Hướng tới nuôi trồng không kháng sinh

Theo các chuyên gia, giải pháp sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản giúp phòng bệnh, hỗ trợ tăng trưởng và tăng tỷ lệ sống, cùng đó ngăn chặn sự tích tụ chất thải có nguồn gốc Nitơ trong ao nuôi.

Nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học mang lại vụ mùa thành công.

Lịch sử sử dụng chế phẩm sinh học

Trong vài thập kỷ qua, nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã trở thành ngành sản xuất thực phẩm phát triển nhanh nhất thế giới. Nuôi tôm có tốc độ tăng trưởng trung bình 16,8%/năm; tuy nhiên, cùng với việc nuôi tôm ngày càng được mở rộng đã làm tăng mối nguy về dịch bệnh, sự tích tụ của các chất độc và chất thải hữu cơ trong ao. Để đối phó với dịch bệnh, kháng sinh và các biện pháp khử trùng trong canh tác NTTS được sử dụng một cách phổ biến. Điều này làm tăng khả năng kháng thuốc của vi khuẩn và dẫn đến giảm hiệu quả của việc sử dụng kháng sinh đối với điều trị bệnh cho đối tượng thủy sản (Vaseeharan & Ramasamy, 2003). Đồng thời, những biện pháp trên đã tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh (như Vibrio spp.) trong hệ thống nuôi.

Để giải quyết tận gốc vấn đề, người ta đã tích cực tìm kiếm các biện pháp thay thế để xử lý dịch bệnh và giảm tỷ lệ chết, trong đó, sử dụng các chế phẩm sinh học đang rất được ưa chuộng.

Chế phẩm sinh học được nghiên cứu và ứng dụng trong chăn nuôi từ những năm 1970. Cuối những năm 1980, ấn phẩm đầu tiên về việc kiểm soát sinh học trong NTTS được xuất bản đã thúc đẩy các nỗ lực nghiên cứu về vấn đề này (Verschuere et al., 2000).
Nhu cầu tiêu thụ tôm tăng cao đã khiến nông dân trên khắp châu Á thả giống với mật độ ngày càng cao. Ở Việt Nam, mô hình nuôi tôm thâm canh bắt đầu được áp dụng vào năm 1989. Ngay sau đó, nhiều nông dân chuyển đổi từ nuôi tôm bán thâm canh với mật độ 5 – 15 con/m2 sang nuôi tôm thâm canh với mật độ 70 – 150 con/m2 (Leung & Engle, 2006; Hai et al., 2015). Việc nuôi tôm ở mật độ cao hơn đã gây nhiều vấn đề xấu trong ngành NTTS, vốn dĩ việc áp dụng an toàn sinh học của ngành thủy sản đã khó hơn ngành chăn nuôi.

Sự gia tăng áp lực do dịch bệnh đã khuyến khích các nhà sản xuất tôm tìm kiếm biện pháp điều trị hiệu quả hơn bằng cách sử dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất. Ví dụ điển hình trên Hội chứng chết sớm (EMS), hay còn được gọi là bệnh Hoại tử gan tụy cấp (AHPND). EMS lần đầu tiên được báo cáo trên tôm he (Penaeid) ở miền Nam Trung Quốc năm 2010. Bệnh do vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus gây ra. Sau đó, dịch bệnh tương tự được báo cáo ở Việt Nam, Thái Lan và Malaysia. Ngay cả thời điểm hiện tại, EMS vẫn đang tiếp tục tàn phá tôm nuôi. Bệnh rất nguy hiểm đối với ngành nuôi tôm do tôm ở giai đoạn Postlarvae dễ bị nhiễm bệnh trong vòng 20 – 30 ngày sau khi thả và tỷ lệ chết lên tới 100% trong hầu hết các ổ dịch. Tổn thất đối với ngành nuôi tôm châu Á lên đến 1 tỷ USD (theo GAA, 2013).

Có thể thấy, sử dụng các vi sinh vật có lợi thay thế kháng sinh để phòng bệnh trên tôm đã được thử nghiệm bởi nhiều nhà nghiên cứu và các hộ nông dân ở tất cả vùng sản xuất tôm hàng đầu trên thế giới. Các vấn đề về bệnh đã xảy ra cho thấy, mặc dù công nghệ vi sinh được chứng minh là có hiệu quả trong một số môi trường thử nghiệm cụ thể và có kiểm soát, việc ứng dụng rộng rãi như thực hành NTTS tốt vẫn chưa cho kết quả khả quan do thiếu hiệu quả trong hoạt động sản xuất.

Xu hướng hiện tại

Các biện pháp thay thế kháng sinh trong nuôi tôm vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu và thử nghiệm. Giải pháp hàng đầu vẫn là kỹ thuật chuẩn bị ao nuôi, xử lý nước, nâng cao chất lượng di truyền trong sản xuất tôm giống, khẩu phần ăn, điều chỉnh tần suất cho ăn, và thời điểm thu hoạch hợp lý. Một trong những chiến lược hiện nay được sử dụng để chống lại dịch bệnh tôm là công nghệ nuôi nước xanh (De Schryver et al., 2014). Đặc điểm của hệ thống này là sự kết hợp hệ vi tảo với hệ vi sinh vật để có thể cạnh tranh các chất dinh dưỡng với vi khuẩn gây bệnh và sản xuất các hợp chất ức chế khả năng sống của chúng (Natrah et al., 2014). Tuy nhiên, dù sử dụng biện pháp nào thì việc áp dụng quản lý tốt trang trại, thức ăn và nước ao nuôi vẫn giúp đảm bảo ngăn chặn dịch bệnh.
Nếu xem xét trên nhiều phương diện, các nghiên cứu đang tiến hành cho thấy, dịch bệnh sẽ trở nên nghiêm trọng hơn bởi một số phương pháp canh tác thông thường và xu hướng thả mật độ cao, từ đó làm giảm chất lượng nước.

Chất lượng nước nói chung đang ngày một kém đi, không chỉ bởi ảnh hưởng từ ngành NTTS. Sự gia tăng dân số, đặc biệt ở những nơi không có hệ thống xử lý nước thải hiện đại, sẽ tạo nên chất thải hữu cơ cao trong nguồn nước. Một lý do đó là độ mặn tăng do sự biến đổi khí hậu. Đặc biệt, nông dân vùng ĐBSCL đều bị ảnh hưởng do độ mặn của nước biển tăng lên. Tại Bến Tre, các hộ nuôi tôm nhỏ lẻ sống gần sông áp dụng biện pháp nuôi luân canh tôm – lúa đã bị thiệt hại trung bình 15 – 30 triệu đồng trong năm 2015.

Biện pháp phổ biến hiện nay là khử trùng toàn bộ nước và đáy ao được cho là có thể tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh (như EMS/AHPND). Ví dụ, Chlorine được sử dụng rộng rãi để khử trùng các trại giống và ao nuôi; tuy nhiên, việc làm này cũng loại bỏ các động vật phù du, một nguồn thức ăn tự nhiên thứ cấp quan trọng cho tôm trước khi thả. Hệ thống “nước sạch” (do khử trùng bằng Chlorine) này cũng dẫn đến sự phát triển của các vi khuẩn có khả năng tăng sinh khối nhanh (các vi khuẩn Vibrio spp.), chúng tái xâm chiếm trong môi trường nước (Attramadal et al., 2012). Chlorine và các biện pháp khử trùng khác làm giảm tổng số các vi khuẩn có khả năng cạnh tranh với dinh dưỡng dư thừa trong ao nuôi. Quá trình này cũng diệt quần thể tảo, do đó làm tăng nguồn thức ăn cho vi khuẩn gây bệnh. Trên thực tế, những điều này là nguyên nhân dẫn đến sự bùng phát của bệnh phát sáng lan rộng vào đầu những năm 1990. Trong tất cả các trường hợp, sự gia tăng Vibrio cơ hội đã được chứng minh có sự xuất hiện trong ao nuôi sau khi khử trùng ao (Lavilla-Pitogo et al., 1998, Bratvold et al., 1999).

Để đối phó với dịch bệnh bùng phát, việc bổ sung các vi sinh đã được đánh giá giúp cải thiện các yếu tố sinh học đối với chất lượng nước. Vấn đề có thể phát sinh khi các sản phẩm này được sử dụng bừa bãi để xử lý chất thải hữu cơ trong ao nuôi. Chúng có thể nhanh chóng làm giảm lượng ôxy hòa tan (DO) trong nước, làm tăng hàm lượng NO2- độc hại và NH4+. Tuy nhiên, bằng cách sử dụng công nghệ tăng vi sinh và các biện pháp ứng dụng hợp lý sẽ tạo ra một hệ vi sinh có lợi và bền vững trong nước ao.

Việc áp dụng công nghệ vi sinh một cách chính xác, các trang trại NTTS có thể đạt được kết quả mong muốn, làm giảm chất hữu cơ trong khi duy trì lượng các chất độc hại như NO2- và NH3 ở nồng độ thấp. Một hệ thống nước có quần thể vi sinh bền vững cũng sẽ loại bỏ các cơ hội cho vi khuẩn có hại phát triển nhanh (Attramadal, et al., 2012).

Nguồn: Thủy sản Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nguyên nhân và cách phòng trị bệnh nấm cho cá Bảy Màu

Cá bảy màu là một loài cá rất đẹp và lộng lẫy. Chúng thường người chơi cá cảnh ưa chuộng và đem về nuôi cảnh, ép đẻ hoặc thả cả vào hồ thủy sinh. Trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng cũng có rất nhiều các dòng cá bảy mầu đắt tiền như: Abino full red, blue grass, koi, blue lace, metal black lace, abino full platinum..v..v.

Tuy nhiên với kích thước nhỏ và sức khỏe kém, chúng rất dễ bị mắc các bệnh “vặt”. Điều này khiến cho không ít người chơi phải đối mặt với nguy cơ bị mất đi đàn cá yêu quý của mình.

Các bệnh này có thể do thời tiết thay đổi hoặc do môi trường sống quá bẩn, chật hẹp, thiếu oxy..v..v. Có thể kể ra một số bệnh thông thường sau đây: nấm, xù vảy, vô sinh, đẻ non..v..v. Trong số cá bệnh này, bệnh Nấm được coi là bệnh phổ biến và dẫn đến hậu quả lớn nhất cho đàn cá bảy mầu.

Nấm khiến cho cá nhà bạn nhiễm ký sinh trùng, mất màu, bỏ ăn và chết dần. Dấu hiệu nhận biết bệnh này là ban đầu cá sẽ bị cụp đuôi, bơi lờ đờ mặt nước, bỏ ăn, càng lâu sau khi vi khuẩn nấm lây lan, các đốm trắng sẽ dần xuất hiện trên thân con cá, cá bị cháy đuôi, cuống đuôi sẽ teo nhỏ lại dần và có màu đỏ. Cá bị bệnh này thường sẽ bỏ ăn dẫn đến bị teo bụng. Thậm chí nếu không kịp thời phát hiện và cách ly các cá thể mang bệnh đầu tiên, NẤM sẽ lây lan ra cả hồ cá và cả đàn cá đó sẽ mắc bệnh.

Cá bảy mầu bị nấm 

NGUYÊN NHÂN: Có vài nguyên nhân chính dẫn đến căn bệnh này như:

– Thời tiết lạnh đột ngột, nước nuôi quá bẩn

– Do chế độ ăn của cá quá nghèo nàn dẫn đến sức đề kháng yếu, tạo cơ hội cho vi khuẩn NẤM phát sinh và lây lan

CÁCH ĐỀ PHÒNG:

– Do cá bẩy màu vô cùng sợ nhiệt độ thấp nên cần luôn luôn để nhiệt kế và máy sưởi trong bể cá để dễ dàng theo dõi và xử lý kịp thời những khi thay đổi thời tiết.

– Thường xuyên vệ sinh bể hoặc hồ nuôi cá bằng cách hút sạch lớp đáy bẩn (do phân cá hoặc thức ăn thừa còn ứ đọng) vì đây chính là môi trường lý tưởng nhất cho vi khuẩn nấm phát sinh và nẩy nở.

– Làm đa dạng khẩu phần ăn của cá. Thức ăn chính của cá bảy màu là trùn chỉ (giun) tuy nhiên người chơi cá phải bổ sung thêm các loại thức ăn bổ dưỡng khác cho cá như ấu trùng Atermia.

Các loại đồ khô chuyên dụng khác như cám, aquafin..v..v.

Các loại đồ ăn đa dạng này không những làm tăng sức đề kháng, giúp cá đề phòng NẤM, mà còn giúp cá mau chóng tăng trưởng về kích thước, phát huy về mầu sắc, sinh sản nhiều hơn, nhanh hơn, sinh sản mạnh hơn. Ngoài ra các hậu duệ của chúng cũng sẽ khỏe mạnh hơn.

CÁCH CHỮA BỆNH:

Cá bảy mầu bị nấm là điều không thể tránh khỏi đối với những người chơi cá dù là nghiệp dư hay chuyên nghiệp. Mỗi người có một cách chữa khác nhau nhưng tất cả đều cơ bản là làm theo các bước sau đây:

– Ngay khi phát hiện dù chỉ một con cá bảy mầu trong đàn cá của bạn bị nấm, hãy bỏ ngay muối biển vào bể cá với tỷ lệ 2 muỗng cà phê trên 5 lít nước

– Ngay lập tức cách ly các cá thể cá bị bệnh đầu tiên để giảm thiểu khả năng nó làm cho NẤM lây lan ra cả đàn cá. Bạn có thể bỏ các cá thể bệnh này vào một thùng xốp nhỏ, pha nước ấm hoặc cắm máy sưởi 25 độ C. Lưu ý là bạn nên dùng tấm bạt nilong mỏng để đậy lên nắp thùng để có thể giữ ấm liên tục cho cá bệnh. Cũng đừng quên bỏ muối biển vào theo tỷ lệ vừa nêu trên.

– Sau đó mỗi ngày bạn hãy hút hết cặn bẩn dưới đáy thùng xốp sao cho nước trong thùng vơi đi khoảng 30% và ngay lập tức bổ sung lượng nước ấm và lượng muối tương đương với 30% đó.

– Cho cá ăn hàng ngày nhưng với một lượng ít đi một nửa. Đặc biệt là khi cá bệnh, bạn chỉ nên cho cá ăn ấu trùng Atermia.

Với các bước như trên, các vi khuẩn nấm trên thân cá sẽ dần dần biến mất, cá của bạn sẽ phục hồi lại sức khỏe và lại bung đuôi lộng lẫy. Tuy nhiên bạn cần thường xuyên chăm sóc đàn cá của mình, nhất là những lúc thay đổi thời tiết. Khi mới phát hiện ra các dấu hiệu cá bệnh, bạn phải can thiệp ngay vì nếu cứ để lâu, thậm chí chỉ 2-3 ngày thì rất có thể vi khuẩn nấm đã lây ra cả đàn cá, và lúc đó bạn sẽ chỉ có thể cứu chữa được phần nào đàn cá đó mà thôi

Cá bảy mầu bị NẤM thì hoàn toàn có thể chữa khỏi, tuy nhiên cá bị bệnh nhiều hay ít, nặng hay nhẹ, có thường xuyên hay không và chữa khỏi được số lượng bao nhiêu thì hoàn toàn phụ thuộc vào trình độ và công sức của người chơi cá.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Một số loại cá Bảy Màu đẹp

Cá bảy màu là một loại cá cảnh đẹp nuôi trong hồ thủy sinh hoặc trong hồ nông rộng trong sân vườn. Bài trước Cá Cảnh Phong Thủy đã viết một bài khá chi tiết về cách nuôi cá bảy màu không bị chết, bài viết này chủ yếu chỉ tập trung vào các loại cá bảy màu đẹp hiện nay và những thông tin khoa học cũng như thông số chi tiết nước nuôi cá bảy màu.

Cá bảy màu có tên khoa học Poecilia reticulata, tên tiếng Anh Guppy, tên tiếng Việt cá bảy màu hay cá khổng tước hiện nhân giống phổ biến tại nội địa của Việt Nam

Cá bảy màu thuộc bộ cá sóc Cyprinodontiformes, họ cá khổng tước Poeciliidae phân bố ở Nam Mỹ (Venezuela, Barbados, Trinidad, Braxin và Guyan).

Nguồn gốc: Cá nhập nội từ thập niên 50 (dạng bảy màu thả ra sông diệt muỗi, ít màu sắc). Đầu thập niên 60 nhập dạng đuôi voan tam giác, đầu thập niên 70 nhập dạng da rắn, sau đó thường xuyên nhập thêm các kiểu hình mới. Cá đã sản xuất giống phổ biến trong nước.

Cá bảy màu rất khỏe được đánh giá là một trong những loài cá cảnh dễ nuôi cho người mới, cá thích ứng rộng các điều kiện môi trường và nguồn nước từ ngọt đến lợ, tuy nhiên cá sống khỏe và lên màu đẹp trong môi trường nước lợ với độ mặn 5 – 7‰.

Cá bảy màu thích hợp nuôi trong bể trồng nhiều cây thủy sinh với một ít thực vật nổi làm nơi trú ẩn cho cá con. Thả nhóm từ 6 con trở lên, nuôi riêng cá đực hoặc thả cá cái nhiều hơn cá đực vì cá đực thường liên tục đuổi ép cá cái. Cá cũng thích hợp trong bể nuôi chung.

Khi trưởng thành cá bảy màu có thể đạt chiều dài 6 cm, cá ăn tạp từ cung quăng, mùn bã hữu cơ, trùng chỉ, thức ăn viên. Cá mái trưởng thành đẻ con, mắn đẻ và dễ sinh sản.

Thông số bể nuôi cá bảy màu

Nhiệt độ nước (C): 18 – 28.

Độ cứng nước (dH): 10 – 30.

Độ pH: 7,0 – 8,5

Yêu cầu ánh sáng: Vừa

Yêu cầu lọc nước/ sục khí: Ít

Các loại cá bảy màu

Ngày nay, cá bảy màu được lai tạo ra rất nhiều chủng loại mới, chúng được phân theo các nhóm chính, trong mỗi nhóm đều có nhiều loại cá có nhiều hình dạng và màu sắc khác nhau rất đẹp.

Cá bảy màu Albino

Albino là loại cá bảy màu có màu trắng chủ đạo, phân thành các chủng loại nhỏ từ trắng đến trắng đỏ trắng hồng, trắng xanh, có kỳ dài, kỳ ngắn,…

Cá bảy màu albino king cobra

Albino trắng tuyết

Abino trắng hồng

Kỳ dài

Lấy vài con chủ đạo thôi, còn nhiều loại rất nhiều loại albino khác sẽ viết tiếp thành một bài riêng biệt.

Cá bảy màu Platinum moscow blue

Cá bảy màu Platinum mosaic

Cá bảy màu đen black

Cá bảy màu xanh dương Blue

Cá bảy màu galaxy

Cá bảy màu German white tuxedo ribbon fin

Cá bảy màu German white tuxedo swallow

Cá bảy màu Red albino

Cá bảy màu Starlet swallow

Nguồn: Cá cảnh phong thủy được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Lựa chọn cá Bảy Màu bố mẹ đưa vào sinh sản

Trước khi cho cá bảy màu sinh sản để nhân giống, chúng ta cần thực hiện thao tác chọn giống để chọn ra những cặp bố mẹ đẹp nhất và khỏe mạnh nhất cho ra những đàn cá giống chất lượng cao.

Cá đực (trái)                                 Cá cái (phải)

Lựa chọn cá trống:

Để lựa chọn cá trống, bạn thực hiện các bước sau:

1. Chọn ra con lớn nhất trong bầy. Hãy chọn những con có cuống đuôi to, dày, vì chúng có thể mang được những chiếc đuôi to

2. Chọn những con có đuôi hình tam giác. Chọn những con dài lưng (lưng có hình bình hành, tròn ở góc)

3. Lưng và đuôi nên trùng màu hay hoạ tiết

4. Loại bỏ những con cá có xương sống uốn cong, đầu phẳng hay những con có màu sắc không đẹp

Khi thực hiện theo các bước này, bạn sẽ chọn được cho mình những con cá tốt nhất để tiếp tục phát triển, và nên nhớ rằng mật độ cá không được quá 1 gallon 1 con

Lựa chọn cá mái:

Những con cá mái thường được lựa chọn sau 4-5 tháng. Các bước tiến hành như sau:

1. Chọn những con to nhất, có cuống đuôi to và dày, những con này sẽ đẻ ra những chú cá đẹp nhất

2. Chọn những con có lưng to nhất và rộng nhất có thể có

3. Và nên chọn ra những con có màu sắc đẹp hơn

Chọn ra 2 con cá mái đẹp nhất và 1 con trống đẹp nhất cho vào 1 bể 2 – 5 gallon. Việc sử dụng 1 con trống sẽ giúp bạn dễ nhận biết được những đặc tính mà con trống truyền lại cho con của nó, nhờ đó bạn có thể tìm những con trống tốt nhất. Nếu những con mái không có thai trong vòng 2 tháng, hãy thêm vào bể 1 con cá trống khác. Bể nhỏ sẽ giúp cá trống dễ “tìm thấy” cá mái hơn

Các cách lai giống

Đầu tiên, hãy chọn giống thuần chủng. Đây là lời khuyên hữu hiệu nhât cho những người muốn sớm đạt đến thành công. Bạn chỉ có thể đạt được những con cá loại này qua các mối quan hệ thân quen với mấy người bán cá. Những con cá mua ngoài tiệm thường khó đạt được những con cá đẹp hơn. Đây là một vài cách để tạo giống:

Lai gần: Cho những con trong họ hàng lai với nhau. vd: anh với em gái, mẹ với con trai, cha với con gái

Lai cùng dòng: Lai những con cá có chung họ hàng nhưng là họ hàng xa

Lai khác dòng: Lai những con cá khác dòng nhưng thích hợp với nhau. Bạn có thể mua hai con cá có màu giống nhau ở 2 tiệm cá khác nhau…

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Kĩ thuật nuôi cá Bảy Màu

Cá bảy màu là loài cá dễ nuôi, ngoại hình đẹp và giá thành rẻ. Chính vì vậy, chúng được rất nhiều người nuôi ưa chuộng. Để có một bể cá bảy màu đẹp, chúng ta cần chú ý những kỹ thuật sau:

Bể chứa

Những người mới bắt đầu thường cảm thấy chán chường khi nghe nói những người nhân giống cá dùng đến những hệ thống bể phức tạp với hơn 200 bể. Nhưng bạn không cần nhiều bể như vậy mới có thể nuôi được những chú guppy xinh đẹp. Bể có dung tích 10 gallon là thông dụng nhất, nhưng chủ yếu là phụ thuộc vào chỗ trống bạn còn. Thực tế, nếu bạn muốn trở thành 1 người nuôi guppy chuyên nghiệp, có thể cho ra những chú guppy “thiện chiến” thì bạn cần ít nhất 8 – 10 bể. Và để làm được như vậy thì bạn cũng đã phải trải qua 1 sự chọn lọc – loại bỏ rồi. Cứ tưởng tượng rằng 1 con guppy mái đẻ khoảng 30 – 50 cá con trong vòng 1 tháng, thì 200 bể cũng không phải là nhiều nếu như bạn giữ lại tất cả con cháu của chúng !

AGV-Lọc nướcThông dụng nhất có lẽ là hệ thống lọc sử dụng bọt biển. Nó gồm 1 máy hút và 1 miếng bông lọc được đặt trong hộp để lọc các chất bẩn. Và bạn chỉ cần giặt nó trong nước ấm mỗi tuần 1 lần là đủ. Miếng bông lọc sẽ giữ tất cả rác thải ra trong hồ cá

Máy bơm không khí

Bạn cũng nên có 1 máy bơm khí cho những hồ cá của mình. Nó sẽ giúp không khí lưu thông, làm tăng lượng oxy trong nước, cá sẽ mau lớn hơn

Ánh sáng

Nếu có nhiều bể, giải pháp tốt nhất là sử dụng 4 bóng đèn huỳnh quang hơn là phải thắp sáng cho từng bể riêng biệt. Ánh sáng nên được giữ 10 – 14 tiếng/ngày. Bạn nên mở đèn 1 giờ trước lần ăn đầu tiên và tắt đèn 1 giờ sau lần ăn cuối cùng

Nước

Nước là yếu tố quan trọng nhất để nuôi guppy với số lượng lớn. Nếu bạn dùng nước máy, nên phơi ngoài nắng 1 ngày trước khi dùng để khí clo trong nước thoát ra hết. Trong trường hợp khẩn cấp, bạn cũng có thể thay nước cho hồ cá bằng nước máy chưa “phơi” nhưng phải cho sủi bọt trong hồ để khí clo thoát lên nhanh hơn
Amoniac

Nguyên nhân số 1 dẫn đến cái chết cho lũ cá, gây ra bởi tình trạng nuôi cá quá đông trong 1 hồ, cho ăn quá nhiều dẫn đến thừa thức ăn, do nước xấu hay thiếu oxy..Nếu nghi ngờ có sự hiện diện của amoniac, bạn nên thay khoảng 1/3 nước hồ và cho sủi bọt thật nhiều

Độ cứng và độ pH cũng rất quan trọng.

Guppy thích nước hơi cứng và độ pH từ 6.8 – 7.8 (tốt nhất là 7.0). Vì vậy mà bạn có thể nuôi chúng vô tư trong các hồ xi măng (và có vẻ chúng chỉ thực sự lớn và sinh sản khi được nuôi trong hồ xi măng). Tuyệt đối không được thay đổi đột ngột độ pH và độ cứng của nước, nếu không cá sẽ chết nhiều. Nếu bạn muốn thay đổi thì sự thay đổi này phải diễn ra một cách từ từ !

Thay nước

Việc thay nước có thể tạo ra hoặc giết chết những con cá tuyệt đẹp. Việc loại bỏ phân và thức ăn thừa trong hồ cá là rất quan trọng. Những người nuôi cá thành công khuyên rằng bạn nên thay 30 – 40% lượng nước hàng tuần. Một số người thay nước hàng ngày với số lượng là 10% nước trong hồ. Việc này giúp cá bột lớn nhanh hơn và to hơn. Nó cũng làm giảm lượng amoniac

Nhiệt độ

Guppy sống trong nhiệt độ từ 75 đến 82 độ F (tốt nhất là 78). Nếu trời lạnh, bạn có thể dùng cây sưởi để giữ nhiệt độ trong hồ được ổn định. Nếu có nhiều hồ, bạn có thể dùng bếp lò để sưởi

Cho cá vào hồ sau khi mua

Việc đầu tiên cần làm sau khi mua cá là hãy thả chúng vào 1 cái hồ nhỏ và nhớ là dùng nguồn nước ở nơi mà bạn đã mua chúng (khi mua bạn nên xin thêm nhiều nước vào). Cứ 20 – 30 phút, bạn đổ thêm 1 ít nước lấy trong hồ nhà vào hồ nuôi tạm. Đến khi hồ tạm đầy khoảng 3/4, hút 1/2 nước ra khỏi hồ và thay bằng nước hồ nhà. Bạn cứ làm việc này 2 – 3 lần trong vòng 1 – 2 giờ. Lúc này, bạn có thể thả cá vào trong hồ nhà được rồi. Đừng lo lắng nếu anh lính mới cảm thấy sợ sệt và lẩn trốn ! Nếu chúng thấy hoảng sợ, đừng cho chúng ăn trong vòng 24 – 48 giờ. Nếu chúng có vẻ không ăn sau đó thì bạn cũng không nên cho thức ăn vào hồ vì việc này sẽ mau chóng làm bẩn nước hồ. Đừng lo lắng vì việc này là bình thường và có thể mất cả tuần để chú guppy mới bơi lượn và xử sự như những chú guppy bình thường khác

Mẻ cá bột đầu tiên

Sau 4 – 6 tuần thì trò vui sẽ thực sự bắt đầu. Vào thời kì này, cá mái đã sẵn sàng đẻ con. Bạn nên vớt nó sang một bể nhỏ hơn, cho vào 1 chút rong để có chỗ cho cá con lẩn trốn…mẹ chúng. Khi cho ăn, bạn nên cho hơi nhiều thức ăn. Lí thuyết nói rằng khi được cho ăn, những chú cá con nên được bao quanh bởi thức ăn thay vì phải bơi đi tìm. Và bạn cũng nên nhớ cho cá mẹ ăn đầy đủ trong thời gian này để tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. Sau khi cá mẹ đẻ hết, vớt nó trở về hồ cũ với … cá trống và tiếp tục nuôi lũ cá con trong bể nhỏ trong vòng 1 vài tuần

Cho cá ăn

Từ lúc mới đẻ đến 6 tuần : Cá bột nên được cho ăn tôm con mới nở. Bạn cũng nên cho vào hồ một ít muối. Việc này sẽ làm cá sống khỏe hơn và làm tôm con có thể sống lâu hơn. Sau 2 ngày, bạn có thể cho cá ăn thức ăn khô, nhớ là phải tán ra thật nhuyễn và nên dùng 1 loại thức ăn cố định thôi.

Từ 6 tuần tuổi đến lúc trưởng thành: Việc cho ăn thích hợp và 1 khẩu phần cân bằng chính là chìa khóa để dẫn đến thành công, nếu bạn cho cá ăn không tốt thì sẽ chẳng có bàn thắng nào được ghi ! Một khẩu phần cân bằng phải thoả mãn mọi nhu cầu về chất dinh dưỡng của cá. Giai đoạn quan trọng nhất trong cuộc đời 1 chú guppy là 3 tháng đầu đời. Cho ăn không phù hợp trong 3 tháng này sẽ ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của cá sau này. Bạn nên cho cá ăn đơn giản, nhưng phải thường xuyên và đều đặn, nên cho ăn từ 6 – 8 lần/ngày. Một khẩu phần có sự thay đổi đa dạng giữa thực phẩm khô và tươi là rất cần thiết cho sự phát triển của cá. Hãy chắc rằng bạn đã tìm được loại thức ăn tốt nhất và đừng nên quá mặc cả trong chuyện này. Tôm con, trùn chỉ, lăng quăng, bo bo …là nguồn cung cấp protein động vật rất tốt. Tảo và salad có thể cho cá nguồn protein thực vật chúng cần. 2 loại thức ăn có zá trị nhất là trùn chỉ và tôm con. Một khẩu phần tốt nên bắt đầu bằng tôm con, sau đó cả ngày cho chúng ăn thức ăn khô, và kết thúc bằng một bữa trùn chỉ thịnh soạn trước khi đi ngủ.

Cách nở trứng tôm :

Cho trứng tôm vào 1 chai nhỏ, chứa nước mặn (2 muỗng canh muối cho 1 lít nước) và cho sục khí liên tục trong vòng 18 – 20 giờ. Sau đó bạn có thể vớt tôm ra cho cá ăn. Tốt nhất là khi mua trứng tôm, nên hỏi kĩ người bán và “đọc kĩ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng”

Hãy cố gắng cho cá ăn đều đặn nhiều bữa nhỏ mỗi ngày ( 2 trong số đó nên là thức ăn tươi). Không được cho ăn thừa và giữ cho đáy hồ được tự do khỏi thức ăn thừa. Nhiều người nuôi cá thả catfish (Corydoras) vào trong hồ để ăn thức ăn thừa. Vài người nghĩ rằng những con catfish này sẽ ăn cá con. Nếu bạn nghĩ vậy thì có thể chờ cá con lớn lên chút ít rồi thả chúng vào

Gây giống cá

Khi bạn mua về 3 con cá (1 trống/2 mái), bạn có thể tạo ra 2 dòng cá song song nhau. Sau 1 vài lần nhân giống, sẽ có đủ sự khác biệt giữa các dòng và bạn có thể nhân chéo 2 dòng để giữ cho cá của bạn luôn khoẻ mạnh. Tất cả những người nuôi guppy cần phải biết cách lựa chọn cá. Nuối tất cả cá chung với nhau sẽ làm giống mau chóng bị thoái hoá.

Việc tách bầy và chọn lọc có hể thực hiện sau 6 tuần đầu. Lúc này bạn đã có thể phân biệt được đâu là cá trống, cá mái. Hãy tách những con trống và mái sang những bể riêng để tránh sự lai tạo ngoài ý muốn. Bạn cũng nên loại bỏ những con cá xấu, dị dạng hay yếu ra khỏi bầy. Và không nên để số lượng từ 10 – 20 con cá trong 1 bể nhỏ 10 gallon. Mật độ cá nên ở mức 1 con/1 gallon để đạt được sự phát triển tối đa. Thời điểm để chọn giống cá cũng còn phụ thuộc vào giống cá bạn đang nuôi. vd: cá màu đỏ, xanh lá cây, xanh da trời lớn nhanh và có thể được lựa chọn sau 3 tháng. Ngược lại, những con cá màu vàng hay trắng mất nhiều thời gian hơn để trưởng thành, do đó bạn phải chờ 4 – 5 tháng để có thể tiến hành việc chọn lựa

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Vài nét về cá Bảy Màu

Cá bảy màu, hay cá hồ lan, cá hà lan, cá hòa lan ( Poecilia reticulata) là một trong những loại cá cảnh nước ngọt phổ biến nhất thế giới. Nó là một thành viên nhỏ của họ Poeciliidae (con cái dài 4–6 cm, con đực dài 2,5–3,5 cm) và giống như các thành viên khác của họ cá này, chúng là dạng cá đẻ trứng thai.

Nguồn gốc của cá bảy màu

Tên thường gọi là cá bảy màu, có nơi gọi là cá công. Tên khoa học:Poecilia reticulata, thuộc họ Cá khổng tước (Poeciliidae)

Đây là giống cá dễ nuôi, sinh sản nhanh, đa dạng và phong phú nhất trong số các loài cá cảnh (về màu sắc). Cá bảy màu nhập ngoại vào Việt Nam có 2 loại chính: bảy màu đuôi rắn và bảy màu thân xanh đen, đuôi màu xanh biếc, đỏ điểm vạch trắng. Ở các nước khác có cá bảy màu toàn thân đen tuyền chưa thấy có tại Việt Nam.

Cá có nguồn gốc từ Jamaica, sống trong những vũng vịnh cạn, eo biển, mương rãnh và dọc theo bờ biển. Năm 1866, Robert John Lechmere Guppy sống ở đảo Trinidad thuộc British West Indies gửi một vài con cá này đến bảo tàng Anh để nhận dạng. Albert C. L. G. Gunther của bảo tàng này đặt tên khoa học cho nó là Girardinus guppii để ghi công Guppy vào cuối năm đó. Đến năm 1913, đặt tên lại là Lebistes reticulatus, tên khoa học chính thức lúc bấy giờ. Tuy nhiên, loài cá này đã được Wilhelm Peters mô tả trước đó vào năm 1859 trong số sinh vật ông thu thập được từ Nam Mỹ. Mặc dù Girardinus guppii hiện nay được coi là từ đồng nghĩa của Poecilia reticulata, nhưng tên gọi “guppy” vẫn được sử dụng.[2] Theo thời gian cá bảy màu đã được đặt nhiều tên gọi khoa học khác, nhưng hiện tại Poecilia reticulata là danh pháp được coi là hợp lệ.

Phân bố của cá bảy màu

Cá bảy màu là cá bản địa của Trinidad và một số khu vực thuộc Nam Mỹ, đặc biệt là Antigua và Barbuda, Barbados, Brasil, Guyana, Netherlands Antilles, Trinidad và Tobago, quần đảo Virgin và Venezuela

Tuy nhiên, cá bảy màu đã được đưa vào nhiều quốc gia khác nhau tại mọi châu lục, ngoại trừ châu Nam Cực. Đôi khi điều này diễn ra một cách ngẫu nhiên, nhưng chủ yếu thường là trong vai trò của sinh vật kiểm soát muỗi, với hy vọng rằng cá bảy màu sẽ ăn các loại ấu trùng muỗi và làm giảm sự lan truyền của bệnh sốt rét. Trong nhiều trường hợp, những con cá bảy màu này lại trở thành loài xâm hại có ảnh hưởng tiêu cực tới quần xã cá bản địa

Sinh thái và hành vi của cá bảy màu

Có một sự đa dạng lớn về màu sắc giữa các quần thể, nhiều quần thể với màu sắc rất khác biệt nhau. Những quần thể nào sinh sống trong các môi trường mà các loài động vật ăn thịt là phổ biến sẽ có xu hướng ít sặc sỡ như là một biện pháp tự bảo vệ trong khi các quần thể với môi trường sống ít kẻ thù thì lại sặc sỡ hơn. Các nghiên cứu gần đây cho thấy những con đực màu sặc sỡ được ưa thích hơn trong quá trình chọn lọc giới tính (nguyên lý handicap) trong khi chọn lọc tự nhiên thông qua lối sống ăn thịt lại ưa chuộng các sắc thái dịu. Kết quả là, các kiểu hình thống lĩnh được ghi nhận trong phạm vi các cộng đồng cô lập về mặt sinh sản là chức năng của tầm quan trọng tương đối mà mỗi yếu tố có trong môi trường cụ thể.

Đôi khi những con đực có thể đối xử với nhau một cách hung hãn, tham gia vào những cuộc chọi đứt vây hay các hành vi ức hiếp khác. Cá bảy màu sống trong một mạng lưới xã hội phức tạp, chúng lựa chọn đối tác và ghi nhớ các đối tác này

Cá bảy màu là loài cá được các nhà sinh học tiến hóa chọn lựa do lối sống ăn thịt của chúng thông thường hay biến đổi ngay cả khi chỉ trong một khu vực nhỏ. Cả các công trình nghiên cứu trong quá khứ lẫn các nghiên cứu gần đây về cá bảy màu được khái quát hóa trong Evolutionary Ecology: the Trinidadian Guppy của Anne Magurran

Sinh sản của cá bảy màu :

Cá bảy màu đẻ nhiều. Thời kỳ mang thai của chúng là 22-30 ngày, trung bình khoảng 28 ngày. Sau khi cá cái được thụ tinh thì một vùng sẫm màu gần hậu môn, gọi là đốm thai, sẽ lớn dần lên và sẫm màu đi.

Cá bảy màu ưa thích nước có nhiệt độ khoảng 28 °C (82 °F) để sinh sản. Cá bảy màu cái sẽ sinh ra từ 2 đến 200 cá con, thông thường trong khoảng 5-30 con. Cá con vừa sinh đã có đầy đủ khả năng bơi, ăn, và tránh nguy hiểm. Chỉ vài giờ sau khi sinh đẻ xong, cá cái lại sẵn sàng cho việc thụ thai. Cá bảy màu có khả năng lưu trữ tinh trùng, nên sau chỉ một lần cặp đôi với cá đực, cá cái có thể sinh nhiều lần. Nếu không nuôi riêng hoặc không có lưới ngăn, cá trưởng thành sẽ ăn cá con.

Cá con cần khoảng một hoặc hai tháng để trưởng thành. Trong bể cá, thức ăn cho cá bảy màu con thường là thức ăn nghiền và ép thành dạng vảy (flake), ấu trùng artemia, hoặc thức ăn của cá trưởng thành. Ngoài ra, cá con còn ăn tảo bám trong bể.

Người ta đã lai thành công cá bảy màu với một số loài khác thuộc chi Poecilia (poecilia latipinna/velifera), ví dụ cá bảy màu đực và Poecilia cái. Tuy nhiên, con lai luôn là cá đực và có vẻ vô sinh.

Trong bể cảnh :

Cá bảy màu ưa thích bể cảnh nước cứng và có thể trụ vững trong môi trường với độ mặn cao gấp 1,5 lần độ mặn thông thường của nước biển. Cá bảy màu nói chung là ưa chuộng hòa bình, mặc dù hành vi rỉa vây đôi khi thể hiện ở những con đực hoặc nhằm vào những loài cá bơi nhanh khác như các loài cá kiếm (Xiphophorus spp.) và đôi khi nhằm vào những loài cá khác với các vây dễ thấy như cá thần tiên (Pterophyllum spp.). Đặc trưng đáng chú ý nhất của cá bảy màu là xu hướng sinh sản, và chúng có thể cho sinh đẻ trong cả bể cảnh nước ngọt lẫn bể cảnh nước mặn.

Cá bảy màu do những người nuôi cá cảnh tạo ra có sự biến đổi lớn về bề ngoài, như màu sắc hay hình dáng đuôi (đuôi quạt hay đuôi kiếm nhọn đầu). Sự sinh sản chọn lọc đã tạo ra nhóm các nhà thu thập “cá bảy màu lạ lùng”, trong khi cá bảy màu “hoang dã” vẫn duy trì được độ phổ biến của chúng như là một trong những loại cá cảnh dễ nuôi.

Những người nuôi cá cảnh có kinh nghiệm gây giống cá bảy màu cho chính mình đều biết rằng cá trưởng thành sẽ có thể ăn thịt các con non và vì thế nên tạo ra khu vực an toàn cho cá bột. Các bể cho sinh đẻ được thiết kế đặc biệt, có thể treo lơ lửng bên trong bể cảnh. Chúng phục vụ cho hai mục đích, thứ nhất là che chở cho cá cái đang mang thai không bị các con đực để ý tới và tấn công, và thứ hai là cung cấp một khu vực riêng biệt cho cá con mới sinh không để chúng bị mẹ ăn thịt. Cần lưu ý không thả cá mẹ vào nơi đẻ quá sớm vì nó có thể bị sẩy thai.

Nguồn: Kythuatnuoicabaymau.blogspot.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Thủy sản thời 4.0

Nhờ bắt kịp xu thế và áp dụng những công nghệ thông minh trong thời đại nông nghiệp 4.0 mà ngành nuôi trồng thủy sản đã và đang gặt hái được nhiều thành tựu to lớn. Dưới đây là một số ứng dụng thông minh đang mang lại những hiệu quả thiết thực, mở ra nhiều triển vọng cho ngành thủy sản.

Công nghệ điện hóa – siêu âm

Tác giả của công nghệ này là TS Lê Quang Tiến Dũng và cộng sự thuộc bộ môn Vật lý chất rắn – Khoa Vật lý, Trường ĐH Khoa học Huế. Với ưu điểm không phải sử dụng bất cứ hóa chất nào khác trong quá trình nuôi, đây là giải pháp được trao giải Ba Giải thưởng Khoa học công nghệ Việt Nam năm 2016. Công nghệ đã được ứng dụng thành công ở các tỉnh ĐBSCL như Đồng Tháp, Kiên Giang, Cà Mau… giúp giải được bài toán lớn về xử lý các chất dư thừa đọng lại dưới đáy ao nuôi. Thiết bị xử lý nước trong hồ tôm dựa trên nguyên lý chuyển hóa mật độ bọt khí của dung dịch điện hóa thành vi bọt khí. Dung dịch vi bọt khí được điều chế bằng phương pháp điện hóa – siêu âm đã tăng hiệu suất diệt khuẩn mà không cần đến bất kỳ một loại hóa chất diệt khuẩn, kháng sinh nào và cũng không cần thay nước trong suốt vụ nuôi. Bằng cách cho nổ tung bọt khí sau điện hóa sử dụng siêu âm công suất, dung dịch vi bọt khí đã đem lại chìa khóa thành công cho nuôi tôm thâm canh vì đã cùng lúc xử lý đạm hóa tan trong suốt vụ nuôi, xử lý khuẩn, xử lý tảo và làm giàu ôxy cho nước ao nuôi. Cụ thể, khi sử dụng dung dịch vi bọt khí được điều chế từ siêu âm – điện hóa kết hợp khảo sát theo nồng độ muối NaCl với điện áp cố định 4V, hiệu suất xử lý khuẩn Vibrio spp. đạt 77,7% nồng độ NaCl 5 g/l. Với nồng độ NaCl 20 g/l, hiệu suất xử lý khuẩn Vibrio spp. đạt 100% với tỷ lệ dung dịch vi bọt khí: khuẩn (1:1). Dung dịch vi bọt khí có khả năng phân hủy xanh methylene và xử lý khuẩn Vibrio spp. tốt hơn so với khi sử dụng dung dịch anolyte được điều chế từ bộ điện hóa.

Công nghệ giúp giảm chi phí rất lớn về xử lý nước trong quá trình nuôi, chỉ tiêu tốn khoảng 700 đồng/m3 so với 2.000 đồng/m3 khi sử dụng các hóa chất để xử lý. Nâng tỷ lệ thành công các vụ nuôi trồng thủy sản rất lớn cho các hộ nuôi so với trước đây. Đến nay, công nghệ đã được Trường ĐH Khoa học Huế kết hợp với Công ty Huetronics tiến hành triển khai chế tạo và thương mại hóa thiết bị xử lý nước sử dụng điện hóa – siêu âm với công suất lớn, cấp nước vào ao hoặc tuần hoàn trong suốt vụ nuôi mà không dùng bất kỳ sản phẩm diệt khuẩn truyền thống nào.

Thiết bị XpertCount2

Thiết bị được sản xuất bởi XpertSea Solutions, một nhà sản xuất hàng đầu các sản phẩm công nghệ tin học phần cứng và phần mềm của ngành thủy sản có trụ sở tại Canada. Hiện, thiết bị đang được phân phối tại Việt Nam bởi Công ty Vinhthinh Biostadt. Đây là một thiết bị di động thông minh dùng để kiểm tra và đánh giá nhanh chất lượng các loài thủy sinh về: số lượng, kích cỡ (chiều dài) và độ phân đàn (CV). Sử dụng công nghệ quang học tiên tiến an toàn cho tất cả sinh vật, XperCount2 giúp người sử dụng đếm hàng nghìn sinh vật, từ các tế bào vi tảo, ấu trùng đến các hậu ấu trùng chỉ trong vài phút. Mọi dữ liệu từ thiết bị XperCount2 đều được tổng hợp vào một báo cáo kiểm soát chất lượng dựa trên công nghệ đám mây dễ sử dụng, có thể được tải về và chia sẻ giữa ban quản lý cơ sở tôm giống và khách hàng. XperCount2 hoạt động như một chiếc máy tính được hỗ trợ thêm bởi 2 camera và bộ cảm biến nên có độ chính xác vượt trội lên đến 95% đối với tất cả ứng dụng cập nhật mỗi 2 tuần. Có khoảng cách kích thước hoàn thiện từ 1 micromet đối với vi tảo cho đến lớn hơn như ấu trùng tôm hay tôm post. Máy vận hành bằng pin, sử dụng liên tục 6 – 8 giờ, gọn nhẹ (khoảng 4 kg), dễ thao tác, sử dụng màn hình cảm ứng và hệ thống wifi nên vừa có tính cơ động cao, nhưng cũng dễ dàng sử dụng trong mọi lúc, mọi nơi. Máy có khả năng báo cáo và phân tích chuyên sâu cho 100% hoạt động truy xuất và mở rộng sản xuất. Kết quả các mẫu kiểm tra sẽ được tự động gửi về cho khách hàng và khách hàng có thể truy cập từ bất kỳ trình duyệt nào để xem dữ liệu.

Hệ thống RAS

Mặc dù đã được nhắc đến nhiều, nhưng không thể phủ nhận rằng hệ thống lọc tuần hoàn (RAS) cho đến nay vẫn được xem là hệ thống nuôi trồng thủy sản thông minh và mang lại hiệu quả đối với người nuôi nhất tại nhiều nước trên thế giới. Với ưu điểm là tiết kiệm nước, tỷ lệ sống cao, năng suất cao gấp nhiều lần nuôi bình thường (trên 100 kg/m3), chất lượng cá nuôi được đảm bảo và không gây ô nhiễm môi trường. RAS bao gồm một dây chuyền các quá trình bổ sung, cho phép lượng nước thải được tái sử dụng cho các bể nuôi. Trong suốt quá trình nuôi, nước sẽ tuần hoàn trong một hệ thống kín và hoàn toàn không thay nước, chỉ một lượng nhỏ nước mới được cấp thêm vào hệ thống để bù đắp cho lượng nước hao hụt do bốc hơi. Sau khi hệ thống được vận hành, kiểm tra thông số môi trường (DO, pH, NH3, NO2…) và nhiệt độ, sau đó có thể thả cá vào bể nuôi. Thông thường cá được thả vào bể phải có mật độ cao (100 – 200 con/m3), hàng tuần định kỳ kiểm tra thông số môi trường để điều chỉnh thích hợp. Hệ thống lọc phải được vận hành liên tục suốt vụ nuôi (3 – 5 tháng), hệ thống sục khí phải được duy trì hằng ngày. Sau khi vận hành hệ thống lọc tuần hoàn 3 ngày trở lên thì thả cá giống vào bể và cho ăn bằng thức ăn công nghiệp, lượng thức ăn được điều chỉnh theo sức ăn của cá.

Hiện, RAS được cải tiến, áp dụng chủ yếu trong các trại sản xuất tôm giống ở các tỉnh ĐSBCL.

Nguồn: Thủy sản Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Vài nét về cá Bã Trầu

Cá thanh ngọc hay còn gọi là cá bãi trầu được dân chơi cá chọi thích thú bởi vẻ đẹp hoang dã cùng với màu sắc tự nhiên và bắt mắt.

1. Giới thiệu thông tin chung về cá thanh ngọc, cá bãi trầu

– Tên khoa học:Trichopsis vittata (Cuvier, 1831)

– Chi tiết phân loại:

Bộ: Perciformes (bộ cá vược)

Họ: Osphronemidae (họ cá tai tượng)

Tên đồng danh: Osphronemus (?menus) vittatus Cuvier, 1831; Ctenops vittatus (Cuvier, 1831)

Tên tiếng Việt khác: Bã trầu; Bảy trầu

Tên tiếng Anh khác: Talking gourami

Nguồn gốc: Nguồn cá chủ yếu từ khai thác trong tự nhiên phục vụ xuất khẩu.

– Tên Tiếng Anh:Croaking gourami

– Tên Tiếng Việt: Cá Bãi trầu, cá lia thia đồng

– Nguồn cá: cá thanh ngọc có nguồn gốc trong tự nhiên bản địa, ở các ruộng đồng

2. Đặc điểm sinh học cá thanh ngọc, cá bãi trầu

– Phân bố:Một số nước Đông Nam Á …

– Chiều dài cá (cm):7

– Nhiệt độ nước (C):24 – 30

– Độ cứng nước (dH):5 – 20

– Độ pH:6,0 – 8,0

– Tính ăn:Ăn động vật, trùng chỉ, lăn quăng

– Hình thức sinh sản:Đẻ trứng

– Chi tiết đặc điểm sinh học:

Phân bố: Thái Lan, Indonesia, Lào, Campuchia và Việt Nam (miền nam)

Tầng nước ở: Giữa – mặt

Sinh sản: Cá đẻ trứng tổ bọt, cá đực chăm sóc trứng và cá con, cần tách cá cái ra riêng sau khi đẻ. Trứng nở sau 24 – 48 giờ, cá bột tiêu hết noãn hoàng 2 ngày sau khi nở và bắt đầu ăn luân trùng, moina …

3. Kỹ thuật nuôi và chăm sóc cá thanh ngọc, cá bãi trầu

– Thể tích bể nuôi (L):70 (L)

– Hình thức nuôi:Ghép

– Nuôi trong hồ rong:Có

– Yêu cầu ánh sáng:Vừa

– Yêu cầu lọc nước:Ít

– Yêu cầu sục khí:Trung bình

– Loại thức ăn:côn trùng, giáp xác, trùng chỉ, cung quăng, …

– Chi tiết kỹ thuật nuôi:

Chiều dài bể: 40 cm

Thiết kế bể: Cá thích hợp trong bể nước tĩnh trồng nhiều cây thủy sinh và thực vật nổi. Cá hiền, thích hợp bể nuôi chung. Tuy nhiên cá đực có thể gây hấn và đánh nhau trong môi trường chật hẹp hoặc khi đến giai đoạn phát dục.

Chăm sóc: Cá khỏe, dễ nuôi, chịu được môi trường chật và nghèo ôxy nhờ có cơ quan hô hấp phụ

Thức ăn: Cá ăn phiêu sinh động vật, côn trùng, giáp xác, trùng chỉ, cung quăng, …

Cá Bã Trầu – từ hũng hĩnh trở thành đặc sản

Hũng hĩnh (hủn hỉn) là tên gọi chung chỉ các loài cá tạp, vụn vặt, rẻ tiền, như: bã trầu, lia thia, lòng tong, cá thiểu… Nhưng trong số đó, cá bã trầu là “nhân vật chính” vì nó có màu sắc đẹp, thịt lại thơm ngon…

Cá bã trầu

Cá bã trầu chiên muối ớt

Khác với cá bã trầu miền Trung là loài cá biển, con to đến 200 gr và có giá trị kinh tế cao, cá bã trầu miền Tây chỉ dài khoảng 4 – 6 cm, có màu sắc sặc sỡ nhất là cá trống, có thể chơi cá cảnh. Cá bã trầu thích sống trong môi trường hoang dã nước ngọt, nơi đầm lầy, kinh mương, đồng ruộng ngập nước có cỏ và thảm thực vật thủy sinh dày. Thức ăn của chúng là phiêu sinh vật và ấu trùng. Cá bã trầu thường sinh sản vào đầu mùa mưa và mùa mước nổi. Ngày xưa, chỉ có những gia đình nghèo mới bắt cá bã trầu ăn gọi là ăn cá “hũng hĩnh”. Tuy nhiên, nhiều gia đình ở miệt đồng còn dùng cá bã trầu làm mắm, môt món ngon “danh bất hư truyền” nhưng đáng tiếc đến nay đã thành “dĩ vãng”.

Ngày nay, tuy món ăn rất phong phú nhưng nhiều người vẫn muốn trở về cội nguồn, muốn tìm lại hương vị xưa, nên các loại cá hũng hĩnh, đặc biệt là bã trầu trở thành đặc sản quý hiếm, giá cao gấp nhiều lần so với các loại cá khác. Sở dĩ người ta thích ăn hũng hĩnh vì đây là một loài cá sống tự nhiên nên sạch. Vả lại hũng hĩnh thịt ngọt, thơm ngon, xương mềm, có thể ăn nguyên con. Muốn khai thác loài cá bé nhỏ này người ta thường dùng lưới dày để kéo, xúc bằng rổ lớn hoặc giậm bắt từng con một. Cá bã trầu hiện nay rất ít, một người bắt giỏi mỗi ngày cũng chỉ kiếm khoảng 1- 2 kg, bán với giá 150.000 đồng/kg nhưng phải đóng gói, ướp lạnh trước khi mang đến các cửa hàng đặc sản.

Cá bã trầu có thể chiên giòn, chiên me, chiên muối ớt, kho tiêu, kho nước cốt dừa… món nào cũng có đẳng cấp, nhưng hấp dẫn nhất là chiên muối ớt vừa cay cay, mằn mặn vừa giòn giòn. Cá bã trầu chiên ngon nhất khi ăn kèm với rau sống, dưa leo, cà chua, khế… chấm nước mắm chua cay. Món ăn làm từ cá bã trầu dân dã, mộc mạc nhưng còn ngon hơn cả sơn hào hải vị. Cho nên nhiều thực khách khi vô quán nhất định phải gọi cho bằng được món cá bã trầu.

Nguồn: Báo Thanh niên được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Vài nét về cá Ali mũ đỏ

Cá Ali Mũ Đỏ – Lethrinops Red Cap làm chúng ta liên tưởng tới “cô bé quàng khăn đỏ”. Một tấm thân nuột nà nhỏ nhắn với cái trán đỏ tươi chính là những gì mà mọi người thường nghĩ về chúng.

Tên thông dụng: Lethrinops Red Cap

Tên khoa học: Lethrinops sp. ‘Red Cap’ Mdoka

Kích thước trung bình: 15 cm

Thiết lập bể cá: Phong cách đá đặc trưng của hồ Malawi với nhiều không gian bơi lội

Kích thước bể cá tối thiểu: 300 lít

Khả năng tương thích: Thích hợp thả cùng với các loại cá ali hồ Malawi như Hap hoặc Aulonocara (peacock)

Điều kiện nước: Nhiệt độ 25 – 28 độ C, PH 7,6 – 8,6

Nuôi dưỡng: Những con cá ali Mũ Đỏ ăn khá tạp, tuy nhiên trong môi trường bể nuôi, bạn nên lựa chọn thức ăn chuyên dụng cho các dòng cá ali châu Phi.

Phân biệt giới tính: Cá ali Mũ Đỏ đực lớn hơn và nhiều màu sắc hơn khi trưởng thành. Cá nhỏ rất khó để phân biệt đực cái.

Nuôi dưỡng: Cá ali Mũ Đỏ – Lethrinops Red Cap là loài sinh sản ngậm trứng giống hầu hết các loại cá ali Châu Phi khác. Con đực sẽ tán tỉnh và bắt cặp với một con cái, sau khi nó đẻ trứng, cá đực sẽ thụ tinh. Quá trình cứ thế tiếp diễn khi tất cả trứng được thụ tinh. Con cái sẽ giữ trong miệng từ 3-4 tuần, trong thời gian này chúng sẽ không ăn uống.

Thông tin bổ sung: Đây là một trong những loài cá ali hồ Malawi ít xuất hiện trong các bể cá người chơi. Ngay cả những đơn vị kinh doanh cũng không thường xuyên nhập về dòng cá này. Đây là mộ dòng cá khá ngoan hiền, bạn nên tránh thả với các dòng cá côn đồ hung hãn như Mbuna. Những con cá hiền lành và ít hung hăng như Peacock và Hap rất được hoan nghênh thả cùng.

Nguồn: Tropicalfish được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.