Thừa Thiên – Huế: Cá dìa đã được sinh sản nhân tạo thành công

Sau gần 2 năm nghiên cứu, TS Nguyễn Ngọc Phước và ThS Lê Văn Bảo Duy, Khoa Thủy sản, Trường Đại học Nông lâm Huế đã thành công trong việc hoàn thiện quy trình sinh sản nhân tạo và ương nuôi cá dìa quanh năm với tỷ lệ sống cao và ổn định.

Cá dìa là một trong những giống cá biển có giá trị kinh tế

Thành công này sẽ giúp việc cung cấp được con giống quanh năm cho người nuôi trồng thủy sản, mở ra nhiều cơ hội phát triển cho nghề nuôi cá dìa nói riêng và sản xuất giống cá biển nói chung tại Thừa Thiên – Huế và ở Việt Nam.

Được biết, sinh sản nhân tạo và ương nuôi cá dìa là một trong những thách thức lớn đối với nghề nuôi cá biển Việt Nam, do quá trình ương ấu trùng sau khi nở không thành công, tỷ lệ sống của ấu trùng đến 6 – 7 ngày tuổi rất thấp và thiếu ổn định. Do đó, thành công của đề tài sẽ đóng góp thiết thực cho người nuôi trong nước trong việc nuôi thương phẩm loài cá này.

Nguồn: Thủy sản Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nuôi xen ghép tôm sú – cá dìa – cua

Đầu năm 2017, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình phối hợp với Phòng NN-PTNT huyện Quảng Ninh triển khai mô hình nuôi xen ghép tôm sú, cá dìa và cua trên diện tích ao nuôi 3.000m2 của gia đình bà Lê Thị Lịch ở thôn Trúc Ly, xã Võ Ninh.

Nuôi xen ghép tôm sú – cá dìa – cua 

Trong quá trình thực hiện mô hình, gia đình bà Lê Thị Lịch được hỗ trợ con giống gồm 1.500 con cá dìa, 45.000 con tôm sú và 1.500 con cua và được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và trực tiếp hướng dẫn quy trình, theo dõi tình hình sinh trưởng, phát triển của các loại đối tượng thủy sản nuôi trồng.

Sau gần 5 tháng thực hiện, nhìn chung mô hình phát triển khá tốt. Trọng lượng bình quân cá dìa đạt 200 gram/con, tôm sú 40 con/kg và cua 200 gram/con. Theo đánh giá tại hội thảo, mô hình cho thu hoạch 2 tạ cá dìa, 1,5 tạ cua và 6,7 tạ tôm sú, tổng doanh thu ước đạt hơn 182 triệu đồng; trừ chi phí đầu tư, hộ nuôi trồng có thu nhập 90 triệu đồng.

Đây là hình thức nuôi trồng mới, nuôi xen ghép các đối tượng nhằm cải thiện môi trường, hạn chế dịch bệnh, khai thác được tiềm năng ao hồ nuôi trồng thủy sản mặn lợ, hồ nuôi tôm kém hiệu quả hoặc bỏ hoang sang nuôi theo mô hình, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập.

Nguồn: Baomoi.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nuôi cá dìa giúp tăng thu nhập và cải tạo môi trường ao tôm

Đối với nông dân, một trong những khó khăn trong nuôi tôm chính là xử lý nạn ô nhiễm môi trường nước. Khắc phục khó khăn này, nhiều hộ dân ở tỉnh Thừa Thiên – Huế đã phát triển mô hình nuôi cá dìa kết hợp với con tôm sú.

Cá dìa có đặc tính thích ăn tạp. Do vậy, cá dìa sẽ ăn rong, tảo và một phần thức ăn dư thừa cùng những mùn bã hữu cơ giúp môi trường nước ao nuôi được sạch hơn, giảm thiểu dịch bệnh. Đây cũng là giải pháp góp phần cải thiện môi trường ao nuôi và sử dụng nguồn thức ăn có hiệu quả.

Theo kinh nghiệm của nông dân Thừa Thiên – Huế, nếu cá giống lớn, mật độ thả ghép thưa khoảng 1 con/m2, sau 4 – 5 tháng nuôi cùng tôm, cá dìa có thể cho thu hoạch 0,8 – 1 tấn/ha, tỷ lệ sống đạt 60% trở lên, lợi nhuận từ 70 – 80 triệu đồng/ha. Quan trọng hơn, khi nuôi ghép với tôm sú, tôm vẫn phát triển tốt, ít dịch bệnh, giảm được chi phí thuốc và hóa chất trong quá trình nuôi.

Một ưu điểm khác của cá dìa là có thể nuôi ngay trong ao tôm bị dịch bệnh. Cá dìa sẽ tiêu diệt các mầm bệnh tồn lưu trong ao tôm. Nông dân có thể thả cá với mật độ từ 2 – 3 con/m2, sử dụng thức ăn tự chế hoặc cám công nghiệp. Sau 10 – 12 tháng nuôi, cá có thể đạt trọng lượng 0,6 – 1kg/con, tỷ lệ sống cao.

Cá dìa ăn thức ăn tự nhiên nên chi phí đầu tư thức ăn thấp. Tuy nhiên, nông dân cũng cần chọn con giống sạch, có chế độ chăm sóc tốt, đề phòng các bệnh, chủ động theo dõi các yếu tố môi trường, vì cá dìa khá nhạy cảm với biến đổi thời tiết…

Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I, Đại học Huế, Đại học Nha Trang, Đại học Cần Thơ đã sản xuất giống cá dìa nhân tạo thành công. Vì vậy, nông dân có nhu cầu nuôi có thể liên hệ với các địa chỉ trên để mua con giống và tìm hiểu thông tin, kỹ thuật nuôi.

Nguồn: Tomvang.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật nuôi cá Kỹ thuật nuôi cá dìa trong ao đất kết hợp tôm sú

Cá dìa là một đặc sản của Thừa Thiên Huế, không chỉ người dân Huế mà cả khách du lịch đều biết đến giá trị thương phẩm của loài này.

Nắm bắt nhu cầu thị trường, đồng thời được sự vận động của các cán bộ Trung tâm Khuyến ngư tỉnh, anh Nguyễn Văn Dưỡng ở thôn Triệu Thôn, xã Phú An, huyện Phú Vang đã mạnh dạn đầu tư hơn 5000 m2 ao đất của mình để nuôi cá dìa kết hợp với nuôi tôm sú.

Từ những kiến thức đã học hỏi từ các cán bộ kỹ thuật, anh Dưỡng cho biết cá dìa là đối tượng nuôi có nhiều ưu điểm phù hợp với điều kiện tự nhiên của Huế. Chúng là loài rộng nhiệt, rộng muối, chịu được biên độ dao động muối từ 5-37‰. Thức ăn của cá dìa là thực vật thuỷ sinh, mùn bã hữu cơ, đồng thời chúng vẫn có thể ăn thức ăn tổng hợp nên rất tốt cho việc cải thiện môi trường ao nuôi.

Các bước thực hiện trong quá trình nuôi cá dìa của anh Dưỡng như sau:

Kỹ thuật cải tạo ao nuôi:

Trước khi thả nuôi cá phải tiến hành cải tạo kỹ ao nuôi. Sau khi cày xới mặt ao, anh Dưỡng dùng 500 kg vôi bột rải đều mặt ao, đặc biệt bón nhiều ở những chỗ còn đọng nước.  Dùng phân vi sinh và phân NPK để gây màu nước với hàm lượng 10kg phân vi sinh/100m2 và 3kg phân NPK/100 m2.

Hướng dẫn thả giống:

Trên diện tích 5000 m2, anh Dưỡng thả 2500 con cá dìa giống cỡ 50-70g/con, 7.500 tôm sú giống.

Kỹ thuật chăm sóc:

Biết được cá dìa là loài ăn thực vật thủy sinh, mùn bã hữu cơ nên anh Dưỡng tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên như rong tảo. Ngoài ra anh còn tự chế biến thức ăn từ ngũ cốc, cá tạp. Trong quá trình nuôi, cá dìa cũng mắc phải một số bệnh như bệnh ký sinh trùng và bệnh nhiễm khuẩn nhưng sau khi xử lý bằng formol (100%) với nồng độ 100-150ppm thì cá hết bệnh.

Sau 3 tháng nuôi anh Dưỡng thu được 312 kg cá dìa thịt, 150 kg tôm sú, 100 kg cua và tôm đất. Cá dìa có trọng lượng bình quân 250g/con, tỷ lệ sống 50%. Sau khi trừ chi phí, anh Dưỡng thu lãi hơn 8 triệu đồng.

Mô hình nuôi cá dìa kết hợp nuôi tôm sú bước đầu thành công đã làm tăng thu nhập của gia đình anh Dưỡng. Cá dìa sử dụng nguồn thức ăn tự nhiên nên chi phí thức ăn thấp. Tuy nhiên cần phải lưu ý lựa chọn con giống sạch, có chế độ chăm sóc tốt, đề phòng các bệnh, chủ động theo dõi các yếu tố môi trường vì cá dìa khá nhạy cảm với biến đổi thời tiết.

Nguồn: Tiếp Thị Nông Nghiệp được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Cá dìa – loài nuôi nước lợ đáng giá

Đặc điểm sinh học

Cá dìa có hình bầu dục dẹt 2 bên, mắt to tròn, đầu nhỏ, thân trơn nhẵn, màu hơi đen, trên thân có những chấm vàng sẫm, bụng màu bạc, vây lưng và vây hậu môn có gai cứng. Cá trưởng thành dài 25 – 30cm, trọng lượng 1 – 2kg, ngoài tự nhiên thường bắt được cá khoảng 0,5 – 0,7kg.

cá dìa

Ở nước ta, cá dìa có ở hầu hết các tỉnh ven biển; trong đó nhiều nhất tại các vùng biển Quảng Thái (Thừa Thiên – Huế), vùng hạ lưu sông Thu Bồn và các bãi bồi thuộc tỉnh Quảng Nam, vùng hạ lưu sông Hiếu và sông Bến Hải (Quảng Trị)…

Cá dìa là loại di cư và sống theo bầy đàn. Chúng thành thục sau 1 – 2 năm tuổi, sinh sản ở vùng nước lợ. Khi còn nhỏ, chúng sống chủ yếu ở vùng đầm phá cửa sông, trưởng thành thì di cư ra biển, tìm đến các ghềnh đá, bãi san hô… để sinh sản. Mùa sinh sản (tháng 5 – 6 dương lịch), trứng cá nở thành cá bột theo thủy triều dạt vào các bãi bồi để sinh trưởng và phát triển. Cá dìa thích ứng nồng độ muối trong nước biển từ 5 đến 37‰ và sinh trưởng thích hợp nhiệt độ 24 – 280C.

Cá dìa hoạt động và kiếm mồi ban đêm, thức ăn chủ yếu là thực vật thủy sinh, mùn bã hữu cơ; trong điều kiện nuôi, chúng có thể ăn thức ăn tổng hợp.

Ngoài tự nhiên, cá dìa sau 1 năm tuổi có thể đạt trọng lượng trung bình 0,4 kg/con. Trong điều kiện nuôi, chúng có thể đạt trọng lượng 0,5kg sau 6 tháng. Cá sử dụng tốt thức ăn tự chế và thức ăn công nghiệp với hàm lượng đạm 20 – 25%.

Đối tượng nuôi đa dạng

Nhờ đặc tính ăn tạp nghiêng về thực vật và mùn bã hữu cơ, cá dìa được nuôi ghép với tôm sú. Trong ao nuôi, cá dìa tận dụng tốt nguồn rong, tảo và một phần thức ăn thừa cùng mùn bã hữu cơ, giúp môi trường nước nuôi sạch hơn, giảm thiểu dịch bệnh. Với giống lớn, mật độ thả ghép thưa (0,5 – 1 con/m2) sau 4 – 5 tháng nuôi cùng tôm, cá dìa có thể cho thu hoạch 0,8 – 1 tấn/ha, tỷ lệ sống 60% trở lên lợi nhuận ước đạt 70 – 80 triệu đồng/ha. Quan trọng hơn cả, khi nuôi ghép với tôm sú, tôm vẫn phát triển tốt, ít dịch bệnh, giảm được chi phí thuốc và hóa chất trong quá trình nuôi.

Ngoài ra, cá dìa còn là đối tượng nuôi chính trong ao nuôi tôm bị dịch bệnh; vừa mang lại hiệu quả kinh tế, đồng thời giúp tiêu diệt mầm bệnh tồn lưu trong ao tôm. Với mật độ thả 2 – 3 con/m2, sử dụng thức ăn tự chế hoặc cám công nghiệp, sau 10 – 12 tháng nuôi, cá có thể đạt trọng lượng 0,6 – 1 kg/con. Đặc biệt, cá dìa ăn tạp nên tính cạnh tranh của cá thấp, tỷ lệ sống cao.

Hiện nay, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I, Đại học Huế, Đại học Nha Trang, Đại học Cần Thơ đã thử nghiệm sản xuất giống cá dìa nhân tạo thành công, nhưng số lượng con giống còn hạn chế. Do vậy, nguồn giống cá dìa vẫn chủ yếu từ tự nhiên, hàng năm vào tháng 6 – 7 dương lịch, hoặc tháng 9, 10, tập trung nhiều ở các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Khánh Hòa, Bình Thuận, giá bán 3 – 4 nghìn đồng/con, kích cỡ 3 – 4cm.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam