Vùng núi Dran có Tết ấm no nhờ quýt đường đặc sản

Quýt trĩu quả, đầu ra ổn định, giá cao nên nhiều gia đình vùng núi Dran có nguồn thu nhập cao trong dịp Tết.

Những ngày này, người dân trồng quýt ở thị trấn Dran (huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) đang bước vào đợt chăm sóc nước rút để đảm bảo nguồn trái cây phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2020. Ở các nương trên đồi, quýt bắt đầu chuyển đỏ và người dân cũng tổ chức phát quang cây bụi ven đường, phát cỏ ở vườn để sẵn sàng cho mùa thu hoạch sắp tới.

Trên thửa vườn rộng 2,5ha, những cây quýt trĩu quả của gia đình anh Nguyễn Hoàng Vũ (thôn Phú Thuận, thị trấn Dran) bắt đầu cho thu trái bói. Nông dân chia sẻ, thời điểm này, mỗi ngày anh và vợ tìm hái những trái chín rồi bán cho vựa thu mua trong vùng với giá từ 24.000-25.000 đồng/kg.

Người dân vùng núi Dran đang tập trung chăm sóc cây để chuẩn bị thu hoạch vụ Tết Nguyên đán.

Anh Vũ thổ lộ “Tỉa quả chín thôi nhưng một ngày cũng có gần 200kg cung ứng cho người ta”. Cũng theo anh Vũ, năm nay thời tiết thuận lợi nên quýt phát triển tốt, cho năng suất cao. Ước lượng, mỗi cây cho thu hoạch từ 40-50kg trái và người trồng có cơ hội thu về trên 1 triệu đồng mỗi cây.

Cạnh vườn anh Vũ là diện tích 6 sào quýt của gia đình anh Nguyễn Hữu Thuận. Ở khu vườn này, những cây quýt cao quá đầu người được “nhuộm” đỏ bởi màu quả chín. Nông dân 32 tuổi cho biết, những năm gần đây, cây quýt là một trong những nguồn thu nhập chính vào dịp Tết của gia đình. “Quýt được mùa, được giá nên Tết gia đình cũng có một khoản để chi tiêu. Năm ngoái gia đình thu hoạch trên 4 tấn trái, thu về hơn 100 triệu đồng”, anh Nguyễn Hữu Thuận vui cười thổ lộ.

Quýt vụ Tết được mùa, được giá nên người dân vùng Dran vui mừng, phấn khởi.

Gần đây, mùa quýt cuối năm là niềm hy vọng về cái Tết ấm no của nhiều gia đình ở Dran. Theo anh Nguyễn Hữu Thuận, ngày trước, người dân địa phương trồng cà phê và mọi nguồn thu chỉ dựa vào cây trồng này. Đến khi giá cà xuống thấp, kinh tế nhiều nông hộ đã rơi vào cảnh khó khăn, điêu đứng và những cái Tết ảm đạm cũng bắt đầu từ đó.

“Bây giờ hộ nào trồng cà phê cũng ráng trồng thêm mấy chục cây quýt để tăng thu nhập. Nhờ vậy mà Tết đỡ chật vật”, nông dân 32 tuổi chia sẻ.

Tại thị trấn Dran đã hình thành nhiều vựa thu mua nông sản của người dân. Các loại trái cây như quýt đường, hồng vuông, bơ… được thương lái thu mua đều đặn nên nông dân có được đầu ra khá thuận lợi. Sau khi thu mua nông sản tè vườn, các vựa sẽ sơ chế, đóng gói và cung ứng cho đơn vị thứ 3 là các doanh nghiệp, các tư thương ở khắp nơi trên toàn quốc.

Ở Dran, cây quýt đường là giống mới phổ biến và cho năng suất cao. Ngày nay, cùng với cây hồng vuông, quýt là cây đặc sản thứ 2 của địa phương. Một nông dân thổ lộ, người Dran từng gắn với nghề trồng cà phê và ở vào khoảng năm 2005 thì một số hộ đưa quýt đường về trồng xen. Thời điểm này, người dân chọn quýt như một phương án thử nghiệm trong việc cải thiện nguồn thu nhập.

Ở Dran, những vườn quýt hơn chục năm đang cho năng suất cao. Bình quân mỗi cây cho thu hoạch từ 40-50kg/trái.

Cây quýt đường sau đó phát triển mạnh, cho trái nhiều và ngọt nên nhiều nông hộ quyết định mở rộng quy mô. “Vùng Dran có khí hậu mát mẻ nên cây phát triển tốt. Dù là khu vực triền đồi nhưng việc cung cấp nước tưới cho cây khá dễ nhờ có các hệ thống suối, mạch nước ở trên cao. Chúng tôi chỉ cần bỏ một khoản tiền mua ống nhựa về kéo nước và có thể sử dụng trong suốt nhiều năm”, ông Nguyễn Văn Thịnh cho hay.

Theo nông dân, cây quýt ở Dran phát triển mạnh và ít gặp phải sâu bệnh. Do vậy, quy trình chăm sóc cây cũng không đòi hỏi nhiều công sức hay đầu tư nhiều loại thuốc, phân bón. Vào mùa mưa, người dân bón phân để cây hấp thụ còn khoảng thời gian sau đó thì giảm dần và ngắt hẳn. Đặc thù của quýt là bị sâu đục thân nên nông dân luôn chủ động các biện pháp phòng trừ, giảm được thiệt hại.

Ông Đặng Trung, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn D’Ran cho biết, cây quýt đường ở vùng Dran được người dân trồng nhiều trong các vườn cà phê, hồng vuông và cho năng suất cao. Đây là vùng đất có khí hậu mát mẻ, thích hợp với nhiều loại cây trồng.

Theo ông Trung, ngoài quýt đường, một số cây như dứa, bơ, xoài được trồng xen cũng cho người dân cải thiện nguồn thu nhập. Hiện nay, toàn thị trấn Dran có khoảng 1.000ha diện tích trồng xen các loại.

 

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Tìm hiểu về cây sâm nhung thủy canh

Sâm Nhung là một dạng Bonsai, nó được ví như một bức tranh độc đáo. Nổi bật cùng phiến lá nhỏ xanh mướt, cây được nhiều người ưa chuộng bởi mỗi cây mang một thế riêng khác biệt. Giá trị của Bonsai không những thể hiện ở dáng/ thế cây, mà nó còn mang lại cảm giác sảng khoái trong tâm hồn người thưởng thức.

1. Đặc điểm của cây Sâm nhung

– Cây sâm nhung: Ưa quang hợp, kỵ nước, chơi cây theo thế. Cây bonsai thuần sang môi trường nước được bố trí vào không gian sống. Đặt cây nơi cửa sổ có ánh sáng chiếu vào hoặc nơi có ánh sáng quang hợp mạnh.

2. Ý nghĩa phong thủy của cây sâm nhung

Sâm Nhung tượng trưng cho sức khỏe căng đầy, tuổi thọ dài lâu và bền vững, ổn định trên con đường danh lợi của gia chủ.

– Trong sự nghiệp: Cây mang lại may mắn, tiền tài. Giúp xua đuổi kẻ xấu hãm hại, thành công trở nên dễ dàng hơn , giữ tiền bạc của cải cho gia đình . Hơn nữa cây giúp tịnh tâm khiến tâm hồn thoải mái , thư giãn làm việc gì cũng đạt hiểu quả cao hơn.

– Trong tình cảm: Sâm Nhung như món quà trao gửi yêu thương – căng đầy sức khỏe, giúp gia tăng tuổi thọ và suôn sẻ mọi điều !

Cây Sâm Nhung hợp mạng Mộc: sẽ giúp mang lại năng lượng dồi dào và rất yên bình. Hơn nữa, cây phát lộc có nhiều đốt rỗng nên tinh thần của gia chủ cũng dễ lưu thông, tâm hồn được tự do, thăng hoa.

Cây Sâm Nhung hợp tuổi Mão: đặt đúng vị trí sẽ mang lại sức khỏe và sự may mắn, có tác dụng chiêu tài.

3. Cách chăm sóc cây Sâm nhung

Trong quá trình phát triển, cây thường thay lá, lá cây sẽ bị úa vàng, nếu bạn không ngắt bỏ thì lá sẽ rơi vào nước, làm đục nước. Do đó bạn nên thay nước cho cây từ 1-2 lần/ tuần với mực nước yêu cầu: 2/3 so với rễ cây. Việc phun sương lên lá sẽ làm lá xanh và phát triển tốt.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Trái xù xì nức tiếng Đồng Nai

Những vườn chôm chôm Long Khánh thời điểm vào mùa thu hoạch.

Gắn với trái “trái xù xì” nổi tiếng đất Đồng Nai là những câu chuyện dài về nỗ lực xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm bằng uy tín, chất lượng.

Những vườn trái bắt đầu đỏ rực đỏ với không khí vui tươi của nhà vườn mùa thu hoạch…

Vào “bảng vàng” đặc sản quốc gia

Với hơn 11.000ha, Đồng Nai là địa phương có diện tích chôm chôm lớn nhất cả nước. Hầu hết các vườn chôm chôm đều đang ở giai đoạn cây cho thu hoạch, luôn trúng mùa cho năng suất và sản lượng cao. Vào mùa thu hoạch trái, các tuyến đường ở TP Long Khánh, huyện Thống Nhất, Xuân Lộc… đâu đâu cũng thấy hình ảnh “trái xù xì”, râu mọc tua tủa đậu sai trĩu cành, rực đỏ.

Tháng 6/2016, niềm vui lớn đến với nông dân nơi đây khi Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm chôm chôm Long Khánh. Hai sản phẩm chôm chôm nhãn và chôm chôm tróc (Java) được trồng tại các xã Bình Lộc, Xuân Tân, Bảo Vinh, Bảo Quang (Long Khánh); Xuân Ðịnh, Bảo Hòa (huyện Xuân Lộc); Xuân Thiện, Quang Trung, Gia Kiệm và Gia Tân 3 (huyện Thống Nhất); xã Sông Nhạn, Xuân Quế, Bảo Bình và Xuân Bảo (huyện Cẩm Mỹ).

Đây là những địa phương có điều kiện tự nhiên đặc thù về địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng khá thuận lợi giúp nâng cao chất lượng của chôm chôm Long Khánh với tổng diện tích gần 7.000ha. Việc cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm chôm chôm Long Khánh đã đưa sản phẩm này vào “bảng vàng” đặc sản quốc gia, không chỉ góp phần khẳng định thương hiệu mà còn mở ra nhiều cơ hội về thị trường.

Trưởng ban Dân vận Thành ủy Long Khánh, Phạm Văn Hoàng phấn khởi: “Việc trái chôm chôm Long Khánh được cấp chỉ dẫn địa lý tạo điều kiện để người tiêu dùng biết rõ hơn thông tin về nguồn gốc, chất lượng và góp phần đổi mới cách nhìn của người tiêu dùng về sản phẩm”.

 

 

Những nhà vườn trồng chôm chôm Long Khánh chia sẻ kinh nghiệm với nhau.

Tuy nhiên theo ông Hoàng, đây mới chỉ là bước khởi đầu xây dựng thương hiệu mạnh cho trái chôm chôm Long Khánh, vấn đề quan trọng làm sao để nâng tầm trái chôm chôm Long Khánh giữ được chất lượng trái ngon, an toàn, để mang lại giá trị bền vững cho thương hiệu chôm chôm này.

Ông Phùng Thanh Tâm, Giám đốc HTX Nông nghiệp xã Bình Lộc chia sẻ: “Bản thân tôi cũng như nhiều bà con trồng chôm chôm rất vui khi sản phẩm chôm chôm tróc và chôm chôm nhãn đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý với thương hiệu chôm chôm Long Khánh. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có những vùng chuyên canh, trồng đại trà theo cánh đồng lớn. Do vậy chúng tôi sẽ cố gắng động viên khuyến khích xã viên quan tâm đầu tư thêm cho hai loại chôm chôm này”.

Theo ông Tâm, thời gian qua UBND thị xã Long Khánh đã hỗ trợ nông dân xây dựng mô hình điểm sản xuất chôm chôm VietGAP tại xã Bình Lộc nhưng thực tế mô hình này vẫn chưa phát triển mạnh. Do vậy, Nhà nước cần có chính sách bảo hộ cho trái chôm chôm Long Khánh, vì nếu không sẽ dẫn đến tình trạng nông dân sẽ chặt bỏ chôm chôm tróc và nhãn vì giá cả thị trường thấp, bấp bênh và không cho hiệu quả kinh tế bằng giống chôm chôm Thái.

Câu chuyện dài về ý thức sản xuất

Gắn với mỗi sản phẩm nông sản Đồng Nai đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý là những câu chuyện dài về nỗ lực xây dựng thương hiệu cho sản phẩm bằng uy tín, chất lượng.

Sản phẩm chôm chôm Long Khánh nay đã được cấp chỉ dẫn địa lý.

Năm 1991, ông Nguyễn Vĩnh Thủy là người đầu tiên trồng chôm chôm nhãn tại xã Xuân Định (huyện Xuân Lộc). Ông Thủy kể: “Những năm 1980, tôi từng đi buôn chôm chôm, thời điểm đó vùng Long Khánh rất ít người trồng được chôm chôm nhãn nên giá bán luôn cao hơn gấp 4 – 5 lần chôm chôm thường. Do vậy, tôi quyết định đầu tư mở rộng diện tích lên gần chục ha chôm chôm nhãn và để vườn phát triển tự nhiên không ép cây ra trái vụ vì cây, trái đúng mùa sẽ cho mẫu mã đẹp và chất lượng ngon nhất”.

Theo HTX Nông nghiệp, dịch vụ – thương mại Bình Lộc, trên địa bàn xã Bình Lộc, HTX có 46 hộ dân tham gia đăng ký dự án cánh đồng lớn chôm chôm theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 69 ha. Nhiều hộ đã phối hợp liên kết với các chủ vườn trong Tổ hợp tác dịch vụ vườn Bình Lộc phục vụ khách du lịch tham quan, mang lại lợi nhuận cao.

Theo ông Phùng Gia Từ, ấp 4, xã Bình Lộc, TP Long Khánh, từ khi có chỉ dẫn địa lý, nhà vườn đã tích cực đầu tư vào sản xuất theo quy trình và mở rộng các dịch vụ sinh thái phục vụ khách du lịch; đồng thời kỳ vọng đây sẽ là cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu để loại trái cây đặc sản này sẽ có giá tốt, đầu ra ổn định hơn.

Ông Phùng Thanh Tâm, Giám đốc HTX Nông nghiệp – Dịch vụ – Thương mại Bình Lộc xác nhận, từ cuối vụ thu hoạch chôm chôm 2016 đến nay, người dân đã không còn chặt bỏ chôm chôm bản địa.

HTX đã phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng cánh đồng lớn chôm chôm nhãn, chôm chôm tróc. Đồng thời, vận động xã viên tích cực tham gia sản xuất theo quy trình và liên kết với các đối tác nhằm mở rộng thị trường.

Thực tế, vẫn còn nhiều thách thức để loại trái cây đặc sản này khẳng định được vị thế của mình. Chôm chôm Long Khánh có kích cỡ trái lớn, mẫu mã đẹp, mùi vị thơm ngon đậm đà nên từng được bình chọn vào tốp 50 loại trái cây nổi tiếng nhất của Việt Nam.

Tuy là đặc sản nổi tiếng từ lâu nhưng số phận của trái chôm chôm địa phương vẫn khá long đong với đầu ra còn bấp bênh. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến trái chôm chôm Đồng Nai chưa thể đi xa.

 

Sản phẩm chôm chôm Long Khánh được đưa vào bảng vàng quốc gia.

Ông Trần Mộng Thành, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Long Khánh cho biết, hiện vùng chuyên canh chôm chôm đã hình thành và đang dần chuẩn hóa về chất lượng giống, ứng dụng KH-KT vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. TP Long Khánh đã hỗ trợ nông dân xây dựng một số mô hình điểm sản xuất chôm chôm VietGAP tại xã Bình Lộc và quy trình sản xuất sạch này đang được nông dân ứng dụng rộng rãi.

Thời gian gần đây, Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai cũng đã tổ chức các cuộc họp bàn lấy ý kiến đóng góp từ các địa phương; đồng thời cho triển khai lấy mẫu đất, nước tại các vùng trồng chôm chôm trên địa bàn để phân tích và sớm có kết quả và đưa ra giải pháp hỗ trợ các địa phương khôi phục và phát triển cây chôm chôm bản địa mới được cấp chỉ dẫn địa lý.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Vào mùa thu hoạch dong riềng

Về xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc (Hòa Bình) thời điểm này, nông dân đang rộn ràng bước vào mùa thu hoạch củ dong riềng (còn gọi là củ đót) nguyên liệu chính sản xuất miến dong.

Dong riềng năm nay được mùa được giá.

Bà con tất bật chặt cây, đào củ, đóng bao chờ xe đến thu mua. Năm nay, diện tích trồng dong riềng của xã đạt hơn 200 ha. Mùa thu hoạch củ dong riềng ở Cao Sơn bắt đầu từ tháng 11 và kết thúc trước tết Nguyên đán.

Những năm gần đây, xã Cao Sơn đẩy mạnh chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây dong riềng. Các xóm trồng nhiều dong riềng nhất là: Sèo, Sơn Phú, Nà Chiếu, Tằm. Đây là loài cây hợp vùng đất dốc và giải quyết tốt vấn đề lương thực.

Hiện, xã chủ yếu trồng giống dong riềng DR1. Đây là giống mới có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, cây cao trung bình, ít đổ, củ nạc, đồng đều, ruột trắng, phù hợp với điều kiện sinh thái nơi đây. Củ dong riềng có tỷ lệ tinh bột cao (13,5-16,4%), sử dụng để chế biến tinh bột, ăn tươi hoặc làm thức ăn gia súc. Chất lượng củ DR1 rất thích hợp cho yêu cầu chế biến tinh bột ẩm làm miến dong. Thời điểm thu hoạch vào áp tết, người trồng dong riềng phấn khởi bởi loại cây có củ này năm nay vừa được mùa, được giá.

Để cây dong riềng sinh trưởng và phát triển tốt, xã phối hợp với các ngành chức năng của huyện hỗ trợ giống, phân bón, tập huấn, chuyển giao KHKT phòng, chống sâu bệnh và chăm sóc cây trồng cho bà con. Cây phù hợp với đất núi nên phát triển tốt, cho năng suất cao, không mất nhiều công chăm sóc, sau 12 tháng cho thu hoạch, 1 ha thu được 70- 80 tấn củ tươi, với giá bán hiện nay 1.500- 1.700 đồng/kg cho thu lãi khoảng 70 triệu đồng/ha sau khi trừ chi phí.

Ngày mùa, tư thương đến tận xã thu mua về để sản xuất miến dong. Một số bà con trong xã tận dụng bã dong riềng sau khi lấy tinh bột để làm thức ăn cho trâu, bò. Hiện nay, dong riềng là một trong hai cây hàng hóa chủ lực, đóng góp quan trọng trong công tác giảm nghèo, phát triển KT-XH ở địa phương.

Ông Nguyễn Văn Chuyền, xóm Sèo cho biết: Trồng cây dong riềng không tốn nhiều công chăm sóc, giống thì có sẵn từ mùa trước để lại, chỉ tốn công thuê người lúc thu hoạch. Hiện, củ dong riềng đang được thu mua với giá tăng gấp đôi so với năm ngoái, cộng với năm nay được mùa nên nông dân rất phấn khởi. Với diện tích khoảng 4.000m2 trồng dong riềng, gia đình dự kiến năm nay thu được 40- 50 tấn củ.

Bên cạnh những thuận lợi, việc trồng cây dong riềng ở xã Cao Sơn cũng còn gặp những khó khăn như giá bán hàng năm chưa ổn định; bà con chủ yếu bán củ dong riềng tươi cho thương lái mang đi các tỉnh miền xuôi tiêu thụ, chưa tự chế biến được ra sản phẩm tinh bột; tại địa phương có 1 cơ sở sản xuất miến dong Khương Thưởng nhưng quy mô còn nhỏ nên bao tiêu sản phẩm cho người dân còn ít (mỗi năm tiêu thụ khoảng 2.000 tấn củ, trong khi số lượng dong riềng của người dân làm ra khoảng 4.000- 5.000 tấn).

Vì vậy chính quyền và người dân địa phương mong muốn các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ hơn nữa; tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư các nhà máy, xưởng bảo quản, chế biến dong riềng để tiêu thu ổn định sản phẩm đầu ra cho người dân.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Những điểm nhấn ngành nông nghiệp 10 tháng đầu năm

10 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu nông lâm thủy sản tiếp tục được mở rộng thị trường và duy trì đà tăng trưởng về kim ngạch XK nông lâm thủy sản; dịch tả lợn Châu Phi bước đầu được kiểm soát; sẵn sàng các điều kiện chuẩn bị gỡ “thẻ vàng” cho ngành thủy sản…

 

Sẵn sàng đón Đoàn thanh tra EC

Theo Bộ NN-PTNT, từ ngày 5-14/11/2019, Đoàn thanh tra của Ủy ban Châu Âu (EC) sẽ có chuyến làm việc tại Việt Nam để đánh giá nhằm đưa ra quyết định tiếp theo về “thẻ vàng” của EU đối với thủy sản Việt Nam.

Bộ NN-PTNT đã sẵn sàng công tác chuẩn bị nhằm gỡ “thẻ vàng” cho ngành Thủy sản Việt Nam.

 

Theo đó, Bộ NN-PTNT, Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU đã xây dựng kế hoạch chi tiết đón đoàn thanh tra của EC đối với các Bộ, ngành, địa phương và hướng dẫn các địa phương, DN triển khai. Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các thông tin, tài liệu, hồ sơ để phục vụ Đoàn thanh tra EC…

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường tin tưởng: Với sự vào cuộc và nỗ lực của cả hệ thống chính trị và kết quả thực hiện thời gian qua, Việt Nam có thể kỳ vọng phía EC sẽ xem xét sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” cho hàng thủy sản từ khai thác của Việt Nam.

Theo Tổng cục Thủy sản, đến thời điểm này, Tổng cục đã phối hợp với các địa phương triển khai nhiều công tác nhằm đáp ứng các yêu cầu của EC về chống khai thác IUU.

Cụ thể, đã chỉ đạo, tổ chức triển khai và vận hành thí điểm hệ thống giám sát tàu cá, đảm bảo quy mô giám sát được 31.541 tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên.

Hiện nay, có 7 đơn vị (VNPT, Viettel, Zunibal, Vishipel, Bình Anh, Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam, Blue Tracker) cung cấp thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá.

Số lượng tàu cá đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cụ thể đến nay như sau: Nhóm tàu cá có chiều dài từ 24 mét trở lên: 2.019/2.618 tàu cá (chiếm 77,1%); nhóm tàu cá từ 15 mét đến dưới 24 mét: 4.996/28.923 tàu cá (chiếm 17,3%)

Tổng cục Thủy sản cũng đã triển khai quy định về quy trình kiểm soát tàu nước ngoài tại cảng Việt Nam theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP.

Theo đó, đã công bố 7 cảng biển cho tàu nước ngoài cập cảng để thực hiện việc nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu hoặc quá cảnh thủy sản từ khai thác qua lãnh thổ Việt Nam; ban hành Quy trình kiểm soát tàu nước ngoài tại cảng Việt Nam…

Về tổ chức thực thi pháp luật, từ tháng 1/2019 đến nay, cả nước đã không phát hiện trường hợp tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản trái phép ở các nước, quốc đảo Thái Bình Dương. Tổng cục Thủy sản đã lập và công bố công khai danh sách tàu cá khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài lên cổng thông tin điện tử của Tổng cục.

Từ tháng 1/2019 đến nay, cả nước đã không phát hiện trường hợp tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản trái phép ở các nước, quốc đảo Thái Bình Dương.

 

Theo đó từ ngày 1/01/2019 đến tháng 10/9/2019, đã công bố công khai 118 tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác thủy sản (đang xác minh 69 tàu)…

Hiện 8 tỉnh (Bình Thuận, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang) đã tổ chức ký kết quy chế phối hợp để thực hiện chống khai thác IUU, ngăn chặn, xử lý tàu cá và ngư dân cố tình vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. 27/28 tỉnh ven biển đã thành lập Văn phòng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại 60 cảng cá

Về truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác, Bộ NN-PTNT đã công bố 4 đợt cho 60 cảng cá thực hiện xác nhận thủy sản từ khai thác; công bố danh sách 70 cảng cá chỉ định cho tàu cá hoạt động từ vùng khơi trở ra cập cảng. Công tác xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác dần đi vào nề nếp, hỗ trợ và tạo điều kiện nhiều cho các DN trong quá trình XK…

 

Tích cực khôi phục, tái đàn lợn có điều kiện

Theo Bộ NN-PTNT, trong những tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020, do thời tiết thay đổi, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển, ảnh hưởng đến sức đề kháng của vật nuôi.

Việc gia tăng đàn vật nuôi, vận chuyển động vật, các sản phẩm động vật tăng mạnh nên nguy cơ các loại dịch bệnh xảy ra ở phạm vi rộng trong thời gian tới là rất cao. Vì vậy, Bộ NN-PTNT đề nghị các bộ ngành, địa phương phối hợp thực hiện nghiêm một số giải pháp nhằm phòng chống dịch bệnh.

10 tháng đầu năm 2019, ứng phó với dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) là khó khăn, thách thức lớn của toàn ngành nông nghiệp. Với các giải pháp triển khai phòng chống đồng bộ, quyết liệt của toàn ngành nông nghiệp, từ tháng 6/2019, tình hình DTLCP đã có chiều hướng đi xuống.

DTLCP đã ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong 10 tháng đầu năm 2019 (Trong ảnh: Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kiểm tra trại giống lợn phục vụ tái đàn tại tỉnh Hưng Yên).

 

Cụ thể đến hết tháng 10/2019, số lợn buộc tiêu hủy giảm hơn 60% so với tháng 5/2019 (tháng cao điểm). Đến thời điểm này, đã có hơn 45% số xã có dịch đã qua 30 ngày, trong đó 22 tỉnh, thành phố có trên 50% số xã và chỉ còn 9 tỉnh có trên 85% số xã đã qua 30 ngày. Riêng tỉnh Hưng Yên (bùng phát dịch đầu tiên cả nước) hiện đã hết dịch.

Thời gian qua, với định hướng đẩy mạnh áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học (ATSH), đại đa số người chăn nuôi đã quan tâm, áp dụng có hiệu quả các biện pháp ATSH và vệ sinh phòng bệnh, trong đó nhiều trang trại chăn nuôi đã đẩy mạnh các biện pháp ATSH, sử dụng chế phẩm tăng cường sức đề kháng, do đó hạn chế hoặc không bị nhiễm bệnh DTLCP.

Bên cạnh đó, việc đảm bảo an ninh cho nguồn lợn giống đã được triển khai chặt chẽ. Cụ thể, đã lưu giữ được khoảng gần 110 nghìn con (90%) lợn cụ kỵ, ông bà chưa bị dịch bệnh. Đây là điều kiện quan trọng nhằm bảo đảm việc cung cấp lợn giống tái đàn tại các địa phương trong tình hình DTLCP đang giảm.

Bên cạnh những kết quả bước đầu, công tác chỉ đạo, tổ chức, triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là DTLCP hiện còn tồn tại rất nhiều bất cập tại các địa phương do việc sắp xếp lại hệ thống thú y, nhất là việc sáp nhập Trạm Thú y với các ngành khác và chuyển thành Trung tâm dịch vụ nông nghiệp (DVNN) thuộc UBND cấp huyện.

Theo đó, nhiều địa phương không bố trí nhân viên thú y xã. Theo thống kê chưa đầy đủ, tổng số người làm công tác thú y cấp xã đến cấp tỉnh đã bị cắt giảm, nghỉ việc đến thời điểm này đã lên tới 5.342 người.

Việc sáp nhập hệ thống thú y cũng khiến công tác đào tạo, tập huấn cho các cán thú y tuyến cơ sở về công tác phòng chống dịch bệnh gặp rất nhiều khó khăn, nhiều nơi đã không còn thực hiện được do không còn hệ thống thú y các cấp.

Ở một số địa phương, chính quyền các cấp, nhất là cấp xã, cấp huyện chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo và triển khai quyết liệt theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Bộ NN-PTNT; chưa tổ chức thông tin, hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh…

 

Mở rộng thị trường xuất khẩu

10 tháng đầu năm 2019, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo các cơ quan trực thuộc, phối hợp với các bộ ngành liên quan tiếp tục đẩy mạnh việc mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông thủy sản XK.

Ảnh hưởng từ những khó khăn của thị trường Trung Quốc, tuy nhiên 10 tháng đầu năm 2019, XK nông lâm thủy sản vẫn duy trì tốt đà tăng trưởng.

Theo đó, đã gia tăng số DN được phép XK thủy sản sang EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, Liên bang Nga, Ả rập Xê út, với tổng số 13 DN tiếp tục được XK cá da trơn vào Hoa Kỳ.

Đồng thời, mở rộng XK nông sản sang một số thị trường mới, đặc biệt là việc đàm phán, mở cửa cho măng cụt, sữa được XK sang thị trường Trung Quốc trong tháng 10/2019 theo kế hoạch đề ra… Nhờ đó, tổng kim ngạch XK nông lâm thủy sản 9 tháng đầu năm 2019 đạt 30,2 tỷ USD (tăng 2,7% so với cùng kỳ).

Bên cạnh đó, thời gian qua, Bộ NN-PTNT cũng đã hoàn thành đàm phán với cơ quan có thẩm quyền của Hồng Kông (Trung Quốc) để XK thịt lợn mảnh đông lạnh, thịt gà chế biến và tổ yến sang Hồng Kông.

 

Đối với thủy sản, bên cạnh việc duy trì ở những thị trường XK chủ lực, khó tính như EU, Mỹ, Hàn Quốc…, đến nay, riêng thị trường Trung Quốc đã chấp thuận NK từ Việt Nam 48 loài thủy sản sống và 128 loại sản phẩm thủy sản sơ chế, chế biến…

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Cà Phê Việt: Thế mạnh top 2 thế giới, Việt Nam vẫn ôm nỗi buồn đội sổ

Đứng thứ 2 thế giới, song xuất khẩu cà phê của Việt Nam lại đang sụt giảm mạnh. Đáng buồn hơn, giá xuất khẩu cà phê Việt đang xếp vị trí gần như đội sổ, rẻ hơn nhiều so với giá cà phê cùng loại của các nước.

Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu Cà Phê

Theo báo cáo của Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, xuất khẩu cà phê 8 tháng năm 2019 ước đạt 1,17 triệu tấn và gần 2 tỷ USD, giảm 11,8% về khối lượng và giảm 21,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.

Từ đầu năm đến nay, Đức và Mỹ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam với thị phần lần lượt là 13,7% và 9%. Ngoại trừ Philippines và Malaysia có giá trị xuất khẩu cà phê tăng lần lượt 22% và 3,7%, hầu hết các thị trường chính còn lại đều giảm so với cùng kỳ năm 2018.

Không những giảm về sản lượng xuất khẩu, giá giá cà phê xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt 1.708 USD/tấn, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm 2018.

Thực tế, giá cà phê Việt Nam đang giảm theo xu hướng chung. Giá cà phê thế giới tiếp tục suy giảm trong những tháng đầu năm 2019 và giảm xuống mức thấp nhất trong 13 năm trở lại đây do áp lực dư cung của thị trường cà phê toàn cầu.

Song, điều đáng buồn, giá cà phê Việt xuất khẩu lại đang xếp vị trí gần như đội sổ, rẻ hơn nhiều so với giá cà phê cùng loại của các nước khác.

Đơn cử, tại Tây Ban Nha, Việt Nam là nguồn cung cà phê lớn nhất cho nước này với hai loại chủ yếu gồm: cà phê chưa rang; chưa khử caffein và khử caffein (không bao gồm rang) chiếm 42,8% và 39,5% trong tổng trị giá nhập khẩu hai chủng loại cà phê này trong 4 tháng đầu năm 2019.

Giá nhập khẩu bình quân cà phê của Tây Ban Nha đạt mức 2.712 USD/tấn. Trong khi đó, giá nhập khẩu bình quân cà phê từ Việt Nam chỉ ở mức 1.779 USD/tấn, thấp hơn nhiều giá bình quân nhập khẩu tại thị trường này.

Đáng chú ý, giá nhập khẩu bình quân cà phê của Tây Ban Nha từ Pháp đạt mức cao 15.670 USD/tấn. Tức cao gấp gần 9 lần so với giá cà phê nước này nhập từ Việt Nam.

Tương tự, Bộ Công Thương cũng dẫn số liệu từ Ủy ban thương mại Hàn Quốc, trong 4 tháng đầu năm nay, Việt Nam cũng là nước xuất khẩu cà phê lớn nhất vào thị trường này với sản lượng 11.000 tấn, song giá chỉ đạt 1,8 USD/kg.

Brazil là nước đứng thứ hai về sản lượng với gần 10.600 tấn nhưng xuất khẩu được vào Hàn Quốc với giá 2,6 USD/kg. Còn cà phê Colombia đứng thứ 3 với trên 9.000 tấn, giá bình quân đạt 3,2 USD/kg.

Cà Phê Việt xuất khẩu thô là chủ yếu nên giá trị thu về thấp

Một chuyên gia trong ngành cho biết, cà phê Việt Nam hiện được xuất khẩu sang trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD, chiếm 14% thị phần và 10,4% giá trị cà phê nhân xuất khẩu toàn cầu, đứng thứ 2 sau Brazil.

Tuy nhiên, lượng cà phê xuất khẩu chủ yếu là cà phê nhân, chiếm khoảng 90%. Do đó, lợi nhuận thu về chưa tương xứng với lượng hàng xuất đi. Giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam cũng thấp hơi nhiều, thậm chí còn xếp bét bảng so với các nước có thế mạnh xuất khẩu cà phê.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, phần lớn cà phê Việt Nam khi thu hoạch không đáp ứng được độ chín, lẫn nhiều tạp chất, máy móc thiết bị sơ chế lạc hậu, sân phơi tạm bợ trên nền đất hoặc nền xi măng,… dẫn đến chất luọng thấp.

Trong khi xuất khẩu chủ yếu ở dạng thô nên cà phê Việt không có thương hiệu mà phần lớn trở thành nguyên liệu của nhiều nước dùng để chế biến sâu và tái xuất lại tiêu thụ ở Việt Nam dưới dạng cà phê bột, hòa tan, pha sẵn…

Đơn vị này dự báo, giá cà phê trong ngắn hạn sẽ tăng do nguồn cung có phần sụt giảm từ các nước sản xuất chính, tuy nhiên giá sẽ vẫn ở mức thấp trong nhiều năm. Ngoài ra, nhu cầu tiêu dùng cà phê tăng nhanh hơn so với sản xuất sẽ thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu cà phê trong trung và dài hạn.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Nhãn Việt lần đầu tiên xuất khẩu sang Úc

Sau vải, xoài, thanh long được xuất sang Úc, ngày 9/9/2019, quả nhãn đầu tiên của Việt Nam chính thức được cấp phép nhập khẩu vào thị trường Úc, mở ra cơ hội cho nhiều loại trái cây Việt tiếp tục xuất ngoại. Tuy nhiên, để trái cây Việt xuất khẩu bền vững vẫn còn nhiều thách thức.

 

Nhãn Việt được quản bá tại thị trường Úc

Vào được các thị trường khó tính nhất

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2017, trái cây Việt Nam xuất khẩu đạt 3,5 tỷ USD, tăng gần gấp đôi so với năm 2016 (1,7 tỷ USD). Năm 2018, đạt trên 4 tỷ USD. Tính đến nay, trái cây Việt Nam đã thâm nhập thị trường của 60 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, việc trái nhãn tươi của Việt Nam tiếp tục được xuất khẩu vào Úc không chỉ mở ra cơ hội mới cho trái cây Việt mà còn là nền tảng rất tốt để trái cây Việt Nam thâm nhập vào các thị trường khác, bởi một khi đã vượt qua được sự kiểm duyệt từ một thị trường khắt khe như Úc, sẽ thuận lợi để tỏa đi nhiều thị trường mới nữa với giá bán  tốt hơn. Đến thời điểm này, Việt Nam đã xuất khẩu nhãn vào nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc , EU… và đều đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn, đồng nhất, chất lượng và có đủ sản lượng cung ứng quanh năm.

Đại diện Hiệp hội Xuất khẩu rau quả Việt Nam cũng cho biết, hiện nay trái thanh long, nhãn tươi là một trong hai mặt hàng có kim ngạch cao nhất trong top 10 hoa quả xuất khẩu có kim ngạch cao của Việt Nam. Mặc dù Úc là một nước nông nghiệp và cũng có nhãn tươi nhưng diện tích trồng không nhiều, chủ yếu tập trung tại bang Queensland và một phần tại phía Bắc bang New South Wales. Nhãn tươi của Úc chỉ có một mùa kéo dài từ tháng 1 đến giữa tháng 6. Vì vậy, nếu nhãn tươi Việt Nam được nhập khẩu vào thị trường Úc, nhất là vào thời điểm trái mùa thì có thể được tiêu thụ với giá cao. Bên cạnh đó, cơ hội thị trường cũng rất lớn khi giao dịch thương mại giữa Việt Nam và Úc trong 10 năm gần đây tăng bình quân gần 10%/năm và Úc cũng là bạn hàng xuất khẩu lớn thứ 8 và nhập khẩu đứng thứ 12 của Việt Nam.

Hình thành chuỗi liên kết là rất cần thiết

Theo các chuyên gia trong ngành, việc được cấp phép nhập khẩu mới chỉ là giai đoạn đầu, thách thức lớn nhất với các doanh nghiệp là làm sao  trụ vững trên thị trường Úc và các thị trường khó tính khác. Muốn vậy, các doanh nghiệp phải nỗ lực hơn nữa để hướng đến một nền sản xuất sạch hơn, ở đó chất lượng sản phẩm luôn là vấn đề đặt lên hàng đầu chứ không phải là sản lượng và giá cả thấp. Do vậy, việc hình thành chuỗi liên kết là rất cần thiết.

Nhìn lại quá trình thâm nhập thị trường Úc của trái cây Việt trước đó, mới thấy chặng đường không hề dễ dàng. Chỉ tính riêng vải thiều và xoài, quá trình đàm phán hai loại trái cây này vào thị trường Úc mất lần lượt là 12 năm và 7 năm. Tương tự, lô thanh long tươi đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu sang Úc cũng mất 9 năm đàm phán và làm thủ tục.

Tuy nhiên, vào được thị trường rồi vẫn chưa vội mừng. Bởi thực tế, những chuyến hàng vải thiều và xoài đầu tiên khi nhập khẩu vào Úc có chất lượng rất tốt, bảo đảm, mang ra chợ bán được giá rất cao, nhưng sau đó giá bị giảm nhanh chóng do trong các lô hàng xuất khẩu tiếp theo, doanh nghiệp không đáp ứng được đủ các quy trình như các lô hàng đầu tiên, dẫn tới việc mất khách hàng.

Theo khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp Úc, các doanh nghiệp cần lưu ý về liều lượng chiếu xạ tối thiểu và tối đa trong việc xử lý quả nhãn, phải tuân thủ hàng loạt các quy định về kiểm tra chất lượng, dịch bệnh, đóng gói và các vấn đề kiểm dịch, vệ sinh thực phẩm. Ngoài việc phải được chứng minh nguồn gốc, sản xuất và xuất khẩu, quả nhãn cũng phải trải qua các biện pháp quản lý rủi ro bắt buộc. Đó là một trong những điều kiện để xuất khẩu nhãn tươi từ Việt Nam vào Úc được Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước Úc chính thức công bố mới đây.

Ông Nguyễn Đình Tùng-  Tổng giám đốc Công ty T&T Vina cho biết, trái cây Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh rất lớn tại thị trường Mỹ, Úc, EU… Tuy nhiên, thông thường, trong 10 tấn sản phẩm thì chỉ lựa được vài ba tấn hàng đáp ứng thị trường. Tuy nhiên, đây chỉ một phần trong các điều kiện cần, doanh nghiệp còn phải xây dựng quy trình thu hoạch, đóng gói, vận chuyển, đặc biệt là sở hữu được công nghệ bảo quản mới giữ được chất lượng trái cây tốt cho đến khi đến tay người tiêu dùng”. Đơn cử như quả bưởi của Việt Nam hiện mới chỉ có 30% sản lượng đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Con số này sẽ tăng lên 70-80% nếu có đầu tư về chế biến, bảo quản.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi FarmTech Vietnam