‘Bà mụ’ mát tay ép đẻ thành công hàng chục loài cá biển

Gần 20 năm qua, kỹ sư thủy sản Lê Thị Như Phượng đã ép đẻ thành công gần 20 loài cá biển có giá trị kinh tế cao giúp người nuôi trồng thủy sản (NTTS) có nguồn giống phong phú, chất lượng để nuôi thương phẩm.

Kỹ sư thủy sản Lê Thị Như Phượng đã ép đẻ thành công gần 20 loài cá biển có giá trị kinh tế cao

“Phá sản” ngay lần đầu tiên đỡ cá đẻ

Hẹn chúng tôi tại trại nuôi cá giống nằm trên địa bàn huyện Ninh Hòa – Khánh Hòa, bà Lê Thị Như Phượng (SN 1972), phụ trách một công ty sản xuất cá biển giống hàng đầu Việt Nam nhưng vô cùng bình dị. Bà mặc chiếc áo khoác dày, đội mũ rộng vành, chân mang ủng nhựa, tay cầm vợt lưới… tất tả cùng các công nhân sang lựa cá giống giữa cái nắng rát người.

Mở đầu câu chuyện về cơ duyên đến với nghề “bà mụ” cho cá, bà kể, năm 1998, sau khi tốt nghiệp Khoa Nuôi trồng Trường Đại học Thủy sản Nha Trang (nay là Đại học Nha Trang) bà được nhận vào làm kỹ thuật viên một công ty thủy sản có vốn của Đài Loan.

Lúc bấy giờ, ngoài tôm sú, tôm hùm lồng, ốc hương và một số loài nhuyễn thể khác, người NTTS ở Khánh Hòa bắt đầu nuôi thương phẩm thử nghiệm một số loài cá biển như cá mú, cá hồng…

Nhận thấy con giống được đánh bắt từ tự nhiên ngày một khan hiếm trong khi chưa có một cơ sở nào sản xuất cá giống thương phẩm, kỹ sư Phượng đã mạnh dạn đề xuất ý tưởng sản xuất giống cá biển bằng phương pháp sinh sản nhân tạo với ban giám đốc.

Sự táo bạo của cô gái mới ra trường, non kinh nghiệm và còn là “hàng hiếm” trong ngành nuôi trồng thủy sản (xưa nay rất ít cơ sở nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là sản xuất con giống thường không nhận phụ nữ làm việc) đã thuyết phục ban giám đốc bởi sự quyết đoán và tầm nhìn chiến lược.

Với sự tận tụy và kiến thức nền tốt, kỹ sư Phượng đã lai tạo, nhân giống nhiều loài cá khó như cá mú, cá khế vằn.

Vậy là cô kỹ sư trẻ bắt đầu “săn lùng” cá bố mẹ từ các ngư dân để nuôi vỗ cho cá phát triển.

“Cái khó nhất của nghề làm cá giống là tìm cá bố mẹ và nuôi chúng phát triển thành thục. Trong 100 con cá bố mẹ sau nhiều năm nuôi vỗ may mắn lắm có thể chọn được 40 con nhưng để tìm được 100 con bố mẹ là cả một vấn đề.

Đặc biệt là cá mú, phải hơn 3 – 6 năm nuôi vỗ (tùy kích thước cá bố mẹ) và sử dụng nhiều phương pháp mới có thể “ép” chúng thành con đực hay con cái. Bởi đây là loài không xác định giới tính khi còn nhỏ”, bà Phượng chia sẻ.

Khó nhưng kỹ sư Phương đã chọn cá mú là đối tượng ép đẻ làm cá giống. Sau 4 năm nuôi vỗ, cô nữ kỹ sư và cả công ty mừng vui khi có thể cho cá đẻ lứa đầu tiên. Tuy nhiên, lúc đó cả cá bố mẹ và con giống đều chết sạch.

Một cú sốc cực lớn với kỹ sư Phượng và của cả công ty. Mọi thứ gần như sụp đổ, mọi vốn liếng, tâm huyết và cả thời gian đã dành cho đàn cá đã mất trắng.

Không từ bỏ, nữ kỹ sư vẫn tin sẽ ép cá mú đẻ trong môi trường nuôi nhốt. Đồng thời, bà được sự hậu thuẩn của vị giám đốc lúc bấy giờ là hôn phu nên tiếp tục nghiên cứu công việc dang dở.

“Làm thủy sản là phải lao vào làm, phải sống với thất bại để rút tỉa kinh nghiệm. Thất bại giúp tôi nhận ra những thiếu sót nên sau lứa cá bố mẹ chết ngay lần đầu ép cá đẻ tôi đã thành công”, bà Phượng nói.

Nhiều lần thất bại nhưng bản thân kỹ sư Phượng luôn nghĩ đó là bài học và bà tâm niệm làm thủy sản là phải dấn thân, phải làm để rút tỉa kinh nghiệm. Trong ảnh, các công nhân đang sang lựa cá giống tại trại cá của kỹ sư Phương.

Không từ bỏ

Khi cá con nở, kỹ sư Phượng như quay cuồng không phải vì vui mừng mà xoay sở tìm thức ăn, cân bằng môi trường phù hợp với cá con trong môi trường nuôi nhốt. Lý do là, cá con nhỏ như đầu tâm, miệng nhỏ hơn đầu kim nên tìm mồi nhỏ từng ấy là cả một vấn đề.

Rồi môi trường nước phải được xử lý như thế nào để cá con khỏe mạnh, sinh trưởng tốt và kháng bệnh cao. Tất cả đều mới mẻ với kỹ sư Phượng và buộc bà không ngừng học hỏi, rút kinh nghiệm qua từng ngày.

Hơn 18 năm làm cá giống, bà Phượng đã ép đẻ thành công gần 20 loài, riêng cá mú (loại cực khó trong quá trình lai tạo con giống) bà đã ép đẻ thành công 5 giống khác nhau. Trong có cả việc lai cá mú cọp với cá mú đen để ra con mú trân châu đang thịnh hành trên thị trường.

Hiện thương hiệu Phượng “cá giống” đã trở nên thân thuộc với người NTTS cả nước. Từ 5 loài cá mú đến cá bớp, cá gáy, cá vược… đến cá tai bồ, cá bè, cá khế vằn bà ép đẻ làm giống nuôi thương phẩm đã giúp người NTTS yên tâm làm giàu.

Từ nhiều năm nay, thương hiệu cá giống của kỹ sư Phượng luôn được người NTTS tin dùng.

“Chị Phượng không chỉ bán con giống mà còn đồng hành với người nuôi. Cá có vấn đề về dinh dưỡng, nguồn nước, bệnh tật có thể gọi chị bất cứ lúc nào. Cái nào biết, chị tư vấn ngay.

Trường hợp lần đầu, hay ca khó chị bảo gửi mẫu để chị đưa đi phân tích để tránh, hạn chế rủi ro. Nhờ sự đồng hành của chị Phượng mà người NTTS như tôi rất an tâm”, ông Võ Văn Vinh, một người nuôi cá bớp ở Vạn Ninh nhận định.

Chính sự gần gũi và sẵn sàng hỗ trợ người NTTS đã giúp chị Phượng tạo được lòng tin nơi họ. Và cũng xuất phát từ mối quan hệ đó mà nhiều giống cá chị làm mới là do chính người nuôi trồng yêu cầu.

“Nhiều giống cá có giá trị kinh tế cao như cá gáy, cá bè, cá khế vằn… sau một thời gian bị đánh bắt đã cạn kiệt con giống tự nhiên nên người dân nói mình ép đẻ làm giống vậy là bắt tay mày mò làm.

Nhưng cũng chính sự gần gũi và tin tưởng nên tôi nhờ họ kiếm giúp cá bố mẹ để nuôi vỗ là có ngay. Vì để tìm được vài chục con cá bố mẹ là cả một vấn đề nếu không có sự hỗ trợ của người NTTS”, bà Phượng tâm sự

Với mỗi giống cá mới, bà đều được người NTTS tin tưởng đón nhận và được Sở KHCN, Hội Nông dân tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn và cá giải thưởng về qui trình lai tạo giống mới.

Với đề tài kỹ thuật sản xuất thành công giống nhân tạo cá khế vằn nuôi thương phẩm, kỹ sư Lê Thị Như Phượng vừa được trao giải nhì trong hội thi Sáng tạo Khoa học – Kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa lần thứ VII. 

“Không một việc gì là thành công ngay mà không gặp thất bại, nhất là với ngành thủy sản. Phải làm và làm sẽ thấy được mình đúng và sai chỗ nào.

Chính việc lao vào công việc và tự tin bước tiếp đã giúp tôi thành công trong việc ép đẻ thành công nhiều giống cá biển để nuôi thương phẩm”, kỹ sư Lê Thị Như Phượng tâm niệm.

Nguồn: Đời sống & Pháp lý được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Cá bớp nuôi lồng bè trên biển Hòn Lăng chết hàng loạt

Khốn đốn

Hòn Lăng là vùng nuôi trồng thủy sản trong lồng bè trên biển lớn nhất ở xã Ninh Ích, với quy mô lên đến khoảng 1.500 lồng, hơn 82 hộ nuôi. Trong đó, các lồng bè chủ yếu nuôi cá chim, cá bớp.

Thời điểm năm ngoái, người nuôi đã từng thiệt hại nặng nề vì cá bớp chết hàng loạt. Vậy mà vụ nuôi năm nay họ tiếp tục nếm “trái đắng”. Cá bớp bắt đầu chết từ ngày 10/7. Lúc đầu cá chết lai rai nên người nuôi không thông báo cho chính quyền địa phương. Tuy nhiên sau đó càng ngày cá chết càng nhiều, với tỷ lệ hao hụt từ 20 -40% ở tất cả bè nuôi.

Dấu hiệu cá bớp sắp chết mắt lờ đờ, bỏ ăn

Ông Nguyễn Văn Phước, một người nuôi cá ở khu vực này cho biết, dấu hiện lâm sàng trước khi cá chết là biểu hiện bỏ ăn, phần đầu xuất hiện chấm trắng, mang hơi nhạt và tiết nhiều chất nhầy. Mặc dù người nuôi đã tự điều trị cho đàn cá bị bệnh các loại thuốc kháng sinh nhưng không hiệu quả.

“Năm nay gia đình tôi nuôi cá bớp tiếp tục thua lỗ nặng. Tôi thả vụ này khoảng 10.000 con, đến nay cá đã đạt trọng lượng gần 1kg. Vậy mà ngày nào kiểm tra lồng tôi đều thấy cá chết nên xót lắm. Giờ chẳng biết trong lồng còn bao nhiêu con nữa, nhưng ước thiệt hại hơn nửa đàn rồi”, ông Phước than vãn.

Không chỉ gia đình ông Phước mà 23 hộ nuôi ở nơi đây cũng bị thiệt hại. Họ nghi ngờ có thể do hoạt động cào sò xung quanh vùng nuôi khiến nguồn nước bị xáo trộn bùn đất lên gây ô nhiễm nặng.

Chết do vi khuẩn

Sau khi nhận được thông tin cá chết, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa đã chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y Ninh Hòa phối hợp UBND xã tiến hành xuống hiện trường để thu mẫu xác định nguyên nhân.

Theo đó, 3 mẫu cá bớp được gửi xét nghiệm tại Trung tâm Nghiên cứu giống và dịch bệnh thủy sản (ĐH Nha Trang) cho thấy: Một mẫu cá bị nhiễm streptococcus sp và 2 mẫu cá còn lại đều bị nhiễm khuẩn nặng với 2 loại khuẩn streptococcus sp và Vibrio sp.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa, hiện tượng này cũng như thời điểm tháng 7 – 8/2016. Streptococcus sp xâm nhập vào cá bớp nuôi vào thời điểm cá yếu, Vibrio sp. gây bệnh xâm nhập và phát triển bội nhiễm, kết hợp với các yếu tố môi trường vùng nuôi biến đổi không thuận lợi gây hiện tượng cá chết từ rải rác đến hàng loạt.

Cá bớp bị chết hàng loạt

Để hạn chế thiệt hại thấp nhất cho người nuôi, chi cục khuyến cáo người nuôi nếu có thể di chuyển lồng bè đến khu vực môi trường nước không bị ảnh hưởng bởi nguồn gây ô nhiễm. Tiến hành san thưa đàn cá trong lồng còn lại, đồng thời theo dõi sức khỏe đàn… Thu gom xác cá chết đưa vào bờ, không vứt xác cá chết xuống biển.

Đối với đàn cá chưa bị bệnh thì áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp. Thường xuyên theo dõi cá để phát hiện bệnh sớm và có biện pháp điều trị kịp thời. Cần tắm cá định kỳ để phòng bệnh. Cụ thể, tắm oxy già với nồng độ 200 – 300 ppm trong thời gian 20 – 30 phút. Tắm nước ngọt từ 10 – 20 phút. Kết hợp tắm nước ngọt pha oxy già với nồng độ 100 – 150 ppm trong thời gian 10 – 15 phút. Thực hiện cứ 10 ngày tắm 1 lần, liên tiếp 3 lần, sau đó khoảng 35 – 45 ngày tắm lại theo quy trình trên.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Kỹ thuật nuôi cá giò thương phẩm

Cá giò hay còn gọi là cá bớp (Cobia/Black King fish) phân bố ở vùng biển nhiệt đới, cận nhiệt đới và vùng nước ấm của biển ôn đới. Đây là một loài cá có giá trị kinh tế lớn, mang lại giá trị xuất khẩu cao.

Trong tự nhiên cá giò sống ở vùng nước mặn hoặc nước lợ ven biển, rạn san hô cho đến vùng biển khơi. Cá giò thuộc loại cá dữ, ăn thịt động vật, thức ăn tự nhiên của cá gồm cua, tôm, ốc và các loại cá con. Tốc độ sinh trưởng của cá nhanh, có thể đạt cỡ 4-6 kg sau một năm nuôi. Cá giò thành thục lần đầu tiên sau 2 năm tuổi, mùa sinh sản của cá giò ở miền Bắc từ tháng 4 – 7 hàng năm.

Do cá giò có tốc độ sinh trưởng nhanh, giá thị trường khá cao nên được nuôi phổ biến ở nhiều tỉnh ven biển như Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Huế, Phú Yên, Khánh Hoà, Vũng Tàu, Kiên Giang. Hình thức nuôi chủ yếu là nuôi lồng trên biển.

Lồng nuôi

Có 2 kiểu lồng nuôi phổ biển là lồng gỗ có kích thước từ 27-216m3, thường được nuôi ở vùng kín sóng gió và lồng nhựa chịu lực HDPE hình tròn (thể tích từ 300m3 trở lên) có khả năng nuôi được ở những vùng biển hở. Cỡ mắt lưới lồng dùng cho lồng nuôi cá thương phẩm tăng dần theo sự tăng trưởng của cá, từ 2a = 3-7cm.

Thả giống

Kích thước cá giống: Cỡ giống thả nên đạt khối lượng trung bình 30g, chiều dài 18-20 cm (70-75 ngày tuổi). Con giống phải đồng đều, khoẻ mạnh, không bệnh tật. Mật độ thả: cá giò có tốc độ sinh trưởng nhanh, khi thu hoạch cá thịt đạt trung bình 5kg/con nên mật độ thả nuôi ban đầu cần dừng ở mức 5 – 6 con/m3.

Trong giai đoạn khi cá đạt từ 1 – 3 kg cần phân cỡ cá một số lần để đảm bảo cá lớn đồng đều. Khi cần có thể giảm bớt mật độ cá trong lồng.

Thức ăn và chế độ cho ăn

Cá tạp:

Khi sử dụng thức ăn là cá tạp cần phải dùng cá tươi. Ngày cho ăn 1 lần vào buổi sáng. Mỗi lần cho ăn đến no, khoảng 5-8% tổng khối lượng đàn cá nuôi. Hệ số thức ăn sử dụng cá tạp dao động từ 8 – 10 kg cá tạp/kg cá thịt.

Thức ăn công nghiệp:

Sử dụng thức ăn công nghiệp chất lượng tốt để nuôi cá Giò mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cá tạp, vừa chủ động nguồn thức ăn, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Có các cỡ thức ăn phù hợp theo tăng trưởng của cá: từ 2-16 mm. Cho cá ăn ngày 2 lần (sáng và chiều), khẩu phần 1.5-2% khối lượng cá/ ngày. FCR: 1,5 -1,8 kg thức ăn cho 1kg tăng trọng

Khối lượng cá ( g )      Cỡ thức ăn công nghiệp ( mm )
15 – 50                                       2
50 – 160                                     3
160 – 1000                                5.0
1000 – 1500                              7
1500 – 3000                              9
>3000                                         16

Quản lý lồng nuôi

Trong quá trình nuôi cần theo dõi tình trạng sức khoẻ và bệnh tật của cá để kịp thời xử lý. Cần định kỳ vệ sinh và thay lưới lồng 2-3 tháng/lần để đảm bảo thông thoáng cho lồng nuôi. Cần định kỳ kiểm tra neo, lưới …) và khi cần thì kịp thời bảo dưỡng hoặc thay thế để giảm thiểu rủi ro do hư hỏng lồng. Hàng tháng đo mẫu để xác định tăng trưởng của cá (chiều dài và khối lượng cá), qua đó xác định được khối lượng đàn cá trong lồng để điều chỉnh lượng thức ăn cho hợp lý.

Thu hoạch cá

Cỡ cá thu hoạch tốt nhất từ 5-10 kg. Trong quá trình nuôi khi cá đạt cỡ thương phẩm có thể thu tỉa để bán dần và nên thu hoạch và bán hết khi có đầu ra để quay vòng chu kỳ nuôi mới.

Thị trường

Cá giò hiện được tiêu thụ ở các thành phố lớn trong nước và xuất khẩu quy mô nhỏ ra nước ngoài ở dạng cá sống (Quảng Ninh, Hải Phòng) hoặc được chế biến hay đông lạnh (Khánh Hoà, Vũng Tàu).

Nguồn: VACVINA được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Khánh Hòa: Hàng tấn cá bớp chết bất thường, người dân khốn đốn

Mấy ngày nay, người nuôi thủy sản trên vịnh Cam Ranh lâm vào tình trạng khốn đốn, bởi cá bất ngờ chết mà chưa xác định được nguyên nhân.

Theo người dân Cam Ranh, cá nuôi chết nhiều cách đây khoảng 2 ngày (từ 22.11). Ban đầu, cá có dấu hiệu thiếu oxy, bơi lờ đờ, bỏ ăn, rồi chết dần. Càng ngày, cá chết càng nghiêm trọng hơn. Khu vực biển nuôi cá xuất hiện màu nước đen đục. Cá nuôi bị chết nhiều nhất là của hộ ông Nguyễn Còi (Tổ dân phố Linh Xuân, phường Cam Linh, Cam Ranh) với gần 20 tấn cá chết.

Cá chết, người dân vớt bán “đổ tháo”

Ông Lê Nhật Linh (ở Cam Ranh) cho biết, gia đình nuôi cá bớp được 7 tháng, với số lượng 2.200 con. Cách đây khoảng 2 ngày, cá bất thường lờ đờ và rồi lăn ra chết. Gia đình phải vớt vát bán đổ, bán tháo cá với giá từ 130.000 – 135.000 đồng/kg, lỗ nặng.

Người nuôi lâm cảnh lao đao vì cá chết hàng loạt

Ông Lê Minh Hải – Trưởng phòng Kinh tế TP.Cam Ranh cho biết, đang yêu cầu các địa phương thống kê, báo cáo cụ thể mức độ thiệt hại do cá chết hàng loạt. Hiện cơ quan chức năng đang tiến hành lấy mẫu để xác định nguyên nhân cá chết.

Nguồn: Danviet.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nuôi biển ở Sông Cầu, Phú Yên- Phần 1 : tràn lan nhưng thiếu hiệu quả.

Thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên có vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông được bao bọc bởi các đảo và bán đảo nên mặt biển ít động, rất phù hợp để phát triển nuôi lồng bè trên biển. Từ lâu nơi đây đã phát triển ngành nuôi trồng thủy sản biển, nhưng càng lúc càng nhiều làm ô nhiễm vùng nuôi và khó quản lý.

Những tồn tại, yếu kém trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản mặt nước biển.

Trong thời gian qua, nghề nuôi tôm hùm đã được UBND thị xã quan tâm chỉ đạo và đưa ra nhiều giải pháp nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững, như: các vùng nuôi tôm hùm trọng điểm đều đã được quy hoạch phân vùng gắn với thành lập Ban quản lý vùng nuôi và các Tổ quản lý cộng đồng NTTS để sắp xếp, bố trí và quản lý số lượng lồng nuôi; định kỳ hàng tháng thông báo kết quả quan trắc môi trường và hướng dẫn nuôi trồng thủy sản; hướng dẫn, triển khai hoàn thành công tác đăng ký, đánh số lồng, bè NTTS mặt nước biển; thường xuyên tổ chức tập huấn kỹ thuật NTTS cho người nuôi…

Tôm hùm chết do mưa bão

Tuy nhiên công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản mặt nước biển trên địa bàn thị xã còn nhiều tồn tại, yếu kém; nhất là Công tác quản lý, sắp xếp lồng, bè nuôi trồng thủy sản gặp nhiều khó khăn, không có giải pháp hiệu quả để kiểm soát sự gia tăng số lượng lồng nuôi, dẫn đến tình trạng thả nuôi tràn lan, mật độ lồng bè một số vùng nuôi dày đặc, thả nuôi ngoài vùng quy hoạch, số lượng lượng lồng nuôi đã vượt gấp nhiều lần so với quy định của Phương án phân vùng đã được phê duyệt, ô nhiễm môi trường tại các vùng nuôi ngày càng nghiêm trọng; đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình hình dịch bệnh trên tôm hùm nuôi xảy ra thường xuyên trong thời gian qua.

Hiện trạng nuôi trồng thủy sản mặt nước biển lồng, bè:

Trên địa bàn thị xã hiện có 2.142 hộ nuôi tôm hùm với 1.229 bè (có đăng ký).

Theo thống kê của các xã, phường trong 6 tháng đầu năm 2017 có 7.700 lồng ươm tôm hùm giống các loại, trong đó tôm hùm bông 3.200 lồng và các loại tôm hùm khác (như tôm xanh, tôm sỏi, tôm đỏ,…) 4.500 lồng.

Đối với tôm hùm thịt nuôi từ năm 2016 chuyển sang: trong 6 tháng đầu năm 2017 đã xuất bán 6.600 lồng tôm hùm thịt các loại với sản lượng đạt 190 tấn (bằng 66,7% so với cùng kỳ và bằng 31,7 % so với kế hoạch); số lượng lồng tôm hùm thịt niên vụ 2016 – 2017 còn lại 8.900 lồng tôm các loại (Sản lượng, năng suất tôm hùm giảm mạnh so cùng kỳ là do ảnh hưởng bởi đợt mưa, lũ cuối năm 2016 và  sự cố tôm hùm nuôi chết hàng loạt từ cuối tháng 5/2017).

Đối với tôm hùm thịt thả nuôi trong 6 tháng đầu năm 2017 (từ lồng ươm giống tôm hùm sang lồng nuôi tôm hùm thịt) là 12.000 lồng, trong đó tôm hùm bông 5.800 lồng và tôm hùm khác 6.200 lồng, bằng 2,26 lần so với cùng kỳ. Nguyên nhân nguồn tôm giống nhập từ nước ngoài về nhiều trong khi tôm giống không xuất bán được và được người nuôi chuyển sang nuôi thịt.

Về Nuôi thủy sản mặt nước biển khác: Nuôi cá bớp lồng, bè 250 lồng; nuôi hầu, vẹm xanh xen với ghép trong các vùng nuôi tôm hùm ước khoảng 50 ha; nuôi ốc hương có 5 ha.

Từ giữa năm 2016 đến nay, nghề nuôi tôm hùm lồng, bè ở Sông Cầu bị thiệt hại nặng nề do thiên tai, dịch bệnh và sự cố ô nhiễm môi trường vùng nuôi. Cụ thể:

+ Đợt nắng nóng vào tháng 6/2016 ở vùng nuôi xã Xuân Phương thiệt hại 24.849 kg (tương đương 31.061 con tôm hùm bông), 14.394 kg (tương đương 47.980 con tôm hùm xanh);

+ Đợt mưa, lũ tháng 11 năm 2016: Có 598 hộ nuôi tôm hùm bị thiệt hại 751.423 con (trong đó 21.355 tôm bông/ tương đương 399 lồng và 730.068 tôm các loại/ tương đương 4.675 lồng) và 33 hộ nuôi cá bị thiệt hại 8.463 con.

+ Đợt dịch bệnh sữa trên tôm hùm nuôi ở các xã Xuân Cảnh, Xuân Thịnh, Xuân Phương từ tháng 1-3 năm 2017 đã làm thiệt hại 20% tổng đàn tôm hùm nuôi.

+ Đặc biệt sự cố tôm hùm, cá nuôi chết hàng loạt từ cuối tháng 5/2017 ở 02 xã, phường (Xuân Phương, Xuân Yên) có 1.100 người nuôi thủy sản bị thiệt hại với 2.325.242 con tôm hùm chết, 32.358 con cá (mú, bớp).

Tôm hùm chết do dịch bệnh

Nguyên nhân của việc nuôi nhiều nhưng kém hiệu quả

Để xảy ra tồn tại, yếu kém nêu trên, ngoài nguyên nhân khách quan do thời tiết, thì nguyên nhân chủ quan là do trách nhiệm quản lý của các cơ quan nhà nước và ý thức, trách nhiệm của người nuôi tôm hùm.

Trách nhiệm quản lý nhà nước:

– Chưa có Qui hoạch chi tiết nuôi trồng thủy sản mặt nước biển và chưa ban hành qui định trình tự, thủ tục giao, cho thuê mặt nước biển để NTTS.

– Chưa có giải pháp hiệu quả để kiểm soát sự gia tăng số lượng lồng, bè nuôi, nhất là không kiểm soát được số lượng giống tôm hùm rất lớn từ nước ngoài, dẫn đến nguồn tôm giống thả nuôi không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, đây là nguyên nhân chính làm gia tăng nhanh số lượng lồng nuôi và gây ra dịch bệnh trên tôm nuôi trong thời gian qua.

– Chưa triển khai quyết liệt công tác vận động, tuyên truyền cho người dân nhận thức việc tuân thủ các quy định về nuôi trồng thuỷ sản và vấn đề bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thuỷ sản mặt nước biển.

– Chưa quản lý được việc mua, bán thức ăn tươi sống cho hoạt động NTTS, nhất là tình trạng các xe tải chở thức ăn mua, bán công khai ở các tuyến đường giao thông trên địa bàn thị xã.

– Các Tổ quản lý cộng đồng NTTS đã được thành lập, nhưng chưa thường xuyên chỉ đạo để củng cố, kiện toàn, dẫn đến hoạt động không hiệu quả, nên vùng nuôi chưa được quản lý chặt chẽ theo qui chế đã đề ra, nhất là chưa quản lý được số lượng lồng nuôi, mật độ và bảo vệ môi trường vùng nuôi, nhất là việc thu gom, xử lý chất thải từ hoạt động NTTS.

– Công tác phổ biến, truyền đạt thông tin về hoạt động nuôi trồng thủy sản chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là các thông tin về quan trắc môi trường, cảnh báo dịch bệnh, hướng dẫn NTTS, chưa được truyền đạt kịp thời, sâu rộng đến với người nuôi.

Bè nuôi kín mặt vịnh Xuân Đài

Trách nhiệm của người nuôi tôm hùm.

– Ý thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường vùng nuôi còn nhiều yếu kém là nguyên nhân cơ bản gây nên tình hình dịch bệnh trên các vật nuôi thủy sản trong những năm qua.

– Người nuôi chưa tuân thủ các quy định về nuôi trồng thuỷ sản; nhất là:

+ Công tác quản lý số lượng lồng nuôi, mật độ nuôi chưa được người nuôi quan tâm, làm gia tăng nhanh số lượng lồng nuôi thời gian qua.

+ Nhiều hộ dân tự phát cắm cọc tre, sử dụng lốp xe để nuôi vẹm, hàu làm cản trở quá trình lưu thông nước.

+ Hầu hết các hộ nuôi trồng thủy sản đều không kê khai, đăng ký hoạt động NTTS ban đầu tại UBND các xã, phường theo qui định; làm khó khăn trong công tác quản lý và xác định mức độ thiệt hại để hỗ trợ do thiên tai, dịch bệnh gây ra.

– Công tác tập huấn hướng dẫn kỹ thuật nuôi và phòng, trị bệnh tôm hùm chưa được người nuôi quan tâm, tỉ lệ người tham dự các buổi tập huấn nuôi tôm hùm đều rất thấp so với số lượng triệu tập; sau khi tập huấn không thực hiện theo qui trình kỹ thuật đã được hướng dẫn.

Kỹ thuật sản xuất giống cá bớp

Cá bớp (cá bóp, cá giò) được nuôi ngày càng nhiều, đặc biệt là ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Phú Yên, Khánh Hòa, Vũng Tàu, Kiên Giang. Cá dễ nuôi, tăng trưởng nhanh, giá trị cao nhưng lại hạn chế về nguồn giống. Do đó, cần đẩy mạnh sản xuất giống cá bớp để đáp ứng nhu cầu về nguồn giống.

Cá bớp

Kỹ thuật sản xuất giống cá bớp

Nuôi vỗ cá bố mẹ

Địa điểm: Lồng nuôi vỗ phải được đặt ở nơi ít sóng gió, dòng chảy nhẹ từ 0,2 – 0,5 m/s, độ mặn 25 – 32‰, độ trong > 2m. Kích thước lồng 3mx6mx3m hoặc 10x10x10m, kích cỡ mắt lưới thích hợp là 2a=10cm.
Tuyển chọn cá bố mẹ: Chọn những con cá bố mẹ khỏe mạnh, trọng lượng từ 8 – 10 kg/con.  Nuôi vỗ với mật độ 5 – 6kg cá/1m3 lồng.
Nuôi vỗ cá bố mẹ: Chia làm 3 thời kỳ:
Nuôi duy trì: Thời gian nuôi vỗ từ tháng 6 – 9, thức ăn là cá tạp tươi, khẩu phần cho ăn bằng 3% trọng lượng thân. Đối với cá đã nuôi vỗ từ năm trước nhưng không cho đẻ thì dùng LRHa (liều lượng 10 – 15mg/kg cá mẹ) tiêm để loại bỏ hết sản phẩm sinh dục cũ, thời gian tiêm từ ngày 5 – 15/7. Đối với cá mới tuyển chọn lần đầu không cần tiêm.
Nuôi vỗ tích cực: Kéo dài từ tháng 10 – 12, lượng cho ăn bằng 5% trọng lượng thân, thức ăn bổ sung một số loại cá có chất lượng cao như mực, cá nục…
Nuôi vỗ thành thục: Từ tháng 1 năm sau cho đến khi cá đẻ. Đây là thời kỳ rất quan trọng, giảm khẩu phần thức ăn xuống từ 2 – 2,5% trọng lượng thân. Tuy nhiên, giai đoạn này cần bổ sung khoáng, các vitamin.

Sau thời gian nuôi vỗ, tiến hành chọn cá đã thành thục sinh dục (10 – 12 kg/con) để tiêm chất kích thích sinh sản: cá cái thành thục sinh dục có biểu hiện bụng căng tròn đều, lỗ sinh dục to và ửng hồng hay có thể dùng que thăm trứng có đường kính 1,2 mm. Khi trứng cá có màu vàng sậm, đường kính trứng đạt từ 0,7 mm trở lên và khi quan sát trứng bằng dung dịch sera nếu thấy nhân lệch hơn 50% trên tổng số trứng quan sát thì ta chọn cá để cho sinh sản. Đối với cá đực, cũng tiến hành lấy sẹ tương tự như lấy trứng, khi sẹ có màu trắng đục và có khả năng hòa tan nhanh trong môi trường nước.

Cá bớp được nuôi vỗ

 Kỹ thuật sinh sản cá bớp

Chuẩn bị bể đẻ: Bể đẻ tốt nhất là hình tròn, thể tích từ 50-150m3, chiều cao 2,5m. Nước được cấp từ dưới đáy bể lên để nước trong bể chảy thành dòng xoáy. Mỗi bể lắp từ 6 – 10 vòi sục khí mạnh. Trước khi đưa cá vào bể đẻ phải cấp nước đầy.

Tiêm kích dục tố LHRH-a với liều lượng 20µg/kg cho cá cái. Không cần tiêm cho cá đực.

 Thu trứng, tách và ấp trứng

Thu trứng: Trứng vớt được phải chuyển ngay vào bể hoặc thùng đựng trứng đặt trong bóng tối và có sục khí.
Tách trứng: Đưa trứng cá vào nước có độ mặn 35 – 36‰, những trứng tốt sẽ trương nước, có kích thước giọt dầu lớn và nổi lên mặt nước. Những trứng chìm và ở sâu trong tầng nước là trứng xấu, phải loại bỏ. Tách trứng từ 3 – 4 lần, mỗi lần cách nhau 3 giờ để loại bỏ hết trứng xấu và cho vào ấp.
Ấp trứng: Môi trường nước ấp trứng cần đảm bảo các điều kiện như độ pH từ 8 – 8,5; độ mặn 35 – 36‰; nhiệt độ nước 24 – 28 độ C. Mật độ ấp từ 400 – 500 trứng/l, bể ấp được sục khí nhẹ và liên tục trong suốt quá trình ấp. Cấp nước có độ mặn 30 – 32‰ liên tục vào bể, khi trứng nở độ mặn sẽ hạ xuống còn 31 – 32‰ (bằng với độ mặn bể ương và có thể chuyển ấu trùng mới nở sang bể ương đã chuẩn bị sẵn)

Ương ấu trùng

Có thể ương ấu trùng cá bớp trong bể xi măng, bể composite hay ao đất. Ao nuôi có diện tích 400 – 500 m2, sâu 1 – 1,2 m. Cần cải tạo kỹ và bón phân để gây màu và thức ăn tự nhiên trong ao nước khi thả ấu trùng ương. Nếu thức ăn tự nhiên kém thì phải bổ sung luân trùng. Mật độ ương trong ao là 1.500 – 2.000 con/m2. Sau 22 – 25 ngày ương, có thể cho ấu trùng ăn thức ăn nhân tạo bổ sung.

Mật độ ấu trùng trong bể ở các giai đoạn khác nhau như sau:

Giai đoạn 1 – 10 ngày tuổi: 70 – 80 con/lít

Giai đoạn 11 – 20 ngày tuổi: 20 – 30 con/lít

Giai đoạn 21 – 30 ngày tuổi: dưới 10 con/lít.

Thức ăn cho ấu trùng ương cho bể bao gồm tảo (Chlorella, Isochrysis, Tetraselmis) với mật độ 40.000 – 60.000 tế bào/ml cho giai đoạn 3 – 8 ngày tuổi, luân trùng 7 – 10 cá thể/ml cho giai đoạn đầu đến 12 ngày tuổi và Artemia 2 – 5 cá thể/ml từ ngày 17 – 18.

Luyện cho cá ăn thức ăn hỗn hợp hay thức ăn công nghiệp từ ngày 11. Khi cá đạt 22 ngày tuổi (2 – 3 cm/con) thì cho ăn chủ yếu thức ăn hỗn hợp hay công nghiệp.

Cần duy trì nước ương với độ mặn 28 – 30‰, nhiệt độ 24 – 300C và tốt nhất không thay đổi quá 1oC trong 1 ngày đêm, pH 7,5 – 8,5. Luôn luôn giữ hàm lượng ôxy trong nước lớn hơn 6 mg/l. Hàng ngày tiến hành tháo rốn bể và xi phông đáy đưa xác cá chết và thức ăn thừa ra khỏi bể ương, vệ sinh trống lọc và vớt váng.

Ấu trùng mới nở dài 2,5 mm và chưa có sắc tố, một ngày tuổi dài 3 mm, trong suốt, dọc lưng có một mảnh màu xanh nhạt và điểm mắt màu đen, tích cực vận động trên mặt nước.

Ngày thứ 10 đã có sự thay đổi lớn so với ấu trùng một ngày tuổi. Miệng, đầu, mắt đã phát triển hoàn chỉnh, vây ngực hiện rõ, chưa có vây bụng, cơ thể có màu nâu nhạt và dài khoảng 5 – 10 mm.

Từ ngày tuổi 25, cá bắt đầu phân đàn nhanh, vì thế phải thường xuyên phân cỡ cá để tránh hiện tượng chúng ăn thịt lẫn nhau (Chú ý: Khi cá còn nhỏ dùng gáo múc cả cá và nước không dùng vợt để vớt, khi cá lớn 5 – 6 cm trở lên mới được dùng vợt để vớt).

Cá bớp giống

Sau 30 ngày tuổi cá đã giống với cá trưởng thành: Vây đuôi xòe rộng dạng nan quạt, xuất hiện hai dải sắc tố màu vàng nhạt hai bên thân chạy dọc cơ thể từ đầu đến cuối đuôi, cá dài 6 – 9 cm thì chuyển nuôi thương phẩm. Tỷ lệ sống giai đoạn ương 0 – 25 ngày tuổi khoảng 15 – 20% và 25 – 50 ngày tuổi là 40 – 50%.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam