Nuôi kết hợp tôm hùm với bào ngư và xẹm xanh

Nghề nuôi tôm hùm phát triển nhanh và tập trung ở một số khu vực hẹp nên chất thải của hoạt động nuôi tích luỹ ngày càng nhiều gây tác động xấu đến môi trường. Để duy trì và phát triển nghề nuôi thuỷ sản theo hướng bền vững thì không còn con đường nào khác là phải hạn chế tối đa tác động xấu đến môi trường.

Ý tưởng nuôi kết hợp được nhiều nhà khoa học đề cập đến như nuôi khép kín gồm cá, vẹm, rong biển. Chất thải của cá làm gia tăng nguồn dinh dưỡng trong thuỷ vực tạo điều kiện cho tảo biển phát triển. Tảo làm thức ăn cho vẹm, phân thải của vẹm lại bổ sung dinh dưỡng cho rong biển. Vẹm được chế biến thành thức ăn cho cá, sau đó thức ăn dư thừa từ các lồng nuôi cá lại thúc đẩy sự phát triển của vẹm, rong biển và tảo, tạo nên vòng chuyển hoá dinh dưỡng và năng lượng khép kín trong thuỷ vực. Viện Nghiên cứu NTTS III thực hiện đề tài nhà nước “Nghiên cứu công nghệ và xây dựng quy tình nuôi kết hợp đa đối tượng hải sản trên biển theo hướng bền vững”. Đề tài thuộc chương trình KC 06 thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ. Địa điểm được triển khai tại Xuân Tự, huyện Vạn Ninh, Khánh Hoà.

Hai lồng nuôi tôm hùm 25m2/lồng, mật độ thả 100con/lồng, kích thước tôm ban đầu trên 100 gam/con. Một lồng nuôi đơn, một lồng ghép thêm các đối tượng vẹm xanh, rong sụn và bào ngư. Tỷ lệ ghép giữa tôm hùm, vẹm xanh, rong sụn là 2:25:30 (theo trọng lượng). Vẹm xanh được nuôi bằng phương pháp treo dây xung quanh lồng, kích thước giống 2-3cm/con. Mỗi dây vẹm bố trí 4 cụm (0,5 kg vẹm giống/cụm). Rong sụn được treo bằng dây trong và xung quanh lồng và cách mặt nước 50cm. Rong giống thả cỡ 1,5kg/1mdây. Cách 20cm treo một cụm.

Bào ngư được thả nuôi bằng lồng nhựa xung quanh lồng nuôi tôm hùm. Lồng nuôi bào ngư có kích thước 30x40x25cm. Mật độ thả ương: 200 con/lồng. Sau 1 tháng nuôi chuyển sang các rổ có mắt lưới lớn hơn để nuôi thương phẩm. Mật độ: 20-30 con/lồng. Viện Nghiên cứu NTTS III đã tiến hành nuôi bào ngư ở các mật độ khác nhau 10, 20, 36, 75 và 88 con/lồng. Mỗi mật độ bố trí nuôi bào ngư theo các nhóm kích thước khác nhau. Thức ăn cho bào ngư là rong câu chỉ vàng, rong sụn.

Theo dõi các yếu tố môi trường như pH, nhiệt độ, hàm lượng oxy hoà tan, độ mặn, đo 1 lần/tuần. Các yếu tố như nitrate, phosphate, ammonium-nitrogen, tổng N, tổng P được xác định 1 lần/tháng.

Theo dõi tốc độ sinh trưởng: Định kỳ 15 ngày đo trọng lượng và chiều dài các đối tượng nuôi 1 lần.

Thức ăn cho tôm hùm là các loại cá tạp, thân mềm, tôm nhỏ, cua…Thường xuyên vớt bỏ thức ăn thừa, kiểm tra đáy lồng. Hằng ngày lặn kiểm tra thức ăn thừa, sức khoẻ tôm, chất đáy, địch hại như cua, ghẹ, cá nóc…quanh lồng. Lượng thức ăn và thức ăn dư thừa được cân đo hằng ngày để xác định hệ số tiêu tốn thức ăn.

Kết thức thí nghiệm, Viện nghiên cứu NTTS III đã tổng kết và đánh giá hiệu quả kinh tế của các mô hình nuôi như sau:

Hàm lượng ni tơ (N), phốt pho (P) tổng số trong nền đáy lồng nuôi ghép thấp hơn nuôi đơn.

Tốc độ sinh trưởng trung bình về trọng lượng của tôm hùm ở lồng nuôi đơn là 0,48%/ngày và 0,53%/ngày ở lồng nuôi ghép, sinh trưởng của bào ngư là 1,47%/ngày, vẹm xanh là 0,57%/ngày và của rong sụn là 3,97%/ngày.

Không có sự khác nhau về sinh trưởng khi nuôi bào ngư ở các mật độ 10, 20, 36 và 75 con/lồng. Tuy nhiên, ở mật độ 88 con/lồng thì tốc độ sinh trưởng có sự sai khác ý nghĩa thống kê, đó là tốc độ sinh trưởng của bào ngư giảm. Tỷ lệ sống của bào ngư giảm khi tăng mật độ nuôi.

Hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi ghép cao hơn nuôi đơn, lợi nhuận thu được tăng 42,44% trong khi chi phí đầu tư chỉ tăng thêm 16,42%, tổng chi phí sản xuất tăng 39,37%.

Nguồn: Viện NTTS III được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Tự tạo cơ hội: Nuôi vẹm bằng tre

Người dân sống quanh vùng vịnh Xuân Đài, TX.Sông Cầu (Phú Yên) đã có sáng kiến nuôi vẹm xanh bằng tre khá lạ mắt và cho thu nhập cao, trong khi chi phí đầu tư ban đầu rất thấp.

Trong mấy tháng qua, vịnh Xuân Đài bỗng nở rộ chuyện người dân gom cây tre đem về tập kết trước nhà. Cây tre được sơn màu xanh khiến ai cũng tò mò. Lần hỏi thì mới biết, những cây tre đó là dụng cụ dùng để nuôi vẹm xanh, còn người dân dùng sơn xanh sơn lên cây tre để chống mục, cây sẽ có tuổi thọ lâu hơn trong nước mặn.

Cách nuôi lạ

Ông Phan Văn Toàn, một nông dân ở ngã ba Trung Trinh dầm mình dưới nước, tay đang ấn mạnh cây tre xuống lớp bùn dưới vịnh Xuân Đài, nằm cách xa bờ hàng chục mét. Cách cắm cây tre cũng khá đơn giản. Đầu 3 cây tre cột chụp lại, gốc cây rẽ ra thành hình tam giác, kiểu kiềng ba chân và giằng đá để khỏi nổi lên khi bị gió bão lay mạnh.
Trước khi cắm tre, ông Toàn quấn vải mùng giữa thân tre đoạn ngâm dưới nước, chừa trống lại phần gốc cắm dưới bùn và phần ngọn nhô trên mặt nước. Ông Toàn chia sẻ kinh nghiệm: “Sở dĩ phải quấn vải mùng là để có độ nhám cho vẹm bám vào. Đây là nghề mới của người dân ven vịnh Xuân Đài. Những năm gần đây, mỗi khi dùng tre cắm xuống vịnh làm nhà chồ (nhà chòi) quay rớ (quay vó) thì vẹm bám dày nên năm ngoái có người mua tre cắm thử thì nuôi vẹm rất hiệu quả, nên hiện nay hàng trăm người đổ xô mua tre mang về để nuôi vẹm”.

Chi phí thấp, thu nhập cao

Ông Trần Bảy, người dân ở Vũng Mắm đã nuôi vẹm bằng cách này, nhẩm tính: “Chi phí mỗi cây tre chỉ tầm 40.000 đồng, cộng với chi phí quấn vải mùng chừng 50.000 đồng. Năm ngoái, tôi cắm thử 20 cây tre, trung bình mỗi cây tre có 20 – 30 kg vẹm bám vào, thu hoạch bán với giá 20.000 đồng/kg. Như vậy, mỗi cây tre thu vào giá thấp nhất 400.000 đồng. Chỉ một vụ đã thu hồi vốn, lãi được 300.000 đồng/cây tre. Năm sau thu hoạch bao nhiêu là lãi bấy nhiêu, vì loài này không cho ăn mà chỉ tốn công thăm nom, chăm sóc”. Cách thu hoạch vẹm xanh cũng khá đơn giản. Khi thu hoạch thì bơi thúng chai (thuyền thúng) ra khu vực cắm tre nuôi, nhổ lấy các cây tre gác ngang qua thúng chai, rồi cầm rựa cùn gạt lên lưới để vẹm rơi xuống.

Hiệu quả thấy rõ nên năm nay ông Bảy tiếp tục đầu tư thêm 200 cây tre để cắm tiếp dưới vịnh Xuân Đài. “Với số lượng đó, mỗi vụ tôi sẽ thu nhập trên 80 triệu đồng. Thời gian nuôi loại này cũng ngắn, chỉ cần 10 tháng kể từ khi cắm tre xuống vịnh là vẹm đủ lớn để thu hoạch”, ông Bảy phấn khởi.

Hiện vịnh Xuân Đài có diện tích mặt nước khoảng 13.000 ha. Hàng ngàn người dân quanh vùng đến đây vừa làm nghề nuôi tôm hùm, vừa nuôi vẹm thì sẽ có nguồn thu khá ổn định. Trong 2 năm gần đây, vẹm xuất hiện nhiều bám vào bờ đá, lồng nuôi tôm hùm. Ông Ngô Xuân Lai, Trưởng trạm Khuyến nông – Khuyến ngư TX.Sông Cầu, cho biết mô hình nuôi vẹm đang phát triển mạnh ở vịnh Xuân Đài. Loại vẹm xanh đang nuôi không có dịch bệnh, trong quá trình nuôi không đầu tư thức ăn, bán được giá nên được nhiều người dân nuôi.

Nguồn: Thanhnien.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Cho vẹm xanh sinh sản trong điều kiện nuôi giữ

Bằng cách sử dụng những phương pháp tài tình, một nhóm các nhà khoa học đã cho vẹm xanh sinh sản thành công trong điều kiện nuôi giữ. Các nỗ lực của họ có thể sớm đem lại cho nền kinh tế của New Zealand khoảng 138,5 triệu USD mỗi năm.

Cho vẹm xanh sinh sản trong điều kiện nuôi giữ. 

Sau nhiều năm nghiên cứu ở Nelson, các phương pháp này (tắm bằng nước ấm và sử dụng các thiết bị rung) đã tạo ra lứa con giống đầu tiên để đem nuôi thương phẩm và hiện chuẩn bị thu hoạch.

Roberts giải thích rằng các thí nghiệm đã được thực hiện với ánh sáng, âm thanh và nhiệt độ nước khác nhau, cuối cùng họ đã có được một sự kết hợp giữa ánh sáng, nhiệt độ và độ rung nhẹ thích hợp để kích thích vẹm xanh sản sinh ra một lượng tối đa trứng và tinh dịch.

Ông cũng nhấn mạnh: “Hiện chúng tôi đã có thể sản xuất hàng tỷ trứng vẹm xanh mỗi tháng và tin tuyệt vời là chúng đã phát triển mạnh mẽ, phát triển nhanh hơn và vẹm có thịt nhiều hơn (chắc hơn)”.

Về phần mình, Bruce Hearn là chủ tịch của Tổ chức Nuôi trồng thủy sản New Zealand đã bày tỏ hy vọng về ý nghĩa của nó đối với ngành công nghiệp này. Ông cho biết: “Có rất nhiều khía cạnh đối với trứng ở tự nhiên, khác biệt cả về số lượng cũng như về chất lượng. Chúng ta không bao giờ biết khi nào thì có chúng và khi nào thì có thể lấy được, vì vậy không chắc chắn. Một trong những thuận lợi của việc ấp trứng đó là chúng ta sẽ biết lúc nào có và có thể lên kế hoạch thực hiện. Điều đó sẽ tạo ra một sự khác biệt to lớn. Thật khó có thể đánh giá đúng sự khác biệt mà nó sẽ tạo ra, nhưng đó là một thuận lợi lớn”.

Hơn nữa, Gary Hooper là giám đốc điều hành của tổ chức trên cho biết rằng việc ấp trứng vẹm xanh là một thay đổi lớn đối với ngành này, khi nó mở ra một loạt các cơ hội xung quanh việc chọn giống và phát triển sản phẩm ở các lĩnh vực chất lượng cao như các chế phẩm hỗ trợ dinh dưỡng và các siêu thực phẩm.

Nguồn: The FIS.COM được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật sản xuất giống và nuôi thương phẩm vẹm xanh

Vẹm vỏ xanh (Perna viridis Linne, 1758) là một loài động vật thân mềm hai mảnh vỏ, sống phân bố rộng khắp ở các vùng biển nhiệt đới và á nhiệt đới, trong đó có Việt Nam. Theo độ sâu, chúng phân bố từ trên dưới tuyến hạ triều đến 20m nước, ở độ sâu 5 – 6m nước có mật độ tương đối cao.

Vẹm vỏ xanh là loài có giá trị kinh tế, hàm lượng chất dinh dưỡng cao, được nuôi phổ biến làm nguồn thực phẩm cho con người và những đối tượng nuôi khác. Trong tự nhiên, vẹm xanh thành thục quanh năm nhưng tập trung vào hai vụ chính là các tháng 1 – 5 và tháng 8 – 10. Tuyến sinh dục của vẹm tồn tại ở 3 hình thức: đực, cái và lưỡng tính. Khi vẹm thành thục, tuyến sinh dục của con đực màu trắng sữa, con cái màu đỏ cam.

Chọn giống và kích thích phóng tinh, đẻ trứng

Vẹm được chọn cho đẻ là những cá thể khỏe mạnh, có kích thuớc từ 85 – 100mm, tức là vẹm đã trên 1 năm tuổi tính từ giai đoạn ấu trùng, đây là giai đoạn vẹm có tuyến sinh dục phát triển chín muồi. Nuôi từ 3 – 7 ngày, cho ăn các loài tảo đơn bào như: Chaetoceros sp, Nanochlopsis sp, Platymonas sp… và thường xuyên sục khí, thay 40 – 60% nước hàng ngày. Sau khi làm vệ sinh vỏ, dội qua nước ngọt, nước biển và đem rải đều phơi nắng 20 – 30 phút, cho vào lồng treo trên bể đẻ đã chuẩn bị sẵn. Tiếp tục dùng vòi dội mạnh nước mặn đã được lọc sạch đã qua xử lý chlorine hoặc viên aquasep. Qua nhiều công đoạn, vẹm bố mẹ bị kích thích, trứng, tinh trùng được phóng ra và thụ tinh trong nước. Khi ngửi thấy mùi tanh, kiểm tra dưới kính hiển vi có trứng được thụ tinh thì vớt vẹm bố mẹ ra ngoài.

Ương ấu trùng nổi

Sau khi trứng thụ tinh phát triển thành ấu trùng chữ D (Veliger) sẽ được chuyển sang bể ương ấu trùng. Mật độ ấu trùng từ 2 – 3,5 con/ml. Thêm nước trong những ngày đầu và thay từ 25 – 30% nước từ ngày thứ 5 trở đi. Kiểm tra kích thước ấu trùng 2 ngày/lần. Giai đoạn ấu trùng chữ D cho ăn tảo đơn bào Nanochloropsis sp, Chaetoceros sp… lượng tảo cho ăn 5 – 10 ngàn tế bào/ml, ngày cho ăn 2 lần vào sáng và chiều mát. Từ giai đoạn tiền kỳ đỉnh vỏ về sau, ban đêm vào 21 – 22 giờ có thể cho ăn thêm men bánh mì. Thời gian này, độ mặn của nước phải đảm bảo từ 30 – 34%; sục khí 24/24 giờ để đảm bảo nhiệt độ 24 – 30oC.

Thu ấu trùng và phương pháp nuôi

Thả vật bám làm từ dây nylon, tấm nhựa, lưới… được vệ sinh sạch để ấu trùng bám khi ấu trùng có điểm mắt. Có thể thu được con giống cỡ 3 – 5mm sau khoảng 50 ngày kể từ khi đẻ. Môi trường sống của vẹm xanh rất thích hợp các thủy vực kín, ít sóng gió và có dòng chảy lưu thông. Chất lượng nước giàu thức ăn tự nhiên, có độ mặn từ 20 – 30%; nhiệt độ 23 – 30oC; pH 7,5 – 8,5; oxy hòa tan 4 – 5mg/l.

Có nhiều phương pháp nuôi khác nhau như cọc bê tông, cọc gỗ, treo băng bè hoặc dây treo… Nuôi treo bằng phao hoặc bằng bè được sử dụng rộng rãi vì phù hợp ở những vùng có sóng gió, dễ di chuyển và thao tác. Sau 2 năm có thể thu hoạch vẹm thương phẩm với kích thước 10 – 15cm, khối lượng 80 – 120g.

Nuôi vẹm xanh

Vẹm xanh là đối tượng nuôi trồng thuỷ sản mới, có giá trị kinh tế. Vẹm xanh dễ nuôi và trong quá trình nuôi, không cần bổ sung thức ăn cho chúng.

Cách nuôi : Có thể chọn các vùng đầm hồ, các vùng cửa vịnh để nuôi vẹm xanh, song môi trường nước phải trong sạch, không bị nước thải công nghiệp pha trộn…

Dụng cụ nuôi: Dùng loại rổ nhựa mắt dày, đường kính 50cm trở lên, hai mặt trên và dưới rổ được lót bọc bằng những tấm lưới dày hoặc vải màn để chống các loài sinh vật làm hại. Mỗi rổ thả khoảng 500 con. Sau đó đem rổ nuôi thả chìm xuống nước theo cọc tiêu đã được đóng trước. Rổ nuôi vẹm phải nằm ở vị trí cách đáy đầm 30-50cm. Để cố định được vị trí các rổ, nên cho vào rổ những hòn đá thích hợp và cố định bằng dây buộc trên cọc tiêu. Môi trường nước nuôi phải đảm bảo sự ổn định tương đối về độ mặn, độ pH, nhiệt độ khi thời tiết thay đổi.

Chăm sóc: Hai bên cửa sông nơi có nhiều thực vật phù du, mùn bã hữu cơ (là những thức ăn chính của vẹm) là những vùng đất thuận lợi để vẹm xanh phát triển vỏ tốt nhất… Trong quá trình nuôi phải chú ý khâu làm vệ sinh rổ. Cần cọ rửa rổ sạch sẽ để tiêu diệt các loại sinh vật khác sống ký sinh trên vẹm (nhất là con hàu).

Trung tâm Khuyến ngư tỉnh Khánh Hoà đã nuôi thử nghiệm vẹm xanh ở đầm Nha Phú, theo phương pháp đóng cọc trên diện tích 10.000ha. Đến nay đã có trên 100 hộ nuôi vẹm xanh, sản lượng vẹm thương phẩm ước tính khoảng 40 – 50 tấn/năm.

Thu hoạch: Vẹm nuôi trên cọc, trên giàn, trong rổ cách xa lớp đáy bùn bẩn nên rất sạch. Khi vẹm đạt cỡ 8cm (chiều dài vỏ) trở lên, vào thời kỳ đó tuyến sinh dục phát triển mạnh nhất, nếu mở con vẹm thấy đỏ rực, vàng rộm hay vàng sữa là thu hoạch được.

Trước đây nguồn vẹm giống phụ thuộc vào khai thác tự nhiên, nhưng ngày nay chúng ta đã bắt đầu cho vẹm sinh sản nhân tạo và nuôi thành vẹm hàng hoá.

Nguồn: Vietlinh.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật nuôi vẹm xanh quy mô công nghiệp.

Với chi phí đầu tư thấp, hình thức nuôi đơn giản, không yêu cầu kỹ thuật cao, ít bệnh, lợi nhuận cao…Vẹm xanh là một đối tượng có thể cung cấp đầy đủ yêu cầu như vậy.

Đặc điểm sinh học.

Vẹm vỏ xanh (Perna viridis Linnaeus. 1758) là loài động vật nhuyễn thể hai mảnh vỏ.

khi còn nhỏ vẹm có mau xanh, lúc trưởng thành vỏ có màu nâu đen. Mặt trong của vỏ màu trắng óng ánh.

Sinh trưởng, sinh sản. 

Là loài sinh trướng chậm, sau 18-24 tháng đạt kích cỡ thương phẩm. Khi đạt được độ dài vỏ từ 80mm trở lên vẹm bắt đấu sinh sản. Ấu trùng vẹm trôi nổi trong nước và qua nhiều lần biến thái thành vẹm giống và sống bám váo các vật cứng trong nước. Ở các vùng nước chảy có các rạn đá ngầm, vào mùa sinh sản thường thấy có vẹm con bám vào đá.

Một số kỹ thuật nuôi thương phẩm.

Hình thức dây treo. 

Vì là loài sống cố định nên lựa chọn vị trí nuôi mang yếu tố quyết định cho vụ nuôi. Lựa chọn khu vực nuôi.

Độ mặn của nước dao động từ 18 – 32‰ (kể cả trong mùa mưa), dòng chảy từ 0,2 – 0,5m/s, độ trong từ 2m trở lên. Độ sâu từ 0,5m xuống -1m so với số 0 hải đồ (thấp hơn so với mép sóng từ 4 – 5m).

Giàn treo: Dùng cọc đóng thẳng hàng theo chiều vuông góc với dòng chảy của nước. Khoảng cách mỗi cọc từ 1,5 – 2m (làm vào lúc thủy triều ở mức 0 – 0,3m). Dùng dây thép buộc chặt các cây xà ngang qua các đầu cọc, xà treo cách mặt bãi khoảng 1 – 2m.

Túi thả giống: Vải màn hoặc săm cước được cắt nhỏ và may thành các ống lưới có đường kính 4 – 5cm, dài từ 30 – 40cm. Nếu dùng nilon thì dán thành các ống túi có kích thước như trên, sau đó dùng kéo cắt thủng túi có đường kính 2 – 3mm.

Giống cỡ 1cm (tương đương hạt Dưa hấu) được cho vào túi. Mỗi túi chứa khoảng 1.000 con. Buộc chật miệng tủi vảo dây bám, treo túi lên xà treo hoặc bè. Nếu treo trên bè thi thả túi xuống độ sâu 2.5m – 3.5m.

Quản lý chăm sóc. Sau khoảng 5 – 10 ngày, kiểm tra thấy vẹm đã mọc tơ chân và bám vào dây nilon thì dùng kéo hoặc dao cắt bỏ túi. Thường xuyên kiểm tra giàn treo và dây treo, nếu có sự cố phải được sửa chữa ngay.Khi vẹm lớn lên, nếu thấy mật độ quá dày thì dùng dao nhỏ hoặc kéo cắt tơ chân một số cá thể để tỉa chùm vẹm thưa hơn. Số cá thể cắt ra lại cho vào túi như khi thả giống để tạo ra những dây treo giống mới.

Hình thức nuôi cọc. 

Yêu cầu của hình thức nuôi cọc thì tương tự như hình thức nuôi dây treo.

Máng bám giống: Máng xi măng hoặc bể nhựa dài khoảng 2 – 3m; rộng 0,5m; cao 0,5m. Có thể tạo máng bằng cách dùng gỗ tạp đóng khung máng có kích thước tương tự và trải nylon hoặc bạt nhựa để chứa nước.

Cọc bằng gỗ khô, loại gỗ không có nhựa độc, chiều dài cọc 2 – 2,5m, đường kính từ 11 – 15cm.

Dây bám giống: Chão bẹ dừa hoặc chão cói có đường kính 1,5 – 2cm, dài 2,5 – 3cm.

Đưa nước biển sạch và có độ mặn tương đương với nơi nuôi vào bể composite hoặc máng. Sục khí và thả giống vào bể, đưa dây bám vào đáy bể theo chiều dài của máng và sợi dây nằm giữa các lớp vẹm giống ở dưới đáy.

Sau 3 – 5 ngày vẹm mọc tơ chân bám vào dây thì đem chuyển ra bãi nuôi.

Quản lý chăm sóc. Thường xuyên kiểm tra và điều chỉnh độ vững chắc của cọc, nếu mật độ vẹm quá dày thì cần tỉa thưa. Các cá thể tỉa ra lại cho vào máng (bể) bám đề tạo dây giống mới.

Nguồn: Tổng hợp lại bởi Farmtech VietNam.

 

 

Công dụng kỳ diệu từ Vẹm Xanh

Vẹm Xanh là loài gì?

Vẹm xanh, hay còn gọi là vẹm vỏ xanh (green mussels) là loài trai có hai mảnh vỏ, thường được tìm thấy ở vùng biển châu Á – Thái Bình Dương và đã được nuôi nhiều tại Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam. Tuy nhiên, vẹm xanh lại phát triển mạnh mẽ nhất ở vùng biển ngoài khơi Australia và New Zealand.

Loài này được nuôi và thu hoạch làm thực phẩm nhưng nó cũng là loài tiết chất độc ở các bến cảng và gây hư hại cho các cấu trúc chìm như đường ống.

Vẹm Xanh

Vẹm vỏ xanh tiết ra chất tơ giúp nó bám vào đáy đá, sỏi, san hô, gỗ. Vẹm vỏ xanh ăn thực vật phù du và chất lơ lửng trong nước. Vẹm vỏ xanh được nuôi ở Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam.

Chúng sống tự do dọc bờ biển trong môi trường nước có độ mặn dao động từ 20-30%, chất đáy là đá, sỏi, san hô… Khi còn nhỏ, vẹm vỏ xanh có vỏ màu xanh, lúc trưởng thành thì vỏ chuyển màu nâu đen. Với đặc tính sống bám vào một vật cố định, vẹm xanh thường rất dễ đánh bắt, quan sát. Thức ăn của vẹm chủ yếu là sinh vật phù du và các chất lơ lửng trong nước.

Công dụng từ Vẹm Xanh

Vẹn Xanh là một trong những loài trai có giá trị kinh tế và bổ dưỡng, trong đó nổi trội nhất là về công dụng chữa trị các bệnh về khớp ch con người, cụ thể như: giúp ngăn ngừa, chống lại các bệnh như viêm khớp, thấp khớp, loãng xương, thoái hóa khớp.

Đau khớp

Trong vẹm rất giàu hàm lượng vitamin, protein, khoáng chất, các enzyme và glycosaminoglycans, giúp đẩy lùi hiệu quả các triệu chứng khó chịu mà bệnh viêm khớp gây ra. Ngoài việc giảm đau, vẹm xanh còn có tác dụng “hàn gắn” các khớp và sụn bị tổn thương bằng cách cung cấp các dinh dưỡng quan trọng (chondroitin, glucosamine) cho quá trình phục hồi được diễn ra nhanh hơn.

Đối với người bình thường, vẹm xanh sẽ giúp cải thiện độ linh hoạt và dẻo dai cho các khớp xương, từ đó làm tăng khả năng vận động và phòng ngừa các bệnh viêm nhiễm.
Không những tốt cho xương-khớp-sụn, gân, dây chằng và các cơ bắp cũng được vẹm xanh củng cố hiệu quả, giúp hạn chế các cơn đau nhức nếu cơ thể vận động quá sức.
Canh chua Vẹm Xanh
Như vậy có thể thấy, Vẹm Xanh là loài có giá trị kinh tế và dinh dưỡng khá cao, có thể sử dụng như là một món ăn đầy chất lượng hàng ngày: canh chua, nướng mỡ hành.
Tuy giá thành khá đắt, trung bình từ 90 -100 nghìn/kg, nên khi mua Vẹm Xanh nên chọn lọc từ những nơi có uy tín để có được chất lượng tốt nhất.
Tổng hợp từ Farm tech Viet Nam