4 ha rau hữu cơ cho sản lượng 30 tấn mỗi năm tại Hà Nam

Hiện, bà con Trác Văn, huyện Duy Tiên, Hà Nam canh tác khoảng 30 loại rau hữu, cung cấp chủ yếu cho thị trường Hà Nam, Hà Nội và Nam Định.

Theo ông Nguyễn Văn Phóng – Giám đốc hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Trác Văn ở thôn Tường Thụy, Xã Trác Văn, huyện Duy Tiên, Hà Nam, nhận thấy nhu cầu tiêu dùng rau sạch của thị trường khá cao; trong khi thổ nhưỡng của địa phương phù hợp với sự phát triển của nhiều loại nông sản, nguồn lao động tại chỗ lại dào dào, nên năm 2013, hợp tác xã thành lập tổ hợp tác chuyên trồng rau hữu cơ. Sau hơn 3 năm hoạt động, hiện, tổ hợp tác có 36 thành viên, canh tác khoảng 30 loại rau hữu cơ trên diện tích 4 ha.

Ruộng cà chua hữu cơ của bà con Trác Văn.

Theo ông Phóng, thời gian đầu khi phát triển mô hình rau hữu cơ, các thành viên trong tổ gặp không ít khó khăn. Một là, bà con còn gặp nhiều bỡ ngỡ khi chuyển đổi từ lối canh tác truyền thống sang phương pháp canh tác có sự kiểm tra, giám sát, thực hiện theo các tiêu chí kỹ thuật. Hai là, trong quá trình sản xuất rau hữu cơ, do không được phép sử dụng các loại thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và phân bón hóa học nên khi rau gặp sâu bệnh, bà con cũng lúng túng, chưa giải quyết được ngay.

Ngoài ra, mô hình trồng rau hữu cơ cho năng suất thấp, chỉ bằng 40-50% so với canh tác thông thường nên nhiều người còn e ngại, chưa nhiệt tình tham gia.

Bà con bón phân cho rau cải muộn. 

Để khắc phục những khó khăn trên, các cán bộ chuyên về trồng trọt được cử xuống tận nơi, hướng dẫn kỹ thuật canh tác rau hữu cơ cho bà con thông qua lớp tập huấn. Theo đó, ngoài đất trồng và nước tưới đảm bảo đạt chuẩn, để hạn chế sâu bệnh gây hại, bà con phải luân canh và xen canh nhiều loại rau, củ, quả.

Ngoài ra, cạnh luống rau, bà con còn được gợi ý trồng thêm các loài hoa có màu sắc rực rỡ để dẫn dụ thiên địch có lợi, từ đó, hạn chế sâu bướm đẻ trứng lên rau và gây hại. Khi gặp sâu bệnh, bà con dùng thuốc thảo mộc hoặc chế phẩm sinh học là hỗn hợp tỏi, ớt giã nhỏ trộn với rượu để phun cho rau.

Rau được trồng xen canh để hạn chế sâu bệnh.

Hiện, bà con Trác Văn canh tác khoảng 30 loại rau hữu cơ gồm cải ngồng, cải ngọt, cà rốt, cải chíp, cà chua, đậu cô ve, dưa chuột, su hào, bắp cải… Các giống rau này đều được nhập từ trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Về phân bón, người dân sử dụng phân bò, lợn, gà ủ cùng gốc rau thải cho hoai mục rồi đem bón. Đây là nguồn cung cấp dưỡng chất giúp rau phát triển tốt, đất tơi xốp, lại góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường.

Nhờ tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, sử dụng các nguyên liệu thủ công, tự chế, chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh, mô hình rau hữu cơ Trác Văn đã được cấp chứng nhận PGS. Đây là chứng nhận về quy trình sản xuất rau hữu cơ ở Việt Nam, được Liên đoàn quốc tế các phong trào nông nghiệp hữu cơ IFOAM cấp phép.

Hiện, sản lượng rau hữu cơ của tổ hợp tác đạt khoảng 30 tấn mỗi năm; trong đó, 60-70% được các doanh nghiệp cam kết bao tiêu, còn lại là bán lẻ cho người tiêu dùng. Giá rau ổn định ở mức 15.000 đồng một kg.

Ông Phóng chia sẻ, tổ hợp tác dự định hoàn thiện hệ thống tưới phun sương, xây nhà lưới hạn chế côn trùng và giảm thiểu ảnh hưởng của thời tiết tới sự sinh trưởng của các loại rau theo mô hình; góp phần nâng cao năng suất và sản lượng rau hữu cơ an toàn Trác Văn.

Nguồn: Vnexpress được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Rau màu vụ đông Bắc Đông tăng cao

Giá cao gần gấp đôi

Hiện rau màu vụ đông đang cho thu hoạch rộ. Tuy nhiên, điểm khác biệt so với những năm trước là sản phẩm làm ra đến đâu bán hết đến đó. Ghi nhận ở một số vùng chuyên canh rau màu cho thấy, giá nông sản bình quân cao gần gấp đôi so với cùng thời điểm năm trước.

Đơn cử, cà chua 12 – 15 nghìn đồng/kg, bắp cải 8 – 9 nghìn đồng/cây; su hào 7 – 8 nghìn đồng/củ; đậu cô ve 18 – 20 nghìn đồng/kg; cà chua bi 8 – 12 nghìn đồng/kg; 50 – 60 nghìn đồng/kg ớt…

Khảo sát tại cánh đồng thôn Ghép, xã Thái Đào (huyện Lạng Giang), chúng tôi cảm nhận được niềm vui của nông dân khi rau được mùa, được giá. Gia đình bà Nguyễn Thị Là đang thu hoạch lứa bắp cải thứ hai tính từ đầu vụ để chuẩn bị xuống giống súp lơ thu vào tháng Giêng. “Mấy năm trước, rau chỉ bán được giá vào thời điểm đầu vụ, về sau hạ dần và có lúc rẻ như cho, nhiều nhà lấy chăm cá hoặc bỏ thối ngoài đồng. Năm nay thì khác, rau luôn được giá, cứ mỗi lứa bắp cải, gia đình tôi thu về gần chục triệu đồng/sào”, bà Là cho biết.

Bà con phấn khởi khi rau màu tăng giá

Tương tự, người dân trồng cây ưa lạnh tại thôn Hà Mỹ, xã Chu Điện (huyện Lục Nam) cũng thắng lớn. Theo bà Đỗ Thị Thúy, người dân trong thôn, năm nay, trời rét sớm, lạnh sâu, cây trồng ít sâu bệnh. Người trồng rau không tốn công, giảm chi phí khâu chăm sóc, sản phẩm lại bán giá cao đã góp phần tăng giá trị rau màu. Với hai sào su hào vừa thu hoạch, trừ chi phí, gia đình bà thu về hơn 15 triệu đồng.

Đến nay, tỉnh Bắc Giang có hơn 12 nghìn ha rau, màu các loại. Đánh giá của Sở NN-PTNT Bắc Giang, nhìn chung, cây vụ đông năm nay cho giá trị kinh tế cao, bình quân đạt khoảng 100 triệu đồng/ha, cao hơn 20 triệu đồng/ha so với năm trước. Cá biệt có một số cây cho thu nhập từ 300 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha như dưa lưới, các loại ớt, cà chua.

Bám sát diễn biến thời tiết, chủ động nguồn cung

Đang trong thời điểm chính vụ song nông sản không đủ cung cấp theo nhu cầu thị trường. Vì vậy, các tiểu thương đều phải trực tiếp thu hoạch, cân rau cùng bà con tại ruộng. Anh Tống Văn Thọ ở thôn Ghép nói: “Trước đây, tôi chỉ cần ở nhà và cân nông sản khi người dân chở rau, củ đến. Mấy ngày nay dù đã tăng giá nhưng vẫn không có rau để mua vì khan hiếm, tôi chủ động đến một số vùng chuyên canh đặt cọc trước. Chậm chân là hết rau, lỡ đơn hàng với khách”.

Các tiểu thương trực tiếp thu hoạch, cân rau cùng bà con tại ruộng

Ông Dương Thanh Tùng, PGĐ Sở NN-PTNT Bắc Giang cho rằng, giá rau tăng mạnh do một số địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai dẫn đến sản phẩm khan hiếm. Hơn nữa, nhiều nơi nông dân không còn “mặn mà” với ruộng đồng, bỏ ruộng vụ đông, không còn “tự cung, tự cấp” như trước mà phải mua rau, quả để sử dụng hằng ngày. Bên cạnh đó, công tác liên kết cũng được thực hiện tốt với hơn 3 nghìn ha rau, quả có hợp đồng bao tiêu chặt chẽ.

Còn theo một tiểu thương có hơn chục năm trong nghề tiêu thụ nông sản tại xã Thái Đào, nhiệt độ xuống thấp, rau dễ bảo quản, vì vậy người buôn rau lựa chọn hàng trong nước để kinh doanh. Còn nếu thời tiết ấm, nóng thì giới “chạy chợ” luôn ưu tiên mặt hàng của Trung Quốc vì thường có chất bảo quản, nông sản tươi lâu hơn sẽ ít rủi ro.

Cùng đó, biện pháp xây dựng mô hình điểm tại các địa phương, điểm mới trong chỉ đạo vụ đông đã phát huy hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh có 34 mô hình điểm với diện tích hơn 500ha và đạt hiệu quả cao. Điển hình, huyện Yên Dũng xây dựng 10 mô hình điểm sản xuất tập trung. Ông Hoàng Hữu Lân, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện thông tin: “Lo ngại khó đạt kế hoạch diện tích đề ra, huyện đặt mục tiêu nâng cao giá trị cây vụ đông. Theo đó, ưu tiên hỗ trợ vùng tập trung với mức 100 nghìn đồng/sào; đồng thời tổ chức hội nghị mời gọi doanh nghiệp tham gia ký kết hợp đồng tiêu thụ với hợp tác xã, nhóm hộ”.

Đến nay mô hình điểm về rau an toàn ở xã Tiến Dũng, Đồng Việt đã cho thu hoạch, lợi nhuận đạt 130 triệu đồng/ha. Các mô hình khoai tây chế biến hứa hẹn bội thu. Ở Tân Yên, huyện hỗ trợ 50% giá giống, chuyển giao kỹ thuật cho 6 mô hình điểm theo chuỗi khép kín, tập trung tại xã Ngọc Lý, Đại Hóa, Lan Giới; quy mô bình quân 5 – 10 ha/mô hình.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Thu về 500 tỷ đồng nhờ trồng cây rau màu

Ông Nguyễn Văn Khoa, Giám đốc HTXNN xã Gia Xuyên phấn khởi cho biết: “Vụ đông này các xã viên thắng lớn. Đến nay, toàn xã đã tiêu thụ hết 150ha bắp cải lứa đầu. Mỗi ha trung bình nông dân thu được 240 triệu đồng, thời điểm cao thu đến 350 triệu đồng/ha. Tính ra mỗi hộ trừ chi phí còn thu nhập ngày công và lãi khoảng 200 triệu đồng/vụ. Thôn Tranh Đấu có vài chục hộ thu hàng trăm triệu đồng bắp cải như ông Hồ Văn Kiển, bà Vũ Thị Dưỡng…”.

Ông Phạm Văn Mát, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoàng Diệu, vùng trồng bắp cải lớn, hồ hởi khoe với chúng tôi: “Bắp cải năm nay thắng như năm 2015. Hội viên nông dân chúng tôi thu nhập khá. Tết này sẽ ăn to. Thôn Đại Tỉnh và thôn Long Tràng đã thu hoạch xong 70ha bắp cải, thu thấp nhất là 7 triệu đồng/sào, phổ biến là 8 – 10 triệu đồng/sào.

Gia đình tôi trồng 4 sào rưỡi bắp cải đã đút túi 45 triệu đồng. Đến nay, thôn Long Tràng có hàng chục hộ thu bắp cải 150 triệu đồng trở lên như bà Son, ông Chí, ông Hiến… Có hộ mượn ruộng, thuê ruộng trồng cây vụ đông thì thu từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng như ông Trần Văn Đoàn sản xuất 20ha rau”.

Người dân trồng bắp cải thắng lớn, thu được lợi nhuận rất cao

Bà Nguyễn Thị Tâm ở thôn Đông Thượng, xã Đồng Quang chia sẻ: “Gia đình vừa thu hoạch xong 6 sào su hào, 5 sào bầu và bí ngô cũng đang thu hái. Bầu bán được từ 5 – 10 ngàn đồng/kg, trung bình 1 sào bầu thu được 9 – 10 triệu đồng, bí ngô chỉ cho thu nhập 2 triệu đồng/sào nhưng nhàn và dễ trồng. Su hào tôi bán non cho đại lý nên mỗi sào chỉ được 5,5 triệu đồng nhưng yên tâm. Đến nay tôi đã thu được 90 triệu đồng, vào loại khá của thôn”.

Theo bà Tăng Thị Hạnh, Phó phòng NN-PTNT huyện Gia Lộc: Vụ đông 2017 – 2018, toàn huyện phấn đấu gieo trồng 3.100ha cây màu và đã hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch trên 100ha. Diện tích vụ đông đã thu hoạch trên 50%, doanh thu đạt khoảng 300 tỷ đồng. Bình quân 1ha cây vụ đông thu khoảng 200 triệu đồng, vượt chỉ tiêu kế hoạch 66,66%.

Nét mới của vụ đông năm nay là nông dân tiếp thu đưa nhiều giống cây trồng mới vào SX như bắp cải No71, su hào TV16, bầu Trầm hương, khổ qua, đậu bắp… Diện tích cây vụ đông có hợp đồng bao tiêu sản phẩm tăng so với năm trước, với 340ha chủ lực là bắp cải 190ha, súp lơ 65ha”.

Huyện quy hoạch vùng SX rau theo hướng an toàn ở 11 xã với 61 vùng tổng diện tích là 1.011ha. Diện tích SX áp dụng công nghệ cao tăng mạnh ở các xã Toàn Thắng, Phạm Trấn, Cty Hưng Việt… Khối lượng sản phẩm rau an toàn tăng, giá bán cao, mang lại lợi nhuận cao cho người SX. Mô hình mang lại hiệu quả, là điểm sáng để nông dân các nơi trong huyện đến học tập…

“SX vụ đông năm nay cơ bản thuận lợi về thời tiết và tiêu thụ, kênh tiêu thụ đa dạng, tiêu thụ trong các siêu thị, các bếp ăn tập thể, nhà trường, doanh nghiệp. Thị trường tiêu thụ suốt từ Bắc vào Nam. Rau quả bán được giá, không có sản phẩm bị quá lứa. Nhiều hộ nông dân bán sản phẩm non cho các đại lý, không mất công thu hoạch nên hiệu quả SX tăng cao, ước giá trị ước đạt trên 500 tỷ đồng”, bà Hạnh chia sẻ.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Rau hữu cơ Định Trung khẳng định thế mạnh OCOP

Cây rau ở xã Định Trung (TP Vĩnh Yên) lúc đầu chỉ có một vài hộ làm theo kiểu tự cung tự cấp. Dần dà, đây là hướng đi mới để phát triển kinh tế, tăng thu nhập.

Địa phương đã tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cây trồng, quy hoạch vùng trồng rau. Phối hợp với ngành NN-PTNT tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật thâm canh, hỗ trợ giống, vốn, VTNN và bao tiêu một phần rau xanh cho nông dân…


Để rau Định Trung có đầu ra ổn định, khẳng định được chỗ đứng, với sự giúp đỡ của các cấp, ngành năm 2012, “Liên kết nhóm” trồng rau an toàn, theo hướng hữu cơ được hình thành. Ban đầu có 19 hộ tham gia với 1,5ha. Công ty CP XNK&SX nông sản sạch VietGarden trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu 50% sản phẩm.

Tháng 5/2017, HTX SX và TM Định Trung (HTX rau hữu cơ Vĩnh Phúc) thành lập với 25 hội viên, là những nông dân trồng rau hữu cơ tại xã Định Trung. HTX hợp tác với các DN, nhằm liên kết, hướng dẫn nông dân thực hiện đúng quy trình SX rau hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS, giám sát SX để có những sản phẩm đạt VSATTP, từng bước hỗ trợ SX và tiêu thụ rau hữu cơ cho bà con với giá cao hơn, hoặc ít nhất bằng giá thị trường.

Chia sẻ về kỹ thuật trồng rau hữu cơ, bà Nguyễn Thị Hương Hồi, PGĐ kỹ thuật HTX cho biết, để rau, củ, quả hữu cơ, an toàn, bà con tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc “5 không”, gồm không dùng phân hóa học; không dùng chất biến đổi gen; không dùng chất kích thích sinh trưởng để phun, tưới; không dùng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu.

Thay vào đó, bà con dùng ớt, tỏi, gừng giã nhuyễn ngâm với rượu rồi phun lên rau hoặc dùng phương pháp dẫn dụ bắt thủ công. Để bổ sung dinh dưỡng cho cây thì dùng đu đủ chín, mướp đắng, chuối chín, cá trộn với đường (mùa đông 21 ngày, mùa hè 15 ngày) sau đó lọc lấy nước phun. Hiện tại HTX có 3 ha đang SX tại cánh đồng Đường Hiên, mỗi ngày làm ra từ 400 – 800kg rau, củ, quả…

Còn theo bà Hoàng Thị Tám, PGĐ HTX phụ trách thị trường, hiện tại rau HTX đã được tiêu thụ rộng rãi, tại nhiều của hàng và công ty như: Công ty CP XNK&SX nông sản sạch VietGarden (Hà Nội), Cửa hàng thực phẩm sạch Bảo Phúc, Cửa hàng thực phẩm sạch Tĩnh Liên (khu chung cư Vinaconex Xuân Mai, phường Liên Bảo), Thực phẩm sạch T-Food (Trần Phú, Liên Bảo), Sông Hồng thủ đô… Tuy nhiên lượng tiêu thụ qua HTX chỉ đạt 40 – 50%, còn lại các hộ vẫn phải tự lo đầu ra.

Vừa tranh thủ chăm sóc ruộng bắp cải, bà Trịnh Thị Vinh ở thôn Đậu, xã Định Trung, xã viên HTX rau hữu cơ Vĩnh Phúc cho biết: “Gia đình tôi có 3 sào bắp cải, su hào, cà chua theo hướng hữu cơ. Với 1 sào bắp cải trên 1.000 cây, trồng 2,5 đến 3 tháng cho thu hoạch, giá hiện tại 10.000 đồng/cây, trừ chi phí cũng thu được 7 triệu/đợt/sào. Tuy nhiên giá còn bấp bênh, như tầm này năm trước, mỗi cây bắp cải chỉ 2.000- 3.000 đồng, phải bán tống, bán tháo hoặc chặt cho bò, lợn, cá ăn”.

Còn theo chị Nguyễn Thị Hải ở thôn Gò, gia đình chị có 2 sào trồng rau, khi chưa thành lập HTX thì rau làm ra khó tiêu thụ, giá trị không cao. Khi vào HTX, các xã viên cùng chịu trách nhiệm nên chất lượng rau nâng lên, thu nhập tăng theo, bình quân 1 sào khoảng 30 – 35 triệu đồng/năm, cao hơn cây trồng khác. Tuy nhiên lượng tiêu thụ qua HTX còn thấp, hộ gia đình vẫn phải tự lo đầu ra 50% sản phẩm.

Với phương châm “Sạch từ tâm, ngon xứng tầm”, chị Đặng Thị Bảo Yến, chủ cửa hàng thực phẩm Bảo Phúc (khu chung cư Vinaconex Xuân Mai, phường Liên Bảo) cho biết, hàng ngày của hàng tiêu thụ trực tiếp khoảng 80kg rau, củ, quả của HTX. Ngoài bán trực tiếp, cửa hàng còn nhận giao hàng tận nơi khách hàng yêu cầu.

Nhanh tay chọn cho mình những túi rau tươi ngon mang nhãn hiệu HTX rau hữu cơ Vĩnh Phúc, chị Phan Thị Minh Thu ở khu 10, phường Liên Bảo tâm sự: “Tôi thường xuyên mua rau cửa hàng Bảo Phúc vì rau ở đây tươi ngon, sạch, được chứng nhận đảm bảo VSATTP, hơn nữa giá cả hợp lý”.

Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Phòng trừ sâu bệnh trên bắp cải

Thời tiết mưa nắng đan xen tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển các loại rau, trong đó có cây cải bắp. Bà con nông dân cần chú ý cách phòng trừ.

Các loài sâu gây hại

– Sâu tơ: thường tập hợp ở mặt dưới lá.

– Sâu xanh bướm trắng: thường ẩn nấp mặt dưới lá.

– Bọ nhảy sọc cong vỏ lạc: gây hại nặng nhất ở thời kỳ cây con mới mọc nếu mật độ 1 – 2 con/cây kết hợp trưởng thành hại lá có thể làm cây chết.

Sâu tơ hại bắp cải.

Phòng trừ:

– Biện pháp canh tác: Thu dọn tàn dư cây trồng sau khi thu hoạch. Cuốc lật đất cày sâu 10 – 15 cm, phơi ải từ 10 – 15 ngày trước khi trồng (hoặc lên luống rồi phủ ni-lông trên bề mặt từ 3 – 5 ngày để diệt ấu trùng sau đó gieo trồng bình thường). Bón phân đầy đủ và cân đối, sử dụng phân hữu cơ hoai mục. Thường xuyên luân canh với các cây khác họ. Gieo trồng tập trung đúng thời vụ.

-Biện pháp hoá học:

+ Đối với sâu tơ: Khi mật độ sâu trên 20 con/m2 (giai đoạn cây con) và trên 30 con/m2 (cây lớn) thì sử dụng thuốc: Oncol 20EC, Cyperkill 10EC, 25EC, 5EC, Pegasu 500SC, Reasgant 1,8EC, 3,6EC, Sokupi 0,36AS, Catex 1,8EC, 3,6 E…

+ Đối với sâu xanh bướm trắng: Khi mật độ sâu non trên 6 con/m2 sử dụng thuốc Ratoin 10EC, Delfin WG (32BIU), Biocin 16WP, Cymerin 10EC…

+ Bọ nhảy: Khi mật độ trên 20 con/m2 sử dụng thuốc Actara 25WG, Sokupi 0,36 AS, 0,5AS….

Chú ý: Khi phòng trừ phải phun theo hướng dẫn kỹ thuật trên vỏ bao bì, tuân theo nguyên tắc “4 đúng”, ưu tiên sử dụng thuốc sinh học và thuốc thảo mộc và bảo đảm đúng thời gian cách ly.

Bệnh thối nhũn

Có 2 nguyên nhân gây ra ( do nấm thối hạch và do vi khuẩn thối nhũn gây ra). Cần nhận biết và phân biệt rõ vỡi những triệu chứng sau:

Thối nhũn do nấm

– Do nấm tồn tại trong đất trồng, tàn dư gây ra.

– Vết bệnh lúc đầu là những chấm nhỏ, mất màu sau đó nhũn ra.

– Bệnh gây thối từng lớp lá từ trên xuống dưới.

– Gặp độ ẩm không khí cao thấy có lớp tơ màu trắng bao phủ vết bệnh. Không có mùi khẳn.

– Thuốc trị bệnh: Validacin3L, Rovral50WP, Anvil5SC, Bennomyl 50WP…

Bắp cải bị thối nhũn

Thối nhũn do vi khuấn

– Do vi khuẩn tồn tại trong đất trồng, tàn dư gây ra

– Lúc đầu thấy xuất hiện một số lá bị héo vào buổi trưa, tươi lại buổi chiều.

– Bệnh làm thối mềm phần trong của cây (lõi) rồi sau đó làm thối nhũn cả bắp.

– Độ ẩm cao, thối nhũn càng nặng và ngửi vết bệnh thấy có mùi khẳn đặc trưng của hiện tượng thối nhũn do vi khuẩn.

– Không có thuốc trị bệnh mà chỉ có thuốc phòng: Kasumin 2L, Starner 20WP, New Kasuran 16,2 WP, Rovral 50WP.

Chú ý: Khi gặp thời tiết có mưa, để phòng bệnh thối nhũn cải bắp, người trồng không nên xới xáo làm đứt rễ cây hoặc vặt lá gốc cây. Đồng thời, cần trừ sâu ăn lá (sâu xanh) nếu có sâu gây hại. Khi ruộng bị nhiễm bệnh, không nên tưới nước vào chiều mát.

Bệnh đốm lá do nấm

Vết bệnh hình tròn, có màu tím đậm sau chuyển nâu có viền vàng hoặc nâu đen. Vết bệnh già có màu đen, đôi khi thấy có một lớp bột màu đen che phủ lên bề mặt vết bệnh. Vết bệnh điển hình nhìn như đốm mắt cua.

Bệnh đốm lá

Thuốc phòng và trị bệnh: Score, Anvil 5SC, Antracol 70WP, Rovaral 50WP…

Bệnh cháy lá bã trầu do vi khuẩn

Vết bệnh có màu đỏ, ẩm thì nhũn ra, khô hanh thì giòn. Cây bị bệnh thường các lá bị cháy từ bìa lá cháy vào. Vết bệnh thường có hình tam giác mà đỉnh là gân lá.

Vi khuẩn tồn tại trong hạt giống và xác cây bị bệnh, không tồn tại trong đất trồng. Các vết thương như các sẹo lá, vết thương do côn trùng, vết thương cơ học, vết bệnh do các mầm bệnh khác,… là các cửa ngõ cho vi khuẩn xâm nhập.

Bệnh cháy lá bã trầu

Bệnh nhiễm nặng hơn trong điều kiện có mưa và nhiệt độ cao và có thể lây nhiễm từ cây bệnh sang cây mạnh trong khi vận chuyển sau thu hoạch hoặc trong khi tồn trữ.

Bệnh sưng rễ

Trồng bắp cải chỉ sau 3 tuần bắt đầu tạo củ – đây là bệnh gây sưng rễ cải bắp.
Triệu chứng:
Bệnh sưng rễ cải bắp (hay còn gọi là bệnh nốt sần rễ cải bắp) là một trong những đối tượng bệnh nguy hiểm. Bệnh không chỉ gây hại trên cải bắp mà còn gây hại trên cả su hào, cải bẹ, cải củ và các cây rau họ thập tự khác. Đặc điểm của bệnh là tạo thành các nốt sần, các u bướu trên rễ cây. Các cây bị bệnh lá héo vàng, bắp không phát triển hoặc không hình thành bắp.

A : Bệnh sưng rễ. B : vườn bắp cải bị sưng rễ

Nguyên nhân:
Gây sưng rễ cải bắp được xác định là do nấm Plasmodiophora brassicae Wor. Nấm gây bệnh là một loại ký sinh chuyên tính và chỉ phát triển trong tế bào cây đang sống. Bào tử ngủ nghỉ ở trong đất, đến khi gặp điều kiện thuận lợi thì phát triển thành các du động bào tử có một lông roi ở phía đầu. Các du động bào tử này xâm nhập vào cây qua các lông rễ để gây bệnh. Sau khi xâm nhập vào rễ cây các du động bào tử biến thành các khối chất nguyên sinh hình cầu, sau đó các khối này lại phân chia thành nhiều du động bào tử đơn bội thể giao phối với nhau và tạo thành các khối nhị bội thể. Vào cuối giai đoạn sinh trưởng của cây, dưới tác động của các vi sinh vật trong đất, các nốt sần ở rễ cây vỡ ra, bào tử nấm rơi vào đất và là nguồn lây bệnh cho vụ sau.
Điều kiện phát sinh phát triển của bệnh:
Bào tử nấm nảy mầm trong phạm vi nhiệt độ từ 6 – 28 C, độ ẩm đất vào khoảng 50 – 97%; nhưng nhiệt độ thích hợp cho bào tử nảy mầm là từ 18 – 25 C và ẩm độ đất là từ 75 – 90%. Trong đất không phải tất cả các bào tử đều nảy mầm một lúc; khả năng sống của bào tử nấm từ 6 – 7 năm. Nấm lan truyền từ ruộng này sang ruộng khác cùng với cây giống, cũng có thể qua dòng nước tưới, qua giun và các loại côn trùng sống trong đất.
Biện pháp phòng trừ bệnh:
+ Gieo trồng các giống cây chống bệnh.
+ Không trồng cải bắp và cây họ hoa thập tự 2 – 3 năm liên tiếp trên cùng mảnh ruộng.
+ Loại bỏ cây con bị bệnh trước khi mang ra ruộng trồng.
+ Trên chân đất chua cần bón bổ sung vôi.
+ Vun gốc cho cải bắp sau mỗi lần bón thúc và tưới nước để cải bắp ra thêm rễ mới giúp cây phát triển tốt hơn.
+ Tích cực diệt trừ cỏ dại đặc biệt là cỏ dại họ hoa thập tự vì nấm có thể tích luỹ ở rễ các loại cây này.
+ Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, khi phát hiện cây bệnh kịp thời nhổ bỏ cả cây lẫn rễ và mang tiêu huỷ.
+ Có thể sử dụng chế phẩm nấm đối kháng Trichoderma trộn với phân chuồng khô từ 10 – 15 ngày sau đó bón vào rãnh trước khi trồng cây.

Tổng hợp bởi Farmtrch Vietnam

Kỹ thuật trồng bắp cải tím

Bắp cải tím đang ngày càng được ưa chuộng vì những lợi ích mà nó mang lại. 

Trong bắp cải tím có chứa nhiều vitamin C và vitamin K tốt cho làn da cùng với hàm lượng chất chống ô xy hóa cao, giúp làn da trở nên mềm mại và đàn hồi.

Sở dĩ bắp cải tím có màu như vậy là vì nó có hàm lượng cao polyphenol anthocyanin. Chất anthocyanin có tính kháng viêm. Ngoài ra, chất này có tác dụng như kem chống nắng, bảo vệ các tế bào khỏi những tổn hại do các tia cực tím gây ra cho da, thậm chí còn có các chất dinh dưỡng thực vật nhiều hơn so với một bắp cải xanh.

Bắp cải tím có nguồn gốc từ vùng Địa Trung Hải, thích hợp với những vùng có khí hậu ôn đới, ở Việt Nam, loại rau này được trồng nhiều ở Đà Lạt. Kỹ thuật trồng loài cây này tương đối đơn giản gần giống với loại bắp cải xanh truyền thống của ta.

Chuẩn bị

  • Chọn đất canh tác: Cách xa các khu công nghiệp, bệnh viện, nhà máy, … (không gần nguồn nước ô nhiễm và nước thải của các nhà máy, bệnh viện).
  • Đất tơi xốp, nhẹ, nhiều mùn, tầng canh tác dày, thoát nước tốt.
  • Vệ sinh vườn, dọn sạch các tàn dư thực vật của vụ trước
  • Ở những vườn các vụ trước đã trồng bắp cải cần xử lý đất bằng Flusulfamide hay Methyl Bromide để hạn chế bệnh sưng rễ.

Gieo hạt và trồng cây

  • Đặc điểm hạt giống bắp cải tím là dễ nứt vỏ nên không cần ngâm ủ. Sau khi làm đất thì rải đều hạt lên trên mặt,phủ thêm một lớp đất mỏng. Để giữ đất ẩm lâu hơn bạn nên rải thêm một lớp rơm rạ hoặc trấu lên phía trên.
  • Tưới nước: Sau khi gieo hạt phải tưới nước liên tục 3 – 5 ngày đầu, 1 – 2 lần vào sáng sớm và chiều mát. Khi hạt đã nảy mầm ngừng tưới 1 – 2 ngày, sau đó cách 1 ngày tưới 1 lần. Trước khi nhổ cây đem trồng, ngừng tưới nước 3 – 4 ngày để luyện cây con. Trước khi nhổ cây trồng phải tưới nước trước 4 – 5 giờ để khi nhổ cây không bị đứt rễ.
  • Bón phân thúc: Sau khi cây có 2 lá thật dùng phân chuồng ủ mục ngâm nước pha loãng tưới cho cây con (lượng phân 1,5 – 2,0 tấn/ha).
  • Tỉa cây: Khi cây có 1 lá thật thì tỉa lần 1 ở những chỗ cây quá dày. Khi cây có 3 lá thật tỉa lần 2, để cây cách cây 5 – 6 cm.
  • Mật độ trồng: Cây trồng hai hàng kiểu nanh sấu.Mật độ 30.000 – 35.000 cây/ha, khoảng cách 60 x 40 cm.

Chăm sóc và bón phân

  • Tưới nước: Sau khi trồng, tưới đủ ẩm vào buổi sáng và chiều mát cho đến khi cây hồi xanh. Sau khi vun, bón thúc đợt 1 và 2, tưới rãnh cho nước ngấm 2/3 rãnh, sau đó tháo hết nước.
  • Lượng phân và cách bón:
    – Lượng phân bón cho 1ha: 20 – 25 tấn phân chuồng hoai mục, 350 – 400 kg super lân, 300 kg đạm urê, 200 kg phân kali.
    – Bón lót: Toàn bộ phân chuồng, phân lân. Rạch hai hàng trên mặt luống bón phân, sau đó lấp đất hoặc bón theo hốc trồng cây.
    – Bón thúc lần 1: Thời kỳ hồi xanh, sau trồng 7 – 10 ngày, bón 70 kg urê và 60 kg kali sunfat hoà tưới vào gốc kết hợp xới vun làm cỏ vét rãnh.
    – Bón thúc lần 2: Thời kỳ trải lá bàng, sau trồng 20 – 25 ngày, bón 150 kg urê và 80 kg kali sunfat, bón cách gốc 20 cm kết hợp xới xáo làm cỏ lấp phân.
    – Bón thúc lần 3: Thời kỳ cuốn bắp, sau trồng 30 – 35 ngày, bón nốt lượng phân còn lại, có thể bón vào gốc hoặc hòa nước tưới.

Chú ý vị trí cây phải cung cấp đủ ánh sáng để cây đậm màu.

  • Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sâu xám, giết các ổ trứng sâu khoang, sâu xanh,dùng thuốc trừ sâu với sâu tơ và rệp.
  • Khi xuất hiện các bệnh sương mai, thối nhũn, nhổ bỏ cây bị bệnh, vệ sinh đồng ruộng tránh lây lan.

Thu hoạch

Sau khoảng 3 tháng, bạn có thể thu hoạch được cây. Loại bỏ lá già, lá ngoài, lá giập nát, không ngâm nước.

Nguồn: tổng hợp bởi Farmtech VietNam

Cách bón phân cho bắp cải

Bắp cải là loại rau ăn lá, cho nên có nhu cầu đối với các nguyên tố dinh dưỡng khá cao. Với năng suất 30 tấn/ha bắp cải, cây lấy đi từ đất 125kg N, 33 kg P2­­O5, 109 kg K2O. Hiện nay ở một số cơ sở sản xuất , nông dân đã đạt đuợc các năng suất 80-100tấn/ha bắp cải, thì lượng các chất dinh dưỡng được hút đi từ đất lại càng nhiều hơn rất nhiều. Ngoài các nguyên tố đa lượng, cải bắp cũng hút đi từ đất một lượng canxi đáng kể: với mức năng suất 30 tấn/ha, cây lấy đi 2 kg CaO/ha.

Bón phân cho bắp cải

Đối với bắp cải, nông dân thường sử dụng phân bón không hợp lý về liều lượng, chưa phù hợp về chủng loại, không đúng về thời gian làm ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và phẩm chất bắp cải. Thường nông dân sử dụng lượng phân bón khá cao, nhất là phân đạm. Phân hữu cơ thường được bón tươi không ủ. Phân đạm được bón không cân đối với phân lân và kali. Các loại phân thường được bón quá muộn.
Phân hữu cơ rất cần thiết đối với bắp cải để nâng cao năng suất và chất lượng bắp cải. có nhiều người cho rằng chỉ bón phân hữu cơ thì có thể hạn chế được việc tích luỹ nitrat trong lá bắp cải. Nhưng thực ra càng bón nhiều phân hữu cơ thì khả năng tích luỹ nitrat( NO3) trong đất và trong bắp cải càng lớn.
Việc sử dụng đạm vô cơ không đúng cũng tạo ra nguy cơ tích luỹ nitrat trong lá bắp cải. Vì vậy, vấn đề sử dụng phân đúng liều lượng, đúng lúc và cân đối đối với bắp cải rất quan trọng.

Ruộng bắp cải

Để đảm bảo cho cải bắp đạt năng suất cao cần cung cấp cho cây 250-300kg N/ha. Trong đó khoảng 30-40% N được lấy từ phân hữu cơ(20-25 tấn/ha). Các loại phân hữu cơ đều tốt cho bắp cải, tuy nhiên phân hữu cơ cần được ủ hoai mục trước khi bón để tiêu diệt các nguồn trứng giun và vi sinh vật gây bệnh.
Bón cân đối đạm-kali là một trong những yêu cầu cần thiết để nâng cao chất lượng bắp cải. Tăng liều lượng phân đạm làm tăng năng suất bắp cải, song cũng làm tăng lượng nitrat trong lá bắp cải, đặc biệt là khi bón cao hơn mức 200kgN/ha.

Chăm sóc bắp cải

Bón kali làm tăng năng suất không nhiều(8-12%) nhưng lại nâng cao đáng kể chất lượng bắp cải: giảm tỷ lệ thối nhũn, tăng độ chặt và giảm đáng kể hàm lượng nitrat trong lá cải bắp. Kali đặc biệt phát huy tác dụng tốt khi đạm được bón với liều lượng cao. Lượng kali trung bình bón cho cải bắp là 100-150 kg K2O/ha. Ở mức bón kali này, hàm lượng nitrat trong lá bắp cải không vượt qua ngưỡng cho phép ( 500mg/kg bắp cải).
Với bắp cải: Phân hữu cơ và phân lân cần được bón lót toàn bộ. Phân đạm được chia ra để bón 3 lần: bón lót, bón thúc vào thời kỳ trải lá bàng và lúc bắt đầu cuộn bắp.
Bón thúc phân cho cải bắp có thể thực hiện đến lần thứ 3, nhưng nhất thiết phải kết thúc vào trước thời gian thu hoạch là 15-20 ngày, để đảm bảo hàm lượng nitrat trong bắp cải không vượt quá giới hạn cho phép.
Phân bón cho bắp cải, nhất là bón thúc, cần được vùi sâu vừa đảm bảo tăng hiệu quả sử dụng phân của cây, vừa làm giảm khả năng đạm trong phân chuyển sang dạng nitrat.
Lượng phân bón thông thường được khuyến cáo cho bắp cải là:
Phân chuồng: 20-25 tấn/ha
N: 180-200kg/ha
P2O5 : 80-100kg/ha
K2O: 100-150 kg/ha.

Theo Khuyến nông Việt Nam, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Kinh nghiệm “vàng” khi trồng bắp cải sớm

Cải bắp vụ sớm thường hay bị bệnh thối nhũn do vi khuẩn, muốn hạn chế được bệnh này cho cây người trồng phải làm tốt tất cả các khâu.

Chọn và xử lý giống

Vụ sớm, cải bắp không phát triển thuận lợi được vì thời tiết không ưu tiên. Vì vậy, người trồng cần phải lựa chọn các giống có khả năng chịu nhiệt như Takii (T40); KK Cross, Thúy Phong, Roma hoặc bắp cải tím Sakata.

Chọn mua các túi giống mới được SX hoặc trong hạn sử dụng. Hạt giống trước khi đem gieo nên xử lý bằng nước ấm (3 sôi 2 lạnh) trong thời gian 20 phút hoặc xử lý bằng thuốc trừ nấm bệnh. Sau đó ngâm nước lạnh 8 – 10 tiếng rồi mới đem gieo.

Tốt nhất nên gieo hạt giống trong hộp xốp hoặc khay bầu để đảm bảo hạt mọc đều, cây con không bị thất thoát do nắng nóng hay mưa lớn. Lượng hạt phù hợp là 2 gr/m2.

Chọn giá thể và đất trồng

Giá thể trong khay hoặc hộp xốp bao gồm 40% đất, 30% trấu mục, 30% phân chuồng hoặc phân hữu cơ vi sinh + 0,1% vôi tả hoặc 0,01% nấm đối kháng Trichodecma (Biobus). Hạt giống được ươm trong nhà lưới, nhà màn hoặc che đậy lúc mưa lớn, nắng nóng.

Nếu thời tiết có nắng mưa xen kẽ kéo dài nên phòng bệnh chết rũ cho cây con bằng cách tưới chế phẩm Biobus có tác dụng vừa phòng bệnh cho cây lại kích thích bộ rễ phát triển.

Đồng thời cần bổ sung 1 – 2 lần các chế phẩm phân bón trung vi lượng qua lá giúp cây khỏe mạnh và đủ tiêu chuẩn ra đồng.

Đất trồng cải bắp tốt nhất là đất thịt nhẹ, cát pha hoặc đất phù sa bồi có độ pH trung tính 5,5 – 6. Vụ sớm hay có mưa to cần lên luống cao và hẹp hơn các vụ khác (luống rộng 0,8 – 1 m, cao 25 – 30 cm, rãnh rộng 30 – 35 cm), lên luống theo hình mai rùa để thoát nước tốt. Đất trồng cải bắp vụ sớm không nên làm quá kỹ và đập luống chặt.

Cải bắp vụ sớm thường hay bị bệnh thối nhũn do vi khuẩn, muốn hạn chế được bệnh này cho cây người trồng phải làm tốt tất cả các khâu.

Với đất trồng tốt nhất nên xử lý bằng chế phẩm nấm đối kháng Trichodecma bằng cách trộn đều vào phân chuồng bón lót với lượng như khuyến cáo của nhà SX. Nếu không có nấm đối kháng thì có thể dùng vôi tả hoặc thuốc gốc đồng để xử lý đất trước khi trồng.

Trồng và chăm sóc

Vụ sớm không nên trồng cây con non quá sẽ dễ bị chột, chết, tốt nhất nên để cây có 6 – 7 lá thật rồi mới cấy chuyền.

Mật độ trồng thích hợp là 50 x 35 – 40 cm. Đất cần được bón lót trước khi trồng với lượng 400 kg phân chuồng mục hoặc hữu cơ vi sinh thay thế (40 kg) + 6 – 8 kg NPK 16:16:8+ 0,8 – 1 kg siêu vi lượng.

Vụ này không nên bón lót phân đơn vì dễ bị thất thoát do rửa trôi hoặc bay hơi. Lượng đạm và kali dùng để bón thúc chia làm 3 lần bón (lúc cây bén rễ, trải lá bàng và bắt đầu cuốn) có thể hòa nước tưới khi trời râm mát hoặc trộn đều bón vùi cách gốc 10 cm khi gặp mưa hoặc nắng nóng.

Để tăng chất lượng bắp cải sau này và tăng khả năng kháng sâu bệnh, chống chịu bất lợi thời tiết, ngoài việc cung cấp phân bón gốc, nông dân cần bổ sung phân bón lá trung vi lượng cho cây nhất là thời kì cuốn bắp theo liều lượng khuyến cáo trên bao bì.

Xới xáo, tưới nước

Cải bắp vụ sớm hay bị mưa to làm dí rẽ luống nên cần phải xới xáo và vun gốc cho cây 2 – 3 lần/vụ để cây phát triển thuận lợi. Tuyệt đối không nên xới xáo luống đất khi trời có mưa hay ruộng quá ẩm sẽ dễ làm cây bị thối rễ chết do vi khuẩn và nấm xâm nhập.

Cải bắp có bộ lá lớn nên cần được tưới dưỡng ẩm thường xuyên sao cho độ ẩm luống đất luôn đạt 75 – 80% (đất còn nguyên khối khi nắm chặt trong tay và không có nước rỉ ra ngoài).

Nếu gặp mưa kéo dài cần phải có những bịên pháp tác động tích cực như khơi thông mương máng, nạo vét dõng luống, đào hố góc ruộng cho nước róc nhanh, bón phân lân supe hoặc phân bón siêu ra rễ để cây nhanh hồi phục.

Thời kỳ cây cuốn bắp nếu gặp thời tiết bất thuận cần bổ sung một lượng phân bón siêu kali + vi lượng để phun qua lá cho rau định kì 1 tuần/lần nhằm giúp cho bắp cuốn thuận lợi hơn.

Bảo vệ thực vật

Các đối tượng như rệp muội, sâu xanh, sâu tơ và vi khuẩn thối nhũn thường hay phát sinh và gây hại cải bắp vụ sớm.

Nông dân cần thực hành phòng trừ tổng hợp, coi trọng dùng giống khỏe, luân canh, xen canh cây trồng, bón phân cân đối, tưới tiêu hợp lý mới nhằm giảm thiểu được mối nguy do dịch bệnh gây nên.

Sử dụng thuốc hóa học khi cần thiết theo nguyên tắc 4 đúng, chú trọng đến thuốc sinh học để đảm bảo cho rau được an toàn.

* Chú ý:

– Không bón đạm urê quá muộn hoặc lạm dụng đạm cho cải bắp sẽ làm cây giảm chất lượng, sâu bệnh nhiều và nguy hại cho sức khỏe người sử dụng. Nếu trong vụ có nhiều mưa nên giảm lượng đạm bón, đồng thời tăng cường kali và vi lượng cho rau.

– Nên trồng xen cà chua hoặc hành tỏi cùng với cải bắp để hạn chế sâu tơ gây hại.

– Nếu mưa kéo dài cần tưới nấm đối kháng vào vùng rễ cây định kỳ 1 tuần/lần để hạn chế cây chết rũ.

Theo: Nông nghiệp Việt Nam được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam

Quy trình sản xuất rau bắp cải an toàn

An toàn thực phẩm là một vấn đề nhức nhối và được xã hội quan tâm. Xu hướng càng ngày càng có nhiều người tìm đến nguồn rau sạch, an toàn cho sức khỏe.

Khác với sản xuất rau thông thường, sản xuất rau an toàn (RAT) đòi hỏi yêu cầu khắt khe trong cả quá trình sản xuất. Ngoài việc đảm bảo các tiêu chuẩn về đất trồng, nước tưới, khâu giám sát đầu vào, quy trình gieo trồng chăm sóc, đến khâu thu hoạch tiêu thụ sản phẩm đều phải đảm bảo theo các tiêu chuẩn quy định, vi vậy đòi hỏi phải có một mô hình trồng RAT thích hợp mới đảm bảo được các tiêu chuẩn quy định.

 1. Điều kiện sản xuất rau an toàn:

  • Chọn đất không bị ô nhiễm, không chịu ảnh hưởng của chất thải công nghiệp, bệnh viện và các nguồn ô nhiễm khác.
  • Nguồn nước tưới là nước sạch: nước sông có dòng chảy luân chuyển không bị ô nhiễm hoặc nước giếng khoan sạch.
  • Không sử dụng phân chuồng tươi hoặc nước phân tươi để bón hoặc tưới.
  • Thu hoạch đảm bảo thời gian cách ly sau khi phun thuốc bảo vệ thực vật.

2. Qui trình sản xuất:

2.1. Thời vụ :

  • Các tỉnh phía Bắc có 3 thời vụ:

– Vụ sớm: Gieo hạt vào tháng 7, trồng tháng 8.
– Vụ chính: Gieo hạt tháng 8, trồng tháng 9.
– Vụ muộn: Gieo hạt tháng 11, trồng tháng 12.

  • Các tỉnh phía Nam, gieo tháng 10, trồng tháng 11.

2.2. Vườn ươm và yêu cầu kỹ thuật:

  • Đất vườn ươm: chọn đất thịt nhẹ, cao, dễ thoát nước. Tiến hành dọn sạch cỏ dại, làm đất kỹ. Lên luống cao 25 cm, rộng 0,8 – 1m, rãnh rộng 25 cm.
  • Bón lót phân: Mỗi ha bón 20 – 25 tấn phân chuồng mục và 10 – 15 kg phân lân super, phân rải đều khắp mặt luống, dùng cào đảo đều trộn lẫn phân với đất. Vét đất ở rãnh lấp phủ lên mặt luống một lớp đất dày 1,5 – 2 cm.
  • Lượng hạt giống: hạt giống có tỷ lệ nảy mầm > 85%, gieo 0,28 – 0,30 kg hạt và thu được 3 – 4 vạn cây đủ trồng cho 1 ha. Lượng hạt gieo 1,5 – 2,0g/m2.
  • Gieo hạt: Gieo hạt xong cào nhẹ hoặc dùng tay xoa nhẹ, đều trên mặt luống cho đất phủ kín hạt. Dùng trấu phủ kín mặt luống, tưới nước đủ ẩm.

  • Tưới nước: Sau khi gieo hạt phải tưới nước liên tục 3 – 5 ngày đầu, 1 – 2 lần vào sáng sớm và chiều mát. Khi hạt đã nảy mầm ngừng tưới 1 – 2 ngày, sau đó cách 1 ngày tưới 1 lần. Trước khi nhổ cây đem trồng, ngừng tưới nước 3 – 4 ngày để luyện cây con. Trước khi nhổ cây trồng phải tưới nước trước 4 – 5 giờ để khi nhổ cây không bị đứt rễ.
  • Bón phân thúc: Sau khi cây có 2 lá thật dùng phân chuồng ủ mục ngâm nước pha loãng tưới cho cây con (lượng phân 1,5 – 2,0 tấn/ha).
  • Tỉa cây: Khi cây có 1 lá thật thì tỉa lần 1 ở những chỗ cây quá dày. Khi cây có 3 lá thật tỉa lần 2, để cây cách cây 5 – 6 cm.
  • Tiêu chuẩn cây giống tốt: cây con 25 – 30 ngày tuổi, có 5 – 6 lá thật, phiến lá tròn, đốt sít, mập, lùn.

2.3. Làm đất, trồng, chăm sóc bắp cải:

  • Yêu cầu đất trồng: Đất tơi nhỏ, sạch cỏ; luống rộng 100 – 120 cm, cao 15 – 20 cm, rãnh luống 20 – 30 cm. Vụ sớm, làm mặt luống mui luyện để thoát nước. Vụ chính và vụ muộn, làm luống phẳng.
  • Mật độ trồng: Cây trồng hai hàng kiểu nanh sấu.
    – Vụ sớm: mật độ 33.000 – 35.000 cây/ha, khoảng cách 60 x 40 cm.
    – Vụ chính và vụ muộn: mật độ 27.000 – 30.000 cây/ha, khoảng cách 60 x 50 cm.
  • Lượng phân và cách bón:
    – Lượng phân bón cho 1ha: 20 – 25 tấn phân chuồng hoai mục, 350 – 400 kg super lân, 300 kg đạm urê, 200 kg phân kali.
    – Bón lót: Toàn bộ phân chuồng, phân lân. Rạch hai hàng trên mặt luống bón phân, sau đó lấp đất hoặc bón theo hốc trồng cây.
    – Bón thúc lần 1: Thời kỳ hồi xanh, sau trồng 7 – 10 ngày, bón 70 kg urê và 60 kg kali sunfat hoà tưới vào gốc kết hợp xới vun làm cỏ vét rãnh.
    – Bón thúc lần 2: Thời kỳ trải lá bàng, sau trồng 20 – 25 ngày, bón 150 kg urê và 80 kg kali sunfat, bón cách gốc 20 cm kết hợp xới xáo làm cỏ lấp phân.
    – Bón thúc lần 3: Thời kỳ cuốn bắp, sau trồng 30 – 35 ngày, bón nốt lượng phân còn lại, có thể bón vào gốc hoặc hòa nước tưới.

Chú ý: Trước khi thu hoạch 30 ngày ngừng bón phân đạm.

  • Tưới nước: Sau khi trồng, tưới đủ ẩm vào buổi sáng và chiều mát cho đến khi cây hồi xanh. Sau khi vun, bón thúc đợt 1 và 2, tưới rãnh cho nước ngấm 2/3 rãnh, sau đó tháo hết nước.

  • Bảo vệ thực vật: Thực hiện các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM).
    – Trước khi trồng cây phải vệ sinh đồng ruộng, cày lật đất sớm để diệt nguồn sâu non và nhộng của các loại sâu khoang, sâu xám, sâu xanh.
    – Có thể trồng xen với cà chua hoặc hành tỏi để giảm mật độ sâu tơ.
    – Luân canh với lúa nước (2 vụ lúa và 1 vụ rau), nếu ở vùng chuyên canh rau nên luân canh với cây họ đậu, họ cà và họ bầu bí để tránh bệnh sương mai và thối nhũn.
    – Trước khi trồng cây: xử lý đất bằng thuốc hạt Basudin với liều lượng 25 kg/ha; xử lý cây giống bằng dung dịch thuốc Sherpa 20EC nồng độ 0,1% hoặc Regent 800 WG nồng độ 1g/10 lít nước, trong 5 – 10 giây rồi vớt ra để khô nước mới đem trồng.
    – Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sâu xám, giết các ổ trứng sâu khoang, sâu xanh.
    – Nếu có nhiều sâu tơ và rệp, sử dụng luân phiên giữa các nhóm thuốc: thuốc sinh học (BT, Delfin 32 BIU, Dipel 3.2WP, Aztron 700 DBMU, Xentari 35 WDG…); thuốc hoá học (Sherpa 20 EC, Atabrron 5EC, Regent 800WG, Pegasus 500SC) và thảo mộc (HCĐ 95 BTN, Rotenone, Nembon A-EC, Nimbecidin 0,03EC…) để tránh sự quen thuốc của sâu. Khi xuất hiện các bệnh sương mai, thối nhũn, nhổ bỏ cây bị bệnh, vệ sinh đồng ruộng tránh lây lan.


– Ngừng phun thuốc bảo vệ thực vật trước khi thu hoạch 20 ngày.

2.4. Thu hoạch và bảo quản:

– Thu hoạch khi bắp cuốn chắc, khối lượng trung bình 1 – 2,5 kg/cây, tuỳ theo giống, đủ độ tuổi sinh trưởng. Loại bỏ lá già, lá ngoài, lá giập nát, không ngâm nước.
– Cải bắp bảo quản nhiệt độ 0 – 2 độ C, độ ẩm 92 – 95% trong thời gian 4 – 8 ngày.

Nguồn: Trung tâm Khuyến nông Quốc gia