Hứa hẹn mùa vụ hoa tết bội thu

Đến hẹn lại lên, cứ vào mùa khô là người trồng hoa tết ở làng hoa truyền thống phường Kim Dinh (TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) lại tất bật ra đồng chăm những chậu cúc, ly ly, lay ơn… Năm nay bà con đang phấn khởi kỳ vọng vào mùa hoa tết bội thu.

Là vựa trồng hoa lớn nhất của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và có tiếng trong vùng Đông Nam bộ, năm nay Kim Dinh có hơn 50 hộ trồng hoa với diện tích trên 20ha, tăng 5ha so với năm ngoái và tập trung chủ yếu ở các khu phố như Hải Dinh, Kim Sơn, Kim Hải. Mỗi năm, làng hoa Kim Dinh cung cấp cho thị trường TPHCM và các tỉnh lân cận hàng triệu chậu cúc, vạn thọ, lay ơn… lớn nhỏ.

Đến Kim Dinh vào một ngày cuối năm 2017, bắt gặp các cô gái đang thoăn thoắt tỉa lá, ngắt chồi, chăm chút cho từng khóm hoa cúc xanh mướt. Trong khi đó, cánh đàn ông tất bật kéo nước tưới cho từng luống hoa. Ghé thăm vựa hoa anh Nguyễn Văn Long (khu phố Kim Sơn), đúng lúc người làm công đang uốn vòng cho những cây trong chậu khỏi bị đổ ra ngoài.

Người dân hăng hái cắt tỉa, chăm chút cho từng khóm hoa

Theo chủ vườn, đa số người dân Kim Dinh đều nhập giống hoa từ Đà Lạt, khoảng tháng 8-9 âm lịch hàng năm sẽ xuống giống và bắt đầu chăm bón. Với thời tiết thuận lợi như năm nay, anh Long dự tính hơn 6.000 chậu hoa cúc, vạn thọ, lay ơn, hoa hồng… được đầu tư với số tiền hơn 300 triệu đồng sẽ cho thu về số tiền 600-700 triệu đồng.

Theo anh Long, để có vườn hoa tết đẹp, ngoài việc phải xuống giống đúng thời vụ còn phải chăm sóc kỹ lưỡng, bắt đầu từ cách làm đất, bón phân, tỉa cánh, tưới nước…, tỉ mỉ từng công đoạn và mỗi loại hoa có cách chăm sóc khác nhau. Để hoa nở đúng dịp tết, người trồng hoa còn phải chú ý đến thời tiết, tùy nhiệt độ nóng hay lạnh để điều chỉnh cách tưới, lưới che, xịt thuốc…

Năm nay thời tiết có vẻ ưu ái cho những người trồng hoa ở Kim Dinh, khi cả hai cơn bão cuối năm đã không đổ bộ vào đất liền Bà Rịa – Vũng Tàu. Người dân trồng hoa mừng rơn, ai nấy hồ hởi phấn khởi, nhiều gia đình còn tổ chức góp tiền ăn mừng vì bão không vô và vườn hoa vẫn tươi tốt theo từng ngày từng tháng.

Nét mới của làng hoa Kim Dinh năm nay là có sự xuất hiện của hoa ly ly. Ông Mai Hồng Sơn (khu phố Hải Sơn) – một người trồng hoa có tiếng ở vùng này đã mạnh dạn nhập hơn 5.000 củ hoa ly ly từ Hà Lan để kinh doanh vụ hoa tết. Đây là giống thích hợp với khí hậu mát mẻ và đặc biệt phải tránh nước mưa. Ông Sơn đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng nhà bạt chăm chút cho “cô nàng” này.

Vườn hoa ly với sức sống phát triển tốt

Dự tính mỗi cặp hoa ly ly năm nay được bán với giá 120.000 – 200.000 đồng, thu về cho gia đình ông Sơn số tiền vài trăm triệu đồng. Trong lúc trò chuyện với ông Sơn, một thương lái đến vựa mua hoa. Theo thương lái cho biết, còn hơn một tháng nữa mới tới tết, nhưng họ đã xuống các vườn đặt hàng gần hết, số khác đang chờ được giá hơn mới chịu xuất hàng.

Theo nhận định của họ, sức hoa năm nay phát triển tốt, vựa hoa nhà nào cũng đẹp hơn so với các năm trước nên được giá. Trung bình giá mỗi loại hoa tăng 10%-20%. Năm nay chi phí chăm sóc hoa ít hơn năm ngoái nên người dân hy vọng sẽ trúng quả.

Ông Lưu Ngọc Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân phường Kim Dinh, nói: “Tình hình sâu bệnh ít và được khắc phục kịp thời nên sức hoa phát triển tốt. Giá cả dự kiến năm nay sẽ tăng nên bà con rất vui mừng”.

The nhanong.com.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Trắng đêm phun thuốc cho hoa Tết vì bệnh nấm gia tăng

Do thời tiết diễn biến thất thường, nhiệt độ xuống thấp (13-15 độ), đi kèm là những trận mưa phùn nên những hộ dân trồng hoa cúc tại Gia Lai đang phải trắng đêm theo dõi bệnh nấm gia tăng trên hoa.

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa sẽ đến Tết Nguyên Đán Mậu Tuất 2018, những ngày này nhiều người trồng hoa lâu năm ở Gia Lai đang tất bật chăm chút cẩn thận từng chậu hoa, cây cảnh nhằm phục vụ tối đa nhu cầu chơi hoa Tết của người tiêu dùng. Năm nay, nhiệt độ tại Gia Lai xuống thấp, lạnh hơn khiến bệnh nấm trên hoa cúc gia tăng vào ban đêm nên nhiều hộ dân đang phải trắng đêm theo dõi phun thuốc trị nấm cho hoa.

Một hộ dân trồng mai đang tưới nước, bón phân cho vườn mai Tết

Trò chuyện với chúng tôi, anh Mai Quốc Trưởng (38 tuổi, chủ vườn Hồng Cầu Sắt, ở ngã tư đường Cách Mạng Tháng 8, TP.Plieku) cho biết, để đáp ứng nhu cầu chơi hoa của người tiêu dùng, hiện tại tôi cũng đang chăm khoảng 400 chậu hoa mai, hơn 10.000 chậu hồng và khoảng 2 ngày nữa sẽ xuống giống hơn 6.000 chậu hướng dương. Mai và Hồng thì hiện đang theo đúng chu kỳ, khoảng 50 ngày trước tết, tôi sẽ tiến hành cắt cành đồng loạt. Hiện tại, tôi đang phải theo dõi cẩn thận vì thời tiết lạnh hơn nên hoa phát triển chậm hơn, may năm nay không xuống giống cúc chứ không giờ cũng trắng đêm phun thuốc trị nấm cho cúc rồi.

Nông dân thắp đèn cho cúc phát triển nhanh và theo dõi bệnh nấm gia tăng vào thời tiết lạnh

“Theo tôi, số lượng hoa Tết năm nay sẽ giảm hơn so với mọi năm vì đợt vừa rồi chịu ảnh hưởng nặng nề của bão lũ, lượng hoa giảm sẽ khiến cho thị trường giá hoa cao hơn”, anh Trưởng nhận định. Đi qua đường Lạc Long Quân, TP. Plieku chúng tôi phát hiện một vựa hoa cúc khá lớn. Theo tìm hiểu của PV, được biết tại đây mỗi nhà có trồng khoảng 400 đến 1.000 chậu cúc. Vì thời tiết năm nay lạnh hơn, bệnh nấm gia tăng nên nhiều hộ dân đang phải trắng đêm thắp đèn theo dõi các loại nấm và ứng cứu kịp thời để đáp ứng nhu cầu chơi hoa tết của người tiêu dùng.

Trời lạnh hoa cúc rất dễ bị nấm nên người dân phải túc trực phun thuốc kịp thời

Ông Trần Đăng Hòa (60 tuổi, trú tại đường Lạc Long Quân, TP.Plieku) một trong những hộ trồng hoa cúc nhiều nhất chia sẻ: “Năm nay tôi cung cấp cho thị trường tết khoảng 1.000 chậu hoa cúc vàng. Lúc mới gieo, hoa cúc phát triển khá tốt, nhưng những ngày gần đây nhiệt độ khá lạnh nên phát sinh các loại nấm gây hại cho hoa. Mấy ngày vừa qua, hai vợ chồng tôi phải thay nhau túc trực thắp đèn vừa để cúc phát triển nhanh hơn, vừa phải theo dõi xem có bị mắc phải các loại nấm không còn kịp thời phun thuốc, chứ không là hỏng hết. Nấm lây lan rất nhanh, đặc biệt là ban đêm khi thời tiết lạnh. Nếu thời tiết thuận lợi như năm ngoái, 1.000 chậu Cúc này bán tết sẽ thu về khoảng 180 đến 200 triệu, trừ hết chi phí cũng thu về khoảng hơn 100 triệu”.

Nông dân đang lo lắng vì bệnh nấm hoành hành phá hoại vựa cúc lớn chuẩn bị cho dịp Tết nguyên đán 2018

Tâm sự cùng chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thu (58 tuổi, trú tại đường Lạc Long Quân) lo lắng: “Thời tiết năm nay lạnh quá nên phải thắp đèn sớm và số lượng bóng nhiều hơn mọi năm. Ngoài ra, gia đình tôi phải thay nhau túc trực cả đêm để trông coi, chia đều các bóng ra thì vườn cúc mới phát triển đều được. Rồi phải chăm sóc từng tí một chứ lạnh như này nấm phát triển mạnh lắm, không phun kịp mà để lây lan là hỏng hết. Giờ cũng chỉ biết trông coi tỷ mỉ hơn một chút chứ cũng không biết làm thế nào nữa, hy vọng trời không phụ lòng người”.

Nguồn: Danviet.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Hoa Tết điêu tàn sau bão

“Hoa cúc Ninh Giang” thiệt hại nặng

Ông Trần Ngọc Hiếu – Chủ tịch Hội Nông dân phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa – cho biết hằng năm, làng hoa ở đây trồng khoảng 150.000 chậu cúc các loại với trên 20 ha. Sau 5 tháng, làng hoa này có thể sinh lãi khoảng 6,5 tỉ đồng, hơn hẳn các cây trồng khác. Hoa cúc ở đây nổi tiếng và đã đăng ký bảo hộ thương hiệu “Hoa cúc Ninh Giang”. Tuy nhiên, sau đợt mưa bão vừa qua, làng hoa cúc ở đây xơ xác, cây bị gãy đổ, rũ lá. “Để khắc phục, người trồng phải đầu tư thêm phân bón, hoa dược để kích cây nhưng cũng chưa biết Tết này có hoa bán không” – ông Hiếu lo lắng.

Theo ông Đỗ Đình Đông (thôn Phong Phú 2, phường Ninh Giang), so với thời điểm này các năm trước, cây hoa cúc phải lên đến ngực, đến Tết thì hoa ra đúng tầm mắt. Tuy nhiên, năm nay hoa chỉ mới đến bụng do bị “đẹt”. Người trồng như đang ngồi trên lửa vì lo không có hoa bán Tết.

Hoa cúc bị “đẹt” do ảnh hưởng cơn bão

Chi phí đầu tư cho mỗi chậu cúc đại đóa cỡ lớn từ 100.000-150.000 đồng, chưa tính nhân công. Riêng năm nay, người trồng đầu tư nhiều hơn nhưng cây lại phát triển kém.

Ngoài Ninh Giang, làng hoa ở huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa cũng có khoảng 80.000 chậu cúc nhưng đã thiệt hại gần 10.000 chậu.

Ông Phan Văn Kính, Chủ tịch Hội Sinh vật Nha Trang, cho biết sau bão số 12, làng hoa cảnh Nha Trang lâm vào khốn đốn vì hàng chục ngàn giò lan của các vườn hoa bị hư hại. Tại nhiều vườn sinh vật cảnh, hàng loạt chậu bonsai trị giá cả chục triệu đồng giờ cũng phải nhổ bỏ. Riêng gia đình ông Kính thiệt hại trên 100 triệu đồng vì cây lan hư, cháy lá. “Tết này nguy cơ TP Nha Trang kém sắc vì các làng hoa trong tỉnh hư hại đồng loạt. Bà con trồng hoa điêu đứng vì dồn sức cả năm vào vụ Tết, bây giờ có nguy cơ lỗ nặng” – ông Kính nhận định.

Không thể khắc phục

Hơn 200 hộ chuyên trồng hoa Tết tại làng hoa Cẩm Châu, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam đang phải đối diện với một mùa vụ thất thu bởi hầu hết bị thiệt hại gần như hoàn toàn sau lũ và nhiều trận mưa lớn kéo dài vừa qua.

Hộ trồng hoa Tết tập trung nhiều nhất tại các khối Sơn Phô 1, Sơn Phô 2 và An Mỹ, phường Cẩm Châu. Làng hoa Cẩm Châu mỗi năm cho ra thị trường gần 100.000 chậu hoa kiểng các loại. Cách đây hơn 1 tháng, do bị ngập trong nước, chịu nhiều trận mưa lớn kéo dài khiến hàng chục ngàn chậu hoa Tết ở đây thối rễ và chết hàng loạt. Công sức bỏ ra mấy tháng trời của người trồng hoa nơi đây coi như mất trắng. Số diện tích còn lại tuy được người trồng khắc phục nhưng không thể nở hoa kịp dịp Tết nguyên đán do đang suy kiệt.

Nhiều chậu hoa bị thối rễ do bị ngập trong nước

Sau đợt lũ rút vào đầu tháng 11 vừa qua, buồn rầu đứng bên vườn cúc trên 1.000 m² với hơn 1.200 chậu đang bị thối rễ, ông Nguyễn Phú Quang (khối Sơn Phô 1) bộc bạch: “Hơn 100 triệu đồng của gia đình bỏ vào vụ hoa Tết năm nay coi như mất trắng”.

Theo ông Quang, sau khi nước lũ gây ngập, hoa cúc trong vườn rũ lá, héo và sau đó chết dần do bị thối rễ. “Mặc dù tôi đã mua các loại thuốc kích thích về phun để vớt vát các chậu hoa còn lại nhưng cây vẫn không thể sinh trưởng tiếp. Công sức, vốn liếng hàng trăm triệu đồng bỏ ra hơn 5 tháng nay coi như mất sạch” – ông Quang buồn rầu.

Hộ ông Nguyễn Cư (khối Sơn Phô 2) có hơn 700 chậu cúc, 250 chậu dạ yến thảo và hơn 200 chậu mãn đình hồng cũng không phát triển và chết dần. Ông Cư cho rằng hoa thối rễ thì chịu, dù gia đình chi nhiều tiền mua thuốc kích rễ.

“Mỗi chậu hoa, người trồng phải bỏ ra hơn 30.000 đồng, chưa tính công chăm sóc và tiền phân bón, thuốc trừ sâu. Như vậy, gia đình tôi thiệt hại mấy chục triệu đồng. Do bà con không có vốn mua giống mới trồng thay thế nên sắp đến, diện tích hoa trong làng sẽ sụt giảm đáng kể, gây thiệt hại nặng cho người trồng dù còn khoảng 1 tháng rưỡi nữa là đến Tết nguyên đán” – ông Cư ngán ngẩm.

Ông Phan Văn Liêu, Chủ tịch Hội Nông dân TP Hội An, xác nhận: “Việc nước lũ kèm mưa lớn đã khiến hơn 40% diện tích hoa Tết trong làng hoa Cẩm Châu bị thiệt hại với hơn 28.000 chậu, trong tổng số 18 ha. Số hoa bị thiệt hại chủ yếu là cúc, vạn thọ, mãn đình hồng, dạ yến thảo.

Theo ông Liêu, Hội Nông dân đã kết hợp với nhiều trung tâm khuyến nông lân cận giúp người trồng khắc phục hoa Tết bị hư hại nhưng vẫn không cải thiện được. “Chúng tôi chỉ còn cách yêu cầu người dân trồng lại các loại hoa ngắn ngày như mai dạ thảo, xác pháo, chùm thọ… để kịp bán vào dịp Tết nguyên đán sắp tới, mong lấy lại vốn. Người trồng ở đây đang phải đối diện với một mùa vụ thất thu chưa từng thấy” – ông Liêu cho hay.

Hết sức khó khăn

Sau 3 đợt lũ liên tiếp vào cuối tháng 11 và đầu tháng 12 năm nay, nhiều làng hoa ở tỉnh Bình Định trở nên xơ xác, tiêu điều, người trồng lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần.

Lũ quét khiến 20.000 chậu cúc của 50 hộ trồng hoa ở làng cúc Vĩnh Liêm, phường Bình Định, thị xã An Nhơn héo rũ, chết dần. Nhìn 500 chậu hoa cúc trong vườn héo vàng, tuột lá, ông Nguyễn Văn Phúc (ngụ phường Bình Định) xót xa cho biết gia đình ông đầu tư hơn 50 triệu đồng vào vườn cúc với hy vọng cuối năm bán kiếm chút tiền ăn Tết. Thế nhưng, 3 cơn lũ đã nhấn chìm toàn bộ vườn cúc trong nhiều ngày, khiến cây sắp ra búp xơ xác, chết dần.

“Hoa cúc không chịu được nước, trong khi lũ ngâm cả ngày lẫn đêm. Giờ chậu cúc nào cũng đóng một lớp bùn non nên gặp nắng là chết, không còn cách nào cứu chữa. Ngoài số tiền đầu tư cho vườn cúc, bao nhiêu công sức trong 3 tháng qua coi như mất trắng, Tết này sẽ hết sức khó khăn” – ông Phúc than thở.

Cách nhà ông Phúc vài trăm mét, vườn cúc hơn 1.000 chậu của ông Nguyễn Minh Công cũng trong tình cảnh tương tự. “Lũ lên nhanh quá, chưa kịp kê dọn thì nước đã dâng đến cổ. Hôm đầu tiên nước rút, thấy cảnh vườn cúc, tôi buồn đến nghẹn người, không nuốt nổi cơm. Tiền bạn hàng đặt cọc mua cúc trước đó, tôi phải gửi trả lại. Giờ không còn cúc, không biết lấy gì trả nợ” – ông Công than.

Không rơi vào cảnh mất trắng như nhiều hộ dân ở làng cúc Vĩnh Liêm, song hàng chục hộ ở làng hoa Bình Lâm (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước) cũng điêu đứng khi hoa bị ngâm trong nước lũ dài ngày. “Rút kinh nghiệm từ những năm trước, năm nay gia đình tôi đưa các chậu cúc lên vùng đất cao hơn. Vậy mà trong vài đợt lũ vừa qua, hơn một nửa trong 500 chậu vẫn bị ngập nước. Giờ nhìn vườn cúc, tôi thấy ngán ngẩm. Lỗ, nợ nần là chuyện không thể tránh khỏi” – anh Trần Văn Hưng (ngụ thôn Bình Lâm, xã Phước Hòa) nói.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, sau hai đợt lũ trong đêm 5 và ngày 6-11 khiến hàng ngàn chậu cúc, vạn thọ… bị ngập nước, dập nát, gây thiệt hại nặng cho nông dân.

Tại 2 xã Nghĩa Mỹ và Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa hàng loạt chậu hoa Tết bị nước lũ nhấn chìm gây hư hỏng nặng. Ông Nguyễn Văn Bảy, một hộ trồng hoa ở xã Nghĩa Hiệp, cho biết nước lớn đổ về làm hàng chục ngàn chậu hoa cảnh ngập chìm trong bùn đất, héo úa.

Theo thống kê của huyện Tư Nghĩa, sau đợt lũ đầu tháng 11-2017, hàng trăm hộ trồng hoa Tết bị thiệt hại nặng với trên 200.000 chậu các loại, nhiều hộ trắng tay.

Theo nhanong.com.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Niềm vui làng cúc Ninh Giang

Kể từ ngày 7-12, hoa cúc Ninh Giang chính thức được pháp luật bảo hộ quyền sở hữu nhãn hiệu. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy nghề trồng cúc phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân.

Vững vàng cúc Ninh Giang

Những người trồng hoa cúc ở phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa cho biết, gần 20 năm nay, hoa cúc Ninh Giang đã dần trở thành cụm từ quen thuộc trên thương trường vào mỗi dịp Tết Nguyên đán. Từ chỗ dăm ba hộ trồng với số lượng ít, quy mô nhỏ, những đóa hoa cúc nơi đây ngày càng tươi thắm hơn, vươn xa hơn, được nhiều người biết đến hơn. Đến nay, toàn phường có gần 300 hộ trồng hoa cúc, đưa ra thị trường hơn 150.000 chậu cúc lớn nhỏ vào mỗi dịp Tết đến xuân về. Theo ông Trần Ngọc Hiếu – Chủ tịch Hội Nông dân phường Ninh Giang: “Với chất lượng ngày càng được nâng lên, màu sắc, dáng thế có phần đặc trưng nên hàng năm, có đến 70% số chậu cúc trồng nơi đây được các thương lái ở một số tỉnh bạn đến mua tận vườn. Số còn lại bán trong tỉnh”.

Ông Trịnh Xuân Thanh – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Ninh Giang cho biết, những năm qua, phường đã tạo mọi điều kiện tốt nhất để người dân phát triển ngành nghề trồng hoa cúc. Nhất là trong 2 năm gần đây, tình hình thời tiết có phần không thuận lợi cho người trồng hoa, phường đã tạo điều kiện bằng cách tạo mặt bằng, cho người dân thuê với giá rẻ. Bất kể hộ nào có nhu cầu đều được lãnh đạo phường xem xét giải quyết. Trong tương lai, phường tiếp tục tạo mặt bằng thuận tiện về giao thông, thủy lợi tại khu vực núi Sầm rộng từ 4 đến 5ha để phục vụ nhu cầu mặt bằng cho người dân trồng hoa cúc. Phường đặt tham vọng biến khu vực này trở thành nơi giao thương, quảng bá sản phẩm hoa cúc Ninh Giang.

Gặp gỡ một hộ đang chăm sóc hoa cúc tại Tổ dân phố Tân Châu, ông Hồ Hiệp cho biết: “Năm nay nhà tôi trồng 500 chậu cúc. Xuống giống từ tháng 8 âm lịch, gặp cơn bão số 12 có ảnh hưởng ít nhiều, nhưng may là thời điểm bão vào cây còn nhỏ, nên chủ yếu bị nghiêng, đổ chậu, có thể phục hồi. Cũng như năm trước, năm nay, tình hình thời tiết khá thất thường, nên việc tính toán chăm sóc cây sinh trưởng đúng thời vụ của người dân có phần khó khăn hơn. Nhưng đã là nghề gắn bó nhiều năm nên tôi không thể bỏ được. UBND phường cũng tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi thuê khu đất này để đặt chậu”. Trên mảnh đất rộng chừng 4ha là khu vực đang được quy hoạch xây dựng trụ sở mới của UBND phường Ninh Giang, chúng tôi được biết khu vực này có hơn 20 hộ đang trồng hơn 10.000 chậu cúc lớn nhỏ để phục vụ Tết Nguyên đán.

Nâng tầm một sản phẩm

Không phải đơn thuần mà hoa cúc Ninh Giang được đưa vào Chương trình phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc trưng của Khánh Hòa giai đoạn 2016 – 2020. Toàn tỉnh chỉ có 6 sản phẩm được đưa vào chương trình này. Và với đặc trưng của mình, hoa cúc Ninh Giang đã có thể sánh ngang với những “tên tuổi” đặc trưng nhất của tỉnh gồm: yến sào Nha Trang, nước mắm Nha Trang, xoài Cam Lâm, sầu riêng Khánh Sơn, dừa xiêm Ninh Đa.

Nhãn hiệu tập thể “Hoa cúc Ninh Giang” đã được pháp luật bảo hộ độc quyền

Theo lãnh đạo Hội Nông dân phường Ninh Giang, ngoài cây lúa chiếm hơn 300ha, Ninh Giang còn là thủ phủ của nghề chế tác đá mỹ nghệ. Làng chế tác đá mỹ nghệ Phong Phú 1 là làng nghề truyền thống duy nhất của tỉnh. Ngoài ra, gần 40 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng, hàng trăm hộ trồng rau màu với diện tích hơn 17ha và hàng chục hộ chuyên trồng nấm rơm cũng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Việc cấp nhãn hiệu tập thể sẽ khẳng định thương hiệu cho cúc Ninh Giang, góp phần thúc đẩy ngành nghề này phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân.

Hẳn nhiên, việc xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu là bước tiến quan trọng trong quá trình bảo vệ, phát triển thương hiệu và giá trị sản phẩm hoa cúc Ninh Giang. Tuy nhiên, với đặc trưng là một sản phẩm chỉ làm ra trong một thời điểm nhất định, đó là Tết Nguyên đán, hình thức canh tác vẫn còn mang tính thời vụ, chủ yếu được trồng trên đất vườn qua cải tạo và thuê mướn một số khu đất trống, bằng phẳng để trồng. Những năm gần đây yếu tố thời tiết ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, chất lượng và hiệu quả của loại cây trồng này. Vì vậy, theo lãnh đạo Hội Nông dân phường Ninh Giang, trong thời gian tới, cùng với việc chuyển đổi một số diện tích đất lúa ở những nơi có chân đất cao, kém hiệu quả sang trồng hoa cúc, hoạt động trồng các loại hoa cúc quanh năm để phục vụ vào các dịp lễ, ngày rằm, cuối tháng… đã được tính đến. Về vấn đề này, ông Huỳnh Kỳ Hạnh cho biết thêm, việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác nông nghiệp nói chung là hoạt động hết sức quan trọng, có vai trò quyết định đến năng suất, chất lượng của cây trồng. Đối với hoa cúc, việc tính toán thời điểm ra hoa rộ nhất càng đòi hỏi phải áp dụng tối đa các giải pháp kỹ thuật. Vì vậy, đơn vị quản lý nhãn hiệu “Hoa cúc Ninh Giang” cần có mối liên kết chặt chẽ với các nhà chuyên môn, nhà khoa học để tìm kiếm và triển khai nhiều hơn các giống cúc, kỹ thuật canh tác quy mô, hiện đại nhằm nâng cao hơn nữa thương hiệu này.

Nguồn: Báo Khánh Hòa được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Khánh Hòa: Thủ phủ hoa cúc Ninh Giang căng mình phục hồi sau bão

Thủ phủ hoa cúc Ninh Giang (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) không chỉ cung ứng hoa cho các tỉnh thành trong cả nước, mà còn xuất bán sang Campuchia trong dịp tết. Tuy nhiên, cơn bão số 12 đi qua đã gây thiệt hại nặng nề cho người trồng hoa nơi đây.

Phường Ninh Giang có khoảng 300 hộ trồng hoa, mỗi nhà trồng bình quân từ 200 – 1.000 chậu. Cơn bão số 12 đi qua đã ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống và tình hình sản xuất của bà con nông dân của phường. Bão đổ bộ, nước lũ dâng cao khiến một số diện tích hoa bị ngập úng; số khác bị đổ ngã, hư hỏng do gió bão kèm mưa lớn. Tuy đã thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ hoa nhưng làng hoa vẫn bị thiệt hại khoảng 30%, ước tính hơn 1 tỉ đồng.

Nông dân làng hoa cúc Ninh Giang đang nỗ lực hết sức để phục hồi cho cây hoa sau bão. 

Về làng hoa sau một tuần cơn bão đi qua, chúng tôi bắt gặp những diện tích hoa bị đổ, ngã, hư hỏng và bị vàng lá khá nhiều. Hiện nay, người dân đang tất bật khắc phục hậu quả sau bão. Những chậu cúc ngã đổ trong mưa bão đang được người dân dựng lại, uốn nắn và chăm sóc.

Không chỉ tốn công khắc phục những cây bị lỏng gốc sau bão, nông dân còn phải căng mình để phục hồi diện tích hoa bị bệnh vàng lá do ngập lụt. Người dân cho biết tuy có thể phục hồi sức sống cho hoa nhưng không thể bằng lúc trước, khiến giá trị cây hoa bị giảm sút.

Mưa bão đã làm một số chậu hoa bị bể, hư hỏng hoàn toàn.

Ông Trần Minh Tự – người trồng hoa ở phường Ninh Giang – cho biết: “Sau bão lại bị mất điện nên chúng tôi phải thuê máy phát điện với giá 300.000 đồng và tốn 10 lít xăng cho một đêm để chong đèn cho hoa. Nhưng nếu không chong đèn, hoa vào nụ sớm thì nông dân sẽ đứng trước nguy cơ trắng tay”.

Cây hoa cúc bị đổ ngã, xiêu vẹo trong gió bão khiến chậu hoa mất dáng được tạo trước đó. 

Ngoài ra, các chủ vườn hoa còn tốn thêm các kinh phí khắc phục, thuê nhân công để uốn lại nhánh, bơm xịt thuốc trừ sâu bệnh để hạn chế thiệt hại. Anh Thanh Nhàn – phường Ninh Giang – cho hay, những chậu hoa trước bão đã được cắm cây, tạo dáng nhưng sau bão bị đổ ngã, siêu vẹo nên phải dựng và chống đỡ lại cho từng cây.

Nhiều cây bị chết, héo úa. 

Những cây bị gãy, buộc phải cắt bỏ, chỉ còn trơ lại gốc.

Nông dân làng hoa còn phải căng mình khắc phục diện tích bị vàng lá do ngập lụt.

Dù trước đó đã được cắm cây, tạo dáng, nhưng sau bão, hoa bị ngã đổ, siêu vẹo nên nông dân phải thực hiện chống đỡ lại cho cây.

Nguồn: Báo Lao động được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

7 loại thuốc trừ sâu thiên nhiên có thể tự chế tại nhà

1. Nước cây xoan (cây sầu đâu)

Người Ấn Độ cổ đại rất coi trọng chất dầu từ cây xoan bởi tác dụng đuổi các loài gây hại cho côn trùng. Thực tế, nước từ quả xoan và lá cây còn có thể làm dung dịch trừ sâu bởi chất đắng chứa bên trong.

Dầu từ cây xoan bởi tác dụng đuổi các loài gây hại cho côn trùng

Cụ thể, người dùng hòa 15 ml dầu xoan và một phần thìa cà phê nước rửa bát vào khoảng 1,9 lít nước ấm, khuấy đều rồi cho vào bình xịt. Dầu xoan có thể thay bằng dung dịch nước từ quả hoặc lá xoan phơi khô, nghiền nhỏ. Dung dịch này có hiệu quả với hầu hết các loại sâu, rệp.

2. Dầu khoáng nông nghiệp

Dầu khoáng được chưng cất từ dầu mỏ ở 30-40 độ C có khả năng trừ sâu mà không làm cháy lá cây. Để làm dung dịch diệt trừ sâu bọ, người dùng trộn khoảng 5-10 ml dầu khoáng với một lít nước, khuấy đều rồi cho vào bình xịt. Đây là thuốc trừ sâu hiệu quả với những loại côn trùng và trứng của chúng. Cụ thể, dầu giúp bịt các lỗ thở, làm sâu ngạt thở và chết, làm trứng sâu bị ung, đồng thời hạn chế sâu hại tìm đến cây chủ.

Nông dân thường dùng dầu khoáng để diệt trừ nhện hại, rầy, rệp, bọ trĩ và hạn chế ruồi, sâu đục quả. Tuy nhiên, người dùng không phun dầu khoáng trong giai đoạn cây ra hoa hoặc dưới trời nắng nóng.

3. Dung dịch từ ớt và tỏi, gừng

Các loại củ, quả như ớt, tỏi, gừng… chứa hàm lượng axit lớn, tác động đến các bộ phận như mắt, da của các sâu bọ và côn trùng hại. Để làm dung dịch này, người dùng băm nhỏ ớt, tỏi, gừng theo tỷ lệ 1: 1: 1, sau đó thêm khoảng 3 lít rượu vào hỗn hợp và để ngâm trong khoảng 15 ngày.

Các loại củ, quả như ớt, tỏi, gừng… chứa hàm lượng axit lớn, tác động đến các bộ phận như mắt, da của các sâu bọ và côn trùng hại

Khi phun, dung dịch được hòa với nước theo tỷ lệ 200ml tỏi gừng ót với 12 lít nước cho một sào. Loại thuốc trừ sâu thảo mộc này có thể để tới 4, 5 tháng.

4. Trà hoa cúc

Hoa cúc chứa một thành phần hóa học thực vật mạnh có tên gọi pyrethrin. Chất này sẽ xâm chiếm hệ thần kinh của côn trùng và làm chúng không hoạt động được.

Có thể chế tạo dung dịch thuốc trừ sâu từ hoa cúc

Người dùng có thể tự chế dung dịch thuốc trừ sâu từ hoa cúc bằng cách đun sôi 100 gram hoa cúc phơi khô với một lít nước trong vòng 20 phút, sau đó, lọc lấy nước, để nguội rồi cho vào bình xịt. Loại thuốc này hiệu quả đối với động vật có máu lạnh, côn trùng và động vật không xương sống. Nước hoa cúc giữ được tới 2 tháng. Người dùng có thể trộn thêm với dầu cây xoan để tăng hiệu quả.

5. Dung dịch từ thuốc lào

Dung dịch từ thuốc lào từng được sử dụng để tiêu diệt sâu hại, nhộng bướm, rệp và các loài nhuyễn thể như sên. Để điều chế, người dùng trộn thuốc lào hoặc lá, thân của cây thuốc lá đã phơi khô với 3,7 lít nước và ngâm hỗn hợp qua đêm. Sau 24 giờ, hỗn hợp ngâm có màu nâu nhạt, nếu dung dịch quá sẫm màu, người dùng nên thêm nước. Thời điểm thích hợp để phun dung dịch này là khi nhiệt độ khoảng trên 30 độ C. Hỗn hợp có thể dùng cho hầu hết các loại thực vật ngoại trừ các cây thuộc họ cà như cà chua, ớt, cà tím…

6. Cây ruốc cá

Cây ruốc cá (cây dây mật) được sử dụng để diệt trừ sâu bọ, côn trùng, rầy xanh, rệp bông… Tại một số vùng ở nước ta, người dân hái cây duốc cá tươi, làm thành vòng treo trên sừng những con trâu bị dòi hay có ký sinh.

Để điều chế thuốc trừ sâu rầy từ cây ruốc cá, bạn ngâm rễ cây rồi giã, vắt lấy nước, sau đó đem phun. Ngoài ra, hạt cây khi rang lên, giã thành bột cũng có thể đem ngâm nước rồi phun. Khoảng 7kg bột cây ruốc cá có thể ngâm với 400 – 500 lít nước và phun cho khoảng một ha.

Thuốc bảo vệ thực vật từ cây ruốc cá cho hiệu quả 70-80% với sâu ba ba hại rau muống, rầy xanh hại chè, rầy bông, tuy nhiên không độc với bọ rùa, ong mắt đỏ.

7. Cây nghể răm

Cây nghể răm không độc với người nhưng độc với các loài nhuyễn thể, giun, sán, rệp muội, các loại sâu ăn lá nên loại cây này còn được dùng để trị các bệnh về giun sán và tiêu hóa.

Người dùng lấy cây nghể răm giã nhuyễn, ngâm với khoảng 3 lít nước ấm (tỷ lệ pha 3 sôi : 2 lạnh) sau đó lọc, pha lại với 8 lít nước để phun cho diện tích 500m².

Ngoài ra, bạn có thể đun 4kg cây nghể răm trong 8 lít nước, sau khi sôi khoảng 20 phút thì tắt bếp để ngâm qua đêm, sau đó lọc và đem phun cho 500m2 ruộng. Để tăng hiệu quả, người dùng có thể pha thêm với dung dịch thuốc lào.

Theo nhanong.com.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.

Kỹ thuật trồng hoa cúc vụ Tết

Hoa cúc có tên tiếng Anh là Asteraceae, có nghĩa là ngôi sao. Theo quan niệm phương đông, ngày tết trong nhà có những chậu hoa cúc đẹp nhất sẽ mang lại cho gia đình may mắn và sung túc.

Để có được một chậu hoa cúc đẹp cần áp dụng những quy trình kỹ thuật sau:

Chuẩn bị đất trồng hoa cúc

Đất phù hợp để trồng hoa cúc là đất thịt nhẹ, tơi xốp, đặc biệt là đất phù sa mới, bề mặt bằng phẳng, thoát nước tốt, có nguồn nước tưới không bị ô nhiễm.

Độ pH phù hợp trên đất trồng cúc từ 6-6,5. Nếu trồng hoa cúc trên đất trũng, ẩm thấp, bí, đất chua, dẫn tới thiếu oxy và ảnh hưởng tới hoạt động của các vi sinh vậy trong đất, quá trình phân giải chất hữu cơ chậm thì bộ rễ kém phát triển. Điều này ảnh hưởng tới việc hút dinh dưỡng của cây, dẫn đến hiện tượng cây còi cọc, lá úa vàng, sinh trưởng phát triển kém.

Cuốc đất và phơi ải 1 tuần, sau đó lên luống và tiếp tục làm nhỏ đất trên mặt luống sao cho đất tơi xốp, để quá trình phát triển của cây thuận lợi. Sau đó, san mặt luống bằng phẳng rồi tiến hành bón lót cho đất. Phân được giải đều trên mặt luống và dùng cuốc trộn đều phân với đất.

Nếu muốn trồng hoa cúc vào chậu thì có thể trộn giá thể trồng theo công thức:  ½ đất phù sa +  ¼ phân chuồng + ¼  xơ dừa.

Ngoài ra, nên phun đều Ridomil (nồng độ 3g/lít) để xử lý nấm bệnh trong giá thể trước khi trồng.

Đất được cày sâu, phơi ải và bừa kỹ, lên luống cao 20-30cm, bón phân lót khoảng 15-20 ngày trước khi trồng. Nên bón nhiều phân chuồng sẽ làm cho đất thêm thuần thục, cải tạo được kết cấu của đất, giúp cho cây bền lâu, chất lượng hoa tốt hơn.

Thời vụ trồng hoa cúc

Hoa cúc trồng được quanh năm, và được trồng vào những tháng sau:

Vụ Xuân Hè: Trồng tháng 3,4,5 để có hoa vào tháng 6,7, 8.

Vụ Thu: Trồng tháng 5,6,7 để có hoa bán vào tháng 9, 10, 11.

Vụ Thu Đông: Trồng tháng 8, 9 để có hoa bán vào tháng 12, 1.

Vụ Đông Xuân: Trồng tháng 10, 11 để có hoa bán vào tháng 2, 3.

Chuẩn bị giống hoa cúc

Sử dụng các giống cúc mới được chọn tạo, nhập nội của Đài loan, Hà Lan, Nhật Bản hợp thị hiếu người tiêu dùng gồm cúc cành (có nhiều bông) và cúc đơn (cây chỉ 1 bông) như: Vàng Đài Loan, vàng hè, HL1, CN42, CN43, CN93, CN98… Với cây con khi đem trồng phải cao 5-6cm, có 6-10 lá (nuôi cấy mô); cây giâm cành phải cao 7-8cm, có 6-8 lá. Cây giống phải đồng đều, không bị nhiễm bệnh và mang đầy đủ đặc trưng của giống.

Kỹ thuật trồng hoa cúc

Sử dụng cây hoa cúc để giâm cành với chiều cao khoảng 5- 7cm, có 5-7 lá, đường kính thân 0,2cm, rễ dài 0,5-3cm, số rễ nhỏ hơn 4cm. Khoảng cách trồng đối với loại cúc 1 bông là 15cm x 12 cm, cúc hoa trung bình thân bụi là 10cm x 30cm và cúc hoa nhỏ là 50cm x 60cm.

Nên trồng vào những ngày râm mát, trước khi trồng tưới nước cho mặt luống đủ ẩm (75%), sau đó dùng dầm để đào hốc, trồng xong dùng tay ấn nhẹ xung quanh gốc và phủ gốc bằng mùn rơm rồi dùng ôdoa tưới nước đẫm mặt luống.

Trong trường hợp trồng cúc vào chậu thì tùy thuộc vào kích thước, kiểu dáng khác nhau mà lựa chọn số cây để trồng trong chậu cho phù hợp.

Chậu có kích thước 30x 15x 20cm ( chiều cao x đường kính đáy x đường kính miệng chậu) có thể trồng 5 cây/chậu.

Khi trồng cúc, đầu tiên cho giá thể đã xử lý nấm bệnh vào chậu cao cách miệng chậu 5cm. Trồng các cây sao cho cây phân bố đều xung quanh chậu để tán cây đều, không trồng cây quá sát vào thành chậu. Nên trồng cây vào buổi chiều, sau khi trồng tưới đẫm nước. Xếp chậu cách chậu 10 – 15cm (tính từ mép chậu).

Kỹ thuật bón phân cho hoa cúc

Khối lượng phân bón cho 1 sào Bắc bộ cần 1 tấn phân chuồng đã hoai mục, 10 kg urê, 30 kg supe lân, 10 kg Kali clorua, 100kg tấm đậu đã ngâm hoai.

Cách bón: Bón lót toàn bộ phân chuồng + 2/3 supe lân + 1/3 kali. Lượng phân còn lại chia bón thúc làm 3 đợt. Có thể rạch hàng 2 bên hàng cây, giữa 2 hàng cây để rắc phân kết hợp xới xáo và tưới nước hoặc hòa phân bón vào nước rồi tưới cho cây theo rãnh, phun sương…

Kỹ thuật chăm sóc hoa cúc

Phải thường xuyên làm cỏ xới xáo và vun luống. Việc xới xáo, vun quanh gốc chỉ cần khi cây cúc còn nhỏ.

Khi cây đã trồng 40 ngày nên hạn chế xới xáo, chỉ tiến hành nhổ cỏ.

Tưới rãnh cho hoa cúc nên tưới ngập 2/3 rãnh trong 1 – 2 giờ để nước ngấm vào luống sau đó rút nước ra. Tuỳ theo tình trạng độ ẩm của luống hoa có thể 7 – 10 ngày tưới 1 lần.

Đối với cách tưới mặt, nên dùng ô doa tưới nhẹ trên mặt luống cho đến khi đạt độ ẩm bão hoà trong đất, cách tưới này phải thường xuyên và phụ thuộc vào độ ẩn của luống hoa.

Ngoài ra, với mỗi giống hoa cúc lại có cách bấm ngọn, tỉa cành khác nhau.

Sau khi trồng 15 – 20 ngày bấm ngọn để lại 3 – 4 cành hoa đối với giống cúc có hoa lớn. Đối với các giống hoa cúc nhỏ, dạng thận bụi, bấm ngọn 2- 3 lần:

Lần 1 sau khi trồng 15 – 20 ngày, Lần 2 bấm ngọn sau lần 1 khoảng 15 ngày, Lần 3 sau lần 2 khoảng 15 ngày.

Người trồng hoa phải thường xuyên bấm, tỉa cành và các nhánh không cần thiết. Đến thời kỳ ra hoa cần bấm những nụ phụ, chỉ để lại nụ chính để tập trung dinh dưỡng nuôi hoa.

Kỹ thuật đặc biệt khi trồng hoa cúc trái vụ

Xử lý ánh sáng ngày ngắn để thúc đẩy sự phân hóa mầm hoa và ra hoa bằng cách mỗi ngày che 3-4 giờ vào thời gian từ 16 đến 19 giờ hàng ngày. Thời gian che liên tục trong 15 ngày, cúc sẽ phân hóa mầm hoa và ra hoa theo ý muốn.

Dùng bóng điện loại 100W treo cách ngọn cây hoa cúc khoảng 50-60cm (luôn thay đổi chiều cao dây treo bóng theo độ lớn của cây) với mật độ 1 bóng/10m2. Hàng ngày chiếu sáng từ 22 giờ đêm đến 2 giờ sáng, chiếu sáng liên tục trong thời gian khoảng 1 tháng sẽ làm cho cây không phân hóa mầm hoa và nở sớm.

Thu hoạch hoa cúc

Trước thu hoạch 7-10 ngày nên tưới dung dịch phân lân và kali ở nồng độ thấp cho cây: 30 kg P205 + 30 kg K20 cho 1ha, đồng thời phun thuốc diệt trừ sâu bệnh.

Cắt hoa vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Dùng dao, kéo sắc cắt riêng các cành hoa có 2/3 số cánh đã nở cách mặt đất 5-10cm.

Xử lý hoa trước khi đóng thùng bằng cách nhúng gốc cành vào dung dịch STS (Silver thiosulphate) 1% cho hoa được tươi lâu, bảo quản được trên đường vận chuyển. Xếp các bó hoa vào thùng carton hoặc hộp xốp với kích thước 120 cm x 60 cm x 60 cm. Mỗi thùng xếp 15 bó khoảng 1.200 cành.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Kỹ thuật trồng cúc vàng

Cây cúc vàng vụ đông có thêm 2 – 4 nhánh cành lộc, thân cây thẳng mập, bộ lá xanh đẹp, có hoa nở, hoa nụ, sẽ rất dễ bán và bán được giá cao…

1. Thời vụ trồng:

1 – 5/10. Cần theo dõi dự báo thời tiết, nếu vụ đông rét ít thì trồng muộn hơn so với thời vụ 3 – 5 ngày. Nếu vụ đông rét nhiều trồng sớm hơn 2 – 3 ngày.

  1. Đất trồng:

hoa cúc vàng

Cát pha hoặc thịt nhẹ giàu mùn, tưới tiêu thuận lợi.

  1. Tiêu chuẩn cây giống:

Cần mua cây giống từ các cơ sở nhân giống hoa cúc uy tín (Viện Nghiên cứu Rau quả) để có được cây giống trẻ về tuổi sinh lý và mập khỏe, sạch bệnh, tối thiểu có 4 – 6 rễ, cây cao 6 – 8cm.

  1. Phân bón/1 sào Bắc bộ:

800 – 1.000kg phân chuồng hoai; 25 – 30kg lân supe; 4 – 5kg clorua kali; 20 – 25kg vôi bột; 2 – 3kg đạm urê và 6-7kg NPK Đầu trâu xanh 16-16-13

5. Kĩ thuật trồng, chăm sóc:

Ruộng cày phơi ải 7 – 10 ngày, làm nhỏ đất, lên luống rộng 1 – 1,2m, cao 20 – 25cm, rãnh luống 30cm. Rẽ đất mặt luống trồng cây, hàng cách hàng 14cm, cây cách cây 10cm, mật độ 1,5 – 1,7 vạn cây/sào. Trồng chìm toàn bộ phần rễ cây, nén nhẹ gốc cây, tưới nước ngày 2 lần (sáng, tối) tới khi cây bén rễ hồi xanh.

Phân bón lót: Vôi bột bón kết hợp cày lật đất. 50% phân chuồng + 50% phân lân trộn đều với đất mặt luống, san phẳng, tiến hành trồng cây.

Bón thúc lần 1: Khi cây bén rễ hồi xanh phun bón lá Siêu lân 2 lần cách nhau 7 ngày.

Bón thúc lần 2 (sau trồng 10 ngày): 100% lượng đạm urê + 100% lượng clorua kali pha loãng tưới.

Bón thúc lần 3 (sau trồng 25 ngày): 100% lượng NPK Đầu trâu, rắc mặt luống kết hợp tưới nước.

Bón thúc lần 4 (sau trồng 40 ngày): Hết số phân chuồng, phân lân còn lại.

Ngoài ra, từ sau trồng đến cây phân hóa mầm, định kỳ 7 ngày/1 lần phun bón lá Atonik.

Suốt quá trình sinh trưởng, phát triển của ruộng cúc không được xới xáo mặt luống.

Khi cây cao 25 – 30cm tiến hành làm giàn lưới dây nilon ô vuông (mỗi cây hoa trong 1 ô lưới), giữ cho cành hoa thẳng, tránh đổ ngã. Kéo căng các đầu dây lưới nilon buộc níu chặt vào hệ thống cọc tre cắm cố định trong đất ở đầu và mép luống hoa).

Thường xuyên ngắt bỏ các mầm nhánh phát sinh từ lách lá, chỉ để lại 3 – 4 mầm nhánh cho phát triển thành các cành nhánh phụ.

Các cành nhánh phụ cần được chọn từ những mầm nhánh liên tiếp mọc từ lách lá thứ 7 – 11 (tính từ lá cuối cùng ngọn cây). Các cành nhánh phụ này phát triển đến cuối vụ sẽ sinh thêm nhiều nụ hoa – dân dã gọi là cành lộc, có ý nghĩa về phong thủy, được người người tiêu dùng ưa chuộng.

Khi cây cúc chuyển sang phân hóa mầm hoa, chiều cao cây còn thấp dưới 55cm, cần bón bổ sung chế phẩm GA3 kích thích cây tăng trưởng (1 gram GA3 hòa tan trong 40 – 50 ml cồn 70 độ rồi pha loãng với 20 lít nước sạch phun/1 sào). Trước và sau phun GA3 khoảng 4 – 5 ngày, phải bón thêm cho mỗi sào cúc 2 – 3kg NPK Đầu trâu xanh để cây hoa tăng trưởng cân đối.

  1. Điều chỉnh hoa nở đúng thời vụ

Nếu ruộng cúc sinh trưởng khỏe, mà chậm phân hóa mầm hoa, hoa nở muộn hơn so với thời vụ, cần dừng tưới nước, hãm ruộng khô. Trong khi hãm ruộng khô nếu thời tiết có mưa, bón kali hoặc xới xáo nhẹ làm đứt 12 – 15% bộ rễ cây, cây cúc sẽ chuyển sang phân hóa mầm hoa.

Nếu sau trồng 20 – 25 ngày đã thấy các ngọn cúc có dấu hiệu chùn lại, lá nhỏ và xếp mau hơn, nhiệt độ không khí xuống dưới 13 độ C, cần thắp bóng điện 75W từ 17 – 21 giờ tối 20 – 25 ngày liên tục (mỗi tối thắp 3 – 4 giờ). Bóng điện treo cao hơn ngọn cúc 0,8 – 1m. 5 – 6m2 thắp 1 bóng.

  1. Phòng trừ sâu bệnh

Phòng trừ sâu bệnh kịp thời theo khuyến cáo của cán bộ BVTV chuyên ngành. Chú ý 1 số đối tượng gây hại nguy hiểm như bệnh sương mai, sâu xanh, sâu khoang, sâu vẽ bùa, nhện đỏ, bọ trĩ… Có thể phối hợp 1 số loại thuốc Ridomil 72MZ, Pegasus, Sumicidin, Carbamec… Phun định kỳ 15-20 ngày/ 1 lần từ sau trồng đến trước thu hoạch hoa 15 ngày.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam