Nhân giống và chọn giống cây hoa huệ

Hoa huệ là một loài hoa được ưa chuộng bởi vẻ đẹp và hương thơm nhẹ nhàng. Chúng được trồng để bán nhiều vào dịp tết và đem lại giá trị kinh tế cao.

1. Nhân giống

Nhân giống là một biện pháp kỹ thuật quan trọng nhằm tạo ra các giống tốt, đồng đều về chất lượng và tạo ra được số lượng lớn cây giống để phục vụ công tác sản xuất.

Trong sản xuất hoa, nhân giống có vai trò quyết định đến năng suất, chất lượng hoa và hiệu quả kinh tế.

Mỗi loài hoa có những biện pháp nhân giống khác nhau, phù hợp với đặc điểm thực vật học của cây. Đối với cây hoa huệ có 2 hình thức nhân giống phổ biến: nhân giống bằng củ và nhân giống bằng kỹ thuật nuôi cấy mô.

1.1. Nhân giống bằng củ

Nhân giống bằng củ là biện pháp nhân giống vô tính, được sử dụng phổ biến để tạo giống hoa huệ. Biện pháp nhân giống này có những ưu và nhược điểm như sau:

– Ưu điểm:

+ Đơn giản, dễ thực hiện, người nông dân có thể tự sản xuất giống tại nhà.
+ Cây nhanh ra hoa, chất lượng hoa tốt.
+ Giữ được các đặc điểm tốt của cây mẹ.

– Nhược điểm:

+ Cây không đồng đều, nên gây khó khăn trong quá trình chăm sóc.
+ Hệ số nhân giống thấp, không dùng để sản xuất giống theo hướng công nghiệp được.
+ Củ giống là nơi chứa nhiều nguồn bệnh, đặc biệt là nấm bệnh. Do đó, nhân giống bằng củ dễ bị lan truyền bệnh, ảnh hưởng đến chất lượng củ giống và cây giống.

Củ giống hoa huệ

1.2. Nhân giống bằng kỹ thuật nuôi cấy mô

Đây là biện pháp nhân giống bằng cách nuôi mô, tế bào trong môi trường dinh dưỡng nhân tạo, trong điều kiện vô trùng và tái sinh chúng thành cây con. Biện pháp nuôi cấy mô có những ưu nhược điểm như sau:

– Ưu điểm:

+ Tạo được nguồn cây giống sạch bệnh, có tiềm năng sinh trưởng phát triển và năng suất cao.
+ Cây con đồng nhất về mặt di truyền, bảo tồn được các tính trạng đã chọn lọc.
+ Hệ số nhân giống cao.

– Nhược điểm:

+ Đòi hỏi trang thiết bị đắt tiền và kỹ thuật cao.
+ Giá thành cây giống cao, khó áp dụng
+ Cây giống dễ bị nhiễm bệnh đồng loạt.

Nhân giống nuôi cấy mô trên cây hoa huệ được thực hiện qua các bước:

– Khử trùng mẫu cấy.
– Giai đoạn nuôi cấy khởi động
– Giai đoạn nhân nhanh
– Tạo cây hoàn chỉnh
– Chuyển cây ra ruộng ươm

Các điều kiện cần thiết để thực hiện biện pháp nhân giống nuôi cấy mô trên cây hoa huệ:

– Môi trường nuôi cấy là môi trường MS có bổ sung chất điều hòa sinh trưởng và than hoạt tính.

Bảng 1. Thành phần môi trường dinh dưỡng MS (Murashige-Skoog,1962)
Hóa chất

Hóa chất Nồng độ (g/l dung dịch)
Dung dịch nitrate
NH4NO3 165,0
KNO3 190,0
Dung dịch sulfate
MgSO4.7H2O 37,0
MnSO4.H2O 1,69
ZnSO4.7H2O 0,86
CuSO4.5H2O 0,0025
Dung dịch Halogen
MgSO4.7H2O 37,0
MnSO4.H2O 1,69
ZnSO4.7H2O 0,86
CuSO4.5H2O 0,0025
Dung dịch Halogen
CaCl2.2H2O 44,0
KI 0,083
CoCl2.6H2O 0,0025
Dung dịch PBMo
KH2PO4 17,0
H3BO3 0,620
Na2MoO4.2H2O 0,025
Dung dịch NaFeEDTA
FeSO4.7H2O 2,784
Na2EDTA 3,724

– Nồi hấp khử trùng.

– Các dụng cụ được sử dụng trong nuôi cấy: dao, kép, panh.

– Tủ cấy vô trùng.

– Nhiệt độ phòng nuôi 250C.

– Độ ẩm 70%.

Nhân giống nuôi cấy mô, tế bào trên cây hoa huệ được thực hiện theo các bước:

– Khử trùng mẫu cấy

– Giai đoạn nhân nhanh

– Tạo cây hoàn chỉnh

– Chuyển cây ra ruộng ươm

a. Khử trùng mẫu cấy

Khử trùng mẫu cấy là biện pháp làm sạch mẫu, đưa mẫu vào môi trường vô trùng. Đây là giai đoạn quan trọng quan trọng, quyết định quá trình nuôi cấy mô thành công hay thất bại. Quá trình khử trùng mẫu cần đảm bảo tỉ lệ mẫu nhiễm thấp, tỉ lệ mẫu sống cao và mô nuôi cấy sinh trưởng tốt.

Đối với cây hoa huệ, mẫu sử dụng là các mắt ngủ được lấy từ củ. Biện pháp khử trùng được tiến hành như sau:

– Chọn mắt ngủ được lấy từ củ huệ làm mẫu cấy.

– Rửa củ bằng nước sạch để loại bỏ đất cát bám vào củ.

– Ngâm củ trong nước xà bông 30 phút.

– Sau đó rửa lại dưới vòi nước chảy trong 5 phút.

– Cắt củ thành lát mỏng.

– Rửa lại củ bằng nước cất và đem vào buồng cấy khử trùng.

– Khử trùng mẫu cấy trong buồng cấy bằng nước cất vô trùng 3 lần rồi rửa lại bằng cồn 70% trong 15 – 20 giây.

– Tráng lại bằng nước cất vô trùng 1 lần nữa.

– Cho mẫu vào dung dịch HgCl2 0,1% trong 15 phút kết hợp với Ca(OCl)2 15% trong 20 phút.

– Rửa mẫu bằng nước cất rồi cấy mẫu vào môi trường MS có bổ sung

30 g/l saccaroza + 6,5 g/l agar+ 4mg/l BA + ,25mg/l α-NAA30 g/l.

b. Giai đoạn nhân nhanh

Nhân nhanh là giai đoạn tạo được số lượng lớn chồi, từ đó đạt số lượng cây giống lớn trong thời gian ngắn. Giai đoạn này cần đảm bảo chồi tạo ra phải đồng nhất, khả năng sinh trưởng tốt.

Chồi hoa huệ trong môi trường nuôi cấy

Giai đoạn nhân nhanh được thực hiện như sau:

– Chọn những chồi bất định có chiều cao khoảng 2 – 3 cm.

– Cấy chồi vào môi trường nhân nhanh.

– Môi trường nhân nhanh là môi trường MS có bổ sung 30 g/l saccaroza + 6,5 g/l agar+ 2mg/l BA + 0,25mg/l α-NAA + 15 ml/l nước dừa.

c. Tạo cây con hoàn chỉnh

Mục đích của giai đoạn này là tạo bộ rễ khỏe, hoàn chỉnh cho cây. Tạo cây con hoàn chỉnh bao gồm các bước:

– Chọn những chồi sau giai đoạn nhân nhanh có chất lượng tốt nhất, có chiều cao từ 4 – 5 cm.

– Cấy chồi vào môi trường ra rễ để tạo cây hoàn chỉnh

– Môi trường ra rễ là môi trường MS + 30 g/l saccaroza + 6,5 g/l agar+ 1mg/l α-NAA.

Cây con hoàn chỉnh trong môi trường nuôi cấy

d. Chuyển cây ra ruộng ươm

Chuyển cây con ra ruộng ươm là giai đoạn chuyển cây con từ trạng thái sống dị dưỡng sang sống tự dưỡng. Để cây con đạt tỉ lệ sống cao trong ruộng ươm cần đảm bảo các điều kiện ngoại cảnh (nhiệt độ, ẩm độ, ánh sáng, giá thể) phù hợp.

Biện pháp chuyển cây ra ruộng ươm:

– Trước khi đem cây ra khỏi môi trường nuôi cấy cần huấn luyện cây con bằng cách đem bình cấy có cây hoàn chỉnh để môi trường bên ngoài từ 7 – 10 ngày.

– Sau thời gian huấn luyện, tiến hành đưa cây ra khỏi bình cấy. Thao tác lấy cây ra khỏi bình cần thực hiện nhẹ nhàng, tránh làm cây bị hư, dập.

– Rửa sạch agar.

– Nhúng cây con vào dung dịch kích thích ra rễ (NAA và IBA).

– Trồng cây con vào giá thể bao gồm đất, xơ dừa, trấu với tỉ lệ 1:1:1.

– Đặt các khay cây giống ở nơi mát, có cường độ chiếu sáng thấp, nhiệt độ mát, ẩm độ cao.

2. Chọn củ giống, cây giống

2.1. Chọn củ giống

a. Chọn củ giống: Trước khi trồng cần chọn những củ đạt tiêu chuẩn để ruộng hoa cho năng suất cao, chất lượng tốt và tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình chăm sóc.

Tiêu chuẩn của củ giống đem trồng bao gồm:

– Củ đồng đều về kích thước.

– Không bị sâu, bệnh.

– Còn nguyên vẹn, không dập nát.

b. Phân loại củ: Phân loại củ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc chăm sóc sau trồng và thu hoạch hoa. Dựa vào kích cỡ củ, phân loại củ thành các nhóm sau:

– Củ lớn có đường kính từ 3 – 4 cm.

– Củ trung bình có đường kính từ 2 – 3 cm.

– Củ nhỏ có đường kính 1 – 2 cm

– Củ nhỏ hơn 1 cm.

Tùy vào kích thước củ mà chọn thời điểm xuống giống thích hợp để kịp cho hoa vào các dịp lễ lớn trong năm nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất trong sản xuất.

Củ giống đạt tiêu chuẩn đem trồng

c. Xử lý củ giống: Xử lý củ giống trước khi trồng nhằm mục đích:

– Tiêu diệt mầm bệnh tồn tại trong củ giống.

– Ngăn cản vi sinh vật gây hại xâm nhập vào củ giống qua các vết thương cơ giới.

– Tăng khả năng sống của cây.

Củ giống bị nấm bệnh

Phương pháp xử lý củ giống:

– Thuốc dùng để xử lý củ giống là các loại thuốc trừ nấm như: Anvil, Topsin, Ridomil, Rovral, Alliette…

Các loại thuốc dùng xử lý củ giống: Rovral và Ridomil

– Pha thuốc theo nồng độ hướng dẫn trên bao bì.

– Ngâm củ giống ngập trong dung dịch xử lý từ 10 – 15 phút.

– Vớt củ giống vào rổ.

– Hong khô củ giống rồi mới đem trồng.

2.2. Chọn cây giống

Đối với cây nuôi cấy mô, do môi trường nuôi cấy mô và môi trường bên ngoài khác biệt nhau hoàn toàn nên tỉ lệ cây chết cao. Do đó, để tăng tỉ lệ sống của cây cần chọn những cây từ phòng thí nghiệm có những tiêu chuẩn sau:

– Cây con trong bình nuôi cấy đã qua huấn luyện.

– Cây không bị nhiễm nấm, vi khuẩn.

– Cây khỏe, lá xanh.

– Cây phải đạt chiều cao từ 3 – 4 cm.

– Cây giống đang sinh trưởng tốt trong bình, không mang mầm bệnh.

– Tuổi cây giống từ 25 – 3 ngày (tính từ lúc cấy vào môi trường ra rễ).

– Số rễ: 3 – 4 rễ, dài từ 2 – 4 cm.

Sau khi chọn được cây giống từ phòng thí nghiệm, trồng cây con con vào giá thể bao gồm đất, xơ dừa, trấu với tỉ lệ 1:1:1. Đặt cây con vào ruộng ươm có lưới che phủ. Ruộng ươm đảm bảo phải có cường độ chiếu sáng thấp, nhiệt độ mát và ẩm độ cao.

Từ ruộng ươm chọn những cây đạt tiêu chuẩn đem trồng. Tiêu chuẩn cây con đem trồng sản xuất bao gồm:

– Cây khỏe mạnh, không dập nát.

– Ngọn phát triển tốt.

– Rễ không bị tổn thương.

– Cây không bị nhiễm sâu bệnh.

Cây huệ đạt tiêu chuẩn đem trồng

Nguồn: Giáo trình nghề trồng hoa huệ, lay ơn, đồng tiền – Bộ NN&PT NT được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Bệnh “ chai” bông huệ trắng

Các hộ dân trồng hoa huệ trắng trên ruộng có thể bị một số sâu bệnh như: Rệp sáp, nhện đỏ, bệnh héo vi khuẩn và Fusarium. Trong đó, quan trọng nhất là bệnh “chai ” bông do tuyến trùng. Riêng bệnh chai bông do tuyến trùng thì rất khó chữa trị.

Huệ là loại cây dễ trồng, từ 2,5 đến 3 tháng bắt đầu cho thu hoạch, 2 tháng tiếp theo cây ra hoa ổn định và thời gian thu hoạch kéo dài từ 1 năm trở lên. Trong khoảng thời gian cây cho bông, thường xuyên theo dõi tình hình sâu bệnh, nếu phát hiện cây có triệu chứng bị sâu bệnh thì phải phun thuốc bảo vệ thực vật kịp thời, để cây hoa huệ cho bông to và đẹp, nhằm đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Sau một năm cây cho hoa, thì xới đất, phơi, khử trùng… khoảng một tháng sau nông dân xuống giống lại.

Ở vài địa phương cây huệ được trồng thâm canh và cho bông quanh năm.Theo tính toán của nhiều hộ nông dân thì trồng 1 công huệ có thu hoạch bằng 5 đến 6 công lúa.

Tuy nhiên cây huệ đang bị một loại dịch hại gây thiệt hại nặng đến phẩm chất và có thể gây thất thu đến 100% .Nông dân thường gọi là bệnh “chai”bông huệ.

Hình A:bông huệ khỏe cao >1 mét và mang 20 bông nhỏ, trắng
Hình B,C:bông nhiễm TT, lùn thấp cằn cổi, bông nhỏ trổ không thoát .màu vàng nâu
Hình D:lá biến dạng, có những vệt sần sùi

Theo TS.Nguyễn thị Thu Cúc-Trường Đại Học Nông nghiệp Cần Thơ-đã phân lập và xác định nguyên nhân gây bệnh là do tuyến trùng Aphelenchoides besseyi

Đây là loại động vật thuộc lớp Giun tròn, có kích thước rất nhỏ không thể thấy được bằng mắt thường, chỉ thấy được dưới kính hiển vi. Loại tuyến trùng nầy thuộc loại ngoại ký sinh, sống trong đất ẩm và bám vào mặt ngoài các bộ phận thân, lá, bông cây huệ để chích hút (không sống bên trong mô tế bào và không thấy hại rễ). Tuyến trùng có thể sống tiềm sinh trên bề mặt vỏ hạt lúa đến 20 tháng. Các giống lúa có mức độ chống chịu với tuyến trùng khác nhau. Giống mẫn cảm có biểu hiện “khô đầu lá” lúa

Phòng trừ:

+ Làm đất kĩ trước khi trồng: cày bừa , bón thêm vôi và phơi khô đất trước khi trồng hoặc ngâm ải đất
+Tuyến trùng có thể sống tiềm sinh trên vỏ trấu, rơm rạ hoặc thân, cành,hoa và củ giống cây huệ vụ trước. Nên nhổ bỏ cây bị bệnh và tàn dư ra khỏi ruộng hoặc đốt đồng để diệt mầm bệnh và tuyến trùng trong tàn dư cây trồng
+Phun định kỳ trên bông thuốc CAZINON 50 ND
+Rải xuống mặt đất vườn ươm hoặc quanh gốc cây thuốc trừ Tuyến trùng như CAZINON 10H hoặc các loại thuốc chuyên trị tuyến trùng khác.
+Chọn củ huệ làm giống từ những ruông không bị bệnh “chai”
+Khử trùng củ giống: Nên phơi khô củ một thời gian để giảm mật số tuyến trùng. Bóc tách bớt các lớp vỏ khô bên ngoài củ giống Ngâm củ trong dung dịch có pha thuốc trừ tuyến trùng hoặc ngâm vào nước nóng trước khi trồng (50 độ C trong 30 phút)

CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ TUYẾN TRÙNG TỔNG HỢP:

Luân canh: Luân canh trong vòng 1-2 năm với một số cây không phải là kí chủ hoặc cây trồng có tính kháng Tuyến trùng: Hành tây, Cà rốt, ớt, Bông cải, Tỏi, Hành, Củ cải, và Cà chua giống kháng, … nhằm làm giảm mật số Tuyến trùng . Trồng những cây như: Mè, Bắp, … để làm giảm mật số tuyến trùng

Xen canh : chọn cây kháng tuyến trùng: Cây họ Cúc có khả năng ức chế được sự phát triển của tuyến trùng. Rễ cây Cúc vạn thọ (Tagetes erecta) tiết ra các chất ức chế được sự phát triển của Tuyến trùng.

Vệ sinh đồng ruộng: Gom tàn dư thực vật của cây trồng đã bị nhiễm và hủy đi. Sự phát triển của Tuyến trùng sẽ bị chậm lại và mật độ cũng giảm

Dược chất trích từ thực vật: Dịch chiết từ cây Lục bình (Eichornia crassipes) và Hành tây (Allium cepa) cho kết quả tốt nhất đối với tuyến trùng . Họat tính có tính trừ Tuyến trùng được xác định là Acid carboxylic trong Lục bình và Ketone trong dịch chiết của Hành tây.

Hiệu quả trừ Tuyến trùng bằng lá băm nhỏ của cây Bông giấy (Bougainvillea spectabilis), Húng cây (Oscimum sanctum) Hành tây (Alliumcepa) và cây Bọ chét (Leucaena leucaephala) ở mức độ 5 gam/kg đất đối với tuyến trùng hại trên cây Cà chua và tuyến trùng trên cây Đậu (Vigna radiata) đã được khảo sát ở trong chậu, làm gia tăng sinh trưởng của cây và ức chế sự tăng dân số của quần thể Tuyến trùng

Có thể giả cây Cỏ mực (Eclipta prostrata), trích lấy nước tưới vào đất làm giảm được Tuyến trùng

Phân hữu cơ:

Việc áp dụng phân hữu cơ bón cho đất là một tập quán tốt, làm tăng độ phì nhiêu của đất, làm thay đổi hóa tính đất, cung cấp vi lượng,… phân hữu cơ còn làm giảm mật số Tuyến trùng trong đất và làm tăng năng suất.

Dưới tác dụng của vi sinh vật, chất hữu cơ dần dần phân hủy, quá trình này tạo ra các acid hữu cơ như: acid fulvic, humic, acetic, n-butyric, formic, lactic, propionic có khả năng giết và ngăn chặn sự sinh sản của Tuyến trùng . NH3 tạo ra trong quá trình phân hủy phân cá làm mật số tuyến trùng bướu rễ Meloidogyne giảm xuống .

Một số loại nấm như Trichoderma sp.cũng góp phần hạn chế tuyến trùng

Áp dụng các biện pháp tổng hợp để phòng trừ Tuyến trùng luôn cho hiệu quả cao hơn so với chỉ dùng một biện pháp riêng rẽ.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Bệnh hại cây hoa huệ

Bông huệ trắng (Polianthes tuberosa Linn.) là cây trồng có giá trị kinh tế cao . Nhiều nông dân đã cải tạo đất vườn, chuyển đất lúa kém hiệu quả sang trồng hoa huệ và có nhiều hộ gia đình đã thoát được đói nghèo. Khi trồng, huệ thường gặp một số bệnh sau:

I. Sâu hại

Sâu hại cây hoa huệ không nhiều. Các loại sâu ăn lá và chích hút như cào cào, bọ cánh cam, bọ trĩ, rệp… gây hại rải rác, loài tác hại phổ biến nhất là Nhện đỏ.

Nhện đỏ
Tên khoa học: Tetranychus sp.
Lớp Nhện: Arachnida
Bộ Nhện nhỏ: Acarina

– Đặc điểm sinh học và tác hại: Nhện trưởng thành đẻ trứng vào lớp tơ mỏng mặt dưới lá. Một con cái có thể đẻ 200 trứng. Nhện non và trưởng thành sống tập trung mặt dưới lá, chích hút nhựa tạo thành các vệt màu nâu vàng nhạt dọc 2 bên gân lá. Mật độ nhện cao làm lá vàng khô, cây sinh trưởng kém. Nhện còn làm nụ héo, hoa nhỏ.Vòng đời trung bình 20 – 25 ngày. Nhện đỏ phát triển nhiều khi thời tiết nóng và khô. Ngoài hoa huệ, nhện còn hại nhiều loại cây như bông, chè, cam quít, đậu, dưa…

– Biện pháp phòng trừ: Bón phân, tưới nước đầy đủ cho cây, khi nhện gây hại,không để ruộng khô, phun thuốc đặc trị như Danitol, Nissorun, Ortus, Sirbon.

II. Bệnh hại

Bệnh hại trên lá cây hoa Huệ thường không đáng kể, cá biệt có bệnh cháy lá do nấm… Các bệnh phổ biến nhất là bệnh thối bẹ, thối gốc và héo xanh.

1.Bệnh thối bẹ

– Tác nhân: Nấm Rhizoctonia solani

– Nhóm Nấm Bất thụ: Mycelia sterilia

– Triệu chứng, tác hại: trên bẹ lá xuất hiện những đốm tròn hoặc bầu dục màu xanh tái, hơi ướt. Vết bệnh lớn dần, hình dạng thay đổi, màu nâu xám, xung quanh nâu đậm. Lá bị bệnh biến vàng và héo rũ, cây nhỏ, bông nhỏ, ít hoa. Bệnh ít khi làm chết cây, chỉ giảm chất lượng chùm hoa.

– Điều kiện phát sinh bệnh: Nấm phát triển dưới dạng sợi và hạch. Sợi nấm trắng hoặc vàng nhạt, thô, các nhánh vuông góc với nhau. Hạch do sợi nấm liên kết lại, màu vàng nhạt hoặc nâu, hình bầu dục dẹt, kích thước thay đổi từ 0,5 – 2,0 mm.Sợi nấm và hạch tồn tại trên cây bệnh và trong đất 1 – 2 năm. Bệnh phát triển nhiều khi khí hậu nóng, mưa nhiều, ẩm thấp, trồng mật độ dày, bón nhiều phân đạm.

– Biện pháp phòng trừ: Làm đất kỹ, đất chua cần bón vôi, trồng cây mật độ vừa phải, không bón nhiều phân đạm, loại bỏ lá già và lá bệnh, phun thuốc Anvil, Monceren, Validacin.

2.Bệnh thối gốc (Bệnh héo vàng):Tác nhân Nấm Fusarium sp- Lớp Nấm Bất toàn : Deuteromycetes

– Triệu chứng, tác hại: Nấm xâm nhập vào gốc cây tạo thành những vết màu nâu. Nấm chủ yếu ăn sâu vào trong thân, phát triển phá hủy mạch dẫn, hạn chế vận chuyển nước,chất dinh dưỡng làm cây sinh trưởng kém,lá vàng, cuối cùng cây chết.Trong đất,nấm cũng phá hại bộ rễ làm cây suy yếu nhanh. Một số cây bị nhẹ có thể hồi phục nhưng ảnh hưởng chất lượng hoa.

– Điều kiện phát sinh bệnh: Nấm hình thành 2 loại phân sinh bào tử. Phân sinh bào tử lớn không màu, dài và cong hình lưỡi liềm nhiều vách ngăn. Phân sinh bào tử nhỏ hình trứng, không màu, không hoặc có một vách ngăn. Bào tử tồn tại trong đất tới 1 – 2 năm. Ruộng đất cát, chua, thiếu đạm và lân thường bị bệnh nhiều.

– Biện pháp phòng trừ: Ruộng bị bệnh cần luân canh lúa nước, làm đất kỹ, đất chua cần bón vôi, bón đủ phân đạm và lân, dùng thuốc gốc Đồng hoặc pha hỗn hợp thuốc Đồng với Benomyl tưới xuống gốc hạn chế một phần sự phát triển của nấm.

3. Bệnh héo xanh: Tác nhân : Vi khuẩn Pseudomonas sp.

 Triệu chứng, tác hại: Cây đang sinh trưởng thì đột ngột héo rũ lá vẫn còn xanh. Hiện tượng héo xảy ra khi trời nắng, ban đêm cây xanh lại, sau 2 – 3 ngày cây không hồi phục và chết. Cắt ngang gốc thân cây bệnh thấy mạch dẫn bị nâu, ấn mạnh gần mặt cắt sẽ tiết dịch vi khuẩn màu trắng đục. Vi khuẩn trong đất xâm nhập rễ cây, phát triển lên phá hủy mạch dẫn, ngăn cản hấp thu và vận chuyển nước làm cây bị héo.

– Điều kiện phát sinh bệnh: Vi khuẩn hình gậy ngắn, 2 đầu tròn, 1 – 3 tiêm mao ở một đầu, gram âm, phát triển thích hợp ở nhiệt độ 30 – 35oC, chết ở 52oC trong 10 phút, pH thích hợp khoảng 6,6. Vi khuẩn tồn tại trong cây bệnh và trong đất trên 1 năm, là nguồn lan truyền gây bệnh cho cây vụ sau.

– Biện pháp phòng trừ: Làm đất kỹ, phơi ải và bón vôi, không để ruộng đọng nước hoặc quá ẩm, không trồng cây ngay sau mưa, tiêu hủy cây bệnh, luân canh với lúa nước, phun ngừa bệnh bằng thuốc kháng sinh: Kasugamycin, Streptomycin hoặc tưới gốc bằng thuốc gốc Đồng.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Hướng dẫn kỹ thuật trồng hoa huệ đạt hiệu quả cao

Cách trồng hoa huệ không quá khó, chỉ cần các bạn chú ý một số yếu tố sau đây. Hãy cùng tìm hiểu Hướng dẫn kỹ thuật trồng hoa huệ đạt hiệu quả cao sau đây nhé.

1. Cách trồng hoa huệ

Làm đất: cày xới, lên liếp cao (30-40 cm), phơi đất kỹ; liếp ngang 1,2m, rãnh 0,6-0,8m; đất cục lớn khoảng 3-4 cm (bằng ngón chân cái).

– Chọn giống: giống có các loại sau
+ Huệ trâu: thân cao > 1.5-1.5m cây cho bông dài
+ Huệ sẻ bông nhỏ, chóng tàn
+ Huệ ta: thân lùn, cho bông trắng, có mùi thơm hơn, thường nở hoa trên cây.

– Chọn và tồn trữ củ giống: chọn củ đã trồng từ vụ trước, đào lên tồn trữ vào mùa khô (nếu không đào thì vụ tới sẽ cho bông nhỏ hơn khi trồng lại). Lấy giống phải phòng trừ rệp sáp trước ngoài ruộng (tháng 12âl), cắt bớt lá, rải thuốc bột. Đến khoảng 1 tháng đào củ lên cắt bỏ bớt rễ và nhúng vào thuốc trừ sâu rầy (bassa, Mipcin…), nhúng vào thuốc trừ rệp. Để dưới bóng râm mát (nên để một lớp) cho thoáng thì củ huệ ít bị hư hại.

– Hiện nay về tiêu chuẩn củ trồng được chia ra từ 3-4 loại như sau:
+ Củ lớn có đường kính từ 3-4 cm (bằng ngón chân cái) xuống giống tháng 04 thì đến tháng 07 cho bông.
+ Củ có đường kính trung bình (2-3cm) xuống giống tháng 04 thì đến tháng 08-09 mới cho bông.
+ Củ nhỏ có đường kính 01-02cm (bằng ngón tay út) xuống giống tháng 04 thì đến tháng 11 mới cho bông.
+ Củ nhỏ hơn 1cm (bằng ngón tay út) xuống giống tháng 04 thì đến tết (tháng 12-01) mới cho bông.

– Cách trồng hoa huệ và mật độ trồng: (trồng cho 1.000m2)
+ Từ 10-15 giạ giống (khoảng 100-150kg), trước khi trồng phải lặt sạch rễ, các tàn dư thực vật trên củ. Có thể trồng một loại củ, hoặc nhiều loại củ mà thu hoạch đồng loạt hay từng đợt tùy ý.
+ Khoảng cách trồng: mật độ: 20cm x 20cm, cho củ giống nhiều sau này, nhưng khó chăm sóc; mật độ: 40cm x 40cm, không cho củ giống về sau nhiều, nhưng dễ chăm sóc; trồng sâu 2-3cm dưới mặt đất: nếu trồng cạn thì mau cho thu hoạch bông, nếu trồng sâu thì chậm cho bông nhưng cho bông tốt hơn.

2. Chăm sóc

Tưới nước: trồng xong phải tưới nước liền, ngày tưới 02 lần, sáng sớm và chiều mát.

Trồng sau 02 tháng bắt đầu xây ngù (gù). Từ xây ngù đến cắt bông khoảng 1 tháng; tính hết thời gian từ xuống giống cho tới thu hoạch khoảng 3-5 tháng.

Cây huệ là cây đòi hỏi phải được tưới nước, nếu tưới nước cho huệ bằng cách dùng tô, chậu nhỏ múc tạt nước từ dưới rãnh tạt ngược lên trên cây huệ thì ngoài việc cung cấp nước cho cây huệ, nước còn có tác dụng tạt ướt hết mặt dưới của lá huệ làm cho nhện đỏ bị rửa trôi.

Không tưới huệ bằng máy bơm nước vì hạt nước rơi xuống mạnh dễ làm rập gẫy lá huệ, mà cũng không tưới bằng bình tưới có vòi hoa sen, vì cả phương pháp tưới bằng máy và tưới bằng vòi hoa sen chỉ làm ướt mặt trên của lá huệ mà không rửa trôi được nhện đang nằm ở mặt dưới của lá.

Để áp dụng cách tưới này khi trồng huệ nên lên liếp (lên mô) trồng huệ rộng khoảng 1,2 m, các liếp cách nhau bằng một cái rãnh rộng khoảng 0,4 m để chứa nước cung cấp cho việc tạt, tưới huệ.

Bón phân (cho 1.000m2 kể cả mương và liếp)

Phân rác mục, phân chuồng (trâu, bò) thật hoai, trước khi trồng thường rải một lớp mỏng rơm để giữ cho đất mát.
+ Bón lót: 25 – 30kg DAP. Bón thúc lần 1: (30 ngày sau khi trồng) 30kg phân DAP + 30kg phân urê.
+ Bón thúc lần 2: (20 – 25 ngày sau trồng – gần xây ngù), 15kg urê, phun thêm phân KNO3.
+ Bón thúc lần 3: sau khi thu bông bón thêm: 15kg phân DAP + 15kg urê.

* Chú ý: trước khi bón phải làm sạch cỏ cho huệ; khi bón phân quan trọng nhất là phải nhìn vào màu sắc của lá mà có thể gia giảm phân cho phù hợp.

Ánh sáng: ánh sáng hoàn toàn, nắng càng nhiều, hoa càng tốt.

Nhiệt độ: chịu được nhiệt độ cao (18 – 34oC).

Ẩm độ: chịu ẩm ướt nhiều. Tưới bằng vòi phun vào sáng sớm và xế chiều.

3. Thu hoạch

Có thể thu hoạch ở 2 thời điểm: lúc sáng sớm hoặc chiều mát, thu lúc trời nắng hoặc để lâu không ngâm nước bông Huệ sẽ bị hở yếm (phải vạt gốc lại và ngâm nước).

+ Lần đầu tiên dùng dao bén cắt xéo bông gần sát củ, để nước không đọng trong cọng hoa nên dễ làm thối củ.

+ Lần 2 trở đi dùng chân đạp giữ gốc Huệ, tay nắm cọng bông Huệ ở phía dưới dặt mạnh ngang mặt đất bông sẽ rời ngay khớp. Nếu bông ngã bị cong thì buộc lại cho thẳng. Nên ngâm bông vào nước sạch, không nên pha phèn chua vào nước để ngâm bông, bông Huệ sẽ bị nhầy gốc chóng tàn. Nếu để bông chưng thì cách ngày phải vạt gốc và thay nước thì sẽ chưng được nữa tháng.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Kĩ thuật nhân giống cây huệ hà lan

Muốn cho loại cây Huệ Hà Lan này ra hoa đúng Tết, bạn phải bón phân, tưới nước quanh năm, không để cho nó bị khô lá. Đến tháng 10 âm lịch, hãy nhổ cây lên, cắt bỏ hết lá, rễ, đem củ để trên giàn râm mát.

Hoa huệ

hoa Huệ Hà Lan

Nhiệt độ: Mặc dù cây vùng ôn đới, nhưng cũng chịu được nhiệt độ cao 18 – 34oC.

Ẩm độ : Trong mùa tăng trưởng cần nhiều ẩm ướt và bắt đầu bớt tưới nước khi thấy lá vàng, lúc này củ đã già sắp chuyển qua trổ hoa. Nước có độ pH = 6 – 7.

Sâu rầy : Ít bị sâu rầy phá hại, tuy nhiên đề phòng rệp và nhện trắng đóng ở mặt dưới lá.

Nhân giống:

Bằng cách tách các chồi non từ củ của cây mẹ. Thận trọng không cho đứt rễ và trồng ra líp sau vụ Tết. Trồng đến năm sau củ có thể to bằng cái chén ăn cơm với đường kính khoảng 10 – 12 cm.

Có thể thụ phấn nhân tạo. Lấy hạt già gieo ươm, thời gian chăm trồng lâu hơn (2, 3 năm) nên chỉ áp dụng khi lai tạo giống mới.

Thúc trổ hoa vào dịp tết âm lịch

Sẽ theo các bước sau đây :

1. Bón thúc phân đầy đủ nhất là phân lân vào mùa xuân và tháng 5, 6, 7, 8 để củ phát triển thật to.

2. Tháng 9, tháng 10 bớt tưới để cho đất hơi khô.

3. Giữa tháng 10, nhổ củ lên và để trong mát khô ráo cho củ và lá héo đi.

4. Vào đầu tháng 11, cắt bỏ rễ và bỏ lá cho đến gần mặt trên của củ. Khi tỉa lá rồi củ có hình chóp nón.

5. Đưa trồng củ đã cắt tỉa rồi vào chậu trong đó đất phân đã được chuẩn bị đầy đủ. Tưới nước đậm.

6. Để chậu vào chỗ khô mát, khi thấy nhú chồi lá hoặc chồi hoa, đưa để ra nắng (khoảng 15 ngày sau khi trồng lại) lúc đầu tươi ít cho đến khi thấy chồi hoa mới tưới trở lại bình thường.

7. Hoa sẽ nở vào dịp Tết nguyên đán.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam