Nuôi tôm thời công nghệ số

Vượt qua những sóng gió thị trường song hành cùng dịch bệnh tôm đe dọa, người nuôi tôm ở ĐBSCL dần tìm ra cách xoay xở “tiến – thoái” hiệu quả.

Trong các biện pháp, dấu ấn ứng dụng công nghệ số hóa thành điểm sáng ảo diệu mở ra con đường ngắn nhất đi tới thành công.

Giải pháp công nghệ mới

Rynan Mekong – Smart Agriculture Network mở App Store cài đặt Smart phone, đăng nhập, ứng dụng. Dân nuôi tôm hay làm ruộng vườn có thể cập nhật qua màn hình điện thoại thông minh trong lòng bàn tay. Các Icon hiển thị về quan trắc nước, quản lý thiết bị, quản lý nước canh tác, giám sát sâu rầy, bảng màu lá lúa, thương mại điện tử, giá cả thị trường…

Tôi thử chạm vào Icon mạng lưới quan trắc xem chi tiết tại một trạm quan trắc. Tại điểm Vàm Trà Vinh, vào lúc giờ – ngày – tháng – năm: Độ mặn bao nhiêu g/L, pH, mực nước, độ kiềm hay thời tiết trong ngày đều hiện rõ các chỉ số.

Một ngày cuối năm 2019, TS Nguyễn Thanh Mỹ, Tổng Giám đốc Công ty CP RYNAN Smart Fertilizers (Trà Vinh) – một Việt kiều Canada nổi tiếng sở hữu 200 bằng sáng chế, về trường Đại học Cần Thơ tham dự hội nghị khoa học “Quản lý đất và Sử dụng phân bón hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp”.

TS Nguyễn Thanh Mỹ (phải) – Mylan Group chuyển giao phao quan trắc ở tỉnh Trà Vinh.

 

Ông trình bày Ứng dụng phân bón thông minh trong canh tác nông nghiệp như mối quan tâm nhiệt thành mà ông bày tỏ khi trở về quê hương mình. Quan sát về hệ thống canh tác nông nghiệp, TS Mỹ hướng góc nhìn mới, thông qua giải pháp công nghệ ứng dụng để không chỉ giúp nông dân Trà Vinh quê ông, nông dân nội vùng ĐBSCL mà ước muốn mở rộng phạm vi địa lý rộng lớn với nhiều lĩnh vực đa ngành.

Gặp tôi, ông cười tươi kể lại ứng dụng Rynan Technologies chứng minh thành công nhất là được ngày càng nhiều nông dân dễ dàng cập nhật, ứng dụng.

Sau khi công ty của ông trao tặng, lắp đặt 2 phao quan trắc đầu tiên đặt trên sông thử nghiệm ở Trà Vinh đã góp phần giúp chính quyền địa phương và người dân nuôi tôm hay canh tác lúa, bảo vệ vườn cây trong mùa hạn – mặn gay gắt. Số lượng phao quan trắc đặt hàng và chuyển giao về các địa phương vùng ven biển.

Riêng tỉnh Trà Vinh – nơi “đại bản doanh” của Tập đoàn Mylan Group của TS Mỹ, được bố trí lắp đặt mạng lưới phao quan trắc tăng lên gần 20 phao để đáp ứng yêu cầu sản xuất và sinh hoạt cho người dân địa phương.

Nhớ ngày đầu “trình làng” Rynan Technologies – giải pháp mới “Ứng dụng công nghệ 4.0” sáng tạo của TS Nguyễn Thanh Mỹ được các nhà chuyên môn đánh giá là một trong các sản phẩm công nghệ rất cao.

Rynan Technologies tạo ra từ ứng dụng trên smartphone kết nối trực tiếp với phao quan trắc đặt dưới sông để cho bà con nông dân ở vùng cửa sông bị xâm nhập mặn theo dõi các chỉ số độ mặn, độ oxy hòa tan, nhiệt độ, độ pH…, thông tin được gửi lên hệ thống đám mây và báo kết quả cho nông dân có thể biết được khi nào độ mặn giảm đúng theo chỉ số yêu cầu để bơm nước vào ao nuôi tôm hay độ mặn giảm hơn dưới mức cho phép để bơm lấy nước ngọt bơm tưới cho cây trồng.

Những điểm sáng

Trong những năm gần đây một số trại tôm ở Sóc Trăng, Bạc Liêu tiên phong tự lực đầu tư phòng nghiên cứu bệnh tôm, phòng Lab phân tích bệnh học, phân tích, giám sát các chỉ số nước, áp dụng qui trình kỹ thuật ghi chép sổ tay quản lý tôm giống, nước cấp – ao nuôi – ao lắng lọc và xử lý nước thải.

Hệ thống dữ liệu máy tính cập nhật các chương trình quản lý thức ăn và chăm sóc, quản lý dịch bệnh đến an toàn sinh học, quy trình ngăn ngừa nhiễm bệnh và chương trình thu hoạch, quản lý sau thu hoạch… Nhờ đó kết quả thu hoạch các vụ tôm gần đây đạt cao hơn, đồng thời tỷ lệ rủi ro do dịch bệnh giảm đến mức thấp nhất.

Ba năm nay, người dân Sóc Trăng trúng mùa tôm liên tiếp nhờ ứng dụng nhiều biện pháp kỹ thuật. Một trong những điểm tạo dấu ấn chính là an toàn sinh học áp dụng triệt để trong hệ thống ao nuôi. Nghề nuôi tôm hiện còn mang tính rủi ro rất cao trước những bất lợi về thời tiết, dịch bệnh tôm diễn biến phức tạp. Khó khăn nhất là nuôi tôm vụ 2 thường gặp thời tiết bất lợi do mùa mưa.

Tuy nhiên, các trại nuôi tôm đã chủ động ứng phó bằng cách sử dụng vi sinh để làm sạch đáy ao. Đây là cách phòng bệnh tốt vì đáy ao luôn sạch, tiết kiệm được năng lượng, tăng ô xy hòa tan, tăng khả năng tiêu hóa cho tôm, đồng thời đảm bảo cấp đủ nguồn nước sạch để thay nước ao nuôi.

Trên thực tế từ những năm qua công nghệ nuôi tôm 4.0 của Tập đoàn Việt Úc đang trở thành điểm sáng. Hội đủ các điều kiện về tiềm lực vốn và chủ động hai yếu tố “sạch” tiên quyết – Là nhà sản xuất tôm giống sạch hàng đầu cùng với giải pháp kiểm soát nguồn nước tốt nhất. Việt Úc tâm huyết ứng dụng CNC vào sản xuất, thiết lập chuỗi giá trị nuôi tôm, với tham vọng nâng cao giá trị và xây dựng thương hiệu cho con tôm Việt Nam.

Tập đoàn Việt Úc đầu tư khu phức hợp nuôi tôm CNC ở Bạc Liêu. Ảnh: HĐ.

Tại thủ phủ tôm Bạc Liêu, Việt Úc là công ty đầu tiên đầu tư khu nuôi tôm trong nhà màng (nhà kính) với quy mô lớn khoảng 315ha. Mỗi nhà màng rộng 1ha, bao trùm bởi khung nhà kính không gian nhịp lớn và chứa trong đó 10 ao nuôi tôm. Chính giải pháp kỹ thuật nhà màng đóng vai trò quan trọng giúp kiểm soát môi trường ổn định và an toàn về mặt sinh học. Tôm nuôi không bị sốc nhiệt đồng thời ngăn ngừa các dịch bệnh.

Bên cạnh đó một hệ thống ao lắng lọc, siêu lọc nước bảo đảm nguồn cấp nước sạch vừa đủ nuôi tôm không hao phí. Hơn nữa Việt Úc còn đầu tư hệ thống tự động cho tôm ăn với các cảm biến, máy tính theo dõi biết mỗi khi tôm đói sẽ tự động đưa lượng thức ăn hợp lý, ưu điểm không tốn phí thức ăn thừa.

Việt Úc tự tin đầu tư khu phức hợp nuôi tôm đạt chất lượng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, bắt đầu từ nền tảng căn bản con tôm bố mẹ tạo ra tôm giống sạch. Mỗi nhà màng giá trị đầu tư 7 tỷ đồng kỳ vọng thành công nuôi tôm công nghệ cao đạt tỷ lệ 80 – 100%. Theo mô hình này có thể thả nuôi tôm mật độ khá dày, chỉ 3 tháng là có thể thu hoạch và một năm nuôi được 3 vụ, với năng suất đạt từ 150-200 tấn/ha.

Tập đoàn Việt Úc đang dự trù kế hoạch triển khai mô hình nuôi tôm CNC tại các tỉnh Bình Định và Quảng Ninh, với mục tiêu hướng tới hình thành một vùng nuôi tôm rộng lớn được kiểm soát chất lượng chặt chẽ, tạo ra sản phẩm tôm tốt nhất của Việt Nam.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

 

Nam Trung Bộ khẩn trương bảo vệ lồng bè nuôi trồng thủy sản

Trong khi cơn bão đang hình thành trên biển Đông, những hộ nuôi trồng thủy sản lồng bè ở các tỉnh Nam Trung Bộ đang cấp tập triển khai các giải pháp bảo vệ tài sản…

 

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện nay trên vùng biển phía Đông đảo Pa-La-Oan (Philippines) có 1 vùng áp thấp đang hoạt động. Vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 10,0 – 11,0 độ vĩ Bắc; 120,0 – 121,0 độ kinh Đông, cách phía Bắc đảo Pa-La-Oan (Philippines) khoảng 100km về phía Đông.

Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15 – 20km/h, đi vào biển Đông và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Trong 24 – 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển rất nhanh về hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20 – 25km và có khả năng mạnh lên thành bão. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.

Chủ nuôi tôm hùm lồng trên vịnh Xuân Đài ở TX Sông Cầu (Phú Yên) đang giằng chống, gia cố lồng bè đối phó với bão.

 

Trước dự báo trên, ngành chức năng ở “thủ phủ” tôm hùm Sông Cầu (Phú Yên) đang cấp tốc triển khai phương án bảo vệ lồng bè nuôi trồng thủy sản trên địa bàn. Theo ông Nguyễn Thái Hải Anh, Phó phòng Kinh tế TX Sông Cầu, hiện chủ nuôi của hơn 70.000 lồng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn đã giằng chống kỹ lưỡng lồng bè của mình để tránh thiệt hại khi bão xảy ra.

“Đặc biệt, UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành mệnh lệnh khi có thông báo của ngành chức năng, tất cả những người đang có mặt trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản phải lập tức di dời vào đất liền, nếu ai bất tuân mệnh lệnh sẽ bị ngành chức năng cưỡng chế đưa vào bờ, để tránh thiệt hại về người”, ông Nguyễn Thái Hải Anh nói.

Lồng bè nuôi cá ở khu vực Hải Minh, phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn, Bình Định) đã được giằng chống, gia cố chắc chắn.

 

Ở Bình Định, công tác bảo đảm an toàn cho người nuôi và các lồng bè nuôi trồng thủy sản trên địa bàn cũng đã được triển khai quyết liệt. Theo ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, hiện trong khu vực Hải Minh thuộc phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn) đang có 107 hộ nuôi các loại cá chẽm, cá bớp, cá điêu hồng, cá mú, cá hồng Mỹ… với trên 1.266 lồng nuôi, 188 bè nuôi. Còn ở xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) cũng đang có 61 hộ chuyên nuôi tôm hùm thương phẩm đã thả nuôi niên vụ 2019 – 2020 với 70.000 con tôm giống trên 34 bè nuôi.

Trước dự báo cơn bão đang hình thành trên biển Đông, những hộ nuôi trồng thủy sản ở Bình Định hiện đã giằng chống, gia cố tất cả các lồng bè để đối phó với bão. Đồng thời ngành chức năng tỉnh này cũng đã khuyến cáo chủ các hộ nuôi phải di dời vào bờ an toàn khi có bão đến.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam

Nuôi Tôm thâm canh hai giai đoạn công nghệ Biofloc

Với mục đích nhân rộng và hoàn thiện quy trình nuôi tôm có hiệu quả, năm 2019, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đã triển khai mô hình nuôi tôm thâm canh hai giai đoạn công nghệ Biofloc.

 

Kích cỡ tôm tại thời điểm nghiệm thu.

 

Mô hình được Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị triển khai ở 2 điểm, là xã Hải Khê, huyện Hải Lăng và xã Triệu An, huyện Triệu Phong, gồm 3 hộ tham gia nuôi, với diện tích từ 2.500- 3.500 m2/hộ. Mô hình triển khai với phần kinh phí hỗ trợ con giống tôm thẻ chân trắng là 50%; thức ăn công nghiệp là 50%; phần còn lại hộ tham gia mô hình đóng góp.

Quá trình chăm sóc quản lý bao gồm 2 giai đoạn ương và nuôi. Giai đoạn ương sử dụng quy trình theo công nghệ Biofloc ít thay nước.

Trong quá trình ương, tôm giống được ương ở ao ương nhỏ với hệ thống sục khí đáy đầy đủ để duy trì mật độ Biofloc ổn định đã góp phần cung cấp đủ lượng oxy hỗ trợ sức khỏe tôm, mặt khác mật độ Biofloc phù hợp cũng tạo ra môi trường nuôi ổn định, giảm stress cho tôm nuôi, tỷ lệ sống cao đạt 95%. Kết quả nuôi cho thấy trong giai đoạn ương tôm trong 30 ngày đầu chi phí giảm hơn so với các năm trước nuôi 1 giai đoạn, ước tính chi phí giảm khoảng 15- 20%.

Sau thời gian gần 1 tháng tiến hành san xuống ao nuôi thông qua ống xả đáy của ao ương. Việc san tôm thông qua ống xả trực tiếp, không gây xây xát ảnh hưởng sức khỏe tôm nên tôm đạt tỷ lệ sống cao.

Về tốc độ sinh trưởng, phát triển thì tôm ương giai đoạn 1 phát triển tốt, sau 30 ngày nuôi trước khi san đạt kích cỡ 950 con/kg. Hiện nay sau 2 tháng nuôi tại ao thương phẩm tôm đạt kích cỡ 57- 60 con/kg, đáp ứng yêu cầu của mô hình.

So sánh với quy trình nuôi tôm 1 giai đoạn thả tôm trực tiếp xuống ao nuôi thì quy trình 2 giai đoạn tôm sinh trưởng và phát triển tốt không thấy xuất hiện hội chứng tôm chết sớm. Kích cỡ con giống lớn, sạch và đẹp. Đặc biệt trong quá trình ương nếu xảy ra sự cố thì mức độ thiệt hại thấp hơn nhiều so với nuôi 1 giai đoạn.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Kinh nghiệm nuôi Tôm sạch ở Sóc Trăng

Vùng ven biển Vĩnh Châu, Sóc Trăng từ đầu tháng 10/2019 đến nay mưa ngớt dần, nhiều khả năng hạn sẽ tới sớm. Dự báo trồng trọt sẽ thiếu nước tưới, nuôi tôm đối mặt với dịch bệnh.

 

Ao nuôi Tôm của trại Tân Nam (Vĩnh Châu, Sóc Trăng)

 

Hiện một số địa phương ở Sóc Trăng phát hiện tôm bị bệnh vi bào tử trùng (EHP), bệnh nặng hơn là phân trắng khiến bà con chưa dám thả tôm giống vụ 2.

Vừa qua, một công ty sản xuất tôm giống có thương hiệu lớn đã tổ chức hội thảo về vấn đề bệnh do vi bào tử trùng và phân trắng trên tôm. Tại đây, các nhà khoa học của công ty này cho biết, hiện tại vùng nuôi tôm tập trung của Ấn Độ, dịch bệnh trên đang bùng phát và gây thiệt hại nặng. Vùng nuôi này cũng sử dụng một kênh vừa cấp vừa thoát tương tự như vùng nuôi tôm Mỹ Thanh của Sóc Trăng, nên dịch bệnh lây lan rất nhanh.

Cũng theo các chuyên gia nuôi tôm của công ty trên, đối với 2 bệnh này hiện chưa có thuốc trị, giải pháp tốt nhất là ngăn ngừa từ xa bằng cách sản xuất “4 sạch”.

Trước hết là sạch về con giống. Con giống trước khi xuất bán được kiểm tra 10 loại dịch bệnh, khi nào tất cả đều âm tính, mới cho xuất bán ra thị trường. Nếu kiểm tra không đạt sẽ hủy bỏ toàn bộ. Thực tế cho thấy, các trang trại lớn nuôi tôm khi nhận con giống của công ty về kiểm lại đều không phát hiện bệnh. Nhưng đối với con giống một số công ty khác khi kiểm dịch, thỉnh thoảng vẫn có dương tính với một số loại bệnh.

 

Nước sạch là yếu tố rất quan trọng trong nuôi tôm.

 

Vấn đề thứ hai là nước sạch. Để có nước sạch, quy trình xử lý rất quan trọng, bởi cần làm cho môi trường nước không còn chỗ cho vi khuẩn gây hại bám, bám víu (không có giá thể), nhất là chất rắn lơ lửng vì vi bào tử trùng rất khó diệt.

Do đó, cần làm cho tất cả chất rắn lơ lửng lắng xuống đáy, sau đó bơm lấy nước trong tầng trên cũng hạn chế được vi bào tử trùng. Hoặc có giải pháp hạ pH đến ngưỡng phù hợp (khoảng 6) nhằm phá hủy lớp bảo vệ của vi bào tử trùng, sau đó có giải pháp nâng pH lên lại cho phù hợp với con tôm.

Tôm sạch và nước sạch là 2 yếu tố cơ bản quyết định đến thành công của vụ nuôi tôm. Nhưng để phòng ngừa 2 bệnh trên, cần phải sạch thêm các dụng cụ, trang thiết bị, con người, phương tiện phục vụ ao nuôi (khử trùng kỹ trước khi sử dụng). Thậm chí ngay cả ao lót bạt, sau vài năm nuôi cũng cần dỡ lên, bón thêm vôi vào phần đất đáy ao sau đó mới lót bạt trở lại.

Theo các nhà khoa học chuyên ngành thủy sản, nuôi tôm, nếu không có giá thể chỉ sau khoảng 15 phút là vi bào tử trùng sẽ chết. Nhưng trong điều kiện thực tế, giá thể của vi bào tử trùng rất đa dạng, chứ không chỉ có trong chất rắn lơ lửng hay thức ăn dư thừa, phân tôm…Do đó việc khử trùng toàn bộ một cách kỹ lưỡng là rất cần thiết để ngăn ngừa dịch bệnh vào ao nuôi.

Nuôi tôm trúng vụ.

 

Kinh nghiệm từ mô hình nuôi ao nổi cũng là cách phòng bệnh tốt vì đáy ao nuôi luôn sạch, vừa tiết kiệm được năng lượng, tăng oxy hòa tan. Tuy vậy có điều khi thu hoạch tốn công dọn dẹp hệ thống oxy rất nhiều.

Từ mô hình nuôi tôm giống “4 sạch”, trại nuôi tôm Tân Nam ở Vĩnh Châu của Công ty Sao Ta thả nuôi vụ chính (vụ 1 năm 2019) mật độ 250 con/m2.

Kết thúc vụ 1 thu hoạch khá tốt, tỷ lệ tôm đạt đầu con trên 90%, trong khi trung bình chỉ cần đạt 70% là xem như trúng vụ. Thành công của Tân Nam ở các vụ nuôi vừa qua, nuôi đạt theo tiêu chuẩn ASC và BAP là do sử dụng quy trình nuôi riêng và đặc biệt là luôn thả nuôi đúng thời vụ theo thực tế thời tiết của vùng.

Trong vụ 2 Tân Nam đã thả nuôi dứt điểm với 200 ao, nhưng mật độ thả giảm xuống còn 200 con/m2. Đến nay những ao thả đầu tiên đến nay đã qua hơn 2 tháng. Nhờ thời tiết dứt mưa nên tình hình chung nuôi tôm khá thuận lợi.

Hơn nữa kinh nghiệm nuôi tôm của Tân Nam cho thấy việc sử dụng vi sinh tự nghiên cứu để chiếm chỗ đáy ao nuôi, hạn chế vi khuẩn có hại. Trong khi đa số người nuôi tôm rất sợ nắng nóng dễ phát sinh vi khuẩn vibrio para, nhưng với trại Tân Nam nắng là tốt.

Trước đây, mỗi ngày trại chỉ sản xuất 2.000 lít vi sinh, năm nay tăng lên đến 4.000 lít/ngày. Đây là một trong điểm tạo nên thành công của trại nuôi và là mơi có một không hai về tự chủ nguồn vi sinh có hiệu quả.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Một số lưu ý canh tác lúa trong mô hình tôm – lúa ĐBSCL

Một số lưu ý đó là các khâu: chọn giống, thời vụ gieo cấy, bón phân, quản lý dịch hại tổng hợp, quản lý nước và thu hoạch – sau thu hoạch.

 

Mô hình canh tác Tôm – Lúa ở ĐBSCL

1. Mô hình tôm – lúa có tính bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu

Việc nuôi tôm sú (nước lợ) tiến hành trong mùa khô khi nước mặn xâm nhập vào ruộng (thời gian nuôi bắt đầu khoảng tháng 1 và kết thúc vào tháng 6) và mùa mưa có nước ngọt thì trồng lúa: Canh tác lúa trong mùa mưa (từ tháng 7 đến tháng 12) khi đã cải thiện được xâm nhập mặn và có đủ nước ngọt cho sản xuất lúa.

Mô hình lúa – tôm đem lại lợi nhuận khá cao trên cùng diện tích đất: Trồng lúa trong vuông tôm giúp cải thiện môi trường đất, từ đó giảm thiểu dịch bệnh trong quá trình nuôi tôm (do các chất hữu cơ được khoáng hóa và cây lúa hấp thu dần trong quá trình canh tác).

Sau vụ tôm tiến hành trồng lúa giảm đầu tư phân bón (tận dụng xác bã thực vật, lượng thức ăn thừa của tôm), giảm dịch hại (do luân canh) chất lượng lúa gạo rất cao (lúa sạch, lúa hữu cơ) hạn chế tối đa việc dùng phân bón, thuốc hóa học. Năng suất nuôi tôm – lúa trên 1 ha bình quân đạt khoảng 300 – 500 kg tôm và 4 – 7 tấn lúa. Chi phí sản xuất trung bình 30 – 35 triệu đồng/ha, lợi nhuận thu được trung bình 35 – 50 triệu đồng/ha/năm.

2. Một số lưu ý về canh tác lúa trong mô hình.

2.1. Chọn giống:

– Các giống lúa canh tác phổ biến ở hầu hết các tỉnh là giống lúa mùa địa phương: Một bụi đỏ, Tài nguyên, Một bụi lùn Minh Hải hoặc giống lúa trung mùa ST 24, một số vùng sản xuất bằng giống lúa ngắn ngày: OM5451, OM6976, OM7347, OM 4498, OM 2517, OM5464, OM5464, OM5981, IR 50404… Năng suất lúa biến động rất lớn, từ 3 – 6 tấn/ha tùy theo mức độ thâm canh của từng vùng.

 

2.2. Thời vụ gieo cấy:

Chủ yếu là mưa đều, rửa mặn xong (độ mặn dưới 1 phần ngàn) mới gieo sạ.

Đối với giống nhóm B (thời gian sinh trưởng tương đương 120 ngày): Gieo sạ từ 10/8 – 30/8.

Các giống lúa mùa có thể gieo mạ từ 20/7 – 30/7.

Đối với giống nhóm A1 (thời gian sinh trưởng từ 90-100 ngày): Gieo sạ từ 01/9 – 20/9.

Lượng giống sạ: 80-100kg/ha. Sử dụng giống xác nhận.

 

2.3. Bón phân:

Trên đất nuôi tôm do lớp bùn non rất tốt đủ sức nuôi cây lúa trong tháng đầu, nếu bón phân sớm, nhất là phân đạm rất dễ bị bệnh đạo ôn (cháy lá) tấn công, nhưng lớp bùn sẽ bị lúa hút hết sau 1 tháng, nên các lần bón sau rất quan trọng, chú ý nhẹ đầu nặng cuối và khi bón phân cần cân nhắc đến điều kiện đất đai, thời tiết và tình hình của cây lúa mà điều chỉnh cho phù hợp.

Bón lót: Bà con không nên bón nhiều phân đạm, cần bón nhiều phân lân và can-xi để giải độc chất hữu cơ, giải độc phèn. Đồng thời, cung cấp chất lân cho bộ rễ lúa phát triển mạnh trong giai đoạn đầu, nhằm tăng khả năng chống chịu của cây lúa trong điều kiện bất lợi. Các nhà khoa học khuyến cáo đầu vụ, trước khi gieo sạ, bà con có thể bón lót phân chuyên dùng Đầu Trâu Mặn Phèn với lượng bón 100 – 160 kg/ha.

Bón thúc: Giai đoạn 10 ngày không bón, cây lúa hấp thu dinh dưỡng từ lớp bùn non của ruộng. Chỉ bón thúc đẻ 18-22 ngày sau sạ cần bón đầy đủ và cân đối giữa NPK + trung vi lượng: Bón 100-150kg Đầu Trâu TEA1 (gia giảm tùy theo lúa tốt xấu).

Bón đón đòng: trước khi lúa vào giai đoạn tượng đòng cần tạo điều kiện cho cây lúa chuyển sang màu vàng (xiết nước giữa vụ), khi lúa chuyển vàng, bóc ra có tim đèn (đòng đòng đất) 1-2mm sẽ bón phân theo kỹ thuật không ngày không số:

Lúa Màu vàng: Đầu Trâu TEA2 150 kg/ha.

Lúa Xanh nhạt: Đầu Trâu TEA2 100 kg/ha.

Lúa Xanh đậm: 50-70 kg KCl/ha (tuyệt đối không bón đạm).

 

2.4. Quản lý dịch hại tổng hợp:

Chú ý:

Không phun thuốc trừ sâu sớm trong vòng 40 ngày.

Không phun thuốc sâu định kỳ, chỉ phun khi mật số sâu hại tới ngưỡng, nhớ áp dụng theo 4 đúng.

Đối với bệnh: Trong 40 ngày đầu thăm đồng phát hiện có vết chấm kim thì phun ngay.

Giai đoạn từ 40 ngày đến trổ đều: Có thể chủ động phun ngừa các bệnh đạo ôn, đốm vằn, cháy bìa lá vi khuẩn, lem lép hạt, vàng lá chín sớm.

 

2.5. Quản lý nước:

Áp dụng kỹ thuật tưới khô – ướt xen kẽ giúp tiết kiệm nước và cây lúa khỏe.

Chú ý đầu vụ rửa mặn tốt trước khi gieo sạ (độ mặn <1 phần ngàn mới gieo).

 

2.6. Thu hoạch – sau thu hoạch:

Thu hoạch đúng độ chín (85-90% độ chín) cho năng suất và chất lượng cao nhất.

Hiện nay nếu nông dân bán lúa tươi tại ruộng là hay nhất. Nếu chưa bán được phải tìm cách sấy lúa, trong 24 giờ đầu cần hạ độ ẩm của lúa từ 22-28% xuống còn dưới 17% và sau 48 giờ độ ẩm dưới 15%. Nếu muốn bảo quản lâu hơn 1 tháng cần sấy đến độ ẩm 13%.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam

Ứng dụng bể tròn trong nuôi Tôm thâm canh

Bên cạnh các ao nuôi tôm truyền thống với diện tích lớn, mô hình sử dụng bể nổi tròn có diện tích nhỏ trong nuôi tôm thâm canh đang ngày càng phổ biến. Đón đầu xu hướng này, đội ngũ kỹ thuật của Skretting đã nghiên cứu và hoàn thiện mô hình nuôi để khai thác triệt để tiềm năng của hệ thống nuôi sử dụng loại bể này.

 

Ứng dụng bể tròn trong nuôi Tôm thâm canh

Ưu điểm của bể nổi tròn

 

Nhược điểm của ao nuôi hình chữ nhật truyền thống là các góc chết, nơi dòng chảy của nước bị cản trở tạo điều kiện cho chất thải tích tụ. Hình dạng đặc trưng và kích thước của bể tròn (trung bình khoảng 500 – 1000 m2) giúp người nuôi thu gom và loại bỏ chất thải rất hiệu quả. Vì bể hình tròn nên khi vận hành quạt nước tạo dòng chảy xoáy hướng tâm mạnh, chất thải được gom vào rốn ao, rất thuận tiện cho việc si-phon sạch các chất dơ, hạn chế việc gây ô nhiễm trong ao nuôi. Nhờ đó, nền đáy được giữ sạch sẽ suốt vụ, giảm thiểu vi khuẩn có hại và khí độc tích tụ trong môi trường nưới nuôi. Bên cạnh đó, diện tích bể nhỏ nên không cần quá nhiều dàn quạt để tạo ra dòng chảy và cung cấp đủ oxy cho ao nuôi cũng như thu gom chất thải. Mỗi bể chỉ cần lắp đặt 2 dàn quạt (mỗi dàn gồm mô-tơ 3-5hp) và 01 dàn sục khí 5hp là đủ, nhờ vậy chi phí vận hành quạt nước cũng được giảm đi đáng kể.

Ao nằm nổi trên mặt đất nên không bị ô nhiễm bởi hóa chất có hại hoặc mầm bệnh tích tụ trong đất ngấm ngược vào bể. Vách bể thẳng đứng giúp hạn chế chất bẩn và rong bám vào, từ đó đơn giản hóa công đoạn vệ sinh bể, hạn chế bệnh đường ruột do tôm ăn phải các chất bẩn này… Nhờ các ưu điểm này trong quản lý chất lượng nước ao nuôi mà người nuôi sử dụng hệ thống bể trong giảm thiểu tối đa chi phí sử dụng hóa chất xử lý môi trường.

 

Quy trình nuôi hai giai đoạn sử dụng bể tròn

 

Giai đoạn 1 (giai đoạn ương vèo tôm giống): tôm giống PL10 – 12 được thả ương với mật độ 1000 – 3000 con/m2. Tôm được nuôi trong bể ương trong vòng 20 – 25 ngày cho đến khi tôm giống đạt cỡ 1500 – 700 con/kg. Giai đoạn 1 giúp giống ở giai đoạn PL12 đến PL40 thích ứng với môi trường ao nuôi ngoài trời, tăng sức đề kháng đặc biệt là với bệnh AHPND/EMS, đạt kích cỡ đồng đều, và có tỷ lệ sống cao. Từ đó rút ngắn thời gian nuôi thương phẩm, giảm chi phí nuôi ban đầu, hạn chế rủi ro trong quá trình nuôi, tăng vụ nuôi trong năm và tăng sản lượng. Trong quá trình ương tôm, người nuôi cần thực hiện đúng quy trình xử lý nguồn nước đầu vào qua ao lắng, ao xử lý, ao sẵn sàng, cuối cùng là đến ao nuôi. Chọn con giống sạch bệnh, chất lượng, ương trong bể 20 – 30 ngày cho đạt kích cỡ đồng đều thì mới chuyển qua ao nuôi.

Ban đầu, bể nuôi tròn nổi với diện tích nhỏ rất được ưa chuộng cho giai đoạn ương vèo trước khi thả vào ao nuôi thương phẩm nhờ vào các ưu điểm đã được nêu trên. Hiệu quả của bể nổi tròn ngày càng được khẳng định, nên nhiều hộ nuôi đã quyết định tiến  hành Giai đoạn nuôi tôm thương phẩm (giai đoạn 2) trong bể nổi tròn thay vì ao nuôi có diện tích lớn. Ở giai đoạn này tôm được thả ở mật độ 100 – 300 con/m2; tôm giống giai đoạn này thường ở cỡ 1.000 – 2.000 con/kg. Trong quá trình nuôi, chất thải rắn từ ao phải được lắng lọc kỹ, thu gom thường xuyên. Đến khoảng 100 ngày tuổi, tôm đạt trọng lượng trung bình 30 con/kg thì tiến hành thu tôm thương phẩm.

Ưu điểm của mô hình này là nâng cao tỷ lệ sống của tôm lên đến 90 – 100% vì tôm có sức đề kháng cao, môi trường ao nuôi ổn định, ao nuôi có diện tích nhỏ hơn nên quản lý chất lượng nước hiệu quả hơn rõ rệt. Các sản phẩm thức ăn của Skretting như PL (cho giai đoạn 1), Sapphire, Gamma, Mega, Xpand (Giai đoạn 2) được người nuôi ưa chuộng sử dụng trong mô hình nuôi hai giai đoạn này nhờ các đặc tính như tính dẫn dụ cao, thành phần dinh dưỡng dễ hấp thu, kết cấu bền trong nước, giảm thiểu áp lực lên môi trường nuôi.

Một số lưu ý trong thiết kế bể nổi tròn

 

Bể được dựng từ khung thép hoặc tường xây phủ bạt HDPE (dày 0.5 đến 1 cm), có đáy dạng hình phễu, vách thẳng đứng. Một số yêu cầu kỹ thuật trong quá trình lắp đặt bể nuôi gồm:

–    Đáy bể có độ dốc hướng về tâm khoảng 5% để thu gom chất thải dễ dàng.

–    Bể ương cần được đặt trên một vị trí đất cao sao cho đáy của bể ương nổi cao hơn nước của ao nuôi để có thể sang ra ao lớn bằng hệ thống ống nước có lắp van xả, điều này giúp cho tôm ương không bị hao, việc sang tôm cũng trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

–    Hệ thống bể ương nổi cần có bể chứa nước có thể tích tương đương. Để có thể thay cấp nước 100% khi cần, bể chứa nước luôn phải được xử lý diệt khuẩn trước khi sử dụng, đảm bảo tiêu chuẩn để cấp nước cho bể ương.

–    Ở giai đoạn ương người nuôi nên dùng lưới lan che nắng cho bể ương để giảm biên độ nhiệt độ, giảm được một phần nước mưa rơi vào ao khi mưa lớn. Giá thành thấp, lắp đặt đơn giản, dễ dàng để tháo dần ra cho tôm quen với nhiệt độ không có mái che, nhờ vậy tôm không bị sốc nhiệt, đảm bảo tỷ lệ sống.

–    Nên ương tôm trong bể có diện tích nhỏ khoảng 100m3 nước để dễ quản lý môi trường.

–    Đối với nuôi tôm thịt, diện tích bể nên nằm trong khoảng từ 500m2 đến 900m.

–    Ở giai đoạn này, khi số lượng tôm trong bể đạt trên 3.5 kg/m3 nên tiến hành thu tỉa hoặc sang bể để tôm có thể phát triển tối ưu.

–    Đảm bảo sục khí, điện, thức ăn chất lượng tốt, testkit đo môi trường phải được chuẩn bị đầy đủ. Việc chăm sóc cũng cần người có kỹ thuật và chuyên môn tốt, túc trực 24/7 để đảm bảo không có sự cố và nếu có thì cần xử lý ngay lặp tức.

Những khó khăn thường gặp trong vận hành

 

Các bể có thể tích quá nhỏ (dưới 50m3) có biên độ nhiệt lớn, tôm nuôi dễ bị sốc nhiệt độ. Cách khắc phục là tăng kích thước bể, lắp đặt mái che, đồng thời sục khí đều khắp thành ao sẽ giảm thiểu nhược điểm này.

Tôm bị sốc khi điều kiện sống thay đổi giữa các giai đoạn nuôi: sốc nhiệt độ, pH, kiềm, kim loại nặng… Người nuôi nên đảo đều nước trước 1-2 ngày, mở mái che để tôm dần quen với môi trường bên ngoài. Sang ao vào lúc nhiệt độ thấp, sáng sớm hoặc chiều tối là thời điểm phù hợp nhất.

Ương mật độ quá cao yêu cầu kỹ thuật có chọn lọc, thao tác chính xác, trang thiết chuyên biệt. Hệ thống sục khí, điện, thức ăn chất lượng tốt, testkit đo môi trường luôn phải đầy đủ. Việc chăm sóc cũng cần người có kỹ thuật và chuyên môn tốt, túc trực 24/24 để đảm bảo sự cố kịp thời.

Để phát huy tối đa hiệu quả của bể nuôi nổi tròn, đội ngũ kỹ thuật Skretting luôn sẵn sàng hỗ trợ tư vấn người nuôi thiết kế, cải tạo và nâng cấp hệ thống nuôi sao cho khoa học, hợp lý. Đồng thời tư vấn cho người nuôi lựa chọn loại thức ăn phù hợp với đặc điểm môi trường và nhu cầu dinh dưỡng của tôm tại từng hộ nuôi.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Nguy cơ tôm hùm nhiễm bệnh do vi khuẩn

 

Đó là cảnh báo của Trung Giống và Kỹ thuật Thủy sản Phú Yên khi kết quả quan trắc, cảnh báo môi trường nước cho thấy mật độ Vibrio tổng số vượt ngưỡng giới hạn cho phép, xảy ra ở các vùng nuôi Xuân Thịnh, Xuân Phương và Xuân Yên (TX Sông Cầu).

                Người nuôi tôm hùm cần tuân thủ khuyến cáo của cơ quan chức năng.

Do đó sẽ làm tăng nguy cơ vật nuôi dễ nhiễm bệnh do vi khuẩn. Người nuôi nên san thưa mật độ nuôi trong lồng, dãn khoảng cách giữa các lồng nuôi, tách những cá thể tôm nhiễm bệnh nuôi riêng, cần tăng cường vệ sinh lồng nuôi sạch sẽ, tạo sự thông thoáng cho lồng nuôi và vùng nuôi.

Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì lồng nuôi tại tầng giữa hoặc gần tầng mặt để tránh thiếu oxy cục bộ cho tôm nuôi, dùng lưới lan (hai lớp) che mát trên mặt lồng nhằm làm giảm cường độ ánh sáng và chống tôm bị stress, treo các túi vôi ở các góc lồng nhằm hạn chế tảo tàn do mưa dông (nhất là với thời tiết bất lợi như hiện nay), sát trùng môi trường nước, ổn định pH tạm thời … Trường hợp trời oi, đứng gió cần phải sục khí để cung cấp Oxy hòa tan cho tôm nuôi.

Ngoài ra, các hộ nuôi cũng phải thường xuyên theo dõi diễn biến môi trường, màu nước chú ý kiểm tra sự phân tầng của nước (nhiệt độ, độ mặn, ôxy hòa tan…), nhất là vùng nuôi Xuân Phương đang có nhiệt độ nước vượt ngưỡng giới hạn cho phép. Cũng như thường xuyên theo dõi hoạt động, sức khỏe tôm nuôi (nhất là khi trời nắng và đứng gió) để có những giải pháp xử lý kịp thời.

Nên lựa chọn nguồn thức ăn tươi, đảm bảo chất lượng, cần thiết sát trùng thức ăn bằng thuốc tím để đảm bảo an toàn cho vật nuôi. Định kỳ bổ sung các chế phẩm sinh học, vitamin và khoáng chất nhằm tăng cường sức đề kháng cho tôm nuôi tránh các tác nhân gây bệnh. Người nuôi nên xuất bán khi tôm đạt kích cỡ thương phẩm; hạn chế thả nuôi mới; nên san thưa mật độ tôm nuôi… nhằm giảm bớt chi phí thức ăn, tránh những tổn thất khác do biến cố môi trường xảy ra…

Phòng trị một số bệnh thường gặp ở tôm

Thực tế cho thấy, thời tiết bất thường hiện nay làm cho tôm có dấu hiệu chuyển bệnh một cách nhanh chóng. Sau đây là cách phòng trị một số bệnh thường gặp ở tôm, mời bà con theo dõi:

1.Bệnh do vi khuẩn Vibrio

  • Dấu hiệu:

Đứt râu, thối mang, đen mang, thối đuôi, đốm đen.

Tôm bẩn mình, bẩn mang, cơ thể chuyển màu hồng đỏ, tôm yếu, bỏ ăn rồi chết.

Hiện tượng chết có thể xảy ra khi bệnh ở mức độ cấp tính. Nếu mãn tính có thể gây chậm lớn, phân đàn, mềm vỏ…

  • Tác nhân gây bệnh:

Tác nhân chính gây ra các bệnh trên là vi khuẩn thuộc giống Vibrio.

Vi khuẩn Vibrio xâm nhập vào ao nuôi theo: nguồn nước, tôm giống, thức ăn, từ đáy ao nếu công tác tẩy dọn chưa tốt.

  •  Phòng – trị bệnh:

Áp dụng tổng hợp các biện pháp để kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn:

Giữ chất lượng nước ao nuôi tốt.

Không nuôi mật độ quá cao.

Tránh làm tôm bị tổn thương.

Định kỳ dùng chế phẩm vi sinh để giảm hàm lượng chất hữu cơ trong ao nuôi.

Giảm độ mặn nước xuống 15 – 20 ‰ có thể hạn chế vi khuẩn Vibrio phát triển.

Tăng sức đề kháng bằng quản lý môi trường tốt và bổ sung vitamin C, A, E.

Bệnh vi khuẩn thường xảy ra khi nước ao bẩn, tôm yếu, vì vậy nên áp dụng đồng thời các biện pháp:

Cải thiện điều kiện môi trường và diệt vi khuẩn trong cơ thể: siphon đáy, thay nước mới để làm giảm mật độ vi khuẩn trong nước. Sử dụng các sản phẩm trong danh mục cho phép của Bộ NN&PTNT và theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Tăng sức đề kháng cho tôm: bổ sung vitamin C vào thức ăn.

Sử dụng dầu mực bao gói thức ăn: 5-10ml/kg thức ăn

Kích thích lột xác bằng Saponine 10-15g/m3

2. Bệnh do vi khuẩn dạng sợi

  • Dấu hiệu bệnh lý:

Mang tôm biến đen hoặc biến màu nâu, các chân ngực và chân bơi có màu xám bám đầy lông tơ.

Bệnh nặng thì mang chuyển sang màu vàng, màu xám hoặc màu xanh bám nhiều lông tơ làm ảnh hưởng đến hô hấp. Tôm thường nổi đầu, dạt vào bờ và chết rải rác.

Nghiêm trọng hơn làm tôm không lột xác được.

Bệnh thường gặp ở ao nuôi có hàm lượng chất hữu cơ cao, mật độ nuôi dày.

  • Tác nhân gây bệnh:

Chủ yếu là Vi khuẩn dạng sợi Leucothrix mucor, ngoài ra có thể do một số vi khuẩn dạng sợi khác: Cytophagr sp, Flexibacter sp, Thiothrix sp…Chúng có thể độc lập hay phối hợp với nhau gây bệnh ở mang, thân và các phụ bộ của tôm.

Các vi khuẩn dạng sợi này sống hoại sinh trong nước biển, cửa sông và có thể bám lên bề mặt ngoài của tôm gây bệnh, có khả năng phân giải kitin, xenlulose và nhiều hợp chất hữu cơ khác.

  • Phòng – trị bệnh:

Cải thiện môi trường: thay nước, quạt nước

Cải thiện điều kiện môi trường và diệt vi khuẩn trong cơ thể: siphon đáy, thay nước mới để làm giảm mật độ vi khuẩn trong nước. Sử dụng các sản phẩm trong danh mục cho phép của Bộ NN và theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Tăng sức để kháng cho tôm: Bổ sung vitamin C

Không nuôi mật độ quá cao

Tránh làm tôm bị tổn thương

Định kỳ dùng chế phẩm vi sinh để giảm hàm lượng chất hữu cơ. Tăng cường sức đề kháng cho tôm bằng quản lý môi trường tốt và bổ sung vitamin C, A, E, và betaglucan.

Ao đã bị bệnh thì dùng 1-2mg/m3 Saponine hoặc bột hạt chè phun đều khắp ao kích thích tôm lột xác. Lột xác xong lại thêm nước để giảm nồng độ Saponine, hoặc dùng 2-5mg/m3 KMnO4 ( thuốc tím) phun khắp ao sau 4 giờ thì thay nuớc.

3.Bệnh đóng rong hay mảng bám

  • Dấu hiệu bệnh lý:

Các sinh vật bám vào chân, mắt, vỏ giáp thành một lớp lông tơ có màu đen (xem kính hiển vi rất rõ).

Tôm bị bệnh thường tách đàn nổi lên mặt nước bơi lờ đờ hay bám thành bờ, phản ứng chậm chạp, kém ăn, không lột xác được.

Bệnh nặng, các sinh vật bám phát triển bám vào mang làm tôm không thở được tôm bị thiếu ôxy nên chết.

  • Tác nhân gây bệnh:

Do các sinh vật bám gây ra:

Động vật nguyên sinh như Epistylis, Vorticella, Acineta, Ephelota.

Tảo lam như Spirulina subsalsa, Schizthrix calcicola; tảo lục như Enteromorpha sp; tảo khuê Amphora sp, Nitszchia sp.

  • Phòng – trị bệnh:

Bệnh sinh vật bám ở tôm xảy ra khi nước ao bẩn, có nhiều tảo bám, nhiều nguyên sinh động vật (trùng loa kèn) nên phải áp dụng các biện pháp:

Cải thiện điều kiện môi trường:

Duy trì độ trong thích hợp, ổn định tảo trong ao.

Tăng cường thay nước sạch (10 – 20% nước/lần) để làm giảm sinh vật bám trong ao, cải thiện môi trường

Tăng cường quạt nước để tăng hàm lượng ôxy hòa tan trong ao nuôi

Cho ăn đúng mức để tránh ô nhiễm đáy ao.

Vớt tảo nổi trên bề mặt.

Xử lý nước ao bằng chế phẩm vi sinh để hấp thu khí độc NH3 và phân hủy chất hữu cơ, hạn chế sự phát triển của tảo.

Tăng sức đề kháng cho tôm: bổ sung Vitamin C vào thức ăn để giúp tôm giảm stress, tăng sức khỏe cho tôm.

Kích thích tôm lột xác: thay nước hoặc dùng Saponin 10-15g/m3 tạt khắp ao giúp tôm lột xác đồng đều.

Diệt sinh vật bám: nếu tỷ lệ tôm nhiễm bệnh cao có thể sử dụng hóa chất diệt bớt sinh vật bám như formol (25ml/m3) hoặc CuSO4.

4.Bệnh mềm vỏ ở tôm thẻ chân trắng

  • Dấu hiệu bệnh lý:

Tôm nuôi thương phẩm bị bệnh mềm vỏ thường có dấu hiệu bệnh lý:

Tôm có màu xỉn, vỏ bị mềm có khi rất mềm, vỏ rời thịt.

Những con mềm vỏ thường yếu, kém hoạt động, dễ bị con khác ăn thịt hoặc dễ bị các sinh vật gây bệnh tấn công, dễ bị mắc các bệnh bẩn mình bẩn mang, chết rải rác.

Tôm bị mềm vỏ thường chậm lớn, giảm giá trị thương phẩm và dễ mắc các bệnh cơ hội. Bệnh thường xảy ra trong các ao nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh.

  • Tác nhân gây bệnh:

Bệnh mềm vỏ ở tôm thẻ chân trắng có liên quan đến môi trường và dinh dưỡng. Do thiếu dinh dưỡng, thức ăn thiếu Canxi và phốt pho. Độ cứng thấp.

Nước ao nuôi nhiễm thuốc trừ sâu.

Hàm lượng lân trong nước thấp.

  • Phòng – trị bệnh:

Quản lý môi trường có độ kiềm từ 80-160mg/l bằng cách: bón vôi CaCO3 hay Dolomite (CaMg(CO3)2) định kỳ một tuần một lần cho ao nuôi.

Quản lý môi trường ao nuôi thích hợp và ổn định tránh gây sốc cho tôm.

Bổ sung thêm khoáng thích hợp vào khẩu phần thức ăn như: Canxi/phos, Premix.

5.Bệnh thiếu vitamin C

  • Dấu hiệu bệnh lý:

Tôm bị bệnh thiếu vitamin C thường có các dấu hiệu bệnh lý:

Xuất hiện các vùng cơ màu đen dưới lớp vỏ ở mặt lưng của phần bụng, ở các chân bơi, chân bò, trên mang tôm cũng có các vệt đen.

Tôm ăn ít hoặc bỏ ăn, sức đề kháng giảm, khả năng chịu sốc kém, dễ bị các tác nhân gây bệnh cơ hội tấn công tôm sinh trưởng chậm, chết rải rác 1-5% hàng ngày (tỷ lệ hao hụt tổng cộng rất cao 80-90%).

Bệnh thường gặp trong ao nuôi thâm canh, đặc biệt trong những ao tảo kém phát triển.

  • Tác nhân gây bệnh:

Do khẩu phần ăn của tôm bị thiếu vitamin C

  • Phòng – trị bệnh:

Sử dụng thuốc và biện pháp trị bệnh như sau:

Bổ sung một lượng vitamin C thích hợp vào khẩu phần thức ăn cho đến khi khỏi bệnh.

Cho tôm ăn thường xuyên vitamin C với các ao nuôi bằng thức ăn công nghiệp, môi trường ao nuôi thiếu tảo.

Tổng hợp và duyệt bởi Farmtech Việt Nam

Nâng chất lượng tôm giống

Mới đây, tại Ninh Thuận, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ công nghệ với chủ đề “Nâng cao chất lượng tôm giống gắn với vùng SX tôm thương phẩm.

Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu tại hội nghị

Đây là cơ hội để các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý về lĩnh vực thủy sản và DN nuôi tôm cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm; tìm giải pháp hữu hiệu để hạn chế dịch bệnh, nâng cao chất lượng SX tôm giống nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao trước sự cạnh tranh thương mại ngày càng khốc liệt.

Theo Tổng cục Thủy sản, cuối năm 2018, cả nước có 2.457 cơ sở SX giống tôm nước lợ; trong đó có 1.855 cơ sở SX tôm sú và hơn 600 cơ sở SX giống tôm thẻ chân trắng, với sản lượng 120 tỷ con (tăng hơn 10% so với năm 2017). Khu vực sản xuất tôm giống trọng điểm là các tỉnh khu vực Nam Trung bộ gồm Ninh Thuận và Bình Thuận. Hằng năm, các cơ sở ở khu vực này cung cấp khoảng 56% số lượng giống tôm nước lợ cho nhu cầu thả nuôi của cả nước.

Ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, tôm giống có vai trò hết sức quan trọng đối với ngành tôm, nhưng nước ta vẫn chưa hoàn toàn làm chủ công nghệ chọn tạo, gia hóa, chưa thể chủ động cung ứng giống. Mỗi năm vẫn phải nhập khẩu từ 200.000 – 250.000 con tôm chân trắng bố mẹ (khoảng 90% phải ngoại nhập). Trong khi đó, một phần tôm sú bố mẹ vẫn phải thu gom từ tự nhiên. Hiện tại nước ta chỉ có giống tôm sạch bệnh phục vụ nuôi công nghiệp, chưa có con giống kháng bệnh phục vụ nuôi quảng canh.

Bên cạnh đó, giá thành SX tôm ở nước ta vẫn cao hơn các nước trong khu vực. Nguyên nhân do thức ăn nuôi tôm chiếm tỷ lệ cao trong giá thành SX (khoảng 65 – 70%); chi phí con giống cao do phải nhập khẩu tôm bố mẹ; cơ sở hạ tầng vùng nuôi chưa được đầu tư đồng bộ, dễ dẫn đến ô nhiễm; công nghệ nuôi chưa được cải tiến nên năng suất thấp. Đó chưa kể tình trạng lạm dụng thuốc, hóa chất, bơm chích tạm chất vào tôm nguyên liệu còn xảy ra ở các cơ sở nuôi nhỏ lẻ, làm ảnh hưởng đến uy tín của sản phẩm tôm Việt Nam.

Ngoài ra, thị trường xuất khẩu tôm vẫn gặp khó khăn về các loại rào cản như thuế chống bán phá giá; chương trình SIMP của Mỹ; giá tôm nhập khẩu từ Ấn Độ thấp; các thị trường ngày càng tăng cường kiểm soát chặt chẽ về an toàn và chất lượng thực phẩm…

Thời gian qua việc quản lý giống tôm nước lợ được Bộ NN-PTNT, Tổng cục Thủy sản và các địa phương rất quan tâm và chỉ đạo quyết liệt. Tổng cục Thủy sản yêu cầu Chi cục Thủy sản các tỉnh tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử lý vi phạm trong SXKD tôm giống.

Để xử lý triệt để các cơ sở vi phạm, sau mỗi đợt kiểm tra, Tổng cục Thủy sản đều công khai cơ sở vi phạm trên các phương tiên thông tin đại chúng; đồng thời gửi văn bản cho các tỉnh/thành, các ngành có liên quan để chấn chỉnh, có hướng xử lý đúng, góp phần nâng cao chất lượng giống tôm gắn với nuôi trồng.

Các đại biểu tìm hiểu mô hình nuôi tôm công nghệ cao

 

Nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa.

Nuôi tôm trong ruộng lúa là hình thức canh tác kết hợp giữa trồng trọt và thủy sản. Phương thức nuôi này không những làm giảm việc tranh diện tích sản xuất mà còn góp phần tăng thu nhập trên một mảnh đất.Nuôi tôm trong ruộng lúa chẳng những không giảm năng suất lúa mà còn có sản phẩm tôm.

Tôm càng xanh.

1. Mùa vụ

– Thường tận dụng vụ lúa Hè – Thu để nuôi tôm. Lúc này nước nhiều và thời gian ngập nước trong ruộng kéo dài, tôm có điều kiện ăn được thức ăn trên ruộng.

– Nuôi tôm tốt nhất nên nuôi trên các ruộng cấy lúa vì lúa cấy có khoảng trống nên tôm có thể bơi xen giữa lúa ăn được thức ăn trên ruộng.

– Nếu nuôi trên lúa sạ thì nên sạ lúa thưa hơn sạ bình thường. Thả giống tốt nhất khi cây lúa 2 tuần sau khi sạ hay 1 tuần sau khi cấy.

– Lịch thời vụ 2 lúa + 1 tôm.

Một số mô hình nuôi tôm càng xanh ở ruộng lúa

– Mô hình một vụ lúa và một vụ tôm:

+ Ruộng chỉ canh tác vụ lúa Đông – Xuân, sau khi thu hoạch lúa thì tiến hành thả tôm Post (cỡ 1,1 – 1,2 cm).

+ Thời điểm thả giống thông thường từ tháng 3 – 4, mật độ thả từ 3 – 5 con/m2, thời gian nuôi 7 – 8 tháng.

– Mô hình hai vụ lúa và một vụ tôm:

+ Thời gian nuôi ngắn khoảng 4,5 – 5,0 tháng, do đó yêu cầu thả giống lớn (cỡ 3,0 – 5,0 g/con).

+ Mật độ thả từ 2 – 4 con/m2.

2. Thức ăn:

Một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công trong nuôi tôm là thức ăn. Tôm cần phải được cung cấp thức ăn đầy đủ về số lượng và chất lượng để có thể phát triển tốt. Vì vậy, việc xác định nguồn thức ăn đảm bảo giá trị dinh dưỡng và ổn định là điều cần thiết đối với người nuôi tôm.

– Thức ăn tự nhiên: Là thức ăn có sẵn trong thủy vực bao gồm động thực vật thủy sinh, thức ăn tự nhiên giữ vai trò quan trọng trong giai đoạn đầu của các đối tượng thuỷ sản nuôi.

– Thức ăn tươi: Bao gồm cá, tép, cua, ốc, hến,… các phế phẩm từ nhà máy chế biến thủy sản. Thức ăn tươi rất dễ làm chất lượng nước xấu đi nhanh chóng, hệ số tiêu tốn thức ăn cao.

– Thức ăn viên (công nghiệp), thức ăn chế biến:

+ Các thành phần dinh dưỡng đã được phối chế phù hợp với từng giai đoạn tăng trưởng của đối tượng nuôi.

+ Quy trình công nghệ sản xuất thức ăn hiện đại đảm bảo chất lượng thức ăn, thời gian bảo quản lâu, hệ số thức ăn thấp, ít ảnh hưởng đến chất lượng nước trong hệ thống nuôi.

Phương pháp cho ăn:

– Kiểm tra việc sử dụng thức ăn của tôm và trọng lượng tôm hàng tháng để điều chỉnh khẩu phần ăn, tiến hành như nuôi tôm trong ao.

– Khẩu phần cho ăn chỉ cần 3% trọng lượng cơ thể sau 01 tháng đối với tôm giống tự nhiên và sau 4 tháng đối với tôm bột vì trong ruộng có nhiều thức ăn tự nhiên, mật độ thả thấp.

– Thức ăn nên rải nhiều điểm xung quanh mương hay trong sàng ăn đặt trong ao.

3. Chăm sóc quản lý:

Nuôi tôm trong ruộng lúa cần phải chăm sóc, quản lý thật chặt chẽ vì nó liên quan đến việc canh tác lúa.

– Trao đổi nước thường xuyên, càng nhiều càng tốt nhưng cũng chú ý việc kích thích tôm lột xác như nuôi trong ao. Vào ban đêm do các loại thực vật và rễ lúa sử dụng oxy nên rất dễ xảy ra tình trạng thiếu oxy vào buổi sáng, nếu có hiện tượng tôm nổi đầu vào buổi sáng thì cần tiến hành trao đổi nước ngay.

– Phòng chống và theo dõi thường xuyên địch hại của tôm vì nuôi tôm trong ruộng lúa địch hại có thể ảnh hưởng rất lớn đến tỉ lệ sống và năng suất của tôm.

– Việc phun thuốc trừ sâu cho lúa phải cẩn thận, thông thường rút hết nước trên ruộng lúa cho tôm xuống mương và tiến hành phun thuốc nhằm tránh thuốc rơi xuống mương, sau 2-3 ngày dâng nước lên để tôm trở lại ruộng ăn bình thường.

Cần chú ý sử dụng các loại thuốc ít độc đối với tôm và chọn các giống lúa kháng sâu rầy để hạn chế việc phun thuốc.

4. Thu hoạch

– Hai tháng trước khi thu hoạch thì có thể tiến hành thu tỉa những con lớn, con cái và con chậm phát triển để bán.

– Nếu thả giống vào vụ Đông – Xuân thì thu những con lớn và những tôm nhỏ để lại nuôi tiếp.

Tổng hợp và kiểm duyệt bởi FarmTech VietNam.