Kỹ thuật nuôi cá Măng thương phẩm

Cá măng là loài cá ăn tạp, thức ăn chủ yếu của chúng là các sinh vật nhỏ, mùn bã hữu cơ, rong tảo…

Cá Măng

Với những đặc điểm của cá măng như: nhanh lớn, ít dịch bệnh, có thể nuôi ghép, chất lượng thịt của cá cao, dễ tiêu thụ… nên cá măng là một trong những loài thích hợp cho mục đích đa dạng hóa các đối tượng trong nuôi trồng thủy sản.

I. Một số đặc điểm sinh học của cá măng

1. Hình thái cấu tạo

Cá có thân dài và dẹp bên, đầu to, vừa. Lưng có màu xanh lục, lườn và bụng có màu trắng, mép vây lưng, vây hậu môn và vây đuôi đều có viền đen, vây ngực và vây bụng đen ở gốc. Chiều dài thân cá không kể đuôi gấp 3,5 lần chiều cao thân.

2. Đặc điểm phân bố của cá măng

Cá măng là loài cá rộng nhiệt. Ở nước ta, cá phân bố ở phía đông vịnh Bắc bộ và vùng biển Trung bộ. Cá lớn nhanh ở nhiệt độ 28-300C, nhiệt độ dưới 150C cá phải được trú đông. Cá măng sống rộng muối, cá trưởng thành sống ở ngoài khơi. Ấu trùng sau khi nở sẽ di chuyển vào bờ, và lớn lên ở vùng đầm, cửa sông nước lợ hay có thể vào sâu trong sông hồ nước ngọt. Độ mặn tốt nhất cho sự tăng trưởng của cá là 15- 250/00.

3. Đặc điểm dinh dưỡng và sinh trưởng của cá măng

Trong tự nhiên, thức ăn của cá măng chủ yếu là phiêu sinh thực vật. Vì vậy, cá có cấu trúc mang với rất nhiều lược mang có tác dụng lọc và tập trung thức ăn. Cá con ăn phiêu sinh thực vật, phần lớn là mùn bã hữu cơ và các chất vẩn trong nước hay đáy thủy vực. Cá có tập tính ăn ban ngày vào lúc 7 giờ và 13 giờ. Sau 3 tuần tuổi, cá măng có đặc tính ăn các loại lab-lab bao gồm các loại tảo lam, tảo lục, tảo khuê và giáp xác, ấu trùng côn trùng, giun đất; mùn bã hữu cơ làm thức ăn chủ yếu nên góp phần giải quyết các chất cặn bã tiềm ẩn trong ao nuôi, giúp cải thiện và đảm bảo tính ổn định về môi trường.

Ngoài ra, trong điều kiện nuôi, cá măng cũng có thể thích nghi và sử dụng tốt các thức ăn nhân tạo như thức ăn công nghiệp dạng viên hạt hay thức ăn tự chế biến.

4. Đặc điểm sinh sản của cá măng

Tùy từng vùng với điều kiện môi trường tự nhiên khác nhau, tuổi thành thục của cá măng cũng khác nhau. Cá cái thông thường thành thục ở 5-6 năm tuổi, cá đực ở 4 năm tuổi. Mùa vụ sinh sản của cá bắt đầu từ khoảng tháng 4-5. Mùa vụ sinh sản có thể kéo dài và có thể đẻ nhiều lần trong năm. Cá thường di cư sinh sản vào những kỳ trăng non, lúc nước cường.

II. Chuẩn bị ao nuôi và thả cá măng giống

Ao nuôi: Có diện tích từ: 1.000 – 5.000 m2, ao nuôi có nguồn nước cấp chủ động, có cống cấp và cống thoát riêng biệt.

1. Chuẩn bị ao nuôi cá măng

Trước khi nuôi, chuẩn bị ao thật kỹ là khâu rất quan trọng quyết định đến tỷ lệ sống của cá nuôi và năng suất thu hoạch. Các bước tiến hành như sau:

– Tiến hành cải tạo ao: Tháo cạn ao, vét bùn đáy, chỉ để lớp bùn đáy dày 5-10 cm, lấp kín hang hốc, diệt tạp để hạn chế địch hại.

– Bón vôi nung CaO: với liều lượng 10 kg/100m2. Phơi đáy ao trong thời gian từ 3 – 5 ngày.

– Lấy nước vào ao qua lưới lọc. Mực nước trong ao ban đầu khoảng 0,8 – 1,2m.

– Kiểm tra các yếu tố môi trường nước trước khi thả cá giống:

+ Độ mặn: 10 – 300/00; + Độ pH: 7,5 – 8,5;

+ Nhiệt độ: 25 – 320C; Trong việc chuẩn bị ao, vấn đề quan trọng là phải tạo được lớp lab-lab và phiêu sinh vật cho cá.

1.1 Tạo lab-lab

Cho nước vào tiếp khoảng 10 cm. Bón phân DAP với lượng 50-100kg/ha. Mỗi ngày thêm 5cm nước, sau đó làm đầy đến mức nước 0,8-1,2m đối với ao nuôi thương phẩm. Để duy trì sự phát triển liên tục của lab-lab trong quá trình nuôi, định kỳ bón 15kg phân DAP/ha/7–10 ngày. Trước khi thu hoạch 20 ngày nên ngừng bón phân. Đáy ao cứng và nước mặn 25-320/00 là điều kiện tốt để tạo lab-lab.

1.2 Tạo phiêu sinh vật

Phương pháp gây màu nước tạo phiêu sinh vật không giống như phương pháp tạo lab-lab do yêu cầu mức nước sâu hơn và thường gây màu tạo phiêu sinh vật vào mùa mưa trong khi tạo lab-lab vào mùa nắng. Gồm các bước như:

a.Tháo cạn đáy ao rồi tiến hành các bước cải tạo ao nuôi.

b. Sau đó lấy nước mới qua lưới lọc đến độ sâu 60cm.

c. Bón phân vô cơ DAP với lượng 15kg/ha. Sau đó tăng dần mức nước trong ao lên đến 1,2m.

d. Sau khi bón phân 1 tuần thì thả cá giống.

e. Mỗi tuần bón phân với liều lượng trên để duy trì độ trong của nước: 25- 35cm.

2. Cách thả cá măng giống

Thời gian thả cá giống thích hợp nhất từ tháng 3 – tháng 5 dương lịch. Mật độ thích hợp cho nuôi thương phẩm là 1 – 2 con/m2.

Cỡ cá giống: ≥4cm/con, kích cỡ đồng đều. Ngoại hình cá cân đối, màu sắc cá tươi sáng, vây, vẩy hoàn chỉnh, cá không bị xây xát, bơi lội nhanh nhẹn, không có dấu hiệu cá bị bệnh.

III. Hướng dẫn cách chăm sóc cá và quản lý ao nuôi cá măng

1. Cho cá măng ăn  

– Ngay sau khi thả cá giống, chọn vị trí thích hợp cho cá ăn  tập trung, đúng giờ. Ngoài thức ăn tự nhiên là lab-lab, thức ăn cho cá măng: chủ yếu sử dụng thức ăn công nghiệp dạng viên nổi dành cho cá, có độ đạm từ 25 – 40%. + Cho cá ăn 2 lần/ngày (buổi sáng từ 6 – 7 giờ, buổi chiều từ 18 – 19 giờ).

+ Khi cá còn nhỏ, cho cá ăn 2 lần/ngày với khẩu phần từ 3 – 5% trọng lượng thân.

+ Khi cá đạt trọng lượng ≥300g/con, cho cá ăn 1 lần/ngày với khẩu phần giảm dần còn 2% trọng lượng thân.

+ Kiểm tra thức ăn sau 02 giờ để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.

– Cần định kỳ bổ sung thêm vitamin C và Premix khoáng, men tiêu hóa vào thức ăn khi cho cá. Ngoài ra, tùy từng trường hợp cụ thể, có thể dùng kháng sinh phòng trị bệnh trong quá trình chăm sóc cá. 2. Quản lý các yếu tố môi trường nước

– Thường xuyên theo dõi các yếu tố môi trường nước trong ao nuôi và kết hợp lịch thủy triều để thay nguồn nước tốt. Mỗi lần thay nước khoảng 20 – 30% lượng nước trong ao nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường ao nuôi, kích thích cá phát triển. Khi nước trong ao có nhiều chất lơ lửng, nổi bọt khí, hoặc nước quá trong, thì thay nước ngay.

– Quản lý chất lượng nước trong điều kiện thích hợp là yếu tố quyết định đến sự thành công của việc nuôi. Trong những ngày mưa hay trời mát kéo dài, lab-lab có thể bị chết, dẫn đến thiếu oxy, do đó cần có biện pháp xử lý khi cần thiết như thay nước, sục khí…

– Trong 2 tuần đầu tiên, cấp thêm nước vào ao cho đến khi đạt mực nước 1,5m để giúp cá thích nghi dần với môi trường nước mới.

– 2 tuần tiếp theo, thay từ 10 – 20% lượng nước trong ao.

– Từ tháng thứ 2 đến tháng thứ 3: lợi dụng thủy triều hoặc dùng bơm để thay nước trong ao ít nhất 2 lần/tuần, mỗi lần thay 30% lượng nước trong ao.

– Từ tháng thứ 3 trở đi: Thường xuyên thay nước, mỗi lần thay 30% lượng nước trong ao hoặc nhiều hơn khi nước trong ao nuôi bị ô nhiễm.

– Định kỳ đánh Zeolite để xử lý đáy ao 2 lần/tháng, với liều lượng 10 – 20kg/1000m2. – Thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường nước như: pH, độ mặn, màu nước, oxy hoà tan, nhiệt độ nước… Duy trì các chỉ số ổn định trong giới hạn thích hợp, bảo đảm cho cá phát triển bình thường trong suốt thời gian nuôi. Cụ thể như sau:

+ pH:  7,5 – 8,5

+ Nhiệt độ:  25 – 320C

+ Độ mặn: 10 – 30 0/00

+ Độ trong: 25 – 35cm

3. Hướng dẫn cách chăm sóc cá măng

– Khi cá lớn với mật độ dày, có thể chủ động quạt nước về đêm hoặc gần sáng để đảm bảo đủ oxy cho cá nuôi.

– Theo dõi thường xuyên và quan sát màu sắc da cá, hoạt động bắt mồi của cá để phát hiện bệnh cá và có biện pháp xử lý kịp thời.

– Định kỳ thu mẫu để kiểm tra sức khỏe cũng như tốc độ tăng trưởng của cá. Ghi chép các số liệu về tốc độ tăng trưởng, lý do cá chết, cách xử lý. Vớt bỏ cá bị chết để ngăn chặn việc lây lan bệnh.

Thu hoạch cá măng

– Tùy theo cỡ cá giống thả mà thời gian nuôi khác nhau, từ 8 đến 10 tháng. Với cỡ cá giống ≥ 4  cm/con, sau 8 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng bình quân  0,7kg/con. Kích cỡ cá thu hoạch tuỳ thuộc vào nhu cầu của khách hàng.

– Tránh làm trầy vảy hoặc tổn thương cá khi thu hoạch để đảm bảo giá trị thương phẩm của cá.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Kỹ thuật nuôi cá Mú lồng bè trên biển

I. Chọn giống       

1. Nguồn giống nuôi

 Hiện nay nguồn giống cho nuôi cá mú lồng vẫn chủ yếu là đánh bắt cá con ngoài tự nhiên, mùa vụ đánh bắt cá con thường vào những tháng đầu mùa mưa.

Cá Mú giống

Cá giống có thể vận chuyển theo nhiều phương pháp như bằng thùng có sục khí, bao nylon bơm oxy….           

2. Cách chọn giống và thả giống

Cá giống thả nuôi cần đồng cỡ, khoẻ mạnh, không bị sây sát.

Cần phân cỡ cá và thả từng lồng riêng.

Không thả cá to nhỏ khác nhau trong cùng một lồng dễ xảy ra tình trạng cá lớn ăn cá bé hoặc cá lớn tranh mồi của cá bé dẫn đến tỷ lệ hao hụt cao.

Kích cỡ giống thích hợp từ 10 – 12cm, trọng lượng khoảng 60 – 70g.

Trước khi thả cá cần xử lý cá qua formol với nồng độ 100ml/m3 trong một giờ có sục khí hay tắm cá qua nước ngọt 5 – 10 phút để loại mầm bệnh ký sinh trên cá.

Nên thả cá lúc sáng sớm hoặc chiều mát là tốt nhất.

Mật độ thả: 15 – 25con/m3.

II. Chăm sóc và quản lý

1. Quản lý thức ăn cho cá

Thức ăn cho cá chủ yếu là cá tạp (cá mối, cá cơm, cá trích, cá liệt…) cá phải tươi, lựa bỏ tạp chất, loại bỏ ký sinh trùng bằng cách ngâm trong nước ngọt trước khi cho ăn để tránh gây bệnh cho cá nuôi.

Thức ăn được rửa, cắt thành khúc phù hợp với miệng cá và cho ăn 2 lần/ngày vào lúc sáng sớm (7 -8 giờ) và chiều mát ( 4 -5 giờ).

Cần rãi mồi chậm để cá dễ dàng bắt mồi.

Cho cá ăn từ từ đến khi cá ngừng ăn thì dừng lại tránh để thức ăn rơi xuống đáy lồng.

Lượng thức ăn cho ăn tuỳ thuộc vào trọng lượng cá, cá nhỏ thức ăn bằng 10% trọng lượng thân, cá lớn thức ăn từ 3 – 5% trọng lượng thân.

Tuy nhiên, khi thời tiết, môi trường có sự thay đổi hoặc cá bị nhiễm bệnh cá sẽ giảm ăn vì vậy căn cứ vào tình hình hiện tại để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.

  Định kỳ 10 ngày sử dụng vitamin C và khoáng trộn vào thức ăn cho ăn liên tục từ 5 – 7 ngày, để tăng khả năng bắt mồi và sức đề kháng cho cá nuôi.

2. Quản lý lồng và môi trường nuôi

Sau một thời gian nuôi khoảng 1 tháng, lưới lồng sẽ bị các sinh vật biển bám và phá như hàu, vẹm, thủy tức, rong biển…Điều này làm hạn chế dòng chảy qua lồng, giảm lượng oxy cung cấp, tăng mầm bệnh ký sinh và dễ làm sây sát cá nuôi.

Khi đó nếu kết hợp với một số nguyên nhân khác như môi trường biến động, sức khỏe cá giảm sẽ dễ làm cá nhiễm bệnh.

Giữ vệ sinh lồng sạch sẽ để cá tránh bị nhiễm bệnh

Vì vậy nên thường xuyên cọ rữa lưới và định kỳ 1 –2 tháng thay lưới một lần.

Thường xuyên lặn theo dõi lồng nuôi, đáy lồng đề phòng lồng bị hư hỏng.

Định kỳ phân cỡ cá nuôi và điều chỉnh mật độ nuôi thích hợp, theo dõi phát hiện bệnh kịp thời để xử lý có hiệu quả.

Định kỳ đo các chỉ tiêu môi trường nước (oxy, pH, nhiệt độ, độ mặn) để có biện pháp xử lý kịp thời.

Khi môi trường thay đổi xấu như nước phát sáng, nhiều cặn bã, sinh vật lạ xuất hiện hay cá xung quanh bị nhiễm bệnh tiến hành treo trong lồng túi thuốc tím, để phòng bệnh cho cá.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Kỹ thuật nuôi cá Mú đen – cá Mú trân châu hiệu quả kinh tế cao

I. Vận chuyển cá giống

Để giảm thiểu hao hụt và đảm bảo sức khỏe cho cá khi phải vận chuyển đi xa, cần phải biết cách xử lý cá trước khi vận chuyển đồng thời nắm rõ các biện pháp kỹ thuật vận chuyển.

Cá mú giống

1. Xử lý cá trước khi vận chuyển

Cá mú con đánh bắt ngoài tự nhiên phải được nhốt tạm từ 1-2 tuần trong bể hoặc trong thùng có sục khí liên tục. Hai ngày đầu không cần cho ăn. Từ ngày thứ 3, cho ăn ít và tăng liều lượng lên dần. Sau đó dùng các học lưới với kích cỡ mắt lưới khác nhau để phan loại cá theo các kích cỡ sau đây:

– Cá bột nhỏ: 2,5-5cm

– Cá bột lớn: 5-7,5cm

– Cá giống nhỏ: 7,5-10cm

– Cá giống trung bình: 10-12,5cm

Sau khi phân loại, nên tắm cho cá bằng nước ngọt (từ 15-30 phút) để diệt các vi sinh vật có hại, sau đó mới vận chuyển về nơi ương nuôi. Lưu ý những con bị thương phải được nuôi dưỡng trong bể riêng, khi chúng hồi phục hoàn toàn thì mới vận chuyển về ao ương nuôi.

Với cá ương trong bể, thời điểm thu hoạch cá thích hợp nhất là vào lúc sáng  sớm hoặc chiều mát. Dùng vợt mềm vớt cá cho vào giai hoặc bể nước sạch đã chuẩn bị trước. Thao tác vớt phải nhanh và nhẹ nhàng.

Trước khi vận chuyển, phải nhốt cá trong giai nước sạch với mật độ dày để cho chúng quen dần với diều kiện sống chật hẹp và thải bớt phân. Có thể nhốt từ 8-12 giờ. Lưu ý: trong khoảng thời gian nhốt, không nên cho cá ăn.

2. Kỹ thuật vận chuyển cá

Trong quá trình vận chuyển cá giống, tỷ lệ sống và mức độ an toàn của cá phụ thuộc rất nhiều vào kỹ thuật vận chuyển. Trong đó các yếu tố như dụng cụ đựng cá, phương tiện vận chuyển, nhiệt độ thời tiết, lượng oxy hòa tan trong nước, khí độc trong mưa, thời gian vận chuyển…đều ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của cá. Áp dụng đúng biện pháp kỹ thuật sẽ giúp nâng cao tỷ lệ sống cho cá.

Phải ngưng cho cá ăn trong 24 giờ trước khi vận chuyển, đồng thời nên tắm cho cá bằng thuốc tím 0,15ppm (từ 5-10 phút) hoặc tắm bằng dung dịch Furacin 0,05% (từ 3-5 phút).

Có hai phương pháp vận chuyển cá: vận chuyển kín và vận chuyển hở.

– Phương pháp vận chuyển kín: vận chuyển cá bằng túi nilon có bơm oxy với áp suất thích hợp.

– Phương pháp vận chuyển hở: vận chuyển cá bằng thùng phuy, thùng tôn, thùng nhựa hoặc sót nilon.

* Phương pháp vận chuyển bằng túi nilon hoặc can nhựa được xem là phương pháp tiên tiến cho hiệu quả cao, vì vậy mà được rất nhiều người áp dụng.

* Phương pháp vận chuyển kín: Thường chứa cá trong túi nilon có bơm oxy rồi vận chuyển bằng các phương tiện như xe ô tô, máy kéo, ba gác máy, ghe, thuyền…

* Đóng túi: Dùng hai túi nilon có đáy bằng, cho vào khoảng 8 lít nước biển, nước được làm lạnh ở nhiệt độ 23-250C. Nếu vận chuyển trong thời gian dưới 8 tiếng thì nên cho lượng nước chiếm 4/5 túi. Nếu vận chuyển trong thời gian trên 8 tiếng thì nên cho lượng nước chiếm 2/3 túi. Vuốt hết không khí trong túi ra, bơm oxy vào, sau đó cho cá vào, tiếp tục bơm oxy vào đến khi căng túi, buộc túi lại. Cho túi cá vào thùng xốp, đặt các bao đá xung quanh để làm mát cá. Dán kín thùng xốp bằng băng keo rồi đưa lê phương tiện vận chuyển. Nên vận chuyển cá trên phương tiện có máy điều hòa nhiệt độ.

Mật độ cá trong túi: Mật độ cá trong túi nilon tùy thuộc vào kích cỡ của cá. Cá cỡ 2,5cm, nhốt từ 100-150con/lít nước; cá cỡ 5cm, nhốt từ 30-50con/lít; cá 7cm, nhốt từ 10-15con/lít.

Lưu ý: Nên vận chuyển cá lúc trời mát, tốt nhất là vào sáng sớm. Nếu vận chuyển cá trong mùa nắng thì phải che đậy kỹ càng, không để ánh nắng trực tiếp chiếu vào túi nilon vì có thể làm tăng nhiệt độ nước trong túi và dẫn đến chết cá. Sau 8 tiếng vận chuyển phải bơm oxy. Sau 16 tiếng phải thay nước và bơm oxy. Sau 24 tiếng phải cho cá nghỉ ngơi trong vèo lưới hay trong bể từ 8-12 giờ. Muốn vận chuyển tiếp phải đóng túi lại. Tổng thời gian vận chuyển cá không nên quá 50 giờ. Khi vận chuyển cá đến nơi, thao tác mở thùng phải nhẹ nhàng nhằm tránh làm cá hoảng sợ. Trước khi thả cá, phải cân bằng nhiệt độ và độ mặn nước ao và nước trong túi cá.

II. Kỹ thuật nuôi cá mú thịt

       1. Chuẩn bị ao nuôi

       * Chọn vị trí ao

       Ao nên nằm ở vùng đất sét hay cát pha sét, tránh vùng đất phèn. Mực nước thủy triều ít nhất là 80cm. Phải có ao lắng để xử lý nước thải.

       Ao nằm ở nơi có nhiều ánh sáng mặt trời, không bị bóng cây che khuất. Ao gần nguồn nước, gần nhà để tiện theo dõi và quản lý.

       * Điều kiện ao nuôi

       – Tùy theo từng điều kiện mà chọn ao có diện tích phù hợp, có thể từ 100m2 trở lên. Ao có độ sâu từ 1,5-2m. Độ sâu mực nước ao từ 1,2-1,5m. Bờ ao cao hơn mực nước ao trong năm, khoảng 0,5m để chống ngập.

       – Cống, bọng phải được làm chắc chắn và thuận tiện cho việc cấp, thoát nước. Bờ ao phải đảm bảo không bị sạt lở, rò rỉ. Đáy ao bằng phẳng và dốc về bọng nước. Nếu có điều kiện thì trải bạt xung quanh bờ ao để ngăn cá đào hang. Bọng phải có lưới chắn để không cho cá ra ngoài cũng như không cho địch hại vào ao.

       – Nguồn nước phải gần ao để thuận tiện cho việc cấp nước. Nước phải sạch sẽ, không bị ô nhiễm và phải chủ động suốt quá trình nuôi. Yêu cầu về chất lượng nước: nhiệt độ= 25-32oC, độ mặn= 20-30‰, pH= 7,5-8,5, độ trong = 30-45cm, hàm lượng oxy hòa tan= 4-8mg/L, NH3 ≤0-0,008mg/L, độ kiềm= 60-100mg/L.

       – Thả một số ống tre hoặc ống nhựa (đường kính 10-20cm) vào ao để làm nơi cho cá ẩn nấp nhằm hạn chế cá tấn công lẫn nhau đồng thời giúp việc kiểm tra và thu hoạch cá được đễ dàng.

       * Cải tạo ao

– Tháo nước cạn ao và dọn sạch rác, bắt hết cá tạp và địch hại như: rắn, cua, ếch…Có thể diệt tạp bằng Rotenon (liều lượng 40kg/ha), bánh bã trà (liều lượng 150-200kg/ha). Vét bớt lớp bùn thối lâu ngày ở đáy ao. Tu bổ lại bờ ao, cống rãnh. San lắp các lỗ mọi rò rỉ.

          – Rải vôi bột xuống đáy ao và xung quanh ao để diệt khuẩn và điều chỉnh độ pH, liều lượng sử dụng: 10-15kg/100m2. Sau đó phơi nắng đáy ao khoảng 3-4 ngày.

– Lấy nước: Lần đầu chỉ lấy nước ở mức 0,4-0,5cm, sau đó bón phân rồi lấy đủ nước. Lưu ý: nước phải chảy qua lưới lọc để ngăn cá tạp và địch hại.

          – Bón phân cho ao: Sau khi lấy nước lần đầu, tiến hành bón phân để gây màu nước và tạo nguồn thức ăn tự nhiên. Có thể bón phân chuồng (2tấn/ ha), cách bón: rải đều phân khắp đáy ao; phân urê (25kg/ha); hoặc phân Diamonium phosphat (50kg/ha), cách bón: hòa tan phân trong nước rồi tưới đều khắp đáy ao.

       – Sau 4-5 ngày bón phân là có thể thả giống.

2. Chọn và thả cá giống        

       – Nên chọn cá giống có kích cỡ càng lớn càng tốt, từ 8-15cm. Cá giống càng lớn thì tỷ lệ hao hụt càng ít. Tốt nhất là lấy cá giống sinh sản nhân tạo ở các trại cá uy tín, hạn chế lấy cá từ nguồn khai thác tự nhiên.

       – Chọn cá giống khỏe mạnh, màu sắc tươi sáng, bơi lội nhanh nhẹn, không bị say sát, không bị dị hình hay dị tật.

       – Mật độ nuôi: nên thả với mật độ thưa, khoảng 2-3con/m2.

       Cách thả cá:

       Nên thả cá lúc trời mát, tốt nhất là vào sáng sớm hoặc chiều tối. Trước khi thả cá xuống ao, nên cân bằng nhiệt độ và độ mặn. Trường hợp cá giống đựng trong bọc nilon, thì phải ngâm bọc cá trong nước ao khoảng 10-15 phút để nhiệt độ cân bằng với nhiệt độ nước ao, sau đó mới mở bọc và thả cá ra từ từ. Trường hợp cá giống đựng trong thùng hoặc can nhựa…thì trước khi cho cá vào bể, phải cho chúng qua một cái chậu lớn, từ từ thêm nước ao vào chậu để chúng thích nghi dần với điều kiện mới, sau khoảng 15 phút mới thả cá vào ao. Tuyệt đối không cho cá vào ao một cách đột ngột hoặc đứng trên bờ đổ cá xuống ao vì sẽ làm cho cá dễ bị sốc và chết.

       3. Cho ăn và chăm sóc

       a. Thức ăn

       – Nhiều người dùng thức ăn là cá rô phi: thả cá rô phi (5000-10000 con/ha) trước khi thả cá mú 1 tháng. Khi thả cá mú vào ao thì chúng có thức ăn ngay.

Cá mú thịt

       – Ngoài ra cũng có thể cho ăn bằng các loại cá tạp tươi cắt nhỏ như cá cơm, cá trích, cá nục, cá liệt…

       b. Cách cho ăn

          – Để cá dễ ăn và dễ quản lý thức ăn, nên cho thức ăn vào sàn và đặt vào nhiều vịu trí trong ao cho cá ăn, nên đặt sàn ở 4 góc ao và giữa ao, sàn cách mặt nước khoảng 0,5-0,6m.

          – Thức ăn của cá (các loại cá tạp) phải được rửa sạch, cắt thành từng miếng nhỏ vừa với cỡ miệng cá ăn.

          – Mỗi ngày cho ăn hai lần, vào buổi sáng (7 giờ) và chiều mát (17 giờ); khẩu phần ăn hằng ngày bằng 7-10% tổng trọng lượng có trong ao (cứ 100 kg cá thì cho 7-10kg thức ăn), và giảm dần theo sự tăng trọng của cá. Khi cá đạt 200g/con trở lên, thì cho ăn ngày một lần và khẩu phần ăn giảm xuống còn 5%.

          – Nên cho cá ăn đúng giờ và cho ăn từ từ.

– Định kỳ trộn Vitamin C và Premix khoáng vào thức ăn để tăng cường sức đề kháng bệnh cho cá. Lượng Vitamin C và Premix chiếm khoảng 2% lượng thức ăn.

c. Chăm sóc

       – Thường xuyên theo dõi cá ăn để đánh giá được mức ăn của chúng mà điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp tránh tình trạng thiếu hoặc thừa. Thiếu thức ăn thì cá chậm lớn, thừa thức ăn thì sẽ gây ô nhiễm nước và ảnh hưởng đến sức khỏe của cá.

       – Duy trì màu xanh nước ao bằng cách định kỳ bón thêm phân chuồng. Khoảng 15 ngày bón 1 lần, liều lượng: 10-15kg/100 m2 ao.

       – Định kỳ (1 tuần 2 lần) thay nước vào ao, mỗi lần thay khoảng 20-40% lượng nước ao, tùy theo chất lượng ao. Khi thấy nước có màu xanh quá đậm, màu xám hay có mùi hôi do tảo hoặc thức ăn phân hủy thì phải thay nước ngay. Có thể dùng nước thủy triều hoặc nước bơm từ ao chứa để thay. Khi thay nước, nên xả phần nước ở đáy rồi bơm nước mới vào. Nước dẫn vào ao phải qua lưới chắn để ngăn cá tạp và địch hại.

       – Thường xuyên kiểm tra các yếu tố chất lượng nước như nhiệt độ, độ mặn, độ pH…, và phải giữ cho các chỉ số này luôn ổn định.

       – Thường xuyên theo dõi hoạt động của cá, nếu thấy có dấu hiệu bất thường thì phải kiểm tra ngay để xử lý kịp thời.

       – Thường xuyên kiểm tra bờ ao, cống rãnh để khắc phục kịp thời khi bị sạc lở, rò rỉ.

       – Hàng tuần lọc và phân đàn kích cỡ cá để tránh tình trạng cá lớn ăn cá bé đồng thời tăng không gian sống cho chúng.

       4. Thu hoạch

       Sau 6-10 tháng nuôi (tùy theo kích cỡ của cá giống) là có thể thu hoạch cá thịt, kích cỡ cá thường phẩm từ 0,6-1kg/con. Có thể thu tỉa những con cá lớn hoặc thu hoạch toàn bộ để lấy ao nuôi vụ khác.

       Trước khi thu hoạch 2 giờ, nên khuấy mạnh nước để tránh trường hợp cơ của cá bị cứng. Đặt một lồng lưới trong ao để giữ tạm cá. Chuẩn bị các thau, chậu máy sục khí để đựng và bảo quản cá.

       Thu hoạch toàn bộ: Tháo bớt một lượng nước ao, dùng lưới đánh bắt vài lần, sau đó tháo cạn nước và bắt toàn bộ. Nên thu hoạch vào lúc trời mát để cá ít bị mệt. Cá sau khi thu hoạch thì cho vào các dụng cụ chứa để rửa sạch bùn và xả bớt chất thải, sau đó chuyển đến nơi tiêu thụ. Khi phải nhốt cá trong các dụng cụ chứa quá lâu thì cần phải sục khí để chúng không bị ngợp.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Các bệnh thường gặp ở cá Mú

Phòng và trị một số bệnh thường gặp ở cá mú

Cá Mú

a) Kỹ thuật phòng bệnh:

– Việc phòng bệnh phải được đặt lên hàng đầu trong nghề nuôi thủy sản nói chung và nghề nuôi cá nói riêng, nhất là đối với những loài ăn thức ăn tươi như cá mú. Công việc này phải tiến hành ngay từ đầu để giảm bớt rủi ro trong quá trình nuôi. Cần làm tốt những việc sau:

– Chọn vị trí nuôi phù hợp, cá giống khoẻ mạnh, kích cỡ đồng đều, màu sắc tươi sáng, không dị hình dị tật, thường xuyên theo dõi, chăm sóc cá nuôi để biết được tình trạng sức khoẻ cá.

– Mật độ thả nuôi vừa phải, không thả quá dày, không cho cá ăn quá thừa cũng như quá thiếu, thức ăn phải tươi, không có mầm bệnh. Khi cá chết cần loại bỏ ra khỏi lồng và tiêu hủy.

– Thường xuyên phối trộn Vitamin C vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá nhất là thời điểm giao mùa, thời tiết xấu.

b) Một số bệnh thường gặp và cách điều trị:

Trị bệnh cho cá nuôi là một trong những vấn đề quan trọng và tương đối khó khăn, để trị bệnh hiệu quả người nuôi cần phải theo dõi thường xuyên các hoạt động của cá, phát hiện bệnh kịp thời để có biện pháp xử lý phù hợp.

– Bệnh do ký sinh trùng:

+ Do các loại giáp xác, giun và các nguyên sinh động vật kí sinh trên mang, vây, da cá làm cho cá bị bệnh. Cá thường nổi lên mặt nước, bơi lội chậm chạp, hô hấp khó khăn, tiết nhiều chất nhớt trên mang, da, hoặc xuất hiện những vệt trắng rải rác trên cơ thể hoặc có thể làm hoại tử ở mang, mang trở nên màu nâu hoặc trắng nhạt. Kí sinh trùng kí sinh ở da và vây dẫn đến viêm sung huyết và lở loét.

+ Dùng dung dịch formol liều lượng 200 ml/m3 tắm cho cá từ 30 – 60 phút và sục khí mạnh đồng thời phun lên lưới lồng để vệ sinh lưới hoặc tắm trong nước ngọt từ 15 – 20 phút.

– Bệnh do vi khuẩn:

+ Chủ yếu do nhóm Vibrio gây ra. Có rất nhiều yếu tố để vi khuẩn phát triển và xâm nhập vào cơ thể cá như mật độ nuôi quá cao, chất lượng thức ăn kém, nguồn nước ô nhiễm, kém lưu thông hoặc do kí sinh trùng gây nên vết thương tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập. Cá có dấu hiệu bị xuất huyết, sưng tấy da, lở loét, mắt lồi, đục, thân cá có khối u, màu sắc biến đổi.

+ Cần sang thưa cá nếu cá quá dày, di chuyển lồng đến nơi không bị ô nhiễm, nước lưu thông tốt, không sử dụng thức ăn bị ươn thối cho cá ăn.

+ Dùng Oxytetracyline 2 – 3g/kg thức ăn hoặc Sulfamethoxazole 50-70mg/kg cá/ngày, vitamin C 2 – 3g/kg thức ăn trộn vào thức ăn, cho ăn liên tục 5 – 7 ngày.

Chú ý: Khi trộn thuốc vào thức ăn cho cá cần phải hòa tan thuốc, trộn đều vào thức ăn, sau đó để ít nhất 15 – 20 phút cho thuốc ngấm vào thức ăn, hạn chế lượng thuốc thất thoát ra ngoài).

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Kỹ thuật nuôi cá Mú trong lồng

Cá mú là một trong những loài cá biển có giá trị kinh tế cao, thịt thơm ngon, chúng được nuôi phổ biến ở các nước châu á như Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Thái Lan.

Cá mú

Những năm gần đây nghề nuôi cá mú ở nước ta đang phát triển mạnh, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông ngư dân ven biển. Riêng tỉnh Quảng Ngãi, nghề nuôi xuất hiện manh mún từ một vài hộ dân cách đây khoảng hơn chục năm nhờ vào nguồn khai thác cá giống tự nhiên tại địa phương, phong trào nuôi bắt đầu phát triển mạnh từ 3 – 5 năm trước, chủ yếu bằng hình thức nuôi lồng.

Tuy nhiên hình thức nuôi này phụ thuộc nhiều vào môi trường nước tự nhiên, do đó vấn đề dịch bệnh xảy ra khó kiểm soát và xử lý. Để nuôi cá mú một cách hiệu quả, hạn chế dịch bệnh xảy ra, đem lại hiệu quả kinh tế, người nuôi cần tuân thủ các biện pháp kỹ thuật như sau:

1. Chọn vị trí đặt lồng

– Thông thường, lựa chọn vị trí nuôi cần tuân thủ theo các điều kiện sau:

+ Vùng đáy nơi đặt lồng là đất thô hoặc đất cát, ít bùn.

+ Tránh nơi sóng to, gió lớn có thể làm hư hỏng lồng, trôi thức ăn, làm cho cá khó bắt mồi dẫn đến hoạt động yếu gây chậm lớn và phát sinh bệnh.

Cấu trúc lồng nuôi cá mú

+ Độ sâu từ đáy lồng nổi cách mặt đáy ít nhất 0,5m khi thủy triều xuống thấp nhất.

– Trong sông cần tránh đặt lồng nơi nước chảy quá yếu dễ dẫn đến tình trạng cá thiếu oxy, cá yếu dần và chết. Tốc độ dòng chảy thích hợp từ 0,2 – 0,6m/giây, đảm bảo hàm lượng oxy từ 4 – 6mg/lít, pH từ 7,5 – 8,5, độ mặn từ 20 – 33‰ là phù hợp, tránh xa những nơi bị ô nhiễm dầu, ô nhiễm chất thải độc hại, nước thải sinh hoạt và khu vực bến cảng nơi có nhiều tàu thuyền neo đậu.

2. Xây dựng lồng nuôi

– Có thể thiết kế lồng bè nổi hoặc lồng chìm.

– Với lồng bè nổi có thể thiết kế dàn lồng có kích cỡ 8m x 8m x 3m hoặc 6m x 6m x 3m được thiết kế thành các lồng riêng biệt, như vậy mỗi dàn lồng sẽ có 4 lồng nuôi kích cỡ 4m x 4m x 3m hoặc 3m x 3m x 3m. Có thể dành một lồng trống để xử lý cá bệnh hay chuyển cá để diệt rong tảo đóng trên lồng. Với lồng chìm thì kích thước nhỏ hơn 2m x 2m x 2m hoặc 2m x 2m x 1,5m, nên làm khung bằng sắt.

Thiết kế lồng nuôi cá mú

– Chọn vật liệu tốt để làm lồng nhằm tránh bị hư hỏng do thời gian nuôi khá dài, lưới lồng cần chọn loại bền chắc, hạn chế được các loài sinh vật bám.

3. Chọn giống và thả giống

– Hiện nay nguồn giống để nuôi cá mú lồng chủ yếu vẫn là đánh bắt cá con ngoài tự nhiên, cá giống có thể vận chuyển theo nhiều phương pháp như bằng thùng có sục khí, bao nylon bơm oxy….

Cá mú giống

– Cá giống thả nuôi cần đồng cỡ, khoẻ mạnh, không bị sây sát. Không thả cá to nhỏ khác nhau trong cùng một lồng dễ xảy ra tình trạng cá lớn ăn cá nhỏ, tranh mồi của cá nhỏ dẫn đến tỷ lệ hao hụt cao. Kích cỡ cá giống thích hợp từ 12 – 15cm. Trước khi thả cá cần xử lý cá qua formol với nồng độ 100ml/m3 trong một giờ có sục khí hay tắm cá qua nước ngọt 5 – 10 phút để loại mầm bệnh ký sinh trên cá.

– Mật độ thả: Tùy điều kiện môi trường và kích thước của cá mà xác định mật độ. Nguồn nước được lưu thông tốt, đầy đủ oxy có thể thả mật độ cao hơn và ngược lại nước tĩnh, lượng oxy không đủ thì thả mật độ thưa hơn. Thông thường mật độ phù hợp là 15 – 25 con/m3. 4.

4. Chăm sóc và quản lý

– Thức ăn cho cá chủ yếu là cá tạp (cá mối, cá nục, cá cơm, cá trích, cá liệt…) cá phải tươi, loại bỏ ký sinh trùng bằng cách ngâm trong nước ngọt trước khi cho ăn để tránh gây bệnh cho cá nuôi. Thức ăn được rửa, cắt thành khúc phù hợp với miệng cá và cho ăn 1 – 2 lần/ngày vào lúc sáng sớm (7 – 8 giờ) và chiều mát (16 – 17 giờ). Cần rải mồi chậm để cá dễ dàng bắt mồi. Lượng thức ăn cho ăn tuỳ thuộc vào trọng lượng cá, cá nhỏ thức ăn bằng 7 – 10% trọng lượng thân, cá lớn thức ăn từ 3 – 5% trọng lượng thân.

Tuy nhiên, khi thời tiết, môi trường có sự thay đổi hoặc cá bị nhiễm bệnh cá sẽ giảm ăn vì vậy căn cứ vào tình hình hiện tại để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Định kỳ 10 ngày sử dụng vitamin C và khoáng trộn vào thức ăn cho ăn liên tục từ 5 – 7 ngày, để tăng khả năng bắt mồi và sức đề kháng cho cá nuôi.

– Thường xuyên lặn theo dõi lồng nuôi, đáy lồng đề phòng lồng bị hư hỏng. Thường xuyên đo các chỉ tiêu môi trường nước (oxy, pH, độ mặn) để có biện pháp xử lý kịp thời. Khi môi trường thay đổi xấu như nước phát sáng, nhiều cặn bã, sinh vật lạ xuất hiện hay cá xung quanh bị nhiễm bệnh tiến hành treo trong lồng túi thuốc tím, để phòng bệnh cho cá, hoặc di chuyển lồng nuôi đến vị trí khác thuận lợi hơn.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Kỳ công nghề nuôi cá Mú ‘khủng’ thu tiền tỷ

Quá trình nuôi thả có nhiều rủi ro nhưng khi thành công, một con cá mú nghệ có thể đạt vài chục kg. Với đìa cá mú nghệ hàng nghìn con, người nuôi sẽ thu hàng tỷ đồng.

Thương lái đang cân cá mú nghệ

Theo ông Ngô Tùng Tân người nuôi cá mú nghệ ở tổ dân phố Đá Bạc, TP Cam Ranh, sau khi thị trường Đài Loan, Trung Quốc ngừng nhập cá mú nghệ cách đây hơn 3 năm, nhiều hộ nuôi dòng cá này điêu đứng, vướng cảnh nợ nần.

Hầu hết, họ chuyển đổi nuôi trồng hoặc do phá sản phải đi làm thuê, chỉ còn một số rất ít người theo đuổi giấc mơ làm giàu từ dòng cá có trọng lượng từ 10kg đến vài chục ký này.

“Do tôi thích dòng cá này, nhất là khi chúng trưởng thành đạt 10kg sau 2 năm nuôi dưới đìa. Lúc đó, chúng sẽ tạo cảm giác cho người nuôi sự hưng phấn mỗi khi cho chúng ăn hoặc lúc thu hoạch.

Chúng ăn rất khỏe, quẫy mạnh, thân cá chắc nịch, kỳ và vây to dài trong rất thích mắt. Đặc biệt, thịt các mú nghệ ngon không chê vào đâu được”, ông Dân chia sẻ.

Tuy nhiên, để nuôi dòng cá “khủng” này đòi hỏi sự am hiểu về cá và phải có chút… liều trong người. Bởi cá mú nghệ dễ nuôi, ít bệnh hơn cá mú đen, mú trân châu nhưng đầu tư vốn nhiều, thời gian thu hoạch lâu (trên 2 năm) nên chôn vốn và đầu ra hạn chế làm nhiều người từng nuôi dòng này đã chuyển sang nuôi giống cá khác hoặc nuôi tôm thẻ, hay ốc hương.

Đối với cá giống loại mú đen và trân châu thường nằm ở mức 20 nghìn đồng một con dài khoảng 7-8cm, trong khi mỗi cm cá mú nghệ giống có giá 12 nghìn đồng. Do đó, mỗi con cá mú nghệ giống thường cao gấp 6-7 lần cá mú khác.

Cá mú nghệ giống khi thả xuống đìa tỷ lệ hao hụt khá cao, nhưng nếu trụ được qua hai tháng đầu sẽ nuôi rất dễ, ít bệnh và nhanh lớn.

Tuy nhiên không ít người mất trắng cả trăm triệu, thậm chí là cả tỷ đồng sau một đêm do chọn giống không tốt cá bệnh ngay sau khi thả giống.

Có người do thiếu kinh nghiệm nuôi trồng, khi cá lơn không tách đàn và không cung cấp đủ oxy làm cá chết trắng đìa. Dù có kinh nghiệm nuôi dòng cá này nhưng ông Dân không ít lần “chết lặng” khi nhìn đìa cá mú nghệ chết sạch.

Do đó, để ổn định cá trong thời gian đầu, người nuôi cá mú nghệ thường cho ăn thực phẩm công nghiệp để ổn định đường ruột. Qua hai tháng sẽ chuyển thức ăn thành cá tươi và cứ 5kg cá mồi, cá mú nghệ sẽ tăng 1kg.

Giai đoạn cá từ 5kg lớn rất nhanh, có tháng lên hơn một ký nếu môi trường tốt và thức ăn phù hợp. Khi cá đạt trên 10kg là có thể bắt đầu xuất bán dần.

“Đôi khi tôi để cá lớn đến vài chục ký mới xuất đìa bán cho thương lái. Khi đó giá cá có thể nằm mức 500 nghìn đồng/kg đối với những con trên 25kg.

Dòng cá này càng lớn càng có giá, con nào dưới 10kg thì thương lái không thu mua. Giá hiện nay gần 300 nghìn đồng/kg. Tôi bán vài chục con lớn nhất đìa từ 12kg trở lên để tiếp tục duy trì đàn. Giờ hiếm có lái nào thu cả đìa vài ngàn con”, ông Dân tiết lộ.

Theo ông Nguyễn Văn Khoa, một người nuôi cá mú lâu năm trong vùng cho biết thêm, nghề nuôi cá mú “khủng” nghe qua khá dễ và đem lại thu nhập cao nhưng đã có rất nhiều người trắng tay khi mạo hiểm với dòng cá này.

Ngoài việc chọn cá giống, việc cung cấp đủ oxy cho cá rất quan trọng. Bởi giống cá này không sợ nước bạt (nước nhiễm ngọt do mưa lụt) như các giống cá biển khác nhưng cần lượng oxy nhiều hơn.

Do đó, người nuôi cần lấy nước mới liên tục và mở guồng chạy oxy thường xuyên, đặc biệt là giai đoạn cá lớn. Tuy nhiên, ít người để ý đến việc nuôi cá đều trọng lượng, dễ dẫn đến tình trạng cá lớn sẽ ăn thịt cá nhỏ như vậy cũng dễ lỗ vốn.

Cá mú nghệ được nuôi trên 10kg mới bán

Hiện thị trường cá mú “khủng” chỉ tập trung ở hai đầu đất nước là Hà Nội và Sài Gòn. Cá được thương lái mua sống, chở thẳng vào Sài Gòn hoặc Hà Nội để bán cho những nhà hàng hải sản lớn có chỗ nuôi nhốt.

“Trong dòng cá mú, có thể nói mú nghệ và mú đỏ là ngon nhất. Cá mú đỏ chủ yếu từ đánh bắt nên đôi khi ít tươi như mú nghệ. Dù nuôi trồng nhưng mú nghệ ăn cá tươi nên thịt rất ngon.

Hiện người Sài Gòn ăn cá mú ‘khủng’ nhiều hơn Hà Nội gấp đôi, riêng Nha Trang tiêu thụ rất ít chỉ vài con mỗi tháng.

Do giá đắt khi vào nhà hàng (từ 1 triệu đồng/kg) nên lượng tiêu thụ ít, chúng tôi mỗi lần thu mua cũng chỉ vài chục con”, ông Thanh, một đầu nậu chuyên thu mua hải sản vùng Cam Ranh nhận định.

Tuy quá trình nuôi cá mú nghệ đòi hỏi sự kỳ công và rủi ro cao nhưng đối với những người trót theo đuổi dòng này thì ngoài ước mơ làm giàu còn cả một niềm đam mê lớn.

Nói như ông Ngô Tùng Tân thì: “Nhìn cá lớn thích lắm, nuôi con gì mà lớn nhanh khỏe mạnh mình mê lắm. Nhất là khi thu hoạch, kéo cá vào bờ, bỏ cân từng con, nghe chúng quẫy mạnh cảm thấy rất sướng”.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Kỹ thuật nuôi cá Mú thịt bằng lồng tre

Cá mú thuộc loại cá nước mặn, sống ở biển nhiệt đới, á nhiệt đới. Tập trung nhiều loài ở vùng biển Thái Bình Dương. Nước ta có tới 30 loài cá mú, trong đó có 7 loài được ưa chuộng vì có giá trị cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu là: cá mú vạch (E. brunneus), cá mú chấm tổ ong (E. merra), cá mú đỏ (Epinephelus akaara), cá mú hoa nâu (E. fuscoguttatus), cá mú cáo (E. megachir), cá mú đen (E. heeberi), cá mú mỡ (E. tauvina).

Cá mú

Cá mú (cá song) thuộc nhóm cá dữ, ăn mồi động vật, thường săn mồi ở nơi yên tĩnh, khi thiếu mồi, có thể con lớn ăn con bé. Cá mú đẻ trứng, cá con mới nở ra ăn động vật phù du, cá lớn cỡ từ 8-12cm, ăn động vật sống như cá con, tôm, tép…, cá mú rất ít khi ăn mồi đã chết và mồi chìm ở đáy.

Nguồn cá mú giống hiện được bắt trong tự nhiên vào mùa cá đẻ ở phía Bắc, vào tháng 5-7, các tỉnh miền Trung từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau. Khi bắt cá giống về, người ta ương cá nhân tạo đến cỡ cá chừng 8-12cm mới xuất bán. Giá cá giống từ 5.000 – 8.000 đ/kg, nuôi 6-8 tháng đạt 0.5-0,8 kg/con, giá cá mú thịt từ 70.000 – 80.000 đ/kg, nguồn cá mú hiện được xuất khẩu rất tốt.

Tuy cá mú thịt rất ngon, hiền, nhưng do chưa hạ được giá thành nên thị trường trong nước chỉ chủ yếu ăn cá đánh bắt tự nhiên, chứ chưa sử dụng đại trà loại cá mú nuôi. Mong rằng, trong tương lai gần, nghề nuôi cá mú (cá song), sẽ phát triển mạnh, hạ được giá thành, để trở thành mặt hàng phổ biến trong và ngoài nước.

Kỹ thuật nuôi cá mú thịt bằng lồng tre

Chọn vị trí đặt lồng nuôi: Chọn các vùng eo, vịnh, đầm, phá, ít gió bão, sóng êm nhẹ. Nhiệt độ nước từ 20oC trở lên, độ mặn bảo đảm dao động từ 10-33%o (phần ngàn). Nguồn nước trong sạch, tránh vùng bị ô nhiễm nước thải công nghiệp, nhiễm dầu… Mực nước duy trì tối thiểu phải đạt từ 1-2m (khi triều xuống thấp). Ngoài ra, còn phải chú ý chọn điểm nuôi dễ quan sát, theo dõi, bảo vệ và thuận tiện cho quá trình chăm sóc. Độ sâu tối đa từ 2,5-3m, lưu tốc từ 0,2-0,4 m/giây.

Thiết kế lồng nuôi

Có thể nuôi cá mú bằng lồng lưới, lồng tre, nhưng để dễ thực hiện và tiết kiệm đầu tư cũng như tận dụng nguồn tre có sẵn địa phương, nên dùng lồng tre để nuôi cá này.

Dùng nan tre dày 1-1,5cm, rộng 3-4cm, dài 1,5-2m (tùy theo độ sâu nơi đặt lồng mà xác định chiều dài thích hợp nhất). Lồng nuôi được thiết kế theo hình tròn có đường kính 2,5-3m, cao 1,5-2m. Xung quanh, ta bện cước từ 2-4 đường, đường giữa, dùng tre tốt uốn dẻo ràng quanh, có thiết kế tay cầm để di chuyển. Chú ý dùng cước loại có đường kính 0,18-0,2cm. Nắp lồng cũng có thể làm bằng tre hoặc lưới cước, thiết kế 1 cửa có kích cỡ 60-60 cm hoặc 70-70 cm để có thể ra vào kiểm tra bên trong lồng. Đáy lồng cũng làm bằng sạp tre đan khít.

Lồng được treo trên 4 cọc được đóng xuống nền đáy theo hình vuông hoặc hình chữ nhật, lồng cách đáy 0,4 – 0,5m và cao hơn mặt nước 0,3 – 0,5m.

Chọn cá giống nuôi thịt: Chọn cá nuôi có kích cỡ từ 8-12cm, lanh lẹ, khỏe mạnh, không bị sây sát, dị tật, màu sắc đặc trưng của giống cá muốn nuôi.

Mật độ nuôi

Thường từng địa phương nuôi có điều kiện nguồn nước, nhiệt độ khác nhau, ngoài ra, có nơi nuôi cá mú ghép với một số loại cá khác thì mật độ cũng khác. Ở vùng nước tốt, đủ thức ăn, nguồn nước có nhiệt độ thấp, mật độ thả dày hơn từ 40-50 con/m3, còn thường các nơi nuôi, trung bình mật độ thả từ 15-35 con/m3. Có thể thả nuôi thêm các loại cá khác chung lồng như cá dìa, cá hồng…

Cần chú ý là thả giống vào sáng sớm hoặc chiều mát. Tắm trong 20-25 phút trước khi thả cá vào lồng nuôi.

Chăm sóc, quản lý

Thức ăn của cá mú là các loại thủy, hải sản sống. Ta có thể dùng các loại thức ăn sau đây: nhuyễn thể tươi, cua, ghẹ, cá vụn các loại, thịt các loại này còn tươi, đem băm nhỏ vừa đủ miệng cá tạp.

Tập cho cá ăn

Những ngày đầu ta để cá đói, sau đó, thả thức ăn từ từ vào, giả như thức ăn là sinh vật sống hoạt động và cá sẽ táp mồi, và cứ làm như thế sau một thời gian ngắn, khi thấy cá quen vị mồi rồi, có thể làm thao tác nhanh hơn, tuy nhiên, cần tránh thức ăn bỏ vào nhiều và nhanh quá, cá ăn không kịp sẽ rơi xuống đáy lồng là cá mú sẽ không ăn.
Một ngày cho ăn 2 lần vào sáng sớm và chiều tối, khi cho cá ăn nên rải đều thức ăn ra, tránh tụ tập một chỗ.

Lượng thức ăn thường chiếm từ 5-10% trọng lượng cá nuôi trong lồng.
Thường thời tiết thay đổi đột ngột, nhiệt độ nước và dòng chảy thay đổi nhiều, cá ít ăn lại, thành thử, những ngày mưa bão, chỉ cho cá ăn 1 lần và giảm trọng lượng thức ăn lại từ 1/4 – 1/2 lượng thức ăn ngày thường.
Thường xuyên kiểm tra lồng nuôi, khoảng 3-5 ngày cọ rửa, vệ sinh các nan tre, hoặc lưới một lần, tháo gỡ các vật cản, rác rưởi bám vào lồng, làm cho lồng thông thoáng, cá ít bị bệnh vặt, mặc dù cá mú rất ít khi bệnh.

Theo dõi thức ăn hàng ngày dư thừa ra sao, để điều chỉnh liều lượng lại cho thích hợp, dọn dẹp thức ăn rơi xuống đáy và vệ sinh đáy lồng.
Hàng tháng phải kiểm tra, theo dõi để kịp thời lựa cá lớn trội tách ra nuôi riêng, để tránh trường hợp cá lớn ăn cá bé hoặc cá lớn cắn cá nhỏ hơn, làm sây sát và có thể chết. Ngoài ra, nếu có điều kiện ta dùng mái chèo khuấy nước trong lồng vào những ngày khí áp thấp để cá có đầy đủ không khí mà không bị ngộp, sinh ra kém ăn hoặc chết.

Thu hoạch

Nuôi trong lồng thì thu hoạch rất dễ dàng. Nuôi 6-8 tháng, cá đạt trung bình từ 0,5 – 0,8 kg/con là có thể thu hoạch. Tuy nhiên, cần lưu ý là canh thời gian nuôi sao cho trước mùa lạnh là thu hoạch xong, vì khi nhiệt độ Ê 18oC cá ngừng ăn, không lớn, đối với các vùng nuôi ở phía Bắc và miền Trung bộ, còn các nơi khác, ít lạnh, thì không quan trọng.
Hiện nay, nghề nuôi cá mú đang là nghề đạt hiệu quả cao và có xu hướng được ngư dân quan tâm nhiều. Hộ anh Lê Văn Thành ở Long Phước, thị xã Sông Cầu – Phú Yên, vừa qua nuôi 600 con, đầu tư tất cả 13.400.000đ bán 420kg x 75.000 đ/kg = 31.500.000đ, lãi 18.100.000đ.

Thu hoạch cá mú

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Tin vắn ngành thủy sản địa phương trong tuần 10 năm 2018

Đồng Nai: Quy hoạch nuôi thủy sản tập trung tại Nhơn Trạch

Những tin chính bao gồm: Bạc Liêu: Tăng cường kiểm tra chất lượng tôm giống, Bạc Liêu: Chọn 30 cơ sở cung cấp giống post nuôi phục vụ tôm xuất khẩu, Đồng Nai: Quy hoạch nuôi thủy sản tập trung tại Nhơn Trạch.

Bạc Liêu: Tăng cường kiểm tra chất lượng tôm giống

Hiện nay, người nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đang tích cực triển khai những khâu cuối để chuẩn bị thả tôm vụ mới. Nhằm đảm bảo vụ mùa thành công, ngành chức năng cũng tích cực vào cuộc với những đợt thanh, kiểm tra quy mô lớn.

Theo đó, ngay từ trước Tết, Sở NN&PTNT Bạc Liêu kết hợp với các lực lượng khác tổ chức kiểm tra, kiểm dịch 90 xe nhập tỉnh với gần 819 triệu tôm post; kiểm dịch 944 triệu con giống sản xuất trong tỉnh, không phát hiện tình trạng nhiễm bệnh. Qua đó, cấp 1.714 giấy kiểm dịch cho các lô tôm giống.

Cùng đó, ngành chức năng tỉnh cũng tiến hành kiểm tra 865 con tôm giống bố mẹ nhập khẩu, tất cả đạt yêu cầu; giám sát thời gian sinh của hơn 3.600 tôm bố mẹ tại các cơ sở sản xuất giống; hủy 1.300 con tôm bố mẹ không đạt yêu cầu.

Mặt khác, thực hiện thu 28 mẫu tôm sú, 28 mẫu tôm thẻ chân trắng thương phẩm, 2 mẫu nước ương tôm giống để gửi kiểm tra, phân tích để kiểm soát dư lượng; xét nghiệm mẫu tôm giống, tôm thịt, mẫu nước… Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng thường xuyên kiểm tra các cơ sở kinh doanh vật tư, thuốc thú y thủy sản để tránh tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng lọt ra ngoài thị trường…

Bạc Liêu: Chọn 30 cơ sở cung cấp giống post nuôi phục vụ tôm xuất khẩu

Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh vừa tham mưu cho Sở NN&PTNT trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch giám sát dịch bệnh trên tôm phục vụ xuất khẩu giai đoạn 2017 – 2020 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Chi cục đang phối hợp với các địa phương trong tỉnh rà soát chọn 30 cơ sở sản xuất tôm giống chất lượng, đảm bảo các tiêu chí để tham gia chương trình cung cấp giống tôm pots nuôi phục vụ xuất khẩu.

Đồng Nai: Quy hoạch nuôi thủy sản tập trung tại Nhơn Trạch
Chương trình này nằm trong dự án “Quy hoạch chi tiết khu nuôi thủy sản tập trung huyện Nhơn Trạch giai đoạn 2017 – 2020, định hướng đến năm 2030” mà tỉnh Đồng Nai vừa ký quyết định ban hành.

Mục đích của Quy hoạch này nhằm phát triển nghề nuôi thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nuôi tôm siêu thâm canh. Dự án chú trọng phát triển theo chiều sâu gắn với quản lý chặt chẽ môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hai đối tượng chính nằm trong chương trình này là tôm thẻ chân trắng và hàu nước lợ. Cụ thể, diện tích nuôi tôm thể chân trắng đến năm 2020 là khoảng 360 ha, đến năm 2030 là 682 ha (trong đó, 602 ha nuôi tôm công nghệ cao). Sản lượng giai đoạn 1 trên 16.000 tấn và giai đoạn 2 là 30.600 tấn; Với hàu nước lợ, giữ ổn định 21 ha (khoảng 343 bè nuôi), sản lượng trên 2.000 tấn.

Dự án được chia làm 7 tiểu vùng, mỗi tiểu vùng tối thiểu 50 ha; dự kiến tổng vốn đầu tư trên 4.400 tỷ đồng; trong đó, vốn thu hút đầu tư chiếm 99,6%.

Nguồn: Tepbac.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật nuôi cá Mú đen trong ao đất

Cá mú hay còn gọi là cá song có thịt thơm ngon, giàu dinh dưỡng, là đặc sản được tiêu thụ tại các  nhà hàng ở dạng cá sống và là mặt hàng xuất khẩu có giá trị kinh tế cao…

Cá mú đen thương phẩm

Do tập tính sống trong môi trường có nguồn nước lưu thông thường xuyên nên đa số người nuôi thường thả cá vào lồng, bè treo dưới biển. Với hình thức nuôi lồng, đối tượng này tỏ ra khá thích hợp và đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi. Song, hình thức nuôi này khá tốn kém và cá thường xuyên chịu ảnh hưởng của môi trường nước bên ngoài có nhiều biến động do ảnh hưởng xả lũ, áp thấp nhiệt đới, bão, các chất thải tàu khai thác vào neo đậu. Do vậy nuôi cá mú trong ao đất là một niềm hy vọng mới cho bà con ngư dân, vì chi phí đầu tư vừa phải, hệ số thức ăn thấp, cá ít bị bệnh.

Ao nuôi: diện tích 500 – 5000 m2, cải tạo sên vét bùn đáy, lấp kín hang hốc,  nếu có điều kiện trãi bạt càng tốt, tránh cá đào hang quanh bờ.

Giống cá mú: có thể thả cá mú giống được thu gom tự nhiên cỡ 5 – 7 cm hoặc 10 – 15 cm, hoặc chọn cá sinh sản nhân tạo; cá không xây xát, dị hình; màu sắc tươi sáng, hoạt động nhanh nhẹn.

Mật độ thả: đây là loài cá dữ, có thể ăn thịt lẫn nhau khi thiếu mồi, nên thả ở mật độ thưa từ 1 – 3 con/m2.

Môi trường nước: thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường nước, giữ các chỉ số ổn định trong giới hạn thích hợp bảo đảm cho cá phát triển bình thường.

Độ mặn:10 – 23 ‰

pH :7.5 – 8.5

Độ trong:   30 – 45 cm

NH3: 0 – 0.008 mg/l

Độ kiềm: 60 – 100 mg/l

Cho ăn, quản lý và chăm sóc: hàng ngày cho ăn bằng cá tạp tươi: cá cơm, cá trích, cá liệt…. Cá tạp rửa sạch cắt khúc vừa miệng cá, khẩu phần ăn từ 3 – 10 % trọng lượng thân/ngày, tùy từng giai đoạn phát triển của cá.

Tháng đầu cho ăn 10% trọng lượng thân, cho ăn 3 lần/ngày. Các tháng tiếp theo cho ăn 2 lần/ngày, khẩu phần ăn cho theo nhu cầu bằng cách dùng sàng đặt dưới ao. Hàng ngày kiểm tra sàng 2 lần ngay sau những lần cho ăn nhằm tránh tình trạng thức ăn dư làm ô nhiễm nguồn nước ao.

Khi cá ăn mạnh, định kỳ trộn vitamin C và men tiêu hoá vào thức ăn cho ăn liên tục 5 ngày, sau đó cách 5 ngày cho ăn tiếp.

Trong ao bố trí chà và các ống nhựa có đường kính 10 – 20 cm cho cá trú ẩn, hạn chế cá tấn công nhau gây xây xát nhiễm bệnh cơ hội. Định kỳ thu mẫu bằng cách vớt những ống nhựa lên để kiểm tra sức khoẻ cũng như tốc độ tăng trưởng của cá.

Phòng và trị một số bệnh thường gặp:

Phòng bệnh:

Việc phòng bệnh phải được đặt lên hàng đầu trong nghề nuôi thuỷ sản nói chung và nghề nuôi cá nói riêng, nhất là đối với những loài ăn thức ăn tươi như cá mú. Công việc này phải tiến hành ngay từ đầu để giảm bớt rủi ro trong quá trình nuôi. Cần làm tốt những việc sau:

Ao nuôi phải nằm gần nguồn nước có độ mặn, pH thích hợp cho đối tượng, điều kiện cấp thoát nước dễ dàng. Bên cạnh đó nguồn nước ngọt phải đầy đủ để xử lý cá bệnh khi cần.

Chọn giống khoẻ, đồng cỡ, không xây xát, hoạt động nhanh nhẹn.

Thả nuôi ở mật độ vừa phải, không thả quá dày.

Cá tạp dùng làm thức ăn cho cá phải tươi, rửa sạch bằng nước ngọt. dùng sàng ăn kiểm tra sức ăn của cá, không cho ăn dư sẽ ảnh hưởng đến môi trường ao nuôi.

Định kỳ bổ sung vitamin C, men tiêu hoá vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá nuôi.

Thường xuyên thu mẫu kiểm tra tình trạng sức khoẻ cá, xem vây, mang, da, mắt…để kịp thời phát hiện bệnh xử lý ngay.

Trị bệnh:

Bệnh do virus (siêu vi trùng): Nguyên nhân có thể lây truyền mầm bệnh từ bố mẹ. Cá bị sốc bởi các yếu tố môi trường thay đổi đột ngột về pH, độ mặn, các vật chất hữu cơ tăng cao làm mất sức đề kháng, là điều kiện tốt cho mầm bệnh trong cơ thể phát triển.

Dấu hiệu: Cá bơi xoay tròn và yếu dần, màu sắc thân tối, mang lợt màu, mắt lồi có màu vàng. Bệnh gây chết hàng loạt khi nuôi ở mật độ quá dày, thường thấy ở cá nuôi bè, hiện nay chưa có thuốc đặc trị.

Bệnh ghẻ (lở loét): tác nhân do vi khuẩn tấn công gây lở loét ở da, vây. Đây là các tác nhân cơ hội gây bệnh cho cá khi sức khoẻ cá bị suy yếu do thiếu sự chăm sóc hay do môi trường biến động lớn.

Dấu hiệu: Các vây bị thối rữa, xuất huyết dưới da gây lở loét.

Trị:

– Tắm cá trong nước ngọt 15 – 20 phút, có sục khí.

– Tắm cá bằng dung dịch oxytetracyline 30ppm (30g thuốc cho vào 1.000 lít nước ngọt), có sục khí.

Bệnh do ký sinh trùng: Do các sinh vật tương đối lớn như protozoa, giáp xác, giun, đĩa… chúng ký sinh ở mang, da, mắt gây khó chịu cho cá và làm cá chậm lớn.

Dấu hiệu: Cá tập trung lại gần nơi có nước chảy, cá cọ mình vào vật cứng, da bị tổn thương, mang lợt màu.

Trị:

– Tắm cá trong dung dịch formol 200mg/l trong 30 – 40 phút, có sục khí.

– Tắm cá trong dung dịch oxy già 150mg/l trong 30 phút, có sục khí.

– Tắm cá trong dung dịch đồng sunfat 0,5mg/l trong 30 phút, có sục khí.

Trường hợp xử lý ngay trong ao để ngâm cần tháo nước bớt, dùng 1/2 liều lượng nêu trên, xử lý trong 1 – 3 giờ, sau đó cấp thêm nước mới, ngày sau thay 30 % nước.

Thu hoạch: Tuỳ theo cỡ giống thả mà thời gian nuôi đến lúc thu hoạch khác nhau từ 6 đến 10 tháng. Khi cá đạt trọng lượng từ 0,6 – 1 kg/con dùng lưới vây thu lần thứ nhất, sau đó tháo cạn nước thu toàn bộ. Nên kéo lưới lúc trời mát để ít ảnh hưởng đến cá, chuẩn bị các dụng cụ như thau, chậu, máy sục khí để bảo đảm chất lượng cá thương phẩm.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Hướng tới nuôi trồng không kháng sinh

Theo các chuyên gia, giải pháp sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản giúp phòng bệnh, hỗ trợ tăng trưởng và tăng tỷ lệ sống, cùng đó ngăn chặn sự tích tụ chất thải có nguồn gốc Nitơ trong ao nuôi.

Nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học mang lại vụ mùa thành công.

Lịch sử sử dụng chế phẩm sinh học

Trong vài thập kỷ qua, nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã trở thành ngành sản xuất thực phẩm phát triển nhanh nhất thế giới. Nuôi tôm có tốc độ tăng trưởng trung bình 16,8%/năm; tuy nhiên, cùng với việc nuôi tôm ngày càng được mở rộng đã làm tăng mối nguy về dịch bệnh, sự tích tụ của các chất độc và chất thải hữu cơ trong ao. Để đối phó với dịch bệnh, kháng sinh và các biện pháp khử trùng trong canh tác NTTS được sử dụng một cách phổ biến. Điều này làm tăng khả năng kháng thuốc của vi khuẩn và dẫn đến giảm hiệu quả của việc sử dụng kháng sinh đối với điều trị bệnh cho đối tượng thủy sản (Vaseeharan & Ramasamy, 2003). Đồng thời, những biện pháp trên đã tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh (như Vibrio spp.) trong hệ thống nuôi.

Để giải quyết tận gốc vấn đề, người ta đã tích cực tìm kiếm các biện pháp thay thế để xử lý dịch bệnh và giảm tỷ lệ chết, trong đó, sử dụng các chế phẩm sinh học đang rất được ưa chuộng.

Chế phẩm sinh học được nghiên cứu và ứng dụng trong chăn nuôi từ những năm 1970. Cuối những năm 1980, ấn phẩm đầu tiên về việc kiểm soát sinh học trong NTTS được xuất bản đã thúc đẩy các nỗ lực nghiên cứu về vấn đề này (Verschuere et al., 2000).
Nhu cầu tiêu thụ tôm tăng cao đã khiến nông dân trên khắp châu Á thả giống với mật độ ngày càng cao. Ở Việt Nam, mô hình nuôi tôm thâm canh bắt đầu được áp dụng vào năm 1989. Ngay sau đó, nhiều nông dân chuyển đổi từ nuôi tôm bán thâm canh với mật độ 5 – 15 con/m2 sang nuôi tôm thâm canh với mật độ 70 – 150 con/m2 (Leung & Engle, 2006; Hai et al., 2015). Việc nuôi tôm ở mật độ cao hơn đã gây nhiều vấn đề xấu trong ngành NTTS, vốn dĩ việc áp dụng an toàn sinh học của ngành thủy sản đã khó hơn ngành chăn nuôi.

Sự gia tăng áp lực do dịch bệnh đã khuyến khích các nhà sản xuất tôm tìm kiếm biện pháp điều trị hiệu quả hơn bằng cách sử dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất. Ví dụ điển hình trên Hội chứng chết sớm (EMS), hay còn được gọi là bệnh Hoại tử gan tụy cấp (AHPND). EMS lần đầu tiên được báo cáo trên tôm he (Penaeid) ở miền Nam Trung Quốc năm 2010. Bệnh do vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus gây ra. Sau đó, dịch bệnh tương tự được báo cáo ở Việt Nam, Thái Lan và Malaysia. Ngay cả thời điểm hiện tại, EMS vẫn đang tiếp tục tàn phá tôm nuôi. Bệnh rất nguy hiểm đối với ngành nuôi tôm do tôm ở giai đoạn Postlarvae dễ bị nhiễm bệnh trong vòng 20 – 30 ngày sau khi thả và tỷ lệ chết lên tới 100% trong hầu hết các ổ dịch. Tổn thất đối với ngành nuôi tôm châu Á lên đến 1 tỷ USD (theo GAA, 2013).

Có thể thấy, sử dụng các vi sinh vật có lợi thay thế kháng sinh để phòng bệnh trên tôm đã được thử nghiệm bởi nhiều nhà nghiên cứu và các hộ nông dân ở tất cả vùng sản xuất tôm hàng đầu trên thế giới. Các vấn đề về bệnh đã xảy ra cho thấy, mặc dù công nghệ vi sinh được chứng minh là có hiệu quả trong một số môi trường thử nghiệm cụ thể và có kiểm soát, việc ứng dụng rộng rãi như thực hành NTTS tốt vẫn chưa cho kết quả khả quan do thiếu hiệu quả trong hoạt động sản xuất.

Xu hướng hiện tại

Các biện pháp thay thế kháng sinh trong nuôi tôm vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu và thử nghiệm. Giải pháp hàng đầu vẫn là kỹ thuật chuẩn bị ao nuôi, xử lý nước, nâng cao chất lượng di truyền trong sản xuất tôm giống, khẩu phần ăn, điều chỉnh tần suất cho ăn, và thời điểm thu hoạch hợp lý. Một trong những chiến lược hiện nay được sử dụng để chống lại dịch bệnh tôm là công nghệ nuôi nước xanh (De Schryver et al., 2014). Đặc điểm của hệ thống này là sự kết hợp hệ vi tảo với hệ vi sinh vật để có thể cạnh tranh các chất dinh dưỡng với vi khuẩn gây bệnh và sản xuất các hợp chất ức chế khả năng sống của chúng (Natrah et al., 2014). Tuy nhiên, dù sử dụng biện pháp nào thì việc áp dụng quản lý tốt trang trại, thức ăn và nước ao nuôi vẫn giúp đảm bảo ngăn chặn dịch bệnh.
Nếu xem xét trên nhiều phương diện, các nghiên cứu đang tiến hành cho thấy, dịch bệnh sẽ trở nên nghiêm trọng hơn bởi một số phương pháp canh tác thông thường và xu hướng thả mật độ cao, từ đó làm giảm chất lượng nước.

Chất lượng nước nói chung đang ngày một kém đi, không chỉ bởi ảnh hưởng từ ngành NTTS. Sự gia tăng dân số, đặc biệt ở những nơi không có hệ thống xử lý nước thải hiện đại, sẽ tạo nên chất thải hữu cơ cao trong nguồn nước. Một lý do đó là độ mặn tăng do sự biến đổi khí hậu. Đặc biệt, nông dân vùng ĐBSCL đều bị ảnh hưởng do độ mặn của nước biển tăng lên. Tại Bến Tre, các hộ nuôi tôm nhỏ lẻ sống gần sông áp dụng biện pháp nuôi luân canh tôm – lúa đã bị thiệt hại trung bình 15 – 30 triệu đồng trong năm 2015.

Biện pháp phổ biến hiện nay là khử trùng toàn bộ nước và đáy ao được cho là có thể tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh (như EMS/AHPND). Ví dụ, Chlorine được sử dụng rộng rãi để khử trùng các trại giống và ao nuôi; tuy nhiên, việc làm này cũng loại bỏ các động vật phù du, một nguồn thức ăn tự nhiên thứ cấp quan trọng cho tôm trước khi thả. Hệ thống “nước sạch” (do khử trùng bằng Chlorine) này cũng dẫn đến sự phát triển của các vi khuẩn có khả năng tăng sinh khối nhanh (các vi khuẩn Vibrio spp.), chúng tái xâm chiếm trong môi trường nước (Attramadal et al., 2012). Chlorine và các biện pháp khử trùng khác làm giảm tổng số các vi khuẩn có khả năng cạnh tranh với dinh dưỡng dư thừa trong ao nuôi. Quá trình này cũng diệt quần thể tảo, do đó làm tăng nguồn thức ăn cho vi khuẩn gây bệnh. Trên thực tế, những điều này là nguyên nhân dẫn đến sự bùng phát của bệnh phát sáng lan rộng vào đầu những năm 1990. Trong tất cả các trường hợp, sự gia tăng Vibrio cơ hội đã được chứng minh có sự xuất hiện trong ao nuôi sau khi khử trùng ao (Lavilla-Pitogo et al., 1998, Bratvold et al., 1999).

Để đối phó với dịch bệnh bùng phát, việc bổ sung các vi sinh đã được đánh giá giúp cải thiện các yếu tố sinh học đối với chất lượng nước. Vấn đề có thể phát sinh khi các sản phẩm này được sử dụng bừa bãi để xử lý chất thải hữu cơ trong ao nuôi. Chúng có thể nhanh chóng làm giảm lượng ôxy hòa tan (DO) trong nước, làm tăng hàm lượng NO2- độc hại và NH4+. Tuy nhiên, bằng cách sử dụng công nghệ tăng vi sinh và các biện pháp ứng dụng hợp lý sẽ tạo ra một hệ vi sinh có lợi và bền vững trong nước ao.

Việc áp dụng công nghệ vi sinh một cách chính xác, các trang trại NTTS có thể đạt được kết quả mong muốn, làm giảm chất hữu cơ trong khi duy trì lượng các chất độc hại như NO2- và NH3 ở nồng độ thấp. Một hệ thống nước có quần thể vi sinh bền vững cũng sẽ loại bỏ các cơ hội cho vi khuẩn có hại phát triển nhanh (Attramadal, et al., 2012).

Nguồn: Thủy sản Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.