Vùng núi Dran có Tết ấm no nhờ quýt đường đặc sản

Quýt trĩu quả, đầu ra ổn định, giá cao nên nhiều gia đình vùng núi Dran có nguồn thu nhập cao trong dịp Tết.

Những ngày này, người dân trồng quýt ở thị trấn Dran (huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) đang bước vào đợt chăm sóc nước rút để đảm bảo nguồn trái cây phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2020. Ở các nương trên đồi, quýt bắt đầu chuyển đỏ và người dân cũng tổ chức phát quang cây bụi ven đường, phát cỏ ở vườn để sẵn sàng cho mùa thu hoạch sắp tới.

Trên thửa vườn rộng 2,5ha, những cây quýt trĩu quả của gia đình anh Nguyễn Hoàng Vũ (thôn Phú Thuận, thị trấn Dran) bắt đầu cho thu trái bói. Nông dân chia sẻ, thời điểm này, mỗi ngày anh và vợ tìm hái những trái chín rồi bán cho vựa thu mua trong vùng với giá từ 24.000-25.000 đồng/kg.

Người dân vùng núi Dran đang tập trung chăm sóc cây để chuẩn bị thu hoạch vụ Tết Nguyên đán.

Anh Vũ thổ lộ “Tỉa quả chín thôi nhưng một ngày cũng có gần 200kg cung ứng cho người ta”. Cũng theo anh Vũ, năm nay thời tiết thuận lợi nên quýt phát triển tốt, cho năng suất cao. Ước lượng, mỗi cây cho thu hoạch từ 40-50kg trái và người trồng có cơ hội thu về trên 1 triệu đồng mỗi cây.

Cạnh vườn anh Vũ là diện tích 6 sào quýt của gia đình anh Nguyễn Hữu Thuận. Ở khu vườn này, những cây quýt cao quá đầu người được “nhuộm” đỏ bởi màu quả chín. Nông dân 32 tuổi cho biết, những năm gần đây, cây quýt là một trong những nguồn thu nhập chính vào dịp Tết của gia đình. “Quýt được mùa, được giá nên Tết gia đình cũng có một khoản để chi tiêu. Năm ngoái gia đình thu hoạch trên 4 tấn trái, thu về hơn 100 triệu đồng”, anh Nguyễn Hữu Thuận vui cười thổ lộ.

Quýt vụ Tết được mùa, được giá nên người dân vùng Dran vui mừng, phấn khởi.

Gần đây, mùa quýt cuối năm là niềm hy vọng về cái Tết ấm no của nhiều gia đình ở Dran. Theo anh Nguyễn Hữu Thuận, ngày trước, người dân địa phương trồng cà phê và mọi nguồn thu chỉ dựa vào cây trồng này. Đến khi giá cà xuống thấp, kinh tế nhiều nông hộ đã rơi vào cảnh khó khăn, điêu đứng và những cái Tết ảm đạm cũng bắt đầu từ đó.

“Bây giờ hộ nào trồng cà phê cũng ráng trồng thêm mấy chục cây quýt để tăng thu nhập. Nhờ vậy mà Tết đỡ chật vật”, nông dân 32 tuổi chia sẻ.

Tại thị trấn Dran đã hình thành nhiều vựa thu mua nông sản của người dân. Các loại trái cây như quýt đường, hồng vuông, bơ… được thương lái thu mua đều đặn nên nông dân có được đầu ra khá thuận lợi. Sau khi thu mua nông sản tè vườn, các vựa sẽ sơ chế, đóng gói và cung ứng cho đơn vị thứ 3 là các doanh nghiệp, các tư thương ở khắp nơi trên toàn quốc.

Ở Dran, cây quýt đường là giống mới phổ biến và cho năng suất cao. Ngày nay, cùng với cây hồng vuông, quýt là cây đặc sản thứ 2 của địa phương. Một nông dân thổ lộ, người Dran từng gắn với nghề trồng cà phê và ở vào khoảng năm 2005 thì một số hộ đưa quýt đường về trồng xen. Thời điểm này, người dân chọn quýt như một phương án thử nghiệm trong việc cải thiện nguồn thu nhập.

Ở Dran, những vườn quýt hơn chục năm đang cho năng suất cao. Bình quân mỗi cây cho thu hoạch từ 40-50kg/trái.

Cây quýt đường sau đó phát triển mạnh, cho trái nhiều và ngọt nên nhiều nông hộ quyết định mở rộng quy mô. “Vùng Dran có khí hậu mát mẻ nên cây phát triển tốt. Dù là khu vực triền đồi nhưng việc cung cấp nước tưới cho cây khá dễ nhờ có các hệ thống suối, mạch nước ở trên cao. Chúng tôi chỉ cần bỏ một khoản tiền mua ống nhựa về kéo nước và có thể sử dụng trong suốt nhiều năm”, ông Nguyễn Văn Thịnh cho hay.

Theo nông dân, cây quýt ở Dran phát triển mạnh và ít gặp phải sâu bệnh. Do vậy, quy trình chăm sóc cây cũng không đòi hỏi nhiều công sức hay đầu tư nhiều loại thuốc, phân bón. Vào mùa mưa, người dân bón phân để cây hấp thụ còn khoảng thời gian sau đó thì giảm dần và ngắt hẳn. Đặc thù của quýt là bị sâu đục thân nên nông dân luôn chủ động các biện pháp phòng trừ, giảm được thiệt hại.

Ông Đặng Trung, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn D’Ran cho biết, cây quýt đường ở vùng Dran được người dân trồng nhiều trong các vườn cà phê, hồng vuông và cho năng suất cao. Đây là vùng đất có khí hậu mát mẻ, thích hợp với nhiều loại cây trồng.

Theo ông Trung, ngoài quýt đường, một số cây như dứa, bơ, xoài được trồng xen cũng cho người dân cải thiện nguồn thu nhập. Hiện nay, toàn thị trấn Dran có khoảng 1.000ha diện tích trồng xen các loại.

 

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Kiên Giang tiếp tục dẫn đầu cả nước về sản lượng lúa

Năm 2019, Kiên Giang phòng, chống hạn, mặn hiệu quả, tăng xã đạt chuẩn nông thôn mới, sản lượng tôm nuôi tăng mạnh, tổng sản lượng lúa thu hoạch dẫn đầu cả nước, tăng tỷ lệ che phủ rừng…

Chiều 2/1, tại TP Rạch Giá, Sở NN-PTNT Kiên Giang tổ chức hội nghị tổng kết ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2019, triển khai kế hoạch năm 2020.

Năm 2019, Kiên Giang gieo trồng hơn 722 ngàn ha lúa, thu hoạch gần 4,3 triệu tấn, tiếp tục dẫn đầu cả nước về sản lượng.

Báo cáo tại hội nghị, TS Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang đánh giá, năm 2019, ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, thách thức, như: mặn xâm nhập sớm và sâu vào nội đồng, bệnh dịch tả heo Châu Phi diễn biến phức tạp, sạt lở bờ sông, bờ biển xảy ra nghiêm trọng, hoạt động khai thác thủy sản tiếp tục gặp nhiều khó khăn do nguồn lợi suy giảm… Tuy nhiên, đơn vị đã tổ chức thực hiện nhiệm vụ đạt nhiều kết quả, hoàn thành tiến độ kế hoạch và tăng so với cùng kỳ.

Cụ thể, công tác phòng, chống hạn, mặn, mưa bão phát huy hiệu quả, tăng xã đạt chuẩn nông thôn mới, sản lượng tôm nuôi tăng mạnh, tổng sản lượng lúa thu hoạch dẫn đầu cả nước, tăng tỷ lệ che phủ rừng… Tổng sản phẩm GRPD của ngành năm 2019 ước đạt 22.143 tỷ đồng.

Nổi bật là diện tích gieo trồng lúa đạt hơn 722 ngàn ha, sản lượng thu hoạch gần 4,3 triệu tấn. Trong đó, lúa chất lượng cao chiếm 72% diện tích gieo trồng. Liên kết sản suất lúa theo cánh đồng lớn, gắn với hợp đồng tiêu thụ sản phẩm được 56 cánh đồng, tổng diện tích hơn 33 ngàn ha.

Sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt trên 845 ngàn tấn, trong đó nuôi trồng được hơn 245 ngàn tấn, riêng tôm nuôi nước lợ thu hoạch ước đạt trên 82 ngàn tấn, tăng 11,55% so cùng kỳ. Năm 2019, dịch bệnh trên đối tượng thủy sản nuôi trồng có xảy ra nhưng được kiểm soát tốt.

Trong năm đã công nhận thêm 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng toàn tỉnh có 64/117 xã được công nhận và huyện Tân Hiệp đạt chuẩn huyện nông thôn mới và đang chuẩn bị hồ sơ thủ tục thẩm tra kết quả huyện nông thôn mới Vĩnh Thuận.

Năm 2020, Kiên Giang tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới, sản xuất hàng hóa lớn theo yêu cầu thị trường. Trong đó, sản lượng lúa đạt khoảng 4,3 triệu tấn, tỷ lệ lúa chất lượng cao phấn đấu chiếm 80% diện tích gieo trồng. Thủy sản khai thác và nuôi trồng đạt 755 ngàn tấn, riêng tôm nuôi là 85 ngàn tấn. Chăn nuôi tổng đàn heo 200 ngàn con, trâu, bò 18 ngàn con, gia cầm 6 triệu con. Duy trì tỷ lệ che phủ rừng đạt 12,01%. Công nhận thêm 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Nông dân Lục Yên nuôi gà sống thiến phục vụ Tết

Thời điểm này, các hộ chăn nuôi gà sống thiến tại huyện Lục Yên (Yên Bái) đang tất bật chuẩn bị nguồn hàng “đặc sản” để cung cấp cho thị trường Tết.

Gà sống thiến được lựa chọn và chăm sóc kỹ càng phục vụ Tết Nguyên đán.

Để chuẩn bị cho thị trường Tết đang tới gần, gia đình ông Hoàng Văn Sao- thôn Sơn Bắc, xã Mai Sơn đã tích cực chăm sóc đàn gà sống thiến của gia đình.

Để đàn gà sống thiến gần 100 con khỏe mạnh không mắc các dịch bệnh thì ngoài việc vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, tiêm phòng đầy đủ, gia đình ông Sao còn tăng cường nguồn thức ăn cho gà như ngô, thóc…, bổ sung vitamin và thường xuyên khử trùng chuồng trại.

Để đảm bảo có nguồn thực phẩm “đặc sản” phục vụ Tết Nguyên đán gia đình đã nuôi từ đầu năm, hiện nay đàn gà sống thiến của ông đang chuẩn bị cho bán ra thị trường.

Nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng vào dịp cuối năm thường mua gà sống thiến để làm quà biếu Tết, gia đình bà Hoàng Thị Ất, thôn Sơn Bắc đã chuẩn bị trên 100 con gà sống thiến xuất bán dịp Tết.

Để có nguồn gà ngon, bán được giá ngoài việc cung cấp thức ăn bằng thóc, ngô và rau xanh cho đàn gà, gia đình bà thường xuyên vệ sinh chuồng trại không để đàn gà bị đói rét hoặc bị nhiễm bệnh.

Gà đủ tiêu chuẩn bán là gà có đuôi dài, mã đẹp, lông cổ gà phải xổ đủ và đạt trọng lượng từ 1,8 đến 2kg một con, giá bán vào dịp Tết thường đạt 180 đến 200 nghìn đồng/kg.

Tuy nhiên, gà sống thiến khó nuôi do sức đề kháng kém, không ưa ăn thức ăn công nghiệp nên để có gà xuất bán vào đúng dịp Tết gia đình bà Ất đã áp dụng nhiều biện pháp chăn nuôi để chăm sóc đàn gà.

Để tạo điều kiện cho hộ chăn nuôi gà sống thiến và các thương lái mua bán gà phục vụ dịp tết được thuận lợi, huyện Lục Yên tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan như Đội Quản lý thị trường, Công an, … giám sát việc vận chuyển, ra vào; đối với gà không rõ nguồn gốc, xuất xứ trà trộn làm ảnh hưởng đến chất lượng cũng như thương hiệu gà sống thiến Lục Yên. Chính quyền địa phương đã tuyên truyền đến các hộ dân, nhất là các hộ nuôi quy mô lớn triển khai đầy đủ các biện pháp chăm sóc, phòng chống dịch bệnh để đảm bảo đàn vật nuôi phát triển tốt.

Từ nay đến Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 dự báo sẽ có nhiều đợt rét đậm, do vậy các hộ chăn nuôi gà sống thiến trên địa bàn huyện Lục Yên cần tiếp tục tập trung chăm sóc, kiểm soát dịch bệnh để gà phát triển tốt và có chất lượng phục vụ cho khách hàng trong và ngoài huyện.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

 

Tìm hiểu về cây sâm nhung thủy canh

Sâm Nhung là một dạng Bonsai, nó được ví như một bức tranh độc đáo. Nổi bật cùng phiến lá nhỏ xanh mướt, cây được nhiều người ưa chuộng bởi mỗi cây mang một thế riêng khác biệt. Giá trị của Bonsai không những thể hiện ở dáng/ thế cây, mà nó còn mang lại cảm giác sảng khoái trong tâm hồn người thưởng thức.

1. Đặc điểm của cây Sâm nhung

– Cây sâm nhung: Ưa quang hợp, kỵ nước, chơi cây theo thế. Cây bonsai thuần sang môi trường nước được bố trí vào không gian sống. Đặt cây nơi cửa sổ có ánh sáng chiếu vào hoặc nơi có ánh sáng quang hợp mạnh.

2. Ý nghĩa phong thủy của cây sâm nhung

Sâm Nhung tượng trưng cho sức khỏe căng đầy, tuổi thọ dài lâu và bền vững, ổn định trên con đường danh lợi của gia chủ.

– Trong sự nghiệp: Cây mang lại may mắn, tiền tài. Giúp xua đuổi kẻ xấu hãm hại, thành công trở nên dễ dàng hơn , giữ tiền bạc của cải cho gia đình . Hơn nữa cây giúp tịnh tâm khiến tâm hồn thoải mái , thư giãn làm việc gì cũng đạt hiểu quả cao hơn.

– Trong tình cảm: Sâm Nhung như món quà trao gửi yêu thương – căng đầy sức khỏe, giúp gia tăng tuổi thọ và suôn sẻ mọi điều !

Cây Sâm Nhung hợp mạng Mộc: sẽ giúp mang lại năng lượng dồi dào và rất yên bình. Hơn nữa, cây phát lộc có nhiều đốt rỗng nên tinh thần của gia chủ cũng dễ lưu thông, tâm hồn được tự do, thăng hoa.

Cây Sâm Nhung hợp tuổi Mão: đặt đúng vị trí sẽ mang lại sức khỏe và sự may mắn, có tác dụng chiêu tài.

3. Cách chăm sóc cây Sâm nhung

Trong quá trình phát triển, cây thường thay lá, lá cây sẽ bị úa vàng, nếu bạn không ngắt bỏ thì lá sẽ rơi vào nước, làm đục nước. Do đó bạn nên thay nước cho cây từ 1-2 lần/ tuần với mực nước yêu cầu: 2/3 so với rễ cây. Việc phun sương lên lá sẽ làm lá xanh và phát triển tốt.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Trái xù xì nức tiếng Đồng Nai

Những vườn chôm chôm Long Khánh thời điểm vào mùa thu hoạch.

Gắn với trái “trái xù xì” nổi tiếng đất Đồng Nai là những câu chuyện dài về nỗ lực xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm bằng uy tín, chất lượng.

Những vườn trái bắt đầu đỏ rực đỏ với không khí vui tươi của nhà vườn mùa thu hoạch…

Vào “bảng vàng” đặc sản quốc gia

Với hơn 11.000ha, Đồng Nai là địa phương có diện tích chôm chôm lớn nhất cả nước. Hầu hết các vườn chôm chôm đều đang ở giai đoạn cây cho thu hoạch, luôn trúng mùa cho năng suất và sản lượng cao. Vào mùa thu hoạch trái, các tuyến đường ở TP Long Khánh, huyện Thống Nhất, Xuân Lộc… đâu đâu cũng thấy hình ảnh “trái xù xì”, râu mọc tua tủa đậu sai trĩu cành, rực đỏ.

Tháng 6/2016, niềm vui lớn đến với nông dân nơi đây khi Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm chôm chôm Long Khánh. Hai sản phẩm chôm chôm nhãn và chôm chôm tróc (Java) được trồng tại các xã Bình Lộc, Xuân Tân, Bảo Vinh, Bảo Quang (Long Khánh); Xuân Ðịnh, Bảo Hòa (huyện Xuân Lộc); Xuân Thiện, Quang Trung, Gia Kiệm và Gia Tân 3 (huyện Thống Nhất); xã Sông Nhạn, Xuân Quế, Bảo Bình và Xuân Bảo (huyện Cẩm Mỹ).

Đây là những địa phương có điều kiện tự nhiên đặc thù về địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng khá thuận lợi giúp nâng cao chất lượng của chôm chôm Long Khánh với tổng diện tích gần 7.000ha. Việc cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm chôm chôm Long Khánh đã đưa sản phẩm này vào “bảng vàng” đặc sản quốc gia, không chỉ góp phần khẳng định thương hiệu mà còn mở ra nhiều cơ hội về thị trường.

Trưởng ban Dân vận Thành ủy Long Khánh, Phạm Văn Hoàng phấn khởi: “Việc trái chôm chôm Long Khánh được cấp chỉ dẫn địa lý tạo điều kiện để người tiêu dùng biết rõ hơn thông tin về nguồn gốc, chất lượng và góp phần đổi mới cách nhìn của người tiêu dùng về sản phẩm”.

 

 

Những nhà vườn trồng chôm chôm Long Khánh chia sẻ kinh nghiệm với nhau.

Tuy nhiên theo ông Hoàng, đây mới chỉ là bước khởi đầu xây dựng thương hiệu mạnh cho trái chôm chôm Long Khánh, vấn đề quan trọng làm sao để nâng tầm trái chôm chôm Long Khánh giữ được chất lượng trái ngon, an toàn, để mang lại giá trị bền vững cho thương hiệu chôm chôm này.

Ông Phùng Thanh Tâm, Giám đốc HTX Nông nghiệp xã Bình Lộc chia sẻ: “Bản thân tôi cũng như nhiều bà con trồng chôm chôm rất vui khi sản phẩm chôm chôm tróc và chôm chôm nhãn đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý với thương hiệu chôm chôm Long Khánh. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có những vùng chuyên canh, trồng đại trà theo cánh đồng lớn. Do vậy chúng tôi sẽ cố gắng động viên khuyến khích xã viên quan tâm đầu tư thêm cho hai loại chôm chôm này”.

Theo ông Tâm, thời gian qua UBND thị xã Long Khánh đã hỗ trợ nông dân xây dựng mô hình điểm sản xuất chôm chôm VietGAP tại xã Bình Lộc nhưng thực tế mô hình này vẫn chưa phát triển mạnh. Do vậy, Nhà nước cần có chính sách bảo hộ cho trái chôm chôm Long Khánh, vì nếu không sẽ dẫn đến tình trạng nông dân sẽ chặt bỏ chôm chôm tróc và nhãn vì giá cả thị trường thấp, bấp bênh và không cho hiệu quả kinh tế bằng giống chôm chôm Thái.

Câu chuyện dài về ý thức sản xuất

Gắn với mỗi sản phẩm nông sản Đồng Nai đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý là những câu chuyện dài về nỗ lực xây dựng thương hiệu cho sản phẩm bằng uy tín, chất lượng.

Sản phẩm chôm chôm Long Khánh nay đã được cấp chỉ dẫn địa lý.

Năm 1991, ông Nguyễn Vĩnh Thủy là người đầu tiên trồng chôm chôm nhãn tại xã Xuân Định (huyện Xuân Lộc). Ông Thủy kể: “Những năm 1980, tôi từng đi buôn chôm chôm, thời điểm đó vùng Long Khánh rất ít người trồng được chôm chôm nhãn nên giá bán luôn cao hơn gấp 4 – 5 lần chôm chôm thường. Do vậy, tôi quyết định đầu tư mở rộng diện tích lên gần chục ha chôm chôm nhãn và để vườn phát triển tự nhiên không ép cây ra trái vụ vì cây, trái đúng mùa sẽ cho mẫu mã đẹp và chất lượng ngon nhất”.

Theo HTX Nông nghiệp, dịch vụ – thương mại Bình Lộc, trên địa bàn xã Bình Lộc, HTX có 46 hộ dân tham gia đăng ký dự án cánh đồng lớn chôm chôm theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 69 ha. Nhiều hộ đã phối hợp liên kết với các chủ vườn trong Tổ hợp tác dịch vụ vườn Bình Lộc phục vụ khách du lịch tham quan, mang lại lợi nhuận cao.

Theo ông Phùng Gia Từ, ấp 4, xã Bình Lộc, TP Long Khánh, từ khi có chỉ dẫn địa lý, nhà vườn đã tích cực đầu tư vào sản xuất theo quy trình và mở rộng các dịch vụ sinh thái phục vụ khách du lịch; đồng thời kỳ vọng đây sẽ là cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu để loại trái cây đặc sản này sẽ có giá tốt, đầu ra ổn định hơn.

Ông Phùng Thanh Tâm, Giám đốc HTX Nông nghiệp – Dịch vụ – Thương mại Bình Lộc xác nhận, từ cuối vụ thu hoạch chôm chôm 2016 đến nay, người dân đã không còn chặt bỏ chôm chôm bản địa.

HTX đã phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng cánh đồng lớn chôm chôm nhãn, chôm chôm tróc. Đồng thời, vận động xã viên tích cực tham gia sản xuất theo quy trình và liên kết với các đối tác nhằm mở rộng thị trường.

Thực tế, vẫn còn nhiều thách thức để loại trái cây đặc sản này khẳng định được vị thế của mình. Chôm chôm Long Khánh có kích cỡ trái lớn, mẫu mã đẹp, mùi vị thơm ngon đậm đà nên từng được bình chọn vào tốp 50 loại trái cây nổi tiếng nhất của Việt Nam.

Tuy là đặc sản nổi tiếng từ lâu nhưng số phận của trái chôm chôm địa phương vẫn khá long đong với đầu ra còn bấp bênh. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến trái chôm chôm Đồng Nai chưa thể đi xa.

 

Sản phẩm chôm chôm Long Khánh được đưa vào bảng vàng quốc gia.

Ông Trần Mộng Thành, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Long Khánh cho biết, hiện vùng chuyên canh chôm chôm đã hình thành và đang dần chuẩn hóa về chất lượng giống, ứng dụng KH-KT vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. TP Long Khánh đã hỗ trợ nông dân xây dựng một số mô hình điểm sản xuất chôm chôm VietGAP tại xã Bình Lộc và quy trình sản xuất sạch này đang được nông dân ứng dụng rộng rãi.

Thời gian gần đây, Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai cũng đã tổ chức các cuộc họp bàn lấy ý kiến đóng góp từ các địa phương; đồng thời cho triển khai lấy mẫu đất, nước tại các vùng trồng chôm chôm trên địa bàn để phân tích và sớm có kết quả và đưa ra giải pháp hỗ trợ các địa phương khôi phục và phát triển cây chôm chôm bản địa mới được cấp chỉ dẫn địa lý.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam