Kiểm soát chặt doanh nghiệp xuất khẩu vú sữa lò rèn sang Mỹ

Nông dân trồng vú sữa lò rèn Vĩnh Kim (Tiền Giang) đang háo hức với vụ mùa mới, trong khi chính quyền địa phương đang nỗ lực siết chặt quản lý xuất khẩu nhằm tránh để doanh nghiệp làm ăn gian dối.

Chiều 17-10, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng có buổi làm việc với các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu vú sữa lò rèn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Theo đó, từ vụ vú sữa lò rèn năm nay, tỉnh sẽ siết chặt kiểm soát đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nhằm tránh tình trạng trộn hàng kém chất lượng gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động xuất khẩu loại trái cây đặc sản này.

Ông Hưởng cho biết cần rút kinh nghiệm từ vụ xuất khẩu vú sữa lò rèn sang Mỹ đầu tiên năm 2017, cũng là năm đầu tiên Mỹ chấp thuận cho loại trái cây này vào thị trường của họ.

Dù năm đầu tiên chỉ xuất được gần 200 tấn nhưng một số doanh nghiệp đã trộn hàng không đạt chuẩn, chưa được cấp mã code (mã số vùng trồng) gây ảnh hưởng lớn đến thương hiệu của loại trái cây đặc sản này.

“Năm nay, các doanh nghiệp xuất khẩu vú sữa lò rèn Vĩnh Kim (Tiền Giang) sang Mỹ phải tuân thủ đúng cam kết chỉ xuất hàng trong số diện tích trồng đã có mã vùng. Nếu doanh nghiệp nào gian dối trộn hàng mua từ tỉnh khác hoặc hàng hóa không sản xuất theo quy trình đã cam kết với phía Mỹ sẽ bị xử lý nghiêm”, ông Hưởng chỉ đạo.

Ông Đoàn Văn Giàu, đại diện Công ty Cát Tường, đã cam kết sẽ xuất hàng đúng quy trình sản xuất theo yêu cầu phía nhập khẩu, cam kết mua đúng vùng trồng đã được cấp mã code. Đồng thời sẽ chia sẻ giá tốt hơn so với năm 2017 nếu nông dân làm tốt, làm đúng quy trình.

Vùng trồng vú sữa lò rèn Vĩnh Kim trên địa bàn tỉnh Tiền Giang hiện còn khoảng 500 ha, năng xuất bình quân 14 tấn/ha. Song, diện tích ngành chức năng cấp mã số vùng trồng chỉ hơn 100 ha. Dự báo khoảng một tháng nữa vụ mùa vú sữa lò rèn sẽ vào chính vụ.

Nguồn: Tổng hợp, duyệt bởi Farmtech Vietnam

Cách phòng trừ sâu bệnh hại trên cây Vú Sữa

Sâu gây hại từ khi trái còn nhỏ đến chín. Thành trùng hoạt động vào ban đêm, con cái đẻ trứng lên vỏ trái, sâu cắn phá vỏ trái, đùn phân ra ngoài làm cho trái mất đẹp, giá bán không cao

I. Các loại sâu hại chính

1. Sâu đục trái (Alophia sp.- pyralidae):

Sâu gây hại từ khi trái còn nhỏ đến chín. Thành trùng hoạt động vào ban đêm, con cái đẻ trứng lên vỏ trái, sâu cắn phá vỏ trái, đùn phân ra ngoài làm cho trái mất đẹp, giá bán không cao.

Phòng trị: Sau thu hoạch, tỉa bỏ cành sâu bệnh, cành gãy…giúp vườn cây thông thoáng. Thu gom và tiêu hủy trái bị hại để sâu non không hóa nhộng và gây hại ở lứa tiếp theo. Phun thuốc khi thấy có sâu non xuất hiện bằng các loại thuốc như: Basudin 50ND, Sumi Alpha 5EC, Karate 2,5EC, Cypermap 10EC… liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì.

2. Sâu ăn bông (Eutalodes anithivora – Gelechiidae):

Gây hại từ khi bông bắt đầu nhú ra đến khi hoa trỗ nhụy, sâu non đục vào bên trong làm bông bị hư.

Phòng trị: khi phát hiện có sâu hại, phun các loại thuốc có tác dụng lưu dẫn như: Cyber Alpha 50ND, liều lượng theo hướng dẫn trên chai thuốc.

3. Sâu đục cành (Pachyteria equestris – Coleoptera):

Gây hại quanh năm. Con trưởng thành đẻ trứng lên đọt non, sâu non nở ra ăn lòn vào trong cắn phá cành, làm chết cành.

Phòng trị: Thường xuyên thăm vườn, nếu thấy có mọt đổ từ các cành thì dùng que xoi vào lỗ đục và bắt bằng tay hoặc bơm thuốc trừ sâu có tính lưu dẫnvào các lỗ đục, sau đó trám lỗ đục lại bằng đất sét hoặc sáp.

4. Rệp sáp (Pseudococcus sp.):

Có nhiều loài rệp sáp gây hại trên vú sữa. Rệp chích hút lên lá, lên trái…. rệp tấn công từ khi trái còn nhỏ đến khi thu hoạch làm cho trái không phát triển. Ngoài ra, rệp tiết ra mật ngọt, tạo điều kiện cho nấm bồ hóng phát triển, làm mất phẩm chất trái.

Phòng trị: tỉa bỏ những lá, trái bị nhiễm nặng, dùng máy bơm phun nước lên những chỗ có rệp sáp để rửa trôi rệp. Phun thuốc khi mật số rệp cao. Có thể bổ sung dầu khoáng DC- Tronplus 0.5% để tăng hiệu lực của thuốc.

II. Các loại bệnh hại chính

1. Bệnh thối trái (Do nấm Colletotrichum sp.):

Nấm bệnh tấn công trái từ khi trái còn non đến khi thu hoạch. Ban đầu trên trái có những đốm nhỏ hình tròn màu nâu hoặc nâu đen, sau đó vết bệnh lan rộng ra và các vết bệnh nối tiếp nhau bao phủ cả trái. Trái bệnh thường bị chai sượng và rụng.

Ngoài ra, nấm Lasiodiplodia theobromae cũng làm cho trái bị thối khi thu hoạch, vận chuyển và tồn trữ. Với vết bệnh ban đầu nơi gần cuống trái do thu hoạch không chừa cuống hoặc vỏ trái bị trầy xướt, sau đó vết bệnh lan dần làm hư thối cả trái.

Phòng trị: Vệ sinh vườn, tỉa bỏ và thu gom những trái bị bệnh lại để tiêu hủy. Không nên trồng quá dày, tỉa bỏ cành vô hiệu để giúp vườn thông thoáng, hạn chế nấm bệnh phát triển.

Khi thu hoạch tránh gây bầm giập, trầy xướt trái, không làm rụng cuống trái để giúp vườn thông thoáng, hạn chế sự xâm nhập của nấm bệnh. Cần theo dõi thường xuyên nếu thấy bệnh phát triển nhiều thì phun các loại thuốc như Antracol 70WP, Benlate 50WP, Manzate 80WP, Daconil 75WP, Carben 50SC, Thio – M 70WP…Ngoài ra, xử lý trái bằng nước nóng ở 52o C trong 10 phút cũng ngừa được bệnh thối trái.

2. Bệnh bồ hóng (Do nấm Capnodium sp.):

Nấm bệnh tạo thành từng mảng đen như bồ hóng bám trên mặt lá, trên trái làm giảm quang hợp của lá, làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây. Bồ hóng bám trên trái làm mã trái xấu bán không được giá. Nấm bệnh phát triển trên các vườn vú sữa có rầy mềm, rệp sáp, rệp dính…vì chất thải của rầy, rệp giúp nấm phát triển. Bệnh thường phát triển mạnh trong mùa nắng.

Phòng trị: Không trồng quá dày. Tỉa cành tạo tán hợp lý để vườn cây thông thoáng. Mùa nắng, chú ý phòng trị rệp sáp, rầy mềm, rệp dính, bằng các loại thuốc như Supracide 40EC, Trebon 10EC, Actara…Khi thấy có nấm bồ hóng: phun các loại thuốc có gốc đồng như Coc 85, Copper Zine, Copper B…

III. Quản lý dịch hại tổng hợp trên vườn cây vú sữa

Gốc cây vú sữa phục hồi sau thời gian điều trị nấm.

1. Mục tiêu:

– Nhằm hạn chế hoặc ngăn chặn sự phát sinh – phát triển dịch hại và sự gây hại của chúng đến cây trồng

– Nhằm giảm thiểu việc sử dụng thuốc hoá BVTV trong vụ mùa

– Tạo sự an toàn về môi sinh và cân bằng sinh thái

– Nâng cao an toàn chất lượng sản phẩm và an toàn trong sản xuất

– Nâng cao hiệu quả kinh tế trong quá trình sản xuất nông nghiệp

2. Quản lý dịch hại tổng hợp sau khi thu hoạch: (từ tháng 1 đến tháng 3 dương lịch)

– Thu gom trái rơi rụng và những trái bị hư hại bởi sâu đục trái trên cây cho vào túi nylon cột chặt và đào hố chôn hoặc đốt tiêu hủy. Cắt tỉa cành sau thu hoạch, tiêu hủy tàn dư thực vật. Tưới bằng vòi phun áp lực cao, rửa trôi dịch hại trên cây.

– Sau thu hoạch làm đất (xới nhẹ), bón vôi, sử dụng bánh neem (sản phẩm của cây xoan) có trộn phân hữu cơ (2 – 3 kg/gốc) bón vào gốc (1/3 đường kính tán cây tính từ gốc) hoặc có thể xử lý Basudin 10 H (10 g/gốc) quanh gốc và tưới ẩm. Quét vôi thân cây.

– Phân bón đúng liều lượng tăng cường phân hữu cơ cho cây (có thể trộn sản phẩm Trichoderma với phân hữu cơ, bón 2 lần/năm vào mùa mưa)

– Xử lý ra đọt non đồng loạt, sử dụng thuốc BVTV có nguồn gốc vi khuẩn Bacillus thuringiensis kết hợp với thuốc trừ sâu có nguồn gốc thảo mộc như cây xoan, cúc tổng hợp trị liệu các loài sâu hại tấn công giai đoạn lá non và hoa.

3. Quản lý dịch hại tổng hợp giai đoạn trái non:

– Tưới bằng vòi phun áp lực cao, rửa trôi dịch hại tấn công trái và các bộ phận khác.

– Thăm vườn thường xuyên phát hiện, thu gom và tiêu huỷ những trái có bị hại.

– Biện pháp bao trái: Nhằm ngăn chặn sự tấn công dịch hại, tránh sự va chạm xây xát và ngoài ra không thấy xuất hiện triệu chứng da ếch. Trái thu hoạch không có tì vết, màu sắc bóng đẹp và chất lượng cao. Sử dụng túi bao khi trái có đường kính khoảng 3-4 cm (khoảng 4 – 4.5 tháng sau khi ra hoa). 1-2 ngày trước khi bao trái xử lý bằng thuốc BVTV gốc cúc (Pyrethroids) hoặc gốc lân tổng hợp có thể kết hợp với thuốc trừ nấm bệnh như Ridomyl gold, Benomyl… Sau đó, nhà vườn bao từng trái, cho trái vào túi bao (không có lá, không bao những trái đã bị sâu hại tấn công hoặc có vết sẹo hay di dạng) và gút lại bằng nút gút cao su trên đầu túi bao.

Chú ý: Để quan sát theo dõi sinh trưởng trái, nên bao đồng loạt dạng kích thước trái, đánh dấu túi bao bằng màu sắc khác nhau, ghi lại thời gian bao trái, thời gian đậu trái, để tiện cho quản lý và thu hoạch. Đến thời điểm thu hoạch, cắt trái xuống bằng dụng cụ thu hoạch, lột túi bao, rửa sạch, phơi 2 – 3 nắng, túi bao có thể sử dụng lại một lần cho vụ sau.

– Biện pháp sử dụng thuốc BVTV: Do vú sữa là cây đa niên, tán rộng, có số lượng trái trên cây khá lớn, khó mà bao hết trái trên cây. Cần có biện pháp quản lý dịch hại bằng thuốc BVTV để ngăn chặn sự tấn công của sâu đục trái. Nên thăm vườn thường xuyên, quan sát triệu chứng gây hại và xử lý kịp thời. Kết hợp thuốc vi khuẩn B. thuringiensis với các thuốc có nguồn gốc thảo mộc như cây xoan (neem), hoặc gốc cúc tổng hợp hoặc gốc lân tổng hợp phun khi trái có đường kính 1,5- 2 cm và tỷ lệ trái bị hại (nhiễm) là 1 %. Nếu vườn có sự hiện diện rệp sáp sử dụng thuốc BVTV gốc cúc (Pyrethroids) hoặc gốc lân tổng hợp kết hợp với dung dịch nước rửa chén Mỹ Hảo (5-7ml/10 lít nước). Có thể kết hợp với thuốc trừ nấm bệnh như Ridomyl gold, Benomyl…trong trị liệu bệnh hại trên trái.

4. Phòng trừ dựa vào tập tính của ruồi đục trái:

– Sử dụng Methyl eugenol làm bẫy (giết ruồi đực): dùng hộp nhựa có kích cở: 10 x 20 cm, cắt 2 lổ cánh cửa bên hộp, có giữ lại mái (hạn chế mưa tạt vào). Hộp nhựa có thể sơn màu vàng. Bên trong nắp hộp có dây treo, gard y tế (bông gòn) tẩm thuốc (1 ml Vizubon), gắn vào dây treo ở bên trong nắp hộp. Treo hộp nhựa ở chiều cao 1,5 – 2m, dưới tán cây thoáng mát, tránh ánh nắng chiếu thẳng vào làm phân hủy nhanh chất dẫn dụ, đặt 20 bẫy/ha, treo theo những điểm quanh vành đai của vườn, tránh cho sự tấn công của kiến vào bẫy (dùng mỡ bò bôi trơn dây treo). Thời gian đặt bẫy và thay bẫy: 1,5 – 2 tháng trước thu hoạch, trái sắp chín (nếu thu hoạch tháng 11,12 treo bẫy tháng 9, 10 hoặc thu hoạch tháng 3 treo bẫy tháng 1). Từ 1,5 đến 2 tuần thay bẫy một lần, bằng cách bơm thuốc mới vào gard y tế hay bông gòn trong hộp nhựa.

– Phun SOFRI protein để diệt ruồi đục trái (giết con cái): Pha 1 lít nước với 50 ml của SOFRI protein và 3 ml Regent 5 SC. Phun hỗn hợp đã pha thành điểm 50 ml/cây, vào lúc 8 – 10 giờ sáng. Phun khi 90 ngày sau khi đậu trái. Phun định kỳ 7 – 10 ngày/lần.

– Thiên địch sâu đục trái: Một số kết quả nghiên cứu cho thấy Kiến Hôi Dolichodorus thoracius có khả năng khống chế mật số của sâu đục trái Alophia sp. một cách hữu hiệu.

IV. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc trừ sâu bệnh

1. Cách sử dụng thuốc trừ sâu đúng đắn:

– Xác định những giai đoạn mẫn cảm trong chu kỳ sống của sâu hại và áp dụng trực tiếp thuốc trừ sâu vào giai đoạn đó.

– Thuốc trừ sâu được phun trừ dịch hại dựa trên cơ sở điều tra và khảo sát sâu hại trên vườn.

– Các loại thuốc trừ sâu được phép sử dụng ở nhiều hoạt chất khác nhau, để làm tránh hoặc làm chậm tính kháng của sâu hại.

– Sử dụng vòi phun mịn để phun thuốc trừ sâu.

– Sử dụng thuốc trừ sâu có hiệu quả nhất ở giai đoạn quyết định của cây trồng và khi mật số sâu hại đạt ở mức độ cao.

2. Cách sử dụng thuốc trừ nấm bệnh đúng đắn:

– Sử dụng thuốc trừ nấm bệnh cần chú ý vào giai đoạn cây trồng dễ mẫn cảm bệnh và điều kiện môi trường thích hợp cho sự phát triển bệnh này (vườn dầy, ẩm độ cao).

– Thuốc trừ nấm tiếp xúc được sử dụng khi giai đoạn của hoa hoặc lá ít mẫn cảm với nấm bệnh (trước khi nấm bệnh xâm nhiễm). Sau khi cây đã bị nhiễm, thuốc lưu dẫn cần sử dụng liên tục định kỳ để trị liệu bệnh

– Thuốc trừ nấm tiếp xúc và lưu dẫn cần sử dụng xen kẽ tránh sự kháng thuốc của nấm bệnh.

– Thuốc trừ nấm sử dụng trên vườn cần dựa trên vụ mùa trước và điều kiện thời tiết. Điều này quan trọng hơn là phun định kỳ.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Nhân giống vú sữa bằng phương pháp ghép cải tiến

Có nhiều giống vú sữa được người nông dân chọn trồng như vú sữa nâu, vú sữa nâu bách thảo, vú sữa bánh xe, vú sữa dây,… nhưng được ưa chuộng nhất là giống vú sữa Lò rèn Vĩnh Kim. Giống vú sữa này khi trái chín có hình cầu, phía đuôi trái màu trắng má hồng, thịt trái có màu trắng sữa, vị ngon ngọt.

Theo phương pháp ghép thông thường, mối ghép phải cách mặt bầu đất từ 20cm trở lên, nhưng do cây vú sữa là loại cây đa niên (có thể sống và cho trái đến 70-80 năm) nên cần phải có bộ rễ phát triển và ăn sâu trong đất, cây trồng bằng hạt có được lợi điểm này nhưng cây chậm cho trái và chất lượng trái không tốt; trồng bằng cây chiếc thì cây nhanh cho trái, chất lượng và mẫu mã trái tốt nhưng bộ rễ bàng, rất dễ bị đổ ngã khi gặp giông to, gió lớn.

Với cách ghép cải tiến, do nơi tiếp giáp giữa cành và gốc ghép cách mặt bầu 6-10cm nên sau khi trồng một thời gian, nơi vết ghép sẽ phát triển một tầng rễ mới giúp cây hấp thu dinh dưỡng nhiều hơn, chống chịu với ngoại cảnh tốt hơn và giảm được hiện tượng bật gốc, đổ ngã. Cây cho trái sau 4 năm trồng nếu được chăm sóc, bón phân đầy đủ, trái có hình dạng, mẫu mã, chất lượng hoàn toàn giống với cây mẹ.

1. Chuẩn bị gốc ghép và cành ghép:

a. Chuẩn bị gốc ghép:

Chọn và ươm hạt gốc ghép: Hạt gốc ghép nên chọn từ cây vú sữa Lò Rèn, thu hạt khi trái đã chín đầy đủ trên những cây tốt, không thu hạt vào cuối vụ vì hạt sẽ nẩy mầm rất kém, cây con chậm phát triển. Chọn những hạt mẩy, rửa sạch, gieo hạt vào khay hoặc gieo lên liếp đã chuẩn bị trước. Khi gieo đặt phần tể màu tRắng của hạt xuống phía dưới, gieo hạt theo hàng ở độ sâu 1 – 1,5 cm, chọn nơi có bóng râm hoặc giăng lưới để giảm bớt ánh nắng, duy trì độ ẩm thường xuyên để hạt nẩy mầm.

Khi cây có 4 – 5 lá thật thì cấy sang bầu ươm có kích thước 10 x 15cm nếu ghép bằng cách treo bầu; ghép áp cành thì bầu ươm có kích thước 15 x 32cm.

Cũng có thể gieo hạt đến khi nẩy mầm thì cấy hạt vào bầu ươm để hạn chế cây con bị đứt, cong rễ (nhưng phải cẩn thận khi tưới để cây con mọc thẳng đứng).

Giữ cây con ở nơi có bóng râm, dùng bình xịt phun sương giữ ẩm cho cây giúp cây không bị héo. Hai tuần sau khi cấy cây con vào bầu thì pha 60 – 80g urê/10 lít nước tưới cho cây, đến khi cây cao 20 – 25 cm thì bón NPK 16 – 16 – 8 liều lượng từ 0,5 – 2 g/cây, bón 15 ngày / lần, lượng phân tăng dần theo sự phát triển của cây. Tưới nước đầy đủ, phòng trừ sâu Bệnh cho cây con, chủ yếu là phòng bệnh héo, chết cây con bằng các loại thuốc gốc đồng như Copper B, Copper Zinc hoặc Ridomil, liều lượng theo hướng dẫn ghi trên bao bì.

Trước khi ghép 15 ngày ngưng bón phân.

b. Chuẩn bị cành ghép:

Chọn cây làm cây mẹ phải chọn cây phát triển tốt, không sâu bệnh, cây từ 5 – 10 tuổi. Chọn cành ghép đã ra từ năm trước, cành ở bìa tán lá và có 2 – 3 nhánh nhỏ. Không chọn cành ghép nằm trong tán lá, cành vượt.

Nếu cây đầu dòng được chọn lấy cành vào thời điểm cây ra hoa thì cần sử dụng phân urê phun lên toàn bộ cây với mục đích làm cho cây rụng bông để không làm cho cành ghép mất sức vì phải nuôi bông.

Trước khi ghép cũng phải bón phân, tưới nước, chăm sóc cho cây đầu dòng. Yêu cầu lúc lấy cành ghép thì cây phải tróc vỏ tốt, lá xanh, cành ghép có đường kính tương đương với gốc ghép.

2. Cách ghép

Có nhiều cách ghép như ghép treo bầu, ghép áp cành,…

* Ghép treo bầu

– Kỹ thuật ghép:

+ Gốc ghép: Sử dụng gốc ghép có đường kính từ 0,8 – 1 cm (tương đương 16 – 18 tháng tuổi). Dùng dao bén vạt gốc ghép theo hình vạt nêm dài 1,5 – 2 cm, cách mặt bầu ươm 0,6 – 10 cm .

+ Cành ghép: vị trí ghép cách chồi ngọn 30 – 40 cm trở lên, dùng dao bén cắt xéo góc 300 vào đến giữa tâm cành rồi kéo dài về phía ngọn cành khoảng 2,5 – 3 cm.

+ Ghép: đặt vạt nêm của gốc ghép vào nơi vạt xéo trên cành ghép, phải đặt sao cho mặt cắt của gốc và cành ghép trùng khít lên nhau, quấn mối ghép bằng dây PE, sau đó cột chặt vào cành lớn hơn trên cây tránh gió lay.

+ Cắt dây ghép: nơi ghép sẽ được kết dính sau khi ghép khoảng 3 tuần, 1,5 – 2 tháng sau ghép có thể cắt dây những cây ghép thành công, 1 tháng sau đó thay bầu ươm lớn hơn, tưới nước đầy đủ, để cây nơi râm mát và chăm sóc đến khi đưa đi trồng.

* Ghép áp cành:

+ Gốc ghép: chọn gốc ghép có đường kính từ 1 – 1,5cm (18 – 20 tháng tuổi) dùng dao bén có mũi nhọn mở hình chữ U trên gốc ghép có chiều dài từ 2 – 3 cm, cách mặt bầu 0,6 – 10 cm, tách vỏ chữ U này (chỉ mở lớp vỏ, không cắt vào phần gỗ cây).

+ Cành ghép: Cành được cắt từ cây mẹ có độ dài từ 10-20cm (có thể có 1 nhánh nhỏ hoặc 1 mắt lá), phía dưới chân cành ghép dùng dao bén vạt hình vạt nêm tương ứng với chiều dài của chữ U trên gốc ghép.

+ Ghép: lồng vạt nêm của cành ghép vào chữ U của gốc ghép sao cho cành và gốc ghép trùng khít lên nhau, dùng dây PE quấn kín.

Có thể đưa cây ghép áp cành vào lồng kín (mùng) hoặc dùng bao PE loại trong trùm kín rồi cột chặt vào bầu ươm để giữ ẩm khoảng 30 ngày, giai đoạn này không cần tưới nước. Sau 30 – 35 ngày đưa cây ra khỏi mùng hoặc tháo bao PE trùm lên cây, giữ dây quấn mối ghép đến khi chồi cao 20 – 30 cm.

Khi đợt chồi đầu tiên già thì tưới nhẹ phân urê, phân NPK (như chăm sóc cây gốc ghép), phòng trừ sâu bệnh cho cây đến khi đem trồng, chủ yếu là phòng bệnh héo, chết cây con bằng các loại thuốc gốc đồng như Copper B, Copper Zinc hoặc Ridomil, liều lượng theo hướng dẫn ghi trên bao bì.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật trồng cây Vú Sữa ghép

Chrysophyllum cainito – từ đồng nghĩa: Achras caimito, là danh pháp khoa học của một loài cây nhiệt đới trong họ Hồng xiêm – Sapotaceae, bộ Thạch nam – Ericales, trước đây coi là thuộc bộ Thị – Ebenales, có nguồn gốc ở các vùng đất thấp của Trung Mỹ và Tây Ấn. Tên gọi trong tiếng Việt của nó là vú sữa.

A . GIAI ĐOẠN MỚI TRỒNG ĐẾN 3 NĂM TUỔI

1. Thời vụ trồng:

Nếu chủ động nước tưới có thể trồng bất cứ thời điểm nào trong năm; tuy nhiên trồng vào mùa mưa sẽ ít tốn công tưới.

2. Chuẩn bị đất trồng:

– Thiết kế vườn:

+ Vẽ sơ đồ vườn theo mương, liếp để quản lý, chăm sóc, ghi chép nhật ký canh tác.

+ Đào mương, lên liếp: nếu trồng mới trên đất ruộng nên đào mương sâu 1 – 1,5 m, bề mặt liếp rộng 7 – 10 m.

+ Bố trí hệ thống đê bao, cống bọng để tưới – tiêu chủ động.

+ Trồng cây chắn gió: chú ý trồng cây chắn gió vì cây vú sữa dễ bị lật gốc, tét nhánh vì vậy cần phải trồng cây chắn gió; đặc biệt là những vườn ở ven sông lớn. Hàng cây chắn gió phải thẳng góc với hướng gió thường thổi tới. Hàng cây chắn gió còn giúp giữ độ ẩm cho vườn, cây quang hợp tốt (do lượng CO2 ổn định hơn), tránh được đổ ngã khi có gió lớn, cây thụ phấn và đậu quả cũng tốt hơn.

– Chuẩn bị đất để lên mô trồng: chọn đất mặt ruộng, đất bùn ao, đất vườn cũ, xử lý khoảng 1 – 1,5 kg vôi/mô, phơi 15 – 30 ngày trước khi trồng.

– Chất mô: theo sơ đồ đã thiết kế, đường kính mô từ 0,8 – 1m, cao 0,4 – 0,7m.

– Trộn phân hữu cơ đã hoai mục với Trichoderma để tăng vi sinh vật đối kháng trong đất khống chế nấm bệnh. Có thể dùng chế phẩm EM để thúc đẩy phân mau hoai và cung cấp thêm vi sinh vật hữu ích cho cây trồng.

– Bón phân lót: mỗi mô bón 10 – 15kg phân hữu cơ hoai (đã ủ ở phần trên), 0,3kg super lân, 0,1kg DAP .

3. Cách trồng:

– Mật độ – khoảng cách: Tùy theo chiều rộng mặt liếp mà bố trí số hàng cây. Với liếp rộng 7 – 8m thì bố trí trồng một hàng cây ở giữa liếp, khoảng cách 8m/cây, mật độ 12 – 13 cây/1000m2. Với liếp rộng 9 – 10m, trồng hai hàng theo kiểu nanh sấu. Có thể trồng xen rau màu hoặc cây ăn trái ngắn ngày trong 1 – 3 năm đầu để tăng thu nhập.

– Cách đặt cây: Khoét lỗ trên mô vừa với bầu cây con (khoảng 20 – 25 cm), cắt bớt gốc cành ghép (treo bầu), xé bỏ bao nilon (đựng bầu đất), đặt cây con vào hố, dùng dao cạo nhẹ lớp vỏ nơi tiếp xúc giữa cành ghép và gốc ghép lấp đất đến nơi vừa cạo vỏ giúp hình thành 1 lớp rễ mới sau khoảng vài tháng trồng; ém đất chặt, dùng 3 cây cọc để cố định cây con, chú ý che nắng cho cây.

4. Chăm sóc:

– Dùng rơm tủ gốc để giữ ẩm và hạn chế cỏ dại.

– Làm cỏ để tránh sự cạnh tranh dinh dưỡng, nên cắt bớt cỏ trong vườn, hạn chế dùng thuốc diệt cỏ trong vườn cây ăn trái.

– Tưới nước: cần cung cấp nước đầy đủ cho cây vú sữa, mỗi tuần tưới 3 – 5 lần, mỗi lần tưới 20 – 30 lít nước/cây nhất là vào mùa nắng để giảm tỷ lệ cây chết và giúp cây phát triển nhanh đặc biệt trong 3 năm đầu. Nên giữ mực nước trong mương cách mặt liếp ít nhất 40 cm.

– Bón phân:
+ Sau khi trồng đến một năm: sử dụng NPK 16 – 16 – 8 + Urê tỉ lệ 1:1, liều lượng 40 g/cây; hoà phân vào nước để tưới, mỗi tháng nên bón phân 1 lần
+ Cây 1 – 3 năm tuổi: bón 1 – 2 kg hỗn hợp gồm Urê, DAP, NPK 16 – 16 – 8 (hoặc 20 – 20 – 15), với tỉ lệ 1:1:1; chia làm 4 lần bón trong năm, lượng phân bón tăng dần theo độ lớn của cây (năm đầu dùng 1kg phân, sau đó tăng dần)

– Tỉa cành tạo tán: trong các năm đầu nên tỉa cành để cây vú sữa có cành phân bố theo 4 hướng, tạo cho cây có tán tròn đều. Chú ý tỉa bỏ cành vượt, cành trong tán cây, cành bị sâu bệnh

B . GIAI ĐOẠN CÂY TỪ 3 NĂM TUỔI TRỞ LÊN

1. Tủ gốc giữ ẩm:

Rễ vú sữa thường ăn nông, nhiệt độ của đất cao vào mùa nắng sẽ ảnh hưởng đến bộ rễ, do đó cần phải tủ gốc giữ ẩm bằng rơm rạ, cỏ khô để giữ ẩm cho đất. Nên tủ cách gốc để tránh sâu bệnh tấn công.

2. Làm cỏ và trồng xen:

Nên làm cỏ thường xuyên trong các năm đầu để hạn chế sự cạnh tranh dinh dưỡng và loại bỏ nơi trú ẩn của sâu bệnh. Đến năm thứ tư trở đi tán cây rộng dần và công làm cỏ sẽ giảm. Để giảm bớt công làm cỏ và tưới nước, trong các năm đầu nên dùng rơm rạ phủ gốc và trồng xen một số cây ngắn ngày khác để tăng nguồn thu nhập.

3. Bồi bùn:

Hàng năm cần bồi bùn vào mô trồng, nên phơi khô bùn sau khi vét mương rồi sau đó bồi vào mô. Công tác bồi bùn cần tiến hành thường xuyên hàng năm, ngay cả khi cây đã lớn và sau khi định hình mương liếp hoàn chỉnh. Việc vét mương bồi liếp vừa có tác dụng cải tạo hệ thống mương tưới tiêu, nâng cao dần mặt liếp, vừa có tác dụng cung cấp một phần dinh dưỡng cho cây vú sữa.

4. Tưới tiêu:

Để cây vú sữa phát triển nhanh hơn, cần phải tưới nước đầy đủ nhất là trong những năm đầu. Nếu vườn cây vú sữa chưa có hệ thống đê bao ngăn lũ thì phải bố trí hệ thống thoát nước tốt vì cây vú sữa không chịu được ngập úng.
Giai đoạn cây ra hoa và mang trái tưới nước thường xuyên 2 – 3 ngày/ lần giúp cây ra hoa, đậu trái tốt hơn.

5. Tỉa cành, tạo tán:

Hàng năm, sau khi thu hoạch, phải vệ sinh vườn bằng cách tỉa bỏ những cành mọc đứng trong tán, cành gãy, cành sâu bệnh, cành khô, già cổi, cành phụ ốm yếu mọc liên tiếp trên cùng một cành chính, cành mọc gần mặt đất; tỉa thấp lại cành chính khống chế chiều cao của cây không quá 4 – 4,5m để tiện chăm sóc, thu hoạch sau này.

Đối với cây quá già cổi: cây cho lá nhỏ, trái nhỏ, chậm ra nhánh mới; để trẻ hóa vườn cây vú sữa này cần cưa bỏ từ 30 – 60% số cành để cây phát triển cành mới, số cành mới phát triển sẽ cho trái lớn hơn, tốt hơn vào các vụ sau.

Sau mỗi vụ thu hoạch nên cưa bỏ 1 – 2 cành vươn cao, ít lá và có biểu hiện sinh trưởng, năng suất kém nhất trên tán cây. Cưa ngắn các cành này còn 30 – 50cm tính từ gốc cành. Vết cưa nghiêng 45 độ để tránh đọng nước. Sơn phủ bề mặt vết cưa bằng dung dịch sun-phát đồng. Khoảng 15 – 20 ngày sau dưới mỗi vết cưa sẽ phát triển 5 – 15 chồi mới, nên tỉa bớt số chồi mới chỉ giữ lại 2 – 3 chồi khỏe và ở vị trí đều quanh cành. Khi chồi mới phát triển đến chiều dài 50 – 60cm thì tiến hành loại bỏ đỉnh sinh trưởng để kích thích chồi phân cành.

* Lưu ý quan sát và phòng trừ sâu hại cho cành mới, cành này có khả năng cho trái sau 12 – 18 tháng.

6. Bón phân:

Từ năm thứ tư sau khi trồng, cây vú sữa bắt đầu cho trái; vì vậy lượng phân bón cho cây cũng tăng dần lên để đảm bảo đủ dinh dưỡng cho cây. Bón 2 – 3 kg hỗn hợp gồm Urê, DAP, NPK 16 – 16 – 8 (hoặc 20 – 20 – 15), với tỉ lệ 1:1:1; chia làm 4 lần bón trong năm bón vào lúc cây ra hoa, đậu trái, nuôi trái và trước thu hoạch 1 – 2 tháng. Lượng phân bón trên áp dụng cho cây 4 – 5 năm tuổi.

Cây vú sữa từ năm thứ 5 sau khi trồng, bước sang giai đoạn cho trái ổn định, và cũng là bắt đầu giai đoạn kinh doanh. Nên bón 4 lần phân vào các giai đoạn: sau khi thu hoạch làm gốc để cây chuẩn bị ra hoa, đậu trái, nuôi trái và trước thu hoạch 1 – 2 tháng. Liều lượng phân bón thay đổi, tăng dần theo tuổi cây từ 6 năm đến trên 20 năm (lúc đầu bón số lượng nhỏ, tăng dần theo từng năm). Mức phân đề nghị cho cây 5 năm tuổi như sau :

• Lần 1 : Bón vào giai đoạn xử lý ra hoa sớm với 5 – 10kg phân hữu cơ hoai/cây và 3 – 6 kg gồm NPK (20 – 20 – 15 hoặc 16 – 16 – 8), Urê và phân lân theo tỉ lệ 1/1/1.

• Lần 2 : bón vào giai đoạn đậu trái lúc trái bằng nút áo với lượng 2 – 4kg phân/cây gồm Urê và DAP theo tỉ lệ 2/1.

• Lần 3 : Bón vào giai đoạn nuôi trái, lúc trái có đường kính khoảng 2cm, với 2 – 3kg phân NPK/cây (dạng phân như nói trên).

• Lần 4 : Bón vào giai đoạn trước thu hoạch 1 – 2 tháng với liều lượng 1 – 2kg phân NPK/cây.
Các lần bón phân cách nhau từ 2,5 – 3 tháng.

Phương pháp bón: Trước khi bón phân nên tiến hành thu dọn toàn bộ vật liệu tủ gốc rồi bón lên mặt liếp (mô) hoặc xới rảnh sâu 5-10 cm ở 2/3 đường kính tán cây, bón phân vào rãnh. Sau khi bón phân nên che phủ gốc bằng các vật liệu hữu cơ và tưới nước liên tục 5-7 ngày cho phân tan vào đất.

7. Thu hoạch:

Từ khi đậu trái đến khi thu hoạch vú sữa là 180 – 200 ngày, mùa thu hoạch vú sữa Lò rèn tập trung vào tháng 2 và tháng 3 (dương lịch). Khi chín vỏ vú sữa lò rèn có màu hột gà sáng bóng.

Vỏ vú sữa mỏng nên dễ bị giập, trầy sướt; khi chín cuống trái dễ bị sút ra nên khi thu hoạch phải thật nhẹ nhàng và khéo léo, không để trái trực tiếp xuống đất vì nấm bệnh từ đất sẽ xâm nhập vào trái qua cuống hoặc vết thương.

Nên bao trái để tránh trầy sướt khi vận chuyển. Trong thời gian tồn trữ, vận chuyển không nên để trái tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời vì sẽ làm tổn thương vỏ trái, không nên che nắng trái bằng tấm nilon vì nilon hấp thu nhiệt sẽ làm nám vỏ trái.

Khi chất trái vào thùng, vào giỏ…nên lót giấy hoặc vật liệu xốp và không nên chất quá 4-5 lớp/ giỏ.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật trồng cây vú sữa đúng cách cho năng suất cao nhất

Vú sữa là loại quả có vị thơm ngọt mát, rất thích hợp cho việc giải khát khi thời tiết nóng nực. Vì vậy, mọi người cần nắm vững kỹ thuật trồng cây vú sữa đúng cách để cho năng suất cao nhất.

Cây vú sữa được du nhập từ châu Mỹ vào Ấn Độ, Srilanka, Thái Lan và sau đó vào Vệt Nam. Cây sinh trưởng phát triển trong đìều kiện nhiệt độ từ 22 – 34oC. Kỹ thuật trồng cây vú sữa không khó nên mọi người có thể áp dụng để tăng thu nhập cho gia đình.

Nhân giống

Trong sản xuất hiện nay có 2 phương pháp nhân giống cây vú sữa đó là: Nhân giống bằng phương pháp chiết cành: Chọn các cây cho năng suất cao và độ tuồi từ 6 – 10 năm tuổi. Trên cây chọn các cành bánh tẻ khỏe mạnh không sâu bệnh có độ tuổi từ 12 – 14 tháng tuổi, cành nằm ngang, da vừa hóa gỗ không mang cành vượt chọn làm cành chiết.

Kỹ thuật trồng cây vú sữa không khó để cho năng suất cao nhất

Nhân giống bằng phương pháp ghép. Có nhiều cách ghép, tuy nhiên trong sản xuất hiện nay ghép áp cành treo bầu và ghép mắt được áp dụng phổ biến nhất. Mật độ và khoảng cách trồng: Tùy theo điều kiện vùng cao thấp, và điều kiện mương liếp để bố trí theo các khoảng cách sau: hàng cách hàng 6m, cây cách cây 8m với mật độ khoảng 200 – 22 cây/ha.

Các vùng đất cao bố trí khoảng cách 6 m X 6m /cây theo kiểu nanh sấu với mật độ 250 – 270 cây/ha. Mật độ (khoảng cách): Tùy theo chiều rộng mặt luống mà bố trí số hàng cây. Với luống rộng 7 – 8 m thì bố trí trồng một hàng cây ở giữa luống, khoảng cách 8 m/cây, mật độ 12 – 13 cây /1000 m2. Với luống rộng 9 – 10 m, trồng hai hàng theo kiểu nanh sấu. Có thể trồng xen rau màu hoặc cây ăn trái ngắn ngày trong 1 – 3 năm đầu để tăng thu nhập.

Cách đặt cây vú sữa

Khoét lỗ trên mô vừa với bầu cây con (khoảng 20 – 25 cm), cắt bớt gốc cành ghép (treo bầu), xé bỏ bao nilon (đựng bầu đất), đặt cây con vào hố, dùng dao cạo nhẹ lớp vỏ nơi tiếp xúc giữa cành ghép và gốc ghép lấp đất đến nơi vừa cạo vỏ giúp hình thành 1 lớp rễ mới sau khoảng vài tháng trồng. Sau đó, ém đất chặt, dùng 3 cây cọc để cố định cây con, chú ý che nắng cho cây.

Chăm sóc

Cần chăm sóc và bón phân đúng thời kỳ cho cây vú sữa

Dùng rơm ủ gốc để giữ ẩm và hạn chế cỏ dại. Làm cỏ để tránh sự cạnh tranh dinh dưỡng, nên cắt bớt cỏ trong vườn, hạn chế dùng thuốc diệt cỏ trong vườn cây ăn trái. Tưới nước: Cần cung cấp nước đầy đủ cho cây vú sữa, mỗi tuần tưới 3 – 5 lần, mỗi lần tưới 20 – 30 lít nước/cây nhất là vào mùa nắng để giảm tỷ lệ cây chết và giúp cây phát triển nhanh, đặc biệt trong 3 năm đầu.

Bón phân

Sau khi trồng đến một năm: Sử dụng NPK 16 – 16 – 8 + urê tỉ lệ 1:1, liều lượng 40 g/cây; hoà phân vào nước để tưới, mỗi tháng nên bón phân 1 lần. Cây 1 – 3 năm tuổi: Bón 1 – 2 kg hỗn hợp gồm urê, DAP, NPK 16 – 16 – 8 (hoặc 20 – 20 – 15), với tỉ lệ 1:1:1; chia làm 4 lần bón trong năm, lượng phân bón tăng dần theo độ lớn của cây (năm đầu dùng 1 kg phân, sau đó tăng dần)

Tỉa cành tạo tán

Tổng các năm đầu nên tỉa cành để cây vú sữa có cành phân bố theo 4 hướng, tạo cho cây có tán tròn đều. Chú ý tỉa bỏ cành vượt, cành trong tán cây, cành bị sâu bệnh.

Thu hoạch vú sữa

Từ khi đậu trái đến khi thu hoạch vú sữa là 180 – 200 ngày, mùa thu hoạch vú sữa Lò rèn tập trung vào tháng 2 và tháng 3 (dương lịch). Khi chín vỏ vú sữa có màu hột gà sáng bóng.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Trồng vú sữa có thể thu nhập 200 – 300 triệu/ha/năm

Theo tính toán của các nhà vườn, trong các loại cây đặc sản, vú sữa được xếp vào nhóm cây có giá trị kinh tế cao, bền, chắc và khai thác được lâu dài.

Huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ được coi là một trong những vựa cây trái nổi tiếng nhất ĐBSCL. Toàn huyện hiện có trên 10.500ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có 6.500ha cây ăn trái. Riêng loại cây trái ngon và cây đặc sản như dâu hạ châu, nhãn, xoài riêng, măng cụt, mít, vú sữa… chiếm hơn nửa diện tích, đặc biệt có tới 800ha vú sữa. Những nơi phát triển rầm rộ là thị trấn Phong Điền, xã Nhơn Ái, Nhơn Nghĩa, Giai Xuân và Mỹ Khánh.

Vú sữa tím Phong Điền

Thời gian qua, tuy phải ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là hạn hán kéo dài nhưng nhiều nhà vườn đã áp dụng tốt những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên đạt năng suất cao, chất lượng bảo đảm, mức thu nhập bình quân từ 200 – 300 triệu/ha/năm.
Ông Trần Thái Nghiêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phong Điền cho biết, việc cải tạo, nâng chất vườn cây ăn trái có nhiều chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng, nổi tiếng nhất là dâu hạ châu, nhãn, xoài riêng, măng cụt, vú sữa các loại…
Theo tính toán của các nhà vườn, trong các loại cây đặc sản, vú sữa được xếp vào nhóm cây có giá trị kinh tế cao, bền, chắc và khai thác được lâu dài. Một người trồng đúng kỹ thuật, biết xử lý cho cây ra trái mùa nghịch có thể thu hoạch 500 triệu đ/ha/năm.

Vú sữa tím Phong Điền (giống mới)

Ông Nguyễn Hoàng Ân ở ấp Nhơn Thọ 1A, xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền có 7 công đất trồng vú sữa đủ loại, mỗi năm thu nhập trên 250 triệu đồng. Ông Trần Văn Vui ở ấp Trường Trung B, xã Tân Thới có 4 công vườn trồng toàn vú sữa lò rèn được 4 năm tuổi, cứ mỗi tuần hái trái một lần, mỗi lần vài trăm ký, bán tại chỗ với giá 15.000 đ/kg. Nếu cho trái ra mùa nghịch giá sẽ cao gấp đôi. Sau khi trừ hết các chi phí, mỗi vụ ông còn lời trên 100 triệu đồng. Ông cho biết vú sữa càng lâu năm trái càng sai và càng ngọt.
Theo ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Chủ nhiệm CLB làm vườn ấp Nhơn Thọ 1A, bà con nông dân Phong Điền hiện trồng nhiều loại vú sữa khác nhau như bơ hồng, bơ trắng, lò rèn, tím, cà na, tứ quý… Thường vú sữa bơ hồng chín sớm từ tháng 11 âm lịch nên giá rất cao. Các loại khác kéo dài từ trước tết cho đến tháng hai âm lịch. Do vậy mà mùa thu hoạch kéo dài giúp cho bà con nông dân có thu nhập ổn định.
Ngoài các vườn cây ăn trái, Phong Điền còn có trên 20 nhà vườn làm du lịch sinh thái, thu hút nhiều khách tham quan, giúp cho đầu ra được thuận lợi và dễ dàng. Hiện nay tuy vú sữa ở cuối mùa nhưng thị trường tiên thụ rất mạnh, thậm chí có nhiều thương lái đến tận vườn thu mua, đóng thùng chở đi các nơi tiêu thụ.

Bà con chất vú sữa vào thùng chuẩn bị vận chuyển đi xa

Các nhà vườn đánh giá, hiện nay vú sữa bơ hồng và vú sữa tứ quý là các giống có triển vọng với các ưu điểm trái to, bóng, đẹp và ngọt lành. Theo Hiệp hội Trái cây Việt Nam (Vinafruit) vú sữa là một trong 11 chủng loại có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam được Bộ NN-PTNT khuyến cáo phát triển hướng đến xuất khẩu.
Ông Trương Văn Phong, cán bộ khuyến nông xã Nhơn Ái cho biết, ở Nhơn Ái nhà vườn nào cũng trồng vú sữa, trong đó có trên 3,5ha vú sữa bơ hồng đang ra trái, vừa được mùa vừa trúng giá, bà con ai cũng phấn khởi.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam