Nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa.

Nuôi tôm trong ruộng lúa là hình thức canh tác kết hợp giữa trồng trọt và thủy sản. Phương thức nuôi này không những làm giảm việc tranh diện tích sản xuất mà còn góp phần tăng thu nhập trên một mảnh đất.Nuôi tôm trong ruộng lúa chẳng những không giảm năng suất lúa mà còn có sản phẩm tôm.

Tôm càng xanh.

1. Mùa vụ

– Thường tận dụng vụ lúa Hè – Thu để nuôi tôm. Lúc này nước nhiều và thời gian ngập nước trong ruộng kéo dài, tôm có điều kiện ăn được thức ăn trên ruộng.

– Nuôi tôm tốt nhất nên nuôi trên các ruộng cấy lúa vì lúa cấy có khoảng trống nên tôm có thể bơi xen giữa lúa ăn được thức ăn trên ruộng.

– Nếu nuôi trên lúa sạ thì nên sạ lúa thưa hơn sạ bình thường. Thả giống tốt nhất khi cây lúa 2 tuần sau khi sạ hay 1 tuần sau khi cấy.

– Lịch thời vụ 2 lúa + 1 tôm.

Một số mô hình nuôi tôm càng xanh ở ruộng lúa

– Mô hình một vụ lúa và một vụ tôm:

+ Ruộng chỉ canh tác vụ lúa Đông – Xuân, sau khi thu hoạch lúa thì tiến hành thả tôm Post (cỡ 1,1 – 1,2 cm).

+ Thời điểm thả giống thông thường từ tháng 3 – 4, mật độ thả từ 3 – 5 con/m2, thời gian nuôi 7 – 8 tháng.

– Mô hình hai vụ lúa và một vụ tôm:

+ Thời gian nuôi ngắn khoảng 4,5 – 5,0 tháng, do đó yêu cầu thả giống lớn (cỡ 3,0 – 5,0 g/con).

+ Mật độ thả từ 2 – 4 con/m2.

2. Thức ăn:

Một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công trong nuôi tôm là thức ăn. Tôm cần phải được cung cấp thức ăn đầy đủ về số lượng và chất lượng để có thể phát triển tốt. Vì vậy, việc xác định nguồn thức ăn đảm bảo giá trị dinh dưỡng và ổn định là điều cần thiết đối với người nuôi tôm.

– Thức ăn tự nhiên: Là thức ăn có sẵn trong thủy vực bao gồm động thực vật thủy sinh, thức ăn tự nhiên giữ vai trò quan trọng trong giai đoạn đầu của các đối tượng thuỷ sản nuôi.

– Thức ăn tươi: Bao gồm cá, tép, cua, ốc, hến,… các phế phẩm từ nhà máy chế biến thủy sản. Thức ăn tươi rất dễ làm chất lượng nước xấu đi nhanh chóng, hệ số tiêu tốn thức ăn cao.

– Thức ăn viên (công nghiệp), thức ăn chế biến:

+ Các thành phần dinh dưỡng đã được phối chế phù hợp với từng giai đoạn tăng trưởng của đối tượng nuôi.

+ Quy trình công nghệ sản xuất thức ăn hiện đại đảm bảo chất lượng thức ăn, thời gian bảo quản lâu, hệ số thức ăn thấp, ít ảnh hưởng đến chất lượng nước trong hệ thống nuôi.

Phương pháp cho ăn:

– Kiểm tra việc sử dụng thức ăn của tôm và trọng lượng tôm hàng tháng để điều chỉnh khẩu phần ăn, tiến hành như nuôi tôm trong ao.

– Khẩu phần cho ăn chỉ cần 3% trọng lượng cơ thể sau 01 tháng đối với tôm giống tự nhiên và sau 4 tháng đối với tôm bột vì trong ruộng có nhiều thức ăn tự nhiên, mật độ thả thấp.

– Thức ăn nên rải nhiều điểm xung quanh mương hay trong sàng ăn đặt trong ao.

3. Chăm sóc quản lý:

Nuôi tôm trong ruộng lúa cần phải chăm sóc, quản lý thật chặt chẽ vì nó liên quan đến việc canh tác lúa.

– Trao đổi nước thường xuyên, càng nhiều càng tốt nhưng cũng chú ý việc kích thích tôm lột xác như nuôi trong ao. Vào ban đêm do các loại thực vật và rễ lúa sử dụng oxy nên rất dễ xảy ra tình trạng thiếu oxy vào buổi sáng, nếu có hiện tượng tôm nổi đầu vào buổi sáng thì cần tiến hành trao đổi nước ngay.

– Phòng chống và theo dõi thường xuyên địch hại của tôm vì nuôi tôm trong ruộng lúa địch hại có thể ảnh hưởng rất lớn đến tỉ lệ sống và năng suất của tôm.

– Việc phun thuốc trừ sâu cho lúa phải cẩn thận, thông thường rút hết nước trên ruộng lúa cho tôm xuống mương và tiến hành phun thuốc nhằm tránh thuốc rơi xuống mương, sau 2-3 ngày dâng nước lên để tôm trở lại ruộng ăn bình thường.

Cần chú ý sử dụng các loại thuốc ít độc đối với tôm và chọn các giống lúa kháng sâu rầy để hạn chế việc phun thuốc.

4. Thu hoạch

– Hai tháng trước khi thu hoạch thì có thể tiến hành thu tỉa những con lớn, con cái và con chậm phát triển để bán.

– Nếu thả giống vào vụ Đông – Xuân thì thu những con lớn và những tôm nhỏ để lại nuôi tiếp.

Tổng hợp và kiểm duyệt bởi FarmTech VietNam.

Acid folic đối với tôm càng xanh Macrobrachium rosenbergii

Các nhà khoa học Ấn Độ đã đề xuất rằng có thể bổ sung folic acid giúp kích thích tôm tăng trưởng, hiệu quả tiêu hóa thức ăn và hệ thống phòng chống oxy hoá của tôm càng xanh M. rosenbergii.

Acid folic tăng cường tăng trưởng và sức đề kháng của tôm. 

Vitamin được coi là các hợp chất hữu cơ có trọng lượng phân tử thấp được sử dụng với số lượng nhỏ để duy trì sự trao đổi chất, tăng trưởng bình thường và sức khoẻ của cá. Acid folic là một dạng vitamin hòa tan trong nước, rất quan trọng trong quá trình trao đổi chất amino acid và nucleotide, tăng trưởng và sức khoẻ của hầu hết các loài động vật thủy sinh.

Tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii) là một đối tượng thủy sản cho năng suất cao, tăng trưởng nhanh, rộng muối và có các sức sống rất cao như chịu nhiệt độ, kháng bệnh cũng như hương vị cao của nó và giá trị thương mại cao. Ngoài ra còn là nguồn dinh dưỡng bổ sung protein, axit amin thiết yếu, axit béo không bão hòa và ít chất béo. Do đó, nó có thể được sử dụng như là một lựa chọn an toàn cho người tiêu dùng.

Có nhiều nghiên cứu về các yêu cầu dinh dưỡng của tôm càng xanh, nhưng những thông tin liên quan đến nhu cầu vitamin và chức năng dinh dưỡng của tôm vẫn còn hạn chế. Hơn nữa, không có thông tin về hiệu quả chống oxy hoá và các thông số sinh học huyết thanh của acid folic đối với tôm càng xanh M. rosenbergii, những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sức khoẻ của tôm.

Một thử nghiệm của các nhà khoa học Ấn Độ cho ăn kéo dài 12 tuần đã được tiến hành để xác định tác động của việc bổ sung acid folic trong chế độ ăn đối với hoạt động của enzym tiêu hóa, thành phần cơ, đáp ứng miễn dịch, khả năng chống oxy hoá và hoạt tính enzyme của tôm càng xanh Macrobrachium rosenbergii.

Thí nghiệm

Các nghiệm thức được bổ sung axit folic với tỷ lệ 0 (đối chứng), 0,5; 1,0; 2,0;4,0 và 8,0 mg/kg trọng lượng thức ăn khô. Axit folic bổ sung vào thức ăn và cho tôm càng xanh M. rosenbergii ăn trong thời gian 90 ngày.

Kết quả

Nghiên cứu thực nghiệm cho thấy trọng lượng cơ thể cuối cùng, tăng trọng, tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ chuyển đổi thức ăn cải thiện đáng kể (P <0,05) khi mức acid folic bổ sung tăng lên từ 0,5 đến 2,0 mg/kg. Tuy nhiên, những con tôm ăn với thức ăn bổ sung 4,0-8,0 mg/kg acid folic cho thấy hiệu quả lại kém hơn.

Thêm vào đó, tôm ăn 0,5 – 2,0 mg/kg khẩu phần bổ sung acid folic cải thiện đáng kể hoạt tính tăng trưởng, hoạt động của enzym tiêu hóa và các thành phần sinh hóa trong cơ. Trong khi tôm ăn khẩu phần bổ sung trên 2,0 mg/kg acid folic cho thấy nồng độ protein tổng số (p <0,05) cao hơn đáng kể.

Tác dụng chống oxy hoá của hoạt tính enzym (SOD, CAT) trong cơ không thấy có sự thay đổi đáng kể (P> 0,05) đối với nhóm tôm nuôi ăn chế độ ăn bổ sung axit folic 0,5 – 2,0 mg/kg.

Kết luận

Từ các kết quả nghiên cứu trên, các nhà khoa học đã đề xuất rằng có thể bổ sung 2,0 mg/kg acid folic giúp kích thích tôm tăng trưởng, tăng hiệu quả tiêu hóa thức ăn và hệ thống phòng chống oxy hoá của tôm càng xanh M. rosenbergii.

Nguồn: Tepbac.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Tôm, cá VietGAP phục vụ tết

Nhiều nông dân nuôi tôm, cá tại tỉnh Kiên Giang rất phấn khởi khi sản phẩm do họ nuôi trồng được cơ quan chức năng cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, kịp đưa ra thị trường phục vụ dịp cuối năm.

Cá tôm nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP sẵn sàng phục vụ tết 2017. 

Bà Đặng Khánh Hồng, PGĐ Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang cho biết, từ các nguồn kinh phí của Trung tâm Khuyến nông (TTKN) Quốc gia, TTKN tỉnh và Tổ chức GIZ thuộc Chương trình Quản lý tổng hợp vùng ven biển (ICMP), đơn vị đã hỗ trợ hàng chục hộ nông dân nuôi tôm – lúa, tôm thâm canh và cá chạch bùn… xây dựng quy trình nuôi VietGAP. Sau khi nuôi, các hộ được cơ quan chức năng thẩm định, cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Cụ thể, tại tổ hợp tác nuôi tôm sú – lúa ấp Thạnh Hòa, xã Đông Thạnh (An Minh), có 4 hộ nuôi trên diện tích 9,6 ha, sản lượng tôm thu 1.660 kg, được Cty TNHH Công nghệ NhoNho chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Ông Nguyễn Văn Trường, tổ viên có 2,6 ha mô hình cho biết, nuôi tôm – lúa theo VietGAP đòi hỏi người nuôi phải được tập huấn, nắm vững quy trình kỹ thuật, ghi chép sổ sách cẩn thận, tuyệt đối không dung chất cấm, hóa chất ngoài danh mục.

Vì vậy, sản phẩm làm ra đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Là người làm ra tôm sạch, không chỉ đảm bảo ATTP cho người tiêu dùng, mà cả cho chính người SX, môi trường nuôi được bền vững, nên người nuôi rất yên tâm. Một khi thị trường tiêu thụ tốt thì thu nhập của họ cũng tăng lên theo.

Trước đó, tổ hợp tác nuôi tôm – lúa tại ấp Thái Hòa, xã Nam Thái A (An Biên) được TTKN Kiên Giang phối hợp với Cty TNHH Công nghệ NhoNho trao chứng nhận VietGAP cho sản phẩm tôm sú, kinh phí do Tổ chức GIZ tài trợ. Tổ hợp tác có 4 hộ nông dân cùng nuôi, sản lượng tôm sú 8 tấn/năm. Ông Nguyễn Văn Ngọc, một hộ nông dân tham gia mô hình chia sẻ: “Năm nay, tôi thu trên 1.000 kg tôm/2ha, bán được trên 500 triệu đồng, trừ chi phí lãi một nửa”.

Theo ông Ngọc, để thực hiện mô hình, nông dân phải có từ 2ha trở lên, vì phải thiết kế lại vuông nuôi thành ao lắng, ao vèo, ao nuôi… Môi trường phải được xử lý kỹ như xới mặt ruộng, xả bỏ nước, rải vôi bột cả trên bờ lẫn mặt ruộng (khoảng 500 kg/ha), diệt khuẩn bằng Iodine… Khi thấy nước đạt chất lượng mới cấp vào vèo và ao nuôi. Tôm nuôi 2 giai đoạn, và trong quá trình nuôi, bổ sung thức ăn cho tôm theo quy trình, đảm bảo tôm phát triển tốt.

Sau khi kết thúc vụ tôm, các hộ dân tổ hợp tác nuôi tôm – lúa tại ấp Thái Hòa được hỗ trợ làm lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, hiện lúa đã chuẩn bị cho thu hoạch. “Chúng tôi đang có kế hoạch hỗ trợ, thu mua chế biến, đóng gói gạo VietGAP để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân”, bà Đặng Khánh Hồng cho biết thêm.

Ngoài mô hình tôm – lúa, có 6 cơ sở tại huyện Kiên Lương và TX Hà Tiên đăng ký liên kết SX tôm thẻ chân trắng thâm canh theo quy trình VietGAP. Qua đánh giá, có 5 cơ sở được Trung tâm Chất lượng Nông lâm thủy sản vùng 5 (Cục Quản lý Chất lượng Nông, lâm sản và Thủy sản) cấp chứng nhận sản phẩm thủy sản SX đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Ông Đào Thọ Quí, có 70.000 m2 nuôi tôm tại phường Đông Hồ, TX Hà Tiên, phấn khởi nói: “Mỗi năm, cơ sở của tôi cung ứng ra thị trường 70 tấn tôm thương phẩm. Với quy trình nuôi đạt chứng nhận VietGAP, sản phẩm dễ dàng vào hệ thống siêu thị, các đơn vị thu mua chế biến cũng rất an tâm về chất lượng, ATTP”.

Bên cạnh con tôm nước lợ, TTKN Kiên Giang còn hỗ trợ nông dân 2 huyện Châu Thành, Giồng Riềng nuôi cá chạch bùn thương phẩm trong ao dùng thức ăn công nghiệp theo VietGAP, đã được Cty CP Chứng nhận và Giám định VINACERT cấp chứng nhận. Nông dân tham gia được hỗ trợ 60% chi phí con giống, 30% giá trị vật tư và được tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật trong suốt quá trình nuôi.

Ông Hà Văn Bòn Ba, nông dân ở xã Giục Tượng (Châu Thành), người tham gia mô hình nhận xét: “Cá chạch bùn là đối tượng dễ nuôi, thích nghi rộng với môi trường, quy trình nuôi đơn giản, cá ăn thức ăn công nghiệp nên chủ động và tiết kiệm thời gian chăm sóc, môi trường nuôi ít bị ô nhiễm, hiệu quả kinh tế mang lại khá cao, trung bình lãi 18 triệu đồng/300 m2/vụ nuôi (khoảng 4 tháng)”.

Cá chạch bùn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP được tiêu thụ tốt tại các nhà hàng ở TP Rạch Giá

Nguồn: Tepbac.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Tôm càng xanh: Đổ xô nuôi sẽ được mùa mất giá

Chỉ trong 1 năm, diện tích nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa của huyện Thới Bình (Cà Mau) đã tăng lên 4.000ha so với năm 2016, đưa tổng diện tích nuôi tôm càng xanh của huyện này lên gần 12.000ha. Đây được xem là năm có diện tích nuôi tăng đột biến, khiến mối lo ngại về điệp khúc được mùa – mất giá lại tái diễn.

Lãi cao, người dân đổ xô nuôi tôm càng xanh làm diện tích tăng vọt.

Mô hình bền vững, thu lãi cao

Theo đánh giá của ngành chuyên môn, việc nuôi xen canh tôm càng xanh trên ruộng lúa được xem là mô hình kinh tế hiệu quả, ổn định và bền vững, chưa kể đây cũng là một mô hình nuôi trồng thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay.

Tại tỉnh Cà Mau những năm qua, mô hình nuôi xen canh tôm càng xanh trên ruộng lúa ở huyện Thới Bình đã khẳng định tính hiệu quả từ năng suất, chất lượng cho đến giá trị của con tôm. Với nhiều tính ưu việt đó, mô hình đã phát triển thêm diện tích ở một số huyện khác như: U Minh, Trần Văn Thời, Cái Nước.

Theo Phòng NNPTNT huyện Thới Bình, mô hình đã thích ứng rất tốt với điều kiện tự nhiên, rủi ro dịch bệnh thấp, hạn chế sử dụng hóa chất độc hại, tạo ra sản phẩm sạch và tăng thu nhập trên cùng một diện tích cho bà con trồng lúa. Những năm qua, năng suất bình quân con tôm luôn đạt từ 150-220 kg/ha.

Theo nhiều nông dân áp dụng mô hình, sau khi trừ hết chi phí, bà con thu lãi từ 20-30 triệu đồng/ha, thậm chí có hộ đạt gần 50 triệu đồng/ha/vụ tiền lãi với loại tôm càng xanh toàn đực.

Lo ngại vấn đề đầu ra

Với hiệu quả kinh tế cao, người dân tại các huyện U Minh, Trần Văn Thời, Cái Nước bắt đầu phát triển ồ ạt diện tích nuôi tôm càng xanh. Tuy nhiên, điều đáng lo hiện nay là đầu ra ổn định cho con tôm vẫn chưa có lời giải.

Theo khảo sát của phóng viên, dù chưa bước vào vụ thu hoạch đồng loạt nhưng giá tôm càng xanh hiện chỉ từ 100.000-110.000 đồng/kg. Với mức giá này, người nông dân vẫn có lợi nhuận, tuy nhiên nhiều người lo ngại khi bước vào chính vụ thu hoạch, giá sẽ giảm mạnh.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Trần Văn Lê (xã Tân Bằng, huyện Thới Bình), cho biết: Gia đình tôi thực hiện mô hình nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa từ cách đây khoảng 6 năm. Bình quân mỗi năm với 1ha diện tích, gia đình có thu nhập tăng thêm từ con tôm càng khoảng 20 triệu đồng.

Cũng theo ông Lê, trong vụ tôm – lúa năm nay, người dân địa phương mở rộng diện tích nuôi và thả nuôi mới tôm càng xanh nhiều hơn mọi năm. Điều này khiến nhiều người lo ngại thương lái sẽ ép giá khi vào vụ thu hoạch đồng loạt. Bởi như vụ tôm năm 2016, khi người dân bước vào vụ thu hoạch rộ, giá tôm bất ngờ sụt giảm từ 20.000-50.000 đồng/kg so với năm trước.

Ông Kiều Văn Chiến – Chi Hội trưởng Chi hội Thuỷ sản ấp Lê Hoàng Thá (xã Tân Bằng), cho biết: Từ trước đến nay, nông dân nơi đây luôn mua bán trực tiếp với thương lái, ai mua giá cao thì nông dân bán, chứ chưa thông qua một hình thức bao tiêu đầu ra hay thông qua một tổ hợp tác nào cả. Chính vì vậy, giá cả đều do thương lái quyết định. Bên cạnh đó, nhiều hộ nuôi đã chọn giải pháp mang tôm trực tiếp ra các chợ bán lẻ để có giá thành cao hơn.

Từ thực tế trên, UBND huyện Thới Bình khuyến cáo người dân, giải pháp tạm thời hiện nay là không thu hoạch ồ ạt cùng cao điểm mà thu hoạch lúa trước, tôm thu hoạch sau, tốt nhất là qua cao điểm dịp Tết Nguyên đán nhằm để tôm lớn hơn và bán được giá hơn. Điều này vừa giải quyết tình trạng sản lượng tôm tăng ồ ạt gây mất giá, vừa tăng lợi nhuận cho bà con.

Về lâu dài, huyện sẽ liên kết với trường Đại học Cần Thơ tìm đầu ra cho tôm càng xanh. Đồng thời, địa phương sẽ gặp gỡ, trao đổi với các doanh nghiệp, hợp tác xã có điều kiện để làm đầu mối trung gian thu gom tôm của bà con.

Được biết, trong vụ thả nuôi năm nay, địa phương cùng với Trường Đại học Cần Thơ phối hợp tổ chức thực hiện thí điểm mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa với hình thức cho ăn dặm. Với quy mô 12ha cho 12 hộ dân ở ấp 3 và ấp 9 xã Thới Bình, mỗi hộ tham gia được Trường Đại học Cần Thơ hỗ trợ 100% con giống, 50% chi phí cải tạo ao đầm và thức ăn cho tôm.

Bên cạnh đó, huyện Thới Bình còn được hỗ trợ từ dự án “Tôm càng xanh toàn đực trên ruộng lúa” với quy mô 270ha trải đều ở các xã và thị trấn từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới vào đầu năm 2017.

Nguồn: Danviet.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Thanh Chương – Nghệ An: Nuôi thành công tôm càng xanh trên ruộng lúa

Trạm Khuyến nông Thanh Chương đã xây dựng mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa ở Thanh Chương và đã thành công.

Người dân xã Thanh Hưng (Thanh Chương) thu hoạch tôm càng xanh.

Mô hình được thực hiện ở ruộng của ông Trần Văn Hải ở xóm Trung Đường, xã Thanh Hưng huyện Thanh Chương. Với 1,5 ha ruộng lúa; sau 4 tháng nuôi ông Hải đã có tôm thu hoạch, loại to 6 con/kg, loại trung bình 10 con/kg. Với giá bán bình quân 220.000 đồng/kg ông thu về 235 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 100 triệu đồng, chưa kể tiền thu về từ 2 vụ lúa.

“Tôi thấy nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa có hiệu quả nhiều so với nuôi cá vụ 3. Sắp tới tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích và hướng dẫn cho những ai muốn phát triển nghề nuôi tôm càng xanh” – ông Hải vui mừng chia sẻ”.

Trong những năm qua, trên địa bàn huyện Thanh Chương nghề nuôi trồng thủy hải sản phát triển đáng kể; với nhiều hình thức nuôi trồng khác nhau, song đối tượng nuôi chủ yếu là cá truyền thống mà hiệu quả lại không cao. Xuất phát từ thực tế trên, Trạm Khuyến nông huyện đã tham mưu, xây dựng mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa tại xã Thanh Hưng.

Sau 4 tháng triển khai thực hiện mô hình đã mang lại giá trị thu nhập cao góp phần hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế ô nhiễm môi trường và tăng tính bền vững trong sản xuất.

Ông Trần Đình Bình – Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Thanh Chương đánh giá, qua quá trình nuôi cho thấy, tôm càng xanh là đối tượng nuôi mới nhưng nó phù hợp với điều kiện thời tiết của địa phương, kỹ thuật nuôi đơn giản, hiệu quả cao.

Thực tế cho thấy, trong quá trình nuôi tôm càng xanh cũng gặp không ít khó khăn nhất là về con giống và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Bởi con giống phải vận chuyển từ các tỉnh Long An, An Giang về bằng đường máy bay nên chi phí rất lớn. Trong lúc đó tỷ lệ sống chỉ đạt từ 40 – 50%.

Thêm vào đó, giá của tôm càng xanh cũng cao nên đối tượng tiêu thụ cũng chỉ dành cho những người có thu nhập cao và các nhà hàng, quán ăn nên đối tượng nuôi trồng cũng phải lựa chọn cụ thể, rõ ràng.

Chính vì thế, trước khi nhân ra diện rộng, huyện đang phối hợp với nhà cung cấp giống và các nhà khoa học thực hiện nghiêm các quy trình.

Việc xây dựng thành công mô hình nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa ở Thanh Chương đã giúp người dân nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện tiếp cận được với đối tượng nuôi mới, phương thức nuôi mới có hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập trên đơn vị diện tích; khai thác có hiệu quả các chân ruộng trũng trên địa bàn huyện, tăng tính bền vững trong sản xuất và giảm thiểu ô nhiễm môi trường do dùng thuốc bảo vệ thực vật.

Nguồn: Báo Nghệ An được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Tác hại thuốc chống nấm trong nông nghiệp đến động vật giáp xác

Theo một nghiên cứu mới của các chuyên gia từ Đại học Barcelona và Đại học Portsmouth (Anh) thuốc chống nấm và thuốc trầm cảm phát hiện trên các hệ thống sông làm giảm lượng thức ăn tôm ăn vào và tăng tốc độ bơi của tôm.

Thuốc chống nấm được dùng trong nông nghiệp ảnh hưởng đến giáp xác ngoài tự nhiên.

Ở châu Âu, châu Á, Australia và Nam Mỹ nguồn nước có hàm lượng cao các chất chống nấm được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp. Thuốc chống trầm cảm cũng được tìm thấy trong các con sông ở thủ đô nơi có hệ thống nước thải có hàm lượng thuốc cao.

Các sản phẩm hóa học này được đưa vào môi trường nước do không được loại bỏ hoàn toàn ở các nhà máy xử lý; chúng có thể tích lũy trong não của một số loài cá.  Và những ảnh hưởng của sự kết hợp của các chất độc khác nhau đã không được biết đến. Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã phân tích ảnh hưởng của thuốc chống trầm cảm và thuốc diệt nấm tới sinh vật phù du và các loài giáp xác như tôm cua.

Giáo sư Alex Ford cho biết: “Hầu hết các con sông trên thế giới đều tiếp nhận chất gây ô nhiễm từ nước thải ngành nông nghiệp và các hệ thống nước thải có nồng độ thuốc cao. Dung dịch hỗn hợp các chất này có thể không gây chết người, nhưng gây tổn hại đến hệ sinh thái và thủy sinh vật.”

Giảng viên Isabel Muñoz từ Đại học Barcelona cho biết: “Nghiên cứu này cho thấy tác động của 2 chất này với hàm lượng thấp làm thay đổi hành vi của tôm Gammarus pulex, làm giảm lượng thức ăn ăn vào và tăng tốc độ bơi khi có độc tố. “

Nghiên cứu về hành vi bơi lội đã chứng minh rằng động vật bơi nhanh hơn sau khi tiếp xúc với thuốc diệt nấm và thuốc chống trầm cảm, tuy nhiên, khi chúng tiếp xúc với cả hai yếu tố, như trong nguồn nước bị ô nhiễm ngoài tự nhiên, sự phối hợp 2 chất này làm cho chúng bơi chậm hơn và dễ dàng trở thành con mồi cho những loài ăn thịt khác.

“Sự thay đổi hành vi bơi lội và ăn uống tác động tới sự phát triển, sinh sản và sự sống còn của động vật giáp xác, một thành phần quan trọng trong chuỗi thức ăn.” Tác giả cảnh báo.

Nguồn: Báo cáo của: University of Barcelona được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Băn khoăn đầu ra tôm càng xanh

Những năm qua, tôm càng xanh trên ruộng lúa đã bắt đầu “bắt nhịp” trên đồng đất Thới Bình và rải rác ở các huyện: U Minh, Trần Văn Thời, Cái Nước. Từ hiệu quả ban đầu, người dân ồ ạt mở rộng diện tích. Tuy nhiên, vấn đề đầu ra vẫn còn là câu hỏi lớn.
Băn khoăn đầu ra tôm càng xanh

Người dân huyện Thới Bình đang bước vào thu hoạch tôm càng xanh và lo lắng mất giá nếu thu hoạch đồng loạt.

Hiện nay, diện tích tôm càng xanh trên ruộng lúa của huyện Thới Bình gần 12.000 ha, tăng khoảng 4.000 ha so với năm 2016. Đây là năm tăng diện tích nuôi đột biến của huyện trong nuôi tôm càng xanh.

Sự đột biến trên ngoài nguyên nhân do người dân nhận thấy tính hiệu quả của mô hình mà tự ý mở rộng diện tích, còn phải kể đến sự “cộng hưởng” từ việc đầu tư những mô hình mới. Ví như dự án “tôm càng xanh toàn đực trên ruộng lúa” với quy mô 270 ha trải đều ở các xã và thị trấn từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới vào đầu năm 2017.

Ngoài ra còn có sự “góp mặt” của mô hình thí điểm của trường Đại học Cần Thơ với hình thức cho tôm càng xanh ăn dặm trên diện tích thí điểm 12 ha. Mô hình này đang hứa hẹn 1 kết quả “đẹp” về năng suất.

Những lợi ích “kép” mà tôm càng xanh trên ruộng lúa mang lại trong thời gian qua không cần bàn cãi. Mô hình này vừa thích ứng với điều kiện tự nhiên, nhất là ít rủi ro về dịch bệnh, vừa hạn chế sử dụng hoá chất độc hại, tạo ra sản phẩm sạch, tăng thu nhập cho bà con.

Ông Nguyễn Bạch Đằng, ấp Lê Hoàng Thá, xã Tân Bằng, huyện Thới Bình, cho biết: “Gia đình tôi bắt đầu nuôi tôm càng xanh từ năm 2013, hiệu quả khá cao, tầm khoảng 150-200 kg/ha/năm. Năm nay thấy bà con nuôi đại trà, không biết thương lái có ép giá không. Theo tôi biết thì vùng trên giá cũng cao, mà ở đây chỉ từ 100.000-110.000 đồng/kg”.

Hiệu quả là vậy, tuy nhiên, không ai có thể khẳng định chắc chắn việc phát triển diện tích ồ ạt như hiện nay thì nguồn tôm nguyên liệu sẽ bán đi đâu. Và cuối cùng người có thể chịu thiệt vẫn là những nông dân chân lấm tay bùn.

Phó chủ tịch UBND xã Tân Bằng Lê Tuấn An cho biết: “Chi phí thả tôm càng xanh trên ruộng trung bình khoảng 1,5 triệu đồng/ha, nhưng lãi cao vì không tốn tiền thức ăn. Về đầu ra thì hiện tại chưa ổn định, chủ yếu phụ thuộc thương lái, địa phương cũng có khuyến cáo nhưng do nông dân tự phát mở rộng diện tích”.

Theo Chủ tịch UBND huyện Thới Bình Trần Văn Dũng, từ mô hình thí điểm của trường Đại học Cần Thơ, năm nay huyện sẽ liên kết với trường tìm đầu ra cho tôm càng xanh. Địa phương sẽ liên kết, tìm những người có điều kiện để làm đầu mối trung gian thu gom tôm của bà con. Giải pháp tạm thời hiện nay là không thu hoạch ồ ạt vào cao điểm mà thu hoạch lúa trước, để tôm lại chờ qua Tết, tôm lớn bán được giá hơn, vừa giải quyết tình trạng sản lượng ồ ạt mất giá, vừa tăng lợi nhuận cho bà con.

Nguồn: Báo Cà Mau được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Công nghệ mới – Nuôi tôm càng xanh toàn cái

Các nhà khoa học Israel đã có ý tưởng rằng nuôi tôm càng xanh toàn cái, thay vì toàn đực có thể là sự lựa chọn hợp lý hơn vì cái ít hung hãn hơn và cũng ít tranh giành lãnh thổ hơn so với tôm đực và đây được cho là mô hình phát triển tương đối đồng nhất giữa các cá thể.

 Nuôi tôm càng xanh toàn cái có sự đồng đều và kích thước lớn hơn. 

Trong nghề nuôi giáp xác, kích cỡ hình thái giữa đực và cái là yếu tố chính quyết định lợi thế của nuôi trồng thuỷ sản đơn tính so với các quần thể hỗn hợp cả hai giới tính. Yếu tố này đặc biệt phù hợp đối với tôm càng xanh, Macrobrachium rosenbergii vì sự phức tạp của quá trình nuôi do cấu trúc xã hội phức tạp của đối tượng này, trong đó đàn những cá thể đực chiếm ưu thế, thường tranh giành lãnh thổ và ức chế sự tăng trưởng của những con đực và con cái nhỏ hơn.

Do đó, các nhà khoa học Israel đã có ý tưởng rằng nuôi tôm càng xanh toàn cái, thay vì toàn đực có thể là sự lựa chọn hợp lý hơn vì cái ít hung hãn hơn và cũng ít tranh giành lãnh thổ hơn so với tôm đực và đây được cho là mô hình phát triển tương đối đồng nhất giữa các cá thể.

Thí nghiệm

Trong báo cáo này, các nhà khoa học đã có đánh giá thực địa so sánh trên quy mô lớn lần đầu tiên của quần thể tôm càng xanh toàn cái so với nuôi hỗn hợp tôm với điều kiện nuôi cùng mật độ ở hình thức quảng canh và thâm canh trong ao đất. Nghiên cứu dựa trên cơ sở áp dụng công nghệ sinh học mới của Isreal dựa trên phương pháp sinh học mới bằng việc tiêm vào tế bào tuyến nội tiết nhằm tạo ra tôm càng xanh toàn cái.

Kết quả

Trong cả hai điều kiện nuôi thâm canh và quảng canh, ao nuôi tôm càng xanh toàn cái đã cho kết quả tốt hơn so với ao nuôi hỗn hợp cả hai giới tính trong hầu hết các thông số chủ yếu trong nuôi trồng thủy sản, bao gồm tỷ lệ sống và sản lượng trên một ha (năng suất).

Tăng trọng của ao nuôi tôm toàn cái ở hình thức quảng canh và thâm canh

So sánh sự tăng trọng giữa hai nhóm tôm nuôi

Ngoài ra, những ao thả cá có mật độ thả cao cho thấy tỷ lệ chuyển đổi thức ăn tốt hơn trong ao nuôi tôm càng xanh toàn cái so với nuôi hỗn hợp. Hơn nữa, trong khi kích thước trung bình không khác biệt đáng kể giữa ao nuôi thì quần thể tôm toàn cái thể hiện sự thống nhất về kích thước lớn hơn đáng kể.

Kết luận

Nghiên cứu của các nhà khoa học Isreal cho thấy rằng đối với tôm càng xanh M. rosenbergii, việc nuôi tôm toàn cái là một phương pháp bền vững để sản xuất một vụ tôm thành công và đồng nhất.

Nguồn: Sciencedirect được tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Nuôi tôm trên núi kiếm trăm triệu mỗi năm

Hàng chục hộ dân tại tỉnh Đồng Nai từ lâu sinh sống bằng nghề nuôi tôm trên núi đá. Hàng chục ha diện tích mặt nước trong xanh giúp họ thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Nghề nuôi tôm ở vị trí đặc biệt này tồn tại từ lâu tại xã Trà cổ, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Hiện ở địa phương này có gần 50 ha mặt nước trong xanh trên núi dành để nuôi tôm.

Thu hoạch tôm ở Trà Cổ

Cách đây đến vài chục năm, nghề nuôi tôm trên núi đá ở đây đã hình thành. Những hồ nước hình thành trong không gian tuyệt đẹp, khí hậu trong lành lại đem đến nguồn thu nhập nuôi sống người dân.

Tôm được nuôi ở các hồ đá là loại tôm càng xanh, thân lớn, thịt chắc thơm ngon. Thức ăn dành cho chúng không phải thức ăn công nghiệp mà là cám từ bắp và các loại thực phẩm tạp ở miền quê do người dân tự chế biến.

Sản phẩm tôm trên núi

Theo một cán bộ xã Trà Cổ, hiện tại địa phương có khoảng 45 hộ làm nghề nuôi tôm càng xanh. Anh Đoàn Nam Quốc, một hộ nuôi tôm, cho biết nhà anh có hai hồ nuôi với tổng diện tích vài nghìn m². Mỗi đợt thu hoạch tôm cách nhau khoảng 4 tháng. Tôm nước ngọt có màu pha xanh bắt mắt, có con dài đến 25cm, trung bình cứ khoảng 10-15 con nặng 1kg.

Việc nuôi tôm ở vùng núi mang nét độc đáo của địa phương

Hiện, tôm này có giá gần 200.000 đồng/kg. Trung bình mỗi năm với diện tích 1 ha, người nuôi tôm thu về khoảng 200-300 triệu đồng.

Các hộ nuôi tôm cho biết cứ đến đợt thu hoạch thương lái từ các vùng đến thu mua.

Nụ cười mùa thu hoạch

Theo các cán bộ địa phương, hầu hết các hồ có diện tích lớn hình thành lâu đời từ đặc thù địa chất, cũng có nơi ở vùng trũng người dân tự khơi thành ao sử dụng tạo nên nguồn sống mang nét đặc thù cho vùng đất này.

Nguồn: Báo Người lao động được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Vì sao tôm chậm lớn?

Tôm chậm lớn hay tôm còi ảnh hưởng rất lớn đến năng suất của vụ nuôi do vậy cần theo dõi trọng lượng tôm hằng ngày để phát hiện kịp thời nguyên nhân làm tôm chậm lớn từ đó đưa ra giải pháp kịp thời.

Tác hại của tôm chậm lớn

1. FRC của tôm cao tốn kém thức ăn.

2. Tôm chậm lớn kéo dài thời gian thu hoạch làm tăng chi phí nuôi.

3. Làm giảm giá trị tôm nuôi, giảm năng suất sản lượng tôm nuôi.

Nguyên nhân và cách phòng bệnh của tôm chậm lớn

1. Chất lượng con giống kém

Nếu nguồn giống bố mẹ cho đẻ càng nhiều lần thì chất lượng tôm giống càng kém hoặc tôm giống kém chất lượng do quá trình chăm sóc, vận chuyển chưa đúng cách. Do vậy phải lựa chọn tôm giống có chất lượng, tuyệt đối không thả giống trôi nổi trên thị trường.

Phương pháp lựa chọn tôm giống: Lựa chọn con giống của nhà sản xuất có uy tín. Xét nghiệm PCR và test khuẩn trên môi trường thạch. Nếu tôm không đạt chuẩn kiên quyết loại bỏ.

2. Tôm mắc bệnh còi MPV (Monodon Baculovirus) và HPV (Hepatopancreatic virus)

Dấu hiệu tôm bắt mồi kém, vỏ sậm màu, bơi lội lờ đờ, dễ bị ký sinh trùng hoặc rong bám, nặng hơn chết rải rác trong thời gian nuôi.

Chưa có biện pháp trị: Ngay khi phát hiện tôm bệnh phải bắt bỏ những con tôm bị còi ra khỏi ao bằng cách đặt chà ( dùng rò tre nhỏ bỏ cành cây lá khô, dụ bắt tôm còi)

Biện pháp phòng:

+ Không dùng tôm giống có nhiễm mầm bệnh MBV.

+ Tẩy dọn ao, bể nuôi như phương pháp phòng chung. Thường xuyên diệt khuẩn môi trường ao nuôi.

+ Nuôi tôm đúng mùa vụ, quản lý chăm sóc tốt, cung cấp đầy đủ thức ăn về chất và lượng. Không để tôm sock trong quá trình nuôi.

+ Kiểm dịch nguồn tôm bố mẹ trước khi cho đẻ.

+ Xử lý nước nguồn nước kỹ trước khi ấp trứng thì có thể sản xuất được đàn tôm Postlarvae không nhiễm virus MBV.

3. Tôm bị bệnh phân trắng

Sau khi tôm bị mắc bệnh phân trắng nếu không kịp thời chữa trị tôm yếu dần khả năng hấp thu chất dinh dưỡng kém làm cho tôm bị chậm lớn.

Khi phát hiện tôm bị bệnh phân trắng cần có biện pháp điều trị kịp thời.

4. Vi bào từ trùng

Enterocytozoon hepatopenaei (EHP) ký sinh trong tế bào gan tụy của tôm, chúng sử dụng dinh dưỡng, năng lượng dự trữ trong gan tụy khiến cho tôm nuôi không đủ dinh dưỡng cho sự tăng trưởng và lột xác.

Phòng: Xét nghiệm con giống trước khi thả nuôi, tuyệt đối không để cua còng vào ao, diệt giáp xác thật kỹ khi thả nuôi.

Khuyến cáo: sử dụng vôi nóng (CaO) xử lý ao để có thể đạt độ pH đáy ao trong quá trình cải tạo cao hơn 11 – 12 để làm chết mầm bệnh EHP.

5. Mật độ quá dày, sinh khối lớn

Khi nuôi tôm mật độ quá dày, những chất dinh dưỡng cần thiết cung cấp cho tôm không đủ để tôm phát triển và lột xác.

Khuyến cáo: nuôi tôm thâm canh thì mật độ thích hợp là dưới 100con/m2. Định kỳ bổ sung khoáng vào thức ăn tôm và khoáng tạt vào ao nuôi. Nếu đánh khoáng nên đánh vào buổi tối.

6. Lạm dụng kháng sinh trong phòng, trị bệnh

Người dân thường sử dụng kháng sinh để phòng bệnh cho tôm và dùng quá liều kháng sinh khi trị bệnh giảm khả năng chuyển hóa thức ăn của tôm làm tôm chậm lớn.

Lưu ý khi sử dụng kháng sinh phòng bệnh cho tôm: dùng đúng liều đúng chu trình 5-7 ngày tránh lờn thuốc. Sau đó cần bổ sung sorbitol 2g/1kg thức ăn nhằm giúp tôm đào thải kháng sinh, sau khi dùng men vi sinh 3 ngày phải cho tôm ăn men đường ruột.

>> Không sử dụng kháng sinh phòng bệnh cho tôm giống và tôm nuôi, vì sẽ gây lờn thuốc và giảm khả năng chuyển hóa thức ăn của tôm.

7. Thức ăn kém chất lượng, chất lượng nước ao nuôi xấu

Thức ăn kém chất lượng cũng là nguyên nhân làm tôm chậm lớn do tôm không đủ dinh dưỡng để tăng trưởng. Do đó phải bảo quản thức ăn đúng nơi quy định. Không được để bao thức ăn dưới sàn đất.

Thường xuyên theo dõi các yếu tố môi trường nước (Độ kiềm, Fe, NO2, NH3..) trong ao để nhanh chóng điều chỉnh.

Không được sử dụng thuốc trừ sâu để cải tạo ao.

Trên đây là những nguyên nhân phổ biến làm cho tôm bị chậm lớn, chúc bà con một vụ mùa bội thu.

Nguồn: Tepbac.com được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.