẽ mở đầu cho thời kỳ bùng nổ về phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp; đẩy mạnh công nghiệp hóa nông thôn, thu hút các nhà đầu tư mới.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, Doveco là một trong những doanh nghiệp đầu tiên phát triển chuỗi giá trị cây ăn quả chủ lực của Việt Nam. Từ việc chủ động tạo ra giống mới cho năng suất cao, Doveco có công nghệ chế biến, xuất khẩu một cách bền vững.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị Doveco tiếp tục phát huy truyền thống và thế mạnh của mình, tiếp tục đồng hành cùng người dân Tây Nguyên để chế biến và tiêu thụ nhằm năng cao giá trị sản phẩm nông sản, đặc biệt là các loại cây đặc sản như chanh dây, bơ, chuối và sầu riêng.

 

Đòn bẩy để nông nghiệp Tây Nguyên phát triển

 

Hiện nay, sản phẩm của Doveco xuất khẩu đến 50 quốc gia, tập trung chủ yếu vào thị trường các nước như: Nhật Bản Mỹ Israel, EU… Các sản phẩm xuất khẩu chiến lược của Doveco chủ yếu là: dứa lạnh dứa hộp, nước dứa cô đặc, nước chanh dây cô đặc, vải lạnh, mơ lạnh, rau chân vịt… Còn với thị trường trong nước, sản phẩm của Doveco đã có mặt ở hầu hết các siêu thị lớn nhỏ và đang chiếm một thị phần lớn.

Ông Kenichiro Nakano, đại diện công ty Tokai Denpun Nhật Bản cho biết, những năm gần đây, Doveco đã xuất khẩu sang Nhật Bản, thị trường khắt khe về chất lượng sản phẩm và giá bán. Nhờ sự hợp tác và chia sẻ công nghệ sản xuất, kỹ năng quản lý, Doveco đã tạo được niềm tin của khách hàng tại Nhật Bản.

Nhằm đưa Doveco Gia Lai trở thành trung tâm chế biến rau qua lớn nhất Tây Nguyên, Doveco đã có chiến lược xây dựng vùng nguyên liệu bền vững trên địa bàn tỉnh Gia Lai và các tỉnh khu vực Tây Nguyên.

Đến nay, Doveco đã phát triển vùng nguyên liệu dứa tại các địa phương như: Phú Thiện, Kông Chro, Ia Pa (Gia Lai) với diện tích 2.000 ha; phát triển vùng chuối nguyên liệu tại thị xã An Khê, huyện Ia Pa, Đak Pơ, Kông Chro, Mang Yang (Gia Lai) và tỉnh Đăk Lăk, Kon Tum với diện tích 1.000 ha; phát triển vùng nguyên liệu chanh dây tại các địa phương của tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Kon Tum với diện tích 2.000 ha. Theo kế hoạch đến năm 2020, vùng nguyên liệu của Doveco sẽ đạt từ 22.000 ha đến 25.000 ha.

Chanh dây của Doveco được xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc

Ông Đinh Gia Nghĩa, Giám đốc Doveco Gia Lai cho biết, việc hợp tác, liên kết giữa Doveco với nông dân sản xuất nguyên liệu bước đầu đã có kết quả tốt, tạo tiền đề cho việc xây dựng nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, chất lượng cao tại khu vực Tây Nguyên.

Theo ông Nghĩa, Doveco ký hợp đồng với chính quyền địa phương để thuê đất của dân nhằm chủ động trong việc tổ chức sản xuất. Sau khi người dân cho thuê đất, Doveco tạo điều kiện thuê làm nhân công lao động ngay tại vùng nguyên liệu.

Doveco sẽ thực hiện đầu tư ban đầu cho bà con nông dân như: cung cấp giống, vật tư phân bón đảm bảo chất lượng, chuyển giao kỹ thuật. Đồng thời, theo dõi, giám sát, hướng dẫn quá trình sản xuất đúng kỹ thuật, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm tạo ra sản phẩm đúng theo tiêu chuẩn từ khâu sản xuất cho đến chế biến và xuất khẩu.

“Ngoài việc tiêu thụ nông sản, chúng tôi cũng góp phần tạo việc làm ổn định cho khoảng 5.500 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 6,5 triệu đồng đến 7 triệu đồng/người/tháng” – ông Nghĩa chia sẻ.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi FarmTech Vietnam