Hơn 10.000 cây cam được cấp “chứng minh thư điện tử”

Trong khi con người vẫn chỉ sử dụng chứng minh thư thông thường khá bất tiện cho việc truy cứu dữ liệu thì nhiều loại cây, con đã được cấp “chứng minh thư điện tử”, chỉ cần giơ điện thoại có kết nối mạng ra là thấy rõ cả phả hệ, tông tích…

 

Hơn 10.000 gốc cam Xuân Canh được gắn mã truy xuất nguồn gốc.

 

Khó có thể nhập nhèm

Khi tiết trời Hà Nội bắt đầu chuyển sang thu cũng là lúc những hộ dân tại xã Xuân Canh (huyện Đông Anh, Hà Nội) tất bật với những quả cam chín mọng. Những đặc điểm thuận lợi về thời tiết, thổ nhưỡng và sự cần cù của người dân địa phương đã tạo nên thương hiệu Cam Xuân Canh nức tiếng gần xa.

Toàn xã hiện có tới 23 ha chuyên trồng cam với khoảng 20.000 gốc cam đang được chăm sóc trong đó có hơn 10.000 cây đã cho quả và có thể thu hoạch vào tháng 10 năm nay.

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Xuân Nhạ – Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Canh cho biết: “Dự kiến sản lượng cam Xuân Canh năm nay sẽ đạt khoảng 250 tấn, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Thành công này sẽ mang lại cho mỗi hộ dân thu nhập bình quân lên tới 500 triệu đồng”

Cam Xuân Canh có hương thơm nhẹ, vị ngọt đậm đà và mẫu mã đẹp nên mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Đặc biệt, tại Xuân Canh, phân bón hóa học và các chất bảo vệ thực vật được hạn chế tối đa trong hoạt động canh tác, thay vào đó người dân chuyển dần sang sử dụng sản phẩm phân bón hữu cơ vi sinh.

Sự thay đổi trên, một mặt đảm bảo năng suất cây trồng và các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, mặt khác giúp bảo vệ môi trường và sức khỏe của người bà con nông dân trong quá trình làm vườn. Vì vậy, thương hiệu cam Xuân Canh được người tiêu dùng đặc biệt tin tưởng và lựa chọn.

Tuy nhiên, bên cạnh các sản phẩm cam địa phương chất lượng cao, thị trường nông sản Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện những loại cam không rõ xuất xứ với giá dao động từ 15.000 – 70.000 đồng/kg. Trên thực tế, không phải ai cũng biết cách nhận diện chính xác đâu là cam ngon và sạch.

Vì vậy, chính quyền huyện Đông Anh đã phối hợp với Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển (IDE) triển khai thực hiện gắn mã QR truy xuất nguồn gốc lên sản phẩm cam của Xuân Canh. Đây là một bước đi quan trọng trong việc phát triển và bảo vệ thương hiệu cam Xuân Canh.

Hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc nông sản được huyện Đông Anh triển khai bắt đầu từ đầu năm 2019 và được áp dụng trên mô hình cam Xuân Canh từ tháng 7/2019. Hiện nay trên toàn xã có khoảng 20.000 gốc cam, trong đó có hơn 10.000 cây đã ra quả và được gắn mã vạch.

Theo ông Hoàng Văn Nhạ, Chủ tịch Hội Nông dân Xã Xuân Canh, sau khi đăng ký gắn mã truy xuất nguồn gốc cho nông sản, các chủ vườn sẽ được cấp tài khoản quản trị để cập nhật thông tin về nông sản.

Trên cơ sở đó, người tiêu dùng có thể theo dõi toàn bộ quá trình của cam Xuân Canh, từ khi cây mới ra hoa cho tới khi được đóng hộp xuất ra thị trường, thậm chí cả việc cây sử dụng phân bón gì và bón ngày bao nhiêu cũng được hiển thị tại đây.

Toàn bộ thông tin trên đều được công khai, minh bạch, không ai có thể thay đổi được. Hệ thống cũng sẽ tự định vị vị trí nơi sản xuất để đảm bảo thương hiệu của cam Xuân Xanh không bị làm giả.

Sau khi dán mã truy nguồn gốc, cam Xuân Canh bán ra thị trường với giá buôn khoảng 25.000 đồng/kg và từ 40.000 – 50.000 đối với bán lẻ. Thị trường tiêu thụ chủ yếu ở thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận. Các thông tin về nông sản cũng được cập nhật trên Hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thành phố Hà Nội tại địa chỉ https://hn.check.net.vn/.

Sản phẩm cam Xuân Canh được cập nhật trên trang chủ của Hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thành phố Hà Nội.

 

Theo bà Phạm Thị Lý, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương (Đông Anh), Giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển (IDE), so với phương pháp truy xuất nguồn gốc truyền thống là ghi chép bằng tay và lưu trữ bằng giấy tờ sổ sách, việc truy xuất nguồn gốc bằng mã QR tiện lợi và đầy đủ thông tin hơn rất nhiều.

Sắp tới, Hợp tác xã và chính quyền địa phương sẽ tiếp tục triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc qua mã QR trên các mặt hàng nông sản khác như quất cảnh, cà chua, khoai tây, khoai lang…

 

Giấc mơ xuất ngoại

Từ bao đời nay, xuất xứ của sản phẩm vẫn luôn được người tiêu dùng đặc biệt quan tâm, nhất là trong thời buổi thật giả lẫn lộn vấn đề này lại càng quan trọng. Hiện nay trên thị trường, chỉ nói riêng cam đã có tới cả chục loại khác nhau, gồm cả cam của các địa phương lẫn cam nhập khẩu từ nước ngoài. Điều này khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang, vì vậy việc minh bạch thông tin xuất xứ là cơ sở quan trọng để người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu.

Về phía doanh nghiệp và bà con nông dân, việc hướng tới sản xuất nông sản gắn với truy xuất nguồn gốc là giải pháp hữu hiệu để quản lý tình trạng từng cây cam và tiến độ phân phối của cam trên thị trường. Sự tin tưởng của người tiêu dùng cũng là yếu tố quan trọng giúp nâng cao uy tín của thương hiệu cam Xuân Canh.

Việc gắn mã truy xuất nguồn gốc còn là bước đi quan trọng giúp tăng tính cạnh tranh của cam Xuân Canh trên trường quốc tế. Thực tế cho thấy, thị trường các nước trong khu vực yêu cầu rất khắt khe về nguồn gốc xuất xứ của nông sản và các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.

Cụ thể, từ đầu năm 2019, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã yêu cầu bắt buộc truy xuất nguồn gốc với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, đối với các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore thì yêu cầu còn cao hơn nữa.

Trên thực tế, công nghệ truy xuất nguồn gốc đã được áp dụng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới nhưng còn khá mới ở Việt Nam. Vì vậy khi triển khai cũng gặp phải không ít khó khăn. Cụ thể, việc thực hiện các thao tác truy xuất nguồn gốc trên các thiết bị điện tử còn khá mới mẻ và khó khăn đối với người dân ở các vùng nông thôn, kinh tế chưa phát triển.

Bên cạnh đó, trang chủ của Hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thành phố Hà Nội vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện nên chưa có tính năng song ngữ, đây là một hạn chế đối với nông sản Việt khi xuất sang thị trường nước ngoài.

Nhìn chung, dù mới triển khai nhưng hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản đã mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp cũng như người nông dân và người tiêu dùng. Những thành công từ mô hình cam Xuân Canh là cơ sở tiền đề và bài học kinh nghiệm để các HTX khác trên cả nước áp dụng và phát triển cho nông sản của địa phương.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Đau đáu cây cam ở Nghệ An

Trồng cam vốn là thế mạnh của tỉnh Nghệ An suốt nhiều năm qua nhưng hiện đang đối diện với không ít thách thức, nếu không sớm án tháo gỡ những nút thắt e rằng người nông dân khó sống tốt với nghề.

Xin được nêu lên thực trạng tại huyện miền núi Con Cuông, nơi được xem có nhiều điều kiện thuận lợi…

Người trồng cam tại huyện Con Cuông đang lo ngay ngáy

Con Cuông có quỹ đất lâm nghiệp lên đến hơn 162.000ha, lại thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm rất thuận lợi để phát triển cây công nghiệp và cây ăn quả.

Đến thời điểm này, tổng diện tích trồng cam toàn huyện đạt 387,19ha, trong đó cam kinh doanh là 105ha, số còn lại đang trong thời kỳ kiến thiết. Sau khoảng thời gian đầu sinh lợi, hiện cây cam đang là gánh nặng lớn đối với nhà nông, “góp phần” không khỏ đẩy nhiều gia đình vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan, bỏ không được mà giữ cũng chẳng xong.

Chính những người trong cuộc khẳng định, giai đoạn 2013 – 2016 là thời kỳ hoàng kim, mười nhà như một trên mỗi ha đều đặn thu về không dưới nửa tỷ đồng/năm. Đồng tiền kiếm được dễ dàng nhanh chóng tạo nên hiệu ứng dây chuyền thúc đẩy, cứ thế phong trào trồng cam tăng nhanh với tốc độ phi mã. “Xuống tay ăn tiền” nông dân chắc mẩm sẽ sớm đổi đời nhờ cây cam mà không biết rằng hàng loạt nguy cơ tiềm ẩn đang chờ đón phía trước, đến lúc này đây mối lo đã thành hiện thực.

Tại Con Cuông, quy mô diện tích nhận rộng đến đâu thì bấp cập lộ rõ đến đó, khó khăn chất chồng nhưng không có hướng tháo gỡ khiến nghề trồng cam đối diện với tình cảnh hết sức gian nan: Cơ quan quản lý chưa kiểm soát tốt chất lượng đầu vào? Nông dân đa phần chưa tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật? Tình trạng sử dụng thuốc BVTV vô tội vạ làm gia tăng nguy cơ dịch bệnh? Sản phẩm làm ra không có nơi tiêu thụ? Phụ thuộc vào thị trường, thương lái?

Hàng loạt câu hỏi đặt ra nhưng giải quyết ra sao, triển khai như thế nào thì các cấp, ngành chức năng, chính quyền địa phương đều lúng túng như nhau (?!).

Qua rà soát thực tế, hiện chỉ một vài giống cam trên thị trường có chỉ dẫn địa lý (Xã Đoài 1, Xã Đoài 2, Vân Du, Sông Con), còn lại được du nhập một cách trôi nổi, công tác kiểm soát chẳng đến đầu đến đũa. Thành thử việc trồng cam chẳng khác gì đánh bạc, hộ nào may mắn chọn lựa được giống tốt thì nỗi lo tạm vơi đi, bằng không càng gắng gượng càng lỗ chổng vó.

Về quy trình sản xuất, mặc dù các đơn vị, các hộ gia đình đều thuộc dạng thâm niên trong nghề nhưng thay vì triển khai đúng quy trình theo khuyến cáo của đơn vị chuyên ngành thì đều có xu hướng lạm dụng thuốc BVTV như thể là biện pháp tối ưu nhất. Tại nhiều vùng, mỗi năm chủ vườn tiến hành phun trừ 10 – 15 lần, thoáng thấy dấu hiệu là phun lấy phun để, sự việc kéo dài đã dẫn đến tình trạng “nhờn thuốc”, hệ quả là dịch bệnh không được xử lý triệt để mà cây giống ngày càng quay quắt, quá trình thoái hóa vì thế diễn ra nhanh hơn.

Quá nhiều yếu tố bất thuận khiến người trồng cam chẳng biết đường nào mà lần, càng loay hoay xoay sở càng thấy vướng víu khiến tâm lý của họ tuột dốc không phanh. Đáng lo ngại thực sự nếu nhìn vào thực trạng chung lúc này, rộng khắp địa bàn tình hình chẳng mấy sáng sủa, số cơ sở có lãi (thậm chí hòa vốn) chỉ chiếm một phần rất nhỏ, trong khi nhiều vùng nông dân thi nhau nhận về “trái đắng” khi cây cam đồng loạt đổ bệnh vào đúng giai đoạn then chốt nhất (đã qua 4 – 5 năm chăm sóc).

Nếu không sớm có phương án tháo gỡ núi thắt, nghề trồng cam ở Nghệ An sẽ đối diện với muôn vàn khó khăn

Nhiều vườn cam bị sâu bệnh tàn phá nặng nề, tỷ lệ quả bị chua, sần (cam ngơ) chiếm mức cao. Đổ mồ hôi sôi nước mắt, huy động tiền trăm bạc tỷ dồn hết vào vườn tược hòng thu về nguồn lợi tương xứng, nay tình hình rẽ theo chiều hướng khác khiến người trồng ngao ngán đến cùng cực.

“Chi phí triển khai rất đắt đỏ, mỗi ha tiêu tốn hàng trăm triệu đồng. Thú thực không nhiều hộ tự mình cáng đáng được, để duy trì mô hình phải đứng ra huy động, vay mượn khắp nơi. Nghề trồng cam rất vất vả, thông thường quy trình phải kéo dài vài ba năm mới có sản phẩm. Bối cảnh thuận lợi thì chẳng nói làm gì, đằng nay hai năm qua điều kiện thời tiết diễn biến khó lường, thiên tai chồng lấn thi nhau đọa đầy nông dân chúng tôi, chán nản nhiều gia đình chẳng màng ngó đến nữa”, chị Vi Thị H. một hộ trồng cam trên địa bàn huyện Con Cuông thốt lên chua chát.

Theo kế hoạch, đến năm 2020 huyện Con Cuông phấn đấu nâng diện tích trồng cam lên 500 ha, theo lời Trưởng phòng NN-PTNT Lô Văn Lý với đà này mục tiêu trên khó khả thi.

Tháng 1/2019 huyện Con Cuông đã phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Nghệ An đã triển khai dự án “Cải tạo, phục hồi giống cam thoái hóa” trên quy mô diện tích gần 6.000 m2 nhằm đánh giá chi tiết thực trạng, qua đó rút ra phương án tối ưu nhất.

Dự kiến dự án này kéo dài trong 2 năm, xem ra nông dân trồng cam trên địa bàn còn ngóng chờ dài dài.

 Tổng hợp và duyệt bởi Farmtech Việt Nam

Cam, quýt Australia đổ về Việt Nam

Trên thị trường Việt Nam hiện có 3 loại cam, quýt Australia được bán với giá vài trăm nghìn đồng một kg.

Chị Hoa, ở quận Gò Vấp cho biết, gần đây chị chuộng quýt Australia dù giá lên tới 250.000 đồng một kg, đắt gấp 10 lần hàng Việt.

“Loại này vỏ mỏng, trái mọng nước ít bị khô như hàng Việt, được  thông tin là canh tác hữu cơ nên tôi yên tâm”, chị Hoa nói và cho biết, ngoài quýt Australia thì mặt hàng cam của nước này cũng được chị đặt mua thường xuyên.

Khảo sát của VnExpress cho thấy, cam, quýt Australia được bán khắp các chợ, cửa hàng nhập khẩu và siêu thị.

Tại chợ Bà Chiểu (TP HCM), cam quýt của Australia có giá 120.000 – 200.000 đồng một kg. Chị Vân, tiểu thương ở đây cho biết, mặt hàng này bán khá chạy, mỗi ngày cửa hàng của chị bán lẻ 2 – 3 thùng loại 15 kg. “Cứ đến tháng 9, 10 là cam quýt vào mùa. Tuy nhiên, các sản phẩm này vẫn không ngừng được lựa chọn, đặc biệt quýt Australia mới về được một tháng nay nhưng về đến đâu hết đến đó”, chị Vân nói

Không chỉ tại chợ, các hệ thống siêu thị Lottemart, Aeonmall… sản phẩm này cũng được bán với số lượng lớn. Tại Lotte, quýt Australia có giá 180.000 đồng hộp 9 trái nặng gần một kg. Theo nhân viên tại Lottemart Gò Vấp, loại này được siêu thị nhập về bán vài tuần nay, mỗi ngày tiêu thụ cả tạ quýt.

Còn tại các cửa hàng nhập khẩu quýt Australia được bán với giá 250.000 đồng một kg; cam vàng, cam ruột đỏ bán với giá 160.000 đồng một kg.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, hiện nay lượng cam, quýt Australia vào Việt Nam tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Dữ liệu 9 tháng đầu năm cho thấy, giá trị nhập khẩu rau quả từ Australia vào Việt Nam tăng đột biến. Đây là một trong ba thị trường có mức tăng mạnh nhất so với cùng kỳ 2017. Cụ thể, 8 tháng, Việt Nam nhập 70,6 triệu USD rau quả từ Autralia, tăng 72,7% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 6,2% thị phần tại Việt Nam.

Trước đó, Chính phủ Australia cũng đã mở các chương trình đẩy mạnh xuất khẩu cam vào thị trường Việt Nam thông qua các siêu thị và cửa hàng với số lượng lớn. Bà Yvonne Chan, Tham tán thương mại cấp cao, Cơ quan Thương mại & Đầu tư Chính phủ Australia nhận xét, người tiêu dùng Việt Nam có nhu cầu ngày càng cao với các nguyên liệu tươi, ngon, sạch và tốt cho sức khỏe. Điều này đã giúp cho sản phẩm của Australia có mặt tại thị trường Việt Nam, đặc biệt là cam, quýt.

Nguồn: Tổng hợp, duyệt bởi Farmtech Vietnam

Hải Dương: Cam ngon bón bằng Đậu Tương, Ngô Sạch

Vườn cam đường nhà anh Phạm Văn Triệu (Hải Dương) sai trĩu, quả đều tay, ngọt lừ. Đó là vì cây được tưới bằng nước sạch ngâm ngô, đậu tương.

Vườn cam sai trĩu quả của gia đình anh Triệu

Không bón cây bằng Kali, phân đạm hay các kiểu truyền thống khác, ở những vườn cam đường tại Hải Dương, người ta không ngạc nhiên khi các chủ vườn đổ hàng tạ ngô, đậu tương ngâm trong những hố nước sạch lớn. Tưới bằng nước này, những trái cam ở đây vừa ngọt vừa có vị thơm ngon hơn nhiều vùng khác.

Vườn cam nhà anh Phạm Văn Triệu (Vũ Xá, Thất Hùng, Kinh Môn, Hải Dương) rộng trên 1 ha. Cả nghìn gốc cam, cây nào cũng sai trái. Trái cam nào cũng đều tay to như nắm đấm.

Anh Triệu cho biết, gia đình anh đã trồng cam đường 7 năm nay. Cam đang vào mã, chỉ 2 tháng nữa là cho thu hoạch.

Nhưng, bất ngờ nhất là nhà anh Triệu tưới cây bằng nước sạch ngâm ngô, đậu tương. Anh chia sẻ: “Sau một thời gian mày mò, thử nghiệm, tôi phát hiện ra tưới cam bằng nước ngô, đậu tương ngâm sẽ tăng vị ngọt và vị thơm cho quả. Từ năm 2009 đến nay, nhà tôi thường xuyên áp dụng cách này. Với 1.000 gốc cam, mỗi năm tôi phải bỏ ra 5 đến 6 triệu tiền ngô và đậu tương”.

So sánh cây cam bón bằng kali và cam bón bằng ngô, đậu tương, nhiều người thấy rõ sự khác biệt. Cam bón bằng kali cũng có vị ngọt nhưng ăn xong có vị hơi chát ở cổ. Trong khi đó, cam được bón bằng ngô và đậu tương cho mùi thơm, ăn xong vị ngọt còn lưu lại. Chính vì thế, hàng chục chủ vườn cam tại đây hiện đều áp dụng phương pháp này.

Cũng giống như anh Phạm Văn Triệu, gia đình ông Hậu (Thái Thịnh, Kinh Môn, Hải Dương) cho hay, gia đình ông có 40 gốc cam lần đầu ra quả. Để trái được thơm ngon, ông đã đầu tư 40 kg ngô và 15 kg đậu tương, với chi phí khoảng 400.000 đồng, để ngâm nước tưới cho cây trong thời điểm cam vào mã.

Theo các chủ vườn cam lâu năm, một tháng tưới cho cam hai lần, duy trì như vậy liên tục trong 2 tháng đến khi cam xuất bán.

Anh Phạm Văn Triệu cho biết, hiện giá cam đường bán tại vườn đã ở mức 45.000-50.000 đồng/kg. Thương lái đến tận vườn đặt và hái quả, các chủ vườn không phải đi bán.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Chặt cả đồi vải thiều rồi trồng 10.000 cây bưởi xen cam

Ngoài 60 tuổi ông Đỗ Văn Lậm, thôn Bãi Đình, xã An Dương, huyện Tân Yên (Bắc Giang) vẫn ham thiết làm giàu. Ông mạnh dạn chặt bỏ cả đồi vải thiều kém hiệu quả để trồng bưởi xen cam và hiệu quả kinh tế cao bất ngờ.

Tỷ phú Đỗ Văn Lậm chăm sóc những cây cam, bưởi – Hai giống cây đem về tiền tỷ cho gia đình ông

Khu đồi bưởi xen cam xanh thắm, trù phú của gia đình ông Lậm trước đây vốn là đồi vải thiều cằn cỗi. Ông Lậm tâm sự, trước kia, ông vốn làm nghề thợ mộc, sau chuyển sang trồng vải thiều nhưng do chưa có nhiều kinh nghiệm, sức cạnh tranh còn yếu so với vải nơi khác nên sau mấy mùa, ông đành “bấm bụng” chặt hạ đồi vải sau bao năm bỏ công chăm sóc.

Trong một lần thăm nhà người bạn, ông Lậm được giới thiệu về mô hình trồng cây cam, bưởi. Nhận thấy mô hình mới có hiệu quả kinh tế cao, thổ nhưỡng tại đây giống với đất tại vườn nhà nên ông đã quyết tâm học hỏi kỹ thuật canh tác.

Sau khi tích lũy được chút vốn kinh nghiệm nhất định, ông Lậm đầu tư 300 triệu đồng mua 3.000 cây cam Vinh và bưởi Diễn giống về trồng. Những cây cam Vinh, bưởi Diễn sớm phủ xanh diện tích 3ha đồi của ông Lậm.

Từ năm 2011 đến nay, đồi cam Vinh xen bưởi Diễn của ông Lậm cho nhiều vụ bội thu. “Mỗi cân cam, bưởi bán tại vườn có giá từ 25-30 nghìn đồng/kg. Mỗi vụ thu hoạch tôi lãi hàng trăm triệu đồng. Do chất lượng quả tốt, nhiều thương buôn đến đặt mua từ khi quả còn xanh. Nhiều thương lái còn đến đặt cọc tiền trước để giữ vườn…”, ông phấn khởi nói.

Chọn được giống cam, bưởi phù hợp thổ nhưỡng ông Lậm đã thành công viên mãn. Tuổi ngoài 60, lão nông trở thành tỷ phú tiếng tăm trong vùng

Được biết, năm 2016, ông Lậm thu về hơn 20 tấn cam, bưởi. Doanh thu toàn đồi đạt trên 500 triệu đồng. Làm giàu bằng mô hình canh tác mới ông Lậm còn tạo việc làm thường xuyên và thời vụ cho 15 lao động địa phương.

Lão nông tâm sự, hiện tại vẫn đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng bưởi xen cam. Khu vườn hiện nay đã đạt trên 15ha với 3.000 cây bưởi, 10.000 cây cam. Ngoài lợi nhuận từ mô hình trồng cam xen bưởi, ông Lậm còn nhân bán giống bưởi, cam giống thu về 1 khoản không nhỏ. Với giá bán cây giống từ 120-150 nghìn đồng/ cây cam, bưởi giống, mỗi năm ông Lậm “ăn ra” hơn 100 triệu đồng.

Chia sẻ về con đường thành công ông Lậm bảo, ông phải đầu tư thời gian thường xuyên đến Hưng Yên, Lục Ngạn (Bắc Giang) để học hỏi kỹ thuật. Ông Lậm lưu ý, trồng giống cây gì cần chú ý cẩn trọng xem cây đó có phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu địa phương hay không. Nếu giống cây không thích hợp sẽ cho năng suất, chất lượng kém…

Theo danviet.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Hòa Bình mở rộng diện tích trồng cây có múi

Với lợi thế về điều kiện tiểu khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, thời gian gần đây, diện tích cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Hòa Bình ngày càng tăng, bước đầu hình thành những vùng sản xuất mang tính hàng hóa, góp phần nâng cao giá trị trên một đơn vị canh tác của người dân.

Hòa Bình thúc đẩy phát triển cây có múi

“Thủ phủ” cam Cao Phong

Có thể nói, thời gian gần đây, cây có múi, nhất là cây cam đã và đang khẳng định được thương hiệu, hiệu quả trên đồng đất Hòa Bình. Trong đó, huyện Cao Phong được biết đến là một trong những “thủ phủ” cam ở các tỉnh phía bắc. Riêng năm 2016, sản lượng cam đạt hơn 23.000 tấn, bình quân mỗi héc-ta cho thu hoạch khoảng 25 đến 30 tấn quả, với giá bán từ 25 nghìn đến 30 nghìn đồng/kg người dân thu lãi từ 400 đến 600 triệu đồng/ha.

Là một trong những gia đình trồng cam lâu năm và có kinh nghiệm sản xuất, hiện nay, gia đình anh Nguyễn Đức Thủy (khu 3 thị trấn Cao Phong) nổi tiếng là một trong những tỷ phú nhờ trồng cam. Anh Thủy chia sẻ: “Gia đình tôi trồng cam từ năm 1996, đến nay, đang trồng 10 ha cam, trong đó có 7 ha ở thời kỳ thu hoạch, còn lại 3 ha chuẩn bị cho quả. Vụ cam năm 2016, với 7 ha, gia đình thu khoảng 210 tấn quả, bình quân thu khoảng 780 triệu đồng/ha, lợi nhuận thu về 500 triệu đồng/ha”.

Cũng như nhiều hộ khác, anh Bùi Văn Đồng ở thị trấn Cao Phong, đang mở rộng diện tích trồng cam sau một thời gian canh tác mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Đồng cho biết: “Trước đây, gia đình chỉ trồng 1 ha cam, sau một thời gian thấy hiệu quả, nên đã thuê thêm 2 ha để trồng. Hiện nay, 2 ha cam đã bước vào năm thứ 5 và cho bói năm trước được hai tấn quả. Dự kiến năm nay, 2 ha cam sẽ thu khoảng 20 tấn, với giá bán như hiện nay, chắc chắn sẽ thu lãi hàng trăm triệu đồng”.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hòa Bình Vương Đắc Hùng cho biết, đến nay diện tích cây có múi trên địa bàn khoảng 6.300 ha, trong đó, diện tích cam là 3.600 ha, bưởi 2.700 ha. Đặc biệt, cây cam hiện có mặt ở hầu khắp các huyện, nhưng chủ yếu vẫn tập trung nhiều nhất ở Cao Phong. Qua thống kê, bình quân mỗi héc-ta cam đạt năng suất 30 tấn quả, thu nhập từ 650 đến 700 triệu đồng/ha. Ngoài ra, hiện nay cây bưởi, chủ lực là cây bưởi đỏ cũng đang phát triển mạnh ở huyện Tân Lạc, với thu nhập từ 400 đến 450 triệu đồng/ha/năm. Trong đó, có những gia đình trồng bưởi đỏ hơn 10 năm, có cây cho thu hoạch khoảng 700 đến 800 quả, giá bán 25.000 đồng/quả, bình quân thu nhập hơn 18 triệu đồng/cây. Ngoài ra, đến nay toàn tỉnh đã có hơn 117 ha cây ăn quả được cấp chứng nhận VietGAP.

Nhằm phát huy thế mạnh sẵn có của địa phương, tạo sản phẩm mang tính hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân, tỉnh đã có những chính sách hỗ trợ phát triển, trong đó chú trọng các loại cây ăn quả chủ lực. Đặc biệt, tỉnh triển khai hỗ trợ tiêu thụ nông sản hàng hóa; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Hiện nay, sản xuất cây ăn quả trên địa bàn đã hình thành các vùng sản xuất tập trung có giá trị kinh tế cao ở các huyện Cao Phong, Tân Lạc, Kim Bôi, Lạc Sơn… Từ các vùng sản xuất tập trung hình thành các hình thức liên kết sản xuất hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ, nhằm mục đích trao đổi kỹ thuật, hỗ trợ sản xuất.

Đẩy mạnh tiêu thụ

Điều đáng mừng là hiện nay cây cam, bưởi trên địa bàn Hòa Bình đang được tiêu thụ tốt do nhu cầu thị trường ngày càng tăng. Tuy nhiên, về lâu dài cây cam cần có giải pháp thúc đẩy chế biến tại chỗ cũng như tìm hướng xuất khẩu, tránh trường hợp phát triển nhiều sẽ gây bão hòa, cung nhiều hơn cầu gây khó khăn cho tiêu thụ.

Cũng như cam, mặc dù diện tích bưởi đỏ trên địa bàn đã tăng nhanh trong những năm gần đây nhưng nhìn chung hầu hết người dân đều trồng tự phát, chưa được tập huấn kỹ thuật; diện tích trồng nhỏ lẻ, manh mún, chất lượng giống chưa bảo đảm, kỹ thuật trồng trọt chưa cao, ít có sự hỗ trợ để áp dụng sản xuất theo hướng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, an toàn (VietGAP).

Bưởi đỏ trên địa bàn đã tăng nhanh trong những năm gần đây

Bên cạnh đó, việc bảo quản hoàn toàn bằng thủ công; thời gian bảo quản ngắn chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường, dẫn đến tổn thất sau thu hoạch còn cao; việc tiêu thụ sản phẩm mang tính nhỏ lẻ, sức cạnh tranh thấp do chất lượng không ổn định, số lượng còn ít, giá trị sản phẩm chưa cao. Trong khi đó, theo mục tiêu tại Quyết định số 1178/QĐ-UBND ngày 29-4-2016 của UBND tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2016-2020, tỉnh xây dựng vùng sản xuất bưởi đỏ ổn định, tập trung quy mô 2.000 ha; phấn đấu giá trị thu nhập bình quân đạt hơn 500 triệu đồng/ha/năm.

Vì vậy để khắc phục tình trạng này, theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vương Đắc Hùng, cần có bộ quy chuẩn quốc gia về quản lý sản xuất, kinh doanh giống cây ăn quả, trong đó chú trọng giống cây ăn quả lâu năm để có cơ sở quản lý giống. Triển khai thực hiện các quy hoạch, đề án đã được phê duyệt trong sản xuất quả an toàn; hỗ trợ triển khai các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng khu sơ chế sản phẩm có công nghệ tiên tiến đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích lưu thông, thu mua sản phẩm bảo đảm lợi ích người sản xuất, chú trọng liên kết bốn nhà trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tăng cường tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, thâm canh cây ăn quả an toàn, nhất là cây có múi; hỗ trợ, xây dựng mạng lưới tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo tiêu chuẩn GAP; đẩy mạnh việc hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác và sản xuất theo hướng trang trại, gia trại quy mô tập trung để tạo sản phẩm lớn thu hút thị trường.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Cao Phong (Hòa Bình): Niềm vui sau mùa quả ngọt

Thời điểm này, các nhà vườn ở huyện miền núi Cao Phong (Hòa Bình) đã bắt đầu bước vào vụ chăm sóc cam mới. Niên vụ 2016 – 2017 vừa qua, nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi nên năng suất, sản lượng cam, quýt của toàn huyện đã tăng hơn so với niên vụ trước.

Cam Cao Phong

Cùng với đó, giá thu mua của thương lái trong toàn bộ thời gian thu hoạch cũng tương đối cao và ổn định… Tất cả những điều đó đã mang đến cho người trồng cam ở Cao Phong một mùa quả ngọt với niềm vui no ấm, mạnh giàu…

Nằm ở trung tâm huyện Cao Phong, thị trấn Cao Phong hiện có khoảng trên 700 ha cam, quýt các loại, chiếm hơn 40% tổng diện tích cam, quýt của toàn huyện Cao Phong. Những năm qua, thực hiện Đề án phát triển cây ăn quả có múi của tỉnh Hòa Bình, thị trấn Cao Phong đã tập trung chỉ đạo nhân dân tích cực chuyển đổi những diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả có múi, tập trung nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Đồng chí Nguyễn Hồng Thủy, Chủ tịch UBND thị trấn Cao Phong cho biết: “Để nâng cao sản lượng và chất lượng cây ăn quả, thị trấn đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân đầu tư, phát triển diện tích cây ăn quả có múi; áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào cải tạo, chăm sóc để nâng cao chất lượng. Cùng với việc phát triển cây cam đúng theo quy hoạch, việc giữ gìn thương hiệu cam Cao Phong cũng được địa phương đặc biệt chú trọng. Hàng năm, 100% số hộ trồng và kinh doanh cam đều được tham gia ký cam kết chấp hành đúng quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh cam, quýt”.

Là hộ có thâm niên trồng cam, ông Tạ Đình Đào, Trưởng khu 5, thị trấn Cao Phong được nhiều người biết đến như là hộ tiên phong trong gắn bó và làm giàu cùng cây cam. Với tổng diện tích trồng cam gần 7 ha, niên vụ quả 2016 – 2017 vừa qua, gia đình ông Đào thu lãi được trên 3 tỷ đồng từ tiền bán cam. Bằng kinh nghiệm nhiều năm với cây cam trên vùng đất này, ông Tạ Đình Đào khẳng định, trồng cam không khó. Nhưng phải nắm vững và tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật từ khi lựa chọn vị trí trồng, lựa chọn cây giống cho đến việc sử dụng phân bón, phòng trừ dịch bệnh…, có như vậy cây cam mới cho năng suất cao và chất lượng quả thơm ngon.

Cũng theo Chủ tịch UBND thị trấn Cao Phong Nguyễn Hồng Thủy, để có những cây mới, năng suất và hiệu quả cao đưa vào sản xuất đại trà, UBND thị trấn đã phối hợp Công ty TNHH Một thành viên Cao Phong liên kết với nhiều viện nghiên cứu, ứng dụng thành công các giống cam, quýt mới có chất lượng quả tốt, năng suất cao và phù hợp với thổ nhưỡng Cao Phong. Điển hình như các giống: quýt ôn châu, cam CS1, chanh đào, bưởi đỏ, cam canh, cam V2,… Năm 2014, sản phẩm cam Cao Phong được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận chỉ dẫn địa lý. Từ đó đến nay, giá trị kinh tế từ cây cam mang lại cho người nông dân Cao Phong đã ngày càng tăng lên. Theo thống kê sơ bộ, niên vụ cam 2016 – 2017 vừa qua, thị trấn Cao Phong có khoảng trên 200 hộ đạt mức thu nhập từ 500 triệu đồng đến dưới một tỷ đồng, hơn 70 hộ đạt từ một tỷ đồng đến mười tỷ đồng từ việc bán cam, quýt. Thu nhập bình quân của thị trấn đạt 42 triệu đồng/người. Nhiều hộ dân còn mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, liên kết mở rộng diện tích trồng cam, quýt.

Không chỉ ở riêng thị trấn Cao Phong mà từ khoảng gần chục năm lại đây, diện tích cây cam nói riêng và các loại cây ăn quả có múi nói chung đã được người dân đầu tư phát triển mạnh ra nhiều xã khác của huyện Cao Phong. Đồng chí Nguyễn Văn Hiến, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Phong cho biết: Những năm gần đây, nhờ áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất cùng với các biện pháp đồng bộ, cây cam ở Cao Phong đã và đang cho hiệu quả, năng suất chất lượng tương đối cao. Diện tích, sản lượng cam của huyện liên tục tăng qua các năm.

Năm 2010, diện tích cam, quýt 557 ha, sản lượng đạt 9.000 tấn; năm 2013, diện tích 920 ha, sản lượng đạt 16.000 tấn; năm 2014, diện tích 1.200 ha, sản lượng đạt hơn 17.000 tấn; năm 2015, diện tích là 1.500 ha, sản lượng 20.000 tấn. Năm 2016, với diện tich cam, quýt trên 1.700 ha, trong đó khoảng 900 ha đang trong thời kỳ kinh doanh, sản lượng trái cây có múi của Cao Phong đã đạt hơn 23.000 tấn. Cây cam đã trở thành cây chủ lực của huyện Cao Phong trong sản xuất hàng hóa; đồng thời cũng là “cây làm giàu” của hàng nghìn hộ dân trên địa bàn toàn huyện.

Theo thống kê, hiện tại bình quân 1 ha cam, quýt có sản lượng từ 20 – 30 tấn, giá trung bình 25.000 – 30.000 đồng/kg thì giá trị thu nhập của người trồng cam ở Cao Phong cũng vào khoảng từ 600 – 700 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí các loại, người nông dân vẫn có thể thu lãi khoảng 350 – 400 triệu đồng/ha/năm. Hàng năm, nguồn thu từ cam của toàn huyện Cao Phong ước đạt khoảng 600 tỷ đồng, con số đáng mơ ước đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp hàng hóa ở một huyện vùng cao.

Được biết, thời gian qua, huyện Cao Phong đã đẩy mạnh hướng dẫn, định hướng cho nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, phát triển bền vững vùng cam hàng hóa, tổ chức liên kết hợp tác từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng trồng cam. Đồng thời, để nâng tầm giá trị của cây ăn quả có múi, đặc biệt là cam, quýt, các cơ quan chức năng trực tiếp là Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện còn tăng cường hỗ trợ người dân ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để hình thành những vùng hàng hóa như: cam lòng vàng, cam đường canh, cam V2, cam CS1, bưởi đỏ… gắn với xây dựng các vùng cam an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.

Một mùa cam mới đang về với những người nông dân ở huyện miền núi Cao Phong. Với định hướng đúng đắn và sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, tin tưởng việc đẩy mạnh phát triển cây cam nói riêng và các loại cây ăn quả có múi nói chung sẽ thực sự là hướng đi hiệu quả, giúp nông dân Cao Phong tăng thu nhập, phát triển đời sống.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Tỷ phú từ cây cam

Những năm gần đây, Cam Cao Phong (Hòa Bình) đã trở thành thương hiệu lớn trên toàn quốc và là hình mẫu của nhiều địa phương về cách làm giàu từ nông nghiệp, cụ thể là trồng cây ăn quả.

Cam Cao Phong có giá trị dinh dưỡng rất cao

Theo kinh nghiệm của người dân ở đây, cam trồng càng lâu năm chất lượng càng ngon ngọt. Một hộ gia đình có Vườn cam 300 gốc có tuổi đời trên 10 năm cho biết, với vườn cam này, mỗi năm gia đình này lãi chừng 700 triệu đồng. Có nhiều thương lái đến mua đều phải tự tay cắt từng quả cam trong vườn, do số lượng quả nhiều.

Điển hình như hộ gia đình anh Nguyễn Văn Điệp, khu 3, thị trấn Cao Phong (Hòa Bình). Với diện tích 3 ha cam canh, cam V2 và cam lòng vàng, đồng thời tận dùng phần hàng rào trồng chanh đào. Nhờ trồng cam mà đời sống gia đình khấm khá hơn nhiều. Là khách hàng nhiều năm Trung tâm Cây giống Thôn Trang với nguồn giống chất lượng, được tư vấn quy trình chăm sóc hiệu quả, đến nay gia đình anh đã có thu nhập ổn định mỗi năm gần trên 1 tỷ đồng từ cam và chanh.

Dẫn chúng tôi thăm vườn đồi cam mới thấy hết được công sức anh chị trong việc tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật qua thông tin từ Trung tâm Thôn Trang và theo các chương trình khuyến nông, học hỏi từ bà con xung quanh, đồng thời vừa làm vừa rút kinh nghiệm kết hợp với đầu tư cải tạo phân bón, chăm sóc đúng kỹ thuật giúp cây phát triển tốt. Thấm thoát chẳng bao lâu sau vườn cam của gia đình cũng cho thu hoạch lứa quả đầu tiên.

Đến nay vườn cam của gia đình chị cũng vào năm thứ 5, chủ yếu là cam canh, cam V2 và cam lòng vàng. Năm 2015 gia đình anh thu khoảng hơn 30 tấn quả cam canh, 30 tấn quả cam lòng vàng với giá 20.000 – 25.000đồng/1kg giá buôn, trừ chi phí cho thu nhập gần 2 tỷ và ngoài ra còn thu được 200 triệu từ chanh đào. Là vùng có thương hiệu nên sản phẩm làm ra tới đâu tiêu thụ hết tới đó. Mỗi vụ thu hoạch là thương lái khắp các tỉnh thành tìm về các vườn để thu mua.

Để vườn cây được xanh tốt anh chị đã đầu tư phân chuồng ủ hoai mục để bón cho cây. Đồng thời giống cây này cũng hay bị bệnh nên chị thường xuyên cập nhất những loại thuốc đặc trị trên thị trường như sản phẩm chất lượng của Apolo, Biovina, Agriseeds mà Trung tâm Thôn Trang để phun nhằm phòng và trị bệnh.

Với sự chịu thương chịu khó, cùng tinh thần luôn học hỏi kèm theo sự tư vấn nhiệt tình, hiệu quả, khoa học của Trung tâm Cây giống Thôn Trang, bước đi của a Điệp là bước đi vững chắc cho việc làm giàu từ cây ăn quả.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Lên Cao Phong ăn cam tận vườn

Huyện Cao Phong (tỉnh Hòa Bình) đang trong vụ cam với những cây sai trĩu, nhìn thích mắt, ăn đã miệng.

Vào chính vụ, đâu đâu ở Cao Phong cũng tràn trong sắc vàng, đỏ của cam

Nằm cách Hà Nội 100 km, dọc theo quốc lộ 6, thị trấn Cao Phong (huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) nức tiếng khắp cả nước với các giống cam tươi mát, ngon ngọt. Mất chưa đầy hai tiếng đi ôtô từ Hà Nội, bạn đã có mặt ở vùng đất điểm sắc vàng ngọt lịm của cam. Dọc hai bên đường ở thị trấn Cao Phong có rất nhiều sạp bán cam cho khách đi đường, tuy nhiên cam không được tươi và có thể đã bị trộn các giống cam khác. Vì thế chỉ cần chịu khó đi vào các đường nhánh bên trong, bạn sẽ tìm được các vườn cam bạt ngàn được trồng trên sườn đồi, tha hồ thưởng thức ngay tại vườn cũng như mua mang về làm quà.

Không phải đến bây giờ cam Cao Phong mới xuất hiện nhưng người tiêu dùng Việt ngày càng mất niềm tin vào các loại hoa quả nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc nên trái cây rõ nguồn gốc xuất xứ trở nên được ưa chuộng. Các vùng trồng cam nổi tiếng ở miền Bắc như Hà Giang, Từ Liêm (Hà Nội), Cao Phong (Hòa Bình), Văn Giang (Hưng Yên) mấy năm trở lại đây còn không đủ hàng để cung ứng cho thị trường trong nước. Các giống cam cũng được trồng chọn lựa và chất lượng hơn để đáp ứng nhu cầu cao của các khách hàng khó tính.

Cam lòng vàng ít hạt, mọng nước, ăn một lần là mê

Anh Chiến, chủ của một vườn cam ở khu 6, thị trấn Cao Phong cho biết, vườn nhà anh có hơn 200 gốc cam, mỗi năm thu hoạch trung bình từ 12 đến 15 tấn quả. Cam Cao Phong bắt đầu chín từ tháng 8 âm lịch và kéo dài tới sau Tết mới hết vụ.

Có tới 6-7 giống cam được trồng ở đây, bao gồm cam Canh, cam lòng vàng, cam ruột đỏ, cam Xã Đoài… Trong đó cam lòng vàng và cam Canh được ưa chuộng hơn cả vì mọng nước và có vị ngọt đậm đà, đồng thời giá cũng cao hơn so với các loại khác từ 5.000 đến 15.000 đồng mỗi kg.

Trung bình một cân cam mua ngay tại vườn có giá khoảng 35.000 – 50.000 đồng, tùy loại. Về Hà Nội, cộng thêm phí vận chuyển, dịch vụ, giá sẽ độn lên khoảng 45.000 – 70.000 đồng mỗi kg. Vậy nên nếu vừa muốn đi chơi một chuyến, vừa muốn mua được cam giá hợp lý, tươi, sạch, nhiều người đã chọn lên tận vườn. Chỉ cần mua từ chục cân trở lên là có nhiều chủ vườn niềm nở, dễ tính sẽ tiếp đón bạn.

Nhiều bạn trẻ ham du lịch lại “máu” kinh doanh đã chọn Cao Phong là địa điểm thường xuyên lui tới. Ở đây vừa có đồng mía vừa có vườn cam, đi lại không tốn nhiều thời gian, di chuyển và chơi trong ngày thoải mái. Tuy nhiên, lưu ý là đường từ Hà Đông lên Hòa Bình nhiều đoạn đang làm, đi bằng ô tô sẽ an toàn và đỡ bụi hơn.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Thương hiệu cam Cao Phong tạo nên giá ổn định cho thị trường

Đã vài năm trở lại đây, nhắc tới thương hiệu “cam Cao Phong”, người tiêu dùng đều tin tưởng về chất lượng bởi quả cam ngọt, có vị riêng và thương hiệu này đã khẳng định chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Cam lòng vàng tại thị trấn Cao Phong

Cam vàng quốc lộ 6

Chúng tôi đi dọc tuyến đường từ thành phố Hòa Bình vào địa bàn huyện Cao Phong, bắt đầu từ đỉnh dốc Cun (xã Thu Phong) cho đến xã Bắc Phong, thị trấn Cao Phong, Tây Phong… trải vàng 2 bên đường là màu cam chín vàng rực.

Ngay tại thị trấn Cao Phong sầm uất, từ quốc lộ 6 rẽ các tuyến đường vào các xã của huyện, chỉ chưa đầy 100 m đã thấy trước mắt là bạt ngàn cam. Có lẽ vì thế mà khách du lịch và người qua đường vẫn gọi vui đây là “phố cam”. Cảm giác dễ chịu, thích thú đầu tiên của du khách khi vào vùng cam đó là các tuyến đường đã được đầu tư cứng hóa, mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông đi lại cũng như thăm quan, du lịch.

Theo ông Khương Xuân Lịch (Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong), toàn bộ thị trấn Cao Phong có khoảng 800ha diện tích trồng cây có múi, chủ yếu là trồng cam. Năm 2017, diện tích cho quả khoảng 15.000 tấn, cao hơn cùng kỳ năm ngoái do diện tích thu hoạch và trống mới đã tăng lên. Theo ông Lịch, năng suất cam tại thị trấn khoảng 30 tấn/ha.

“Mặc dù năm vừa qua bị ảnh hưởng bởi thiên tai bão lũ, thị trấn giảm khoảng 20 tấn nhưng nhìn chung sản lượng vẫn ổn định, đặc biệt là giá không có nhiều chênh lệch lớn. Giá cam canh khoảng 25-30.000 đồng/kg, trong khi giá cam lòng vàng cắt tại vườn cũng ổn định ở mức trên 20.000 đồng/kg. Tính trung bình, mức thu nhập của người dân trồng cam năm nay khoảng 51 triệu đồng/người”, ông Lịch nói.

Về thông tin hiện nay việc tiêu thụ cam đang chậm hơn so với mọi năm, chất lượng quả cam không được như những năm trước. Ông Lịch cho biết: “Đúng là năm nay sản lượng cam lớn hơn năm ngoái, nhiều hơn khoảng 3.000 tấn nhưng không có chuyện cam Cao Phong “vỡ trận” hay giá thấp mà trái lại, vẫn ổn định bởi thương hiệu cam Cao Phong đã được người tiêu dùng tin tưởng”.

Minh chúng cho điều này, ông Lịch đưa ra dẫn chứng còn tới 2 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán cổ truyền nên cơ hội bứt phá và đầu ra cho trái cam vẫn còn nhiều cơ hội. Hơn nữa, các nhà vườn mới chỉ thu hoạch khoảng 40% sản lượng, nhiều giống cam vẫn còn chưa thu hoạch. Đặc biệt, sau 1 năm thực hiện tiêu chuẩn Vietgap, quả cam được dán nhãn QR truy xuất nguồn gốc và được kiểm định chất lượng nên người tiêu dùng hoàn toàn tiếp tục tin tưởng vào chất lượng của quả cam Cao Phong năm nay.

Thương hiệu tạo nên giá ổn định

Chúng tôi tới hàng cam Hương Đồng của chị Lê Thị Hương (có địa chỉ tại  số 136, tiểu khu 1, thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong) khi cửa hàng đang tấp nập đón các đoàn thăm quan vườn cam, vừa kết hợp du lịch trải nghiệm, vừa mua sản phẩm cam Cao Phong.

Chị Hương cho biết, trung bình một ngày gia đình chị bán được khoảng 2-3 tấn cam. Dù mới trải qua một tháng thu hoạch nhưng gia đình chị đã bán được khoảng 100 tấn, nhiều hơn hẳn so với các gia đình khác.

Người mua cam có thể mua tại cửa hàng của gia đình hoặc cắt trực tiếp tại vườn cam. “Gia đình tôi có khoảng 10ha, trong đó 8ha đang thu hoạch, chủ yếu tập trung là cam lòng vàng và V2. Giá bán tại cửa hàng là 30-35.000 đồng/kg. Một số khách hàng bảo tại sao tôi bán giá cao hơn so với các nơi khác, tôi giải thích việc cam Cao Phong đã có thương hiệu, giá cam ổn định qua các năm và không chấp nhận việc bán thấp hơn giá đã niêm yết. Chúng tôi cam kết nếu chất lượng quả cam không đúng sẽ đền bù cho khách hàng”, chị Hương nói.

Theo chị Hương, quả cam Cao Phong ngon là cam có sắc màu đỏ thẫm hoặc vàng tươi, mọng nước. Quả cam ăn ngon, ngọt còn bởi gia đình đã chú trọng đầu tư từ nhiều năm nay như bón cam bằng đậu tương nghiền nhỏ, tưới cam bằng nước ủ cá sông Đà từ 6-8 tháng…

Chị Hương nói thêm: “Gia đình tôi bán và trồng cam đã nhiều năm tại khu vực đã có chỉ dẫn địa lý về cam Cao Phong nên người mua hoàn toàn tin tưởng về chất lượng và nguồn gốc. Giá cả là một phần chứ chất lượng quả cam mà không đúng như cam kết thì người mua sẽ không quay lại với mình nữa”.

Phát triển lâu dài

Trước việc sản lượng cũng như diện tích trồng cam tăng nhanh tại Cao Phong, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Cương (Giám đốc Hợp tác xã Hà Phong) về hướng phát triển lâu dài cho quả cam tại địa phương.

Cam lòng vàng nặng trĩu phủ đầy thị trấn Cao Phong

Ông Cương cho biết: “Chúng tôi đang tiến hành xây dựng nhà máy chế biến và bảo quản cam, dự kiến khoảng tháng 8/2018 sẽ đưa vào hoạt động, sẽ thu mua khoảng 20-25.000 tấn cam để phục vụ dây chuyền hoạt động, chiếm khoảng 1/2 sản lượng cam toàn huyện Cao Phong”.

Ông Cương cho biết, mục tiêu của nhà máy chế biến và bảo quản cam Cao Phong là có nhiều sản phẩm từ quả cam như hoa quả khô, tinh dầu, thậm chí rượu cam sau khi Hợp tác xã đã có quá trình học hỏi kinh nghiệm tại nhiều địa phương đã thành công. Ngoài ra,  quá trình bảo quản hoàn toàn nguyên sơ quả cam tại các kho đông lạnh sẽ giúp việc bán cam quanh năm sau khi đã kết thúc niên vụ.

“Hiện chúng tôi đã tiến hành thử nghiệm thành công việc bảo quản cam và thúc đẩy tiến độ hoàn thành nhà máy sớm hơn dự kiến để đưa vào hoạt động. Trong tương lai không xa, việc tiêu thụ cam tại Cao Phong sẽ được tập trung và có nhiều biện pháp tích cực hơn nữa hỗ trợ người nông dân trồng cam yên tâm đầu ra cho nông sản này”, ông Cương nói.

Trao đổi với PLVN , ông Hồ Xuân Dũng (Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Phong) cho biết: “Thương hiệu cam Cao Phong vài ba năm trở lại đây đã có chỗ đứng trên thị trường và chiếm được lòng tin của người tiêu dùng. Thành quả đó là nỗ lực của các cấp, các ngành và người dân huyện Cao Phong đã nhiều năm. Dù hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại cam nhưng cam Cao Phong vẫn có giá bán ổn định, chất lượng bảo đảm là điều kiện tiên quyết giữ vững thị trường”.

Theo ông Dũng, người mua cam nên mua sản phẩm cam Cao Phong tại các khu vực có chỉ dẫn địa lý gồm thị trấn Cao Phong, các xã Thu Phong, Bắc Phong, Dũng Phong, Tân Phong và Tây Phong cho 4 giống cam gồm CS1, Xã Đoài lùn, Xã Đoài cao và cam Canh để có thể an tâm về chất lượng.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.