Dinh dưỡng từ Cầu Gai – Nhân sâm biển

Gần đây, các quý ông thường rỉ tai nhau về loài hải sản có tác dụng thần kỳ làm tăng lượng “tinh binh” và bản lĩnh đàn ông với tên gọi lạ lùng: Con si đa (hay còn gọi là Nhum biển). Ít ai biết rằng nó được xem là “thần dược phòng the” của vua Minh Mạng từ thời xa xưa.

Nhum biển – nguồn gốc “Viagra thiên nhiên”

Nhum còn gọi là nhím biển, cầu gai hay con si đa (tên khoa học là sea urchin, sea chestnus). Đây là động vật thuộc loài nhuyễn thể có họ hàng với trai, sò. Nhum có nhiều loại như: Nhum mỡ, nhum bạc, nhum ta.

Tại Việt Nam, nhum là một món ăn thuộc loại đặc sản tại các vùng ven biển Phan thiết, Sa huỳnh, Cam Ranh, Phú Quốc. Thời vua Minh Mạng, mắm nhum là cống vật hằng năm mà triều đình bắt buộc người dân Quảng Ngãi phải cống bằng vật, không được dùng tiền để thay.

Vì vậy, nhiều người tin rằng vị vua này thường xuyên ăn mắm nhum để hỗ trợ chuyện phòng the và dệt nên giai thoại “nhất dạ lục giao” (một đêm ân ái 6 lần) nức tiếng một thời.

Công dụng hỗ trợ phòng the của nhum biển

Theo Đông y, loài Nhum có nhiều dưỡng chất, có tác dụng bổ dương, bồi bổ dùng cho những người có thể trạng yếu, tăng miễn dịch và sức đề kháng cho cơ thể.

Qua phân tích, khoa học hiện đại tìm thấy trong nhum có chứa nhiều protein, các loại vitamin A, B2, B1, chất béo và nhiều nguyên tố vi lượng khác, đặc biệt là kẽm vốn dễ hấp thụ, là “tác nhân” giúp cánh mày râu được cường tráng.

Tuy không có tài liệu sử học nào đề cập đến việc vua Minh Mạng ăn mắm nhum để tăng khả năng “chăn gối” nhưng từ sự ưa thích đặc biệt của ông với loài hải sản này, người ta tin rằng, bên cạnh phương thuốc “Minh Mạng thang” nổi tiếng, nhum biển cũng là một trong những “thần dược” giúp nhà vua cường tráng, sung mãn chốn phòng the.

Không chỉ gây sốt ở Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới đã ghi nhum biển vào danh sách những sản vật quý giá của đại dương.

Theo nghiên cứu của nhóm khoa học Mỹ, nhum biển càng “già” thì khả năng sinh sản của chúng càng sung sức, càng tạo ra nhiều “tinh binh”. Vì thế, người ta càng có lý do tin tưởng về công dụng thần kỳ của sản vật nhiều dinh dưỡng này trong “chuyện ấy”.

Từ năm 1970, cơ quan sinh dục của nhum biển được Nhật Bản nhập khẩu với số lượng lớn để chế biến thành phương thuốc giúp tăng cường khả năng tình dục cho nam giới.

Chế biến món ngon từ nhum biển

Theo kinh nghiệm của những ngư dân vùng biển, nhum có rất nhiều cách chế biến để thành những món ăn ngon tuyệt vời. Nhum sau khi được “dọn” hết gai chỉ còn lại quả cầu tròn sần sùi bằng quả chanh. Dùng dao chẻ đôi, bỏ hết bộ lòng choáng gần hết bên trong sẽ thấy lớp thịt lẫn với trứng màu vàng đục bám dọc bên thành nó, đó là phần quý của loài hải sản này.

Ngoài cách ăn sống với cải bẹ xanh và mù tạt được giới mày râu ưa chuộng, ngư dân thường lấy thịt và trứng tẩm gia vị rồi xào lên trước khi cho vào nồi cháo. Để có món cháo nhum ngon như ý, nhất thiết phải chọn nhum sống, vừa mới lặn bắt lên từ biển.

Đặc biệt, người dân biển còn có cách chế biến khác là chẻ đôi con nhum rồi nuớng lửa hồng, cho vào một ít mỡ hành, khi thịt nhum vừa héo là hạ lửa. Nướng như vậy con nhum còn nguyên hương vị và tỏa mùi thơm đặc trưng giúp người ăn đến no bụng mà miệng vẫn thòm thèm.

Tuy nhiên, ngon nhất, độc đáo nhất chính là món mắm nhum thượng hạng – sản vật tiến vua Minh Mạng. Để làm mắm, người ta cho thịt nhum vào chum sành, rắc một ít muối hạt lên trên, sau đó đem vùi vào bếp tro hoặc phơi ngoài nắng từ 10-15 ngày. Mắm nhum chín, sền sệt, mầu đỏ đục, thơm rưng rức. Mặn, chua, ngọt lẫn vào trong hương vị riêng của thịt nhum, tạo thành thứ mắm cực hấp dẫn, không thể cưỡng lại.

Nguồn: Sức khỏe đời sống được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Thị trường Cầu Gai thế giới

Cầu gai là động vật không xương sống da gai ở biển, có họ hàng gần với hải sâm và sao biển . Chúng có thân hình cầu, nằm gọn trong một vỏ cứng , được bao bọc hoàn toàn bằng nhiều gai nhọn . Cầu gai di chuyển rất chậm trên thêm biển , sử dụng các chân giác hút và gai nhọn như những chiếc cà kheo.

Từ xa xưa, “trứng” cầu gai- thực tế là tuyến sinh dục của chúng – đã được những cư dân sống ven biển ở Nhật Bản, Chilê, các vùng Địa Trung Hải và Caribê dùng làm thực phẩm.

Tầm quan trọng về thương mại

Trong hàng chục loài cầu gai quan trọng, có hai loài là cầu gai đỏ và cầu gai xanh được thị trường săn lùng nhiều nhất.

Thị trường

Thị trường chính của trứng cầu gai là Nhật Bản, ở đây nó được gọi là “uni”, ăn tươi như sushi yếu từ Mỹ, Hàn Quốc, Chilê, Mêhicô và Canađa. Trứng cầu gai chất lượng cao có giá bán lẻ trên 100 USD/kg. Năm 2008, Nhật Bản đã nhập khoảng 1.453 tấn cầu gai.

Sản phẩm

Uni là bộ phận sản sinh tinh dịch hoặc trứng của cầu gai, có màu từ vàng đậm đến vàng nhạt, kết cấu như sữa, dạng hạt mảnh và chắc. Uni mịn và thơm nhẹ, ngọt và hơi mặn, thường được thưởng thức như loại sushi nigri hoặc sashimi.

Màu và chất lượng của uni phụ thuộc rất nhiều vào giới, chế độ ăn và thời gian thu hoạch. Kích cỡ cũng quan trọng vì một số thùy của uni có thể lớn hơn miếng sushi.

Trứng cầu gai không chỉ là cơ quan sinh sản mà còn là nơi dự trữ dinh dưỡng. Cầu gai được nuôi dưỡng tốt sẽ lưu giữ năng lượng dôi dư trong các tế bào trong trứng. Các tế bào này giàu hyđratcácbon nên có vị ngọt.

Thị trường có nhu cầu lớn nhất đối với uni dạng nguyên liệu tươi. Uni cũng có ở dạng đông lạnh. Nướng, đông lạnh, hấp và muối là cách bảo quản các loại uni phẩm cấp thấp hơn. Uni cũng có ở dạng chạo phối trộn và viên nhỏ. Sản phẩm đông lạnh được dùng trong các loại nước xốt hoặc tương tự, trong đó vị và kết cấu của chúng không phải là điều chú trọng chính. Uni được cấp đông trong túi hút chân không nặng 0,5kg hoặc ít hơn.

Phân loại uni

Từ lâu, uni được phân loại dựa theo màu sắc, kết cấu và độ tươi. Loại phẩm cấp cao nhất là màu vàng sáng (loại A) với kết cấu cơm chắc và hơi ngọt. Uni loại B thường vàng sậm hơn và có kết cơm uni mềm và ít ngọt. Uni loại C là loại bị vỡ trong quá trình chế biến hoặc xử lý.

Phẩm cấp càng cao thì giá càng đắt. Uni tươi được lấy trực tiếp từ cầu gai sống sẽ có giá cao nhất, loại này có vị khác hẳn với uni được chế biến 24 giờ sau đó.

Chất lượng phụ thuộc vào chế độ ăn và điều kiện đẻ trứng của cầu gai. Bốn hoặc năm ngày là thời hạn sử dụng tối đa của sản phẩm tươi. Các tuyến sinh dục của cầu gai tiết dịch lỏng là dấu hiệu sắp đẻ trứng.

Thu hoạch, đóng gói và vận chuyển

Cầu gai được thợ lặn dùng cào tay hoặc móc để thu hoạch từ đáy biển, sau đó cho vào giỏ hoặc túi lưới. Cầu gai cũng có thể thu hoạch bằng lưới vét nếu không thể lặn. Trọng lượng trứng chiếm từ 5-15% tổng trọng lượng cơ thể.

Người ta thường kéo túi cầu gai khi thu hoạch nhưng nếu kéo túi đầy quá lâu sẽ làm cầu gai mất phẩm cấp và gai của chúng cũng dễ làm hỏng lẫn nhau. Cầu gai cứng, có thể sống trên cạn trong 12 giờ và có thể sống lại nếu được đưa vào nước biển ở bất cứ thời điểm nào trong thời gian trên.

Cầu gai cần được làm lạnh ở 60C trước khi vận chuyển sống bằng đường hàng không. Thông thường người ta đóng 12-15 kg cầu gai đã làm lạnh vào trong một hộp xốp 70 lít để vận chuyển bằng máy bay. Nếu vận chuyển bằng xe tải, nên dùng hộp xốp 5kg. Có thể dùng đá lỏng làm tác nhân lạnh trong hộp xốp khi vận chuyển.

Chế biến

Trứng cầu gai thường được bán tươi. Chỉ có một khối lượng nhỏ được muối, hấp, nướng hoặc đông lạnh. Mỗi con cầu gai có 5 túi trứng phân bố từ giữa vỏ theo hình sao năm cánh.

Cầu gai được tách vỏ ở nhà máy và trứng của chúng được trút nhẹ ra ngoài. Trứng lấy trực tiếp từ vỏ rất mềm và ướt, rất khó xử lý và vận chuyển, vì vậy sau khi lấy trứng ra cần rửa nhẹ nhàng, ngâm trong nước muối nhạt để chúng chắc lại, sau đó phơi trong không khí vài giờ nhằm tăng cường kết cấu trứng và làm các thùy kết lại thành dạng như quả cam.

Uni-wholeTiếp theo, đóng trứng trong khay nhựa hay gỗ nhỏ, hoặc đóng cả gói lớn. Trứng đã đóng gói được đặt vào một túi nylon và có thể rút bớt nước trong tủ lạnh. Trước khi giao hàng, đặt các khay trong thùng các tông cách nhiệt và bổ sung đá lỏng hoặc chất giữ lạnh nhân tạo.

Việc cải thiện chất lượng trứng sau thu hoạch cũng được nhiều nhà máy thực hiện. Đặt cầu gai sau thu hoạch trong thùng chứa có thiết kế đặc biệt và được nuôi trong khoảng 2-3 tháng với chế độ ăn theo công thức. Trong thời gian này khối lượng trứng sẽ tăng lên từ 5-15% và màu sắc của chúng cũng được cải thiện, có màu vàng cam sinh động hơn.Bao bì và trình bày sản phẩm

Theo cách truyền thống, người ta đóng 100g trứng trong các khay gỗ có kích cỡ bên trong 9cmx16cmx1,3cm và có nắp nhựa, các khay có thể xếp chồng lên nhau. Khay nhựa 50g có nắp trong và thấm nước là lựa chọn tối ưu cho các sản phẩm đông lạnh.

Nguồn: Infofish International được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Cần khai thác hợp lý và bảo vệ nguồn lợi cầu gai sọ dừa ở huyện đảo Trường Sa

Tôi được vinh dự tham gia đoàn cán bộ của tỉnh và Bộ Tư lệnh Hải quân do đồng chí Mai Trực – Phú Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND dẫn đầu đó đến thăm và làm việc với quân và dân các xã Song Tử Tây, Sinh Tồn, thị trấn Trường Sa và đảo Đá Tây.

Theo khảo sát, khi triều rút kiệt, tại xã Song Tử Tây, Sinh Tồn và đảo Đá Tây có thể nhận thấy những bãi san hô chết rộng lớn, nhiều cán bộ của đoàn, bộ đội, dân đi bắt bạch tuột, lượm hải sâm trắng, cầu gai sọ dừa. Trong đó, tụi quan tâm nhiều nhất là cầu gai sọ dừa. Đây là hải sản có giá trị kinh tế cao.

Thực trạng

– Theo tìm hiểu thông qua quân và dân ở các xã đảo của huyện đảo Trường Sa thì nguồn lợi cầu gai sọ dừa từ trước đến nay chưa được khai thác. Nguồn lợi cầu gai sọ dừa khá phong phú ở tất cả các đảo có rạn san hô bao bọc, nhiều nhất ở lòng hồ đảo Đá Tây (theo thông tin của Đ/c Phú Chủ tịch UBND huyện Trường Sa)

– Giá 1 con cầu gai ở các nhà hàng trên đất liền là 15.000đ/con. Những năm trước đây ngư dân khai thác cầu gai sọ dừa ở vùng ven bờ cung cấp cho các nhà máy chế biến xuất khẩu, nhưng do khai thác quá mức nên hiện nay không còn nguồn lợi này cho xuất khẩu mà chỉ đủ cho việc cung ứng cho một số nhà hàng với số lượng không lớn.

– Điều kiện sinh thái ở các đảo của huyện Trường Sa phù hợp với việc phát triển tự nhiên cầu gai sọ dừa.

Tìm hiểu về cầu gai sọ dừa

(theo Hội Nghề cá Việt Nam, Bách khoa Thủy sản, Nhà xuất bản Nông nghiệp năm 2007, Phạm Thược)

Tên khoa học: Tripneuster (Linnnaeus, 1758). Tên tiếng Anh: Edible Sea Urchin

Hình thái và cỡ

Vỏ cú dạng hình cầu, nhưng chiều cao nhỏ hơn đường kính ngang, mầu nâu thẫm. Màu sắc của gai thay đổi và xen lẫn nhau, màu trắng, màu cam và nâu không đều. Có thể phân biệt rõ sự sắp xếp của các gai trờn 5 mảnh trung gian, xen kẽ với 5 mảnh chân ống (màu nâu đậm). Miệng ở chính giữa mặt bụng, úp xuống đất; hậu môn ở trung tâm mặt lưng quay lên trời. Đường kính vỏ từ 60 – 80mm, con lớn có thể đến 110mm. Gai ngắn, khoảng 5 – 10mm.

Phân bố

Trên thế giới, loài này thường gặp ở vùng Ấn Độ – Tây Thái Bình Dương. Ở Việt Nam có ở Phú Yên, Khánh Hoà (đặc biệt là ở huyện đảo Trường Sa), Ninh Thuận, Bình Thuận và Côn Đảo. Ở Khánh Hoà nhiều nhất là các xã đảo của huyện đảo Trường Sa, trong đó lòng hồ đảo Đá Tây có sản lượng khá cao (phát hiện của Ô. Lăng và Ô. Phú – Chủ tịch UBND huyện Trường Sa trong tháng 4/2008).

Đặc điểm môi trường sống

Thường gặp ở vùng dưới triều, độ sâu từ 2 – 10 m. Sống trong cỏ biển, rong mơ…trên nền đáy san hô chết.

Sinh trưởng

Thức ăn là các loại rong, tảo, cỏ biển và cả chất bẩn, bó hữu cơ.

Sinh sản

Là loại đơn tính. Con đực và cái không phân biệt rõ. Mùa sinh sản kéo dài nhưng rộ nhất từ tháng 10 – 12. Thụ tinh xảy ra trong nước biển.

Giá trị kinh tế

Tuyến sinh dục của sọ dừa là món ăn ngon và bổ. Từ năm 1990 -1994 ở vùng ven biển miền Trung, loại này đã bị khai thác quá mức để lấy trứng đóng hộp xuất khẩu, nên sau đó nguồn lợi bị cạn kiệt.

Tình hình nuôi

Chủ yếu khai thác tự nhiên, chưa nuôi nhân tạo.

Phát triển nuôi cầu gai sọ dừa ở các đảo của huyện đảo Trường Sa

– Cầu gai sọ dừa đó thích nghi với điều kiện sinh thái ở một số đảo có rạn san hộ bao bọc xung quanh, do vậy có thể nuôi tự nhiên.

– Nuôi cầu gai sọ dừa không phải cho ăn (đây là điều kiện tối ưu đối với các đảo của huyện Trường Sa cách xa đất liền vài trăm hải lý), do vậy không phải chi phí cho thức ăn chỉ chăm sóc và khai thác có chọn lọc (bắt những con có kích cỡ lớn để lại các con trưởng thành). Hoặc nghiên cứu nuôi nhân tạo bằng phương pháp giàn bè của Trung Quốc.

– Phương pháp khai thác là không quá 50% sản lượng tại vùng nuôi (thí dụ trong diện tớch 1m2 cú 10 thì chỉ khai thác 5 con, để lại 5 con. 5 con còn lại tiếp tục sinh sản tự nhiên tái tạo nguồn lợi). Khai thác theo kiểu này mang tính bền vững

– Có thể di chuyển cầu gai giống từ Đá Tây về các đảo như Song Tử Tây, Sinh Tồn…để nhân giống cầu gai. Coi đó là một biện pháp cải thiện đời sống của quân và dân trên các đảo có điều kiện nuôi.

Đề xuất

1/ Cần đánh giá trữ lượng cầu gai sọ dừa ở tất cả các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa, đặc biệt đối với lòng hồ đảo Đá Tây.

2/ Quy hoạch vùng nuôi cầu gai cho toàn huyện Trường Sa.

3/ Lấy khu vực lòng hồ Đá Tây là trung tâm giống cầu gai, đồng thời di chuyển giống về nuôi ở các đảo khác.

4/ Bộ Tư lệnh Hải quân cần có quy định quản lý chặt chẽ nguồn lợi cầu gai trên nguyên tắc khai thác bền vững theo tỷ lệ 50/50%.

5/ Song song với việc tổ chức nuôi tự nhiên, cần nghiên cứu áp dụng nuôi công nghiệp theo phương pháp giàn bè của Trung Quốc.

6/ Nghiên cứu phương thức tiêu thụ sản phẩm ở 2 dạng đóng hộp xuất khẩu (liên kết với các công ty chế biến thuỷ sản xuất khẩu và ăn tươi (cho quân, dân trên đảo và bán cho các nhà hàng ở đất liền).

Nguồn: Hội nghề cá Khánh Hòa được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nuôi nhím biển “Cầu gai sọ dừa”

Với chi phí tương đối thấp, nhím biển sinh trưởng nhanh, tỷ lệ sống cao, ít mắc bệnh, dễ nuôi và phù hợp những vùng ven biển. Nhu cầu nhập khẩu nhím biển trên thị trường thế giới khá lớn, nhất là tại Nhật, Pháp, Mỹ, Úc…

Phần ăn được của nhím biển là tuyến sinh dục vì mùi vị thơm ngon và có giá trị dinh dưỡng phong phú. Miệng của nhím biển nằm ở mặt dưới do một lớp màng mỏng (gọi là màng bọc miệng) tạo thành và phồng lên tạo thành hình vòng cung. Thế giớ hiện có hơn 800 loài nhím biển, nhưng chỉ một số loài ăn được và thực sự có giá trị kinh tế như Hemicentrotus pulcherrimus, Authoeidaris erassispina…

Khoanh vùng nuôi

Đa số nhím biển sống ở đáy biển ấm, chỗ có đá và dưới san hô, thềm lục địa từ vùng giữa triều trở lại. Ban ngày chúng vùi trong cát bùn, ban đêm ra hoạt động nhờ vào chân ống và gai vận động, bắt mồi nhờ bộ phận nhai nuốt.

Nhím biển có mặt ở hầu hết các vùng biển trên thế giới và thường phân bố theo chiều thẳng đứng, từ vùng giữa triều đến vùng sâu 5000m. Nhím biển thường sống ở vùng biển có độ mặn tương đối cao, dòng triều lưu thông và điều kiện tránh gió tốt, nước biển trong sạch. Mực nước sâu trên 10m, độ mặn khoảng 28‰. Vùng nuôi phải có rong biển sinh trưởng và phát triển tự nhiên. Tất cả các đòi hỏi trên rất phù hợp với vùng biển Nam Trung Bộ, nhất là Khánh Hòa.

Nhiệt độ

Bảo đảm 120C trở lên. Nhiệt độ sinh trưởng thích hợp của nhím biển là 18 – 220C; do đó vào khoảng tháng 10 trở di. Khi nhiệt độ nước biển ổn định khoảng 200C thì bắt đầu thả nuôi, nếu nhiệt độ xuống dưới 00C thì nhím biển sẽ ngừng sinh trưởng.

Chọn và thả giống

Chọn những con giống cở nhỏ (2-3cm). Trên mỗi lồng nuôi hoặc bể nuôi nên thả 50-80 con. Sau khi nuôi 1-2 tháng, theo giỏi sinh trưởng của nhím biển và tiến hành san thưa, mật độ thả không nên quá 50 con trong một lồng hoặc bể nuôi.

Thức ăn

Nhím biển là loài ăn thực vật, chủ yếu là rong tảo biển (rong bẹ, rong đuôi ngựa…). Trong quá trình nuôi, dựa vào các điều kiện của vùng nuôi để lựa chọn thực ăn phù hợp. Khi thả thức ăn phải dựa vào lượng thức ăn còn sót lại cũng như điều kiện khí hậu để quyết định lượng thức ăn định thả và số lần cho ăn. Khi nhiệt độ nước ở mức 200C, có thể 2-3 ngày cho ăn một lần. Mỗi lồng nuôi hoặc bể nuôi chỉ nên thả khoảng 0,5kg rong bẹ, hệ số thức ăn của nhím biển là 10-15:1.

Lưu ý

Nhím biển khi đói cũng ăn các loại rong tảo tạp khác, thậm chia ăn cả vẹm, động vật dạng rêu. Có thể lợi dụng đặc điểm này của nhím biển để triển khai nuôi ghép nhím và bào ngư. Cách nuôi này có thể làm sạch nước và loại trừ các sinh vật có hại bám trên bề mặt cơ thể bào ngư và trên các dụng cụ, thiết bị nuôi. Cho đến nay, ở Việt Nam người nuôi vẫn mua giống ngoài tự nhiên và giống nhập từ Trung Quốc về nuôi do chưa tìm ra phương pháp sinh sản nhân tạo giống nhím biển này.

Nguồn: Tạp chí thủy sản được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật nuôi cầu gai bằng phương pháp giàn bè

Cầu gai thuộc ngành động vật da gai (Echinodermata), lớp cầu gai (Echinoidea), còn được gọi là nhím biển.

Cầu gai có mặt ở hầu hết các vùng biển trên toàn thế giới và thường phân bố theo chiều thẳng đứng từ vùng giữa triều đến vùng biển khơi, sâu ở mức 5.000m. Cầu gai trên toàn thế giới hiện còn hơn 800 loài, riêng Trung Quốc có hơn 100 loài, nhưng số loài ăn được, thực sự có giá trị kinh tế chỉ có một số như Hemicentrotus pulcherrimus, cầu gai tím Authoeidaris erassispina, v.v

Phần ăn được của cầu gai không phải là vách cơ thể mà là tuyến sinh dục, vì mùi vị của tuyến sinh dục cầu gai thơm ngon, dinh dưỡng phong phú, có tác dụng bổ âm tráng dương, được nhiều người ưa chuộng, đặc biệt là người Nhật Bản. Hằng năm, nhu cầu về cầu gai trên thị trường đạt trên 5.000 tấn, đa phần được xuất khẩu sang Nhật Bản. Nuôi nhân tạo cầu gai có chi phí tương đối thấp vì cầu gai sinh trưởng nhanh, tỷ lệ sống cao, ít sinh bệnh, thời gian đạt đến giai đoạn thương phẩm tương đối ngắn.

Hiện nay, do có thể chủ động kiểm soát các giai đoạn nuôi cầu gai nên nhiều nước như Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Ôxtrâylia v.v đã tiến hành nuôi với quy mô lớn và đạt được hiệu quả kinh tế cao. Một số vùng ở Trung Quốc như Liêu Ninh, Sơn Ðông, Hải Nam, Quảng Ðông, đã bắt đầu nuôi ở qui mô trung bình và phát triển nhanh chóng. Năm 2005, đã có khoảng 10 vạn con giống cỡ 2-3 cm được ương nuôi. Ðặc biệt, nhiều nơi đã tận dụng những cơ sở nuôi bào ngư (Haliotis) và tảo bẹ (laminaria) sẵn có để tiến hành nuôi thí nghiệm cầu gai theo phương pháp nuôi lồng bè.

1. Ðặc điểm sinh học cơ bản của cầu gai

Cơ thể cầu gai nói chung có dạng hình cầu và dạng bán cầu, vỏ ngoài cứng do chất đá vôi tạo thành. Trên bề mặt của vỏ ngoài có rất nhiều gai cứng, trên mặt vỏ có các chân ống xếp thành 5 hàng đôi, mỗi đôi lỗ chân ống trên tấm vỏ tương đương 1 chân ống. Miệng của cầu gai nằm ở mặt dưới do một lớp màng mỏng gọi là màng bọc miệng tạo thành và phồng lên thành dạng hình cung. Ða số cầu gai là những loài sống ở đáy biển ấm, chỗ có đá và dưới rạn san hô, từ vùng giữa triều trở lại. Ban ngày chúng vùi trong cát bùn, ban đêm ra hoạt động nhờ vào các chân ống và các gai vận động và tiến hành bắt mồi nhờ vào bộ phận nhai nuốt (marticate).

2. Chọn vùng nuôi

Chọn những vùng biển có dòng triều lưu thông và điều kiện tránh gió tốt, nước biển trong sạch, không bị ảnh hưởng do ô nhiễm sản xuất công nghiệp, nước thải sinh hoạt và nước bẩn khác gây nên. Mức nước cần sâu trên 10 m, nước ngọt chảy qua tương đối ít, độ mặn trên dưới 28 và ổn định, nhiệt độ bình thường hằng năm cần bảo đảm 120C trở lên. Vùng nuôi cần phải đáp ứng các yêu cầu về môi trường sống cho cầu gai, đồng thời có rong biển sinh trưởng phát triển tự nhiên và dễ dàng cho việc bố trí các điều kiện nuôi.

3. Các điều kiện nuôi kiểu giàn bè (Raft)

Giàn bè có chiều dài 60 m, rộng 5 m, mỗi một hàng bè đơn được treo 20 thừng treo, trên thừng treo, cứ cách 50 cm treo 1 lồng nuôi. Có thể sử dụng lồng nuôi sò điệp có đường kính 33 cm, mắt lưới 0,5 cm hoặc sử dụng lồng nuôi bào ngư (lồng nuôi này là 1 khung nuôi hình chữ nhật gồm 4-5 tầng, có kích thước 40 cm x 60 cm x 25cm) để nuôi cầu gai. Khi bắt đầu nuôi, có thể thả con giống cỡ nhỏ (chiều dài vỏ 2 cm), hoặc con giống cỡ trung bình (chiều dài vỏ 3 cm).

3.1. Thời gian thả giống :

Nhiệt độ sinh trưởng thích hợp là 18 C 22 C, do đó, vào khoảng tháng 10 trở đi, khi nhiệt độ nước vùng biển hạ xuống và ổn định trên dưới 200C thì bắt đầu chuyển giống từ phía bắc Trung Quốc xuống phía nam để nuôi. ở nhiệt độ nước hạ dần xuống dưới 0 C, cầu gai ngừng sinh trưởng, còn nhiệt độ nước ở vùng biển phía nam vào khoảng 150C 220C rất thích hợp cho sự sinh trưởng của cầu gai. Với ưu thế khí hậu tự nhiên của khu vực bắc nam, có thể nâng cao tốc độ sinh trưởng và rút ngắn chu kỳ nuôi trồng cầu gai.

3.2. Mật độ thả con giống :

Giai đoạn đầu, trên mỗi tầng khung nên thả 50 – 80 con có cỡ 2 – 3 cm. Sau 1-2 tháng nuôi, theo dõi sinh trưởng của cầu gai và tiến hành san thưa. Mật độ thả nói chung không vượt quá 50 con/tầng, sẽ cho hiệu quả sẽ tốt hơn.

3.3. Quản lý khâu thả thức ăn :

Cầu gai thuộc động vật thiên về ăn thức ăn thực vật, chủ yếu là các loài rong tảo biển như rong bẹ (laminaria), rong đuôi ngựa (gulfweed), v.vTrong quá trình nuôi, dựa vào các điều kiện của vùng nuôi để lựa chọn thức ăn phù hợp. Vùng có nguồn tảo bẹ phong phú thì thức ăn chủ yếu là tảo bẹ. Khi thả thức ăn phải dựa vào lượng thức ăn còn sót lại cũng như điều kiện khí hậu để quyết định lượng thức ăn định thả và số lần cho ăn. Khi nhiệt độ nước trên dưới 200C, có thể 2-3 ngày cho ăn 1 lần.

Ðối với mỗi tầng của khung nuôi, mỗi lần thả khoảng 0,5 kg rong bẹ, hệ số thức ăn của cầu gai là (10-15) : 1. Cầu gai khi đói cũng ăn các loại rong tảo tạp khác, thậm chí ăn cả vẹm, động vật dạng rêu (Bryozoans), v.v Có thể lợi dụng đặc điểm này của cầu gai để triển khai nuôi ghép giữa cầu gai và bào ngư. Cách nuôi này có thể đạt được mục đích là làm sạch nước và loại trừ các sinh vật có hại bám trên bề mặt cơ thể bào ngư và trên các dụng cụ, thiết bị nuôi.

3.4. Thu hoạch và phân tích hiệu quả :

Qua 8 tháng nuôi, từ tháng 10/2005 đến tháng 5/2006, thu hoạch tổng cộng 3.850 kg cầu gai thương phẩm (chiều dài vỏ 5 6 cm), tỷ lệ sống trong toàn bộ quá trình nuôi là 83,2%, trọng lượng bình quân đạt 46,3 gram/con. Giá trị sản xuất tạo ra là 11,5 vạn nhân dân tệ, đầu tư vốn chỉ có 6 vạn và lãi thực là 5,5 vạn nhân dân tệ.

Nguồn: Thuỷ sản Trung Quốc, số 3/2007 được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.