Phân biệt đông trùng hạ thảo thật và giả

Với nhiều công dụng hữu ích và giá trị kinh tế cao, hiện nay trên thị trường có khá nhiều đông trùng hạ thảo làm giả.

Người tiêu dùng hiện nay như lạc vào giữa ma trận của loại thảo dược này khi trên thị trường xuất hiện vô vàn các dạng bào chế với đủ mức giá. Thấp nhất 100 triệu đồng/kg, mức trung từ 400-800 triệu đồng/kg, riêng loại đặc biệt có giá từ 1,6-2 tỷ đồng/kg. Mỗi kg khoảng 2.000-2.200 con.

Vậy làm thế nào để phân biệt được đâu là đông trùng hạ thảo thật và đâu là đông trùng hạ thảo giả?

Đông trùng hạ thảo

Bài viết dưới đây chia sẻ kinh nghiệm nhằm giúp người dùng xác định được chính xác điều này:

1. Quan sát bên ngoài

Đông trùng hạ thảo thật

  • Đông trùng hạ thảo do chất đệm nấm mọc dính liền vào đầu sâu non mà thành. Đầu sâu non giống như con tằm, dài chừng 3-5 cm, đường kính khoảng 0,3-0,8 cm. Bên ngoài có màu vàng sẫm hoặc nâu vàng với khoảng 20-30 vằn khía, vằn khía ở gần đầu nhỏ hơn.

Cách nhận biết đông trùng hạ thảo thật

  • Phần đầu có màu nâu đỏ, đuôi giống như đuôi con tằm, có tất cả 8 cặp chân, nhưng 4 đôi ở giữa là rõ nhất. Chất đệm nấm hình que cong mọc ra từ mình sâu non, dài hơn sâu non một chút. Sâu non dễ bẻ gãy, ruột bên trong căng đầy, màu trắng hơi vàng; chất đệm nấm khá dai và bên trong ruột hơi rỗng, có màu trắng ngà.

Đông trùng hạ thảo giả

  • Được làm từ thân củ của địa tàm và thảo thạch. Quan sát hàng giả sẽ thấy có cạnh gờ hơi cong và số đốt là 3-15, bên ngoài có màu vàng nhạt, dài độ 2-3 cm, đường kính 0,1-1 cm, đặc biệt chất giòn, mặt cắt có màu trắng.

Đông trùng hạ thảo giả

  • Ngoài ra còn một loại giả đông trùng hạ thảo nữa được làm từ bột ngô, bột mạch hay thạch cao… Chúng được sản xuất bằng cách gia công ép màng nên bên ngoài có màu trắng ngà, hình sâu non nhẵn bóng, rõ các vằn khía, mặt cắt có màu trắng nhạt. Cầm thấy nặng, không nhẹ bông như thật, khi nhai lâu thì dính răng. Hàng giả thì sâu non không có chân, vị ngọt, dính.

2. Nếm

Khi cho Đông trùng hạ vào miệng nhai vụn như nhai hạt đậu nành, tấm, càng nhai càng thơm, trong miệng có mùi thơm như mùi thịt gà. Nếu cho Đông trùng hạ thảo giả vào miệng nhai, có cảm giác cứng, sau khi nhai có nước bọt tiết ra ta sẽ thấy giống bột đất sét, đến khi không thể nhai nữa nó hoàn toàn không có mùi thơm của thịt mà có mùi đất rất nồng. Cách phân biệt đông trùng hạ thảo thật giả này hiệu quả cho người có vị giác tốt.

3. Phân biệt bằng khướu giác

Đông trùng hạ thảo thật có mùi giống mùi nấm rơm và mùi tanh của nấm hương rất đậm. Mỗi con Đông trùng hạ thảo đặt gần nhau cũng có thể ngửi thấy mùi này nhưng nhẹ hơn. Những con Đông trùng hạ thảo làm giả không có mùi này, nếu có cũng không phải là mùi nấm rơm và mùi tanh của nấm hương như trên, mà là mùi tanh của cá, mùi nước hoa giả hoặc mùi nguyên liệu hóa học. Cách phân biệt đông trùng hạ thảo thật giả này rất có hiệu quả với người có khứu giác tốt.

Tóm lại, có thể thấy đông trùng hạ thảo thật có các đặc điểm như sau:

  • Màu sắc:

Đông trùng hạ thảo chia làm 2 phần “trùng” và “thảo”. Bề mặt “trùng” có màu vàng nâu.

+ Gần đầu “trùng” có 1 đoạn vàng nhạt và sang hơn rõ rệt (do bị “thảo” hút chất dinh dưỡng)

Đông trùng hạ thảo thật

+ Bề mặt “thảo” có màu của cành cây khô, đoạn gần gốc “thảo” hơi ngả vàng, ngọn “thảo” vuốt nhọn.

+ Mắt “trùng” phẳng, không lồi có màu nâu đỏ. Một số trường hợp, phần gốc của “thảo” phủ lên mắt “trùng”, bạn chỉ cần lấy móng tay cào nhẹ sẽ thấy được mắt trùng màu nâu đỏ.

  • Hình dáng:

+ Ở lưng có các vận vòng rõ nét, cứ nét vân còng liền sát nhau thành 1 đốt

+ Có đủ 8 cặp chân: 4 cặp ở giữa căng tròn rõ rệt: 3 cặp chân gần đầu bị thoái hóa, liền sát nhau và 1 cạp chân ở đuôi rất rõ.

+ Khi bẻ đôi đoạn gần đầu “trùng” sẽ thấy ở giữa mặt cắt có 1 vệt đen mờ hình chữ V, đo là đường tiêu hóa của “trùng”.

  • Kích thước:

“Trùng” dài 3-5 cm, đường kính 0,3 -0,7 cm. “Thảo” dài gần bằng hoặc dài hơn “trùng ” một chút.

  • Cân nặng:

Đông trùng hạ thảo thật nhẹ như bông. Trong khi hàng giả làm bằng bột hoặc thạch cao hoặc dùng sâu chít làm giả khi cầm sẽ thấy nặng hơn (1 con sẽ nặng từ 1.5g – 3g), khi nhai lâu thì dính răng.

Đông trùng hạ thảo có tác dụng chữa trị với người thận hư, đau lưng mỏi gối, ho hen do phế hư hoặc cả phế, thận đều hư. Các nghiên cứu hiện đại cho rằng đông trùng hạ thảo có tác dụng an thần, chống ung thư, là chất kìm hãm vi khuẩn, kích thích chức năng miễn dịch với tác dụng tương tự như hoóc môn và ít tác dụng phụ. Chính vì những giá trị hữu dụng trên mà nhiều người đã làm giả đông trùng hạ thảo nhằm kiếm tiền một cách trái phép.

Bằng những kinh nghiệm lựa chọn trên, hi vọng sẽ giúp ích cho bà con khi chọn mua đông trùng hạ thảo một cách khoa học và đáng đồng tiền nhất.

Tổng hợp từ Farmtech Vietnam.

Nuôi trồng đông trùng hạ thảo thành công tại Đà Lạt

Vài nét về đông trùng hạ thảo

Đông trùng hạ thảo là tên gọi của một dạng cộng sinh giữa một loài nấm túi có tên khoa học là Cordyceps sinensis với ấu trùng của một loài côn trùng thuộc chi Hepoalus. Trong đông trùng hạ thảo có 17 axít amin khác nhau, các nguyên tố vi lượng như: Nhôm, kẽm, kali… và nhiều loại vitamin như: B12, A; C, B2 (riboflavin), E, K… Các hợp chất này có tác dụng bồi bổ, phục hồi các hư tổn trong cơ thể con người.

Đông trùng hạ thảo

Tên gọi đông trùng hạ thảo là xuất phát khi thấy vào mùa đông ấu trùng của loài bướm thuộc chi Thitarodes Viette đi ngủ đông và được bào tử nấm Ophiocordyceps sinensis ký sinh, vào mùa hè bào tử nấm mọc chồi từ đầu ấu trùng nhô lên khỏi mặt đất. Vào mùa đông thì nhìn cặp cá thể này giống con sâu (côn trùng), còn đến mùa hè thì chúng trông giống một loài thực vật (thảo mộc) hơn. Vì mùa đông là ấu trùng, mùa hè lại là thảo mộc, mùa đông là động vật, mùa hè là thực vật, và đó là lý do đông trùng hạ thảo được gọi là đông trùng hạ thảo.

Canh đông trùng hạ thảo bổ dưỡng

Đông trùng hạ thảo chủ yếu tìm thấy vào mùa hè vùng núi cao trên 4.000 – 5.000 m ở cao nguyên Tây Tạng, Tứ Xuyên, Thanh Hải, Cam Túc, Vân Nam. Hiện nay, do sự săn lùng và hoạt động khai thác quá mức, loại nấm quý giá này đang có trở nên khan hiếm hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, nhiều loài nấm thuộc chi Ophiocordyceps và Cordyceps được nuôi trồng trên quy mô công nghiệp để đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày một tăng cao.

Nuôi trồng đông trùng hạ thảo tại Đà Lạt

Hiện nay các nhà khoa học đã nuôi cấy và trồng thử nghiệm thành công giống Đông trùng hạ thảo Cordyceps militaris trên cao nguyên Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), có các hợp chất tương tự như đông trùng hạ thảo tự nhiên. Đây là bước tiến đáng mừng trong lĩnh vực công nghệ sinh học và dược liệu tại Việt Nam.

Nuôi trồng đông trùng hạ thảo thuần việt tại Việt Nam

Để thực hiện quy trình nuôi trồng đông trùng hạ thảo, các nhà khoa học phải tiến hành khảo sát, thu thập các mẫu nấm đông trùng hạ thảo ở Việt Nam và Trung Quốc, Nhật Bản… Từ đó, xây dựng danh mục các nguồn gen và tuyển chọn các chủng nấm có tiềm năng dược liệu. Sau đó tiến hành nghiên cứu nuôi trồng thể quả trên giá thể nhân tạo.

Quy trình nuôi trồng của đông trùng hạ thảo phải trải qua các giai đoạn:

  • Cấy giống nấm trên giá thể, giá thể có thể là dịch lỏng được pha chế theo công thức hay chiết xuất tự nhiên từ yến sào, trái cây… hoặc các chất bán rắn như: Gạo lức, ngô, khoai tây sau đó phát triển thành ấu trùng tự nhiên, và hình thành thể quả.
  • Bộ phận dùng được đối với đông trùng hạ thảo nuôi trồng là sợi nấm. Phải áp dụng đúng quy trình trồng cấy một cách nghiêm ngặt mới thu được sản phẩm có giá trị dược tính.

Nghiên cứu nuôi trồng đông trùng hạ thảo

  • Để đảm bảo chất lượng của đông trùng hạ thảo, phải đảm bảo về nhiệt độ và độ ẩm, ánh sáng như các giai đoạn của thời tiết trên độ cao hàng nghìn mét. Cụ thể, khi ủ phải duy trì nhiệt độ phòng từ 25ºC, độ ẩm 85%, giữ tối cho đến khi sợi nấm lan đều và phủ kín bề mặt. Tiếp theo chuyển sang xử lý tại phòng kín có nhiệt độ từ 18 -23ºC, độ ẩm 85% và chiếu sáng cho đến khi bề mặt xuất hiện các chồi nấm. Sau đó chuyển sang phòng nuôi đảm bảo nhiệt độ ổn định từ 18 – 22ºC độ ẩm 85%, chiếu sáng 12 – 14 giờ/ngày cho đến khi thu hoạch.

Việc nuôi trồng thành công đông trùng hạ thảo giúp Việt Nam chủ động được nguồn dược liệu. Đặc biệt với giá cả rẻ hơn so với đông trùng hạ thảo tự nhiên sẽ tạo cơ hội cho nhiều người được sử dụng loại dược liệu quý này.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Công nghệ nuôi trồng đông trùng hạ thảo đã sẵn sàng chuyển giao

Viện Bảo vệ thực vật vừa công bố nghiên cứu thành công nấm đông trùng hạ thảo. Đây là một tin vui với giới y học Việt Nam và đặc biệt là với người dân vì trong tương lai gần họ sẽ được chữa bệnh, bồi bổ sức khoẻ bằng thứ dược liệu trân quý “made in Vietnam” với giá thành rẻ hơn nhiều so  với đông trùng hạ thảo tự nhiên.

 Trong chuyến sang thăm một Trung tâm phòng chống ung thư ở Mỹ đang làm về nấm đông trùng hạ thảo, nhóm khoa học thuộc Trung tâm đấu tranh sinh học (Viện Bảo vệ thực vật) cho rằng Việt Nam cũng có thể tạo ra loại nấm này và từ năm 2011 Trung tâm bắt đầu thực hiện và đến nay đã thành công. Nhiều người cho rằng, đông trùng hạ thảo là sinh vật đặc biệt, ở dạng côn trùng vào mùa đông, còn mùa hè thì hóa thành cây cỏ nên mới có tên như vậy. Tuy nhiên theo giới khoa học, đông trùng hạ thảo là tên gọi chung cho một nhóm nấm ký sinh và gây bệnh trên côn trùng. Cuối mùa thu đầu đông, chúng ký sinh gây bệnh trên côn trùng. Đến mùa hạ, khi nhiệt độ tăng lên, nấm phát sinh thành quả, mọc thành dạng cây cỏ.

Đông trùng hạ thảo được nuôi cấy trên ký chủ nhộng tằm.

Nuôi trồng đông trùng hạ thảo không phải là chuyện dê dàng. Bởi vì đặc tính sinh học của chúng chỉ phát triển trên các cao nguyên lạnh giá quanh năm như cao nguyên Thanh Tạng, Tây Tạng ở Trung Quốc (có độ cao trung bình trên 4000m so với mặt nước biển). Ngoài đặc tính ở trên, chúng còn đòi hỏi nguồn dinh dưỡng, vật ký sinh phù hợp … để phát triển thành đông trùng hạ thảo. Vượt qua bao khó khăn mày mò nghiên cứu, gần đây Ngô Kim Lai đã nghiên cứu thành công “nấm” đông trùng hạ thảo (đông trùng hạ thảo gồm 2 phần, phần thân sâu và phần nấm). Nay các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu và phát triển thành công đông trùng hạ thảo chính hiệu gồm phần nấm và phần sâu. Trên thế giới, đông trùng hạ thảo khai thác ngoài tự nhiên rất hiếm, chủ yếu ở độ cao 3.200 mét thuộc dãy núi Himalaya và vùng Tây Tạng. Mỗi năm sản lượng thu được chỉ 80 kg nên giá thành rất cao từ 1,2 đến 1,6 tỷ đồng một kg. Trên thị trường Hà Nội, nấm đông trùng hạ thảo chủ yếu là do nuôi trồng. Nhóm khoa học Viện Bảo vệ thực vật đã nhập giống nấm với chi phí hơn 1.000 USD một mẫu để nhân nuôi và nghiên cứu. Tiến sĩ Phạm Văn Nhạ, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, đông trùng hạ thảo chứa rất nhiều giá trị dinh dưỡng cao, trong đó nhóm tập trung vào hai hợp chất chính là Cordycepin có chức năng phòng chống u xơ, tiền ung thư và Adenosin là thuốc điều trị trong tim mạch. Sau khi nhập giống về, nhóm tập trung nghiên cứu công nghệ nuôi trồng, trong đó đi sâu tìm hiểu về thành phần môi trường dinh dưỡng; các yếu tố tác động như sinh thái, thời tiết, nhiệt độ, ánh sáng; từ đó tạo điều kiện trong phòng thí nghiệm phù hợp cho nấm phát triển. Các nhà khoa học nuôi đông trùng hạ thảo bằng hai phương pháp ở môi trường nhân tạo nhân sinh khối lượng và nuôi trực tiếp trên ký chủ là con nhộng tằm. “Với ký chủ là nhộng tằm, chúng tôi có thể chủ động được nguồn cung cấp và nó là loài côn trùng làm thức ăn cho con người nên không gây hại”, ông Nhạ nói. Trong môi trường nhân tạo, có hai thành phần dinh dưỡng chính là dinh dưỡng nuôi nấm đông trùng hạ thảo phát triển và giá thể để đỡ thường là gạo lứt. Các nhà khoa học đã khử trùng hết yếu tố vi sinh vật bên ngoài, sau đó mới cấy nấm đông trùng hạ thảo vào bên trong với thời gian phát triển 60-75 ngày sẽ có được sản phẩm hoàn thiện.

Đông trùng hạ thảo được nuôi cấy trên môi trường nhân sinh khối.

Công nghệ nuôi trồng đã sẵn sàng chuyển giao Nhóm nghiên cứu Viện bảo vệ thực vật sẵn sàng chuyển giao công nghệ nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo cho các bên có khả năng và mong muốn nhân rộng sản phẩm để bán tới người tiêu dùng. “Là nhà khoa học, hơn ai hết chúng tôi mong muốn các nghiên cứu sẽ được thương mại hóa để đưa sản phẩm tới nhiều người tiêu dùng. Vì vậy chúng tôi sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho cá nhân hay doanh nghiệp có nhu cầu”, tiến sĩ Phạm Văn Nhạ, Phó giám đốc Trung tâm đấu tranh sinh học (Viện Bảo vệ thực vật) – đơn vị vừa thành công trong nghiên cứu về nấm đông trùng hạ thảo – loại dược liệu quý hiếm cho biết. Đây được cho là động thái tích cực để đưa loại dược liệu quý hiếm tới nhiều người tiêu dùng. Bởi từ trước đến nay, do giá thành của đông trùng hạ thảo rất cao, trong khi ngoài tự nhiên ngày càng cạn kiệt nên nhiều đơn vị không muốn chuyển giao công nghệ ra ngoài, mà thường giữ độc quyền phân phối. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Nhạ, không phải doanh nghiệp hay cá nhân, tổ chức nào cũng có thể tiếp nhận công nghệ này vì để nhân nuôi nấm đông trùng hạ thảo, cần phải có chuyên môn nhất định về vi sinh vật, côn trùng, sinh học và có cơ sở phòng thí nghiệm đảm bảo. Nhà khoa học này cho rằng, nếu chuyển giao kỹ thuật, các doanh nghiệp nhân nuôi và bán ra thị trường với khối lượng lớn, giá thành của đông trùng hạ thảo có thể giảm xuống nhưng không nhiều, vì hiện ở Việt Nam rất ít nơi có thể tạo ra sản phẩm này, trong khi chi phí bỏ ra sản xuất lại cao.

Còn trong môi trường nuôi cấy trên ký chủ, Viện Bảo vệ thực vật sử dụng nhộng tằm còn sống và đặt ở cơ sở uy tín không sử dụng hóa chất. Sau thời gian cấy vào bên trong nhộng, đông trùng hạ thảo sẽ phát triển thành hệ kín bên trong ký chủ và sinh ra hệ thống quả thể là các đầu tua ra bên ngoài với độ cao 4-5 cm. Màu đỏ tươi trên quả thể chính là chỉ thị của chất Cordycepin có chức năng phòng chống u xơ. Tiến sĩ Nhạ cho biết, trong khi các sản phẩm bên ngoài được bán với giá một tỷ đồng mỗi kg thì Viện chỉ bán 100-120 triệu/kg với sản phẩm trên con ký chủ; và ở dạng môi trường nhân tạo tương đương 7 triệu đồng/kg. Ông Nhạ cảnh báo, trên thị trường hiện nay có tới 70% là nấm đông trùng hạ thảo giả. Trước đây có rất nhiều cách nhận biết như nhìn vào các chân của côn trùng; hoặc ăn vào có mùi tanh của tằm; hoặc nhận biết bằng cách bẻ côn trùng ra sẽ có ruột. Nhưng hiện nay các cách này đều không có tác dụng khi các thủ đoạn làm giả ngày càng tinh vi hơn. “Thậm chí đến giới khoa học cũng khó có thể nhận biết đông trùng hạ thảo thật và giả”, ông Nhạ nói. Về thành phần dinh dưỡng trong đông trùng hạ thảo mà nhóm nghiên cứu tạo ra, ông Nhạ cho biết, do điều kiện kinh phí, mặt khác không có mẫu so sánh trong tự nhiên, nên Trung tâm chỉ tập trung vào hai hợp chất chính là Cordycepin có chức năng phòng chống u xơ, tiền ung thư và Adenosin là thuốc điều trị trong tim mạch. Kết quả Cordycepin đạt 0,14 mg/gram sinh khối và Adenosine là 0,32mg/gram sinh khối. Kết quả này cao hơn nhiều lần so với sản phẩm cùng loại được nhập khẩu từ Trung Quốc đang phân phối trên thị trường. “Nấm đông trùng hạ thảo của Trung tâm còn có ưu điểm là các thành phần tạo ra đều có nguồn gốc thiên nhiên, không có hóa chất, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng”, ông Nhạ nói thêm và cho biết, hiện nhóm đã có sản phẩm bán tới người tiêu dùng, nhưng không có đại lý phân phối, nên người có nhu cầu có thể đến Viện Bảo vệ thực vật (Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội) để đặt mua.

Nguồn : dongtrunghathao.com, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Những tác dụng hữu ích từ đông trùng hạ thảo

Nguồn gốc của đông trùng hạ thảo

Đông trùng hạ thảo là một loại nấm sống ký sinh trên côn trùng. Mùa đông bào tử của nấm thuộc chi Cordyceps lây nhiễm côn trùng rồi sinh trưởng và phát triển bằng cách hấp thụ chất dinh dưỡng từ chính cơ thể côn trùng, nó giết chết vật chủ và đợi tới mùa hạ mọc ra thể quả trên xác vật chủ.

Đông trùng hạ thảo vừa là cây vừa là con. Đông trùng hạ thảo dù đã phơi khô cầm lên xem, bạn vẫn thấy hai phần rõ rệt: phần dưới là một con sâu và từ đầu con sâu ấy mọc lên một mầm lá.

Đông trùng hạ thảo

Một loài bướm (bướm dơi) thuộc chi Thitarodes mùa hè nhởn nhơ bay lượn, cặp đôi và đẻ trứng. Vào mùa đông trứng nở ra sâu non, sống trong đất. Sâu ăn phải hoặc bị bào tử của nấm trùng thảo (tên khoa học là Cordyceps sinensis thuộc nhóm Ascomycetes) ký sinh trên các lỗ thở, chúng bị loài nấm này xâm nhập vào cơ thể.

Các sợi nấm bắt đầu phát triển mạnh nhờ hút các chất dinh dưỡng từ cơ thể con sâu non và lớn dần lên. Dần dần, do chất dinh dưỡng bị nấm “ăn hết”, chỉ còn lại lớp vỏ bì bên ngoài nên sâu không thể lột xác để thành bướm được nữa.

Khi thời tiết và nhiệt độ thích hợp, nấm sợi mọc dài ra từ râu xúc giác của con sâu, cắm sâu vào mặt đất. Đoạn đầu của nấm phình to ra, hình dạng giống như một cái que, trên bề mặt có rất nhiều bào tử hình cầu nhỏ xíu, phát tán trong không khí… lại đi tìm sâu bướm dơi để ký sinh bắt đầu cuộc đời mới. Người xưa cho rằng loài sâu mùa đông ấy, đã biến thành ngọn cỏ mùa hạ này nên gọi là “đông trùng hạ thảo”. Đây là một loại dược phẩm rất quý của Đông y, nên người ta đua nhau đi thu nhặt, phơi khô để bán.

Đông trùng hạ thảo được phân bổ nhiều nhất tại vùng Na Khúc thuộc cao nguyên Tây Tạng – Trung Quốc, chúng sinh trưởng tại các sườn dốc núi có độ cao trên 4.500 – 6.000 mét so với mực nước biển. Theo giới Y học loài đông trùng hạ thảo ở vùng này tốt vào bậc nhất trên thế  giới, với đặc tính giá trị dược tính cao, đông trùng hạ thảo vùng Tây Tạng hiện đang được xuất khẩu sang hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Một số tác dụng hữu ích từ đông trùng hạ thảo

1. Trị mất ngủ, mê man

Dùng đông trùng hạ thảo sẽ giúp tinh thần được cải thiện, dễ đi vào giấc ngủ sâu, các triệu chứng như: mất ngủ  lâu năm, hay mê man, tỉnh dậy thấy đau đầu… đều biến mất.

Trị chứng mất ngủ

2. Ăn ngon miệng hơn, trị mất ngủ

Đông trùng hạ thảo nâng cao năng lượng của cơ thể, nâng cao khả năng chống rét, giảm mệt mỏi. Hiệu quả tốt với người hay mệt mỏi, ăn không ngon, ngủ không sâu giấc, tinh thần sa sút…

3. Dưỡng tâm, an thần

Đông trùng hạ thảo giúp nâng cao khả năng khắc phục tình trạng thiếu Oxy, ngăn ngừa rối loạn nhịp tim. Đồng thời nhanh chóng thanh lọc máu, hạ huyết áp, giảm mỡ máu. Ngoài ra còn tăng cường chức năng tạo máu, an thần, khôi phục tính đàn hồi mạch máu, cải thiện tuần hoàn máu.

4. Nâng cao thể trạng cho người bị viêm gan

Trong thời gian điều trị các bệnh viêm gan mãn tính, cơ thể thường xuyên mỏi mệt, các cơ quan chức năng trong cơ thể suy giảm, Đông trùng hạ thảo có tác dụng giúp nâng cao thể trạng, giảm rõ rệt các tổn thương của gan do các chất độc hại gây nên.

5. Hỗ trợ điều trị các biến chứng của bệnh tiểu đường

Người bệnh tiểu đường bị biến chứng thường có triệu chứng như: mắt mờ, ngứa ngáy, thiếu sức, nguyên nhân chủ yếu do máu nhiễm độc dẫn đến xơ vữa động mạch, tuần hoàn máu kém. Sử dụng đông trùng hạ thảo giúp thanh lọc máu, hỗ trợ điều trị tận gốc biến chứng của bệnh tiểu đường.

Đông trùng hạ thảo thuần Việt Nam

Ngoài ra, đông trùng hạ thảo còn có rất nhiều tác dụng hữu ích khác đối với cuộc sống con người.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Nuôi cấy đông trùng hạ thảo : tưởng khó mà dễ

Không còn khép kín, “đặc quyền” như trước, hiện nay kỹ thuật nuôi trồng đông trùng hạ thảo (ĐTHT) bắt đầu được mời chào rộng rãi, hứa hẹn mở ra hướng làm kinh tế mới cho nông dân.

Những năm trước, một số chuyên gia ở Việt Nam đã được công nhận nuôi trồng thành công ĐTHT, thế nhưng suốt thời gian dài, quy trình tạo ra sản phẩm nấm cao cấp này đều được “giấu kỹ” để độc quyền sản xuất. Đến đầu tháng 10.2015, tại Phú Yên, kỹ sư trẻ Ngô Kim Lai – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Kim Lai (TP.Hồ Chí Minh) đã công bố chi tiết quy trình trên. Chẳng những thế, anh còn tận tình “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn người dân nuôi trồng ĐTHT tại hộ gia đình với mong muốn “biến Phú Yên thành vựa đông trùng hạ thảo”.

Đông trùng hạ thảo nuôi cấy nhân tạo

Vốn chỉ cần 10 triệu đồng

Tại hội thảo khoa học “Công bố công trình nuôi trồng chủng ĐTHT thứ 2 ở Việt Nam (Isaria Penuipes) và trình diễn công nghệ nuôi ở hộ gia đình” do Liên hiệp các Hội KHKT Phú Yên phối hợp tổ chức, kỹ sư trẻ Ngô Kim Lai đã đưa ra một số quy trình nuôi ĐTHT dựa trên những điều kiện cơ sở vật chất khác nhau. Bà con nông dân và nhiều người khác đã nhanh chóng bị “chinh phục” trước quy trình kỹ thuật nuôi đơn giản, hiệu quả, ít tốn kém, phù hợp với điều kiện hộ gia đình.

Theo kỹ sư Lai, những thành phần cần thiết để nuôi trồng ĐTHT gồm gạo lứt, hyđrô perôxít (oxy già, nồng độ 3%), vitamin B6, dấm ăn (nồng độ 4,5%), cồn 700C, nước, đường gluocose (chiếm 0,5% môi trường nuôi nấm) và một số nguyên vật liệu như giống nấm, đèn cồn, que cấy, cân nhỏ, nồi cơm điện. Lai đã cùng cộng sự trình diễn tường tận các bước tiến hành nuôi trồng ĐTHT quy mô nhỏ một cách “dễ ợt”. Đó là lấy 935ml nước uống thông thường vào một thau sạch đã tráng nước sôi, sau đó lần lượt cho 50ml dấm ăn, 10ml oxy già, một viên vitamin B6 (loại 150mg), 5gr đường khuấy đều và cho tất cả vào nồi gạo. Đợi khoảng 15 phút thì nấu hỗn hợp ở 1000C bằng nồi cơm điện thông thường, rồi tiến hành cấy giống.

Trong suốt quá trình cấy, đèn cồn luôn được thắp sáng để tiệt trùng các dụng cụ sử dụng. Lấy que cấy gắp giống trong ống nghiệm cho vào môi trường hỗn hợp cơm gạo lứt, rồi đậy nắp hộp lại. Hộp này sẽ phải đặt vào bóng tối với nhiệt độ dưới 250C trong 1 tuần. Khi kiểm tra thấy tơ đã lan đều ra gạo lứt thì đưa hộp nhựa ra ánh sáng, giữ nguyên nhiệt độ và tiến hành phun hơi ẩm cho ĐTHT. Sau 65 – 70 ngày, ĐTHT sẽ cho thu hoạch. Kỹ sư Lai cho biết, nếu trồng ĐTHT quy mô hộ gia đình, vốn chỉ cần khoảng 10 triệu đồng là có thể bắt tay vào làm.

Chuyển giao rộng rãi công nghệ quý

Trao đổi với PV, kỹ sư Ngô Kim Lai cho hay, quy trình trồng ĐTHT đang có giá chuyển giao khá cao trên thị trường. Tuy nhiên anh vẫn quyết định công bố rộng rãi. Lai tâm sự: “Tôi đã giữ quy trình này trong một thời gian đủ lâu để phát triển thành nhiều sản phẩm. Công sức bỏ ra coi như đã thu được kết quả nên tôi thấy mình cần phải làm điều gì đó cho vùng đất Phú Yên, nơi mình sinh ra” (Lai sinh năm 1991 tại xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa, Phú Yên – PV).

Anh Lai bên sản phẩm Đông trùng hạ thảo

Theo Lai, trước mắt anh sẽ hướng dẫn kỹ thuật nuôi để người dân có thể tự nuôi trồng thành công ĐTHT phục vụ cho sức khỏe gia đình, bởi đặc dược này đang có giá bán khá cao, khoảng 150 triệu đồng/kg nên người thu nhập trung bình khó với tới. Bên cạnh đó, Lai cũng bày tỏ ý định ký kết với những tổ chức, cá nhân có nhu cầu trên địa bàn tỉnh để chuyển giao công nghệ nuôi trồng ĐTHT. “Tôi luôn mơ ước sẽ có nhiều người tham gia vào dự án này và tương lai không xa, Phú Yên sẽ trở thành vựa ĐTHT của cả nước” – Lai nói.

Hiện tại, công ty của Lai có thể cung cấp giống nấm với giá chỉ từ 500.000 – 1 triệu đồng/ống giống, đồng thời sẽ ký kết bao tiêu sản phẩm nếu người sản xuất ĐTHT sử dụng công nghệ nuôi trồng do đơn vị cung cấp. Bên cạnh đó, chuyên gia của công ty cũng sẵn sàng tư vấn nếu quá trình nuôi trồng của người dân gặp vướng mắc.

Ông Nguyễn Văn Trị, nông dân giỏi huyện Tây Hòa (Phú Yên) tỏ ra rất ấn tượng khi tận mắt thấy kỹ thuật trồng ĐTHT đơn giản của kỹ sư Lai. “Trước đây, tôi luôn nghĩ việc trồng ĐTHT là quá xa vời. Thế nhưng nhờ được kỹ sư Lai giới thiệu chi tiết, tôi nghĩ mình có khả năng bắt tay trồng được. Thực tình, tôi không ảo tưởng sẽ dễ dàng sản xuất ĐTHT, nhưng tôi rất mê mô hình này và sẽ tiếp cận với công ty Kim Lai để mua giống về trồng, hy vọng sẽ mở ra hướng làm ăn mới” – ông Trị nói.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Dũng – nguyên Giám đốc Sở KHCN Phú Yên, ý tưởng đưa việc sản xuất ĐTHT đến hộ gia đình không dễ thực hiện, bởi không phải ai cũng tuân thủ nghiêm ngặt quy trình nuôi trồng, do đó sản phẩm thu được sẽ có chất lượng không đồng đều hoặc không đạt tiêu chuẩn. “Trước mắt, một số đơn vị có chuyên môn của tỉnh có thể đứng ra liên kết với Công ty TNHH Quốc tế Kim Lai, thì khả năng nuôi trồng ĐTHT mới dễ đạt hiệu quả như mong muốn” – ông Dũng nói.

“Dự án chuyển giao quy trình nuôi trồng ĐTHT của Kim Lai rất triển vọng, có thể mở ra một hướng làm nông nghiệp kỹ thuật cao cho người dân địa phương. Sắp tới đây, các cơ quan chuyên môn của tỉnh sẽ tiến hành bàn thảo cụ thể cơ chế liên kết với Kim Lai để dự án triển khai thành công” – ông Trần Quang Nhất – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên.

Theo báo Dân Việt, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam