Na Hoàng Hậu đậu quả ngọt ở Đông Trường Sơn

Na Hoàng Hậu từ lúc xuống giống cho đến khi ra quả chỉ 2 năm, là loại cây dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, ít đòi hỏi nước…

 

Huyện Kông Chro nằm ở phía Đông của tỉnh Gia Lai, theo tiếng địa phương có nghĩa là khu vực nhiều núi. Đây là nơi khí hậu khắc nghiệt, khô khan, nguồn nước khan hiếm nên người dân chủ yếu canh tác các loại cây nông nghiệp ngắn ngày như mía, mỳ, bắp lai, dưa hấu, ớt… Gần đây, Kông Chro liên tục gặp đại hạn cũng như sâu bệnh hại trên các loại cây truyền thống.

 

Chuyển đổi để thích ứng thực tiễn

Huyện Kông Chro dù là nơi có con sông Ba chảy qua, song nhiều năm trở lại đây, nơi này chịu cảnh khan hiếm nước do hậu quả của các thủy điện ở phía thượng nguồn gây ra. Chính vì vậy, cấp ủy và chính quyền chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm khắc phục và ứng phó với tình hình thời tiết. Một trong những nơi đi đầu là xã Yang Trung, nông dân mạnh dạn đưa nhiều cây trồng mới hiệu quả cao như na Hoàng Hậu, xoài, nhãn muộn, gấc, dừa xiêm lùn, chanh dây… vào canh tác.

Hiệu quả kinh tế từ cây na Hoàng Hậu là mô hình điểm để địa phương nghèo này mạnh dạn chuyển đổi cây trồng.

 

Hơn 3 năm nay, kể từ khi cây na Hoàng Hậu bén rễ vùng đất này, nó đã từng bước khẳng định ưu thế vượt trội, mang lại thu nhập ổn định cho nông dân. Đến vườn trái cây của gia đình ông Vũ Văn Nhất ở thôn 9, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những quả na Hoàng Hậu to vật, cây nào cũng lúc lỉu trái.

Ông Nhất sở hữu gần 8ha đất trồng các loại cây như na Hoàng Hậu, nhãn muộn, xoài, dừa xiêm lùn, mía và đậu đỗ… Riêng na Hoàng Hậu có 600 cây, trong đó 300 cây đã cho thu hoạch trái 2 năm. Theo ông Nhất, phần đất trồng na Hoàng Hậu trước đây được luân phiên trồng mía, mì và đậu đỗ các loại nhưng hiệu quả sản xuất không cao do thiếu nước, sâu bệnh hại và giá cả bấp bênh.

Năm 2016, nhận thấy na Hoàng Hậu đang được trồng nhiều, thu nhập ổn định nên ông Nhất đã mạnh dạn cải tạo lại vườn, mang giống cây có tên gọi vương giả này về trồng thử nghiệm. Gia đình ông đã phải lặn lội vượt cả ngàn cây số vào tận tỉnh Bến Tre để tham quan, học hỏi kinh nghiệm cũng như mua cây giống. Nhờ được chăm sóc bài bản, đúng cách nên năm thứ hai, vườn na của ông Nhất đã cho quả ngọt.

“Na Hoàng Hậu từ lúc xuống giống cho đến khi ra quả chỉ 2 năm, là loại cây dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, ít đòi hỏi nước nên phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng. Trái na Hoàng Hậu chín có mùi thơm, vỏ màu vàng, da căng, mẫu mã đẹp, trọng lượng gấp 3 – 5 lần so với na thông thường (trái nhỏ nhất đạt 300gr, lớn nhất là 1,5kg). Na Hoàng Hậu được bạn hàng đánh giá ngon không kém sản phẩm cùng loại đang được bày bán trên thị trường”, ông Nhất phấn khởi cho hay.

Gia đình ông Nhất thu hoạch na bán cho thương lái.

 

Cũng trồng na Hoàng Hậu, hàng xóm của ông Nhất là hộ chị Vũ Thị Đào cho hay, gia đình có hơn 2ha đất trồng nhãn, gấc, chanh dây và na Hoàng Hậu. “Trước đây, riêng nhãn, gấc, chanh dây đã đem lại thu nhập mỗi năm hơn 220 triệu đồng, song các loại cây này rất nặng công chăm sóc. Hai năm nay, gia đình đã cải tạo lại vườn để trồng 0,5ha na Hoàng Hậu. Tôi thấy việc đa dạng cây trồng, mùa nào thức ấy sẽ mang lại nguồn thu nhập thường xuyên, ổn định. Bởi nếu bỏ nhiều trứng vào cùng một rổ thì dễ rủi ro khi bị dội chợ”, chị Đào tính toán.

 

Nâng cao thu nhập bằng cây ăn quả trái vụ

Sau 3 năm na Hoàng Hậu bén rễ vùng đất này, nông dân cho rằng loại cây này chính là một hướng đầu tư có tương lai. Nhược điểm của nó là na chính vụ thường rơi vào tháng khoảng 5 – 6, đợt 2 thu hoạch vào áp Tết Nguyên đán. Lúc này, na rất nhiều trên thị trường nên giá không cao.

Chính vì vậy, ông Nhất đã mày mò tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật xử lý na ra hoa trái vụ để cây cho thu hoạch vào thời điểm tháng 10. Theo ông, biện pháp chính là cắt tỉa cành cho cây luôn được trẻ hóa, thường xuyên đâm chồi mới và bung hoa. Khi nụ hoa hé màu trắng thì ông thụ phấn nhân tạo. Sau khi đậu quả, ông còn vài lần loại bỏ quả lép, méo mó để cây tập trung dinh dưỡng nuôi những trái đạt chuẩn.

Trung bình na trái vụ có giá 47.000 đồng/kg, được thương lái đến cắt tại vườn, cao hơn nhiều so với chính vụ (từ 25.000 – 37.000 đồng/kg).

 

“Tháng 10 năm nay, 300 cây na nhà tôi đã bắt đầu cho thu hoạch trái vụ. Trung bình na trái vụ có giá 47.000 đồng/kg, được thương lái đến cắt tại vườn, cao hơn nhiều so với chính vụ (từ 25.000 – 37.000 đồng/kg). Đợt quả này, 300 cây nhà tôi cắt được trên 2 tấn quả, thu nhập 95 triệu đồng, gần bằng hai đợt chính vụ năm ngoái (100 triệu đồng), trong khi vẫn còn 1 đợt thu nữa. Chính vì vậy, các vụ sản xuất tiếp theo, tôi sẽ tiếp tục xử lý cho cây ra quả trái vụ”, ông Nhất chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Quang Quốc, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kông Chro, huyện có khoảng 624ha cây ăn quả, riêng xã Yang Trung có hơn 91ha. Tại thôn 9, có hơn 72ha cây ăn quả, trong đó na Hoàng Hậu hơn 30ha. Thời gian qua, hạn hán nặng nề, dịch bệnh cây trồng hoành hành, huyện đã vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Từ đó, đã xuất hiện nhiều mô hình mới, đáng kể nhất là mô hình trồng na Hoàng Hậu của ông Nhất.

Mô hình này được đánh giá rất cao, đã mở ra hướng đi mới để người dân chuyển đổi diện tích vườn tạp, vườn cây trồng kém hiệu quả cho phù hợp với điều kiện địa phương. “Thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình làm kinh tế hiệu quả, góp phần tăng thu nhập cho nông dân, giúp cải thiện một số tiêu chí trong việc xây dựng nông thôn mới”, ông Quốc cho hay.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Cả làng trồng quả “mở mắt” thu gần 100 tỷ đồng mỗi năm

Chi Lăng là một trong những xã đi đầu trong phát triển kinh tế của huyện Chi Lăng (Lạng Sơn). Riêng đối với cây na-loại quả “mở mắt” khi chín, mỗi năm xã Chi Lăng đã thu gần 100 tỷ đồng.

Chạy dọc theo Quốc lộ 1A, PV Dân Việt tới huyện Chi Lăng – nơi được coi là thủ phủ của na xứ Lạng. Phóng mắt nhìn chỉ thấy vùng núi đá vôi xanh thẫm một màu át đi màu đen của sườn núi đá tai mèo. Đó chính là màu lá của hàng trăm ngàn cây na vươn mình từ các khe đá.

Cây na đã giúp người dân Chi Lăng thoát nghèo.

Mỗi khi vào dịp thu hoạch na (tháng 8), tại các phiên chợ, các điểm tời đón những sọt na bay vèo từ trên núi xuống luôn nhộn nhịp cảnh bà con cùng thương lái cùng nhau ngã giá những giỏ đầy na trắng hồng, mắt to căng.

Còn thời điểm này, đâu đâu nơi sườn núi đá tai mèo cũng thấy thấp thoáng bóng dáng của người nông dân cắt tỉa, chăm sóc vườn na để chờ một mùa na bội thu sắp tới. Những tời ròng rọc là công cụ để người dân vận chuyển na khi vào mùa thì giờ đây cũng là công cụ để người dân vận chuyển phân bón lên vườn na – nơi sườn núi cheo leo.

Tời ròng rọc được người dân sử dụng để vận chuyển phấn bón từ dưới lên vườn và cũng là công cụ để chuyển những trái na mở mắt từ trên núi cao về nhà.

Nghề trồng na ở xứ Lạng chủ yếu tập trung tại 2 huyện Hữu Lũng và Chi Lăng. Tại đây người người trồng na, nhà nhà trồng na. Mỗi gia đình trung bình có 400 – 1.000 gốc na, thậm chí hơn 1.000 gốc. Na chín thường rất rộ, chỉ trong vòng chưa đầy một tháng là hết, nhưng hiện tại người dân đã có kỹ thuật thụ phấn để kéo dài thời gian thu hoạch, nhờ đó năng suất và chất lượng tăng lên.

Là một trong những xã đi đầu trong phát triển kinh tế của huyện Chi Lăng, xã Chi Lăng đã tập trung thực hiện các giải pháp phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tiếp tục nhân rộng, chuyển đổi cây trồng có giá trị thay cho cây lúa. Riêng đối với cây na, mỗi năm đã thu gần 100 tỷ đồng.

Mỗi mùa thu hoạch na là người dân nơi đây vô cùng phấn khởi vì na vừa được mùa vừa được giá.

Được biết Chi Lăng là xã có 85% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng đã có sự sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, vận động bà con áp dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật để tăng năng suất cây trồng, cây na từ 1 vụ thành 2 vụ, mỗi vụ lại có năng suất cao hơn.

Ông Lăng Văn Thạch, Bí thư Đảng ủy xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng cho biết: Ngoài cây na, thì xã cũng tập trung phát triển một vài loại cây ăn quả khác có thế mạnh không kém như vải, cam canh, bưởi diễn.. Cụ thể đối với cây vải thu khoảng 1 tỷ đồng, bưởi Diễn thu khoảng 5,4 tỷ đồng; cam canh khoảng 850 triệu đồng… Nhờ phát triển kinh tế, thu nhập bình quân đầu người của xã Chi Lăng trong năm 2018 đã đạt 39 triệu đồng/người/năm, cao hơn mức bình quân của huyện là 28 triệu đồng/người/năm.

Hiện người dân đang tất bật với các công việc cắt tỉa, thu phấn và chăm sóc vườn na nơi sườn núi.

Với đặc thù canh tác của địa phương là đất xen núi đá đã tạo ra giống na Chi Lăng trứ danh vỏ mỏng, ít hạt, thịt dày, vị ngọt đậm, mùi thơm vô cùng hấp dẫn. Có những quả na rất lớn có khối lượng từ 800gram đến hơn 1kg. Tuy nhiên, nhiều người dân trồng na cho biết, mỗi vườn cũng chỉ có khoảng vài quả và cũng hiếm khi mua được.

Trao đổi với Dân Việt, bà Triệu Thị Tám, Chủ tịch Hội nông dân xã Chi Lăng cho biết: Trên địa bàn xã Chi Lăng, có nhiều mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập từ 300-500 triệu đồng từ cây na và các loại cây có múi khác. Nhờ phát triển cây ăn quả mà cuộc sông người dân ở đây ngày càng khấm khá.

Tổng hợp và duyệt bởi Farmtech Việt Nam

 

Thụ phấn bổ sung cho na sai quả

Muốn cho na sai quả, quả to, không bị lép, chất lượng tốt, bán được giá cao thì cần phải thụ phấn bổ sung bằng tay cho na.

Về Việt Dân, một xã nghèo của huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh hiện đang được coi là điểm sáng của chủ trương chuyển dịch cơ cấu SXNN thành công của tỉnh, lần này Cận tôi học được cách thụ phấn bổ sung cho na sai quả, quả to và quả không bị lép, xin ghi lại để bà con các nơi tham khảo, áp dụng.

Theo anh Nguyễn Xuân Long ở thôn Khê Thượng, xã Việt Dân nếu chăm sóc tốt cây na ra rất nhiều hoa nhưng tỷ lệ đậu quả thấp vì nhị đực và nhụy cái thường nở lệch pha nhau. Thường thì nhị đực nở trước, tung phấn rất lâu sau đó nhụy cái mới nở nên rất khó tự thụ phấn, nếu có thụ phấn được thường do gió hoặc côn trùng nên tỷ lệ đậu quả thấp, nhiều quả có tỷ lệ múi lép cao do thụ phấn không hoàn toàn. Muốn cho na sai quả, quả to, không bị lép, chất lượng tốt, bán được giá cao thì cần phải thụ phấn bổ sung bằng tay cho na.

Cách lấy phấn hoa: Chọn ngày nắng ráo, hái những hoa ở gần ngọn, đầu cành các cành nhỏ (thường những hoa này không đậu quả) để lấy phấn. Chọn hái những hoa sắp nở: cánh đã dài, màu trắng vàng, các cánh đã bắt đầu tách khỏi nhau, nhị đực đã bắt đầu chuyển sang màu trắng kem, bao phấn sắp nứt. Thời gian hái hoa tốt nhất là vào buổi chiều, từ 3 đến 6 giờ. Hái xong cho hoa vào túi giấy đậy kín, để qua đêm cho hoa nở và phấn chín hoàn toàn. Sáng hôm sau đổ hoa ra đĩa khô, sạch, bỏ hết cánh hoa, rũ cho hạt phấn rơi ra, thu gom cho vào lọ thủy tinh hoặc đĩa petri có phủ vải lên trên để giữ ẩm rồi đem đi thụ phấn cho na.

Cách thụ phấn: Dùng bàn tay trái đỡ nhẹ đế hoa, cuống hoa lọt giữa ngón trỏ và ngón giữa bàn tay trái và lấy ngón tay cái cũng của bàn tay trái tách nhẹ cánh hoa ra trong khi tay phải cầm bút lông hoặc que tăm có quấn bông gòn chấm vào lọ hạt phấn rồi phết nhẹ và xoay đều cho phấn dính vào bó nhụy cái giữa lòng hoa. Thời gian thụ phấn tốt nhất là từ 8-10 giờ sáng, hoa nào nở trước thụ phấn trước, hoa nở sau tiếp tục thụ phấn các lần tiếp theo.

Kinh nghiệm cho thấy nếu có điều kiện nên thụ phấn bổ sung cho na 2 lần cách nhau 1 ngày và chọn hoa để thụ phấn sao cho số hoa cách đều trên cành thì tỷ lệ đậu quả mới cao, quả sẽ to và sẽ ít bị rụng quả sau này. Theo anh Long, nếu làm thành thạo 1 người có thể thụ phấn cho 800-1.000 hoa/ngày. Khoảng 3-4 ngày thụ phấn 1 lần cho 1 cây và cả mùa na cũng chỉ thụ phấn 8-10 lần khi cây ra nhiều hoa nhất.

Trong thời gian thụ phấn bổ sung không nên phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, hạn chế tưới nước. Khi hoa đã đậu, quả bắt đầu lớn thì cần tăng cường bón phân, tưới nước, chăm sóc, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh đầy đủ, kịp thời để nuôi quả lớn.

Nguồn: Dân Việt được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Cách trẻ hóa vườn na

Vừa rồi chúng tôi lên Lạng Sơn học được cách thức “cải lão hoàn đồng” cho những vườn na dai già cỗi, sâu bệnh, ít quả…

Vừa rồi chúng tôi lên Lạng Sơn học được cách thức “cải lão hoàn đồng” cho những vườn na dai già cỗi, sâu bệnh, ít quả năm ngoái thành những vườn na khỏe mạnh, xanh tốt, sai quả và quả to vụ na năm nay như một phép lạ của bà con vùng trồng na nổi tiếng xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng.

Đây là kết quả chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật do Trạm Khuyến nông huyện phối hợp với HTX Dịch vụ và Phát triển na Chi Lăng triển khai thực hiện thành công trong 2 năm gần đây, xin mách nước lại cho bà con.

1. Đốn tỉa và “lùn hóa” vườn na:

Công việc này được tiến hành ngay sau vụ thu hoạch, khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10 dương lịch kết hợp với việc bón phân cơ bản hàng năm cho na.

– Với những cây già, yếu, nhiều sâu bệnh, cây mọc quá cao… dùng cưa hoặc dao sắc đốn cách gốc 80-100cm (phía trên các chạc 2, chạc 3 khoảng 20cm) với một vết cắt nghiêng 45o, sắc gọn, không xơ xước. Cắt xong dùng dung dịch boóc đô 3% quết lên vết cắt vừa để hạn chế cây bốc hơi nước, vừa để chống nhiễm khuẩn cho cây nhanh liền sẹo. Bón nhiều phân chuồng hoặc phân hữu cơ, các loại phân khoáng theo qui trình, tủ kỹ gốc, tưới đủ ẩm sang xuân cây sẽ bật chồi, hình thành bộ tán mới. Với cách làm này chúng ta sẽ tạo được bộ tán mới khỏe mạnh, sung sức, thấp cây tạo điều kiện thuận lợi cho việc chăm sóc, thu hoạch sau này và cây sẽ cho nhiều quả, quả to, chất lượng tốt trong những vụ thu hoạch tiếp theo.

– Với những cây na đang thời kỳ sung sức nhưng phát triển quá rậm rạp, ít quả thì cắt bỏ toàn bộ những cành nhỏ mọc trong tán, chừa lại những cành to bằng ngón tay út trở lên và trên những cành ấy cắt bỏ tất cả ngọn ở nơi tiếp giáp giữa cành bánh tẻ và cành non. Sau khi cắt, ta có một bộ tán trụi lá toàn cành hữu hiệu, sẵn sàng đâm chồi mới và ra hoa. Kinh nghiệm ở Chi Lăng cho thấy sau khi chặt tỉa bớt các cành già, cành yếu kết hợp tăng cường bón phân, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh kịp thời thì na ra hoa, đậu quả ngay, cho quả to (3-4 quả/kg, to hơn vụ trước).

2. Bón phân, chăm sóc:

– Ngay sau khi cắt tỉa, bón 5kg phân hữu cơ + 1-2 kg NPK 16-16-8 + 0,4 kg vôi/cây. Cuốc xới đất, vùi đất kỹ, tủ gốc, tưới nước giữ ẩm cho cây để chuẩn bị phân hóa mầm hoa và ra hoa tốt.

– Muốn cho na ra hoa sớm hoặc rải vụ thì áp dụng kỹ thuật tuốt lá: pha 800g urê trong bình 8 lít nước rồi phun ướt đẫm cây làm rụng lá già, số lá còn lại thì tuốt bỏ luôn.

– Kinh nghiệm của nhiều nhà vườn cho thấy: sau khi cắt tỉa 10 ngày, trên mỗi cành sẽ mọc ra nhiều chồi, nên tỉa bớt chỉ chừa lại 4-6 chồi khỏe mạnh được phân đều về các hướng. Pha 35ml RA HOA C.A.T + 15g F.Bo trong bình 8 lít phun sương đều các cành mới này 2 lần cách nhau 5 ngày để kích thích cho hoa ra và nở đều.

– Khi thấy quả to bằng ngón tay út bà con bón thêm 1kg NPK 16-16-8 + 1kg vôi cho 1 cây. Trong quá trình quả lớn, nếu có điều kiện thì phun thêm các loại phân bón qua lá để giúp quả to, màu sắc đẹp hơn.

– Khi quả to bằng quả trứng chim cút, tỉa bỏ bớt quả nhỏ, các cành lá vướng quả rồi tiến hành phun thuốc ngừa sâu bệnh gây hại. Sau đó 1 ngày dùng túi nilon hoặc túi giấy kích thước 16 x 20cm bao kín lại giúp bảo vệ được quả an toàn, mã quả đẹp, chất lượng tốt bán được giá cao.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật trồng Na bằng hạt

Na là một loại cây có khả năng thích nghi tốt với các điều kiện thời tiết khác nhau. Vị na rất ngọt ngào, pha chút vị chua chứ không lạt, thoang thoảng mùi thơm của hoa hồng. Vậy kỹ thuật trồng na bằng hạt như thế nào? Chắc các bạn cũng rất tò mò muốn biết.

Na trồng phù hợp nhất là vào tháng 8 tháng 9. Loại cây này có đặc tính thích nghi tốt ở những nơi đất thoáng cây sẽ phát triển rất. Chăm sóc cây từ khi cây mới ngoi lên mặt đất như vậy cây mới cho trái ngon.

1. Cách nhân giống na bằng hạt

– Với cách nhân giống này khi ăn na ta giữ lại hạt của những cây có trái to ít hạt, hạt bé và có vị ngọt cao.

– Do hạt na có vỏ rất cứng, sẽ khiến cho các bạn thấy rất khó để tách vỏ. Tuy nhiên cũng có một vài cách để tách vỏ na, ta có thể để na vào lồng sắt hoặc giỏ đựng cá, hoặc đơn giản chỉ là chiếc hộp nhựa. Sau đó xóc để cho hạt na bung vỏ ra.

– Sau khi hạt na đã bong được lớp vỏ bên ngoài, ta xử lý hạt bằng cách dùng axit sunfuric, ngâm với nước nóng 55 – 60oC trong 15 – 20 phút, hạt sẽ nảy mầm sau 2 tuần. Khi ấy ta có thể mang hạt na trồng trực tiếp xuống đất, hoặc cẩn thận và để đảm bảo chất lượng hơn ta có thể đóng bầu, rồi trồng mầm hạt na vào bầu, đợi cây lớn hơn một chút mới trồng xuống đất.

2. Cách chăm sóc na

Khi mới hạt na nảy mần, vẫn cần duy trì việc tưới nước cho cây và buổi sáng và chiều tối.

Quy trình bón phân:

– Lúc cây còn bé cho 20- 30 kg phân chuồng cho mỗi cây ngay sau khi trồng.

– Khi cây trưởng thành bón 20 kg phân chuồng/năm, sau đó từ năm thứ ba trở đi 30 kg/năm( trước mùa mưa và sau khi hái quả). Cho thêm với phân chuồng, năm đầu bón phân NPK 16-16- 8: 0,5 kg cho từng cây. Từ năm thứ hai cứ thêm 1 năm, bón thêm 0,5 kg. Khi cây được 10 năm thì dừng việc bón phân.

3. Cách phòng trừ sâu bệnh cho na.

– Na là loại cây rất ít bị sâu bệnh. Tuy nhiên biến ở các vườn ít chăm sóc cây thường bị rệp sáp. Và những căn bệnh này ta không thể xem thường.
Bệnh gây hại nhất là bệnh thán thư nấm (loại nấm Colletotrichum gloesporivides) gây hại hoa. Với bệnh này ta có thể trị bằng các loại thuốc sau: Kasuran BTN, Benlat C, Zincopper, Aliette 80 BTN.

– Tiếp theo là bệnh sáp rệp, với loại bệnh này khi có dấu hiệu của bệnh bà con cần phun thuốc ngay. Dùng các loại thuốc sau Applaud, Mpc 25 BTN, Bi 58 ND, BAM 50 ND, Polysulfur Calci….

Cách phun thuốc cho na bị bệnh cũng thực hiện như cách phun loại cây khác, hòa thuốc với nước (theo tỷ lệ pha thuốc ghi trên nhãn của nhà sản xuất) rồi dùng bình xịt, xịt khắp thân và ngọn cây.

4. Thu hoạch:

– Dấu hiệu khi na chín sẽ chuyển sang màu trắng và mắt na mở to hơn và thường sẽ suất hiện những vết nứt ở da, vỏ sẽ rất mềm khi ta chạm vào

– Khi hái nên nhẹ tay, tránh làm nát quả.

– Khi hái xong cần tiêu thụ ngay vì na rất khó bảo quản.

5. Cách bảo quản.

Do hô hấp mạnh nên na chín nhanh, vậy nên chỉ cần hạ thấp nhiệt độ xuống.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

‘Lập trình’ cho na ra quả theo ý muốn

Nông dân huyện Lục Nam (Bắc Giang) có “tuyệt chiêu” bắt cây na ra hoa, đậu quả ở bất kỳ vị trí nào trên thân, cành và bất cứ thời điểm nào.

Vườn na nhà ông Hiến sai trĩu, quả mọc theo trục thân cây rất độc đáo

Ra quả từ thân

Chưa bao giờ, nông dân xã Huyền Sơn thấy phấn khích với cây na như lúc này. Bởi theo ông Bùi Văn Quang, Giám đốc HTX Na dai Lục Nam: Một là, giá na rất cao. Hai là, trồng na không bao giờ sợ mất mùa.

Cái thông tin phía sau chữ “hai là…” ấy khiến tôi choáng. Nghĩ thầm, chắc vị này “chém gió” cho vui. Nhưng, đó là sự thực.

Hồi ông Quang còn bé, đã thấy cây na đứng chân ở vùng đồi núi Huyền Sơn. Mỗi nhà chỉ trồng 2 – 3 cây, ăn chơi ăn bời trong gia đình là chính. Từ năm 1995, nhờ có thương lái miền xuôi làm “cầu nối”, thức quả đặc sản này đã đến được bàn ăn của người dân Thủ đô. Một làn na khoảng 50 quả bán được 260.000 đồng (tương đương 2/3 chỉ vàng thời bấy giờ). Thấy lợi nhuận khủng, các đại gia vác tiền về đây mua đất, trồng na.

Tuy nhiên, do không được chăm sóc đúng cách, na cho năng suất thấp và bấp bênh. Có năm, chỉ sau trận bão quét qua, quả rụng đầy gốc. Nguyên do bởi trong điều kiện tự nhiên, na thường ra hoa, đậu quả ở đầu cành nên dễ bị gió quật. Cũng có năm, na chín rộ chỉ trong 3 – 4 ngày, chủ vườn không cắt kịp, trái lìa cành rơi bình bịch xuống đất, vỡ nát.

Nắm thóp những điểm yếu trên, người trồng na mày mò cách hoá giải. Trung tuần tháng 11/2013, một nông dân xóm Khuyên, xã Huyền Sơn thử nghiệm cắt cành để cho cây thấp bớt, tránh gió bão. Nhưng khổ nỗi, sang xuân, cây chỉ chồi lộc ở thân chứ không ra hoa. Nguy cơ mất mùa hiện rõ. Chủ vườn tiếp tục đánh liều, cắt cụt ngọn cành non mới mọc ra từ thân cây. Bất ngờ, sau 20 – 25 ngày, từ những kẽ lá của cành cây cụt đua nhau nhú hoa, đậu quả.

Quả na hút dinh dưỡng trực tiếp từ thân cây nên căng mọng, ngọt lịm và nhiều nước. Dù ra hoa chậm hơn 1 tháng, nhưng năng suất vườn na diện tích 3 sào của ông vẫn đạt 2,1 tấn (tương đương 20 tấn/ha). Một thành tích mơ ước người trồng na.

Ép hoa nở bất cứ lúc nào

“Kỹ nghệ” trồng na độc nhất vô nhị này được phổ biến ra toàn vùng. Nhờ đó, người ta có thể điều khiển cây na chín sớm, chín muộn hay chín đúng vụ tùy thích bằng cách… cắt cành. Từ trung tuần tháng 6 âm lịch, thương lái đã đánh xe tải lên Lục Nam mua na, trong khi ở các vựa na khác như Chi Lăng (Lạng Sơn), Chí Linh (Hải Dương), quả na vẫn xanh lét. Giá bán na đầu mùa bao giờ cũng đắt (45.000 – 50.000 đồng/kg), thậm chí có thời điểm lên tới 60.000 đồng/kg.

Ngay trong vùng na dai Lục Nam, cùng một thời điểm, khi quả na vườn nhà này đã to bằng quả trứng gà, chủ vườn bên cạnh mới bắt đầu thụ phấn cho hoa để đón vụ na chín muộn, bán giá cao. Nhờ đó, na Lục Nam có thể rải vụ hơn 4 tháng (từ trung tuần tháng 6 đến hết tháng 10 âm lịch).

Na không chín rộ trong thời gian ngắn, nghĩa là không có chuyện ứ hàng. Và tất nhiên, cánh thương lái không thể ép giá. Thậm chí, thương lái ở Vĩnh Phúc, Nam Định, Thái Bình, Hà Tĩnh, Thừa Thiên – Huế kéo đến tận vườn để đặt cọc. Hiện tại, giá na loại 1 khoảng 28.000 – 30.000 đồng/kg, khá cao.

Điểm khác biệt nhất của na dai Lục Nam nằm ở màu sắc vỏ sáng bóng và độ bền của quả. Dù đặt trên bàn thờ cả tuần, quả na cũng không bị thâm vỏ như các loại na trồng ở vùng đất khác. Bởi, na Lục Nam được trồng ở những vùng đất rất khác biệt: Địa hình cao, ráo nước nhưng chất đất giàu dinh dưỡng, màu đen như kiểu mùn giun.

Ông Quang bên một cây na ra quả từ thân

Nông dân Lục Nam tuyệt đối không bón phân hóa học cho vườn na, thay vào đó là phân bón hữu cơ gồm phân trâu (hoặc phân gà) trộn lẫn tro rơm ủ hoai mục trong 8 tháng. Trong tro rơm có nhiều kali nên quả ngọt, rất bền và cây khỏe mạnh, đủ dưỡng chất nên gần như không có sâu bệnh.

Cá biệt, thu 800 triệu đồng/ha

Trước đây, nông dân để vườn na thụ phấn tự nhiên nhờ côn trùng. Buổi sáng, chiều tối con ong đi ăn phấn của hoa già. Khi trời nắng, chúng chui vào bông hoa non mới hé để trú ngụ vô tình thụ phấn cho hoa, nhưng phấn dính trên chân lông con ong không đều dẫn đến quả tròn quả vẹo, tỷ lệ đậu quả không cao.

Thấy thế, bà con tự thụ phấn bằng cách gom phấn hoa già sau đó thụ phấn cho hoa non, quả non lớn lên rất đẹp mã. Nếu phát hiện quả nào còi cọc, méo mó, chủ vườn có thể cắt bỏ đi và cho ra hoa lứa khác để lấy quả đẹp hơn.

Hộ ông Trần Văn Báo (xóm Khuyên) chỉ có 5 sào trồng na. Lão nông này rải vụ na ra làm hai đợt. Riêng đợt 1 đã thu được 100 triệu nhưng chưa cắt hết quả. Còn vụ na đợt 2 dự kiến thu được 50 triệu nữa. Như vậy, nếu diện tích trồng na của nhà ông Báo là 1ha, thì số tiền thu được sẽ là trên 830 triệu đồng. Trừ chi phí đầu tư phân bón khoảng 50 triệu đồng, lợi nhuận mà nông dân thu được rất lớn.

Những hộ gia đình có vườn na cho năng suất thuộc loại trung bình như ông Phương Minh Hiến (xóm Khuyên) cũng đạt năng suất từ 18 – 20 ha/vụ. Mặc dù vừa thu hoạch xong lứa na thứ nhất (bắt đầu từ 25/6 – 24/8), thu 260 triệu đồng. Tuy nhiên, ông vẫn còn lứa na thứ hai, dự kiến trung tuần tháng 10 sẽ bắt đầu cho thu, giá trị 200 triệu nữa.
Để có na chín thường xuyên, bí quyết của ông Phương Minh Hiến là: Từ tháng giêng trở đi, mỗi ngày ông phương chỉ cắt cành khoảng 10 gốc na. Nếu là cây khỏe, đúng 20 ngày sau chúng sẽ ra hoa, còn cây yếu hơn là 25 ngày. Như vậy, hoa được thụ phấn theo từng đợt, rải đều trong nhiều tháng và quả chín từ từ

Được biết, hiện toàn huyện Lục Nam có hơn 1.700ha na, doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Để xây dựng và phát triển thương hiệu na dai Lục Nam, trước mắt, UBND huyện đã hỗ trợ cho HTX Na dai Lục Nam chi phí về túi ni lông (có in địa chỉ và hình ảnh của vùng na Lục Nam) để phát không cho thương lái (tương ứng với số lượng na bán ra), từ đó dễ dàng truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, huyện cũng đang nghiên cứu cơ chế hỗ trợ một phần phân bón và các loại thuốc BVTV cho nông dân theo đúng quy trình sản xuất VietGAP.

Nguồn: Hội nông dân được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kĩ thuật trồng và chăm sóc na thái

Đất đai: Cây Na Thái dễ sống không kén chọn đất, kể cả đất nghèo dinh dưỡng, đất sỏi, đất cát, chua hoặc trung tính. Tuy nhiên, để Cây Na Thái cho quả to ngon, năng suất cao, thi Bà con nên trồng ở loại đất tốt, giàu dinh dưỡng và thoát nước tốt.

Đất thích hợp nhất để trồng Na Thái là đất rừng mới khai phá, đất phù sa, có độ pH= 5,5-6,5. Nếu trồng đất xấu, không bón phân thì cây nhanh già cỗi, ít quả, hạt nhiều, quả nhỏ.

Ánh sáng và độ ẩm: Na Thái là cây trồng ưa ánh sáng hoàn toàn,  Na Thái ưa độ ẩm trung bình.

Nhiệt độ: Na Thái chịu được biên độ nhiệt lớn, chịu rét khá tốt. Mùa đông cây rụng lá, nghỉ đông ngừng sinh trưởng, đến mùa xuân lại mọc lá mới. Cây rất phù hợp trồng ở Miền Bắc nước ta.

Thời vụ trồng: Bà con nên trồng Na Thái vào mùa xuân kéo dài đến tháng 8-9.

Mật độ trồng: Tính theo kích thước của tán cây có thể trồng mật độ 4x4m hoặc 4x5m/ 1 cây. Khoảng cách trồng 5m ở đất tốt, 4m ở đất xấu

  Na Thái giống

Đào hố trồng: Hố trồng Na Thái cần có chiều sâu khoảng 50 cm, kích thước rộng, bón lót bằng 15-20kg phân chuồng + 0,2 kg kali + 0,5 kg lân trước khi trồng khoảng 7-10 ngày.

Cách trồng: Trồng Na Thái cũng không khác gì so với trồng Na Thường. Đối với Bầu Na gieo từ hạt khi đã đủ tuổi Bà con tiến hành rạch nilon sau đó đặt cây vào giữa hố đã đào sẵn, san đất xuống hố và nệm đất cao hơn gốc cây một chút. Đối với cây giống ghép cành Bà con cũng trồng như thế. Bà con chú ý sau khi trồng cần tưới đẫm nước cho cây, chú ý bảo vệ cây.

Thời vụ trồng: đầu mùa xuân và có thể kéo dài đến tháng 8, 9. Nhất thiết phải tưới đẫm nước khi vừa trồng, dù là cây ương trong bầu, hay cây đánh đi trồng cho đến khi cây xanh trở lại, phải tưới nếu nắng hạn. Sau này khi cây đã ra trái, tưới bổ sung khi gặp trời hạn cũng có lợi.

Bón phân: Nên bón 20 – 30 kg phân chuồng khi trồng cho mỗi cây. Sau đó khi cây lớn bón phân cho 1 cây như sau: Phân chuồng hai năm đầu bón 20 kg/năm, sau đó từ năm thứ ba trở đi 30 kg/năm. Phân chuồng nên bón làm một lần hoặc hai lần trước mùa mưa và sau khi thu trái. Phân khoáng (bón thêm với phân chuồng) năm đầu bón phân NPK 16 -16 – 8 : 0,5 kg cho mỗi cây. Từ năm thứ hai trở đi cứ thêm 1 năm tuổi bón thêm 0,5 kg. Ví dụ năm thứ hai bón 1 kg/cây, năm thứ ba 1,5 kg và đến năm 9, 10 thì thôi không tăng nữa. Để trái thêm ngọt, có thể bón thêm phân Kali từ năm thứ ba trở đi, 0,5 kg cho mỗi cây, và sau đó tăng lên chút ít mỗi năm.

Sâu bệnh: Na Thái ít sâu bệnh. Tuy vậy cần chú ý phòng trị rệp sáp, rất phổ biến ở các vườn ít chăm sóc. Khi Na chưa có trái rệp bám ở dưới mặt lá, dễ nhận ra ở màu trắng sáp và các tua trắng quanh mình, sinh sôi ở đó. Khi có trái thì bám vào trái hút nhựa, từ khi trái còn non đến tận khi chín, thường ở kẽ giáp ranh giữa hai múi vì chỗ này vỏ mỏng, không những làm mất mỹ quan, khó bán được, mà còn làm giảm chất lượng do vị nhạt.

– Trị bằng thuốc: Supracid, Bi 58ND, Applaud, Mipcin,… Xịt vào cuối vụ, khi không còn trái. Khi có trái, xịt cả vào trái, vào lá. Khi trái sắp chín, không xịt nữa, tránh gây độc cho người tiêu thụ.

Thu hoạch: dấu hiệu Na chín là màu trắng xuất hiện ở các kẽ ranh giới giữa 2 mắt, và các kẽ này đầy lên, đỉnh múi thấp xuống (Na mở mắt). Ở một số giống xuất hiện những kẽ nứt và ở các giống “Na bở” kẽ nứt toác. Nên lót lá tươi, lá chuối khô để trái khỏi sát vào nhau, vỏ nát thâm lại, mã xấu đi, khó bán. Hái xong nên vận chuyển ngay đến nơi tiêu thụ vì khi chín rồi, dù là Na Thái, vẫn dễ nát.

Bảo quản:

Trái cây chín nhanh thường do quá trình hô hấp mạnh (hút khí O2 và thải khí CO2). Ngoài ra, trong quá trình chín, trái cây còn thải khí etylen và chính khí này quay trở lại kích thích trái cây mau chín hơn. Cách hữu hiệu để bảo quản trái cây không chín nhanh là dùng nhiệt độ thấp. Tuy nhiên, đối với một số loại trái cây nhiệt đới, khi nhiệt độ quá thấp sẽ bị tổn thương lạnh (trái nhũn, bị chấm đen,…). Vì vậy, nhiệt độ bảo quản không nên thấp hơn so với giá trị quy định. Với xoài cần bảo quản ở nhiệt độ không thấp hơn 130C, chôm chôm: 120C, Na: 130C, Dưa hấu: 100C,… Nếu không có điều kiện bảo quản lạnh, có thể ngâm trái cây với dung dịch muối canxi (CaCl2, nồng độ 1-3% trong thời gian 1-3 phút) để ức chế quá trình hô hấp của trái cây.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam