Bò ngoại về Việt Nam: Ngành chăn nuôi nội địa phải giảm giá thành

Khi số lượng bò Australia được về tăng mạnh, thậm chí người ta đã dự báo đến cái chết của ngành chăn nuôi gia súc lớn, cụ thể là bò thịt ở trong nước.

Đó là thời điểm năm 2013 – 2014, 7 tháng đầu năm 2014, Việt Nam nhập về khoảng 120.000 con bò Australia, cao gấp 4 lần cùng kỳ và nhiều hơn gần 50% cả năm 2013. Thời điểm đó, người ta đánh giá, tốc độ nhập bò Australia vào Việt Nam tăng khủng khiếp, bởi năm 2012 mới có 3.000 con, qua năm 2013 đã vọt lên 67.000 con. Ngay lập tức, bò Australia đã thống trị, đánh bật bò nội ra khỏi các cửa hàng, siêu thị, quán ăn.

Cơn bão nhập khẩu bò Australia qua lại đến sự đổ bộ của thịt bò từ các thị trường lớn, giàu tiềm năng khi các hiệp định thương mại tự do cho phép sự cởi mở, thông thoáng trong lưu thông hàng hóa, một lần nữa đàn bò trong nước lại bị đe dọa.

Theo thống kê, đàn bò thịt trong cả nước luôn tăng trưởng trong 3 năm qua. Năm 2015 cả nước có 5.367.078 con bò, đến năm 2016 đạt 5.496.557 con; năm 2017 tăng lên 5.654.901 con. Nhưng trong khoảng 2 năm trở lại đây, người nuôi bò gặp nhiều khó khăn do từ đầu năm 2017 đến nay, giá bò thịt rớt thê thảm.

Một lái buôn bò ở Ninh Thuận cho biết, giá bò lai đẹp trước đây có giá 20-21 triệu đồng/con, nay hạ còn 7-8 triệu đồng/con. Không chỉ ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, giá bò thịt cũng giảm mạnh ở khu vực ĐBSCL, khiến đàn bò ở An Giang, vốn là địa phương có thế mạnh về chăn nuôi bò, nuôi bò được coi là nghề truyền thống, đã giảm mạnh, hiện tỉnh này có 77.822 con bò, giảm 13.572 con so với cùng kỳ. Một trong những lý do khiến giá bò thịt trong nước giảm là do không cạnh tranh được với thịt bò nhập khẩu giá rẻ.

Theo Cục Chăn nuôi, mục tiêu tới năm 2030, đàn gia súc lớn của nước ta sẽ đạt 8 triệu con và sản lượng thịt bò chiếm 10% tổng sản lượng thịt hơi. Tổng đàn bò sữa đạt 700.000 con, tổng sản lượng sữa đạt 2 triệu tấn. Số lượng đàn trâu ổn định ở mức 2,5 triệu con, sản lượng thịt đạt 127.000 tấn. Nhưng để đạt được mục tiêu này trong bối cảnh nhiều mặt hàng thịt ngoại đổ bộ ồ ạt là không hề dễ dàng nếu chúng ta không thay đổi phương thức chăn nuôi.

PGS-TS Hoàng Kim Giao-Chủ tịch Hiệp hội Gia súc lớn Việt Nam cho biết, điểm yếu cố hữu của ngành chăn nuôi gia súc lớn ở Việt Nam là quy mô nông hộ, nhỏ lẻ, giá thành cao.

“Một trong những khó khăn lớn nhất mà ngành chăn nuôi gia súc lớn nước ta gặp phải đó là sự liên doanh, liên kết giữa người chăn nuôi với các cơ sở thu mua giết mổ, chế biến thịt chưa bền chặt, đôi khi có sự bất hòa về lợi nhuận. Đặc biệt, chăn nuôi, quản lý theo chuỗi, theo ngành hàng từ trang trại đến bàn ăn chưa thực hiện hoặc có thực hiện nhưng chỉ ở một, hai khâu trong chuỗi nên không hiệu quả, đảm bảo sự bền vững” – ông Giao nêu một thực tế trong hội thảo về ngành chăn nuôi gia súc lớn hồi tháng 10.

Trong khi đó, Cục Chăn nuôi cho rằng, ngành chăn nuôi bò cần giảm được giá thành, nếu không sẽ không thể phát triển. Để giảm giá thành, cần phải xác định nuôi bò ở những vùng có lợi thế về không gian, về vùng trồng cỏ và phải coi bò như một phần của một chuỗi nông nghiệp khép kín. Tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để nuôi bò,  tái tạo phân bò thành phân bón cho cây trồng, đặc biệt phải liên kết với doanh nghiệp  để đảm bảo đầu ra thì mới hạ giá thành, đảm bảo sự bền vững.

Để phát triển chuỗi gia súc lớn thực sự hiệu quả, nên tập trung chủ yếu vào 3 nhóm giải pháp: Tăng cường ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất theo chuỗi; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển chuỗi giá trị sản phẩm gia súc lớn theo hướng công nghệ cao.

Nguồn: Tổng hợp, duyệt bởi Farmtech Vietnam

Thương lái ồ ạt thu mua lá nhàu khô ở miền Tây

Sau khi thu hoạch trái, các thương lái ở Cà Mau bắt đầu thu mua lá, nhánh và đọt cây nhàu với giá cao để xuất bán ra nước ngoài.

Nhiều ngày qua, người dân ở xã Tân Lộc, huyện Thới Bình (Cà Mau) đua nhau hái lá, nhánh và đọt cây nhàu tươi bán cho các vựa thu gom ở địa phương với giá trên dưới 4.000 đồng một kg.

Chủ cơ sở thu mua ở xã Tân Lộc cho biết, do thương lái đặt mua nên gia đình thu gom hàng của người dân trong và ngoài địa phương bán lại.

“Một kg lá nhàu khô được bán với giá 120.000 – 150.000 đồng tùy loại. Để có 200 kg lá khô, cơ sở phải thu gom khoảng một tấn lá nhàu tươi”, chủ cơ sở nói và cho biết, không biết các thương lái thu gom lá nhàu khô để làm gì, chỉ biết họ xuất bán lại cho các công ty ở nước ngoài.

Bên cạnh việc nhiều người phấn khởi đi tìm loài cây mọc dại trong tự nhiên này để bán, cũng có nhiều người tỏ ra lo lắng trước tình trạng khai thác vô tội vạ cây nhàu như hiện nay.

Ông Đinh Đức Thiệu, hộ dân trong xã Tân Lộc khẳng định, cây nhàu sau khi bẻ lá, nhánh và đọt sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của cây.

Trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn huyện Thới Bình Nguyễn Hoàng Lâm cho biết, trước đây thương lái chỉ thu mua trái nhàu với giá 8.000 – 15.000 đồng mỗi kg, nhưng giờ chuyển sang mua lá.

Theo ông Lâm, cây nhàu vốn sống trong tự nhiên không được trồng như các loại cây khác. Nếu người dân tận dụng đất trống ở bờ vuông tôm trồng nhàu bán trái, nhằm tăng thu nhập thì tốt.

“Chúng tôi chỉ sợ bà con thấy thương lái mua sản phẩm này giá cao mà chặt bỏ các loại cây đang có để trồng nhàu thì rất nguy hại”, ông Lâm nói và cho biết, đã chỉ đạo các địa phương theo dõi việc thu mua của thương lái để có hướng xử lý kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra.

Cây nhàu hay còn gọi cây ngao, nhàu núi, giầu… cao chừng 6 – 8 m, thân nhẵn, thường mọc hoang ở những nơi ẩm thấp, dọc bờ sông, bờ suối, xuất hiện nhiều ở các tỉnh phía Nam.

Theo dân gian, các sản phẩm từ nhàu có tác dụng dễ tiêu, nhuận tràng làm thuốc điều kinh, trị băng huyết, bạch đới, ho cảm, hen, đau gân, đái đường; nướng chín ăn để chữa lỵ, chữa nhức mỏi, đau lung…

Nguồn: Tổng hợp, duyệt bởi Farmtech Vietnam

146 tỷ đồng sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao

UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, vừa ban hành kế hoạch thực hiện “Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao, giai đoạn 2018 – 2025”, nhằm đáp ứng nhu cầu nuôi cá ở địa phương và các tỉnh vùng ĐBSCL.

Theo đó, tỉnh Đồng Tháp xây dựng 4 vùng sản xuất giống cá tra chất lượng cao tập trung, với tổng diện tích 400ha ở các huyện: Hồng Ngự, Châu Thành, Cao Lãnh và thị xã Hồng Ngự.

Đề án được chia làm 2 giai đoạn: từ năm 2018 – 2020 và từ 2021 – 2025 nhằm cung cấp nhu cầu cá tra giống chất lượng cao trong tỉnh Đồng Tháp; đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất giống cá tra; tập trung ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo quy mô công nghiệp đảm bảo điều kiện sản xuất giống và kiểm soát được chất lượng con giống…

Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho đề án là khoảng 146 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách Trung ương khoảng 50,5 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 21,5 tỷ đồng, vốn vay tín dụng 30 tỷ đồng, vốn tự có và vốn huy động của các tổ chức, cá nhân khoảng 44 tỷ đồng…

Nguồn: Tổng hợp, duyệt bởi Farmtech Vietnam

Cả ngành rau quả Việt Nam xuất khẩu thua trái kiwi của New Zealand

Trong 10 tháng đầu năm 2018 xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt khoảng 3,3 tỉ USD. So với cùng kỳ năm 2017, xuất khẩu rau quả Việt Nam tăng khoảng 15,4 %.

Theo Hiệp hội rau quả Việt Nam (Vinafruits), 10 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt khoảng 3,3 tỉ USD (tháng 10 ước đạt 330 triệu USD). So với cùng kỳ năm 2017, xuất khẩu rau quả Việt Nam tăng khoảng 15,4 %. Như vậy, tốc độ xuất khẩu của rau quả Việt Nam đang có dấu hiệu chậm lại khi các năm trước đây thường tăng khoảng 30-40% so với cùng kỳ.

Theo Vinafruits, so với các mặt hàng nông sản khác, tỉ lệ tăng trưởng trên 15% vẫn còn khá cao. Tốc độ tăng đang có sự suy giảm là do giá trị mặt hàng này đã khá lớn (trên 3 tỉ USD) nên không thể giữ ở mức tăng trưởng cao mãi như khi giá trị còn thấp.

Xét về giá trị xuất khẩu, so với cùng kỳ đã tăng tới gần 500 triệu USD, tức gần 50 triệu USD mỗi tháng. Để có thể tăng trưởng nhanh hơn nữa, các doanh nghiệp cần chuẩn bị rất lớn cho tiếp thị mở rộng thị trường, lên kế hoạch mở rộng vùng sản xuất để cung cấp nguyên liệu.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Giám đốc Công ty Vina T&T, cho biết dư địa cho xuất khẩu của trái cây Việt Nam còn rất lớn, quan trọng cần có chiến lược phát triển ở tầm quốc gia và định hướng của các doanh nghiệp trong nước.

Nhìn vào kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam vẫn chủ yếu là xuất khẩu sang Trung Quốc với trên 70%, 9 thị trường cao cấp tiếp theo chiếm khoảng 15%. Nếu các doanh nghiệp tập trung làm hàng chất lượng cao cho Mỹ, Eu, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc,… thì giá trị sẽ tăng lên nhiều.

Sơ chế xoài xuất khẩu sang Nhật Bản

Còn theo ông Mai Xuân Thìn, CEO của Red Dragon, năm 2017 chỉ một trái kiwi của New Zealand đã có giá trị xuất khẩu 3,5 tỉ USD, bằng xuất khẩu của cả ngành rau quả Việt Nam. Trong 4 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu rau quả Việt Nam tăng khoảng 20-30% thì trái kiwi của New Zealand đã tăng trên 89%. Như vậy, trái kiwi đã bứt phá lên trên và nếu giữ tốc độ trên, năm nay loại trái cây này sẽ vượt cả ngành rau của Việt Nam về giá trị xuất khẩu một khoảng cách không nhỏ.

Xuất khẩu rau quả trong 9 tháng đầu năm 2018

Nguồn: Tổng hợp, duyệt bởi Farmtech Vietnam

Vài triệu đồng một kg cua lông Hong Kong

Cua lông được nhiều người săn lùng về Việt Nam bán với giá 1,6 triệu đồng một kg, còn tại nhà hàng giá lên tới vài triệu đồng.

Đặt mua cua lông cả tuần nay nhưng chị Hằng, ở quận 3 (TP HCM) chỉ mua được nửa kg. “Loại này tôi mua từ người bạn thường xuyên đi Hong Kong với giá 1,6 triệu đồng một kg. Vì là sản phẩm xách tay nên nếu đặt muộn sẽ không còn hàng”, chị Hằng nói.

Cua lông tuy trọng lượng nhỏ nhưng gạch và thịt chắc.

Là người chuyên xách tay hàng Hong Kong, chị Loan ở quận 5 cho biết, thường xuyên sang Hong Kong hàng chục lần mỗi năm, song xách tay loại này chỉ được hai lần vì hiếm và chỉ có vào mùa tháng 9 – 10. Vì là hàng tự nhiên nên nếu mua sai thời điểm thì cả chục triệu đồng một kg cũng không có hàng.

“Cua lông mỗi con có trọng lượng 100 – 300 gram, nhưng loại 300 gram hiếm nên bình quân tôi chỉ nhập loại 200 gram. Loại cua này có phần gạch béo, ngậy khác hẳn với cua Việt Nam, còn thịt thì ngọt đậm và chắc”, chị Loan nói.

Mới chỉ nhập bán loại cua này được 5 ngày, chủ cửa hàng hải sản ở Vườn Lài (Tân Phú) cho biết đã bán hết 100 kg và lượng khách đặt hàng khá đông. Sở dĩ chúng được gọi là cua lông vì chân có lông, trọng lượng nhỏ.

“Sắp tới cửa hàng sẽ về khoảng hơn 100 kg. Tuy nhiên hiện đơn đặt hàng đã chiếm tới 50%. Nhiều khách cho biết đã thưởng thức đặc sản này tại Hong Kong khi đi du lịch nên thấy cửa hàng bán là đặt liền vài kg”, chủ cửa hàng này nói và cho biết, ngoài hình dáng đặc biệt, gạch cua lông béo thơm lẫn ngọt thanh đậm. Ăn xong, hậu vị hấp dẫn kia vẫn còn lưu lại cỡ 5 – 7 phút, chỗ vòm họng.

Gạch của cua lông có độ béo, ngậy, thơm đậm khác hẳn với những loài cua khác.

Cua lông bán trên thị trường hiện nay đa phần là cua nhập từ Hong Kong, Thượng Hải, chia thành nhiều loại, tùy trọng lượng. Ngoài ra, giá cua đực, cua cái cũng chênh nhau ít nhiều vì chất lượng thịt của cua đực ngon hơn cua cái (cua đực thịt nhiều gạch ít, cua cái thịt ít gạch nhiều). Hiện dân buôn thường nhập cua sống về bán trực tiếp, một số nơi bán cua hấp sẵn.

Không chỉ các cửa hàng hải sản bán cua này, một số nhà hàng ở TP HCM và Hà Nội cũng chế biến thành món đặc sản. Tuy nhiên, giá của chúng tại các nhà hàng lên tới 3 – 4 triệu đồng một kg. Mỗi con cua có trọng lượng chỉ từ 100 – 250 gram sau khi chế biến có giá 600.000 – 900.000 đồng.

Tại Hong Kong vào mùa này, cua được bán ở mọi chợ, nhà hàng, thậm chí còn xuất hiện trên máy bán hàng tự động ở ga tàu ngầm.

Nguồn: Tổng hợp, duyệt bởi Farmtech Vietnam

Việt Nam là điểm đến của các nhà xuất khẩu bò

Theo Cục Chăn nuôi – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện đàn bò của cả nước đạt khoảng 5,4 triệu con, giảm 14,7% so với 10 năm trước (2008) nhưng sản lượng thịt giết mổ tăng 43,4% nhờ năng suất tăng. Tuy vậy, vẫn không đủ cung ứng cho thị trường nội địa.

Theo ông Michael Patching, Giám đốc dịch vụ khu vực châu Á – Thái Bình Dương Hiệp hội Thịt và Gia súc Úc (MLA), Việt Nam đang trở thành điểm đến của các nhà xuất khẩu bò trên thế giới. “MLA chính thức có mặt tại Việt Nam 3 năm trước, khi thị trường thịt bò tại Việt Nam rất sơ khai, không được quan tâm và chưa có điều kiện công nghiệp hóa. Ngành thịt bò của Việt Nam đang có tiêu chuẩn rất thấp nên các doanh nghiệp muốn cải tiến rất khó để bắt đầu. Các hiện tượng như bò bị bơm nước, thịt bò giết mổ xong để dưới sàn mất vệ sinh rất phổ biến. Người ta dễ thấy thịt bò nhập khẩu được vận chuyển bằng xe máy thô sơ” – ông Michael nhận xét.

Ông Michael cho biết ở thị trường Việt Nam, người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi sản phẩm an toàn và đáng tin cậy hơn, giá cả không phải là yếu tố quá quan trọng. Bằng chứng là thịt trâu Ấn Độ (giá rẻ, thường được bán như thịt bò – PV) nhập khẩu có xu hướng giảm, trong khi bò nhập khẩu từ Mỹ và Úc đang tăng.

Thống kê cho thấy những năm gần đây, Việt Nam đều phải nhập khẩu thêm bò sống (chính ngạch từ Úc và biên mậu từ các nước lân cận) và bò đã qua giết mổ từ Úc, Mỹ… Đối với bò sống từ Úc, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu đến 200.000 con. Thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy trong 8 tháng đầu năm 2018, Việt Nam nhập hơn 24.000 tấn thịt bò các loại với trị giá gần 91 triệu USD. Như vậy, bình quân mỗi tháng Việt Nam phải chi ra gần 11,4 triệu USD để nhập khẩu mặt hàng này, tức khoảng 87.000 đồng/kg. Tuy nhiên, chủ một doanh nghiệp nhập khẩu thịt bò cho biết mức giá trên có thể chỉ là trên “giấy tờ” chứ không phải thực tế. “Hiện thịt bò nhập từ Mỹ đang chịu thuế từ 7%-18% tùy loại nên một số doanh nghiệp cố tình khai giá thấp để giảm thuế phải nộp” – ông này nêu.

Khảo sát tại các cửa hàng bán thịt bò nhập khẩu tại TP HCM cho thấy giá bán lẻ thịt bò Mỹ ở mức khá cao như: thăn nội 850.000 đồng/kg, thăn vai 650.000 đồng/kg, thăn ngoại 530.000 đồng/kg…

Nguồn: Tổng hợp, duyệt bởi Farmtech Vietnam

Giá cau cao kỷ lục, người dân ở Huế thu nhập tiền tỷ

Năm nay, cau đầu mùa đạt giá kỷ lục, hơn 30.000 đồng/kg khiến người dân ở huyện miền núi Nam Đông (Thừa Thiên-Huế) rất phấn khởi.

Đến các miền quê tỉnh Thừa Thiên-Huế vào những ngày này, rất dễ trông thấy cảnh nhộn nhịp thu mua cau tươi. Tại huyện miền núi Nam Đông, các nhà vườn phấn khởi vì giá cau tươi cao kỷ lục từ trước tới nay.

Ông Nguyễn Thành Dũng, người dân trồng cau ở thôn 11, xã Hương Hòa, huyện Nam Đông cho biết: gia đình ông trồng cau đã 10 năm nay, những năm trước người dân để cau đến thời điểm Tết nguyên đán mới bán được giá.

Năm nay, mới đầu mùa, cau đã được giá nên bà con tranh thủ bán: “3 năm trở lại đây giá cau trên thị trường nhích lên, dân trồng cau của Nam Đông thu nhập ổn định. Vườn nhà tôi hiện tại trồng 180 cây, trong đó cho thu hoạch khoảng 120 cây. Năm nay thu hoạch hiệu quả, ước tính thu nhập khoảng 60 triệu”.

Mặc dù mới đầu mùa, nhưng cau đã có giá dao động từ 27.000-30.000 đồng/kg, thời điểm cao nhất thương lái mua đến 32.000 đồng/kg, cao nhất từ trước tới nay. Sau khi thu mua, cau được đưa về tại cơ sở tập kết để sấy khô rồi phân loại, đóng bao xuất khẩu sang Trung Quốc.

Theo tính toán của người dân ở huyện Nam Đông, 1ha cây cau cho năng suất cao, thì mức thu nhập từ 700 triệu – 1 tỷ đồng/năm. Huyện Nam Đông chỉ đạo ngành nông nghiệp huyện tiếp tục tổ chức tập huấn cho bà con cách phòng chống các bệnh như: nấm rễ, bọ cánh cứng ăn đọt, vàng lá… Bên cạnh đó, hỗ trợ nông dân nhằm tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu ổn định để nâng cao hơn nữa giá thành cho sản phẩm.

Ông Phan Gia Điền, Chủ tịch UBND xã Hương Hòa, huyện Nam Đông cho biết: “Năm nay, giá cau lên tới 30.000 đồng/kg kể cả cành và quả. Một cây cho năng suất 20-25kg, một ha khoảng 1.400 cây, nếu đảm bảo yêu cầu thì thu nhập khoảng 1 tỷ đồng, đời sống người dân ngày càng cải thiện. Ngoài thu nhập từ cây cam, cây cao su thì nay có thêm cây cau… Đây là loại cây nổi trội hơn các loại cây khác”.

Người dân phấn khởi khi giá cau tươi tăng cao.

Đến thời điểm này, cây cau là một trong những cây trồng cho thu nhập ổn định đối với người nông dân Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Hiện diện tích trồng cau trên địa bàn huyện Nam Đông khoảng 200 ha, tập trung ở các xã Hương Lộc, Hương Hòa, Hương Giang và thị trấn Khe Tre.

Ông Trần Quốc Phụng, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, giá cau cao do nhu cầu xuất khẩu sang Trung Quốc lớn. Tuy nhiên, đây là thị trường không ổn định nên huyện Nam Đông chỉ đạo các địa phương duy trì diện tích chứ không phát triển ồ ạt diện tích cau tập trung.

“Huyện cũng chỉ đạo các địa phương vận động người dân cố gắng duy trì chăm sóc vườn cau hiện tại và phát triển diện tích theo mức độ nhất định. Đặc biệt, thị trường cau thường không ổn định, thời gian tới huyện chỉ vận động nhân dân chăm sóc và phát triển cây cau trong vườn chứ không phát triển thành những vườn cau tập trung”.

Nguồn: Tổng hợp, duyệt bởi Farmtech Vietnam

Nông dân Tiền Giang trúng đậm mùa mít Thái siêu sớm

Giá trái mít ở tỉnh Tiền Giang tăng ở mức kỷ lục, nông dân trúng đậm.

Tại thời điểm này, giá mít Thái siêu sớm dao động từ 55.000 -70.000 đồng/kg, tăng gần 2 lần so cùng kỳ năm ngoái. Với mức giá này,  mỗi năm, nhà vườn trồng mít có thu nhập hơn 1 tỷ đồng/ha. Trái mít tăng giá là do thị trường xuất khẩu hút hàng; trong khi đó vào mùa nước nổi, sản lượng trái mít giảm nên “cầu vượt cung”.

Nhà vườn huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang tích cực chăm sóc vườn mít đang cho lãi cao.

Toàn tỉnh Tiền Giang có khoảng 3.000 ha cây mít, trồng tập trung ở các huyện vùng lũ như: Cái Bè, Cai Lậy, Thị xã Cai Lậy, và huyện Tân Phước. Hiện nay, nhà vườn các địa phương này rất phấn khởi, đang tập trung gia cố đê bao chống lũ và triều cường, bảo vệ vườn mít.

Trái mít Thái Siêu sớm giá ở mức cao.

Ông Nguyễn Văn Chiến, nhà vườn ở xã Thiện Trí, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang cho biết, mít năm nay giá cao kỷ lục. Thương lái mua tại vườn với giá 70.000 đồng/kg, còn mít loại 2 giá 55.000 đồng/kg. Mít siêu sớm có giá cao nhất và rất dễ trồng.

Nguồn: Tổng hợp, duyệt bởi Farmtech Vietnam

Việt Nam trúng thầu 29.000 tấn gạo cho Philippines

Trong phiên mở thầu nhập khẩu 250.000 tấn gạo theo hình thức Chính phủ- Tư nhân (G2P) của Philippines vào hôm nay, 18-10, Việt Nam giành được hợp đồng xuất khẩu 29.000 tấn.

Việt Nam giành được hợp đồng xuất khẩu 29.000 tấn gạo cho Philippines trong phiên mở thầu hôm nay, 18-10. Trong ảnh, nông dân đang thu hoạch lúa.

Giám đốc một doanh nghiệp chuyên kinh doanh xuất khẩu gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long tiết lộ với TBKTSG Online vào chiều hôm nay rằng hai đơn vị đến từ Việt Nam giành được hợp đồng xuất khẩu gạo cho Philippines trong phiên mở thầu sáng cùng ngày là Tổng công ty lương thực miền Nam (Vinafood2) và Tổng công ty lương thực miền Bắc (Vinafood 1) với tổng khối lượng 29.000 tấn.

Theo vị này, Vinafood 2 đã giành được hợp đồng 15.000 tấn với mức giá bỏ thầu là 427,68 đô la Mỹ/tấn và Vinafood 1 giành được hợp đồng 14.000 tấn với mức giá 427,5 đô la Mỹ/tấn.

Trong khi đó, một đơn vị khác đến từ Thái Lan là Công ty Thai Capital Crops Co Ltd đã giành được hợp đồng cung cấp 18.000 tấn gạo cho Philippines với mức giá 426,3 đô la Mỹ/tấn.

Như vậy, tổng khối lượng gạo Philippines đã đạt thỏa thuận trong phiên mở thầu sáng nay với các nhà cung cấp tư nhân là 47.000 tấn, tức nước này cần thêm 203.000 tấn gạo nữa mới đạt được kế hoạch nhập khẩu 250.000 tấn như công bố.

Theo vị này, lý do khối lượng gạo đạt thỏa thuận trong phiên mở thầu hôm nay của Philipines đạt thấp vì các nhà cung cấp tư nhân đưa ra mức giá cao hơn so với mức dự kiến ngân sách của Cơ quan lương thực quốc gia Philippines (NFA) là 428,18 đô la Mỹ/tấn.

Trước đó, Philippines đã thông báo mời thầu nhập khẩu 250.000 tấn gạo loại 25% tấm từ bất kỳ nguồn cung nào. Theo đó, mức giá tham chiếu được Philippines đưa ra là 431,2 đô la Mỹ/tấn, giá CIF giao tại kho chỉ định của Philippines, nằm trong bán kính 30 km từ cảng dỡ hàng, bao gồm cả chi phí chất hàng vào kho. Hình thức thanh toán trả chậm 30 ngày, kể từ ngày người mua nhận được bộ chứng từ gốc hợp lệ.

Với 250.000 tấn gạo, Philippines chia ra làm 9 gói thầu và 14 điểm cảng dỡ hàng. Thương nhân được phép dự thầu tất cả 9 gói thầu hoặc ít nhất là 1 gói. Tuy nhiên, điều kiện tham dự đấu thầu được Philippines đưa ra là trong 5 năm trở lại đây, tính đến ngày nộp thầu, thương nhân phải hoàn tất ít nhất một hợp đồng xuất khẩu gạo với quy mô tài chính tương đương gói thầu sẽ tham dự.

Trước đó, vào tháng 5-2018, NFA đã mở thầu nhập khẩu 250.000 tấn gạo theo hình thức G2P, các thương nhân Việt Nam đã không bán được tấn gạo nào cho Philippines, trong khi Thái Lan gần như chiếm trọn hợp đồng này.

Cũng trong tháng 5-2018, Việt Nam đã giành được hợp đồng xuất khẩu 130.000 tấn gạo cho Philippines trong gói thầu nhập khẩu 250.000 tấn gạo tại một cuộc mở thầu theo hình thức liên Chính phủ (G2G).

Nguồn: Tổng hợp, duyệt bởi Farmtech Vietnam

“Vận đen” của hồ tiêu: Chết trơ trụi, nông dân nợ chồng chất

Hàng trăm hecta tiêu bị chết hoặc đang nhiễm bệnh ở mức không thể cứu vãn cùng rất nhiều diện tích khác bị nhiễm bệnh đang khiến hàng ngàn nông dân tại Đắk Song (Đắk Nông) đứng ngồi không yên. Nhiều người bỏ nhà cửa đi biệt xứ vì nợ nần.

5 năm trước, thấy giá hồ tiêu cao ngất, ông Nguyễn Văn Thu (thôn Đắk Kual 5, xã Đắk N’Drung, Đắk Song, Đắk Nông) đã phá bỏ cà phê để trồng 1.400 trụ tiêu. Để có vốn đầu tư, ông Thu thế chấp sổ đỏ, vay ngân hàng 250 triệu đồng. 4 năm sau, khi vườn tiêu bắt đầu cho thu bói thì giá tiêu lao dốc. Thế nhưng “vận đen” chưa từ bỏ ông Thu khi năm nay, vườn tiêu bắt đầu cho thu chính thì lại đổ bệnh, chết hàng loạt.

  Vườn tiêu của ông Thu chết trụi chỉ trong vòng một tuần.

“Tiêu vàng lá rồi chết khô chỉ trong vòng một tuần không thể trở tay. Công sức, vốn liếng của gia đình 5 năm qua giờ tiêu tan. Bây giờ tiêu chết, gia đình ông chưa biết lấy tiền đâu ra để trả nợ và kiến thiết vườn cây”- ông Thu chua xót nói.

Gần nhà ông Thu, hơn 1.700 trụ tiêu đang kinh doanh của ông Nguyễn Hữu Hương cũng chết khô. Vợ ông Hương nói với chúng tôi, khi thấy vườn tiêu vàng lá, bà đã mời kỹ sư về tư vấn rồi bỏ gần 50 triệu đồng mua thuốc về chữa nhưng kết quả là tiền mất tật mang, cả vườn tiêu chết sạch chỉ trong chừng một tháng. Gần 1 tỷ đồng mà gia đình ông Hương đầu tư trồng tiêu giờ tiêu tan…

Một vườn tiêu ở xã Thuận Hà chết trụi.

Trưởng thôn Đắk Kual 5, ông Nguyễn Hữu Thiện, cho biết, tình trạng hồ tiêu chết hàng loạt đã khiến 3 gia đình trong thôn bỏ nhà đi biệt tích. Hàng trăm gia đình khác đang đứng trước nguy cơ trắng tay khi diện tích tiêu nhiễm bệnh rồi chết tiếp tục tăng.

Khó cứu chữa

Ngoài Đắk N’Rung, tại các xã khác của huyện Đắk Song như: Thuận Hạnh, Nâm N’Jang, Trường Xuân, Thuận Hà hàng trăm ha tiêu cũng đang nhiễm bệnh và chết. Theo ông Lê Hoàng Vinh, Trưởng phòng NNPTNT huyện Đắk Song, thống kê đến cuối tháng 9, toàn huyện có hơn 200 ha tiêu chết, 130 ha đang nhiễm bệnh nặng không thể cứu chữa và gần 1.700 ha tiêu đang bị nhiễm bệnh.

Một vườn tiêu ở Đắk N’Rung chết sạch đang bị chủ nhân bỏ hoang.

Tuy nhiên, theo ông Vinh đây là con số chưa chính xác, diện tích hồ tiêu chết và nhiễm bệnh vẫn đang tiếp tục tăng. Cũng theo ông Vinh, tình trạng tiêu chết và nhiễm bệnh xuất hiện từ khoảng cuối tháng 6, khi mùa mưa kết thúc.

Nguyên nhân ban đầu được xác định là do trên địa bàn có mưa nhiều khiến cây tiêu bị nhiễm nhiều loại nấm (Phytophthora sp, Pythium…), vi khuẩn, tuyến trùng và nhiều diện tích bị úng nước. Mặt khác, trong canh tác, nhiều bà con quá lạm dụng các loại phân bón không phù hợp, thuốc bảo vệ thực vật không đúng theo khuyến cáo của ngành chức năng.

Ông Vinh cho biết, hiện đối với những diện tích đã nhiễm bệnh nặng thì xem như không thể cứu vãn. Đối với diện tích mới nhiễm, ngành nông nghiệp đang tuyên truyền cho người dân áp dụng quy trình kỹ thuật quản lý bệnh chết nhanh, chết chậm hại hồ tiêu do Cục Trồng trọt- Bộ NNPTNT- ban hành tháng 8.2016.

Theo ngành nông nghiệp huyện Đắk Song, tình trạng tiêu nhiễm bệnh và chết vẫn đang tiếp tục tăng chưa có biện pháp chữa trị hữu hiệu.

Ngoài ra, Phòng NNPTNT huyện cũng thống kê diện tích tiêu nhiễm bệnh và bị chết để báo cáo UBND huyện, Sở NNPTNT sớm có giải pháp hỗ trợ xử lý tình trạng dịch bệnh đang lan rộng trên cây hồ tiêu. Cùng với đó, Phòng sẽ tham mưu cho UBND huyện đề xuất UBND tỉnh có ý kiến với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đắk Nông chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại khoanh nợ, giãn nợ cho các nông hộ để bà con vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất.

Theo Phòng NNPTNT huyện Đắk Song, toàn huyện có hơn 15.200 ha hồ tiêu, chiếm khoảng một nửa diện tích tiêu toàn tỉnh. Trước tình trạng tiêu chết và nhiễm bệnh hàng loạt, các ngành chức năng, chính quyền các cấp và người dân đang nỗ lực dùng nhiều biện pháp để cứu chữa.

Tuy nhiên, mọi sự cố gắng vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Cây tiêu vẫn đang trên đà chết và lây lan dịch bệnh rất nhanh.

Nguồn: Tổng hợp, duyệt bởi Farmtech Vietnam