Kỹ thuật nuôi thương phẩm cá ngừ mắt to tại Việt Nam

ThS. Bùi Quang Mạnh, Viện nghiên cứu hải sản, vừa hoàn thành đề tài “Nghiên cứu nuôi thương phẩm cá ngừ vây vàng (Thunnus albacares) và cá ngừ mắt to (Thunnus obesus) tại Việt Nam”. Sau hơn 2 năm triển khai, đề tài đã hoàn thiện được kỹ thuật dồn cá ngừ giống từ lưới vây sang lồng lưu giữ và vận chuyển cá giống.

Kết quả đã thả giống được 485 con cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to vào 2 lồng, xây dựng được quy trình nuôi thương phẩm cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to phù hợp với điều kiện tại Việt Nam. Quy mô 2 lồng đạt sản lượng 7.092 kg, tỷ lệ sống cá nuôi đạt 53,2%, cá ngừ có chất lượng cao và đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi Nhật Bản.

Nuôi cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to lần đầu tiên nghiên cứu tại Việt Nam nên việc lựa chọn vùng nuôi là điều vô cùng quan trọng. Địa điểm đặt lồng nuôi cần phù hợp với đặc tính sinh học của cá ngừ. Trước hết là điều kiện khí hậu phải phù hợp với cá ngừ, sau đó là các chỉ tiêu chất lượng nước và đặc điểm địa hình vùng nuôi.

Thức ăn của cá ngừ là cá nục và cá trích tươi, mỗi ngày cho cá ăn hai lần sáng và chiều. Khung lồng nuôi cá là hình trụ tròn, chu vi 50 m và sâu 10 m.

Nguồn: Khoa học phổ thông được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Trúng cá ngừ, người dân Bình Định thu tiền tỷ

Những ngày đầu năm mới 2018, nhiều tàu cá của ngư dân Bình Định cập bờ, chiếc nào chiếc nấy khẳm be. Chiếc đánh bắt ít nhất cũng được 8 tấn cá ngừ sọc dưa, chiếc đánh bắt được nhiều có đến 30 tấn, thu vào 1,3 tỷ đồng.

Lão ngư Bùi Thanh Ninh ở xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn, Bình Định), người đang cầm trịch đội tàu đánh bắt xa bờ 16 chiếc, chuyên hành nghề lưới vây đánh bắt cá ngừ sọc dưa phấn khởi cho biết: “Đúng ngày đầu năm mới 2018, tàu BĐ 97678 TS (800CV) cập bờ với 8 tấn cá ngừ sọc dưa, qua ngày 2/1, chiếc BĐ 97999 TS (730CV) tiếp tục cập bến Hàm Tử (TP Quy Nhơn, Bình Định), chiếc này cũng đánh bắt được 8 tấn cá ngừ sọc dưa và 5 tạ cá ngừ đại dương. Gía cá ngừ sọc dưa hiện nay 26.000đ/kg, nhờ có thu nhập khá nên những thuyền viên đi bạn trên 2 tàu nói trên chia được mối người 3,5 triệu đồng, ai cũng phấn khởi”.

Ngư dân phấn khởi khi trúng cá ngừ, thu nhập khá hơn

Cũng trong ngày đầu năm 2018, tàu cá BĐ 96953 TS, của ngư dân Võ Văn Tuấn (47 tuổi) ở xã Hoài Hương (huyện Hoài Nhơn, Bình Định), trên tàu có 14 thuyền viên, cũng cập vào cảng cá Quy Nhơn. Chuyến biển vừa qua tàu anh Tuấn đánh bắt được chỉ 1 thời gian ngắn do thời tiết trên biển bão gió liên miên, thế nhưng sau 8 ngày đánh bắt tại vùng biển phía Nam, tàu BĐ 96953 TS của anh Tuấn đã đánh bắt được 12 tấn cá ngừ sọc dưa và cá ngừ đại dương, bán được trên trên 300 triệu đông.

Đặc biệt, tại cảng cá Quy Nhơn trong sáng 1/1 có 2 tàu cá mang số hiệu BĐ 96844 TS và BĐ 97777 TS, chủ tàu là anh Vũ Minh Hoàng (38 tuổi) ở huyện Hoài Nhơn, cập cảng với gần 40 tấn cá đủ loại, gồm: Cá ngừ sọc dưa, cá ngừ đại dương, cá thu…

Người dân xay đá chuẩn bị cho chuyến tàu tiếp theo

Hầu hết tàu cá của ngư dân Bình Định đều trúng đậm chuyến biển đầu năm. Theo ngư dân Trần Văn Huệ (49 tuổi) ở huyện Hoài Nhơn, thuyền viên trên tàu BĐ 97777 TS, cho biết: “Tàu chúng tôi trở về trúng gần 33 tấn cá đủ loại, bán được 1,3 tỷ đồng. Tàu chỉ đánh bắt có 8 ngày mà trúng lượng cá đó là trúng đậm lắm rồi. Những ngày đầu vừa ra đến ngư trường là tàu chúng tôi vây bắt được nhiều mẻ cá lớn, trong hầm tàu đã có đến 10 tấn cá”…

Theo ông Nguyễn Công Bình, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, thời điểm biển hơi động nhưng trời không có gió bão là cá xuất hiện nhiều, nhờ đó những chuyến biển cập bờ vào những ngày đầu năm mới 2018 của ngư dân Bình Định hầu hết đều trúng đậm.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Tại sao thịt cá lại có nhiều màu sắc khác nhau?

Từ màu đỏ đến màu trắng, từ màu cam cho đến màu xanh, thịt cá có thể rơi vào bất kỳ chổ nào trên thang đo màu sắc. Đằng sau sự khác nhau về màu sắc của từng loại thịt cá là gì? Chúng ta sẽ tìm hiểu trong bài viết này.

Nếu bạn là người đam mê ẩm thực Nhật Bản, đặc biệt là các món ăn từ cá sống như sushi hay sashimi thì chắc hẳn bạn sẽ nhận ra sự phong phú về màu sắc của từng loại thịt cá khác nhau xuất hiện trong các món ăn này. Có rất nhiều nguyên nhân làm cho màu sắc thịt cá khác nhau có thể từ gen cho đến các sắc tố mật. Ngoài ra, môi trường sống của cá, sự vận động và đặc điểm thức ăn của cá cũng góp phần làm cho thịt cá có nhiều màu sắc khác nhau.

Màu sắc khác nhau của thịt cá. Theo thứ tự từ trái qua phải là thịt cá ngừ vây vàng, cá hồi chinook, cá tuyết lingcod và cá bơn Thái Bình Dương .

Thịt đỏ của cá ngừ vây vàng

Cá ngừ vây vàng được xem là Michael Phelps trong thế giới loài cá bởi khả năng vận động và bơi lội cừ khôi của chúng. Chính sự vận động và bơi lội tuyệt vời của cá ngừ vây vàng làm cho thịt của chúng có màu đỏ tươi.

Thịt màu đỏ tươi của cá ngừ vây vàng

Bruce Collette, nhà động vật học thuộc Trung tâm Dịch vụ Biển Quốc gia cho biết cá ngừ vây vàng cần rất nhiều oxy để phục vụ cho khả năng bơi lội và vận động với cường độ cao của nó. Một protein gọi là myoglobin chứa oxy và hoạt động như sắc tố, chuyển màu thịt của đa số các loài cá ngừ, và các loài cá sống đại dương khác như cá mập mako và cá kiếm, thành màu đỏ hơi hồng.

“Điều đó cũng đúng đối với các động vật trên cạn: Nếu chúng hoạt động nhiều, chúng có nhiều myoglobin hơn và thịt chúng có màu đậm hơn”, Collette nói. Michaeleen Doucleff cho rằng, hoạt động của cơ quá nhiều cũng làm cho thịt cá cứng hơn và gây khó khăn trong việc vận động. Điều này giải thích vì sao phần bụng của cá ngừ vây vàng rất mềm, giúp chúng cử động cơ thể dễ dàng hơn.

Màu thịt cá ngừ càng đỏ thì càng tươi ngon, tuy nhiên cần lưu ý là một số người buôn bán thủy sản bất lương dùng khí CO để gia tăng màu đỏ của thịt cá ngừ. Phương pháp này giúp cho màu thịt cá ngừ từ hơi nâu của cá không được tươi trở thành màu đỏ tươi ngon. Việc này là bất hợp pháp ở một số quốc gia như Singapore, nhưng ở Mỹ thì không. Vì thế hãy cảnh giác với những miếng cá ngừ có màu đỏ anh đào giống như thật – thịt nó có thể không tươi như quảng cáo.

Thịt trắng của cá bơn Thái Bình Dương

Trong khi màu thịt đỏ sẫm có liên quan đến những loài cá thương xuyên vận động và bơi quãng đường xa, màu thịt quá trắng, gần như không màu của một số loài cá là dấu hiệu của những loài cá ít vận động.

Thịt màu trắng của cá bơn Thái Bình Dương

Cá bơn Thái Bình Dương có cơ thịt dày và trắng nhìn rất ngon do xuất phát từ thói quen vận động của chúng. Loài cá này thường dành hết thời gian hàng ngày bơi một cách chậm chạp hoặc nằm nghỉ dưới đáy biển – ngược lại hoàn toàn với cá ngừ.

Khi thịt cá bơn còn tươi sống, nó không thực sự trắng mà hơi bóng và gần như trong suốt. Nhưng sau khi nấu làm cho protein trong thịt đông lại, tạo ra màu thịt trắng như tuyết và cơ thịt chắc mà chúng ta thường gọi là “cá thịt trắng”. Một quá trình tương tự cũng xảy ra ở tất cả các động vật trên cạn lẫn dưới nước. Điều này giải thích tại sao thịt cá ngừ biến thành màu xám khi nấu nướng, trong khi thịt cá hồi biến thành màu hồng nhạt, và thịt bò biến thành màu nâu.

Thịt màu cam của cá hồi chinook

Thịt cá hồi chinook có màu cam hơi hồng, đó là do sự kết hợp của gen và thức ăn của chúng. Milton Love, nhà sinh vật học tại Đại học California, cho biết khi cá hồi ăn tôm krill, loại thức ăn chính của nó, các sắc tố gọi là carotenoid trong loài giáp xác này làm cho thịt cá hồi có màu cam.

Thịt màu cam của cá hồi chinook

Thế nhưng, tại sao điều này không xảy ra đối với tất cả các loài cá ăn tôm krill khác? Milton Love giải thích rằng cá hồi có chứa “gen màu” cho phép carotenoid biểu hiện trong cơ thịt của nó.

Tuy nhiên, trong số các loài cá hồi như Chinook, cá hồi king, cá hồi salmon một số cá thể thiếu “gen màu”, kết quả là đôi khi thịt của những loài cá hồi này có màu hơi xám. Những con cá hồi thịt màu xám này gọi là “vua ngà” (ivory kings) có giá bán cao hơn trên thị trường, tuy nhiên rất khó bán do người tiêu dùng thích cá hồi thịt đỏ hơn.

Thịt màu xanh của cá tuyết lingcod

Mặc dù thịt thường có tông màu trắng giống cá bơn hay cá tuyết khác, thịt cá lingcod, loài cá sống đáy ở Bờ Tây trông có vẻ như nó được nhuộm qua đêm trong khay thuốc nhuộm màu xanh.

Milton Love viết trong sách của ông rằng màu của sắc tố mật được gọi là biliverdin dường như chịu trách nhiệm trong việc chuyển hóa huyết thanh của những con cá này thành màu xanh gây kinh ngạc – nhưng làm thế nào sắc tố này đi vào cơ thịt cá, hoặc tại sao chỉ một số cá lingcod chuyển màu vẫn còn là bí ẩn đối với các nhà sinh học.

Thịt màu xanh của cá tuyết lingcod

Lingcod – thành viên của họ cá xanh (greenling family), không phải là loài cá phân bố ở khu vực Bờ Tây duy nhất có màu thịt xanh. Các loài cá cùng họ khác như rock greenling và kelp greenling, thỉnh thoảng thịt của chúng có màu xanh ngọc lam.

Tom Worthington, đồng sở hữu của chợ cá Monterey ở San Francisco cho rằng thịt cá màu xanh ngọc lam có mùi vị tương tự như cá màu thịt trắng. Trong khi nấu nướng, màu xanh sẽ biến mất hoàn toàn. Những người có đủ may mắn bắt gặp một miếng philê thịt xanh có thể bị thu hút bởi sự hấp dẫn về mặt thẩm mỹ của nó. Worthington nói philê cá lingcod thịt xanh bán chạy hơn cá philê thịt trắng cùng loài.

Tóm lại, màu sắc của thịt cá phụ thuộc vào nhiều đặc điểm như sự vận động, loại thức ăn, sắc tố mật và cả gen di truyền.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Tại sao cá ngừ có thể có lượng hóa chất gấp 36 lần so với các loại khác?

Cá ngừ là loại cá có giá trị kinh tế cao thường được ngư dân đánh bắt để xuất khẩu và rất được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên đây là loại cá được khuyến khích không nên ăn nhiều  bởi có thể nguy hại cho cơ thể.

Các nhà nghiên cứu tại Viện Hải dương học Scripps thuộc Đại học California San Diego đã phát hiện ra mức độ chất ô nhiễm hữu cơ bền lâu cao gấp 36 lần trong mô cơ của cá ngừ vây vàng đánh bắt ở các khu vực công nghiệp hóa của vùng Đông Bắc Thái Bình Dương và Đông Bắc Đại Tây Dương so với cá ngừ đánh bắt ở các vùng biển nguyên sơ của Tây Thái Bình Dương.

Các chất ô nhiễm hữu cơ bền lâu (POPs) bao gồm thuốc trừ sâu, chất làm chậm cháy, và polyclorinated biphenyl (PCBs) – những chất được sử dụng trước đây như một chất làm mát trong các thiết bị điện và các thành phần trước khi chúng bị cấm ở Hoa Kỳ vào năm 1979. Mặc dù chúng bị hạn chế hoặc không được sử dụng, các thành phần này tồn tại trong môi trường và cuối cùng tích tụ trong các sinh vật, bao gồm các loài thủy sản và con người. POPs gây một số tác dụng bất lợi ở người, bao gồm can thiệp vào sự phòng vệ của cơ thể chống lại các chất lạ.

Theo các nhà nghiên cứu, hầu hết 117 con cá ngừ trên thế giới được phân tích trong nghiên cứu này sẽ được coi là an toàn theo hướng dẫn tiêu dùng hiện nay. Tuy nhiên, họ ghi nhận rằng 90% cá ngừ được đánh bắt ở vùng Đông Bắc Đại Tây Dương và hơn 60% cá ngừ đánh bắt ở Vịnh Mexico có chứa các mức độ chất ô nhiễm có thể cần đưa ra các lời khuyên về sức khoẻ cho những người tiêu dùng thường xuyên và những người có nguy cơ, bao gồm cả phụ nữ mang thai hoặc những người có hệ miễn dịch bị tổn thương.

Các tác giả cũng tìm thấy các mức độ cụ thể của các chất ô nhiễm này được biết đến làm suy yếu hệ thống phòng vệ của cơ thể con người trong việc chống lại các hóa chất và chất độc. Nhóm các chất ô nhiễm này được gọi là các chất ức chế sự hoạt động (TICs). Đáng ngạc nhiên là TIC có trong tất cả cá ngừ với mức cao nhất được phát hiện lần nữa ở những nơi bị ô nhiễm nhiều nhất.

Nhà nghiên cứu Tiến sĩ Sascha Nicklisch của Scripps, người chủ trì nghiên cứu, cho biết: “Đáng ngạc nhiên, chỉ có một vài loại chất ô nhiễm được phát hiện trong cá ngừ có thông tin quy định để tính toán các khuyến cáo về chế độ ăn. Một vấn đề quan trọng được nêu ra trong nghiên cứu này là làm thế nào để hướng dẫn khoa học và chính sách về các mối nguy hiểm có thể liên quan đến các hóa chất này trong các nguồn thực phẩm của chúng ta”.

Các nhà nghiên cứu trước đây đã tìm thấy mối tương quan giữa lượng chất ô nhiễm và phần trăm mỡ cơ thể của cá vì các chất ô nhiễm tích tụ trong lipid. Tuy nhiên, trong nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu của Nicklisch đã phát hiện ra rằng mức độ các chất ô nhiễm thường liên quan chặt chẽ hơn với vị trí mà cá được đánh bắt chứ không phải là lượng chất béo trong cá. Trong khi các nhà nghiên cứu không thể thiết lập mối quan hệ rõ ràng, dữ liệu của họ cho thấy rằng hàm lượng chất béo tự nó không phải lúc nào cũng là một dự báo đầy đủ về tổng khối lượng chất ô nhiễm có trong cá.

Nghiên cứu cho thấy rằng cần phải sử dụng vị trí đánh bắt để hướng dẫn các lựa chọn của người tiêu dùng và để giúp giảm sự tiếp xúc không chủ ý của con người đối với các chất ô nhiễm này.

Nguồn: Phys.org được tổng hợp lại bởi Farmtech VietNam.

Tìm hiểu về bệnh ở cá ngừ nuôi lồng và biện pháp phòng trị

Cá ngừ đại dương là một trong các đối tượng thủy sản xuất khẩu chủ lực của nước ta, đứng hàng thứ ba về giá trị xuất khẩu sau tôm sú và cá tra/cá basa. Tuy nhiên, sản phẩm cá ngừ dành cho xuất khẩu hiện nay đều được khai thác từ ngoài biển khơi.

 cá ngừ nuôi lồng

Cho đến nay, ở nước ta chưa có nghề nuôi cá ngừ đại dương. Nói chính xác hơn, đã có một vài doanh nghiệp tiến hành nuôi thử nghiệm cá ngừ trong lồng lưới ở ngoài vịnh và bước đầu đã rút ra được những bài học kinh nghiệm quý giá.

Do vậy, để đáp ứng đòi hỏi của tiêu thụ nội địa và chủ động trong việc tạo nguồn nguyên liệu để chế biến xuất khẩu, gia tăng giá trị cho sản phẩm và giảm áp lực lên khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên, trong tương lai rất cần hình thành và phát triển nuôi cá ngừ đại dương – một nghề mang lại nhiều lợi ích cả về phương diện kinh tế và xã hội.

Trong quá trình triển khai thực hiện đề tài cấp nhà nước “Nghiên cứu nuôi thương phẩm cá ngừ vây vàng (Thunnus albacares) và cá ngừ mắt to (Thunnus obesus) tại Việt Nam”, nhóm cán bộ nghiên cứu của Viện nghiên cứu Hải sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đã tiến hành nuôi cá ngừ trong lồng đặt tại vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Trong thời gian nuôi đã phát hiện một số cá thể bị chết vì những nguyên nhân khác nhau như cá bị mắc lưới hoặc cá có dấu hiệu bị bệnh. Ngoài ra, cũng có những cá thể bị chết không rõ vì lý do gì (?).

Riêng đối với cá ngừ bị chết do có dấu hiệu bệnh lý, đề tài đã tiến hành thu mẫu để tìm hiểu các bệnh thường gặp ở cá nuôi lồng như bệnh ký sinh trùng, bệnh vi khuẩn, bệnh nấm, bệnh virus, và nhận thấy cá ngừ nuôi chủ yếu mắc bệnh ký sinh trùng. Bên cạnh đó còn một số cá thể mắc bệnh vi khuẩn.

  1. Bệnh ký sinh trùng

Cá ngừ nuôi lồng bị nhiễm ký sinh trùng thường có các dấu hiệu bệnh lý sau: Cá xuất hiện các vết thương ở trên thân cá và có biểu hiện ngứa ngáy, bơi nhanh xung quanh lồng rồi bơi lên mặt lồng, thỉnh thoảng bắt gặp cá bị mù mắt (được gọi là hiện tượng “nổ mắt”).

Đã phát hiện 3 loài ký sinh trùng nhiễm trên cá ngừ nuôi lồng có dấu hiệu bệnh được thu mẫu, gồm: trùng quả dưa nước mặn Cryptocaryon irritans ký sinh ở mang cá với tỷ lệ nhiễm là 36%, trùng lông Paranophrys sp. ký sinh ở mang và da cá với tỷ lệ nhiễm 28%, và rận cá Caligus sp. ký sinh ở da cá với tỷ lệ nhiễm 24%. Cả 3 loài ký sinh trùng này đều nhiễm trên cá ngừ nuôi với cường độ thấp. Điều đáng nói là chỉ phát hiện thấy cá ngừ nuôi bị nhiễm ký sinh trùng khi chúng có kích cỡ dưới 15 kg và vào những lúc môi trường nước biển bị đục, độ trong của nước thấp (chỉ từ 1,5 đến 2 mét).

  1. Bệnh vi khuẩn

Cá ngừ nuôi lồng mắc bệnh vi khuẩn do bị nhiễm Vibro sp. gây bệnh xuất huyết, và thường xuất hiện các dấu hiệu bệnh lý như vây bị ăn mòn, thối rữa, mắt bị lồi và xuất huyết. Khi mổ cá thấy cá có dấu hiệu đặc trưng của bệnh do vi khuẩn gây ra là dưới cơ thịt cá bị xuất huyết.

* Một số biện pháp phòng trị bệnh cho cá ngừ nuôi lồng:   

Công tác quản lý sức khỏe và phòng trị bệnh cho các đối tượng thủy sản nuôi là rất cần thiết nhằm tránh rủi ro vì dịch bệnh gây ra, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả nuôi và tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Với cá ngừ nuôi lồng cũng vậy. Trong quá trình nuôi cá, phải theo dõi chặt chẽ chế độ cho ăn hàng ngày, quan sát mọi hoạt động của cá để có những biện pháp xử lý đúng và kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra. Tuy nhiên, do cá ngừ có đặc điểm bơi liên tục và với tốc độ cao nên nếu xảy ra hiện tượng cá bị bệnh, người nuôi sẽ vô cùng khó khăn (nếu không nói là không thể thực hiện được) khi bắt cá ra khỏi lồng để chữa trị. Do đó, một việc vô cùng quan trọng là phải tích cực phòng bệnh và nâng cao sức đề kháng với bệnh của cá ngừ nuôi.

Để phòng trị bệnh cho cá ngừ nuôi, cần áp dụng một số biện pháp sau:

– Khử trùng khu vực nuôi cá: Treo thuốc khử trùng dạng viên sủi có hoạt chất chính là trichloisocyanuric axit ở xung quanh lồng, với liều lượng 4 viên (100 gam) cho một lồng hình trụ tròn (đường kính 16 mét, chu vi miệng lồng 50 mét, chiều cao lưới 10 mét) để khử trùng vùng nuôi. Việc treo thuốc được thực hiện liên tục trong suốt thời gian nuôi cá.

– Nâng cao sức đề kháng và phòng bệnh cho cá nuôi bằng cách bổ sung các vitamin C và E vào thức ăn của cá 2 lần mỗi tuần với liều lượng bằng 0,5% khối lượng thức ăn cho cá.

– Cần đặt lồng nuôi cá ngừ ở vùng nước có độ trong lớn (thường trên 5 mét) và xa các khu vực nuôi cá lồng bè khác. Cũng cần sử dụng lồng nuôi có kích thước lớn hơn, chu vi miệng lồng hơn 100 mét, để cá ngừ có khoảng không gian bơi lội rộng hơn, phù hợp với đặc điểm vận động của cá, giảm nguy cơ cá lao đầu vào lưới xung quanh lồng và bị chết.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam