Kiên Giang tiếp tục dẫn đầu cả nước về sản lượng lúa

Năm 2019, Kiên Giang phòng, chống hạn, mặn hiệu quả, tăng xã đạt chuẩn nông thôn mới, sản lượng tôm nuôi tăng mạnh, tổng sản lượng lúa thu hoạch dẫn đầu cả nước, tăng tỷ lệ che phủ rừng…

Chiều 2/1, tại TP Rạch Giá, Sở NN-PTNT Kiên Giang tổ chức hội nghị tổng kết ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2019, triển khai kế hoạch năm 2020.

Năm 2019, Kiên Giang gieo trồng hơn 722 ngàn ha lúa, thu hoạch gần 4,3 triệu tấn, tiếp tục dẫn đầu cả nước về sản lượng.

Báo cáo tại hội nghị, TS Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang đánh giá, năm 2019, ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, thách thức, như: mặn xâm nhập sớm và sâu vào nội đồng, bệnh dịch tả heo Châu Phi diễn biến phức tạp, sạt lở bờ sông, bờ biển xảy ra nghiêm trọng, hoạt động khai thác thủy sản tiếp tục gặp nhiều khó khăn do nguồn lợi suy giảm… Tuy nhiên, đơn vị đã tổ chức thực hiện nhiệm vụ đạt nhiều kết quả, hoàn thành tiến độ kế hoạch và tăng so với cùng kỳ.

Cụ thể, công tác phòng, chống hạn, mặn, mưa bão phát huy hiệu quả, tăng xã đạt chuẩn nông thôn mới, sản lượng tôm nuôi tăng mạnh, tổng sản lượng lúa thu hoạch dẫn đầu cả nước, tăng tỷ lệ che phủ rừng… Tổng sản phẩm GRPD của ngành năm 2019 ước đạt 22.143 tỷ đồng.

Nổi bật là diện tích gieo trồng lúa đạt hơn 722 ngàn ha, sản lượng thu hoạch gần 4,3 triệu tấn. Trong đó, lúa chất lượng cao chiếm 72% diện tích gieo trồng. Liên kết sản suất lúa theo cánh đồng lớn, gắn với hợp đồng tiêu thụ sản phẩm được 56 cánh đồng, tổng diện tích hơn 33 ngàn ha.

Sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt trên 845 ngàn tấn, trong đó nuôi trồng được hơn 245 ngàn tấn, riêng tôm nuôi nước lợ thu hoạch ước đạt trên 82 ngàn tấn, tăng 11,55% so cùng kỳ. Năm 2019, dịch bệnh trên đối tượng thủy sản nuôi trồng có xảy ra nhưng được kiểm soát tốt.

Trong năm đã công nhận thêm 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng toàn tỉnh có 64/117 xã được công nhận và huyện Tân Hiệp đạt chuẩn huyện nông thôn mới và đang chuẩn bị hồ sơ thủ tục thẩm tra kết quả huyện nông thôn mới Vĩnh Thuận.

Năm 2020, Kiên Giang tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới, sản xuất hàng hóa lớn theo yêu cầu thị trường. Trong đó, sản lượng lúa đạt khoảng 4,3 triệu tấn, tỷ lệ lúa chất lượng cao phấn đấu chiếm 80% diện tích gieo trồng. Thủy sản khai thác và nuôi trồng đạt 755 ngàn tấn, riêng tôm nuôi là 85 ngàn tấn. Chăn nuôi tổng đàn heo 200 ngàn con, trâu, bò 18 ngàn con, gia cầm 6 triệu con. Duy trì tỷ lệ che phủ rừng đạt 12,01%. Công nhận thêm 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Tìm hiểu về cây sâm nhung thủy canh

Sâm Nhung là một dạng Bonsai, nó được ví như một bức tranh độc đáo. Nổi bật cùng phiến lá nhỏ xanh mướt, cây được nhiều người ưa chuộng bởi mỗi cây mang một thế riêng khác biệt. Giá trị của Bonsai không những thể hiện ở dáng/ thế cây, mà nó còn mang lại cảm giác sảng khoái trong tâm hồn người thưởng thức.

1. Đặc điểm của cây Sâm nhung

– Cây sâm nhung: Ưa quang hợp, kỵ nước, chơi cây theo thế. Cây bonsai thuần sang môi trường nước được bố trí vào không gian sống. Đặt cây nơi cửa sổ có ánh sáng chiếu vào hoặc nơi có ánh sáng quang hợp mạnh.

2. Ý nghĩa phong thủy của cây sâm nhung

Sâm Nhung tượng trưng cho sức khỏe căng đầy, tuổi thọ dài lâu và bền vững, ổn định trên con đường danh lợi của gia chủ.

– Trong sự nghiệp: Cây mang lại may mắn, tiền tài. Giúp xua đuổi kẻ xấu hãm hại, thành công trở nên dễ dàng hơn , giữ tiền bạc của cải cho gia đình . Hơn nữa cây giúp tịnh tâm khiến tâm hồn thoải mái , thư giãn làm việc gì cũng đạt hiểu quả cao hơn.

– Trong tình cảm: Sâm Nhung như món quà trao gửi yêu thương – căng đầy sức khỏe, giúp gia tăng tuổi thọ và suôn sẻ mọi điều !

Cây Sâm Nhung hợp mạng Mộc: sẽ giúp mang lại năng lượng dồi dào và rất yên bình. Hơn nữa, cây phát lộc có nhiều đốt rỗng nên tinh thần của gia chủ cũng dễ lưu thông, tâm hồn được tự do, thăng hoa.

Cây Sâm Nhung hợp tuổi Mão: đặt đúng vị trí sẽ mang lại sức khỏe và sự may mắn, có tác dụng chiêu tài.

3. Cách chăm sóc cây Sâm nhung

Trong quá trình phát triển, cây thường thay lá, lá cây sẽ bị úa vàng, nếu bạn không ngắt bỏ thì lá sẽ rơi vào nước, làm đục nước. Do đó bạn nên thay nước cho cây từ 1-2 lần/ tuần với mực nước yêu cầu: 2/3 so với rễ cây. Việc phun sương lên lá sẽ làm lá xanh và phát triển tốt.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Giải pháp sản xuất hoa bền vững

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp Sở NN-PTNT Hải Phòng vừa tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề: “Giải pháp phát triển sản xuất hoa bền vững vùng đồng bằng sông Hồng”.

Lãi cao

Theo Viện Nghiên cứu Rau quả, nước ta là một quốc gia có tiềm năng về sản xuất hoa và trong những năm gần đây diện tích và sản lượng hoa tăng lên nhanh chóng. Năm 2017, cả nước có khoảng 25,46 nghìn héc ta trồng hoa. Diện tích này lớn gấp 1,7 lần so với diện tích trồng hoa năm 2011 và diện tích gia tăng của năm 2014 gấp 1,56 lần so với năm 2011.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Trần Văn Khởi phát biểu tại diễn đàn

Riêng vùng đồng bằng sông Hồng, diện tích hoa năm sau luôn cao hơn năm trước và sản xuất hoa gia tăng khá ổn định ở Hà Nội và Nam Định… Nhiều mô hình đạt thu nhập từ 800 triệu đến 2,5 tỷ đồng/ha. Thu nhập bình quân trồng hoa, cây cảnh trên cả nước năm 2014 là 285 triệu đồng/ha/năm.

So với giá trị thu nhập/ha canh tác toàn ngành trồng trọt là 82 – 83 triệu đồng/ha/năm, mức thu nhập này gấp gần 3,5 lần. So sánh với một số loại cây trồng chính hiện nay cho thấy, lợi nhuận thu được từ 1ha trồng hoa cao hơn 10 – 15 lần so với trồng lúa và 7 – 8 lần so với trồng rau… Vì vậy, sản xuất hoa đã đóng góp vào sự thay đổi cơ cấu cây trồng trong nông nghiệp và đặc biệt đóng góp vào xây dựng NTM.

Ngoài ra, sản phẩm hoa của Việt Nam sản xuất ra không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu. Vào những thời điểm nhu cầu hoa cao như Tết hoặc các dịp lễ hội thì nước ta còn phải nhập khẩu…

Ông Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả chia sẻ, trước năm 2000, nước ta chủ yếu sử dụng những loại hoa, cây cảnh truyền thống như quất, đào, mai, hồng, cúc, lay-ơn, huệ… Những năm gần đây, một số chủng loại hoa mới cao cấp đã dần được chú trọng và đang có xu hướng tăng dần về số lượng và giá trị.

Riêng vùng đồng bằng sông Hồng, diện tích hoa năm sau luôn cao hơn năm trước và SX hoa gia tăng khá ổn định ở Hà Nội và Nam Định… Nhiều mô hình đạt thu nhập từ 800 triệu đến 2,5 tỷ đồng/ha. Thu nhập bình quân trồng hoa, cây cảnh trên cả nước năm 2014 là 285 triệu đồng/ha/năm.  So với giá trị thu nhập/ha canh tác toàn ngành trồng trọt là 82 - 83 triệu đồng/ha/năm, mức thu nhập này gấp gần 3,5 lần. So sánh với một số loại cây trồng chính hiện nay cho thấy, lợi nhuận thu được từ 1ha trồng hoa cao hơn 10 - 15 lần so với trồng lúa và 7 - 8 lần so với trồng rau… Vì vậy, SX hoa đã đóng góp vào sự thay đổi cơ cấu cây trồng trong nông nghiệp và đặc biệt đóng góp vào xây dựng NTM.  Ngoài ra, sản phẩm hoa của Việt Nam SX ra không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu. Vào những thời điểm nhu cầu hoa cao như Tết hoặc các dịp lễ hội thì nước ta còn phải nhập khẩu...  Ông Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả chia sẻ, trước năm 2000, nước ta chủ yếu sử dụng những loại hoa, cây cảnh truyền thống như quất, đào, mai, hồng, cúc, lay-ơn, huệ... Những năm gần đây, một số chủng loại hoa mới cao cấp đã dần được chú trọng và đang có xu hướng tăng dần về số lượng và giá trị.
Ban Chủ tọa và Ban cố vấn

“Có sự thay đổi trên là do nhu cầu của người tiêu dùng luôn hướng đến những chủng loại hoa, cây cảnh mới lạ, có chất lượng cao. Ngoài ra, do sự hội nhập với bên ngoài và do có đóng góp rất lớn của các cơ quan khoa học trong việc lai tạo, thu thập, tuyển chọn các giống hoa, cây cảnh mới”, ông Đông nêu 3 lý do.

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Nguyễn Đình Chuyến, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng đã khái quát một số tiềm năng, thế mạnh trồng hoa, cây cảnh của thành phố tại các làng hoa truyền thống. Hiện, một số vùng trồng hoa đang tích cực nâng cao giá trị sản xuất, trồng hoa theo công nghệ cao.

“Hải Phòng có khoảng 20.000ha sản xuất tập trung. Trong đó diện tích trồng hoa chiếm khoảng 700ha. Các vùng trồng hoa duy trì khá tốt. Hàng năm, vào dịp tết các vườn đào, vườn hoa tiêu thụ với số lượng lớn. Nhờ sự cần cù, chịu khó mà cuộc sống của nông dân được cải thiện, thu nhập từ trồng cây hoa cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác…”, ông Chuyến nói.

Giải Pháp

Phát biểu tại diễn đàn, Q. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Trần Văn Khởi cho hay: sản xuất hoa là một ngành đặc thù, có vị trí quan trọng trong trồng trọt. Diện tích, năng suất và hiệu quả kinh tế sản xuất hoa ngày càng tăng cao. Ngành sản xuất hoa mang lại giá trị tinh thần, hình thành nhân sinh quan một cách sống hòa đồng, yêu thiên nhiên, mang lại giá trị vật chất, góp phần xây dựng NTM.

Miền Bắc nói chung và đồng bằng sông Hồng nói riêng có nhiều lợi thế phát triển ngành hoa như vị trí địa lý, khí hậu, điều kiện đất đai. Đây cũng là vùng có nhiều cơ quan nghiên cứu, cho nên tiến bộ kỹ thuật ở vùng này rất nhiều… Đặc biệt là sự khéo tay, tinh tế của người trồng hoa.

Đoàn đại biểu tham quan mô hình sản xuất hoa lan ứng dụng công nghệ cao tại Cty CP nông nghiệp công nghệ cao Châu Giang (huyện Thủy Nguyên)

Hơn nữa, đây là một nghề sản xuất đem lại kinh tế cao, không đòi hỏi nhiều về đất đai, nước tưới, vật tư, lại dễ áp dụng công nghệ cao và đang trở thành lĩnh vực hấp dẫn của nông dân, đặc biệt là các vùng ven đô.

Thực tế sản xuất đã có nhiều mô hình doanh nghiệp, trang trại, gia trại đầu tư sản xuất hoa mang lại giá trị kinh tế cao và rất cao, đáp ứng nhu cầu chơi hoa nội địa và xuất khẩu. Tuy nhiên, sản xuất hoa đang gặp nhiều khó khăn như sản xuất nhỏ lẻ; manh mún; thị trường còn rủi ro; doanh nghiệp đầu tư ít…

Ông Khởi đã đưa ra một số giải pháp để phát triển hoa bền vững hơn nữa. Một là, quy hoạch vùng sản xuất, kết hợp tận dụng lợi thế các vùng sản xuất truyền thống để tạo ra các ngành nghề. Đây là điều kiện gắn với sản xuất công nghệ cao, nhà kính, nhà lưới, sản xuất quy mô công nghiệp, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất hoa.

Hai là, kết hợp sản xuất hoa, cây cảnh với du lịch sinh thái, du lịch danh lam thắng cảnh để nâng cao giá trị của ngành trồng hoa. Kết hợp khu, vùng sản xuất hoa với đào tạo học sinh, sinh viên, đặc biệt là cấp tiểu học, trung học cơ sở thông qua trải nghiệm thực tế để hình thành nhân sinh quan một cách sống yêu thiên nhiên.

Ba là, đầu tư cho nghiên cứu chọn tạo, phục tráng nhập nội thuần hóa và các biện pháp kỹ thuật phù hợp với sản xuất, đáp ứng nhu cầu của người sản xuất cũng như người tiêu dùng. Tăng cường xúc tiến, quảng bá để mở rộng thị trường tiêu thụ hoa từ vùng đồng bằng sông Hồng đến các tỉnh khác, vừa đáp ứng nhu cầu hoa phổ thông với các loại hoa đặc thù truyền thống.

Đoàn đại biểu tham quan mô hình trồng đào cổ xã Đặng Cương (huyện An Dương)

Ngoài ra, xúc tiến hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất hoa, trước hết là hình thành HTX sản xuất hoa kiểu mới, nâng cao năng lực sản xuất thông qua đào tạo, tập huấn, trình diễn mô hình, tham quan học tập hoạt động khuyến nông các cấp.

Hỗ trợ, hoàn thiện cơ chế chính sách cho sản xuất trồng trọt nói chung và hoa, cây cảnh nói riêng. Đặc biệt là có chính sách thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước để đầu tư vào sản xuất hoa.

Diễn đàn có khoảng 200 đại biểu tham gia đến từ 6 tỉnh, thành phố thuộc vùng đồng bằng sông Hồng. Tại diễn đàn, Ban chủ tọa và Ban cố vấn đã giải đáp hàng chục câu hỏi của người dân. Câu hỏi tập trung vào các vấn đề như dịch bệnh, chính sách hỗ trợ, kỹ thuật chăm sóc một số loài hoa…

Tổng hợp và duyệt bởi Farmtech Việt Nam

 

 

 

 

Giá Tôm giảm mạnh, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói phải thật bình tĩnh!

Theo báo cáo của Vụ Nuôi trồng thủy sản – Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện nay, diện tích thả nuôi tôm nước lợ của cả nước đạt hơn 635 nghìn ha, tăng 102,5% so cùng kỳ năm 2017.
Trong đó, diện tích thả nuôi tôm sú là hơn 582 nghìn ha, tăng 101,4% so năm 2017. Diện tích tôm thẻ chân trắng 54.500 ha, tăng hơn 116% so năm 2017.

 

Đáng chú ý, sản lượng thu hoạch tôm nước lợ 5 tháng đầu năm 2018 là 195.748 tấn, bằng 111,1% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, sản lượng tôm sú là 85.655 tấn (giảm 4,9%) và sản lượng tôm thẻ chân trắng là 110.093 tấn (tăng 27,8%) so với cùng kỳ năm 2017.
Tuy nhiên, nghề nuôi tôm của Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Theo Vụ Nuôi trồng thủy sản, dù diện tích thả nuôi và sản lượng thu hoạch tăng chủ yếu từ tôm thẻ chân trắng nhưng giá tôm loại này lại không ổn định.
Trong khi giá tôm sú từ đầu năm đến nay vẫn ổn định ở mức cao, tôm cỡ 30 con/kg giá dao động từ 225.000 – 250.000 đồng/kg thì từ tháng 4/2018 đến nay, giá tôm thẻ chân trắng giảm nhiều, giảm từ 10.000 – 30.000 đồng/kg, chủ yếu ở cỡ tôm 80 -100 con/kg tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long.
“Đây là vấn đề khiến hàng chục nghìn hộ nuôi tôm trong nước rất quan tâm, lo lắng”, đại diện Vụ Nuôi trồng thuỷ sản nhận định.
Trước tình hình giá tôm giảm thời gian vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đề nghị người dân nuôi tôm phải thật bình tĩnh, không bán tôm cỡ size non, cần điều chỉnh về quy trình nuôi, thả tôm hợp lý,…
Đối với các doanh nghiệp đầu vào gồm giống, thức ăn, chế biến, Bộ trưởng Cường cho rằng đây là cơ hội rà soát lại quản trị, hạ giá thành sản phẩm một cách hợp lý và đi đôi với chất lượng để nuôi dưỡng thị trường lâu dài.
Với các doanh nghiệp chế biến, Bộ trưởng yêu cầu phải chia sẻ khó khăn, có trách nhiệm với người nuôi và coi khách hàng, người nuôi tôm là bạn đồng hành bền vững với mình.

Bộ trưởng cũng đề nghị các tỉnh, thành tập trung quản lý chặt chẽ, cùng với các cơ quan ngành dọc, cơ quan chuyên môn hướng dẫn bà con nông dân tuân thủ quy trình nuôi, theo dõi dịch bệnh, kiểm soát chất lượng và liên kết sản xuất theo chuỗi để không bị động.
“Đối với các ngành chuyên môn, cần tổng kết những mô hình hay, sáng tạo để cùng với địa phương mở ra tùy quy mô khu vực, hướng dẫn cho bà con nông dân áp dụng nuôi tôm đạt hiệu quả cao”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý.

Nguồn: Vneconomy được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Những dịch bệnh hại cần chú ý trong tuần (từ 27/3 – 2/4)

Tại các tỉnh phía Bắc, bệnh đạo ôn tiếp tục tăng trên những diện tích xanh tốt, bón thừa đạm; trên các giống nhiễm; những diện tích đã bị nhiễm bệnh chưa được phòng trừ…

Những dịch bệnh hại cần chú ý 

1. Trên lúa

Các tỉnh phía Bắc: Chuột hại tăng trên lúa ở giai đoạn cuối đẻ nhánh đến đứng cái, phân hóa đòng. Bệnh lùn sọc đen rải rác trên trà lúa giai đoạn đẻ nhánh đến cuối đẻ nhánh. Bệnh khô vằn, bệnh bạc lá gây hại tăng. Ốc bươu vàng, ruồi đục nõn, bọ xít đen, tuyến trùng, bệnh nghẹt rễ tiếp tục hại.

Các tỉnh Bắc Trung bộ: Do điều kiện thời tiết thuận lợi nên bệnh đạo ôn tiếp tục phát sinh, gây hại tăng tại các tỉnh trong vùng, đặc biệt là tại Nghệ An và Hà Tĩnh. Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn gây hại tăng trên lúa trà sớm ở giai đoạn đứng cái làm đòng. Bệnh khô vằn tiếp tục phát sinh gây hại tăng. Chuột gây hại tăng trên lúa trà sớm ở giai đoạn đứng cái làm đòng, trên lúa trà muộn ở giai đoạn đẻ nhánh, hại nặng trên những chân ruộng gần mương máng, gò bãi.

Các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên: Bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh đen lép hạt, bệnh khô vằn… hại lúa giai đoạn đòng trỗ đến chắc xanh, nặng cục bộ trên các giống lúa nhiễm bệnh. Sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đạo ôn lá phát sinh, gây hại tăng trên lúa ở giai đoạn đẻ nhánh đến đòng trỗ. Chuột gia tăng gây hại trên các trà lúa ĐX ở giai đoạn đẻ nhánh đến đòng trỗ. Ốc bươu vàng di chuyển và lây lan theo nguồn nước.

Các tỉnh Đông Nam bộ và ĐBSCL: Trên lúa HT 2018 giai đoạn đẻ nhánh lưu ý bệnh đạo ôn lá và bệnh bạc lá. Rầy nâu phổ biến tuổi 5 đến trưởng thành, hại ở mức độ nhẹ đến trung bình, hại nặng cục bộ một số diện tích. Hướng dẫn nông dân thăm đồng thường xuyên, quản lý tốt nguồn rầy nâu tại chỗ nhằm hạn chế thấp nhất khả năng lan truyền bệnh VL, LXL do rầy nâu gây ra cho vụ lúa HT.

2. Trên cây trồng khác

– Cây nhãn: Bệnh chổi rồng nhãn tiếp tục gây hại.

– Cây thanh long: Bệnh đốm nâu, ốc sên tiếp tục gây hại.

– Cây có múi: Bệnh greening tiếp tục gây hại.

– Cây hồ tiêu: Tuyến trùng hại rễ và bệnh chết nhanh, chết chậm tiếp tục gây hại.

– Cây điều: Diện tích nhiễm bọ xít muỗi và bệnh thán thư tiếp tục gây hại.

– Cây dừa: Diện tích nhiễm bọ cánh cứng và bọ vòi voi tiếp tục gây hại.

– Cây cà phê: Bệnh khô cành, bệnh gỉ sắt tiếp tục gây hại.

– Cây sắn: Bệnh khảm lá virus tiếp tục gây hại.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

4 ha rau hữu cơ cho sản lượng 30 tấn mỗi năm tại Hà Nam

Hiện, bà con Trác Văn, huyện Duy Tiên, Hà Nam canh tác khoảng 30 loại rau hữu, cung cấp chủ yếu cho thị trường Hà Nam, Hà Nội và Nam Định.

Theo ông Nguyễn Văn Phóng – Giám đốc hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Trác Văn ở thôn Tường Thụy, Xã Trác Văn, huyện Duy Tiên, Hà Nam, nhận thấy nhu cầu tiêu dùng rau sạch của thị trường khá cao; trong khi thổ nhưỡng của địa phương phù hợp với sự phát triển của nhiều loại nông sản, nguồn lao động tại chỗ lại dào dào, nên năm 2013, hợp tác xã thành lập tổ hợp tác chuyên trồng rau hữu cơ. Sau hơn 3 năm hoạt động, hiện, tổ hợp tác có 36 thành viên, canh tác khoảng 30 loại rau hữu cơ trên diện tích 4 ha.

Ruộng cà chua hữu cơ của bà con Trác Văn.

Theo ông Phóng, thời gian đầu khi phát triển mô hình rau hữu cơ, các thành viên trong tổ gặp không ít khó khăn. Một là, bà con còn gặp nhiều bỡ ngỡ khi chuyển đổi từ lối canh tác truyền thống sang phương pháp canh tác có sự kiểm tra, giám sát, thực hiện theo các tiêu chí kỹ thuật. Hai là, trong quá trình sản xuất rau hữu cơ, do không được phép sử dụng các loại thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và phân bón hóa học nên khi rau gặp sâu bệnh, bà con cũng lúng túng, chưa giải quyết được ngay.

Ngoài ra, mô hình trồng rau hữu cơ cho năng suất thấp, chỉ bằng 40-50% so với canh tác thông thường nên nhiều người còn e ngại, chưa nhiệt tình tham gia.

Bà con bón phân cho rau cải muộn. 

Để khắc phục những khó khăn trên, các cán bộ chuyên về trồng trọt được cử xuống tận nơi, hướng dẫn kỹ thuật canh tác rau hữu cơ cho bà con thông qua lớp tập huấn. Theo đó, ngoài đất trồng và nước tưới đảm bảo đạt chuẩn, để hạn chế sâu bệnh gây hại, bà con phải luân canh và xen canh nhiều loại rau, củ, quả.

Ngoài ra, cạnh luống rau, bà con còn được gợi ý trồng thêm các loài hoa có màu sắc rực rỡ để dẫn dụ thiên địch có lợi, từ đó, hạn chế sâu bướm đẻ trứng lên rau và gây hại. Khi gặp sâu bệnh, bà con dùng thuốc thảo mộc hoặc chế phẩm sinh học là hỗn hợp tỏi, ớt giã nhỏ trộn với rượu để phun cho rau.

Rau được trồng xen canh để hạn chế sâu bệnh.

Hiện, bà con Trác Văn canh tác khoảng 30 loại rau hữu cơ gồm cải ngồng, cải ngọt, cà rốt, cải chíp, cà chua, đậu cô ve, dưa chuột, su hào, bắp cải… Các giống rau này đều được nhập từ trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Về phân bón, người dân sử dụng phân bò, lợn, gà ủ cùng gốc rau thải cho hoai mục rồi đem bón. Đây là nguồn cung cấp dưỡng chất giúp rau phát triển tốt, đất tơi xốp, lại góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường.

Nhờ tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, sử dụng các nguyên liệu thủ công, tự chế, chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh, mô hình rau hữu cơ Trác Văn đã được cấp chứng nhận PGS. Đây là chứng nhận về quy trình sản xuất rau hữu cơ ở Việt Nam, được Liên đoàn quốc tế các phong trào nông nghiệp hữu cơ IFOAM cấp phép.

Hiện, sản lượng rau hữu cơ của tổ hợp tác đạt khoảng 30 tấn mỗi năm; trong đó, 60-70% được các doanh nghiệp cam kết bao tiêu, còn lại là bán lẻ cho người tiêu dùng. Giá rau ổn định ở mức 15.000 đồng một kg.

Ông Phóng chia sẻ, tổ hợp tác dự định hoàn thiện hệ thống tưới phun sương, xây nhà lưới hạn chế côn trùng và giảm thiểu ảnh hưởng của thời tiết tới sự sinh trưởng của các loại rau theo mô hình; góp phần nâng cao năng suất và sản lượng rau hữu cơ an toàn Trác Văn.

Nguồn: Vnexpress được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Lâm Đồng: Nông nghiệp thông minh

Trên cơ sở phát triển nông nghiệp ứng dụng cao, trong những năm gần đây các doanh nghiệp/trang trại ở Lâm Đồng đã tiếp cận ứng dụng công nghệ IoT trong sản xuất nông nghiệp, song chủ yếu ứng dụng ở các trang trại trồng rau, hoa, dâu tây đã cho doanh thu từ 5 – 8 tỷ đồng/ha/năm…

Rất nhiều thành phần cấu thành nông nghiệp thông minh 4.0 được phân tích, song thực tế sản xuất ở Việt Nam tùy thuộc vào vùng sinh thái; loại cây trồng, vật nuôi; quy mô sản xuất, do đó chủ trang trại không nhất thiết phải ứng dụng tất cả các thành phần công nghệ mà có thể sử dụng 4 – 5 thành phần công nghệ phù hợp với mục tiêu, yêu cầu sản xuất của trang trại; phải hướng đến mục tiêu hiệu quả kinh doanh là chính, song việc ứng dụng thiết bị cảm biến kết nối internet (IoT) là công nghệ cốt lõi cần và đủ phải sử dụng ở tất cả các trang trạng nông nghiệp thông minh 4.0.

Tiếp cận công nghệ phù hợp

Qua nghiên cứu thực tế các mô hình trong và ngoài nước và kinh nghiệm nghiên cứu khoa học và chỉ đạo thực tiễn sản xuất, chúng tôi đưa ra khái niệm: Nông nghiệp thông minh là nông nghiệp mà trong suốt quá trình sản xuất ứng dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại; sử dụng các thiết bị được kết nối mạng bên trong và bên ngoài của trang trại/doanh nghiệp dựa trên nền tảng công nghệ thông tin để quản lý.

Với khái niệm này nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa hẳn là nông nghiệp thông minh, nhưng nông nghiệp thông minh phải là trên cơ sở nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đây là vấn đề cốt lõi để nhận diện nông nghiệp thông minh từ đó có cách tiếp cận khoa học và hiệu quả phù hợp với yêu cầu phát triển nông nghiệp Việt Nam trong quá trình biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế. Trước yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chúng ta không thể đứng ngoài cuộc mà phải tiếp cận nhanh song không nóng vội chạy theo phong trào, theo phương châm: “Đi ngay, đi nhanh và đi chính xác (lựa chọn cây trồng vật nuôi có lợi thế so sánh, công nghệ ứng dụng phù hợp và mục tiêu sản xuất kinh doanh là chính)”.

Trồng rau trong nhà kính tại Đà Lạt

Cũng tương tự nhiều nước đang phát triển trên thế giới và khu vực Đông Nam Á, đến nay Việt Nam chưa có các mô hình nông nghiệp 4.0 hoàn chỉnh, song thực tế cũng có những nhà cung cấp công nghệ IoT và những trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng IoT trong nông nghiệp thông minh, đây là những cơ sở hạ tầng quan trọng để Việt Nam tiến hành nông nghiệp 4.0 với thời gian ngắn trong tương lai.

Đối với nhà cùng cấp, qua nghiên cứu ở Việt Nam hiện nay có khoảng 10 nhà cung cấp giải pháp IoT chính thức như: Cty CP dịch vụ công nghệ IoT – IoT Group; Cty công nghệ DTT; tập đoàn FPT; Cty Konexy; Cty Hachi; Cty Rynan Smart Fetilizer; VNPT; Cty TNHH Mimosa Technology; Cty Microsoft Việt Nam; Agricheck… Việc ứng dụng IoT cho nông nghiệp giúp người nông dân tăng năng suất, giảm chi phí, tránh rủi ro vụ mùa và chủ động thị trường; thông qua đó giúp phát triển nông nghiệp sạch, an toàn và bền vững. Tuy nhiên, hiện nay chi phí ban đầu để thực hiện giải pháp IoT khá cao, bởi chưa có doanh nghiệp nào sản xuất các thiết bị phần cứng, các thiết bị phù hợp với sản xuất nông nghiệp Việt Nam nên chủ yếu phải nhập ngoại từ Isreal, Nhật Bản, Đức, Thái Lan và Đài Loan.

Đối với nhà ứng dụng công nghệ IoT đã xuất hiện mạnh mẽ trong vòng 5 năm trở lại đây; xuất hiện cả các mô hình nghiên cứu và sản xuất kinh doanh ở các viện nghiên cứu, trường đại học, các doanh nghiệp và trang trại ở nhiều vùng sinh thái và trên nhiều loại cây trồng, vật nuôi như: Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh, Khu NNƯDCNC thành phố Hồ Chí Minh, tập đoàn TH True Milk, Trung tâm Giống vật nuôi TP.HCM, các dự án rau sạch của Tập đoàn Vingroup triển khai tại Hải Phòng, Quảng Ninh và Lâm Đồng…; tập đoàn Thành Thành Công, Cty Dalat Hasfarm, Trung tâm nghiên cứu và thực nghiệp nông nghiệp Đà Lạt thuộc Tập đoàn Lộc Trời, Trường CĐ nghề kỹ thuật công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc, Cty CP nông nghiệp U&I, Cty CP thủy sản Việt Úc, Cty CP Ba Huân… Đến nay cả nước có khoảng 30 trang trại/doanh nghiệp ứng dụng IoT; trong đó ở tỉnh Lâm Đồng có khoảng 15 doanh nghiệp/trang trại.

Thực tiễn từ Lâm Đồng

Trên cơ sở phát triển nông nghiệp ứng dụng cao, trong những năm gần đây các doanh nghiệp/trang trại ở Lâm Đồng đã tiếp cận ứng dụng công nghệ IoT trong sản xuất nông nghiệp, song chủ yếu ứng dụng ở các trang trại trồng rau, hoa, dâu tây đã cho doanh thu từ 5 – 8 tỷ đồng/ha/năm, nhưng quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, các doanh nghiệp điển hình như: Cty CP chè Cầu Đất Đà Lạt, Cty TNHH Long Đỉnh, Cty TNHH Trường Hoàng, Cty TNHH trang trại Langbiang, Cty CP sinh học rừng hoa Đà Lạt, Cty TNHH Đà lạt GAP, Trung tâm nghiên cứu khoai tây, rau và hoa Đà Lạt, trang trại Định Farm, trang trại Vương Đình Phi…

Đặc biệt, Cầu Đất Farm bắt đầu sản xuất nông sản sạch từ 2 năm trước bằng phương pháp thủy canh trên một hệ thống nhà vườn rộng 7ha. Toàn bộ hệ thống nhà vườn do nhân viên của Cầu Đất Farm lắp ráp, đầu tư hệ thống thông minh quản lý mỗi ha nhà vườn vào khoảng 2,7 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, Cầu Đất Farm sở hữu nông trại ở Đà Lạt có quy mô lớn, kết nối hệ thống phát triển rau sạch bằng các giải pháp nông nghiệp thông minh, ứng dụng IoT trong nhiều khâu của quy trình trồng trọt và tiêu thụ lớn nhất Việt Nam.

Toàn bộ hệ thống được thiết kế đồng bộ, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật cho trang trại như quạt, rèm vách, cắt nắng, bơm tưới, châm dinh dưỡng, điều chỉnh EC và pH; hệ thống camera giám sát 24/24 ghi lại hình ảnh cây trồng, giám sát quy trình chăm sóc, phát triển của cây. Đối với hệ thống giám sát, điều khiển qua Internet có chức năng: Cung cấp hệ thống giám sát nhà kính qua website, mobile application; giám sát realtime các thông tin nhà kính, quan sát camera. Hệ thống này cũng tự động phân tích dữ liệu môi trường, đưa ra cảnh báo, lệnh điều khiển đảm bảo môi trường cây phát triển, đưa ra quy trình cho cây trồng phát triển, nâng cao năng suất. Hệ thống này có thể tự động kiểm soát độ ẩm, nước, phân, kiểm soát chất lượng rau, cà chua và các loại nông sản trên một quy mô lớn, ứng dụng toàn diện từ khâu sản xuất đến thương mại điện tử trong tiêu thụ nông sản và phát triển mô hình du lịch canh nông.

Theo dõi cây trồng bằng camera

Qua phân tích nêu trên cho thấy hạ tầng cung ứng công nghệ và quản trị doanh nghiệp IoT bước đầu đã tiếp cận, là cơ sở quan trọng tiếp tục phát triển để Việt Nam trở thành một trong những quốc gia thành công trong nông nghiệp thông minh 4.0 trong những năm tới. Chính phủ cần tiếp tục có những chính sách khuyến khích các tổ chức và cá nhân huy động các nguồn lực nhằm tạo đột phá nông nghiệp thông minh với lộ trình và nguồn lực hợp lý; làm tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệc là nguồn nhân lực có chất lượng cao để chủ động trong quá trình tiếp cận nông nghiệp 4.0.

Đối với tỉnh Lâm Đồng, trên cơ sở thực hiện thành công chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2004 – 2015, nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Nghị quyết số 05/NQ-TU về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại giai đoạn 2016 – 2020 và định hướng 2025; đồng thời UBND tỉnh Lâm Đồng cũng ký quyết định số 740/QĐ-UBND ban hành Đề án hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020, theo đó kèm theo các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp nói chung, trong đó có khởi nghiệp nông nghiệp thông minh nói riêng, với mức hỗ trợ cho mỗi dự án 50% cho tư vấn dịch vụ đào tạo nguồn nhân lực, sở hữu trí tuệ…; hỗ trợ 50% chi phí áp dụng khoa học công nghệ mới; hỗ trợ 3% lãi suất sau đầu tư (thời gian hỗ trợ tối đa 36 tháng kể từ khi các tổ chức tín dụng hoàn thành thủ tục vay); hỗ trợ vay vốn Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, Quỹ phát triển KHCN, Quỹ khuyến công… nhằm tạo đột phá nông nghiệp thông minh.

Với những chính sách sát thực tế và phát huy mọi nguồn lực, chúng tôi hy vọng rằng tỉnh Lâm Đồng sẽ có nhiều trang trại/doanh nghiệp nông nghiệp thông minh 4.0 vào năm 2019…

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Những dịch bệnh hại cần chú ý trong tuần (từ 26-31/12)

1. Các tỉnh phía Bắc

Rầy, sâu đục thân 2 chấm, ốc bươu vàng,… hại nhẹ trên mạ chiêm, lúa gieo sạ. Sâu đục thân, chuột, đốm lá,… hại trên ngô. Bọ nhảy, sâu ăn lá, rệp,… hại trên rau màu. Bệnh héo xanh, mốc sương,… hại trên cà chua, khoai tây; sâu khoang, bệnh đốm lá,… hại trên lạc, đậu tương.

Bệnh chồi cỏ có xu hướng tăng trên mía tại Nghệ An; Bệnh chảy gôm, bệnh loét, sẹo, ruồi đục quả, nhện… hại trên cam, chanh, bưởi. Bệnh chết nhanh xu hướng tăng trên tiêu. Bệnh gỉ sắt tăng trên cà phê. Nhện đỏ, rệp sáp, bọ phấn,… hại trên sắn.

2. Các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên

Cây lúa: Rầy, bệnh khô vằn, đen lép hạt,… hại trên lúa mùa, lúa vụ 10+12 giai đoạn chín – thu hoạch. Bọ trĩ, sâu cuốn lá nhỏ, sâu năn,… hại trên lúa ĐX giai đoạn mạ – đẻ nhánh. Bệnh bạc lá vi khuẩn hại cục bộ trên các giống nhiễm, vùng ổ dịch. Ốc bươu vàng di chuyển và lây lan theo nguồn nước.

Cây trồng khác: Bệnh xoăn lá cà chua tiếp tục gây hại; bệnh phấn trắng, mốc sương,… hại rau họ bầu bí; bệnh héo xanh, thán thư,… hại rau họ cà; sâu khoang, gỉ sắt,… hại nhẹ trên cây lạc và đậu đỗ. Bệnh đốm lá, khô vằn,… hại ngô giai đoạn trỗ cờ – thu hoạch. Rệp sáp, rệp vảy, đốm mắt cua,… hại cà phê. Tuyến trùng rễ, rệp sáp, bệnh chết nhanh, chết chậm,… hại hồ tiêu. Sâu đục thân, bọ xít muỗi, thán thư,… hại điều. Sâu non bọ hung, bệnh sọc đỏ, trắng lá do Phytoplasma… hại cục bộ mía ở Gia Lai. Bọ cánh cứng phát sinh gây hại dừa. Bệnh đốm nâu, thán thư,… tiếp tục hại thanh long.

3. Các tỉnh phía Nam

Cây lúa: Rầy nâu phổ biến tuổi 4,5, trưởng thành. Đối với lúa ĐX đã xuống giống cần theo dõi rầy di trú, che chắn nước kịp thời đối với lúa dưới 20 ngày sau sạ. Đối với lúa ĐX xuống giống đợt cuối tháng 12/2017 đầu tháng 1/2018 cần theo dõi rầy nâu vào đèn, khí tượng thủy văn, xuống giống tập trung, đồng loạt né rầy. Bệnh đạo ôn, bệnh bạc lá hại trên lúa giai đoạn đẻ nhánh – đòng trỗ. Ngoài ra, lưu ý đối với ốc bươu vàng, sâu năn, chuột, đen lép hạt.

Cây trồng khác: Tuyến trùng hại rễ, bệnh chết nhanh, chết chậm tăng trên tiêu. Bọ xít muỗi giảm và bệnh thán thư tăng nhẹ trên điều. Bọ cánh cứng tăng nhẹ và bọ vòi voi giảm nhẹ trên dừa.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Kỹ thuật chống rét cho ong

Theo ông Trần Văn Toàn, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và nuôi ong nhiệt đới, bên trong đàn ong, khu vực nuôi ấu trùng nhiệt độ luôn luôn duy trì khoảng 32 – 36ºC. Nhiệt độ cao hoặc thấp hơn mức này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của ấu trùng. Vì vậy, vào mùa đông thời tiết lạnh sẽ ảnh hưởng đến khả năng duy trì nhiệt độ của đàn ong, cần chống rét theo 2 phương pháp:

1. Kỹ thuật chống rét bên trong đàn ong

Quân luôn luôn phải đông, phủ kín các cầu; các đàn ong yếu, thế đàn < 2 cầu, thưa quân phải nhập lại với nhau.

Luôn đủ thức ăn dự trữ (có phấn dự trữ và luôn có mật vít nắp). Để đảm bảo đàn ong luôn có mật vít nắp trước khi kết thúc vụ mật đông, người nuôi không quay vòng mật cuối, sớm ổn định đàn ong.

Cho ong ăn bổ sung trước khi hết mật tự nhiên. Cần bổ sung thêm thức ăn cho đàn ong ngày trước và sau các đợt rét kéo dài, không cho ong ăn những ngày rét đậm.

Luôn đảm bảo rằng đàn ong được chống rét kể cả bên trong tổ

Nuôi ong trong thùng ghép: Tức là trong một thùng nuôi 2 đàn, mỗi đàn có cửa tổ quay về một hướng, ở giữa có vách ngăn ong thợ của hai đàn không qua lại nhưng sẽ hỗ trợ để các đàn ong giữ nhiệt tốt hơn.

2. Kỹ thuật chống rét bên ngoài đàn ong

Trước hết, cửa tổ đàn ong tránh hướng gió lùa; khoảng trống trong đàn cần lấp đầy bằng các tấm xốp được bọc nilon để ong không cắn tấm xốp hoặc bằng các gối (khâu bằng bao dứa trong nhồi rơm rạ, lá chuối phơi khô); trên mặt cầu cần phủ giấy báo (4 – 5 lượt). Ngoài ra, không mở cửa đàn ong những ngày nhiệt độ xuống thấp.

Hướng dẫn bà con kỹ thuật chống rét cho ong

Theo nhanong.com.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Điểm mạnh và điểm yếu của nông nghiệp hữu cơ

Trên thế giới, nông nghiệp hữu cơ là một chủ đề có nhiều luồng ý kiến trái chiều. Người ủng hộ cho đây là phương thức tốt về môi trường, giảm tác hại của hóa chất trong nông nghiệp. Còn theo người phản đối, phương thức này kém hiệu suất trong khi lợi ích chưa rõ ràng.

Về mặt môi trường

Trong suy nghĩ của hầu hết mọi người, các nông trại hữu cơ có vẻ tốt hơn nông trại truyền thống về khía cạnh môi trường. Nhưng thực tế thì sao?
Lợi: Các trang trại hữu cơ cung cấp sự đa dạng sinh học cao hơn thông qua việc nuôi nhiều ong, chim, côn trùng có ích… Phương thức này cũng có giúp nâng cao chất lượng nước và đất, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính.
Chưa tốt: Nông nghiệp hữu cơ thường mang lại ít sản phẩm hơn – khoảng 19-25%. Khi chúng ta tính đến sự khác biệt về mặt năng suất đó và xem xét hiệu suất về mặt môi trường tính trên một lượng lương thực cụ thể được sản xuất ra, ưu thế của nông nghiệp hữu cơ trở nên ít rõ ràng hơn (một vài nghiên cứu đã cho thấy điều này).

Đối với người tiêu dùng

Lợi: Đối với người tiêu dùng ở các nước có ít quy định về thuốc trừ sâu – chẳng hạn như Ấn Độ, thực phẩm hữu cơ làm giảm nguy cơ phải sử dụng các sản phẩm nông nghiệp có thuốc trừ sâu. Theo các nhà khoa học, những thành phần hữu cơ trong các sản phẩm này cũng có hàm lượng vitamin và chất chuyển hóa thứ sinh cao hơn đôi chút.
Chưa tốt: Các nhà khoa học chưa xác định được liệu những khác biệt về giá trị dinh dưỡng – nhất là vi chất dinh dưỡng – của thực phẩm hữu cơ và thực phẩm thường có thực sự quan trọng đối với sức khoẻ của chúng ta hay không, vì sự khác biệt đó rất nhỏ. Ngoài ra, thực phẩm hữu cơ cũng đắt hơn thực phẩm thông thường nên người nghèo ít có khả năng tiếp cận.

Đối với người sản xuất

Tốt: Nông nghiệp hữu cơ thường mang lại nhiều lợi nhuận – lên tới 35%, theo các nghiên cứu ở Bắc Mỹ, châu Âu và Ấn Độ – so với phương thức sản xuất thông thường. Nó cũng mang lại nhiều cơ hội việc làm ở nông thôn do cần nhiều lao động hơn. Đối với người lao động, điều tốt nhất của nông nghiệp hữu cơ là tránh cho họ sự tiếp xúc với các chất hóa học độc hại.
Chưa tốt: Hiện các nhà khoa học trên thế giới vẫn chưa có nghiên cứu, thống kê thuyết phục về sự khác biệt thu nhập của người lao động làm việc ở trang trại hữu cơ và trang trại truyền thống. Thường thì nhân lực làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ được sử dụng theo cách tương tự các nông trại bình thường.
Kết luận: Cần ủng hộ nông nghiệp hữu cơ
Nông nghiệp hữu cơ vẫn mang lại nhiều lợi ích kinh tế cao cho con người
Hiện các nhà khoa học vẫn tranh cãi về việc liệu nông nghiệp hữu cơ có thể nuôi sống thế giới, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong khi cung cấp việc làm bền vững và thực phẩm giàu dinh dưỡng, giá cả phải chăng hay không. Một số thách thức khác vẫn chưa có được lời giải là vấn đề tăng năng suất của canh tác hữu cơ để thu hẹp khoảng cách sản lượng với các trang trại thông thường và liệu có đủ phân bón hữu cơ để sản xuất tất cả thực phẩm trên thế giới.
Nhưng chúng ta có nên tiếp tục sử dụng thực phẩm hữu cơ và mở rộng đầu tư vào canh tác hữu cơ? Câu trả lời là có. Nông nghiệp hữu cơ cho thấy những hứa hẹn đáng kể trong nhiều lĩnh vực và vì vậy, cần coi đó là một công cụ quan trọng để phát triển nông nghiệp toàn cầu bền vững hơn.
Hiện chỉ có khoảng 1% đất nông nghiệp được canh tác theo phương thức hữu cơ trên toàn thế giới, nhưng ảnh hưởng của nó đã vượt xa mức 1% đó. Trong vòng 50 năm qua, các trang trại hữu cơ đã cung cấp cho nông nghiệp truyền thống những ví dụ sống động về cách thức sản xuất mới và đóng vai trò là nhân tố thử nghiệm cho một loạt phương thức quản lý canh tác khác nhau, từ luân canh đến canh tác bảo tồn – những điều mà nông nghiệp truyền thống đã quên lãng suốt thời gian dài.
Thế nên, chúng ta nên hiểu và ủng hộ các trang trại hữu cơ – những người đang làm tốt việc sản xuất thực phẩm thân thiện với môi trường, mang lại lợi ích kinh tế cao, cung cấp thêm thực phẩm cho thế giới, đồng thời chờ đợi họ sớm giải quyết các điểm yếu như năng suất. Về phần mình, các nhà khoa học cần nghiên cứu để sớm đưa ra lời giải cho những câu hỏi quan trọng về nông nghiệp hữu cơ, giúp mọi người hiểu hơn về thành quả mà nó mang lại.
Tóm lại, cần học hỏi từ những thành công của các nông trại hữu cơ trong khi dần cải thiện nông nghiệp truyền thống – phương thức vẫn chiếm 99% nền nông nghiệp thế giới và đang nuôi sống nhân loại.
Theo khoahocphattrien.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.