Cảnh báo hội chứng co cơ (CMS) trên tôm thẻ chân trắng khi áp dụng hệ thống tuần hoàn (RAS)

Hội chứng co cơ (Cramp Muscle Syndrome – CMS) trên tôm hay còn gọi là hội chứng chuột rút đã được đề xuất với nguyên nhân gây ra bởi các yếu tố sinh lý hoặc các yếu tố môi trường dinh dưỡng.

Nguyên nhân hội chứng co cơ trên tôm

Hệ thống nuôi tuần hoàn trong nhà (RAS) để sản xuất tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) đã thu hút được nhiều nghiên cứu và lợi ích kinh tế vì chúng tương đối thân thiện với môi trường và đảm bảo an toàn sinh học. Áp dụng hệ thống cũng có thể nằm trong đất liền, cách xa những vùng  đất ven biển đắt đỏ, tôm được nuôi ở khí hậu ôn đới và gần các thị trường chính. Tôm có thể được nuôi trong các hệ thống nước sạch hoặc sử dụng công nghệ biofloc. Các cơ sở nuôi nội địa thường lấy nước nuôi bằng cách pha  muối biển tổng hợp với nước từ giếng hoặc các nguồn nước khác .

Sản xuất tôm thương phẩm có thể thay từ 0,5 đến 10% nước hàng ngày. Việc này có thể làm cho hệ thống hệ thống tích luỹ các yếu tố ở mức độ nhỏ hơn nhưng độc hại khi vượt quá ngưỡng cho phép, chúng bao gồm: Đồng, Cadmium, Chromium, Chì, Thủy ngân, Mangan, Selenium, và Kẽm. Hoặc mất các ion quan trọng cần thiết để duy trì tốc độ tăng trưởng và mức độ sống sót của tôm như  Canxi, Chloride, Magiê, Phốt pho, Kali, Natri và Sulphur. Vấn đề này là nguyên nhân cơ bản dẫn đến hội chứng co cơ trên tôm nuôi.

Hội chứng co cơ (Cramp Muscle Syndrome – CMS) hay hội chứng chuột rút đã được đề xuất với nguyên nhân gây ra bởi các yếu tố sinh lý hoặc các yếu tố môi trường dinh dưỡng. Thiếu Kali  hoặc môi trường giảm (so với các nguyên tố khác như Ca, Na và Mg) có thể là yếu tố chính trong nguyên nhân gây ra hội chứng co cơ (CMS) trên tôm. Một phần cơ bụng tôm có dấu hiệu bị co cứng, trong khi các bộ phận khác của cơ thể đầy đủ bình thường. Gây hạn chế khả năng di chuyển của tôm, bắt mồi kém và tăng trưởng chậm. Khi hàm lượng Oxygen trong hệ thống bị giảm sút có thể làm chết tôm nhanh chóng hơn.

Thí nghiệm chứng minh

Vấn đề này đã được thảo luận trong một bài báo trình bày tại Hội nghị Quốc tế về Nuôi trồng  Thuỷ sản được tổ chức vào mùa hè năm ngoái  tại Roanoke, Virginia. Bởi tiến sĩ David Kuhn thuộc Virginia Tech, Blacksburg và cộng sự.

Để mô tả cách quản lý các phần tử trong RAS nuôi tôm, Kuhn đã bố trí thí nghiệm như sau: Sử dụng nguồn nước ở một cơ sở nước sạch trong nội địa để nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) sử dụng lọc RAS điển hình. Cùng với muối biển tổng hợp (Crystal Sea Marine Mix) đã được thêm vào nước giếng để tạo độ mặn là 10 – 12 ‰. Nhiệt độ được duy trì ở khoảng 30°C và nồng độ oxy hòa tan ở 5,0 mg/l hoặc cao hơn. Amoniac và nitri ít hơn 0,75 mg/L, sự tích tụ nitrat-N dưới 200 mg/L. Duy trì các sinh vật phù du, đảm bảo chất lượng nước tốt và cung cấp thức ăn dinh dưỡng để có được sự sống còn cao hơn.

Sau một tháng hoạt động của RAS, một số lượng lớn tôm bắt đầu cho thấy có triệu chứng co cơ sau khi được xử lý, trong đó một tỷ lệ lớn tôm không hồi phục.

Một điều đáng chú ý trong thú nghiệm trên là sau một tháng hoạt động, nồng độ kali được xác định bằng khoảng một nửa so với nước biển thông thường (50 – 75 so với 100 – 125 mg/L). Chứng tỏ việc thiếu Kali có ảnh hưởng rất lớn đến hội chứng co cơ (CMS) trên tôm.

Nguồn: Tepbac.com được tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Nên ăn hải sản nuôi hay tự nhiên?

Có nhiều tranh cãi giữa việc ăn hải sản đánh bắt tự nhiên tốt hơn so với hải sản được nuôi. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng ăn cá nuôi tốt hơn. Dưới đây là sự phân tích những nhận định so sánh giữa tôm cá nuôi và đánh bắt tự nhiên.

1. Ăn hải sản nuôi không tốt cho sức khỏe?

Thực tế cho thấy ăn hải sản nuôi tốt cho sức khỏe hơn đánh bắt từ tự nhiên. Thức ăn thủy sản phải đảm bảo tôm cá nuôi phải an toàn và tốt cho sức khỏe người dùng. Thức ăn thủy sản phải đảm bảo sản xuất chất lượng tôm cá ngon, an toàn cho người sử dụng, và bảo vệ môi trường. Nhiều nghiên cứu cho thấy hàm lượng acid béo omega-3 giữa cá nuôi và cá tự nhiên không khác nhau. Omega-3 bao gồm alpha-linolenic acid (ALA), docosahexaenoic acid (DHA), và eicosapentaenoic acid (EPA), là những acid béo không no tốt cho sức khỏe, giúp giảm nguy cơ tăng huyết áp, và tốt cho sự phát triển của não. Những nghiên cứu gần đây cho thấy omega-3 còn giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như ung thư vú và tim mạch.

ALA có nhiều trong dầu thực vật, DHA và EPA có nhiều trong hải sản đặc biệt trong những loài cá ở xứ lạnh như cá hồi, cá thu, cá ngừ, ….Trong tự nhiên, cá sản sinh ra các omega-3 nhờ vào ăn các loài cá nhỏ hơn. Trong khi đó, cá nuôi được cho ăn thức ăn với hàm lượng protein cao cùng với hàm lượng omega-3 tương đương với cá tự nhiên.

Do đó, cá nuôi thường có hàm lượng DHA cùng với EPA cao hơn cá được đánh bắt ngoài tự nhiên và các mức độ chính xác phụ thuộc vào thành phần thức ăn.

2. Môi trường cá nuôi dơ và mật độ cao?

Cá luôn sống theo bầy đàn, ngay cả trong tự nhiên cá luôn sống theo bầy. Do đó, so với cá nuôi với mật độ dày thì cá ngoài tự nhiên sống theo bầy đàn thì điều kiện môi trường nuôi gần như là như nhau.

3. Dịch bệnh cùng với sự bùng phát của ký sinh trùng?

Dịch bệnh và ký sinh trùng bùng phát thường xuyên xuất hiện trong tự nhiên, do tập tính sống theo bầy đàn của cá và cá luôn di chuyển, điều này làm cho dịch bệnh lây lan từ nơi này đến nơi khác. Trong nuôi trồng thủy sản, người nuôi luôn kiểm soát môi trường nước nuôi nhằm hạn chế tối đa sự bùng phát của dịch bệnh cũng như sự phát triển của các ký sinh trùng gây bệnh.

4. Ảnh hưởng bởi việc sử dụng kháng sinh?

Ngày nay để đáp ứng cho ngành công nghiệp nuôi trồng thủy sản, cùng với việc hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc kháng sinh, nên nhiều loại vaccine được sử dụng thành công trên cá. Bên cạnh đó nhiều thực phẩm bổ sung được sử dụng trong công thức thức ăn nhằm tăng cường sức khỏe cùng với tăng cường hệ miễn dịch của cá. Hiện nay nhiều nước trên thế giới đã có nhiều mô hình nuôi hoàn toàn không sử dụng kháng sinh, với sự kiểm soát môi trường nước nuôi, qua đó tạo ra sản phẩm thủy sản sạch.

5. Cá nuôi chứa các chất tạo màu ảnh hưởng đến sức khỏe?

Thực tế nghiên cứu màu trên cá hay thịt cá như cá hồi hay cá tráp là do ăn cá thức ăn trong tự nhiên có chứa chất tạo sắc tố gọi là carotenoids. Các carotenoids phổ biến là astaxanthin và canthaxanthin, các chất này được xem là những chất chống oxy hóa, giàu vitamin A cho cá trong tự nhiên. Trong sản xuất thức ăn cho cá, khẩu phần thức ăn có bổ sung thêm astaxanthin tự nhiên hay tổng hợp nhằm tăng sắc tố tự nhiên của cá.

Do đó, việc bổ sung vào astaxanthin vào thức ăn cho cá giống với điều kiện ngoài tự nhiên và không ảnh hưởng gì đến sức khỏe.

Nguồn:  Aquaculturealliance.org được tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật nuôi chim cút

1. Chọn chim cút giống

Hiện nay có rất nhiều trang trại cung cấp chim cút giống nên việc tìm ra địa chỉ mua là điều không quá khó. Mấu chốt của vấn đề nằm ở cách chọn giống. Sau đây là một số lưu ý cho bà con khi chọn mua chim cút giống.

Con trống: Ở loài chim cút thì con trống nhỏ hơn con mái, chọn mua con giống 25-30 ngày tuổi và nặng khoảng 70-90g/con. Khi chọn giống cần chọn những chim nhanh nhẹn, không dị tật, lông mượt da nhẵn, đầu nhỏ, mỏ ngắn, cổ dài, lông ngực vàng hoặc vàng nâu và ngực nở.

Con mái: Chọn con mái >100g, cổ nhỏ, lông mượt, lông ngực đốm trắng đen, xương chậu rộng sẽ đẻ tốt, hậu môn nở, đỏ hồng

Hiện nay tại Việt Nam nuôi chủ yếu là chim cút Nhật Bản. Đây là giống chim rất dễ nuôi, sức đề kháng mạnh, sinh sản tốt (đẻ 260 – 300 trứng/năm) trong thời gian dài.

Cút giống

2. Chuồng nuôi chim cút

Có rất nhiều cách làm chuồng nuôi chim cút với kích thước rất đa dạng. Chim cút rất dễ nuôi nên có thể nuôi trong lồng hoặc vây lưới thép nuôi dưới nền đều được. Sau đây là quy cách chuồng tham khảo được khuyến nghị cho bà con:

  • Kích thước chuồng: 1×0.5x2m làm bằng khung thép hoặc gỗ và lưới vuông 1x1cm để chim dễ di chuyển và tiện vệ sinh. Mỗi chuồng như vậy có thể nuôi 20 – 25 chim cút mái.

Nuôi chim cút trong lồng

  • Nền chuồng nên làm có độ dốc khoảng 3 độ để trứng lăn ra mà không bị bể.
  • Nóc chuồng làm bằng vật liệu mềm vì chim cút hay nhảy nên dễ bị tổn thương phần đầu
  • Khi nuôi số lượng lớn thì các chuồng có thể xếp lên nhau và để khoảng trống 10cm để vỉ hứng phân chim và vệ sinh.
  • Máng thức ăn, nước uống: Làm bằng vật liệu dẻo, dài 0.5m, rộng 5cm, cao 5cm. Đối với chim non có thể nhỏ hơn.

Chuồng nuôi chim cút

3. Thức ăn cho chim cút

Mỗi cá thể chim cút trưởng thành ăn khoảng 20g/ngày và uống 50-80ml nước/ngày. Lưu ý là mỗi ngày chim mái sẽ đẻ 1 trứng nên thức ăn phải luôn đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng và nước luôn là nước sạch.

Thức ăn cho chim cút

Thức ăn chủ yếu cho chim cút là cám viên. Người nuôi có thể bổ sung các loại hạt như đậu, kê, cao lương, lúa để vỗ béo. Ngoài ra, cần bổ sung các vitamin và khoáng chất bằng cách trộn vào thức ăn hoặc pha với nước uống để tăng sức đề kháng và duy trì khả năng sinh sản tốt.

Chim cút ăn khá nhiều, mội ngày nên cho ăn 3-4 lần và tập cho đàn chim ăn đúng giờ giấc từ khi mới nở.

4. Chăm sóc đàn chim

Quá trình chăm sóc chim cút được chia làm 3 giai đoạn:

  • Cút con (1-25 ngày): Chim cút nở ra phải được sưởi ấm ngay để duy trì thân nhiệt. Nhiệt độ sưởi trong tuần đầu là 34 độ và giảm dần mỗi tuần 3 độ đến tuần thứ 4 thì kết thúc. Môi trường nuôi luôn đảm bảo khô thoáng và ấm áp. Thức ăn trong giai đoạn này cần giàu đạm và vitamin.
  • Cút thịt (25-30 ngày): Khẩu phần giai đoạn này hướng đến mục tiêu vỗ béo nên sẽ giàu tinh bột và ít đạm, để chim ăn tự do cả ngày lẫn đêm đến 40 ngày có thể bắt đầu xuất bán.
  • Cút sinh sản: khẩu phần của cút sinh sản cần đảm bảo đầy đủ tất cả các chất dinh dưỡng để chim đẻ đều. Mỗi ngày cút mái đẻ 1 trứng nên cần phải ăn bù lại khối lượng đó. Cút mái ăn khoảng 25g/ngày.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Tìm hiểu về chim cút

Chim cút (Chim cay) là một tên gọi chung cho một số chi chim có kích thước trung bình trong họ Trĩ (Phasianidae), hoặc trong họ Odontophoridae (chim cút Tân thế giới). Bài này chúng tôi chỉ giới thiệu về các loài sinh sống trong khu vực thuộc họ Trĩ. Các loài chim cút hiện nay không có quan hệ họ hàng gần, nhưng chúng cũng được gọi là chim cút do bề ngoài và các hành vi tập tính gần giống với các loài chim cút ngày trước.

Chim cút

Các loài cút trước kia cũng đã được gọi là chim cút, nhưng chúng thuộc về họ Turnicidae và chúng không phải là chim cút thật sự, chúng chưa được con người nuôi chúng với mục đích lấy thịt hay trứng ở quy mô thương mại như các loài chim cút thực sự. Chúng có các đặc điểm như:

– Chim cút là các loài chim nhỏ, mập mạp sống trên đất liền. Chúng là các loai chim ăn hạt, nhưng cũng ăn cả sâu bọ và các con mồi nhỏ tương tự. Chúng làm tổ trên mặt đất. Một số loài chim cút được nuôi với số lượng lớn trong các trang trại. Chúng bao gồm chim cút Nhật Bản, chúng cũng được biết đến như là chim cút coturnix, được nuôi giữ chủ yếu để sản xuất trứng và được bán rộng trên khắp thế giới.

Chim cút được nuôi tại nhà

– Chim cút có thị giác rất phát triển nên có khả năng nhận biết và chọn lọc thức ăn cao, nhưng vị giác và khứu giác của chúng lại kém phát triển nên khó nhận biết mùi vị thức ăn. Vì vậy, chim cút rất dễ bị ngộ độc thức ăn do ăn phải thức ăn ôi, mốc.

– Chim cút mặc dù đã được thuần hóa nuôi dưỡng từ lâu nhưng còn mang nhiều đặc tính hoang dã. Đáng chú ý là chúng vẫn sợ tiếng động, tiếng ồn nên thường bay lên va vào thành lồng mà chết. Ngày nay, chim cút nuôi nhốt được cho ăn đầy đủ, chăm sóc tốt cho sản lượng trứng 300 – 360 trứng/năm, có con đến 400 trứng/năm. Tỷ lệ đẻ trung bình đến 80 – 90%, khối lượng trứng trung bình 10 – 15 g/quả. Tuổi bắt đầu đẻ trứng của chim cút khoảng 40 ngày, thời gian chim cút đẻ trứng từ 14 – 18 tháng.

Nuôi chim cút đẻ không đòi hỏi nhiều diện tích chuồng nuôi, thức ăn chi phí không nhiều mà hiệu quả chăn nuôi lại cao. Mỗi ngày cho chim cút ăn 20 – 25gr thức ăn thì sẽ thu được một quả trứng nặng 10 – 11g cho thấy chim cút là loài gia cầm có năng suất tạo trứng cao.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Sản xuất chế phẩm sinh học từ bột bã mía

Sau khi tốt nghiệp đại học năm 2014, chàng trai Trần Phúc Hậu về quê lập nghiệp với dự án khởi nghiệp là sản xuất chế phẩm sinh học bằng bột bã mía nhằm giúp người nuôi tôm giảm chi phí sản xuất, cải thiện môi trường nuôi.

Ban đầu, Hậu mở cửa hàng kinh doanh thuốc thủy sản để cung cấp cho người dân nuôi tôm trong vùng. Tuy nhiên, năm đó dịch bệnh tràn lan làm tôm nuôi chết hàng loạt, Hậu lỗ mấy trăm triệu đồng vì người nuôi thua lỗ không có tiền trả. Thấy việc sử dụng thuốc thủy sản chi phí cao, người nuôi ít có lãi nên Hậu tìm cách tạo ra chế phẩm sinh học để chính mình sử dụng và bán cho bà con.

Sản xuất chế phẩm sinh học từ bã mía

Hậu kể: “Lúc đó khi tìm hiểu trên mạng internet thấy tác dụng của bã mía có một số chất có thể tạo màu nước, kích thích tảo có lợi phát triển, cải thiện môi trường nuôi nên tôi tìm tòi nghiên cứu. Khi đó, không có bã mía nên tôi nhờ người đi thu gom từ những xe bán nước mía trong vùng rồi mua máy xay về xay nhuyễn, ủ men vi sinh để thử nghiệm”.

Hậu thử nghiệm chính ao nuôi của gia đình và những hộ bà con ở xung quanh. Sau 2 tháng thử nghiệm thành công chàng thanh niên mạnh dạn sản xuất để chào hàng, cung cấp cho người nuôi tôm. Khi đó, bột bã mía được ủ lên men 72 giờ với các thành phần như mật đường, men vi sinh có lợi, nước sạch…

Sau khi thành phẩm sẽ cung ứng cho người dân sử dụng trong ao tôm với giá 5.000 đồng/kg. Người nuôi tôm sẽ sử dụng chế phẩm sinh học này bón vào ao tôm ngay sau khi làm ao để phân hủy bùn hữu cơ; ngay trong thời điểm nuôi để tạo màu nước, kích thích tảo có lợi phát triển…

Hậu cho biết: “Bột bã mía có nguồn gốc từ thiên nhiên nên sử dụng rất tốt để cải tạo môi trường nuôi sau thời gian dài nuôi tôm bằng các sản phẩm thuốc thủy sản. Khi sử dụng, người nuôi không chỉ giảm 50% so với sử dụng thuốc thủy sản mà còn giúp kích thích tảo có lợi phát triển, ổn định màu nước, ngăn ngừa khí độc, cung cấp hệ vi sinh đường ruột giúp tôm nuôi phát triển, phân hủy bùn bã hữu cơ dưới đáy ao…”.

Bột bã mía được xay nhuyễn

Ban đầu người nuôi khá dè dặt khi sử dụng chế phẩm từ bột bã mía của Hậu. Tuy nhiên, sau nhiều vụ thành công, người nuôi trong vùng và cả các tỉnh xung quanh đã tìm đến đặt hàng mang chế phẩm sinh học này về sử dụng trong ao nuôi tôm. Hậu bắt đầu mở rộng quy mô sản xuất, không mua xác mía về xay nữa mà đặt hàng bã mía từ nhà máy đường đem về ủ để cung cấp cho người dân. Hiện tại, mỗi ngày Hậu bán được 500 kg bột bã mía cho người nuôi trong vùng và cung ứng khoảng 5 tấn/tháng cho người nuôi ở các tỉnh lân cận như: Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu.

Theo Hậu, nếu trừ chi phí nhân công, nguyên liệu sẽ thu lợi nhuận khoảng 2.000 đồng/kg từ sản phẩm bột bã mía. Tính ra, mỗi tháng Hậu “bỏ túi” từ 30 đến 40 triệu đồng từ mô hình độc đáo này. Hiện tại, nhu cầu của thị trường khá lớn nên dự kiến Hậu sẽ mở rộng sản xuất để hạ giá thành, nghiên cứu các chế phẩm khác để phục vụ cho người nuôi tôm.

Ông Mai Văn Hưng (ngụ xã Bình Thới, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) cho biết: “Nhờ người giới thiệu nên tôi mua bộ bã mía của Hậu về sử dụng thấy hiệu quả khá cao. Bột bã mía này làm cải thiện môi trường nước, kích thích tảo có lợi phát triển. Thời gian gần đây dịch bệnh tràn lan, môi trường nuôi bị ô nhiễm nên theo tôi việc sử dụng bột bã mía sẽ rất hiệu quả để cải thiện môi trường nuôi và giảm chi phí nuôi”.

Hiện tại, Hậu đang kêu gọi đầu tư để xây dựng nhà máy sản xuất vi sinh nhằm giảm giá thành sản xuất, giúp người nuôi tăng thêm lợi nhuận. Chàng thanh niên 8X này đang quyết tâm cùng nông dân làm giàu trên chính quê hương của mình và tìm ra giải pháp cải thiện môi trường nuôi trong hoàn cảnh dịch bệnh, ô nhiễm ngày càng tăng như hiện nay.

Nguồn dantri.com.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.

 

Kỹ thuật trồng hoa mào gà đơn giản tại nhà

Hoa mào gà tên khoa học là Celosia argentea var. Cristata Voss, Celosia argentea var. plumosa thuộc họ dền – Amaranthaceae. Mào gà còn có tên mồng gà, kê công hoa, kê quan hoa, kê cốt tử hoa…Cây sống dai, cao 30 – 45cm hay hơn, có thân thẳng đứng và phân nhánh. Lá hình bầu dục, màu xanh xám pha đỏ. Cụm hoa xòe ra ở ngọn thành hình quạt, trông giống như mào con gà trống.

Vẻ đẹp của hoa mào gà

Hình dáng của hoa mào gà cũng khá lạ mắt, các hoa thật tạo thành một phần hình trụ ở phía dưới các mào đỏ. Hoa có nhiều màu như đỏ, vàng, cam hay hồng, thường gặp là màu ngọn lửa, còn có các màu khác như tím, vàng da cam, trắng, vàng đỏ. Có những dạng cây có cụm hoa rất lớn, xoắn lại thành hình cầu đỏ thắm. Lại có dạng có cụm hoa mảnh, kéo dài, màu đỏ và vàng xen nhau.

Cây trồng chủ yếu để lấy hoa vào mùa hè, nhưng có thể trồng quanh năm. Thường sử dụng để trồng trong chậu, trồng ở các vườn hoa và cắt hoa cắm lọ. Cũng chính vì hoa mào gà có màu sắc đẹp, hình thái lạ mắt nên được nhiều gia đình ưa chuộng trồng xung quanh nhà. Tuy nhiên, dù kỹ thuật trồng rất đơn giản nhưng không phải ai cũng biết. Dưới đây là cách trồng và chăm sóc hoa mào gà đơn giản nhất cho bà con tham khảo.

Hoa mào gà đỏ

1. Mùa trồng và nhiệt độ thích hợp

Mào gà là loại cây dễ trồng. Cây hoa mào gà được trồng nơi đình chùa, loại nhỏ trồng vào chậu. Hoa mào gà nguyên sản ở Ấn Độ. Chúng ưa nóng, không chịu rét, sinh trưởng trong môi trường không khí khô, đủ ánh sáng, đất cát, nhiều mùn. Có 2 nhóm giống mào gà chính: màu đỏ và màu vàng

Hoa mào gà đỏ và hoa mào gà vàng

2. Kỹ thuật gieo trồng

Chọn giống: Thông thường khi trồng hoa mào gà chúng ta sẽ ươm hạt. Hạt hoa mào gà có màu tím, dễ tìm thấy tại các cửa hàng bán hạt giống hoa để lựa chọn cho mình cây hoa mào gà với màu sắc ưng ý nhất.

Chuẩn bị đất: Hoa mào gà thích hợp với các loại đất thịt nhẹ, tơi xốp, nhiều mùi và có độ pH 6 – 6.5.

Gieo trồng: Nhiệt độ thích hợp để gieo hạt là 20 – 250C. Trước đó, bạn tưới nước và bón phân cho đất, sau đó gieo hạt lên lớp đất mỏng rồi dùng rơm hoặc cỏ phủ lên để che nắng. Sau 3 – 5 ngày hạt sẽ nảy mầm, trong thời gian này không nên tưới nhiều nước vì sẽ làm trôi hạt, nếu đất khô bạn dùng bình phun sương để xịt.

Chuyển cây ra trồng: Sau khi cây được 5 – 6cm thì bạn nên chuyển cây ra trồng hoặc chuyển xuống đất trồng tùy vào mục đích sử dụng. Đất trồng cây con là đất thịt pha cát kết hợp với xơ dừa, tro hoặc trấu.

Muốn có hoa to, phải tỉa bớt tất cả các mầm non mọc ở nách lá và các hoa phụ. Hạt màu đen tím. Màu hoa cũng rất nhiều loại, thường gặp là màu ngọn lửa, còn có các màu khác như tím, vàng da cam, trắng, vàng đỏ.

3. Chăm sóc

Mào gà là loài hoa rất “dễ tính” khi không kén đất trồng, không mất nhiều công chăm sóc những vẫn cho hoa nhiều mùa, bền lâu, rực rỡ. Có thể dễ dàng nhìn thấy mào gà ở các chậu, bồn hoa làm cảnh trong nhà, trong khuôn viên công sở, bệnh viện, trường học,…

Mỗi ngày tưới nước cho cây từ 1-2 lần vào sáng sớm và chiều mát, tùy vào điều kiện thời tiết. Khi cây bén rễ hồi xanh, tiến hành bón phân vi sinh hoặc trùn quế pha loãng, lọc lấy nước tưới cho cây. Khi cây được 35 ngày tuổi thì nên bấm ngọn, tạo điều kiện cho cây chồi nách phát triển, hoa sau này sẽ đẹp và to. Mào gà lửa là loại hoa có bộ rễ ăn ngang nên chỉ vun xới lúc cây còn nhỏ, bước vào giai đoạn trưởng thành thì không nên vun.

Cần tiến hành tỉa bớt các nụ ở nách lá khi cây có nhiều nụ nhỏ, nên tỉa bớt các nụ ở nách lá, chỉ giữ lại 1 nụ ở cành chính để tập trung dinh dưỡng cho bông hoa to. Sau khoảng 60-65 ngày, hoa mào gà lửa sẽ nở hoa. Cũng cần đặc biệt chú ý đó là cần đặt chậu hoa ở nơi có nhiều ánh sáng để cây quang hợp và cho hoa rực rỡ.

4. Phòng trừ sâu bệnh

Sâu xanh: Cắn lá, ăn nụ hoa. Sử dụng các loại thuốc như Sherpa, Fenbis…

Tuyến trùng: Tuyến trùng sau khi xâm nhập vào rễ cây, làm cho mô tế bào phình to lên thành các khối u. Để phòng trừ cần nhổ bỏ cây bệnh đem tiêu hủy, phun thuốc trừ tuyến trùng như Mocap.

Hoa mào gà cũng rất nhiều sâu bệnh nên đòi hỏi người trồng cũng phải bỏ công chăm sóc mới cho ra hoa quanh năm.

Bệnh đốm nâu: Đốm bệnh hình tròn, mọc rải rác, không liền nhau. Bệnh nặng làm cho lá héo hoặc thủng lá. Do đó cần hái lá bị bệnh khi bệnh mới xuất hiện, bón phân hữu cơ, tránh đọng nước, để nơi có nắng và gió. Hoặc phun Topsin 0.2%. Benlat 0.2%.

Bệnh đốm than: Gây hại trên lá. Ban đầu là các chấm nhỏ màu vàng khô hoặc màu nâu, về sau thành đốm tròn. Bệnh nặng có thể gây hại 1/3 diện tích lá, mép có viền màu nâu sẫm, trên đốm có các chấm đen nhỏ. Vì vậy cần nhặt và tiêu hủy các lá bệnh hoặc có thể phun các loại thuốc như Benlat 0.2%.

Bệnh đốm vân vàng: Bệnh thường phát sinh ở ngọn lá, mép lá mới đầu hình thành các chấm nhỏ màu nâu nhạt, rồi lan rộng thành đốm có vân vòng đồng tâm, mép lồi lên có viền màu nâu sẫm, giữ màu trắng vàng, hai lá có bột dạng mốc nâu. Người trồng và chăm sóc nên hái lá tiêu hủy khi bệnh mới xuất hiện, phân bố cây hoa thoáng, nhận nhiều ánh sáng, hoặc phun thuốc như Benlat 0.2% hoặc Bordeaux 0.5%.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Dự đoán trước bệnh trên các loài thủy sản nuôi bằng cách phân tích mẫu DNA môi trường

Để đánh giá sự hiện diện của mầm bệnh lây lan qua môi trường nước ở ngành nuôi cá chẽm Úc, các nhà nghiên cứu đã sử dụng một kỹ thuật di truyền tiên tiến. Thành công của dự án cho thấy tiềm năng to lớn của kỹ thuật này đối với sự phát triển của ngành công nghiệp nuôi trồng thủy sản.

Giana Bastos Gomes là một nghiên cứu sinh tại Trung tâm Nuôi trồng thủy sản và Nghề cá nhiệt đới bền vững, thuộc Đại học James Cook, Úc. Cô đã thực hiện một dự án nhằm nghiên cứu khả năng sử dụng mẫu eDNA (environmental DNA) để phát hiện sự có mặt của các loài trùng miệng lệch (Chilodonella spp.) ở các trang trại nuôi cá chẽm nước ngọt. Các kết quả eDNA của Giana đã chỉ ra rằng có thể dự đoán được các đợt cá chết khi có nhiều kí sinh trùng lông tơ trong nước.

Chilodonella nghiêm trọng đến đâu và nó có ảnh hưởng đến các loài cá hay các vùng địa lý khác không?

Chilodonella spp. là những loài ký sinh trùng lông tơ phân bố trên toàn thế giới, lây nhiễm đến hầu hết các loài cá nước ngọt. Những ký sinh trùng này đã nhận được sự quan tâm nghiên cứu đáng kể trong 10 năm qua do sự gia tăng nuôi thủy sản nước ngọt trên toàn thế giới. Việc tăng cường nuôi thâm canh của các hệ thống nuôi trồng thủy sản nước ngọt đã làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như chilodonellosis (bệnh nhiễm trùng do Chilodonella spp. gây ra).

Lấy mẫu eDNA khác như thế nào so với các thủ tục lấy mẫu truyền thống, chẳng hạn như mô bệnh học?

Sử dụng eDNA để phát hiện các mầm bệnh – chẳng hạn như vi khuẩn và ký sinh trùng – tập trung vào việc phát hiện và định lượng vật liệu di truyền mục tiêu có trong nước hoặc trầm tích, ví dụ trước khi động vật bị bệnh. Vì vậy, chúng ta có thể gọi nó là một phương pháp tiên đoán, trong khi mô bệnh học truyền thống xác định những mô bị tổn thương do bệnh gây ra khi động vật đã bị nhiễm bệnh và đang có triệu chứng của bệnh.

eDNA có được sử dụng rộng rãi trong nuôi trồng thủy sản hoặc các ngành chăn nuôi khác?

eDNA chủ yếu được sử dụng cho các nghiên cứu về pháp y và bảo tồn. Đây là một cách tiếp cận mới đối với nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là cho mục đích thương mại, mặc dù đã được các nhà nghiên cứu sử dụng khá rộng rãi trong thời gian gần đây.

Về thời gian giữa lấy mẫu và cho kết quả?

Phụ thuộc vào khoảng cách giữa trang trại và phòng thí nghiệm. Một khi mẫu đã về phòng thí nghiệm thì chỉ mất vài ngày là có kết quả khuyếch đại vật liệu di truyền. Để một dự án nghiên cứu bắt đầu từ một mớ hỗn độn (như dự án của tôi), cần phải mất hai năm để phát triển phương pháp. Nhưng trong tương lai gần, chúng tôi muốn phát triển các thiết bị tại chỗ (tại trang trại) để thu được kết quả tối đa trong vòng hai giờ.

Trên thực tế, làm thế nào để so sánh chi phí? Và tính khả thi ra sao để đào tạo công nhân ở các trang trại nuôi cá sử dụng?

Phương pháp eDNA phải được sử dụng như một cách tiếp cận để phòng ngừa bùng phát dịch bệnh. Lý tưởng nhất là nên sử dụng kết hợp với việc phân tích các thông số về chất lượng nước. Người nuôi sẽ tiết kiệm tiền bằng cách không đợi cho đến khi vật nuôi bị bệnh để hành động. Giống như sức khỏe con người, phòng bệnh trong nuôi trồng thủy sản ít tốn kém hơn so với trị bệnh.

Lấy nước để thu mẫu eDNA rất đơn giản và bất cứ người nuôi nào cũng có thể làm được. Phần việc có tính kỹ thuật và phức tạp hơn thì hiện phải được làm trong phòng thí nghiệm phân tử. Nhưng trong tương lai, với việc sử dụng các thiết bị phát hiện tại chỗ, các kỹ thuật viên trong lĩnh vực này sẽ có thể thực hiện được.

Tôi cũng đang làm việc trên một thiết bị tại chỗ điểm dựa trên DNA (DNA-based point-of-care device) trong một dự án do công ty Nghiên cứu và Phát triển nghề cá (FRDC) cùng với Bộ Nông nghiệp và Thủy lợi Úc tài trợ nhằm giúp đỡ cho những người nuôi thủy sản ở các vùng hẻo lánh, xa các phòng thí nghiệm chẩn đoán.

Điều gì đã thu hút cô đến với ngành nuôi cá chẽm?

Cá chẽm (barramundi) là một loài cá mang tính biểu tượng ở Úc và đã thu hút được rất nhiều nghiên cứu, không chỉ ở nước này mà còn ở Châu Á. Từ thực tế này, cùng với mối quan hệ gần gũi mà tôi đã có được với các trang trại nuôi cá chẽm lớn ở Úc đã thôi thúc tôi tìm ra những cách giải quyết mang tính đột phá đối với các bệnh gây ra trên loài cá này.

Cô có ngạc nhiên về các kết quả nào không?

Tôi ngạc nhiên rằng kỹ thuật này đã làm việc rất tốt để phát hiện ra Chilodonella, vì nghiên cứu luôn có may rủi. Bạn có một ý tưởng khi bạn thiết kế dự án, nhưng kết quả có thể hoàn toàn khác so với những gì bạn mong đợi.

Nghiên cứu của cô đã làm sáng tỏ những điều kiện cụ thể thích hợp nào để dịch bệnh Chilodonella bùng phát?

Nghiên cứu của chúng tôi đã chứng minh một số xu hướng liên hệ giữa lượng mưa thấp và mật độ Chilodonella cao, đặc biệt nguy hiểm đối với cá nhỏ. Tuy nhiên, các nghiên cứu tiếp theo trên các loài cá khác cũng như lấy mẫu nước và các thông số về chất lượng nước thường xuyên hơn trong tương lai sẽ là rất quan trọng để xác định được các yếu tố môi trường thích hợp cho sự bùng phát của bệnh Chilodonella.

Các kết quả nghiên cứu của cô có gợi ý điều gì cho các ngành nuôi thủy sản khác?

Ý định kết hợp với nghiên cứu này là sử dụng phương pháp eDNA và các dữ liệu về chất lượng nước từ trang trại nuôi cá nước ngọt làm một mô hình để chứng minh khái niệm này. Hiện các ngành công nghiệp nuôi trồng thuỷ sản khác có thể sử dụng được phương pháp này.

Làm thế nào mà người nuôi có thể phản ứng để giảm thiểu những tác động của mật độ ký sinh trùng cao do kỹ thuật này phát hiện ra?

Mỗi loài thủy sản và hệ thống nuôi trồng thủy sản sẽ có cách tiếp cận khác nhau, nhưng trong trường hợp nghiên cứu của chúng tôi, người nuôi có thể xem xét việc thay đổi thời gian nuôi trong năm và có thể cân nhắc để thả cá lớn hơn. Có thể có các phương pháp xử lý bằng hóa chất có hiệu quả hơn trước khi cá bị bệnh và ký sinh trùng lây lan thêm. Quan trọng hơn là eDNA có thể giúp các nhà quản lý trang trại cải tiến các quy trình an ninh sinh học và tăng cường năng lực phản ứng của họ.

Cô hoặc các nhà nghiên cứu khác có thể sử dụng các kết quả của nghiên cứu này như thế nào?

Các ứng dụng có thể của phương pháp eDNA trong nuôi trồng thuỷ sản là rất lớn. Ví dụ, liên kết giữa việc định lượng các mầm bệnh (phương pháp eDNA) trong các hệ thống nuôi trồng thuỷ sản với các cảm biến thời gian thực để kiểm tra chất lượng nước có thể là một “kẻ là thay đổi cuộc chơi” đối với người nuôi. Nó có thể nhanh chóng chứng minh xu hướng giữa sự hình thành mầm bệnh và những thay đổi lớn của oxy hoặc nhiệt độ, ví dụ như thế. Tiếp cận nhanh chóng với loại thông tin này sẽ cho phép người nuôi áp dụng các chiến lược quản lý phù hợp để giảm thiểu hoặc tránh các tổn thất về kinh tế do dịch bệnh bùng phát gây ra.

Nguồn: TheFishSite.com được tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Tại sao cá ngừ có thể có lượng hóa chất gấp 36 lần so với các loại khác?

Cá ngừ là loại cá có giá trị kinh tế cao thường được ngư dân đánh bắt để xuất khẩu và rất được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên đây là loại cá được khuyến khích không nên ăn nhiều  bởi có thể nguy hại cho cơ thể.

Các nhà nghiên cứu tại Viện Hải dương học Scripps thuộc Đại học California San Diego đã phát hiện ra mức độ chất ô nhiễm hữu cơ bền lâu cao gấp 36 lần trong mô cơ của cá ngừ vây vàng đánh bắt ở các khu vực công nghiệp hóa của vùng Đông Bắc Thái Bình Dương và Đông Bắc Đại Tây Dương so với cá ngừ đánh bắt ở các vùng biển nguyên sơ của Tây Thái Bình Dương.

Các chất ô nhiễm hữu cơ bền lâu (POPs) bao gồm thuốc trừ sâu, chất làm chậm cháy, và polyclorinated biphenyl (PCBs) – những chất được sử dụng trước đây như một chất làm mát trong các thiết bị điện và các thành phần trước khi chúng bị cấm ở Hoa Kỳ vào năm 1979. Mặc dù chúng bị hạn chế hoặc không được sử dụng, các thành phần này tồn tại trong môi trường và cuối cùng tích tụ trong các sinh vật, bao gồm các loài thủy sản và con người. POPs gây một số tác dụng bất lợi ở người, bao gồm can thiệp vào sự phòng vệ của cơ thể chống lại các chất lạ.

Theo các nhà nghiên cứu, hầu hết 117 con cá ngừ trên thế giới được phân tích trong nghiên cứu này sẽ được coi là an toàn theo hướng dẫn tiêu dùng hiện nay. Tuy nhiên, họ ghi nhận rằng 90% cá ngừ được đánh bắt ở vùng Đông Bắc Đại Tây Dương và hơn 60% cá ngừ đánh bắt ở Vịnh Mexico có chứa các mức độ chất ô nhiễm có thể cần đưa ra các lời khuyên về sức khoẻ cho những người tiêu dùng thường xuyên và những người có nguy cơ, bao gồm cả phụ nữ mang thai hoặc những người có hệ miễn dịch bị tổn thương.

Các tác giả cũng tìm thấy các mức độ cụ thể của các chất ô nhiễm này được biết đến làm suy yếu hệ thống phòng vệ của cơ thể con người trong việc chống lại các hóa chất và chất độc. Nhóm các chất ô nhiễm này được gọi là các chất ức chế sự hoạt động (TICs). Đáng ngạc nhiên là TIC có trong tất cả cá ngừ với mức cao nhất được phát hiện lần nữa ở những nơi bị ô nhiễm nhiều nhất.

Nhà nghiên cứu Tiến sĩ Sascha Nicklisch của Scripps, người chủ trì nghiên cứu, cho biết: “Đáng ngạc nhiên, chỉ có một vài loại chất ô nhiễm được phát hiện trong cá ngừ có thông tin quy định để tính toán các khuyến cáo về chế độ ăn. Một vấn đề quan trọng được nêu ra trong nghiên cứu này là làm thế nào để hướng dẫn khoa học và chính sách về các mối nguy hiểm có thể liên quan đến các hóa chất này trong các nguồn thực phẩm của chúng ta”.

Các nhà nghiên cứu trước đây đã tìm thấy mối tương quan giữa lượng chất ô nhiễm và phần trăm mỡ cơ thể của cá vì các chất ô nhiễm tích tụ trong lipid. Tuy nhiên, trong nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu của Nicklisch đã phát hiện ra rằng mức độ các chất ô nhiễm thường liên quan chặt chẽ hơn với vị trí mà cá được đánh bắt chứ không phải là lượng chất béo trong cá. Trong khi các nhà nghiên cứu không thể thiết lập mối quan hệ rõ ràng, dữ liệu của họ cho thấy rằng hàm lượng chất béo tự nó không phải lúc nào cũng là một dự báo đầy đủ về tổng khối lượng chất ô nhiễm có trong cá.

Nghiên cứu cho thấy rằng cần phải sử dụng vị trí đánh bắt để hướng dẫn các lựa chọn của người tiêu dùng và để giúp giảm sự tiếp xúc không chủ ý của con người đối với các chất ô nhiễm này.

Nguồn: Phys.org được tổng hợp lại bởi Farmtech VietNam.

Nông nghiệp hữu cơ có khác nông nghiệp sạch?

Nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp sạch về bản chất đều giống nhau là sản phẩm sạch, an toàn và truy nguyên được nguồn gốc nhưng khác nhau cơ bản về phương thức và điều kiện canh tác…

Một nông trại trồng rau hữu cơ ở Lâm Đồng

Nông nghiệp hữu cơ: SX theo kiểu tự nhiên, truyền thống lâu đời của con người mà tạo ra sản phẩm. Theo quy định của IFOAM (tổ chức bảo vệ quốc tế về nông nghiệp hữu cơ), khi sản phẩm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ thì giống trồng do con người chọn lọc, bảo quản mà có, không phải là giống chuyển gen; đất trồng không sử dụng bất cứ loại phân hóa học, không dùng thuốc diệt cỏ, diệt sâu bệnh thuộc dạng hóa học và sử dụng nước sạch.

Nếu đất trước đó sử dụng các loại phân hóa học, thuốc BVTV thì phải cách ly khoảng 3 năm mới được sử dụng. Sản phẩm khi thu hoạch, vận chuyển, chế biến bảo quản phải được sử dụng công cụ và bao bì, đồ chứa đựng cũng sạch, khôn sử dụng các chất bảo quản cấm.

Nếu đối chiếu lại lịch sử canh tác của nông dân Việt Nam thì mấy ngàn năm qua, nông dân đã sử dụng các vật liệu, giống tự nhiên, không có hóa học, nên cũng được gọi là nông nghiệp hữu cơ. Tuy vậy cũng có khi chưa phải lúc nào cũng được gọi là nông nghiệp sạch.

Nông nghiệp sạch: Vẫn cho phép sử dụng tất cả các loại giống, kể cả giống chuyển gen, cho phép sử dụng phân hoá học, thuốc trừ sâu, trừ cỏ bằng hóa học. Tuy nhiên khi kiểm tra sản phẩm thì sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn sạch. Người ta quy định sản phẩm sạch theo một hệ thống kết hợp kinh nghiệm và số liệu chứng minh mức độ tồn dư của chất nào đó trong từng sản phẩm mà con người sử dụng liên tục cũng không đủ sức gây độc hại đến cơ thể con người hay gia súc. Trong hoạt động SX cũng không gây ra ô nhiễm môi trường. Vượt ngưỡng quy định đó là thuộc loại sản phẩm không sạch. Dựa vào tiêu chuẩn quy định của từng nước, từng khu vực hay quy định chung của thế giới để đánh giá.

Như vậy người SX muốn sản phẩm của mình được tiêu thụ trong nước và thế giới thì phải bảo đảm được yêu cầu của họ. Người SX phải biết điều chỉnh số lượng phân bón, thuốc trừ sâu cho cây trồng, chọn nguồn nước đảm bảo dùng tưới cho đồng ruộng để đạt được tiêu chuẩn của từng loại khách hàng. Để thực hiện được tiêu chuẩn nông nghiệp sạch theo quy định này trên thế giới hiện nay đều dựa vào tiêu chuẩn của GAP, có thể VietGAP, Asean GAP hay GlobalGAP.

Tuy nhiên khi SX, người trồng phải theo dõi thông tin của khách hàng để điều chỉnh cho phù hợp. Ví dụ, người Nhật mua hạt tiêu của Việt Nam trước đây chỉ yêu cầu dư lượng Metalaxy trong hạt tiêu dưới ngưỡng 0,1ppm là được, nay người ta có yêu cầu cao hơn là phải đạt mức 0,05 ppm mới được. Biết được yêu cầu của khách hàng thì người SX hoặc không sử dụng loại thuốc này hoặc hạn chế tối đa sử dụng cũng như thời gian cách ly. Phân bón hóa học cũng vậy.

Muốn đạt chuẩn các chất dinh dưỡng không vượt mức cho phép thì phải giảm thiểu tối đa số lượng sử dụng, nhất là loại phân đạm. Thực tế SX sạch theo tiêu chuẩn GAP cũng không phải đơn giản. Ví dụ GlobalGAP gồm có 12 nội dung chính trong đó có 68 chỉ tiêu người SX phải tuân thủ. Các vật liệu và điều kiện SX phải có lý lịch rõ ràng. Sản phẩm cũng phải được kiểm tra, chứng minh bằng số liệu phân tích và cũng phải được một đơn vị có năng lực, có chức năng chứng nhận, khi cần có thể truy nguyên được nguồn gốc xuất xứ.

Vậy trong SX, nông dân nên làm theo nông nghiệp hữu cơ hay theo tiêu chuẩn GAP? Về hướng SX nông nghiệp hữu cơ, Bộ NN-PTNT vẫn khuyến khích, hiện đã có một số trang trại và HTX hay tổ hợp tác đang SX theo hướng này, và có những kết quả đáng khích lệ. Khách hàng nghe nói sản phẩm hữu cơ thường an tâm hơn dù giá cả còn cao. Tuy nhiên ta chưa có hệ thống kiểm tra đánh giá nghiêm ngặt nên không ít cửa hàng thu mua sản phẩm thường rồi cho vào bao bì cũng gọi là sản phẩm hữu cơ, trắng đen còn lẫn lộn.

Nông nghiệp sạch đạt tiêu chuẩn VietGAP hay GlobalGAP ở Việt Nam đã có nhiều mô hình nhỏ có, mô hình cánh đồng lớn có, bà con đã làm quen, chỉ cần có tổ chức và giải quyết đầu ra ổn định thì khả năng mở rộng nhanh chóng và mạnh mẽ.

Vả lại SX sạch theo GAP vẫn cho phép sử dụng phân bón hóa học là nhân tố quan trọng làm tăng năng suất dễ hơn để có sản lượng nhiều hơn, đáp ứng được nhu cầu dân số ngày một tăng cao mà diện tích canh tác ngày một thu hẹp.

Vì vậy, SX theo hướng tăng cường phân bón hữu cơ, giảm thiểu lượng đạm và quản lý sâu bệnh theo hướng hữu cơ sinh học sẽ là bước đi chủ yếu…

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Chưng cất rượu từ trái thanh long ruột đỏ

Việc nghiên cứu thành công quy trình sản xuất rượu chưng cất từ trái thanh long đã góp phần giải quyết lượng thanh long hàng dạt, từ đó nâng cao giá trị kinh tế của trái thanh long Bình Thuận.

Riêng đối với nguyên liệu là trái thanh long, chủ yếu được sử dụng để sản xuất rượu vang trái cây (tức là rượu chưa qua chưng cất). Hiện nay, trên thị trường cũng chưa thấy xuất hiện sản phẩm rượu chưng cất từ thanh long, chỉ có một số sản phẩm rượu vang thanh long như của Công ty TNHH công nghệ thực phẩm Nhật Hồng, Công ty TNHH MTV Sản xuất rượu vang thanh long, HTX thanh long Hàm Đức…

Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu thanh long tại Bình Thuận, đặc biệt là hàng không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu tương đối nhiều lại ít có giá trị trên thị trường. Vì vậy, thời gian qua Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Tiến bộ KH&CN Bình Thuận (Trung tâm) đã nghiên cứu sản xuất rượu chưng cất từ nguyên liệu trái thanh long. Qua nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm, Trung tâm đã cho ra các dòng sản phẩm rượu thanh long, rượu thanh long – linh chi và rượu thanh long – tỏi đen với chất lượng cao, mang hương vị đặc trưng và thuần khiết.

Tháng 5/2017, sản phẩm rượu được chưng cất từ trái thanh long mang nhãn CISTI BÌNH THUẬN sẽ được bày bán tại cửa hàng của Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ KH&CN Bình Thuận – C1 Võ Văn Kiệt, Phan Thiết, Bình Thuận.

Các dòng sản phẩm rượu thanh long gồm: rượu thanh long nguyên chất, rượu thanh long – linh chi, rượu thanh long – tỏi đen.

Thanh long được ủ với men rượu có bổ sung đường và nếp với tỷ lệ nhất định và cho lên men ở điều kiện nhiệt độ phòng trong vòng 2 tuần. Sau khi lên men 2 tuần, rượu thanh long được lọc ra và đem đi chưng cất. Sau khi chưng cất, cho sản phẩm rượu thanh long không màu, mùi thơm nhẹ, đặc trưng, có độ rượu 29,5%.

Việc nghiên cứu thành công quy trình sản xuất rượu chưng cất từ trái thanh long đã góp phần giải quyết lượng thanh long hàng dạt, từ đó nâng cao giá trị kinh tế của trái thanh long, góp phần đa dạng hóa sản phẩm từ trái thanh long, nâng cao giá trị sử dụng của trái thanh long, giúp nông dân giảm phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu trái tươi như hiện nay.

Đặc biệt, đây là sản phẩm rượu chưng cất từ thanh long đặc trưng của mảnh đất Bình Thuận, thủ phủ thanh long, có thể được dùng làm sản phẩm quà biếu phục vụ du lịch Bình Thuận.

Cách làm rượu thanh long ruột đỏ tại nhà:

Nguyên liệu:

  • Thanh long đỏ 600g.
  • đường phèn 250g.
  • rượu 600g.
  • Bình ngâm rượu: bình  thủy tinh hoặc bình sành

Cách làm:

  • Thanh long rửa sạch, để khô ráo, sau đó gọt vỏ, thái thành miếng nhỏ. Cho vào lọ thủy tinh, cứ một lớp thanh long lại thêm một lớp đường phèn.
  • Đổ rượu vào ngâm, sau đó bịt kín lắp bình.
  • Đặt bình rượu vào chỗ mát, 3 tháng sau có thể dùng.
    Sau khi thanh long đã thành rượu, sẽ nghe mùi thơm dịu nhẹ, đem lược bỏ xác, đổ rượu vô chai đậy kỹ để dùng.
  • Ngon hơn khi để trong tủ lạnh và uống hằng ngày.

Chú ý:

  • Những người bị tiểu đường hạn chế dùng rượu thanh long
  • Phụ nữ mang thai và trẻ nhoe tuyệt đối không dùng rượu thanh long
  • Không lạm dụng rượu thanh long. Tốt nhất  50ml/ 1 ngày

Đây là thức uống tốt cho tim mạch.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.