Các nhà nghiên cứu mới đây đã trồng thành công loại rong biển này, khắc phục phần nào tình trạng thiếu rau xanh triền miên của bộ đội trên đảo Trường Sa. Quy trình nuôi trồng rong sụn rất đơn giản, cho năng suất khá.
Rong Sụn được sử dụng làm rau xanh tại Trường Sa
Đây là dự án hợp tác giữa Viện Công nghệ sinh học, phân viện Hải dương học Hải Phòng, phân viện Khoa học vật liệu Nha Trang, ĐH quốc gia Hà Nội cùng các cán bộ, chiến sĩ trên đảo.
Rong biển là loại thực vật giàu dinh dưỡng, chứa hàm lượng cao protein, đường, chất khoáng, và nhiều loại vitamin (A, C, E…) cũng như các axit amin cần thiết cho cơ thể. Ở nước ta, rong sụn (tên khoa học là Kappaphycus alvarezii) đã được nuôi trồng tại nhiều địa phương như Kiên Giang, Bình Thuận, Phú Yên, Khánh Hoà, và đã giúp nhiều gia đình thoát khỏi đói nghèo.
Rong sụn thích hợp với các vực nước ven bờ, các bãi ngang vùng triều, các đìa đầm nuôi tôm… Quy trình trồng loại cây này rất đơn giản, chỉ cần đóng cọc, buộc dây, rồi treo giống. Trọng lượng ban đầu của búi giống từ 100-150g/bụi, được treo xuống cách mặt nước từ 0,6 đến 0,8 mét (mùa nắng nóng) và từ 0,2 đến 0,4 mét trong mùa mát. Sau hai đến ba tháng là có thể thu hoạch được, trọng lượng bụi trưởng thành từ 14 đến 16 kg.
Nghiên cứu cho thấy, nước biển tại vùng quần đảo Trường Sa rất sạch (hàm lượng tất cả các chất độc hại đều dưới giới hạn cho phép nhiều lần so với tiêu chuẩn Việt Nam), song lại rất nghèo chất dinh dưỡng (như các ion NO2, NO3, PO4 và NH4) so với nước biển ven bờ. Vì thế, việc nuôi trồng rong sụn ở quanh đảo là rất thuận lợi, tuy rằng phải bổ sung thêm những quy trình mới cho phù hợp với chất lượng nước ở đây.
Các nhà nghiên cứu cho biết có thể trồng theo kiểu giàn bè nổi ở những vũng sâu, hay kiểu dây đơn trên đáy các bãi ngang kín sóng gió. Kỹ thuật này tuy cho năng suất cao, song do sóng lớn và cá ăn nên không hiệu quả. Vì thế, có thể nuôi trồng trong bể ngay trên đảo, dễ chăm sóc, quản lý và khai thác cho từng bếp ăn nhỏ.
Cây rong sụn chứa rất nhiều giá trị dinh dưỡng
Qua 3 năm nuôi trồng thử nghiệm trong 6 bể nuôi bằng composit ở đảo Trường Sa lớn, rong sụn đạt tốc độ tăng trưởng 0,2-0,5%/ngày, thấp hơn so với nuôi trồng ven bờ, chủ yếu do ánh sáng và nhiệt độ trong bể cao. Để khắc phục tình trạng này, các nhà nghiên cứu đã tạo nên lớp cách nhiệt xung quanh bể (xếp đá san hô hoặc chèn xốp) và che bớt ánh sáng.
Nghiên cứu về rong sụn hiện vẫn trong giai đoạn thử nghiệm, nhằm đảm bảo tính bền vững và hiệu quả nuôi trồng tại quần đảo Trường Sa.
Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.