Kính nể lão nông ‘nghiệp dư’ nuôi Cá lồng kết hợp Trai lấy ngọc, thành công bất ngờ

Ông Hạnh kết hợp với Cty TNHH Thảo Vân triển khai thêm mô hình nuôi trai nước ngọt lấy ngọc. Những con trai đã cấy nhân để tạo ngọc được treo bên cạnh lồng cá sẽ giúp thanh lọc nguồn nước tại chỗ. Ông đầu tư hơn 400 triệu để nuôi 50.000 con trai lấy ngọc…

Dù có hoàn cảnh kinh tế khá giả, lại đã được nghỉ hưu nhưng ông Lưu Văn Hạnh (xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, Thái Nguyên) lại chọn cho mình một công việc mới vô cùng vất vả và nhiều bất trắc.

Quyết định táo bạo

Đầu năm 2016, khi nghe Thạc sỹ thủy sản Trần Viết Vinh (Đại học Nông lâm Thái Nguyên) nói về triển vọng, hiệu quả của việc nuôi cá lồng, ông Hạnh đã bị mê hoặc về ý tưởng đó.

Ông Lưu Văn Hạnh chăm sóc cá lồng

Cất công về thành phố tìm gặp thạc sỹ Vinh, ông trình bày ý tưởng để được hướng dẫn. Về nhà, ông viết dự án để trình Phòng NN-PTNT huyện Đại Từ phê duyệt. Tháng 4/2016, ông thành lập Cty TNHH Việt Nhật để thực hiện dự án, đầu tư ghép 30 lồng cá quy chuẩn trên hồ Gò Miếu (thuộc xã Ký Phú, huyện Đại Từ).

Người thân lo lắng phân trần, đã 60 tuổi, Nhà nước cho nghỉ lại còn lao đầu vào núi. Các con ông đều đã trưởng thành cả cũng lựa lời, điều kiện kinh tế có thiếu thốn gì mà bố lại một thân, một mình lên non.

Khi công nhân tiến hành ghép các lồng bè trên mặt hồ thì chính người dân bản địa cũng lo sợ vì nước hồ nơi này thiêng lắm. Người dân Ký Phú từ người già đến con trẻ đều lưu truyền và biết về sự tích thần hồ Gò Miếu.

Hồ Vai Miếu (người địa phương gọi là Gò Miếu) được xây dựng ở thượng nguồn nên nước đổ vào hồ là nước tinh khiết, trong xanh, sạch sẽ và mát rượi, vì thế hồ còn là địa chỉ du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh. Đi thuyền trên mặt hồ, du khách sẽ đến một vùng đá lô nhô ngâm mình trong dòng nước trong vắt. Sắc xanh của Tam Đảo, của cây rừng ven hồ soi bóng xuống đáy nước, tạo ra một cảnh sắc huyền diệu. Ông Hạnh nuôi cá lồng trên hồ liệu có làm thần núi, thần nước quở báng mà vật chết?

Quyết định đã được đưa ra và không có đường lùi. Ông Hạnh ngày đêm ở hẳn trên mặt hồ để chỉ đạo thi công. Sau gần 1 tháng xây dựng, tháng 5/2016, ông đầu tư mua cá giống về nuôi.

Thành quả bất ngờ

Dáng người nhỏ thó, nhanh nhẹn hoạt bát, gần 2 năm sống trên mặt nước hồ nên ông Hạnh có nước da cháy sạm. Ông lái thuyền máy đưa chúng tôi lượn một vòng quanh hồ. Sinh ra và lớn lên ngay dưới chân hồ nên từng khe suối, từng lối mòn của đồng bào đi lấy măng, lấy củi ông đều đã nằm lòng.

Cấy ghép ngọc trai tại lồng bè của Cty TNHH Việt Nhật

Một đòi hỏi quan trọng của việc nuôi cá lồng là nguồn nước phải sạch và lưu thông. Chính từ yêu cầu đó mà ông Hạnh đã nghĩ đến hồ Gò Miếu và được chấp thuận ngay. Ông cho nuôi 10 loại cá như lăng đen, lăng chấm, chiên, trắm đen, nheo, điêu hồng, chép… Cá lớn rất nhanh lại không bị bệnh gì.

Ông Hạnh lý giải, nhờ thiên nhiên Tam Đảo ban phát, nguồn nước sạch vô biên thượng nguồn đã giúp cho cá khỏe mạnh, chóng lớn. Ông đã về tận Nam Sách (Hải Dương) để học kỹ thuật thì thấy người chăn nuôi tốn rất nhiều tiền mua thuốc men để phòng và trị bệnh cho cá. Nhưng vì cá ở đây được nuôi sống trong nguồn nước trong sạch nên mỗi lứa ông chỉ mất 2 triệu tiền mua tỏi về để cho cá ăn. Tỏi được nghiền trộn cùng thức ăn sẽ giúp cá tăng sức đề kháng, phòng một số bệnh.

Thức ăn của cá ngoài cám, ông còn cho thu mua cá vụn, cá tép dầu được người dân bán lại. Chỉ sau 3 tháng, có vài loại cá đã được thu hoạch như cá điêu hồng, rô phi. Thống kê sau một năm nuôi thành công, Cty TNHH Việt Nhật của Giám đốc Lưu Văn Hạnh đã xuất bán được xấp xỉ 100 tấn cá.

Ông Hạnh cho biết, hiện trong 30 lồng cá đang nuôi của ông có khoảng 90 tấn cá. Gồm 30 tấn cá lăng đen, 30 tấn điêu hồng, 2 tấn cá chiên, 10 tấn chép…

Tháng 5/2017, ông Hạnh kết hợp với Cty TNHH Thảo Vân triển khai thêm mô hình nuôi trai nước ngọt lấy ngọc. Những con trai đã cấy nhân để tạo ngọc được treo bên cạnh lồng cá sẽ giúp thanh lọc nguồn nước tại chỗ. Ông đầu tư hơn 400 triệu để nuôi 50.000 con trai lấy ngọc.

Bà Cao Thị Thanh Dần (chuyên gia kỹ thuật của Cty TNHH Hồng Ngọc Pearl, Ninh Bình – đơn vị chuyển giao kỹ thuật nuôi trai nước ngọt lấy ngọc) nhận xét, mô hình chăn nuôi thủy sản kết hợp của Cty TNHH Việt Nhật được đầu tư bài bản và quy chuẩn. Điều kiện sinh thái tại hồ Gò Miếu đặc biệt thuận lợi và tiềm năng vẫn còn rất nhiều.

Mô hình nuôi cá lồng kết hợp nuôi trai lấy ngọc của Việt Nhật đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 5 lao động. Chị Nguyễn Thị Hằng (xóm Chuối, xã Ký Phú) cho biết, sau khi được tuyển dụng vào làm công nhân của công ty, người lao động được cho đi học tập kỹ thuật nuôi cá lồng, cấy ghép nhân và nuôi trai lấy ngọc. Triển vọng lớn của công ty mang lại niềm vui, sự yên tâm cống hiến của công nhân.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Quy trình và kỹ thuật nuôi trai lấy ngọc hiện nay trên thế giới

Quy trình và kỹ thuật nuôi trai lấy ngọc trải qua nhiều công đoạn nghiêm ngặt và đòi hỏi kỹ thuật khó. Bao gồm các bước: nuôi vỗ, nuôi thành ngọc, chăm sóc quản lý, nuôi gây màu ngọc và thu hoạch.

1. Nuôi vỗ

Sau khi cấy nhân trai được đem đi nuôi vỗ.

Sau quá trình cấy nhân, cơ thể con trai chịu nhiều tổn thương nên yếu đi. Vì thế cần được nuôi vỗ để trai phục hồi sức khỏe. Môi trường nuôi vỗ phải yên tĩnh và điều kiện môi trường ít dao động ảnh hưởng tới trai. Sau thời gian nuôi vỗ vết thương bình phục và lành dẫn, lớp biểu bì mặt ngoài màng áo sẽ phát triển bao lấy nhân cấy. Biểu bì mặt trong sẽ bị mô liên kết hấp thụ trong hai ngày rồi sẽ chuyển qua nuôi thành ngọc.

2. Nuôi thành ngọc

Trai được nuôi trong lồng tre hay lưới treo trong nước biển.

Sau thời gian nuôi vỗ, trai đã phục hồi, chúng được chuyển đến bãi nuôi chính để nuôi thành ngọc. Dùng lồng tre hay lưới treo trong nước biển có nồng độ muối từ 25-35% ( dưới 15% trai dễ bị chết). Nhiệt độ từ 20-30 độ C. Phụ thuộc vào giống trai mà thay đổi độ sâu của lồng nuôi trai để duy trì điều kiện thích hợp nhất cho trai. Thời gian nuôi cấy ngắn hay dài tùy thuộc vào yêu cầu ngọc to hay nhỏ thường từ 1-4 năm.

3. Chăm sóc quản lý

Lồng trai cần được vệ sinh khi các sinh vật ăn bám bám nhiều ở vỏ trai.

Trong quá trình nuôi trai, công việc chăm sóc chủ yếu là giữ cho lồng trai sạch để trai không mắc bệnh và tránh những bất lợi cho trai. Do lồng trai thường bị các sinh vật sống bám làm ảnh hưởng đến sinh trưởng. Nên định kỳ vệ sinh lồng trai khi thấy vỏ có nhiều sinh vật ăn bám. Trong trường hợp môi trường nuôi bất lợi phải chuyển lồng trai đến nơi khác.

4. Nuôi gây màu ngọc

Trai có màu như ý khi được nuôi cấy trong khu vực lý tưởng.

Ngọc trai được ưa chuộng có màu trắng hồng. Để có màu này thì trai phải nuôi ở những vùng biển nhất định, nơi khác sẽ không cho màu ngọc như ý. Vùng này được gọi là “khu gây màu”. Điều kiện cụ thể để tạo màu ngọc trai chưa được tìm ra nhưng theo nghiệm, khu vực gây màu có thức ăn dồi dào. Và điều kiện môi trường thuận lợi như nhiệt độ, nồng độ muối, khí hậu…biến đổi theo mùa rõ rệt.

5. Thu hoạch

Sau khi thu hoạch trai, ngọc trai được lấy ra và được chế tác thành các sản phẩm tuyệt mỹ.

Công đoạn cuối cùng chính là thu hoạch ngọc, tận hưởng thành quả sau bao ngày nuôi trai. Trai được lấy ngọc vào lúc nhiệt độ thấp thì chất lượng ngọc tốt hơn thu ở nhiệt độ cao. Thời kỳ thu hoạch rộ vào tháng 8-10 hàng năm.

Nguồn: Maxreading.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật cấy ngọc trai

Trước khi tiến hành cấy cần chuẩn bị trai mẹ bằng cách nuôi Trai trong các lồng bằng tre hay lưới. Việc cấy nhân chỉ được thực hiện khi Trai đạt tiêu chuẩn về kích thước, thời gian và tình trạng của tuyến sinh dục.

Nếu khi cấy nhân mà tuyến sinh dục của trai đang ở giai đoạn thành thục thì Trai dể bị chết hay bị rơi nhân hoặc ngọc được tạo thành không đạt chất lượng. Vì vậy cần chọn Trai mẹ có tuyến sinh dục không thành thục để cấy nhân.

1. Chuẩn bị Trai mẹ.

Có hai cách chuẩn bị Trai mẹ:

Cách thứ nhất: ức chế tuyến sinh dục, thường được tiến hành vào đầu mùa sinh sản. Thời gian này nhiệt độ bắt đầu tăng sau mùa Đông lạnh nhưng tầng nước sâu nhiệt độ vẫn còn thấp. Nuôi Trai ở tầng nước sâu, với điều kiện nhiệt độ thấp sẽ ức chế sự phát triển của tuyến sinh dục.

Cách thứ hai: kích thích tuyến sinh dục phát triển nhanh, thường được áp dụng vào mùa Trai đẻ rộ. Kích thích sự phát triển của tuyến sinh dục bằng cách nuôi trai ở tầng nước mặt có nhiệt độ cao (28-32oC). Sau một thời gian ngắn Trai sẽ thành thục và sinh sản. Sau khi Trai đã sinh sản thì chúng ta có thể tiến hành cấy nhân. Tuy nhiên sau khi sinh sản Trai thường yếu đi nên hiệu quả của việc cấy nhân sẽ không cao.

2. Chọn lọc Trai mẹ.

Chọn Trai mẹ có kích thước phù hợp cho vào bể, đặt bụng Trai ngửa lên trên và duy trì nhiệt độ nước khoảng 28-30oC. Khoảng 1 giờ sau Trai sẽ mở vỏ, dùng kẹp mở miệng vỏ Trai (khoảng 1-1,5cm) để kiểm tra tuyến sinh dục. Nếu đạt yêu cầu thì chèn miệng vỏ và đưa về phòng thí nghiệm để tiến hành cấy nhân.

3. Cắt màng áo.

Trai dùng để cấy ngọc gồm hai loại, Trai kỹ thuật và Trai nguyên liệu. Trai kỹ thuật là Trai dùng để cấy nhân vào còn Trai nguyên liệu là Trai dùng để lấy mảnh màng áo. Tỉ lệ của hai loại này là 2:1-5:1. Trai nguyên liệu là loại khoảng 1-2 tuổi, Trai càng to càng tốt nhưng không nên vượt quá 5-6 tuổi. Việc chọn Trai nguyên liệu có ảnh hưởng rất lớn đến thời gian tạo ngọc và chất lượng sản phẩm sau này.

Lớp xà cừ của vỏ trai do toàn bộ biểu bì mặt ngoài màng áo (mặt tiếp xúc với vỏ) tiết ra, nhưng chất lượng tùy theo vị trí của màng áo mà quá trình hình xà cừ nhanh hay chậm và chất lượng của lớp xà cừ cũng khác nhau. Theo kết quả thí nghiệm bằng đồng vị phóng xạ Ca45 thì mép màng áo là nơi hấp thu nhiều Ca45 nhất (trao đổi chất mạnh nhất). Vì vậy, hiện nay trong kỹ thuật cấy ngọc đều dùng lớp tế bào ở mép màng áo để cấy. Tuy nhiên, trên mép màng áo ở từng vị trí khác nhau cũng cho chất lượng xà cừ khác nhau. Một thí nghiệm khác cũng cho thấy mép màng áo ở phần bụng có khả năng phục hồi nhanh nhất và cho chất lượng ngọc tốt nhất.

Dùng dao mổ luồn vào cát đứt cơ khép vỏ, chú ý không nên để dao đụng vào màng áo nếu không màng áo sẽ co lại. Lật vỏ ra cắt lấy phần bụng của màng áo, tẩy sạch chất nhầy rồi đặt lên giá tế bào. Khi đặt màng áo lên giá tế bào, lật mặt tiếp xúc với vỏ quay lên trên sẽ thấy có một đường vàng nâu cách mép màng áo khoảng 3-4mm chạy song song với mép vỏ. Dùng kéo cắt theo đường đó và loại bỏ phần mép rồi cắt màng áo thành từng miếng khoảng 2-3mm2. Khi cắt màng áo cần chú ý đến những điểm sau:

– Phần mép ngoài màng áo là các tế bào tiết ra chất sừng chứ không tiết ra ngọc cho nên cần loại bỏ phần này.

– Khi cắt màng áo xong thì phải tiến hành cấy ngay.

– Trai dùng để lấy màng áo phải khỏe, không bị tổ thương hay dị tật.

– Dụng cụ phải sạch sẽ.

– Thao tác nhanh và chính xác.

4. Cấy màng áo.

Khi cấy đặt Trai lên giá cấy, bụng ngửa lên trên. Dùng móc móc lấy phần giữa chân kéo về phía sau cho chân giãn rộng ra. Cắt lấy một lỗ nhỏ ở giữa gốc chân, kích thước của vết cắt phải tương ứng với đường kính nhân cấy (lỗ mở hơi nhỏ hơn nhân cấy) rồi dùng kim thọc qua lỗ mở đó thông đến vị trí đặt nhân tạo thành một đường ống. Có ba vị trí cấy là nội tạng, trước xoang bao tim, và gốc xúc biện. Sau khi đã thông đường thì dùng kim đưa màng áo ghim lên mép của miếng màng áo đã cắt sẵn và đưa thẳng vào cuối đường ống. Khi cấy chú ý mặt ngoài của mảnh màng áo phải quay về phía nhân cấy.

5. Cấy nhân.

Nhân thường dùng là vỏ trai nước ngọt hoặc thủy tinh đã được mài tròn, nhẵn bóng, đường kính của hạt từ 2-9mm (tùy theo kích thước của Trai kỹ thuật). Sau khi cấy màng áo xong thì tiến hành cấy nhân. Đặt nhân cấy vào đầu lõm của kim đưa nhân và đưa nhân vào tiếp xúc với miếng màng áo vừa mới cấy. Thao tác đưa nhân cũng giống như khi cấy màng áo.

Mỗi Trai kỹ thuật ta có thể cấy 5 nhân, một ở nội tạng, hai ở gốc xúc biện, hai ở trước xoang bao tim. Khi cấy ở trước xoang bao tim và gốc xúc biện thì thao tác cấy ở vị trí bên phải và bên trái là như nhau. Khi cấy màng áo và nhân ở nội tạng cố gắng tránh làm tổn thương đến cơ co rút chân và ống tiêu hóa, cấy ở vị trí trước xoang bao tim thì tránh việc cấy quá sâu dễ làm chết Trai.

6. Nuôi thành ngọc.

Nuôi vỗ: Sau cấy nhân Trai bị tổn thương nên cần phải nuôi vỗ để Trai phục hồi sức khỏe. Nơi nuôi vỗ phải yên tĩnh và điều kiện môi trường ít dao động. Sau một tuần nuôi vỗ vết thương sẽ lành và lớp biểu bì mặt ngoài màng áo sẽ phát triển bao lấy nhân cấy. Biểu bì mặt trong sẽ bị mô liên kết hấp thụ trong 2 ngày.

Nuôi thành ngọc: Sau khi Trai đã phục hồi chúng ta chuyển chúng đến bãi chính để nuôi thành ngọc. Bãi nuôi thành ngọc có nồng độ muối 25-30%o, nhiệt độ từ 20-30oC. Nuôi Trai bằng lồng tre hay lưới, thời gian nuôi thường từ 1-4 năm tùy theo yêu cần ngọc to hay nhỏ.

7. Chăm sóc quản lý.

Trong quá trình nuôi Trai công việc chăm sóc chủ yếu là giữ cho lồng Trai sạch và tránh những bất lợi cho Trai. Lồng Trai thường bị các sinh vật sống bám làm ảnh hưởng đến sinh trưởng. Nên định kỳ tẩy rửa khi thấy trên vỏ Trai có nhiều sinh vật bám, nhất là sinh vật bám trên bản lề của Trai nếu không Trai sẽ không mở vỏ được. Trong điều kiện môi trường bất lợi phải di dời đi nơi khác. Trai cũng có nhiều địch hại như Hải miên, Cua, Sao biển… cần có biện pháp phòng trừ (xem phần chăm sóc quản lý ở chương 2).

8. Nuôi gây màu.

Ngọc trai được ưa chuộng có màu trắng hồng. Loại ngọc này có thể được tạo thành ở những vùng biển nhất định mà nơi khác không tạo ra được. Vùng biển như vậy được người ta dùng để nuôi gây màu. Điều kiện môi trường cụ thể để tạo màu cho ngọc trai thì chưa được xác định rõ, nhưng theo kinh nghiệm thì khu vực này có thức ăn dồi dào, các điều kiện môi trường như nhiệt độ, nồng độ muối, khí hậu biến đổi theo mùa rõ rệt. Vì vậy trước khi thu hoạch ngọc người ta chuyển Trai đến vùng biển gây màu để nuôi, sau vài tháng nuôi gây màu thì có thể tiến hành thu hoạch.

9. Thu hoạch.

Ngọc trai được thu hoạch vào mùa nhiệt độ thấp thì chất lượng ngọc tốt hơn thu ở mùa có nhiệt độ cao. Thời kỳ thu hoạch rộ thường vào tháng 8-10 hàng năm.

Tách vỏ Trai, thu lấy ngọc sau đó rửa sạch và tiến hành phân loại. Trai không đạt tiêu chuẩn như hạt không tròn, có nhiều vết bẩn sẽ được xử lý tiếp. Có thể tẩy bẩn cho ngọc bằng dung dịch H2O2 2% từ 10-15 phút, sau đó rửa lại bằng xà phòng và ngâm vào cồn 40o trong 6 giờ. Có thể dùng sóng siêu âm để tẩy vết bẩn. Ngọc không tròn có thể được mài tròn và đánh bóng. Nếu màu sắc không đẹp có thể dùng phẩm nhuộm để nhuộm màu.

Nguồn: Ngoctrai.co được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Lấp lánh ngọc trai hồ Núi Cốc, ý tưởng độc đáo sắp thành hiện thực

Khu du lịch Quốc gia hồ Núi Cốc (tỉnh Thái Nguyên) được du khách đánh giá cao bởi phong cảnh huyền ảo, mộng mơ. Giữa lòng non nước, mây núi hữu tình với diện tích 25km², nơi đây vừa mới hình thành một mô hình sản xuất được kì vọng sẽ mang lại giá trị vàng cho dòng sông bạc. Đó là nghề nuôi trai nước ngọt lấy ngọc.

Gửi tình yêu vào nước

Khi xem chương trình “Sinh ra từ làng” trên sóng VTV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, ông Trịnh Việt Hùng đặc biệt thích thú với mô hình nuôi trai nước ngọt lấy ngọc tại Ninh Bình. Vốn là sinh viên trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, ông Hùng đã đề nghị nhà trường phối hợp với địa phương tìm hiểu, ứng dụng.

Mô hình nuôi trai nước ngọt lấy ngọc tại hồ Núi Cốc đã đạt được những thành công bước đầu

Ngay sau khi tổ chức đoàn công tác về tận Ninh Bình tham quan, học tập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh xây dựng Dự án ứng dụng công nghệ xây dựng mô hình nuôi trai nước ngọt lấy ngọc.

Ý tưởng độc đáo đã gặp được hoài bão lớn của nhà khoa học. Thạc sỹ Trần Viết Vinh (Khoa Thủy sản, Đại học Nông lâm Thái Nguyên) đã mạnh dạn đứng ra làm chủ nhiệm đề tài. Có một điểm chung giữa ông Hùng và ông Vinh là cả hai đều sinh ra và lớn lên ngay bên bờ hồ Núi Cốc.

Ông Vinh cho biết, sau khi tham quan, học tập tại doanh nghiệp tư nhân Hồng Ngọc Pearl (Yên Khánh, Ninh Bình), nhận thấy, nhân lực sẵn có chắc chắn đảm bảo được việc ứng dụng kỹ thuật cấy ghép ngọc nhân tạo và nuôi trai nước ngọt lấy ngọc.

Một yếu tố đặc biệt khác là năm 2016, các chuyên gia Nhật Bản khảo sát và đánh giá chất lượng ngọc trai thu tại hồ Núi Cốc cao hơn hẳn so với các tỉnh khác ở miền Bắc (dầy, tròn, bóng, kích cơ, không tì vết). Vậy là ông Vinh tự nguyện nhận luôn vai trò là chủ đầu tư thực hiện dự án với tên pháp nhân là Cty TNHH Phát triển nông nghiệp Thảo Vân.

Công ty đã cử 4 kỹ thuật viên về học tập và đào tạo tại Ninh Bình. Đồng thời, thực hiện thu gom trai nguyên liệu từ các sông, hồ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Sau đó tiến hành phân loại, lựa chọn những con đủ tiêu chuẩn để làm trai nguyên liệu cấy. Trai nguyên liệu cấy ngọc được lựa chọn có độ tuổi từ 2 – 6 năm, trọng lượng đạt từ 300g trở lên, hình dạng cân đối.

Có 2 loại trai nguyên liệu là trai xanh cánh mỏng (cho ngọc ánh vàng) và trai đen cánh dày (cho ngọc ánh tím). Ngọc trai tự nhiên phải mất hàng chục năm mới có ngọc. Trong khi đó phương pháp cấy nhân vào cơ thể con trai thì ngọc đạt chất lượng tốt, thời gian lấy ngọc nhanh hơn.

Sau khoảng 18 – 20 tháng là đã thu được ngọc trai. Song hành với việc chuẩn bị nguyên liệu trai cấy ngọc, Cty Thảo Vân cũng xây dựng hạ tầng cơ sở vật chất gồm các bể nuôi chờ cấy, lồng bè trên hồ để nuôi sau cấy, nhà xưởng, kho bãi… Tháng 4/2017, việc cấy ngọc được thực hiện với số lượng 200 ngàn viên nhân cấy cho 50 ngàn con trai nguyên liệu.

Về kỹ thuật cấy ngọc, ông Vinh say sưa nhân cấy có các loại kích cỡ từ 0,6 – 1cm2. Viên nhân cấy có xuất xứ từ Nhật Bản. Mỗi con trai nguyên liệu có thể được cấy từ 3 – 4 nhân. Trai nguyên liệu sau khi thu mua về phải có thời gian thích ứng với môi trường nuôi mới. Phải hãm sự hoang dã, tức là làm giảm sức khỏe của trai thì mới dễ thao tác cấy nhân. Khi thực hiện cấy, kỹ thuật viên phải thực hiện vô trùng nhà thao tác kỹ thuật; thực hiện nghiêm túc, khắt khe kỹ thuật tách vỏ trai nguyên liệu, cắt tế bào gốc, đặt nhân…

Thạc sỹ Trần Viết Vinh kiểm tra trai cấy nhân trên hồ Núi Cốc

Khu vực nuôi trai nước ngọt lấy ngọc trong lòng hồ Núi Cốc của doanh nghiệp Thảo Vân tại xã Tân Thái (huyện Đại Từ) được bố trí trên diện tích 1ha. Trai sau khi cấy được cho vào bể nuôi từ 20 – 25 ngày.

Để hạn chế trai nhả ngọc, kỹ thuật viên cho vào bể một tỷ lệ dung dịch Flo khiến trai không mở miệng, ắt phải ngậm ngọc. Sau đó, mỗi con trai lại được cho vào một chiếc túi, treo vào lồng bè. Nếu trai nhả ngọc thì vẫn có thể thu được ngọc trong túi đựng. Trai sống lơ lửng, tích lũy phù du, màu mỡ của nước hồ, phủ màng xà cừ lên nhân ngọc. Người nuôi có thể kiểm tra định kỳ, thường xuyên để vệ sinh mảng bám hoặc vi sinh vật gây hại.

Thành công

Ngày ngày, khi hết giờ giảng trên giảng đường hay thực nghiệm cùng sinh viên tại trung tâm thủy sản của trường đại học, thạc sỹ Trần Viết Vinh lại phóng xe máy gần 20km vào khu vực nuôi trai nước ngọt lấy ngọc. Anh cho biết, tỷ lệ trai sống sau cấy ngọc đạt trên 80%. Đó là con số lý tưởng.

Lái thuyền máy đưa chúng tôi ra khu vực lồng bè nuôi trai lấy ngọc giữa lòng hồ, anh giải thích, việc cho trai vào túi, treo vào lồng bè sẽ giúp việc di chuyển khi cần đưa vật nuôi đến vị trí có hàm lượng dinh dưỡng cao, đặc biệt là dễ dàng trong việc kiểm tra cũng như thu hoạch.

Mang một con trai đã cấy ngọc được 8 tháng, anh thực hiện thao tác mổ để kiểm tra ngọc. 3 viên ngọc trai lấp lánh được lấy ra. Mỗi chúng tôi đều ngạc nhiên, trầm trồ, anh bảo, dù mới được 8 tháng nhưng nhân đã được phủ kín. Tốc độ phủ ngọc của trai nguyên liệu nuôi tại đây được đánh giá là rất nhanh so với các vùng nuôi khác.

Ông Tạ Ngọc Minh, Trưởng phòng Quản lý khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên cho biết, qua theo dõi bước đầu, khả năng tạo ngọc của trai được nuôi trong dự án có tốc độ phủ ngọc nhanh, khả năng sinh trưởng nhanh, chất lượng ngọc sáng bóng. Theo dự kiến, đến tháng 10/2018, sẽ thu hoạch được 196.000 viên ngọc trai. Hiệu quả kinh tế đem lại khá cao, chi phí một con trai để nuôi, cấy ghép chỉ hết 35.000 đồng. Song, giá bán hiện tại trên thị trường một viên ngọc trai loại trung bình có giá từ 400.000 – 800.000 đồng, ngọc trai loại đẹp từ 2 – 4 triệu đồng.

Ngoài sản phẩm chính là ngọc trai, vỏ trai còn được tận dụng làm các đồ thủ công mỹ nghệ, thịt trai dùng làm thực phẩm hoặc làm thức ăn chăn nuôi. Nuôi trai lấy ngọc cũng làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước và có thể nuôi kết hợp với các loài thủy sản khác.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Khoa học đánh thức nuôi trồng thủy sản miền Trung

Ngoài nghiên cứu thành công về cá giống bố mẹ, gần đây Viện III đã tiến hành nghiên cứu sản xuất giống các đối tượng nhuyễn thể như trai ngọc nữ, trai tai tượng…

Tôm giống 

Những năm gần đây, với nhiều công trình nghiên cứu khoa học công nghệ nổi bật có ứng dụng cao trong thực tiễn, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III đã giới thiệu những giống mới, quy trình kỹ thuật nuôi mới giúp các doanh nghiệp, cá nhân trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản ngày một đa dạng hơn về đối tượng nuôi.

Tiến bộ trong sản xuất thức ăn

PGS.TS Nguyễn Hữu Ninh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu NTTS III (Viện III) cho biết, khu vực các tỉnh miền Trung (từ Thừa Thiên – Huế đến Bình Thuận) hiện có diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên 60.000ha với điều kiện thiên nhiên ưu đãi (độ mặn cao và ổn định quanh năm). Các loại hình thủy vực, đối tượng nuôi, hình thức nuôi khu vực này đang ngày một đa dạng hơn, tuy vậy vẫn chưa tương xứng với tiềm năng to lớn nơi đây.

Bên cạnh đó, nhu cầu thị trường về sản phẩm hải sản ngày càng tăng cao, nghề nuôi hải sản ở nước ta đang có xu hướng phát triển nhanh chóng. Trong đó hình thức nuôi công nghiệp đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm định hướng đầu tư, mở rộng diện tích nuôi hải sản công nghiệp ở các địa phương. Do vậy, nhu cầu thức ăn công nghiệp cho nuôi hải sản với số lượng lớn là xu thế tất yếu trong thời gian trước mắt và tương lai.

Mới đây, Viện đã nghiên cứu thành công đề tài “Công nghệ sản xuất thức ăn ương nuôi cá chình” góp phần đáp ứng nhu cầu tự cung tự cấp trong các doanh nghiệp nuôi lớn và một phần sẽ cung cấp thức ăn cho các trang trại có quy mô nhỏ ở các địa phương.

Hiện nay việc nuôi cá chình chủ yếu dựa vào thức ăn tươi, cá tạp tự chế biến (ước tính 100.000 tấn/năm) mang lại tác động xấu đến môi trường cũng như hiệu quả kinh tế. Một số trang trại tiến hành nhập khẩu thức ăn công nghiệp từ nước ngoài, tuy nhiên giá thành cao, thủ tục phức tạp và không chủ động nguồn thức ăn.

Theo ông Ninh, việc nghiên cứu công nghệ sản xuất thức ăn nuôi cá chình từ enzyme và một số nguyên liệu sẵn có ở Việt Nam là một tiến bộ mới, là bước đột phá trong việc ứng dụng, phát triển ngành sản xuất thức ăn nuôi thủy sản nói chung và lĩnh vực chế biến thức ăn cá chình nói riêng. Do từ trước đến nay chưa có nghiên cứu ứng dụng, công ty hoặc cơ sở nào sản xuất thức ăn cho cá chình từ nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước có bổ sung enzyme.

Ứng dụng enzyme để sản xuất thức ăn tổng hợp góp phần đảm bảo nghề nuôi phát triển bền vững. Sử dụng nguyên liệu sẵn có trong nước để sản xuất thức ăn, giảm sự phụ thuộc vào thức ăn nhập khẩu, tạo ra sản phẩm hàng hoá có tính cạnh tranh cao (giá thành thấp hơn 20 – 25% so với thức ăn nhập ngoại), làm tăng hiệu quả kinh tế, tăng lợi nhuận cho người nuôi, tiến tới thay thế thức ăn cá tạp nuôi cá chình, góp phần thúc đẩy nghề nuôi cá chình ở nước ta phát triển theo hướng công nghiệp, bền vững.

Ngoài ra, Viện đã xây dựng được quy trình công nghệ và mô hình thiết bị sản xuất thức ăn nuôi cá chình, tạo ra được công thức thức ăn có hiệu quả kinh tế cao, hoàn thiện mô hình thiết bị dây chuyền sản xuất thức ăn công suất 500 kg/giờ, thay thế việc nhập máy móc từ nước ngoài.

Bên cạnh hiệu quả về nghiên cứu tạo ra thức ăn tổng hợp cho cá chình, mới đây Viện III đã xây dựng thành công quy trình nuôi thương phẩm tôm hùm bông bằng thức ăn công nghiệp trong hệ thống bể sử dụng nước tuần hoàn.

PGS.TS Nguyễn Hữu Ninh cho hay, sau 2 năm thực hiện, Viện đã thiết kế và vận hành hiệu quả hệ thống nuôi gồm bể nuôi và bể lọc sinh học, và chọn lựa được các thiết bị phụ trợ như máy bơm, máy xử lý nước, máy ổn định nhiệt độ môi trường nuôi, máy cung cấp ô xy nguyên chất, thiết bị lọc…

Bể lọc sinh học sử dụng vật liệu sẵn có trong nước có hiệu suất lọc khá tốt, duy trì ổn định các yếu tố môi trường nuôi phù hợp cho tôm hùm bông phát triển, với tỉ lệ sống của tôm hùm bông nuôi trong bể đạt 70%.

Đến nay, nhóm tác giả bước đầu đã chủ động sản xuất được thức ăn công nghiệp dạng viên sử dụng 100% nguyên liệu sẵn có trong nước, thay thế hoàn thức ăn tươi. Chi phí thức ăn để sản xuất 1kg tôm hùm bông ước tính 300.000 – 400.000 đồng/kg tùy vào cỡ tôm.

Ông Ninh cho biết thêm, nuôi tôm hùm trong bể tuần hoàn nước bằng thức ăn công nghiệp là mô hình nuôi tiên tiến, chủ động kiểm soát chất lượng đầu vào (nước, thức ăn) do đó giúp giảm thiểu dịch bệnh và tạo sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Mô hình nuôi trong bể giúp hạn chế được rủi ro như bão, lũ lụt, ô nhiễm môi trường, ít lệ thuộc vào thiên nhiên là hướng đi phù hợp để phát triển bền vững nghề nuôi tôm hùm của Việt Nam.

Phát triển công nghệ di truyền và sản xuất giống

Bên cạnh việc nghiên cứu cải tiến các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất thức ăn, thì việc ứng dụng công nghệ trong di truyền chọn giống là rất cần thiết nhằm nâng cao tỷ lệ sống và độ tăng trưởng cho các loại thủy sản nuôi.

PGS.TS Nguyễn Hữu Ninh cho biết, ở Việt Nam, từ thập niên 90 các nghiên cứu về sinh sản nhân tạo cá chẽm đã bắt đầu nghiên cứu, đến nay công nghệ sản xuất giống cá chẽm đã đạt những kết quả nhất định. Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III đang lưu giữ đàn cá bố mẹ là sản phẩm của đề tài di truyền chọn giống cá chẽm.

Đàn cá này có tốc độ tăng trưởng nhanh so với đàn cá bố mẹ trước đây từ 10 – 15%, đã và đang được sử dụng cho việc sản xuất giống với công suất trại giống 2 – 3 triệu cá giống 3 – 5 cm/năm.

Sản xuất thành công giống cá vua song

Bên cạnh sản xuất thành công giống cá chẽm, mới đây, Viện III đã hợp tác nghiên cứu với Philippines và Úc phát triển công nghệ sinh sản nhân tạo cá song vua (cá mú nghệ), với mục tiêu xây dựng quy trình sản xuất giống ổn định và đạt hiệu quả cao để góp phần phát triển bền vững nghề nuôi cá song vua tại Việt Nam.

Ông Ninh cho rằng, một trong những khó khăn trong việc phát triển nghề nuôi cá mú nghệ chủ yếu do số lượng con giống sản xuất ra trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu nuôi nên vẫn còn phụ thuộc vào nguồn giống nhập ngoại. Hiện nay, trong khu vực chỉ có Đài Loan có thể sản xuất giống đối tượng này với số lượng lớn và xuất giống đi các nước.

Đề tài phát triển công nghệ sinh sản nhân tạo cá song vua đã nuôi vỗ thành thục cá bố mẹ. Cá bố mẹ đưa vào thuần dưỡng và nuôi vỗ có trọng lượng từ 20 – 35kg, tuổi cá từ 3 – 4 năm, được tuyển chọn từ đánh bắt ngoài tự nhiên. Thức ăn cho cá bố mẹ là các loại thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao như cá tươi, mực, cua, ghẹ…

Ngoài nghiên cứu thành công về cá giống bố mẹ, gần đây Viện III đã tiến hành nghiên cứu sản xuất giống các đối tượng nhuyễn thể như trai ngọc nữ, trai tai tượng…

Chuyên gia thực hiện kỹ thuật cấy ngọc vào trai ngọc nữ

Từ tháng 7/2017, trong khuôn khổ hợp tác với Úc, dự án phát triển nuôi trai cấy ngọc bán cầu tại bắt đầu thực hiện tại Viện III đã được các chuyên gia từ Úc và cán bộ Viện III tiến hành cho trai sinh sản. Kết quả thu được 5 triệu ấu trùng chữ D, và thu được 400 ngàn con giống điệp quạt với kích cỡ 1 – 3mm, hiện con giống đang được ương nuôi tại Viện III.

Ngoài ra, dự án cũng thử nghiệm cấy ngọc và thu được 71 viên ngọc bán cầu. Dự kiến trong năm 2018, dự án sẽ thực hiện việc ương giống, cấy ngọc quy mô lớn và chuyển giao công nghệ đến người dân và doanh nghiệp.

PGS.TS Nguyễn Hữu Ninh cho biết, với những chức năng và nhiệm vụ chính như nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đào tạo, hợp tác quốc tế, tư vấn dịch vụ về bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản, nuôi trồng, khai thác thủy sản, chế biến thủy sản… trong giai đoạn 2013 – 2016, Viện Nghiên cứu NTTS III đã chủ trì thực hiện 53 nhiệm vụ KHCN các cấp (11 nhiệm vụ cấp Nhà nước, 18 cấp Bộ, 18 cấp Tỉnh và 6 nhiệm vụ nhánh) và 9 nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng. Trong đó, tập trung vào các vấn đề chính như chọn giống, sản xuất giống, thức ăn trong nuôi trồng thủy sản…

Nguồn: Nông Nghiệp Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nghề ‘chăm con mọn’ ở đầm Nha Phu thu bạc triệu

Nhìn qua tưởng đơn giản nhưng nghề nuôi gia công trai lấy ngọc cũng lắm công phu khi người nuôi chăm những “viên ngọc thô” của mình chẳng khác gì chăm con mọn…

Tỉ mỉ, kỳ công

Sau 15 phút xuất phát từ bến ghe thôn Ngọc Diêm (xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa), chúng tôi đến khu vực nuôi trai của anh Nguyễn Văn Tuấn trên đầm Nha Phu. Anh Tuấn là người đầu tiên trong tỉnh hợp tác với một công ty của Nhật nuôi gia công trai lấy ngọc. Từ ngoài nhìn vào, khu bè của gia đình anh rộng cả ngàn mét vuông, tít tắp tầm mắt. Khi chúng tôi đến, anh Tuấn đang đo độ mặn của nước.

Trai giống 4 tuần tuổi được đưa lên thay lồng

Hơn chục công nhân hối hả đưa những lồng nuôi trai lên vệ sinh. Những con trai giống xù xì, hàu rêu bám mốc, dính vào nhau, chỉ một loáng đã được tách ra, cắt tai sạch sẽ. Anh Tuấn cho biết, con trai rất “khó tính”, muốn nó sống và tăng trưởng mạnh khi chăm sóc phải rất tỉ mỉ, cẩn thận. Chỉ cần lơ là, vệ sinh không tốt trai sẽ chết.

Nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trai, anh Tuấn rút ra kết luận, nghề này thực lắm công phu. Không chỉ có kỹ thuật nuôi mà việc chăm sóc trai chẳng khác nào chăm con mọn. Giai đoạn trai từ 1 tuần tuổi đến 8 tuần tuổi là thời gian vất vả nhất. “Ban đầu trai được công ty cung cấp để nuôi chỉ nhỉnh hơn hạt cát một chút. Muốn trai lớn và đạt tiêu chuẩn phải qua hàng trăm công đoạn khác nhau, theo đúng chu kỳ nhất định.

Thu hoạch trai

Hàng ngày phải đưa trai lên vệ sinh, thay túi theo kích cỡ tăng trưởng của nó. Lúc vệ sinh cũng phải để ý không được cắt tơ của con trai, nếu cắt trúng tơ thì nó sẽ chết”, anh Tuấn chia sẻ.

Không chỉ có kỹ thuật mà người nuôi phải thành thục con nước triều lên xuống. Anh Lê Thạnh, người có nhiều năm nuôi trai ở trại anh Tuấn cho hay, môi trường khu vực đầm Nha Phu thuận lợi cho việc nuôi con 2 mảnh vỏ, nhất là hàu, trai, vẹm xanh.

Tuy nhiên, với đặc tính của con trai không chịu được nước ngọt nên khi nước nguồn từ núi chảy xuống đầm mang theo nước ngọt, người nuôi phải nhận biết để xử lý kịp thời. Khi nước ngọt xâm nhập, trai phải được thả dây sâu xuống tầng đáy. Nếu không kịp xử lý thì chỉ 2 giờ ngâm nước ngọt trai sẽ chết. Vì vậy, anh em phải trực 24/24 giờ để xử lý khi có sự cố xảy ra.

Theo người nuôi trai kinh nghiệm, trong số các công đoạn nuôi thì việc xử lý muối công phu và khó nhất. Bởi cứ 2 tuần phải xử lý muối 1 lần, giúp trai kháng khuẩn, tránh bệnh tật. Nồng độ muối phải đạt ngưỡng bão hòa mới có thể diệt được rêu mốc, sâu vỏ. Con trai sau 7 tháng nuôi sẽ được xuất bán lại cho công ty thực hiện cấy ghép ngọc; nếu đạt chuẩn nó có trọng lượng từ 10gram trở lên và không bị sâu vỏ.

Người tiên phong nuôi trai lấy ngọc

Với anh Tuấn, cái duyên đến với nghề nuôi trai cũng thật tình cờ. Năm 2012, sau khi thành công với con hàu sữa Thái Bình Dương, tiếng tăm của anh đã được một công ty Nhật Bản chuyên nuôi trai lấy ngọc biết đến. “Họ chủ động liên hệ với tôi, đặt vấn đề nhờ nuôi thí điểm trai giống lấy ngọc. Tôi vốn thích cái mới nên đã nhận lời, bỏ hơn 1 tỷ đồng để đầu tư bè, với hơn 3.000m2.

Phía công ty Nhật cung cấp toàn bộ con giống, mình chỉ việc chăm sóc. Thế nhưng, ban đầu khi mới nuôi, kỹ thuật chưa có, lại không hiểu được con nước triều… nên gặp khá nhiều khó khăn. Có thời điểm giống chết quá nhiều do thiên tai, chán nản tôi tính bỏ nghề nhưng nghĩ lại vì uy tín và là một người Việt nên tôi đã quyết tâm vượt qua”, anh chia sẻ.

Lâu dần, với kinh nghiệm làm nghề nuôi nhiều năm và được sự hướng dẫn của đối tác, anh Tuấn trở thành người nuôi đạt nhất trong số đối tác của Nhật. Đến nay, mỗi tháng trại giống của anh cung cấp cho công ty Nhật Bản từ 500.000 đến 800.000 con trai giống lấy ngọc có trọng lượng từ 17 đến 20gram. Hiện nay, mỗi kg trai giống được bán với giá dao động từ 15.000 đến 17.000 đồng.

Những thành công trong nghề nuôi trai giúp anh Tuấn có thu nhập ổn định từ 200 đến 400 triệu đồng/năm. Không chỉ vậy, anh đã tạo việc làm cho gần 20 lao động thường xuyên ở thôn Ngọc Diêm. Tuy đã chia sẻ kinh nghiệm cho những người cùng làng để làm, nhưng nghề nuôi trai lấy ngọc khá kén người. Vì vậy, ngoài gia đình anh, hiện nay, toàn tỉnh mới chỉ có thêm 2 hộ đang manh nha nuôi thí điểm với số lượng ít.

Nguồn: Danviet được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam