Một số bệnh phổ biến trên cây Chôm Chôm và cách phòng chống

Chôm chôm là loại cây ăn trái được trồng khá phổ biến vì đây là loại cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao và nhất là trong vài năm gần đây giá chôm chôm rất cao đã kích thích nhà vườn quan tâm đến loại cây trồng này. Với mức độ thâm canh ngày càng cao, sâu bệnh hại cũng gia tăng

1. Bệnh bồ hóng

Triệu chứng: Bệnh phát sinh trên lá và trái, bệnh thể hiện những đốm với sợi nấm màu đen như lớp bồ hóng bám ở mặt lá, nấm không gây hại phần phiến lá hay thịt trái, nấm phát triển làm giảm khả năng quang hợp, làm trái xấu đi, giảm giá trị thương phẩm, vết bệnh có thể bị tróc khi nắng làm khô nấm.- Nấm phát triển trên chất tiết của rệp sáp và sống nhờ chất dịch này.

Tác nhân: Do nấm Capnodium sp. gây ra.

Biện pháp phòng trừ:  Nên phòng trừ tốt rệp sáp, tạo vườn cây thông thoáng bằng cắt tỉa sau thu hoạch. Phun thuốc trừ nấm gốc đồng, hạn chế phun phân qua lá cho cây.

2. Bệnh đốm rong

Tác nhân: Do tảo Cephaleuros virescens gây ra.

Triệu chứng: Tảo tấn công mặt trên của lá già, tạo thành những đốm hình tròn, đường kính trung bình 3-5 mm, làm thành một lớp như nhung mịn có màu xanh – vàng nhạt, lâu ngày làm cho mặt dưới đốm bệnh có màu nâu nhạt, và mặt trên có màu nâu đen.
Bệnh làm giảm khả năng quang hợp của cây.

Biện pháp phòng trừ:

•Tỉa cành, tạo tán, tạo vườn cây thông thoáng.

•Phun thuốc gốc đồng để trị bệnh.

3. Bệnh thối trái

Triệu chứng: Bệnh thường xuất hiện trên những trái đã già, sắp chín xuất hiện những đốm nâu đen, sau đó lớn dần và ăn sâu vào trong thịt trái làm thối nhũn có mùi chua. Quả thối có thể vẫn treo trên cây, nếu bị nặng, vết bệnh gần cuống trái dễ bị rụng.

Tác nhân gây bệnh: Do nấm Phytophthora sp. gây ra.

Điều kiện phát triển bệnh:  Bệnh phát triển mạnh trong mùa mưa với điều kiện nóng ẩm, vườn cây rậm rạp, cành dễ tiếp giáp mặt đất, những chùm trái trong tán cây.

Biện pháp phòng trừ:  Cắt tỉa, loại bỏ trái nhiễm bệnh trên vườn, tỉa cành tạo sự thông thoáng cho vườn cây. Khoảng 1 tháng trước khi thu hoạch nên phun phòng bệnh bằng thuốc Alliete hay thuốc gốc Metalaxyl.

4. Bệnh cháy lá (do nhiều loại nấm)

Triệu chứng: Bệnh xảy ra trên các lá đã trưởng thành, phần đầu chóp lá thường bị cháy khô có màu nâu đến nâu xám, vết bệnh lan nhanh từ chóp lá trở vào. Giữa vùng bệnh và vùng khoẻ trên lá thường có 1 đường viền màu nâu đỏ nổi rõ lên. Ở mặt dưới của vết bệnh có thể thấy những ổ nấm màu đen. Bệnh thường xảy ra trong mùa nắng, bệnh nặng ở những cây có mức sinh trưởng kém, không sử dụng phân chuồng hoai mục.

Biện pháp phòng trừ:  Bệnh do nhiều loại nấm tấn công, để phòng ngừa bệnh cho cây cần bón phân cân đối, chú trọng phân kali, hoặc cung cấp thêm phân hữu cơ hoai mục cho cây. Đặc biệt cần giữ ẩm cho cây trong điều kiện mùa khô. Có thể phun các loại thuốc gốc đồng để ngừa bệnh.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Chôm Chôm Long Khánh đã có chỉ dẫn địa lý

Vừa qua, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) đã cấp “Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý” cho 2 sản phẩm chôm chôm Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.

Chôm chôm nhãn Long Khánh

Đây là sản phẩm thứ 2 của tỉnh được bảo hộ chỉ dẫn địa lý sau bưởi Tân Triều. UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý này.

2 sản phẩm là chôm chôm nhãn Long Khánh và chôm chôm tróc vỏ Long Khánh. Để được bảo hộ địa lý Long Khánh, chôm chôm phải được trồng ở các xã Bình Lộc, Xuân Tân, Bảo Vinh, Bảo Quang (thị xã Long Khánh); Xuân Đỉnh, Bảo Hòa (huyện Xuân Lộc); Xuân Thiện, Quang Trung, Gia Kiệm và Gia Tân (huyện Thống Nhất); Sông Nhạn, Xuân Quế, Bảo Bình và Xuân Bảo (huyện Cẩm Mỹ) và được bảo quản, đóng gói tại các khu vực gồm thị xã Long Khánh, các huyện Xuân Lộc, Thống Nhất và Cẩm Mỹ.

Theo số liệu thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ, tổng diện tích trồng chôm chôm được bảo hộ trong toàn khu vực đã lên tới gần 7.000ha.

Theo Cục Sở hữu trí tuệ, khu vực địa lý có các điều kiện tự nhiên đặc thù như địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng là những yếu tố tạo nên chất lượng của chôm chôm Long Khánh.

– Về địa hình, khu vực địa lý có địa hình đồi thoải lượn sóng, độ dốc từ 3 – 8%.

– Về khí hậu, khu vực địa lý có tổng lượng mưa bình quân cả năm từ 1.630 – 2.190mm, nhiệt độ trung bình trong năm từ 25,4 – 26,6 độ C, độ ẩm bình quân cả năm từ 78,5 – 83%, lượng bốc hơi tổng số dao động từ 1.030 – 1.240 mm/năm; số giờ nắng tổng số trong năm đạt từ 2.230 – 2.600 giờ.

– Về đất đai, khu vực địa lý có điều kiện thổ nhưỡng đặc trưng của vùng đất đỏ bazan, thành phần sét và thịt pha sét, độ pH trung bình từ 4,02 – 5,12, các cation trao đổi (CEC) trong đất dao động từ mức thấp đến trung bình (12,33 – 17,07 meq/100gr), đất giàu chất hữu cơ (1,75 – 3,33%), thành phần dinh dưỡng đa lượng ở mức từ trung bình đến giàu, hàm lượng lân và kali dễ tiêu (8,44 – 24,93 mg/100gr), hàm lượng sắt tổng số trong đất rất cao (Fe từ 12,31 – 17,95%), hàm lượng vi lượng (mn, Cu, Zn, B…) trong đất cao.

– Chôm chôm nhãn Long Khánh là quả chôm chôm của giống chôm chôm nhãn, vỏ màu xanh, vàng cam và vàng đỏ, mùi thơm, vị ngọt và giòn. Các chỉ tiêu chất lượng đặc trưng: Khối lượng quả từ 23,15 – 30,32 gr/quả, chiều dài quả từ 38,09 – 43,13mm, đường kính quả từ 32,85 – 35,66mm, độ dày vỏ quả từ 2,86 – 3,94mm, cùi dày từ 6,11 – 7,44 mm, khối lượng cùi từ 11,32 – 14,92 g/quả, độ Brix từ 17,91 – 19,42%, hàm lượng nước từ 7671 – 81,24%, đường tổng số từ 11,18 – 18,24%, trong 100ml dịch quả có chứa từ 9,74 – 55,25 mg vitamin C.

– Chôm chôm tróc vỏ Long Khánh là quả của giống chôm chôm Java, vỏ màu đỏ và đỏ đậm, râu dài và dày, đuôi có đốm xanh, vị ngọt. Các chỉ tiêu chất lượng đặc trưng: Khối lượng quả từ 30,17 – 36,26 gr/quả, chiều dài quả từ 41,44 – 45,54 mm, đường kính từ 35,10 – 38,40mm, vỏ dày từ 3,21 – 4,11mm, cùi dày từ 6,63 – 8,18mm, khối lượng cùi từ 13,66 – 17,19 gr/quả, độ Brix từ 17,74 – 19,45%, hàm lượng nước từ 76,84 – 80,86%, đường tổng số từ 10,57 – 13,68%, trong 100ml dịch quả có chứa từ 14,03 – 52,89 mg vitamin C.

Đón nhận tin vui, ông Trần Mộng Thành, Phó Chủ tịch UBND thị xã Long Khánh phấn khởi cho biết, cùng với trái sầu riêng, chôm chôm Long Khánh từ lâu đã nổi tiếng khắp cả nước vì chất lượng thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, việc tiêu thụ với số lượng lớn còn gặp nhiều khó khăn. Việc cấp chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho chôm chôm Long Khánh sẽ là cú hích mới để sản phẩm có điều kiện vươn ra thị trường ngoài nước.

Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Bốn kỳ bón phân cho Chôm Chôm

Các nghiên cứu cho thấy cây chôm chôm cần nhiều kali (K) và đạm (N). Thiếu kali dễ làm cháy chóp và mép lá. Hiện tượng này thường dễ nhận thấy ở các vườn bón phân không cân đối và thiếu chăm sóc.

Liều lượng và tỷ lệ N:P:K của phân bón đề nghị được bón thích hợp cho từng giai đoạn và thời kỳ phát triển, phát dục của cây chôm chôm. Nếu trong giai đoạn cây đã cho trái, bón theo hình chiếu của tán cây, chia 4 đợt bón phù hợp với từng giai đoạn như sau:

Bón phân đúng cách giúp tăng năng suất và chất lượng vườn chôm chôm.

– Đợt 1: Tính từ khi kết thúc thu hoạch vụ trước cho đến khi cây phục hồi sinh trưởng, tăng cường quá trình tích lũy dinh dưỡng. Trong thời kỳ này cần ưu tiên bón phân hữu cơ, phân lân và phân đạm nhằm nhanh chóng giúp cây trồng phục hồi sức khỏe sau một thời gian dài phải huy động dinh dưỡng nuôi trái. Tạo tiền đề tốt cho việc tích lũy dinh dưỡng giúp cho các giai đoạn kế tiếp. Bón 5 – 10kg phân hữu cơ chế biến + 1kg NPK 20-20-15 + TE/gốc.

– Đợt 2: Được tính từ sau khi đã kết thúc đâm đọt mới, lá non đã chuyển hoàn toàn sang lá già. Giai đoạn này cần chú ý bón tăng tỷ lệ phân lân (P) và phân kali, giảm lượng phân đạm nhằm giúp cho tỷ lệ C/N của cây tăng cao, thuận lợi cho quá trình hình thành mầm hoa, phát triển hoa. Giai đoạn này cũng cần bổ sung thêm các chất vi lượng (đặc biệt là vi lượng B) nhằm tăng thêm số lượng, chất lượng và sức sống của hạt phấn, giúp cho việc thụ phấn, thụ tinh được dễ dàng sẽ giảm tỷ lệ rụng hoa, giúp cho chôm chôm trổ hoa đều, tập trung. Bón lượng phân có lân cao như DAP với lượng 1,0 – 1,5kg/gốc, phun xịt thêm phân bón lá NPK (10-60-10) hoặc (6-30-30).

– Đợt 3: Được tính từ sau thụ phấn đến khi trái phát triển tối đa về thể tích. Giai đoạn này cần bón cân đối các chất đa lượng NPK và cả các chất trung và vi lượng nhằm giúp hạn chế tỷ lệ rụng trái, tăng nhanh việc phát triển thể tích trái và vỏ trái tạo điều kiện cho việc tăng số quả mỗi cây và tăng trọng lượng trung bình quả. Có thể bón một trong những loại phân NPK như 16-8-16 + TE; 20-0-20 + TE; 14-7-21 + TE; 12-12-17 + TE và phun xịt thêm phân bón lá 12-0-40 + 3Ca0.

– Đợt 4: Được tính trong khoảng thời gian trước thu hoạch 1 tháng. Đây là giai đoạn tích lũy và chuyển hóa các chất trong trái, tăng độ chắc của trái và tăng chất lượng của trái. Giai đoạn này rất cần kali để tăng cường quá trình vận chuyển chất dinh dưỡng từ lá cây vào trái, rất cần thêm tỷ lệ chất đạm, chất calci (Ca) và vi lượng. Thúc đẩy nhanh quá trình chín sinh lý và sinh thái của trái, giúp cho việc chín đồng loạt và tăng chất lượng trái. Đợt bón này cần ưu tiên sử dụng các dạng phân bón có tỷ lệ NPK = 12- 0- 40 + 3Ca0; 20-20-20 hoặc HK 7-5- 44.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu Đất – Phân bón & Môi trường phía Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nhân giống Chôm Chôm

Chôm chôm cùng họ với nhãn vải nhưng có một số đặc trưng hình thái và các đặc tính sinh học khác hẳn. Chôm chôm có hương vị thơm ngon, cùi giòn hợp khẩu vị với đa số các dân tộc châu Á. Vỏ quả chôm chôm dày mọng nước nên dễ bảo quản và vận chuyển hơn nhãn, màu vỏ quả vàng đẹp nên hấp dẫn người mua.

Chôm chôm chỉ thích hợp với các vùng khí hậu từ sau vĩ tuyến 12o Bắc trở lại Nam. Yêu cầu nhiệt độ cao và 1-3 tháng mùa khô để phân hóa mầm hoa. Mùa thu hoạch chôm chôm từ cuối tháng 6 dương lịch đến hết tháng 9 – thời gian thu hoạch quả dài là một ưu điểm của chôm chôm. Các giống chôm chôm phổ biến hiện nay là chôm chôm Java, chôm chôm đường, chôm chôm nhãn.

Nhân giống chôm chôm bằng phương pháp ghép:

– Gieo hạt: Ngày gieo hạt chôm chôm chỉ để lấy cây con làm gốc ghép vì số lượng cây có toàn hoa đực mọc từ hạt chiếm 48-50% (Torres, 1962). Cũng có thể sử dụng các cây con gieo từ hạt trồng ra vườn sản xuất làm cây thụ phấn (cây gieo từ hạt có chiều cao sinh trưởng lớn hơn cây ghép).

Hạt chôm chôm có nhiều dầu và rất nhanh mất nước khi tách khỏi cùi, vì vậy nhiều vùng nông dân chỉ bóc vỏ và gieo cả cùi, như vậy phải xử lý chống kiến, hoặc tách cùi xong phải gieo ngay và tưới đẫm nước, phủ đất hoặc giá thể dày. Cũng có thể gieo ngay vào túi bầu, xếp trong nhà ươm cây hoặc vườn ươm cây.

– Ghép cây chôm chom sau gieo 8-12 tháng có thể ghép được. Tiêu chuẩn cây gốc ghép cao 80-100 cm; đường kính gốc ghép 1,2-1,5 cm.

– Phương pháp ghép: ghép cửa sổ, mắt nhỏ có gỗ và đòan cành. Phương pháp tốt nhất là ghép đoạn cành. Dù là ghép cửa sổ, ghép đoạn cành hay mắt nhỏ có gỗ, đều phải mở miệng ghép cao và chừa lại một đoạn 20 cm có lá bánh tẻ của cây gốc ghép dưới vết ghép (như ghép nhãn, xoài …). Dùng dây nilông mỏng căng mạnh và quấn vòng đơn ở chỗ có mắt ghép để mầm ghép tự mọc qua dây buộc. Cành ghép bánh tẻ 6-8 tháng tuổi ở lưng chừng tán và ngoài bìa tán gỗ có nhiều ánh sáng. Đường kính cành ghép 0,8-1 cm (nếu nghép cửa sổ, cành ghép có đường kính lớn hơn (1,2-1,5 cm) mới dễ bóc vỏ). Một đoạn cành ghép dài 8-10 cm cho 1 cây gốc ghép.

Thời vụ gieo hạt cuối tháng 6 – cuối tháng 7 dương lịch. Thời vụ ghép từ cuối tháng 4 – cuối tháng 7, nhưng trong tháng 5-6 có tỷ lệ sống cao nhất.

Ở đồng bằng sông Cửu Long có thể nhân giống bằng phương pháp chiết (các tỉnh miền Đông chỉ nên nhân giống bằng phương pháp ghép). Chiết cáo cành chiết: 40-45 cm. Đường kính cành chiết 1,0 – 1,2 cm (không nên chiết cành to), tốt nhất là không phân cành hoặc phân cành phía ngọn. Thời gian trồng trong vườn ươm sau khi hạ bầu chiết là từ 6-12 tháng để chăm bón, tạo hình cây con. Nên ra ngôi cành chiết trong bầu nilông hay trong sọt tre. Nếu là sọt tre, đường kính miệng bầu 15 cm, chiều cao 20-25 cm. Bầu nilông để ra ngôi cây gốc ghép cũng nên có kích thước tương tự.

Kỹ thuật trồng và chăm sóc Cây Chôm Chôm cho sai quả

Chôm chôm là loại trái cây được nhiều người ưa thích nhờ hương vị thơm ngon. Thịt chôm chôm chứa rất nhiều chất xơ giúp cơ thể dễ dàng loại bỏ chất thải, tiêu diệt ký sinh trùng, loại bỏ độc tố trong thận, bổ máu, giảm đau đầu, chữa lỵ, làm đẹp, giảm cân…

1. Chuẩn bị dụng cụ trồng, đất trồng và hạt giống

Đất trồng

Cây chôm chôm ưa phát triển trên đất không bị nhiễm mặn, đất thịt pha cát hay sét, tầng canh tác dày, thoát nước tốt và có độ pH từ 4,5 – 6,5.

Bạn có thể mua đất sẵn hoặc tiến hành trộn đất với phân bò hoai mục, phân gà, phân trùn quế, vỏ trấu, xơ dừa, than bùn, mùn hữu cơ… Nên bón lót với vôi rồi phơi ải từ 15 – 20 ngày trước trồng để xử lý các mầm bệnh có trong đất.

Đào hố có kích thước 50cm x 50cm x 50cm, khi đào hố để riêng đất trên mặt ra một bên. Mỗi hố bón từ 10 – 15kg phân chuồng đã ủ hoai, 200 – 300g lân, trộn đều với đất mặt xung quanh.

2. Chọn giống và trồng cây

Hiện nay trên thị trường có nhiều giống chôm chôm như chôm chôm tróc, chôm chôm thái, chôm chôm nhãn… Để tiết kiệm thời gian và công sức, bạn có thể mua sẵn cây giống ở vựa giống.

Dùng cuốc đào một lỗ nhỏ giữa hố trồng sâu hơn chiều cao túi đựng cây giống khoảng 2 – 3cm. Lấy dao sắc rạch một đường xung quanh túi nilon, cách đáy 2 – 3cm, bóc lấy đáy túi ra. Xem xét bộ rễ, cắt bỏ tất cả các phần rễ cái, rễ con ăn ra khỏi bầu đất, sau đó mới đem cây đặt vào hố trồng.

Dùng tay lấp và ém chặt lớp đất xung quanh để cố định gốc cây con không bị gió lay, chú ý đặt cây vào hố trồng sao cho sau khi trồng cổ rể ngang với mặt đất xung quanh, không trồng âm hay lấp phần thân cây. Sau khi trồng làm bồn đường kính 1 – 1,2 m, để khi tưới nước không chảy ra ngoài.

Trồng xong nhất thiết phải lấy cọc cắm, buộc cành vào cọc tránh gió lay gốc. Tưới nước giữ ẩm cho cây.

3. Chăm sóc

Tưới nước ngay sau khi trồng (trồng vào đầu hay giữa mùa mưa sẽ đỡ công tưới nước). Nếu trồng trong mùa khô phải tưới nước thường xuyên cho chôm chôm ít nhất 1 tháng đầu. Tuy nhiên, trồng trong điều kiện ngập úng, đất đóng váng hay tưới quá nhiều nước dễ dẫn đến thoái hóa rễ do đó chúng ta nên xem xét tưới khi nào cần thiết.

Trong năm đầu, việc cắt tỉa cành nhằm mục đích là tạo cho cây có hình dáng khỏe mạnh, đầy đặn, cành lá tỏa đều quanh cây. Sau khi trồng nên cắt ngọn ở độ cao 60 – 70cm. Sau khi ngọn bị cắt sẽ có những cành mọc ra từ gốc và thân cây, nên chọn để lại những cành khỏe mập mọc cách xa nhau vừa phải, khoảng từ 4 – 5 cành mọc đều quanh thân, cành thấp nhất phải cao hơn mặt đất ít nhất là 70cm. Khi các cành này mọc dài ra thì cắt ngọn chỉ chừa lại chiều dài khoảng 30 – 40 cm tính từ chỗ chạc lên.

Việc cắt tỉa được tiến hành đều đặn trong suốt 18 tháng đầu. Sau đó không cắt tỉa nữa mà để cây mọc tự nhiên và chỉ cắt tỉa những cành vô ích như: Cành cong queo, cành mọc chồng chéo nhau, cành sâu bệnh…

Bón phân:

Năm thứ 1: Sau khi trồng cứ 1 – 1,5 tháng bón phân 1 lần, bón cho mỗi gốc 50 – 100g NPK (15:15:15).

Năm thứ 2: Lượng bón cho một gốc là 100g N+50g K2O (200g urê+80g KCl). Chia làm 2 lần để bón vào đầu và cuối mùa mưa.

Năm thứ 3: Cây bắt đầu cho quả, lượng bón cho một cây là 1,5 phân NPK theo tỷ lệ 2:1:2. Chia ra bón 2 lần vào trước ra hoa và sau khi thu hoạch.

Năm thứ 4: Lượng phân tăng so với năm trước 0,5-1,0 kg/cây. Giữ nguyên tỷ lệ NPK là 2:1:2. Chia thành 4 lần để bón:

+ Lần 1: sau khi thu hoạch quả tiến hành tỉa cành, bón toàn bộ lân, 1/3N và 1/3 K2O.

+ Lần 2: trước khi nở hoa: bón 1/3N.

+ Lần 3: khi quả có đường kính 1-2cm. Bón 1/3 N và 1/3 K2O.

+ Lần 4: trước khi thu hoạch 1 tháng: Bón 1/3 kali.

Những năm sau để đảm bảo cây cho quả ổn định, lượng phân bón được tăng dần lên:2-3 kg NPK cho một cây trong 1 năm và 10-30 kg phân chuồng.

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây chôm chôm cho quả sai trĩu trịt – Ảnh 4

Chôm chôm chín.

4. Thu hoạch

Tùy giống mà thời gian thu hoạch chôm chôm sẽ khác nhau. Thông thường khoảng 3 – 5 năm sau khi trồng là chôm chôm bắt đầu cho trái bói.

Sau thu hoạch đợt trước tỉa bỏ hoàn toàn các phát hoa đã cho trái, cắt bỏ cành khô, chồi vượt, bón phân hóa học, phân hữu cơ để cây nhanh phục hồi.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.