Làm giàu ở nông thôn: 9X nuôi thỏ, “bỏ túi” hơn 20 triệu/tháng

Anh Phan Văn Cư, SN 1996 ở xã Phước Ninh, huyện Nông Sơn (Quảng Nam) đã chọn mô hình nuôi thỏ làm hướng khởi nghiệp, đem lại thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng

Thu nhập 20 triệu/tháng.

Trò chuyện với Dân Việt, anh Cư cho biết, tốt nghiệp phổ thông năm 2015 nhưng không thi đại học, ở nhà tìm hiểu sách báo, mạng internet chi tiết về mô hình chăn nuôi, trồng trọt. Và anh Cư thấy tâm đắc nhất là mô hình nuôi thỏ.

Trang trại nuôi thỏ của anh Phan Văn Cư cho thu nhập trên 20 triệu/tháng

“Với số tiền vay mượn của người thân hơn 50 triệu, tôi đầu tư xây dựng chuồng trại, lồng nuôi. Lứa đầu tiên thả nuôi 50 con giống; mỗi thỏ nái đẻ từ 8 – 10 con/lứa, trung bình 1 năm thỏ đẻ 6 – 7 lứa. Năm đầu tiên, với kinh nghiệm chưa nhiều nhưng đã có lãi trên 75 triệu đồng. Thấy nuôi thỏ khá thuận, hiệu quả nên từ số tiền lãi thu được, tôi dồn và tiếp tục đầu tư mở rộng trang trại. Đến nay, trại thỏ đã tăng lên trên 700 con. Hiện nay, ngoài việc cung cấp giống, thức ăn thỏ, tôi còn nhận thu mua, bao tiêu thỏ thành phẩm của bà con trên địa bàn…”.

Theo anh Cư, hiện nay mỗi kg thỏ thịt làm sẵn có giá 130.000 – 150.000 đồng/kg, thỏ hơi có giá 70.000 – 85.000 đồng/kg. Mỗi ngày, anh Cư cung cấp ra thị trường khoảng 15 – 20kg thỏ thịt; còn thỏ giống thì bán với giá 120.000 – 150.000 đồng/kg. Mỗi tháng thu lãi đều đặn hơn 20 triệu đồng.

Mô hình nuôi thỏ của anh Phan Văn Cư cho hiệu quả kinh tế cao

Lai tạo giống thỏ mới

Anh Cư cho biết thêm: “Miền Trung có khí hậu nắng nóng nên không phù hợp với giống thỏ thuần New Zealand, sinh sản kém, lượng sữa cho con bú ít, dẫn đến thỏ con chậm lớn, tỉ lệ hao hụt cao. Để có loại giống thỏ tốt, tôi đã cho lai 2 giống thỏ New Zealand và California (Mỹ), cho ra giống thỏ lai mới. Giống thỏ lai này có nhiều màu sắc, rất dễ nuôi, phù hợp với khí hậu miền Trung. Đặc biệt, khi đẻ, thỏ mẹ cho sữa nhiều, con nhanh lớn, nuôi khoảng 2,5 – 3 tháng là có thể xuất chuồng bán”.

Theo 9X Phan Văn Cư, để thỏ nuôi khỏe mạnh thì chuồng trại phải được thoáng mát

“Thỏ dễ nuôi là vậy, nhưng để nuôi thỏ với số lượng lớn là chuyện không hề đơn giản. Để thỏ luôn khỏe mạnh, yêu cầu chuồng trại phải thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông, thường xuyên vệ sinh sạch sẽ. Thỏ là loại rất nhạy cảm nên chuồng trại phải thường xuyên dọn vệ sinh, không để tồn phân 2-3 ngày. Bệnh thường gặp ở thỏ là bệnh cầu trùng nhưng chỉ cần cân đối lượng thức ăn là thỏ sẽ hết bệnh ngay. Cần cho thỏ uống nước sạch; thức ăn là cỏ và cám chuyên dụng, cho ăn 1 – 2 lần/ngày.

“Để tăng dinh dưỡng và đề phòng bệnh cho thỏ, cần tiêm vắc xin cho thỏ mẹ 6 tháng/lần, thỏ con từ 1,5 tháng tuổi sẽ tiêm một lần cho tới khi xuất bán. Ngoài ra, thỉnh thoảng còn pha các loại vitamin vào nước hoặc thức ăn, để thỏ ăn nhiều, nhanh lớn…” – anh Cư chia sẻ.

Theo anh Cư, thời gian tới, 9X sẽ tiếp tục mở rộng trang trại, tăng số lượng đàn thỏ lên khoảng 1.000 con, đồng thời hợp tác với các đơn vị, nhà phân phối để cung ứng ra thị trường TP.Đà Nẵng và các huyện ở Quảng Nam.

Thỏ trong trang trại của 9x Phan Văn Cư được nuôi trong lồng sắt, rất kiên cố

Ông Phạm Công Thạnh – Chủ tịch UBND xã Phước Ninh nhận xét: “Trang trại nuôi thỏ của anh Cư là một trong những mô hình chăn nuôi điển hình không những của xã Phước Ninh mà cả huyện miền núi Nông Sơn. Ngoài việc làm kinh tế giỏi, anh còn rất nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật cho bà con có nhu cầu nuôi thỏ. Thời gian tới, xã sẽ khuyến khích nhân rộng mô hình này nhằm tăng thu nhập cho bà con…”.

Nguồn: Danviet.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Mô hình nuôi thỏ, gà kết hợp trồng trọt, thu 30 triệu đồng/tháng

Ngoài mô hình nuôi thỏ ta với quy mô trên 100 con, gia đình bà Lộc còn thực hiện thêm mô hình nuôi gà thả vườn với quy mô trên 350 con. Với kinh nghiệm nuôi gà hơn 15 năm, Bà Lộc luôn cho ấp trứng theo cách thông thường nhưng tỷ lệ nở gà con khá cao…

Thành ngữ Việt Nam có câu “Thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn”. Câu nói đó thật đúng với trường hợp của gia đình bà Nguyễn Thị Lộc và ông Nguyễn Quốc Kim ngụ tại Kp7, phường Tân An, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận. Ở độ tuổi ngoại ngũ tuần, hai vợ chồng vẫn ngày đêm cần mẫn phát triển mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt. Từ mô hình kết hợp này, mỗi tháng gia đình ông bà thu nhập được hơn 30 triệu đồng.

Mô hình nuôi thỏ và gà thả vườn của gia đình bà Lộc

Hơn 2 sào lúa đang trổ bông, 1 sào rau muống xanh mướt, một mô hình nuôi thỏ ta với hơn 100 con và hơn 350 con gà ta được nuôi theo cách thả vườn là điều ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Lộc. Chừng ấy công việc, mà chỉ có 2 người làm là điều không hề đơn giản, nhưng với sự cần mẫn, chịu thương chịu khó, vợ chồng bà Lộc đã bố trí thời gian vừa trồng trọt vừa chăn nuôi hợp lý để vừa chăm sóc tốt cho đàn thỏ và gà cũng như chăm bón tốt cho lúa và rau muống, khiến cho ai nhìn vào vào cũng trầm trồ, ngưỡng mộ.

Bà Nguyễn Thị Lộc chia sẻ: “Khởi đầu ngày mới của gia đình bà thường bắt đầu với công việc đầu tiên là vệ sinh chuồng thỏ để đảm bảo vệ sinh môi trường, nhờ được chăm sóc tốt nên tỷ lệ thỏ lớn khỏe mạnh hầu như lúc nào cũng tuyệt đối, trọng lượng mỗi con thỏ ta nuôi khoảng từ 3 đến 4 tháng, xuất bán cho thương lái và các mối hàng kinh doanh lúc nào cũng trên 2 ký rưỡi. Với giá bán lẻ và bán sỉ đều như nhau: Khoảng 65 ngàn đồng/kg nên người mua khá ưa chuộng”

Chất lượng thịt thỏ của gia đình bà Lộc nuôi được nhiều người mua đánh giá là thơm ngon, chắc thịt… vì thỏ nhà bà Lộc nuôi được cho ăn chủ yếu là rau muống mà gia đình tự trồng, chỉ bổ sung một ít thức ăn tinh vào buổi trưa là từ thức ăn gia súc để đảm bảo dinh dưỡng cho thỏ. Với 20 con thỏ giống, mỗi tháng chúng sinh sản phát triển trung bình trên 50 con thỏ con, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Ngoài mô hình nuôi thỏ ta với quy mô trên 100 con, gia đình bà Lộc còn thực hiện thêm mô hình nuôi gà thả vườn với quy mô trên 350 con. Với kinh nghiệm nuôi gà hơn 15 năm, Bà Lộc luôn cho ấp trứng theo cách thông thường nhưng tỷ lệ nở gà con khá cao, sau khi gà nở và trong quá trình chăn nuôi sau bà đều cho chúng uống vắc xin phòng bệnh theo từng giai đoạn, nên rất hiếm khi xảy ra dịch bệnh, tỷ lệ xuất bán mỗi tháng trên 100 con với giá khoảng 90.000 đồng/kg. Vào dịp Tết Nguyên Đán, gà nhà bà Lộc nuôi không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường.

Bà Lộc trồng thêm lúa và rau muống để chủ động nguồn thức ăn cho thỏ và gà
Ngoài ra để tăng thêm thu nhập cho gia đình, bà Lộc còn trồng thêm 2 sào lúa và 1 sào rau muống. Một mặt là phát triển thêm kinh tế, mặt khác là để chủ động nguồn thức ăn cho thỏ và gà, không những tiết kiệm chi phí đầu tư thức ăn ban đầu, mà còn còn nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm chăn nuôi.

Ông Đỗ Bách Việt – PCT Hội Nông Dân phường Tân An cho biết: “Với mô hình vừa kết hợp trồng trọt và chăn nuôi, gia đình bà Lộc thu nhập khoảng hơn 30 triệu đồng mỗi tháng”.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật nuôi dưỡng và chăm sóc thỏ cái sinh sản

Từ xưa đến nay nuôi thỏ sinh sản thì việc chăm sóc thỏ cái là một điều hết sức quan trọng. Bởi thỏ cái khỏe mạnh thì mới đủ khả năng sinh ra thỏ con khỏe mạnh.

Tỷ lệ thỏ đực/cái ở các cơ sở giống

Một đực giống tốt có thể phụ trách phối giống cho 5-6 con cái. Nhưng tại các gia đình có đàn cái quy mô nhỏ hoặc ở cơ sở nhân giống thuần quy mô lớn thì nên ghép một đực với 4-5 cái. Như vậy tạo điều kiện phối giống kịp thời, không lỡ kỳ động dục của thỏ cái. Tiện cho việc cai sữa, chăm sóc và xuất bán sản phẩm đồng loạt.

Tuổi động dục và phối giống lần đầu của thỏ cái

Thỏ cái bắt đầu động dục và có thể chịu đực lúc 4-5 tháng tuổi. Đối với thỏ ngoại tuổi phối giống thích hợp là lúc khối lượng cơ thể đạt 3kg trở lên, thỏ lại đạt trên 2,6kg (5,5 – 6 tháng tuổi). Nếu cho phối sớm trước 5 tháng tuổi thì đàn con sinh ra yêu, kém phát triển và đời giống của bố mẹ ngắn hơn, bởi vì cơ thể thỏ trước 5 tháng tuổi chưa phát triển hoàn chỉnh.

Chu kỳ động dục của thỏ thường là 10 – 16 ngày,thời gian động dục kéo dài 3 – 5 ngày. Thỏ cái động dục sớm hay muộn, đúng kỳ hay không là do thể lực, trạng thái sức khỏe, chế độ dinh dưỡng và môi trường khí hậu  quyết định. Có những con thỏ mẹ béo quá, hoặc mắc bệnh gầy yếu, mùa hè nóng kéo dài, mùa đông rét buốt, khi thỏ thay lông, thức ăn thiếu khoáng, thiếu sinh tố… đều là nguyên nhân làm thỏ không động dục hoặc ít hưng phấn chịu đực. Khi thấy lâu ngày không động dục không phối giống được thì phải kiểm tra xác định yếu tố nào gây ảnh hưởng để có biện pháp khắc phục kịp thời.

Biểu hiện của thỏ động dục

Nếu phát hiện động dục qua quan sát bằng mắt thì rất khó, mà chủ yếu kiểm tra niêm mạc âm hộ của chúng. Bình thường niêm mạc âm hộ của chúng có màu hồng nhạt, nếu động dục thì chuyển sang màu đỏ tươi, sưng tấy lên, khi thỏ cái có biểu hiện động dục đến ô chuồng thỏ đực thì chịu đực: mông và đuôi cong lên, chờ thỏ đực giao phối. Khi niêm mạc âm hộ chuyển sang màu đỏ thẫm, tím bầm là kết thúc kỳ động dục, thỏ không chịu đực nữa.

Kiểm tra niêm mạc âm hộ của thỏ động dục

Ở cơ sở giống thương phẩm thì con cái nên phối hai lần liền với hai con đực khác nhau, con đực trước già hơn con đực sau, để tinh trùng thỏ trẻ tăng cường hoạt lực cho tinh trùng thỏ già phối được trước. Còn ở cơ sở nhân giống thuần chủng thì chỉ được phối lặp lại, lần sau phải cách lần trước 4 – 6 giờ để tăng tỷ lệ thụ thai và thêm số con sơ sinh. Khi giao phối, nếu thỏ đực tốt thì đến gần con cái làm quen, ngửi con cái một lát rồi nhảy. Nếu con cái động dục thì chạy quanh lồng mấy vòng rồi dừng lại nâng mông cho thỏ đực nhảy.

Có một số con cái động dục nhưng do sợ hãi cũng không cho con đực phối, trường hợp đó ta cần kéo con cái ra giữa lồng và luồng tay xuống dưới bụng nhẹ ngàng nâng mông thỏ cái lên cho con đực nhảy. Nếu gia đình có đàn thỏ giống tốt, khỏe mạnh, nuôi dưỡng đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng cho chúng thì có thể cho đẻ liên tục, tức là sau khi đẻ 36 – 48 giờ thì cho giao phối giống ngay. Nếu không chửa ở chu kỳ động dục đồng thì phải phối giống vào chu kỳ động dục sau.

Khám thai cho thỏ

Mục đích là xác định được thỏ có chửa hay không để có kế hoạch chuẩn bị cho ổ đẻ vào lồng. Nêu thỏ không chửa thì tiếp tục kiểm tra động dục để kịp thời cho phối lại, không cần phải chờ đến kỳ đẻ mới phát hiện, sẽ lỡ mất chu kỳ động dục. Có thể khám thai vào ngày thứ 10 sau khi phối giống bằng cách nắn vuốt thai nhẹ nhàng trong tử cung qua thành bụng ở vùng xương chậu, gần cột sống. Nếu thỏ chửa thì thấy thai mềm ở dạng hòn cục nhỏ bằng đầu ngón tay cái hoặc ngón chân di chuyển qua  lại trong tử cung.

Chuẩn bị thỏ đẻ Nếu thỏ có chửa thì đến ngày thứ 28 sau khi phối phải đặt ổ đẻ vào lồng, ổ đẻ phải có đồ lót là cỏ khô, rơm hoặc vỏ bào mềm, sạch, không mốc, thỏ sẽ vào ổ đẻ và cào bới đồ lót, cắp thức ăn thô vào ổ, ăn cả một phần đồ lót.

Thỏ mẹ và thỏ con

Theo caytrongvatnuoi.com được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.

Bí quyết nuôi thỏ sinh sản

Chuồng nuôi thỏ gồm 2 ô liên kết nhau theo chiều ngang, nhiều ô liên kết theo chiều dọc, tạo thành dãy chuồng kép…

* Rắc 4kg muối ăn/1m2 trấu lót nền nuôi, sẽ hết mùi khai từ phân và nước tiểu của thỏ

  1. Thiết kế chuồng

Nhà nuôi thỏ phải cao ráo, kín gió, có ánh sáng tự nhiên, có nhà nuôi thỏ sinh sản riêng, thỏ hậu bị riêng.

Bằng cách nuôi này, chỉ với hơn 100 thỏ sinh sản, mỗi tháng anh Nguyễn Văn Tiền ở huyện Văn Giang, Hưng Yên có lãi ròng hơn 10 triệu đồng.

Nền nhà phải bằng phẳng không thấm nước và dốc đều 15 độ xuôi theo rãnh gom nước thải ra bể xử lý bên ngoài.

Xây các lối đi cao 25cm, rộng 70cm. Khoảng cách giữa 2 lối đi rộng 1,2m là nơi kê đặt cho dãy chuồng nuôi thỏ.

Chuồng nuôi thỏ gồm 2 ô liên kết nhau theo chiều ngang, nhiều ô liên kết theo chiều dọc, tạo thành dãy chuồng kép, đặt cố định trên các cột ống nhựa lõi bê tông cốt thép, cao cách mặt nền 70 – 80cm.

Kích thước ô chuồng đơn, dài x rộng x cao = 80 x 50 x 40cm; ô chuồng kép 160 x 100 x 40cm.

Vật liệu làm chuồng là các nan thép hàn thưa, sao cho thỏ đứng không lọt chân, phân thỏ dễ rơi lọt xuống nền nhà.

Làm máng ăn bán tự động, để thỏ có thể dễ dàng lật máng vào ăn, người nuôi ngửa máng đổ thức ăn hoặc làm vệ sinh thuận lợi.

Tận dụng các vỏ chai nhựa coca cola loại 1,5 lít, lắp thêm van nước tự động cho thỏ uống, mỗi ô chuồng đơn treo 1 chai.

Có thể làm máng lõm trên mặt chuồng để chứa thức ăn thô xanh, khi thỏ ăn sẽ không dẫm đạp lên rau cỏ.

Dùng trấu lót sàn nền để hứng phân. Sau nuôi thỏ nuôi 4 – 5 ngày, rắc đều 4kg/1m2 trấu, sẽ khử hết mùi khai phân, nước tiểu và diệt khuẩn. Thay mới trấu và muối 2 tháng/1 lần.

Dùng rổ nhựa làm ổ cho thỏ đẻ (thỏ sẽ không cắn). Kích thước rổ: dài x rộng x cao là 40 x 30 x 15cm.

  1. Chọn con giống

     nuôi thỏ sinh sản

+ Con đực phải đạt trọng lượng trên 3kg, ngoại hình cân đối, khoẻ mạnh, không khuyết tật, tai rộng và cân, chân săn chắc, 2 tinh hoàn đều. Khi phối giống thỏ đực phải ghì chặt thỏ cái, sau giao phối thỏ đực đổ nằm xuống sàn chuồng, nhưng các chân vẫn ghì chặt thỏ cái đổ nằm theo.

+ Con cái cũng phải có thân hình cân đối, nhanh nhẹn, không dị tật, tai vểnh, lông mượt…

+ Khi phối giống, cho 2 thỏ đực thay nhau giao phối 1 thỏ cái cùng thời gian, sẽ đảm bảo phối giống thành công, rất hiếm khi phải phối lại. Thỏ mẹ sau đẻ 10 – 12 ngày có thể tiếp tục cho phối giống mang thai. Mỗi thỏ mẹ chỉ khai thác 7 – 8 lứa con thì dừng, thay mới bằng giống đã nuôi hậu bị. Cần tránh chọn giống bố mẹ cận huyết. Thỏ bố mẹ phải nuôi riêng, mỗi con 1 chuồng. Tỷ lệ đực cái đàn thỏ nuôi sinh sản là: 8 – 10 thỏ đực/100 thỏ cái, nhưng chỉ nuôi 10 thỏ cái cần 3 – 4 thỏ đực.

Thỏ đực nuôi sau 7 tháng, thỏ cái gần tháng mới cho phối giống. Kiểm tra thấy bộ phận sinh dục cái của thỏ chuyển màu đỏ tía (đã phát dục), thì cho giao phối.

Sau phối giống 28 – 32 thỏ sẽ sinh. Thỏ con sau sinh 25 – 30 ngày thì tách mẹ.

  1. Thức ăn

Thức ăn cho thỏ bao gồm rau củ quả phế thải từ nông nghiệp như, cà rốt, su hào, cỏ voi, thân cây ngô, lá rau các loại… Các loại thức ăn thô xanh phải rửa sạch để ráo nước mới cho ăn.

Tuyệt đối không cho thỏ ăn các loại rau còn dính sương, thỏ sẽ bị tiêu chảy.

Riêng cà rốt giàu dinh dưỡng, thỏ nhỏ chỉ cho ăn 1 củ/1 con/1 ngày, thỏ lớn cho ăn gấp đôi.

Thỏ cái sau sinh, ngoài thức ăn thô xanh, cám công nghiệp, cần cho ăn thêm mía hoặc uống nước đường nhạt 3 ngày liên tục để tăng sữa. Cám công nghiệp cách 1 ngày cho ăn 1 lần vào ban đêm, định lượng 0,2kg/1 con/1 ngày. Thời kỳ mang thai, cho ăn như trên, nhưng lượng cám công nghiệp giảm 1/2, ăn nhiều thỏ sẽ lú, đẻ kém.

Thỏ đực mỗi ngày 1 con cho ăn 0,1kg cám công nghiệp thỏ hoặc gà. Tuyệt đối không dùng cám công nghiệp của lợn và vịt, thỏ ăn sẽ bị tiêu chảy.

Thỏ con tách mẹ chỉ cho ăn công nghiệp, định lượng 0,1kg cám gà mảnh/5 con/ngày. Khi thỏ đạt 1 kg/1 con mới cho ăn rau và cám viên công nghiệp. Tuân thủ cách nuôi này đàn thỏ sẽ bảo toàn 100%.

  1. Phòng ngừa dịch bệnh

Vacxin xuất huyết thỏ cho thỏ sơ sinh, tiêm nhắc lại sau 6 tháng (thỏ hậu bị). Thỏ mẹ ngay sau đẻ tiêm kháng sinh Gentreks + thuốc bổ B12, tiêm nhắc lại 2 thuốc trên 2 tháng 1 lần.

Kiểm tra mỗi ngày, nếu chuồng nào có thỏ không ăn, uống phải cách ly ngay để chữa trị.

 

Một số điểm cần lưu ý trong chăn nuôi thỏ

Chăn nuôi thỏ có nhiều lợi thế do chi phí đầu tư thấp, tận dụng được các phế phụ phẩm nông nghiệp, lao động nhàn rỗi, lao động phụ. Thỏ thuộc loại đẻ khỏe, phát triển nhanh. Một thỏ mẹ nặng 4 – 5kg trong một năm có thể sản xuất ra 90 – 140 kg thịt, hiệu suất cao hơn nhiều so với các loài gia súc khác.

Về cơ bản, thỏ thuộc loại dễ nuôi, tuy nhiên để nuôi thỏ đạt hiệu quả cao cần chú ý các vấn đề sau đây:

1. Vấn đề thức ăn và nước uống cho thỏ

Do đặc điểm của dạ dày thỏ là co giãn tốt nhưng co bóp yếu. Manh tràng có dung tích lớn và có khả năng tiêu hóa chất xơ nhờ hệ vi sinh vật. Vì vậy, cần cho thỏ ăn nhiều thức ăn thô xanh chất lượng tốt, để vừa đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của thỏ, vừa có tác dụng chống đói và đảm bảo sinh lý tiêu hóa bình thường. Thức ăn thô xanh cho thỏ phải được rửa sạch bằng nước máy hoặc nước giếng. Những loại rau lá có hàm lượng nước lớn như bắp cải, khoai lang…, sau khi rửa cần phơi tái cho bớt nước trước khi cho thỏ ăn.

Cho thỏ ăn thức ăn nghèo chất xơ hoặc thức ăn chứa nhiều nước, thức ăn không tươi, bị dập nát dễ dẫn đến tình trạng rối loạn tiêu hóa như chướng bụng đầy hơi hoặc ỉa chảy và thỏ có thể bị chết.

Cũng cần lưu ý là thỏ thiếu nước còn nguy hiểm hơn thiếu thức ăn, đặc biệt là đối với thỏ đẻ và tiết sữa. Không cung cấp đầy đủ nước uống cho thỏ dẫn đến tình trạng thiếu sữa hoặc thậm chí thỏ mẹ ăn thịt thỏ con. Trong thời gian nuôi con nên cho thỏ mẹ uống thêm nước đường hoặc ăn mía để nhanh phục hồi cơ thể, tiết nhiều sữa và đàn con phát triển tốt.

2. Vấn đề sinh sản của thỏ

Tùy theo giống, thỏ có thể thành thục tính dục lúc 3 – 4 tháng tuổi. Để đề phòng hiện tượng cắn xé nhau và giao phối tự do, dẫn đến tình trạng giảm trọng hoặc rối loạn sinh sản, khi thỏ được 3 tháng tuổi nên nhốt riêng thỏ đực với thỏ cái.

Không nên cho thỏ phối giống ngay khi thỏ động dục lần đầu mà nên chờ đến 5 – 6 tháng tuổi, lúc thỏ đạt 75 – 80% khối lượng của thỏ trưởng thành. Cho phối giống trước 5 tháng tuổi thì đàn con đẻ ra sẽ yếu ớt, đồng thời ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng và phát triển của thỏ bố mẹ.

Do đặc điểm của thỏ là trứng chỉ rụng sau khi giao phối 9 – 10 giờ nên trong thực tế, để tăng số trứng được thụ tinh và tăng số con đẻ ra, nên áp dụng phương pháp phối giống bổ sung, tức là phối lại lần thứ hai sau lần thứ nhất từ 6 đến 9 giờ.

Khi cho thỏ phối giống cũng cần chú ý là bắt thỏ cái đến lồng thỏ đực mà không nên làm ngược lại, vì khi lạ chỗ thỏ đực khó làm quen với thỏ cái và thỏ cái thường kháng lại thỏ đực.

Để tránh đồng huyết, không để thỏ đực phối với thỏ cái cùng gia đình.

3. Vấn đề làm lồng và chuồng nuôi thỏ

Cần phải làm lồng nuôi thỏ. Lồng thỏ bảo đảm phải chắc chắn, thỏ không chui lẫn đàn, tránh được chuột tấn công và chăm sóc thuận tiện.

Phải làm ổ đẻ có nắp đậy cho thỏ. Sau khi thỏ đẻ, mỗi ngày chỉ nên đưa ổ đẻ vào lồng thỏ mẹ một lần để cho con bú, tránh hiện tượng thỏ mẹ chui vào ổ ỉa đái, bới ổ và dẫm đạp lên đàn con.

Thỏ là loài gia súc nhạy cảm với các tác nhân ngoại cảnh. Thỏ có ít tuyến mồ hôi dưới da, cơ thể thải nhiệt chủ yếu qua đường hô hấp. Khi nhiệt độ không khí tăng trên 35 độ C và kéo dài, thỏ rất dễ bị cảm nóng. Do các đặc điểm này lồng nuôi thỏ cần đặt tại những vị trí thoáng, mát về mùa hè và ấm áp về mùa đông.

Trong trường hợp chăn nuôi thỏ quy mô lớn cần xây dựng chuồng trại cẩn thận. Chuồng trại phải đảm bảo thông thoáng và dễ làm vệ sinh. Trong trường hợp nuôi thỏ quy mô gia đình, có thể đặt lồng dưới gốc cây có bóng mát ngoài vườn, đầu nhà, có mái che chống được mưa, nắng, gió lùa. Không nên đặt lồng thỏ trong chuồng lợn hoặc chuồng gà, vừa ngột ngạt, hôi thối, vừa dễ lây lan dịch bệnh.

4. Vấn đề vệ sinh phòng trị bệnh

Thỏ là loài gia súc yếu, sức đề kháng cơ thể kém, dễ cảm nhiễm các mầm bệnh và phát triển thành dịch. Để hạn chế tối đa tổn thất kinh tế do dịch bệnh, điều rất quan trọng trong chăn nuôi thỏ là tạo ra môi trường tiểu khí hậu chuồng nuôi hợp vệ sinh và tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh. Cụ thể, hàng ngày cần làm vệ sinh lồng nuôi, chuồng nuôi; định kỳ sát trùng lồng, chuồng, máng ăn, máng uống, ổ đẻ; cần cung cấp cho thỏ đầy đủ thức ăn và nuớc uống sạch sẽ, chất lượng tốt.

Các bệnh thỏ thường mắc là bệnh bại huyết, bệnh ghẻ, bệnh cầu trùng ..v..v. Cách sử dụng các loại thuốc để phòng trị các bệnh này như sau:

– Đối với bệnh bại huyết: Tiêm vắc xin để phòng bệnh bại huyết cho thỏ con lúc 2 tháng tuổi. Đối với thỏ sinh sản, tiêm định kỳ 6 tháng 1 lần.

– Đối với bệnh ghẻ:
Điều trị: Dùng Ivermectin 0,7 ml/3kg thể trọng hoặc dùng Dextomax 0,1 ml/3kg thể trọng.

– Đối với bệnh cầu trùng:
Phòng bệnh: vệ sinh, sát trùng chuồng trại. Sử dụng thuốc Anticoc, HanE3 bằng 1/2liều điều trị.
Điều trị bệnh: thuốc Anticoc, HanE3: 0,1-0,2g/kg thể trọng.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Kĩ thuật nuôi thỏ theo mô hình công nghiệp

 Nghề nuôi thỏ đã có tự lâu đời ở nước ta, từ Bắc chí Nam. Từ nông thôn và thậm chí nuôi ngay khu dân cư thành thị. Bởi vì thỏ rất dễ nuôi, cho thu nhập nhanh và lợi nhuân cũng rất cao.

                                           Kĩ thuật nuôi thỏ trong công nghiệp

Trước tình hình dịch cúm gia cầm đang lan rộng, việc nuôi thỏ làm thực phẩm, đã được nhiều địa phương xem như một trong những giải pháp thay thế.

Đặc tính chung

Nuôi thỏ tương đối đơn giản, nguồn thức ăn dễ kiếm, đa số tận dụng rau xanh, lương thực trong nhà. Chi phí cho chuồng trại, thuốc phòng bệnh, công chăm sóc cũng không cao.

Thỏ là gia súc có nhiều ưu thế: Đẻ khỏe, phát triển nhanh, sản phẩm lại có giá trị tiêu dùng và xuất khẩu.

Thỏ sinh sản nhanh, dễ tạo đàn. . Thịt thỏ cho lượng protein cao và năng lượng thấp hơn so với một vài loại thịt động vật khác. Lượng cholesterol trong thịt thỏ thấp hơn thịt gà, trong thời dịch cúm gia cầm có thể nuôi thỏ công nghiệp cung cấp một lượng lớn thịt cho người tiêu dùng. Những người cao tuổi, người cần giảm béo và người có bệnh tim nên ăn thịt thỏ tốt hơn thịt heo, bò, gà…

Phân loại

Thỏ thuộc bộ gặm nhấm (Rodentia), trên thế giới có rất nhiều giống như: Thỏ trắng khổng lồ Bauxcat và Flandra (Pháp) trọng lượng 6,5 ? 6,8 kg, Thỏ trắng Belie (Pháp), Thỏ trắng Nga (lớn và nhỏ), Thỏ Tân Tây Lan trắng, Thỏ California (Mỹ), Thỏ Chinchila (Anh)? Riêng tại Việt Nam, hiện nay không còn giống thỏ thuần, phần lớn bị lai tạp, chỉ có 3 giống chính là: Thỏ trắng Tân Tây Lan – Việt Nam (nhập từ Hungari (1978), thỏ xám Việt Nam, thỏ đen Việt Nam.
Thỏ nuôi hiện nay, phần lớn có nguồn gốc lai tạo từ thỏ hoang châu Âu và châu Phi vào thời Trung cổ. Thỏ hoang có sức đề kháng tốt hơn thỏ nhà. Thỏ nhà có khoảng 80 loại, căn cứ theo trọng lượng hoặc theo màu sắc lông để chia nhóm giống thỏ.

Trọng lượng từ 0,9-2,7 kg (thỏ nhỏ con), từ 2,8-4 kg (thỏ trung bình), từ 4,1-5 kg (thỏ to con), trên 5 kg (thỏ khổng lồ).

Thỏ trung bình và hơi to con, thường ăn ít, lớn nhanh. Thịt ngon, xương nhỏ. Nuôi lấy thịt có lợi.

Thỏ khổng lồ ăn nhiều, xương to, ít thịt, sinh sản chậm, hiệu quả kinh tế thấp.

Chọn giống thỏ

Thỏ giống tốt được nuôi từ 6 tuần đến 5 tháng phải hội đủ tiêu chuẩn: Vành tai bóng và sạch. Bàn chân và kẽ chân không ghẻ. Mí mắt không sưng và tròng mắt trong. Bộ lông mịn và sáng. Bụng mềm có lông xốp. Đuôi không dính phân ướt. Da lưng mềm và không tróc lông. Cục phân to tròn và khô. Thỏ chắc thịt, hiếu động. Được tiêm ngừa đầy đủ.

Không nên chọn mua thỏ đang có thai hoặc đã sinh sản về nuôi. Thỏ đang mang thai, di chuyển có thể chết hoặc đẻ non. Thỏ đi khập khiễng, lưng uốn cong, cào chân, liếm lông, nghiến răng, hơi thở nhanh… là dấu hiệu thỏ bệnh.

Khi thỏ bị bệnh đường ruột, viêm vú, viêm thận, viêm tinh hoàn, bệnh đường hô hấp, thuốc điều trị tốn kém gấp nhiều lần giá trị một con thỏ.

  1. Giống thỏ ngoại mới

Thỏ New Zealand trắng: Có nguồn gốc từ New Zealand, nuôi phổ biến châu Âu, Mỹ. New Zealand trắng là giống thỏ tầm trung, mắn đẻ (mỗi năm đẻ 6-7 lứa, mỗi lứa 6-8 con), sinh trưởng nhanh, thành thục sớm, nhiều thịt, phù hợp với phương thức chăn nuôi công nghiệp và gia đình. Thỏ có ngoại hình lông dày, màu trắng tuyền, mắt hồng, trọng lượng trưởng thành từ 5-5,5kg/con. Giống thỏ New Zealand trắng nhập vào Việt Nam tỏ ra thích nghi với nhiều vùng sinh thái khác nhau.

Thỏ Panon: Giống thỏ này xuất phát từ dòng của giống New Zealand trắng được chọn lọc nghiêm ngặt về khả năng tăng trọng và trọng lượng trưởng thành tạo nên. Thỏ Panon cũng giống như thỏ New Zealand nhưng tăng trọng cao hơn. Trọng lượng khi trưởng thành đạt 5,5-6,2kg/con. Giống thỏ này cũng đã được nuôi đạt kết quả ở nhiều vùng nước ta.

Thỏ California: có nguồn gốc từ Mỹ, được lai tạo giữa 3 giống thỏ: Chinchila, thỏ Nga, thỏ New Zealand. Là giống thỏ tầm trung, trọng lượng trung bình 4,5-5kg, có thân ngắn hơn thỏ New Zealand, lông trắng nhưng tai, mũi, bốn chân và đuôi có điểm lông màu đen. Giống thỏ này đã được nuôi nhiều ở Việt Nam.

Chuồng nuôi

Thiết kế chuồng nuôi thỏ phải thoáng, ánh nắng ban mai lọt vào, dễ chăm sóc và làm vệ sinh, có rào chắn tránh chuột và mèo gây hại.

Chuồng bằng lưới sắt có giàn đỡ bằng sắt hoặc bằng cây phủ lớp sơn, cao cách mặt đất trên 0,6m. Thỏ tơ từ 6 tuần đến 4 tháng tuổi có thể nuôi 10 con trong chuồng kích cỡ 2×0,7×0,5m; loại chuồng có kích cỡ 0,7×0,5×0,5m chỉ dành nuôi 1 con thỏ trưởng thành trên 4 tháng tuổi.

Thức ăn

Thức ăn nước uống phải thật sạch, không dính đất cát bẩn, không nhiễm dịch bệnh, chất độc (thuốc trừ sâu…). Vì thỏ rất mẫn cảm với các bệnh ở đường tiêu hóa như chướng bụng đầy hơi, bệnh cầu trùng, bệnh sán lá gan, bệnh tiêu chảy do E.coli… Cần cho thỏ ăn các loại lá cây, thân cành ở xa mặt đất (cành lá keo dậu, lá dâu, lá râm bụt…), các loại cỏ, rau trồng trên cạn, đất màu (cỏ voi, ngọn lá mía, rau lá đậu, sắn dây…). Không nên cho thỏ ăn rau cỏ mọc tự nhiên nơi ẩm ướt, hồ ao. Nếu dùng bèo sen thì phải nấu chín cho ăn đặc như cho lợn ăn.

Thỏ con nuôi vài tuần đến 4 tháng tuổi, chỉ cần cho ăn cám viên là đủ. Ăn thêm rau cỏ, thỏ dễ bị bệnh tiêu chảy và chết. Thỏ trưởng thành, sức đề kháng tốt hơn, có thể cho ăn rau cỏ rửa thật sạch để ráo nước. Lượng rau cỏ mỗi ngày chừng 20g/con.

Thức ăn viên phải đảm bảo thành phần dinh dưỡng cho thỏ tăng trưởng theo thời gian nuôi. Thỏ con nuôi đến trưởng thành có nhu cầu dinh dưỡng mỗi ngày từ 8-10% protein, 2-4% lipid, 10-20% glucid, trên 4 tháng tuổi thêm một ít chất xơ.

Thỏ có thai và cho con bú cần lượng dinh dưỡng mỗi ngày từ 10-15% protein, 5-7% lipid, 10-20% glucid, một ít chất xơ cần thiết.

Thỏ lứa ăn chừng 30-50g cám viên, mỗi ngày chia hai lần. Thỏ đực giống, thỏ cái nuôi con và mang thai, ăn chừng 80-100g cám viên. Chia hai lần sáng và chiều.

Thức ăn cám viên nuôi thỏ được chế biến từ nguồn ngũ cốc có sẵn. Nhu cầu lượng thức ăn chừng 4% trọng lượng cơ thể thỏ.

Mỗi con thỏ cần từ 0,2-1 lít nước trong ngày. Cho thỏ uống nước sạch, không có hàm lượng sắt. Nước uống phải được lắng lọc khử trùng. Nước lạnh dưới 80C không cho thỏ uống. Nhiệt độ thích hợp cho thỏ uống là 150C.

Nhiều người cho rằng thỏ không cần uống nước là sai lầm vì nước rất cần cho trao đổi chất. Thỏ chết không phải do uống nước và hay ăn cỏ ướt mà vì uống phải nước bẩn, ăn rau bị nhiễm độc…

Chăm sóc

Thỏ rất nhạy cảm với những tác động của môi trường. Phản ứng xấu với những thay đổi đột ngột về ăn uống, chăm sóc, khí hậu…Khi nuôi, cần lưu ý đến các nguyên tắc chăm sóc như sau:

Thỏ rất dễ bị bệnh rối loạn tiêu hóa, bệnh đường ruột. Do đó nên tạo ra một phản xạ có điều kiện ở thỏ về thời gian ăn và thứ tự thức ăn. Đặc tính loài thỏ, rất thích ăn đêm, ban ngày ngủ nhiều.. Ban đêm, thỏ ăn gấp 2- 2,5 lần ban ngày. Nếu cho ăn sai nguyên tắc này, thỏ sẽ chậm lớn.

Một số thông tin liên quan, qua kinh nghiệm thực tế cho thấy:

Buổi sáng (từ 7 giờ đến 12 giờ) : Việc đầu tiên là cho thỏ uống nước, tiếp theo là ăn thức ăn hạt (ngô, thóc…) hoặc hỗn hợp thức ăn tinh (cám, ngô, bột khoáng…). Đến 9-10 giờ cho ăn thức ăn thô xanh tươi (1/3 số lượng khẩu phần).
Buổi chiều (từ 14 giờ đến 17 giờ): Đầu giờ cho ăn củ, quả đã thái lát (khoai lang, bí ngô, đu đủ, cà rốt, su hào…) hoặc các loại thức ăn mềm (cám nấu trộn lẫn, bã chè, rau thái nhỏ…).

Buổi tối (ban đêm): Cho ăn các loại thức ăn xanh như cỏ, lá cây, rau xanh… (2/3 khối lượng khẩu phần để thỏ ăn cả đêm).

Ban đêm tuyệt đối không cho thỏ ăn thức ăn hạt, thức ăn hỗn hợp tinh. Nếu ban ngày thỏ ăn không hết thì phải vét sạch máng. Nếu để thừa chuột sẽ lên ăn và cắn chết thỏ, nhất là thỏ con mới đẻ.

Trong thời gian nuôi vỗ béo, nên giảm bớt ánh sáng, tạo không gian yên tĩnh để thỏ nghỉ ngơi, ngủ sau khi ăn. Trước khi làm thịt 7 ngày, nên giảm thức ăn thô (cỏ khô, rơm…) thì chất lượng thịt sẽ tốt và ngon hơn.

Phối giống

Thỏ đực từ tháng thứ 8 trở đi có thể cho phối giống. Thỏ cái có thể phối giống sinh sản từ tháng thứ 6, khi đó bộ phận sinh dục thỏ cái sưng lên có màu đỏ. Cho thỏ cái vào chuồng thỏ đực để giao phối, ngày hai lần vào buổi sáng và chiều. Chỉ cho thỏ mẹ tái phối giống 1 tháng sau khi đẻ, thỏ con đủ sức rã bầy và tự ăn sau khi thôi bú sữa, thỏ mẹ còn thời gian 2 tuần bồi dưỡng sức khỏe đẻ lứa kế tiếp. Thỏ con 6 tuần tuổi cung cấp giống cho người nuôi kiểu công nghiệp thích hợp nhất.

Thỏ tăng trưởng nhanh từ lúc mới sinh đến 4 tháng tuổi. Từ tháng thứ 5 trở đi, thỏ tăng trưởng chậm. Nuôi thỏ công nghiệp lấy thịt có lợi nhất là giai đoạn 3-4 tháng tuổi (nặng 2,2-2,8kg/con).

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam