Nuôi cá Bỗng và cá Anh vũ trên đèo Á ÂU

Nuôi cá ở lưng chừng đèo, câu chuyện tưởng vô lý nhưng lại là có thật của vợ chồng anh Nguyễn Việt Hòa, xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang). Giữa mênh mông núi rừng, ngay ở lưng chừng đèo Ái Âu hiểm trở, trang trại nuôi cá đặc sản của vợ chồng người dân tộc Tày đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, là điểm đến hấp dẫn cho những du khách và thu hút đông đảo những người dân đến học tập kinh nghiệm.

Mô hình nuôi cá tiến vua của gia đình anh Nguyễn Việt Hoà.

Do có thời gian dài nuôi cá trên lòng hồ thủy điện Tuyên Quang, anh Hòa rất am hiểu về đặc tính các loại cá. Năm 2005, để xây dựng Nhà máy Thủy điện Tuyên Quang, anh cùng gia đình phải chuyển về xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình. Nhận thấy ở đèo Ái Âu có lợi thế là nguồn nước sạch, có nhiệt độ thấp, nước chảy quanh năm rất thuận lợi để nuôi cá, anh đã bàn với vợ mang tất cả số vốn dành dụm bấy lâu vào mua đất làm trang trại nuôi cá đặc sản. Anh Hòa chia sẻ: “Giờ nghĩ lại thấy quyết định của mình khi ấy là “quá liều” bởi trước đây làm gì đã có ai làm ao nuôi cá trên đỉnh núi bao giờ đâu”.

Những ngày đầu lập trang trại, vợ chồng anh phải dựa theo địa hình mà đào từng ao nuôi nhỏ rồi dẫn nước suối vào. Với kinh nghiệm từ việc nuôi cá trên lòng hồ thủy điện trước đây, anh liên hệ với các hộ đánh cá trên lòng hồ để thu mua cá nheo có kích thước bé đưa về nuôi. Nguồn nước khe ở đèo Ái Âu mát mẻ, chảy thường xuyên, đàn cá của anh phát triển tốt. Tuy nhiên, giống cá này có đặc tính là chỉ ăn những loài tôm cá nhỏ. Vì vậy, vào mùa đông, nguồn thức ăn không còn khiến cá chậm lớn. Mặt khác, nguồn cá giống cũng khan hiếm dần bởi nước hồ dâng cao, cá di chuyển lên vùng nước nông hơn ở thượng nguồn.

Không nản chí, anh lại tiếp tục đi tìm giống cá mới, biết được đặc tính loài cá bỗng, cá anh vũ thích sống vùng nước mát, có dộ dốc nên anh đã lăn lội lên Bắc Mê, Bắc Quang (Hà Giang) tìm mua. Lứa cá giống đầu tiên lấy về chỉ sống được vài ngày rồi chết nổi trắng mặt ao, đợt 2 cũng chỉ một nửa cá giống sống sót. Bao lần lội xuống ao vét bùn, vệ sinh ao cá tìm hiểu nguyên nhân, mới biết cá chết do nhiệt độ nguồn nước không phù hợp. Sau này, anh chị điều chỉnh lại dòng chảy và mực nước trong ao nuôi hợp lý nên cá mới phát triển được.

Cá bỗng và cá anh vũ là các loại cá quý hiếm, trước đây chỉ dùng để tiến vua. Đây là loại cá phát triển chậm, sau 3 năm mới đạt trọng lượng khoảng 2,5 – 3kg và khi đạt trọng lượng từ 7 – 8kg, cá mới bắt đầu sinh sản. Mặc dù lớn chậm nhưng loại cá này ít dịch bệnh, thịt cá lại dai ăn rất ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng, có giá trị kinh tế cao.

Anh Hòa cho biết, hiện nay, trang trại của anh có rộng khoảng hơn 2 ha với hơn 3.000m2 mặt nước. Trên diện tích đó, anh chia ra 10 ao thả khoảng 2.500 con cá bỗng và 1.000 con cá anh vũ. Để chủ động nguồn thức ăn cho cá, anh trồng các loại rau, bí đỏ. Hiện số cá bỗng đã có trọng lượng từ 2,5kg trở lên với giá bán trên thị trường là 250.000 đồng/kg, khi bán ra sẽ mang lại một nguồn thu rất lớn cho gia đình.

Do cá “tiến vua” phải nuôi trong khoảng thời gian dài mới có thể thu hoạch, vợ chồng anh Hòa còn nuôi thêm các loài cá ngắn ngày hơn như trắm cỏ, trôi, chép… để tăng thêm thu nhập với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”. Ngoài phát triển cá, vợ chồng anh Hoà còn trồng cam, quýt, chăn nuôi thêm vịt suối, lợn đen và gà đồi. Sau 3 năm miệt mài lao động, bãi đất hoang vu nơi lưng chừng đèo ngày nào, giờ đây đã trở thành trang trại quy mô, là điểm dừng chân của nhiều du khách.

Chia sẻ về dự định trong tương lai, anh Hòa cho biết, tới đây anh sẽ đi Sapa (Lào Cai) để học tập cách nuôi cá hồi, bởi đặc tính loài cá này lớn nhanh hơn cá anh vũ, cá bỗng mà hiệu quả kinh tế cũng cao hơn, trong khi nguồn nước ở đây có nhiệt độ thấp thích hợp cho loài cá này phát triển.

Ông Quan Văn Phùng, Chủ tịch UBND xã Thượng Lâm (Lâm Bình) cho biết, xã đang xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế dựa trên một số cây, con đặc sản là thế mạnh của địa phương. Trang trại nuôi cá bỗng và cá anh vũ của gia đình anh Hòa là một trong những mô hình kinh tế điển hình của địa phương. Nuôi cá đặc sản không những mang lại giá trị kinh tế cao còn góp phần bảo tồn những loại cá quý hiếm.

Nguồn: Dantocmiennui.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Làm giàu thành công từ mô hình nuôi cá anh vũ

Bỏ nghề buôn bán ở dưới phố, vợ chồng chị Hoàng Thị Thơm, anh Nguyễn Việt Hòa, xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) dắt díu nhau lên lưng chừng đèo Ái Au đào ao nuôi cá bổng, cá anh vũ – loài cá cổ xưa dùng tiến vua Hùng.

Khu vực nuôi cá quý anh vũ của gia đình chị Hoàng Thị Thơm, anh Nguyễn Việt Hòa được thiết kế, xây dựng kiên cố và luôn có người bảo vệ, chăm sóc.

Trong lúc nhiều người ở xã chọn mặt nước khu vực hồ thủy điện làm nơi nuôi cá, thì vợ chồng chị Thơm lại chọn địa thế nơi lưng chừng đèo Ái Au làm nơi đào ao thả cá, nhất là kiên trì nuôi loài cá quý như cá anh vũ, cá bỗng khiến những người trong xóm thán phục.

Bỏ phố về làm nông dân

Chị Hoàng Thị Thơm vừa rót trà mời khách, vừa cười bảo: Vợ chồng mình vốn là dân buôn bán dưới phố Bản Chợ chứ không hẳn là nông dân đâu. Sau này thấy kinh doanh buôn bán nhiều nhà làm quá, mà cũng chỉ có từng đấy mặt hàng, nên 2 vợ chồng mới quyết định bỏ nghề tiểu thương về nuôi cá.

Địa điểm vợ chồng anh chị chọn để dựng nghiệp là thôn Cốc Phát, nằm lưng chừng đèo Ái Au. Anh Hòa chọn khu vực khe có nước suối Khuổi Lung Vàng bắt nguồn từ đỉnh Khau Đao chảy về để dẫn nước về ao. Toàn bộ khu vực ao nuôi được xây dựng theo kiểu bậc thang. Nước từ khe chảy về ao nhỏ, tràn xuống ao lớn…

Khoảng 2 tháng nay mưa đổ về như trút, nhiều nhà nuôi cá trắng đêm canh không cho nước tràn bờ nhưng 6 ao nuôi nhà anh chị nước vào ra liên tục, đàn cá không bị ảnh hưởng gì. Năm đầu tiên bắt tay vào nuôi, cứ vài tháng anh chị lại phải đắp lại bờ do bị cua đục. Sau thấy không ổn, anh Hòa thuê nhân công xây lại toàn bộ lòng và bờ ao, vừa tránh được cua đục bờ, vừa dễ vệ sinh, thay nước.

Chọn địa thế “độc” để nuôi cá quý là cách làm của anh Hòa, chị Thơm. Anh Hòa bảo, cá anh vũ, cá dầm xanh, cá lăng, cá chiên và cá bỗng là năm loại cá quý của sông Gâm, được dân gian xưng tụng “Ngũ quý hà thủy”, trong đó giống cá anh vũ ngày càng hiếm trong tự nhiên.

Chuyện kể rằng, xưa kia có người ngư dân bắt được một con cá quý đem dâng vua Hùng. Tướng cá rất lạ. Thân giống cá chép nhưng miệng lại hệt mồm lợn. Vua ăn xong khen ngợi hết lời và ban lệ cúng tiến. Loài cá ấy chính là anh vũ. Anh vũ quen sống ở nơi nước chảy siết dùng cái miệng rất khỏe của mình để bám vào vách đá cạp rêu mà ăn nên mồm bành ra. Cái “mõm lợn” ấy chính là bộ phận ngon nhất, quý nhất của loài cá này khiến cho nhiều người phải bỏ tiền, bỏ của để săn tìm khoảnh khắc một chốc được “làm vua”.

Ngày anh Hòa còn nhỏ, cá anh vũ, dầm xanh trong tự nhiên vẫn còn rất nhiều. Nhưng càng về sau lượng cá càng ít đi, nhất là sau khi thủy điện Tuyên Quang tích nước, cá anh vũ ngược về khu vực Hà Giang nên chuyện tìm con giống về để nuôi rất khó khăn.

Đã từng có một thời gian buôn bán ở khu vực bến thủy, quen biết nhiều người đánh cá khu vực thượng nguồn sông Gâm, anh Hòa bắt mối với những người đánh cá ở Bắc Mê (Hà Giang). Có cá giống, họ xuôi theo dòng Gâm về bán lại cho anh chị. Quen mối, nhưng chuyện mua cá giống vẫn được anh Hòa, chị Thơm ví von như “đánh bạc”, bởi lẽ mỗi con cá anh vũ giống có trọng lượng chỉ tính bằng gram, lớn chưa bằng đầu đũa, mặc dù người bán cam kết nếu không phải anh vũ sẵn sàng hoàn lại tiền nhưng anh chị không dám lấy nhiều.

Năm đầu tiên, anh Hòa chỉ dám lấy hơn 100 con về nuôi thử. Sau vài tháng, cái “mõm lợn” đặc trưng của cá anh vũ đã được khẳng định, anh chị đặt mua thêm cá giống đều hơn. Sau gần 3 năm, 6 ao cá lưng chừng ngọn đèo Ái Au đã có trên 4.000 cá bỗng, 1.000 cá anh vũ; còn lại là cá chép, trôi, trắm…

Lấy tiền bán lợn, gà đầu tư nuôi cá quý

Chị Thơm tính nhẩm, tổng chi phí bỏ ra cho cái cơ ngơi con con nơi lưng chừng đèo của anh chị xấp xỉ con số 1 tỷ đồng, từ mua đất khai hoang, cải tạo ao nuôi đến chi phí cho con giống, thức ăn…

Vốn đầu tư ban đầu bỏ ra khá lớn, trong khi 2 giống cá quý đặc sản là cá bỗng và cá anh vũ lại có thời gian nuôi khá lâu, từ 3-4 năm mới được thu hoạch, nên anh chị nuôi thêm cá trôi, cá chép, lợn đen địa phương và ít gia cầm, như cách chị Thơm gọi là đầu tư “ngược”:. Tức là :Nuôi lợn, nuôi gà để lấy tiền đầu tư nuôi cá. Quanh khu vực ao nuôi, anh chị trồng thêm cỏ để làm thức ăn xanh cho đàn cá. Số cá bỗng nuôi được 3 năm đã có trọng lượng trung bình từ 2,5 – 3 kg/con. Cá anh vũ thì lớn chậm hơn, nhưng không bị thất thoát. Với giá thị trường của cá bỗng hiện nay dao động khoảng 250 đến 300 nghìn đồng/kg, riêng cá anh vũ có giá bán lên đến cả triệu đồng/kg thì tính ra, vợ chồng anh Hòa đã có một khoản tiền không hề nhỏ.

Đầu tháng 8, anh Hòa vừa có chuyến đi Sa Pa xem cách người dân ở đấy nuôi cá tầm, cá hồi. Anh Hòa bảo, đi mới thấy cùng là dân miền núi, nhưng họ làm ăn bài bản lắm. Dưới ao nuôi cá, trên bờ họ dựng giàn trồng su su, đất đai được tận dụng không có chỗ cho cỏ mọc chứ đừng nói đến chuyện cho đất nghỉ ngơi.

Năm sau, anh sẽ đào thêm một ao đón nước từ suối Khuổi Lung Vàng để nuôi cá tầm, đồng thời liên hệ với người dân địa phương mua thêm giống cá chày đất – cũng là một trong những loại cá đặc sản của Lâm Bình về nuôi. Giờ 2 vợ chồng anh chị đang tập trung cải tạo lại toàn bộ vườn tạp đưa rau bò khai, rau ngót rừng vào trồng, cùng với lợn đen, gà thả vườn, cung cấp cho các nhà hàng, quán ăn trong huyện…

Ông Vũ Đình Thường, Giám đốc Công ty TNHH Thường Mai ở thị trấn Na Hang – người cũng vừa chuyển hướng từ xây dựng cơ bản sang nuôi cá lồng ở khu vực hồ thủy điện Tuyên Quang, hễ có thời gian lại đánh xe ô tô đến thăm cơ ngơi của anh Hòa. Ông Thường bảo, mình mới đầu tư vào nuôi cá nên cũng chỉ dám nuôi những loại cá truyền thống thôi, nhưng tận mắt thấy “khối tài sản biết bơi” của vợ chồng anh Hòa, cũng muốn liều theo rồi.

6 ao nuôi cá nước trong văn vắt, người trên bờ đi đến đâu, đàn cá dưới nước theo chân đến đấy. “Khối tài sản biết bơi” ấy dự kiến đem lại thu nhập tiền tỷ cho vợ chồng chị Thơm, anh Hòa – những người biết tận dụng thời cơ, nắm bắt xu thế làm giàu.

Nguồn: Báo Tuyên Quang được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.