Một số biện pháp kỹ thuật trồng Dưa Chuột vụ xuân sớm

Đặc điểm thời tiết vụ xuân sớm là nền nhiệt độ thấp, nhiều ngày mưa phùn, số giờ nắng ít, đúc rút kinh nghiệm trồng dưa chuột vụ xuân sớm của nông dân Gia Lộc, chúng tôi xin trao đổi một số biện pháp kỹ thuật trồng dưa chuột vụ xuân sớm cho năng suất và thu nhập cao:

1. Lựa chọn giống

Lựa chọn các giống dưa chuột chịu lạnh tốt như: Summer Top nguồn gốc Nhật Bản của Công ty TNHH Hoa Sen, giống dưa chuột nếp số 1 của Viện Cây lương thực và cây thực phẩm v.v…

2. Thời vụ

Gieo cây trong bầu từ ngày 01 đến ngày 10 tháng 1 dương lịch. Trồng khi cây có 3 lá thật.

3. Ngâm ủ hạt giống và gieo ươm

Ngâm ủ hạt giống: Ngâm hạt giống trong nước ấm 4 – 5 giờ. Trước khi ủ hạt, rửa sạch nhớt trên vỏ hạt. Dùng khăn vải bông vẩy sạch nước, giàn hạt đều và gấp khăn lại, để nơi có nguồn nhiệt thích hợp như túi áo ngực… giúp cho hạt nảy mầm nhanh và đều. Khi hạt nứt nanh thì đem gieo.

Gieo ươm: Nơi đặt bầu cao, bằng phẳng, sạch cỏ dại. Hỗn hợp làm bầu gồm 3 phần đất bột trộn với 1 phần phân chuồng hoai mục, 2% vôi bột. Túi bầu bằng nilon kích thước 4×5 (cm), đáy túi cắt góc, cho hỗn hợp làm bầu vào túi cách mép túi khoảng 1 cm, đặt hạt nghiêng rồi phủ một lớp mỏng đất bột trộn trấu, tưới đủ ẩm. Hoặc hỗn hợp làm bầu bằng bùn trộn với đất bột, phân chuồng hoai mục, trấu mục. Trải hỗn hợp dày khoảng 3 – 4 cm rồi đặt hạt theo khoảng cách 4 – 5 cm. Khi hạt nảy mầm thì dùng dao mỏng cắt theo khoảng cách. Dùng khum tre kết hợp với nilon trắng che phủ chống mưa và chống rét.

Chăm sóc cây con trong bầu: Thường xuyên tưới đủ ẩm. Khi thời tiết rét, không có nắng thì che kín nilon. Ban ngày trời rét, có nắng phải mở nilon thoáng hai đầu hoặc cả phía Nam.

Phun phòng trừ bệnh lở cổ rễ khi cây mọc được 2 – 3 ngày và trước khi trồng bằng thuốc: Validacin 5L hoặc Anvil…

4. Làm đất, bón phân và trồng cây, chăm sóc

Chọn ruộng cao, đất giàu mùn, có tầng canh tác dày, đất được nghỉ tối thiểu 10 ngày, không trồng dưa chuột nhiều vụ liên tục hoặc trên ruộng vụ trước đã trồng cây họ bầu bí, họ cà. Đối với đất thịt nhẹ nên làm đất còn hơi ẩm, không làm đất nhỏ.

Làm luống theo hướng Đông Tây, mặt luống rộng khoảng 1 m, rãnh rộng 30 – 35cm. Trồng 2 hàng, hàng cách hàng 60 – 70cm, cây cách cây 45-50cm. Yêu cầu đặt bầu cao, phủ đất quanh bầu, không phủ đất vào gốc để hạn chế bệnh lở cổ rễ trong điều kiện thời tiết mùa xuân ẩm ướt.

Khi làm đất bón 30 – 50 kg vôi bột/sào Bắc Bộ (360 m2).

Lượng phân bón cho 1 sào: 800 – 1000 kg phân chuồng, lân super Lâm Thao 30 kg, kali clorua 10 kg. Nếu dùng phân tổng hợp NPK phải quy đổi ra phân đơn cho phù hợp.

Bón lót: 100% phân chuồng, 100% phân lân, 40% phân kali, 20% đạm ure. Cách bón: toàn bộ phân chuồng hoai mục và 50% phân lân, bón tập trung vào rạch hàng trồng cây rồi phủ đất dày 3 – 4 cm. Đạm, kali và 50% lân bón rạch giữa luống.

Bón thúc kết hợp với vun xới khi cây bắt đầu có tua cuốn, 20% đạm ure, 20% kali. Còn lại bón sau khi thu quả lứa đầu và thời kỳ thu hoạch.

– Làm giàn chữ A, dùng dóc kết hợp với lưới cước mắt lớn trên 20 cm. Khoảng cách giữa các dóc 1,5m.

– Thường xuyên tỉa bỏ lá già, tỉa nhánh, bấm ngọn, buộc ngọn..

– Dùng bạt che phía Bắc và Đông Bắc để hạn chế tác hại của gió mùa Đông Bấc.

– Tưới nước: thường xuyên giữ ẩm. Nên tưới rãnh, đưa nước vào rãnh ngập 2/3 luống, để 3-4 giờ tháo cạn. Thời tiết mưa xuân hoặc đêm và sáng có nhiều sương tuyệt đối không tưới mặt luống.

Để quả cách gốc 60cm trở lên. Nếu để quả thấp hơn, cây không phát triển được và nhanh tàn.

Che nylon chắn gió bấc cho cây dưa chuột

5. Phòng trừ sâu bệnh

Trồng dưa chuột vụ xuân sớm, phòng trừ sâu bệnh như vụ xuân. Đặt biệt lưu ý bệnh lở cổ rễ, bệnh giả sương mai và bệnh phấn trắng.

Sử dụng thuốc BVTV bảo đảm thời gian cách ly, sử dụng thuốc trừ sâu sinh học, vi sinh, thảo mộc trong thời gian thu hoạch.

Lưu ý: Do đặc điểm mùa xuân ẩm ướt, lạnh nên tăng khả năng chống rét cho cây, cây giống cần được bảo vệ tốt, gieo ươm trong bầu và chống rét tốt, tuổi cây giống già để sau trồng chống chịu thời tiết bất thuận tốt hơn. Tăng cường bón phân chuồng, phân lân và kali, bón lót cao, giảm phân đạm thời kỳ đầu để cây chịu rét tốt. Trồng theo hướng Đông Tây, trồng mật độ thưa hơn so với chính vụ để nâng cao hiệu suất quang hợp. Trồng cây cao gốc, không phủ đất vào gốc, hạn chế tưới nước mặt luống để hạn chế bệnh lở cổ rễ. Thực hiện các biện pháp trên sẽ cho hiệu quả cao.

Nguồn: Trạm Khuyến nông huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

4 ha rau hữu cơ cho sản lượng 30 tấn mỗi năm tại Hà Nam

Hiện, bà con Trác Văn, huyện Duy Tiên, Hà Nam canh tác khoảng 30 loại rau hữu, cung cấp chủ yếu cho thị trường Hà Nam, Hà Nội và Nam Định.

Theo ông Nguyễn Văn Phóng – Giám đốc hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Trác Văn ở thôn Tường Thụy, Xã Trác Văn, huyện Duy Tiên, Hà Nam, nhận thấy nhu cầu tiêu dùng rau sạch của thị trường khá cao; trong khi thổ nhưỡng của địa phương phù hợp với sự phát triển của nhiều loại nông sản, nguồn lao động tại chỗ lại dào dào, nên năm 2013, hợp tác xã thành lập tổ hợp tác chuyên trồng rau hữu cơ. Sau hơn 3 năm hoạt động, hiện, tổ hợp tác có 36 thành viên, canh tác khoảng 30 loại rau hữu cơ trên diện tích 4 ha.

Ruộng cà chua hữu cơ của bà con Trác Văn.

Theo ông Phóng, thời gian đầu khi phát triển mô hình rau hữu cơ, các thành viên trong tổ gặp không ít khó khăn. Một là, bà con còn gặp nhiều bỡ ngỡ khi chuyển đổi từ lối canh tác truyền thống sang phương pháp canh tác có sự kiểm tra, giám sát, thực hiện theo các tiêu chí kỹ thuật. Hai là, trong quá trình sản xuất rau hữu cơ, do không được phép sử dụng các loại thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và phân bón hóa học nên khi rau gặp sâu bệnh, bà con cũng lúng túng, chưa giải quyết được ngay.

Ngoài ra, mô hình trồng rau hữu cơ cho năng suất thấp, chỉ bằng 40-50% so với canh tác thông thường nên nhiều người còn e ngại, chưa nhiệt tình tham gia.

Bà con bón phân cho rau cải muộn. 

Để khắc phục những khó khăn trên, các cán bộ chuyên về trồng trọt được cử xuống tận nơi, hướng dẫn kỹ thuật canh tác rau hữu cơ cho bà con thông qua lớp tập huấn. Theo đó, ngoài đất trồng và nước tưới đảm bảo đạt chuẩn, để hạn chế sâu bệnh gây hại, bà con phải luân canh và xen canh nhiều loại rau, củ, quả.

Ngoài ra, cạnh luống rau, bà con còn được gợi ý trồng thêm các loài hoa có màu sắc rực rỡ để dẫn dụ thiên địch có lợi, từ đó, hạn chế sâu bướm đẻ trứng lên rau và gây hại. Khi gặp sâu bệnh, bà con dùng thuốc thảo mộc hoặc chế phẩm sinh học là hỗn hợp tỏi, ớt giã nhỏ trộn với rượu để phun cho rau.

Rau được trồng xen canh để hạn chế sâu bệnh.

Hiện, bà con Trác Văn canh tác khoảng 30 loại rau hữu cơ gồm cải ngồng, cải ngọt, cà rốt, cải chíp, cà chua, đậu cô ve, dưa chuột, su hào, bắp cải… Các giống rau này đều được nhập từ trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Về phân bón, người dân sử dụng phân bò, lợn, gà ủ cùng gốc rau thải cho hoai mục rồi đem bón. Đây là nguồn cung cấp dưỡng chất giúp rau phát triển tốt, đất tơi xốp, lại góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường.

Nhờ tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, sử dụng các nguyên liệu thủ công, tự chế, chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh, mô hình rau hữu cơ Trác Văn đã được cấp chứng nhận PGS. Đây là chứng nhận về quy trình sản xuất rau hữu cơ ở Việt Nam, được Liên đoàn quốc tế các phong trào nông nghiệp hữu cơ IFOAM cấp phép.

Hiện, sản lượng rau hữu cơ của tổ hợp tác đạt khoảng 30 tấn mỗi năm; trong đó, 60-70% được các doanh nghiệp cam kết bao tiêu, còn lại là bán lẻ cho người tiêu dùng. Giá rau ổn định ở mức 15.000 đồng một kg.

Ông Phóng chia sẻ, tổ hợp tác dự định hoàn thiện hệ thống tưới phun sương, xây nhà lưới hạn chế côn trùng và giảm thiểu ảnh hưởng của thời tiết tới sự sinh trưởng của các loại rau theo mô hình; góp phần nâng cao năng suất và sản lượng rau hữu cơ an toàn Trác Văn.

Nguồn: Vnexpress được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Độc đáo mô hình trồng dưa leo xen mướp

Thu lãi trên 800 triệu đồng/năm từ 7 sào đất trồng dưa leo xen mướp, ông Phạm Xuân Bắc trở thành nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu của xã Phú Cường trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Mức thu nhập cao từ mô hình sản xuất của ông Bắc có thể xem là bài toán khó cho những người nông dân khác canh tác trên cùng diện tích.

​Với 1 sào đất, nếu như giỏi tận dụng, khai thác chỉ trồng được 3 vụ rau/năm, mỗi vụ trồng 1 loại rau, thời gian trung bình 3 tháng. Riêng ông Bắc, ông trồng được 6 vụ/năm. Bí quyết của ông là trồng xen 2 loại rau trên cùng một diện tích để tận dụng đất, công chăm sóc, phân thuốc và sự tương hỗ trong phòng chống sâu bệnh của các loại cây trồng với nhau. Qua nhiều năm tìm tòi, thử nghiệm, mô hình dưa leo xen mướp là lựa chọn hiệu quả nhất cho ý tưởng sáng tạo này của ông Bắc và lợi nhuận thu được trong 4 năm qua từ mô hình đã chứng minh điều đó.

Mô hình trồng dưa leo xen mướp

Ông Phạm Xuân Bắc cho biết: “Mô hình của gia đình tôi có thì khác với của người ta, khác với môi trường của người ta làm, hai thứ giống nhưng tôi ăn được cùng một lúc luôn. Cũng mất công đầu tư bạt, rồi phủ bạt, rồi cắm dàn, rồi cũng mướn công, nhưng mà ăn được dài ngày hơn, hiệu quả tốt hơn. Tôi trồng dưa leo và mướp ngọt, thì mướp ngọt nó ăn tới hơn 2 tháng, có lần ăn tới 3 tháng lẫn, cho nên hiệu quả của nó rất là cao. Hạn chế được công, chi phí và thuốc BVTV.”

Với thiết kế giàn trồng cho cả dưa leo mướp nên chi phí đầu tư thấp hơn so với trước đây chỉ 6 triệu đồng/sào/vụ. Sau 37-39 ngày trồng, dưa leo bắt đầu cho thu hoạch với năng suất trung bình 4 tấn/sào và thu trong thời gian 2 tháng. Thu hoạch vừa xong dưa leo là đến thu mướp, với năng suất trung bình 7 tấn/sào, trong thời gian hơn 1 tháng. Hiện cả dưa leo và mướp cân tại vườn có giá trung bình 5 ngàn đồng/kg. Trừ chi phí đầu tư và công lao động, tính ra ông Bắc thu được trung bình trên 40 triệu đồng/sào/vụ từ dưa leo và mướp. Với 7 sào đất làm 3 vụ/năm, ông thu được 840 triệu đồng.

Sáng tạo và linh động ứng dụng KH-KT, kinh nghiệm bản thân vào thực tiễn sản xuất, ông Phạm Xuân Bắc nhiều năm liền là nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu của xã Phú Cường. Hiện mô hình trồng dưa leo xen mướp của ông Bắc là điểm sáng trong phương án sản xuất kinh doanh của HTX sản xuất nông nghiệp Phú Cường chuẩn bị thành lập đi vào hoạt động và là mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả đang được bà con nông dân quan tâm tìm hiểu để áp dụng nhân rộng trong chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương..

Nguồn: dinhquan.dongnai.gov.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Người dân Bình Định hồ hởi vì rau tăng giá

Các loại rau cải như cải xanh, cải ngọt… trước đây chỉ 15-16 ngàn đồng/kg thì hiện có giá đến 24 ngàn đồng/kg. Các loại rau ăn quả như khổ qua, dưa leo, đậu cô ve… cũng đều tăng so với trước đây khoảng 5-7 ngàn đồng/kg.

“Hiện thị trường tiêu thụ đang ăn mạnh các loại rau xanh, nhưng các nhà vườn không đủ cung ứng do nhiều diện tích rau bị chết trong những đợt bão lũ vừa qua. Tại thời điểm này, các siêu thị Co.op mart Quy Nhơn, Co.op mart An Nhơn, Big C Quy Nhơn và những quầy hàng bán lẻ rau xanh quanh TP Quy Nhơn có nhu cầu thu mua mỗi ngày đến 500kg rau các loại, nhưng bà con chỉ cung ứng được khoảng 300kg”, ông Hùng nói ra vẻ tiếc nuối.

Mô hình rau an toàn VietGap tại Thuận Nghĩa, Phú Phong, Tây Sơn

Rau ở HTXNN Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn, Bình Định) cũng đang sốt giá. Ông Quách Văn Cầu, Giám đốc HTXNN Thuận Nghĩa, phấn khởi: “Nếu như trước đây rau muống chỉ có giá hơn 10 ngàn đồng/kg thì hiện nay đã tăng đến 23-24 ngàn đồng/kg, rau ngò trước đây chỉ 20-30 ngàn đồng/kg thì nay tăng đến 40 ngàn đồng/kg. Các loại rau ăn quả cũng đang có giá rất cao, tăng bình quân 5-7 ngàn đồng/kg. Với giá cả hiện nay, nông dân trồng rau trên địa bàn có lãi từ 2,5-3 triệu đồng/sào/vụ (từ 25 đến 30 ngày), riêng ai trồng rau muống có lãi nhiều hơn. Lãi cao nhất là những hộ trồng hành ăn lá, hơn 5 triệu đồng/sào/vụ”.

Cũng theo ông Cầu, hiện bà con ở HTXNN Thuận Nghĩa trồng được 36 ha rau các loại, trong đó có 4 ha rau an toàn (RAT). Riêng diện tích RAT mỗi năm  HTX cung ứng ra thị trường khoảng 700 tấn rau các loại.

Bà con Bình Định phấn khởi khi giá rau màu tăng cao

“Hiện trên địa bàn Bình Định vẫn chưa dừng mưa, nếu thời tiết kiểu này kéo dài thì bà con SX rau trong tỉnh sẽ gặp bất lợi, do đó thị trường rau trong dịp tết sẽ còn tăng hơn hiện nay. Tuy nhiên, vùng SX rau Đà Lạt vẫn ổn định nên rau cung ứng cho dịp tết ở Bình Định sẽ không thiếu và giá cũng sẽ chỉ tăng chút ít chứ không có biến động lớn”, ông Thái Lương Hùng, Giám đốc Co.op mart Quy Nhơn, nhận định.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Giải đáp những vấn đề thường gặp khi trồng dưa leo, dưa chuột

Cây dưa leo cũng rất dễ trồng và cho ra nhiều trái nên việc trồng dưa chuột dần trở nên phổ biến. Dưới đây là một số thắc mắc xung quanh việc trồng dưa chuột, cách trồng dưa chuột cho nhiều trái,chất lượng trái ngon ngọt và những vấn đề thường xuyên gặp của người trồng dưa leo.

Tại sao trồng dưa chuột không đậu quả hoặc ít trái?

Nguyên nhân khiến trồng cây dưa leo, dưa chuột không cho trái hoặc ra ít trái có nhiều nguyên do, chủ yếu là do điều kiện thời tiết, nhiệt độ. Nếu dưa leo trồng ở điều kiện đất quá ẩm ướt, ánh sáng và độ ẩm quá thấp thì phấn hoa bị kết dính mà không thể thụ phấn được. Ngược lại, nếu đất quá khô, thiếu nước, nhiệt độ và ánh nắng quá gắt sẽ khiến cây bị thiếu dinh dưỡng, hoa teo lại, phấn hoa quá khô sẽ không thể thụ phấn để ra trái.

Khoảng cách trồng các cây quá gần nhau, vị trí giữa các cây quá gần hoặc quá xa cũng dẫn đến việc cây khó thụ phấn, làm giảm số lượng trái.

Trồng dưa leo ra hoa nhưng không có trái?

Điều này nằm ở vấn đề thụ phấn. Những bông hoa cần phải có điều kiện thụ phấn nhờ côn trùng, ong, bướm, gió,… nếu không được đáp ứng thì hoa đực sẽ không thể thụ phấn lên hoa cái để kết trái.

Để khắc phục điều này thì bạn có thể phun nước đường pha loãng lên thân cây để thu hút ong thụ phấn cho dưa.

Tại sao trái dưa chuột có vị đắng?

Nhiều người thường gặp trường hợp trồng cây dưa leo cho ra trái tuy đạt kích thước nhưng chất lượng vị mát, giòn ngọt ở dưa leo lại không có mà ngược lại trái dưa chuột thường bị đắng, đặc biệt là đắng chát ở phần cuống.

Dưa leo không cho trái đạt chất lượng và kích thước

Trồng dưa leo cho ra trái nhỏ, trái dưa bị cong, phần nữa trái gần cuống bị teo lại, quả dưa bị thắt ở eo giữa hay quả ngắn, tròn, dị dạng…. thì chủ yếu là do chế độ chăm sóc không hợp lý, tưới nước không đều, cây bị thiếu đạm, Kali, các loại phân hữu cơ. Ngoài ra còn do các yếu tố môi trường tác động như nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm và côn trùng, sâu bệnh gây hại.

Tưới nước cho cây dưa leo như thế nào?

Cây dưa leo cần cung cấp nhiều nước và độ ẩm nhưng lại không chịu được úng vì vậy cần chú ý tưới nước thường xuyên vào mỗi sáng và chiều mát, đủ để giữ cho đất hơi ẩm suốt quá trình sinh trưởng và ra trái. Trái dưa chuột sẽ nhỏ và có vị đắng nếu không được tưới đủ nước.

Trồng dưa chuột bao lâu thì cho trái thu hoạch?

Sau khi trồng cây con khoảng 30 – 40 ngày tùy theo giống dưa và chế độ chăm sóc thì dưa leo cho thu trái. Thời điểm phù hợp nhất để thu hoạch dưa leo là khi quả dưa có kích thước vừa phải, vỏ da láng bóng vẫn còn lớp phấn trắng, đầu quả cánh hoa chưa rụng.

Khi nào thì làm giàn cho cây dưa leo?

Dưa leo khi trồng được 2 tuần, đây là giai đoạn cây sinh trưởng và phát triển nhanh thân lá và tua cuốn vì vậy bạn phải bắt đầu làm giàn cho cây leo. Làm giàn và tỉa nhánh đúng kỹ thuật sẽ giúp tăng năng suất, kích thước trái, giảm sâu bệnh và thuận tiện cho việc chăm sóc, thu hoạch dưa leo.

Trồng dưa leo vào mùa nào?

Dưa chuột có thể trồng được quanh năm, tuy nhiên, đây là loại cây ưa ẩm nên thường sinh trưởng và cho ra năng suất cao vào mùa mưa hơn mùa khô. nhưng trồng tốt nhất là vụ đông xuân (từ tháng 11 đến tháng 2, tháng 3 năm sau) và vụ hè thu (từ tháng 5 đến tháng 7, tháng 8).

Thời vụ gieo trồng:

– Vụ Đông Xuân gieo trồng vào tháng 10 – 11, thu hoạch vào tháng 12 – 1, đây là vụ cho ra sản lượng tốt nhất.

– Vụ Hè Thu gieo trồng vào tháng 5 – 6, thu hoạch vào tháng 7 – 8.

– Vụ Thu Đông gieo trồng vào 7 – 8, thu hoạch vào tháng 9 – 10.

– Vụ Xuân Hè gieo trồng vào tháng 1 – 2, thu hoạch vào tháng 3 – 4.

Làm sao để trồng dưa leo vào mùa mưa lạnh?

Dưa leo rất nhạy cảm với thời tiết mưa lạnh, không có nắng, nếu trồng vào điều kiện thời tiết nhiều mưa, sương giá thì cần phải có chế độ chăm sóc kỹ lưỡng hơn. Đặc biệt ở giai đoạn đầu khi trồng cây dưới 2 tuần thì cần phải có biện pháp che chắn, làm đất, lên luống cao để rãnh đất thoát nước, ngăn ngập úng ở gốc cây.

Thời tiết âm u, thiếu nhiệt và ánh nắng cũng cản trở việc ra hoa và kết trái của cây. Dưa chuột trồng ở điều kiện nhiệt độ dưới 13°C sẽ không ra hoa và trái. Đối với vấn đề này thì bạn phải cung cấp ánh sáng cho cây bằng cách treo bóng đèn vàng hoặc đèn huỳnh quang để giúp cây đủ độ ấm cho sinh hoa và hoa mới thụ phấn được. Ngoài ra, thời tiết giá rét khiến việc thụ phấn của hoa khá khó khăn, tùy vào điều kiện mà bạn có thể tự thụ phấn cho cây.

Làm sao để trồng dưa leo vào mùa nắng nóng?

Trồng dưa leo vào mùa hè khô nắng là một thách thức trong việc chăm sóc cây trồng. Nếu thời tiết nhiệt độ trên 32°C, ánh nắng quá gay gắt sẽ làm cây bị còi cọc, cháy nắng. Đối với vấn đề này thì bạn phải khắc phục bằng cách tăng cường tưới nước cho cây gấp đôi, không để đất bị khô cằn, thiếu ẩm. Sử dụng các biện pháp che nắng cho cây bằng cách làm giàn tạo bóng râm cho cây.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Những giống dưa leo – dưa chuột phổ biến

Dưa leo là loại thực phẩm phổ biến cung cấp nguồn dinh dưỡng tốt cho sức khỏe và còn có giá trị cao trong công nghệ làm đẹp, chống oxy hóa tuyệt vời. Hiện nay có rất nhiều giống dưa leo, dưa chuột cho sản lượng trái cao và chất lượng tốt có thể trồng ở quy mô lớn tại các vườn dưa nông nghiệp và quy mô nhỏ trồng dưa leo, dưa chuột tại gia đình. Dưới đây là một số loại dưa leo được trồng phổ biến:

Dưa chuột bao tử – dưa leo Baby

Dưa chuột bao tử hay còn gọi là dưa leo baby là các giống dưa lai F1 của Nhật, Mỹ, Thái Lan, Hà Lan,… Đây là giống dưa có khả năng sinh trưởng tốt, cho năng suất trái cao và chất lượng. Mỗi quả dưa chuột bao tử có kích thước dài 3 – 5cm, trái có màu xanh lá cây và sọc trắng, có vị ngọt và mát.

Đây là giống dưa chuột được trồng phổ biến bởi đặc điểm dễ trồng, ít sâu bệnh và cho thu hoạch nhanh, thời gian cây cho thu trái khoảng 20 – 30 ngày sau khi trồng.

Giống dưa chuột bao tử ưa khí hậu lạnh. Loại đất trồng thích hợp là đất pha cát, đất thịt nhẹ hoặc đất phù sa, đất tơi xốp, dễ thoát nư­ớc, màu mỡ và độ pH = 0,5 – 6,5.

Dưa leo trắng

Giống dưa leo trắng khá tương đồng với dưa chuột bao tử, đây là giống dưa giòn có vị ngọt mát dễ chịu. Kích thước quả dài tầm 4 – 6cm, quả chưa chín sẽ có màu xanh, khi chín dần chuyển sang màu trắng hoặc vàng nhạt.

Dưa leo trắng được ưa chuộng để chế biến các món salad, nước ép giải nhiệt rất tốt cho sức khỏe, ngoài ra, nước ép dưa leo trắng còn có khả năng điều hòa huyết áp rất tốt cho những người bị vấn đề về huyết áp.

Loại giống dưa chuột trắng có thể trồng được quanh năm và dễ trồng, dưa cho thu hoạch trái sau khoảng 30 – 50 ngày sau khi trồng, vì vậy rất được nhiều người ưa chuộng để trồng, có thể sử dụng các loại chậu cảnh hoặc tận dụng khay nhựa, xô nhựa, thùng xốp, vỏ hộp,… để trồng, vừa cung cấp thực phẩm sạch vừa trang trí cho căn nhà thêm xanh.

Dưa chuột Shiraz

Giống dưa chuột Shiraz có đặc điểm nổi trội hơn các giống dưa chuột phổ biến khác là trái có vỏ mỏng, độ giòn và vị ngọt mát hơn các giống dưa chuột khác. Dưa cho trái thon dài, kích thước mỗi trái dưa chuột giòn tầm 16 – 18 cm, quả có màu xanh đậm có sọc và gân nỗi.

Loại giống dưa chuột Shiraz ưa trồng ở điều kiện thời tiết nắng ấm, đất phì nhiêu. Việc trồng dưa chuột giòn hiện nay đang trở nên phổ biến vì đây là giống dưa rất dễ trồng và chăm sóc, khả năng chống chọi bệnh và thích nghi tốt với các điều kiện thời tiết.

Dưa leo Thái Lan

Dưa leo Thái Lan là một giống dưa được nhiều người ưa chuộng để trồng. Giống dưa leo Thái cho quả có kích thước dài tầm 18 – 20cm, trái suông có màu xanh mướt.

Dưa chuột Thái Lan có đặc điểm cây dễ sinh trưởng và phát triển tốt, cho thu hoạch trái nhiều và chất lượng. Giống dưa này có thể trồng được trên các loại đất thịt nhẹ, đất pha cát với diện tích rộng, hoặc cũng có thể trồng tại nhà trong các thùng xốp, xô chậu,… Thời gian gieo trồng có thể thu hoạch sau 30 ngày.

Dưa chuột Nhật Bản

Dưa chuột Nhật bản là giống dưa rất được ưa chuộng hiện nay, giống dưa cho quả rất dài với kích thước từ 30 – 50cm, trái dưa có ruột đặc gần như không có hạt, vỏ xanh đậm có nhiều gai, thịt dưa thơm ngọt và mát dịu, nhiều nước.

Loại giống dưa chuột Nhật có ưu điểm nổi trội là cây cho sản lượng trái và chất lượng trái rất cao mà lại khá dễ trồng và chăm sóc, cây có khả năng kháng bệnh và thích nghi với điều kiện sống tốt. Giống dưa leo này có thể trồng được quanh năm, dưa cho thu hoạch quả 30 – 40 ngày sau khi trồng và thời gian thu hoạch có thể kéo dài từ 1,5 đến 2 tháng sau đó.

Nguồn: Hoinuoitrong được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Lý do và cách khắc phục hiện tượng dưa leo bị đắng

Đôi khi bạn ăn phải những quả dưa chuột có vị đắng. Vị đắng này chính là do độc tố cucurbitacins và triterpenoids tetracyclic tạo thành. Những độc tố này rất nguy hiểm, có thể gây tử vong nếu ăn nhiều.

Nguyên nhân làm cho dưa chuột bị đắng chủ yếu là do quy trình chăm sóc và các điều kiện tự nhiên tác động.

Dưa leo, dưa chuột không đạt tiêu chuẩn hương vị có hai trường hợp, một là dưa bị đắng chát cả trái, hai là trái thường bị đắng ở phần cuống phần còn lại thì vẫn giữ được độ giòn ngọt. Điều này khiến các thành phần dinh dưỡng trong trái dưa leo bị biến chất trở nên độc hại.Dưới đây là những nguyên nhân khiến trồng cây dưa chuột cho ra quả bị đắng

Nhiệt độ & độ ẩm

Cây dưa leo thường thích nghi với điều kiện thời tiết mát mẻ và một chút ẩm ướt. Nếu trồng ở nhiệt độ quá cao, thời tiết nắng nóng, đất khô cằn, điều này gây ra tình trạng quả bị teo, thiếu dinh dưỡng cung cấp nuôi trái.

Nếu gặp thời tiết ít nắng, nhiệt độ thấp thì bộ rễ dưa chuột bị tổn thương, sự hấp thụ nước và chất dinh dưỡng kém khiến tốc độ sinh trưởng, phát triển của quả dưa bị chậm lại, bộ rễ cây dưa và bộ phận cuống quả dưa tích tụ càng nhiều chất gây vị đắng khiến quả dưa trở nên đắng.

Nước

Lượng nước tưới có ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng và chất lượng của dưa leo. Dưa leo cần cung cấp nhiều nước và độ ẩm nhưng lại không chịu được úng vì vậy cần phải chú ý đến lượng nước tưới cho cây trồng. Dưa chuột trồng thường bị đắng là do thiếu nước, đất khô hạn khiến trái bị đắng.

Phân bón

Yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng trái dưa chuột là ở quá trình bón phân, việc bón quá nhiều đạm hay kali sẽ khiến cây thân cây mọc quá cao, các quả ra ở phần nhánh cây hoặc phần thân cây yếu thì dễ bị đắng.

Biện pháp khắc phục dưa chuột bị đắng

Bổ sung các loại phân hữu cơ như phân chuồng, phân động vật, các loại phân xanh từ rơm rạ, cỏ khô,… để giữ ẩm cho đất.

Luôn đảm bảo lượng nước tưới cho cây. Đặc biệt thời điểm cây ra hoa và kết trái cần phải tưới nước đều đặn, luôn giữ đất phải đủ độ ẩm, nhưng không được để đất bị ngập nước.

Dưa leo trồng phải được cung cấp đủ ánh sáng mặt trời, nhiệt độ thích hợp để cây phát triển tốt là từ 24 – 30°C, điều này sẽ giúp cây sinh trưởng tốt, cho quả lớn, vị ngọt giòn.

Giai đoạn trái dưa chuột phát triển nên hạn chế bón quá nhiều hoặc quá ít phân đạm, tùy theo quy mô và số lượng cây trồng để bón phân phù hợp, tỷ lệ lượng phân bón N:P:K lần lượt là 5:2:6.

Mật độ cây trồng nên có khoảng cách hợp lý giữa các cây, nếu cây trồng quá sát nhau. Khi cây bắt đầu có trái nhỏ, bạn tỉa bớt các nhánh phụ, cành lá xung quanh để quả dễ dàng phát triển tốt.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Khám phá top 10 loại dưa chuột kỳ lạ nhất hành tinh

Dưa chuột là loại quả không xa lạ gì với chúng ta bởi được sử dụng rất nhiều trong việc chế biến thức ăn hằng ngày. Dưa chuột chứa rất nhiều vitamin C – một loại vi chất giúp cho làn da bạn tươi sáng và khỏe khoắn nên còn được các chị e phụ nữ dùng để làm đẹp.

Tuy nhiên, trên thế giới còn có rất nhiều loại dưa chuột mà chúng ta không thể tưởng tượng ra được. Mời các bạn cùng Farmtech VietNam khám phá một số loài dưa chuột đôc đáo nhất thế giới.

1. Dưa chuột hiếm nhất thế giới

Xếp đầu trong danh sách những loại dưa chuột kỳ lạ nhất hành tinh phải kể tới dưa chuột Magnolias. Đây là loại dưa chuột hiếm nhất trên thế giới, chúng có kích thước khoảng 6-8cm. Tại Canada, loại dưa chuột này được xếp vào danh sách những loài có nguy cơ tiệt chủng cần được bảo vệ.

2. Dưa chuột có màu sắc bắt mắt nhất

Dưa chuột vỏ đỏ Cassabanana có nguồn gốc ở Brazil và được trồng phổ biến khắp các nước ở vùng châu Mỹ. Giống dưa leo này có thân leo dài tới 12m, cây cho quả to với kích thước quả dài lên đến 60cm và đường kính quả đạt 7 – 10cm, trái dưa có vỏ dày màu đỏ cam, cũng có thể có màu nâu sẫm, tím sẫm hoặc đen sẫm, ruột dưa có màu vàng, thịt dưa ngon ngọt và mềm.

Giống dưa leo đặt biệt này có thể trồng ở vùng có khí hậu nhiệt đới hay ôn đới. Dưa chuột đỏ Cassabanana phát triển tốt ở điều kiện khí hậu ấm áp, có ánh nắng mặt trời.

3. Dưa chuột quái đản nhất (Dưa chuột Kiwano – Dưa sừng)

Giống dưa chuột này có nguồn gốc từ vùng Châu phi và được trồng phổ biến ở Mỹ, đây là một giống dưa thân leo cùng họ với cây nho, dưa Kiwano được xem là tổ tiên của các loài dưa trồng khác. Cây dưa cho ra quả có gai sừng mọc lởm chởm nên được gọi là dưa sừng, quả dưa khi chín có màu vàng da cam, ruột bên trong có màu xanh giống như dưa chuột bình thường nhưng có vị chát nên không được ưa chuộng để làm thực phẩm mà chủ yếu quả dùng để trang trí.

Dưa sừng Kiwano là giống dưa leo ưa nhiệt, nhiệt độ để cây sinh trưởng và phát triển tốt là ở 20 – 35°C. Nếu trồng ở nơi có nhiều ánh sáng cây sẽ phát triển nhanh và ra nhiều quả.

4. Dưa chuột nhìn đáng sợ nhất (Dưa leo rắn – Armenia Cucumber)

Dưa chuột Armenia còn được gọi là dưa chuột rắn bởi hình dáng dài thượt và uốn cong như những con rắn, trái dưa có kích thước dài khoảng 40 – 90cm, vỏ dưa rất mỏng màu xanh lá non, có gân sâu, phần thịt giòn giòn và mát, loại dưa này cung cấp nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe.

Armenia được coi là “nữ hoàng của các loại dưa chuột” bởi nó có vị ngọt giòn và tốt cho sức khỏe. Tuy có hình thù kỳ dị nhưng mùi vị của chúng thì hoàn toàn giống với các loại dưa chuột thông thường

5. Dưa chuột có vị ngọt nhất (Dưa chuột trứng rồng – Dragon’s Egg Cucumber)

Một giống dưa leo có cái tên thật đặc biệt giống như hình dạng của nó, đây là giống dưa leo có nguồn gốc từ vùng Croatia. Giống dưa leo này cho ra trái tròn hơi thuôn dài, gần giống như quả dưa lê, có lớp vỏ mỏng màu trắng, bên trong ruột dưa hơi rỗng có màu xanh nhạt, có vị ngọt và thanh mát.

Giống dưa đặc biệt này được trồng trong điều kiện ấm áp, có ánh nắng, đất trồng là loại đất nhiều chất hữu cơ và tưới nhiều nước. Cây cho thu hoạch quả trong vòng 60 sau khi trồng.

6. Dưa chuột có nhiều lông nhất (Dưa leo “chôm chôm” – Cucumis Dipsaceus)

Hình thù trái dưa leo này trông giống hết quả chôm chôm chỉ khác xíu là chúng có màu vàng, chúng được gọi với cái tên là dưa leo chôm chôm hoặc dưa leo lông vàng. Tên gốc của loại dưa leo này là Cucumis Dipsaceus, đây là giống dưa leo có nguồn gốc ở vùng Nam phi.


Loại cây dưa leo này có thân dây dài 2 – 3 mét có thể trồng trên giàn hoặc bò ở mặt đất. Quả dưa leo lông vàng khi chưa chín có màu xanh và chuyển vàng khi đã chín, thịt mềm và ngọt mát.

Giống dưa này tuy có hình thù kỳ lạ nhưng khá dễ trồng, cây ưa khí hậu ấm và nhiều nắng, có thể trồng ở nhiều loại đất khác nhau, nhiệt độ phù hợp để cây phát triển là từ 20 -38°C. Cây có thể trồng quanh năm. Sau khoảng 50 – 70 ngày, cây sẽ cho trái. Giống dưa leo này chủ yếu được trồng trong các sân vườn để làm cảnh.

7. Dưa chuột tên “sang chảnh” nhất (Dưa chuột khoai tây – Little Potato Organic Cucumber)

Loại dưa chuột độc đáo này có nguồn gốc từ Ấn Độ và tên gốc của chúng là Little Potato Organic Cucumber. Giống dưa chuột này cho ra loại trái tròn có lớp vỏ xù xì như bị rạn nứt, khi chín thì trái có màu nâu, nổi nhiều vân trắng, bên trong ruột có màu xanh giống như ruột dưa chuột bình thường. Trái dưa có mùi thơm như chanh và vị thanh mát, giòn bùi.

Giống dưa đặc biệt này cũng tương đối dễ trồng trong điều kiện nhiệt độ từ 18 – 22°C, đủ ánh sáng, cây sinh trưởng tốt ở điều kiện đất thịt nhẹ, đất tơi xốp và nhiều chất dinh dưỡng hữu cơ. Có thể trồng cây ở giàn hoặc để cây bò dưới mặt đất. Dưa cho thu hoạch quả trong khoảng thời gian 70 ngày khi trồng.

8. Dưa chuột tròn đều nhất (Dưa chuột chanh – Crystal Lemon Cucumber)

Tên gọi giống như hình dạng của quả, giống dưa leo này cho quả giống như những quả chanh hay quả dưa lê, tên gốc của giống dưa leo này là Crystal Lemon Cucumber hay Crystal Apple, có nguồn gốc xuất xứ từ New Zealand. Dưa chuột chanh cho trái tròn nhỏ có kích thước tầm 8 – 12cm, vỏ ngoài có màu vàng giống như quả lê, ruột đặc thịt có màu vàng nhạt, vị ngọt thanh, mùi thơm dịu nhẹ.

Hiện nay loại dưa chuột này rất được mọi người ưa chuộng bởi vẻ đẹp độc đáo, dễ ăn và chứa nhiều giá trị dinh dưỡng, các loại vitamin thanh mát cơ thể và rất tốt cho hệ tiêu hóa. Ngoài ra, việc trồng loại giống dưa chuột chanh cũng tương đối dễ, có thể trồng được ngoài vườn hay trong nhà ở điều kiện khí hậu nắng ấm, đặc biệt là vào mùa hè với nhiệt độ từ 18 – 27°C. Dưa cho thu hoạch trong vòng 3 tháng sau khi trồng.

9. Dưa chuột xúc xích (Dưa chuột to nhất- Dưa chuột Kigelia)

Điều đặc biệt đầu tiên đây là loại dưa chuột thân cây gỗ chứ không phải dây leo, thân cây dưa khi trưởng thành có thể cao lên đến 20 mét, những tán lá cây to rậm, cây cho quả khổng lồ với trái dài từ 30 – 100cm và bán kính trái rộng 18cm, trọng lượng trái nặng từ 5 – 10kg. Quả có ruột đặt, thịt xốp và chứa nhiều hạt lớn.

Dưa chuột Kigelia còn được gọi thông dụng là dưa chuột xúc xích bởi hình dáng quả trông như những cây xúc xích khổng lồ, giống dưa này có nguồn gốc ở vùng Châu Phi, loại dưa này được làm thức ăn cho một số loài động vật như khỉ, voi, hươu cao cổ, hà mã và nhím,….Ngoài ra, chúng còn được sử dụng trong y học để chữa trị một số các loại bệnh như thấp khớp, rắn cắn và cả bệnh giang mai. Giống dưa này hiện được trồng phổ biến tại các vùng nhiệt đới để làm cây cảnh.

10. Dưa chuột gấc – dưa chuột lành mạnh nhất trên thế giới

Thoạt nhìn nhiều người lầm tưởng đây là những quả gấc chứ không phải là những trái dưa chuột bởi hình dáng và màu sắc của loài dưa chuột Gaks. Chúng được biết đến là một trong những loại trái cây lành mạnh nhất thế giới, có công dụng trong việc điều trị các bệnh như sốt, say tàu xe và đau lưng.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam

Sâu bệnh trên dưa chuột và biện pháp phòng trừ.

Để mùa vụ bội thu thì vấn đề sâu hại, bệnh cần được phòng và điều trị hiệu quả. Sau đây chúng ta cùng tìm hiểu qua một số sâu hại và bệnh trên cây dưa leo.

Bọ trĩ gây hại. 

Thường tập trung gây hại nặng trên cây dưa ở giai đoạn cây con đến khi cây ra hoa kết trái non. Bọ trĩ tập trung gây hại các bộ phận non của cây, gây hại ở bộ phận gần gân lá, mặt dưới lá làm cho lá xoăn có mầu vàng. Bọ trĩ tập trung ở búp non làm cho búp chậm phát triển sau đó khô và chết. Bọ trĩ chích hút làm rụng hoa quả, bọ trĩ còn là môi giới truyền bệnh vi rút gây hiện tượng xoăn, chùn ngọn.
Trị bệnh:
Khi mật độ bọ trĩ cao cần phải phòng trừ, sử dụng các loại thuốc sau: o­ncol 20ND, Bassa 50ND, Pegasus 500SC để phòng trừ.

Nhện đỏ. 

Có cơ thể rất nhỏ bé, mầu hồng, đỏ di chuyển nhanh nhẹn, bám nhiều ở mặt lá dưới. Nhện phát triển rất nhanh nhất là khi thời tiết khô âm u mưa to. Nhện dùng vòi chích hút làm cho lá chuyển mầu xanh bạc, xanh nâu sau đó vàng khô và rụng lá.
Trị bệnh:
Sử dụng thuốc trừ nhện như Comite 73EC, Ortus 5SC, Danitol- S50SC, Pe gasus 500SC.

Rệp muội. 

 Là côn trùng chích hút cơ thể nhỏ mầu xanh vàng, sống thành đám trên đọt non, lá, hoa. Rệp có 2 dạng có cánh và không có cánh. Rệp chích hút dịch cây làm cho cây không phát triển. Nếu hại ở giai đoạn hoa, quả làm hoa quả non bị rụng, là môi giới truyền bệnh vi rút gây bệnh khảm lá trên dưa.
Trị bệnh: Sử dụng thuốc o­ncol 20ND, Pa dan 95SP, Bassa 50 ND, Pegas 500SC, Sumithion 50EC.

Ruồi đục quả. 

Ruồi cái dùng vòi đẻ trứng chọc thủng vỏ quả đẻ trứng vào phần trong vỏ quả. Tại lỗ đục của ruồi nước và dịch cây chảy ra, tạo điều kiện cho nấm bệnh xâm nhập gây thối quả. Sau vài ngày trứng nở ra dòi, dòi chui vào thịt quả gây hại làm qủa rụng thối.
Trị bệnh: Dùng các loại thuốc sua đuổi o­ncol 20ND, la nét….

Sâu ăn lá.

Sâu non thường sống ở đọt và mặt dưới lá non, sâu non thường cuốn lá hoặc kết những lá lại với nhau và nằm bên trong ăn phá. Ở mật độ cao sâu chúng ăn phá xơ xác lá chỉ còn lại gân lá.
Trị bệnh: tương tự trị rệp.

Bệnh phấn trắng do nấm. 

Bệnh hại chủ yếu trên phiến lá nấm bệnh làm cho lá chuyển mầu xanh sang mầu bạc và hoá vàng. Trên bề mặt lá bị hại có lớp nấm bệnh trắng, xám bao phủ. Khi bị nặng lá khô cháy và chết.
Trị bệnh: Sử dụng thuốc Anvil 5SC, Bavistin, Belal 5WP. Phun kỹ 2 bề mặt lá.

Bệnh héo xanh do vi khuẩn. 

Bệnh làm cây dưa héo, mất nước và chết trong vòng các ngày, các lá trên cây héo tái xanh không chuyển thành mầu vàng, từ gốc cây dưa có thể có vết nổi u sần.
Trị bệnh: Cần thu dọn cây bệnh mang ra khỏi ruộng để đưa đi tiêu huỷ. Sử dụng thuốc Booc đô1%, ôxy clo rua đồng Kau Ran.

Bệnh vi rút. 

Vi rút gây hại dưa tạo thành vết loang lổ trên bề mặt lá gọi là bệnh khảm, trên bề mặt phiến lá có các đám vết xanh, xanh nhạt hoặc đám vết vàng xen lẫn nhau. Đỉnh sinh trưởng của cây bị chùn lại, lá đọt nhỏ quăn queo, cây chậm lớn quả nhỏ có mầu vàng không chết phẩm chất, chất lượng kém nếu bệnh hại nặng cây không đậu quả.
Trị bệnh: Cần phát hiện sớm và loại bỏ các cây bị nhiễm bệnh trên đồng ruộng tránh lây lan. Sử dụng các loại trừ sâu phun trừ rệp là môi giới truyền bệnh trên đồng ruộng.

Bệnh ghẻ dưa.

Bệnh thường xuất hiện gây hại trên lá non, cuống lá, thân và quả. Trên lá, đốm bệnh nhỏ, tròn hay hơi tròn, úng nước, có quầng vàng nhạt bao quanh. Sau đó, đốm bệnh chuyển màu nâu và hoại đi.
Trị bệnh: bệnh do nấm, nên trị như mục nấm ở trên.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật trồng dưa leo trong thùng xốp tại nhà

Dưa leo (tên khoa học Cucumis sativus) là một cây trồng phổ biến trong họ bầu bí Cucurbitaceae, là loại rau ăn quả thương mại quan trọng, nó được trồng lâu đời trên thế giới và trở thành thực phẩm của nhiều nước.

Là món ăn vừa giàu dinh dưỡng lại rất tốt cho da. Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và có thể bắt tay vào trồng dưa leo tại nhà mà không hề tốn nhiều công sức và thời gian.

Dưa leo

Bước 1: Chọn hạt giống dưa

Hiện nay trên thị thường có rất nhiều giống dưa leo khác nhau. Phổ biến nhất là giống dưa chuột leo giàn, ngoài ra còn có những loại giống dưa chuột khác như dưa leo xanh, dưa leo trắng, dưa leo gai, dưa leo Thái…
Hạt giống dưa leo
Tùy theo mục đích và điều kiện trồng để xác định xem nên chọn trồng giống dưa leo nào để dễ canh tác, chăm sóc và thu hoạch. Bạn có thể tìm mua hạt giống ở các cửa hàng bán hạt giống rau hoặc siêu thị.

Bước 2: Chuẩn bị đất trồng

Trộn đều đất và phân bò theo tỷ lệ 7/3. Trộn thêm 20g phân lân, 20g NPK, 50g vôi, 20g hữu cơ vi sinh vào mỗi thùng xốp. Đổ đất vào thùng xốp lớp dày chừng 20-30cm.

Chuẩn bị đất trồng

Bước 3: Gieo hạt

Hạt giống dưa leo có thể gieo trực tiếp không cần ngâm ủ. Hạt gieo dưới lớp đất với khoảng cách từ 20-30cm, gieo xong phủ hạt bằng lớp đất mỏng. Sau khi gieo hạt xong, tưới nước bằng vòi phun nhẹ nhằm tạo đủ độ ẩm cho đất, tưới 2 lần/ngày.

Gieo hạt

Bước 4: Chăm sóc

Cây dưa leo phát triển nhanh và không đòi hỏi phải chăm sóc nhiều. Chỉ cần tưới nước 2 lần/ngày vào buổi sáng và chiều. Nếu tước quá nhiều khiến đất quá ẩm ướt, ngập úng thì cây sẽ rất dễ chết. Tưới ít nước cũng khiến cây bị thiếu nước không thể sinh trưởng tốt.
Nên trồng dưa leo ở những nơi có nhiều ánh sáng thì trái sẽ nhanh lớn và đạt năng suất cao.
Khi dưa leo cao 20cm chúng ta bắt đầu làm giàn. Giàn dưa leo có thể làm bằng lưới, tre hoặc cây có nhiều nhánh. Bón phân đạm và NPK 2 lần/tháng.

Bước 5: Thu hoạch

Cây dưa leo sau khi trồng khoảng 60-80 ngày, tùy theo giống cây trồng và điều kiện chăm sóc thì dưa cho thu trái. Thu hoạch dưa leo tốt nhất là vào buổi sáng sớm khi nhiệt độ vẫn còn mát mẻ.
Dưa leo tươi tốt khi được chăm sóc đúng cách
Tổng hợp từ Farmtech Viet Nam.