Phòng và trị một số bệnh thường gặp ở gia súc trong mùa rét

Để gia súc có sức đề kháng tốt, người chăn nuôi cần tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng trâu bò, đặc biệt trong mùa mưa, rét.

A. Bệnh lở mồm long móng (FMD): Là một bệnh cấp tính nguy hiểm và lây lan rất nhanh

1. Nguyên nhân: Bệnh do vi-rút thuộc họ Picorna Viridae gây ra, vi-rút có nhiều type khác nhau, vi-rút tuýp O,A Asia 1 ở cả bò và lợn

2. Triệu chứng

– Trâu bò nung bệnh từ 2 – 7 ngày, đôi khi kéo dài 14 ngày. Con vật sốt cao 40 – 410C, ăn ít, uống nước nhiều, nước dãi từ miệng chảy ra như bọt xà phòng. Sau khi con vật sốt 2 – 3 ngày bắt đầu xuất hiện các mụn nước ở niêm mạc lưỡi, hàm trên, miệng, mũi. Mụn ở chân móng và kẽ móng làm cho con vật đi lại khó khăn.

– Các mụn nước lớn lên và vỡ ra tạo thành những nốt loét đỏ. Các nốt loét ở chân do thường xuyên tiếp xúc với môi trường bẩn nên có thể bị nhiễm trùng, gây ra bong móng, làm cho con vật đi đứng khó khăn hoặc nằm một chỗ. Ngoài ra các mụn nước còn mọc ở vú, nách, bụng gây các vết loét tương tự.

Kẽ ngón chân trâu, bò bị loét trong bệnh lở mồm long móng

3. Phòng bệnh

– Thực hiện tốt vệ sinh thú y, giữ gìn chuồng khô sạch và ấm. Thực hiện định kỳ tiêu độc khử trùng, ủ phân sinh học.

– Tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng trâu bò, đặc biệt trong mùa mưa, rét. Bổ sung thức ăn tinh và thức ăn thô xanh.

– Tiêm vắc-xin lở mồm long móng 6 tháng/lần. Khi nghi ngờ gia súc mắc bệnh cần báo ngay cho cơ quan thú y gần nhất để được hướng dẫn cách xử lý.

– Kiểm dịch nghiêm ngặt khi xuất nhập khẩu trâu, bò để loại trừ những con mang mầm bệnh.

4. Điều trị

Chưa có thuốc đặc trị. Điều trị các triệu chứng như sau:

– Dùng các chất sát trùng nhẹ (xanh metylen, thuốc tím 1%), nước chanh, nước khế… để rửa, sát trùng các chỗ lở loét;

– Dùng nước sắc các loại như: ổi, chè xanh… để rửa các vết loét;

– Dùng thuốc trợ sức, trợ lực: bổ sung vitamin, khoáng chất;

– Dùng kháng sinh để chống các bệnh nhiễm trùng kế phát.

B. Bệnh tụ huyết trùng (Pasteurellosis bovum)

Bệnh tụ huyết trùng là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, xảy ra trên khắp cả nước nhưng hay gặp ở các tỉnh miền núi.

1. Nguyên nhân

Bệnh tụ huyết trùng do vi khuẩn Pasteurella multocida với các tuýp A,B,D,E gây ra. Vi khuẩn có sẵn trong đất, rất dễ phát tán vào mùa mưa, dính vào rơm, cỏ hoặc trôi vào nguồn nước, trâu, bò mắc bệnh do ăn phải thức ăn hoặc uống phải nước bị nhiễm khuẩn.

Bệnh cũng có thể lây lan trực tiếp từ gia súc bệnh sang gia súc khỏe thông qua tiếp xúc, nhốt chung chuồng, chung nguồn thức ăn, nước uống, chăn thả cùng bãi chăn hoặc có thể do dùng chung dụng cụ chăn nuôi… Bệnh có thể lan xa do việc mổ thịt gia súc ốm, phân tán thịt da, ăn thịt gia súc bệnh bị chết, bị giết mổ.

2. Triệu chứng và bệnh tích

Trâu bò thường mắc bệnh ở 3 thể: thể quá cấp tính, thể cấp tính và thể mãn tính.

+ Thể quá cấp: Thường ít gặp, trâu bò đột nhiên sốt cao (41 – 420C), hung dữ, bệnh phát rất nhanh và chúng có thể chết sau 24 giờ. Trâu bò chết đột ngột ngay trên bãi chăn hoặc trong chuồng, không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Với bê, nghé triệu chứng thần kinh rõ hơn, con vật giãy giụa, ngã vật xuống rồi chết.

+ Thể cấp tính phổ biến ở trâu, bò. Bệnh tiến triển trong 3 – 5 ngày, tỷ lệ chết rất cao: 90 – 100%. Sau thời kỳ nung bệnh 1 – 3 ngày, con vật có biểu hiện không nhai lại, sốt cao đột ngột 40 – 420C, khó thở và thở mạnh. Các hạch lâm ba đều sưng, đặc biệt là hạch lâm ba dưới hầu sưng to, làm con vật thở khó, lè lưỡi ra để thở nên còn gọi là “bệnh trâu bò hai lưỡi”. Hạch lâm ba trước vai, trước đùi sưng, thủy thũng làm con vật đi lại khó khăn.

Trâu, bò biểu hiện thở khó do viêm màng phổi, tràn dịch màng phổi, viêm phổi cấp tính. Một số con bị bệnh thể đường ruột: bụng chướng to do viêm phúc mạc. Con vật lúc đầu đi táo, sau đó ỉa chảy dữ dội, phân có lẫn máu và niêm mạc ruột. Lúc sắp chết, thấy bò nằm liệt, đái ra máu, khó thở, có nhiều chấm xuất huyết đỏ sẫm ở các niêm mạc. Nếu bệnh chuyển sang nhiễm trùng máu thì con vật chết nhanh trong 24 – 36 giờ.

+ Thể mãn tính xuất hiện ở những con mắc bệnh thể cấp tính không chết, bệnh sẽ chuyển thành mãn tính. Bệnh biểu hiện với các triệu chứng: viêm ruột mãn tính (lúc ỉa chảy, lúc táo bón), viêm phế quản và viêm phổi mãn tính, viêm khớp và con vật đi lại khó khăn, giảm ăn, gầy nhanh.

Bệnh tiến triển trong vòng vài tuần, các triệu chứng có thể nhẹ dần và con vật khỏi bệnh, nhưng thông thường con vật khó qua khỏi.

3. Phòng bệnh

– Thường xuyên vệ sinh chuồng trại, bãi chăn: tiêu độc, tẩy uế chuồng trại bằng nước vôi 10% hoặc bằng các thuốc sát trùng khác, khơi thông cống rãnh quanh chuồng, bãi chăn để hạn chế sự tồn tại của mầm bệnh trong tự nhiên.

Khi có dịch xảy ra cần phát hiện kịp thời những con ốm để cách ly và điều trị. Nghiêm cấm không cho vận chuyển, giết mổ, trâu, bò chết phải được chôn sâu, đổ vôi bột vào hố chôn, tẩy uế chuồng trại, bãi chăn, ủ phân có trộn vôi bột để tiêu diệt mầm bệnh.

Tiêm phòng vắc-xin tụ huyết trùng 6 tháng/lần. Tiêm phòng vào tháng 3 – 4 và tháng 9 – 10 trước khi giao mùa.

– Tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng và vệ sinh phòng bệnh nhất là trong lúc giao mùa và thời gian bị ngập lũ hoặc mưa rét.

4. Điều trị

Do đặc điểm bệnh thường xảy ra ở dạng cấp tính nên cần phát hiện sớm, cách ly và điều trị kịp thời mới hiệu quả.

Điều trị bằng kháng sinh Streptomycin, Kanamycin, liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Con vật sốt cao tiêm thuốc hạ sốt. Tăng cường trợ sức trợ lực bằng cafein, vitamin C, vitamin B1. Con vật quá yếu, bỏ ăn cần truyền huyết thanh. Tăng cường hộ lý chăm sóc, dinh dưỡng.

C. Bệnh cước chân ở trâu, bò

1. Nguyên nhân

Do thời tiết lạnh, vùng núi cao thường xuyên có băng giá và sương muối, nhiệt độ xuống dưới 100C làm cho đàn trâu, bò dễ mắc bệnh cước chân.

Thời tiết lạnh, trâu, bò phải đứng và nằm trong chuồng nuôi ẩm, ướt, lầy thụt mất vệ sinh, trâu, bò phải làm việc ngâm chân lâu trong nước lạnh làm cho hệ thống mao mạch ở chân trâu, bò bị co lại gây trở ngại cho việc lưu thông máu. Nếu tiếp diễn khoảng 2 – 3 ngày hệ thống mao mạch ở chân trâu, bò bị tắc từng đám dẫn đến hiện tượng phù nề xung quanh móng chân, bàn chân, cổ chân, làm cho trâu bò đau đớn không đi lại được.

2. Triệu chứng

Giai đoạn mới mắc bệnh, chân trâu, bò sưng nhẹ làm cho con vật đi lại chậm chạp, khập khiễng. Nếu không được điều trị kịp thời, chân sẽ có biểu hiện phù nề, sưng tấy, nhiều vết tím đỏ hoặc có vết nứt da, rỉ nước màu vàng, nếu ấn tay vào chỗ sưng khi bỏ tay ra thấy rõ vết lõm sâu là do hệ thống mạch máu ở vùng bàn chân đã bị tắc làm cho vùng da xung quanh móng và bàn chân bị hoại tử nặng. Chân trâu, bò bị nhiễm trùng kế phát khiến cho trâu, bò không đứng dậy đi lại được, nếu vết thương sâu làm cho trâu, bò bị què phải nằm tại chỗ.

Bệnh cước chân ở trâu, bò tuy không phải bệnh truyền nhiễm nhưng có thể xảy ra hàng loạt gây ảnh hưởng lớn đến việc cày kéo và vận chuyển. Trâu, bò giảm tăng trọng và giảm sức đề kháng, dễ gây nhiễm các bệnh kế phát.

3. Phòng bệnh

– Những ngày thời tiết giá lạnh (dưới 120C) không chăn thả trâu, bò ở ngoài trời, cần cho trâu, bò nghỉ cày kéo. Di chuyển đàn trâu, bò ra khỏi khu vực núi cao, dồn chúng về chỗ nuôi nhốt để dễ kiểm soát.

– Luôn giữ chuồng trại khô ráo, sạch sẽ, che chắn kín gió, giữ ấm cho gia súc và đảm bảo vệ sinh chuồng nuôi. Dự trữ đủ thức ăn (rơm rạ, cỏ khô) cho trâu, bò ăn uống đầy đủ và bổ sung thức ăn tinh như cám gạo, bột ngô, sắn với lượng khoảng 2 kg thức ăn tinh/ngày.

Thường xuyên quan sát đi lại của trâu, bò, nếu thấy hiện tượng như đã nêu ở phần triệu chứng cần có phương pháp điều trị kịp thời để trâu, bò nhanh bình phục.

– Dùng vật liệu giữ ấm cho gia súc như: Làm áo khoác bằng bao tải hoặc có thể nâng nhiệt độ chuồng nuôi bằng cách đốt than, trấu, củi,… để sưởi ấm cho trâu, bò (lưu ý khi đốt cần có ống khói ra ngoài để tránh trâu, bò bị ngạt).

– Thực hiện tiêm phòng đầy đủ các bệnh và tẩy ký sinh trùng định kỳ cho đàn trâu, bò trước mùa mưa rét. Định kỳ vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi

4. Điều trị

Nếu bệnh mới xuất hiện cần rửa sạch, lau khô chân trâu, bò, dùng gừng, riềng giã nhỏ, sao nóng cho vào túi vải rồi chườm vào chỗ sưng hoặc dùng rơm rạ, bao tải… trà xát nhiền lần vào chỗ sưng làm cho máu tụ tan ra, mạch máu lưu thông trở lại, mỗi ngày chườm 2 lần. Dùng cồn Methylxalixilate xoa vào chân trâu, bò sau khi đã rửa sạch, lau khô. Không để trâu bò nằm lâu một bên sẽ gây hoại tử phần da tiếp súc xuống nền chuồng.

Nếu chân có chỗ bị vỡ, loét đã nhiễm trùng phải rửa sạch bằng dung dịch thuốc tím, sau đó rắc bột Tetracylin hoặc Sunfamid.

Nếu chân có nhiều chỗ hoại tử cần cắt bỏ những tổ chức hoại tử, sau đó điều trị kháng sinh liên tục trong 5 – 7 ngày. Tiêm kháng sinh (Pen – Strep; Ampicillin…) theo liều lượng của nhà sản xuất. Tăng cường trợ sức trợ lực bằng Cafein, vitamin C, vitamin B1. Tăng cường chăm sóc, dinh dưỡng. Giữ cho trâu, bò trên nền chuồng khô ráo, sạch và ấm.

Nguồn: PGĐ. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Biện pháp chăm sóc, quản lý Trâu, Bò trong vụ rét

Để tránh những thiệt hại nặng nề cho đàn trâu, bò trong vụ rét, người chăn nuôi cần chủ động thực hiện biện pháp chăm sóc, quản lý đàn trâu, bò như sau:

1. Thường xuyên theo dõi thời tiết

Trước những diễn biến về khí tượng thủy văn ngày càng phức tạp thì người chăn nuôi cần thường xuyên theo dõi bản tin dự báo thời tiết để có kế hoạch phòng, chống rét cho trâu, bò đạt hiệu quả cao. Trên thực tế, nguyên nhân gia súc chết rét một phần là do khí hậu lạnh giá khắc nghiệt, nhưng phần lớn là do thói quen thả rông gia súc trong rừng của người dân miền núi.

2. Quản lý đàn trâu, bò

Những ngày trời rét, nhiệt độ xuống dưới 150C nên đưa trâu, bò về nuôi nhốt tại chuồng, không nên chăn thả. Khi nhiệt độ xuống dưới 120C không cho gia súc làm việc (cày, kéo…). Trong trường hợp đặc biệt nếu bắt buộc phải đưa gia súc gia ngoài cần đảm bảo giữ ấm gia súc bằng cách mặc áo ấm trước khi đưa ra ngoài. Thời gian đưa gia súc gia ngoài tốt nhất sau 8 giờ sáng và trở về chuồng trước 17 giờ.

3. Cung cấp thức ăn và nước uống tại chuồng

Để tăng cường sức đề kháng cho trâu, bò cần cho ăn đầy đủ và cân đối khẩu phần thức ăn xanh và thức ăn tinh.

Những ngày bình thường mỗi trâu, bò trưởng thành cho ăn khoảng 25 – 30 kg thức ăn thô xanh và 1 – 1,5 kg thức ăn tinh. Nhưng nếu vào những ngày rét đậm, rét hại nhiệt độ dưới 150C thì tăng lượng thức ăn tinh lên khoảng 2 kg/con/ngày để giúp trâu, bò chống lại giá rét. Ngoài thức ăn thô xanh và thức ăn tinh, bà con cần bổ sung vitamin và khoáng chất. Có thể sử dụng tảng đá liếm hoặc dùng muối ăn, nếu sử dụng tảng đá liếm thì treo tại chuồng; nếu sử dụng muôi thì pha như sau: Pha với nước ấm 37 – 380C, nồng độ 0,1 – 0,3% (tương đương 10 – 30g muối/10 lít nước).

Cách cho ăn: Thức ăn thô xanh bổ sung trong máng thường xuyên, thức ăn tinh chia làm 2 bữa trong ngày, cho trâu bò ăn thức ăn thô xanh trước, thức ăn tinh và uống nước sạch đầy đủ theo nhu cầu.

4. Các biện pháp chống rét

a. Chất độn chuồng

Sử dụng chất độn chuồng bằng rơm, rạ, cỏ khô lót chuồng sẽ làm giảm đáng kể ảnh hưởng thời tiết lạnh đến đàn trâu, bò.

Tùy vào điều kiện thực tế có thể rải một lớp độn chuồng dày khoảng 5 – 15 cm. Các chất độn chuồng này có thể để suốt mùa đông mà không cần phải dọn (chỉ dọn phân). Chất độn chuồng luôn đảm bảo khô, không bị ẩm ướt.

b. Che chắn tránh gió

Sử dụng bạt hoặc các tấm phên, các bao tải đan lại. Không nên che kín, chỉ che qua chiều cao của con vật khoảng từ 1,8 – 2m.

c. Đốt lửa chống rét

Khi nhiệt độ xuống dưới 120C thì cần áp dụng phương pháp đốt lửa chống rét. Dùng xô, chậu cũ để đựng củi, trấu (chú ý nhóm củi bén ở ngoài chuồng cho bớt khói rồi mới đưa vào trong chuồng). Nên đặt khay lửa ở cuối chuồng để khói không tạt vào mặt trâu, bò và tránh xa chất độn chuồng, bạt che để phòng bén lửa gây cháy.

d. Mặc áo chống rét

Khi nhiệt độ xuống dưới 120C thì bà con cần mặc áo chống rét cho trâu, bò. Với 1 chiếc áo, bà con có thể sử dụng cho 01 trâu, bò trong suốt mùa, tuy nhiên bà con lưu ý không nên mặc áo chống rét cho trâu, bò cả ngày, lúc trời nắng ấm nên bỏ áo để trâu bò hưởng nắng ấm.

Khi mặc áo cho trâu, bò cần chú ý chiều dài áo phủ từ thân đến hết đuôi, chiều ngang vừa đủ choàng qua thân, các dây buộc thắt như khuy áo buộc dưới bụng.

5. Vệ sinh chuồng trại

Vệ sinh chuồng trại có vai trò quan trọng, giúp hạn chế mầm bệnh cho trâu, bò. Hàng ngày, cần quét dọn vệ sinh chuồng trại, thu gom phân và chất thải ra khỏi chuồng nuôi. Định kỳ phun thuốc khử trùng từ 2 – 3 tuần một lần để tăng cường tiêu độc khử trùng. Có thể sử dụng một trong các loại thuốc sau: Han – Iodine, cloramin B, Virkon,… Cách sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Lưu ý: Khi có gia súc bị chết do rét, người chăn nuôi cần báo ngay với chính quyền địa phương và cán bộ thú y để xác định thiệt hại.

Nguồn: Trung tâm Khuyến nông Quốc gia được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Phòng chống giá rét cho trâu, bò

Mùa đông đang đến, nhiệt độ xuống thấp ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe trâu, bò. Để phòng, tránh tác hại do thời tiết gây ra, Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã đưa ra những hướng dẫn, biện pháp chống rét cho trâu, bò.

Về chuẩn bị chuồng trại, Viện chăn nuôi khuyến cáo, nếu có điều kiện bà con nên tiến hành xây mới hoặc tận dụng chuồng cũ nhưng phải che chắn, nâng cấp. Chuồng nên ở nơi cao ráo, gần nguồn nước, nằm trong quy hoạch vùng. Cửa chuồng hướng về phía nam hoặc tây nam để bảo đảm ánh sáng và độ thông thoáng. Mái chuồng cao 3m, thành chuồng cao từ 0,8 – 1,2m.

Bà con chú ý trong chuồng, nên có ô thoáng phía trên để gió vẫn lưu thông. Khi đốt lửa sưởi, khói sẽ theo lỗ thoáng ra ngoài, không tích khí độc trong chuồng khiến trâu, bò ngửi phải. Nền chuồng cao hơn mặt đất 40 – 50cm, có độ dốc 2 – 3%.

Cùng với đó, bà con cũng cần chủ động dự phòng nguồn thức ăn cho trâu bò, chỉ khi cung cấp thức ăn đầy đủ thì trâu, bò mới có đủ năng lượng chống lại giá rét. Khối lượng thức ăn cần thiết để dự trữ đối với một con trâu, bò trưởng thành (có khối lượng khoảng ba tạ), cần chuẩn bị trung bình: 2,5 tạ thức ăn tinh (ngô, bột cám, bột sắn..) và bốn tạ thức ăn thô (rơm, cỏ voi, cây chuối, cây sắn, thức ăn ủ chua…).

Vào những ngày bình thường, bà con cho trâu, bò trưởng thành ăn khoảng 25 – 30kg thức ăn thô và 1,5kg thức ăn tinh, chia làm hai bữa. Nếu vào ngày rét đậm, rét hại thì bà con có cần điều chỉnh tăng lượng thức tinh lên khoảng 2kg để bổ sung năng lượng giúp trâu, bò chống lại giá rét. Chú ý cho trâu, bò ăn thức ăn thô trước rồi mới cho ăn thức ăn tinh, uống nước vì nếu cho ăn thức ăn tinh hay uống nước trước thì trâu, bò sẽ có cảm giác no, sử dụng lượng thức ăn thô ít đi.

Ngoài ra, để tăng sức đề kháng cho trâu, bò, bà con cần chú ý bổ sung vitamin tổng hợp và muối khoáng. Vitamin: Bà con dùng vitamin tùy theo hướng dẫn từng loại. Pha nước muối: Pha nước ấm 37 – 38 độ C với muối, nồng độ 0,1 – 0,3% tương đương 10 – 30g muối/10 lít nước. Cảm nhận mặn như nước canh là vừa.

Bà con cũng cần chuẩn bị rơm, cỏ, lá chuối, bẹ ngô khô để lót nền chuồng; trấu, củi để đốt sưởi; bạt, bao ni lông, phên, nứa để quây, che chung quanh chuồng và chăn, áo, bao tải gai để làm áo chống rét. Có thể sử dụng các tấm chăn, áo, bao tải gai đã cũ để làm áo chống trét cho trâu bò nhưng chú ý là nên sử dụng chất liệu bông, thấm nước. Không dùng chất liệu ni lông vì chất liệu này không thấm nước, hơi nước sẽ đọng lại và thấm ngược trở lại làm trâu bò bị rét. Bà con cần chú ý, giữ cho bộ lông của trâu bò thật sạch và khô. Nếu bộ lông ướt sẽ giảm cách nhiệt và làm cho trâu, bò bị rét hơn.

Đối với việc độn chuồng, tùy vào điều kiện thực tế mà có thể rải một lớp độn chuồng dày khoảng 5 – 15cm. Các chất độn chuồng này có thể để suốt mùa đông mà không cần phải dọn. Chú ý, hàng ngày bổ sung thêm chất độn chuồng ở phía trên, miễn làm sao cho chất độn chuồng không bị ướt, ẩm.

Khi che chuồng trâu, bò bà con nên che chắn bằng bạt hoặc các tấm phên, các bao tải đan. Tuy nhiên, không nên che kín, chỉ che qua chiều cao của con vật, khoảng từ 1,8 – 2m. Khi nhiệt độ xuống dưới 12 độ thì cần áp dụng phương pháp đốt lửa chống rét. Dùng xô, chậu cũ để đựng củi trấu, ngóm củi bén ở ngoài chuồng cho bớt khói rồi mới đưa vào trong chuồng. Khi đốt lửa chống rét thì bà con cần chú ý nhất tới vị trí đặt. Cần đặt khay lửa ở cuối chuồng để khói không tạt vào mặt trâu bò và đặt tránh xa chất độn chuồng, bạt che để phòng bén lửa gây cháy.

Việc bảo đảm vệ sinh chuồng trại sạch sẽ có vai trò rất quan trọng giúp hạn chế mầm bệnh cho trâu, bò. Bà con cần thường xuyên quét dọn vệ sinh chuồng trại; định kỳ phun thuốc khử trùng từ 2 – 3 tuần một lần để tăng cường việc vệ sinh tiêu độc khử trùng. Có thể sử dụng một số loại thuốc sát trùng như Virkon, HanIotdin, Farm Fluid… Khi sử dụng bà con chú ý tuân theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.

Sơ tán trâu đến vùng thấp để tránh rét

Bà con cần thường xuyên theo dõi bản tin dự báo thời tiết để có kế hoạch phòng, chống rét cho trâu, bò đạt hiệu quả cao. Tốt nhất những ngày gió rét dưới 15 độ C thì nên giữ gia súc ở tại chuồng, không nên cho đi chăn thả. Trường hợp đặc biệt nếu bắt buộc phải đưa gia súc ra ngoài cần bảo đảm những yêu cầu sau: Thời gian tốt nhất để đưa gia súc ra ngoài là khoảng sau 8 giờ sáng, khi thời tiết không có mưa phùn, gió lạnh. Gia súc cần được giữ ấm bằng cách mặc áo ấm trước khi đưa chúng ra ngoài đặc biệt những gia súc yếu và còn non.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Cải thiện năng lượng trong trang trại chăn nuôi

Trong cơ cấu ngành Nông nghiệp, chăn nuôi là khu vực tiêu thụ năng lượng với quy mô lớn hơn nhiều so với trồng trọt, lâm nghiệp và thủy sản. Điều này khiến không ít chủ trang trại chăn nuôi tỏ ra lo lắng trước hóa đơn tiền điện hàng tháng trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao. Tuy vậy, cũng có không ít cách giải quyết vấn đề này. Dưới đây là 5 biện pháp đơn giản có thể đem lại những lợi ích thiết thực về hiệu quả năng lượng cho các chủ hộ chăn nuôi.

1. Hệ thống thông gió chuồng trại:

Chuồng của các loại vật nuôi khác nhau có những yêu cầu về thông gió rất khác biệt. Một hệ thống thông gió có thiết kế hợp lý và hoạt động ổn định là điều cần thiết để nâng cao hiệu quả năng lượng.

– Trước hết, cần lựa chọn những loại quạt có hiệu suất cao, dựa trên tỷ lệ giữa thể tích không gian có gió với lượng tiêu thụ điện năng trong cùng một điều kiện áp suất. Mặt khác, thay vì phải huy động một số lượng lớn quạt ở mọi vị trí trong chuồng trại, việc sắp xếp vị trí quạt theo kiểu dây chuyền sẽ giúp các chủ trang trại tận dụng được sức gió ở vị trí này cho vị trí khác. Điều này sẽ giúp giảm bớt chi phí dành cho việc mua quá nhiều quạt một cách không cần thiết, mở rộng không gian chuồng trại và quan trọng nhất là tiết kiệm năng lượng. Bên cạnh đó, việc bổ sung một số quạt có bệ đỡ xung quanh trang trại cũng đem lại những hiệu quả nhất định. Ngoài ra, cũng cần chú ý đến việc thường xuyên vệ sinh, bảo dưỡng quạt.

– Thứ hai, cần nhận thức được rằng, thông gió tự nhiên vẫn là cách hiệu quả nhất để tối thiểu hóa chi phí điện năng hàng tháng. Các chủ trang trại cần tận dụng tối đa lợi thế từ quy hoạch của mình, tránh những tốn kém cho việc lắp đặt sau này, ví dụ như quan tâm hơn đến độ dày và vật liệu xây tường, vị trí các mái hắt, cửa sổ, cửa ra vào,… Các đường ống thông gió cũng cần được làm sạch thường xuyên. Ngoài ra, đối với những khu chuồng có thiết kế mở (không đủ 4 bức tường), phần không có tường cần hướng về phía mặt trời để quá trình thông gió được diễn ra dễ dàng, đồng thời ánh sáng mặt trời sẽ giúp loại bỏ nhiều vi khuẩn có hại cho vật nuôi.

– Cuối cùng, các chủ hộ cũng có thể thiết kế thêm hệ thống thông gió trên mái nhằm giảm bớt chi phí năng lượng, đặc biệt là ở những vùng có khí hậu nóng ẩm.

2. Hệ thống chiếu sáng:

Tương tự như hệ thống thông gió, đối với hệ thống chiếu sáng, việc lựa chọn các loại đèn có hiệu suất cao, ví trí lắp đặt hợp lý và kế hoạch sử dụng tối ưu là điều vô cùng quan trọng. Về loại đèn, LED là lựa chọn lý tưởng khi tiết kiệm 40-70% so với các loại đèn khác. Trong khi đó, một kế hoạch sử dụng tối ưu có thể được tạo ra thông qua việc kết hợp giữa pin quang điện, công-tơ thông minh và một số thiết bị điều khiển khác. Điều này sẽ giúp đảm bảo rằng việc sử dụng đèn điện chỉ diễn ra khi thực sự cần thiết. Ngoài ra, việc sử dụng linh hoạt công tắc tổng và công tắc riêng cho từng khu vực của trang trại cũng góp phần không nhỏ vào công tác giảm thiểu tiêu thụ năng lượng.

3. Lò sưởi hồng ngoại:

Lò sưởi hồng ngoại là một thiết bị hữu dụng để cung cấp nhiệt tự động đến những nơi có nhu cầu (theo thiết lập của người sử dụng) thay vì phải cung cấp nhiệt liên tục cho toàn bộ hệ thống. Bên cạnh đó, việc lắp đặt thêm các bộ điều nhiệt sẽ giúp hiệu quả năng lượng của trang trại được nâng cao.

4. Hệ thống nước:

Ở một số nước xứ lạnh, hệ thống nước không chỉ có tác dụng làm sạch chuồng trại mà còn kiêm luôn việc cản trở hiện tượng đóng băng mùa Đông gây trở ngại cho vật nuôi. Hiện tượng này là nguyên nhân khiến một lượng lớn điện năng bị lãng phí dành cho việc bơm nước và có thể là cả đun nóng. Các phương thức đơn giản để hạn chế hiện tượng này bao gồm tăng độ dày tường hoặc bổ sung thêm lớp cách nhiệt vào mùa Đông, sơn đen toàn bộ tường và các thiết bị để cải thiện mức độ hấp thụ nhiệt, sử dụng các đường ống có kích thước lớn để giảm áp suất nước do hiện tượng đóng băng, thường xuyên kiểm tra tình trạng đường ống nhằm hạn chế rò rỉ,… Riêng đối với các trang trại có dây chuyền sản xuất sữa, chủ hộ có thể tận dụng ngay nguồn nước ấm thu được sau quá trình làm lạnh sữa để hạn chế tình trạng kết băng chuồng trại.

5. Hệ thống xử lý chất thải vật nuôi:

Chủ hộ cần tính toán chính xác quy mô trang trại của mình, về kích thước cũng như số lượng vật nuôi tối đa để lắp đặt hệ thống xử lý chất thải có kích thước phù hợp. Mặt khác, trong bối cảnh các hệ thống xử lý hiện nay chủ yếu dùng sức nước để xả sạch chuồng trại, việc tích hợp với hệ thống nước và cài đặt nhiệt độ, tốc độ nước thích hợp là rất cần thiết. Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ năng lượng sạch còn cho phép các chủ trang trại tận dụng nguồn chất thải hữu cơ phong phú từ vật nuôi làm nhiên liệu cho sản xuất điện năng. Chỉ với quá trình phân hủy yếm khí đơn giản, họ có thể thu được một hỗn hợp khí chứa tới 60% mê-tan – một loại nhiên liệu sạch và không gây ô nhiễm môi trường.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Bệnh chướng hơi dạ cỏ ở bò

Nguyên nhân: Vào mùa khô, bò chỉ ăn rơm, cỏ khô, thiếu thức ăn xanh nên hệ thống tiêu hóa, sức khỏe giảm. Đặc biệt hệ vi sinh vật trong dạ cỏ chưa thích ứng với các thức ăn khác. Đầu mùa mưa, cỏ phát triển, bò ăn nhiều nhưng sức tiêu hóa kém, không thích hợp với hệ vi sinh vật trong dạ cỏ dẫn đến tiêu chảy, rối loạn hệ thống tiêu hóa gây ra các phản ứng lên men, sinh hơi nhiều gây chướng hơi dạ cỏ. Ngoài ra bò chướng hơi vì mắc một số bệnh khác như: Viêm nhiễm ruột, dạ múi khế, dẫn đến giảm nhu động dạ cỏ, hơi từ dạ cỏ chậm thoát ra ngoài. Bò bị viêm hầu, họng sưng không nhai được thức ăn tồn đọng lâu lên men sinh hơi gây ra chướng hơi dạ cỏ.

Bò chết do chướng hơi dạ cỏ

Triệu chứng: Bò đang ăn bình thường hay đứng ở chuồng, phần hõm hông phía trái căng phồng nhanh, căng phồng cao hơn cả sống lưng. Khi gõ có tiếng kêu rõ, ấn tay vào như quả bóng đầy hơi. Bò thở khó, thở nhanh, đi lại khó khăn, mắt trợn ngược, nếu không can thiệp kịp thời rất dễ tử vong.

Điều trị: Cho uống ngay 1 trong các loại dung dịch:

1. Dung dịch thuốc tím: 1gr/1 lít nước, uống 3 – 5 lít.

2. Nước dưa chua: 3- 5 lít.

3. Bia hơi: 3 – 5 lít.

Dùng biện pháp cơ học, lấy tay kéo lưỡi bò ra và sát nước gừng vào lưỡi để gây ợ hơi ra ngoài.

Dùng tay lấy phân ở hậu môn ra để thông hơi, lấy rơm chà xát ở hông bên trái làm tăng nhu động của dạ cỏ.

Nếu có điều kiện gần trạm thú y hay có dụng cụ và thuốc thú ý:

Tiêm tĩnh mạch MgSO4 (Mazê Sunpat) 50-60ml/100kg trọng lượng.

Tiêm Strychnin B1 20ml/con

Tiêm Dilocarpin 1% 10 – 15ml/con

Hoặc dùng: Magiêsi sulphate 100gr

Muối ăn 50gr

Thuốc tím 2gr

Pha 3 loại này vào 2 lít nước cho uống 2 lần/ngày.

Dùng muối ăn 100gr, tỏi 50gr, gừng 30gr giã nhuyễn và pha vào 2 lít nước cho uống 2 lần cách nhau 2 – 3 giờ.

Khi đã dùng tất cả các biện pháp không khỏi, thấy bò vẫn căng hơi có khả năng nguy hiểm (tử vong) thì phải chọc thủng hông trái để cho hơi ra ngoài. Dùng Trocart, cây trúc nhỏ chọc thẳng vào hõm hông trái nơi căng nhất. Khi chọc dùng ngón tay bịt đầu lỗ lại, cho hơi ra từ từ đừng cho ra nhanh gây choáng bò sẽ chết đột ngột. Khi hơi ra hết vẫn để nguyên Trocart tại đó để cho hơi thoát ra đến khi bò khỏi hẳn. Tiêm kháng sinh chống nhiễm trùng dùng:

1. Ampi-Septol 1ml/10kg trọng lượng

2. Chlotetradexa 10ml/100kg trọng lượng

3. Gentamycin 1ml/10kg trọng lượng

Bệnh chướng hơi dạ cỏ xảy ra nhiều vào đầu mùa mưa, vì vậy khi bò ăn nhiều cỏ non nên trộn thêm ít rơm khô. Bò mới đẻ có chế độ ăn từ thấp đến cao, không cho bê nhỏ bú sữa bò mẹ bị viêm vú, sữa vắt ra cho bê uống ngay không để lâu

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Phòng trị lở mồm long móng cho gia súc

Bệnh lở mồm long móng (LMLM) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính chung cho nhiều loài gia súc và một số loài thú hoang, có thể lây từ súc vật sang người. Ở nước ta, hàng năm bệnh thường xảy ra ở một số tỉnh, đặc biệt là các tỉnh miền núi biên giới Việt – Trung, Việt – Lào và Việt – Campuchia, gây nhiều thiệt hại kinh tế cho chăn nuôi trâu bò. Bệnh do virut LMLM gây ra và lây qua đường hô hấp, đường tiêu hóa.


1. Triệu chứng:
Thời gian ủ bệnh từ 2 – 7 ngày. Bò bệnh có triệu chứng:
– Sốt cao 41 – 42 độ C trong 2 – 3 ngày, chảy nước mắt nước mũi khi sốt.
– Nước rãi trắng như bọt xà phòng, chảy liên tục thành sợi từ miệng bò xuống đất.
– Niêm mạc mũi, miệng, lợi răng, trên mặt lưỡi mọc các đám mụn đỏ, sau mọng nước, trắng ra và vỡ loét, để lại các vết sẹo nhiều màu: đỏ, vàng, xám… làm cho súc vật bị bệnh đau đớn, khó ăn uống.
– Quanh các móng chân súc vật cũng mọc mụn loét giống ở miệng, vỡ loét ra, có thể bị nhiễm trùng và bong móng chân làm cho súc vật đi lại rất khó khăn và chỉ nằm một chỗ.
– Một số trường hợp bò bệnh có biến chứng viêm ruột, ỉa chảy, phân có máu và chết nhanh.
– Súc vật non có thể có biến chứng viêm cơ tim cũng chết rất nhanh.
– Bò cái bị bệnh thường có mụn loét ở núm vú, bầu vú giống như ở miệng.
– Bò cái mang thai khi bị bệnh thường sẩy thai.
– Bò trưởng thành bị bệnh chết với tỷ lệ 3 – 5%. Bê non bị bệnh chết với tỷ lệ cao hơn.
2. Điều trị:
Bệnh LMLM hiện không có thuốc điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, người chăn nuôi vẫn dùng các dung dịch thuốc sát trùng như Xanh Methylen 5‰, Lodin 1‰, các dịch lá chát (lá ổi, lá sim) bôi vào các ổ lở loét ở miệng và chân móng, sau 10 – 12 ngày, trâu bò có thể khỏi bệnh về lâm sàng. Nhưng trâu bò này vẫn có thể mang và thải virut sau một thời gian, làm lây nhiễm bệnh sang đàn gia súc khỏe.

– Ở miệng: Dùng chất sát trùng nhẹ như thuốc tím với liều lượng 0,1% hoặc nước quả chua (chanh, khế…) bóp lấy nước xoa vào niêm mạc miệng. Cho gia súc ăn thức ăn mềm, dễ tiêu.

– Móng: Rửa sạch, dùng các loại kháng sinh mỡ, cồn iốt, thuốc nam như lá bàng, lá phèn đen, thanh xoan, lá trầu không… chống nhiễm trùng, kích thích lên da non, chống ruồi muỗi.

– Ở vú: Thường xuyên vắt cạn sữa, sát trùng mụn loét bằng dung dịch sát trùng, nếu bị nặng dùng thêm các kháng sinh Penicillin, Streptomyxin… để tiêm.

Triệu chứng trên heo

3. Phòng bệnh:
* Khi chưa có dịch: Tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh LMLM cho đàn trâu bò ở các ổ dịch cũ và vùng có nguy cơ phát dịch theo định kỳ 12 tháng/lần. Mỗi lần trâu bò phải tiêm 2 mũi, mũi đầu cách mũi thứ 2 từ 4 – 6 tuần tuổi.
– Cách sử dụng vắc xin:
+ Nếu trâu bò có miễn dịch từ mẹ truyền cho thì tiêm mũi đầu vào 3 – 4 tháng tuổi; tiêm nhắc lại lần 1 vào 4 – 6 tuần sau khi tiêm mũi đầu; tiêm nhắc lại lần 2 vào 4 – 6 tháng sau khi tiêm nhắc lại lần 1.
+ Nếu trâu bò không có miễn dịch từ mẹ truyền cho thì tiêm mũi đầu vào 2 – 3 tháng tuổi; tiêm nhắc lại lần 1 vào 4 – 6 tuần sau khi tiêm mũi đầu; tiêm nhắc lại lần 2 vào 4 – 6 tháng sau khi tiêm nhắc lại lần 1.
+ Liều tiêm: 2 ml/trâu, bò. Miễn dịch kéo dài 12 tháng.
– Thực hiện vệ sinh chuồng trại hàng ngày và phun thuốc sát trùng theo định kỳ 2 tuần/lần.
– Nuôi dưỡng chăm sóc tốt đàn trâu bò để nâng cao sức đề kháng với bệnh, đảm bảo khẩu phần ăn đủ chất dinh dưỡng và đủ nguồn nước sạch cho trâu bò.
– Thực hiện kiểm dịch nghiêm ngặt khi phải xuất nhập trâu bò.
* Khi có dịch: Súc vật ốm và chết trong ổ dịch phải tiêu hủy bằng cách đốt hoặc chôn sâu giữa 2 lớp vôi bột theo hướng dẫn của thú y; đồng thời kê khai đúng thiệt hại của chủ gia súc để nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước.
– Thực hiện vệ sinh, tiêu độc triệt để chuồng trại và khu vực có súc vật ốm chết: quét dọn, thu gom rác thải xử lý như đối với súc vật chết; phun thuốc sát trùng mạnh (Lodin 1%, Clorin 3%) 2 – 3 lần/tuần; phun liên tục 3 – 4 tuần.
– Không vận chuyển, giết mổ, phân phối thịt súc vật trong khu vực có dịch theo đúng Pháp lệnh Thú y 2004.
– Tổ chức tiêm vắc xin bổ sung phòng bệnh LMLM ở xung quanh khu vực có dịch và vùng bị dịch uy hiếp; không tiêm vắc xin vào thẳng ổ dịch.
– Chuồng trại đã có súc vật chết dịch phải để trống trong 1 – 2 tháng và nuôi lại trâu bò khi có lệnh công bố hết dịch.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Chế biến thân lá ngô dùng làm thức ăn cho trâu bò

Thân lá ngô khi còn xanh có thể cho trâu bò ăn ngay, song thường khi thu hoạch thì ta có một lượng nhiều nên trâu bò không thể tiêu thụ hết trong một thời gian ngắn.


Chúng tôi xin giới thiệu phương pháp ủ chua yếm khí thân lá ngô với bạn đọc. Thân lá ngô sau khi thu hoạch bắp loại chưa già, lá ngô còn xanh. Thân lá ngô (TLN) lúc này có vật chất khô (VCK) khoảng 25-27%, protein thô (CP) khoảng 9%, vật chất hữu cơ (OM) khoảng 92-94%. Thân lá ngô thu về chặt nhỏ (4-5 cm), chúng được chia ra để ủ theo mấy cách sau:
– TN0: Thân cây ngô đã chặt nhỏ không cho thêm rỉ mật và urê.
– TN1: Thân lá ngô đã chặt nhỏ + 5% rỉ mật.
– TN2: Thân lá ngô đã chặt nhỏ + 2,5% rỉ mật + 0,5% urê.
Ở TN1 và TN2 hỗn hợp TLN, rỉ mật và urê được trộn đều. Tiếp theo từng hỗn hợp của TN1, TN2 và TN0 được cho vào các bao nylon riêng (có thể sử dụng bao với kích cỡ khác nhau, tùy thuộc vào lượng TLN mà ta cần ủ), lèn thật chặt (nếu bao lớn thì cho từng lớp một để dễ nén chặt) cho đến khi gần đầy bao thì thôi, cố gắng lùa hết không khí ra, cuối cùng dùng dây buộc kín và chặt miệng túi. Chú ý khi cho TLN vào túi và lèn tránh không làm bao bị rách. Để bao TLN ủ nơi dâm mát.
Qua kiểm tra để xác định chất lượng khối ủ thông qua các chỉ tiêu pH, hàm lượng VCK, CP và OM tại 0, 7, 14, 21 ngày ủ và thu được kết quả: pH từ 4,9-5,1 (0 ngày) giảm còn 3,54-4,30 (21 ngày), pH như thế này là rất tốt cho tiếp tục bảo quản. VCK gần như giữ nguyên: từ 24,6-26,4% (0 ngày) đạt 25,6-26,2% ở 21 ngày. OM cũng gần như giữ nguyên: từ 93,3-94,0% (0 ngày) đạt 92,1-93,7% ở 21 ngày. Protein thô cũng gần như được giữ nguyên: từ 8,7-12,6% (0 ngày) đạt 8,5-12,0% ở 21 ngày. Đặc biệt, nhờ có bổ sung urê mà CP ở khối ủ TN2 cao hơn hẳn TN0 và TN1, 12,0-12,6% so với 8,5-9,0%. Rõ ràng, quá trình ủ chua yếm khí không làm giảm chất lượng TLN, mà còn bảo quản được lâu dài hơn và nếu có bổ sung 0,5% urê thì cải thiện chất lượng rõ rệt.
Kiểm tra khối ủ TLN ở 21 ngày ủ bằng các chỉ tiêu cảm quan chúng tôi thấy: TN0 có màu sẫm, thơm và chua nhẹ, nhưng bị nhiễm một ít nấm mốc; TN1 có màu vàng, thơm và chua nhẹ, không bị nhiễm nấm mốc; TN2 màu vàng sáng, thơm và chua nhẹ, không bị nhiễm nấm mốc. Về cảm quan khối ủ TN2 tốt nhất, TN0 kém nhất và bị nhiễm nấm mốc nên không bảo quản được lâu.
Kiểm tra đánh giá khả năng tiêu hóa vật chất của các khối TLN ủ tại dạ cỏ của bò đã thu được kết quả: Từ sau khi ăn vào 8 giờ đến 96 giờ, tỷ lệ tiêu hóa VCK, OM và CP trong TLN ủ của TN0, TN1 và TN2 đều tăng dần. Tiêu hóa VCK từ 31,4-44,6% ở thời điểm 8 giờ tăng lên 72,4-76,5% ở 96 giờ, tốt nhất là khối ủ TN1. Tiêu hóa OM từ 30,2-44,4% ở 8 giờ tăng lên 73,6-76,8% ở 96 giờ, tốt nhất là khối ủ TN1. Tiêu hóa CP từ 44,2-67,7% ở 8 giờ tăng lên 86,2-91,9% ở 96 giờ, tốt nhất là khối ủ TN2.


Thân lá ngô còn tươi xanh sau khi thu hoạch bắp, ủ yếm khí có thể bảo quản được trong thời gian khá lâu (21 ngày hoặc dài hơn) vẫn không bị hư hỏng, vẫn sử dụng làm thức ăn cho trâu bò tốt. Nếu có điều kiện nên trộn thêm 2,5 hoặc 5% rỉ mật và 0,5% urê thì chất lượng của thân lá ngô ủ sẽ được cải thiện. Ủ thân lá ngô yếm khí điều quan trọng nhất là phải nến nén chặt, buộc kỹ để bảo đảm điều kiện yếm khí. Mỗi lần lấy TLN ủ ra cho trâu bò ăn, chỉ lấy lượng vừa đủ cho bữa ăn đó, rồi lại phải nén chặt khối ủ và buộc kỹ miệng túi để giữ cho khối ủ yếm khí.

Nguồn : báo Nghệ An, tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Nuôi trâu bò nhờ phế phụ phẩm nông nghiệp

Rơm rạ ở nước ta có khối lượng rất lớn nhưng tỷ lệ sử dụng trong chăn nuôi trâu bò còn rất khiêm tốn. Phần lớn chúng được sử dụng làm chất đốt (ở miền Bắc), hoặc đốt trực tiếp ngoài ruộng làm phân bón ruộng, một lượng nhỏ được sử dụng làm nấm rơm (ở miền Nam). Rơm rạ có thể sử dụng như một nguồn thức ăn chính để nuôi trâu bò cày kéo, sinh sản. Rơm rạ còn là nguồn xơ rất tốt để phối hợp với thức ăn nhuyễn, những thức ăn bổ sung đắt tiền khác trong chăn nuôi bò sữa và vỗ béo bò thịt..

Rơm rạ kềnh càng hơn và chất lượng thấp hơn thân cây bắp. Nếu chỉ cho ăn một mình rơm lúa thì gia súc chỉ ăn được một số lượng nhỏ. Rơm lúa rất giàu Kali hòa tan nhưng thiếu Canxi (Ca) có khả năng hấp thu., vì thế gia súc được nuôi dưỡng bằng rơm lúa là chính thì cần phải bổ sung thêm nguồn Ca dễ tiêu. Rơm lúa còn có thành phần lignin thấp (6-7%) nhưng thành phần Silic cao (12-16%) so với các loại phế phẩm cây trồng khác (thường có khoảng 10-12% Silic). Thành phần Silic cao là nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ tiêu hóa kém. Phần thân lúa được tiêu hóa nhiều hơn lá vì thế nên gặt lúa ở mức càng thấp càng tốt.

Khẩu phần chủ yếu là rơm lúa với một lượng nhỏ thức ăn bổ sung sẽ làm cho bê tăng trưởng chậm, tuổi đẻ lứa đầu lúc 4-5 năm, còi xương và bò có tỷ lệ đậu thai thấp.

Rơm rạ được ủ với 4-5% urea sẽ làm tăng tỷ lệ tiêu hoá (từ 39 lên 52%) giá trị năng lượng tăng từ 4,74 MJ lên 5,49 MJ/kg chất khô. Khả năng ăn vào cuả trâu bò với rơm ủ cũng cao hơn so với rơm không ủ (2,6kg so với 1,6kg DM/100kg khối lượng).

Bã mía có giá trị năng lượng và protein rất thấp nhưng đây là một nguồn xơ có ích. Có thể sử dụng đến 25% trong khẩu phần bò vắt sữa. Kinh nghiệm vỗ béo bò vàng ở Trung Quốc của Xiaqing Zou và CTV cho thấy có thể vỗ béo bò Vàng bằng khẩu phần thức ăn có: Bã mía (35-41%), rỉ mật  (5%) và thức ăn tinh (cám, bắp). Sau 100 ngày vỗ béo đạt tăng trọïng bình quân: 866-921 gam/ngày

Khi ủ phụ phẩm nhiều xơ với urea hoặc bổ sung urea, một nguồn nitơ rẻ tiền vào khẩu phần, sẽ đảm bảo sự gia tăng tỷ lệ tiêu hoá và khả năng ăn vào của gia súc. Tiêu hoá xơ cũng được cải thiện rõ nét khi bổ sung thêm một  lượng nhỏ carbonhydrate dễ lên men như rỉ mật, xác mì, khoai lang, cám…

Khi sử dụng nitơ phi protein, lưu huỳnh là yếu tố giới hạn chính đến hoạt động của hệ vi sinh vật dạ cỏ. Một hỗn hợp gồm 90% urea và 10% sulphat natri (Na2SO4) làm cho tỷ lệ N/S được cân bằng. Rơm rạ thường có hàm lượng canxi, phospho và muối thấp. Việc bổ sung coban (Co), đồng (Cu) sẽ cải thiện được khẩu phần dựa trên rơm rạ. Tỷ lệ tiêu hóa của rơm sẽ được cải thiện một cách đáng kể nếu bổ sung 1.5-2% urea, 10% rỉ mật và 0.5% hỗn hợp khoáng (muối, P, Ca, S)..

Phụ phẩm xay sát

Cám gạo có chất lượng rất khác nhau tùy thuộc vào quy trình xay sát. Cám gạo loại tốt thì có ít vỏ trấu nên hàm lượng xơ tổng số thấp (khoảng 6-7%) giá trị TDN khoảng 70% và protein thô từ 13-14%, Năng lượng trao đổi từ 12-12,5 MJ/kg chất khô. Cám gạo chất lượng xấu thì hàm lượng xơ có thể lên đến 20%. Cám gạo loại tốt là một nguyên liệu thức ăn rất có giá trị vói trâu bò, vì vậy giá cám gạo loại tốt cũng rất cao.

Hèm bia, bã rượu có protein thô từ 26%-32% (theo chất khô). Phụ phẩm này được sử dụng ở dạng ướt, khô hoặc ủ ướp chung với rỉ mật và axít hữu cơ. Hèm bia của các nhà máy bia của ta theo phân tích của chúng tôi có 32% protein; 18% xơ (theo chất khô); tỷ lệ tiêu hoá chất hữu cơ đạt 68% và giá trị năng lượng trao đổi 12 MJ/kg chất khô (tương đương với cám gạo loại tốt). Hèm bia vừa giàu đạm, vừa giàu năng lượng nên từ lâu đã được sử dụng phổ biến để nuôi bò sữa. Độ ẩm cao là điều bất lợi chính trong việc dự trữ và sử dụng các loại thức ăn này.

Khô dầu là phụ phẩm  sau khi những hạt có dầu được ép vắt hoặc chế biến để lấy dầu. Thí dụ như bánh dầu dừa, đậu phộng, hạt bông vải, cao su… Protein thô của khô dầu dao động từ 20-40%. Khả năng phân giải protein và số lượng dầu phụ thuộc vào phương pháp chế biến. Eùp bằng phương pháp thủ công (ép vít) hàm lượng dầu còn khoảng 10% trong khi với phưong pháp ép kiệt (trích ly) dầu chỉ còn 1%. Chất xơ cũng thay đổi rất nhiều phụ thuộc vào chế biến và số lượng vỏ hạt.

Khô dầu dừa là nguồn năng lượng và protein có giá trị được sử dụng một cách rộng rãi

Tuy nhiên, khả năng tiêu hoá protein của chúng thấp và thức ăn mau bị ôi khét. Bánh dầu dừa phồng lên nhanh chóng khi thấm nước và có thể sử dụng ở dạng này ở mức 50% trong khẩu phần

Khô dầu đậu phộng được sử dụng rộng rãi trong chăn nuôibò thịt và bò sữa. Hàm lượng xơ thấp và không có sự hạn chế nào trong việc sử dụng cho gia súc nhai lại

Khô dầu bông vải chứa gossypol không hại đối với bò trưởng thành nhưng khả năng tăng trọng của bò sẽ được cải thiện nếu thêm sulfat sắt vào khẩu phần có nhiều bánh dầu bông vải. Có thể sử dụng 10-15% bánh dầu bông vải trong thức ăn hỗn hợp cho bê, đối với bò thịt có thể sử dụng 30%.

Hạt bông vải nguyên cũng được sử dụng để thay thế một phần thức ăn tinh. Hạt nguyên loại tốt chứa khoảng 20% dầu và 19% protein. Vỏ hạt bông vải chứa nhiều xơ (50% CF) nhưng vẫn có thể sử dụng ở mức 30% trong khẩu phần bò thịt. Thí nghiệm vỗ béo bò thịt của Lê Viết Ly đã thành công khi sử dụng khẩu phần vỗ béo có 2 kg hạt bông+ 2kg rỉ mật+ rơm ủ urea.

Khô dầu đậu nành thường đắt và được sử dụng cho gia súc dạ dày đơn. Vỏ hạt đậu nành chứa 37% CF, 12% CP và giá trị năng lượng tương đương với hạt ngũ cốc là một loại thức ăn có giá trị cho tất cả các loại trâu bò.

Một hạn chế chung trong việc sử dụng khô dầu cho chăn nuôi là hàm lượng dầu còn lại trong phụ phẩm cao nên hay bị ôi khét, thời gian bảo quản ngắn. Điểm bất lợi nữa là khô dầu dễ bị nhiễm nấm Aspergillus sẽ sinh ra độc tố Aflatoxin, đặc biệt là ở khô dầu đậu phộng. Khắc phục được các hạn chế đó, phụ phẩm hạt lấy dầu là nguồn protein có giá trị trong chăn nuôi

Rỉ mật được sử dụng trong chăn nuôi để cải thiện tính ngon miệng, bổ sung một số chất khoáng. Rỉ mật còn được sử dụng như một thức ăn bổ sung năng lượng cho khẩu phần thức ăn thô chất lượng kém. Với một hàm lượng đường dễ lên men cao, rỉ mật như là một nguồn năng lượng rẻ tiền để sử dụng với các loại nitơ phi protein. Các loại khoáng cần được cân đối lại bởi vì trong rỉ mật chứa ít phospho và natri và không đủ lượng lưu huỳnh cho vi sinh vật dạ cỏ hoạt động. Hàm lượng kali trong rỉ mật cao.

Xác mì là phụ phẩm sau khi chiết xuất tinh bột  từ củ khoai mì (củ sắn). Xác mì có hàm lượng chất khô thấp (khoảng 20%), rất nghèo protein (1,5-1,6%), hàm lượng xơ thấp (10-11%, tỷ lệ tiêu hoá chất hữu cơ rất cao (92-93%) vì vậy giá trị năng lượng trao đổi đạt tới 13MJ/kg chất khô (Đinh Văn Caỉ và cộng tác 1999). Vì vậy xác mì là một loại thức ăn cung cấp năng lượng rất tốt cho tất cả các đối tượng trâu bò đặc biệt là vỗ béo bò thịt. Tuy nhiên khi sử dụng cần phải được bổ sung protein, khoáng và vitamin vì những thành phần này trong bã củ mì không đáng kể. Nước ta là nước trồng khoai mì, nhiều nhà máy chế biến tinh bột khoai mì mỗi năm cho ra một khối lượng lớn xác mì nhưng mới sử dụng một tỷ lệ rất nhỏ để nuôi trâu bò. lí do chính là khâu bảo quản và vận chuyển. Cần nghiên cứu khả năng giảm hàm lượng nước của xác mì xuống còn 60-65% để dễ dàng áp dụng các phương pháp bảo quản nhằm sử dụng hữu hiệu hơn loại phụ phẩm này.

Bã thơm chủ yếu là vỏ và lõi vì thế chứa nhiều chất xơ, năng lượng và vitamin A nhưng protein và muối khoáng thấp. Do hàm lượng nước cao nên phế phẩm này cần được sử dụng ở gần nguồn của chúng. Chúng có thể làm khô bằng cách phơi nắng hoặc sấy. Có thể áp dụng phương pháp ủ ướp với công thức 65% bã thơm, 20% rơm lúa, 5% bột bắp, 10% rỉ mật và 1,5% urê.

Có một số yếu tố hạn chế việc sử dụng phụ phế phẩm làm thức ăn cho bò. Sự thu gom rất khó khăn do việc thu hoạch thủ công rãi rác ở các hộ nông dân nhỏ; việc cung cấp hầu hết là theo mùa và không đáng tin cậy lắm. Nhiều yếu tố về hóa học và vật lý cũng hạn chế việc sử dụng phụ phế phẩm cho trâu bò. Hàm lượng nước cao gây khó khăn trong vận chuyển, bảo quản và khả năng ăn vào. Một số phụ phế phẩm rất dễ hỏng do hàm lượng dầu và đường cao. Giá trị dinh dưỡng thay đổi nhiều do quá trình chế biến đơn giản và chưa được tiêu chuẩn hóa. Chúng thường xuyên bị nhiễm nấm, vi khuẩn và một số phụ phẩm có chứa độc tố đối với trâu bò. Hầu hết các phụ phế phẩm thiếu một hoặc nhiều chất dinh dưỡng cần thiết.

Có hai kỹ thuật chính để sử dụng tối đa phụ phế phẩm như một nguồn thức ăn cho gia súc:

  1. Bổ sung một cách thích hợp các chất dinh dưỡng khác để cân bằng sự thiếu hụt trong phụ phế phẩm;
  2. Cần phải được bảo quản theo các phương pháp thích hợp để kéo dài thời hạn sử dụng và để tránh hư hỏng.

Phụ phế phẩm có thể phơi khô, ủ để gia tăng thời gian sử dụng và tránh hư hỏng. Phơi nắng có thể thực hiện đối với một số phụ phẩm nhưng ủ ướp mới là phương pháp đáng tin cậy nhất. Ngoài ra, trong quá trình ủ ướp có thể bổ sung một số thức ăn khác để tạo ra một thức ăn ủ hoàn hảo, cân đối về dinh dưỡng.

Ủ rơm khô với urê

Rơm rạ khô giá trị dinh dưỡng thấp, tiêu hoá kém và trâu bò không ăn được nhiều. Bằng các phương pháp chế biến làm rơm ướt, mềm, tăng giá trị dinh dưỡng, tăng khả năng tiêu hóa và tính ngon miệng. Phương pháp thông thường nhất đang được áp dụng rộng rãi ở các nhước đang phát triển để chế biến rơm rạ cho trâu bò là ủ rơm với urea. Rơm ủ theo phương pháp này còn cung cấp cho trâu bò nguồn đạm phi protein rất có lợi cho vi sinh vật dạ cỏ, vì vậy có ý nghĩa khoa học và ý nghĩa kinh tế lớn. Kĩ thuật ủ rất đơn giản

Nguyên liệu

  1. Cứ 100 rơm khô cần 40g urea và 80-100 lít nước (tỷ lệ urê 4% và nước so với rơm là 1/1.). Tùy theo lượng rơm cần ủ mà lượng urea và nước cũng tăng theo tỷ lệ trên.
  2. Tấm nilon lớn đủ che kín hố ủ (to hay bé là tùy độ lớn bề mặt hố ủ, sao cho khí amonoac hình thành trong và sau quá trình ủ không thoát ra ngoài).
  3. Bình tưới rau để tưới nước vào rơm khi ủ.

Hố ủ

Hố ủ có thể xây bằng gạch gồm các vách: hố có ba vách, hố có hai vách cạnh nhau hoặc có hai vách đối diện. Nói chung là cần tối thiểu hai vách để nén rơm cho chặt. Có thể lợi dụng góc nhà, tường nhà làm hố ủ rơm. Nền có thể là nền xi măng, gạch hay lót nhiều lớp lá chuối hoặc nilon. Dung tích hố ủ phụ thuộc vào số lượng rơm cần ủ hay quy mô đàn bò.

Cách ủ

Urê pha vào nước theo tỷ lệ trên, khuấy đều cho tan hết, sau đó cho vào bình tưới. Cứ trải một lớp rơm mỏng (20cm) lại tưới nước urê sao cho ướt đều rơm, lấy cào đảo qua đảo lại cho rơm thấm nước urê, dùng chân nén cho chặt, rồi lại tiếp tục trải một lớp rơm và tưới nước, lại nén cho chặt. Làm như thế nhiều lần cho đến khi hết rơm và hết nước. Sau đó phủ tấm nilon lên trên sao cho thật kín, không để khí ammoniac ở trong thoát ra ngoài. Những hố ủ ngoài trời cần có thêm mát tre nưa.

Lấy cho ăn

Sau 7 đến 10 ngày ủ có thể lấy rơm ra cho bò ăn, lấy vừa đủ lượng rơm cần thiết cho từng bữa. Lấy xong đậy kín ngay tấm nilon lại.

Yêu cầu chất lượng rơm ủ

Rơm ủ chất lượng tốt là rơm ẩm đều, mềm, không có mốc xanh mốc trắng mọc, màu rơm vàng nâu gần với màu tự nhiên của rơm trước khi ủ, mùi khai ammoniac.

Rơm ủ thường được trâu bò thích ăn, và ăn được nhiều hơn so với rơm khi chưa ủ. Tuy nhiên một số trâu bò lần đầu tiên không chịu ăn rơm ủ urê, phải kiên trì tập cho chúng quen dần. Lúc đầu cho ăn ít, trộn chung với thức ăn khác, sau đó tăng dần lên.

Vào mùa khô không có cỏ, chúng ta hoàn toàn có thể dùng rơm ủ urea cho bò ăn tối đa (khoảng 10-12kg/ngày), bổ sung thêm muối ăn hoặc đá liếm thì bò tơ vẫn tăng trọng và bò mẹ vẫn béo mập và sinh sản tốt

Bánh dinh dưỡng

Bánh dinh dưỡng là một dạng chế biến phụ phẩm được ép thành bánh, có thêm chất khoáng và muối. Thành phần chủ yếu cuả bánh dinh dưỡng là rỉ mật. Rỉ mật vừa là chất kết dính vừa là nguồn cung cấp năng lượng, cung cấp khoáng vi lượng. Urea cung cấp nitơ cho vi sinh vật dạ cỏ. Chất độn thường là cám gạo hoặc cám mì, bã khoai mì…Đây cũng là nguồn cung cấp năng lượng. Ngoài ra còn sử dụng chất kết dính khác như vôi, ciment. Bò ăn bánh dinh dưỡng được thêm chất dinh dưỡng, cải thiện môi trường dạ cỏ có lợi cho vi sinh vật tiêu hoá thức ăn vì vậy sẽ có hiệu qủa tốt đối với khẩu phần nghèo dinh dưỡng.

Lợi ích của bánh dinh dưỡng

  1. Cung cấp N phi protein cho vi khuẩn dạ cỏ, nhu cầu này ở gia súc nhiệt đới cao hơn gia súc ôn đới.
  2. Cung cấp rỉ mật là nguồn năng lượng dưới dạng đường dễ lên men, khoáng nên kích thích hệ thống enzym vi sinh vật dạ cỏ hoạt động.
  3. Cung cấp lượng muối,  P và S cần thiết cho trâu bò nhưng thường bị thiếu trong thức ăn nhiệt đới.

Yêu cầu chất lượng bánh dinh dưỡng

  1. Các nguyên liệu phối trôn bánh dinh dưỡng phải có chất lượng tốt, không bị mốc hay ôi khét hư hỏng để bảo đảm thành phẩm có giá trị dinh dưỡng cao.
  2. Độ cứng thích hợp: không vỡ khi vận chuyển (chịu nén dưới áp lực 5-6 kg/cm2)
  3. Sản phẩm không bị mốc sau 6 tháng bảo quản.

Các chất ảnh hưởng đến độ rắn của bánh dinh dưỡng

  1. Rỉ mật phải có độ Brix trên 85 (đặc). Rỉ mật càng nhiều thì độ cứng càng kém.
  2. Urê và muối ăn hút nước nên cũng ảnh hưởng đến độ cứng.
  3. Đá vôi, xi măng thường được dùng làm chất kết dính.
  4. Để bánh xốp hơn ta dùng một số chất đệm như vỏ đậu phộng xay nhỏ, bột bã mía, rơm xay, bột dây đậu phọâng.

Cách làm bánh dinh dưỡng

Dụng cụ cần thiết nhất là khuôn bánh. Khuôn làm bằng gỗ như khuôn bánh chưng, kích cỡ các chiều tùy ý ta. Có khi khuôn chỉ đơn giản là một cái tô nhưa. Khuôn này phù hợp với quy mô hộ sản xuất theo phương pháp thủ công. Sản xuất ở quy mô vừa cho nhiều bò hoặc cho nhóm hộ thì cần khuôn ép bằng sắt có khả năng nén nguyên liệu trong khuôn vừa nhanh vừa mạnh. Ngoài khuôn còn cần các thiết bị trộn, xô thùng…

Có nhiều công thức làm bánh dinh dưỡng. Công thức đang sản xuất tại Trung tâm Nghiên cứu và Huấn luyện chăn nuôi Bò sữa như sau: Rỉ mật: 37- 40%, cám gạo: 35- 40%, urea: 5-8%, vôi: 5-7%, xi măng: 4%, Muối: 2%. Hỗn hợp khoáng 2-3%.

Trình tự phối trộn

Trước hết cân chính xác rỉ mật, urea, muối theo tỷ lệ nhất định (xem công thức ở bảng dưới). Hoà tan hết urea và muối vào rỉ mật, goị là hỗ hợp A (hỗn hợp lỏng)

Cân chính xác lượng chất độn (cám…), chất kết dính (vôi, ciment), khoáng… trộn đều tạo thành hỗn hợp B (hỗn hợp khô)

Trộn hỗn hợp A với hỗn hợp B thật nhanh, thật đều cho tới khi đồng nhất thì đưa vào khuôn ép. Quá trình này phải làm nhanh không để hỗn hợp nguôi lạnh sự kết dính sẽ kém. Sau 1 ngày bánh khô ta có thể cho bò ăn hoặc bao gói để dủng dần. Bánh dinh dưỡng làm đúng kĩ thuật đóng trong bao nilon có thể bảo quản đến nửa năm không bị mốc hay chảy nước.

Chú ý kiểm tra độ ẩm hỗn hợp bằng cách dùng tay nắm lại, nếu thấy tạo được hình trong lòng bàn tay, khi buông tay ra không bị rã rời là được.

Cách cho ăn.

Để bò liếm gặm nguyên bánh, không bóp nát, bẻ vụn hoặc hoà bánh vào nước cho bò ăn. Vì trong bánh có urea nên cần bò ăn từ từ tốt hơn là ăn một lần. Số lượng bánh cho một bò trưởng thành tùy thuộc vào lượng urea trong bánh. Nếu bánh có 10% urea thì cho ăm 1kg, nếu bánh có 4-5% urea thì cho ăn 2kg bánh cho một con/ngày. Bò tơ cho ăn ít hơn. Tuyệt đối không cho bê con ăn bánh dinh dưỡng có thể sẽ bị ngộ độc urea.

Tảng liếm hay còn gọi là đá liếm cũng làm tương tư như làm bánh dinh dưỡng nhưng thành phần khác bánh dinh dưỡng. Tảng liếm mục đích là cung cấp muối ăn và khoáng chất cho bò nên thành phần chủ yếu là muối ăn, bột xương, hỗn hợp khoáng vi lượng. Đá liếm không có urea nên cho cho tất cả các đối tượng bò và bê sử dụng.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Phát triển chăn nuôi đại gia súc ở vùng tây nguyên

Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp nhiệt đới Quốc tế (CIAT) và trường Đại học Tây Nguyên thực hiện dự án “Cải thiện các hệ thống nuôi dưỡng gia súc ăn cỏ trong nông hộ tai khu vực Tam giác phát triển Việt Nam , Lào và Campuchia”.

Đây là dự án khoa học áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào lĩnh vực chăn nuôi đại gia súc vùng Tây Nguyên cũng như Tam giác phát triển kinh tế Việt Nam-Lào-Campuchia nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống cho nông dân, tăng độ an toàn cho kinh tế nông hộ. Trong đó, đối tượng của dự án là những hộ chăn nuôi nhỏ, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.

Mục đích của dự án là làm tăng sinh kế và thu nhập cho người nghèo, nông hộ sản xuất nhỏ tại khu vực Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Cambodia.

Chăn nuôi đại gia súc      Phát triển chăn Nuôi đại gia súc ở vùng Tây Nguyên 

Các địa phương thực hiện dự án được đầu tư một phần về vật chất, tạo điều kiện cho nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi dưỡng các loại động vật ăn cỏ; đồng thời xác định các yếu tố tác động về môi trường có ảnh hưởng đến chăn nuôi của nông hộ sản xuất nhỏ.

Trong quá trình thực hiện dự án, các địa phương được tổ chức lại sản xuất trong chăn nuôi, bố trí cơ cấu chăn nuôi các loại gia súc ăn cỏ hợp lý trên từng địa bàn, tận dụng đồng cỏ tự nhiên kết hợp trồng cỏ chất lượng cao và áp dụng thâm canh cỏ; sản xuất nguồn thức ăn phục vụ chăn nuôi trâu bò.

Các địa phương bố trí sản xuất chăn nuôi-trồng trọt hợp lý trong các nông hộ nhỏ, trên cơ sở tận dụng điều kiện tự nhiên đất đai, đồng cỏ, nguồn nước, khả năng lao động nông thôn và việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi.

Dự án hướng tới việc phát triển chăn nuôi gia súc gắn kết với thị trường tiêu thụ sản phẩm và tạo liên kết giữa các hộ chăn nuôi với chuỗi thị trường chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm.

Thông qua việc thực hiện dự án, tạo điều kiện cho nông hộ sản xuất nhỏ làm quen với điều kiện sản xuất kinh doanh đổi mới, tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm từ chăn nuôi, thúc đẩy các mối liên kết trong chuỗi thị trường nội địa và qua biên giới 3 nước.

Tại Đăk Nông, dự án được thực hiện tại huyện Cư Jut. Đây là vùng đất có điều kiện tự nhiên và sinh thái thuận lợi để thực hiện các hoạt động của dự án phát triển các loại gia súc ăn cỏ. Với kinh nghiệm vừa qua Cư Jut cũng đã thành công trong việc triển khai thực hiện dự án “Nâng cao chất lượng giống bò thịt” và đang được nhận rộng ra các huyện khác trong tỉnh Đăk Nông.

Hiện nay, cán bộ CIAT cùng với các nhà nghiên cứu, cán bộ khuyến nông các tỉnh Tây Nguyên đang hỗ trợ nông dân tiếp cận với kỹ thuật trồng, chăm sóc cây làm thức ăn chăn nuôi và hướng dẫn các nông hộ cách liên kết có hiệu quả với thị trường. Qua đây sẽ làm tăng sinh kế của nông hộ chăn nuôi gia súc thông qua việc cải tiến kỹ thuật, tăng tính cạnh tranh chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và tận dụng nguồn lao động nông thôn.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam