Nuôi cá chép Nhật, làm chơi ăn thật

Tận dụng hồ nuôi cá diêu hồng của gia đình, anh Nguyễn Bá Luyện ở thôn Tân Lập, xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn, Bình Định đã đầu tư nuôi cá Koi, cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Cá Koi còn gọi là cá chép Nhật, là một trong những loài cá cảnh được ưa chuộng nhất hiện nay. Trước đây, cá Koi thường được người chơi cá cảnh nuôi nhiều ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh trong khi ở Bình Định ít người làm. Vốn là người nuôi, cung cấp cá giống và ham tìm tòi những mô hình mới, năm 2014, anh Luyện vào thành phố Hồ Chí Minh mua hơn 500 con cá Koi giống thuần chuẩn về đất Bình Định nuôi thử nghiệm.

 Anh Luyện chăm sóc đàn cá Koi.

Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, đàn cá Koi của gia đình anh Luyện ngày càng phát triển. Tổng đàn hiện có 400 con có kích cỡ lớn và gần 20 nghìn con lớn nhỏ khác. Ngoài nuôi cá trong hồ xi măng, hồ đất, anh đang thử nghiệm nuôi ghép cá Koi trong lồng nuôi cá thịt diêu hồng, bước đầu có triển vọng tốt.

Anh Luyện chia sẻ, khí hậu Bình Định khá phù hợp với giống cá Koi nên cá sinh trưởng rất tốt, ít nhiễm bệnh. Thức ăn của cá Koi cũng như các loại cá khác, chủ yếu là tảo, tôm, tép và cám.

Để cá lớn nhanh, ngoài việc nuôi ở hồ xi măng vì thoáng mát, người nuôi cũng có thể nuôi ở hồ đất tự nhiên. Hồ nuôi cá Koi càng rộng càng tốt vì sẽ có lượng thức ăn tự nhiên nhiều, như thế cá sẽ nhanh lớn và đạt kích cỡ, màu đẹp.

Người nuôi cần cho cá ăn đầy đủ. Cá Koi cũng là dòng cá ăn tạp nên dễ nuôi chung với các loại cá khác. Khi cá mới lớn khả năng nhiễm bệnh cao và sức đề kháng yếu vì vậy cần xử lý hồ nuôi tốt, tạo dòng chảy nhẹ, kín gió…

Hàng ngày phải theo dõi để sớm phát hiện bệnh. Những bệnh cá Koi hay nhiễm là bệnh hô hấp, nấm da, đòi hỏi người nuôi phải chăm sóc đúng kỹ thuật, nhiệt độ hồ nuôi phải được ổn định.

Trong giai đoạn hiện nay, nhu cầu chơi cá cảnh, nhất là cá Koi đang phát triển mạnh. Đây là đối tượng rất phù hợp để người nuôi có thể nuôi ghép với các đối tượng thủy sản khác như trắm, trôi, mè, rô phi, diêu hồng… Từ đó có thể giúp bà con tăng thêm được thu nhập trên cùng 1 diện tích nuôi thả.

Mặt khác, cá Koi thuộc giống cá chép – biểu trưng cho một sức sống mạnh mẽ và tràn đầy năng lượng. Theo quan niệm của nhiều người đây là loài cá mang đến tài lộc, vận may, sự thành công và bình an cho gia đình. Nhiều người xem đây là loài cá phong thủy giúp cho gia đình may mắn, do đó những năm gần đây cá Koi luôn được thị trường ưa chuộng, nhất là những con cá đầu đàn màu sắc độc đáo có giá trị lên tới cả chục triệu đồng.

Với giá bán hiện nay, từ 200.000 đồng/kg đối với cá Koi nhỏ, cá Koi lớn có con bán từ 5 – 7 triệu đồng. Chỉ tính riêng trong năm 2018, anh Luyện xuất bán khoảng 1,5 tấn cá Koi, sau khi trừ chi phí cũng cho lãi hơn 200 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn ương và nuôi cá diêu hồng thịt, cho lợi nhuận hơn 300 triệu đồng/năm.

Nguy cơ tôm hùm nhiễm bệnh do vi khuẩn

 

Đó là cảnh báo của Trung Giống và Kỹ thuật Thủy sản Phú Yên khi kết quả quan trắc, cảnh báo môi trường nước cho thấy mật độ Vibrio tổng số vượt ngưỡng giới hạn cho phép, xảy ra ở các vùng nuôi Xuân Thịnh, Xuân Phương và Xuân Yên (TX Sông Cầu).

                Người nuôi tôm hùm cần tuân thủ khuyến cáo của cơ quan chức năng.

Do đó sẽ làm tăng nguy cơ vật nuôi dễ nhiễm bệnh do vi khuẩn. Người nuôi nên san thưa mật độ nuôi trong lồng, dãn khoảng cách giữa các lồng nuôi, tách những cá thể tôm nhiễm bệnh nuôi riêng, cần tăng cường vệ sinh lồng nuôi sạch sẽ, tạo sự thông thoáng cho lồng nuôi và vùng nuôi.

Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì lồng nuôi tại tầng giữa hoặc gần tầng mặt để tránh thiếu oxy cục bộ cho tôm nuôi, dùng lưới lan (hai lớp) che mát trên mặt lồng nhằm làm giảm cường độ ánh sáng và chống tôm bị stress, treo các túi vôi ở các góc lồng nhằm hạn chế tảo tàn do mưa dông (nhất là với thời tiết bất lợi như hiện nay), sát trùng môi trường nước, ổn định pH tạm thời … Trường hợp trời oi, đứng gió cần phải sục khí để cung cấp Oxy hòa tan cho tôm nuôi.

Ngoài ra, các hộ nuôi cũng phải thường xuyên theo dõi diễn biến môi trường, màu nước chú ý kiểm tra sự phân tầng của nước (nhiệt độ, độ mặn, ôxy hòa tan…), nhất là vùng nuôi Xuân Phương đang có nhiệt độ nước vượt ngưỡng giới hạn cho phép. Cũng như thường xuyên theo dõi hoạt động, sức khỏe tôm nuôi (nhất là khi trời nắng và đứng gió) để có những giải pháp xử lý kịp thời.

Nên lựa chọn nguồn thức ăn tươi, đảm bảo chất lượng, cần thiết sát trùng thức ăn bằng thuốc tím để đảm bảo an toàn cho vật nuôi. Định kỳ bổ sung các chế phẩm sinh học, vitamin và khoáng chất nhằm tăng cường sức đề kháng cho tôm nuôi tránh các tác nhân gây bệnh. Người nuôi nên xuất bán khi tôm đạt kích cỡ thương phẩm; hạn chế thả nuôi mới; nên san thưa mật độ tôm nuôi… nhằm giảm bớt chi phí thức ăn, tránh những tổn thất khác do biến cố môi trường xảy ra…

Phòng trị một số bệnh thường gặp ở tôm

Thực tế cho thấy, thời tiết bất thường hiện nay làm cho tôm có dấu hiệu chuyển bệnh một cách nhanh chóng. Sau đây là cách phòng trị một số bệnh thường gặp ở tôm, mời bà con theo dõi:

1.Bệnh do vi khuẩn Vibrio

  • Dấu hiệu:

Đứt râu, thối mang, đen mang, thối đuôi, đốm đen.

Tôm bẩn mình, bẩn mang, cơ thể chuyển màu hồng đỏ, tôm yếu, bỏ ăn rồi chết.

Hiện tượng chết có thể xảy ra khi bệnh ở mức độ cấp tính. Nếu mãn tính có thể gây chậm lớn, phân đàn, mềm vỏ…

  • Tác nhân gây bệnh:

Tác nhân chính gây ra các bệnh trên là vi khuẩn thuộc giống Vibrio.

Vi khuẩn Vibrio xâm nhập vào ao nuôi theo: nguồn nước, tôm giống, thức ăn, từ đáy ao nếu công tác tẩy dọn chưa tốt.

  •  Phòng – trị bệnh:

Áp dụng tổng hợp các biện pháp để kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn:

Giữ chất lượng nước ao nuôi tốt.

Không nuôi mật độ quá cao.

Tránh làm tôm bị tổn thương.

Định kỳ dùng chế phẩm vi sinh để giảm hàm lượng chất hữu cơ trong ao nuôi.

Giảm độ mặn nước xuống 15 – 20 ‰ có thể hạn chế vi khuẩn Vibrio phát triển.

Tăng sức đề kháng bằng quản lý môi trường tốt và bổ sung vitamin C, A, E.

Bệnh vi khuẩn thường xảy ra khi nước ao bẩn, tôm yếu, vì vậy nên áp dụng đồng thời các biện pháp:

Cải thiện điều kiện môi trường và diệt vi khuẩn trong cơ thể: siphon đáy, thay nước mới để làm giảm mật độ vi khuẩn trong nước. Sử dụng các sản phẩm trong danh mục cho phép của Bộ NN&PTNT và theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Tăng sức đề kháng cho tôm: bổ sung vitamin C vào thức ăn.

Sử dụng dầu mực bao gói thức ăn: 5-10ml/kg thức ăn

Kích thích lột xác bằng Saponine 10-15g/m3

2. Bệnh do vi khuẩn dạng sợi

  • Dấu hiệu bệnh lý:

Mang tôm biến đen hoặc biến màu nâu, các chân ngực và chân bơi có màu xám bám đầy lông tơ.

Bệnh nặng thì mang chuyển sang màu vàng, màu xám hoặc màu xanh bám nhiều lông tơ làm ảnh hưởng đến hô hấp. Tôm thường nổi đầu, dạt vào bờ và chết rải rác.

Nghiêm trọng hơn làm tôm không lột xác được.

Bệnh thường gặp ở ao nuôi có hàm lượng chất hữu cơ cao, mật độ nuôi dày.

  • Tác nhân gây bệnh:

Chủ yếu là Vi khuẩn dạng sợi Leucothrix mucor, ngoài ra có thể do một số vi khuẩn dạng sợi khác: Cytophagr sp, Flexibacter sp, Thiothrix sp…Chúng có thể độc lập hay phối hợp với nhau gây bệnh ở mang, thân và các phụ bộ của tôm.

Các vi khuẩn dạng sợi này sống hoại sinh trong nước biển, cửa sông và có thể bám lên bề mặt ngoài của tôm gây bệnh, có khả năng phân giải kitin, xenlulose và nhiều hợp chất hữu cơ khác.

  • Phòng – trị bệnh:

Cải thiện môi trường: thay nước, quạt nước

Cải thiện điều kiện môi trường và diệt vi khuẩn trong cơ thể: siphon đáy, thay nước mới để làm giảm mật độ vi khuẩn trong nước. Sử dụng các sản phẩm trong danh mục cho phép của Bộ NN và theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Tăng sức để kháng cho tôm: Bổ sung vitamin C

Không nuôi mật độ quá cao

Tránh làm tôm bị tổn thương

Định kỳ dùng chế phẩm vi sinh để giảm hàm lượng chất hữu cơ. Tăng cường sức đề kháng cho tôm bằng quản lý môi trường tốt và bổ sung vitamin C, A, E, và betaglucan.

Ao đã bị bệnh thì dùng 1-2mg/m3 Saponine hoặc bột hạt chè phun đều khắp ao kích thích tôm lột xác. Lột xác xong lại thêm nước để giảm nồng độ Saponine, hoặc dùng 2-5mg/m3 KMnO4 ( thuốc tím) phun khắp ao sau 4 giờ thì thay nuớc.

3.Bệnh đóng rong hay mảng bám

  • Dấu hiệu bệnh lý:

Các sinh vật bám vào chân, mắt, vỏ giáp thành một lớp lông tơ có màu đen (xem kính hiển vi rất rõ).

Tôm bị bệnh thường tách đàn nổi lên mặt nước bơi lờ đờ hay bám thành bờ, phản ứng chậm chạp, kém ăn, không lột xác được.

Bệnh nặng, các sinh vật bám phát triển bám vào mang làm tôm không thở được tôm bị thiếu ôxy nên chết.

  • Tác nhân gây bệnh:

Do các sinh vật bám gây ra:

Động vật nguyên sinh như Epistylis, Vorticella, Acineta, Ephelota.

Tảo lam như Spirulina subsalsa, Schizthrix calcicola; tảo lục như Enteromorpha sp; tảo khuê Amphora sp, Nitszchia sp.

  • Phòng – trị bệnh:

Bệnh sinh vật bám ở tôm xảy ra khi nước ao bẩn, có nhiều tảo bám, nhiều nguyên sinh động vật (trùng loa kèn) nên phải áp dụng các biện pháp:

Cải thiện điều kiện môi trường:

Duy trì độ trong thích hợp, ổn định tảo trong ao.

Tăng cường thay nước sạch (10 – 20% nước/lần) để làm giảm sinh vật bám trong ao, cải thiện môi trường

Tăng cường quạt nước để tăng hàm lượng ôxy hòa tan trong ao nuôi

Cho ăn đúng mức để tránh ô nhiễm đáy ao.

Vớt tảo nổi trên bề mặt.

Xử lý nước ao bằng chế phẩm vi sinh để hấp thu khí độc NH3 và phân hủy chất hữu cơ, hạn chế sự phát triển của tảo.

Tăng sức đề kháng cho tôm: bổ sung Vitamin C vào thức ăn để giúp tôm giảm stress, tăng sức khỏe cho tôm.

Kích thích tôm lột xác: thay nước hoặc dùng Saponin 10-15g/m3 tạt khắp ao giúp tôm lột xác đồng đều.

Diệt sinh vật bám: nếu tỷ lệ tôm nhiễm bệnh cao có thể sử dụng hóa chất diệt bớt sinh vật bám như formol (25ml/m3) hoặc CuSO4.

4.Bệnh mềm vỏ ở tôm thẻ chân trắng

  • Dấu hiệu bệnh lý:

Tôm nuôi thương phẩm bị bệnh mềm vỏ thường có dấu hiệu bệnh lý:

Tôm có màu xỉn, vỏ bị mềm có khi rất mềm, vỏ rời thịt.

Những con mềm vỏ thường yếu, kém hoạt động, dễ bị con khác ăn thịt hoặc dễ bị các sinh vật gây bệnh tấn công, dễ bị mắc các bệnh bẩn mình bẩn mang, chết rải rác.

Tôm bị mềm vỏ thường chậm lớn, giảm giá trị thương phẩm và dễ mắc các bệnh cơ hội. Bệnh thường xảy ra trong các ao nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh.

  • Tác nhân gây bệnh:

Bệnh mềm vỏ ở tôm thẻ chân trắng có liên quan đến môi trường và dinh dưỡng. Do thiếu dinh dưỡng, thức ăn thiếu Canxi và phốt pho. Độ cứng thấp.

Nước ao nuôi nhiễm thuốc trừ sâu.

Hàm lượng lân trong nước thấp.

  • Phòng – trị bệnh:

Quản lý môi trường có độ kiềm từ 80-160mg/l bằng cách: bón vôi CaCO3 hay Dolomite (CaMg(CO3)2) định kỳ một tuần một lần cho ao nuôi.

Quản lý môi trường ao nuôi thích hợp và ổn định tránh gây sốc cho tôm.

Bổ sung thêm khoáng thích hợp vào khẩu phần thức ăn như: Canxi/phos, Premix.

5.Bệnh thiếu vitamin C

  • Dấu hiệu bệnh lý:

Tôm bị bệnh thiếu vitamin C thường có các dấu hiệu bệnh lý:

Xuất hiện các vùng cơ màu đen dưới lớp vỏ ở mặt lưng của phần bụng, ở các chân bơi, chân bò, trên mang tôm cũng có các vệt đen.

Tôm ăn ít hoặc bỏ ăn, sức đề kháng giảm, khả năng chịu sốc kém, dễ bị các tác nhân gây bệnh cơ hội tấn công tôm sinh trưởng chậm, chết rải rác 1-5% hàng ngày (tỷ lệ hao hụt tổng cộng rất cao 80-90%).

Bệnh thường gặp trong ao nuôi thâm canh, đặc biệt trong những ao tảo kém phát triển.

  • Tác nhân gây bệnh:

Do khẩu phần ăn của tôm bị thiếu vitamin C

  • Phòng – trị bệnh:

Sử dụng thuốc và biện pháp trị bệnh như sau:

Bổ sung một lượng vitamin C thích hợp vào khẩu phần thức ăn cho đến khi khỏi bệnh.

Cho tôm ăn thường xuyên vitamin C với các ao nuôi bằng thức ăn công nghiệp, môi trường ao nuôi thiếu tảo.

Tổng hợp và duyệt bởi Farmtech Việt Nam

Nâng chất lượng tôm giống

Mới đây, tại Ninh Thuận, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ công nghệ với chủ đề “Nâng cao chất lượng tôm giống gắn với vùng SX tôm thương phẩm.

Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu tại hội nghị

Đây là cơ hội để các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý về lĩnh vực thủy sản và DN nuôi tôm cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm; tìm giải pháp hữu hiệu để hạn chế dịch bệnh, nâng cao chất lượng SX tôm giống nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao trước sự cạnh tranh thương mại ngày càng khốc liệt.

Theo Tổng cục Thủy sản, cuối năm 2018, cả nước có 2.457 cơ sở SX giống tôm nước lợ; trong đó có 1.855 cơ sở SX tôm sú và hơn 600 cơ sở SX giống tôm thẻ chân trắng, với sản lượng 120 tỷ con (tăng hơn 10% so với năm 2017). Khu vực sản xuất tôm giống trọng điểm là các tỉnh khu vực Nam Trung bộ gồm Ninh Thuận và Bình Thuận. Hằng năm, các cơ sở ở khu vực này cung cấp khoảng 56% số lượng giống tôm nước lợ cho nhu cầu thả nuôi của cả nước.

Ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, tôm giống có vai trò hết sức quan trọng đối với ngành tôm, nhưng nước ta vẫn chưa hoàn toàn làm chủ công nghệ chọn tạo, gia hóa, chưa thể chủ động cung ứng giống. Mỗi năm vẫn phải nhập khẩu từ 200.000 – 250.000 con tôm chân trắng bố mẹ (khoảng 90% phải ngoại nhập). Trong khi đó, một phần tôm sú bố mẹ vẫn phải thu gom từ tự nhiên. Hiện tại nước ta chỉ có giống tôm sạch bệnh phục vụ nuôi công nghiệp, chưa có con giống kháng bệnh phục vụ nuôi quảng canh.

Bên cạnh đó, giá thành SX tôm ở nước ta vẫn cao hơn các nước trong khu vực. Nguyên nhân do thức ăn nuôi tôm chiếm tỷ lệ cao trong giá thành SX (khoảng 65 – 70%); chi phí con giống cao do phải nhập khẩu tôm bố mẹ; cơ sở hạ tầng vùng nuôi chưa được đầu tư đồng bộ, dễ dẫn đến ô nhiễm; công nghệ nuôi chưa được cải tiến nên năng suất thấp. Đó chưa kể tình trạng lạm dụng thuốc, hóa chất, bơm chích tạm chất vào tôm nguyên liệu còn xảy ra ở các cơ sở nuôi nhỏ lẻ, làm ảnh hưởng đến uy tín của sản phẩm tôm Việt Nam.

Ngoài ra, thị trường xuất khẩu tôm vẫn gặp khó khăn về các loại rào cản như thuế chống bán phá giá; chương trình SIMP của Mỹ; giá tôm nhập khẩu từ Ấn Độ thấp; các thị trường ngày càng tăng cường kiểm soát chặt chẽ về an toàn và chất lượng thực phẩm…

Thời gian qua việc quản lý giống tôm nước lợ được Bộ NN-PTNT, Tổng cục Thủy sản và các địa phương rất quan tâm và chỉ đạo quyết liệt. Tổng cục Thủy sản yêu cầu Chi cục Thủy sản các tỉnh tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử lý vi phạm trong SXKD tôm giống.

Để xử lý triệt để các cơ sở vi phạm, sau mỗi đợt kiểm tra, Tổng cục Thủy sản đều công khai cơ sở vi phạm trên các phương tiên thông tin đại chúng; đồng thời gửi văn bản cho các tỉnh/thành, các ngành có liên quan để chấn chỉnh, có hướng xử lý đúng, góp phần nâng cao chất lượng giống tôm gắn với nuôi trồng.

Các đại biểu tìm hiểu mô hình nuôi tôm công nghệ cao

 

Sốt giống sầu riêng ‘xách tay’

Giống sầu riêng Musang King xuất xứ từ Malaysia có năng suất, chất lượng cao được thị trường Trung Quốc và Singapore ưa chuộng, giá bán trái từ 600.000 – 1.200.000 đồng/kg. Chính vì thế, một số cơ sở tại Lâm Đồng đã “xách tay” chồi giống này về Việt Nam, song chất lượng chưa được kiểm chứng…

Giống sầu riêng Musang King được quảng cáo “xách tay” về bán rộng rãi cho nông dân.

Vài năm qua, sầu riêng đã trở thành cây trồng được nhiều nông dân tỉnh Lâm Đồng quan tâm vì giá liên tục tăng cao. Cũng chính vì thế, không ít người đã tận dụng diện tích trồng xen trong vườn cà phê, điều, thậm chí phá bỏ diện tích cây trồng đang có để theo phong trào trồng sầu riêng.
Bước vào mùa mưa, thời điểm này thị trường cây giống sầu riêng tại Lâm Đồng càng trở nên sôi động, tấp nập cảnh người mua kẻ bán. Nhiều nông dân đi theo xe tải, sẵn sàng chở hàng trăm cây giống về trồng.
Theo lời giới thiệu, trong vai người đi mua giống sầu riêng, chúng tôi có mặt tại cơ sở sản xuất cây giống Trung Thành tại xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm. Thấy chúng tôi đến, anh bán cây giống mời chào: “Giống Musang King này “hot” nhất thị trường năm nay. Cơ sở của tôi cố gắng lắm mới nhập được hơn 5.000 chồi giống để về ghép, anh có lấy thì nhanh kẻo vài hôm nữa muốn mua cũng không còn”.
Khi được chúng tôi hỏi về nguồn gốc cây giống, anh Trung chủ cơ sở cho hay: Nông dân cứ có nhu cầu giống, loại nào, số lượng bao nhiêu thì anh săn hàng về cung cấp. Để có được giống Musang King này, anh phải nhờ người lặn lội sang tận Malaysia mua chồi mang về để ghép.
Tôi hỏi: “Thế anh mua bán có hóa đơn gì không?”. Chủ cơ sở cho hay: “Tất nhiên là không, cái này giống như hàng xách tay, họ có bán bản quyền giống cho mình bao giờ đâu mà có giấy tờ”…
Theo anh Trung, vài năm nay, người trồng sầu riêng trong tỉnh sốt sắng vì loại giống Musang King này. Đây là loại sầu riêng được mệnh danh vua của các loại sầu riêng, với giá bán rất cao, từ 600.000 đồng – 1.200.000 đồng/kg. Không chỉ vậy, loại sầu riêng này còn có hương vị đặc trưng hơn, mùi thơm nhẹ, vị béo như bơ, cơm rất vàng, hạt lép hoàn toàn. Do vậy, thời gian gần đây, người dân từ các huyện Bảo Lâm, Đạ Huoai, Di Linh và TP Bảo Lộc… đã tìm đến đây mua về trồng.
Tai huyện Đạ Huoai, nơi được coi là thủ phủ của cây sầu riêng tỉnh Lâm Đồng. Nông dân cũng đang hồ hởi phát triển mở rộng thêm diện tích với tốc độ rất nhanh, nhu cầu về giống là rất lớn.
Anh Nguyễn Quang Tùng, chủ một cở sở kinh doanh cây giống tại thị trấn Ma Đa Guôi cho hay: Nắm bắt được nhu cầu rất lớn của người dân, các cơ sở kinh doanh cây giống như anh đã chuẩn bị nguồn cây giống rất lớn được đưa từ các cơ sở “uy tín” từ các tỉnh miền Tây hay xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột, sẵn sàng cung cấp khi nông dân có nhu cầu.
Khảo sát nhanh một số cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống trên địa bàn, ngoài “siêu giống” Musang King, các loại giống sầu riêng nội địa như Ri 6, Chuồng Bò, Cái Mơn hay Monthong Thái Lan được bày bán rộng rãi với giá bán dao động từ 60.000 – 150.000 đồng/cây. Riêng giống Musang King có giá hơn 200.000 đồng/cây, chiều cao đạt 50 cm trở lên.
Theo ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng: Hiện nay, chồi giống đang là khâu khó quản lý của các cơ quan chức năng tỉnh. Bởi hiện nay, Lâm Đồng chỉ mới xây dựng và mới cấp chứng nhận cho 3 vườn sầu riêng được công nhận là cây đầu dòng. Tuy nhiên, diện tích rất nhỏ và sản lượng chồi giống là không đáng kể so với trên thị trường đang được bày bán hiện nay.
Riêng sầu riêng Musang King xuất xứ từ Malaysia là một loại giống có năng suất, chất lượng cao được thị trường Trung Quốc và Singapore ưa chuộng.
Tuy nhiên, đến nay chưa có đơn vị nào trong tỉnh đăng ký nhập khẩu chính thức giống sầu riêng này về làm khảo nghiệm, thử nghiệm tại địa phương, cũng chưa được cơ quan chuyên môn nghiên cứu đánh giá về khả năng sinh trưởng và phát triển, khả năng thích nghi với điều kiện thời tiết, chống chịu sâu bệnh… Còn Viện Khoa học Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cũng chưa công bố chính thức về việc nhập giống sầu riêng Musang King về lai ghép và trồng thực nghiệm tại Tây Nguyên để đánh giá về thổ nhưỡng, khí hậu và năng suất…
Trong thời gian tới, Chi cục cùng các ngành chức năng sẽ tiến hành tổng rà soát, kiểm tra các hộ sản xuất, kinh doanh giống trên địa bàn đúng theo quy định của Luật Trồng trọt, từ đó cung cấp thông tin các địa chỉ uy tín rộng rãi để người nông dân biết, tránh tình trạng để họ “tự bơi” như hiện nay.
“Bà con cần cân nhắc kỹ lưỡng trong việc lựa chọn, chuyển đổi loại cây trồng cho phù hợp. Bởi trồng sầu riêng mất từ 5 – 7 năm mới biết kết quả, không nên quyết định vội vàng” – ông Lại Thế Hưng khuyến cáo.

Tổng hợp và duyệt bởi Farmtech Việt Nam

Gieo lạc bằng máy chỉ 15 phút xong 1 sào

Lạc được gieo bằng máy tỷ lệ mọc tốt hơn, khoảng cách đảm bảo và đất được giữ ẩm nên củ mọc đều.

Trong giai đoạn 2017 – 2019, Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông (CETDAE) được Bộ NN-PTNT giao chủ trì dự án khuyến nông Trung ương: “Xây dựng mô hình thâm canh tổng hợp, áp dụng cơ giới hóa SX lạc tại các vùng trồng chính”.

Qua 3 năm triển khai, dự án đã nhận được những tín hiệu rất khả quan từ các địa phương trên cả nước.

Đại biểu dự hội thảo đầu bờ tại xã Liên Minh.

Tham quan mô hình cánh đồng lớn SX lạc L23 trên quy mô 15ha, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ tại xã Liên Minh, huyện Vụ Bản (Nam Định), chúng tôi thấy bà con rất phấn khởi, bởi những hiệu quả mà mô hình đem lại.

Đây là vụ đầu tiên CETDAE phối hợp với Cty CP Tư vấn đầu tư và Dịch vụ nông nghiệp Việt Nam, UBND huyện triển khai thử nghiệm máy làm đất kết hợp gieo trồng thay thế máy làm đất và công cụ gieo hạt bằng tay đã được triển khai 2 năm trước đây.

Trên diện tích thử nghiệm 7ha, toàn bộ bờ thửa được phá bỏ, ban chỉ đạo tổ chức cắm mốc lộ giới từng hộ. Toàn bộ diện tích lạc được chăm sóc cùng quy trình, thu hoạch chung và sản lượng được chia theo diện tích của từng hộ.

Giám đốc HTX Lương Kiệt, Nguyễn Văn Kế cho biết, mô hình áp dụng cơ giới hóa giúp lạc sinh trưởng, phát triển tốt và hiệu quả hơn. Việc sử dụng máy làm đất kết hợp gieo hạt thay thế cho máy làm đất và công cụ gieo hạt cầm tay giúp bà con tiết kiệm được công lao động, giảm chi phí SX.

Ông Kế phân tích: Gieo hạt bằng tay phải làm nhiều khâu hơn như rạch hàng, tra hạt, lấp hạt, mất khoảng 2 công/sào; còn gieo bằng máy chỉ mất 15 – 20 phút là gieo xong 1 sào (360m2). Lạc được gieo bằng máy tỷ lệ mọc tốt hơn, khoảng cách đảm bảo và đất được giữ ẩm nên củ mọc đều.

Đối với đào củ bằng máy, chỉ mất 20 – 30 phút/sào, trong khi đó nhổ bằng tay phải mất 1 ngày/1 sào (ngày làm 8 tiếng). Như vậy, nếu nhổ lạc bằng máy sẽ tiết kiệm thời gian và công sức rất nhiều.

Về bứt củ, nếu thực hiện bằng tay thì mất khoảng 1,5 công/sào, còn bứt củ bằng máy chỉ mất 20 phút/sào. Qua đó, giúp giảm chi phí và thời gian thu hoạch, nâng cao hiệu quả SX.

“Ngoài những ưu điểm trên, mô hình còn đưa giống lạc mới về địa phương. Giống lạc L23 rất thích hợp với thổ nhưỡng nơi đây, cây lên đồng đều, khỏe, lạc đều quả, chắc và đẹp mã, năng suất ước đạt khoảng 4,5 – 5,0 tấn/ha.

Trong khi đó, trước đây, địa phương chủ yếu trồng giống lạc Trạm dầu 207, đã bị thoái hóa nên dễ nhiễm sâu bệnh, cho năng suất thấp, chỉ từ 3 – 3,5 tấn/ha. Tính sơ bộ vụ này, chúng tôi thu nhập cao gấp 2 lần mô hình cũ. Vụ tới, chúng tôi tiếp tục mở rộng mô hình để bà con biết và tham gia”, ông Kế nhấn mạnh.

Theo dõi chỉ tiêu năng suất tại ruộng.

Nông dân Vũ Mạnh Tường (đội 3, xã Liên Minh) chia sẻ, trong SX lạc, khâu nhổ lạc và bứt củ lạc là khâu nặng nhọc nhất.

Trước đây, chúng tôi phải thức dậy từ 3 – 4h sáng để đi nhổ lạc, rất vất vả. Từ khi tham gia vào mô hình SX thâm canh và áp dụng cơ giới hóa cho lạc, chúng tôi chỉ cần mang bao tải ra đầu bờ để thu lạc về, tiết kiệm công lao động, chi phí SX.

Ông Bùi Văn Kiên, Q. Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Vụ Bản đánh giá, mô hình đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Sử dụng máy liên hoàn làm đất, lên luống, gieo hạt làm giảm 30% chi phí so với làm đất và gieo bằng công cụ đẩy tay.

Đồng thời, áp dụng máy đào củ và máy bứt củ sẽ làm giảm công lao động, rút ngắn thời gian thu hoạch để chuyển sang gieo cấy lúa mùa, giảm chi phí SX, giải quyết bài toán thiếu nguồn lao động và bỏ hoang ruộng đồng.

“Chủ trương đẩy mạnh SX lạc theo hướng thâm canh, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ đã được UBND huyện quan tâm từ nhiều năm qua. Huyện cũng có chủ trương hỗ trợ các địa phương có diện tích trồng lạc lớn xây dựng các mô hình mẫu từ đó nhân rộng ra các xã trên địa bàn huyện”, ông Kiên cho biết thêm.Phạm Văn Dân, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông, chủ nhiệm dự án cho hay, đây là năm thứ 3 trung tâm triển khai dự án tại 5 tỉnh trên địa bàn cả nước. So với cây lúa, cây lạc có những khó khăn hơn trong việc áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong các khâu. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã hoàn thành tốt mục tiêu của dự án đề ra.

Theo ông Dân, để mô hình có thể dễ dàng áp dụng vào SX cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương trong công tác quy hoạch và tổ chức SX, tạo cánh đồng lớn. Bên cạnh đó, phải xây dựng các chính sách hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng để phát huy hiệu quả nguồn hỗ trợ của nhà nước.

Ngoài ra, các nhà khoa học cần tiếp tục nghiên cứu quy trình thâm canh lạc phù hợp với áp dụng cơ giới hóa đồng bộ và xây dựng mối liên kết “4 nhà” nhằm phát triển các vùng SX lạc đạt hiệu quả cao và bền vững.

Tổng hợp và duyệt bởi Farmtech Việt Nam