Lưu ý khi nuôi luân canh Cá Rô Phi trong đầm trồng Rong Câu

Ở một số vùng ven biển thường trồng rong câu chỉ vàng trong các ao đầm. Hết mùa trồng rau câu có thể thả cá rô phi để nuôi. Cách làm này tận dụng được thức ăn trong ao, giúp cải tạo ao và tăng giá trị kinh tế.

Mùa vụ

Hàng năm khi độ mặn trong ao giảm thấp vào tháng 6, 7 thì rong câu bắt đầu tàn lụi, chỉ còn sót những đoạn rong già nằm lẫn trong bùn. Độ mặn trong ao, đầm thấp, nguồn thức ăn tự nhiên phong phú. Tuy nhiên, nếu kết thúc vụ trồng rong câu mới thả cá hương thì đến cuối năm (tháng 10, 11) không thể thu được cá có kích cỡ thương phẩm. Do vậy, người nuôi cá cần phải ương và nuôi cá trong ao có độ mặn thấp từ tháng 4, 5 trở đi để khi chuyển ra ao đầm trồng rong câu cá phải đạt trọng lượng tối thiểu từ 30 – 50 g/con.

Ương cá bột lên cá giống cỡ 30 – 50 g/con

Ao ương bố trí nơi gần nguồn cung cấp nước ngọt và đầm nuôi có cống cấp và thoát riêng biệt.

Thời gian ương bắt đầu từ tháng 4, 5.

Mật độ ương 50 – 100 con/m2. Nếu ương ở mật độ này thì phải sử dụng quạt nước hoặc sục khí ở giai đoạn cuối chu kỳ ương.

Để hạn chế ô nhiễm nước trong ao ương, nên cho cá ăn bằng thức ăn công nghiệp, có độ đạm từ 18 – 25%; kích thước phù hợp với miệng cá.

Cải tạo đầm rong câu trước khi thả cá

Tháo cạn ao đầm và làm sạch bờ, đáy ao. Diệt cá tạp, cá dữ bằng vôi hoặc Rotenon theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Tuy nhiên, sau khi diệt tạp phải lấy nước vào rửa ao cho hết thuốc.

Bón chế phẩm sinh học để cải tạo môi trường đất và hạn chế các vi sinh vật gây bệnh bằng các sản phẩm chế phẩm đảm bảo chất lượng.

Gây màu nước (tảo) bằng các chế phẩm sinh học. Có thể dùng phân gà 100 – 200 kg/ha nhưng phải ngâm trước trong các thùng, sau đó chiết lấy nước té xuống ao.

Thả giống và chăm sóc

Thả giống mật độ 1 – 3 con/m2. Đảm bảo mức nước trong ao đạt từ 1,2 – 1,5m. Lưu ý: duy trì độ mặn luôn nhỏ hơn 10‰ vì độ mặn cao cá sẽ chậm lớn.

Duy trì độ pH trong ao từ 7,5 – 8,5. Quản lý tốt lượng thức ăn sử dụng để tránh lãng phí và gây ô nhiễm môi trường.

Cuối chu kỳ nuôi (sắp thu hoạch) có thể cho cá ăn thêm thức ăn tươi sống để cá lớn nhanh, chắc thịt.

Phòng bệnh

Cá rô phi nuôi trong ao đầm nước lợ nếu thực hiện tốt phương pháp phòng trị như: cải tạo ao, quản lý môi trường, chăm sóc,… đúng kỹ thuật sẽ hạn chế và phòng ngừa được bệnh cho cá.

Cá cũng có thể mắc các bệnh do vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm. Đối với bệnh do virus thì chưa có thuốc chữa, nên phòng ngừa vẫn là chính. Các bệnh như vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng có thể dùng vôi và một số loại thuốc, hóa chất để trị bệnh.

Nguồn: Thủy sản Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Sử dụng chất nhầy để phát hiện TiLV trên cá rô phi

Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Thái Lan đã xác định được con đường lây truyền của mần bệnh Tilapia Lake Virus(TiLV) và sử dụng chất nhầy để phát hiện mần bệnh mà không gây chết cho cá.

Cá rô phi nuôi

Tilapia Lake Virus (TiLV) là một loại virus gây bệnh trên cá rô phi đang nổi lên gần đây ở nhiều quốc gia trong đó có Israel, Ecuador, Colombia, Ai Cập và Thái Lan.

Tuy nhiên, ít có thông tin và hiểu biết đến về con đường lây truyền của virus trong quần thể cá. Trong nghiên cứu này, TiLV đã được phát hiện trong các mẫu gan và chất nhầy từ cá rô phi đã chết bằng cách sử dụng phản ứng chuỗi polymerase định lượng ngược và cách ly virus trong nuôi cấy tế bào.

So sánh phát hiện virus trong gan và chất nhầy của các mẫu cá bệnh cho thấy chất nhầy có thể được áp dụng để chẩn đoán TiLV và virus này trong chất nhầy vẫn còn có khả năng gây bệnh và là nguyên nhân của hiệu ứng bệnh biến trong tế bào.

Cá khỏe mạnh sống chung với cá có chứa TiLV làm cho tỷ lệ tử vong tích lũy của cá lên tới 55,71% cho thấy tiếp xúc trực tiếp với cá bệnh là nguyên nhân lây bệnh.

Đáng chú ý là các gen RNA TiLV đã được xác định trong chất nhầy của cá khỏe mạnh khi tiếp xúc với cá bệnh sớm nhất là 1 ngày nhiễm bệnh và virus được phân lập từ các mẫu chất nhầy thu được ở 5 ngày nhiễm bệnh.

Tỉ lệ tử vong tích lũy của cá sống chung được ghi lại hằng ngày.

Sự hiện diện của TiLV đã kéo dài đến 12-14 ngày bị nhiễm bệnh trong chất nhầy, gan và ruột của cá sống chung.

Sự phát hiện TiLV trong chất nhầy của các mẫu cá bệnh và cá khỏe sống chung cho thấy lây truyền qua tiếp xúc (truyền ngang) là con đường lây lan chính của TiLV trên cá.

Quan trọng hơn, nghiên cứu này cho thấy rằng chất nhầy có thể được sử dụng để lấy mẫu để phát hiện TiLV mà không gây chết cho cá.

Nguồn: Sciencedirect được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Thoát nghèo nhờ cá rô phi: Hiệu quả bất ngờ!

Từ nguồn vốn 300 triệu đồng của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN- PTNT), dự án nuôi cá rô phi được xã Hồng Tiến (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) triển khai từ tháng 7- 11/2017 cho hiệu quả cao. Từ đó giúp các hộ tham gia dự án thoát nghèo, mở ra hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp tại địa phương.

Mô hình nuôi cá rô phi của gia đình ông Hoàng Văn Phiệt

Gần đây, người dân xã Hồng Tiến đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả kết hợp tận dụng triệt để mặt nước ao hồ và bãi bồi ven sông để nuôi các loại thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao.

Dẫn chúng tôi đi tham quan các mô hình nuôi cá rô phi tại xã Hồng Tiến, ông Cao Hải Đường, Phó Chủ nhiệm HTX Thủy sản Hồng Tiến phấn khởi: “Mô hình nuôi cá rô phi tại địa phương đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo nhờ loại cá này”.

Tại xã Hồng Tiến, đi đầu trong phong trào nuôi cá nước ngọt, đặc biệt là mô hình nuôi cá rô phi phải kể đến gia đình ông Hoàng Văn Phiệt (thôn Nam Tiến). Từ một nông dân nghèo, nay ông đã trở thành triệu phú.

Nhận thấy mô hình nuôi trồng thủy sản thực sự đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình, ông Phiệt đã quyết định chuyển đổi gần 10.000m2 ruộng từ diện tích cấy lúa kém hiệu quả và diện tích vùng đất bãi ven sông gia đình ông đã quy hoạch, đào ao nuôi cá.

Thời gian đầu, gia đình ông nuôi các loại cá truyền thống như cá trôi, trắm, chép, mỗi năm thu hoạch được 2 vụ, nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình là bao. “Cá truyền thống sức đề kháng kém, thường xuyên dịch bệnh nên không đem lại hiệu quả kinh tế cho lắm”, ông Phiệt bộc bạch. Được sự giúp đỡ của HTX Thủy sản Hồng Tiến, từ con giống, vôi bột khử trùng cho đến tham gia các lớp tập huấn, ông đã chuyển sang mô hình nuôi cá rô phi, một loại cá có sức đề kháng tốt, phát triển nhanh, ít dịch bệnh.

Ông Phiệt cho biết: “Được HTX Thủy sản Hồng Tiến hỗ trợ 2.900 con cá rô phi giống, tôi đã thả tất thảy và thả xen kẽ thêm một ít cá truyền thống. Hàng tháng cũng có cán bộ kỹ thuật xuống kiểm tra thức ăn, nguồn nước, môi trường… xem có đảm bảo vệ sinh môi trường không”.

Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, đàn cá rô phi lớn nhanh như thổi, ít dịch bệnh. Đến thời kỳ thu hoạch, con to có trọng lượng khoảng 1,5kg; con nhỏ nhất cũng dao động từ 8 – 9 lạng. Theo ông Phiệt, với mô hình nuôi cá rô phi đơn tính, ông thu hoạch được hơn 3 tấn cá. Với giá bán 35 – 37 nghìn đồng/cân, ông Phiệt “đút túi” hàng chục triệu đồng.

Là một trong những hộ nghèo của xã, bà Phạm Thị Là (thôn Nam Tiến) đã được HTX Thủy sản xã Hồng Tiến hỗ trợ cá giống, vôi bột khử trùng và mời tham gia học các lớp tập huấn. Sau khi có kiến thức cơ bản, bà quyết định chỉ nuôi cá rô phi đơn tính. Vụ thu hoạch vừa qua, gia đình bà đã thu hoạch được gần 3 tấn cá rô phi, sau khi trừ tất cả chi phí, bà Là lãi khoảng 30 triệu đồng.

Theo bà Là, so với các loài cá truyền thống khác, các rô phi có sức đề kháng tốt, ít xảy ra dịch bệnh, giá cả không bấp bênh, đầu ra không bị “tắc”. Ngoài ra, cho năng suất cao, thu nhập ổn định, thịt cá rô phi thơm và chắc… “Nuôi cá rô phi không tốn nhiều thời gian chăm sóc, thức ăn đơn giản, năng suất lại cao, thu nhập ổn định. Nhờ mô hình cá rô phi mà gia đình tôi mới thoát khỏi diện hộ nghèo”, bà Là khẳng định.

Nguồn: Nông Nghiệp Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Ánh sáng xanh từ đèn LED bất hoạt vi khuẩn Edwardsiella

Việc chiếu xạ ánh sáng xanh có khả năng làm bất hoạt vi khuẩn E. piscicida và làm giảm sự nhiễm bệnh của cá mà không gây ra những phản ứng phụ bất lợi cho cá.

Ánh sáng xanh từ đèn LED bất hoạt vi khuẩn Edwardsiella giúp quản lý mầm bệnh trên cá nuôi.

Mặc dù việc sử dụng ánh sáng xanh (400 – 500 nm) để giảm các mầm bệnh do vi khuẩn ở các trang trại nuôi cá có nhiều lợi thế hơn việc sử dụng thuốc hoá học nhưng đã có rất ít nghiên cứu ứng dụng ánh sáng xanh trong quản lý bệnh trên thủy sinh vật.

Mục tiêu của các nhà khoa học Trung Quốc trong nghiên cứu này là để xác minh tác động diệt khuẩn của các điều kiện ánh sáng (quang phổ và cường độ ánh sáng) trên vi khuẩn Edwardsiella piscicida nhằm chứng minh hiệu quả của việc chiếu xạ ánh sáng xanh trong việc giảm bệnh Edwardsiellosis trong cá chép và phân tích các tác động có hại tiềm tàng của ánh sáng xanh trên cá chép.

Cá bị bệnh do Edwardsiella piscicida

Thí nghiệm

E. piscicida ở nồng độ 105 CFU/ml được phơi ra với ánh sáng 405 hoặc 465 nm trong thời gian phơi nhiễm ước tính sẽ làm mất 99% vi khuẩn.

Thử nghiệm hiệu quả tác dụng của các đèn LED phát sáng đã được thực hiện bằng cách sử dụng thử thách tiếp xúc trong thời nhất định, trong đó tỷ lệ nhiễm bệnh và số lượng E. piscicida trong nước nuôi được theo dõi.

Các tác động có hại tiềm tàng của điều kiện ánh sáng được điều tra bằng cách quan sát các thay đổi mô bệnh học trong mô mắt và biểu hiện gen protein 70 và corticosteroid 11-beta-dehydrogenase isozyme 2 trong mô thận.

Kết quả

Tỷ lệ vi khuẩn E. piscicida bị bất hoạt từ các cường độ khác nhau của bước sóng xanh LED đã chứng minh một mối tương quan mạnh mẽ giữa cường độ ánh sáng và thời gian chiếu xạ. Hơn nữa, bức xạ LED xanh giảm số lượng E. piscicida trong nước nuôi cũng như tỷ lệ cá bị nhiễm bệnh.

Xét nghiệm mô bệnh học cho thấy các hạt melanin và tế bào nhạy cảm tạm thời tăng lên ở võng mạc, nhưng không có sự khác biệt đáng kể giữa nhóm đối chứng và nhóm chiếu xạ sau 28 ngày tiếp xúc.

Kết luận

Nghiên cứu này chứng tỏ rằng chiếu xạ ánh sáng xanh có khả năng khử bất hoạt vi khuẩn E. piscicida và làm giảm sự nhiễm bệnh của cá mà không gây ra những phản ứng phụ bất lợi cho cá.

Nguồn: Tepbac.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nuôi cá rô phi theo tiêu chuẩn VietGap

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNT Thái Bình tổ chức hội thảo “Sơ kết dự án xây dựng mô hình liên kết nuôi cá rô phi theo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm năm 2016 – 2017”.

Hiệu quả kinh tế tăng 15% so với ngoài mô hình

Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết: “Năm 2017, mô hình nuôi cá rô phi theo VietGAP được triển khai tại 7 tỉnh, thành phố trên diện tích 21ha với 24 hộ dân tham gia. Đáng mừng là không có hộ nào nuôi cá bị dịch bệnh”.

Thực tế cho thấy dự án phát triển nuôi cá rô phi theo VietGAP bước đầu tạo cho người nuôi thay đổi tư duy về nuôi trồng thủy sản bền vững, nhận thức được những lợi ích thực sự thiết thực, đó là giảm chi phí thức ăn, hóa chất và công lao động; giảm dịch bệnh, hạn chế ô nhiễm môi trường và tăng tỷ lệ sống của cá; thời gian nuôi ngắn hơn và chất lượng sản phẩm cao hơn, dễ tiêu thụ hơn.

Phát triển nuôi cá rô phi theo chuẩn VietGap

“Năm 2015 diện tích nuôi rô phi cả nước đạt 21.000ha; sản lượng 150.000 tấn, trong đó đã xuất khẩu đi 60 nước, kim ngạch xuất khẩu trên 36 triệu USD. Theo Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản VN (VASEP), dự kiến năm 2017 sẽ xuất khẩu được 45 triệu USD sang 68 thị trường (chủ yếu EU và Mỹ), tăng 32% so với năm 2016 và sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những thời gian tới”, ông Tiêu nhấn mạnh.

Ông Tiêu cho biết thêm, năm 2016 Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thực hiện mô hình liên kết nuôi cá rô phi theo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm tại 5 tỉnh, thành: Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An.

Qua đánh giá cho thấy mô hình đã vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra như tỷ lệ sống 79,8/70%; năng suất đạt 17,2 tấn/ha (tăng 15,7%); kích cỡ thu hoạch đạt trung bình 720gr/con (đề ra là 650gr/con, vượt 10,3%). Hiệu quả kinh tế tăng ít nhất 15% so với ngoài mô hình. Sau khoảng gần 6 tháng nuôi cho thấy, mô hình đạt sản lượng 256 tấn; năng suất 17,2 tấn/ha, sau khi trừ toàn bộ chi phí mô hình cho thu lãi hơn 1,4 tỷ đồng, bình quân lãi 94,8 triệu đồng/ha.

Ông Bùi Văn Trụ, Phó phòng Chăn nuôi thủy sản (Trung tâm Khuyến nông Thái Bình) cho hay, mô hình liên kết nuôi cá rô phi theo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm tại Thái Bình đã mở ra một hướng đi mới cho sự phát triển về nuôi cá rô phi trong khu vực nuôi thủy sản nước ngọt, giúp ổn định khâu tiêu thụ sản phẩm, tạo sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo công ăn việc làm, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Ngoài ra, mô hình liên kết nuôi cá rô phi theo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm thành công, giúp người nuôi phát triển bền vững như có thị trường tiêu thụ ổn định, hạn chế dịch bệnh, tạo sản phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Vì vậy, khả năng mở rộng thị trường là rất lớn. Dự kiến khoảng 20ha.

Cũng theo ông Trụ, mô hình liên kết nuôi cá rô phi theo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm đã hạn chế được dịch bệnh, tạo sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Cá rô phi theo VietGAP an toàn vệ sinh thực phẩm

Sau 6 tháng nuôi, mô hình đã đạt được một số chỉ tiêu kỹ thuật như trọng lượng trung bình trong suốt quá trình nuôi các chủ hộ đã tuân thủ quy trình kỹ thuật theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, cán bộ chuyên môn.

“Đề nghị Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tiếp tục cho thực hiện mô hình ở tiểu vùng sinh thái khác trong giai đoạn 2018 – 2020 để khẳng định khả năng và hiệu quả của mô hình”, ông Trụ đề nghị.

Chia sẻ tại buổi hội thảo, ông Ngô Duy Tuấn (xã Thái Thủy, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) cho biết, tham gia mô hình nuôi cá rô phi theo VietGAP, gia đình ông luôn được sự giúp đỡ của cán bộ Trạm Khuyến nông huyện, Trung tâm Khuyến nông tỉnh. Sau một thời gian nuôi, lợi ích rất rõ ràng, nhất là hiệu quả kinh tế cao hơn, tiêu thụ sản phẩm được liên kết với doanh nghiệp bao tiêu…

Theo Quyết định số 1639/QĐ-BNN-TCTS ngày 5/6/2016 của Bộ NN-PTNT về việc phê duyệt quy hoạch phát triển cá rô phi đến năm 2020, diện tích nuôi cá rô phi của cả nước ta đạt 33.000ha; cá lồng đạt 1,5 triệu m3, sản lượng nuôi đạt 300.000 tấn, trong đó 50 – 60% được xuất khẩu. Đến năm 2030 diện tích nuôi cá rô phi của cả nước ta đạt 400.000ha; cá lồng đạt 1,8 triệu m3, sản lượng nuôi đạt 400.000 tấn, trong đó 50% được xuất khẩu.

Theo nhanong.com.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Phòng trị một số bệnh ở cá rô phi

Một trong những yếu tố quan trọng để tăng năng suất nuôi thâm canh cá rô phi là quản lý tốt sức khỏe vật nuôi. Nước ta nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, có điều kiện khí hậu ấm áp để sản xuất cá rô phi hướng tới mục tiêu xuất khẩu nhưng đồng thời đó cũng là môi trường cho bệnh tật phát triển. Tuy là loài cá nuôi bị sốc với biến đổi của môi trường và có khả năng kháng một số bệnh nhưng trong quá trình ương nuôi cá giống và nuôi cá thương phẩm thường gặp một số bệnh sau:

Bệnh xuất huyết


Tác nhân gây bệnh:
Cầu khuẩn Streptococcus sp, Gram dương.
Dấu hiệu bệnh lý:
Ðầu tiên cá yếu bơi lờ đờ, kém ăn hoặc bỏ ăn, hậu môn, gốc vây chuyển màu đỏ; mắt, mang, cơ quan nội tạng và cơ xuất huyết; máu loãng; thận, gan, lá lách mềm nhũn. Cá bệnh nặng bơi quay tròn không định hướng, mắt đục và lồi ra, bụng trương to.
Phân bố và lan truyền bệnh:
Bệnh gặp ở nhiều loài cá nước ngọt. Khi nuôi cá rô phi năng suất cao trong hệ tuần hoàn khép kín, cá dễ phát bệnh. Bệnh có thể lây cho người khi chế biến cá không vệ sinh an toàn.
Phòng trị bệnh:
Bón vôi (CaO hoặc CaCO3 hoặc CaMg(CO3)2) tùy theo pH môi trường, liều lượng 1-2kg/100m3, 2 – 4 lần/tháng.
Dùng Erythromyxin: trộn vào thức ăn từ 3-7 ngày, dùng 2-5 g/100kg cá/ngày. Có thể phun xuống ao nồng độ 1-2 ppm, sau đó sang ngày thứ 2 trộn vào thức ăn 4 g/100kg cá, từ ngày thứ 3-5 giảm còn một nửa. Thuốc KN-04-12 cho ăn 4g/1kg cá/ngày và 3 – 6 ngày liên tục. Vitamin C phòng bệnh xuất huyết, liều dùng thường xuyên 20 – 30mg/1kg cá /ngày, liên tục 7-10 ngày.

 Bệnh viêm ruột


Tác nhân gây bệnh:
Vi khuẩn Aeromonas hydrophila, Gram âm.
Dấu hiệu bệnh lý:
Tương tự bệnh xuất huyết do cầu khuẩn Streptococcus sp. Bệnh tích điển hình ruột trương to,chứa đầy hơi.
Phân bố và lan truyền bệnh
Thường gặp ở cá rô phi nuôi thương phẩm và cá bố mẹ nuôi sinh sản khi môi trường nuôi bị ô nhiễm, đặc biệt là thức ăn không đảm bảo chất lượng, tỷ lệ nhiễm bệnh thấp.
Phòng trị bệnh
Dùng một số kháng sinh cho cá ăn như Erythromyxin hoặc Oxytetramyxin, liều dùng 10 – 12 g/ 100 kg cá/ngày đầu, từ ngày thứ 2-7 liều bằng 1/2 ngày đầu; thuốc KN-04-12.

Bệnh trùng bánh xe
Tác nhân gây bệnh:
Một số loài trong họ trùng bánh xe Trichodinidae như : Trichodina centrostrigata, T. domerguei domerguei, T. heterodentata, T. nigra, T. orientalis, Trichodinella epizootica, Tripartiella bulbosa, T. clavodonta.
Dấu hiệu bệnh lý:
Khi mới mắc bệnh, trên thân, vây cá có nhiều nhớt màu hơi trắng đục, ở dưới nước thấy rõ hơn so với khi bắt cá lên cạn. Da cá chuyển màu xám, cá cảm thấy ngứa ngáy, thường nổi từng đàn lên mặt nước. Một số con tách đàn bơi quanh bờ ao. Khi bệnh nặng trùng bám dày đặc ở vây, mang, phá huỷ các tơ mang khiến cá bị ngạt thở, những con bệnh nặng mang đầy nhớt và bạc trắng. Cá bơi lội mất phương hướng. Cuối cùng cá lật bụng mấy vòng, chìm xuống đáy ao và chết.
Phân bố và lan truyền bệnh
Trùng bánh xe gây bệnh chủ yếu ở giai đoạn cá giống, là bệnh ký sinh đơn bào nguy hiểm nhất của giai đoạn này. Trùng bánh xe ít gây bệnh ở giai đoạn cá thịt. Khi ương cá trong nhà, bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng tỷ lệ chết cao 70-100%. Bệnh thường phát vào mùa xuân, mùa thu, khi nhiệt độ nước 25-30 độ C.
Phòng trị bệnh
Dùng nước muối NaCl 2-3% tắm cho cá 5-15 phút, dùng CuSO4 nồng độ 3-5 ppm tắm cho cá 5-15 phút hoặc phun trực tiếp xuống ao với nồng độ 0,5-0,7 ppm (0,5-0,7g cho 1 m3 nước). Dùng formalin nồng độ 200-250 ppm (200-250 ml/m3) tắm trong 30-60 phút hoặc nồng độ 20-25 ppm (20-25 ml/m3) phun xuống ao.

Bệnh trùng quả dưa
Tác nhân gây bệnh: trùng quả dưa Ichthyophthyrius multifiliis.
Dấu hiệu bệnh lý: Da, mang, vây của cá bệnh có nhiều trùng bám thành các hạt lấm tấm rất nhỏ, màu hơi trắng đục (đốm trắng), có thể thấy rõ bằng mắt thường (người nuôi cá còn gọi là bệnh vẩy nhót . Da, mang cá có nhiều nhớt, màu sắc nhợt nhạt.
Cá bệnh nổi đầu trên tầng mặt, bơi lờ đờ yếu ớt. Lúc đầu cá tập trung gần bờ, nơi có cỏ rác, quẫy nhiều do ngứa ngáy. Trùng bám nhiều ở mang, phá hoại biểu mô mang làm cá ngạt thở. Khi cá yếu quá chỉ còn ngoi đầu lên để thở, đuôi bất động cắm xuống nước.
Phân bố và lan truyền bệnh
Bệnh gặp ở nhiều loài cá nuôi. Cá rô phi lưu qua đông ở miền Bắc hoặc nuôi trong nhà, thường bị bệnh trùng quả dưa làm cá chết hàng loạt. Bệnh phát vào mùa xuân, mùa đông.
Phòng trị bệnh
– Dùng xanh malachit phun trực tiếp xuống ao hoặc bể kính với nồng độ 0,1- 0,3 ppm 2 lần/tuần.
– Cá nuôi lồng vào mùa phát bệnh thường xuyên treo xanh malachit trong lồng, liều lượng 5g/10m3 lồng.
– Dùng formalin nồng độ 200-250 ppm (200-250 ml/m3) tắm trong 30-60 phút hoặc phun xuống ao với nồng độ 20-25 ppm(20-25 ml/m3), 2 lần/tuần.

Bệnh sán lá đơn chủ


Tác nhân gây bệnh: sán lá đơn chủ Cichlidogyrus tilapiae, C. sclerosus, Gyrodactylus niloticus
Dấu hiệu bệnh lý: Cichlidogyrus, Gyrodactylus ký sinh trên da và mang cá, làm cho mang và da cá tiết ra nhiều dịch nhờn ảnh hưởng đến hô hấp cá. Tổ chức da và mang có sán ký sinh bị viêm loét tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm và một số sinh vật xâm nhập gây bệnh.
Phân bố và lan truyền bệnh
Cá có thể bị bệnh khi ương giống với mật độ dày và có thể gây chết hàng loạt trong giai hoặc bể ương. Bệnh phát vào mùa xuân, mùa thu, mùa đông.
Phòng trị bệnh
– Dùng nước muối NaCl 2-3% tắm cho cá 5-15 phút
– Dùng KMnO4 nồng độ 20 ppm (20g/m3) tắm cho cá 15 -30 phút
– Dùng formalin nồng độ 200 – 250 ppm (200 – 250 ml/m3) tắm trong 30-60 phút hoặc nồng độ 20 – 25 ppm (20 – 25 ml/m3) phun xuống ao.

Bệnh rận cá
Tác nhân gây bệnh: rận cá Caligus sp.
Dấu hiệu bệnh lý: Rận cá thường ký sinh ở vây, mang cá rô phi, làm cho da cá bị viêm loét tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng khác xâm nhập, vì vậy nên nó thường cùng lưu hành với bệnh đốm trắng, bệnh đốm đỏ, lở loét nên dẫn đến làm cá chết hàng loạt. Cá bị Caligus ký sinh có cảm giác ngứa ngáy, vận động mạnh trên mặt nước, bơi lội cuồng dại, cường độ bắt mồi giảm.
Phân bố và lan truyền bệnh
Rận cá ký sinh ở nhiều loài cá nuôi. Cá rô phi nuôi mật độ dày, rận cá ký sinh đã gây chết hàng loạt ở các đầm nước lợ hoặc nước ngọt.
Phòng trị bệnh
– Dùng KMnO4 nồng độ 3-5 ppm (3-5g/m3) hoặc chlorin nồng độ 1ppm (1g/m3) phun xuống ao.
– Dùng formalin nồng độ 20-25 ppm(20-25 ml/m3) phun xuống ao.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Lợi ích cá rô phi trong ao tôm

Môi trường vùng nuôi xuống cấp sau nhiều năm nuôi liên tục, quy trình nuôi thâm canh tăng mạnh thì ít nhất giải pháp này sẽ góp phần giảm bớt lượng thuốc, hóa chất đưa xuống ao nuôi, cá rô phi còn giúp giảm áp lực khí độc dưới đáy ao nuôi tôm, như các nhà khoa học nhận định: “cá rô phi là máy lọc nước sinh học” cho ao nuôi tôm.

Ông Nguyễn Văn Nhiệm – Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Môi trường xuống cấp nghiêm trọng, ở đây nhiều bà con trong hiệp hội cũng đã nuôi cá rô phi ghép trong ao nuôi, lấy nước nuôi cá rô phi để nuôi tôm thời gian vừa qua bà con làm rất hiệu quả. Tuy nhiên đây là biện pháp nuôi để ổn định môi trường, hạn chế thuốc hóa chất nhất là môi trường nước trong ao rất tốt, ít tốn chi phí để xử lý”.

Khi môi trường vùng nuôi thâm canh, tăng vụ với quy mô hơn 30.000 ha, canh tác mang tính chuyên canh nhiều năm liên tục đã gây ra tình trạng suy thóai, môi trường ao nuôi thì biện pháp nuôi cá luân canh, nuôi ghép cá rô phi trong ao là giải pháp khắc phục môi trường ao nuôi hữu hiệu trong giai đoạn này.

KS Trần Hoàng Dũng – Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Đề cho biết: “Ngoài con cá rô phi thì cá kèo, cá chẻm,… có thể nuôi để rồi sau đó lấy nước để nuôi tôm.

Chúng ta có thể nuôi một vụ cá kèo, cá chẻm sau vài tháng thì lấy nước vào ao nuôi rất hiệu quả. Tuy nhiên cá chẻm chi phí nuôi rất cao nên tốt nhất là nuôi cá rô phi để lấy nước nuôi tôm là tốt nhất, dễ làm nhất”.

Thạc sĩ Lâm Ánh Tiên – Phó Trưởng Phòng Kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng cho biết thêm: “Các nhà khoa học cũng đã chứng minh được hình thức nuôi cá phi trong ao, nuôi lồng, nuôi cá lấy nước nuôi tôm thì lợi ích khá lớn vì nguồn nước này có chứa các loại vi khuẩn có lợi.

Nuôi cá rô phi trong ao lắng là một phương pháp vệ sinh nước trước khi nuôi tôm, giảm bớt tối đa sự phát sinh mầm bệnh xảy ra trong ao tôm. Theo thống kê thì ao nuôi cá rô phi có màu nước tốt, ít tảo tàn, môi trường ổn định. Cá rô phi có khả năng làm xanh nước, giảm sự phát triển vi sinh vật. Nhiều nhà khoa học cho rằng lấy nước nuôi cá rô phi phục vụ nuôi tôm có lợi ích khá lớn, vì nguồn nước này chứa vi khuẩn có lợi. Hơn nữa, cá rô phi còn sử dụng xác tôm, cá, động vật thủy sản chết, từ nguồn nước lấy vào hệ thống ao lắng, nhằm hạn chế sự phát tán của sinh vật gây bệnh từ ngoài vào hệ thống nuôi. Như vậy, nuôi cá rô phi trong ao lắng để có nguồn nước chất lượng tốt, dùng trong ao nuôi tôm hạn chế tối đa sự phát triển mầm bệnh.

Nghiên cứu của Đại học Arizona (Mỹ) đã xác định cá rô phi giúp thiết lập hệ sinh thái vi sinh trong nước với các quần thể tảo và vi khuẩn cân bằng. Trong một hệ sinh thái vi sinh cân bằng như vậy, vi khuẩn gây bệnh ít có cơ hội phát triển đến đủ mật độ có thể gây bệnh cho tôm. Vì vậy, nuôi cá rô phi trong ao lắng trước khi bơm vào ao nuôi có thể đem lại tác dụng phòng bệnh tích cực, giúp khống chế bệnh hoại tử gan tụy cấp.

Nuôi ghép cá phi sẽ làm giảm các độc tố đáy ao tôm, như khí NH3 gây ô nhiễm nền đáy ao. Mặt khác khi lấy nguồn nước này thì các chất lơ lững trong ao nuôi rất hạn chế, có lợi cho nuôi tôm”.

Lợi ích từ quy trình luân canh để lấy nước từ ao nuôi cá sang nuôi tôm, hình thức nuôi ghép, nuôi đăng quầng… đã khẳng định được tính hiệu quả, song hình thức này cũng chỉ phù hợp với mật độ thấp, còn đối với quy trình nuôi tôm thâm canh hiệu quả nhất cũng chỉ ở mật độ 30 – 40 con/m2 là thích hợp.

Cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, đặc biệt là hệ thống thủy lợi vừa giữ vai trò cấp nước vừa thoát nước như hiện nay thì xu hướng nuôi tôm an toàn sinh học là hướng phát triển trước mắt đối với vùng nuôi tôm giai đoạn hiện nay.

Những ao lắng được nuôi cá rô phi, những đăng quần giữa ao nuôi, nuôi ghép cá rô phi trong ao tôm xuất hiện ngày càng nhiều là một tín hiệu đáng phấn khởi trước xu thế nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh tăng nhanh như hiện nay.

Nguồn: Tomvang được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Thủy sản đơn tính

Ở một số loài thủy sản nước ngọt, giới tính đực hoặc cái sẽ có kích thước và chất lượng vượt trội hơn hẳn giới tính cò lại. Tuy nhiên, khi đưa vào nuôi thương phẩm thì đa số thường nghiêng về giới tính bất lợi cho người nuôi. Vì vậy, người nuôi có xu hướng tạo vật nuôi đơn tính toàn đực hoặc toàn cái nhằm tăng hiệu quả kinh tế.

Hiện nay, có khá nhiều phương pháp được ứng dụng trong thực tế như: lai xa, xử lý bằng hormon sinh dục, kỹ thuật nhiễm sắc thể, thông qua con siêu đực, siêu cái hoặc kết hợp giữa nhiều phương pháp với nhau.

Cá rô phi

Cá rô phi là loài thuộc chi Oreochromis, có số lần sinh sản trong năm tới 12 – 13 lần, vì vậy, nếu trong đàn cá nuôi có số lượng con cái quá nhiều thì sản lượng thu hoạch sẽ thấp. Nguyên nhân, do các con cái phải tích lũy chất dinh dưỡng để phát triển buồng trứng nhằm đáp ứng nhiều lần sinh sản trong năm, do đó tốc độ tăng trưởng giảm khiến sản lượng thấp.

Cá Rophi đực có kích thước vượt trội

Phương pháp dùng hormone chuyển đổi giới tính: Người nuôi có thể trộn hormone vào thức ăn cho cá; ngâm (tắm) cá vào dung dịch trộn hormone hoặc tiêm hormone vào cơ thể. Phương pháp này được ứng dụng trên khá nhiều loài rô phi khác nhau để tạo đàn toàn đực. Kết quả từ phương pháp này cho thành công tới 95 – 97%. Hormone sử dụng trong phương pháp này gồm hai nhóm: Androgen chuyển giới tính từ cá cái thành cá đực và Oestrogen chuyển từ đực thành cái. Với nhóm Androgen, người nuôi có thể sử dụng hormone 19-nor-ethynylestotestosteron (thuộc nhóm mạnh nhất) hoặc Methytestosteron được tổng hợp nhân tạo có hiệu lực không thua kém và cũng có hiệu quả đối với nhiều loài cá, trong đó có cá rô phi. Nhóm Oestrogen có 2 loại phổ biến: Oestradiol-17b và Ethynyloestradiol. Phương pháp được tiến hành theo sơ đồ sau:

Cá bột => Oestrogen trộn vào thức ăn => cá cái

Cá bột => Androgen trộn vào thức ăn => cá đực

Phương pháp lai xa: Dựa trên việc xác định thành công giới tính, từ đó tiến hành lai hai loài cá rô phi thuộc hai nhóm khác nhau sẽ thu được ở thế hệ con lai F1 có 100% cá đực. Với phương pháp này, cá bố mẹ sau thời gian nuôi vỗ khoảng 45 – 60 ngày, bắt cá đực và cái mổ kiểm tra mức độ thành thục của tuyến sinh dục đực và cái. Mức độ thành thục khoảng 70% trên tổng số quần đàn, tiến hành ghép cá bố mẹ phục vụ cho sinh sản. Trong thời gian cá bố mẹ sinh sản, người nuôi sẽ tiến hành thu và vớt trứng. Tùy thuộc vào nhiệt độ nước của ao trong quá trình sản xuất giống mà xác định lịch thu trứng. Nhiệt độ nước 20 – 23oC thì chu kỳ thu trứng là 10 – 12 ngày; nhiệt độ nước 27oC trở lên thì chu kỳ thu trứng chỉ là 7 ngày.

Cá rô đồng

Cá rô đồng thuộc chi Anabas, con cái thường có tốc độ tăng trưởng vượt trội so con đực vì sinh sản ít lần trong năm, tích lũy nhiều mỡ và khối lượng buồng trứng rất lớn, chứa nhiều dinh dưỡng làm trọng lượng con cái lớn hơn con đực rất nhiều.

Cá rô đồng đực (dưới) có kích thước lớn hơn so với cá cái (trên)

Trước đây, người nuôi đã áp dụng phương pháp thủ công bằng hình thức lọc đàn cá thông qua mắt lưới (còn gọi là chặt đầu con), tuyển lại những con có kích thước lớn hơn để nuôi riêng. Đa số những con lớn đều là những con cái, có tốc độ phát triển nhanh hơn và quá trình tuyển lựa này phải được thực hiện 2 – 3 lần trong 1 chu kỳ nuôi, tỷ lệ con cái sẽ đạt 65 – 70%. Mới đây, một nghiên cứu đã thành công trong  sản xuất giống cá rô đồng toàn cái bằng phương pháp tạo cá đực đặc biệt. Giải pháp này nhằm tạo ra những cá đực đặc biệt, mang bộ nhiễm sắc thể cái (XX). Phương pháp cho thế hệ cá con với tỷ lệ cá cái 75 – 92%, trong khi ở điều kiện sản xuất bình thường, tỷ lệ cá cái chỉ khoảng 40%.

Tôm càng xanh

Ở loài tôm càng xanh (tên khoa học Macrobranchium rosenborgii) do con cái thường phải ôm trứng nhiều lần trong chu kỳ sống, ngay cả khi trọng lượng cơ thể còn nhỏ chúng đã tham gia sinh sản và phải sử dụng nhiều chất dinh dưỡng nuôi buồng trứng. Nhưng do điều kiện môi trường không phù hợp (tôm càng xanh đẻ trứng và trứng phải nở trong môi trường nước mặn) nên trứng dần thoái hóa và thải ra môi trường bên ngoài mang theo nhiều dinh dưỡng.

Tôm càng xanh đực (trên) có kích thước lớn hơn hẳn so với con cái (dưới)

Hiện, có 2 phương pháp sản xuất đàn giống tôm càng xanh toàn đực: Phương pháp vi phẫu tạo con cái giả và phương pháp tiêm sợi đôi iRNA chuyển giới tính tôm đực. Đối với phương pháp vi phẫu: Cắt tuyến sinh dục đực của 1 con tôm đực trưởng thành; sau đó, cho giao phối với một con tôm đực khác có ngoại hình tốt và tốc độ tăng trọng nhanh để sản xuất ra 1 đàn giống tôm càng xanh toàn đực. Phương pháp tiêm sợi đôi iRNA: Ở tôm càng xanh và các đối tượng giáp xác khác, sự biệt hóa của tuyến đực có liên quan gen Insulin-like. Gen này điều khiển sự phát triển và biệt hóa tôm con thành con đực. Nguyên tắc của tiêm iRNA là tạo liên kết bất hoạt gen này, do đó tuyến đực không thể hoạt động để chuyển tôm con thành con đực mà sẽ phát triển thành con cái. Với công nghệ này, sau khi tôm chuyển cái thì tỷ lệ thành thục là 95% và số tôm thành thục này tham gia sinh sản đạt 98 – 100%.

Cá chình

Cá chình (Anguilla sp) loài loài thủy sản di cư sinh sản phức tạp nên chưa thể sản xuất giống nhân tạo được. Cá cái có tốc độ sinh trưởng nhanh hơn và kích thước cơ thể lớn hơn cũng như chất lượng thịt thơm ngon hơn so với cá chình đực.

Công ty nuôi trồng thuỷ sản mới NovaEel  đã thành công trong việc biến cá chình thủy tinh đực thành cá cái, và nuôi chúng ở mật độ cao, các sản phẩm này không gây nguy hại cho sức khoẻ con người. Phương pháp chuyển đổi giới tính trên cá chình bằng cách sử dụng một loại estrogen có tên là estradiol có thể cái hóa này ngay cả trước khi cá chình phát triển bất cứ đặc điểm sinh dục nào có thể nhìn thấy. Điều quan trọng hơn là sau vài ngày hàm lượng estradiol của chình trở lại bình thường,không để lại dư lượng nào trong mô nên đặc biệt an toàn với người tiêu dùng.

Hiện phương pháp này mới chỉ có công ty nuôi trồng thuỷ sản mới NovaEel áp dụng thành công và ở Việt Nam chưa có công nghệ này.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

 

Cá rô phi có chất gây ung thư hay không?

Một số bài báo lưu hành trên web khẳng định cá rô phi có thể có nhiều chất gây ung thư đặc biệt là dioxin. Tuy nhiên cá rô phi không tìm thấy có chứa chất dioxin hoặc các chất gây ung thư khác.

Hiện có nhiều lo ngại cho rằng cá rô phi chứa hàm lượng các chất gây ung thư như dioxin nhiều gấp 10 lần các loài cá khác. Nguyên nhân được quy cho cá ăn nguồn thức ăn không đảm bảo. Tuy nhiên, kết quả phân tích trên cá rô phi cho thấy cá rô phi không chứa chất gây ung thư nào và hàm lượng dioxin trong cá rô phi hoàn toàn không có.

Fitzsimmons thuộc trường đại học Arinoza cho rằng cá rô phi ăn chủ yếu là tảo và thực vật thủy sinh trong tự nhiên, do đó thức ăn cho cá rô phi chủ yếu có nguồn gốc thực vật. Do đó, trong chuỗi thức ăn thì thức ăn của cả rô phi thấp hơn các loài cá ăn thịt khác như cá hồi.

Dioxin là chất tích lũy sinh học, một trong những chất có khả năng gây ung thư. Do đó, trong chuỗi thức ăn thì nồng độ dioxin càng lên cao thì tích lũy càng nhiều. Điều này cho thấy hàm lượng dioxin ở các loài cá ăn thịt như cá hồi, cá vược phải cao hơn nhiều so với cá rô phi, cá da trơn và tôm.

Kết quả phân tích hàm lượng các chất gây ung thư trong đó có dioxin trên cá hồi, cá bơn, cá rô phi, cá tra và tôm của nhóm nghiên cứu thuộc trường đại học Wageningen chỉ ra rằng “các loài ăn thịt chứa hàm lượng các chất gây ung thư cao hơn so với các loài ăn thực vật”. Hàm lượng các chất này trong cá rô phi, cá tra, và tôm là tương đương và thấp hơn nhiều so với cá hồi và cá bơn.

Phân tích mẫu cá rô phi nhập khẩu tại Mỹ cho thấy hàm lượng các chất có thể là nguyên nhân gây ung thư bao gồm mercury, cadmium và arsenic đều nằm trong ngưỡng an toàn cho người tiêu dùng.

Kết quả thống kê trên nhiều nghiên cứu cho thấy không có cơ sở khoa học cho nhận định ăn cá rô phi có thể là nguyên nhân gây ung thư. Hơn thế nữa nhiều nghiên cứu còn chỉ ra lợi ích của việc ăn cá rô phi.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Dùng cá rô phi để lọc nước cho ao nuôi tôm

Với cơ chế hút thức ăn trong môi trường nước, cá rô phi được mệnh danh là “máy lọc nước sinh học”. Do đó, loại cá này được tận dụng thả trong ao lắng, lọc lấy nước sạch để bơm vào bể nuôi tôm.

nuôi cá rô phi lọc nước cho ao tôm

Cá rô phi có thể sống ở cả môi trường nước ngọt, nước lợ lẫn nước mặn. Thức ăn chủ yếu của chúng là các loại thực vật gồm tảo sợi, tảo đơn bào, rong cỏ, mùn bã hữu cơ và một số động vật nhỏ. Điểm đặc biệt của loại cá này là phần mang tiết ra nhiều chất nhầy để bắt các hạt lơ lửng trong nước, tạo thành cục nhầy dính đầy tảo, động vật phù du, thức ăn hữu cơ… làm thức ăn.

Với cơ chế hút thức ăn trong môi trường nước, rô phi được mệnh danh là “máy lọc nước sinh học”. Dựa vào đặc tính này, các nhà khoa học đã phát kiến ra biện pháp thả cá rô phi trong ao lắng để nuôi tôm, hay còn gọi là biện pháp nuôi tôm nước xanh. Cách làm này vừa giúp tiết kiệm chi phí, vừa tạo ra nguồn nước sạch cho nuôi trồng thủy sản.

Cụ thể, các điểm nuôi tôm sẽ được thiết kế theo mô hình tuần hoàn gồm: ao nuôi tôm, ao chứa nước thải và ao lắng. Nước bơm trực tiếp từ các nguồn tự nhiên như ao, hồ, sông… sẽ được trữ trong ao lắng. Tại đây, người dân tiến hành thả cá rô phi trong khoảng một tháng. Trong suốt thời gian này, cá không được cho ăn, thay vào đó, chúng sẽ sử dụng nguồn thức ăn là xác tôm, cá, động vật thủy sản chết và các loại tảo có trong nước. Việc làm này giúp tạo ổn định cho môi trường nước, hạn chế sự phát tán của các sinh vật gây bệnh từ bên ngoài.

Nước sau khi lọc được bơm vào ao nuôi tôm. Trong quá trình nuôi, người dân bổ sung nguồn nước từ ao lắng vào ao nuôi định kỳ một lần mỗi tuần. Khi nước ở ao nuôi tôm có dấu hiệu chuyển màu, người nuôi tiến hành bơm nước ra ao thải. Tại đây, nước được lắng cặn một phần rồi cho chảy sang ao lắng thả cá rô phi. Cứ như vậy, nước được tuần hoàn và tái sử dụng, hạn chế việc xả ra môi trường.

Ở nước ta, mô hình nuôi cá rô phi trong ao lắng xuất hiện từ năm 2010 tại một số tỉnh như Sóc Trăng, Cà Mau, Bà Rịa – Vũng Tàu… Phương pháp này giúp cải thiện môi trường ao nuôi, giảm thiểu dịch bệnh; giúp tôm sinh trưởng và phát triển ổn định. Ngoài ra, cá rô phi sau khi nuôi một thời gian có thể cho thu hoạch, giúp bà con tăng thêm thu nhập. Như vậy, mô hình nuôi cá rô phi trong ao lắng không chỉ giúp tăng năng suất tôm mà còn mang lại lợi nhuận kinh tế kép cho bà con.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam