Làm giàu ở nông thôn: Sung túc nhờ trồng dừa xiêm chuỗi

Ông Thái Văn Đầy, xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang đã chuyển đất lúa kém hiệu quả sang trồng dừa xiêm chuỗi, cho năng suất cao. Từ ngày vườn dừa xiêm chuỗi cho trái, thu nhập của gia đình ông Đầy sung túc hẳn lên bởi tháng nào cũng có tiền từ bán dừa. Mọi người đều cho rằng, trồng dừa xiêm chuỗi như ông Đầy là một trong những cách làm giàu ở nông thôn.

Tham quan vườn dừa xiêm chuỗi 2.500 m2 với 115 cây dừa sai trái, đang trong giai đoạn thu hoạch, ông Đầy cho biết: Trước đây khu vực này trồng lúa nhưng thấy hiệu quả kinh tế không cao, mỗi vụ thu hoạch lúa huề vốn hoặc có lãi rất ít.

Ông Đầy liền bàn với gia đình, cải tạo đất, lên liếp và mua dừa xiêm chuỗi về trồng. Dừa phát triển tốt, chỉ sau 3 năm chăm sóc đã bắt đầu cho trái chiến và đến nay vườn dừa đã 6 năm tuổi và đang cho trái ổn định.

Ông Thái Văn Đầy đã chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng dừa xiêm chuỗi cho thu nhập cao.

Nhìn sang cây dừa sai trái, đang chuẩn bị thu hoạch, ông Đầy phấn khởi chia sẻ kinh nghiệm trồng dừa xiêm: “Dừa xiêm trồng khá dễ, cho trái quanh năm, nước ngọt với vị đặc trưng, công chăm sóc ít, chủ yếu phòng trừ đuông dừa. Nếu cây dừa bị đuông ăn ngọn thì cây dừa đó sẽ bị chết. Ngoài ra, người trồng dừa cần phòng trừ bọ cánh cứng. Bọ cánh cứng tấn công làm ảnh hưởng đến năng suất của cây dừa hoặc hút nhựa làm cho trái dừa không phát triển được. Vì thế, mình phải dọn rửa cây dừa và phun thuốc định kì để bảo vệ cây dừa”.

Hiện tại, với 115 cây dừa, mỗi đợt (khoảng 25 đến 30 ngày) ông Đầy thu hoạch một lần với gần 1.000 trái. Giá bán hiện tại 6.000 đồng/trái, gia đình ông thu về khoảng 6 triệu đồng, trừ các chi phí, ông Đầy còn lãi hơn 5 triệu đồng. Những lúc cao điểm mùa khô dừa tăng giá, thương lái đến tận vườn thu mua với giá 9.000 – 10.000 đồng/trái, mang lại cho gia đình ông Đầy nguồn thu đáng kể. Đây là một trong những mô hình làm giàu ở nông thôn.

Gắn bó và thành công với cây dừa xiêm chuỗi, ông Đầy đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc và bảo vệ vườn dừa. Ông Đầy cho rằng khâu bón phân là khá quan trọng, quyết định đến chất lượng nước của trái dừa. Vì vậy, mỗi năm ông bón phân từ 3 đến 4 lần gồm hỗn hợp N-P-K, mỗi lần bón liều lượng vừa phải và tăng cường hốt bùn dưới ao lên bón cho cây giữ ẩm, cung cấp nước đầy đủ vào mùa nắng, tránh để gốc bị khô, ảnh hưởng đến năng suất cũng như chất lượng của trái.

Theo ông Thái Văn Đầy, để vườn dừa xiêm đạt năng suất cao thì ngoài việc bón phân cân đối thì người trồng phải thường xuyên dọn vệ sinh cây dừa để hạn chế sâu đuông dừa, bọ cánh cứng.

Tiếng lành đồn xa, trước hiệu quả kinh tế cao của dừa xiêm chuỗi, cùng thị trường tiêu thụ rộng lớn, nhiều nhà vườn đã tìm đến và đặt dừa giống của gia đình ông về trồng. Ông Đầy cho biết: “Bà con đến đặt dừa giống không bán thì không được, nhưng để dừa giống thì cây bị tổn sức. Riêng năm 2018 gia đình tôi bán được hơn 1.000 cây dừa giống (ươm 3 tháng) với giá 40.000 đồng/cây…”.

Năm 2019 này, người dân đặt khoảng 2.000 cây, gia đình ông Đầy đang tuyển chọn những trái dừa đẹp, chất lượng nhất chuẩn bị ươm giống để cung cấp cho bà nông dân trồng, cải thiện kinh tế gia đình”. Hàng năm, sau khi trừ các chi phí từ việc bán dừa tươi và dừa giống mang lại cho gia đình ông Đầy khoảng 100 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với cây lúa và nhiều loại cây trồng khác.

Với những thành công từ cây dừa xiêm chuỗi mang lại, ông Đầy mạnh dạn chia sẻ kinh nghiệm trồng dừa, hỗ trợ bà con nhân dân về kỹ thuật để cùng phát triển vườn dừa trên địa bàn xã Thạnh Nhựt nói riêng, huyện Gò Công Tây nói chung.

Ông Đầy còn tiếp tục phát triển, mở rộng diện tích vườn dừa của gia đình . Ông Đầy cho biết: “Hiện tại, gia đình đã lên liếp và trồng dừa thêm trên diện tích 10.000 m2 , dừa phát triển khá tốt, hứa hẹn những thắng lợi cho gia đình ở hiện tại và tương lai”.

Tổng hợp và duyệt bởi Farmtech Việt Nam

Bí quyết làm giàu: Trồng dừa dứa xen bưởi da xanh

Ngoài giờ lên lớp, thầy Lê Minh Thuận (H.Tam Bình, Vĩnh Long) dành thời gian chăm sóc vườn dừa dứa xen lẫn bưởi da xanh, mang lại lợi nhuận trên 300 triệu đồng mỗi năm.

Cái duyên đến với cây dừa, cây bưởi của thầy Thuận (50 tuổi, ngụ ấp Phú Hòa, xã Phú Ninh, giáo viên Trường THCS – THPT Phú Thịnh) khá tình cờ. Thầy kể đất vườn trước đây chủ yếu trồng cây tạp nên năng suất không cao, thu nhập ít ỏi. Trong khi đó lương giáo viên không đủ trang trải cuộc sống và nuôi con cái ăn học, khiến thầy luôn trăn trở tìm cách tăng thêm nguồn thu cho gia đình. Năm 2012, thông qua sách báo, biết trồng dừa dứa cho thu nhập cao, nhẹ công chăm sóc, phù hợp thổ nhưỡng tại địa phương, có thể vừa dạy học vừa làm kinh tế nên thầy quyết định mua 115 cây dừa dứa giống về trồng.

Bí quyết làm giàu: Trồng dâu tây công nghệ cao Tận dụng các khoảng đất trống giữa các gốc dừa, thầy Thuận trồng xen canh chuối cau, nhằm lấy ngắn nuôi dài. Đến năm 2013, thầy đốn bỏ chuối cau và trồng xen 50 gốc bưởi da xanh. “Theo suy nghĩ của nhiều nhà vườn, trồng xen cây bưởi với dừa trên cùng một diện tích đất thì khó thành công, vì cây bưởi không cạnh tranh lại cây dừa cao có tán bao phủ hết khoảng trống không cho cây bưởi phát triển. Tuy nhiên, giữa cây dừa và bưởi không có sự cạnh tranh về dinh dưỡng. Không những vậy, tán dừa còn làm mát cho bưởi nên cây nào cũng phát triển tốt, trái to, no tròn”, thầy Thuận nói.

Chia sẻ bí quyết thành công, thầy Thuận cho biết vườn cần thiết kế hệ thống mương dẫn nước theo hệ thống hở, cấp nước ở đầu nguồn, thoát nước ở cuối nguồn để tránh bị dồn phèn, mặn, độc chất ở cuối vườn; thiết kế hệ thống bơm tưới chủ động, đảm bảo tưới nước trong mùa nắng tối thiểu khoảng 10 ngày/lần. Bên cạnh đó, cần có hệ thống đê bao chủ động được nước, hạn chế vườn bị úng ngập trong thời kỳ mưa lũ, nhằm tránh dừa bị rụng trái non. Đặc biệt, thầy Thuận cho xẻ rãnh rất nhỏ, khoảng 60 cm để dẫn nước sông vào phục vụ cho hệ thống bơm tưới tự động cho vườn cây trái. Với cách làm này tiết kiệm gần 1.000 m2 đất làm mương để dư ra trồng thêm được cây trái.

Theo thầy Thuận, để dừa dứa đạt năng suất cao, thơm mùi dứa, người trồng phải bón phân, tưới nước đều đặn. Điều quan trọng hàng đầu là phải thường xuyên xịt thuốc trừ bọ cánh cứng chuyên làm hại đọt dừa, nếu không cây sẽ chết. Bên cạnh đó, để bưởi da xanh xen dừa tươi tốt, năng suất cao, thầy Thuận cho biết nên xử lý đất trước khi trồng, sử dụng phân bón hóa học có liều lượng hợp lý, sử dụng nấm đối kháng trộn với phân chuồng vun cho cây 6 tháng/lần (hoặc pha nước với nấm đối kháng tưới dưới gốc cây) vừa giúp cây phát triển tốt nhờ phân hữu cơ, đồng thời tiêu diệt nấm dại để bảo vệ cây bưởi. Bên cạnh đó, kết hợp nhử kiến vàng về cây bưởi để phòng trừ dịch hại trên cây.

Thầy Thuận cho biết dừa dứa sau 2 năm trồng bắt đầu cho trái. Mỗi cây có thể thu hoạch 180 – 200 trái/năm, thương lái từ TP.HCM đến đặt hàng thường xuyên nhưng không đủ để bán. Với giá bán dừa tại vườn vào mùa nắng 18.000 đồng/trái, mùa mưa 10.000 đồng/trái, sau khi trừ hết chi phí chăm sóc, mỗi năm thầy Thuận thu lãi trên 250 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi năm thầy còn bán trên 1.000 cây dừa dứa giống với giá khoảng 30.000 đồng/cây. Riêng 50 gốc bưởi da xanh, dù mới cho trái đã mang về lợi nhuận cho thầy trên 50 triệu đồng/năm.

Nhận thấy dừa dứa luôn hút hàng nên thầy Thuận đang có kế hoạch mua thêm đất để trồng xen canh bưởi da xanh và dừa dứa. Bên cạnh đó, thầy sẵn sàng hướng dẫn kinh nghiệm cho bà con nhà vườn tại địa phương muốn chuyển đổi sang mô hình xen canh này.

Nguồn: Tổng hợp, duyệt bởi Farmtech Vietnam

Trái cây độc, lạ sẵn sàng đón Tết

Nhiều loại trái cây “độc”, lạ của nông dân miền Tây trong dịp Tết Mậu Tuất có giá bán khá cao, từ 300.000 đồng/trái trở lên.

Ông Võ Trung Thành (ngụ ấp Phú Trí A, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, Hậu Giang), Chủ nhiệm Câu lạc bộ khuyến nông Phú Trí A, cho biết: “Trong dịp Tết Mậu Tuất 2018, các thành viên trong câu lạc bộ cung ứng khoảng 6.000 trái bưởi tạo hình, bao gồm: bưởi hồ lô “tài – lộc”, hồ lô “thỏi vàng đồng tiền”, hồ lô “thư pháp” ra thị trường. “Riêng sản lượng do hộ của tôi làm ra khoảng 500 trái. Tết năm nay không có sản phẩm mới mà chỉ có những sản phẩm truyền thống” – ông Thành thông tin.

Bưởi hồ lô tài lộc

Theo ông Thành, do năm nay là năm nhuần (có hai tháng 6 âm lịch) nên gây khó khăn cho nhà vườn trong việc xử lý ra hoa. Cụ thể, năm nay bưởi ra hoa sớm từ tháng 4 âm lịch sẽ cho trái thu hoạch trước Tết. Nhà vườn không thể chọn đợt trái này mà phải chọn đợt ra hoa từ tháng 6, nên bị hao hụt, mất sản lượng.

Hiện vườn bưởi hồ lô của ông Thành đã vào khuôn và sẽ thu hoạch từ khoảng 23 tháng Chạp. “Tết năm rồi, cả câu lạc bộ cung ứng khoảng 10.000 trái nhưng năm nay chỉ có 6.000 trái. Về giá cả bằng mọi năm, từ 300.000 đồng đến 1,2 triệu đồng/trái tùy loại. Đến thời điểm này, đã có khách hàng hợp đồng một nửa sản lượng của câu lạc bộ.”, ông Thành thông tin thêm.

Riêng anh Huỳnh Thanh Tâm (thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) năm nay lại đưa ra thị trường loại trái cây “độc”, lạ mới là dừa hồ lô in chữ nổi “phúc-lộc-thọ” và dừa hồ lô “tài – lộc” với khoảng 6.000 trái.

Dừa hồ lô in chữ nổi “phúc-lộc-thọ”

Theo anh Tâm, do năm nay có dừa hồ lô in chữ nổi là sản phẩm độc đáo nên hiện có 80% số trái cây “độc”, lạ này đã được khách hàng tại Hà Nội và TP HCM đặt hàng.

Theo nhanong.com.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

“Dị nhân” nặn dừa hồ lô lạ mắt bán Tết, bỏ ăn, bỏ ngủ suốt ngày trên cây

Có biệt tài nặn dừa hồ lô, dịp Tết này để có những trái dừa hồ lô độc, lạ, “dị nhân” U60 Nguyễn Hoàng Phúc ở Cần Thơ thường xuyên bỏ ăn, bỏ ngủ “treo mình” lên những cây dừa.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc bên trái dừa hồ lô của mình.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc (55 tuổi, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) cho biết, sau hơn một năm nghiên cứu, ông đã có thể tạo được thành công sản phẩm dừa hồ lô trước sự ngỡ ngàng của nhiều người.

“Để nâng cao giá trị trái dừa, tôi quyết tâm ngày đêm nghiên cứu tạo hình hồ lô trên trái dừa. Qua khá nhiều lần thất bại, trái nứt, rơi rụng (từ 40-50 trái), cuối cùng tôi cũng đã làm được” – ông Phúc chia sẻ.

Theo ông Phúc, những ngày đầu làm thử nghiệm, vườn dừa của ông bị hỏng từ buồng này đến buồng khác, từ cây này sang cây nọ. Tuy nhiên, càng thất bại thì ý chí càng thúc giục ông phấn đấu làm tiếp, khi nào thành công mới thôi. Thậm chí, có những hôm, ban đêm, ông vẫn lọ mọ mở đèn pin trèo lên cây xem trái dừa mình đang “nặn” phát triển như thế nào.

Ông Phúc thường xuyên bỏ ăn, bỏ ngủ “treo mình” lên những cây dừa.

Ông Phúc nói thêm: “Nhiều lúc vợ nói làm dừa hồ lô phí công cực khổ, không có thời gian nghỉ ngơi, hơn nữa tuổi cũng đã cao. Khi đó tôi trả lời, cái này là sở thích nên không thấy mệt. Nhiều khi “bỏ ăn, bỏ ngủ” ngồi ở trên cây dừa, gia đình đi kiếm mãi không thấy…”.

Dipk Tết năm nay, dừa tạo hình hồ lô của ông Phúc đã có khách đặt 100 cặp để đưa ra Hà Nội. Trong thời gian tới, ông Phúc sẽ mở rộng mô hình, thuê vườn của anh em hoặc hàng xóm để làm dừa tạo hình.

Nguồn: Danviet.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Thụ phấn cho cây dừa sáp

Dừa sáp (hay dừa đặc ruột) khi bổ đôi quả dừa bên trong lớp cơm dừa đặc quánh giống như sáp, có độ dầu cao, mùi hương đặc trưng. Trong điều kiện trồng chung với loại dừa không đặc ruột, tỷ lệ đặc ruột chỉ chiếm 20% – 25% trong một quầy dừa.

Dừa sáp

Sau một thời gian nghiên cứu, Trung tâm Thực nghiệm Đồng Gò (Bến Tre) kết hợp với Sở Khoa học Công nghệ Trà Vinh đã thử nghiệm thành công cách thụ phấn trợ lực cho cây dừa sáp làm tăng tỷ lệ sáp trên buồng dừa.

Kỹ sư Ngô Thanh Trung chịu trách nhiệm thụ phấn cây dừa sáp cho biết: Chương trình đi thụ phấn bắt đầu ngày 26/6/2007 cho đến nay, số dừa sáp được thụ phấn tại xã Hoà An (Cầu Kè, Trà Vinh) chia làm ba loại: loại thụ phấn đủ 4 bông – loại thụ phấn 3 bông – loại thụ phấn 2 bông. Trước hết, phải điều tra cây dừa sáp, đánh dấu từng cây, phân loại cây, tuổi cây.

Công việc thụ phấn chỉ áp dụng vào buổi sáng. Cây dừa sáp thụ phấn chéo hoàn toàn, nên chuyên viên lấy phấn đực trên mo dừa đã bung. Phấn đực lấy xuống cà cho bể nát, đem phơi riêng từng bông trong thùng kín, không cho phấn lạ xâm nhập, có nhiệt kế để đo sức nóng từ 37-40º, phấn khô chuyển sang màu mỡ gà, dùng rây mịn để lấy phấn. Trích một ít để thí nghiệm, phấn mạnh giữ lại để phun, những phấn đực yếu bỏ nguyên bông.

Phấn mạnh trộn chung với dung dịch bột tan để xịt trên hoa cái mới nở, thời gian 6 – 8 ngày. Hoa cái thụ tinh thì đít sau của trái dừa sáp đậu, chuyển qua màu nâu. Thời gian sau 10 – 11 tháng buồng dừa sáp đem lại kết quả. Theo ông Lê Văn Bé, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Trà Vinh thì cây dừa sáp phần nhiều trồng ở xã Hoà Tân, Hoà An và Thị Trấn Cầu Kè có tổng số 7874 cây trong đó có 1087 cây cho trái trên tổng diện tích 39 ha.

Việc đem khoa học thụ phấn trợ lực cây dừa sáp giúp bà con hướng đến tương lai tươi sáng cho việc thu nhập dừa. Được biết, hiện nay huyện Cầu Kè chuẩn bị thành lập CLB dừa sáp nhằm tiếp thị quảng bá giống dừa quý hiếm này.

Theo nhanong.com.vn được tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Kỹ thuật trồng dừa nước

I. Kỹ thuật tạo cây con

1. Vườn ươm

– Vườn ươm phải gần nơi trồng rừng và thuận lợi cho việc vận chuyển cây con.

– Vườn ươm bố trí và lựa chọn cẩn thận ở nơi ngập triều trung bình trong năm, tốt nhất ở nơi ngập triều trung bình từ 20 – 25cm, độ mặn nước biển từ 5 – 15‰, ít chịu tác động của sóng biển, có bờ ao xung quanh để bảo vệ.

– Vườn phải đặt xa nơi nguồn bệnh và tách rời xa khu canh tác nông nghiệp, nơi chăn thả gia súc, tránh nơi thuỷ triều rút quá nhanh, nơi hay bị phù sa bồi lắng.

2. Giống

a. Kỹ thuật thu hái

– Nguồn giống được thu, hái trong rừng ngập mặn nơi có dừa nước phân bố tự nhiên. Mùa quả chín từ tháng 8 – 10.

Trái dừa nước

– Thu lượm trụ mầm chín trên mặt nước, khi thuỷ triều đưa ra biển rồi dạt vào những bờ biển thoai thoải hoặc chặt các buồng quả già. Buồng quả già khi chín có màu nâu thẫm.

Một số thông số cơ bản:

– Khi chín quả dài 10 – 12 cm, đường kính quả từ 5 – 6,0 cm.

– Số lượng quả trên một buồng quả: 38 – 63 cũng có khi 50 – 120 (Bến Tre).

– Tỷ lệ nảy mầm 85 – 90%.

b. Phân loại, bảo quản

– Quả sau khi thu hái về phải tiến hành phân loại. Loại bỏ những quả còn non, những quả bị sâu bệnh. Những quả từ buồng quả dùng tay tách rời quả.

Cây dừa nước khi được trồng đúng kỹ thuật

– Khi không cấy kịp vào bầu cần bảo quản bằng cách ngâm trong nước lợ hoặc để nơi râm mát hàng ngày tưới nước, thời gian không để quá 1 tháng.

3. Tạo bầu

a. Vỏ bầu

– Loại vỏ bầu PE mầu trắng đục hay đen. Bảo đảm độ bền cao để khi đóng bầu, chịu được ngâm trong nước biển hoặc quá trình chăm sóc vận chuyển cây con đi trồng rừng không bị hư hỏng.

– Sử dụng túi bầu có đáy, kích thứơc D = 15cm, H = 20cm, đục các lỗ nhỏ có D = 0,5cm xung quanh để thoát nước.

b. Thành phần hỗn hợp ruột bầu

– Sử dụng loại đất cát pha ngập thuỷ triều hàng ngày để đóng bầu (đất được lấy ở tầng mặt có độ sâu 0 – 20cm, pH = 6,0 – 6,5; nơi có độ mặn nước biển 5 – 15%o, cát 1 – 2%, sét 63 – 74%, limon 35 – 36%).

c. Xếp bầu trên luống và kỹ thuật đảo bầu

– Trang mặt luống cho phẳng, cày bừa, nhặt sạch cỏ. Kích thước luống đặt bầu (1,2m x 1,2m) hai luống cách nhau 50 cm, có rãnh thoát nước khi thủy triều rút.

– Xếp bầu theo hàng, cứ hai hàng để cách một hàng, lấp đất xung quanh luống để giữ bầu.

– Từ tháng thứ hai cứ 2 tháng đảo bầu một lần, bằng cách dịch chuyển bầu để tránh rễ cắm sâu vào đất. Tiến hành đảo bầu kết hợp với phân loại cây vào thời gian thuỷ triều rút.

d. Cấy cây

– Cấy quả: cắm 1/3 chiều dài quả trực tiếp vào bầu đất nghiêng một góc 45º với mặt bùn.

– Mỗi bầu chỉ cấy 1 quả.

– Cấy quả vào ngày râm mát, tránh ngày mưa bão.

e. Chăm sóc phòng trừ sâu bệnh

– Sau khi cấy quả vào bầu 5 – 7 ngày hạt nảy mầm cây con còn yếu nên điều tiết nước ngập 3 – 4 giờ/ngày.

– Hàng ngày gỡ bỏ rong, rêu, vật cản bám vào trụ mầm.

– Sau khi cấy quả thường bị một số loài giáp xác, thân mềm, chân bụng, cua còng, ốc biển, hà sun,… tấn công trụ mầm. Vì vậy, thường xuyên theo dõi bắt bỏ các loài động vật này đề phòng cắn nát trụ mầm.

f. Cấy dặm

Sau khi cấy vào bầu 10 – 15 ngày, quả nảy mầm tới 50%, sau 30 ngày quả nảy mầm hoàn toàn, tỷ lệ nảy mầm đạt tới 85%. Sau thời gian này quả nào không ra lá cần tiến hành cấy dặm ngay.

g. Tiêu chuẩn cây con xuất vườn

– Tuổi cây: 6 – 7 tháng tuổi
– Chiều cao trung bình của lá: 47 – 50 cm

– Số lá trên cây: 4 – 5 lá
– Cây không bị nhiễm bệnh.

– Cây không bị cụt ngọn.

II. Trồng rừng

1. Khu vực trồng rừng

– Đất trồng rừng dừa nước là đất nhiều sét 68 – 73%, phù sa 25 – 30%, cát 1 – 2%, trên các bãi bồi ngập mặn ven biển, có mức độ ngập triều trung bình và thấp.

– Độ mặn nước biển thích hợp nơi trồng rừng từ 5 – 15%o. Nếu độ mặn vượt quá 20%o cây bị chết.
– Trên dạng đất sét rắn chắc, đi không lún mà chỉ ngập nước khi thuỷ triều cao bất thường hay đất nhiều cát, mặt đất có nhiều cỏ chịu mặn trồng rừng cây sinh trưởng và phát triển rất kém.

2. Phương thức trồng rừng

– Trồng thuần loài, bố trí theo hình vuông hay nanh sấu.
– Trồng hỗn giao theo hàng với một số loài cây như bần chua tuỳ theo điều kiện lập địa từng vùng.
– Cũng có thể trồng hỗn giao theo đám với bần chua.

3. Mật độ trồng rừng

– Mật độ trồng rừng 625 cây/ha.
– Cự ly trồng 4,0m x 4,0m.

4. Thời vụ và kỹ thuật trồng rừng

– Trồng rừng trực tiếp bằng quả bằng cách đặt quả nghiêng một góc 45º với mặt bùn. Đầu trên (đầu dính vào trục của cuống buồng quả) nhô lên khỏi mặt nước 0,5cm, phần còn lại của quả chìm trong bùn.

– Trồng bằng cây con có bầu vào tháng 3 – 4, bóc vỏ bầu trước khi trồng. Không làm đứt rễ để tránh xâm nhập mặn.

– Kỹ thuật trồng: Trồng cây khi thuỷ triều rút. Dùng dây nilon thắt nút chia thành các đoạn 4m, kéo thẳng hàng để trồng đúng khoảng cách. Biện pháp dễ làm nhất là dùng một đoạn tre bương hoặc luồng dài 4m. Lắp răng dài 10cm với khoảng cách 4m x 4m (giống như một cào cỏ). Một người cầm cào này kéo theo một đường thẳng trên mặt bùn. Sau đó lại dùng cào kéo theo chiều vuông góc tạo thành những ô vuông thẳng hàng ngang dọc.
Ở những nơi đất cao, cứng chỉ ngập triều cao, có thể dùng cuốc để cuốc hố 50cm x 50cm. Cho vào hố một lớp bùn dày 25 – 30cm, trồng cây trong lớp bùn này.

5. Chăm sóc bảo vệ rừng

Thời gian chăm sóc 3 năm.

Sau khi trồng rừng từ 3 – 6 tháng, cần vớt bỏ rong, rêu, tảo bám trên thân, lá nếu có tạo điều kiện cho cây con quang hợp tốt.

Bắt cua, còng, ốc ăn lá cây. Khi phát hiện sâu non dùng tay bắt giết, hoặc rung cây cho sâu rơi để giết.

Bảo vệ các loài thiên địch như chim ăn sâu, một số loài côn trùng có lợi như bọ ngựa, các loài ong ký sinh trên trứng và sâu non của sâu hại cây ngập mặn.

Chọn và sử dụng các chế phẩm sinh học trong việc phòng trừ sâu hại như các chế phẩm Beauverine (B.B), Bacilline (B.T), Virut, Metarrhizium,…

Chỉ sử dụng biện pháp phun thuốc hoá chất trong trường hợp sâu hại xuất hiện lan tràn với mật độ cao, có nguy cơ bùng nổ thành dịch. Nên sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc thực vật, chóng phân giải, ít độc hại với người và gia súc như các loại thuốc có gốc Perythroide,…

Ngăn ngừa trâu, bò gia súc phá hoại.

Theo nhanong.com.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.

Bí quyết bảo vệ dừa xiêm khi trồng

Trước kia dừa xiêm được xem là cây trồng phụ, chỉ trồng xen trong những vườn dừa ta hoặc cây ăn trái để làm nước giải khát khi khách đến nhà. Tuy nhiên , ngày nay dừa xiêm lại trở thành cây có giá trị kinh tế cao mà lại ít vốn đầu tư, mau cho trái, và đặc biệt là ít tốn công chăm sóc, bón phân, phun thuốc như những cây ăn trái khác. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ dừa xiêm ngày càng cao, có lẽ vì nước dừa là loại giải khát thiên nhiên vừa ngon, bổ mà lại rất tinh khiết và phát triển thích hợp với vùng đất Bến Tre. Vì thế hiện nay nông dân đang có khuynh hướng mở rộng diện tích trồng dừa xiêm.

Dừa xiêm

Môi trường sống và kỹ thuật canh tác tác động mạnh mẽ đến sự sinh trưởng và phát triển của cây dừa xiêm. Để đạt sản lượng cao và ổn định, cần lưu ý một số điều khi trồng:

– Tuyển chọn giống: chọn những trái trong vườn trồng thuần dừa xiêm (không trồng xen với các loại giống khác), vì dừa dễ bị lai tạp. Nên ưu tiên chọn các trái giữa buồng rồi đến trái cuối buồng, nên bỏ những trái ở đầu buồng vì về sau cây sẽ cho những buồng có cổ bông dài, dễ bị gãy cổ.

– Trong vườn ươm, chọn cây con có nhiều lá, cuống lá ngắn, rộng và phiến lá rộng thường là những cây cho sản lượng cao.

– Rễ thường phát triển ở phạm vi bán kính 2m, do đó khi trồng xen các cây khác nên cách gốc dừa ít nhất 2m.

– Bẹ lá là một giá đỡ để bảo vệ buồng trái, vì thế không nên vô cớ đốn tỉa các tàu lá non sẽ làm giảm sức tăng trưởng của cây. Đối với những cây dừa đang cho trái, nếu tàu lá bị mất đi trước khi hoa tự nở sẽ làm cho hoa tự ở nách lá đó bị hư, hoặc nếu buồng trái phát triển sau này dễ bị gãy cổ.

– Rễ chính có thể sống được lâu nhưng rễ phụ có đời sống ngắn, dễ bị chết khi gặp khô hạn hay bị ngập úng, do đó nên chú ý tưới nước đầy đủ trong giai đoạn cây con và mương vườn cần có hệ thống thoát nước tốt.

– Thường xuyên xới xáo vườn dừa vào đầu mùa mưa để cắt bỏ phần rễ chết, tạo sự thoáng khí cho đất cho rễ mới mọc ra là một việc làm cần thiết trong quá trình chăm sóc dừa.

– Làm sạch cỏ tranh vì thân ngầm của nó khi gặp điều kiện ẩm sẽ tái sinh trưởng và có thể đâm thủng qua các rễ dừa, các chất độc do cỏ tiết ra có thể làm chết rễ dừa.

– Hàng năm nên vét mương, bồi bùn vừa cung cấp thêm đất cho bộ rễ vừa cung cấp thêm dưỡng chất cho cây và vừa tạo điều kiện cho vườn dừa thoát nước dễ dàng, tránh ngập úng. Tuy nhiên, không nên bồi bùn quá dày vì có thể làm ngộp và nóng rễ cây gây hiện tượng rụng trái non, cũng không nên chỉ bồi phủ chung quanh gốc dừa vì rễ non sẽ không hút được chất dinh dưỡng đồng thời còn làm bộ rễ có khuynh hướng ăn trồi lên trên (mau trồi gốc).

– Mỗi năm cây dừa sản xuất ra một khối lượng vật chất thực vật rất lớn (rễ, thân, lá, hoa, trái), vì thế nhu cầu dinh dưỡng đối với cây dừa là rất lớn và rất cần thiết. Cho nên việc bón phân hợp lý là một biện pháp kỹ thuật tích cực và quan trọng để thâm canh vườn dừa cao sản. Điều cần lưu ý là nếu để cây dừa thiếu hụt dinh dưỡng trong một thời gian dài rồi mới bù đắp cho nó thì không thể nào phục hồi được năng suất như mong muốn.

– Trên dừa xiêm cần chú ý hai đối tượng quan trọng là sâu đuông và bọ cánh cứng hại dừa (dừa xiêm rất mẫn cảm đối với các côn trùng này).

+ Đuông dừa: Đuông là côn trùng gây hại nguy hiểm nhất, bởi vì rất khó phát hiện khi nó bắt đầu tấn công, đến khi phát hiện thì đỉnh sinh trưởng đã bị phá huỷ. Đuông trưởng thành đẻ trứng trên thân dừa bị thương tích và trên những vết nứt của thân. Phá hại chủ yếu giai đoạn sâu non. Ấu trùng khoét những lổ nhỏ trên thân hoặc trên ngọn cây.

Đuông dừa

Khi ấu trùng bắt đầu tấn công và ăn đọt dừa, những lá non bắt đầu héo và ngã xuống, báo hiệu cây dừa sắp chết. Biện pháp phòng ngừa sự phá hại của kiến vương cũng là phòng ngừa sâu đuông, vì sâu đuông là côn trùng xâm nhập thứ cấp (đẻ trứng trên vết đục của kiến vương). Thường xuyên kiểm tra và chăm sóc vườn dừa để kịp thời phát hiện sâu đuông, dùng bông gòn tẩm các loại thuốc hóa học như Basudin 50ND, Pyrinex 20 EC, Actara 25WG,…nhét vào các lổ xâm nhập của sâu đuông sau đó dùng đất sét trám bít lổ lại.

+ Bọ cánh cứng hại dừa (Bọ dừa): Phá hại ở cả giai đoạn sâu non và trưởng thành. Bọ dừa tấn công bề mặt của lá non chưa mở. Chúng ăn lớp biểu bì làm lá bị héo khô, mất khả năng quang hợp. Hiện nay, việc thả ong ký sinh để diệt bọ cánh cứng hại dừa là biện pháp sinh học được ứng dụng phổ biến, đạt hiệu quả cao, ít tốn kém và đặc biệt là không gây ô nhiễm môi trường.

Bọ dừa

Mặc dù dừa xiêm là loại cây dễ trồng, song để có sản lượng cao luôn đòi hỏi sự quan tâm đúng mức của nhà vườn.

Theo baovecaytrong.com được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.

Kỹ thuật trồng dừa dứa và dừa xiêm xanh

Hiện nay, dừa dứa và dừa xiêm xanh là hai giống dừa đang được các nhà vườn rất quan tâm, đây là hai giống có thời gian cho trái sớm (khoảng 3,5 năm sau khi trồng), lại có năng suất cao, chất lượng trái ngon nên đang được nhiều nhà vườn đầu tư trồng để thay thế giống dừa địa phương đã cằn cỗi.

Dừa dứa

Việt Nam là nước có sản lượng dừa khá lớn nhưng năng suất không cao do thiếu đầu tư và chăm sóc. Cây dừa hiện nay được xem là cây ăn trái có nhiều tiềm năng và triển vọng, đặc biệt là nhóm dừa lùn, cho trái sớm, năng suất cao và chất lượng ngon cần có chiến lược đầu tư chăm sóc nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao và lợi ích lâu dài.

Dừa xiêm xanh

Dừa là một cây trồng dễ chăm sóc và cần vốn đầu tư thấp, tuy nhiên trước đây người nông dân khi tiến hành cải tạo vườn để trồng dừa thì chỉ sử dụng những giống dừa cao (dừa ta), là giống dừa đã có lâu đời, dễ thích nghi với mọi loại đất nhưng thiếu đầu tư nên cho năng suất thấp. Để trồng dừa có hiệu quả cao, khi trồng cần chú ý một số điểm sau:

Chọn cây giống

Trồng dừa trước tiên phải chọn được cây giống khoẻ mạnh, xanh tốt, chu vi cổ thân to, không bị sâu bệnh và dị dạng, nhiều lá và tách lá chét sớm, lá có màu xanh sậm, cao trên 20 cm và cây có đeo thẻ kiểm nghiệm chất lượng của đơn vị sản xuất. Đặc biệt đối với dừa dứa phải xác định mùi dứa đặc trưng bằng cách bẻ một phần đầu rễ non hoặc lá non vò dập nếu ngửi thấy mùi như mùi lá dứa thì chính xác là dừa dứa. Bà con nên mua cây giống ở những Trung tâm Giống, các cơ sở sản xuất giống hoặc các đại lý bán giống uy tín.

Thời vụ và khoảng cách trồng

Chủ yếu tuỳ thuộc vào chế độ mưa mỗi vùng, thích hợp nhất là ngay sau vài cơn mưa đầu mùa, lúc này thời tiết thuận lợi giúp cho cây con mau bén rễ, sớm phục hồi và phát triển nhanh. Thời điểm trồng thường vào đầu mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 7 dương lịch (dl). Tuy nhiên, ở những nơi chủ động được nguồn nước tưới thì dừa có thể trồng quanh năm. Khoảng cách và mật độ trồng tùy theo thiết kế vườn trồng sao cho khi cho trái ổn định (trên 5 năm tuổi) thì cây không giáp tán với nhau. Khoảng cách trồng cây cách cây 7m x 7m, trồng thâm canh thì 6m x 6m. Nếu trồng xen các loại cây khác thì khoảng cách có thể thưa hơn khoảng 1m và cây trồng xen cách gốc dừa ít nhất là 2m.

Phương pháp trồng

Trước tiên phải chuẩn bị hố với kích thước ngang 0,6m x rộng 0,6m x sâu 0,6m; trộn 10 – 15 kg phân hữu cơ hoai mục với đất đã được đào lên (sử dụng lớp đất mặt không nên sử dụng đất sét bên dưới), trộn xong lấp hỗn hợp này trở lại hố và đắp thêm đất tạo mô thấp khoảng 10 đến 20 cm so với mặt liếp là vừa.

Sau đó đào hốc hình tròn có đường kính 40cm, sâu 40cm ngay giữa mô, bón lót thêm 0,5 kg phân lân rãi đều xuống hố (đối với vùng đất xấu có thể bón 1kg), đặt cây giống vào hốc (cây giống phải được tháo bỏ phần vỏ bầu bằng nylon, đặt gáo dừa hướng vào trong liếp và thân cây ra hướng mương) sau đó lấp đất lại, ém đất xung quanh vừa phải, cắm cọc giữ cho cây khỏi ngã hoặc gió lay làm đứt rễ.

Sau khi trồng nên che phủ xung quanh gốc cây bằng các vật liệu hữu cơ sẵn có như rơm khô, cỏ khô không hạt, rễ cây lục bình…để giữ ẩm và hạn chế xói mòn đất khi tưới.

Chăm sóc bón phân

Việc chăm sóc dừa cũng rất phức tạp và phải đúng cách. Liều lượng phân bón cho dừa tùy thuộc vào loại đất trồng, có trồng xen hay thâm canh, màu lá trên cây dừa (xanh biếc hay đã ngã vàng).

Đối với cây từ 1 – 3 năm tuổi: Mỗi năm bón 2 lần vào đầu và gần cuối mùa mưa, lần đầu vào tháng 5-6 dl và lần sau gần cuối mùa mưa, khoảng tháng 10 dl. Phân được trộn đều, cuốc bốn lỗ quanh gốc theo hình chiếu tán, cách gốc 0,5 đến 1,2 m tùy độ tuổi của cây, bón đều lượng phân rồi lấp đất lại.

Đối với dừa từ 3,5 – 5 năm: Sau khi trồng, cây bắt đầu cho trái ổn định ta có thể chia lượng phân ra bón 3 đến 4 lần/năm, lần đầu bón 30% lượng phân vào đầu mùa mưa, lần 2 và 3 bón mỗi lần 20% lượng phân, lần cuối bón 30% trước khi dứt mưa khoảng 1 tháng. Phân được trộn đều, xới đất xung quanh gốc và cuốc một đường rãnh đường kính cách gốc khoảng 1,5 đến 2m, sâu 10 cm, rộng 40cm sau đó bón đều lượng phân vào rãnh rồi lấp đất phủ kín bề mặt, lần bón phân tiếp theo xới đất liền kề và nới rộng ra hơn lần trước.

Ngoài ra, cũng có thể rải phân xung quanh gốc dừa sau đó bồi bùn vào đầu mùa mưa. Trên vùng đất phèn bón thêm vôi từ 1 – 3 kg cho một gốc tùy thuộc vào mức độ nhiễm phèn của đất (bón vôi trước, sau vài cơn mưa đầu mùa thì tiến hành bón phân vô cơ). Đối với những vùng đất cao nên tưới nước cho dừa vào mùa khô (tưới 1-2 lần/tuần).

Quản lý một số đối tượng chính

Cây mới trồng 1 đến 2 tuổi hàng tháng phải phun một lần thuốc trừ bọ cánh cứng hại dừa, có thể dùng Vitako hay Regent phun trực tiếp lên ngọn dừa, nếu không chúng cắn phá gây thiệt hại, mất sức dừa. Để hạn chế chuột, kiến vương, đuông phá hại nên thường xuyên dọn nhen dừa, rửa sạch sẽ những lá già, những buồng không đậu trái hoặc đã thu hoạch xong cần chặt bỏ. Dùng 300g mạt cưa trộn với 300g Basudin 10H rải lên các kẻ nách lá từ trên đọt xuống định kỳ 3 tháng/1 lần hoặc dùng vải mùng bọc túi thuốc đã được trộn mùn cưa treo trên ngọn cây hoặc nách lá.

Sau khi trồng từ 3,5 đến 4 năm dừa sẽ ra trái, bình quân mỗi năm cây dừa có khả năng cho từ 100 đến 120 trái/cây. Đối với dừa uống nước thu hoạch khi nước dừa còn đầy trong trái, tuổi trái khoảng 6-7 tháng, nước dừa lúc này ngọt và ngon, riêng dừa dứa có mùi thơm lá dứa rất đặc trưng. Còn đối với dừa để giống thì ta nên thu trái đủ độ chín từ 11 đến 12 tháng tuổi, vỏ trái đã chuyển sang màu nâu, khi lắc nghe róc rách.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Dừa sáp hấp dẫn đến mức nào?

Dừa sáp còn gọi là dừa đặc ruột, dừa kem, makapuno là một phân loài dừa có quả đặc ruột, cơm dừa dày, mềm dẻo và béo hơn trái dừa thường, nước dừa đặc lại trong veo như sương sa.

Cơm dừa sáp dày, đặc và mềm dẻo hấp dẫn

Dừa sáp là đặc sản duy nhất của quê hương Trà Vinh, nổi tiếng nhất là tại huyện Cầu Kè, được mệnh danh là “Làng triệu phú dừa sáp” cũng nhờ vào bán được giá mà nhiều người trồng dừa sáp vùng này thoát nghèo.

Lạ, ngon và đắt là ba từ ngắn gọn đầy ý nghĩa mà người dân vẫn hay nói mỗi khi nhắc đến nó.

1. Lạ

Dừa sáp có cùi rất dày, ngoài lớp cơm dừa giống như dừa bình thường, dừa còn có một lớp “sáp” chính là lớp cơm dừa dày ra bám lấy nước dừa tạo thành sáp xôm xốp, deo dẻo.

 Nước dừa sền sệt đặc biệt của dừa sáp

Có những quả dừa sáp khi bổ ra lớp cơm trắng ngần lan hết quả dừa, chỉ còn sót lại một ít nước sền sệt y như quả dừa xiêm người ta làm thạch. Đây chính khác biệt quan trọng nhất giữa dừa sáp và dừa thường, và chữ “lạ” được đặt cho dừa sáp là do đây. Người ta cũng dựa vào đặc điểm này để đặt tên cho loại dừa đặc biệt này là dừa sáp hay dừa đặc ruột.

2. Ngon

Dừa sáp với lớp cùi dừa đặc hoàn toàn từ thiên nhiên rất lạ mắt mà ăn dừa sáp lại rất ngon, béo ngậy. Nói thì đơn giản, nhưng để thưởng thức món dừa sáp đúng cách không phải ai cũng không biết.

Dừa sáp không dành để giải khát, không dành cho những ai đang khát cháy cổ thèm nước uống để giải tỏa cơn khát.

Cách thưởng thức dừa sáp

Món này muốn ngon nhất phải nạo ra làm sinh tố. Phải thêm ít đường, ít sữa, ít đá bào vào thì thôi rồi, nó tuyệt ngon. Theo nhiều du khách đã ăn qua thì khi hút hết ngụm đầu tiên của món sinh tố dừa sáp này đầu lưỡi tê đi vì vị mát, cuống họng thì ngọt lịm, còn mũi thì như… nức ra bởi mùi thơm ngào ngạt, beo béo.

Món sinh tố dừa sáp hấp dẫn

Ngoài ra bạn cũng có thể trộn thêm nhiều loại hoa quả vào ăn cùng món dừa sáp, bạn sẽ có món trái cây dầm ngon tuyệt với dừa sáp.

Rất nhiều khách du lịch Miền Tây sông nước, sau khi được thưởng thức món sinh tố dừa sáp hay món trái cây dầm dừa sáp giá chỉ 20.000 VNĐ đã không ngần ngại mang về một trái dừa sáp đắt gấp cả chục lần cốc sinh tố để làm quà, chia sẻ với họ hàng người thân về loại dừa đặc sản này.

3. Đắt

Với 2 đặc điểm trên chắc hẳn hiểu được phần nào tại sao dừa sáp lại đắt. Một đặc điểm nữa giải thích cho điều này: Dừa sáp cũng là một giống dừa riêng biệt, tuy nhiên, không phải nơi đâu, đất nào cũng trồng được dừa sáp, ở nước ta dừa sáp được phát hiện đầu tiên tại Trà Vinh, tại đây dừa sáp vẫn là ngon nhất.

Cây dừa sáp với trái nặng trĩu

Và một điều khác lạ nữa là không phải quả của cây dừa sáp nào cũng đặc ruột, một buồng dừa sáp trên mười trái thì chỉ có khoảng 2-3 trái dừa sáp là “sai’ quả rồi. Mặc dù được trồng khá rộng rãi nhưng vì cả cây dừa mới có vài trái lên sáp dày nên trái dừa sáp thành ra rất độc đáo và quý hiếm. Không phải lúc nào cũng có thể mua được. Do vậy, giá của trái dừa sáp này cũng tương đối đắt, rơi vào khoảng 200.000 VNĐ đến 300.000 VNĐ/trái.

Như vậy có thể thấy, dừa sáp là một trong những loại quả được thiên nhiên ban tặng mang lại một món ăn đầy bổ dưỡng và đặc biệt cho người dân Trà Vinh cũng như người dân Việt Nam và khách du lịch.

Tổng hợp từ Farmtech Vietnam.