Bệnh phấn trắng hại cây xoài

Xoài là một trong những cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, có rất nhiều loại dịch hại làm ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, chất lượng trái.

 

Cây xoài bị bệnh phấn trắng gây hại.

 

Một trong những dịch hại nguy hiểm thường xuất hiện trong mùa xoài ra lộc nụ non là bệnh phấn trắng hại xoài.

 

Triệu chứng, tác hại

Bệnh gây hại giai đoạn xoài ra cành, lá non và nụ, hoa, quả non. Toàn bộ phần bị hại được phủ một lớp bột phấn trắng, nhất là chùm nụ hoa quả non. Các bộ phận non bị hại sau đó sẽ thối, khô và bị rụng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất xoài. Khi lá ở giai đoạn đã có màu xanh nhạt, bệnh có thể phát triển cả mặt trên của lá. Lúc bệnh nặng, lá sẽ nhăn nheo khô và rụng, làm cây mất sức.

Trong điều kiện vườn rậm rạp, ẩm thấp, nấm cũng lan sang các lá già, tuy các lá này ít khi bị rụng, nhưng nấm bệnh đã gây ảnh hưởng lớn đến quang hợp của cây. Bệnh cũng làm chậm tốc độ sinh trưởng, hoặc có thể gây chết cây ở những vườn xoài giai đoạn kiến thiết cơ bản, vườn nhân và vườn ươm giống, nếu không phòng trừ.

 

Tác nhân gây hại và điều kiện phát triển

Bệnh phấn trắng do nấm Oidium sp. gây ra. Bệnh gây hại cây xoài ở mọi lứa tuổi, từ vườn kiến thiết cơ bản, đến vườn đang kinh doanh. Bệnh thường gây hại nặng vào giai đoạn xoài bắt đầu ra lộc, nụ, hoa, quả non từ cuối đến đầu năm sau, nhất là khi môi trường có điều kiện mát lạnh, ẩm thấp và sương mù nhiều.

 

Một số biện pháp phòng trừ đã được áp dụng và cho hiệu quả cao

– Chọn các giống ít nhiễm bệnh để trồng.

– Vệ sinh vườn xoài (thu gom các bộ phận bị rụng lại rồi đốt, hoặc rải vôi rồi chôn lấp).

– Bón phân cân đối, hợp lý. Chú ý tăng cường lượng phân Kali. Bón thêm lượng Canxi như phân SPC-Cal (calcium nitrate) để giúp cải tạo đất.

– Thăm vườn thường xuyên trong giai đoạn ra lộc, nụ, hoa, quả non để từ đó có quyết định phòng trị thích hợp, kịp thời.

– Qua kinh nghiệm phòng trừ bệnh phấn trắng nhiều năm của người dân, cần chú ý phun phòng đúng lúc, nhất là ở các vườn cây có nguy cơ nhiễm bệnh cao, hoặc những vườn xoài năm trước đã bị bệnh nặng, dễ để lại nhiều tàn dư bệnh hại trên cây.

Tiến hành phun phòng ngừa trong giai đoạn xoài ra lộc, nụ, hoa, quả non từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau. Khi vườn bị bệnh, tiến hành phun 2- 3 lần/đợt, mỗi lần cánh nhau khoảng 7-10 ngày. Loại thuốc có hiệu quả và phổ biến hiện nay mà nông dân thường sử dụng là SULOX 80WP, hoặc CLEARNER 75WP.

– Khi phun thuốc cho xoài, cần sử dụng đủ lượng nước phun và cần có thiết bị phun thuốc tơi sương tận ngọn cây mới có hiệu quả.

– Vận động những vườn chung quanh cùng phòng trừ để giảm bớt nguồn bệnh, tránh lây lan lẫn nhau.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Một nông dân nhân thành công giống quýt ngọt bản địa quý hiếm

Trọng lượng từ 4 – 5 quả được 1kg, có màu sắc và vị thơm đặc trưng của quýt Bắc Kạn, nhưng khi ăn thì có vị ngọt đậm. Còn giá cả được gia đình bán ra cao hơn quýt thường Bắc Kạn khoảng 5- 6 lần.

 

Vườn quýt nhà ông Phạm Hồng Sơn phát triển tốt, chiều cao cây khoảng 3m, đã bắt đầu cho thu hoạch.

 

Bắc Kạn là một trong những tỉnh có diện tích trồng cam quýt lớn ở miền Bắc. Quýt bản địa có hương vị thơm tự nhiên rất hấp dẫn, nhưng khi ăn thì có vị chua gắt nên không phù hợp với khẩu vị của đại đa số người dân nói chung. Chính vì vậy, giá bán rất thấp, thời điểm hiện tại tiểu thương thu mua loại bé đổ đồng chỉ được 3.000đ/kg, loại to đẹp thì tầm 7.000đ/kg, mà còn khó bán.

Nhận thấy điều này, từ trước những năm 2010, lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của tỉnh như Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Khoa học và Công nghệ, thậm chí là liên kết với các Viện nghiên cứu của TƯ, các trường đại học nhằm cải tạo giống quýt để quả bớt chua hơn. Nhiều tiền ngân sách bỏ ra để thực hiện việc này, nhưng chưa đem lại hiệu quả. Người trồng quýt Bắc Kạn phải duy trì lấy công làm lãi, vì giá quýt nhiều năm nay người nông dân bán ra chỉ đạt trung bình 5.000đ/kg.

Các cơ quan chuyên môn thì vẫn đang loay hoay chưa tìm ra cách cải tạo going thì thật bất ngờ, một hộ nông dân đã tự nhân giống được vườn quýt bản địa có vị ngọt quý hiếm. Đó là vườn quýt của ông Phạm Hồng Sơn tại thôn Khuổi Zẹt, xã Thanh Mai, huyện Chợ Mới, vị trí này cách UBND xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông, là trung tâm của vùng cam quýt Bắc Kạn hơn 6km.

Phóng viên Báo NNVN đã được ông Sơn mời trải nghiệm vườn quýt của gia đình. Qua thực tế, vườn có hơn 2.000 cây quýt trồng trên diện tích hơn 4ha. Trung bình mỗi cây cao hơn 3m và bắt đầu cho thu hoạch. Trọng lượng từ 4 – 5 quả được 1kg, có màu sắc và vị thơm đặc trưng của quýt Bắc Kạn, nhưng khi ăn thì có vị ngọt đậm. Giá bán đang được tư thương đặt mua trung bình trên 20.000đ/kg, tức cao hơn quýt thường Bắc Kạn khoảng 5 lần.

Quýt bản địa có màu sắc và vị thơm đặc trưng của quýt Bắc Kạn, nhưng khi ăn thì có vị ngọt đậm.

 

Ông Sơn cho biết để có được vườn quýt như hiện nay là cả một quá trình gian khổ, đói ăn phải vượt qua. Trước đây gia đình đã trồng cả 1 vườn quýt địa phương. Đến khi được thu hoạch thì quá nhiều người trồng, trong khi quýt Bắc Kạn rất kén khách ăn do quá chua, nên giá rớt thê thảm, không bõ công chăm sóc.

Phát hiện trong vườn nhà có cây rất khác biệt về chất lượng, ăn ngọt chứ không chua như bình thường, năm 2011 gia đình quyết định tự triển khai lấy mắt ghép nhân giống đại trà. Quá trình này diễn ra tới năm 2014 thì thay thế được toàn bộ giống quýt chua đã trồng từ trước. Đến năm 2018 có một số cây đã bói quả, ăn thử thấy chất lượng tốt là biết đã thành công. Nhưng đến năm nay 2019, khi cây cho thu hoạch nhiều hơn thì ông mới dám công bố sản phẩm ra thị trường.

Ông Phạm Hồng Sơn đã nhờ cửa hàng Trung tâm phân phối nông sản sạch tỉnh Bắc Kạn, thuộc HTX nông nghiệp sạch Huyền Hân có địa chỉ tại tổ 9, phường Phùng Chí Kiên, TP Bắc Kạn giới thiệu sản phẩm quýt ra thị trường trong nước.

Đơn vị này phân phối tới hơn 20 sản phẩm đặc sản của tỉnh Bắc Kạn đi khắp hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trên cả nước. Nhưng từ trước tới nay chưa kết nối được quả cam quýt địa phương Bắc Kạn ra các thị trường lớn, vì quả hơi chua không phù hợp với số đông khẩu vị của người dân Việt Nam.

Nhưng khi doanh nghiệp gửi hàng mẫu của vườn nhà ông Sơn chào hàng tại các hệ thống siêu thị lớn như Vinmart, Big C,… thì đã được nhận được phản hồi rất tích cực. Quýt của hộ ông Sơn được đánh giá cao về mẫu mã cũng như chất lượng. Đến ngày 7/11, xe hàng đầu tiên sẽ được HTX nông nghiệp sạch Huyền Hân xuất cho hệ thống siêu thị Big C (Hà Nội).

Những sọt quýt đầu tiên được ông Sơn bán lẻ ra thị trường có giá 30.000 đ/kg.

 

Đây cũng là lần đầu tiên sản phẩm cam quýt của Bắc Kạn xâm nhập được vào một hệ thống siêu thị bán lẻ lớn như vậy. Hiện phía doanh nghiệp đang phối hợp với gia đình làm các thủ tục chứng nhận sản phẩm đủ điều kiện để tiến hành đưa sản phẩm ra thị trường. Đồng thời báo cáo lên các cơ quan của tỉnh Bắc Kạn về sản phẩm quýt “quý hiếm” này.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Những điểm nhấn ngành nông nghiệp 10 tháng đầu năm

10 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu nông lâm thủy sản tiếp tục được mở rộng thị trường và duy trì đà tăng trưởng về kim ngạch XK nông lâm thủy sản; dịch tả lợn Châu Phi bước đầu được kiểm soát; sẵn sàng các điều kiện chuẩn bị gỡ “thẻ vàng” cho ngành thủy sản…

 

Sẵn sàng đón Đoàn thanh tra EC

Theo Bộ NN-PTNT, từ ngày 5-14/11/2019, Đoàn thanh tra của Ủy ban Châu Âu (EC) sẽ có chuyến làm việc tại Việt Nam để đánh giá nhằm đưa ra quyết định tiếp theo về “thẻ vàng” của EU đối với thủy sản Việt Nam.

Bộ NN-PTNT đã sẵn sàng công tác chuẩn bị nhằm gỡ “thẻ vàng” cho ngành Thủy sản Việt Nam.

 

Theo đó, Bộ NN-PTNT, Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU đã xây dựng kế hoạch chi tiết đón đoàn thanh tra của EC đối với các Bộ, ngành, địa phương và hướng dẫn các địa phương, DN triển khai. Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các thông tin, tài liệu, hồ sơ để phục vụ Đoàn thanh tra EC…

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường tin tưởng: Với sự vào cuộc và nỗ lực của cả hệ thống chính trị và kết quả thực hiện thời gian qua, Việt Nam có thể kỳ vọng phía EC sẽ xem xét sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” cho hàng thủy sản từ khai thác của Việt Nam.

Theo Tổng cục Thủy sản, đến thời điểm này, Tổng cục đã phối hợp với các địa phương triển khai nhiều công tác nhằm đáp ứng các yêu cầu của EC về chống khai thác IUU.

Cụ thể, đã chỉ đạo, tổ chức triển khai và vận hành thí điểm hệ thống giám sát tàu cá, đảm bảo quy mô giám sát được 31.541 tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên.

Hiện nay, có 7 đơn vị (VNPT, Viettel, Zunibal, Vishipel, Bình Anh, Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam, Blue Tracker) cung cấp thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá.

Số lượng tàu cá đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cụ thể đến nay như sau: Nhóm tàu cá có chiều dài từ 24 mét trở lên: 2.019/2.618 tàu cá (chiếm 77,1%); nhóm tàu cá từ 15 mét đến dưới 24 mét: 4.996/28.923 tàu cá (chiếm 17,3%)

Tổng cục Thủy sản cũng đã triển khai quy định về quy trình kiểm soát tàu nước ngoài tại cảng Việt Nam theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP.

Theo đó, đã công bố 7 cảng biển cho tàu nước ngoài cập cảng để thực hiện việc nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu hoặc quá cảnh thủy sản từ khai thác qua lãnh thổ Việt Nam; ban hành Quy trình kiểm soát tàu nước ngoài tại cảng Việt Nam…

Về tổ chức thực thi pháp luật, từ tháng 1/2019 đến nay, cả nước đã không phát hiện trường hợp tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản trái phép ở các nước, quốc đảo Thái Bình Dương. Tổng cục Thủy sản đã lập và công bố công khai danh sách tàu cá khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài lên cổng thông tin điện tử của Tổng cục.

Từ tháng 1/2019 đến nay, cả nước đã không phát hiện trường hợp tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản trái phép ở các nước, quốc đảo Thái Bình Dương.

 

Theo đó từ ngày 1/01/2019 đến tháng 10/9/2019, đã công bố công khai 118 tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác thủy sản (đang xác minh 69 tàu)…

Hiện 8 tỉnh (Bình Thuận, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang) đã tổ chức ký kết quy chế phối hợp để thực hiện chống khai thác IUU, ngăn chặn, xử lý tàu cá và ngư dân cố tình vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. 27/28 tỉnh ven biển đã thành lập Văn phòng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại 60 cảng cá

Về truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác, Bộ NN-PTNT đã công bố 4 đợt cho 60 cảng cá thực hiện xác nhận thủy sản từ khai thác; công bố danh sách 70 cảng cá chỉ định cho tàu cá hoạt động từ vùng khơi trở ra cập cảng. Công tác xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác dần đi vào nề nếp, hỗ trợ và tạo điều kiện nhiều cho các DN trong quá trình XK…

 

Tích cực khôi phục, tái đàn lợn có điều kiện

Theo Bộ NN-PTNT, trong những tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020, do thời tiết thay đổi, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển, ảnh hưởng đến sức đề kháng của vật nuôi.

Việc gia tăng đàn vật nuôi, vận chuyển động vật, các sản phẩm động vật tăng mạnh nên nguy cơ các loại dịch bệnh xảy ra ở phạm vi rộng trong thời gian tới là rất cao. Vì vậy, Bộ NN-PTNT đề nghị các bộ ngành, địa phương phối hợp thực hiện nghiêm một số giải pháp nhằm phòng chống dịch bệnh.

10 tháng đầu năm 2019, ứng phó với dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) là khó khăn, thách thức lớn của toàn ngành nông nghiệp. Với các giải pháp triển khai phòng chống đồng bộ, quyết liệt của toàn ngành nông nghiệp, từ tháng 6/2019, tình hình DTLCP đã có chiều hướng đi xuống.

DTLCP đã ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong 10 tháng đầu năm 2019 (Trong ảnh: Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kiểm tra trại giống lợn phục vụ tái đàn tại tỉnh Hưng Yên).

 

Cụ thể đến hết tháng 10/2019, số lợn buộc tiêu hủy giảm hơn 60% so với tháng 5/2019 (tháng cao điểm). Đến thời điểm này, đã có hơn 45% số xã có dịch đã qua 30 ngày, trong đó 22 tỉnh, thành phố có trên 50% số xã và chỉ còn 9 tỉnh có trên 85% số xã đã qua 30 ngày. Riêng tỉnh Hưng Yên (bùng phát dịch đầu tiên cả nước) hiện đã hết dịch.

Thời gian qua, với định hướng đẩy mạnh áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học (ATSH), đại đa số người chăn nuôi đã quan tâm, áp dụng có hiệu quả các biện pháp ATSH và vệ sinh phòng bệnh, trong đó nhiều trang trại chăn nuôi đã đẩy mạnh các biện pháp ATSH, sử dụng chế phẩm tăng cường sức đề kháng, do đó hạn chế hoặc không bị nhiễm bệnh DTLCP.

Bên cạnh đó, việc đảm bảo an ninh cho nguồn lợn giống đã được triển khai chặt chẽ. Cụ thể, đã lưu giữ được khoảng gần 110 nghìn con (90%) lợn cụ kỵ, ông bà chưa bị dịch bệnh. Đây là điều kiện quan trọng nhằm bảo đảm việc cung cấp lợn giống tái đàn tại các địa phương trong tình hình DTLCP đang giảm.

Bên cạnh những kết quả bước đầu, công tác chỉ đạo, tổ chức, triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là DTLCP hiện còn tồn tại rất nhiều bất cập tại các địa phương do việc sắp xếp lại hệ thống thú y, nhất là việc sáp nhập Trạm Thú y với các ngành khác và chuyển thành Trung tâm dịch vụ nông nghiệp (DVNN) thuộc UBND cấp huyện.

Theo đó, nhiều địa phương không bố trí nhân viên thú y xã. Theo thống kê chưa đầy đủ, tổng số người làm công tác thú y cấp xã đến cấp tỉnh đã bị cắt giảm, nghỉ việc đến thời điểm này đã lên tới 5.342 người.

Việc sáp nhập hệ thống thú y cũng khiến công tác đào tạo, tập huấn cho các cán thú y tuyến cơ sở về công tác phòng chống dịch bệnh gặp rất nhiều khó khăn, nhiều nơi đã không còn thực hiện được do không còn hệ thống thú y các cấp.

Ở một số địa phương, chính quyền các cấp, nhất là cấp xã, cấp huyện chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo và triển khai quyết liệt theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Bộ NN-PTNT; chưa tổ chức thông tin, hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh…

 

Mở rộng thị trường xuất khẩu

10 tháng đầu năm 2019, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo các cơ quan trực thuộc, phối hợp với các bộ ngành liên quan tiếp tục đẩy mạnh việc mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông thủy sản XK.

Ảnh hưởng từ những khó khăn của thị trường Trung Quốc, tuy nhiên 10 tháng đầu năm 2019, XK nông lâm thủy sản vẫn duy trì tốt đà tăng trưởng.

Theo đó, đã gia tăng số DN được phép XK thủy sản sang EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, Liên bang Nga, Ả rập Xê út, với tổng số 13 DN tiếp tục được XK cá da trơn vào Hoa Kỳ.

Đồng thời, mở rộng XK nông sản sang một số thị trường mới, đặc biệt là việc đàm phán, mở cửa cho măng cụt, sữa được XK sang thị trường Trung Quốc trong tháng 10/2019 theo kế hoạch đề ra… Nhờ đó, tổng kim ngạch XK nông lâm thủy sản 9 tháng đầu năm 2019 đạt 30,2 tỷ USD (tăng 2,7% so với cùng kỳ).

Bên cạnh đó, thời gian qua, Bộ NN-PTNT cũng đã hoàn thành đàm phán với cơ quan có thẩm quyền của Hồng Kông (Trung Quốc) để XK thịt lợn mảnh đông lạnh, thịt gà chế biến và tổ yến sang Hồng Kông.

 

Đối với thủy sản, bên cạnh việc duy trì ở những thị trường XK chủ lực, khó tính như EU, Mỹ, Hàn Quốc…, đến nay, riêng thị trường Trung Quốc đã chấp thuận NK từ Việt Nam 48 loài thủy sản sống và 128 loại sản phẩm thủy sản sơ chế, chế biến…

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Nuôi dê bằng thảo dược nhàn tênh, nhanh giàu

Từng có việc làm và thu nhập ổn định nhưng khát vọng làm giàu đã hối thúc anh Nguyễn Minh Tuấn (thôn Như Lân, xã Long Hưng, huyện Văn Giang, Hưng Yên) quyết định về quê đầu tư trang trại chăn nuôi dê.

 

Sở dĩ anh Tuấn chọn con dê để khởi nghiệp làm giàu, vì dê là gia súc đặc sản, dễ nuôi, ít bệnh, phàm ăn, chi phí chăn nuôi thấp, hiệu quả sản xuất cao, có thể chăn thả để dê tự kiếm ăn hoặc nhốt chuồng cho ăn bán công nghiệp.

Nhờ vậy, chỉ sau gần 2 năm nuôi 50 con dê hậu bị bố mẹ, anh Tuấn đã nhân rộng được đàn dê lên hơn 400 con các loại. Từ giữa năm 2017 đến nay đã được bán dê giống và dê thịt, thu lãi bình quân gần 500 triệu đồng/năm, chưa kể nguồn thu từ bán phân dê cũng được vài chục triệu đồng. Chất thải này ủ kỹ với chế phẩm sinh học, rất phù hợp bón các loại hoa, cây cảnh.

Đàn dê về chuồng.

 

Đạt được thu nhập cao như trên là do, anh Tuấn biết khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế của làng quê, có nhiều cỏ non, lá cây mọc sẵn ven đường, bờ ruộng và gần trục các kênh sông… để chăn thả cho dê chủ động tìm ăn.

Đặc biệt, trong quá trình chăn nuôi, anh Tuấn còn cho dê ăn thêm một số lá cây thảo dược như cỏ ngọt, cỏ xước, đinh lăng, khổ sâm, kim ngân, ngưu tất, hồng ngọc, bồ công anh… vừa giúp tăng cường khả năng kháng bệnh cho dê, vừa gia tăng chất lượng thịt dê thương phẩm.

Nhờ cách chăn nuôi này, các loại dê của anh Tuấn bao giờ cũng bán được giá cao hơn sản phẩm cùng loại trên thị trường từ 10-15%, thậm chí còn đắt hơn nhiều loại dê thịt ở miền núi đưa về.

Kiểm nghiệm thực tế chăn nuôi anh Tuấn đã rút ra: Dê là loại ăn tạp, bên cạnh ăn các loại cỏ non là chính, dê còn ăn cả các lá cây chuối, táo, mít, ổi, xoài, mía, ngô, vối, dâu, so đũa, dâm bụt, sung, lộc vừng, bạch đàn, xà cừ, sanh, si… Đây chính là một trong những lý do để anh Tuấn bổ sung cho dê ăn thêm các lá cây thảo dược nói trên.

Dê đực được nhốt riêng.

 

Anh Tuấn còn bật mí: Nuôi dê rất nhàn, không bị áp lực thời gian lao động, tiết trời mát mẻ mới mang dê đi chăn, mưa gió, nắng nóng hoặc giá lạnh lùa dê về chuồng, mỗi ngày chỉ cần thả cho dê kiếm ăn 5-6 tiếng là đủ, 2 lao động cỏ thể quản lý được đàn dê 400-500 con, trong đó 1 người chuyên đi chăn, 1 người chuyên tẩy dọn vệ sinh chuồng trại.

Tham quan cơ ngơi khởi nghiệp làm giàu của anh Tuấn chúng tôi thấy: Trang trại ở đây được bố trí rất ngăn nắp và khoa học, có cây xanh chắn gió che nắng, có hồ nước điều hòa tiểu khí hậu, có giàn phun mưa trên mái trại và chuồng sàn cho dê ở, trong đó phân thành nhiều ngăn nhốt riêng dê đực, dê cái, dê thịt và dê nuôi hậu bị, ngoài ra còn có chế phẩm vi sinh để xử lý chất thải chăn nuôi. Nhờ vậy khắp trong và ngoài trại chăn nuôi luôn thân thiện môi trường, sạch sẽ, thoáng mát và không có mùi hôi thối khó chịu.

Nuôi nhốt dê trên sàn.

 

Mặc dù thường xuyên cho dê ăn thêm lá cây dược liệu, anh Tuấn vẫn định kỳ tẩy giun sán, vacxin phòng dịch đúng lịch thú y trên các bệnh chính (lở mồm long móng, tụ huyết trùng, hoại tử ruột và bệnh đậu). Tránh chăn thả dê ở các khu vực mới phun thuốc trừ cỏ.

Cho dê uống nước sạch sau mỗi lần đi chăn về. Các dụng cụ máng ăn, nước uống đều được tẩy rửa sạch sẽ thường xuyên. Vào các ngày thời tiết khắc nghiệt, không thể đưa dê ra chăn thả ngoài đồng, cần cho dê ăn cám viên công nghiệp chuyên dùng, kết hợp với một số lá cây đã giới thiệu ở phần trên.

Được biết, khi thấy anh Tuấn nuôi dê nhanh giàu, một số hộ ở thôn Lại Ốc (trong xã) đã đến tham quan học tập mô hình và mua con giống về đầu tư chăn nuôi.

“Thịt dê là thực phẩm sạch và bổ dưỡng, nên giá chỉ có tăng hoặc ổn định chứ chưa bao giờ giảm. Theo đó trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục mở rộng qui mô chuồng trại, nâng số lượng dê nuôi thường xuyên lên 600-700 con, kết hợp giữa chăn thả tự nhiên với nhốt chuồng nuôi thâm canh”, anh Tuấn cho hay.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Nuôi cá ở hồ nước nhân tạo cao nhất Việt Nam

Sâu trong dãy Hoàng Liên Sơn, hồ Séo Mý Tỷ giống như một dải lụa trắng vắt ngang những ngọn núi, quanh năm mây phủ.

 

  Một góc lồng nuôi cá nước lạnh ở hồ nhân tạo Séo Mý Tỷ.

 

Hồ nước nằm ở độ cao lên đến trên 1.600m so với mực nước biển, cộng với khí hậu mát mẻ đã khiến hồ Séo Mý Tỷ có điều kiện tuyệt vời nhất ở Sa Pa để nuôi cá nước lạnh.

 

Từ ý tưởng của kỹ sư điện

Séo Mý Tỷ là một thôn nhỏ của xã Tả Van, nằm cách trung tâm thị trấn Sa Pa (Lào Cai) chừng hơn 20km. Sau khi ngăn đập, xây dựng thủy điện ở đây, Séo Mý Tỷ được sở hữu một hồ nước nhân tạo có diện tích tới hơn 57ha và được coi là hồ nước nhân tạo cao nhất Việt Nam.

Chỉ hơn với quãng đường ấy mà từ Sa Pa để tới Séo Mý Tỷ phải mất hơn 2h đồng hồ bởi đường sá đi lại rất khó khăn. Gọi là đường cho oách chứ thực chất chỉ là lối mòn được xe xúc san gạt rộng hơn, ô tô có thể đi được. Trước đây, lên Séo Mý Tỷ trời mưa bà con chỉ có cách đi ngựa hoặc cuốc bộ bởi đường đất lẫn đá sỏi rất khó đi.

Ở Séo Mý Tỷ, thời điểm này nhiệt độ ban ngày chỉ khoảng 17-18 độ C, còn ban đêm có thể lạnh sâu hơn nữa.

Ông Nguyễn Văn Quyết – Giám đốc Cty cổ phần cá hồi, cá tầm Sa Pa – người gốc Thái Bình, sau nhiều năm làm cán bộ ngành điện và gắn bó với Séo Mý Tỷ nhận thấy rằng thời tiết, khí hậu nơi này cũng như môi trường nước của hồ nhân tạo rất phù hợp với việc nuôi cá tầm và cá hồi. Ý tưởng là vậy nhưng để triển khai gặp rất nhiều khó khăn, khi mà ở Lào Cai việc nuôi cá nước lạnh với quy mô lớn ở hồ chưa có nơi nào làm.

Sau những ngày trăn trở, ông Quyết tới nhiều nơi như Sơn La, Yên Bái… để học cách nuôi, rồi tìm chuyên gia, nuôi thử nghiệm… bởi với vốn kiến thức của một kỹ sư ngành điện thì không thể làm được. Một khó khăn khác đó là nguồn vốn, ông Quyết nhẩm tính với mô hình hơn 5.000m2 diện tích mặt hồ cần tới cả chục tỷ đồng.

Tuy nhiên, rất may với uy tín của mình ông Quyết vận động được nhiều anh em cán bộ, công nhân trong ngành góp sức, ủng hộ. Chỉ vài chục triệu đồng mỗi người đóng góp vào, số vốn đã đủ để biến từ ý tưởng thành hiện thực.

 

Con cá tầm nặng hơn 5kg ở nuôi ở hồ Séo Mý Tỷ.

 

Cho đến nay, hàng vạn con cá hồi, cá tầm nhờ được chăm sóc đúng cách nên chúng tăng trưởng rất tốt.

 

Thích làm công nhân

Có được thành quả trên, không thể không nói đến những người công nhân ngày đêm chăm bẵm cho lũ cá, thậm chí phải luân phiên trực đêm. Cửa sổ của khu nhà công nhân ở nhìn thẳng ra những lồng cá trên hồ.

Anh Giàng Thành Công sinh ra và lớn lên ở Séo Mý Tỷ, nhà không quá xa nhưng phiên trực và giờ giấc làm việc ở đây Công đều tuân thủ hết sức nghiêm túc.

Ở nhà anh Công hiện trồng 500 gốc mận máu chó, gần 100 con dê, chưa kể nương thảo quả. Số lượng cây trồng vật nuôi trên đủ cho gia đình nhà anh Công có cuộc sống khấm khá ở Séo Mý Tỷ nhưng anh Công vẫn thích cuộc sống của người công nhân với thu nhập mỗi tháng hơn 4 triệu đồng. Một nhẽ khác, ông của anh Công trước là cán bộ của xã Tả Van nên từ nhỏ anh Công cũng được chỉ bảo nhiều.

Môi trường sinh hoạt mang tính chất tập thể, cách làm việc chuyên nghiệp của công ty giúp anh Công trưởng thành hơn. Hơn nữa, anh Công còn được học hỏi kinh nghiệm nuôi cá hồi, cá tầm, nhất là với quy mô lớn, với khoa học công nghệ chứ không chỉ là kinh nghiệm nuôi nhỏ lẻ theo cách truyền thống. Nhất là ở Séo Mý Tỷ không phải lúc nào cũng có điều kiện tiếp cận khi mà tập tục sống của bà con ở đây chưa xóa hết các hủ tục như cúng đuổi ma, mời thầy làm phép… dù chỉ là tai nạn xe máy.

“Có khi người ta còn phải bỏ tiền ra để đi học hoặc làm thuê không công ý chứ”, anh Công nói.

Cũng như những người đồng nghiệp ở đây, mỗi ngày nhìn đàn cá lớn lên anh công đều thấy phấn chấn bởi mỗi con cá đều có công sức của tất cả những người công nhân chăm chút. Chưa kể, chỉ nói riêng về thức ăn nuôi cá hồi, cá tầm, công ty còn được bạn hàng cung cấp thức ăn đến đo đạc, lấy mẫu nước hồ, để sản xuất lại cám có định lượng dinh dưỡng phù hợp.

 

Khác biệt về chất lượng

Ông Nguyễn Văn Quyết cho biết, giống cá tầm Seberia được thả ở hồ này cho thịt thơm ngon, có nhiều lồng chuẩn bị xuất bán, mỗi con đạt trọng lượng trung bình khoảng 4,5-5kg. Cá này được thị trường rất chuộng, hiện có giá khoảng 160 nghìn đồng/kg. Còn một loại cá tầm khác là cá tầm Nga, loại cá này sẽ nuôi tới 5-6 năm nữa, để lấy trứng.

“Những hạt trứng cá tầm Nga đen láy này mang lại giá trị rất lớn, hiện có tới 2 triệu đồng mỗi lạng” – ông Quyết nói.

Ông Nguyễn Văn Quyết (phải) cùng công nhân chăm đàn cá.

 

Còn giống cá hồi Na Uy thả ở hồ cũng khẳng định được chất lượng từ lâu, nhất là việc nuôi ở môi trường khí hậu tương đồng Sa Pa cho thịt ngon, ngọt, màu sắc đẹp.

Ông Quyết bảo, chất lượng cá tầm, cá hồi thịt rất thơm ngon còn do môi trường hồ có nhiều vi sinh vật như tôm tép, cá con. Các vi sinh vật này bổ sung nhiều vitamin cho cá, khiến thịt cá tầm thì vàng hơn, thịt hồi đỏ hơn so với nuôi trên bể.

Chất lượng cá giống đầu vào tốt nhưng để cá lớn đều, tăng cân tốt đòi hỏi người công nhân theo dõi chặt chẽ những điều kiện môi trường nước, nhiệt độ và đặc biệt tuân thủ quy trình chăm nuôi.

Ông Trần Văn Sâm, người Yên Bái, bảo ở miết trên này rồi cũng quen, công việc khiến mình không thể bỏ dở. Cá cho ăn theo giờ, cả đêm hôm gió lạnh cũng phải dậy bật đèn, chèo thuyền ra vãi thức ăn cho cá.

“Ở đây quen bà con có cỗ lễ cũng đều mời nên bớt đi phần nào nỗi nhớ nhà. Cỗ lễ cũng phải uống với bà con chén rượu nhưng giờ làm anh em công nhân tuyệt đối không đụng đến. Bởi ra ngoài đêm hôm gió máy, lại đi lại trên trên cầu phao nhỡ ngã xuống hồ sẽ nguy hiểm cả tính mạng” – ông Sâm nói.

Cùng ông Sâm còn có anh Trần Văn Thành, nhà ở thành phố Lào Cai nhưng 3 tháng, anh mới về nhà một lần. Cả anh Nguyễn Văn Luân gần 36 tuổi nhưng chưa lập gia đình. Thế nên, công ty treo thưởng rất lớn cho những anh… thoát ế.

Bữa cơm chiều muộn ở Séo Mý Tỷ, anh em công nhân đùa rằng yêu cá hơn yêu bạn gái. Thực ra, cũng dễ lý giải điều này bởi họ là những người công nhân nhưng cũng vừa là người làm chủ.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Ủ phân hữu cơ để bón lúa hữu cơ

Theo kế hoạch vụ Đông Xuân 2019 – 2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị sẽ triển khai 16ha mô hình lúa sản xuất theo hướng hữu cơ, tại 2 điểm xã Gio Quang (huyện Gio Linh) và xã Vĩnh Thủy (huyện Vĩnh Linh).

 

Hướng dẫn nông dân tham gia ủ phân.

 

Trước khi bắt đầu vào vụ sản xuất, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm đã tổ chức tập huấn hướng dẫn cho bà con quy trình ủ phân hữu cơ sinh học.

Kỹ sư Lê Thị Tú, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông cho biết: Nguyên liệu đầu vào để cho ra 1 tấn phân thì cần 1 – 1,5 tấn rác thải hữu cơ và phế thải nông nghiệp; Phân chuồng hoặc mùn hoai: 3 – 4 tạ; Đạm urê: 1kg; Super lân: 2kg; Chế phẩm vi sinh vật Quế Lâm dạng bột: 2kg.

Rác thải hữu cơ và phế thải nông nghiệp sau khi được thu gom và phân loại được đem tập trung đến đóng ủ. Ở đóng ủ, rác thải được dàn đều thành từng lớp, mỗi một lớp có độ dày khoảng 15 – 20cm (đường kính từ 2 – 2,5m), rải 1 lượt phân đạm urê và super lân lên và rải tiếp 1 lượt phân động vật lên trên lớp rác cào đều, sau đó phủ 1 lượt nguyên liệu hữu cơ 15 – 20cm tại mỗi lớp tiến hành xử lý chế phẩm VSV (để chế phẩm vi sinh không trực tiếp với phân đạm urê).

Cứ tiếp tục từng lớp như thế cho đến khi hoàn thành. Nếu phụ phế thải ở một số hộ gia đình có số lượng lớn có thể ủ tại sân hoặc vườn nhà đều có thể làm theo cách như trên. Sau khi ủ phải thường xuyên kiểm tra, giám sát độ ẩm và bổ sung nước cho bể ủ khi thấy cần thiết (độ ẩm đống ủ được duy trì khoảng 60% để cho vi sinh vật hoạt động).

Thời gian ủ khoảng 45 – 60 ngày, sản phẩm sẽ được đưa ra sử dụng. Đối với phân hữu cơ sinh học, do phân đã ủ hoai mục và hàm lượng dinh dưỡng cao hơn phân hữu cơ truyền thống (phân heo, phân trâu bò…) nên sẽ bón cho cây trồng với lượng bằng 1/2 – 2/3 lượng phân hữu cơ truyền thống.

Tùy theo từng loại cây trồng để bón lượng phân cho phù hợp. Đối với cây lúa, thông thường bón theo hai cách là bón lót và bón thúc. Bón lót bằng cách rải đều khi bừa lần cuối và bón thúc bằng hình thức vãi đều. Sản phẩm phân hữu cơ sinh học có tác dụng làm tăng độ phì nhiêu của đất, tăng chất khoáng và vi sinh vật hữu hiệu cho đất, cải tạo đất rất tốt, nhất là đối với các loại đất đã và đang bị suy thoái. Tăng khả năng giữ nước của đất.

Bên cạnh đó phân hữu cơ sinh học có tác dụng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh không chỉ ở cây lúa mà còn các cây trồng khác.

 

Bà con tham gia ủ phân hữu cơ.

 

Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ sử dụng phân hữu cơ sinh học sẽ làm tăng khả năng hấp thu chất dinh dưỡng của cây lúa, khả năng chống chịu sâu bệnh sẽ tốt hơn, trong thời kỳ trổ ruộng sẽ ít nhiễm rầy, khô vằn, cho bông dài, sạch sâu bệnh. Giảm chi phí sản xuất, hạn chế việc sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật.

Ngoài hiệu quả kinh tế mang lại mô hình còn có tác động lớn về mặt môi trường xã hội. Nâng cao nhận thức, thay đổi phương thức canh tác của người dân. Tận dụng được các phế phụ phẩm từ trồng trọt, chăn nuôi để tạo ra phân bón tốt cho cây trồng…

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam