Kỹ thuật chăn nuôi lợn an toàn sinh học.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn Châu Phi, gây tổn thất lớn cho ngành chăn nuôi nước ta, song song với việc phòng chống dịch bệnh, người chăn nuôi cần thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học để tiếp tục duy trì, ổn định, phát triển đàn lợn…

Từ đó, đáp ứng yêu cầu cung cấp thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và bảo vệ môi trường.

Định kỳ phun thuốc sát trùng các dãy chuồng nuôi.

Chăn nuôi an toàn là việc áp dụng đồng bộ các biện pháp nhằm ngăn ngừa sự tiếp xúc của vật nuôi với các mầm bệnh. Một số lưu ý về kỹ thuật chăn nuôi lợn an toàn sinh học như sau:

1. Yêu cầu về chuồng trại:

Vị trí xây dựng trang trại phải phù hợp với quy hoạch của địa phương, hoặc được các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép. Khoảng cách từ trang trại đến trường học, bệnh viện, khu dân cư, nơi thường xuyên tập trung đông người, đường giao thông chính, nguồn nước mặt tối thiểu 100m; cách nhà máy chế biến, giết mổ lợn, chợ buôn bán lợn tối thiểu 1 km. Nơi xây dựng trang trại phải có nguồn nước sạch; đảm bảo điều kiện xử lý chất thải theo quy định.

Trại chăn nuôi phải có tường hoặc hàng rào bao quanh nhằm kiểm soát được người và động vật ra vào trại và phải bố trí riêng biệt các khu: khu chăn nuôi; khu vệ sinh, sát trùng thiết bị chăn nuôi; khu cách ly lợn ốm… Phải có hố khử trùng ở cổng ra vào trại chăn nuôi, khu chuồng nuôi và tại lối ra vào mỗi dãy chuồng nuôi.

Chuồng nuôi lợn phải bố trí hợp lý theo các kiểu chuồng về vị trí, hướng, kích thước, khoảng cách giữa các dãy chuồng. Nền chuồng phải đảm bảo không trơn trượt và phải có rãnh thoát nước, có độ dốc từ 3-5%.

Đường thoát nước thải từ chuồng nuôi đến khu xử lý chất thải phải kín, đảm bảo dễ thoát nước và không trùng với đường thoát nước khác.

Các thiết bị, dụng cụ chứa thức ăn, nước uống phải đảm bảo không gây độc và dễ vệ sinh tẩy rửa. Các dụng cụ khác trong chuồng phải đảm bảo dễ vệ sinh, tẩy rửa sau mỗi lần sử dụng.

Các kho thức ăn, kho thuốc thú y, kho hoá chất và thuốc sát trùng, kho thiết bị, … phải được thiết kế đảm bảo thông thoáng, không ẩm thấp và dễ vệ sinh, tiêu độc khử trùng.

2. Yêu cầu về con giống:

Lợn giống mua về nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng, khoẻ mạnh, có đầy đủ giấy kiểm dịch và phải có bản công bố tiêu chuẩn chất lượng kèm theo. Trước khi nhập đàn, lợn phải được nuôi cách ly theo quy định hiện hành.

Lợn giống sản xuất tại cơ sở phải thực hiện công bố tiêu chuẩn. Chất lượng con giống phải bảo đảm đúng tiêu chuẩn đã công bố. Lợn giống phải được quản lý và sử dụng phù hợp theo quy định hiện hành.

3. Yêu cầu về thức ăn, nước uống:

Thức ăn sử dụng cho chăn nuôi lợn phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn và khẩu phần ăn của các loại lợn.

Không sử dụng thức ăn thừa của đàn lợn đã xuất chuồng, thức ăn của đàn lợn đã bị dịch cho đàn lợn mới. Bao bì, dụng cụ đựng thức ăn của đàn lợn bị dịch bệnh phải được tiêu độc, khử trùng.

Nước dùng cho lợn uống phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. Thành phần vô cơ (Asen, xianua, chì và thủy ngân), vi sinh vật (vi khuẩn hiếu khí và coliform tổng số) dưới mức cho phép.

4. Chăm sóc, nuôi dưỡng:

Các trại chăn nuôi phải áp dụng quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng phù hợp với các loại lợn và giai đoạn sinh trưởng phát triển.

5. Yêu cầu về vệ sinh thú y:

Chất sát trùng tại các hố sát trùng ở cổng ra vào trại chăn nuôi, khu chăn nuôi và chuồng nuôi phải bổ sung hoặc thay hàng ngày.

Tất cả các phương tiện vận chuyển khi vào trại chăn nuôi, khu chăn nuôi phải đi qua hố khử trùng và phải được phun thuốc sát trùng. Mọi người trước khi vào khu chăn nuôi phải thay quần áo, giầy dép và mặc quần áo bảo hộ của trại.

Định kỳ phun thuốc sát trùng xung quanh khu chăn nuôi, các chuồng nuôi ít nhất 2 tuần/1 lần; phun thuốc sát trùng lối đi trong khu chăn nuôi và các dãy chuồng nuôi ít nhất 1 lần/tuần khi không có dịch bệnh, và ít nhất 1 lần/ngày khi có dịch bệnh; phun thuốc sát trùng trên lợn 1 lần/tuần khi có dịch bệnh bằng các dung dịch sát trùng thích hợp theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Định kỳ phát quang bụi rậm, khơi thông và vệ sinh cống rãnh trong khu chăn nuôi ít nhất 1 lần/tháng.

Không vận chuyển lợn, thức ăn, chất thải hay vật dụng khác chung một phương tiện; phải thực hiện sát trùng phương tiện vận chuyển trước và sau khi vận chuyển. Phải vệ sinh máng ăn, máng uống hàng ngày.

Có biện pháp để kiểm soát côn trùng, loài gặm nhấm và động vật khác (nếu có) trong khu chăn nuôi. Khi sử dụng bẫy, bả phải có biển thông báo và ghi sơ đồ chi tiết vị trí đặt bẫy, bả và thường xuyên kiểm tra thu gom để xử lý.

Thực hiện các quy định về tiêm phòng cho đàn lợn theo quy định. Trong trường hợp trại có dịch, phải thực hiện đầy đủ các quy định hiện hành về chống dịch.

Áp dụng phương thức chăn nuôi “cùng vào cùng ra” theo thứ tự ưu tiên cả khu, từng dãy, từng chuồng, từng ô. Sau mỗi đợt nuôi phải làm vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng, dụng cụ chăn nuôi và để trống chuồng ít nhất 7 ngày trước khi đưa lợn mới đến. Trong trường hợp trại bị dịch, phải để trống chuồng ít nhất 21 ngày.

6. Xử lý chất thải và bảo vệ môi trường:

Các trại chăn nuôi bắt buộc phải có hệ thống xử lý chất thải trong quá trình chăn nuôi. Chất thải rắn phải được thu gom hàng ngày và xử lý bằng nhiệt, hoặc bằng hoá chất, hoặc bằng chế phẩm sinh học phù hợp. Chất thải rắn trước khi đưa ra ngoài phải được xử lý đảm bảo vệ sinh dịch tễ theo quy định hiện hành của thú y. Chất thải lỏng phải được xử lý bằng hoá chất hoặc bằng phương pháp xử lý sinh học phù hợp.

Nguồn: nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi FarmTech VietNam.

Heo bị làm giá

Nguồn cung heo cho nhu cầu tiêu dùng không thiếu nhưng giá thịt heo liên tục tăng phi mã từ đầu năm đến nay đang có những dấu hiệu bất thường và chỉ có doanh nghiệp chăn nuôi đang được hưởng lãi lớn.

“Nghi án” doanh nghiệp thao túng giá

Giá thịt heo cao ngất ngưởng trên phạm vi cả nước đã khiến Bộ NN-PTNT phải hiệu triệu doanh nghiệp tổ chức một cuộc họp tại Hà Nội trong chiều 9.10, với sự tham gia của 12 doanh nghiệp chăn nuôi để bàn giải pháp kiềm chế.

Ngay sau cuộc họp, Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam, một “ông lớn” của ngành chăn nuôi, tuyên bố giảm 500 đồng/kg heo hơi ở thị trường phía bắc. Doanh nghiệp này cũng cam kết cung ứng đúng con giống cho người chăn nuôi có nhu cầu tái đàn, mở rộng quy mô chăn nuôi. Dù ghi nhận động thái tích cực của doanh nghiệp nhưng mức giảm giá này còn cách xa mục tiêu mà Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đề xuất tại cuộc cuộc họp “đưa giá heo về dưới 50.000 đồng/kg” nhằm giữ ngành này phát triển bền vững, bảo vệ thị trường trong nước.

Khảo sát ngày 11.10 tại Vĩnh Phúc, Hà Nội giá heo hơi trên thị trường dao động từ 51.000 – 53.000 đồng/kg; giá heo cắt mảnh từ 71.000 – 72.000 đồng/kg. Trong khi đó, tại các chợ dân sinh ở khu vực Phạm Văn Đồng (Q.Bắc Từ Liêm, Hà Nội) và Nghĩa Tân (Q.Cầu Giấy, Hà Nội), giá thịt bán lẻ đến tay người tiêu dùng loại ba chỉ dài, ngắn dao động từ 110.000 – 130.000 đồng/kg; mông sấn từ 80.000 – 90.000 đồng/kg; sườn dao động từ 115.000 – 125.000 đồng/kg. “So với hồi tháng 4 – 5, giá mỗi ký thịt tăng từ 15.000 – 20.000 đồng”, chị Nguyễn Thị Gấm, kinh doanh thực phẩm khu chợ dân sinh P.Xuân Đỉnh (Q.Bắc Từ Liêm), nói.

Còn tại vùng chăn nuôi Đông Nam bộ, giá heo đang ở mức 54.000 – 55.000 đồng/kg. Giá heo mảnh ở chợ đầu mối Hóc Môn (TP.HCM) dao động ở mức 68.000 – 71.000 đồng/kg. Ở các chợ lẻ, giá sườn già 92.000 đồng/kg, thịt nạc đùi 108.000 – 110.000 đồng/kg, thịt cốt lết 95.000 đồng/kg… Theo các tiểu thương, giá thịt heo đã tăng từ 10.000 – 15.000 đồng/kg tùy loại so với thời điểm giữa năm.

Không chỉ người tiêu dùng, doanh nghiệp chế biến, kinh doanh cũng chịu thiệt thòi khi thịt heo tăng giá chóng mặt. Ông Võ Việt Dũng, Chủ tịch Công ty CP thực phẩm an toàn Nam Hà Nội, cho biết từ tháng 4 đến nay, nhiều doanh nghiệp giết mổ phân phối thực phẩm vào bếp ăn thực phẩm chịu lỗ tiền tỉ do giá bán ra theo hợp đồng đã ký trong khi giá nguyên liệu tăng lên từng ngày.

“Trước đây cả nước có 4 triệu hộ chăn nuôi heo thì đây là đối trọng để các “ông lớn” không thể làm giá. Nhưng hiện tại thì phần lớn nguồn cung đều rơi vào tay doanh nghiệp, họ có thể thao túng giá”, ông Dũng nêu vấn đề.

Tạo khan hiếm giả để đẩy giá

Cũng tại cuộc họp với Bộ NN-PTNT, ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, cho biết giá heo hơi tăng từ đầu năm đến nay có nhiều dấu hiệu bất thường cần phải làm rõ. Sau cuộc khủng hoảng thừa năm ngoái, tại Đồng Nai phần lớn các hộ chăn nuôi trang trại, gia trại đều thua lỗ, giảm đàn thậm chí là đóng cửa. Heo tăng giá như hiện giờ, người chăn nuôi không được hưởng lợi, hưởng lợi nhiều nhất hiện nay là doanh nghiệp chăn nuôi, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp FDI.

“Tính toàn bộ chi phí giá thành chăn nuôi heo hiện nay chỉ rơi vào khoảng 35.000 – 36.000 đồng/kg nhưng thực tế giá heo hơi bán ra đều trên 51.000 đồng/kg thì doanh nghiệp lãi rất lớn” Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT TP.Hà Nội

Theo Phó giám đốc Sở NN-PTNT TP.Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, tính toàn bộ chi phí giá thành chăn nuôi heo hiện nay chỉ rơi vào khoảng 35.000 – 36.000 đồng/kg nhưng thực tế giá heo hơi bán ra đều trên 51.000 đồng/kg thì doanh nghiệp lãi rất lớn.

Chia sẻ thông tin khảo sát thực tế, ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, nhận định giá heo tăng khi nguồn cung không thiếu là một nghịch lý. Chăn nuôi nông hộ, gia trại có giảm nhưng quy mô ở các doanh nghiệp vẫn tăng rất nhanh. Đặc biệt, có hiện tượng doanh nghiệp bán heo theo lô, mỗi lô 200 con thì không lò mổ nào mua được, đành phải mua lại từ thương lái, như thế là tạo tâm lý thiếu hàng để đẩy giá lên cao. Cá biệt có thời điểm lên tới 53.000 – 56.000 đồng/kg.

Cũng theo ông Dương, khảo sát ở địa phương, xuống đến tận sạp cũng không có chuyện thiếu heo để giết mổ. Đến quý 4 năm nay, tổng sản lượng heo hơi đạt 1.071 tấn, vẫn tăng 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái. “Giá heo trong nước hiện nay đều do doanh nghiệp tự quyết định, chứ không có thị trường nào quyết định cả. Tôi khẳng định là nguồn cung không thiếu, phải nói sòng phẳng với nhau như thế, chứ để dân nuôi lại ồ ạt thì năm sau lại chết”, ông Dương nói.

Theo thống kê của Cục Chăn nuôi, giá heo ở Việt Nam trong tháng 8 – 9 đã tăng cao hơn cả Trung Quốc và Thái Lan và thuộc nhóm cao nhất thế giới. Cụ thể, giá thịt heo trong tháng 8 – 9 của Việt Nam dao động từ 49.000 – 53.000 đồng/kg. Trong khi đó, tại Trung Quốc, giá thịt heo chỉ có 46.000 – 49.000 đồng/kg; còn tại Thái Lan từ 45.000 – 46.200 đồng/kg. Thịt heo chiếm 60% thị phần trong rổ thực phẩm tiêu dùng tại Việt Nam và với quy mô thị trường gần 100 triệu dân thì đây là căn nguyên để các nước xuất khẩu heo vào nước ta. Trong khi đó, tác động của bệnh tả heo châu Phi và xung động thương mại Mỹ – Trung Quốc đang làm gia tăng nguy cơ thâm nhập thịt heo và các sản phẩm từ thịt heo vào Việt Nam.

Nguồn: Tổng hợp, duyệt bởi Farmtech Vietnam

Nguy cơ dịch tả lợn Châu Phi vào Hà Nội rất cao

Theo Sở NN-PTNT Hà Nội, do tiếp giáp với 8 tỉnh, thành phố, nhiều trục đường, cửa ngõ ra vào nên công tác quản lý dịch bệnh ở Thủ đô gặp nhiều khó khăn.

Tại Hà Nội, có tới 988 cơ sở giết mổ với khoảng 4.000 con lợn mỗi ngày. Riêng cơ sở giết mổ lợn Vạn Phúc, mỗi ngày giết mổ từ 1.700 – 2.000 con, trong đó 70% nhập từ các địa phương khác.

Đoàn công tác kiểm tra tại trang trại lợn quy mô 300 – 400 con tại xã Nam Phương Tiến (Chương Mỹ, Hà Nội).

Tiếp nối chuyến thị sát công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi tại các tỉnh biên giới, ngày 4/10, Thứ trưởng thường trực Bộ NN-PTNT đã có buổi làm việc với thành phố Hà Nội về vấn đề này.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội cho biết, tổng đàn lợn của Hà Nội hiện nay khoảng 1,6 triệu con. Trong đó, có 283 Cty, xí nghiệp, HTX… chăn nuôi với khoảng 450 nghìn đầu lợn, chiếm 22% tổng đàn. Còn lại vẫn chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ tại các vùng ngoại thành.

Mỗi ngày, 988 cơ sở điểm giết mổ kiểm soát khoảng 4.000 con lợn, 200 con trâu, bò, 28.000 con gia cầm. Điển hình như cơ sở giết mổ lợn Vạn Phúc (huyện Thanh Trì), hàng ngày giết mổ khoảng 1.700 – 2.000 con lợn. Điều đặc biệt, 70% trong số đó lại được nhập về từ nhiều tỉnh bạn. Ông Sơn khẳng định, Hà Nội đang có nguy cơ nhiễm dịch tả lợn Châu Phi là rất cao.

Ông Chu Phú Mỹ, GĐ Sở NN-PTNT Hà Nội đồng ý với nhận định trên. Theo ông Mỹ, ngay sau khi nhận được công văn khẩn đối phó dịch tả lợn của Chính phủ và Bộ NN-PTNT, Sở đã đôn đốc các quận, huyện nâng cao tinh thần phòng chống dịch. Đồng thời ra quyết định thành lập 2 đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch, thời gian từ 1/10 – 30/12 tại 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn.

Bên cạnh đó, đơn vị này cũng phối hợp với các ngành Công thương, Ban chỉ đạo 389 Hà Nội, Sở TT-TT… chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm dịch tả lợn vào địa bàn Thủ đô. 4 chốt kiểm dịch đầu mối giao thông kiểm soát vận chuyển lợn ra vào thành phố; 4 chốt kiểm dịch động vật liên ngành kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú ý… cũng được tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn chia sẻ, những ngày qua, qua kiểm tra, thị sát tình hình… nhìn chung công tác triển khai các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh của các địa phương, đặc biệt tại Hà Nội là rất tích cực. Phía nước bạn Trung Quốc cũng áp dụng nhiều biện pháp dập dịch, kiểm soát biên giới chặt chẽ. Cho tới nay, dịch tả lợn Châu Phi chưa xâm nhập vào Việt Nam nhưng nếu có sẽ rất nguy hại, gây ra hệ lụy khó lường cho ngành chăn nuôi, từ đó ảnh hưởng chung tới thương mại nông sản, hàng hóa.

Với địa bàn Hà Nội, Thứ trưởng Tuấn cho rằng, dứt khoát phải rà soát lại việc tiêm phòng dịch bệnh, tuyên truyền cho người dân thường xuyên tiến hành tiêu độc, khử trùng chuồng trại. Tương tự là tại các trang trại, đặc biệt phải ký cam kết đảm bảo an toàn dịch bệnh. Thứ trưởng nhấn mạnh, những việc này tuyệt đối không được làm kiểu phong trào mà phải thường xuyên, liên tục, đặc biệt là khi nguy cơ dịch bệnh khó lường như hiện nay.

Riêng với Cục Thú y, Thứ trưởng Tuấn đề nghị đơn vị này tham mưu để Bộ sớm ban hành bộ kỹ thuật, biện pháp lấy mẫu bệnh dịch. Khi phát hiện dấu hiệu dương tính với bệnh dịch, Cục phải báo cáo lên lãnh đạo Bộ bất kể giờ giấc. Cục Thú y cũng phải có trách nhiệm theo dõi sát sao thông tin từ các tổ chức thú y thế giới, lập lại đường dây nóng, chuẩn bị kế hoạch diễn tập tình huống khi dịch bệnh xảy ra.

Nguồn: Báo Nông Nghệp, duyệt bởi Farmtech Vietnam

Tăng cường chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi

Ngành chăn nuôi từng bước chuyển đổi từ phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, quảng canh sang chăn nuôi tập trung với quy mô phù hợp và phát huy những lợi thế của từng vùng, miền, tăng hiệu quả kinh tế, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của nông dân.

Nuôi gà thịt lông màu an toàn sinh học

Hàng năm, bằng nguồn kinh phí trung ương và địa phương, hệ thống khuyến nông các tỉnh, thành phố đã triển khai xây dựng được khoảng 450 – 500 điểm trình diễn khuyến nông lĩnh vực chăn nuôi cho khoảng 9.188 hộ nông dân tham gia và hưởng lợi từ các dự án, mô hình này.

Ngoài ra, các cơ quan nghiên cứu, các doanh nghiệp cũng tổ chức hàng trăm điểm trình diễn để chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật cho người chăn nuôi.

Dưới đây là một số mô hình tiêu biểu có hiệu quả, sức lan tỏa tốt góp phần tái cơ cấu ngành chăn nuôi.

1.  Dự án “Xây dựng mô hình cải tạo đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo và vỗ béo bò thịt để đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao tại các vùng chăn nuôi chính”

Dự án chuyển giao với quy mô 1.025 bò được vỗ béo và 616 bò cái nền được thụ tinh nhân tạo (TTNT). Địa bàn triển khai tại 8 tỉnh: Gia Lai, Đắk Lắk, Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình, Lào Cai, Lạng Sơn và Thái Nguyên.

Mô hình cải tạo đàn bò bằng kỹ thuật TTNT: Phương pháp nhân giống bằng TTNT đã cải thiện được năng suất, chất lượng con lai. Dự án đã góp phần tăng tỷ lệ bò lai trong cả nước nói chung và tại các địa phương triển khai mô hình dự án nói riêng lên 10,25%.

Do đã lựa chọn bò cái nền ở độ tuổi từ 3 – 5 lứa đẻ và chọn tinh bò nhập ngoại có năng suất chất lượng cao (BBB, Drouhtmaster, Brahman), hướng dẫn các hộ cách phát hiện bò động dục để cho tỷ lệ thụ thai cao nên tỷ lệ phối chửa lần 1 khá cao, bình quân đạt 75,3%, khối lượng bê sơ sinh 22,1kg/con. Mỗi con bò lai có giá trị cao hơn bò nội khoảng 3 – 5 triệu đồng. Mặt khác, do không phải chi phí nuôi bò đực giống nên hiệu quả mang lại so với chăn nuôi bò địa phương đạt trên 15%.

Mô hình bò vỗ béo: Bò được tiêm tẩy nội ngoại ký sinh trùng trước khi vỗ béo và cho ăn thức ăn tinh kết hợp với thức ăn xanh một cách hợp lý nên có khả năng tăng trọng nhanh, bình quân đạt 740 gram/con/ngày, vượt so với yêu cầu 40 gram/con/ngày (tương ứng 5,7%). Bò tăng trọng nhanh, lại có giá bán cao hơn bò nội nên hiệu quả kinh tế của các hộ tham gia dự án tăng 14,8% so với chăn nuôi truyền thống. Đến tháng 12/2017 dự án đã có sự tham gia của 184 hộ với quy mô 674 con.

2. Dự án “Xây dựng mô hình nuôi ong mật chất lượng cao trong nông hộ tại các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung – Tây Nguyên”

Dự án đã chuyển giao với quy mô 1.640 đàn ong, trong đó 600 đàn ong ngoại và 1.040 đàn ong nội tại Đắk Lắk, Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình, Thái Nguyên, Yên Bái, Phú Thọ, Sơn La. Năng suất ong ngoại đạt bình quân 41,5kg/đàn, ong nội đạt bình quân 18,3kg/đàn. Sản phẩm mật ong có chất lượng tốt, hiệu quả kinh tế của các hộ tham gia dự án tăng 13,8%. Đến nay, dự án đã nhân rộng được trên 1.000 đàn ong mới, thu nhập bán giống và mật đạt doanh thu ban đầu từ 15 – 35 triệu đồng/hộ.

3. Dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn có kiểm soát dịch bệnh để hướng tới xuất khẩu”

Năm 2017 đã có 72 cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh được công nhận, trong đó 14 cơ sở chăn nuôi lợn và 58 cơ sở chăn nuôi gà với quy mô 1.167.000 con gia súc, gia cầm.

Kết quả của dự án đã góp phần hình thành nên các vùng sản xuất an toàn dịch bệnh tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Nam Định và Thái Bình.

Dự án đã kiện toàn và thành lập mới 10 tổ hợp tác chăn nuôi. Tỷ lệ tiêm phòng tại các cơ sở chăn nuôi tham gia mô hình đạt 100%. Mô hình của dự án đã trở thành những điểm tham quan học tập của người chăn nuôi trên địa bàn.

4. Dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi lợn sinh sản áp dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo và các biện pháp kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất sinh sản tại nông hộ”

Dự án đã xây dựng 6 mô hình với 12 điểm trình diễn tại Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Cần Thơ, Sóc Trăng, Vĩnh Long với quy mô 24 lợn đực giống và 120 lợn nái. Dự án chuyển giao lợn đực giống có năng suất cao như giống Duroc, YL, Pidu… thông qua công tác TTNT, tỷ lệ thụ tinh đạt từ 80 – 86% đã tạo ra đàn lợn có năng suất, chất lượng, nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, năng suất các mô hình trong dự án cao hơn lợn nái đang chăn nuôi tại địa phương.

Số con sơ sinh/nái lứa đầu đạt 11,28 – 12 con. Khối lượng lợn con sơ sinh đạt 1,23 – 1,25kg/con. Hiệu quả kinh tế của các hộ tham gia dự án tăng từ 15 – 18%. Dự án đã góp phần đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn lợn, thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn và bền vững.

5. Dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi gà thịt lông màu có năng suất, chất lượng, an toàn sinh học”

Dự án đã xây dựng được 6 mô hình trình diễn với quy mô 40.740 con gà Lương Phượng lai, gà Ri vàng rơm lai thương phẩm. Đây là các giống được công nhận tiến bộ kỹ thuật, đưa vào sản xuất chăn nuôi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng gà thịt trong chăn nuôi nông hộ. Tỷ lệ nuôi sống đến xuất chuồng đạt 94,5%, khối lượng cơ thể 2kg/con.Dự án đã giúp nâng cao nhận thức, khả năng áp dụng tiến bộ kỹ thuật cho các hộ tham gia mô hình và các hộ trong địa bàn triển khai.

Thông qua hoạt động của các dự án khuyến nông chăn nuôi, hàng nghìn nông dân đã được học tập kinh nghiệm chăn nuôi an toàn sinh học, phòng chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm,… góp phần phát triển kinh tế, xã hội, thực hiện thành công nhiệm vụ tái cơ cấu ngành và xây dựng nông thôn mới theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Nguồn: nognghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Nuôi lợn sạch kiếm tiền tỉ mỗi năm

Coi vật nuôi như… con đẻ

Khi mà nuôi lợn trang trại đang bước vào giai đoạn cầm chừng, cầm cự thì Phạm Viết Đức, chủ trang trại lợn Đức Anh tại xóm 12, xã Thanh Hương (huyện Thanh Chương, Nghệ An) vẫn không ngại tăng đàn. Đức có bí quyết! Đương nhiên, trong chăn nuôi ai cũng phải có bí quyết riêng cho mình. Ở Đức còn có tình yêu thật đặc biệt với đàn vật nuôi trong trang trại của mình. Chính tình yêu ấy đã giúp anh luôn trăn trở để tìm ra những con đường mới cho riêng mình và có chỗ đứng vững vàng khi ngành chăn nuôi đang lao đao.

Chủ trang trại lợn Đức Anh tại xóm 12, xã Thanh Hương (Nghệ An)

Đức bỏ dở con đường ĐH để đi học nghề thú y và đến năm 2005 bắt tay vào kinh doanh thức ăn gia súc. Cùng thời gian đó, Đức lập gia trại cách trung tâm thị trấn Thanh Chương vài km, mỗi lứa nuôi vài trăm con, mỗi năm lãi ròng chừng 300 triệu đồng.

Có vốn và có chút kinh nghiệm, năm 2014, Đức dời gia trại vào thành lập trang trại tại xóm 12, xã Thanh Hương cách trung tâm thị trấn 30km. Để mua 4ha đất và đầu tư ban đầu, Đức đã bỏ ra gần chục tỷ đồng. Phải nói, đó là một quyết định táo tợn và có phần mạo hiểm của chàng trai 8x. Nhưng rồi Đức thành công giống như một lập trình đã định sẵn mặc cho biết bao khó khăn chung đang bủa vây ngành chăn nuôi.

Nhiều người còn kể về câu chuyện đi tìm giống vật nuôi “thuần chủng” của Đức. Để có đàn gà cỏ địa phương, Đức một mình rong ruổi từ thượng huyện tới hạ huyện Thanh Chương. Hễ thấy nơi nào có gà chân nhỏ, lông xếp sít nhau, mình thấp, thon… còn mang dáng dấp của gà cỏ Thanh Chương là Đức dừng lại “gạ” mua bằng được.

Nhiều lúc, Đức hào phóng đến mức có thể bỏ cả vài ba trăm nghìn đồng để được sở hữu một chú gà cỏ Thanh Chương chính hiệu, nặng chưa đến 1kg. Chẳng vì thế, chỉ sau một thời gian ngắn, Đức có được đàn gà sinh sản như mình mong ước. Tự tay Đức nhặt từng quả trứng, cho vào lò ấp để có được đàn gà thuần chủng địa phương.

Lúc cao điểm, trang trại của Đức có tới vài ba nghìn con gà thịt, hàng trăm con gà đẻ và thường xuyên có lớp gà con kế cận.

Dù là một ông chủ trẻ, đồng vốn hạn hẹp nhưng Đức sẵn sàng bỏ hàng trăm triệu đồng để đón những đàn lợn phẩm cấp ông bà, bố mẹ từ đất nước Đan Mạch về làm giống. Đức lặn lội vào tận Đồng Nai để đấu giá mua bằng được những con lợn đực Duroc Đài Loan có giá lên đến 50 – 60 triệu đồng. Đó là điều mà nhiều trạm giống chăn nuôi các huyện tại Nghệ An cũng phải mơ ước. Nhiều người nghĩ Đức “chơi trội” và rồi chẳng bao lâu sẽ đổ bể. Nhưng với Đức, ngoài kỹ thuật, công nghệ thì con giống là yếu tố then chốt.

“Cùng một mức đầu tư ban đầu về vốn, kỹ thuật, nhân công… như nhau nhưng nếu có con giống chất lượng có nghĩa là bạn đang nắm chắc phần thắng trong tay. Bạn thử nghĩ xem, bình quân một con lợn nái ngoại đẻ mỗi năm 2,2 lứa, mỗi lứa 13 – 18 con và trọng lượng hơn hẳn lợn nội, còn chất lượng phụ thuộc vào cách nuôi thì chúng ta chọn giống lợn nào? Tôi nghĩ, con giống quyết định 50% thành công của người chăn nuôi”, Đức chia sẻ.

Có trong tay giống tốt, Đức đầu tư cả phòng, hệ thống phương tiện thu và lưu trữ tinh dịch lợn đực giống. Đức thuê lao động có tay nghề thú y cao, trả lương hậu hĩnh để phụ trách trang trại. Nhiều chủ trang trại trong và ngoại huyện Thanh Chương tìm đến trang trại Đức Anh để mua tinh dịch lợn…

Lợn đực giống được chăm sóc tốt

Những đàn lợn cơ bắp cuồn cuộn, đàn gà cỏ lớn lên từng ngày cho đến lúc Đức giật mình chững lại. Đó là thời điểm giá vật nuôi xuất trại liên tục lao dốc chưa có dấu hiệu dừng lại. Đó cũng là lúc Đức tìm đến với công nghệ nuôi lợn an toàn sinh học (ATSH), trước mắt chỉ là để tồn tại. Thế nhưng, “chiến dịch” cầm cự của chàng trai trẻ lại đem về thành công giòn dã.

Lãi từ “gốc” đến “ngọn”

Khi người chăn nuôi ở hầu khắp đất nước này đang ở giai đoạn cầm cự và ngần ngại tái đàn, thậm chí buông xuôi thì Đức vẫn ung dung. Mỗi ngày, đàn lợn từ trang trại của Đức vẫn xuất chuống đều đều như thời kỳ hoàng kim mấy năm trước.

Chuyện Đức đến với chăn nuôi ATSH bắt đầu từ năm 2016. Thời điểm đó, Đức được dự án Jica Nhật Bản chọn làm thí điểm để nuôi lợn, gà ATSH. Nếu đáp ứng được các yêu cầu đối tác đặt ra, trang trại của Đức sẽ được Jiaca “ôm” trọn gói đầu ra cho sản phẩm. Nó như một liều doping thúc đẩy Đức lao vào công việc để đạt bằng được thành quả.

Đàn lợn trong các ô chuồng của Đức dường như chẳng tìm ra đâu được tỳ vết. Trăm con như một, lớn đều như nhau, vai, mông nở, cơ bắp cuồn cuộn như những lực sỹ đấu vật. Đức quả quyết: “Nhìn thế chứ chúng nặng cả trăm kg đấy anh! Về lý thuyết, chúng có thể đạt 70% nạc nếu nuôi công nghiệp và nuôi ATSH có thấp hơn chút ít. Nhưng ở trại của em, tỷ lệ nạc ít nhất cũng đạt 60%”.

Để bước vào nuôi ATSH, cả đàn gà và đàn lợn của Đức dường như được nuôi theo một công thức. Thời gian đầu (45 ngày đối với gà, 2 tháng đối với lợn), đàn vật nuôi được nuôi hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp. Thời gian tiếp sau, đàn vật nuôi được làm quen với thức ăn tự phối trộn và đến non nửa chu kỳ nuôi được cho ăn hoàn toàn bằng thức ăn do chính Đức phối trộn. Nguồn thức ăn này gồm bột ngô + lúa + cá khô nghiền nhỏ. Chúng được trộn đều với sắn đã ủ chua + nước dẫn theo đường ống vào chuồng nuôi. Ăn thức ăn này, đàn vật nuôi ngừa được một số bệnh thông thường, tuy không nhanh lớn bằng nuôi thức ăn công nghiệp nhưng đổi lại chất lượng thịt thơm ngon hơn hẳn.

“Thông thường, lợn, gà tôi phải nuôi 6 tháng mới xuất chuồng. Trọng lượng vẫn đạt mức tối đa nhưng nếu chỉ nhìn vào màu sắc của thịt thì người không sành ăn sẽ kén mua. Thịt nuôi bằng thức ăn công nghiệp nạc nhiều hơn, màu nạc đỏ hơn, trông rất bắt mắt. Nhưng khách hàng của tôi là các siêu thị, cửa hàng lớn, thậm chí là cá nhân mua về làm quà, có bao nhiêu cũng hết”, Đức quả quyết.

Nhưng để có được thành quả như hôm nay, bản thân Đức cũng phải lăn lộn khắp nơi để tìm thị trường. Lúc đầu, những đề nghị của Đức chỉ nhận được những cái lắc đầu. Chỉ khi trực tiếp sử dụng và chứng kiến quy trình nuôi của Đức khách hàng mới tin tưởng. Đầu ra vật nuôi trong trang trại của Đức rộng mở từ đó.

“Lúc đầu, tôi đi chào hàng khắp nơi. Thậm chí, mổ thịt một con lợn chỉ để đi bán rẻ để khách hàng ăn cho biết nhưng vẫn bị mọi người nghi ngờ. Không nản lòng, tôi tiếp tục “đánh” vào những đối tượng sành ăn. Vượt qua được chính mình cũng chính là lúc tôi được người tiêu dùng đón nhận”, Đức tâm sự.

Thời điểm cuối năm 2017, khi giá lợn hơi nuôi bằng thức ăn công nghiệp chưa nổi 30 nghìn đồng/kg thì lợn nuôi ATSH của Đức vẫn cháy hàng với giá 45 nghìn đồng/kg. Tính ra, mỗi con lợn nuôi ATSH, Đức lãi ròng 1 triệu đồng.

Không chỉ bán lợn hơi, Đức còn có một lò giết mổ gia súc tự xây dựng trong trang trại để mổ lợn đóng cấp đông đem đi nhập cho các nhà hàng, siêu thị tại Nghệ An và Hà Nội. Nhiều chủ hàng đến đặt vấn đề tiêu thụ 15 con lợn/ngày nhưng quy mô trang trại chưa đáp ứng nên Đức chưa nhận lời.

Nằm trong chương trình hỗ trợ của Jica, đến nay, lò mổ của Đức đã được đầu tư hiện đại hơn có thể đáp ứng công nghệ mổ treo, đảm bảo ATVSTP.

Với 1,5ha hồ đập, mỗi năm Đức lãi ròng 100 triệu đồng cá thương phẩm. Nhưng Đức đang dự định sắp tới sẽ chỉ nuôi mỗi cá rô phi để làm thức ăn cho lợn nuôi theo hướng ATSH. Từ đàn gà ATSH, mỗi năm, trang trại xuất ra thị trường gần 7 tấn gà thương phẩm, lãi ròng trên 300 triệu đồng.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Bái phục lão nông làm trang trại tổng hợp trên vùng đất cát, thu 3 tỷ đồng/năm

Từ hai bàn tay trắng, ông Nguyễn Thuận (58 tuổi) đã gây dựng thành công trang trại quy mô trên vùng cát ở xã Quảng Vinh (huyện Quảng Điền, TT-Huế), cho doanh thu mỗi năm trên 3 tỷ đồng.

Trước đây nguồn thu nhập chính của gia đình ông Nguyễn Thuận dựa vào sản xuất lúa, hiệu quả kinh tế thấp. Luôn trăn trở để tìm hướng phát triển sản xuất nhằm làm giàu cho gia đình và đóng góp xã hội, cuối năm 2006 ông cùng vợ làm đơn, phác thảo dự án rồi xin huyện cấp đất xây dựng trang trại ở xã Quảng Vinh.

Ông Thuận hướng dẫn kỹ thuật nuôi gà

Vùng đất nơi gia đình ông đến lập nghiệp thời gian đó chỉ toàn sỏi và cát, nắng nóng khắc nghiệt. Để bắt tay thực hiện giấc mơ làm giàu, ông dùng số vốn eo hẹp đầu tư nuôi khoảng vài trăm con gà, mấy con heo và trồng thêm nấm rơm.

“Cuối năm 2006 tôi chuyển vào Rú Cát xây chòi để ở và chăn nuôi. Lúc ấy có đồng nào tôi đầu tư đồng đó, nuôi khoảng 500 con gà, vài con heo. Thời điểm đó tôi cũng chưa có nhiều kiến thức cần thiết về sản xuất theo hướng trang trại nên việc phát triển mô hình gặp khó khăn. Ngoài ra do cây trồng và vật nuôi không chống chịu được với điều kiện khắc nghiệt nên bị thua lỗ nặng”, ông Thuận tâm sự.

Sau thất bại đó, ông được đi tập huấn và tham gia các lớp học về kỹ thuật chăn nuôi, giới thiệu những mô hình trang trại hiệu quả. Trở về nhà, ông bắt tay cải tạo môi trường vùng cát bằng việc trồng cây xanh, phát triển trang trại theo hướng đa ngành nghề, phối hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi.

Năm 2012 trang trại của ông đạt tiêu chí trang trại thu nhập trên 1,2 tỷ đồng. Từ cuối năm 2016 đến nay, ông Thuận đã chủ động liên kết với Cty CP Greenfeed nuôi lợn theo công nghệ cao. Ông mạnh dạn đầu tư gần 1 tỷ đồng để xây chuồng trại, mở rộng quy mô sản xuất và trang thiết bị hiện đại như lắp đặt hệ thống lạnh, máng ăn và máng uống tự động, làm hầm chứa và xử lý chất thải, hầm biogas; áp dụng công nghệ chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.

Trên diện tích 2ha, mỗi năm trang trại nuôi hơn 30.000 con gà lai ri, 500 ngan Pháp, 400 con lợn thịt, 40 con lợn nái. Ngoài nuôi gà, heo ông còn nuôi 3 ao cá và 1,3 ha rừng tràm.

Theo ông Thuận, để chăn nuôi đạt hiệu quả cao, trước hết phải xây dựng hệ thống chuồng trại bảo đảm khoa học. Nắm chắc các kỹ thuật từ khâu lựa chọn con giống đạt chất lượng tốt đên khâu chăm sóc. Đặc biệt, chủ động ổn định nhiệt độ trong khu chuồng trại để tránh dịch bệnh cũng như đảm bảo trọng lượng xuất chuồng.

Lão nông chia sẻ: “So với mặt bằng chung trong nông nghiệp thì chăn nuôi mang lại nguồn kinh tế cao, doanh thu trung bình năm trên 3 tỷ đồng, trừ các khoản chi phí tính ra mỗi năm có lãi khoảng 1 tỷ. Làm trang trại phải có đam mê, năng động, chịu khó thì thành công sẽ đến, khi thấy lỗ đừng nản mà phải chủ động tìm giải pháp”.

Hơn 10 năm lao động vất vả trên vùng đất cát khô nóng, ông Thuận đã miệt mài không ngừng để có được trang trại quy mô, hiện đại như hiện nay. Nhờ trang trại mà 5 người con của ông được ăn học đến nơi đến chốn, ông còn xây dựng được ngôi nhà khang trang và tạo việc làm cho 12 lao động với mức lương ổn định từ 3 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, trang trại của ông hằng năm còn nhận sinh viên vào thực tập, hướng dẫn các kỹ thuật chăm sóc, chế độ ăn uống của gà, heo…

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nghệ An: Bùng phát bệnh Lepto trên lợn?

Theo người dân xóm 10, xã Ngọc Sơn (Thanh Chương, Nghệ An), xóm có nhiều lợn bị chết.

Thế nhưng, xã xác nhận chỉ có 1 số con bị nhiễm bệnh. Điều đáng nói, trên QL 46 đi qua xã Ngọc Sơn thời gian qua có rất nhiều lợn chết bị vứt dọc đường.

Người dân không đồng ý tiêm phòng?

Ông Thái Văn An, Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn cho biết, cách đây vài ngày xuất hiện tin đồn tại xóm 10 có một số con lợn khi người dân mổ thịt bán có mùi hôi, thịt màu vàng không thể sử dụng được. Còn một người dân xóm 10 khẳng định, một tuần trở lại đây, xóm có rất nhiều lợn chết vì bệnh Lepto(?).

Rác thải, xác động vật thường xuyên dạt vào các đập tràn của xã Ngọc Sơn

“Chúng tôi nghe thông tin như thế nhưng qua kiểm tra thì chỉ có 4 con lợn bỏ ăn hoặc ăn ít. Trong số đó, một con bị rối loạn tiêu hóa đã được điều trị khỏi bệnh. Đề nghị ngành thú y lấy mẫu xét nghiệm, nếu xuất hiện dịch bệnh chúng tôi sẽ triển khai ngay các biện pháp dập dịch”, ông An cho biết.

Ngày 18/11, sau khi được báo cáo, Trạm Chăn nuôi – Thú y huyện Thanh Chương đã cấp 6 lít bencocid cho xóm 10 và cử cán bộ xuống những hộ có lợn ốm để lấy mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm. Sau khi kiểm tra lợn của hộ ông Nguyễn Văn Cường và bà Nguyễn Thị Thủy có các dấu hiệu như kén ăn cám, ăn nhiều rau, thân nhiệt cao, ông Đào Quang Biên, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi – Thú y huyện Thanh Chương cho rằng, đó là dấu hiệu của bệnh Lepto.

“Tại xóm 4, xã Xuân Tường, giáp ranh với xóm 10 xã Ngọc Sơn đã ghi nhận một cá thể lợn chết do Lepto. Lợn của người dân xóm 10 kén cám, ham rau, thân nhiệt cao là dấu hiệu của bệnh Lepto. Thời gian điều trị bệnh này dài nhưng khả năng khỏi bệnh thấp. Chúng tôi không chờ kết quả xét nghiệm mà sẽ làm tờ trình xin cấp vacxin để tiêm phòng. Đề nghị UBND xã Ngọc Sơn cử cán bộ phụ trách cùng vào cuộc và hỗ trợ người dân vôi bột, tuyên truyền để người dân tích cực chống dịch”, ông Biên cho biết.

Trạm Chăn nuôi – Thú y huyện Thanh Chương lấy mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm

Theo thống kê, xóm 10 có tổng đàn lợn 158 con. Tuy nhiên, khi triển khai đăng ký mua vacxin có 22 hộ (nuôi 22 con lợn) không đồng ý tiêm phòng. “Họ nói, nếu tiêm phòng xảy ra chuyện gì thì xã, huyện phải cam kết chịu trách nhiệm. Nhưng quan điểm của chúng tôi là có dịch thì phải dập dịch, hộ nào không tiêm phòng thì căn cứ Luật Thú y để xử lý. Hộ nào tiêm phòng, nếu gia súc chết thì xã sẽ làm thủ tục để xin Nhà nước hỗ trợ theo quy định. Xã sẵn sàng trích kinh phí mua vacxin và vôi bột để cùng người dân dập dịch”, ông Thái Văn An cho biết thêm.

Nhiều nguy cơ bùng phát dịch

Ngọc Sơn nằm sát QL 46, giáp với các xã Xuân Tường, Võ Liệt, Thanh Ngọc. QL 46 đi qua xã Ngọc Sơn là địa bàn nối nhiều huyện phụ cận, đường trung chuyển động vật từ khắp nơi đổ về đi các địa phương khác tiêu thụ; sông Lam, sông Gang chảy theo chiều dọc của xã.

Xác lợn chết vứt dọc QL 46 đoạn giáp ranh giữa Ngọc Sơn và Thanh Ngọc

Nhiều đặc điểm cho thấy, đây là địa bàn có nhiều nguy cơ xảy ra và lây lan dịch bệnh. Và thực tế, trong vài năm trở lại đây, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ở đây diễn biến phức tạp. Theo ghi nhận, tại xóm 3, từ năm 2014 – 2016 từng xảy ra dịch tụ huyết trùng thể cấp tính khiến hàng chục con trâu bò bị chết. Tháng 11/2017, đàn vịt của người dân xóm 10 cũng chết như ngả rạ nhưng mẫu bệnh phẩm dương tính với virus H5N1.

Một nguy cơ nữa xuất phát từ sự thiếu ý thức và trách nhiệm của một số hộ chăn nuôi. Một ngày giữa tháng 12/2017, QL 46 đoạn qua núi Nguộc, điểm giáp ranh giữa xã Ngọc Sơn và xã Thanh Ngọc xuất hiện một con lợn chừng trên 100kg đã được mổ ruột, màu vàng nghệ bị vứt bỏ bên lề đường.

Người dân ở đây phỏng đoán, có thể con lợn trên bị bệnh Lepto, đã mổ thịt đem đi chợ bán nhưng không bán được nên đem về vứt cạnh đường. Thực tế, thời gian qua, đoạn đường này thường xuyên xuất hiện những bao tải chứa xác động vật chết bốc mùi hôi thối. Do nằm ở địa phận xã, UBND xã Ngọc Sơn đã nhiều lần phải cử lực lượng đem xác động vật đi chôn nhưng tình trạng trên vẫn không thuyên giảm.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Độc nhất mô hình nuôi lợn ăn tảo xoắn, nghe nhạc sô-panh

Đàn lợn trong trại ngoài được nghe nhạc cổ điển, ăn tảo xoắn còn được hưởng những chế độ đặc biệt ưu đãi khác như điều kiện chuồng trại, tắm rửa nghỉ ngơi, vỗ về săn sóc để sao cho chúng có cuộc sống thoải mái và hạnh phúc nhất có thể.

Những con lợn biết… cười

“Trong sinh hoạt, những gì tôi được hưởng thì đám lợn cũng xứng đáng được hưởng theo”. Đó chính là tâm sự của người đấu tranh cho quyền lợi của con lợn nhằm hướng cho chúng đến một cuộc sống thoải mái, hạnh phúc hơn…

Nuôi lợn để… diệt ốc bươu vàng

Mấy hôm rồi anh Nguyễn Hồng Sơn – Trưởng phòng Chăn nuôi thủy sản (Trung tâm Khuyến nông Hà Nội) thấy toàn thân đau nhức quá nên mới tìm đến một trung tâm vật lý trị liệu có tiếng ở Thủ đô để chữa chạy. Vừa bước qua cánh cửa thì một bản nhạc không lời của Chopin (Sô-panh) cất lên réo rắt làm cho anh chợt bật cười.

Trước vẻ mặt ngơ ngác của mấy cô nhân viên, anh liền vội giải thích kẻo họ hiểu nhầm: “Tôi thấy mình được đối xử giống hệt như lũ lợn ở trang trại của anh bạn các cô ạ! Chúng cũng được thường xuyên nghe nhạc cổ điển để chống stress và uống tảo biển hàng ngày để bảo vệ sức khỏe…”.

Anh Quang đang cho lợn ăn

Anh bạn có trang trại lợn đặc biệt ấy là Nguyễn Thanh Quang ở xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội. Vốn xuất thân từ dân cơ khí, hoàn toàn ngoại đạo về nông nghiệp nên anh chỉ bật ra ý tưởng nuôi lợn trong một dịp tình cờ trò chuyện với người bạn vong niên là GS Nguyễn Lân Dũng. Ông Dũng khi đó kể cho anh nghe nỗi trăn trở về chuyện con ốc bươu vàng một thời từng được lầm lỡ tuyên truyền, lầm lỡ đưa vào chăn nuôi để rồi sau đó gây đại họa cho những cánh đồng.

Chúng tàn phá đủ loại cây trồng đặc biệt là lúa nhưng rất khó diệt trừ. Ốc vàng tràn lan đến nỗi giờ ở nhiều vùng quê, người dân thay vì ví von “nhiều như lợn con” bằng ví von “nhiều như ốc bươu vàng”. “Chỉ còn mỗi cách là thử dùng ốc bươu vàng để chế biến thức ăn cho lợn thì may ra mới có thể ngăn cản được tốc độ lây lan của chúng”.

Ý tưởng nảy ra trong đầu anh Quang. Ngay lập tức 4 chuyên gia về chăn nuôi, chuồng trại, thức ăn gia súc được ông Dũng vời về giúp. Họ “quần nhau” đúng 1 ngày thì anh vác 700 triệu đồng đi lập trại nuôi thử nghiệm 100 con lợn với thức ăn là ốc bươu vàng.

Thường thì thức ăn của lợn phần thô gồm có ngô, cám gạo, phần tinh có bột cá, bột huyết nhưng nay anh Quang thay phần tinh ấy bằng đạm của động vật ngoại lai: ốc bươu vàng. Đang từ chỗ phải mất công đổ bỏ, ốc bươu vàng kìn kìn được chở về để bán cho trại của anh với giá 5.000 đồng/kg.

Ốc sau khi đập dập được đem vào lò bánh mì sấy rồi nghiền nhỏ ra thành bột để phối trộn với cám, ngô làm thức ăn cho lợn. Lứa đầu tiên thất bại gần như hoàn toàn. Lợn phát triển rất chậm đã đành mà lông còn xù lên như nhím, bì dầy cứng tựa áo giáp khiến cho cánh thợ ba toa phải kêu giời, kêu đất: “Lợn của bác da chẳng kém gì lợn rừng, chỉ cắm thêm hai cái lông nữa là xong, khó thịt quá”. Cũng còn một chút an ủi là thịt của chúng khá ngon và thơm.

Lại phải nghiên cứu để thay đổi công thức thức ăn bằng cách tăng tỷ lệ ruột ốc, loại bớt vỏ, bổ sung thêm giun quế để khắc phục tình trạng thừa can xi mà lại thiếu đạm. Như người dò đá bên dưới để vượt sông, anh Quang chia bầy lợn ra thành 5 đàn nhỏ với 5 khẩu phần ăn khác nhau rồi theo dõi sự sinh trưởng cũng như chất lượng thịt. Hễ đàn nào kém là loại bỏ.

Lợn nuôi kiểu này sau 6 tháng mới xuất chuồng được thay vì chỉ 4 tháng theo kiểu nuôi công nghiệp nhưng chất lượng thịt thơm ngon và an toàn hơn hẳn nên giá bán thịt hơi bao giờ cũng hơn khoảng 15.000 – 20.000 đồng/kg.

Những con lợn hạnh phúc

Tuy là dân cơ khí nhưng anh Quang lại rất mê âm nhạc cổ điển mà nhất là Chopin. Âm nhạc xoa dịu đi những ồn ào, vất vả, mưu toan của cuộc sống hiện đại. Người đã có tác dụng, lợn chắc cũng thế. Vậy là anh thử nghiệm cho chúng nghe nhạc cổ điển hàng ngày và quả thực cũng thấy chúng cũng ngoan hơn, bớt cục tính hơn.

Tình cờ một lần anh đi tham quan cơ sở sản xuất tảo xoắn – một sản phẩm đặc biệt với hàm lượng protein từ 56 – 77%, hàm lượng vitamin, khoáng chất cao và có tới khoảng 20 loại axit amin các loại. Bởi thế tảo xoắn là loại thực phẩm chức năng có công dụng chống lão hóa, tăng cường hệ miễn dịch rất tốt cho con người và có giá bán rất đắt. Hàng sản xuất trong nước 1 vỉ 10 viên cũng 150.000 đồng hay bán theo kg cũng là tiền triệu.

Tò mò quá nên anh Quang liền mua mấy vỉ để dùng thử. Chỉ trong vài tháng uống là anh có thể cảm nhận được cơ thể thay đổi rõ rệt, bệnh tật vặt vãnh liền bị thoái lui nên mới quyết định mua luôn để về bồi bổ cho… lợn.

Anh Quang giới thiệu về cách cho lợn ăn tảo xoắn

Cứ mỗi ngày người uống 2 viên thì lợn uống 1 viên. Lúc đầu thử nghiệm cho lợn ăn tảo biển trong suốt quá trình nuôi 6 tháng liền nhưng giá thành đội lên thành 10 triệu/con, khó bán nên sau đó mới rút ngắn xuống chỉ ăn trong khoảng 2 tháng đầu tiên.

Cho ăn bình thường lợn 6 tháng xuất chuồng, cho ăn tảo biển vẫn 6 tháng xuất chuồng một lần, chất lượng thịt cũng ít có sự thay đổi đáng kể tuy nhiên khả năng đề kháng của chúng lại gia tăng đáng kể. Lợn con vừa rời vú mẹ thường hay ốm yếu nhưng kể từ khi được uống tảo biển thì không phải sử dụng đến thuốc kháng sinh nữa.

Nói về chuyện kháng sinh, có lần một công nhân trong trại có đàn lợn đã thau tháu 50 – 60 kg/con nhưng vì điều kiện không thể nuôi thêm được mới nằn nì anh Quang mua giúp. Nuôi thêm 3 tháng nữa theo mô hình thức ăn sạch, không dùng thuốc kháng sinh nhưng đến khi xuất chuồng xét nghiệm thịt vẫn dính dư lượng, làm cho anh cạch đến tận giờ, chỉ dám nhập lợn giống 7 – 8kg về nuôi đến khi xuất bán.

Đàn lợn trong trại ngoài được nghe nhạc cổ điển, ăn tảo xoắn còn được hưởng những chế độ đặc biệt ưu đãi khác như điều kiện chuồng trại, tắm rửa nghỉ ngơi, vỗ về săn sóc để sao cho chúng có cuộc sống thoải mái và hạnh phúc nhất có thể.

Nếu nuôi lợn kiểu công nghiệp 1,3 con/m2 thì ở trại 2 m2/con để có không gian cho chúng vận động, chạy nhảy được thoải mái. Vận động chán chê, mồ hôi mồ kê đầm đìa rồi chúng sẽ được tắm ngày 2 – 3 lần đối với mùa hè, mùa thu, mùa xuân còn riêng mùa đông thì ít hơn vì lạnh.

Năng vận động nên những con lợn có thân hình rất đẹp

Lợn là loài tham ăn nhưng khá nóng tính nhất là khi thấy đối thủ lạ trong chuồng sẽ chiến đấu đến khi phân thắng bại mới thôi. Bởi thế mà khi ghép chuồng với lợn lạ anh Quang thường chọn thời điểm buổi tối, vừa thả vào cái là đổ thức ăn xuống máng ngay để chúng sao lãng đối thủ. Con nào còn có ý vừa ăn vừa hăm he dọa nạt sẽ được quẳng cho một chiếc bao tải – thứ đồ chơi mà lũ lợn rất ưa thích được hũi hũi mõm vào, được lăn lê bò toài cọ xát.

Dù thường xuyên nghịch ngợm nhảy qua chuồng để dạo chơi bên ngoài nhưng chúng cũng không bị đánh mắng mà còn được chủ xoa đầu, vuốt cổ để làm dịu đi sự căng thẳng.

Ăn thức ăn chất lượng, tắm táp suốt ngày nên vào giữa chuồng lợn mà nhiều khi còn ngỡ ngàng vì quá sạch sẽ, quá ít mùi hôi. Hiện ngoài trại của mình anh Quang còn liên kết với trại của anh Đàm Ngọc Doanh gần đó chăn nuôi tổng cộng 700 con lợn để cung cấp hàng cho hệ thống các chuỗi cửa hàng, siêu thị lớn tại Hà Nội…

Ở nơi những con lợn được nuôi theo hướng hạnh phúc, sống sướng như con người ấy anh Quang bảo rằng nhiều lúc chẳng muốn về nội thành nữa bởi: “Không khí trong lành, đồ ăn sạch sẽ, làm việc với nông dân thật thà chất phác nên đầu óc rất thoải mái, tối về ngủ ngon hệt như… lợn vậy”.

Nguồn: Nongnghiep.vn được tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Đặc điểm heo rừng lai

1. Giống và đặc điểm giống heo rừng lai

Heo rừng lai là con lai giữa heo rừng đực với heo nái là heo địa phương thả rông của người dân tộc thường nuôi (giống heo gần như hoang dã) tạo ra con lai với ưu thế lai cao của cả bố và mẹ: Có sức đề kháng mạnh, khả năng chịu đựng kham khổ với môi trường sống tự nhiên cao, ít dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt rất thấp. . .

Heo rừng lai

Vóc dáng: Heo rừng lai cân đối, nhanh nhẹn, di chuyển linh hoạt, hơi gầy, dài đòn, lưng thẳng, bụng thon, chân dài và nhỏ, cổ dài, đầu nhỏ, mõm dài và nhọn, tai nhỏ vểnh và thính, răng nanh phát triển mạnh, da lông màu hung đen hay xám đen, một gốc chân lông có 3 ngọn, lông dọc theo sống lưng và cổ dày, dài và cứng hơn, ánh mắt lấm lét trông hoang dã.

Trọng lượng lúc trưởng thành (con đực thường lớn hơn con cái), con đực nặng 50 – 70kg, con cái nặng 30- 40kg.

Tập tính sinh hoạt và môi trường sống: Heo rừng lai hơi nhút nhát, thính giác, khứu giác tốt, sinh hoạt bầy đàn và chọn lọc tự nhiên thể hiện tính hoang dã. Thích sống theo bầy đàn nhỏ vài ba con, heo đực thường thích sống một mình (trừ khi heo cái động dục). Môi trường sống thích hợp là vườn cây, trảng cỏ gần ao hồ. Thích hoạt động về ban đêm, ban ngày tìm nơi yên tĩnh, kín đáo để ngủ, nghỉ.

Giá trị và thị trường: Thịt heo rừng lai màu hơi nhạt, không đỏ như thịt heo nhà, nhưng nhiều nạc, ít mỡ, da mỏng và dồn, thịt dòn thơm ngon rất đặc trưng, hàm lượng Cholerteron thấp, người tiêu dùng rất ưa chuộng nên bán được giá cao.

2. Chọn giống và phối giống heo

– Chọn giống:

Chọn những con đầu thanh, ngực sâu, mình nở, hoạt bát, lưng thẳng, bụng to vừa phải, hông rộng, lông mịn, bốn chân chắc khẻ, bộ phân sinh dục phát triển và hoặc động tốt. Nêu co điều kiện nên chọn lọc qua đời trước(dòng, giống bố mẹ, ông bà), qua bản thân(ngoại hình, khả năng thích nghi, khả năng sản xuất) và qua đời sau.

Chọn giống những con có khả năng sinh sản tốt

– Ghép đôi giao phối:

Tốt nhất nên cho heo rừng lai nái phối giống với heo rừng đực hoặc cho heo rừng lai nái phối giống với heo rừng lai đực để tạo ra con lai thương phẩm nuôi thịt.

3. Phối giống và thời điểm phối giống thích hợp

Bỏ qua 1-2 lần động dục đầu tiên vì cơ thể chưa hoàn thiện, trứng rụng ít, phối giống và đậu thai hiệu quả thấp.

Chu kỳ lên động dục của heo là 21 ngày, thời gian động dục kéo dài 3-5 ngày. Thời điểm phối giống thích hợp vào cuối ngày thứ 2 hoặc đầu ngày thứ 3 (tùy theo giống tuổi) cho nên cần theo dõi biểu hiện của heo lên giống. Khi âm hộ chuyển từ màu hồng tươi sang màu hồng tái, có nếp nhăn và dịch nhờn tiết ra nhiều, tai chĩa về phía trước, có phản xạ đứng im là thời điểm phối giống thích hợp nhất.

Khi heo nái có dấu hiệu động dục ta cho heo đực vào vườn nuôi heo nái hay cho heo nái vào vườn nuôi heo đực. Heo đực sẽ phối giống liên tục, bất kể ngày đêm đến khi nào heo nái không chịu nữa mới thôi. Có thể cho phối kép 2 lần vào buổi sáng sớm và chiều mát (hoặc ngược lại). Sau 21 ngày, heo nái không động dục trở lại,có thể heo nái đã có bầu.

Theo nhanong.com.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Nuôi lợn rừng trên vùng đất cát ven biển

Sau khi xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp, ông Trương Tiến Lương đã mạnh dạn đưa giống lợn rừng về nuôi ngay tại vùng rừng đước ven biển xã Thạch Hải (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh). Ý tưởng mới cùng với sự táo bạo đã mở ra hướng chăn nuôi hiệu quả, thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Ông Trương Tiến Lương sinh ra thôn Liên Hải (xã Thạch Hải), vùng đất miền biển chịu nhiều hệ lụy từ dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Phần lớn diện tích đất đai địa phương đều nằm trong quy hoạch của mỏ sắt, hoang hóa nhiều năm liền, đất đai chủ yếu các loại cây hoang dại phủ kín, đời sống người dân xã Thạch Hải gặp muôn vàn khó khăn. Bởi vậy, bản thân ông luôn đau đáu khát vọng làm giàu ngay trên chính miền quê khắc nghiệt này.

Ông Trương Tiến Lương với mô hình nuôi heo rừng ven biển

Nhận thấy vùng Bàu Soi nằm cạnh mỏ sắt Thạch Khê có tiềm năng nhưng bị bỏ hoang hóa lâu năm, ông làm đơn xin UBND xã Thạch Hải cho mượn gần 4ha để phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Được chính quyền địa phương đồng ý, tháng 9/2016, HTX Liên Hợp được thành lập với 10 thành viên tham gia do ông Lương làm giám đốc.

“Lúc mới vào đây đường sá không có, toàn bộ khu vực này đều được bao phủ bởi những vườn tràm và các loại cây hoang dại. Anh em xắn tay áo dọn dẹp cả tháng trời mới giải tỏa được mặt bằng. Bước đầu, HTX trồng thử các loại cây ăn quả trên cát như cam, bưởi, ổi… Sau thời gian thấy cây phát triển tốt các thành viên tiếp tục mở rộng sang chăn nuôi dê, gà, bò… với số lượng hàng trăm con nhằm tái đầu tư cho cây ăn quả. Việc chăn nuôi tại HTX Liên Hợp chủ yếu dùng các sản phẩm phụ nông nghiệp như cám gạo, vỏ lạc, bột đậu, ngô… nên được người dân tin dùng”, ông Lương cho biết.

Với ý tưởng tạo ra bước đột phá ở vùng quê miền biển, ông Lương bàn với các thành viên của HTX đưa giống lợn rừng về nuôi. Cuối năm 2016, ông ra Hải Dương mua 20 con lợn giống và lợn thịt về thả nuôi tại khu rừng tràm bỏ hoang lâu nay.

“Lúc mới đưa về lợn bỏ ăn vì không hợp khẩu vị. Ở ngoài Bắc họ chủ yếu cho ăn loại cám mạch nhưng đưa loại cám này về đây giá thành đội lên rất cao. Các thành viên HTX phải thay nhau ra biển mua cá vụn về chế biến để cho lợn ăn nhằm kích thích khẩu vị. Sau một thời gian, đàn lợn rừng đã thích ứng được, sinh trưởng tốt và tăng đàn nhanh. Ưu điểm của giống lợn này là hầu như không mắc bệnh tật, ăn rất tạp nên dễ nuôi và cho chúng chạy cát nên thịt càng săn, ít mỡ và ngon. Đến nay, đàn lợn rừng đã tăng lên hơn 100 con, trị giá hơn 1 tỷ đồng”, ông Lương phấn khởi.

Để nuôi một con lợn rừng từ khi mới đẻ đến khi xuất chuồng (50 – 60kg) mất khoảng 1 năm, chủ yếu ăn bằng thức ăn tự nhiên như bã đậu, vỏ lạc, cám ngô… Bình quân mỗi con lợn 1 ngày ăn hết khoảng 5.000 đồng, rất ít so với nuôi lợn thịt công nghiệp và lợn thịt truyền thống. Tính đến cuối năm, nếu công việc thuận lợi, đàn lợn rừng của HTX Liên Hợp sẽ có tổng trọng lượng khoảng 6 tấn, dự kiến xuất khoảng 3 tấn lợn thịt ra thị trường với giá 160 triệu đồng/tấn. Trừ các chi phí có thể đem lại lợi nhuận gần 300 triệu đồng.

Cũng theo ông Lương, việc đưa giống lợn rừng về vùng cát là một cách làm mới và khá mạo hiểm. Ngoài mục đích phát triển kinh tế, việc chăn nuôi này còn mục đích bảo vệ nguồn gen động vật hoang dã ngày càng cạn kiệt, cung cấp nguồn thực phẩm sạch, tránh sự săn bắt động vật hoang dã trên rừng.

Theo nhanong.com.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.