Nuôi cá Bỗng và cá Anh vũ trên đèo Á ÂU

Nuôi cá ở lưng chừng đèo, câu chuyện tưởng vô lý nhưng lại là có thật của vợ chồng anh Nguyễn Việt Hòa, xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang). Giữa mênh mông núi rừng, ngay ở lưng chừng đèo Ái Âu hiểm trở, trang trại nuôi cá đặc sản của vợ chồng người dân tộc Tày đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, là điểm đến hấp dẫn cho những du khách và thu hút đông đảo những người dân đến học tập kinh nghiệm.

Mô hình nuôi cá tiến vua của gia đình anh Nguyễn Việt Hoà.

Do có thời gian dài nuôi cá trên lòng hồ thủy điện Tuyên Quang, anh Hòa rất am hiểu về đặc tính các loại cá. Năm 2005, để xây dựng Nhà máy Thủy điện Tuyên Quang, anh cùng gia đình phải chuyển về xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình. Nhận thấy ở đèo Ái Âu có lợi thế là nguồn nước sạch, có nhiệt độ thấp, nước chảy quanh năm rất thuận lợi để nuôi cá, anh đã bàn với vợ mang tất cả số vốn dành dụm bấy lâu vào mua đất làm trang trại nuôi cá đặc sản. Anh Hòa chia sẻ: “Giờ nghĩ lại thấy quyết định của mình khi ấy là “quá liều” bởi trước đây làm gì đã có ai làm ao nuôi cá trên đỉnh núi bao giờ đâu”.

Những ngày đầu lập trang trại, vợ chồng anh phải dựa theo địa hình mà đào từng ao nuôi nhỏ rồi dẫn nước suối vào. Với kinh nghiệm từ việc nuôi cá trên lòng hồ thủy điện trước đây, anh liên hệ với các hộ đánh cá trên lòng hồ để thu mua cá nheo có kích thước bé đưa về nuôi. Nguồn nước khe ở đèo Ái Âu mát mẻ, chảy thường xuyên, đàn cá của anh phát triển tốt. Tuy nhiên, giống cá này có đặc tính là chỉ ăn những loài tôm cá nhỏ. Vì vậy, vào mùa đông, nguồn thức ăn không còn khiến cá chậm lớn. Mặt khác, nguồn cá giống cũng khan hiếm dần bởi nước hồ dâng cao, cá di chuyển lên vùng nước nông hơn ở thượng nguồn.

Không nản chí, anh lại tiếp tục đi tìm giống cá mới, biết được đặc tính loài cá bỗng, cá anh vũ thích sống vùng nước mát, có dộ dốc nên anh đã lăn lội lên Bắc Mê, Bắc Quang (Hà Giang) tìm mua. Lứa cá giống đầu tiên lấy về chỉ sống được vài ngày rồi chết nổi trắng mặt ao, đợt 2 cũng chỉ một nửa cá giống sống sót. Bao lần lội xuống ao vét bùn, vệ sinh ao cá tìm hiểu nguyên nhân, mới biết cá chết do nhiệt độ nguồn nước không phù hợp. Sau này, anh chị điều chỉnh lại dòng chảy và mực nước trong ao nuôi hợp lý nên cá mới phát triển được.

Cá bỗng và cá anh vũ là các loại cá quý hiếm, trước đây chỉ dùng để tiến vua. Đây là loại cá phát triển chậm, sau 3 năm mới đạt trọng lượng khoảng 2,5 – 3kg và khi đạt trọng lượng từ 7 – 8kg, cá mới bắt đầu sinh sản. Mặc dù lớn chậm nhưng loại cá này ít dịch bệnh, thịt cá lại dai ăn rất ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng, có giá trị kinh tế cao.

Anh Hòa cho biết, hiện nay, trang trại của anh có rộng khoảng hơn 2 ha với hơn 3.000m2 mặt nước. Trên diện tích đó, anh chia ra 10 ao thả khoảng 2.500 con cá bỗng và 1.000 con cá anh vũ. Để chủ động nguồn thức ăn cho cá, anh trồng các loại rau, bí đỏ. Hiện số cá bỗng đã có trọng lượng từ 2,5kg trở lên với giá bán trên thị trường là 250.000 đồng/kg, khi bán ra sẽ mang lại một nguồn thu rất lớn cho gia đình.

Do cá “tiến vua” phải nuôi trong khoảng thời gian dài mới có thể thu hoạch, vợ chồng anh Hòa còn nuôi thêm các loài cá ngắn ngày hơn như trắm cỏ, trôi, chép… để tăng thêm thu nhập với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”. Ngoài phát triển cá, vợ chồng anh Hoà còn trồng cam, quýt, chăn nuôi thêm vịt suối, lợn đen và gà đồi. Sau 3 năm miệt mài lao động, bãi đất hoang vu nơi lưng chừng đèo ngày nào, giờ đây đã trở thành trang trại quy mô, là điểm dừng chân của nhiều du khách.

Chia sẻ về dự định trong tương lai, anh Hòa cho biết, tới đây anh sẽ đi Sapa (Lào Cai) để học tập cách nuôi cá hồi, bởi đặc tính loài cá này lớn nhanh hơn cá anh vũ, cá bỗng mà hiệu quả kinh tế cũng cao hơn, trong khi nguồn nước ở đây có nhiệt độ thấp thích hợp cho loài cá này phát triển.

Ông Quan Văn Phùng, Chủ tịch UBND xã Thượng Lâm (Lâm Bình) cho biết, xã đang xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế dựa trên một số cây, con đặc sản là thế mạnh của địa phương. Trang trại nuôi cá bỗng và cá anh vũ của gia đình anh Hòa là một trong những mô hình kinh tế điển hình của địa phương. Nuôi cá đặc sản không những mang lại giá trị kinh tế cao còn góp phần bảo tồn những loại cá quý hiếm.

Nguồn: Dantocmiennui.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Sinh sản nhân tạo thành công cá Anh Vũ

Cá anh vũ (Semilabeo obscorus) là loài cá đặc hữu của vùng Hoa Nam-Trung Quốc và của Việt Nam. Thịt cá mềm, ít xương dăm, thơm ngon, được coi là cá tiến vua, giá bán cao nhất trong các loại cá nước ngọt hiện nay (300.000 – 400.000đ/kg) nhưng muốn ăn phải đặt trước cả tháng, thậm chí cả… năm vì không có hàng.

– Vì vậy đề án ”Bảo tồn, tái tạo và phát triển nguồn gen cá anh vũ Semilabeo obscorus (Lin 1981)” thực hiện tại Trung tâm Quốc gia giống thuỷ sản nước ngọt miền Bắc (Phú Tảo, Gia Lộc, Hải Dương), trực thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản 1 với mục tiêu nhằm phục hồi nguồn gen cá anh vũ quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng và phát triển loài cá này thành đối tượng nuôi. Cá anh vũ thu mua từ Tuyên Quang về được bố trí nuôi vỗ trong bể xi măng 50m3 có vòi phun nước tạo thành mưa từ xung quanh xuống và nước chảy ngầm dưới đáy bể. Cá được cho ăn bằng thức ăn hỗn hợp viên Cargill tỉ lệ đạm 26%, xay nhỏ trộn với bột mì làm chất dính. Thời gian nuôi vỗ từ tháng 11/2005 đến tháng 3/2006. Tổng số lượng đàn cá bố mẹ đưa vào nuôi vỗ là 316 con với trọng lượng trung bình 350g/con.

– Trong thời gian nuôi vỗ loại thức ăn cho mỗi bể được sử dụng khác nhau nhằm đánh giá hiệu quả của từng công thức thức ăn tới sự thành thục của đàn cá bố mẹ. Ba loại công thức thức ăn được bố trí ngẫu nhiên với 3 lần lặp cho ăn 10% gồm: 100% thức ăn công nghiệp (TN1), thức ăn công nghiệp kết hợp với thức ăn tự nhiên tỷ lệ 1:1 (TN2) và thức ăn công nghiệp kết hợp với thức ăn tự nhiên tỷ lệ 1:5 (TN3). Khi đến độ trưởng thành, cá được cho dùng 2 loại kích dục tố gồm RLH-A + Dom và HCG, tiêm 2 lần. Tiêm liều khởi động: 1/3 số lượng thuốc; liều quyết định: 2/3 lượng thuốc cần tiêm. Lượng tiêm cho cá đực bằng 1/3 cá cái, tiêm 1 lần. Tiến hành tiêm liều khởi động cho cá và liều quyết định sau liều khởi động khoảng 6 tiếng. Kiểm tra thấy cá bắt đầu rụng trứng thì tiến hành vuốt trứng, sẻ vào bát và tiến hành thụ tinh nhân tạo. Sau khi thụ tinh cho trứng xong đưa trứng ra các dụng cụ ấp trứng. Trứng sau khi được thụ tinh được đưa vào ấp trong 3 dụng cụ gồm: Khay ấp trứng cá rô phi, ấp trong bình tôn hình nón nhỏ vẫn dùng cho ấp cá chép hoặc ấp trong bát (ấp tĩnh). Phương pháp sử dụng bình ấp trứng cá chép cho việc ấp trứng cá anh vũ đem lại hiệu quả tốt nhất với tỷ lệ ra cá bột cao (35,8%) và tỷ lệ dị hình thấp tương đương các loài cá khác khoảng 2,8%. Mùa vụ cá thành thục và tham gia sinh sản vào tháng 4. Có thể sử dụng các loại thức ăn như lòng đỏ trứng gà, bột đậu tương để ương nuôi cá anh vũ trong giai đoạn cá bột lên cá hương đạt tỷ lệ sống trên 80% và cá lớn nhanh.

– Nghiên cứu sinh sản nhân tạo thành công mở ra triển vọng phát triển cá anh vũ thành đối tượng cá nuôi. Theo anh Nguyễn Hữu Ninh-Giám đốc Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt miền Bắc thì triển vọng của nghề nuôi cá quý rất tốt: ”Chỉ cần đặt trước, chúng tôi sẵn sàng đáp ứng nhu cầu giống cá anh vũ cho bà con với giá cả không đắt hơn nhiều so với cá thông thường.

Kinh ngạc chuyện nuôi cá tiến vua siêu khủng ở Phú Thọ

Trong đêm ngủ đầy mộng mị trên đất tổ Sơn Vi (huyện Lâm Thao, Phú Thọ) tôi như kẻ mộng du đi theo những tiếng động lạch xạch của cá anh vũ.

Tiếng mống nước của loài cá anh vũ trong bể nuôi nghe rất giống tiếng của những con chép đực vờn ép chép cái ven bờ sông Đáy quê tôi vào mùa tình tự…

Bạch Hạc, “mỏ cá” tự nhiên

Anh vũ, rầm xanh, lăng, chiên và bỗng là năm loại cá quý của các dòng sông phía Bắc được dân gian xưng tụng “ngũ quý hà thủy”. Chuyện kể rằng xưa kia có người ngư dân bắt được một con cá quý đem dâng vua Hùng. Tướng cá rất lạ. Thân giống cá chép nhưng miệng lại hệt mồm lợn. Vua ăn xong khen ngợi hết lời và ban lệ cúng tiến. Loài cá ấy chính là anh vũ.

Anh vũ quen sống ở nơi nước xiết dùng cái miệng rất khỏe của mình để bám vào vách đá cạp rêu ăn mà ăn nên mồm bành ra, rất đặc biệt.

Cái “mõm lợn” ấy chính là bộ phận ngon nhất, quý nhất của loài cá này khiến cho nhiều người phải bỏ tiền, bỏ của để săn tìm khoảnh khắc một chốc được làm vua. Anh vũ nướng, nấu, làm chả đều ngon nhưng không thể qua mặt được món hấp lá gừng, thơm ngọt ngào đến khó tả (tuy cũng có khá nhiều xương dăm).

Ngã ba Bạch Hạc nơi giao thoa ba dòng sông Đà, sông Lô, sông Hồng là một “mỏ cá” tự nhiên cho những con anh vũ trưởng thành bắt đầu hành trình thiêng liêng ngược thượng nguồn tìm bãi đẻ. Sức ép mạnh mẽ của trăm thác, ngàn ghềnh dọc đường đi khiến buồng trứng non trong bụng cá cái sớm chín, hệ sẹ trong bụng cá đực sớm mọng để rồi thực hiện nghĩa vụ duy trì nòi giống.

Nhưng đó là chuyện của nhiều năm về trước. Hàng loạt thủy điện dựng trên thượng nguồn khiến các bãi đẻ biến mất. Hàng trăm cách khai thác hủy diệt của loài người khiến sản lượng cá anh vũ giảm sút nghiêm trọng. Sông Lô, sông Chảy và sông Thao vốn sẵn anh vũ hiện hầu như không còn vết dấu. Loài cá tiến vua nức tiếng đất Hùng Vương nay bị xếp vào danh sách đỏ có nguy cơ tuyệt diệt.

Bởi chúng khan hiếm nên người ta bắt đầu nghĩ đến chuyện cho anh vũ sinh sản. Khởi đầu là Trại cá Phú Tảo thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I rồi công nghệ ấy được chuyển giao cho Chi cục Thủy sản Phú Thọ.

Chủ nhiệm dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá lăng chấm, cá anh vũ tại tỉnh Phú Thọ” là kỹ sư trẻ Nguyễn Mạnh Phúc. Cứ như lời anh nói thực ra anh vũ họ cá chép, phân họ cá trôi, thuộc loài Semilabeo obscurus. Người Kinh một số nơi còn gọi là cá buột (cá nhỏ) còn người Thái gọi là pa tỷ hay pa thỷ.

Thân giống cá chép. 

Những con anh vũ nhỏ bằng đầu ngón tay bắt trong tự nhiên trước đây thường chẳng ai để ý giờ được thu gom lại. Những con anh vũ to cỡ bàn tay được tranh mua quyết liệt với cánh nhà hàng. Thường loài cá quý này chỉ xuất hiện từ tháng 2 đến tháng 5 âm lịch, ngư dân bắt chúng bằng cụp (một dạng bẫy bằng tre, có mồi nhử, chuyên dùng bắt các loại cá ăn mồi sát đáy).

Anh vũ có kích thước khá khiêm tốn chỉ độ 3-5 lạng, hiếm khi thấy có con kích cỡ trên 1kg. Con cá nặng kỷ lục nhất mà cán bộ Chi cục mua được trong hàng chục năm thu gom ngoài tự nhiên chỉ đạt mức 1,6 kg. Vàng, bất động sản có lên, có xuống nhưng giá anh vũ nhất mực thẳng đứng khoảng 10-12 triệu/kg tùy theo trọng lượng mà đến mùa đặt cả tuần, cả tháng mới mua nổi một vài con nho nhỏ.

Trông cá đẻ hơn trông… vợ đẻ

Cá đang trong môi trường nước chảy ngoài tự nhiên khi đem về phải thuần hóa bằng cách cho vào bể có xếp đá bên dưới, có máy bơm sục tạo dòng. Vốn là loài quen ăn rêu bám đá nên người ta phải trộn thức ăn công nghiệp với bột sắn, bột mì làm chất kết dính rồi nắm chặt thành những hòn đá nhân tạo thả xuống đáy bể.

Cá theo thói quen cứ cạp mồm vào những “hòn đá” ấy mà dần dà quen với hơi cám công nghiệp. Chưa thấy loài cá nào thi gan giỏi như anh vũ. Chúng nhịn đói 15-20 ngày mới chấp nhận chịu ăn.

Sau 1-2 tháng thuần hóa trong bể, cá được đem thả xuống ao đã hút sạch bùn, trải cát vàng, xếp đá sỏi tạo hang hốc, sục ô xy bốn mùa. Chăm bẵm là thế mà tỷ lệ cá chết lúc đầu lên tới 80-90%. Sau nhiều lần điều chỉnh công nghệ, tỷ lệ chết của anh vũ khi đem vào nuôi rút xuống còn 40-50%. 200 con cá anh vũ trong đó cá cái có khối lượng từ 300g trở lên, cá đực có khối lượng 250g trở lên khi đến tuổi cập kê (3 năm) liền được tiêm kích dục tố. Kết quả hơn 90% cá cái rụng trứng và 100% cá đực chảy sẹ (tinh) màu trắng đục.

Ngày Phúc ra ao, đêm nằm lì ở phòng trực 2 tháng ròng không về nhà để trông ngóng cá đẻ. Trứng cá được vuốt vào bát, gieo tinh lên, dùng lông gà khuấy đều rồi cho vào bình ấp. Tỷ lệ sống của cá anh vũ trong giai đoạn này chỉ đạt 68% không cao như một số loài cá nước ngọt truyền thống.

Lượng cá giống thu về được 5.000 con, hoàn thành mục tiêu mà dự án đặt ra. Sau 2 năm nuôi, lũ cá bột đạt trọng lượng trung bình 100 g/con, Hội đồng bảo vệ dự án gật gù đánh giá đạt nhưng Phúc vẫn còn trăn trở lắm.

Thấy nuôi trong ao tĩnh cá chậm lớn quá, anh thử nghiệm nuôi trong ao có nguồn suối chảy vào với hy vọng gần với môi trường tự nhiên cá sẽ phát triển nhanh hơn. Gia đình ông Hà Văn Được ở xã Địch Quả huyện Thanh Sơn được chấm làm mô hình này.

Dù cách xa Chi cục vài chục cây số nhưng cứ vài tuần Phúc lại nhảo vào thăm. Thế rồi chẳng biết thông tin thế nào mà khách huyện, khách tỉnh kéo đến nườm nượp. Đoàn nào cũng giục chủ nhà vớt cá anh vũ lên xem khiến chúng bị xây xát hóa thành hao hụt. Trên 100 con anh vũ sau hơn 1 năm nuôi chỉ còn lại 10. Buồn hơn, lúc thả mỗi con nặng 30g lúc bắt mỗi con chỉ nặng 48g, chậm lớn vẫn hoàn chậm lớn.

Mất nhiều năm lao tâm, khổ tứ vì cá tiến vua, Phúc rút ra một kết luận, loại cá này đời mình nuôi nhưng đời con cháu mới được hưởng. Đã thế, kỹ thuật nuôi lại rất khó, phải sục ô xy liên tục, nước phải luân chuyển luôn luôn. Sục bùn tí là anh vũ chết sặc, kéo lưới tí là anh vũ ngửa bụng trên mặt ao.

Nhiều doanh nghiệp, cơ sở nuôi thủy sản lò dò tìm đến đây nhưng sau khi nghe thấy thế liền chạy tuột mất cả dép. Bởi thế, mục tiêu hiện tại không phải là nuôi thương phẩm mà là bảo tồn gen. Hàng trăm con anh vũ đã được thả ra ở hồ Thượng Long huyện Yên Lập, đầm Ao Trâu huyện Hạ Hòa, hồ Phượng Mao huyện Thanh Thủy, ngã ba Bạch Hạc TP Việt Trì.

Nhầm lẫn giữa “mõm trâu” và “mõm lợn”

Dự án của Nguyễn Mạnh Phúc kết thúc thì đến dự án khai thác quỹ gen cá anh vũ của Nguyễn Ngọc Sơn – một kỹ sư trẻ khác thuộc Chi cục. Ba con cá đang vẫy vùng trong bể trong cái đêm mộng mị tôi đi theo đó được chuyển về từ Hà Giang. Cũng như hàng chục con khác, chúng được bắn chíp vào lưng để theo dõi, bị lấy đi một mẩu vây nhỏ để phân tích gen nhằm tuyển chọn những con ưu tú nhất.

Vài năm gần đây trong các nhà hàng, khách sạn ở Hà Nội người ta bỗng thấy xuất hiện những con “anh vũ” khủng nặng đến 5-7 kg. Nguồn cá rất đều đặn từ trong Nam tuồn ra, nhất là ở Đăk Lăk khiến cho ước mơ một chốc thành vua của nhiều người giàu có bỗng trở nên dễ dàng.

Cá tiến vua sẵn quá khiến cho nhiều người đâm ra nghi ngờ ngay cả độ quý hiếm của chúng. Loài cá “anh vũ” trong Nam này to thế nhưng không cho đẻ được nên khi biết Phú Thọ cho sinh sản nhân tạo thành công, một đoàn cán bộ nông nghiệp tỉnh Đăk Lăk liền bay ra học tập kinh nghiệm.

Khi tận mắt chứng kiến họ đều sửng sốt thốt lên: “Cá “anh vũ” của chúng tôi không giống thế này”. Xem ảnh đối chiếu, chúng giống nhau đến 80-90%, chỉ khác ở cái miệng. Miệng anh vũ xịn nằm thụt hẳn bên dưới, hai môi dày giống cái mõm lợn còn miệng cá “anh vũ” rởm nằm ở giữa có hình cái mõm trâu thậm chí có loại còn có u ở trên đầu. Ngoại hình của cá “anh vũ” Tây Nguyên vì thế không hiền lành như anh vũ thật mà dữ dằn kiểu thủy quái.

Một sự nhầm lẫn thường thấy nữa là cá anh vũ và rầm xanh. Rầm xanh tuy cũng quý hiếm nhưng vẫn chỉ là đáng làm đàn em cho anh vũ. Ngoại hình của hai loại cá này khá giống nhau, chỉ có điều anh vũ có hai cái môi rất dày và ráp còn rầm xanh chỉ có môi trên dày còn môi dưới lại mỏng.

Vì nhẫm lẫn giữa mõm lợn và mõm trâu, môi dày và môi mỏng này mà nhiều thực khách sẵn sàng móc vài triệu đồng ra để thưởng thức. Những tưởng một chốc lên ngồi ngai vua ai ngờ ngồi nhầm… tràng kỷ mốc.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Làm giàu thành công từ mô hình nuôi cá anh vũ

Bỏ nghề buôn bán ở dưới phố, vợ chồng chị Hoàng Thị Thơm, anh Nguyễn Việt Hòa, xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) dắt díu nhau lên lưng chừng đèo Ái Au đào ao nuôi cá bổng, cá anh vũ – loài cá cổ xưa dùng tiến vua Hùng.

Khu vực nuôi cá quý anh vũ của gia đình chị Hoàng Thị Thơm, anh Nguyễn Việt Hòa được thiết kế, xây dựng kiên cố và luôn có người bảo vệ, chăm sóc.

Trong lúc nhiều người ở xã chọn mặt nước khu vực hồ thủy điện làm nơi nuôi cá, thì vợ chồng chị Thơm lại chọn địa thế nơi lưng chừng đèo Ái Au làm nơi đào ao thả cá, nhất là kiên trì nuôi loài cá quý như cá anh vũ, cá bỗng khiến những người trong xóm thán phục.

Bỏ phố về làm nông dân

Chị Hoàng Thị Thơm vừa rót trà mời khách, vừa cười bảo: Vợ chồng mình vốn là dân buôn bán dưới phố Bản Chợ chứ không hẳn là nông dân đâu. Sau này thấy kinh doanh buôn bán nhiều nhà làm quá, mà cũng chỉ có từng đấy mặt hàng, nên 2 vợ chồng mới quyết định bỏ nghề tiểu thương về nuôi cá.

Địa điểm vợ chồng anh chị chọn để dựng nghiệp là thôn Cốc Phát, nằm lưng chừng đèo Ái Au. Anh Hòa chọn khu vực khe có nước suối Khuổi Lung Vàng bắt nguồn từ đỉnh Khau Đao chảy về để dẫn nước về ao. Toàn bộ khu vực ao nuôi được xây dựng theo kiểu bậc thang. Nước từ khe chảy về ao nhỏ, tràn xuống ao lớn…

Khoảng 2 tháng nay mưa đổ về như trút, nhiều nhà nuôi cá trắng đêm canh không cho nước tràn bờ nhưng 6 ao nuôi nhà anh chị nước vào ra liên tục, đàn cá không bị ảnh hưởng gì. Năm đầu tiên bắt tay vào nuôi, cứ vài tháng anh chị lại phải đắp lại bờ do bị cua đục. Sau thấy không ổn, anh Hòa thuê nhân công xây lại toàn bộ lòng và bờ ao, vừa tránh được cua đục bờ, vừa dễ vệ sinh, thay nước.

Chọn địa thế “độc” để nuôi cá quý là cách làm của anh Hòa, chị Thơm. Anh Hòa bảo, cá anh vũ, cá dầm xanh, cá lăng, cá chiên và cá bỗng là năm loại cá quý của sông Gâm, được dân gian xưng tụng “Ngũ quý hà thủy”, trong đó giống cá anh vũ ngày càng hiếm trong tự nhiên.

Chuyện kể rằng, xưa kia có người ngư dân bắt được một con cá quý đem dâng vua Hùng. Tướng cá rất lạ. Thân giống cá chép nhưng miệng lại hệt mồm lợn. Vua ăn xong khen ngợi hết lời và ban lệ cúng tiến. Loài cá ấy chính là anh vũ. Anh vũ quen sống ở nơi nước chảy siết dùng cái miệng rất khỏe của mình để bám vào vách đá cạp rêu mà ăn nên mồm bành ra. Cái “mõm lợn” ấy chính là bộ phận ngon nhất, quý nhất của loài cá này khiến cho nhiều người phải bỏ tiền, bỏ của để săn tìm khoảnh khắc một chốc được “làm vua”.

Ngày anh Hòa còn nhỏ, cá anh vũ, dầm xanh trong tự nhiên vẫn còn rất nhiều. Nhưng càng về sau lượng cá càng ít đi, nhất là sau khi thủy điện Tuyên Quang tích nước, cá anh vũ ngược về khu vực Hà Giang nên chuyện tìm con giống về để nuôi rất khó khăn.

Đã từng có một thời gian buôn bán ở khu vực bến thủy, quen biết nhiều người đánh cá khu vực thượng nguồn sông Gâm, anh Hòa bắt mối với những người đánh cá ở Bắc Mê (Hà Giang). Có cá giống, họ xuôi theo dòng Gâm về bán lại cho anh chị. Quen mối, nhưng chuyện mua cá giống vẫn được anh Hòa, chị Thơm ví von như “đánh bạc”, bởi lẽ mỗi con cá anh vũ giống có trọng lượng chỉ tính bằng gram, lớn chưa bằng đầu đũa, mặc dù người bán cam kết nếu không phải anh vũ sẵn sàng hoàn lại tiền nhưng anh chị không dám lấy nhiều.

Năm đầu tiên, anh Hòa chỉ dám lấy hơn 100 con về nuôi thử. Sau vài tháng, cái “mõm lợn” đặc trưng của cá anh vũ đã được khẳng định, anh chị đặt mua thêm cá giống đều hơn. Sau gần 3 năm, 6 ao cá lưng chừng ngọn đèo Ái Au đã có trên 4.000 cá bỗng, 1.000 cá anh vũ; còn lại là cá chép, trôi, trắm…

Lấy tiền bán lợn, gà đầu tư nuôi cá quý

Chị Thơm tính nhẩm, tổng chi phí bỏ ra cho cái cơ ngơi con con nơi lưng chừng đèo của anh chị xấp xỉ con số 1 tỷ đồng, từ mua đất khai hoang, cải tạo ao nuôi đến chi phí cho con giống, thức ăn…

Vốn đầu tư ban đầu bỏ ra khá lớn, trong khi 2 giống cá quý đặc sản là cá bỗng và cá anh vũ lại có thời gian nuôi khá lâu, từ 3-4 năm mới được thu hoạch, nên anh chị nuôi thêm cá trôi, cá chép, lợn đen địa phương và ít gia cầm, như cách chị Thơm gọi là đầu tư “ngược”:. Tức là :Nuôi lợn, nuôi gà để lấy tiền đầu tư nuôi cá. Quanh khu vực ao nuôi, anh chị trồng thêm cỏ để làm thức ăn xanh cho đàn cá. Số cá bỗng nuôi được 3 năm đã có trọng lượng trung bình từ 2,5 – 3 kg/con. Cá anh vũ thì lớn chậm hơn, nhưng không bị thất thoát. Với giá thị trường của cá bỗng hiện nay dao động khoảng 250 đến 300 nghìn đồng/kg, riêng cá anh vũ có giá bán lên đến cả triệu đồng/kg thì tính ra, vợ chồng anh Hòa đã có một khoản tiền không hề nhỏ.

Đầu tháng 8, anh Hòa vừa có chuyến đi Sa Pa xem cách người dân ở đấy nuôi cá tầm, cá hồi. Anh Hòa bảo, đi mới thấy cùng là dân miền núi, nhưng họ làm ăn bài bản lắm. Dưới ao nuôi cá, trên bờ họ dựng giàn trồng su su, đất đai được tận dụng không có chỗ cho cỏ mọc chứ đừng nói đến chuyện cho đất nghỉ ngơi.

Năm sau, anh sẽ đào thêm một ao đón nước từ suối Khuổi Lung Vàng để nuôi cá tầm, đồng thời liên hệ với người dân địa phương mua thêm giống cá chày đất – cũng là một trong những loại cá đặc sản của Lâm Bình về nuôi. Giờ 2 vợ chồng anh chị đang tập trung cải tạo lại toàn bộ vườn tạp đưa rau bò khai, rau ngót rừng vào trồng, cùng với lợn đen, gà thả vườn, cung cấp cho các nhà hàng, quán ăn trong huyện…

Ông Vũ Đình Thường, Giám đốc Công ty TNHH Thường Mai ở thị trấn Na Hang – người cũng vừa chuyển hướng từ xây dựng cơ bản sang nuôi cá lồng ở khu vực hồ thủy điện Tuyên Quang, hễ có thời gian lại đánh xe ô tô đến thăm cơ ngơi của anh Hòa. Ông Thường bảo, mình mới đầu tư vào nuôi cá nên cũng chỉ dám nuôi những loại cá truyền thống thôi, nhưng tận mắt thấy “khối tài sản biết bơi” của vợ chồng anh Hòa, cũng muốn liều theo rồi.

6 ao nuôi cá nước trong văn vắt, người trên bờ đi đến đâu, đàn cá dưới nước theo chân đến đấy. “Khối tài sản biết bơi” ấy dự kiến đem lại thu nhập tiền tỷ cho vợ chồng chị Thơm, anh Hòa – những người biết tận dụng thời cơ, nắm bắt xu thế làm giàu.

Nguồn: Báo Tuyên Quang được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Sắp có cả “ngân hàng” cá tiến vua-Anh Vũ, Rầm xanh

Để phát triển các loại cá rầm xanh, anh vũ, từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học của tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Trung tâm Tư vấn, sản xuất, dịch vụ và Chuyển giao công nghệ thủy sản – Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I thực hiện đề tài “Nghiên cứu, ứng dụng sản xuất giống cá rầm xanh, anh vũ bằng phương pháp sinh sản nhân tạo tại Tuyên Quang”.

Đề tài được thực hiện từ năm 2013-2016 do Thạc sỹ Trần Anh Tuấn làm chủ nhiệm. Để xây dựng quy trình sinh sản nhân tạo cá Rầm xanh, Anh vũ phù hợp, dựa vào tập tính sống tự nhiên của cá và điều kiện tại tỉnh, đơn vị thực hiện đề tài đã phối hợp với Hợp tác xã Quý Long, xã Thái Long (TP Tuyên Quang) và Trung tâm Thủy sản tỉnh Tuyên Quang thực hiện đề tài.

Cá rầm xanh bố mẹ được nuôi tại Trung tâm Thủy sản tỉnh để nghiên cứu, ứng dụng sản xuất bằng phương pháp sinh sản nhân tạo.

Nhóm nghiên cứu đã thực hiện 14 đợt khảo sát cá rầm xanh, anh vũ tại các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang và thu gom cá bố mẹ ngoài tự nhiên về nuôi thuần hóa tại 2 đơn vị phối hợp gồm: 291 cá anh vũ và 160 cá rầm xanh.

Theo tài liệu tổng hợp của đơn vị thực hiện đề tài, cá rầm xanh phân bố tại các tỉnh miền núi phía Bắc, tập trung ở vùng trung du và thượng lưu các sông lớn: Sông Đà, sông Thao, sông chảy, sông Lô – Gâm… sống ở tầng đáy và kề đáy sông, nơi nước trong, nước chảy, đáy nhiều sỏi đá và rong rêu, thức ăn chủ yếu là bã hữu cơ, một số động vật không xương sống.

Cá anh vũ có tên khoa học là Pseudogyriocheilus procheilus và được chia thành 2 nhóm hình thái là thân lưng gù và thân thuôn dài, thường sống ở tầng đáy của các sông suối nước trong, sâu, chảy xiết, nơi nhiều rạn đá, có nhiều tảo đáy và rong rêu bám đá. Cá anh vũ con, mới nở ăn cặn vẩn, động vật không xương sống nhỏ, sau chuyển sang ăn mùn bã hữu cơ và tảo bám đáy…

Đơn vị thực hiện đề tài và các đơn vị phối hợp đã thực hiện cải tạo và xây dựng hệ thống sản xuất. Sau 3 năm, đơn vị đã thuần hóa và xây dựng được đàn cá anh vũ, rầm xanh bố mẹ; xây dựng và chuyển giao thành công quy trình sản xuất giống cá anh vũ và cho sinh sản được lượng cá anh vũ giống là hơn 10.000 con, số cá hương thu được là hơn 8.000 con.

Đối với cá rầm xanh, đơn vị thực hiện đã cho cá đẻ thành công, tuy nhiên trong quá trình ấp nở trứng cá, tỷ lệ thụ tinh thấp, cá bột thu được thấp và cần có nghiên cứu bổ sung để hoàn thiện quy trình.

Theo ông Đỗ Hồng Thanh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, thông thường việc nuôi 2 loại cá rầm xanh, anh vũ gặp nhiều khó khăn vì không tìm được nguồn giống, nếu có thì số lượng ít và thường do dân vạn chài cung ứng từ tự nhiên. Cá được đánh bắt thủ công bằng xung điện hoặc bằng lưới, thân cá thường bị trầy xước hoặc ảnh hưởng xương sống, khó nuôi.

Vì vậy, việc nghiên cứu và chuyển giao thành công quy trình sản xuất giống cá anh vũ góp phần mở ra cơ hội lớn đối với nghề nuôi trồng thủy sản địa phương, làm tiền đề cho những nghiên cứu tiếp theo trong việc nghiên cứu khép kín quy trình sản xuất nhân tạo cá rầm xanh, anh vũ từ con giống đến cá bố mẹ để bảo tồn và phát triển nguồn gen.

Nguồn: Báo Tuyên Quang được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Hứa hẹn tiềm năng cá anh vũ

Anh vũ (Semilabeo notabilis Peters, 1881) là một loài cá quý, thịt thơm ngon, giá trị dinh dưỡng cao. Việc đưa cá anh vũ vào nuôi đang mở ra một hướng đi mới nhiều hứa hẹn.

Đặc điểm sinh học

Cá anh vũ thuộc họ cá chép (Cyprinidae), bộ cá vược (Cypriniformes), mình thon dài màu xám tro, bụng màu vàng nhạt, có 2 đôi râu. Râu mõm lớn hơn râu hàm. Miệng có môi trên rộng, nhiều u tròn nổi. Rãnh sau môi dưới không có. Kích cỡ mắt trung bình, vây lưng không có tia gai cứug và có màu xám, vây ngực, vây bụng, vây hậu môn có màu xám pha vàng. Vảy vừa phải, xếp đều đặn, phủ kín toàn thân.

Cá anh vũ sống chủ yếu trong các ghềnh đá ngầm, nơi có nguồn nước chảy mạnh ở thượng lưu sông Hồng, sông Kỳ Cùng và sông Lam, thuộc các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Hòa Bình, Lạng Sơn và Nghệ An.

Đây là loài cá có tốc độ sinh trưởng chậm, ngoài tự nhiên tốc độ tăng trưởng của cá khoảng 0,2 – 0,3 kg/năm, kích cỡ cá trưởng thành 30 – 70cm, trọng lượng có thể đạt 5kg. Cá tham gia sinh sản sau 2 – 3 năm tuổi, mùa sinh sản bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 4 (dương lịch), trong các hang động dưới đáy sông.
Ngoài tự nhiên, cá chỉ xuất hiện vào cuối thu đầu đông khi trời có sương mù, không có mưa trên thượng nguồn, nước trong. Mùa hè mưa nhiều, nước nguồn đục hầu như cá không xuất hiện.

Triển vọng trong nuôi trồng

Cá anh vũ được xếp vào hàng “ngũ quý hà thủy”. Hiện nay, trên thị trường mỗi kilogam cá đánh bắt ngoài tự nhiên có giá hàng triệu đồng. Do giá trị cao, nhu cầu lớn nên ngư dân tại các khu vực sông nơi cá phân bố ráo riết săn bắt, thậm chí cả trong mùa sinh sản. Do vậy, cá anh vũ có nguy cơ tuyệt chủng rất cao.

Trước tình hình trên, Trung tâm Quốc gia Giống thuỷ sản nước ngọt miền Bắc (Phú Tảo, Gia Lộc, Hải Dương) đã thực hiện đề án ”Bảo tồn, tái tạo và phát triển nguồn gen cá anh vũ”. Kết quả, đã nghiên cứu sinh sản thành công và hoàn thiện quy trình nuôi thương phẩm cá anh vũ bằng thức ăn công nghiệp, mở ra một triển vọng lớn đối với nghề nuôi cá quý hiếm.

Theo ông Nguyễn Anh Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm thì triển vọng của nghề nuôi đối tượng đặc sản này là rất khả thi. Cá anh vũ tốc độ sinh trưởng chậm nhưng bù lại có giá trị kinh tế. Đối tượng này có thể nuôi trong ao nước chảy, trong lồng bè và những nơi có nguồn nước trong sạch và có hàm lượng ôxy hòa tan cao (4mg/l trở lên). Mùa vụ thả giống từ tháng 5 dương lịch, mật độ 2 – 3m2/con. Thức ăn cho cá nên kết hợp giữa thức ăn nhân tạo và tự nhiên, thời gian nuôi từ 1 năm trở lên mới có thể thu hoạch.

Cá anh vũ mới được thuần hóa từ tự nhiên nên sự thích nghi của nó đối với môi trường nuôi chưa cao. Do vậy cần đầu tư kinh phí xây dựng hệ thống ao nuôi, lồng nuôi bài bản và phải nắm rõ quy trình kỹ thuật. Mặt khác, do cá có tốc độ sinh trưởng chậm nên thời gian nuôi dài, ở môi trường nuôi nhân tạo cá thường mắc một số bệnh ngoài da nên chế độ chăm sóc cũng khắt khe hơn… Việc nuôi thành công loài cá này không chỉ giúp một loài cá quý hiếm thoát nguy cơ tuyệt chủng, mà còn góp phần đa dạng trong nuôi trồng thủy sản.

Nguồn: Thủy sản Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Vài nét về cá Ali mũ đỏ

Cá Ali Mũ Đỏ – Lethrinops Red Cap làm chúng ta liên tưởng tới “cô bé quàng khăn đỏ”. Một tấm thân nuột nà nhỏ nhắn với cái trán đỏ tươi chính là những gì mà mọi người thường nghĩ về chúng.

Tên thông dụng: Lethrinops Red Cap

Tên khoa học: Lethrinops sp. ‘Red Cap’ Mdoka

Kích thước trung bình: 15 cm

Thiết lập bể cá: Phong cách đá đặc trưng của hồ Malawi với nhiều không gian bơi lội

Kích thước bể cá tối thiểu: 300 lít

Khả năng tương thích: Thích hợp thả cùng với các loại cá ali hồ Malawi như Hap hoặc Aulonocara (peacock)

Điều kiện nước: Nhiệt độ 25 – 28 độ C, PH 7,6 – 8,6

Nuôi dưỡng: Những con cá ali Mũ Đỏ ăn khá tạp, tuy nhiên trong môi trường bể nuôi, bạn nên lựa chọn thức ăn chuyên dụng cho các dòng cá ali châu Phi.

Phân biệt giới tính: Cá ali Mũ Đỏ đực lớn hơn và nhiều màu sắc hơn khi trưởng thành. Cá nhỏ rất khó để phân biệt đực cái.

Nuôi dưỡng: Cá ali Mũ Đỏ – Lethrinops Red Cap là loài sinh sản ngậm trứng giống hầu hết các loại cá ali Châu Phi khác. Con đực sẽ tán tỉnh và bắt cặp với một con cái, sau khi nó đẻ trứng, cá đực sẽ thụ tinh. Quá trình cứ thế tiếp diễn khi tất cả trứng được thụ tinh. Con cái sẽ giữ trong miệng từ 3-4 tuần, trong thời gian này chúng sẽ không ăn uống.

Thông tin bổ sung: Đây là một trong những loài cá ali hồ Malawi ít xuất hiện trong các bể cá người chơi. Ngay cả những đơn vị kinh doanh cũng không thường xuyên nhập về dòng cá này. Đây là mộ dòng cá khá ngoan hiền, bạn nên tránh thả với các dòng cá côn đồ hung hãn như Mbuna. Những con cá hiền lành và ít hung hăng như Peacock và Hap rất được hoan nghênh thả cùng.

Nguồn: Tropicalfish được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Giới thiệu vài nét về cá Ali vỏ ốc

Thú chơi cá Ali nói chung và các tình yêu hồ Tanganyika nói riêng đang phần nào tìm lại thời phát triển rực rỡ.

Tuy không bộp chộp và nóng vội như thời mới yêu hồi đầu thập niên, phong trào hiện nay phát triển bền vững và chững chạc bởi những người chơi tâm huyết và có kiến thức. Fman xin cập nhật thông tin về một chủng cá hồ Tanganyika có tập tính ăn đáy và hình dạng như cá bống, mà nói đúng ra thì chúng chính là cá bống của hồ Tanganyika.

Kích thước bể cá tối thiểu: 30 gallon

Mức độ chăm sóc: Dễ dàng

Tính cách: Bán tích cực

Điều kiện nước: 72-82 ◦ F, KH 10-20, pH 7,8 -9,0

Kích thước tối đa: 6 cm

Màu sắc: Xanh, vàng

Chế độ ăn uống: Ăn thịt

Khả năng tương thích: Xem biểu đồ

Xuất xứ: Hồ Tanganyika

Họ: Cichlidae

Cá Vỏ Ốc – Gold Ocellatus Cichlid sống lang thang trong những vỏ ốc quanh bờ hồ Tanganyika, Châu Phi. Kích thước khiêm tốn của chúng thuộc loại gần như nhỏ nhất so với các cá thể Cichlidae khác. Cá Ali Vỏ Ốc có màu sắc chủ đạo và hơi xanh kim loại, với vây lưng và vây bụng to quá khổ, khi chúng sung lên tạo nên một dáng vẻ ấn tượng và độc đáo, và đây cũng chính là một phần giá trị quan trọng trong việc chúng được ưa chuộng trong các bể ali hồ Tang.

Vẻ đẹp của cá ali Vỏ Ốc

Bạn nên nuôi những bé ali Vỏ Ốc này trong một bể cá có kích thước từ 30 gallon trở lên để chúng có thể sinh trưởng và phát triển tốt nhất, cùng với một vài cá thể nhỏ bé của hồ Tanganyika nữa là tuyệt vời. Kết hợp thêm đá, nền cát và vài cái vỏ ốc, thì đấy chính là thiên đường cho chúng rồi đấy.

Cá Ali Vỏ Ốc để trứng, và việc nhân giống cũng khó khăn hơn bình thường rất nhiều, các cá thể cũng phát triển rất chậm, phải mất vài năm để chúng có thể trưởng thành về mặt giới tính. Ở độ tuổi trưởng thành, con đực thường lớn hơn con cái. Để ép đẻ, bạn nên trang bị cho chúng nhiều vỏ ốc vào nhé, sau 3,4 ngày trứng sẽ nở, để an toàn thì bạn nên di chuyển những thiên thần bé nhỏ này sang một bể khác. Cho các bé ăn tôm tươi và thức ăn nghiền nhỏ.

Chế độ ăn uống của những chú bống bé nhỏ này nên là thịt, tôm ngâm nước muối, và một số thức ăn chuyên dụng khác.

Nguồn: Live Aquaria được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Một số loại cá Ali đẹp

Thời gian gần đây, số lượng người biết đến cá ali tăng lên rất nhanh, những người quan tâm đến ali cũng ngày một nhiều hơn.

Cá Ali thường được phân loại theo màu sắc hình dạng

+ Cá ali xanh vằn

Tên khoa học: Maylandia zebra

Tên tiếng Anh: Zebra Malawi Cichlid

Tên tiếng Việt: Cá Ali xanh vằn; Cá Huyết trung cấp hồng

+ Cá Ali vàng

– Tên tiếng Anh: Yellow princes

– Tên tiếng Việt: Cá Ali vàng; Cá Hoàng tử Phi

– Nguồn cá: Sản xuất nội địa

+ Cá Ali Sao – Tropheus Duboisi Cichlid

Họ: Cichlidae

Kích thước tối đa: 13 cm

Màu sắc: Đen, xanh, trắng, vàng

Chế độ ăn uống: Ăn rong, tảo

+ Cá Ali Venustus – Venustus Cichlid

Mức độ chăm sóc: Dễ dàng

Điều kiệnnhiệt độ : 24 – 28 (C)

Kích thước tối đa: 25 ( cm )

Màu sắc: Xanh, trắng

Chế độ ăn uống: Ăn tạp

Xuất xứ: Châu Phi

+ Cá Ali đỏ

Cũng có đặc điểm giống các loại Ali trên

+ Cá Ali- Pseudotropheus Demasoni

Có tên là tiếng anh là Benga Peacock hoặc New Yellow Regal

cá có nguồn gốc từ Tanzania

+ Cá Ali- Aulonocara Baenschi

Tên thường gọi: Benga Peacock hoặc New Yellow Regal

Rất nhiều loài cichlids chỉ thích ăn một loại thức ăn nhưng Ali Aulonocara có thể ăn đa dạng các loại thức ăn.

+ Ngoài ra còn nhiều loại Ali khác : Như Ali trắng mắt đỏ, Ali xanh ……

Ali gấu trúc

Ali heo xanh

Ali trắng mắt đỏ

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Bố cục đá đẹp cho bể cá Ali

Phong trào chơi cá Ali ngày càng nở rộ, bắt đầu phát triển mạnh từ 3 năm trở lại đây, cá ali đang là một trong những thú chơi đầy cá tính và đam mê của người chơi cá cảnh Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.

Đối với bể cá ali, mỗi người chơi lại có những sở thích riêng trong việc sắp xếp bố cục cho bể. Có người thích một nền cát trắng với một Background 3D hoặc Tranh 3D dán phía sau. Có người lại thích một bể cá ali với bố cục đá hoành tráng, với những tảng đá lớn trong bể. Có người lại thích sử dụng những loại đá đặc biệt để làm giả cảnh một bể cá nước mặn, hay sử dụng cây nhựa để tạo nên màu xanh trong bể cá.

Dưới đây là những bố cục bể cá Ali đẹp mà cá cảnh Thái Hòa sưu tập được, hi vọng nó sẽ giúp ích phần nào cho những người mới chơi đang có ý định setup một bể cá ali cho riêng mình.

Dưới đây là một số hình ảnh về thiết kế bể cá Ali đẹp: