Chi tiết A – Z kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cà chua bạch tuộc.

Vì có quá nhiều nhánh, nhiều ngọn tỏa ra từ một gốc và cho sản lượng quả cực kỳ ấn tượng, nên cây cà chua đang được nhiều người hết sức quan tâm.

 

Cây cà chua bạch tuộc.

Chiều cao của cây có thể đạt được 4m và thậm chí cao hơn, các tán cây có thể phủ rộng 40-50m2. Năng Suất cà chua leo giàn rất cao 32.000 quả với trọng lượng 522kg trên cùng 1 thân cây.

Tán của cây cà chua cây giống như con bạch tuộc (Heirloom Tomato) xoắn xung quanh toàn bộ khung được làm cho cây, cây cho năng xuất cao và kháng bệnh rất tốt. Hệ thống rễ cây mạnh mẽ và phát triển tốt

Quá trình tăng trưởng của cà chua kéo dài khoảng 2-2.5 năm. Cây cho quả sau 3 tháng và quả ra liên tục cho đến hết quá trình sinh trưởng. Những cây cà chua bạch tuột này là sản phẩm lai tạo từ một cây cà chua và nho. Thế nhưng nó chỉ lai cách phát triển theo giàn của nho chứ quả thì vẫn nguyên cà chua.

Cà chua leo giàn là nguồn cung cấp vitamin A và C tuyệt vời giúp ngăn ngừa bệnh quáng gà và tăng thị lực cho đôi mắt của bạn. Một nghiên cứu gần đây cho thấy hàm lượng vitamin A cao của cà chua có thể ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng, một bệnh nghiêm trọng có thể dẫn đến mù mắt.

Hơn nữa, cà chua có thể giảm nguy cơ đục thủy tinh thể. Trong cà chua còn có các chất chống oxy hóa như lycopene, lutein và zeaxanthin.

Quả cà chua đỏ mọng.

Thời vụ trồng cây

Thời gian sinh trưởng khoảng từ 100 – 120 ngày, có thể trồng được 4 vụ trong năm: vụ xuân hè (tháng 3-4), vụ sớm (tháng 8), vụ chính (tháng 10), và vụ muộn (tháng 11).
Có thể gieo hạt vào bầu, vào khay xốp hoặc trên luống ươm rồi nhổ đi trồng sau 20 – 22 ngày tuổi, khi cây có 3 – 5 lá thật cứng cáp, không bị sâu bệnh.

Kỹ thuật ươm hạt

Trước khi gieo hạt nên ngâm hạt trong nước ấm 40-50oC trong khoảng 3 giờ. Sau đó, cho hạt vào túi vải bọc giấy kín. Để ở chỗ kín. Sau khoảng 3-4 ngày rễ mọc thì đem gieo vào giá thể ươm hạt.

Sau khi gieo hạt, rải 1 lớp tro mỏng, trên phủ một lớp rơm mỏng và tưới nước để có đủ độ ẩm. Sau khi gieo khoảng 30-40 ngày, cây đạt 5-6 lá, có thể đem trồng.

+ Nên trồng cà chua vào buổi chiều

+ Sau khi trồng ấn nhẹ đất vào gốc cây và làm bằng phẳng đất chung quanh gốc.

+ Trồng xong tưới nước cho cà chua ngay

Đất trồng

Cà chua có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau nhưng bạn nên tham khảo các loại đất hữu cơ vừa sạch sẽ, vừa đầy đủ chất dinh dưỡng cho cây trồng trong chậu. Cà chua đòi hỏi đất trồng phải thật giàu chất dinh dưỡng hữu cơ.

Đất trồng như các loại đất cát pha, đất thịt nhẹ, giàu mùn, tơi xốp, dễ thoát nước, có độ pH từ 6,2 – 6,8 là thích hợp nhất, và cần thêm nhiều phân xanh hữu cơ đã ủ cho mục nát, lớp phân này dày khoảng 6 – 8cm. Cách đơn giản là bạn trộn đất và trấu cùng phân cá đã ủ mục hoặc phân gà (có loại phân hữu cơ nào dùng loại đó). Nếu bạn không thể tự ủ phân xanh hữu cơ tại nhà thì có thể mua sẵn ở các cửa hàng

Những cây cà chua có hình thái rễ chạy dọc lên cả phần thân, do đó có thể trồng chúng sâu xuống đất, chỉ để phần lá non nổi trên mặt đất. Đừng lấp đất vào bất kỳ phần lá nào, điều này có thể khiến lá cây bị thối và dễ mắc bệnh.

Ánh sáng: Cà chua là cây ưa sáng, vì thế mà vị trí trồng lý tưởng nhất cho cây cà chua là nơi có đầy đủ ánh nắng mặt trời, ít nhất là 6 – 7 tiếng/ngày. Cà chua cần rất nhiều ánh nắng ấm áp để có hương vị thơm ngon.

Lưu ý trong giai đoạn ươm hạt là bạn nên để trên cao hoặc có biện pháp phòng tránh chuột tha mất hạt. Thời gian nẩy mầm của các giống cà chua trung bình từ 7 đến 14 ngày.

Chọn chậu cây có chiều cao khoảng 20 – 25cm, chiều rộng
cần ít nhất 30cm.

Kỹ thuật chăm sóc cây

Bón lót phân Tribat trộn cùng supe lân, và đạm urê sau khi cây được 30 ngày.

Khi cây lớn cần tỉa nhánh: Tỉa bỏ nhánh phụ và lá già cho cây thông thoáng.

Mỗi cây chỉ để lại 1 thân chính và 2 nhánh cấp 1 ở sát dưới chùm hoa thứ nhất, để cây ra nhiều nhánh cho nhiều hoa, đậu nhiều lứa trái. Chú ý tưới nước đủ ẩm cho cà chua bi, không để chậu cây bị úng ngập hoặc độ ẩm quá lớn.

Thường xuyên phát hiện sâu bệnh và phòng trừ sâu bệnh kịp thời cho cà chua.

Tưới nước: Trong 7 – 10 ngày đầu tiên sau khi trồng cần tưới đều đặn hàng ngày khoảng 500ml nước ấm 25 – 30 độ C cho mỗi cây, thời gian lý tưởng nhất là vào buổi sáng hoặc tầm 4-5 giờ chiều để cây khô ráo trước khi trời tối.

Khi cây cà chua được 1,5-2 tháng tuổi là lúc bạn cần làm gian hoặc cọc để đỡ thân cây. Có thể dùng cọc tre, gỗ, ống nước hoặc sắt để giúp nâng đỡ thân cây cà chua không bị đổ gập hoặc gẫy khi ra nhiều quả.

Nếu chỉ trồng trong chậu nhỏ với cây cà chua anh đào thì chỉ cần một cái cọc dựng lên để đỡ cây, nhưng nếu là giống cây giống lớn hoặc trồng trong vườn thì phải dựng giàn đỡ, khung đỡ nhé.

Trong thời tiết nắng nóng bạn có thể lót một lớp rơm hoặc cỏ khô 2-3cm lên bề mặt chậu cây để giữ ẩm cho đất. Khi cây ra hoa nhiều, bạn lắc nhẹ hoa để hỗ trợ quá trình thụ phấn đậu quả của cà chua.

Thu hoạch cà chua bạch tuộc.

Thu hoạch: Trung bình, cây sẽ cho quả ngọt sau 7 – 8 tháng khi đã phát triển hết tán và cho khoảng hơn 14.000 quả mỗi vụ một cây.

Để có được một cây cà chua trĩu quả sẽ phải mất từ 1,2 đến 1,5 năm cây mới có được kích thước ấn tượng như vậy.

Nguồn: kythuatnuoitrong.edu.vn được kiểm duyệt bởi FarmTech VietNam.

Thực hư về loại cà chua có giá cả triệu đồng/kg

Cà chua thân gỗ từng là loại quả độc, lạ có giá lên đến 1 triệu đồng/kg nhưng nay giá giảm xuống còn 1/5 vẫn khó bán

Cà chua thân gỗ có nguồn gốc từ Nam Mỹ (Ecuador, Peru,…) từng gây “sốt” ở TP HCM và Hà Nội do quả có hương vị lạ, là sự kết hợp của chanh dây, dâu tây và dứa. Hơn nữa, cây thân gỗ, quả đẹp, khác hẳn với hình dáng các loại cà chua khác nên được nhiều người hiếu kỳ.

Khi đó, quả cà chua thân gỗ chỉ có hàng “xách tay” với số lượng hạn chế nên giá bán lẻ lên đến 1 triệu đồng/kg. Nhiều điểm bán lý giải loại cà chua này hiếm, có công dụng tốt cho sức khỏe, thậm chí ngăn ngừa, phòng tránh ung thư nên giá cao.

Sau đó, người ta phát hiện loại cây này từng được trồng ở Lâm Đồng và phát triển khá tốt nhờ thổ nhưỡng phù hợp. Cây giống loài cây này được săn lùng và có lúc bị đẩy lên đến 500.000 đồng/cây, cao hơn rất nhiều so với các loại giống cây ăn trái thông thường.

 Cây giống cà chua thân gỗ từng ở mức 500.000 đồng/cây

Phải mất hơn 8 tháng, cây cà chua thân gỗ mới ra trái nên thời gian đầu, loại quả này vẫn còn hiếm, khách muốn mua phải đặt trước và giá bán vẫn ở mức cao, từ 200.000 – 500.000 đồng/kg (tùy thời điểm).

Đến nay, giá loại quả này đã giảm nhiều nhưng vẫn còn khá cao so với các loại cà chua khác đang bán trên thị trường. Ngay cả cây giống cũng rớt xuống còn khoảng 100.000 – 200.000 đồng/cây.

Cuối tháng 9 vừa qua, tại cửa hàng nông sản sạch trên đường Đinh Tiên Hoàng (quận 1, TP HCM), hộp cà chua thân gỗ xuất hiện tại khu trưng bày sản phẩm mới với giá bán 220.000 đồng/kg.

Nhân viên cửa hàng cho hay, đây là sản phẩm của một hợp tác xã tại Lâm Đồng ký gửi, bán không hết thì hợp tác xã thu về, không phải hàng xách tay như trước. Khi hỏi về sức tiêu thụ mặt hàng này thì nhân viên này trả lời: “Đây là sản phẩm mới, nhiều người thấy lạ thì hỏi nhưng giá còn cao nên rất hiếm người mua”.

Ngày 4-10, phóng viên báo Người Lao Động đã liên hệ với một cửa hàng rau quả trên đường Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận, TP HCM) có trang trại tại Lâm Đồng thì được báo giá sản phẩm này ở mức 180.000 đồng/kg, miễn phí vận chuyển nội thành với đơn hàng tối thiểu 3 kg.

Cà chua thân gỗ được ký gửi tại cửa hàng để giới thiệu với người tiêu dùng TP HCM

Trao đổi với phóng viên, ông N.C.T, đại diện hợp tác xã cung cấp loại cà chua nói trên cho biết mỗi ngày hợp tác xã chỉ đưa ra thị trường khoảng 20 kg cà chua thân gỗ theo kênh phân phối rau sạch của hợp tác xã.

“Cách đây một năm, một số xã viên của chúng tôi thấy cây này lạ nên mua vài cây về trồng thử dọc hàng rào. Cây rất dễ trồng, sinh trưởng tốt, trái nhiều nên không còn quý hiếm như trước. Chính vì vậy, quả này cũng có tốc độ tụt giá nhanh về giá trị thật hơn nhiều loại cây độc, lạ khác do quá dễ trồng. Sắp tới, có khả năng loại quả này xuống dưới 100.000 đồng/kg” – ông T.nhận xét.

Cũng theo ông T., cà chua thân gỗ có vị chua trong khi nhìn chung người tiêu dùng thích trái cây có vị ngọt nên không bán được nhiều. Ngoài ra, loại quả này chỉ mới được dùng như trái cây “ăn cho vui”, không thể dùng trong chế biến nấu ăn trong gia đình nên khó tăng sản lượng.

Anh H.M.T, chủ một điểm cung cấp cây trồng làm kiểng tại TP HCM cho biết vòng đời một sản phẩm “độc, lạ” rất ngắn, chỉ từ 6-12 tháng. Do đó, giới kinh doanh phải nhanh chóng chớp thời cơ để đẩy hàng ở thời điểm giá cao.

“Thị hiếu người tiêu dùng thay đổi rất nhanh, một số sản phẩm độc, lạ theo phong trào sẽ sớm hạ nhiệt. Thậm chí là biến mất để chạy theo những mặt hàng mới. Cà chua thân gỗ là điển hình trong số đó” – ông T. đúc kết.

Theo tìm hiểu, cà chua thân gỗ ở nước ngoài có tên Tamarillo, được bán với giá quy đổi tiền Việt khoảng 100.000 đồng/kg là cao nhất.

Nguồn: Tổng hợp, duyệt bởi Farmtech Vietnam

Nữa triệu một kg cà chua thân gỗ

Trái hình bầu dục, thịt dày, mùi vị đặc trưng nên cà chua thân gỗ trồng ở Đà Lạt dù giá đắt đỏ vẫn khá hút khách.

Chị Hồng, ở quận 3 (TP HCM) vốn chuộng các loại cà chua, nên tỏ ra thích thú khi vừa mua được 2 kg cà chua thân gỗ (hay còn gọi Tamarillo) có hình dáng như trái hồng Đà Lạt. “Tôi mua một kg giá 500.000 đồng, đắt gấp nhiều lần so với cà chua khác nhưng vì hàng lạ nên mua về dùng thử”, chị Hồng nói.

Thường xuyên ăn loại này, chị Hằng ở Bình Thạnh cho hay, nếu cách đây 4 tháng chị mua với giá 200.000 đồng một kg thì nay đã lên 350.000 đồng. Sở dĩ giá tăng là vì loại này hết mùa, chỉ còn một số nhà vườn trồng trái vụ mới có để thu hoạch.

Cà chua thân gỗ vỏ dày, hạt to hơn những loại thông thường.

“Thịt quả cà chua này săn chắc, có nhiều hạt lớn hơn so với hạt cà chua thông thường. Khi ăn, chúng có mùi thơm đặc trưng và và vị chua ngọt. Tôi không chỉ dùng làm salad, nước ép mà còn làm detox để uống cho đẹp da”, chị Hằng nói.

Trồng khoảng 500 cây cà chua thân gỗ, chị Tuyên, ở Lâm Đồng cho biết, loại này được khá nhiều khách chuộng, hàng có bao nhiêu cũng hết, nhưng hiện mỗi tuần vườn chị chỉ có khoảng 20 kg để bán. Hầu hết đầu mối đặt mua ở Hà Nội và TP HCM. “Tôi bán sỉ khoảng 200.000 đồng một kg, nếu là khách quen thì giá sẽ giảm hơn. Mùa này, cây có ít trái nên giá cao hơn so với hồi đầu tháng 6”, chị Tuyên nói và cho hay, cách đây một năm khi loại này lên cơn sốt, chúng còn có giá lên tới một triệu đồng một kg, nhưng nay đã hạ nhiệt.

Theo chị Tuyên, mặc dù giá cao, nhiều người vẫn chấp nhận đặt hàng trước cả tháng. Vì diện tích trồng loại cây này chưa nhiều nên thời gian tới chị dự định mở rộng diện tích để trồng thêm 500 cây.

Cũng trồng 1.000 m2 cà chua thân gỗ, chị Nguyệt ở Đà Lạt (Lâm Đồng) cho biết, loại này nhà chị trồng hơn một năm nay. Vì hàng nhà trồng được nên chị bán giá ưu đãi 200.000 đồng một kg.

Theo chị Nguyệt, cây cà chua thân gỗ khá dễ trồng, không cần có kỹ thuật chăm bón đặc biệt vẫn phát triển tốt. Là loài cây thân gỗ, Tamarillo có lá và tán khá lớn, sống khỏe, phát triển nhanh, sức đề kháng tốt. Tuổi thọ của cây lên tới 20 năm với chiều cao khoảng 3m, trồng 3 tháng là cho quả; đặc biệt cành vươn tới đâu, quả tới đó. Mỗi năm cây cho thu hoạch 20 – 25 đợt, mỗi đợt tối đa khoảng 30 kg. Quả có nhiều thịt, hình bầu dục, khi chín có màu cam hoặc đỏ.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, sở dĩ quả này có giá đắt đỏ vì lạ và nguồn cung ít. Tuy nhiên, nếu người dân trồng ồ ạt thì giá sẽ giảm. Điển hình như cà chua đen, trước đây, loại này cũng được bán với giá vài trăm nghìn đồng một kg. Thế nhưng, khi nguồn giống được nhân rộng, mỗi kg cà chua đen giá cũng chỉ còn vài chục nghìn đồng.

Nguồn: Tổng hợp, duyệt bởi Farmtech Vietnam

4 ha rau hữu cơ cho sản lượng 30 tấn mỗi năm tại Hà Nam

Hiện, bà con Trác Văn, huyện Duy Tiên, Hà Nam canh tác khoảng 30 loại rau hữu, cung cấp chủ yếu cho thị trường Hà Nam, Hà Nội và Nam Định.

Theo ông Nguyễn Văn Phóng – Giám đốc hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Trác Văn ở thôn Tường Thụy, Xã Trác Văn, huyện Duy Tiên, Hà Nam, nhận thấy nhu cầu tiêu dùng rau sạch của thị trường khá cao; trong khi thổ nhưỡng của địa phương phù hợp với sự phát triển của nhiều loại nông sản, nguồn lao động tại chỗ lại dào dào, nên năm 2013, hợp tác xã thành lập tổ hợp tác chuyên trồng rau hữu cơ. Sau hơn 3 năm hoạt động, hiện, tổ hợp tác có 36 thành viên, canh tác khoảng 30 loại rau hữu cơ trên diện tích 4 ha.

Ruộng cà chua hữu cơ của bà con Trác Văn.

Theo ông Phóng, thời gian đầu khi phát triển mô hình rau hữu cơ, các thành viên trong tổ gặp không ít khó khăn. Một là, bà con còn gặp nhiều bỡ ngỡ khi chuyển đổi từ lối canh tác truyền thống sang phương pháp canh tác có sự kiểm tra, giám sát, thực hiện theo các tiêu chí kỹ thuật. Hai là, trong quá trình sản xuất rau hữu cơ, do không được phép sử dụng các loại thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và phân bón hóa học nên khi rau gặp sâu bệnh, bà con cũng lúng túng, chưa giải quyết được ngay.

Ngoài ra, mô hình trồng rau hữu cơ cho năng suất thấp, chỉ bằng 40-50% so với canh tác thông thường nên nhiều người còn e ngại, chưa nhiệt tình tham gia.

Bà con bón phân cho rau cải muộn. 

Để khắc phục những khó khăn trên, các cán bộ chuyên về trồng trọt được cử xuống tận nơi, hướng dẫn kỹ thuật canh tác rau hữu cơ cho bà con thông qua lớp tập huấn. Theo đó, ngoài đất trồng và nước tưới đảm bảo đạt chuẩn, để hạn chế sâu bệnh gây hại, bà con phải luân canh và xen canh nhiều loại rau, củ, quả.

Ngoài ra, cạnh luống rau, bà con còn được gợi ý trồng thêm các loài hoa có màu sắc rực rỡ để dẫn dụ thiên địch có lợi, từ đó, hạn chế sâu bướm đẻ trứng lên rau và gây hại. Khi gặp sâu bệnh, bà con dùng thuốc thảo mộc hoặc chế phẩm sinh học là hỗn hợp tỏi, ớt giã nhỏ trộn với rượu để phun cho rau.

Rau được trồng xen canh để hạn chế sâu bệnh.

Hiện, bà con Trác Văn canh tác khoảng 30 loại rau hữu cơ gồm cải ngồng, cải ngọt, cà rốt, cải chíp, cà chua, đậu cô ve, dưa chuột, su hào, bắp cải… Các giống rau này đều được nhập từ trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Về phân bón, người dân sử dụng phân bò, lợn, gà ủ cùng gốc rau thải cho hoai mục rồi đem bón. Đây là nguồn cung cấp dưỡng chất giúp rau phát triển tốt, đất tơi xốp, lại góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường.

Nhờ tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, sử dụng các nguyên liệu thủ công, tự chế, chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh, mô hình rau hữu cơ Trác Văn đã được cấp chứng nhận PGS. Đây là chứng nhận về quy trình sản xuất rau hữu cơ ở Việt Nam, được Liên đoàn quốc tế các phong trào nông nghiệp hữu cơ IFOAM cấp phép.

Hiện, sản lượng rau hữu cơ của tổ hợp tác đạt khoảng 30 tấn mỗi năm; trong đó, 60-70% được các doanh nghiệp cam kết bao tiêu, còn lại là bán lẻ cho người tiêu dùng. Giá rau ổn định ở mức 15.000 đồng một kg.

Ông Phóng chia sẻ, tổ hợp tác dự định hoàn thiện hệ thống tưới phun sương, xây nhà lưới hạn chế côn trùng và giảm thiểu ảnh hưởng của thời tiết tới sự sinh trưởng của các loại rau theo mô hình; góp phần nâng cao năng suất và sản lượng rau hữu cơ an toàn Trác Văn.

Nguồn: Vnexpress được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Rau quả vào Top 4 mặt hàng nông lâm sản chủ lực

Là mặt hàng nông sản có mức tăng trưởng mạnh nhất trong suốt mấy năm qua, năm 2017, rau quả tiếp tục tăng trưởng vượt bậc để không chỉ lần đầu vượt mốc 3 tỷ USD mà còn đứng vào nhóm 4 mặt hàng nông lâm thủy sản có giá trị XK cao nhất.

Bưởi da xanh – một loại trái cây đang được XK tốt

So với nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản chủ lực, rau quả là mặt hàng “đi sau” trong việc tham gia vào CLB XK tỷ đô (những mặt hàng có giá trị XK từ 1 tỷ USD/năm trở lên). 5 năm trước, khi kết thúc năm 2012, trong ngành nông nghiệp đã có 7 mặt hàng XK đạt giá trị từ hơn 1 tỷ USD trở lên, gồm thủy sản, gỗ, gạo, cà phê, cao su, hạt điều và sắn, thì giá trị XK rau quả mới đạt 827 triệu USD. Trong bảng xếp hạng 11 sản phẩm nông lâm thủy sản chủ lực năm 2012, rau quả đứng hàng thứ 8, chỉ trên hạt tiêu và chè.

Tuy “đi sau”, nhưng kể từ khi lọt vào CLB XK tỷ đô vào năm 2013, rau quả đã rất nhanh chóng vượt qua những mốc XK khác, đồng thời vượt qua nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Năm 2014, rau quả vượt qua sắn về giá trị XK. Năm 2015, rau quả tiếp tục vượt qua cao su. Năm 2016, rau quả vượt mốc 2 tỷ USD (đạt 2,457 tỷ USD) và lần đầu tiên vượt qua gạo về giá trị XK.

Trong năm 2017, rau quả tiếp tục giữ được mức tăng trưởng cao và vượt mốc 3 tỷ USD chỉ trong 11 tháng đầu năm. Đồng thời, với giá trị XK như vậy, rau quả đã vượt qua cà phê để đứng hàng thứ 4 sau thủy sản, gỗ và điều trong số những mặt hàng nông lâm thủy sản XK chủ lực.

Cần lưu ý rằng cao su, gạo và cà phê đều là những mặt hàng từng đạt giá trị XK tới hơn 3 tỷ USD từ nhiều năm trước (gạo từ 2010 – 2012; cao su 2011; cà phê vào các năm 2012, 2014 và 2016). Điều đó càng cho thấy ý nghĩa và vai trò đặc biệt của sự tăng trưởng trong XK rau quả những năm qua, trong bối cảnh nhiều mặt hàng chủ lực sau khi đạt đến đỉnh cao đã không còn có thể duy trì được lợi thế, thậm chí giảm mạnh về giá trị XK do gặp phải những khó khăn lớn về mặt thị trường. Nhiều khả năng rau quả sẽ tiếp tục vượt qua điều trong thời gian ngắn sắp tới để đứng vào Top 3 mặt hàng nông lâm thủy sản có giá trị XK lớn nhất.

Phân loại thanh long xuất khẩu

Với kết quả XK đã đạt được trong 11 tháng (3,177 tỷ USD), XK rau quả của cả năm 2017 có thể đạt kỷ lục mới là hơn 3,4 tỷ USD. Với giá trị 2,404 tỷ USD trong 11 tháng và chiếm khoảng 76% tổng giá trị XK rau quả của Việt Nam, Trung Quốc tiếp tục đóng vai trò là thị trường quan trọng nhất, có tính quyết định tới sự tăng trưởng mạnh của XK rau quả nước ta.

Trong 11 tháng, giá trị rau quả XK sang Trung Quốc tăng tới 54,88% so cùng kỳ 2016. Mức tăng trưởng đó của thị trường Trung Quốc cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng chung của XK rau quả trong 11 tháng là 44,1%. Đặc biệt, trong năm 2017, XK rau quả sang Trung Quốc đánh dấu lần tiên vượt mốc 2 tỷ USD, cao hơn 2 lần so với năm 2015 là năm mà XK rau quả sang Trung Quốc lần đầu vượt mốc 1 tỷ USD (đạt 1,195 tỷ USD).

Nhiều thị trường quan trọng khác, tuy thị phần cũng như giá trị còn khá khiêm tốn so với Trung Quốc, nhưng cũng đã tăng trưởng tốt, góp phần vào thành công của XK rau quả năm 2017. Trong 11 tháng đầu năm 2017, XK rau quả sang Nhật Bản đạt 116,707 triệu USD, tăng 70,63% so cùng kỳ 2016; Mỹ đạt 92,568 triệu USD, tăng 21,24%…

Trồng rau VietGAP ở Lâm Đồng

Nhìn chung phần lớn các thị trường XK của rau quả Việt Nam đều có mức tăng trưởng so cùng kỳ 2016. Nỗ lực mở cửa thị trường cho nhiều loại trái cây vào các thị trường khó tính đã góp phần không nhỏ vào sự tăng trưởng ở những thị trường này. Đến nay, đã có 6 loại trái cây tươi Việt Nam được phép XK sang Mỹ gồm vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, vú sữa và xoài. Thanh long và xoài được phép XK sang Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand…

Theo dự báo của FAO, thị trường rau quả toàn cầu sẽ tăng trưởng 8% trong giai đoạn 2017 – 2020 và đạt 320 tỷ USD vào năm 2020. Các nước phát triển đang tăng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm rau quả nhiệt đới, trái mùa và hữu cơ.

Với thị trường Trung Quốc, dự báo của FAO cho hay, nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ trên bình quân đầu người với sản phẩm rau quả cũng tiếp tục gia tăng trong giai đoạn 2017 – 2020. Lượng rau quả tiêu thụ ở Trung Quốc sẽ chiếm tỷ trọng 15,1% tổng tiêu thụ của thế giới, cao hơn Nhật Bản, EU và Mỹ. Thị hiếu tiêu dùng rau quả ở Trung Quốc cũng khá rõ nét: Người Quảng Tây ưa dùng thanh long ruột đỏ, nhãn, vải trái vừa phải, vị ngọt đậm; người miền Bắc Trung Quốc ưa dùng thanh long trái to, dưa hấu trái vừa phải (3 – 4 kg/quả), ngọt đậm…

Vụ Thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công thương), cho hay, thị trường các nước Trung Đông đang có nhu cầu lớn với nhiều loại nông, lâm thủy sản Việt Nam, trong đó có trái cây, đặc biệt là chuối, dứa, chanh… Do điều kiện tự nhiên không thuận lợi, nên 80% nhu cầu lương thực thực phẩm của Trung Đông phụ thuộc vào NK. Năm 2016, NK lương thực, thực phẩm của Trung Đông là 40 tỷ USD, dự kiến tăng lên 70 tỷ USD vào 2025.

Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech Việt Nam.

Rau màu vụ đông Bắc Đông tăng cao

Giá cao gần gấp đôi

Hiện rau màu vụ đông đang cho thu hoạch rộ. Tuy nhiên, điểm khác biệt so với những năm trước là sản phẩm làm ra đến đâu bán hết đến đó. Ghi nhận ở một số vùng chuyên canh rau màu cho thấy, giá nông sản bình quân cao gần gấp đôi so với cùng thời điểm năm trước.

Đơn cử, cà chua 12 – 15 nghìn đồng/kg, bắp cải 8 – 9 nghìn đồng/cây; su hào 7 – 8 nghìn đồng/củ; đậu cô ve 18 – 20 nghìn đồng/kg; cà chua bi 8 – 12 nghìn đồng/kg; 50 – 60 nghìn đồng/kg ớt…

Khảo sát tại cánh đồng thôn Ghép, xã Thái Đào (huyện Lạng Giang), chúng tôi cảm nhận được niềm vui của nông dân khi rau được mùa, được giá. Gia đình bà Nguyễn Thị Là đang thu hoạch lứa bắp cải thứ hai tính từ đầu vụ để chuẩn bị xuống giống súp lơ thu vào tháng Giêng. “Mấy năm trước, rau chỉ bán được giá vào thời điểm đầu vụ, về sau hạ dần và có lúc rẻ như cho, nhiều nhà lấy chăm cá hoặc bỏ thối ngoài đồng. Năm nay thì khác, rau luôn được giá, cứ mỗi lứa bắp cải, gia đình tôi thu về gần chục triệu đồng/sào”, bà Là cho biết.

Bà con phấn khởi khi rau màu tăng giá

Tương tự, người dân trồng cây ưa lạnh tại thôn Hà Mỹ, xã Chu Điện (huyện Lục Nam) cũng thắng lớn. Theo bà Đỗ Thị Thúy, người dân trong thôn, năm nay, trời rét sớm, lạnh sâu, cây trồng ít sâu bệnh. Người trồng rau không tốn công, giảm chi phí khâu chăm sóc, sản phẩm lại bán giá cao đã góp phần tăng giá trị rau màu. Với hai sào su hào vừa thu hoạch, trừ chi phí, gia đình bà thu về hơn 15 triệu đồng.

Đến nay, tỉnh Bắc Giang có hơn 12 nghìn ha rau, màu các loại. Đánh giá của Sở NN-PTNT Bắc Giang, nhìn chung, cây vụ đông năm nay cho giá trị kinh tế cao, bình quân đạt khoảng 100 triệu đồng/ha, cao hơn 20 triệu đồng/ha so với năm trước. Cá biệt có một số cây cho thu nhập từ 300 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha như dưa lưới, các loại ớt, cà chua.

Bám sát diễn biến thời tiết, chủ động nguồn cung

Đang trong thời điểm chính vụ song nông sản không đủ cung cấp theo nhu cầu thị trường. Vì vậy, các tiểu thương đều phải trực tiếp thu hoạch, cân rau cùng bà con tại ruộng. Anh Tống Văn Thọ ở thôn Ghép nói: “Trước đây, tôi chỉ cần ở nhà và cân nông sản khi người dân chở rau, củ đến. Mấy ngày nay dù đã tăng giá nhưng vẫn không có rau để mua vì khan hiếm, tôi chủ động đến một số vùng chuyên canh đặt cọc trước. Chậm chân là hết rau, lỡ đơn hàng với khách”.

Các tiểu thương trực tiếp thu hoạch, cân rau cùng bà con tại ruộng

Ông Dương Thanh Tùng, PGĐ Sở NN-PTNT Bắc Giang cho rằng, giá rau tăng mạnh do một số địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai dẫn đến sản phẩm khan hiếm. Hơn nữa, nhiều nơi nông dân không còn “mặn mà” với ruộng đồng, bỏ ruộng vụ đông, không còn “tự cung, tự cấp” như trước mà phải mua rau, quả để sử dụng hằng ngày. Bên cạnh đó, công tác liên kết cũng được thực hiện tốt với hơn 3 nghìn ha rau, quả có hợp đồng bao tiêu chặt chẽ.

Còn theo một tiểu thương có hơn chục năm trong nghề tiêu thụ nông sản tại xã Thái Đào, nhiệt độ xuống thấp, rau dễ bảo quản, vì vậy người buôn rau lựa chọn hàng trong nước để kinh doanh. Còn nếu thời tiết ấm, nóng thì giới “chạy chợ” luôn ưu tiên mặt hàng của Trung Quốc vì thường có chất bảo quản, nông sản tươi lâu hơn sẽ ít rủi ro.

Cùng đó, biện pháp xây dựng mô hình điểm tại các địa phương, điểm mới trong chỉ đạo vụ đông đã phát huy hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh có 34 mô hình điểm với diện tích hơn 500ha và đạt hiệu quả cao. Điển hình, huyện Yên Dũng xây dựng 10 mô hình điểm sản xuất tập trung. Ông Hoàng Hữu Lân, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện thông tin: “Lo ngại khó đạt kế hoạch diện tích đề ra, huyện đặt mục tiêu nâng cao giá trị cây vụ đông. Theo đó, ưu tiên hỗ trợ vùng tập trung với mức 100 nghìn đồng/sào; đồng thời tổ chức hội nghị mời gọi doanh nghiệp tham gia ký kết hợp đồng tiêu thụ với hợp tác xã, nhóm hộ”.

Đến nay mô hình điểm về rau an toàn ở xã Tiến Dũng, Đồng Việt đã cho thu hoạch, lợi nhuận đạt 130 triệu đồng/ha. Các mô hình khoai tây chế biến hứa hẹn bội thu. Ở Tân Yên, huyện hỗ trợ 50% giá giống, chuyển giao kỹ thuật cho 6 mô hình điểm theo chuỗi khép kín, tập trung tại xã Ngọc Lý, Đại Hóa, Lan Giới; quy mô bình quân 5 – 10 ha/mô hình.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Người dân Bình Định hồ hởi vì rau tăng giá

Các loại rau cải như cải xanh, cải ngọt… trước đây chỉ 15-16 ngàn đồng/kg thì hiện có giá đến 24 ngàn đồng/kg. Các loại rau ăn quả như khổ qua, dưa leo, đậu cô ve… cũng đều tăng so với trước đây khoảng 5-7 ngàn đồng/kg.

“Hiện thị trường tiêu thụ đang ăn mạnh các loại rau xanh, nhưng các nhà vườn không đủ cung ứng do nhiều diện tích rau bị chết trong những đợt bão lũ vừa qua. Tại thời điểm này, các siêu thị Co.op mart Quy Nhơn, Co.op mart An Nhơn, Big C Quy Nhơn và những quầy hàng bán lẻ rau xanh quanh TP Quy Nhơn có nhu cầu thu mua mỗi ngày đến 500kg rau các loại, nhưng bà con chỉ cung ứng được khoảng 300kg”, ông Hùng nói ra vẻ tiếc nuối.

Mô hình rau an toàn VietGap tại Thuận Nghĩa, Phú Phong, Tây Sơn

Rau ở HTXNN Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn, Bình Định) cũng đang sốt giá. Ông Quách Văn Cầu, Giám đốc HTXNN Thuận Nghĩa, phấn khởi: “Nếu như trước đây rau muống chỉ có giá hơn 10 ngàn đồng/kg thì hiện nay đã tăng đến 23-24 ngàn đồng/kg, rau ngò trước đây chỉ 20-30 ngàn đồng/kg thì nay tăng đến 40 ngàn đồng/kg. Các loại rau ăn quả cũng đang có giá rất cao, tăng bình quân 5-7 ngàn đồng/kg. Với giá cả hiện nay, nông dân trồng rau trên địa bàn có lãi từ 2,5-3 triệu đồng/sào/vụ (từ 25 đến 30 ngày), riêng ai trồng rau muống có lãi nhiều hơn. Lãi cao nhất là những hộ trồng hành ăn lá, hơn 5 triệu đồng/sào/vụ”.

Cũng theo ông Cầu, hiện bà con ở HTXNN Thuận Nghĩa trồng được 36 ha rau các loại, trong đó có 4 ha rau an toàn (RAT). Riêng diện tích RAT mỗi năm  HTX cung ứng ra thị trường khoảng 700 tấn rau các loại.

Bà con Bình Định phấn khởi khi giá rau màu tăng cao

“Hiện trên địa bàn Bình Định vẫn chưa dừng mưa, nếu thời tiết kiểu này kéo dài thì bà con SX rau trong tỉnh sẽ gặp bất lợi, do đó thị trường rau trong dịp tết sẽ còn tăng hơn hiện nay. Tuy nhiên, vùng SX rau Đà Lạt vẫn ổn định nên rau cung ứng cho dịp tết ở Bình Định sẽ không thiếu và giá cũng sẽ chỉ tăng chút ít chứ không có biến động lớn”, ông Thái Lương Hùng, Giám đốc Co.op mart Quy Nhơn, nhận định.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Rau hữu cơ Định Trung khẳng định thế mạnh OCOP

Cây rau ở xã Định Trung (TP Vĩnh Yên) lúc đầu chỉ có một vài hộ làm theo kiểu tự cung tự cấp. Dần dà, đây là hướng đi mới để phát triển kinh tế, tăng thu nhập.

Địa phương đã tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cây trồng, quy hoạch vùng trồng rau. Phối hợp với ngành NN-PTNT tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật thâm canh, hỗ trợ giống, vốn, VTNN và bao tiêu một phần rau xanh cho nông dân…


Để rau Định Trung có đầu ra ổn định, khẳng định được chỗ đứng, với sự giúp đỡ của các cấp, ngành năm 2012, “Liên kết nhóm” trồng rau an toàn, theo hướng hữu cơ được hình thành. Ban đầu có 19 hộ tham gia với 1,5ha. Công ty CP XNK&SX nông sản sạch VietGarden trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu 50% sản phẩm.

Tháng 5/2017, HTX SX và TM Định Trung (HTX rau hữu cơ Vĩnh Phúc) thành lập với 25 hội viên, là những nông dân trồng rau hữu cơ tại xã Định Trung. HTX hợp tác với các DN, nhằm liên kết, hướng dẫn nông dân thực hiện đúng quy trình SX rau hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS, giám sát SX để có những sản phẩm đạt VSATTP, từng bước hỗ trợ SX và tiêu thụ rau hữu cơ cho bà con với giá cao hơn, hoặc ít nhất bằng giá thị trường.

Chia sẻ về kỹ thuật trồng rau hữu cơ, bà Nguyễn Thị Hương Hồi, PGĐ kỹ thuật HTX cho biết, để rau, củ, quả hữu cơ, an toàn, bà con tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc “5 không”, gồm không dùng phân hóa học; không dùng chất biến đổi gen; không dùng chất kích thích sinh trưởng để phun, tưới; không dùng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu.

Thay vào đó, bà con dùng ớt, tỏi, gừng giã nhuyễn ngâm với rượu rồi phun lên rau hoặc dùng phương pháp dẫn dụ bắt thủ công. Để bổ sung dinh dưỡng cho cây thì dùng đu đủ chín, mướp đắng, chuối chín, cá trộn với đường (mùa đông 21 ngày, mùa hè 15 ngày) sau đó lọc lấy nước phun. Hiện tại HTX có 3 ha đang SX tại cánh đồng Đường Hiên, mỗi ngày làm ra từ 400 – 800kg rau, củ, quả…

Còn theo bà Hoàng Thị Tám, PGĐ HTX phụ trách thị trường, hiện tại rau HTX đã được tiêu thụ rộng rãi, tại nhiều của hàng và công ty như: Công ty CP XNK&SX nông sản sạch VietGarden (Hà Nội), Cửa hàng thực phẩm sạch Bảo Phúc, Cửa hàng thực phẩm sạch Tĩnh Liên (khu chung cư Vinaconex Xuân Mai, phường Liên Bảo), Thực phẩm sạch T-Food (Trần Phú, Liên Bảo), Sông Hồng thủ đô… Tuy nhiên lượng tiêu thụ qua HTX chỉ đạt 40 – 50%, còn lại các hộ vẫn phải tự lo đầu ra.

Vừa tranh thủ chăm sóc ruộng bắp cải, bà Trịnh Thị Vinh ở thôn Đậu, xã Định Trung, xã viên HTX rau hữu cơ Vĩnh Phúc cho biết: “Gia đình tôi có 3 sào bắp cải, su hào, cà chua theo hướng hữu cơ. Với 1 sào bắp cải trên 1.000 cây, trồng 2,5 đến 3 tháng cho thu hoạch, giá hiện tại 10.000 đồng/cây, trừ chi phí cũng thu được 7 triệu/đợt/sào. Tuy nhiên giá còn bấp bênh, như tầm này năm trước, mỗi cây bắp cải chỉ 2.000- 3.000 đồng, phải bán tống, bán tháo hoặc chặt cho bò, lợn, cá ăn”.

Còn theo chị Nguyễn Thị Hải ở thôn Gò, gia đình chị có 2 sào trồng rau, khi chưa thành lập HTX thì rau làm ra khó tiêu thụ, giá trị không cao. Khi vào HTX, các xã viên cùng chịu trách nhiệm nên chất lượng rau nâng lên, thu nhập tăng theo, bình quân 1 sào khoảng 30 – 35 triệu đồng/năm, cao hơn cây trồng khác. Tuy nhiên lượng tiêu thụ qua HTX còn thấp, hộ gia đình vẫn phải tự lo đầu ra 50% sản phẩm.

Với phương châm “Sạch từ tâm, ngon xứng tầm”, chị Đặng Thị Bảo Yến, chủ cửa hàng thực phẩm Bảo Phúc (khu chung cư Vinaconex Xuân Mai, phường Liên Bảo) cho biết, hàng ngày của hàng tiêu thụ trực tiếp khoảng 80kg rau, củ, quả của HTX. Ngoài bán trực tiếp, cửa hàng còn nhận giao hàng tận nơi khách hàng yêu cầu.

Nhanh tay chọn cho mình những túi rau tươi ngon mang nhãn hiệu HTX rau hữu cơ Vĩnh Phúc, chị Phan Thị Minh Thu ở khu 10, phường Liên Bảo tâm sự: “Tôi thường xuyên mua rau cửa hàng Bảo Phúc vì rau ở đây tươi ngon, sạch, được chứng nhận đảm bảo VSATTP, hơn nữa giá cả hợp lý”.

Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Mô hình nông nghiệp 4.0 và khả năng áp dụng ở Việt Nam: Nông nghiệp 4.0 là gì?

Nông nghiệp 4.0 còn được coi là hàm số của Nông nghiệp thông minh x Công nghệ thông minh x Thiết kế thông minh x Doanh nghiệp thông minh. Ở châu Á, Ấn Độ khó áp dụng cách mạng nông nghiệp 4.0 đầy đủ

Cà chua ứng dụng công nghệ điện toán đám mây “Akisai” có độ ngọt tự nhiên và hàm lượng dinh dưỡng cao gấp 3 lần so với sản phẩm thông thường, Viện nghiên cứu rau quả.

Tuy nhiên Thái Lan đang phấn đấu còn Đài Loan tự hào là nơi cung cấp thiết bị cho nông nghiệp 4.0 chỉ sau một vài nước phát triển.

Việt Nam chưa có mô hình hoàn chỉnh về nông nghiệp 4.0, mới có một số mô hình thông minh thông qua hợp tác quốc tế về canh tác lúa, rau. Chính phủ cần kịp thời định hướng cho nghiên cứu, triển khai mô hình nông nghiệp 4.0 đầy đủ.

Khái niệm và xuất xứ của nông nghiệp 4.0

Theo khái niệm của Hiệp hội Máy Nông nghiệp Châu Âu (European Agricultural Machinery, 2017):

1) Nông nghiệp 1.0 xuất hiện ở đầu thế kỷ 20, vận hành với hệ thống tiêu tốn sức lao động, năng suất thấp. Nền nông nghiệp đó có khả năng nuôi sống dân số nhưng đòi hỏi số lượng lớn các nông hộ nhỏ và một phần ba dân số tham gia vào quá trình sản xuất nguyên liệu thô.

2) Nông nghiệp 2.0, đó là cách mạng xanh, bắt đầu vào những năm 1950, khởi đầu là giống lúa mì lùn cải tiến, nhưng phải dựa nhiều vào bón thêm đạm, sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học tổng hợp, cùng với máy móc chuyên dùng, cho phép hạ giá thành và tăng năng suất, đem lại lợi nhuận cho tất các các bên tham gia.

3) Nông nghiệp 3.0, từ chỗ nâng cao hiệu quả đến nâng cao lợi nhuận nhờ chủ động và sáng tạo hạ giá thành, nâng cao chất lượng, đưa ra sản phẩm khác biệt. Bắt đầu khi định vị toàn cầu (GPS) được ứng dụng đầu tiên để định vị và định hướng. Thứ hai là điều khiển tự động và cảm biến (sensor) đối với nhiệt độ, ẩm độ, ánh sáng, dinh dưỡng, từ những năm 1990, máy gặt đập liên hợp được gắn thêm màn hình hiển thị năng suất dựa vào định vị GPS. Thứ ba là tiến bộ công nghệ sử dụng các thiết bị không dây (Telematics).

4) Nông nghiệp 4.0, thuật ngữ được sử dụng đầu tiên tại Đức.

Tương tự với “Công nghiệp 4.0”, “Nông nghiệp 4.0” ở châu Âu được hiểu là các hoạt động trồng trọt và chăn nuôi được kết nối mạng bên trong và bên ngoài đơn vị (có thể hiểu theo nghĩa rộng bao gồm cả lĩnh vực thủy sản, lâm nghiệp). Nghĩa là thông tin ở dạng số hóa dành cho tất cả các đối tác và các quá trình SX, giao dịch với các đối tác bên ngoài đơn vị như các nhà cung cấp và khách hàng tiêu thụ được truyền dữ liệu, xử lý, phân tích dữ liệu phần lớn tự động qua mạng internet. Sử dụng các thiết bị internet có thể tạo điều kiện quản lý lượng lớn dữ liệu và kết nối nội bộ với các đối tác bên ngoài đơn vị. Một số thuật ngữ khác thường được sử dụng như “Nông nghiệp thông minh” và “Canh tác số hóa”, dựa trên sự ra đời của các thiết bị thông minh trong nông nghiệp. Các thiết bị thông minh bao gồm các cảm biến, các bộ điều tiết tự động, công nghệ có thể tính toán như bộ não và giao tiếp kỹ thuật số. Nông nghiệp 4.0 mở đường cho sự tiến hóa tiếp theo, bao gồm những hoạt động không cần có mặt con người trực tiếp và dựa vào hệ thống thiết bị có thể đưa ra những quyết định một cách tự động.

Theo tổng kết ở Mỹ đến nay các thành phần chủ yếu của nông nghiệp 4.0 thường được hiểu như sau:

1). Cảm biến kết nối vạn vật (IoT Sensors): Từ dinh dưỡng đất kết nối với máy chủ và các máy kết nối khác là thành phần chủ yếu của nông nghiệp hiện đại.

2). Công nghệ đèn LED đang trở thành tiến bộ không thể thiếu để canh tác trong nhà vì sự đáp ứng sinh trưởng và năng suất tối ưu.

3). Người máy (Robot) đang thay việc cho nông dân thường làm. Người máy cũng có cả các bộ phân tích nhờ các phần mềm trợ giúp phân tích và đưa ra xu hướng trong các trang trại.

4). Tế bào quang điện (Solar cells). Phần lớn các thiết bị trong trang trại được cấp điện mặt trời và các bộ pin điện mặt trời trở nên quan trọng.

5). Thiết bị bay không người lái (Drones) và các vệ tinh (satellites) được sử dụng để thu thập dữ liệu của các trang trại.

6). Canh tác trong nhà/hệ thống trồng cây – nuôi cá tích hợp/Thủy canh (khí canh): Hiện nhiều giải pháp đã được hoàn thiện.

7). Công nghệ tài chính phục vụ trang trại (Farm Fintech): Fintech nghĩa là kinh doanh dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng công nghệ. Fintech được sử dụng chung cho tất cả các công ty tài chính sử dụng internet, điện thoại di động, công nghệ điện toán đám mây và các phần mềm mã nguồn mở nhằm mục đích nâng cao hiệu quả của hoạt động ngân hàng và đầu tư. Farm Fintech bao gồm dịch vụ cho vay, thanh toán, bảo hiểm.

Bên cạnh đó, nhiều sự kiện khác đang diễn ra như: Các sản phẩm vật chất được nâng cao giá trị gia tăng nhờ các dịch vụ với những thuật toán dùng để biến đổi dữ liệu thành thông tin gia tăng giá trị, tối ưu hóa sản phẩm, các quá trình nông học, giảm thiểu rủi ro và hạn chế những nguy hiểm do tác động của máy móc cơ giới hư hỏng, thời tiết hoặc dịch bệnh gây ra. Hay nông nghiệp sinh thái (tương tự mô hình VAC ở Việt Nam), với những hệ điều hành kết hợp được nhiều nguồn dữ liệu khác nhau, từ các bộ cảm biến (có thể cảm nhận nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, dinh dưỡng đất để phát tín hiệu cho người sản xuất), thiết bị, từ nguồn dữ liệu thu thập từ đồng ruộng hay trang trại. Nông dân/chủ trang trại điều hành thông qua bảng điều khiển có thông tin thời gian thực và gần thực, và đưa ra các quyết định dựa trên các giả thiết định lượng để tăng hiệu quả tài chính.

Nội hàm của nông nghiệp 4.0

Nông nghiệp 4.0 bao hàm nghĩa rộng của cả trồng trọt, chăn nuôi (có thể hiểu rộng hơn sang cả thủy sản và lâm nghiệp) về nghiên cứu, chuyển giao và sản xuất. Nông nghiệp hiện đại quan tâm đến độ bền vững và các giải pháp an toàn. Canh tác (Farming) là thực hiện những kỹ thuật như làm đất, gieo cấy, tỉa cành, luân canh, chăm sóc, thu hoạch, với mục tiêu đạt năng suất cao hơn, bảo vệ môi trường tốt hơn, dựa vào tiến bộ công nghệ kỹ thuật số. Thuật ngữ Canh tác 4.0 (Farming 4.0) xuất hiện vào những năm 2010. Đó là các canh tác năng động và hiệu quả.

Theo khái niệm của Mạng lưới Chuyên đề Canh tác Thông minh Châu Âu, canh tác thông minh là ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại (ICT) vào nông nghiệp (Cách mạng Xanh lần thứ ba). Cuộc cách mạng này phối hợp ICT như các thiết bị chính xác, kết nối vạn vật (IoT), cảm biến, định vị toàn cầu, quản lý dữ liệu lớn (Big data), thiết bị bay không người lái (Drone), người máy (robot)…, tạo điều kiện cho nông dân tăng thêm giá trị dưới dạng đưa ra được những quyết định khai thác, quản lý hiệu quả hơn, đó là: 1). Hệ thống thông tin quản lý, đáp ứng nhu cầu thu thập, xử lý và lưu giữ, cung cấp dữ liệu cần thiết để thực hiện những chức năng của trang trại. 2). Nông nghiệp chính xác, thông qua các hệ thống có thể quản lý độ biến động theo không gian và thời gian để cải thiện hiệu quả kinh tế đầu tư và giảm thiểu tác hại của môi trường.

Nông nghiệp chính xác còn được hiểu là nền nông nghiệp có thể nuôi sống cả dân số thế giới dự báo 10 tỉ người vào năm 2050. Nông nghiệp chính xác, tức ngành nông nghiệp sử dụng cảm biến và các thuật toán thông minh để phân phối nước, phân bón và thuốc trừ sâu, đáp ứng cho cây khi cây thực sự cần, nhằm đảm bảo tính sinh lời, tính bền vững và bảo vệ môi trường. Nông dân có thể quyết định tưới tiêu khi thực sự cần thiết và tránh việc lạm dụng thuốc trừ sâu, họ sẽ có thể tiết kiệm được chi phí và nâng cao sản lượng.

Nguồn: Nongnghiep.vn được tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Trồng cà chua thân gỗ tại nhà

Cà chua thân gỗ hay còn có tên gọi là Tamarillo, có xuất xứ từ Ecuador và đã được trồng thành công tại Việt Nam, hiện đang là loại quả khiến các bà nội trợ tích cực săn lùng.

Loại cà chua thân gỗ này có nhiều thịt hơn, thơm hơn và có vị chua ngọt. Không chỉ sử dụng trong nấu ăn, cà chua thân gỗ còn được dùng chủ yếu để làm salad, hoặc ăn trực tiếp như hoa quả bình thường, làm nước ép trái cây vì rất giàu các vitamin và khoáng chất. Quả Cà chua thân gỗ – Tamarillo thường có màu cam hoặc màu đỏ, quả hình elip. Quả cà chua thân gỗ này cũng rất giống với cà chua thường mà chúng ta vẫn hay sử dụng, nhưng mức giá thì lại đắt gấp gần 50 lần.

Hãy cùng tìm hiểu cách trồng loại cà chua đang làm mưa làm gió này cho khu vườn nhà bạn thôi để khỏi xót tiền mỗi lần phải mua chúng.

Thời điểm gieo hạt thích hợp nhất là mùa xuân, khi thời tiết mát mẻ. Bạn có thể tìm mua hạt giống ở các cửa hàng có bán với giá khoảng 30.000đ/gói (4 hạt) và gieo như cách gieo hạt cà chua đỏ thông thường ở Việt Nam.

Sau khi cây ra lá và đủ lớn thì bạn chuyển chúng ra đất trồng. Tuy nhiên cần lưu ý, đây là giống thân gỗ và tán lớn, cho nên chỉ có thể trồng ngoài vườn hoặc trong bồn lớn mà không nên trồng trong chậu hoặc thùng xốp để cây có thể phát triển tốt nhất.

Thời gian ra quả sau gần một năm tính từ khi trồng cây con. Cây con khỏe mạnh, phát triển nhanh và có sức đề kháng tốt, thích hợp trồng ở môi trường Việt Nam. Cây có thể ra quả quanh năm, và có thể thọ đến 20 năm tuổi.

Tuy nhiên, giống như các giống cây cà thông thường, thân cây cà chua rất giòn và dễ gãy, cho nên thường người ta sẽ kết hợp với giàn đỡ để cây không bị quá nặng, vì mỗi một đợt ra quả, cây có thể cho thu hoạch từ 40-60kg.

Theo như những người đã trồng thành công cây cà chua thân gỗ này thì cây cà chua nhà chị không thấy bị sâu bệnh và cũng không cần chăm bón quá nhiều như các loại quả và rau khác. Bạn cũng có thể dùng phân hữu cơ, phân gà, phân vi sinh để bón cho cây.

Loại cà chua này đang được bán trên thị trường với giá từ khoảng 500.000đ – 1.000.000đ, và thường không có sẵn mà phải đặt trước nhiều ngày rồi nhập khẩu về.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam