Vùng núi Dran có Tết ấm no nhờ quýt đường đặc sản

Quýt trĩu quả, đầu ra ổn định, giá cao nên nhiều gia đình vùng núi Dran có nguồn thu nhập cao trong dịp Tết.

Những ngày này, người dân trồng quýt ở thị trấn Dran (huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) đang bước vào đợt chăm sóc nước rút để đảm bảo nguồn trái cây phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2020. Ở các nương trên đồi, quýt bắt đầu chuyển đỏ và người dân cũng tổ chức phát quang cây bụi ven đường, phát cỏ ở vườn để sẵn sàng cho mùa thu hoạch sắp tới.

Trên thửa vườn rộng 2,5ha, những cây quýt trĩu quả của gia đình anh Nguyễn Hoàng Vũ (thôn Phú Thuận, thị trấn Dran) bắt đầu cho thu trái bói. Nông dân chia sẻ, thời điểm này, mỗi ngày anh và vợ tìm hái những trái chín rồi bán cho vựa thu mua trong vùng với giá từ 24.000-25.000 đồng/kg.

Người dân vùng núi Dran đang tập trung chăm sóc cây để chuẩn bị thu hoạch vụ Tết Nguyên đán.

Anh Vũ thổ lộ “Tỉa quả chín thôi nhưng một ngày cũng có gần 200kg cung ứng cho người ta”. Cũng theo anh Vũ, năm nay thời tiết thuận lợi nên quýt phát triển tốt, cho năng suất cao. Ước lượng, mỗi cây cho thu hoạch từ 40-50kg trái và người trồng có cơ hội thu về trên 1 triệu đồng mỗi cây.

Cạnh vườn anh Vũ là diện tích 6 sào quýt của gia đình anh Nguyễn Hữu Thuận. Ở khu vườn này, những cây quýt cao quá đầu người được “nhuộm” đỏ bởi màu quả chín. Nông dân 32 tuổi cho biết, những năm gần đây, cây quýt là một trong những nguồn thu nhập chính vào dịp Tết của gia đình. “Quýt được mùa, được giá nên Tết gia đình cũng có một khoản để chi tiêu. Năm ngoái gia đình thu hoạch trên 4 tấn trái, thu về hơn 100 triệu đồng”, anh Nguyễn Hữu Thuận vui cười thổ lộ.

Quýt vụ Tết được mùa, được giá nên người dân vùng Dran vui mừng, phấn khởi.

Gần đây, mùa quýt cuối năm là niềm hy vọng về cái Tết ấm no của nhiều gia đình ở Dran. Theo anh Nguyễn Hữu Thuận, ngày trước, người dân địa phương trồng cà phê và mọi nguồn thu chỉ dựa vào cây trồng này. Đến khi giá cà xuống thấp, kinh tế nhiều nông hộ đã rơi vào cảnh khó khăn, điêu đứng và những cái Tết ảm đạm cũng bắt đầu từ đó.

“Bây giờ hộ nào trồng cà phê cũng ráng trồng thêm mấy chục cây quýt để tăng thu nhập. Nhờ vậy mà Tết đỡ chật vật”, nông dân 32 tuổi chia sẻ.

Tại thị trấn Dran đã hình thành nhiều vựa thu mua nông sản của người dân. Các loại trái cây như quýt đường, hồng vuông, bơ… được thương lái thu mua đều đặn nên nông dân có được đầu ra khá thuận lợi. Sau khi thu mua nông sản tè vườn, các vựa sẽ sơ chế, đóng gói và cung ứng cho đơn vị thứ 3 là các doanh nghiệp, các tư thương ở khắp nơi trên toàn quốc.

Ở Dran, cây quýt đường là giống mới phổ biến và cho năng suất cao. Ngày nay, cùng với cây hồng vuông, quýt là cây đặc sản thứ 2 của địa phương. Một nông dân thổ lộ, người Dran từng gắn với nghề trồng cà phê và ở vào khoảng năm 2005 thì một số hộ đưa quýt đường về trồng xen. Thời điểm này, người dân chọn quýt như một phương án thử nghiệm trong việc cải thiện nguồn thu nhập.

Ở Dran, những vườn quýt hơn chục năm đang cho năng suất cao. Bình quân mỗi cây cho thu hoạch từ 40-50kg/trái.

Cây quýt đường sau đó phát triển mạnh, cho trái nhiều và ngọt nên nhiều nông hộ quyết định mở rộng quy mô. “Vùng Dran có khí hậu mát mẻ nên cây phát triển tốt. Dù là khu vực triền đồi nhưng việc cung cấp nước tưới cho cây khá dễ nhờ có các hệ thống suối, mạch nước ở trên cao. Chúng tôi chỉ cần bỏ một khoản tiền mua ống nhựa về kéo nước và có thể sử dụng trong suốt nhiều năm”, ông Nguyễn Văn Thịnh cho hay.

Theo nông dân, cây quýt ở Dran phát triển mạnh và ít gặp phải sâu bệnh. Do vậy, quy trình chăm sóc cây cũng không đòi hỏi nhiều công sức hay đầu tư nhiều loại thuốc, phân bón. Vào mùa mưa, người dân bón phân để cây hấp thụ còn khoảng thời gian sau đó thì giảm dần và ngắt hẳn. Đặc thù của quýt là bị sâu đục thân nên nông dân luôn chủ động các biện pháp phòng trừ, giảm được thiệt hại.

Ông Đặng Trung, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn D’Ran cho biết, cây quýt đường ở vùng Dran được người dân trồng nhiều trong các vườn cà phê, hồng vuông và cho năng suất cao. Đây là vùng đất có khí hậu mát mẻ, thích hợp với nhiều loại cây trồng.

Theo ông Trung, ngoài quýt đường, một số cây như dứa, bơ, xoài được trồng xen cũng cho người dân cải thiện nguồn thu nhập. Hiện nay, toàn thị trấn Dran có khoảng 1.000ha diện tích trồng xen các loại.

 

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Kiên Giang tiếp tục dẫn đầu cả nước về sản lượng lúa

Năm 2019, Kiên Giang phòng, chống hạn, mặn hiệu quả, tăng xã đạt chuẩn nông thôn mới, sản lượng tôm nuôi tăng mạnh, tổng sản lượng lúa thu hoạch dẫn đầu cả nước, tăng tỷ lệ che phủ rừng…

Chiều 2/1, tại TP Rạch Giá, Sở NN-PTNT Kiên Giang tổ chức hội nghị tổng kết ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2019, triển khai kế hoạch năm 2020.

Năm 2019, Kiên Giang gieo trồng hơn 722 ngàn ha lúa, thu hoạch gần 4,3 triệu tấn, tiếp tục dẫn đầu cả nước về sản lượng.

Báo cáo tại hội nghị, TS Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang đánh giá, năm 2019, ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, thách thức, như: mặn xâm nhập sớm và sâu vào nội đồng, bệnh dịch tả heo Châu Phi diễn biến phức tạp, sạt lở bờ sông, bờ biển xảy ra nghiêm trọng, hoạt động khai thác thủy sản tiếp tục gặp nhiều khó khăn do nguồn lợi suy giảm… Tuy nhiên, đơn vị đã tổ chức thực hiện nhiệm vụ đạt nhiều kết quả, hoàn thành tiến độ kế hoạch và tăng so với cùng kỳ.

Cụ thể, công tác phòng, chống hạn, mặn, mưa bão phát huy hiệu quả, tăng xã đạt chuẩn nông thôn mới, sản lượng tôm nuôi tăng mạnh, tổng sản lượng lúa thu hoạch dẫn đầu cả nước, tăng tỷ lệ che phủ rừng… Tổng sản phẩm GRPD của ngành năm 2019 ước đạt 22.143 tỷ đồng.

Nổi bật là diện tích gieo trồng lúa đạt hơn 722 ngàn ha, sản lượng thu hoạch gần 4,3 triệu tấn. Trong đó, lúa chất lượng cao chiếm 72% diện tích gieo trồng. Liên kết sản suất lúa theo cánh đồng lớn, gắn với hợp đồng tiêu thụ sản phẩm được 56 cánh đồng, tổng diện tích hơn 33 ngàn ha.

Sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt trên 845 ngàn tấn, trong đó nuôi trồng được hơn 245 ngàn tấn, riêng tôm nuôi nước lợ thu hoạch ước đạt trên 82 ngàn tấn, tăng 11,55% so cùng kỳ. Năm 2019, dịch bệnh trên đối tượng thủy sản nuôi trồng có xảy ra nhưng được kiểm soát tốt.

Trong năm đã công nhận thêm 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng toàn tỉnh có 64/117 xã được công nhận và huyện Tân Hiệp đạt chuẩn huyện nông thôn mới và đang chuẩn bị hồ sơ thủ tục thẩm tra kết quả huyện nông thôn mới Vĩnh Thuận.

Năm 2020, Kiên Giang tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới, sản xuất hàng hóa lớn theo yêu cầu thị trường. Trong đó, sản lượng lúa đạt khoảng 4,3 triệu tấn, tỷ lệ lúa chất lượng cao phấn đấu chiếm 80% diện tích gieo trồng. Thủy sản khai thác và nuôi trồng đạt 755 ngàn tấn, riêng tôm nuôi là 85 ngàn tấn. Chăn nuôi tổng đàn heo 200 ngàn con, trâu, bò 18 ngàn con, gia cầm 6 triệu con. Duy trì tỷ lệ che phủ rừng đạt 12,01%. Công nhận thêm 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Nông dân Lục Yên nuôi gà sống thiến phục vụ Tết

Thời điểm này, các hộ chăn nuôi gà sống thiến tại huyện Lục Yên (Yên Bái) đang tất bật chuẩn bị nguồn hàng “đặc sản” để cung cấp cho thị trường Tết.

Gà sống thiến được lựa chọn và chăm sóc kỹ càng phục vụ Tết Nguyên đán.

Để chuẩn bị cho thị trường Tết đang tới gần, gia đình ông Hoàng Văn Sao- thôn Sơn Bắc, xã Mai Sơn đã tích cực chăm sóc đàn gà sống thiến của gia đình.

Để đàn gà sống thiến gần 100 con khỏe mạnh không mắc các dịch bệnh thì ngoài việc vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, tiêm phòng đầy đủ, gia đình ông Sao còn tăng cường nguồn thức ăn cho gà như ngô, thóc…, bổ sung vitamin và thường xuyên khử trùng chuồng trại.

Để đảm bảo có nguồn thực phẩm “đặc sản” phục vụ Tết Nguyên đán gia đình đã nuôi từ đầu năm, hiện nay đàn gà sống thiến của ông đang chuẩn bị cho bán ra thị trường.

Nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng vào dịp cuối năm thường mua gà sống thiến để làm quà biếu Tết, gia đình bà Hoàng Thị Ất, thôn Sơn Bắc đã chuẩn bị trên 100 con gà sống thiến xuất bán dịp Tết.

Để có nguồn gà ngon, bán được giá ngoài việc cung cấp thức ăn bằng thóc, ngô và rau xanh cho đàn gà, gia đình bà thường xuyên vệ sinh chuồng trại không để đàn gà bị đói rét hoặc bị nhiễm bệnh.

Gà đủ tiêu chuẩn bán là gà có đuôi dài, mã đẹp, lông cổ gà phải xổ đủ và đạt trọng lượng từ 1,8 đến 2kg một con, giá bán vào dịp Tết thường đạt 180 đến 200 nghìn đồng/kg.

Tuy nhiên, gà sống thiến khó nuôi do sức đề kháng kém, không ưa ăn thức ăn công nghiệp nên để có gà xuất bán vào đúng dịp Tết gia đình bà Ất đã áp dụng nhiều biện pháp chăn nuôi để chăm sóc đàn gà.

Để tạo điều kiện cho hộ chăn nuôi gà sống thiến và các thương lái mua bán gà phục vụ dịp tết được thuận lợi, huyện Lục Yên tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan như Đội Quản lý thị trường, Công an, … giám sát việc vận chuyển, ra vào; đối với gà không rõ nguồn gốc, xuất xứ trà trộn làm ảnh hưởng đến chất lượng cũng như thương hiệu gà sống thiến Lục Yên. Chính quyền địa phương đã tuyên truyền đến các hộ dân, nhất là các hộ nuôi quy mô lớn triển khai đầy đủ các biện pháp chăm sóc, phòng chống dịch bệnh để đảm bảo đàn vật nuôi phát triển tốt.

Từ nay đến Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 dự báo sẽ có nhiều đợt rét đậm, do vậy các hộ chăn nuôi gà sống thiến trên địa bàn huyện Lục Yên cần tiếp tục tập trung chăm sóc, kiểm soát dịch bệnh để gà phát triển tốt và có chất lượng phục vụ cho khách hàng trong và ngoài huyện.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

 

Tìm hiểu về cây sâm nhung thủy canh

Sâm Nhung là một dạng Bonsai, nó được ví như một bức tranh độc đáo. Nổi bật cùng phiến lá nhỏ xanh mướt, cây được nhiều người ưa chuộng bởi mỗi cây mang một thế riêng khác biệt. Giá trị của Bonsai không những thể hiện ở dáng/ thế cây, mà nó còn mang lại cảm giác sảng khoái trong tâm hồn người thưởng thức.

1. Đặc điểm của cây Sâm nhung

– Cây sâm nhung: Ưa quang hợp, kỵ nước, chơi cây theo thế. Cây bonsai thuần sang môi trường nước được bố trí vào không gian sống. Đặt cây nơi cửa sổ có ánh sáng chiếu vào hoặc nơi có ánh sáng quang hợp mạnh.

2. Ý nghĩa phong thủy của cây sâm nhung

Sâm Nhung tượng trưng cho sức khỏe căng đầy, tuổi thọ dài lâu và bền vững, ổn định trên con đường danh lợi của gia chủ.

– Trong sự nghiệp: Cây mang lại may mắn, tiền tài. Giúp xua đuổi kẻ xấu hãm hại, thành công trở nên dễ dàng hơn , giữ tiền bạc của cải cho gia đình . Hơn nữa cây giúp tịnh tâm khiến tâm hồn thoải mái , thư giãn làm việc gì cũng đạt hiểu quả cao hơn.

– Trong tình cảm: Sâm Nhung như món quà trao gửi yêu thương – căng đầy sức khỏe, giúp gia tăng tuổi thọ và suôn sẻ mọi điều !

Cây Sâm Nhung hợp mạng Mộc: sẽ giúp mang lại năng lượng dồi dào và rất yên bình. Hơn nữa, cây phát lộc có nhiều đốt rỗng nên tinh thần của gia chủ cũng dễ lưu thông, tâm hồn được tự do, thăng hoa.

Cây Sâm Nhung hợp tuổi Mão: đặt đúng vị trí sẽ mang lại sức khỏe và sự may mắn, có tác dụng chiêu tài.

3. Cách chăm sóc cây Sâm nhung

Trong quá trình phát triển, cây thường thay lá, lá cây sẽ bị úa vàng, nếu bạn không ngắt bỏ thì lá sẽ rơi vào nước, làm đục nước. Do đó bạn nên thay nước cho cây từ 1-2 lần/ tuần với mực nước yêu cầu: 2/3 so với rễ cây. Việc phun sương lên lá sẽ làm lá xanh và phát triển tốt.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Trái xù xì nức tiếng Đồng Nai

Những vườn chôm chôm Long Khánh thời điểm vào mùa thu hoạch.

Gắn với trái “trái xù xì” nổi tiếng đất Đồng Nai là những câu chuyện dài về nỗ lực xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm bằng uy tín, chất lượng.

Những vườn trái bắt đầu đỏ rực đỏ với không khí vui tươi của nhà vườn mùa thu hoạch…

Vào “bảng vàng” đặc sản quốc gia

Với hơn 11.000ha, Đồng Nai là địa phương có diện tích chôm chôm lớn nhất cả nước. Hầu hết các vườn chôm chôm đều đang ở giai đoạn cây cho thu hoạch, luôn trúng mùa cho năng suất và sản lượng cao. Vào mùa thu hoạch trái, các tuyến đường ở TP Long Khánh, huyện Thống Nhất, Xuân Lộc… đâu đâu cũng thấy hình ảnh “trái xù xì”, râu mọc tua tủa đậu sai trĩu cành, rực đỏ.

Tháng 6/2016, niềm vui lớn đến với nông dân nơi đây khi Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm chôm chôm Long Khánh. Hai sản phẩm chôm chôm nhãn và chôm chôm tróc (Java) được trồng tại các xã Bình Lộc, Xuân Tân, Bảo Vinh, Bảo Quang (Long Khánh); Xuân Ðịnh, Bảo Hòa (huyện Xuân Lộc); Xuân Thiện, Quang Trung, Gia Kiệm và Gia Tân 3 (huyện Thống Nhất); xã Sông Nhạn, Xuân Quế, Bảo Bình và Xuân Bảo (huyện Cẩm Mỹ).

Đây là những địa phương có điều kiện tự nhiên đặc thù về địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng khá thuận lợi giúp nâng cao chất lượng của chôm chôm Long Khánh với tổng diện tích gần 7.000ha. Việc cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm chôm chôm Long Khánh đã đưa sản phẩm này vào “bảng vàng” đặc sản quốc gia, không chỉ góp phần khẳng định thương hiệu mà còn mở ra nhiều cơ hội về thị trường.

Trưởng ban Dân vận Thành ủy Long Khánh, Phạm Văn Hoàng phấn khởi: “Việc trái chôm chôm Long Khánh được cấp chỉ dẫn địa lý tạo điều kiện để người tiêu dùng biết rõ hơn thông tin về nguồn gốc, chất lượng và góp phần đổi mới cách nhìn của người tiêu dùng về sản phẩm”.

 

 

Những nhà vườn trồng chôm chôm Long Khánh chia sẻ kinh nghiệm với nhau.

Tuy nhiên theo ông Hoàng, đây mới chỉ là bước khởi đầu xây dựng thương hiệu mạnh cho trái chôm chôm Long Khánh, vấn đề quan trọng làm sao để nâng tầm trái chôm chôm Long Khánh giữ được chất lượng trái ngon, an toàn, để mang lại giá trị bền vững cho thương hiệu chôm chôm này.

Ông Phùng Thanh Tâm, Giám đốc HTX Nông nghiệp xã Bình Lộc chia sẻ: “Bản thân tôi cũng như nhiều bà con trồng chôm chôm rất vui khi sản phẩm chôm chôm tróc và chôm chôm nhãn đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý với thương hiệu chôm chôm Long Khánh. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có những vùng chuyên canh, trồng đại trà theo cánh đồng lớn. Do vậy chúng tôi sẽ cố gắng động viên khuyến khích xã viên quan tâm đầu tư thêm cho hai loại chôm chôm này”.

Theo ông Tâm, thời gian qua UBND thị xã Long Khánh đã hỗ trợ nông dân xây dựng mô hình điểm sản xuất chôm chôm VietGAP tại xã Bình Lộc nhưng thực tế mô hình này vẫn chưa phát triển mạnh. Do vậy, Nhà nước cần có chính sách bảo hộ cho trái chôm chôm Long Khánh, vì nếu không sẽ dẫn đến tình trạng nông dân sẽ chặt bỏ chôm chôm tróc và nhãn vì giá cả thị trường thấp, bấp bênh và không cho hiệu quả kinh tế bằng giống chôm chôm Thái.

Câu chuyện dài về ý thức sản xuất

Gắn với mỗi sản phẩm nông sản Đồng Nai đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý là những câu chuyện dài về nỗ lực xây dựng thương hiệu cho sản phẩm bằng uy tín, chất lượng.

Sản phẩm chôm chôm Long Khánh nay đã được cấp chỉ dẫn địa lý.

Năm 1991, ông Nguyễn Vĩnh Thủy là người đầu tiên trồng chôm chôm nhãn tại xã Xuân Định (huyện Xuân Lộc). Ông Thủy kể: “Những năm 1980, tôi từng đi buôn chôm chôm, thời điểm đó vùng Long Khánh rất ít người trồng được chôm chôm nhãn nên giá bán luôn cao hơn gấp 4 – 5 lần chôm chôm thường. Do vậy, tôi quyết định đầu tư mở rộng diện tích lên gần chục ha chôm chôm nhãn và để vườn phát triển tự nhiên không ép cây ra trái vụ vì cây, trái đúng mùa sẽ cho mẫu mã đẹp và chất lượng ngon nhất”.

Theo HTX Nông nghiệp, dịch vụ – thương mại Bình Lộc, trên địa bàn xã Bình Lộc, HTX có 46 hộ dân tham gia đăng ký dự án cánh đồng lớn chôm chôm theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 69 ha. Nhiều hộ đã phối hợp liên kết với các chủ vườn trong Tổ hợp tác dịch vụ vườn Bình Lộc phục vụ khách du lịch tham quan, mang lại lợi nhuận cao.

Theo ông Phùng Gia Từ, ấp 4, xã Bình Lộc, TP Long Khánh, từ khi có chỉ dẫn địa lý, nhà vườn đã tích cực đầu tư vào sản xuất theo quy trình và mở rộng các dịch vụ sinh thái phục vụ khách du lịch; đồng thời kỳ vọng đây sẽ là cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu để loại trái cây đặc sản này sẽ có giá tốt, đầu ra ổn định hơn.

Ông Phùng Thanh Tâm, Giám đốc HTX Nông nghiệp – Dịch vụ – Thương mại Bình Lộc xác nhận, từ cuối vụ thu hoạch chôm chôm 2016 đến nay, người dân đã không còn chặt bỏ chôm chôm bản địa.

HTX đã phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng cánh đồng lớn chôm chôm nhãn, chôm chôm tróc. Đồng thời, vận động xã viên tích cực tham gia sản xuất theo quy trình và liên kết với các đối tác nhằm mở rộng thị trường.

Thực tế, vẫn còn nhiều thách thức để loại trái cây đặc sản này khẳng định được vị thế của mình. Chôm chôm Long Khánh có kích cỡ trái lớn, mẫu mã đẹp, mùi vị thơm ngon đậm đà nên từng được bình chọn vào tốp 50 loại trái cây nổi tiếng nhất của Việt Nam.

Tuy là đặc sản nổi tiếng từ lâu nhưng số phận của trái chôm chôm địa phương vẫn khá long đong với đầu ra còn bấp bênh. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến trái chôm chôm Đồng Nai chưa thể đi xa.

 

Sản phẩm chôm chôm Long Khánh được đưa vào bảng vàng quốc gia.

Ông Trần Mộng Thành, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Long Khánh cho biết, hiện vùng chuyên canh chôm chôm đã hình thành và đang dần chuẩn hóa về chất lượng giống, ứng dụng KH-KT vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. TP Long Khánh đã hỗ trợ nông dân xây dựng một số mô hình điểm sản xuất chôm chôm VietGAP tại xã Bình Lộc và quy trình sản xuất sạch này đang được nông dân ứng dụng rộng rãi.

Thời gian gần đây, Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai cũng đã tổ chức các cuộc họp bàn lấy ý kiến đóng góp từ các địa phương; đồng thời cho triển khai lấy mẫu đất, nước tại các vùng trồng chôm chôm trên địa bàn để phân tích và sớm có kết quả và đưa ra giải pháp hỗ trợ các địa phương khôi phục và phát triển cây chôm chôm bản địa mới được cấp chỉ dẫn địa lý.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Vào mùa thu hoạch dong riềng

Về xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc (Hòa Bình) thời điểm này, nông dân đang rộn ràng bước vào mùa thu hoạch củ dong riềng (còn gọi là củ đót) nguyên liệu chính sản xuất miến dong.

Dong riềng năm nay được mùa được giá.

Bà con tất bật chặt cây, đào củ, đóng bao chờ xe đến thu mua. Năm nay, diện tích trồng dong riềng của xã đạt hơn 200 ha. Mùa thu hoạch củ dong riềng ở Cao Sơn bắt đầu từ tháng 11 và kết thúc trước tết Nguyên đán.

Những năm gần đây, xã Cao Sơn đẩy mạnh chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây dong riềng. Các xóm trồng nhiều dong riềng nhất là: Sèo, Sơn Phú, Nà Chiếu, Tằm. Đây là loài cây hợp vùng đất dốc và giải quyết tốt vấn đề lương thực.

Hiện, xã chủ yếu trồng giống dong riềng DR1. Đây là giống mới có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, cây cao trung bình, ít đổ, củ nạc, đồng đều, ruột trắng, phù hợp với điều kiện sinh thái nơi đây. Củ dong riềng có tỷ lệ tinh bột cao (13,5-16,4%), sử dụng để chế biến tinh bột, ăn tươi hoặc làm thức ăn gia súc. Chất lượng củ DR1 rất thích hợp cho yêu cầu chế biến tinh bột ẩm làm miến dong. Thời điểm thu hoạch vào áp tết, người trồng dong riềng phấn khởi bởi loại cây có củ này năm nay vừa được mùa, được giá.

Để cây dong riềng sinh trưởng và phát triển tốt, xã phối hợp với các ngành chức năng của huyện hỗ trợ giống, phân bón, tập huấn, chuyển giao KHKT phòng, chống sâu bệnh và chăm sóc cây trồng cho bà con. Cây phù hợp với đất núi nên phát triển tốt, cho năng suất cao, không mất nhiều công chăm sóc, sau 12 tháng cho thu hoạch, 1 ha thu được 70- 80 tấn củ tươi, với giá bán hiện nay 1.500- 1.700 đồng/kg cho thu lãi khoảng 70 triệu đồng/ha sau khi trừ chi phí.

Ngày mùa, tư thương đến tận xã thu mua về để sản xuất miến dong. Một số bà con trong xã tận dụng bã dong riềng sau khi lấy tinh bột để làm thức ăn cho trâu, bò. Hiện nay, dong riềng là một trong hai cây hàng hóa chủ lực, đóng góp quan trọng trong công tác giảm nghèo, phát triển KT-XH ở địa phương.

Ông Nguyễn Văn Chuyền, xóm Sèo cho biết: Trồng cây dong riềng không tốn nhiều công chăm sóc, giống thì có sẵn từ mùa trước để lại, chỉ tốn công thuê người lúc thu hoạch. Hiện, củ dong riềng đang được thu mua với giá tăng gấp đôi so với năm ngoái, cộng với năm nay được mùa nên nông dân rất phấn khởi. Với diện tích khoảng 4.000m2 trồng dong riềng, gia đình dự kiến năm nay thu được 40- 50 tấn củ.

Bên cạnh những thuận lợi, việc trồng cây dong riềng ở xã Cao Sơn cũng còn gặp những khó khăn như giá bán hàng năm chưa ổn định; bà con chủ yếu bán củ dong riềng tươi cho thương lái mang đi các tỉnh miền xuôi tiêu thụ, chưa tự chế biến được ra sản phẩm tinh bột; tại địa phương có 1 cơ sở sản xuất miến dong Khương Thưởng nhưng quy mô còn nhỏ nên bao tiêu sản phẩm cho người dân còn ít (mỗi năm tiêu thụ khoảng 2.000 tấn củ, trong khi số lượng dong riềng của người dân làm ra khoảng 4.000- 5.000 tấn).

Vì vậy chính quyền và người dân địa phương mong muốn các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ hơn nữa; tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư các nhà máy, xưởng bảo quản, chế biến dong riềng để tiêu thu ổn định sản phẩm đầu ra cho người dân.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Nuôi tôm thời công nghệ số

Vượt qua những sóng gió thị trường song hành cùng dịch bệnh tôm đe dọa, người nuôi tôm ở ĐBSCL dần tìm ra cách xoay xở “tiến – thoái” hiệu quả.

Trong các biện pháp, dấu ấn ứng dụng công nghệ số hóa thành điểm sáng ảo diệu mở ra con đường ngắn nhất đi tới thành công.

Giải pháp công nghệ mới

Rynan Mekong – Smart Agriculture Network mở App Store cài đặt Smart phone, đăng nhập, ứng dụng. Dân nuôi tôm hay làm ruộng vườn có thể cập nhật qua màn hình điện thoại thông minh trong lòng bàn tay. Các Icon hiển thị về quan trắc nước, quản lý thiết bị, quản lý nước canh tác, giám sát sâu rầy, bảng màu lá lúa, thương mại điện tử, giá cả thị trường…

Tôi thử chạm vào Icon mạng lưới quan trắc xem chi tiết tại một trạm quan trắc. Tại điểm Vàm Trà Vinh, vào lúc giờ – ngày – tháng – năm: Độ mặn bao nhiêu g/L, pH, mực nước, độ kiềm hay thời tiết trong ngày đều hiện rõ các chỉ số.

Một ngày cuối năm 2019, TS Nguyễn Thanh Mỹ, Tổng Giám đốc Công ty CP RYNAN Smart Fertilizers (Trà Vinh) – một Việt kiều Canada nổi tiếng sở hữu 200 bằng sáng chế, về trường Đại học Cần Thơ tham dự hội nghị khoa học “Quản lý đất và Sử dụng phân bón hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp”.

TS Nguyễn Thanh Mỹ (phải) – Mylan Group chuyển giao phao quan trắc ở tỉnh Trà Vinh.

 

Ông trình bày Ứng dụng phân bón thông minh trong canh tác nông nghiệp như mối quan tâm nhiệt thành mà ông bày tỏ khi trở về quê hương mình. Quan sát về hệ thống canh tác nông nghiệp, TS Mỹ hướng góc nhìn mới, thông qua giải pháp công nghệ ứng dụng để không chỉ giúp nông dân Trà Vinh quê ông, nông dân nội vùng ĐBSCL mà ước muốn mở rộng phạm vi địa lý rộng lớn với nhiều lĩnh vực đa ngành.

Gặp tôi, ông cười tươi kể lại ứng dụng Rynan Technologies chứng minh thành công nhất là được ngày càng nhiều nông dân dễ dàng cập nhật, ứng dụng.

Sau khi công ty của ông trao tặng, lắp đặt 2 phao quan trắc đầu tiên đặt trên sông thử nghiệm ở Trà Vinh đã góp phần giúp chính quyền địa phương và người dân nuôi tôm hay canh tác lúa, bảo vệ vườn cây trong mùa hạn – mặn gay gắt. Số lượng phao quan trắc đặt hàng và chuyển giao về các địa phương vùng ven biển.

Riêng tỉnh Trà Vinh – nơi “đại bản doanh” của Tập đoàn Mylan Group của TS Mỹ, được bố trí lắp đặt mạng lưới phao quan trắc tăng lên gần 20 phao để đáp ứng yêu cầu sản xuất và sinh hoạt cho người dân địa phương.

Nhớ ngày đầu “trình làng” Rynan Technologies – giải pháp mới “Ứng dụng công nghệ 4.0” sáng tạo của TS Nguyễn Thanh Mỹ được các nhà chuyên môn đánh giá là một trong các sản phẩm công nghệ rất cao.

Rynan Technologies tạo ra từ ứng dụng trên smartphone kết nối trực tiếp với phao quan trắc đặt dưới sông để cho bà con nông dân ở vùng cửa sông bị xâm nhập mặn theo dõi các chỉ số độ mặn, độ oxy hòa tan, nhiệt độ, độ pH…, thông tin được gửi lên hệ thống đám mây và báo kết quả cho nông dân có thể biết được khi nào độ mặn giảm đúng theo chỉ số yêu cầu để bơm nước vào ao nuôi tôm hay độ mặn giảm hơn dưới mức cho phép để bơm lấy nước ngọt bơm tưới cho cây trồng.

Những điểm sáng

Trong những năm gần đây một số trại tôm ở Sóc Trăng, Bạc Liêu tiên phong tự lực đầu tư phòng nghiên cứu bệnh tôm, phòng Lab phân tích bệnh học, phân tích, giám sát các chỉ số nước, áp dụng qui trình kỹ thuật ghi chép sổ tay quản lý tôm giống, nước cấp – ao nuôi – ao lắng lọc và xử lý nước thải.

Hệ thống dữ liệu máy tính cập nhật các chương trình quản lý thức ăn và chăm sóc, quản lý dịch bệnh đến an toàn sinh học, quy trình ngăn ngừa nhiễm bệnh và chương trình thu hoạch, quản lý sau thu hoạch… Nhờ đó kết quả thu hoạch các vụ tôm gần đây đạt cao hơn, đồng thời tỷ lệ rủi ro do dịch bệnh giảm đến mức thấp nhất.

Ba năm nay, người dân Sóc Trăng trúng mùa tôm liên tiếp nhờ ứng dụng nhiều biện pháp kỹ thuật. Một trong những điểm tạo dấu ấn chính là an toàn sinh học áp dụng triệt để trong hệ thống ao nuôi. Nghề nuôi tôm hiện còn mang tính rủi ro rất cao trước những bất lợi về thời tiết, dịch bệnh tôm diễn biến phức tạp. Khó khăn nhất là nuôi tôm vụ 2 thường gặp thời tiết bất lợi do mùa mưa.

Tuy nhiên, các trại nuôi tôm đã chủ động ứng phó bằng cách sử dụng vi sinh để làm sạch đáy ao. Đây là cách phòng bệnh tốt vì đáy ao luôn sạch, tiết kiệm được năng lượng, tăng ô xy hòa tan, tăng khả năng tiêu hóa cho tôm, đồng thời đảm bảo cấp đủ nguồn nước sạch để thay nước ao nuôi.

Trên thực tế từ những năm qua công nghệ nuôi tôm 4.0 của Tập đoàn Việt Úc đang trở thành điểm sáng. Hội đủ các điều kiện về tiềm lực vốn và chủ động hai yếu tố “sạch” tiên quyết – Là nhà sản xuất tôm giống sạch hàng đầu cùng với giải pháp kiểm soát nguồn nước tốt nhất. Việt Úc tâm huyết ứng dụng CNC vào sản xuất, thiết lập chuỗi giá trị nuôi tôm, với tham vọng nâng cao giá trị và xây dựng thương hiệu cho con tôm Việt Nam.

Tập đoàn Việt Úc đầu tư khu phức hợp nuôi tôm CNC ở Bạc Liêu. Ảnh: HĐ.

Tại thủ phủ tôm Bạc Liêu, Việt Úc là công ty đầu tiên đầu tư khu nuôi tôm trong nhà màng (nhà kính) với quy mô lớn khoảng 315ha. Mỗi nhà màng rộng 1ha, bao trùm bởi khung nhà kính không gian nhịp lớn và chứa trong đó 10 ao nuôi tôm. Chính giải pháp kỹ thuật nhà màng đóng vai trò quan trọng giúp kiểm soát môi trường ổn định và an toàn về mặt sinh học. Tôm nuôi không bị sốc nhiệt đồng thời ngăn ngừa các dịch bệnh.

Bên cạnh đó một hệ thống ao lắng lọc, siêu lọc nước bảo đảm nguồn cấp nước sạch vừa đủ nuôi tôm không hao phí. Hơn nữa Việt Úc còn đầu tư hệ thống tự động cho tôm ăn với các cảm biến, máy tính theo dõi biết mỗi khi tôm đói sẽ tự động đưa lượng thức ăn hợp lý, ưu điểm không tốn phí thức ăn thừa.

Việt Úc tự tin đầu tư khu phức hợp nuôi tôm đạt chất lượng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, bắt đầu từ nền tảng căn bản con tôm bố mẹ tạo ra tôm giống sạch. Mỗi nhà màng giá trị đầu tư 7 tỷ đồng kỳ vọng thành công nuôi tôm công nghệ cao đạt tỷ lệ 80 – 100%. Theo mô hình này có thể thả nuôi tôm mật độ khá dày, chỉ 3 tháng là có thể thu hoạch và một năm nuôi được 3 vụ, với năng suất đạt từ 150-200 tấn/ha.

Tập đoàn Việt Úc đang dự trù kế hoạch triển khai mô hình nuôi tôm CNC tại các tỉnh Bình Định và Quảng Ninh, với mục tiêu hướng tới hình thành một vùng nuôi tôm rộng lớn được kiểm soát chất lượng chặt chẽ, tạo ra sản phẩm tôm tốt nhất của Việt Nam.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

 

Cách nuôi chim chào mào

Chào Mào (Passeriformes) gồm những loài chim có kích thước vừa phải. Thường sống thành đàn, khá đông và ầm ĩ. Chào mào các loại côn trùng và hoa quả. Tổ chim hình cốc, làm trong các bụi rậm và cành cây. Có tổng 41 loài (trong đó Việt Nam đã phát hiện 23 loài)

Cách nuôi chim chào mào siêng hot:

Chào mào mới bắt về: mất 3 tháng để “trấn an”, tập cho ăn cám, bước đầu làm quen với “kiếp tù chung thân”. Giai đoạn này thì rất cực và bực, phải trùm áo lồng thường xuyên chỉ để hé 1 khe nhỏ thôi, hạn chế tối đa việc tiếp xúc với nó, hạn chế việc di chuyển , cứ để nó tự thích nghi, rồi hé dần áo lồng ra. Sau 3 tháng nó đã bắt đầu sổ đều, nhưng còn rất nhát, tuy nhiên được như thế là nó đã vượt qua thử thách lớn nhất rồi
Sau 3 tháng quân trường, nó phải làm quen với môi trường mới, chế độ ăn uống mới, bạn phải tiếp xúc với nó nhiều hơn, cho tắm nhiều hơn, treo lồng nhiều chỗ … Mỗi lần cho ăn bạn cho ăn ít thôi, để hết sạch mới cho thêm thức ăn vào, giai đoạn này tối kỵ việc để cóng cám hoặc trái cây thừa mứa trong lồng – việc này hơi khó thực hiện – con chim của bạn phải luôn luôn đói nhưng không được chết đói. Bạn phải làm cho nó hiểu là “mỗi khi bạn đến gần là chỉ để cho ăn” dần dần nó sẽ cảm thấy bạn không nguy hiểm, thậm chí nó có thể còn mừng húm khi nom thấy bạn. Làm được như vậy, thêm 3-5 tháng nữa là nó đã tương đối dạn dĩ rồi.
Một số hình ảnh đẹp về chào mào được chăm nuôi tốt
Sau quá trình trên thường thì chim sẽ thay lông, đây là thời điểm chăm sóc đặc biệt vừa cung cấp năng lượng cho đợt thay lông mất 2-3 tháng, vừa dự trữ năng lượng cho việc tập dượt, đấu đá sau khi thay lông xong. Chế độ chăm sóc chim trong thời gian thay lông thì chắc tôi không bàn thêm nữa. Sau khi xong lông (xong hẳn nhé – khi nào cho chim tắm xong khoảng 3-5 phút là khô, bóng mượt) là bắt đầu chế độ tập dượt. Lúc này nếu treo một mình thì chim của bạn đã sổ cả ngày rồi, nhưng nó cần đi thi thố tài năng, qua mỗi đợt như vậy, nết chơi của nó sẽ đa dạng dần lên, chim sẽ dữ dằn hơn, nó sẽ dần trổ hết bài mà khi đứng một mình nó không “thi triển”. Cách dượt thì cũng đơn giản, ai cũng biết rồi – là xách chim đến nhừng tụ điểm tập trung nhiều chim cùng loại. Nhưng có điều bạn lưu ý là những lần đầu đem chim đi, bạn phải tủ kín áo lồng lại, tuyệt đối không cho nó nhìn thấy chim khác, chỉ cho nghe thôi. làm như vậy khi trở về nhà nó rất xung (tất cả bài vở của nó, nó sẽ tập dượt, ôn luyện ở nhà, sau khi đi dượt về, chứ không phải ở tụ điểm dượt chim đâu) Mỗi tuần mở áo lồng cho nó nhìn ngắm chiến hữu khoảng 2 lần mỗi lần khoảng 10-15 phút là đủ nhưng phải để xa, không được xáp gần. Cứ tập dượt như vậy khoảng 2-3 tháng là em nó xung lắm lắm, thậm chí có khi nó còn bố láo hơn cả chim sành nhưng bạn phải thật kiên trì nhẫn nhịn phải giữ nguyên chế độ tập dượt như vậy tuyệt đối không cho sáp chim mà chỉ cho mở áo lâu hơn, để thời gian dượt lâu hơn dần lên thôi. Nhiều người do bị khích mà làm bể một con chim đang xung cũng vì vậy lý do là: tuy nhìn thấy chim xung vậy thôi, nhưng đó là xung xổi, khác xa với chim sành nó có tinh tướng riêng của nó. mấy ku xung xổi mới lên nhìn bố láo bố lếu thế thôi chứ bị nẹt sợ một lần là coi như đi đứt cả quá trình chăm sóc tập dượt gian khổ. Đây là thời điểm hưởng thụ của chủ chim. Ở quầy thì chim ra dáng ra giọng đấu đá, về nhà thì ức chơi đủ bài vở. Chim cứ xung như vậy mà giữ được 2-3 mùa lông thì gọi là chim sành. Lúc này thì chỉ có hưởng thụ thôi.

Cách lựa chọn chim chào mào trống đẹp hay: 

Chào mào trống và mái rất chi là giống nhau, cho nên ngay cả một tay nuôi lâu ngày đôi khi còn nhầm lẫn. Tuy nhiên ta có thể dựa vào vài chi tiết để chọn chim trống. Chim trống khác chim mái ở tướng to hơn cánh dài hơn, đầu to hơn, tách đỏ của nó to nhiều lông hơn chim mái. Mũ thường thì cao hơn chim mái, giọng hót được phong phú hơn tức là đi được từ 6-9 âm thanh dài, còn chim mái chi đi được 3-4 âm thanh lập đi lập lại hoài là: wit’ tu hìu. Muốn cho chắc ăn là chim tróng trong lưởi có chấm đen cở 3-4 chấm ở cuối lưởi là trống. Tuy nhiên đôi khi có vài cô chim mái tướng không thua chim trống cho nên rất dễ bị lộn (trường hợp này rất chi là hiếm, như 95/100 vậy).
Khi chọn chim phải chọn con chim lanh lợi, lí lắc, nhìn thấy điệu bộ lanh lẹ. Cặp ức tức là hai viền lông đen bên ngực nó. Phải to khá dài cho tới dài gần đụng nhau thì quả thật là quý hiếm. Nói về mũ, mũ chim chỉ có hai loại thường được nuôi nhiều nhất là: mũ lân và mũ rơm. Tuy nhiên mũ chim rất chi là phong phú, thấp có, cao có, to và nhỏ. Tuy nhiên chỉ có hai loại là mũ rơm tức là to đều từ gốc tới đỉnh mũ cao chọc trời thẳng đứng khá cong, và mũ lân là cong y như sừng đầu lân vậy. Cặp chân phải to dài, tướng chim đòn dài, tức là thân hình nó dài. Nói về miệng chim, miệng chim ta chọn chú miệng mỏng ngắn thì siêng hót lắm. Riêng loại ngủ đoản là phải ngắn hết mới quý như thân hình ngắn, chân ngắn, miệng ngắn, mũ cong ngắn, đuôi đều ngắn thì mới quý mà ức phải dài.
Cách tập luyện chim bổi: có hai cách nuôi từ chim bổi: đó là từ chim đã đỏ tách ngoài trời, gọi là chim trời hoặc chim bổi già, gọi là già vì đã trưởng thành má đã đỏ. Chim chuyền là chim con còn chuyền cành, và chim tơ là các chú đã bay được to xác như chim đỏ tách bộ lông còn màu xám, có nơi gọi là chim má trắng. Đánh giá về hai giống này thì: chim đỏ tách nuôi lên thường thì hay hẵn sau một năm, như giọng hót chất lượng và cách đấu đá. Riêng chúng lâu dạn hơn chim chưa đỏ tách. Chim chưa đỏ tách chỉ có cái lợi là dạn lẹ mà thôi, và sau khi thay lông thì đẹp lắm do không bay nhảy vô độ. Tính độ hay của con tơ thì cở 30% là hay còn chim đã đỏ tách thì tới 80% sau mùa thay lông thì ta có thể chơi đã lắm rồi, và đặc biệt là chim đã đỏ tách với ta nuôi cở 4 tháng đổi lên thì đã thấy chúng chịu đấu với chim lạ sung tí rồi, vì nuôi ở nhà nếu có chim mồi thì nó sợ phần nào và quen với chim ở nhà, nếu các fans nuôi một cặp thì chúng cũng quen nhau từ giọng hót và quen mặt nên ít đấu nhau. Các fans mới vào nghề nuôi, như nuôi hai con bổi mới lên mình sẽ thấy ở nhà nó đấu đá và hót rất chi bình thường cho tới khi ta nhờ bạn bè mang tới một con khác. Ta sẽ nghe chúng hót như rút giọng, hót siêng nhiều hơn, có vẻ sung hơn. Đặc biệt khi treo cho hót cở nửa tiếng sau rồi kê lồng cho đấu sẽ thấy nó đấu khác lạ.

Cách nuôi chim bổi thành chim thuần mồi:

Bắt đầu nuôi thì nên nuôi hai con, thường bổi đã đỏ tách thì khá nhát, nên ta phải treo gần người, nếu độ bay tung lồng của nó còn nhiều quá thì che bớt nữa lồng rồi từ từ thời gian mà mở dần ra. Ta cũng có thể để vào lồng hạn chế không cho tung đầu như lồng che bằng lưới ruồi, khiến nó không chui đầu ra tróc đầu chảy máu. Nếu có lở tróc đầu chảy máu thì, qua mùa thay lông miếng vảy đó sẽ tróc đi và mọc lông lên lại. Cách tập cho dạn người bằng cách treo gần chỗ người qua lại treo thấp ngang nửa thân người, khi nó ghiền ăn một món gì đó, ta nên đút cho nó ăn hơn là bỏ vào hủ đồ ăn, việc này sẽ giúp nó dạn hơn với chủ nó.

Trong thời gian nuôi cở 5 tháng đổi lên con chim phải khá dạn và hót siêng rồi. Lúc này ta nên để ý chăm nó tí, như siêng cho tắm hơn vì còn là bổi trời còn nhát lắm tuy nhiên các fans thấy cho tắm được từ ngày trước thì tốt lắm (cách cho tắm Bạch Đề sẽ xin viết sau). Ngoài việc để gần người, trong quá trình nuôi từ ngày mang về, ta nên treo nhiều chỗ, quanh nhà đặc biệt là trên cây, việc này giúp nó làm quen với chỗ lạ, mà sau này nó sẽ đấu bắt cứ nơi nào. Tránh cho đấu với chim mồi người ta nhiều(hoặc chim mồi của mình ở nhà nhiều) chỉ đôi khi kê tí mà thôi, bởi kê đấu nhiều lần như thế sẽ khiến nó sợ (bởi chim bổi chưa qua mùa thay lông không có độ sung nhất định, còn sợ người không đấu mạnh), cho dù ta nhìn nó vẫn đấu bình thường với chim mồi, nhưng không nên cho đấu lâu. Bởi rất chi là nhiều chim mồi hay mà đấu riết sau này hễ gặp đối thủ mạnh nó sẽ đấu tí là dừng đi, nên kê cho đấu với con ngang lứa với nó. Tôi nêu lên như thế vì cái này giúp cho độ sung của nó về sau này chớ không phải nhất thời thấy nó sung mà ta kê cho đấu đá vô độ.Trong thời gian nuôi, nếu nó là chim dùng để bẫy sau này thì. Hầu hết ai cũng biết là đi bẫy phải cần cây sào lồng. Mà hơn phần nửa số Chào Mào nuôi qua mùa thay lông mà ta không dùng sào tập treo lồng thì nó sẽ sợ sào, bởi ta cầm cây sao đưa tới lồng. Bản năng của nó nghĩ mình sẽ dùng xua đuổi nó. Cách tốt nhất là gác cây sào vào chỗ chắc rồi treo lồng lên theo thế như ta đang cầm sào treo lồng vậy. Treo vài lần nó sẽ quen cây sào và không sợ nữa. Rồi cứ như thế nuôi qua một mùa thay lông thì nó sẽ đẹp và hay lên, muốn biết độ sung của nó thế nào thì nhờ một người bạn mang chim mồi lạ tới treo cho hót xem nó phản ứng thế nào. Chào Mào mà nghe giọng chim là nó hót đối lại sung lắm, và chim hay thì sẽ rút như vít vít vít liên hồi đó là thế kêu chim về lại lồng, mà ngoài rừng khi đi bẫy, chim trời tới lồng rồi bay thì nó sẽ rút như thế. Khi kê cho đấu thấy độ sung của nó đấu mạnh cách nhấp liên hồi, trận đấu kéo dài thì đã thành công rồi, còn nếu nó chưa sung lắm thấy đấu tí rồi ngừng thì đem ra khuất ngay. Treo cho hót qua lại và tiếp tục thử lại vài lần với thời gian cũng phải hơn 2 tuần. Các fans vẫn có thể mang đi thử, theo tôi thì nếu nuôi đúng một năm thì có thể cho đi tập trận rồi, tức là mang tới chỗ dợt treo cho hót, nhưng phải khuất không cho nhìn thấy chim khác. Cách tôi hay dùng là nuôi qua năm(một mùa thay lông) là mang đi bẫy tập trận cho nó vào mùa chim tơ. Ra rừng mới đầu thì chưa sung chớ đi vài lần nó sẽ sung hẵn lên, hay lên thấy rõ.

Và rồi trong thời gian trôi qua, ta chợt thấy chú chim ta chăm đã gọn đẹp lông lá mướt, đấu đá và hót hay, thì lúc đã ta tự thưởng có chính mình một cái gật đầu mãn nguyện. Cho nên nhiều dân nuôi rành chim vẫn thích tìm lùng chim bổi nuôi lên, vì có nhiều lý do, như nó có nhiều kỷ niệm với ta, công sức ta chăm nó, có thử thách, và tràng đầy nghệ thuật khi nuôi một con chim bổi thành mồi.
Một số điểm lưu ý khi nuôi chim chào mào:

-Lồng:Bạn nên mua loại lồng cao,to hoặc loại lồng nhỡ mái bằng cũng đẹp.Đừng nuôi lồng qus bé kẻo chim ít được nhảy nhót sẽ yếu chân lâu dần chim kém hoạt bát và sẽ chết.Bạn mới nuôi lại nên theo mình bạn nuôi lồng vác thôi là hợp lí nhất(về sau pro hơn thì lên đời lồng Tàu sau).Lồng vác bạn bỏ ra tầm 250 – 300k là có 1 cái chơi tầm mấy năm ko phải suy nghĩ rồi
-Thức ăn:bạn ra Tăng Bạt Hổ mua tầm 5 lạng cám chào mào cho ăn dần,hết lại mua tiếp 15k/lạng
-Chế độ chăm sóc:+ Lúc nào bạn cũng nên cho đầy 2 cóng cám và 1 cóng nước,lồng phải vệ sinh hàng ngày,nước thay hàng ngày
+ Hoa quả:Chào mào là loại thích ăn hoa quả chúng ăn rất nhiều loại:táo tầu,dưa hấu,khế,chuối,ớt,đu đủ…Nhưng loại quả mà chúng thik nhất là táo Tầu.Ngày nào bạn cũng nên có hoa quả cho chim ăn.
+ Mồi tươi: Châu chấu,dế,sâu quy,giun…thỉnh thoảng bạn nhớ cho chim ăn nhé.
+ Tắm táp:Mùa hè:Ngày nào bạn cũng nên cho chim tắm,nếu bận thì cách ngày tắm 1 lần.Mùa đông thì tuần tắm 1,2 lần thôi bạn nhớ pha thêm nước ấm nhé.Nước tắm bạn cho vài hạt muối và cẩn thận vát 1,2 giọt chanh vào để diệt giận mạt trên lông.
-Chỗ mua: Nhà mình ở Hoàng Hoa Thám,bạn có thể lên đó vào các ngày phiên chợ Bưởi 4-9-14-19-24-29 âm lịch và t7,CN hàng tuần sẽ có các hàng bán chim tại ngã 3 Văn Cao gần sân quần ngựa(Chú ý đoạn này đang làm đường bạn nhé).Bạn lên đó chọn lồng Vác và chào mào bổi về nuôi.CM bổ tầm 60k,ko bạn mua tầm 100k ăn cám rồi,hót bét nhè rồi.Mua của các bác buôn chim từ quê lên nên sẽ rẻ hơn ở các tiệm chim.Ko thì ngày thường bác vào các cửa hàng trên đương HHT cũng được nhưng giá đắt hơn.Bạn nhớ phải chọn chim đực mà nuôi nhé

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Kỹ thuật chọn và nuôi rắn hổ trâu (ráo trâu)

1. Tên gọi: Thuộc loài rắn hổ, tên khoa học là Ptyas Mucosus, là loài rắn nằm trong sách đỏ Việt Nam * Miền Đông gọi rắn Long Thừa * Miền Tây hổ hèo * Miền Trung rắn ráo trâu * Miền Bắc rắn hổ trâu * Tên chung : hổ vện vì trên mình nó có nhiều vằn vện. * Thuộc loài: rắn không độc, nguy hiểm, có nhiều công dụng trong y học, nhất là sản xuất thuốc chữa bệnh

2. Chuồng Nuôi: Có nhiều dạng 
2.1 Chuồng Lưới:  
Rắn nái nên làm chuồng bằng kệ gỗ đặt cách ly khu nuôi chuồng lưới, chuồng được chia thành nhiều ngăn (giống ngăn đựng thuốc bắc), ngăn nuôi 2 con”. Thiết kế kỹ thuật chuồng lưới như sau:

* Diện tích chuồng: 2m x 1m x 1,2m (Dài X Rộng X Cao) / nuôi 30 đến 50 con
* Cửa chuồng làm ngang bên hông để tiện vệ sinh, Có vỉ tre để rắn nằm
* Mặt trên của chuồng lợp bằng lưới sắt nhỏ

2.2 Chuồng nuôi bán thiên nhiên: 

Rắn nái nên làm chuồng bằng kệ gỗ đặt hai bên vách trong khu chuồng nuôi . Chuồng được chia thành nhiều ngăn (giống ngăn đựng thuốc bắc), mỗi ngăn 1 con rắn mang trứng. Thiết kế kỹ thuật chuồng bán thiên nhiên như sau:
* Diện tích chuồng: 2m x 2,5 đến 3m x 2,2m (ngang X dài X cao) / nuôi 100 đến 150 con
* Sân chơi: 1.8m, X 1m (ngang X dài) , Tạo 3 lỗ ống 90 để rắn tự chui ra sân tắm nắng và uống nước
* Chuồng xây kín có trần , vách trường ngăn với khu ăn và nghỉ, , Mặt sàn đất lồi lõm tạo chỗ trũng để rắn tự vệ sinh, Đặt sàn hoặc vỉ gỗ giống balet 1,5 m2 X 1.5 m2 , Xếp 3 hoặc 4 tầng cách nhau 10cm mỗi tầng để rắn nằm không đè lên nhau, Có thể nâng số sàn để tăng mật độ nuôi
* Bên trên phủ lá Dừa khô hoặc đắp chăn mền cho rắn khi trời lạnh
* Kỹ thuật chuồng nuôi này rất gần với tập tính của rắn nên rắn dễ thích nghi và phát triển đồng đều hơn

3.3 Chuống rắn đẻ:
– 30 cm x 40 cm x 60 cm (ngang X Cao X độ sâu). Bằng kệ gỗ hoặc xây gạch, nên để 1 con / ngăn để trứng rắn không bị đè móp
– Rắn con: nuôi dưỡng và tập cho rắn ăn mồi chết . Dùng nhiều thùng khoét lỗ để rắn bò ra ăn
– Vị trí chuồng: đặt nơi có mái che hoặc tận dụng các gian nhà trống để nuôi, chỗ đặt chuồng phải đảm bảo thông thoáng, sạch sẽ, chống gió lạnh, nên lấy ánh nắng buổi sáng cho cửa chuồng
–    Rắn rất dễ gần nếu như đã quen hơi với người nuôi. Đặc biệt khi cho rắn ăn phải mang đủ các thiết bị  phòng hộ, nhất là không uống rượu khi vào chuồng, rắn lạ hơi gây kích ứng cho rắn.
–    Không đưa mồi vào chuồng một lúc vì không kiểm tra được khẩu phần ăn và dư thừa thức ăn gây  tốn kém và gây ô nhiễm. Đặc biệt rắn trưởng thành không đồng đều và nuốt nhau
–    Trong quá trình nuôi, phải thường xuyên phân loại rắn vì lý do: Ngăn ngừa rắn ăn nhau, tránh thất thoát, phát hiện kịp thời và cách ly rắn Bệnh để điều trị

3. Thức ăn :
– Thức ăn chính của chúng là cóc, nhái và ăn rất sạch, con mồi phải còn sống. Hơn nữa, rắn chỉ ăn khoảng 2-3 lần trong 1 tuần. số lượng thức ăn tăng dần theo tuổi. Nên tập cho rắn ăn mồi chết từ nhỏ để thuận tiện trong việc chăm sóc
– Bắt mồi bằng cách đớp, ngoạm, răng cong vào trong nhờ cấu tạo của xương hàm mở rộng nên có thể nuốt được những con mồi lớn.
– Thức ăn cho rắn không được cho vào nhiều, mà phải để trên khay kim loại để khi đói rắn có thể bò ra ăn
– Nước uống: tốt nhất nên cung cấp đầy đủ nước sạch và mát cho rắn uống và tắm tự do. Trong chuồng cần đặt vật chứa nước cho rắn tắm và uống, phải thay nước hàng ngày.Nên đặt bóng đèn trong chuồng rắn, nhằm tạo cho rắn thích nghi với ánh sáng và tạo nhiệt độ ấm cho rắn (nếu vào mùa đông)

4 . Chọn và chăm sóc rắn sinh sản:
Việc chọn giống rắn làm bố mẹ rất quan trọng và ảnh hưởng lớn đến chất lượng sau này. trước hết phải phân biệt con đực và con cái bằng cách quan sát bên ngoài:
* Rắn đực: thân hình gần giống tam giác, đuôi to, bụng trắng
* Rắn cái: thân hình tròn, màu sắc bóng mượt , nhiều viền đen hai bên dưới bụng kết dính liền nhau
– Rắn đực và rắn cái phải khác dòng để khi lai tạo tránh trùng huyết
– Rắn cái cho uống thuốc tạo kháng thể cho trứng: 2ml – 3ml / 1 kg thể trọng ( 2 tuần trước khi phối)
– Quá trình sinh trưởng phát triển của rắn phải trải qua những lần lột da, thời gian rắn thay da khoảng 15-20 ngày và tiếp tục thay da trong suốt quá trình rắn lớn, một con rắn cái từ lúc nở đến lúc sinh sản từ 9 -10 tháng tuổi. Sau khi thay da nếu được cung cấp thức ăn đầy đủ, chăm sóc nuôi dưỡng tốt, tốc độ tăng trưởng của rắn có thể tăng nhanh hơn 2-3 lần.
– Chọn lựa rắn giống đề đảm bảo tỷ lệ nở cao, có thể nuôi ghép 2 đến 3 con rắn đực với 10 con rắn cái
– Thời gian rắn đẻ sau khi phối giống khoảng 30 đến 35 ngày. Một con cái có thể đẻ từ 12 – 21 trứng

5. Kỹ thuật ấp trứng
– Dụng cụ ấp trứng: một cái lu, lấy đất có độ ẩm 25-30 độ bỏ vào ½ lu, sau đó xử lý thật chặt, tiếp theo rãi thêm 01 lớp cát trải mỏng rồi bỏ trứng rắn vào, dùng bao hoặc vải bịt miệng lu lại, khoảng 65 – 75 ngày sau rắn tự nở.
– Khi ấp trứng cần kiểm tra trứng vài lần, nếu thấy các quả trứng to đều, trắng, khô ráo là trứng tốt, những quả vỏ xỉn vàng là trứng hỏng phải loại bỏ ngay
– Nhiệt độ thích hợp trứng nở 280C – 300C. Lưu ý trong thời gian ấp phải có nhiệt kế để theo dõi.
* Trời nóng: tưới nước vào cát hoặc quạt gió để hạ bớt nhiệt độ
* Trời lạnh: dùng bóng điện thắp sáng để tăng nhiệt
– Sau khi nở 3 ngày, bắt đầu cho ăn ếch con (nòng nọc)
– Sau 15 ngày là có thể xuất bán giống
– Ấp theo phương pháp này, tỷ lệ trứng nở đạt từ 90 – 95%, ấp tốt nở 98%

6. Kỹ thuật nuôi rắn con
– Rắn con mới nở thả vào chuồng úm (có khăn sạch để giữa ấm, nên thay khăn 2 ngày 1 lần). Cho uống nước khoảng 7 ngày sau rắn thay da, khi rắn thay da thả nhái nhỏ vào để rắn ăn, trung bình 50 con rắn con 01 tháng tuổi mỗi ngày ăn khoảng 0,5kg nhái con.
– Rắn 8 tháng tuổi có trọng lượng từ 1,2kg trở lên thì mới đẻ nhiều trứng

7. Quản lý chăm sóc, phòng trị bệnh
Quản Lý trại nuôi:
– Vệ sinh chuồng trại, thường ngày phải dọn phân trong chuồng, số phân hàng ngày thải ra không nhiều, phân thường khô, ít mùi hôi. Phân có mùi hôi hoặc phân lỏng có dịch nhầy: rắn đã nhiễm bệnh
– Rắn ít bị bệnh. Tuy nhiên, biện pháp phòng bệnh tổng hợp cho rắn là biện pháp tốt nhất: chăm sóc nuôi dưỡng tốt, ăn uống sạch sẽ, thức ăn đảm bảo thành phần và giá trị dinh dưỡng, chuồng trại luôn sạch sẽ, không lầy lội, không nóng quá, lạnh quá, tránh ruồi nhặng và các loại côn trùng khác gây hại
Phòng bệnh: Rắn là lòai ăn mồi sống vì vậy biện pháp phòng bệnh đặc biệt quan trọng trong quá trình nuôi ,phải đảm bảo uống thuốc phòng định kỳ và cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho rắn theo qui trình
– Sát khuẩn chuồng trại
– Phòng bệnh bằng liệu đồ kháng sinh / tháng 1 lần / 50% liều điều trị
1. Hội chứng Xuất Huyết Sình Hơi , trụy tim
2. Viêm Phổi Cộng Đồng
3. Xổ sán lải
– Chế độ dinh dưỡng cho ăn kết hợp De200f và Vitamine tổng hợp
– Tắm nắng thường xuyên

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Xây dựng mô hình sản xuất xoài và nhãn theo VietGAP

Ngày 19/12, Viện Cây ăn quả miền Nam (Sofri) tổ chức hội thảo tổng kết Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất xoài và nhãn theo VietGAP ở vùng Nam Bộ phục vụ xuất khẩu”. 

Theo Viện Sofri, diện tích cây ăn quả các tỉnh phía Nam hiện đạt trên 596.000.000 ha, chiếm 56% diện tích cả nước, trong đó vùng ĐBSCL có khoảng 347.614.900 ha.

Nhờ ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi giống cây trồng, sản xuất chuyên canh, thâm canh đã giúp năng suất và sản lượng một số loại cây ăn trái phía Nam đạt trên 4,6 triệu tấn, chiếm 62% sản lượng cả nước; trong đó ĐBSCL đạt hơn 3 triệu tấn.

GS.Nguyễn Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Sofri phát biểu khai mạc.

Đối với cây nhãn được trồng tập trung tại các tỉnh BR-VT, Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp; xoài trồng tập trung tại các tỉnh Đồng Nai, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp. Cả hai loại trái này đều có nhiều tiềm năng trồng rải vụ để phục vụ xuất khẩu hiệu quả.

TS.Lê Quốc Điền, Giám đốc trung tâm chuyển giao tiến bộ kĩ thuật – Viện Sofri, kiêm Chủ nhiệm Dự án cho biết: “Dự án được triển khai từ năm 2017-2019, khoảng 80 hộ dân tại 6 tỉnh vùng ĐBSCL tham gia thực hiện, với 160 ha nhãn, xoài 200 ha. Đến nay, cả hai loại trái xoài và nhãn đều mang lại hiệu quả kinh tế và thu nhập cao cho nông dân”.

TS.Lê Quốc Điền, Chủ nhiệm Dự án kiểm tra các vườn cây trái ứng dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất.

Theo TS. Điền, thông qua dự án, nông dân được ứng dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật thâm canh xoài, nhãn theo quy trình VietGAP, giúp hàng trái đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Dự án cũng đã xây dựng các mô hình tổ chức sản xuất, quản lý tạo liên kết giữa các doanh nghiệp xuất khẩu với nông dân theo chuỗi giá trị sản phẩm xoài, nhãn xuất khẩu vào thị trường Úc, Mỹ, Nhất, Newzealand…

Nhà vườn thu hoạch xoài trong vùng dự án.

Kết quả từ dự án đã làm thay đổi tư duy sản xuất cho nông dân, ghi chép nhật ký rất đầy đủ. Nông dân áp dụng tốt kỹ thuật tỉa cành tạo tán, xử lý ra hoa thành công, tiến hành đồng bộ bao trái xoài từ 30% ban đầu đến tỉ lệ đạt 100% khi tham gia vào dự án. Thông qua tập huấn, nông dân đã nắm bắt được kỹ thuật quản lý tốt các nhóm sâu bệnh kiểm dịch xuất khẩu.

Nhân rộng mô hình dự án trồng xoài.

Dự án kết thúc, các địa phương bắt đầu cho nhân rộng các mô hình hiệu quả từ trong dự án này. Viện Sofri vẫn tiếp tục hỗ trợ tập huấn kỹ thuật cho nông dân các tỉnh nhằm giúp nông dân nắm bắt cập nhật được các kỹ thuật mới trong sản xuất và thông tin thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam