Nuôi vịt trời – một vốn bốn lời.

Suốt 30 năm làm nghề nuôi vịt thịt, ông vua “vịt” Nguyễn Thanh Tuyền (xã Lộc Ninh, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh) thấy nếu cứ mãi “cắm đầu” vào con vịt thịt, thì hệ số lãi suất không cao, nên đã ném cả chục tỷ đồng để lập trang trại vịt trời.

Vịt trời vào trang trại

Tiếp tôi tại bộ bàn đá đặt cạnh ao thả vịt trời, ông Tuyền thở phào: “Tôi vừa lên xã xin lập dự án nuôi vịt trời. Cán bộ xã bảo phải lập dự án mới vay tiền ngân hàng được. Ngày trước làm theo kiểu nông dân, thấy gì làm nấy, đâu cần làm dự án. Bây giờ thiếu tiền mới làm dự án để vay ngân hàng”. Ý định của ông Tuyền là sẽ vay ngân hàng vài ba tỷ đồng để mở rộng quy mô nuôi vịt trời.

Ông Nguyễn Thanh Tuyền cho đàn vịt trời 5 ngày tuổi ăn. Đây là số vịt trời giống ông triển khai cho siêu dự án vịt trời.

Nói về cái nghiệp nuôi vịt của mình, ông Tuyền nhớ lại: “Thuở thiếu thời tôi sống ở miền sông nước đồng bằng sông Cửu Long nên không lạ gì con vịt trời. Thậm chí, tôi còn cùng chúng bạn rủ nhau đi săn vịt trời ngoài đồng ruộng, nên đã sớm ấp ủ tham vọng sẽ phải thuần hóa và nuôi bằng được loài vịt này”. Nhìn đàn vịt trời bố mẹ tới 1.500 con ông Tuyền đang thả trong ao, thi thoảng từng tốp bỗng đập cánh bay vù vù, tôi hỏi ông Tuyền: Nếu cả đàn vịt kia “sổ lồng” bay đi mất thì sao? Ông Tuyền cười lớn rồi nói: “Chúng đã được tôi thuần hóa hết rồi, thi thoảng mới có 5-10 con bay lạc mất thôi, chứ đã nuôi giống này mà lúc nào cũng lo nó bay đi mất thì hơi sức đâu mà lo”.

Để có chỗ nuôi giữ đàn vịt trời “khủng” trên, ông Tuyền đã “đổ” vào đây cả chục tỷ đồng để biến đầm lầy rộng 5ha thành trang trại.

Thấy tôi thắc mắc, thuần hóa được vịt trời đã đành, nhưng quan trọng lấy giống đâu để mà nuôi nhiều thế, ông Tuyền cười nói: “Đúng là thời gian đầu phải nói nôm na là đi nhặt nhạnh về nuôi. Tôi lần mò vô những xã vùng sâu, vùng xa của Long An, Đồng Tháp… mua mỗi lúc vài con vịt trời trong dân về làm giống. Họ bắt vịt trời Hoang dã từ đồng về cắt ngắn lông cánh để vịt không bay rồi nuôi như vịt nhà”.

Thấy cách tìm giống như thế “phiêu” quá, ông đã bắt xe ra ngoài Bắc, tìm về Bắc Giang rồi “tậu” một lúc hàng trăm con vịt trời giống. Theo ông Tuyền, nếu bình quân mỗi con bố mẹ có giá 1 triệu đồng như hiện nay, chỉ riêng đàn vịt trời giống của ông đã phải bỏ ra gần 2 tỷ đồng. Ngoài đàn vịt giống này, ông còn có hơn 15.000 vịt trời đang nuôi bán thịt. Hiện trong trang trại vịt trời của ông Tuyền luôn có 20 công nhân lo chăm sóc, ăn uống, xử lý nước cho đàn vịt trời với mức lương 3 triệu đồng/tháng.

Một vốn, bốn lời

Gần 30 năm nuôi vịt thịt, cuối cùng ông Tuyền cũng gác lại để chuyển sang đầu tư nuôi vịt trời. Đâu là nguyên nhân để vua “vịt” bám đuôi con vịt trời? Lý do, theo ông Tuyền là do giá cả vịt thịt thất thường lại hay bị dịch Bệnh nên nghề nuôi vịt khó phát triển, mà đầu tư nuôi vịt trời lại siêu lợi nhuận, dễ nuôi, nên ông đã chuyển đổi mô hình chăn nuôi để có hiệu quả hơn.

Để minh chứng cho tôi thấy lợi nhuận của nghề nuôi vịt trời, ông Tuyền đã phác thảo cho tôi vài con số. Theo ông Tuyền, nuôi một con vịt siêu thịt cùng một thời gian nuôi ăn thức ăn bằng 4 – 5 con vịt trời. Trong khi đó, khi bán một con vịt trời giá gấp 2 – 3 lần con vịt siêu thịt. “Vịt trời khá dễ nuôi. Thịt thơm, ngon, ngọt, xương nhuyễn hơn vịt thịt nên hiện thị trường rất ưa thích” – ông Tuyền chia sẻ.

Bình thường, để nuôi vịt trời, ông Tuyền thường chọn mua những con giống vài ba tuần tuổi, sau khi nuôi khoảng 3 -4 tháng, trọng lượng vịt trời có thể đạt hơn 1,3kg. Lúc này vịt có thể xuất chuồng với giá hiện thời là 250.000 – 300.000 đồng/con tại các nhà hàng, tiệm ăn. Trung bình, cứ 5 ngày trang trại của ông Tuyền có thể bán ra 3.000 con vịt trời, tương đương với số tiền thu về từ 750 – 900 triệu đồng. Như vậy mỗi tháng trang trại nhà ông Tuyền thu về trên dưới 4 tỷ đồng. Mặc dù bán được số lượng vịt lớn như vậy, nhưng ông Tuyền vẫn chưa hài lòng, vì theo ông, lượng vịt bán ra phải cao hơn nữa mới đạt yêu cầu về quy mô của trang trại. Được biết, với mỗi con vịt trời bán ra, chỉ cần với giá 100.000 đồng là đã hòa vốn, bởi tuy giá giống đắt, nhưng bù lại tiền thức ăn lại ít hơn hẳn so với vịt thịt.

Sau một thời gian tiếp cận thị trường Tây Ninh, Đồng nai… đến nay, ông Tuyền đang tìm cách bán vịt trời cho thị trường trọng điểm TP.HCM. Bởi theo ông, đây là thị trường chủ lực để triển khai một “siêu” dự án nuôi vịt trời lớn nhất Việt Nam sắp tới.

Siêu dự án vịt trời

Đến thời điểm này, ông Tuyền đang có 3 trại nuôi vịt trời. Theo dự tính, ngay sau Tết Nguyên đán, ông sẽ tăng đàn vịt trời lên khoảng 50.000 con. Tuy nhiên, đó không phải là “siêu” dự án mà ông đang dự tính triển khai. Bằng chứng là ông đang cho ương đàn vịt giống lên cả 100.000 con với 200 chuồng ương giống.

Trong khu vực ương vịt trời giống, hàng ngàn con vịt con từ vài ngày cho đến chục ngày tuổi lúc nhúc trong những chuồng ương. Những đàn vịt trời này một phần giúp ông thực hiện một dự án “khủng” nuôi vịt trời lớn nhất Việt Nam ở đất phương Nam. “Trước khi cho đám vịt con này tiếp nước, tiếp đất tôi phải cho tiêm ngừa đầy đủ” – ông Tuyền nói.

Theo kế hoạch ông sẽ hợp tác với 3 nông dân triển khai một dự án nuôi vịt trời rộng 1.000ha. “Chúng tôi đã thống nhất kế hoạch triển khai dự án này rồi. Trang trại sẽ có diện tích 1.000ha tại khu vực cạnh hồ Dầu Tiếng. Trong khu đất này có khá nhiều hố bom, những thung lũng có thể chứa nước nuôi vịt trời, kết hợp thả nuôi cá” – ông Tuyền cho biết. Bên cạnh đó, cũng theo ông Tuyền, sắp tới sẽ triển khai nuôi vịt trời bằng thảo dược chứ không nuôi bằng thức ăn thường như hiện nay. “Nhu cầu ăn chơi của người dân ngày càng đòi hỏi không những ngon mà còn độc đáo, nên tôi cũng phải tìm mọi cách nâng cao chất lượng sản phẩm vịt trời của mình nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường” – ông nói.

Để manh nha thực hiện “siêu” dự án vịt trời, từ lâu trong trang trại vịt trời của ông Tuyền lúc nào cũng có một chuyên gia người Đài Loan chuyên xử lý nước và các vấn đề liên quan đến kỹ thuật với mức lương “khủng”. Tham vọng của ông Tuyền là sẽ chinh phục thị trường vịt trời cho toàn bộ các tỉnh miền Nam.

Nguồn: kythuatnuoitrong.edu.vn được kiểm duyệt bởi FarmTech VietNam.

Một số lưu ý khi úm gia cầm trong mùa lạnh

Gia cầm non dễ bị tổn thương, đặc biệt thời tiết lạnh làm chậm hoặc không tiêu túi lòng đỏ, gây viêm, ảnh hưởng đến sức khỏe, làm giảm sức đề kháng, kế phát nhiều bệnh gây tăng tỷ lệ chết, giảm năng suất, chất lượng đàn gia cầm. Vì vậy để hạn chế các tác động có hại đến gia cầm non, khi úm cần chú ý một số vấn đề sau đây:

1. Quây úm

Để tập trung nguồn nhiệt, tránh gió lùa, trong thời gian úm nên sử dụng các tấm cót quây với chiều cao 50 cm, thường quây hình tròn hoặc hình ê-líp để nguồn nhiệt tỏa đều trong quây. Mỗi quây có đường kính 1,5 – 2 (m) nuôi úm 120 – 200 con. Chất độn chuồng nên đổ dày đều 5 – 7 cm để giữ ấm cho gia cầm. Từ ngày thứ 5 tăng diện tích quây để gà có thể di chuyển dễ dàng đến máng ăn, máng uống. Gia cầm non cần được đưa vào khu vực nuôi úm ngay sau khi xuống chuồng, phân bổ số lượng gia cầm đồng đều vào các quây úm.

Gia cầm non cần được đưa vào khu vực nuôi úm ngay sau khi xuống chuồng

2. Nhiệt độ chuồng nuôi úm

Việc giữ ấm cho gia cầm con theo nhu cầu sinh lý trong các tuần tuổi đầu (đặc biệt là 2 tuần đầu) mới xuống chuồng rất quan trọng. Nếu không đảm bảo đủ nhiệt độ, tỷ lệ nuôi sống, khả năng sinh trưởng sẽ bị ảnh hưởng các bệnh hô hấp, tiêu hoá dễ phát sinh.

Từ ngày 22 – 28 cần chú ý đến tốc độ mọc lông ở gia cầm để điều chỉnh nhiệt độ cho thích hợp.

Trong quá trình nuôi phải quan sát phản ứng của gia cầm đối với nhiệt độ:

+ Nếu gia cầm tập trung gần nguồn nhiệt, chen lấn chồng đống lên nhau là chuồng nuôi không đủ nhiệt độ gia cầm bị lạnh.

+ Nếu gia cầm tản xa nguồn nhiệt nháo nhác, khát nước, há mỏ để thở là bị quá nóng cần phải điều chỉnh giảm nhiệt độ.

+ Nếu gia cầm tụm lại một phía là bị gió lùa rất nguy hiểm cần phải che kín hướng gió thổi.

+ Khi đủ nhiệt gia cầm vận động ăn uống bình thường ngủ, nghỉ tản đều.

Cần quan sát kỹ các biểu hiện của gia cầm trong giai đoạn nuôi úm bởi vì đây là chỉ dẫn tốt nhất về nhiệt độ hợp lý.

Thiết bị sưởi ấm: có thể dùng bóng điện, bóng hồng ngoại ở những nơi có điện hoặc đèn thắp sáng, lò ủ trấu, đốt củi khô ở vùng sâu vùng xa (có ống thoát khói cao, không để khói ảnh hưởng đến gia cầm). Vị trí đặt thiết bị sưởi ấm trong quây hay trong ô chuồng cao hay thấp tuỳ thuộc vào yêu cầu về nhiệt độ ở từng giai đoạn.Chú ý khi dùng bóng hồng ngoại để sưởi ấm, nếu để bóng thấp, nhiệt độ quây úm cao dễ gây khô chân, khô niêm mạc của gia cầm.

Yêu cầu về nhiệt độ (0C) đối với gà:

Ngày tuổi

Nhiệt độ tại quây úm

Nhiệt độ chuồng nuôi

0-3

37

31 – 32

4-7

35

31 – 32

8-14

32

29 – 30

15-21

29

28 – 29

22-35

21 – 28

Yêu cầu về nhiệt độ (0C) đối với vịt, ngan:

+ Ngày tuổi 1 – 3: 32 – 33oC

+ Ngày tuổi 4 – 5: 29 – 31oC

+ Ngày tuổi 6 – 14: 25 – 28oC

+ Từ 15 ngày tuổi: 24 – 25oC

3. Độ thông thoáng

Gia cầm non cần phải được nuôi dưỡng trong điều kiện nhiệt độ phù hợp có đủ không khí sạch. Tuy nhiên chuồng úm gia cầm 1 ngày tuổi phải che kín, sự thay đổi không khí gần như bằng không nhưng vần đủ không khí cung cấp cho gà.

Khoảng 3 ngày sau cần phải thay đổi không khí với tốc độ 0,2 m/giây để tránh bị ẩm thấp, ngột ngạt làm gia cầm chậm phát triển. Điều kiện ngột ngạt, ẩm thấp có thể làm cho bệnh tật phát sinh, các bệnh ký sinh trùng, bệnh cầu trùng và nhiều bệnh truyền nhiễm phát triển mạnh. Gia cầm càng lớn, lượng thức ăn, nước uống tiêu thụ càng nhiều, lượng chất thải lớn do đó không khí chuồng nuôi chứa nhiều khí độc như NH3, H2S, nếu không đủ thông thoáng dễ phát sinh các bệnh đường hô hấp….

4. Mật độ

Tuỳ thuộc vào điều kiện chuồng nuôi, thời tiết, khí hậu mà quyết định mật độ nuôi. Trong điều kiện tất cả các yếu tố khác là thích hợp thì mật độ phù hợp sẽ cho khả năng tăng trưởng càng cao và tỷ lệ nhiễm bệnh càng thấp.

Mật độ nuôi vận dụng cho nuôi nền sử dụng chất độn:

Gà lông màu: 20 – 40 con/ m2

Mật độ nuôi vận dụng trên sàn:

Gà lông màu: 25-50 con/ m2

Ngan, vịt siêu thịt 1 tuần tuổi: 15 – 20 con/m2 nền chuồng, 2 tuần tuổi: 8 – 10 con/m2 nền chuồng, từ 3 – 8 tuần tuổi: 6 – 8 con/m2 nền chuồng. Từ 9 – 25 tuần tuổi: 5 – 6 con/m2 nền chuồng.

5. Chăm sóc nuôi dưỡng:

– Kỹ thuật cho uống:

Nước là nhu cầu đầu tiên của gia cầm khi mới xuống chuồng. Nước cung cấp cho gia cầm uống phải đảm bảo vệ sinh, không được lạnh, tốt nhất là hơi ấm trong 2 ngày đầu. Để tăng sức đề kháng trong những ngày đầu có thể pha vào nước vitamin C hoặc vitamin tổng hợp, liều theo hướng dẫn sử dụng.

Vị trí đặt máng uống phải bố trí cho gia cầm con dễ tiếp cận không bị máng ăn che khuất.

Chú ý đặt máng uống cân và độ cao phù hợp để gia cầm non dễ uống nhưng không nhảy vào máng hoặc vảy nước làm ướt nền chuồng sẽ gây ướt lông làm gia cầm bị lạnh.

– Thức ăn và kỹ thuật cho ăn:

Thức ăn đảm bảo giá trị dinh dưỡng phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của từng giống gia cầm.

+ Máng ăn: 1-3 ngày đầu có thể dùng giấy xi măng, giấy báo cũ trải lên chất độn chuồng để gia cầm dễ ăn. Trong 1-3 tuần đầu sử dụng khay ăn bằng tôn, nhựa với kích thước 3 x 50 x 80 cm cho 100 gia cầm con. Sau 3 tuần nên thay máng ăn dài hoặc máng P50 cho hợp vệ sinh.

Khi dùng máng treo cần phải thường xuyên điều chỉnh độ cao ngang vai gia cầm để ăn dễ dàng và tránh bị rơi vãi thức ăn.

+ Kiểm soát thức ăn

Thức ăn nuôi gia cầm con phải được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng. Sử dụng các nguyên liệu mới, chất lượng tốt, không nấm mốc.

+ Kỹ thuật cho ăn

Sau khi gia cầm đã được uống nước thì cho chúng ăn.

Đối với gia cầm con: Cần cho gia cầm ăn nhiều lần trong ngày. Lượng thức ăn mỗi lần cân đối đủ theo nhu cầu để thức ăn luôn được mới, sạch sẽ, kích thích tính thèm ăn của gia cầm. Mỗi lần cho ăn cần loại bỏ chất độn chuồng và phân lẫn trong máng để tận dụng cám cũ.

Chỉ nên cung cấp một lượng thức ăn nhỏ và sẽ cấp bổ sung khi gia cầm ăn hết thức ăn. Tránh cấp lượng thức ăn lớn gia cầm không ăn hết dẫn đến ẩm, hôi làm mất tính thèm ăn của gia cầm. Hơn nữa thức ăn cho nhiều dẫn đến rơi vãi lẫn với chất độn chuồng, gây nấm mốc, khi gia cầm ăn vào sẽ độc hại, ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng hoặc hít bào tử nấm vào phổi sẽ gây nấm phổi.

6. Thú y phòng bệnh

+ Thực hiện tốt công tác vệ sinh phòng bệnh: đảm bảo yếu tố cách ly, vệ sinh thức ăn, nước uống, chuồng nuôi và môi trường xung quanh. Thường xuyên quan sát, theo dõi sức khỏe đàn gia cầm.

+ Dùng vắc-xin phòng bệnh: Thực hiện tốt lịch phòng bệnh cho gia cầm bằng vắc-xin, tuy nhiên, với những ngày quá lạnh, nên tiêm hoặc nhỏ vắc-xin cho gia cầm vào thời điểm nhiệt độ cao nhất trong ngày, thao tác phải nhanh, đảm bảo nhiệt độ quây úm duy trì ổn định. Trước và sau khi dùng vắc-xin 2-3 ngày, bổ sung vitamin tổng hợp để tăng sức khỏe cho gia cầm và đáp ứng miễn dịch tốt hơn.

Với những ngày quá lạnh, nên tiêm hoặc nhỏ vắc-xin cho gia cầm vào thời điểm nhiệt độ cao nhất trong ngày

Nguồn: Trung tâm Khuyến nông Quốc gia được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Ninh Thuận tổng kết mô hình nuôi vịt biển

Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận tổ chức hội nghị tổng kết mô hình thử nghiệm nuôi vịt biển tại các xã Hộ Hải, Phương Hải, huyện Ninh Hải.

Huyện Ninh Hải là địa phương bị ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu, nhất là tình hình nước nhiễm mặn do nuôi tôm. Thời gian qua, huyện đã nghiên cứu đưa vào thử nghiệm các loại vật nuôi thích nghi với điều kiện mặn cao nhưng không hiệu quả.

Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, năm 2017 Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận phối hợp với Phòng NN-PTNT huyện Ninh Hải tổ chức triển khai thí điểm “Mô hình nuôi vịt biển sinh sản thích ứng với biến đổi khí hậu” tại 2 xã nói trên với quy mô 400 con (200 con/hộ/xã).

Giống vịt được chọn nuôi thử nghiệm là Vịt biển 15 – Đại Xuyên (do Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên – Viện Chăn nuôi nghiên cứu và chọn tạo) đã được nuôi thử nghiệm thành công ở nhiều vùng biển các tỉnh có độ mặn cao như Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kiên Giang, Trà Vinh và 33 điểm ở huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.

Vịt biển 15 – Đại Xuyên

Thời gian thử nghiệm nuôi từ tháng 4 đến tháng 12/2017, đánh giá kết quả sơ bộ như sau:

– Tỷ lệ sống chuyển lên giai đoạn đẻ đạt 90,25% (kết quả có 361/400 con còn sống), đạt cao hơn yêu cầu của mô hình 10,25% (≥80%), vịt đạt trọng lượng từ 2,3 – 2,6kg/con mái, 2,5 – 2,8kg/con trống. Trong tổng số 361 con, đã bán thịt 191 con trống và mái với giá 75.000 đồng/con, trừ các khoản chi phí lợi nhuận gần 20.000 đồng/con; góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế 15% so với các hộ nuôi giống vịt địa phương.

– Số vịt còn lại là 20 con trống/150 con mái, tiếp tục nuôi lấy trứng để nhân đàn; tuổi đẻ bói đầu tiên (rớt hột) là 115 ngày (16 tuần 3 ngày). Đến nay vịt đẻ trung bình 65 trứng/đêm, chiếm tỷ lệ 43,33% (qua 12 tuần đẻ); trọng lượng trứng trung bình đẻ bói đầu tiên là 50gr/trứng, giai đoạn đẻ trứng rạ là 65gr/trứng với giá trứng bán thương phẩm từ 3.000 – 3.500 đ/trứng (trọng lượng trứng còn tiếp tục tăng).

– Đánh giá về sự thích nghi cho thấy, nước uống của vịt được chuyển dần từ độ mặn từ 2 phần nghìn lên đỉnh điểm 15 phần nghìn, vịt từ 0 – 2 tuần tuổi uống nước ngọt, từ 2 – 6 tuần tuổi uống nước có độ mặn từ 2 – 12 phần nghìn, vịt trên 6 tuần tuổi uống nước có độ mặn từ 12 – 15 phần nghìn, giai đoạn này vịt có thể bơi lội trong môi trường nước có độ mặn 20 – 25 phần nghìn.

Việc đưa vịt biển vào nuôi thành công tại Ninh Thuận được xem là giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu, khắc phục các nhược điểm của vịt nước ngọt nuôi các vùng nước lợ vào những tháng có độ mặn tăng cao như vịt giảm sản lượng trứng, bị quăn lông và thường hay bệnh đường ruột. Từng bước góp phần giải quyết bài toán sinh kế cho các hộ vùng nước lợ, nước mặn, nơi độ mặn ngày càng tăng do tình trạng xâm nhập mặn.

Từ những kết quả đạt được, mô hình đã giúp bà con vùng ven biển, những khu vực bị xâm nhập mặn có thêm một lựa chọn đối tượng nuôi mới, không những có khả năng phát triển kinh tế gia đình mà còn thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Thanh Hóa: Đưa Vịt Cổ Lũng từ thoái hóa đến thương phẩm có giá trị

Sau 4 năm tự bỏ tiền túi ra làm nghiên cứu, ThS Trương Tiến Hải – hiện là cán bộ BQL Dự án nguồn lợi ven biển, thuộc Sở NN&PTNT Thanh Hóa – cho biết đã phục tráng thành công giống vịt Cổ Lũng vốn bị lai tạp quá nhiều.

Thạc sỹ Trương Tiến Hải tại mô hình nuôi vịt Cổ Lũng của gia đình

Phục tráng giống vịt với tỷ lệ đồng nhất 95%

Vịt Cổ Lũng (Bá Thước – Thanh Hóa) nổi tiếng xưa nay là giống thủy cầm đặc sản bản địa. Theo mô tả của những người cao tuổi ở địa phương và các hộ nuôi, giống vịt này có đặc điểm mình bầu, chân ngắn, cổ ngắn và to, màu lông giống chim sẻ, đặc biệt quanh cổ có viền khoang trắng, thịt rất thơm ngon.

Thế nhưng, lần đầu tiên quan sát, đo đếm các đàn vịt mà các hộ dân đang chăn nuôi tại địa phương cách đây sáu năm, ThS chuyên ngành nuôi trồng thủy sản Trương Tiến Hải nhận thấy màu sắc của vịt lộn xộn, đen pha trắng, 70% không có khoang cổ, cổ nhỏ và dài. Qua nghiên cứu, anh đánh giá sơ bộ vịt Cổ Lũng đã bị lai tạp với vịt Bầu đất, Bầu cánh trắng, vịt siêu trứng, tỷ lệ lai tạp chiếm đến trên 60%. Nhận thấy loài vịt này có thể phục hồi được nguồn gene, anh đã quyết định đem về cho sinh sản, nuôi ghép, chọn lọc.

Vì muốn tập trung cho nghiên cứu, đầu năm 2014 anh Hải xin thôi vị trí Phó Giám đốc trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ của trường Đại học Hồng Đức, Thanh Hóa, và về nhà mở trang trại.

Bởi việc nghiên cứu hoàn toàn do cá nhân thực hiện, không nằm trong đề tài hay dự án nào thuộc nhà nước nên anh gặp không ít khó khăn. “Đầu tiên phải nói đến vốn đầu tư trang trại, vốn mua thức ăn, mua giống. Đồng lương của giáo viên thì ít ỏi, cho nên tôi phải làm rất nhiều nghề mà đến bây giờ nhiều khi nghĩ mãi không hiểu tại sao lúc đó mình làm được” – anh Hải tâm sự.

Ban đầu, anh Hải chia toàn đàn (có tỷ lệ lai tạp trên 60%) ra làm 6 ô chuồng, mỗi ô chuồng là một đàn khác nhau về nguồn gốc, gồm 2 trống 8 mái. Sau một tháng lấy trứng, anh cho đảo trống giữa đàn nọ với đàn kia, cứ như vậy đến hết lượt. Chỉ những trứng thu trong nửa sau của tháng mới được đưa vào ấp, tránh trường hợp tinh trùng của đàn trống cũ vẫn còn trong đàn mái ban đầu. Sau đó, anh tiếp tục nuôi đàn vịt con lên 4 tháng tuổi, chọn lọc theo đặc điểm gần giống mô tả nhất, rồi lại cho lai theo phương pháp ban đầu. Cứ như vậy sau 4 năm nghiên cứu, Ths Hải đã tạo được đàn vịt sản xuất với tỷ lệ đồng nhất so với mô tả trên 95%, đồng thời có sức đề kháng tốt hơn giống vịt gốc cũ, cân nặng cũng tăng từ trung bình 1,3 kg lên 1,8 kg.

Mở rộng ra các tỉnh khác

Tự hào nói về kết quả của mình, anh Hải cho biết: “Trước khi được phục tráng, số vịt bị lai tạp là 100%, tổng số vịt có trong dân từ 1.000-1.500 con. Sau khi phục tráng, số vịt bị lai tạp giảm xuống còn khoảng 10%, tổng số vịt có trong dân tăng lên hơn 15.000 con. Riêng gia đình tôi ở thời điểm hiện tại sở hữu đàn “ông bà” 100 con, đàn “bố mẹ” 400 con, đàn vịt thịt 1.500 con, vịt giống 1.000 con”.

Theo anh Hải, giống vịt phục tráng chống chịu tốt với biến đổi của thời tiết, ít dịch bệnh, đặc biệt có lợi nếu tận dụng nuôi vào thời điểm sau khi gặt. Anh Hải còn nghiên cứu thức ăn công nghiệp cho giống vịt này với thành phần bao gồm men vi sinh, thảo dược và một số loại ngũ cốc. Kết quả, thời gian nuôi ngắn hơn 20 ngày, hàm lượng glutamic trong thịt (hay độ ngọt của thịt) dựa trên phân tích bằng máy cho thấy cao hơn 2,5 lần so với vịt cánh trắng, trong khi tỷ lệ mỡ thấp.

Do những ưu điểm nêu trên, giờ đây, vịt Cổ Lũng không chỉ được nuôi ở Bá Thước mà còn lan ra các huyện khác như Quan Sơn, Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Hoằng Hóa hay phường Quảng Thành… Khi cung cấp giống cho bà con, anh Hải đều hướng dẫn cách chăm sóc và tiêm phòng cho vịt và hiện đã có hai huyện Bá Thước và Hoằng Hóa chủ động được giống.

Nguồn: Khoahocvaphattrien.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nuôi vịt biển ứng phó với biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu gây nhiều thách thức cho người dân và sản xuất nông nghiệp. Việc triển khai mô hình nuôi vịt biển đang được xem là xu hướng mới nhằm đa dạng hóa vật nuôi, thích ứng với biến đổi khí hậu, cải thiện đời sống và nâng cao thu nhập.

Nghiên cứu giống mới chuyển giao

Theo Cục Chăn nuôi, Việt Nam có đàn thủy cầm đứng thứ hai thế giới sau Trung Quốc. Thủy cầm là con vật dễ nuôi, có khả năng tận dụng các phế phẩm nông lâm nghiệp, côn trùng, thủy sinh làm thức ăn.

Thời gian qua, chăn nuôi thủy cầm đã có những bước phát triển nhảy vọt từ chăn nuôi phân tán, quy mô nhỏ, tự phát, dần chuyển thành chăn nuôi tập trung quy mô lớn. Năng suất và chất lượng sản phẩm ngày càng tăng, lợi nhuận cao, khiến nuôi thủy cầm nhiều địa phương đã trở thành nghề chính.

Hàng năm số đầu vịt tăng bình quân gần 7%, sản lượng thịt vịt, ngan hơi đạt trên 200 ngàn tấn/năm, trứng đạt gần 2 tỷ quả. Việt Nam đang có bộ giống thủy cầm rất phong phú, đa dạng, làm chủ được công nghệ SX con giống thủy cầm bố mẹ với năng suất và chất lượng cao. Các giống vịt siêu thịt, siêu trứng cao nhất thế giới đều được nhập về, đưa vào SX rất hiệu quả.

Nuôi vịt biển đang được xem là xu hướng mới thích ứng với biến đổi khí hậu

Theo Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi gia cầm VIGOVA, giống vịt biển có một số ưu điểm như dễ nuôi, nuôi được ở nước mặn, nước lợ và nhiễm phèn. Tuy nhiên, với mỗi nguồn nước có độ mặn khác nhau thì đều có quy trình nuôi phù hợp.

Giống vịt này năng suất thịt và trứng khá trong nhóm vịt chuyên dụng, cụ thể năng suất trứng đạt từ 235 – 245 quả/mái/năm; vịt thương phẩm nuôi khoảng 9 tuần sẽ đạt được 2,7 đến 2,8 kg, tùy theo điều kiện chăn nuôi. Thực tế ở vùng ĐBSCL, vịt nuôi 70 ngày đã đạt được 2,8 kg cho hiệu quả kinh tế cao.

Ông Dương Xuân Tuyển, GĐ Trung tâm Vigova cho biết: “Trong mấy năm qua, Trung tâm được Bộ NN-PTNT giao nuôi giữ đàn giống gốc chọn lọc nhân thuần. Đến nay chúng tôi đã có được một số giống vịt thuần để nhân nhanh số lượng giống cung cấp cho các tỉnh Nam bộ”.

Theo ông Tuyển, hiện trung tâm đang chọn lọc, nhân thuần và lai chéo các dòng thuần để có giống vịt bố mẹ và vịt thương phẩm cung cấp cho sản xuất. Mỗi năm Vigova đang cung cấp hàng trăm ngàn con giống cho các tỉnh Nam bộ. Ngoài ra, VIGOVA còn nghiên cứu được một số giống vịt khác như vịt siêu thịt, siêu nạc, siêu trứng.

Liên kết phát triển chăn nuôi

Đến cuối năm 2016, tổng đàn vịt khoảng 71,28 triệu con, tập trung nhiều nhất ở vùng ĐBSCL, với tỉ lệ 37,03%, tiếp đến ĐBSH 25,71%, Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung 23,13%, còn các vùng khác dưới 10%. Đặc biệt, một số nơi và cơ sở chăn nuôi đã liên kết thành lập các THT, HTX… hỗ trợ nhau về vốn, tiêu thụ, hình thành chuỗi và xây dựng thương hiệu vịt biển.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Châu, Trung tâm Khuyến nông (TTKN) Long An, trong 2 năm triển khai dự án nuôi vịt kiêm dụng PT, vịt biển nuôi thịt, Long An đã phát triển được 16.000 con. Năm 2016 đã phân bổ 1.600 vịt PT và 6.400 con vịt biển cho các huyện Tân Trụ, Cần Đước. Năm 2017, đã có 8.000 con vịt biển phân cho các xã Tân Phước Tây (Tân Trụ), xã Thạnh Vĩnh Đông (Châu Thành), mỗi hộ 800 con. Các hộ được hỗ trợ 100% con giống 1 ngày tuổi và vật tư, thức ăn (30%), được tập huấn kỹ thuật nuôi vịt biển.

Vịt biển có sức kháng bệnh rất tốt

Kết quả đánh giá cho thấy, vịt thích nghi tốt với điều kiện chăn nuôi của địa phương, tỉ lệ nuôi sống trên 95%. So với các giống vịt địa phương thì vịt biển có sức kháng bệnh tốt, ít xảy ra bệnh. Tất cả các hộ chăn nuôi vịt biển đều có lãi, nuôi 70 ngày lãi gần 14 triệu đồng/800 con, đây là mức thu nhập khá với nông dân.

Tương tự, ông Lưu Thành Long, TTKN Sóc Trăng cho biết, năm qua nhiều hộ chăn nuôi ở Sóc Trăng nuôi vịt biển đều có lời. Thực tế cho thấy giống vịt này dễ nuôi, thích nghi với môi trường phèn mặn, khả năng sinh trưởng nhanh.

TS.Nguyễn Giang Thu, Phó Vụ trưởng vụ KH, CN- MT cũng cho rằng, giống vịt biển đang bắt đầu triển khai nuôi ở ĐBSCL, là mô hình phát triển đúng hướng. Còn ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi nhấn mạnh, khu vực ĐBSCL có nhiều lợi thế nuôi vịt, đặc biệt là nuôi vịt chạy đồng, chiếm 37% tổng số đầu vịt; chiếm 39% tổng sản lượng trứng. Đây cũng là khu vực có đàn vịt lớn và gần đầu mối tiêu thụ thịt vịt là TP.HCM.

Theo ông Trọng, VIGOVA cần tiếp tục nghiên cứu các giống vịt tốt, cao sản phục vụ phát triển chăn nuôi và biến đổi khí hậu, chuyển giao cho các địa phương nuôi. Theo định hướng đến năm 2020 sẽ phát triển lên 100 triệu con vịt, trong đó khoảng 40 triệu vịt chuyên trứng.

Theo nongnghiep.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.

Mô hình nuôi vịt thịt an toàn sinh học

Năm 2017, Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận xây dựng mô hình chăn nuôi vịt thịt an toàn sinh học, sử dụng đệm lót sinh học và dùng chế phẩm vi sinh hoạt tính ủ men thức ăn tại xã Đức Phú, huyện Tánh Linh.

Có 13 hộ dân tham gia thực hiện mô hình. Tham gia mô hình, các hộ được cấp 1.400 con vịt giống siêu nạc VIGOVA. Trước lúc thực hiện mô hình, cán bộ khuyến nông đã hướng dẫn cho các nông hộ làm chuồng trại hoặc tận dụng chuồng trại cũ nhưng đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát về mùa nóng, kín ấm về mùa đông.

Mô hình chăn nuôi vịt thịt an toàn sinh học

Trong quá trình chăm sóc, cán bộ khuyến nông thường xuyên bám sát cơ sở, hướng dẫn nông dân chăm sóc, cho ăn, theo dõi sự phát triển của đàn vịt. Theo đó, nông dân phải cân đong thức ăn đúng liều lượng, thường xuyên vệ sinh thau rửa máng đựng thức ăn, máng nước uống, định kỳ phải được vệ sinh, tẩy uế, phun thuốc khử trùng chuồng trại, tiêm phòng vắc-xin viêm gan siêu vi trùng, viêm gan, cúm gia cầm, dịch tả vịt theo lịch trình.

Nhờ vậy vịt nuôi của mô hình phát triển đồng đều, nhanh. Tỷ lệ sống từ ngày nuôi đến 30 ngày tuổi đạt 99%. Tỷ lệ hao hụt đa phần do cơ học tác động. Trọng lượng  đạt cao nhất 1,8kg/con (hộ chị Trần Thị Lợi và anh Trần Trung Hiếu), đa số đạt 1,6kg/con. Trong thời gian nuôi 45 ngày tuổi, tập thả vịt ra sân vườn để vận động, tỷ lệ sống giai đoạn này đạt 100% và trọng lượng bình quân đạt 2,3kg/con. Sau 60 ngày tuổi, tỷ lệ sống của đàn đạt 100%, trọng lượng bình quân 3,2kg/con.

Tính đến thời điểm này, mức tiêu tốn thức ăn/kg thể trọng tăng là 1,96kg. Mức tiêu tốn thức ăn thấp là do nông hộ cho vịt ăn làm nhiều lần trong ngày và quản lý tốt số thức ăn rơi vãi. Mặt khác, mô hình áp dụng chế phẩm vi sinh hoạt tính ủ men thức ăn nên khả năng hấp thu dinh dưỡng trong thức ăn cao, giảm được khối lượng thức ăn hằng ngày.

Tuy chi phí nuôi vịt theo công nghệ mới cao hơn so với nuôi vịt theo tập quán cũ nhưng hiệu quả kinh tế lại cao hơn. Cụ thể, đầu tư cho 100 con vịt siêu nạc khoảng 9 triệu đồng, ở 60 ngày tuổi trọng lượng bình quân 3,2kg/con, nên giá thành SX 29 nghìn đồng/kg hơi. Giá bán vịt tại địa phương 40 nghìn đồng/kg hơi. Doanh thu đạt 12,4 triệu đồng, lợi nhuận bình quân 3,4 triệu đồng/100 con vịt.

Nuôi thịt vịt an toàn sinh học

Cá biệt như nông hộ Trần Thị Lợi, Trần Trung Hiếu, chăm sóc nuôi dưỡng tốt, vịt phát triển đồng đều, tăng trọng nhanh (bình quân 3,6kg/con), quản lý đàn tốt (tỷ lệ sống 100%) nên thu lợi nhuận cao (4,5 triệu đồng/100 con). Thiết thực hơn nữa, vịt ở mô hình là nguồn thực phẩm an toàn sinh học, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng và vệ sinh môi trường sinh thái.

Theo nongnghiep.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.

Cải thiện năng lượng trong trang trại chăn nuôi

Trong cơ cấu ngành Nông nghiệp, chăn nuôi là khu vực tiêu thụ năng lượng với quy mô lớn hơn nhiều so với trồng trọt, lâm nghiệp và thủy sản. Điều này khiến không ít chủ trang trại chăn nuôi tỏ ra lo lắng trước hóa đơn tiền điện hàng tháng trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao. Tuy vậy, cũng có không ít cách giải quyết vấn đề này. Dưới đây là 5 biện pháp đơn giản có thể đem lại những lợi ích thiết thực về hiệu quả năng lượng cho các chủ hộ chăn nuôi.

1. Hệ thống thông gió chuồng trại:

Chuồng của các loại vật nuôi khác nhau có những yêu cầu về thông gió rất khác biệt. Một hệ thống thông gió có thiết kế hợp lý và hoạt động ổn định là điều cần thiết để nâng cao hiệu quả năng lượng.

– Trước hết, cần lựa chọn những loại quạt có hiệu suất cao, dựa trên tỷ lệ giữa thể tích không gian có gió với lượng tiêu thụ điện năng trong cùng một điều kiện áp suất. Mặt khác, thay vì phải huy động một số lượng lớn quạt ở mọi vị trí trong chuồng trại, việc sắp xếp vị trí quạt theo kiểu dây chuyền sẽ giúp các chủ trang trại tận dụng được sức gió ở vị trí này cho vị trí khác. Điều này sẽ giúp giảm bớt chi phí dành cho việc mua quá nhiều quạt một cách không cần thiết, mở rộng không gian chuồng trại và quan trọng nhất là tiết kiệm năng lượng. Bên cạnh đó, việc bổ sung một số quạt có bệ đỡ xung quanh trang trại cũng đem lại những hiệu quả nhất định. Ngoài ra, cũng cần chú ý đến việc thường xuyên vệ sinh, bảo dưỡng quạt.

– Thứ hai, cần nhận thức được rằng, thông gió tự nhiên vẫn là cách hiệu quả nhất để tối thiểu hóa chi phí điện năng hàng tháng. Các chủ trang trại cần tận dụng tối đa lợi thế từ quy hoạch của mình, tránh những tốn kém cho việc lắp đặt sau này, ví dụ như quan tâm hơn đến độ dày và vật liệu xây tường, vị trí các mái hắt, cửa sổ, cửa ra vào,… Các đường ống thông gió cũng cần được làm sạch thường xuyên. Ngoài ra, đối với những khu chuồng có thiết kế mở (không đủ 4 bức tường), phần không có tường cần hướng về phía mặt trời để quá trình thông gió được diễn ra dễ dàng, đồng thời ánh sáng mặt trời sẽ giúp loại bỏ nhiều vi khuẩn có hại cho vật nuôi.

– Cuối cùng, các chủ hộ cũng có thể thiết kế thêm hệ thống thông gió trên mái nhằm giảm bớt chi phí năng lượng, đặc biệt là ở những vùng có khí hậu nóng ẩm.

2. Hệ thống chiếu sáng:

Tương tự như hệ thống thông gió, đối với hệ thống chiếu sáng, việc lựa chọn các loại đèn có hiệu suất cao, ví trí lắp đặt hợp lý và kế hoạch sử dụng tối ưu là điều vô cùng quan trọng. Về loại đèn, LED là lựa chọn lý tưởng khi tiết kiệm 40-70% so với các loại đèn khác. Trong khi đó, một kế hoạch sử dụng tối ưu có thể được tạo ra thông qua việc kết hợp giữa pin quang điện, công-tơ thông minh và một số thiết bị điều khiển khác. Điều này sẽ giúp đảm bảo rằng việc sử dụng đèn điện chỉ diễn ra khi thực sự cần thiết. Ngoài ra, việc sử dụng linh hoạt công tắc tổng và công tắc riêng cho từng khu vực của trang trại cũng góp phần không nhỏ vào công tác giảm thiểu tiêu thụ năng lượng.

3. Lò sưởi hồng ngoại:

Lò sưởi hồng ngoại là một thiết bị hữu dụng để cung cấp nhiệt tự động đến những nơi có nhu cầu (theo thiết lập của người sử dụng) thay vì phải cung cấp nhiệt liên tục cho toàn bộ hệ thống. Bên cạnh đó, việc lắp đặt thêm các bộ điều nhiệt sẽ giúp hiệu quả năng lượng của trang trại được nâng cao.

4. Hệ thống nước:

Ở một số nước xứ lạnh, hệ thống nước không chỉ có tác dụng làm sạch chuồng trại mà còn kiêm luôn việc cản trở hiện tượng đóng băng mùa Đông gây trở ngại cho vật nuôi. Hiện tượng này là nguyên nhân khiến một lượng lớn điện năng bị lãng phí dành cho việc bơm nước và có thể là cả đun nóng. Các phương thức đơn giản để hạn chế hiện tượng này bao gồm tăng độ dày tường hoặc bổ sung thêm lớp cách nhiệt vào mùa Đông, sơn đen toàn bộ tường và các thiết bị để cải thiện mức độ hấp thụ nhiệt, sử dụng các đường ống có kích thước lớn để giảm áp suất nước do hiện tượng đóng băng, thường xuyên kiểm tra tình trạng đường ống nhằm hạn chế rò rỉ,… Riêng đối với các trang trại có dây chuyền sản xuất sữa, chủ hộ có thể tận dụng ngay nguồn nước ấm thu được sau quá trình làm lạnh sữa để hạn chế tình trạng kết băng chuồng trại.

5. Hệ thống xử lý chất thải vật nuôi:

Chủ hộ cần tính toán chính xác quy mô trang trại của mình, về kích thước cũng như số lượng vật nuôi tối đa để lắp đặt hệ thống xử lý chất thải có kích thước phù hợp. Mặt khác, trong bối cảnh các hệ thống xử lý hiện nay chủ yếu dùng sức nước để xả sạch chuồng trại, việc tích hợp với hệ thống nước và cài đặt nhiệt độ, tốc độ nước thích hợp là rất cần thiết. Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ năng lượng sạch còn cho phép các chủ trang trại tận dụng nguồn chất thải hữu cơ phong phú từ vật nuôi làm nhiên liệu cho sản xuất điện năng. Chỉ với quá trình phân hủy yếm khí đơn giản, họ có thể thu được một hỗn hợp khí chứa tới 60% mê-tan – một loại nhiên liệu sạch và không gây ô nhiễm môi trường.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Nuôi vịt siêu thịt cho lãi cao

Vịt siêu thịt lớn rất nhanh, nhanh hơn vịt ta nhiều lần. Từ vịt mới nở, chỉ cần nuôi 2 tháng rưỡi là đã nặng tới 3 cân. Nếu trong một gia đình chỉ cần một lao động chăn khoảng 30 con vịt siêu thịt thì sau 3 tháng đã có ngót ngét một tạ thịt vịt. Chỉ 75 ngày tuổi, vịt nặng khoảng 2,8 – 3,2kg.

Vịt siêu thịt có thể đẻ được 200 trứng/năm, nhiều hơn vịt ta khoảng 80 trứng. Vừa nuôi để lấy thịt vừa nuôi để lấy trứng đều tốt. ở đồng bằng, người ta thường nuôi theo phương thức tập trung thâm canh, nhưng ở miền núi, nên tổ chức nuôi chăn thả. Nuôi chăn thả năng suất 80 ngày vịt nặng khoảng 3kg.

                                                            Mô hình nuôi vịt

Muốn nuôi vịt hiệu quả nên tổ chức nuôi theo 2 giai đoạn: Giai đoạn gột vịt con và giai đoạn thả chạy đồng.

  • Giai đoạn gột vịt: từ lúc một ngày tuổi tới lúc 20 ngày tuổi. Giai đoạn này cần chuẩn bị thức ăn cho chu đáo và chúng ở trong chuồng là chính. Thức ăn của chúng là cơm, bún, ngô mảnh nấu trộn với tôm, tép, cua, cá hoặc giun đất. Lúc đầu cho chúng ăn từ 5 – 6 bữa/ngày. Từ ngày thứ 11, cho ăn thưa hơn, khoảng 3 – 4 bữa/ngày.

Chú ý: phải cho chúng ăn đủ lượng và đủ chất, đặc biệt là chất đạm, thiếu đạm vịt chậm lớn. Lúc đầu cho vịt ăn những thức ăn mềm. Dần dần, có thể cho chúng tập ăn cơm, ăn gạo ngâm rồi ăn thóc ngâm. Lúc 7 – 8 ngày tuổi, cho vịt làm quen dần với nước để tập bơi. Chỉ vào hôm sau có thể bơi tốt.

  •  Sau 20 ngày cho vịt ra khỏi chuồng để đi kiếm ăn trên đồng. Nên tính toán để làm sao sau khi gặt xong là có thể lùa vịt ra đồng mót lúa. Nếu vịt chưa no, ta có thể cho ăn thêm thóc và các thức ăn giàu đạm. Dọc các sông, ngòi và các bãi sình là chỗ chăn thích hợp. Tôm, tép, ốc, giun, dế và các loại côn trùng là thức ăn hấp dẫn của vịt. Nếu muốn nuôi để lấy trứng thì lâu hơn nuôi lấy thịt. Khoảng tuần thứ 26 thì vịt bắt đầu đẻ tới tuần thứ 66 thì nghỉ.

Nuôi vịt đẻ cần lưu ý, không nên để quá béo, cũng không nên để vịt còi cọc. Lúc vịt bắt đầu đẻ ta phải duy trì được thời gian chiếu sáng là 17 giờ/ngày. Phải đảm bảo nghiêm ngặt điều kiện này thì vịt mới đẻ tốt.

Vịt con cần giữ chân khô khi vào tới ổ. Có thể cho chúng đi qua mùn cưa, qua trấu hoặc cát khô. Chân vịt khô phòng nhiễm bệnh cho vịt con.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Vịt mốc, giống thủy cầm quý hiếm

Vịt mốc có nguồn gốc xuất xứ từ Bình Định, đây là loài gia cầm đặc hữu được Bộ NN-PTNT đưa vào danh mục gia cầm quý hiếm cần được nuôi bảo tồn.

Những năm trước đây, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền Trung (Viện Chăn nuôi Quốc gia) đã thực hiện nhiệm vụ nuôi bảo tồn giống vịt truyền thống này. Tuy có nhiều ưu điểm, nhưng giống vịt mốc vẫn bị các loại vịt khác “cạnh tranh” khốc liệt…

Hàng chục năm bảo tồn

Về thị trấn Diêu Trì (huyện Tuy Phước), hỏi ông “Anh vịt mốc” không ai là không biết. Bởi, ông là người gắn cả cuộc đời của mình vào nghề nuôi vịt và là một trong những người đầu tiên ở Bình Định đồng hành cùng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền Trung trong công tác nuôi bảo tồn giống vịt truyền thống này. Ông là Lê Kim Anh (60 tuổi) ở thôn Vân Hội 1 (thị trấn Diêu Trì).

Theo cho biết của ông Dương Trí Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền Trung, từ năm 2001, Trung tâm nhận nhiệm vụ nuôi bảo tồn loài vịt mốc, giống gia cầm đặc hữu của Bình Định ngay trên đất Bình Định. Phương thức thực hiện là Trung tâm hợp đồng với những trang trại chăn nuôi gia cầm nhỏ để nuôi bảo tồn giống vịt mốc. Ông Lê Kim Anh là một trong những người tham gia đầy nhiệt huyết.

Ông Anh cho biết, đến nay, ông đã có hơn 40 năm trong nghề nuôi vịt đẻ. Từ năm 1981 ông đã nuôi đàn vịt 200 con giống vịt mốc thuần chủng Bình Định. Đến năm 2001, ông tăng đàn lên 2.000 con và bắt đầu tham gia công tác nuôi bảo tồn giống vịt này.
Ông Anh ký hợp đồng với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền Trung (đóng ở TP Quy Nhơn, Bình Định) nuôi bảo tồn 100 con vịt mốc sinh sản, những con vịt trong đàn của ông đều được mang số. Ngoài ra, ông Anh còn phải liên tục nuôi thêm 150 vịt mái con, đến khi chúng trưởng thành, chọn ra 100 con cho mang số để nuôi bảo tồn thay thế khi 100 nuôi trước đó bán xả xác. 

    giống vịt mốc được nuôi

“Trong thời gian tham gia nuôi bảo tồn giống vịt mốc, tui tuân thủ nghiêm ngặt việc ghi nhật ký mỗi ngày gồm có bao nhiêu con đẻ, thức ăn các loại tiêu tốn bao nhiêu. Đối với vịt con hậu bị từ 1 ngày tuổi đến 7 ngày tuổi tăng trưởng được bao nhiêu lạng, đến 14 ngày tuổi tăng thêm được bao nhiêu lạng, đúng 21 ngày cân lại để xem chúng tăng trọng được bao nhiêu để báo cáo với đơn vị hợp đồng. Định kỳ, tui phải lựa chọn kỹ càng ra 1.000 quả trứng, đóng thùng, gửi theo đường tàu hỏa ra Viện Chăn nuôi để làm thí nghiệm. Mặc dù tiền hỗ trợ không nhiều, nhưng vì “mê” giống vịt này lắm nên tui vẫn vui vẻ làm”, ông Anh nhớ lại.

Theo ông Dương Trí Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền Trung, từ năm 2001 đến năm 2013, dự án Bảo tồn quỹ gen vật nuôi quốc gia, do PGS.TS Hoàng Văn Tiệu làm chủ nhiệm đã chọn hộ chăn nuôi gia cầm của ông Lê Kim Anh làm nơi bảo tồn giống vịt mốc. Ngoài ra, công tác bảo tồn giống vịt này còn được thực hiện tại huyện Phù Cát.

Nhiều ưu điểm vẫn khó phát triển

Theo đánh giá của ông Dương Trí Tuấn, vịt mốc là giống bản địa có nhiều ưu điểm, dễ thích ứng với điều kiện khí hậu tại địa phương. Tuy nhiên, do nó không chấp nhận kiểu nuôi “ăn xổi ở thì”, mà phải được chăn dắt, chăm sóc kỹ lưỡng, nên vịt mốc đang bị giống vịt Triết Giang nhập về từ Trung Quốc, còn gọi là vịt siêu trứng “lấn sân” dữ dội.

Ông Lê Kim Anh, người trực tiếp nuôi bảo tồn giống vịt mốc, phân tích: So với vịt siêu trứng, vịt mốc đẻ ít hơn. Nếu 1 năm 365 ngày vịt mốc đẻ được từ 250 – 270 trứng với điều kiện nước đầy đủ và chăm sóc tốt, thì vịt siêu trứng đẻ được từ 290 – 320 trứng. Vịt siêu trứng đẻ liên tục 10 tháng/năm, 2 tháng còn lại nếu ai không muốn “xả xác” để chúng đẻ tiếp vẫn đạt từ 40 – 60%, còn vịt mốc khi đã “xả xác” là bỏ luôn, vì chúng làm lông rất chậm không đẻ thêm được. Vịt siêu trứng có thể nuôi khô, chỉ cần ít nước cho chúng tắm là nuôi tốt, còn muốn vịt mốc phát triển tốt thì điều kiện nuôi phải “giàu” nước, nước càng nhiều càng tốt; nước phải chảy, trong, sạch sẽ, nếu sống trong nước đục chúng sẽ “trụ” không được.

Bù lại, trong điều kiện mưa lạnh kéo dài, vịt mốc chịu đựng rất tốt nhờ bộ lông dày, đầu tháng 9 âm lịch hàng năm là chúng làm lông và bắt đầu đẻ, thì vịt siêu trứng sẽ “co ro” vì bộ lông của chúng rất thưa không chịu nổi giá rét. Nếu như trọng lượng trung bình của vịt siêu trứng chỉ từ 9 lạng đến 1,2kg/con thì vịt mốc nặng từ 1,2 – 1,5kg/con; do đó, khi bán xác, vịt mốc luôn có giá cao hơn vịt siêu trứng 1 nửa tiền. Nuôi vịt siêu trứng chỉ 1 năm là phải thay đàn, còn nuôi vịt mốc phải đến 3 năm mới thay đàn.

“Khi bán xác, nếu vịt mốc được 100.000đ/con thì vịt siêu trứng chỉ 50.000đ/con, vì vịt siêu trứng ít thịt, thịt lại dở hơn vịt mốc đến người tiêu dùng không ưng mua. Đặc biệt hơn hết là trứng vịt mốc to hơn nhiều so với trứng vịt siêu trứng; do đó, trứng vịt mốc trên thị trường luôn cao hơn trứng vị siêu trứng 300đ/trứng”, ông Anh chia sẻ.

Bây giờ, người nuôi gia cầm thích “mì ăn liền” nên chọn nuôi vịt siêu trứng, bởi giống vịt này chấp nhận kiểu nuôi “ăn xổi ở thì”. Theo tôi, vịt mốc đẻ có ít hơn, nhưng giá trứng luôn cao và được thị trường ưa mua hơn, bù qua chế lại hiệu quả như nhau. Thêm vào đó, thời gian sinh sản của vịt mốc kéo dài đến 3 năm, trong khi vịt siêu trứng đẻ 1 năm là phải thay đàn, và đến khi bán xác giá vịt mốc cũng cao hơn một nửa. Tính toán chi li thì nuôi vịt mốc ổn định hơn”, ông Lê Kim Anh bộc bạch.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Một số lưu ý khi nuôi vịt đẻ

Về chuồng nuôi:

Chuồng nuôi vịt cần chắc chắn, xây ở nền đất cao, bên trong chuồng đảm bảo đông ấm, hè mát. Có thể xây gạch hoặc làm bằng tre, gỗ. Mái chuồng lợp ngói, fibroximăng, lá cọ, rạ đều được. Nền chuồng phải cao, không gồ gề được lát bằng gạch hoặc xi măng nhám, chất độn chuồng phải khô sạch. Nuôi chăn thả cần chuẩn bị ao cho vịt bơi lội, ao cần lưu thông  nước tốt tránh bị ô nhiễm.  Trước khi nhập  giống về cần phun thuốc sát trùng trong và ngoài chuồng nuôi, có thể rắc thêm vôi bột xung quanh các chân tường, các góc trong và ngoài chuồng nuôi. Sau đó để trống chuồng hai tuần mới bắt đầu nuôi.

Về con giống

Giống tốt là bước đầu vô cùng quan trọng quyết định đến hiệu quả chăn nuôi. Bà con nên chọn mua con giống ở các cơ sở uy tín để đảm bảo chất lượng.

Về dinh dưỡng, chăm sóc, quản lý

Có hai dạng thức ăn cho vịt đẻ là thức ăn công nghiệp hoàn toàn và thức ăn bán công nghiệp (dùng thức ăn công nghiệp trộn cùng thức ăn sẵn có). Sử dụng thức ăn công nghiệp hoàn toàn sẽ thuận tiện, dễ sử dụng, mỗi giai đoạn của vịt đã có sẵn các loại cám phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của chúng. Đi đôi với sự tiện lợi, chi phí thức ăn sẽ cao hơn và đòi hỏi đầu tư vốn lớn. Nếu có sẵn điều kiện về các loại thức ăn tự nhiên như: thóc, rau xanh, bèo, ốc…thì bà con có thể kết hợp bổ sung vào khẩu phần ăn cho vịt, giảm lượng thức ăn công nghiệp xuống. Trộn với tỷ lệ 70% thức ăn công nghiệp, 30% thức ăn tự nhiên là phù hợp. Lưu ý không nên thay toàn bộ thức ăn công nghiệp bằng thức ăn tự nhiên vì  như vậy sẽ không đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ cho vịt đẻ. Tùy vào điều kiện kinh tế và tính toán giá cả thị trường, bà con chọn cách đầu tư phù hợp.

Úm vịt con: đúng kỹ thuật và đủ nhiệt độ (3 ngày đầu, nhiệt độ 32 – 33OC, sau đó mỗi ngày giảm dần 3OC đến nhiệt độ phòng).Vịt càng nhỏ càng cho ăn nhiều lần trong ngày, ít nhất 4 – 6 lần/ngày.

Vịt hậu bị 9 – 19 tuần tuổi: lượng thức ăn hàng ngày cung cấp đủ theo tiêu chuẩn của giống, đảm bảo trọng lượng vịt đúng theo tiêu chuẩn không quá béo hay quá gầy. Người nuôi nên cân vịt hàng tuần 5% đàn để cân đối thức ăn phù hợp, đến 8 tuần cân 100% để phân loại.

Điều khiển ánh sáng: giai đoạn úm vịt nên thắp sáng đèn suốt đêm để vịt được ăn uống tốt nhất, đến giai đoạn vịt 4 tuần trở lên không cần mở đèn ban đêm. Đến khi vịt được 20 tuần tuổi bắt đầu vào đẻ cần tăng thêm ánh sáng vào ban đêm cho vịt.

                                              Mô hình nuôi vịt đẻ có ao nuôi

Thu nhặt trứng

Vịt thường đẻ vào ban đêm, thu nhặt trứng vào lúc 6-7 giờ sáng để trứng không bị vịt làm bẩn hoặc bị vỡ.Trứng xếp vào khay, để nơi cao ráo, thoáng mát sẽ làm cho trứng tươi lâu hơn. Nếu trứng để ấp thì phải chuyển vào lò trước 5 ngày kể từ sau khi vịt đẻ.

Phương pháp phòng bệnh

Đảm bảo tiêm phòng đầy đủ vacxin theo lịch. Quan trọng nhất là tiêm phòng dịch tả vịt khi vịt được 15 và 45 ngày tuổi, viêm gan vịt khi vịt được 21 và 60 ngày tuổi, cúm gia cầm ở 70 và 100 ngày tuổi. Ngoài ra, bổ sung thêm các loại vitamin, khoáng chất, chất điện giải, B- complex, một sô loại kháng sinh giúp tăng cường sức khỏe đồng thời phòng bệnh cho đàn vịt.

Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ khu vực chuồng nuôi, hạn chế tối đa mầm bệnh.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam